CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ TRÊN ĐỊA
BÀN TỈNH BÌNH PHƯỚC
Trong
những năm qua, được sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, các ngành, công tác thi
hành án dân sự trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, cơ cấu tổ
chức của các cơ quan Thi hành án từng bước được củng cố cả về số lượng và chất
lượng, kết quả công tác năm sau có tiến bộ hơn năm trước, đảm bảo hiệu lực của
các Bản án, Quyết định dân sự của Tòa án được thi hành, bảo đảm quyền, lợi ích
hợp pháp của cá nhân, tổ chức và của Nhà nước.
Tuy
nhiên, những kết quả đã đạt được chưa phản ánh và đáp ứng đầy đủ yêu cầu nhiệm
vụ chính trị của địa phương, chưa đạt chỉ tiêu do Bộ Tư pháp giao. Một số vụ
việc có giá trị thi hành lớn nhưng chưa được giải quyết dứt điểm; các Ban,
ngành liên quan còn chưa quan tâm đến việc phối hợp với cơ quan Thi hành án để
cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác thi hành án; một số Ban Chỉ đạo
công tác Thi hành án dân sự các huyện, thị chưa thực hiện hết chức năng, nhiệm
vụ của mình, thiếu quan tâm chỉ đạo, đôn đốc công tác thi hành án dân sự của
địa phương; một bộ phận nhân dân chưa ý thức đúng đắn đối với công tác thi hành
án; cơ sở vật chất phục vụ công tác thi hành án vẫn còn hạn chế; nguồn cán bộ,
Chấp hành viên không đủ đáp ứng nhu cầu công việc…Những khó khăn, yếu kém trên
đã ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả công tác thi hành án dân sự của tỉnh.
Để
phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong công
tác thi hành án dân sự, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu do Bộ Tư pháp giao, góp
phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Chỉ thị:
1. Giám đốc Sở Tư pháp
Thực hiện tốt các nội dung đã được Bộ trưởng Bộ Tư
pháp ủy quyền theo Quyết định số 1148/2005/QĐ-BTP ngày 18/5/2005 về việc ban hành
Quy chế ủy quyền cho Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
quản lý một số mặt công tác tổ chức, cán bộ Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố
trực thuộc trung ương, Thi hành án dân sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc
tỉnh.
Tăng cường kiểm tra, chỉ đạo các Cơ quan Thi hành
án trong việc tổ chức thi hành án. Chỉ đạo Trưởng cơ quan Thi hành án dân sự
tỉnh lập kế hoạch công tác của từng quý và cả năm; đồng thời theo dõi, giám sát
quá trình thực hiện. Tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra toàn diện đối với Cơ
quan Thi hành án dân sự huyện, thị xã nhằm phát hiện và khắc phục kịp thời các
mặt hạn chế thiếu sót. Chú trọng việc chỉ đạo giải quyết khiếu nại, tố cáo đối
với công tác thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật.
Kiểm tra, đôn đốc các cơ quan Thi hành án rà soát,
phân loại án để tổ chức thi hành dứt điểm từng vụ việc, hạn chế tồn đọng án cho
những năm tiếp theo, trong đó chú trọng số án không có điều kiện thi hành để
đưa ra xét giảm, miễn thi hành án theo quy định.
Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình phát hiện
và xử lý kịp thời, nghiêm khắc các trường hợp cán bộ, công chức cơ quan Thi
hành án thiếu tinh thần trách nhiệm, vi phạm các quy định pháp luật trong công
tác thi hành án, ảnh hưởng đến quyền; lợi ích hợp pháp của nhân dân. Thường xuyên
có kế hoạch, chỉ đạo công tác kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện Quy chế dân
chủ với nhân dân. Những trường hợp Chấp hành viên vi phạm Quy chế dân chủ với
nhân dân; thường xuyên không hoàn thành nhiệm vụ; năng lực yếu; vi phạm nghiêm trọng
trình tự, thủ tục thi hành án thì kịp thời xem xét, đề nghị miễn nhiệm, cách
chức Chấp hành viên. Kiên quyết đưa ra khỏi ngành những cán bộ Thi hành án thoái
hóa, biến chất, tham ô, hối lộ, sách nhiễu, gây phiền hà cho dân.
Chỉ đạo Cơ quan Thi hành án tỉnh chủ động đề nghị
Ban Chỉ đạo Thi hành án có biện pháp xử lý nghiêm đối với những công dân, cơ
quan, tổ chức...có điều kiện thi hành án, nhưng cố tình dây dưa, không chịu thi
hành Bản án; đề nghị Ban Chỉ đạo Thi hành án báo cáo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân
và Lãnh đạo khối Nội chính chỉ đạo các ngành Tòa án, Công an, Kiểm sát ở địa phương
lựa chọn một số vụ điển hình về hành vi cản trở, chống đối việc thi hành án mà
có đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm để truy tố, đưa ra xét xử lưu động, tuyên
truyền rộng rãi, làm gương cho các đối tượng khác.
Phối hợp với Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh xem
xét hỗ trợ kinh phí cho Cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh để tạo điều kiện cho Cơ
quan Thi hành án hoàn thành nhiệm vụ.
Phối hợp với Sở Văn hóa - Thông tin, Đài Phát thanh
- Truyền hình trong việc tăng cường tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong quần
chúng nhân dân các quy định về Thi hành án dân sự.
Tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy chế phối hợp giữa
Sở Tư pháp với UBND các huyện, thị xã về việc quản lý công tác cán bộ và công
tác thi hành án dân sự.
2. Thủ trưởng các Sở, ban, ngành liên quan
Theo chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm tăng cường
việc hỗ trợ, phối hợp cùng cơ quan Thi hành án dân sự thực hiện tốt công tác
thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh. Kịp thời đề xuất cụ thể đến Ban Chỉ đạo
Thi hành án dân sự tỉnh để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc phối
hợp, hỗ trợ. Nghiêm túc thực hiện việc phối hợp với cơ quan Thi hành án khi
được yêu cầu.
3. Cơ quan Công an
Có nhiệm vụ giữ gìn trật tự, kịp thời ngăn chặn những
hành vi cản trở, chống đối việc thi hành án. Trong trường hợp cần phải áp dụng
biện pháp cưỡng chế thi hành án thì cơ quan Công an và các cơ quan hữu quan
khác có nhiệm vụ phối hợp thực hiện theo đề nghị của Thủ trưởng Thi hành án
hoặc Chấp hành viên.
4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã
Thực hiện tốt các nhiệm vụ được quy định tại Khoản
2 Điều 58 Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004.
Xem xét, quyết định hỗ trợ kinh phí cho cơ quan Thi
hành án dân sự huyện, thị xã để tạo điều kiện cho cơ quan Thi hành án hoàn thành
nhiệm vụ.
Chỉ đạo Trưởng Thi hành án cấp huyện tăng cường việc
giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự theo đúng quy định của pháp
luật.
Xây dựng, ban hành Quy chế phối hợp giữa các ban,
ngành, đoàn thể liên quan trong công tác thi hành án dân sự trên địa bàn huyện,
thị xã.
Tăng cường chỉ đạo sâu sát đối với công tác thi hành
án dân sự của địa phương, phải xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu cụ thể trong mỗi
tháng, mỗi quý để thực hiện, nếu gặp khó khăn, thiếu sót sẽ kịp thời điều chỉnh
trong tháng hoặc quý tiếp theo.
Hàng năm tổ chức kiểm tra công tác thi hành án dân
sự trên địa bàn huyện, thị xã do mình quản lý.
Chỉ đạo Trưởng Thi hành án dân sự thường xuyên kiểm
tra kết quả công tác thi hành án dân sự tại địa phương. Chỉ đạo các phòng, ban
hữu quan tăng cường hỗ trợ cho cơ quan Thi hành án trong việc phối hợp thi hành
nhiệm vụ. Nghiêm khắc phê bình, kiểm điểm những cá nhân, đơn vị gây khó khăn
hoặc cản trở đối với công tác thi hành án.
Chỉ đạo cơ quan Thi hành án huyện, thị xã phối hợp
Phòng Tư pháp xây dựng kế hoạch tổ chức tập huấn cho Chủ tịch UBND, cán bộ Tư
pháp xã, phường, thị trấn các văn bản quy phạm pháp luật về hướng dẫn việc chuyển
giao những vụ việc có giá trị thi hành dưới 500.000 đồng cho UBND xã, phường,
thị trấn trực tiếp đôn đốc thi hành.
Chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn phối
hợp các đoàn thể ở cơ sở hỗ trợ cơ quan Thi hành án trong công tác thi hành án,
phối hợp Phòng Tư pháp, cơ quan Thi hành án trong việc tiếp nhận hồ sơ, thực
hiện trách nhiệm trực tiếp đôn đốc thi hành án và quản lý sử dụng kinh phí liên
quan đến công tác thi hành án dân sự theo quy định tại Thông tư liên tịch số
15/2002/TTLT-BTC-BTP ngày 08/02/2002 của Bộ Tài chính - Bộ Tư pháp. Chủ tịch
UBND các xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện, thị
xã về kết quả thực hiện công tác thi hành án trên địa bàn mình quản lý.
5. Trưởng Thi hành án dân sự tỉnh và Trưởng Thi
hành án dân sự các huyện, thị xã
Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ theo Chỉ thị số 20/2001/CT-TTg
ngày 11/9/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường và nâng cao hiệu quả
công tác thi hành án dân sự.
Chủ động phối hợp với các ngành có liên quan nhằm
đưa tỷ lệ thi hành án vượt chỉ tiêu do Bộ Tư pháp giao.
Thực hiện kiểm tra toàn bộ các vụ việc có điều kiện
thi hành ở từng huyện, thị xã, trên cơ sở đó báo cáo Giám đốc Sở Tư pháp để có
biện pháp điều động Chấp hành viên, cán bộ Thi hành án từ nơi có số lượng việc
thi hành án ít đến tăng cường, hỗ trợ cho nơi có số lượng vụ việc nhiều, nhằm
giải quyết có hiệu quả lượng án tồn đọng.
Thực hiện rà soát, phân loại án, qua đó tổng hợp,
báo cáo cụ thể Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự tỉnh về tình trạng thi hành án
đối với những trường hợp bên phải thi hành án là các cơ quan, doanh nghiệp Nhà
nước, các tổ chức chính trị, chính trị xã hội tại địa phương mình. Đối với những
trường hợp có điều kiện thi hành án, thì cần có biện pháp tổ chức thi hành dứt
điểm. Đối với những trường hợp không có điều kiện thi hành án, thì báo cáo Ban
Chỉ đạo Thi hành án xem xét, đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh hoặc các ngành Trung
ương chỉ đạo việc hỗ trợ tài chính để bảo đảm việc thi hành án. Thẩm tra, xác
minh và đề xuất hướng xử lý đối với từng trường hợp cụ thể.
Giám đốc Sở Tư pháp, Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành,
các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh và Chủ tịch UBND huyện, thị xã có trách
nhiệm tổ chức thi hành tốt Chỉ thị này. Hàng quý, sáu tháng, cả năm gửi báo cáo
về Sở Tư pháp để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét và có hướng chỉ đạo.
Chỉ thị này thay thế Chỉ thị số 28/2002/CT-UB ngày
16/10/2002 của UBND tỉnh Bình Phước, được công bố rộng rãi trên các phương tiện
thông tin đại chúng và có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký./.