ỦY BAN
NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
******
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số: 21/2007/CT-UBND
|
TP. Hồ Chí Minh,
ngày 27 tháng 07 năm 2007
|
CHỈ THỊ
VỀ TRIỂN KHAI THỰC
HIỆN LUẬT CƯ TRÚ VÀ CÁC QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ ĐĂNG KÝ VÀ QUẢN LÝ CƯ TRÚ
TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Thi hành Luật Cư trú ngày 29 tháng 11 năm 2006, Nghị định số
107/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ, quy định chi tiết và
hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Cư trú và Thông tư số
06/2007/TT-BCA(C11) ngày 01 tháng 7 năm 2007 của Bộ Công an.
Căn cứ đặc điểm tình hình và công tác thực tế về đăng ký, quản
lý cư trú của thành phố; Ủy ban nhân dân thành phố chỉ thị:
1. Hội đồng Phối hợp công tác, phổ biến, giáo dục pháp luật
của thành phố và quận - huyện:
Tổ chức tuyên truyền Luật Cư trú, Nghị định số 107/2007/NĐ-CP
của Chính phủ và Thông tư số 06/2007/TT-BCA(C11) của Bộ Công an (đã nêu trên)
cho các ngành, các cấp và nhân dân thành phố thông suốt và thống nhất thực hiện
theo đúng quy định của pháp luật về cư trú trên địa bàn thành phố.
2. Công an thành phố:
a) Hướng dẫn và chỉ đạo Công an quận - huyện tổ chức thực hiện
công tác đăng ký và quản lý cư trú thống nhất trên địa bàn thành phố; không
được đặt ra thêm các quy định, thủ tục khác gây phiền hà đối với nhân dân.
b) Khảo sát, dự báo số lượng công dân đủ điều kiện đăng ký
thường trú, tạm trú và nơi tập trung đông người lưu trú của từng quận - huyện
để chuẩn bị: nơi tiếp công dân, trang bị các điều kiện, phương tiện cần thiết
phục vụ cho công tác tiếp công dân, giải quyết đăng ký thường trú, tạm trú và
tiếp nhận thông báo lưu trú, khai báo tạm vắng… bảo đảm cho người dân được
thuận lợi và dễ dàng.
c) Chủ trì, phối hợp với các sở - ngành liên quan xây dựng kế
hoạch tổ chức triển khai thực hiện Luật Cư trú, tập huấn nghiệp vụ về Luật Cư
trú và các quy định có liên quan cho cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng, nhất là
lãnh đạo Công an quận - huyện, phường - xã - thị trấn, lực lượng trực tiếp làm
công tác đăng ký, quản lý cư trú và những người tham gia công tác đăng ký
thường trú, tạm trú, lưu trú, tạm vắng tại các khu dân cư; bồi dưỡng nâng cao
nhận thức pháp luật, ý thức phục vụ nhân dân, nhằm đáp ứng nhanh yêu cầu cải
cách hành chính, chống quan liêu, gây phiền hà, sách nhiễu nhân dân trong công
tác đăng ký, quản lý cư trú.
d) Lập kế hoạch đề nghị Bộ Công an cung cấp đầy đủ các biểu
mẫu về đăng ký, quản lý cư trú, sổ tiếp nhận lưu trú, các giấy tờ khác về cư
trú theo quy định mới của Luật Cư trú; tổ chức in ấn các loại tài liệu biểu mẫu
theo quy định của Bộ Công an về đăng ký, quản lý cư trú; thông báo rộng rãi và niêm
yết công khai về trình tự, thủ tục đăng ký và cấp sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, thời
gian giải quyết và lệ phí trong công tác đăng ký thường trú, tạm trú; địa điểm
và số điện thoại tiếp nhận thông báo lưu trú để nhân dân biết, thực hiện.
đ) Kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí đầy đủ cán bộ có năng lực,
phẩm chất đạo đức tốt, làm công tác đăng ký, quản lý cư trú; chấn chỉnh tác
phong làm việc, tiếp dân, kiên quyết xử lý nghiêm những cán bộ làm công tác
đăng ký, quản lý cư trú có hành vi sách nhiễu, gây phiền hà cho cơ quan, tổ
chức và nhân dân; cải tiến phương pháp làm việc, bảo đảm công tác quản lý cư
trú với trình tự, thủ tục đăng ký thường trú, tạm trú đúng quy định, kịp thời,
chính xác, công khai minh bạch; giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân
liên quan đến cư trú, quản lý cư trú theo đúng quy định của pháp luật.
e) Thực hiện việc đăng ký và cấp sổ hộ khẩu, sổ tạm trú nhanh
chóng, thuận tiện cho những người có đủ điều kiện theo quy định của Luật Cư trú.
g) Chủ động nghiên cứu, đề xuất với Bộ Công an, Ủy ban nhân
dân thành phố tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất, đảm bảo phục vụ tốt cho hoạt
động đăng ký, quản lý cư trú, quản lý cơ sở dữ liệu thông tin về trước mắt và
lâu dài.
h) Chủ trì phối hợp với Sở Tư pháp biên soạn tài liệu tuyên
truyền, phổ biến, hướng dẫn thi hành Luật Cư trú cho cán bộ, công chức và nhân
dân với nội dung rõ ràng, dễ hiểu, đảm bảo cho việc thực hiện được thống nhất
trên toàn thành phố.
i) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan mở
hội nghị triển khai Luật Cư trú, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Cư trú và
nội dung Chỉ thị này cho các sở - ngành, Ủy ban nhân dân quận - huyện, phường -
xã - thị trấn quán triệt, thống nhất trong việc xác nhận các yêu cầu của công
dân có liên quan đến đăng ký và quản lý cư trú.
3. Thủ trưởng các sở - ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận
- huyện, phường - xã - thị trấn:
Có trách nhiệm rà soát ngay các văn bản pháp luật, thủ tục
hành chính có liên quan đến hộ khẩu thuộc lĩnh vực cơ quan, đơn vị mình phụ
trách; đánh giá và đề xuất xử lý các quy định, thủ tục hành chính có lạm dụng
về hộ khẩu làm hạn chế quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, gửi về Sở Tư pháp
tổng hợp trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định cuối quý III năm
2007.
Phối hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến và triển khai thi hành
Luật Cư trú, tiến hành kiểm tra, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật và các
văn bản khác trong lĩnh vực quản lý của mình có liên quan đến quy định về hộ
khẩu để sửa đổi, bãi bỏ hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi hoặc bãi
bỏ những nội dung trái với Luật Cư trú và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật
Cư trú.
4. Sở Tư pháp:
a) Phối hợp với Công an thành phố biên soạn, phát hành tài
liệu tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thi hành Luật Cư trú cho cán bộ, công
chức và nhân dân với nội dung rõ ràng, dễ hiểu, đảm bảo cho việc thực hiện Luật
Cư trú được thống nhất.
b) Chủ trì, phối hợp với Công an thành phố kiểm tra, hướng dẫn
các sở - ngành thành phố, Ủy ban nhân dân các cấp rà soát các văn bản quy phạm
pháp luật hoặc các văn bản của các ngành và địa phương liên quan đến quy định
về hộ khẩu hoặc các quy định khác trái với Luật Cư trú để kiến nghị cơ quan có
thẩm quyền sửa đổi hoặc bãi bỏ.
c) Tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố xem xét cấp giấy chứng
nhận có quốc tịch Việt Nam đối với các trường hợp công dân Việt Nam ở nước
ngoài được về nước thường trú.
5. Sở Xây dựng:
Đẩy nhanh tiến độ cấp số nhà, thống nhất với Công an thành phố
để giải quyết các trường hợp chỗ ở xác định hợp pháp nhưng không kịp cấp số nhà
để giải quyết đăng ký thường trú, tạm trú cho công dân; Hướng dẫn cho Ủy ban nhân
dân quận - huyện chỉ đạo Ủy ban nhân dân phường - xã - thị trấn việc xác nhận
tình trạng nhà đối với 05 loại nhà không được đăng ký thường trú.
6. Sở Tài nguyên và Môi trường:
Phối hợp Sở Văn hóa và Thông tin, Ủy ban nhân dân quận - huyện
thông báo các địa điểm: cấm xây dựng; mốc giới bảo vệ công trình hạ tầng kỹ
thuật; mốc giới bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa đã được xếp hạng; khu vực đất
công mà dân đã lấn chiếm xây dựng nhà trái phép; khu vực đã có quyết định thu
hồi đất; khu vực đang có tranh chấp khiếu kiện về quyền sử dụng chưa được giải
quyết;... (các nội dung quy định nhà ở không được đăng ký hộ khẩu liên quan
chức năng của mình).
7. Sở Văn hóa và Thông tin:
Phối hợp với Công an thành phố, Sở Tư pháp hướng dẫn các cơ
quan báo chí, phát thanh, truyền hình ở địa phương tuyên truyền rộng rãi Luật
Cư trú và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Cư trú để các cơ quan, tổ chức,
công dân thông hiểu và thực hiện đúng quy định.
8. Sở Giao thông - Công chính:
Phối hợp Ủy ban nhân dân quận - huyện thông báo các bến đậu
của tàu, thuyền trên địa bàn thành phố đã được cấp phép để hướng dẫn đến từng
hộ gia đình, cá nhân sử dụng tàu, thuyền, phương tiện khác nhằm mục đích để ở,
sinh hoạt.
9. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:
Phối hợp với Công an thành phố hướng dẫn các cơ sở bảo trợ xã
hội thực hiện việc đăng ký thường trú, tạm trú, thông báo lưu trú cho người
được tiếp nhận nuôi dưỡng tại cơ sở.
10. Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố:
Phối hợp với Công an thành phố hướng dẫn việc đăng ký, quản lý
cư trú đối với người đang làm nghĩa vụ quân sự, sỹ quan, hạ sỹ quan, quân nhân
chuyên nghiệp, công chức, công nhân cư trú tại đơn vị đóng quân; hướng xử lý số
vi phạm Luật Nghĩa vụ quân sự (đào ngũ, chống lệnh,...) để giải quyết đăng ký
thường trú theo quy định.
11. Sở Tài chính:
a) Phối hợp với Công an thành phố, Sở Tư pháp, Sở Kế hoạch và
Đầu tư, các ngành liên quan khác và Ủy ban nhân dân quận - huyện đảm bảo kinh
phí cho việc triển khai thực hiện Luật Cư trú trong dự toán chi thường xuyên
hàng năm. Riêng trong năm 2007, Sở Tài chính phối hợp với Công an thành phố và
Sở Tư pháp có dự trù cụ thể trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định
cấp bổ sung để đảm bảo cho việc triển khai thực hiện Luật Cư trú trên địa bàn
thành phố.
b) Chủ trì phối hợp với các ngành liên quan nghiên cứu đề nghị
cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định về lệ phí đăng ký cư trú cho
phù hợp với Luật Cư trú; cung cấp biên lai thu lệ phí, hướng dẫn và kiểm tra
việc thu lệ phí theo quy định.
12. Sở Nội vụ:
Đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố ra quyết định thành lập Tổ
công tác liên ngành theo đề nghị của Công an thành phố để khảo sát việc thực
hiện một số nội dung cần thiết liên quan đến thực hiện Luật Cư trú.
13. Ban Tôn giáo - Dân tộc:
Ban Tôn giáo - Dân tộc thành phố phối hợp với Công an thành phố
hướng dẫn các cơ sở tôn giáo về việc đăng ký thường trú, tạm trú, thông báo lưu
trú tại các cơ sở.
14. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố:
Hướng dẫn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc quận - huyện tổ chức tuyên
truyền vận động trong nhân dân về việc thực hiện Luật Cư trú; Giám sát
việc tổ chức thực hiện Luật Cư trú.
15. Đề nghị Tòa án nhân dân thành phố:
Kiến nghị Tòa án nhân dân Tối cao xem xét hướng dẫn việc trao
đổi thông tin giữa Tòa án quận - huyện với Công an quận - huyện về nhà bị kê
biên, tịch thu để thi hành án; người bị Tòa án áp dụng hình phạt cấm cư trú;
người bị kết án phạt tù nhưng chưa có quyết định thi hành án, được hưởng án
treo hoặc đang được hoãn thi hành án phạt tù; người đang bị quản chế…
16. Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận - huyện:
a) Chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước về cư trú tại địa phương
mình; chỉ đạo các phòng chức năng và Ủy ban nhân dân phường - xã - thị trấn
thực hiện việc chứng thực các loại giấy tờ xác nhận chỗ ở hợp pháp cho công dân
theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 107/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 6 năm
2007 của Chính phủ, không gây phiền hà cho nhân dân.
b) Thông báo và hướng dẫn kịp thời Công an quận - huyện những
tình hình có liên quan đến việc thực hiện Luật Cư trú.
c) Tổ chức triển khai việc quản lý Nhà nước về cư trú tại địa
phương theo quy định của Luật Cư trú và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Cư
trú theo phân cấp.
d) Bố trí cán bộ có đủ năng lực, phẩm chất đạo đức tốt, làm
công tác đăng ký, quản lý cư trú ở phường - xã - thị trấn; bảo đảm trình tự,
thủ tục đăng ký thường trú, tạm trú đơn giản, kịp thời, chính xác, công khai
minh bạch theo đúng quy định của Luật Cư trú và các văn bản hướng dẫn thi hành
Luật Cư trú.
đ) Giải quyết kịp thời kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công
dân liên quan đến cư trú, quản lý cư trú theo quy định của pháp luật; kịp thời
xử lý những cán bộ, công chức, viên chức có hành vi sách nhiễu, gây phiền hà
cho cơ quan, tổ chức và nhân dân.
e) Tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật và các văn
bản khác thuộc phạm vi quản lý liên quan đến quy định về hộ khẩu, kịp thời đề
nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi hoặc bãi bỏ những nội dung trái với Luật Cư
trú và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Cư trú.
g) Không được tự ý ban hành thêm quy định, thủ tục, đặt ra
việc thu phí, lệ phí không đúng quy định trong Luật Cư trú và các văn bản hướng
dẫn thi hành Luật Cư trú.
17. Tổ chức thực hiện: Trong quá trình thực hiện phải
chú trọng nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước, tích cực cải tiến thủ tục hành
chính, từng bước ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác đăng ký và quản lý cư
trú, tạo mọi thuận lợi cho người dân nắm chắc được các biến động về hộ, nhân
khẩu nhằm phục vụ có hiệu quả cho công tác giữ vững an ninh chính trị - trật tự
an toàn xã hội, xây dựng quy hoạch - kế hoạch phát triển kinh tế - văn hóa - xã
hội của thành phố.
Yêu cầu Thủ trưởng các sở - ngành thành phố và Chủ tịch Ủy ban
nhân dân các cấp khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị này và thường
xuyên báo cáo kết quả thực hiện theo quy định.
Giao Giám đốc Công an thành phố theo dõi, chỉ đạo, hướng dẫn
và kiểm tra việc triển khai thực hiện công tác đăng ký, quản lý cư trú thống
nhất trên địa bàn thành phố và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố theo
định kỳ.
Chỉ thị này thay thế Chỉ thị số 32/2005/CT-UBND ngày 21 tháng
11 năm 2005 của Ủy ban nhân dân thành phố và có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ
ngày ký./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Công an;
- Cục Kiểm tra Văn bản-Bộ Tư
pháp;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực Hội đồng nhân
dân thành phố;
- Thường trực Ủy ban nhân
dân thành phố;
- Văn phòng Thành ủy và các
Ban Thành ủy
- Ủy ban MTTQ và các đoàn
thể TP;
- Các sở - ngành thành phố;
- UBND các quận - huyện;
- Viện Kiểm sát nhân dân
thành phố;
- Tòa án nhân dân thành phố;
- Báo, Đài thành phố;
- VPHĐ-UB: CPVP;
- Các Phòng Chuyên viên;
- TT Lưu trữ; TT Công báo;
TT Tin học;
- Lưu:VT, (NC-P)
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
THƯỜNG TRỰC
Nguyễn Thành Tài
|