CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG ******** |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ******** |
Số: 122-CT |
Hà Nội, ngày 12 tháng 5 năm 1982 |
CHỈ THỊ
VỀ CÔNG TÁC ĐỐI VỚI ĐỒNG BÀO KHƠ-ME
Ban bí thư Trung ương đã ra Chỉ thị số 117-CT/TƯ ngày 29-9-1981 về công tác đối với đồng bào Khơ-me. Để thực hiện chỉ thị của Ban bí thư, Hội đồng Bộ trưởng yêu cầu các Bộ, các ngành có liên quan ở Trung ương và Uỷ ban nhân dân các tỉnh có đồng bào Khơ-me cư trú tiến hành ngay một số công tác trước mắt sau đây:
1. Hiện nay trong nông dân lao động Khơ-me còn một số người không có ruộng đất hoặc thiếu ruộng đất sản xuất, đời sống còn nhiều khó khăn. Uỷ ban nhân dân tỉnh tiếp tục vận động đồng bào đi vào làm ăn tập thể, nơi chưa điều chỉnh ruộng đất và tổ chức hợp tác hoá thì tiến hành điều chỉnh ruộng đất và tổ chức hợp tác hoá để mọi nông dân lao động đều có ruộng đất cày cấy.
Ở những nơi trước đây do hoàn cảnh xã hội cũ mà đồng bào phải ở chen chúc theo các giồng đất, theo chùa và thị tứ, thị trấn, với mật độ dân cư quá đông, không đủ ruộng đất để sản xuất sinh sống thì có kế hoạch điều chỉnh dân cư trong địa phương tổ chức khai hoang xây dựng các vùng kinh tế mới hoặc thu hút đồng bào vào các nông trường quốc doanh.
Các địa phương cần nghiên cứu để cho nhà chùa một số ruộng đất hợp lý theo đúng chính sách ruộng đất của Nhà nước để sư sãi tự lao động sản xuất mà chi tiêu, giảm bớt đóng góp của nhân dân. Đối với những chùa hiện có nhiều ruộng thì điều chỉnh bớt cho nông dân, chùa chưa có ruộng thì cung cấp ruộng cho chùa, nhưng phải bàn bạc dân chủ có sự thoả thuận nhất trí giữa sư sãi, các ban quản trị chùa và nhân dân.
Khuyến khích và giúp đỡ đồng bào Khơ-me khôi phục và phát triển các nghề truyền thống như trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa, dệt chiếu, chăn nuôi trâu bò, làm muối, đánh bắt cá, v.v.. bằng cả hình thức kinh tế tập thể và hình thức kinh tế gia đình.
Mở rộng và củng cố các hợp tác xã mua bán ở cơ sở để khai thác nông sản hàng hoá tại chỗ và phục vụ các nhu cầu thiết yếu cho sản xuất và đời sống nhân dân bằng các phương thức thích hợp, hạn chế và loại trừ dần nạn tư thương bán đắt mua rẻ của đồng bào.
Vận động nhân dân đóng góp vào quỹ nghĩa thương của xã, quỹ công ích của các tập đoàn, hợp tác xã nông nghiệp và bằng nhiều hình thức tương trợ trong nội bộ nông dân, giúp đỡ những gia đình nghèo túng, xoá bỏ nạn cho vay nặng lãi và mua bán lúa non trong đồng bào Khơ-me.
Một số đồng bào Khơ-me ở biên giới do ảnh hưởng của cuộc chiến tranh vừa qua, phải di chuyển chỗ ở, nếu còn gặp khó khăn về sản xuất và đời sống thì Uỷ ban nhân dân tỉnh, huyện phải nắm chắc tình hình, kịp thời có kế hoạch giúp đỡ cụ thể, thiết thực. Bộ Vật tư, Bộ Lâm nghiệp xét cấp thêm cho các tỉnh nói trên một số vật liệu xây dựng để giúp cho những đồng bào Khơ-me chưa có nhà ở hoặc nhà ở quá tạm bợ rách nát, giúp xây dựng các công trình công cộng như trường học, bệnh xá v.v...
2. Ở những tỉnh có đồng bào Khơ-me, vừa qua đã bỏ buổi phát thanh bằng tiếng Khơ-me thì nay khôi phục lại. Những tỉnh đã có thì cải tiến nội dung, có thể tăng thêm giờ phát thanh bằng tiếng Khơ-me để giáo dục sâu rộng đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và động viên phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào.
Đối với các trường học phổ thông, nơi nào còn quá tạm bợ rách nát thì ngoài việc vận động nhân dân làm, ngân sách địa phương cần trợ cấp thêm để sửa sang, xây dựng hoặc trang bị cho trường. Có thể mượn cơ sở trường trong các chùa để dạy nhưng phải giữ gìn quan hệ tốt với nhà chùa, tôn trọng tự do tín ngưỡng của nhân dân.
Đào tạo và bố trí hợp lý số giáo viên dạy chữ Khơ-me, không điều động xáo trộn luôn số giáo viên này. Những giáo viên được phân công dạy của hai thứ chữ mà phải dạy thêm giờ ngoài quy định chung thì được trợ cấp dạy thêm giờ.
Trong lúc tỷ số học sinh Khơ-me còn quá ít, học sinh là người Khơ-me tốt nghiệp phổ thông cơ sở được xét cho học lên phổ thông trung học không phải qua thi chuyển cấp.
Đẩy mạnh phong trào bổ túc văn hoá, nhanh chóng xoá nạn mù chữ cho nhân dân. Duy trì loại trường bổ túc văn hoá tập trung ở những huyện đông đồng bào Khơ-me để cán bộ Khơ-me có điều kiện thay nhau đi học, kể cả cán bộ Khơ-me ở cơ sở.
Bộ Giáo dục nghiên cứu hướng dẫn các địa phương thực hiện những vấn đề về công tác giáo dục nói trên.
3. Cần vận động đồng bào Khơ-me chống các âm mưu và hoạt động của địch gây chia rẽ dân tộc, phá hoại cuộc vận động hợp tác hoá, thi hành luật nghĩa vụ quân sự, hăm doạ chiến tranh, gây hoang mang trong nhân dân. Có kế hoạch ngăn chặn những người di tản trái phép. Đối với những người lầm lỡ chạy ra nước ngoài nay quay trở về không làm điều gì có hại đến Tổ quốc thì đối xử có lý có tình, trả lại nhà cửa, vườn tược cho họ và giúp họ ổn định sản xuất và đời sống.
4. Khẩn trương đào tạo đội ngũ cán bộ Khơ-me ở các ngành, các cấp, trước mắt là đội ngũ cán bộ cơ sở. Ở những xã đồng bào Khơ-me chiếm số đông thì các cương vị chủ chốt trong Uỷ ban nhân dân phải do cán bộ người Khơ-me đảm nhiệm. Nơi đã có cán bộ thì mạnh dạn đề bạt cất nhắc anh chị em, nơi chưa có thì tích cực đào tạo, bồi dưỡng trong một thời gian ngắn để có người đảm đương công việc của xã cũng như của tập đoàn và hợp tác xã nông nghiệp.
5. Các tỉnh có đồng bào Khơ-me phải tổ chức cho cán bộ, nhân viên từ tỉnh, huyện cơ sở và các lực lượng vũ trang nhân dân học tập chính sách dân tộc. Bằng các cuộc nói chuyện, trên báo chí, đài phát thanh, cần giới thiệu rộng rãi cho nhân dân những điểm cơ bản về chính sách dân tộc.
Từ nay thống nhất dùng tên gọi dân tộc Khơ-me, người Khơ-me, người Việt (người Kinh) không được dùng những tên gọi không chính xác hoặc có hàm ý miệt thị như người Miên, người Thổ, người Việt gốc Miên, Duôn v.v...
Uỷ ban nhân dân các tỉnh có đồng bào Khơ-me cư trú cần có kế hoạch cụ thể thực hiện chỉ thị này. Đối với những vấn đề ngoài phạm vi khả năng quyền hạn của tỉnh giải quyết thì các tỉnh chủ động quan hệ với các Bộ, Tổng cục có trách nhiệm để giải quyết kịp thời. Đối với những vấn đề ngoài phạm vi quyền hạn và khả năng giải quyết của Bộ, Tổng cục thì các Bộ, Tổng cục phải báo cáo Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Tổng cục phải báo cáo Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng giải quyết.
Uỷ ban Dân tộc của Chính phủ giúp Hội đồng Bộ trưởng theo dõi, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này.