Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Bộ luật Dân sự 2005 số 33/2005/QH11

Số hiệu: 33/2005/QH11 Loại văn bản: Luật
Nơi ban hành: Quốc hội Người ký: Nguyễn Văn An
Ngày ban hành: 14/06/2005 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

QUỐC HỘI
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 33/2005/QH11

Hà Nội, ngày 14 tháng 06 năm 2005

BỘ LUẬT DÂN SỰ

Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 10;
Bộ luật này quy định về dân sự.

PHẦN THỨ NHẤT

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

CHƯƠNG I

NHIỆM VỤ VÀ HIỆU LỰC CỦA BỘ LUẬT DÂN SỰ

Điều 1. Nhiệm vụ và phạm vi điều chỉnh của Bộ luật dân sự

Bộ luật dân sự quy định địa vị pháp lý, chuẩn mực pháp lý cho cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác; quyền, nghĩa vụ của các chủ thể về nhân thân và tài sản trong các quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động (sau đây gọi chung là quan hệ dân sự).

Bộ luật dân sự có nhiệm vụ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng; bảo đảm sự bình đẳng và an toàn pháp lý trong quan hệ dân sự, góp phần tạo điều kiện đáp ứng nhu cầu vật chất và tinh thần của nhân dân, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.

Điều 2. Hiệu lực của Bộ luật dân sự

1. Bộ luật dân sự được áp dụng đối với quan hệ dân sự được xác lập từ ngày Bộ luật này có hiệu lực, trừ trường hợp được Bộ luật này hoặc nghị quyết của Quốc hội có quy định khác.

2. Bộ luật dân sự được áp dụng trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

3. Bộ luật dân sự được áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.

Điều 3. Áp dụng tập quán, quy định tương tự của pháp luật

Trong trường hợp pháp luật không quy định và các bên không có thoả thuận thì có thể áp dụng tập quán; nếu không có tập quán thì áp dụng quy định tương tự của pháp luật. Tập quán và quy định tương tự của pháp luật không được trái với những nguyên tắc quy định trong Bộ luật này.

CHƯƠNG II

NHỮNG NGUYÊN TẮC CƠ BẢN

Điều 4. Nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết, thoả thuận

Quyền tự do cam kết, thoả thuận trong việc xác lập quyền, nghĩa vụ dân sự được pháp luật bảo đảm, nếu cam kết, thoả thuận đó không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội.

Trong quan hệ dân sự, các bên hoàn toàn tự nguyện, không bên nào được áp đặt, cấm đoán, cưỡng ép, đe doạ, ngăn cản bên nào.

Cam kết, thoả thuận hợp pháp có hiệu lực bắt buộc thực hiện đối với các bên và phải được cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác tôn trọng.

Điều 5. Nguyên tắc bình đẳng

Trong quan hệ dân sự, các bên đều bình đẳng, không được lấy lý do khác biệt về dân tộc, giới tính, thành phần xã hội, hoàn cảnh kinh tế, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hoá, nghề nghiệp để đối xử không bình đẳng với nhau.

Điều 6. Nguyên tắc thiện chí, trung thực

Trong quan hệ dân sự, các bên phải thiện chí, trung thực trong việc xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự, không bên nào được lừa dối bên nào.

Điều 7. Nguyên tắc chịu trách nhiệm dân sự

Các bên phải nghiêm chỉnh thực hiện nghĩa vụ dân sự của mình và tự chịu trách nhiệm về việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ, nếu không tự nguyện thực hiện thì có thể bị cưỡng chế thực hiện theo quy định của pháp luật.

Điều 8. Nguyên tắc tôn trọng đạo đức, truyền thống tốt đẹp

Việc xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự phải bảo đảm giữ gìn bản sắc dân tộc, tôn trọng và phát huy phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp, tình đoàn kết, tương thân, tương ái, mỗi người vì cộng đồng, cộng đồng vì mỗi người và các giá trị đạo đức cao đẹp của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam.

Đồng bào các dân tộc thiểu số được tạo điều kiện thuận lợi trong quan hệ dân sự để từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của mình.

Việc giúp đỡ người già, trẻ em, người tàn tật trong việc thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự được khuyến khích.

Điều 9. Nguyên tắc tôn trọng, bảo vệ quyền dân sự

1. Tất cả các quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.

2. Khi quyền dân sự của một chủ thể bị xâm phạm thì chủ thể đó có quyền tự bảo vệ theo quy định của Bộ luật này hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền:

a) Công nhận quyền dân sự của mình;

b) Buộc chấm dứt hành vi vi phạm;

c) Buộc xin lỗi, cải chính công khai;

d) Buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự;

đ) Buộc bồi thường thiệt hại.

Điều 10. Nguyên tắc tôn trọng lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp

pháp của người khác

Việc xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự không được xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.

Điều 11. Nguyên tắc tuân thủ pháp luật

Việc xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự phải tuân theo quy định của Bộ luật này và quy định khác của pháp luật.

Điều 12. Nguyên tắc hoà giải

Trong quan hệ dân sự, việc hoà giải giữa các bên phù hợp với quy định của pháp luật được khuyến khích.

Không ai được dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực khi tham gia quan hệ dân sự, giải quyết các tranh chấp dân sự.

Điều 13. Căn cứ xác lập quyền, nghĩa vụ dân sự

Quyền, nghĩa vụ dân sự được xác lập từ các căn cứ sau đây:

1. Giao dịch dân sự hợp pháp;

2. Quyết định của Toà án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác;

3. Sự kiện pháp lý do pháp luật quy định;

4. Sáng tạo giá trị tinh thần là đối tượng thuộc quyền sở hữu trí tuệ;

5. Chiếm hữu tài sản có căn cứ pháp luật;

6. Gây thiệt hại do hành vi trái pháp luật;

7. Thực hiện công việc không có ủy quyền;

8. Chiếm hữu, sử dụng tài sản, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật;

9. Những căn cứ khác do pháp luật quy định.

CHƯƠNG III

CÁ NHÂN

MỤC 1

NĂNG LỰC PHÁP LUẬT DÂN SỰ, NĂNG LỰC HÀNH VI DÂN SỰ CỦA CÁ NHÂN

Điều 14. Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân

1. Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân có quyền dân sự và nghĩa vụ dân sự.

2. Mọi cá nhân đều có năng lực pháp luật dân sự như nhau.

3. Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân có từ khi người đó sinh ra và chấm dứt khi người đó chết.

Điều 15. Nội dung năng lực pháp luật dân sự của cá nhân

Cá nhân có các quyền, nghĩa vụ dân sự sau đây:

1. Quyền nhân thân không gắn với tài sản và quyền nhân thân gắn với tài sản;

2. Quyền sở hữu, quyền thừa kế và các quyền khác đối với tài sản;

3. Quyền tham gia quan hệ dân sự và có nghĩa vụ phát sinh từ quan hệ đó.

Điều 16. Không hạn chế năng lực pháp luật dân sự của cá nhân

Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân không bị hạn chế, trừ trường hợp do pháp luật quy định.

Điều 17. Năng lực hành vi dân sự của cá nhân

Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự.

Điều 18. Người thành niên, người chưa thành niên

Người từ đủ mười tám tuổi trở lên là người thành niên. Người chưa đủ mười tám tuổi là người chưa thành niên.

Điều 19. Năng lực hành vi dân sự của người thành niên

Người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp quy định tại Điều 22 và Điều 23 của Bộ luật này.

Điều 20. Năng lực hành vi dân sự của người chưa thành niên từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi

1. Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi hoặc pháp luật có quy định khác.

2. Trong trường hợp người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có tài sản riêng bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thì có thể tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự mà không cần phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Điều 21. Người không có năng lực hành vi dân sự

Người chưa đủ sáu tuổi không có năng lực hành vi dân sự. Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện.

Điều 22. Mất năng lực hành vi dân sự

1. Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Toà án ra quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận của tổ chức giám định.

Khi không còn căn cứ tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan, Toà án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự.

2. Giao dịch dân sự của người mất năng lực hành vi dân sự phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện.

Điều 23. Hạn chế năng lực hành vi dân sự

1. Người nghiện ma tuý, nghiện các chất kích thích khác dẫn đến phá tán tài sản của gia đình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, cơ quan, tổ chức hữu quan, Toà án có thể ra quyết định tuyên bố là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

2. Người đại diện theo pháp luật của người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự và phạm vi đại diện do Toà án quyết định. Giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật, trừ giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày.

3. Khi không còn căn cứ tuyên bố một người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan, cơ quan, tổ chức hữu quan, Toà án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố hạn chế năng lực hành vi dân sự.

MỤC 2

QUYỀN NHÂN THÂN

Điều 24. Quyền nhân thân

Quyền nhân thân được quy định trong Bộ luật này là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Điều 25. Bảo vệ quyền nhân thân

Khi quyền nhân thân của cá nhân bị xâm phạm thì người đó có quyền:

1. Tự mình cải chính;

2. Yêu cầu người vi phạm hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai;

3. Yêu cầu người vi phạm hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người vi phạm bồi thường thiệt hại.

Điều 26. Quyền đối với họ, tên

1. Cá nhân có quyền có họ, tên. Họ, tên của một người được xác định theo họ, tên khai sinh của người đó.

2. Cá nhân xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự theo họ, tên của mình đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận.

3. Việc sử dụng bí danh, bút danh không được gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.

Điều 27. Quyền thay đổi họ, tên

1. Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi họ, tên trong các trường hợp sau đây:

a) Theo yêu cầu của người có họ, tên mà việc sử dụng họ, tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó;

b) Theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi về việc thay đổi họ, tên cho con nuôi hoặc khi người con nuôi thôi không làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại họ, tên mà cha đẻ, mẹ đẻ đã đặt;

c) Theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc người con khi xác định cha, mẹ cho con;

d) Thay đổi họ cho con từ họ của cha sang họ của mẹ hoặc ngược lại;

đ) Thay đổi họ, tên của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình;

e) Thay đổi họ, tên của người được xác định lại giới tính;

g) Các trường hợp khác do pháp luật về hộ tịch quy định.

2. Việc thay đổi họ, tên cho người từ đủ chín tuổi trở lên phải có sự đồng ý của người đó.

3. Việc thay đổi họ, tên của cá nhân không làm thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự được xác lập theo họ, tên cũ.

Điều 28. Quyền xác định dân tộc

1. Cá nhân khi sinh ra được xác định dân tộc theo dân tộc của cha đẻ, mẹ đẻ. Trong trường hợp cha đẻ và mẹ đẻ thuộc hai dân tộc khác nhau thì dân tộc của người con được xác định là dân tộc của cha đẻ hoặc dân tộc của mẹ đẻ theo tập quán hoặc theo thoả thuận của cha đẻ, mẹ đẻ.

2. Người đã thành niên, cha đẻ và mẹ đẻ hoặc người giám hộ của người chưa thành niên có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định lại dân tộc trong các trường hợp sau đây:

a) Xác định lại theo dân tộc của cha đẻ hoặc mẹ đẻ, nếu cha đẻ, mẹ đẻ thuộc hai dân tộc khác nhau;

b) Xác định lại theo dân tộc của cha đẻ, mẹ đẻ trong trường hợp làm con nuôi của người thuộc dân tộc khác mà được xác định theo dân tộc của cha nuôi, mẹ nuôi do không biết cha đẻ, mẹ đẻ là ai.

3. Trong trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ hoặc người giám hộ của người chưa thành niên yêu cầu xác định lại dân tộc cho người chưa thành niên từ đủ mười lăm tuổi trở lên theo quy định tại khoản 2 Điều này thì phải được sự đồng ý của người chưa thành niên đó.

Điều 29. Quyền được khai sinh

Cá nhân khi sinh ra có quyền được khai sinh.

Điều 30. Quyền được khai tử

1. Khi có người chết thì người thân thích, chủ nhà hoặc cơ quan, tổ chức nơi có người chết phải khai tử cho người đó.

2. Trẻ sơ sinh, nếu chết sau khi sinh thì phải được khai sinh và khai tử; nếu chết trước khi sinh hoặc sinh ra mà chết ngay thì không phải khai sinh và khai tử.

Điều 31. Quyền của cá nhân đối với hình ảnh

1. Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình.

2. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp vì lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng hoặc pháp luật có quy định khác.

3. Nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.

Điều 32. Quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khoẻ, thân thể

1. Cá nhân có quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khoẻ, thân thể.

2. Khi phát hiện người bị tai nạn, bệnh tật mà tính mạng bị đe dọa thì người phát hiện có trách nhiệm đưa đến cơ sở y tế; cơ sở y tế không được từ chối việc cứu chữa mà phải tận dụng mọi phương tiện, khả năng hiện có để cứu chữa.

3. Việc thực hiện phương pháp chữa bệnh mới trên cơ thể một người, việc gây mê, mổ, cắt bỏ, cấy ghép bộ phận của cơ thể phải được sự đồng ý của người đó; nếu người đó chưa thành niên, mất năng lực hành vi dân sự hoặc là bệnh nhân bất tỉnh thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người giám hộ của người đó đồng ‎ý; trong trường hợp có nguy cơ đe dọa đến tính mạng của bệnh nhân mà không chờ được ý kiến của những người trên thì phải có quyết định của người đứng đầu cơ sở y tế.

4. Việc mổ tử thi được thực hiện trong các trường hợp sau đây:

a) Có sự đồng ý của người quá cố trước khi người đó chết;

b) Có sự đồng ý của cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người giám hộ khi không có ý kiến của người quá cố trước khi người đó chết;

c) Theo quyết định của tổ chức y tế, cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp cần thiết.

Điều 33. Quyền hiến bộ phận cơ thể

Cá nhân có quyền được hiến bộ phận cơ thể của mình vì mục đích chữa bệnh cho người khác hoặc nghiên cứu khoa học.

 Việc hiến và sử dụng bộ phận cơ thể được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Điều 34. Quyền hiến xác, bộ phận cơ thể sau khi chết

Cá nhân có quyền hiến xác, bộ phận cơ thể của mình sau khi chết vì mục đích chữa bệnh cho người khác hoặc nghiên cứu khoa học.

Việc hiến và sử dụng xác, bộ phận cơ thể của người chết được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Điều 35. Quyền nhận bộ phận cơ thể người

Cá nhân có quyền nhận bộ phận cơ thể của người khác để chữa bệnh cho mình.

Nghiêm cấm việc nhận, sử dụng bộ phận cơ thể của người khác vì mục đích thương mại.

Điều 36. Quyền xác định lại giới tính

Cá nhân có quyền được xác định lại giới tính.

Việc xác định lại giới tính của một người được thực hiện trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ về giới tính.

Việc xác định lại giới tính được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Điều 37. Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín

Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.

Điều 38. Quyền bí mật đời tư

1. Quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.

2. Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp thu thập, công bố thông tin, tư liệu theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

3. Thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.

Việc kiểm soát thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được thực hiện trong trường hợp pháp luật có quy định và phải có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Điều 39. Quyền kết hôn

Nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình có quyền tự do kết hôn.

Việc tự do kết hôn giữa những người thuộc các dân tộc, tôn giáo khác nhau, giữa những người theo tôn giáo và không theo tôn giáo, giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.

Điều 40. Quyền bình đẳng của vợ chồng

Vợ, chồng bình đẳng với nhau, có quyền, nghĩa vụ ngang nhau về mọi mặt trong gia đình và trong quan hệ dân sự, cùng nhau xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững.

Điều 41. Quyền được hưởng sự chăm sóc giữa các thành viên trong gia đình

Các thành viên trong gia đình có quyền được hưởng sự chăm sóc, giúp đỡ nhau phù hợp với truyền thống đạo đức tốt đẹp của gia đình Việt Nam.

Con, cháu chưa thành niên được hưởng sự chăm sóc, nuôi dưỡng của cha mẹ, ông bà; con, cháu có bổn phận kính trọng, chăm sóc và phụng dưỡng cha mẹ, ông bà.

Điều 42. Quyền ly hôn

Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Toà án giải quyết việc ly hôn.

Điều 43. Quyền nhận, không nhận cha, mẹ, con

1. Người không được nhận là cha, mẹ hoặc là con của người khác có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định mình là cha, mẹ hoặc là con của người đó.

2. Người được nhận là cha, mẹ hoặc là con của người khác có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định mình không phải là cha, mẹ hoặc là con của người đó.

Điều 44. Quyền được nuôi con nuôi và quyền được nhận làm con nuôi

Quyền được nuôi con nuôi và quyền được nhận làm con nuôi của cá nhân được pháp luật công nhận và bảo hộ.

Việc nhận con nuôi và được nhận làm con nuôi được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Điều 45. Quyền đối với quốc tịch

Cá nhân có quyền có quốc tịch.

Việc công nhận, thay đổi, nhập quốc tịch, thôi quốc tịch Việt Nam được thực hiện theo quy định của pháp luật về quốc tịch.

Điều 46. Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở

Cá nhân có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở.

Việc vào chỗ ở của một người phải được người đó đồng ý.

Chỉ trong trường hợp được pháp luật quy định và phải có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới được tiến hành khám xét chỗ ở của một người; việc khám xét phải theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định.

Điều 47. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo

1. Cá nhân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào.

2. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.

Điều 48. Quyền tự do đi lại, tự do cư trú

1. Cá nhân có quyền tự do đi lại, tự do cư trú.

2. Quyền tự do đi lại, tự do cư trú của cá nhân chỉ có thể bị hạn chế theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định.

Điều 49. Quyền lao động

Cá nhân có quyền lao động.

Mọi người đều có quyền làm việc, tự do lựa chọn việc làm, nghề nghiệp, không bị phân biệt đối xử về dân tộc, giới tính, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo.

Điều 50. Quyền tự do kinh doanh

Quyền tự do kinh doanh của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.

Cá nhân có quyền lựa chọn hình thức, lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh, lập doanh nghiệp, tự do giao kết hợp đồng, thuê lao động và các quyền khác phù hợp với quy định của pháp luật.

Điều 51. Quyền tự do nghiên cứu, sáng tạo

1. Cá nhân có quyền tự do nghiên cứu khoa học - kỹ thuật, phát minh, sáng chế, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất, sáng tác, phê bình văn học, nghệ thuật và tham gia các hoạt động nghiên cứu, sáng tạo khác.

2. Quyền tự do nghiên cứu, sáng tạo được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Không ai được cản trở, hạn chế quyền tự do nghiên cứu, sáng tạo của cá nhân.

MỤC 3

NƠI CƯ TRÚ

Điều 52. Nơi cư trú

1. Nơi cư trú của cá nhân là nơi người đó thường xuyên sinh sống.

2. Trường hợp không xác định được nơi cư trú của cá nhân theo quy định tại khoản 1 Điều này thì nơi cư trú là nơi người đó đang sinh sống.

Điều 53. Nơi cư trú của người chưa thành niên

1. Nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi cư trú của cha, mẹ; nếu cha, mẹ có nơi cư trú khác nhau thì nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi cư trú của cha hoặc mẹ mà người chưa thành niên thường xuyên chung sống.

2. Người chưa thành niên có thể có nơi cư trú khác với nơi cư trú của cha, mẹ nếu được cha, mẹ đồng ý hoặc pháp luật có quy định.

Điều 54. Nơi cư trú của người được giám hộ

1. Nơi cư trú của người được giám hộ là nơi cư trú của người giám hộ.

2. Người được giám hộ có thể có nơi cư trú khác với nơi cư trú của người giám hộ nếu được người giám hộ đồng ý hoặc pháp luật có quy định.

Điều 55. Nơi cư trú của vợ, chồng

1. Nơi cư trú của vợ, chồng là nơi vợ, chồng thường xuyên chung sống.

2. Vợ, chồng có thể có nơi cư trú khác nhau nếu có thoả thuận.

Điều 56. Nơi cư trú của quân nhân

1. Nơi cư trú của quân nhân đang làm nghĩa vụ quân sự là nơi đơn vị của quân nhân đó đóng quân.

2. Nơi cư trú của sĩ quan quân đội, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng là nơi đơn vị của những người đó đóng quân, trừ trường hợp họ có nơi cư trú theo quy định tại khoản 1 Điều 52 của Bộ luật này.

Điều 57. Nơi cư trú của người làm nghề lưu động

Nơi cư trú của người làm nghề lưu động trên tàu, thuyền, phương tiện hành nghề lưu động khác là nơi đăng ký tàu, thuyền, phương tiện đó, trừ trường hợp họ có nơi cư trú theo quy định tại khoản 1 Điều 52 của Bộ luật này.

MỤC 4

GIÁM HỘ

Điều 58. Giám hộ

1. Giám hộ là việc cá nhân, tổ chức (sau đây gọi chung là người giám hộ) được pháp luật quy định hoặc được cử để thực hiện việc chăm sóc và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự (sau đây gọi chung là người được giám hộ).

2. Người được giám hộ bao gồm:

a) Người chưa thành niên không còn cha, mẹ, không xác định được cha, mẹ hoặc cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, bị Toà án hạn chế quyền của cha, mẹ hoặc cha, mẹ không có điều kiện chăm sóc, giáo dục người chưa thành niên đó và nếu cha, mẹ có yêu cầu;

b) Người mất năng lực hành vi dân sự.

3. Người chưa đủ mười lăm tuổi được quy định tại điểm a khoản 2 Điều này và người được quy định tại điểm b khoản 2 Điều này phải có người giám hộ.

4. Một người có thể giám hộ cho nhiều người, nhưng một người chỉ có thể được một người giám hộ, trừ trường hợp người giám hộ là cha, mẹ hoặc ông, bà theo quy định tại khoản 2 Điều 61 hoặc khoản 3 Điều 62 của Bộ luật này.

Điều 59. Giám sát việc giám hộ

1. Người thân thích của người được giám hộ có trách nhiệm cử người đại diện làm người giám sát việc giám hộ để theo dõi, đôn đốc, kiểm tra người giám hộ trong việc thực hiện giám hộ, xem xét, giải quyết kịp thời những đề nghị, kiến nghị của người giám hộ liên quan đến việc giám hộ.

Người thân thích của người được giám hộ là vợ, chồng, cha, mẹ, con của người được giám hộ; nếu không có ai trong số những người này thì người thân thích của người được giám hộ là ông, bà, anh ruột, chị ruột, em ruột của người được giám hộ; nếu cũng không có ai trong số những người này thì người thân thích của người được giám hộ là bác, chú, cậu, cô, dì của người được giám hộ.

2. Trong trường hợp không có người thân thích của người được giám hộ hoặc những người thân thích không cử được người giám sát việc giám hộ theo quy định tại khoản 1 Điều này thì ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú của người giám hộ cử người giám sát việc giám hộ.

3. Người giám sát việc giám hộ phải là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.

Điều 60. Điều kiện của cá nhân làm người giám hộ

Cá nhân có đủ các điều kiện sau đây có thể làm người giám hộ:

1. Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

2. Có tư cách đạo đức tốt; không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc người bị kết án nhưng chưa được xoá án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác;

3. Có điều kiện cần thiết bảo đảm thực hiện việc giám hộ.

Điều 61. Người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên

Người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên mà không còn cả cha và mẹ, không xác định được cha, mẹ hoặc cả cha và mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, bị Toà án hạn chế quyền của cha, mẹ hoặc cha, mẹ không có điều kiện chăm sóc, giáo dục người chưa thành niên đó và nếu cha, mẹ có yêu cầu, được xác định như sau:

1. Trong trường hợp anh ruột, chị ruột không có thoả thuận khác thì anh cả hoặc chị cả là người giám hộ của em chưa thành niên; nếu anh cả hoặc chị cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì anh, chị tiếp theo là người giám hộ;

2. Trong trường hợp không có anh ruột, chị ruột hoặc anh ruột, chị ruột không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại là người giám hộ; nếu không có ai trong số những người thân thích này có đủ điều kiện làm người giám hộ thì bác, chú, cậu, cô, dì là người giám hộ.

Điều 62. Người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự

1. Trong trường hợp vợ mất năng lực hành vi dân sự thì chồng là người giám hộ; nếu chồng mất năng lực hành vi dân sự thì vợ là người giám hộ.

2. Trong trường hợp cha và mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự hoặc một người mất năng lực hành vi dân sự, còn người kia không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con cả là người giám hộ; nếu người con cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con tiếp theo là người giám hộ.

3. Trong trường hợp người thành niên mất năng lực hành vi dân sự chưa có vợ, chồng, con hoặc có mà vợ, chồng, con đều không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì cha, mẹ là người giám hộ.

Điều 63. Cử người giám hộ

Trong trường hợp người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự không có người giám hộ đương nhiên theo quy định tại Điều 61 và Điều 62 của Bộ luật này thì ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú của người được giám hộ có trách nhiệm cử người giám hộ hoặc đề nghị một tổ chức đảm nhận việc giám hộ.

Điều 64. Thủ tục cử người giám hộ

1. Việc cử người giám hộ phải được lập thành văn bản, trong đó ghi rõ lý do cử người giám hộ, quyền, nghĩa vụ cụ thể của người giám hộ, tình trạng tài sản của người được giám hộ.

2. Việc cử người giám hộ phải được sự đồng ý của người được cử làm người giám hộ.

Điều 65. Nghĩa vụ của người giám hộ đối với người được giám hộ chưa đủ mười lăm tuổi

Người giám hộ của người chưa đủ mười lăm tuổi có các nghĩa vụ sau đây:

1. Chăm sóc, giáo dục người được giám hộ;

2. Đại diện cho người được giám hộ trong các giao dịch dân sự, trừ trường hợp pháp luật quy định người chưa đủ mười lăm tuổi có thể tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự;

3. Quản lý tài sản của người được giám hộ;

4. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ.

Điều 66. Nghĩa vụ của người giám hộ đối với người được giám hộ từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi

Người giám hộ của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có các nghĩa vụ sau đây:

1. Đại diện cho người được giám hộ trong các giao dịch dân sự, trừ trường hợp pháp luật quy định người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có thể tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự;

2. Quản lý tài sản của người được giám hộ;

3. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ.

Điều 67. Nghĩa vụ của người giám hộ đối với người được giám hộ mất năng lực hành vi dân sự

Người giám hộ của người mất năng lực hành vi dân sự có các nghĩa vụ sau đây:

1. Chăm sóc, bảo đảm việc điều trị bệnh cho người được giám hộ;

2. Đại diện cho người được giám hộ trong các giao dịch dân sự;

3. Quản lý tài sản của người được giám hộ;

4. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ.

Điều 68. Quyền của người giám hộ

Người giám hộ có các quyền sau đây:

1. Sử dụng tài sản của người được giám hộ để chăm sóc, chi dùng cho những nhu cầu cần thiết của người được giám hộ;

2. Được thanh toán các chi phí cần thiết cho việc quản lý tài sản của người được giám hộ;

3. Đại diện cho người được giám hộ trong việc xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ.

Điều 69. Quản lý tài sản của người được giám hộ

1. Người giám hộ có trách nhiệm quản lý tài sản của người được giám hộ như tài sản của chính mình.

2. Người giám hộ được thực hiện các giao dịch liên quan đến tài sản của người được giám hộ vì lợi ích của người được giám hộ. Việc bán, trao đổi, cho thuê, cho mượn, cho vay, cầm cố, thế chấp, đặt cọc và các giao dịch khác đối với tài sản có giá trị lớn của người được giám hộ phải được sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ.

Người giám hộ không được đem tài sản của người được giám hộ tặng cho người khác.

3. Các giao dịch dân sự giữa người giám hộ với người được giám hộ có liên quan đến tài sản của người được giám hộ đều vô hiệu, trừ trường hợp giao dịch được thực hiện vì lợi ích của người được giám hộ và có sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ.

Điều 70. Thay đổi người giám hộ

1. Người giám hộ được thay đổi trong các trường hợp sau đây:

a) Người giám hộ không còn đủ các điều kiện quy định tại Điều 60 của Bộ luật này;

b) Người giám hộ là cá nhân chết hoặc bị Toà án tuyên bố mất tích, tổ chức làm giám hộ chấm dứt hoạt động;

c) Người giám hộ vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ giám hộ;

d) Người giám hộ đề nghị được thay đổi và có người khác nhận làm giám hộ.

2. Trong trường hợp thay đổi người giám hộ đương nhiên thì những người được quy định tại Điều 61 và Điều 62 của Bộ luật này là người giám hộ đương nhiên; nếu không có người giám hộ đương nhiên thì việc cử người giám hộ được thực hiện theo quy định tại Điều 63 của Bộ luật này.

3. Thủ tục thay đổi người giám hộ được cử được thực hiện theo quy định tại Điều 64 và Điều 71 của Bộ luật này.

Điều 71. Chuyển giao giám hộ của người giám hộ được cử

1. Khi thay đổi người giám hộ thì trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày có người giám hộ mới, người đã thực hiện việc giám hộ phải chuyển giao giám hộ cho người thay thế mình.

2. Việc chuyển giao giám hộ phải được lập thành văn bản, trong đó ghi rõ lý do chuyển giao và tình trạng tài sản của người được giám hộ tại thời điểm chuyển giao. Người cử người giám hộ, người giám sát việc giám hộ chứng kiến việc chuyển giao giám hộ.

3. Trong trường hợp thay đổi người giám hộ vì lý do người giám hộ là cá nhân chết, bị Toà án tuyên bố hạn chế năng lực hành vi dân sự, mất năng lực hành vi dân sự, mất tích; tổ chức làm giám hộ chấm dứt hoạt động thì người cử người giám hộ lập biên bản, ghi rõ tình trạng tài sản của người được giám hộ, quyền, nghĩa vụ phát sinh trong quá trình thực hiện việc giám hộ để chuyển giao cho người giám hộ mới với sự chứng kiến của người giám sát việc giám hộ.

4. Việc chuyển giao giám hộ phải được ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú của người giám hộ mới công nhận.

Điều 72. Chấm dứt việc giám hộ

Việc giám hộ chấm dứt trong các trường hợp sau đây:

1. Người được giám hộ đã có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

2. Người được giám hộ chết;

3. Cha, mẹ của người được giám hộ đã có đủ điều kiện để thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình;

4. Người được giám hộ được nhận làm con nuôi.

Điều 73. Hậu quả chấm dứt việc giám hộ

1. Khi việc giám hộ chấm dứt thì trong thời hạn ba tháng, kể từ thời điểm chấm dứt việc giám hộ, người giám hộ thanh toán tài sản với người được giám hộ hoặc với cha, mẹ của người được giám hộ.

Trong trường hợp người được giám hộ chết thì trong thời hạn ba tháng, kể từ thời điểm chấm dứt việc giám hộ, người giám hộ thanh toán tài sản với người thừa kế của người được giám hộ; nếu hết thời hạn đó mà chưa xác định được người thừa kế thì người giám hộ tiếp tục quản lý tài sản của người được giám hộ cho đến khi tài sản được giải quyết theo quy định của pháp luật về thừa kế và thông báo cho ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người được giám hộ cư trú.

Việc thanh toán tài sản được thực hiện với sự giám sát của người giám sát việc giám hộ.

2. Các quyền, nghĩa vụ phát sinh từ các giao dịch dân sự vì lợi ích của người được giám hộ được người giám hộ thực hiện như sau:

a) Chuyển cho người được giám hộ khi người này đã có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

b) Chuyển cho cha, mẹ của người được giám hộ trong trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 72 của Bộ luật này;

c) Chuyển cho người thừa kế của người được giám hộ khi người được giám hộ chết.


MỤC 5

THÔNG BÁO TÌM KIẾM NGƯỜI VẮNG MẶT TẠI NƠI CƯ TRÚ,TUYÊN BỐ MẤT TÍCH, TUYÊN BỐ CHẾT

Điều 74. Yêu cầu thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú và quản lý tài sản của người đó

Khi một người biệt tích sáu tháng liền trở lên thì những người có quyền, lợi ích liên quan có quyền yêu cầu Toà án thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự và có thể yêu cầu Toà án áp dụng biện pháp quản lý tài sản của người vắng mặt quy định tại Điều 75 của Bộ luật này.

Điều 75. Quản lý tài sản của người vắng mặt tại nơi cư trú

1. Theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Toà án giao tài sản của người vắng mặt tại nơi cư trú cho những người sau đây quản lý:

a) Đối với tài sản đã được người vắng mặt ủy quyền quản lý thì người được ủy quyền tiếp tục quản lý;

b) Đối với tài sản chung thì do chủ sở hữu chung còn lại quản lý;

c) Tài sản do vợ hoặc chồng đang quản lý thì vợ hoặc chồng tiếp tục quản lý; nếu vợ hoặc chồng chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì con đã thành niên hoặc cha, mẹ của người vắng mặt quản lý.

2. Trong trường hợp không có những người được quy định tại khoản 1 Điều này thì Toà án chỉ định một người trong số những người thân thích của người vắng mặt tại nơi cư trú quản lý tài sản; nếu không có người thân thích thì Toà án chỉ định người khác quản lý tài sản.

Điều 76. Nghĩa vụ của người quản lý tài sản của người vắng mặt tại nơi cư trú

Người quản lý tài sản của người vắng mặt tại nơi cư trú có các nghĩa vụ sau đây:

1. Giữ gìn, bảo quản tài sản của người vắng mặt như tài sản của chính mình;

2. Bán ngay tài sản là hoa màu, sản phẩm khác có nguy cơ bị hư hỏng;

3. Thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng, thanh toán nợ đến hạn của người vắng mặt bằng tài sản của người đó theo quyết định của Toà án;

4. Giao lại tài sản cho người vắng mặt khi người này trở về và phải thông báo cho Toà án biết; nếu có lỗi trong việc quản lý tài sản mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.

Điều 77. Quyền của người quản lý tài sản của người vắng mặt tại nơi cư trú

Người quản lý tài sản của người vắng mặt tại nơi cư trú có các quyền sau đây:

1. Quản lý tài sản của người vắng mặt;

2. Trích một phần tài sản của người vắng mặt để thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng, nghĩa vụ thanh toán nợ đến hạn của người vắng mặt;

3. Được thanh toán các chi phí cần thiết trong việc quản lý tài sản.

Điều 78. Tuyên bố một người mất tích

1. Khi một người biệt tích hai năm liền trở lên, mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Toà án có thể tuyên bố người đó mất tích. Thời hạn hai năm được tính từ ngày biết được tin tức cuối cùng về người đó; nếu không xác định được ngày có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo tháng có tin tức cuối cùng; nếu không xác định được ngày, tháng có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của năm tiếp theo năm có tin tức cuối cùng.

2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố mất tích xin ly hôn thì Toà án giải quyết cho ly hôn.

Điều 79. Quản lý tài sản của người bị tuyên bố mất tích

Người đang quản lý tài sản của người vắng mặt tại nơi cư trú quy định tại khoản 1 Điều 75 của Bộ luật này tiếp tục quản lý tài sản của người đó khi người đó bị Toà án tuyên bố mất tích và có các quyền, nghĩa vụ quy định tại Điều 76 và Điều 77 của Bộ luật này.

Trong trường hợp Toà án giải quyết cho vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố mất tích ly hôn thì tài sản của người mất tích được giao cho con đã thành niên hoặc cha, mẹ của người mất tích quản lý; nếu không có những người này thì giao cho người thân thích của người mất tích quản lý; nếu không có người thân thích thì Toà án chỉ định người khác quản lý tài sản.

Điều 80. Hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất tích

1. Khi người bị tuyên bố mất tích trở về hoặc có tin tức xác thực là người đó còn sống thì theo yêu cầu của người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan, Toà án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất tích.

2. Người bị tuyên bố mất tích trở về được nhận lại tài sản do người quản lý tài sản chuyển giao sau khi đã thanh toán chi phí quản lý.

3. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố mất tích đã được ly hôn thì dù người bị tuyên bố mất tích trở về hoặc có tin tức xác thực là người đó còn sống, quyết định cho ly hôn vẫn có hiệu lực pháp luật.

Điều 81. Tuyên bố một người là đã chết

1. Người có quyền, lợi ích liên quan có thể yêu cầu Toà án ra quyết định tuyên bố một người là đã chết trong các trường hợp sau đây:

a) Sau ba năm, kể từ ngày quyết định tuyên bố mất tích của Toà án có hiệu lực pháp luật mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống;

b) Biệt tích trong chiến tranh sau năm năm, kể từ ngày chiến tranh kết thúc mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống;

c) Bị tai nạn hoặc thảm họa, thiên tai mà sau một năm, kể từ ngày tai nạn hoặc thảm hoạ, thiên tai đó chấm dứt vẫn không có tin tức xác thực là còn sống, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

d) Biệt tích năm năm liền trở lên và không có tin tức xác thực là còn sống; thời hạn này được tính theo quy định tại khoản 1 Điều 78 của Bộ luật này.

2. Tuỳ từng trường hợp, Toà án xác định ngày chết của người bị tuyên bố là đã chết căn cứ vào các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 82. Quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản của người bị Toà án tuyên bố là đã chết

1. Khi quyết định của Toà án tuyên bố một người là đã chết có hiệu lực pháp luật thì quan hệ về hôn nhân, gia đình và các quan hệ nhân thân khác của người đó được giải quyết như đối với người đã chết.

2. Quan hệ tài sản của người bị Toà án tuyên bố là đã chết được giải quyết như đối với người đã chết; tài sản của người đó được giải quyết theo quy định của pháp luật về thừa kế.

Điều 83. Hủy bỏ quyết định tuyên bố một người là đã chết

1. Khi một người bị tuyên bố là đã chết trở về hoặc có tin tức xác thực là người đó còn sống thì theo yêu cầu của người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan, Toà án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố người đó là đã chết.

2. Quan hệ nhân thân của người bị tuyên bố là đã chết được khôi phục khi Toà án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố người đó là đã chết, trừ các trường hợp sau đây:

a) Vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố là đã chết đã được Toà án cho ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 78 của Bộ luật này thì quyết định cho ly hôn vẫn có hiệu lực pháp luật;

b) Vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố là đã chết đã kết hôn với người khác thì việc kết hôn đó vẫn có hiệu lực pháp luật.

3. Người bị tuyên bố là đã chết mà còn sống có quyền yêu cầu những người đã nhận tài sản thừa kế trả lại tài sản, giá trị tài sản hiện còn.

Trong trường hợp người thừa kế của người bị tuyên bố là đã chết biết người này còn sống mà cố tình giấu giếm nhằm hưởng thừa kế thì người đó phải hoàn trả toàn bộ tài sản đã nhận, kể cả hoa lợi, lợi tức; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.

CHƯƠNG IV

PHÁP NHÂN

MỤC 1

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG VỀ PHÁP NHÂN

Điều 84. Pháp nhân

Một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau đây:

1. Được thành lập hợp pháp;

2. Có cơ cấu tổ chức chặt chẽ;

3. Có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó;

4. Nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập.

Điều 85. Thành lập pháp nhân

Pháp nhân được thành lập theo sáng kiến của cá nhân, tổ chức hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Điều 86. Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân

1. Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân là khả năng của pháp nhân có các quyền, nghĩa vụ dân sự phù hợp với mục đích hoạt động của mình.

2. Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân phát sinh từ thời điểm pháp nhân được thành lập và chấm dứt từ thời điểm chấm dứt pháp nhân.

3. Người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền của pháp nhân nhân danh pháp nhân trong quan hệ dân sự.

Điều 87. Tên gọi của pháp nhân

1. Pháp nhân phải có tên gọi bằng tiếng Việt, thể hiện rõ loại hình tổ chức của pháp nhân và phân biệt với các pháp nhân khác trong cùng một lĩnh vực hoạt động.

2. Pháp nhân phải sử dụng tên gọi của mình trong giao dịch dân sự.

3. Tên gọi của pháp nhân được pháp luật công nhận và bảo vệ.

Điều 88. Điều lệ của pháp nhân

1. Trong trường hợp pháp luật quy định pháp nhân phải có điều lệ thì điều lệ của pháp nhân phải được các sáng lập viên hoặc đại hội thành viên thông qua; điều lệ của pháp nhân phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận trong trường hợp pháp luật có quy định.

2. Điều lệ của pháp nhân có những nội dung chủ yếu sau đây:

a) Tên gọi của pháp nhân;

b) Mục đích và phạm vi hoạt động;

c) Trụ sở;

d) Vốn điều lệ, nếu có;

đ) Cơ cấu tổ chức; thể thức cử, bầu, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, nhiệm vụ và quyền hạn của các chức danh của cơ quan điều hành và các cơ quan khác;

e) Quyền, nghĩa vụ của các thành viên;

g) Thể thức sửa đổi, bổ sung điều lệ;

h) Điều kiện hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể pháp nhân.

3. Việc sửa đổi, bổ sung điều lệ của pháp nhân phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận trong trường hợp pháp luật có quy định.

Điều 89. Cơ quan điều hành của pháp nhân

1. Pháp nhân phải có cơ quan điều hành.

2. Tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan điều hành của pháp nhân được quy định trong điều lệ của pháp nhân hoặc trong quyết định thành lập pháp nhân.

Điều 90. Trụ sở của pháp nhân

Trụ sở của pháp nhân là nơi đặt cơ quan điều hành của pháp nhân.

Địa chỉ liên lạc của pháp nhân là địa chỉ trụ sở của pháp nhân. Pháp nhân có thể chọn nơi khác làm địa chỉ liên lạc.

Điều 91. Đại diện của pháp nhân

1. Đại diện của pháp nhân có thể là đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền. Người đại diện của pháp nhân phải tuân theo quy định về đại diện tại Chương VII, Phần thứ nhất của Bộ luật này.

2. Đại diện theo pháp luật của pháp nhân được quy định trong điều lệ của pháp nhân hoặc trong quyết định thành lập pháp nhân.

Điều 92. Văn phòng đại diện, chi nhánh của pháp nhân

1. Pháp nhân có thể đặt văn phòng đại diện, chi nhánh ở nơi khác với nơi đặt trụ sở của pháp nhân.

2. Văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của pháp nhân, có nhiệm vụ đại diện theo ủy quyền cho lợi ích của pháp nhân và thực hiện việc bảo vệ các lợi ích đó.

3. Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của pháp nhân, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của pháp nhân, kể cả chức năng đại diện theo ủy quyền.

4. Văn phòng đại diện, chi nhánh không phải là pháp nhân. Người đứng đầu văn phòng đại diện, chi nhánh thực hiện nhiệm vụ theo ủy quyền của pháp nhân trong phạm vi và thời hạn được ủy quyền.

5. Pháp nhân có các quyền, nghĩa vụ dân sự phát sinh từ giao dịch dân sự do văn phòng đại diện, chi nhánh xác lập, thực hiện.

Điều 93. Trách nhiệm dân sự của pháp nhân

1. Pháp nhân phải chịu trách nhiệm dân sự về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện nhân danh pháp nhân.

2. Pháp nhân chịu trách nhiệm dân sự bằng tài sản của mình; không chịu trách nhiệm thay cho thành viên của pháp nhân đối với nghĩa vụ dân sự do thành viên xác lập, thực hiện không nhân danh pháp nhân.

3. Thành viên của pháp nhân không chịu trách nhiệm dân sự thay cho pháp nhân đối với nghĩa vụ dân sự do pháp nhân xác lập, thực hiện.

Điều 94. Hợp nhất pháp nhân

1. Các pháp nhân cùng loại có thể hợp nhất thành một pháp nhân mới theo quy định của điều lệ, theo thoả thuận giữa các pháp nhân hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Sau khi hợp nhất, các pháp nhân cũ chấm dứt; các quyền, nghĩa vụ dân sự của các pháp nhân cũ được chuyển giao cho pháp nhân mới.

Điều 95. Sáp nhập pháp nhân

1. Một pháp nhân có thể được sáp nhập (sau đây gọi là pháp nhân được sáp nhập) vào một pháp nhân khác cùng loại (sau đây gọi là pháp nhân sáp nhập) theo quy định của điều lệ, theo thoả thuận giữa các pháp nhân hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Sau khi sáp nhập, pháp nhân được sáp nhập chấm dứt; các quyền, nghĩa vụ dân sự của pháp nhân được sáp nhập được chuyển giao cho pháp nhân sáp nhập.

Điều 96. Chia pháp nhân

1. Một pháp nhân có thể chia thành nhiều pháp nhân theo quy định của điều lệ hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Sau khi chia, pháp nhân bị chia chấm dứt; quyền, nghĩa vụ dân sự của pháp nhân bị chia được chuyển giao cho các pháp nhân mới.

Điều 97. Tách pháp nhân

1. Một pháp nhân có thể tách thành nhiều pháp nhân theo quy định của điều lệ hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Sau khi tách, pháp nhân bị tách và pháp nhân được tách thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình phù hợp với mục đích hoạt động của các pháp nhân đó.

Điều 98. Giải thể pháp nhân

1. Pháp nhân có thể bị giải thể trong các trường hợp sau đây:

a) Theo quy định của điều lệ;

b) Theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

c) Hết thời hạn hoạt động được ghi trong điều lệ hoặc trong quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Trước khi giải thể, pháp nhân phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài sản.

Điều 99. Chấm dứt pháp nhân

1. Pháp nhân chấm dứt trong các trường hợp sau đây:

a) Hợp nhất, sáp nhập, chia, giải thể pháp nhân theo quy định tại các điều 94, 95, 96 và 98 của Bộ luật này;

b) Bị tuyên bố phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản.

2. Pháp nhân chấm dứt kể từ thời điểm xoá tên trong sổ đăng ký pháp nhân hoặc từ thời điểm được xác định trong quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

3. Khi pháp nhân chấm dứt, tài sản của pháp nhân được giải quyết theo quy định của pháp luật.

MỤC 2

CÁC LOẠI PHÁP NHÂN

Điều 100. Các loại pháp nhân

1. Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân.

2. Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.

3. Tổ chức kinh tế.

4. Tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.

5. Quỹ xã hội, quỹ từ thiện.

6. Tổ chức khác có đủ các điều kiện quy định tại Điều 84 của Bộ luật này.

Điều 101. Pháp nhân là cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân

1. Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân được Nhà nước giao tài sản để thực hiện chức năng quản lý nhà nước và thực hiện các chức năng khác không nhằm mục đích kinh doanh là pháp nhân khi tham gia quan hệ dân sự.

2. Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân chịu trách nhiệm dân sự liên quan đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình bằng kinh phí được cấp từ ngân sách nhà nước.

3. Trong trường hợp cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân thực hiện các hoạt động có thu theo quy định của pháp luật thì phải chịu trách nhiệm dân sự liên quan đến hoạt động có thu bằng tài sản có được từ hoạt động này.

Điều 102. Pháp nhân là tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội

1. Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội quản lý, sử dụng, định đoạt tài sản thuộc sở hữu của mình nhằm thực hiện mục tiêu chính trị, xã hội theo điều lệ là pháp nhân khi tham gia quan hệ dân sự.

2. Tài sản của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội không thể phân chia cho các thành viên.

3. Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội chịu trách nhiệm dân sự bằng tài sản của mình, trừ tài sản mà theo quy định của pháp luật không được sử dụng để chịu trách nhiệm dân sự.

Điều 103. Pháp nhân là tổ chức kinh tế

1. Doanh nghiệp nhà nước, hợp tác xã, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các tổ chức kinh tế khác có đủ các điều kiện quy định tại Điều 84 của Bộ luật này là pháp nhân.

2. Tổ chức kinh tế phải có điều lệ.

3. Tổ chức kinh tế chịu trách nhiệm dân sự bằng tài sản của mình.

Điều 104. Pháp nhân là tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp

1. Tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thành lập, công nhận điều lệ và có hội viên là cá nhân, tổ chức tự nguyện đóng góp tài sản hoặc hội phí nhằm phục vụ mục đích của hội và nhu cầu chung của hội viên là pháp nhân khi tham gia quan hệ dân sự.

2. Tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp chịu trách nhiệm dân sự bằng tài sản của mình.

3. Trong trường hợp tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp chấm dứt hoạt động thì tài sản của tổ chức đó không được phân chia cho các hội viên mà phải được giải quyết theo quy định của pháp luật.

Điều 105. Pháp nhân là quỹ xã hội, quỹ từ thiện

1. Quỹ xã hội, quỹ từ thiện được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thành lập, công nhận điều lệ, hoạt động vì mục đích khuyến khích phát triển văn hoá, khoa học, từ thiện và các mục đích xã hội, nhân đạo khác không nhằm mục đích thu lợi nhuận là pháp nhân khi tham gia quan hệ dân sự.

2. Tài sản của quỹ xã hội, quỹ từ thiện được quản lý, sử dụng và định đoạt theo quy định của pháp luật và phù hợp với mục đích hoạt động của quỹ do điều lệ quy định.

3. Quỹ xã hội, quỹ từ thiện chỉ được phép tiến hành các hoạt động quy định trong điều lệ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận, trong phạm vi tài sản của quỹ và phải chịu trách nhiệm dân sự bằng tài sản đó.

4. Tổ chức đã lập quỹ xã hội, quỹ từ thiện không phải chịu trách nhiệm dân sự bằng tài sản thuộc sở hữu của mình về các hoạt động của quỹ và không được phân chia tài sản của quỹ trong quá trình quỹ hoạt động.

Trong trường hợp quỹ xã hội, quỹ từ thiện chấm dứt hoạt động thì tài sản của quỹ không được phân chia cho các sáng lập viên mà phải được giải quyết theo quy định của pháp luật.

CHƯƠNG V

HỘ GIA ĐÌNH, TỔ HỢP TÁC

MỤC 1

HỘ GIA ĐÌNH

Điều 106. Hộ gia đình

Hộ gia đình mà các thành viên có tài sản chung, cùng đóng góp công sức để hoạt động kinh tế chung trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp hoặc một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác do pháp luật quy định là chủ thể khi tham gia quan hệ dân sự thuộc các lĩnh vực này.

Điều 107. Đại diện của hộ gia đình

1. Chủ hộ là đại diện của hộ gia đình trong các giao dịch dân sự vì lợi ích chung của hộ. Cha, mẹ hoặc một thành viên khác đã thành niên có thể là chủ hộ.

Chủ hộ có thể ủy quyền cho thành viên khác đã thành niên làm đại diện của hộ trong quan hệ dân sự.

2. Giao dịch dân sự do người đại diện của hộ gia đình xác lập, thực hiện vì lợi ích chung của hộ làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của cả hộ gia đình.

Điều 108. Tài sản chung của hộ gia đình

Tài sản chung của hộ gia đình gồm quyền sử dụng đất, quyền sử dụng rừng, rừng trồng của hộ gia đình, tài sản do các thành viên đóng góp, cùng nhau tạo lập nên hoặc được tặng cho chung, được thừa kế chung và các tài sản khác mà các thành viên thoả thuận là tài sản chung của hộ.

Điều 109. Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của hộ gia đình

1. Các thành viên của hộ gia đình chiếm hữu và sử dụng tài sản chung của hộ theo phương thức thoả thuận.

2. Việc định đoạt tài sản là tư liệu sản xuất, tài sản chung có giá trị lớn của hộ gia đình phải được các thành viên từ đủ mười lăm tuổi trở lên đồng ý; đối với các loại tài sản chung khác phải được đa số thành viên từ đủ mười lăm tuổi trở lên đồng ý.

Điều 110. Trách nhiệm dân sự của hộ gia đình

1. Hộ gia đình phải chịu trách nhiệm dân sự về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự do người đại diện của hộ gia đình xác lập, thực hiện nhân danh hộ gia đình.

2. Hộ gia đình chịu trách nhiệm dân sự bằng tài sản chung của hộ; nếu tài sản chung không đủ để thực hiện nghĩa vụ chung của hộ thì các thành viên phải chịu trách nhiệm liên đới bằng tài sản riêng của mình.

MỤC 2

TỔ HỢP TÁC

Điều 111. Tổ hợp tác

1. Tổ hợp tác được hình thành trên cơ sở hợp đồng hợp tác có chứng thực của ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn của từ ba cá nhân trở lên, cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện những công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm là chủ thể trong các quan hệ dân sự.

Tổ hợp tác có đủ điều kiện để trở thành pháp nhân theo quy định của pháp luật thì đăng ký hoạt động với tư cách pháp nhân tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Hợp đồng hợp tác có các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Mục đích, thời hạn hợp đồng hợp tác;

b) Họ, tên, nơi cư trú của tổ trưởng và các tổ viên;

c) Mức đóng góp tài sản, nếu có; phương thức phân chia hoa lợi, lợi tức giữa các tổ viên;

d) Quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của tổ trưởng, của các tổ viên;

đ) Điều kiện nhận tổ viên mới và ra khỏi tổ hợp tác;

e) Điều kiện chấm dứt tổ hợp tác;

g) Các thoả thuận khác.

Điều 112. Tổ viên tổ hợp tác

Tổ viên tổ hợp tác là cá nhân từ đủ mười tám tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.

Tổ hợp tác có quyền giao kết hợp đồng lao động với người không phải là tổ viên để thực hiện những công việc nhất định.

Điều 113. Đại diện của tổ hợp tác

1. Đại diện của tổ hợp tác trong các giao dịch dân sự là tổ trưởng do các tổ viên cử ra.

Tổ trưởng tổ hợp tác có thể ủy quyền cho tổ viên thực hiện một số công việc nhất định cần thiết cho tổ.

2. Giao dịch dân sự do người đại diện của tổ hợp tác xác lập, thực hiện vì mục đích hoạt động của tổ hợp tác theo quyết định của đa số tổ viên làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của cả tổ hợp tác.

Điều 114. Tài sản của tổ hợp tác

1. Tài sản do các tổ viên đóng góp, cùng tạo lập và được tặng cho chung là tài sản của tổ hợp tác.

2. Các tổ viên quản lý và sử dụng tài sản của tổ hợp tác theo phương thức thoả thuận.

3. Việc định đoạt tài sản là tư liệu sản xuất của tổ hợp tác phải được toàn thể tổ viên đồng ý; đối với các loại tài sản khác phải được đa số tổ viên đồng ý.

Điều 115. Nghĩa vụ của tổ viên

Tổ viên có các nghĩa vụ sau đây:

1. Thực hiện sự hợp tác theo nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, giúp đỡ lẫn nhau và bảo đảm lợi ích chung của tổ hợp tác;

2. Bồi thường thiệt hại cho tổ hợp tác do lỗi của mình gây ra.

Điều 116. Quyền của tổ viên

Tổ viên có các quyền sau đây:

1. Được hưởng hoa lợi, lợi tức thu được từ hoạt động của tổ hợp tác theo thoả thuận;

2. Tham gia quyết định các vấn đề có liên quan đến hoạt động của tổ hợp tác, thực hiện việc kiểm tra hoạt động của tổ hợp tác.

Điều 117. Trách nhiệm dân sự của tổ hợp tác

1. Tổ hợp tác phải chịu trách nhiệm dân sự về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện nhân danh tổ hợp tác.

2. Tổ hợp tác chịu trách nhiệm dân sự bằng tài sản của tổ; nếu tài sản không đủ để thực hiện nghĩa vụ chung của tổ thì tổ viên phải chịu trách nhiệm liên đới theo phần tương ứng với phần đóng góp bằng tài sản riêng của mình.

Điều 118. Nhận tổ viên mới

Tổ hợp tác có thể nhận thêm tổ viên mới, nếu được đa số tổ viên đồng ý, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

Điều 119. Ra khỏi tổ hợp tác

1. Tổ viên có quyền ra khỏi tổ hợp tác theo các điều kiện đã thoả thuận.

2. Tổ viên ra khỏi tổ hợp tác có quyền yêu cầu nhận lại tài sản mà mình đã đóng góp vào tổ hợp tác, được chia phần tài sản của mình trong khối tài sản chung và phải thanh toán các nghĩa vụ của mình đối với tổ hợp tác theo thoả thuận; nếu việc phân chia tài sản bằng hiện vật mà ảnh hưởng đến việc tiếp tục hoạt động của tổ thì tài sản được trị giá bằng tiền để chia.

Điều 120. Chấm dứt tổ hợp tác

1. Tổ hợp tác chấm dứt trong các trường hợp sau đây:

a) Hết thời hạn ghi trong hợp đồng hợp tác;

b) Mục đích của việc hợp tác đã đạt được;

c) Các tổ viên thoả thuận chấm dứt tổ hợp tác.

Trong trường hợp chấm dứt, tổ hợp tác phải báo cáo cho ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn đã chứng thực hợp đồng hợp tác.

2. Tổ hợp tác chấm dứt theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong những trường hợp do pháp luật quy định.

3. Khi chấm dứt, tổ hợp tác phải thanh toán các khoản nợ của tổ; nếu tài sản của tổ không đủ để trả nợ thì phải lấy tài sản riêng của các tổ viên để thanh toán theo quy định tại Điều 117 của Bộ luật này.

Trong trường hợp các khoản nợ đã được thanh toán xong mà tài sản của tổ vẫn còn thì được chia cho các tổ viên theo tỷ lệ tương ứng với phần đóng góp của mỗi người, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

CHƯƠNG VI

GIAO DỊCH DÂN SỰ

Điều 121. Giao dịch dân sự

Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.

Điều 122. Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự

1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Người tham gia giao dịch có năng lực hành vi dân sự;

b) Mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội;

c) Người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện.

2. Hình thức giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch trong trường hợp pháp luật có quy định.

Điều 123. Mục đích của giao dịch dân sự

Mục đích của giao dịch dân sự là lợi ích hợp pháp mà các bên mong muốn đạt được khi xác lập giao dịch đó.

Điều 124. Hình thức giao dịch dân sự

1. Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.

Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu được coi là giao dịch bằng văn bản.

2. Trong trường hợp pháp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản, phải có công chứng hoặc chứng thực, phải đăng ký hoặc xin phép thì phải tuân theo các quy định đó.

Điều 125. Giao dịch dân sự có điều kiện

1. Trong trường hợp các bên có thỏa thuận về điều kiện phát sinh hoặc hủy bỏ giao dịch dân sự thì khi điều kiện đó xảy ra, giao dịch dân sự phát sinh hoặc hủy bỏ.

2. Trong trường hợp điều kiện làm phát sinh hoặc hủy bỏ giao dịch dân sự không thể xảy ra được do hành vi cố ý cản trở của một bên hoặc của người thứ ba thì coi như điều kiện đó đã xảy ra; nếu có sự tác động của một bên hoặc của người thứ ba cố ý thúc đẩy cho điều kiện để làm phát sinh hoặc hủy bỏ giao dịch dân sự xảy ra thì coi như điều kiện đó không xảy ra.

Điều 126. Giải thích giao dịch dân sự

1. Trong trường hợp giao dịch dân sự có thể được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau thì việc giải thích giao dịch dân sự đó được thực hiện theo thứ tự sau đây:

a) Theo ý muốn đích thực của các bên khi xác lập giao dịch;

b) Theo nghĩa phù hợp với mục đích của giao dịch;

c) Theo tập quán nơi giao dịch được xác lập.

2. Việc giải thích hợp đồng dân sự được thực hiện theo quy định tại Điều 409 của Bộ luật này, việc giải thích nội dung di chúc được thực hiện theo quy định tại Điều 673 của Bộ luật này.

Điều 127. Giao dịch dân sự vô hiệu

Giao dịch dân sự không có một trong các điều kiện được quy định tại Điều 122 của Bộ luật này thì vô hiệu.

Điều 128. Giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội

Giao dịch dân sự có mục đích và nội dung vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu.

Điều cấm của pháp luật là những quy định của pháp luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định.

Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung giữa người với người trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng.

Điều 129. Giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo

Khi các bên xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch khác thì giao dịch giả tạo vô hiệu, còn giao dịch bị che giấu vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp giao dịch đó cũng vô hiệu theo quy định của Bộ luật này.

Trong trường hợp xác lập giao dịch giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba thì giao dịch đó vô hiệu.

Điều 130. Giao dịch dân sự vô hiệu do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện

Khi giao dịch dân sự do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự hoặc người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện thì theo yêu cầu của người đại diện của người đó, Toà án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu nếu theo quy định của pháp luật giao dịch này phải do người đại diện của họ xác lập, thực hiện.

Điều 131. Giao dịch dân sự vô hiệu do bị nhầm lẫn

Khi một bên có lỗi vô ý làm cho bên kia nhầm lẫn về nội dung của giao dịch dân sự mà xác lập giao dịch thì bên bị nhầm lẫn có quyền yêu cầu bên kia thay đổi nội dung của giao dịch đó, nếu bên kia không chấp nhận thì bên bị nhầm lẫn có quyền yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch vô hiệu.

Trong trường hợp một bên do lỗi cố ý làm cho bên kia nhầm lẫn về nội dung của giao dịch thì được giải quyết theo quy định tại Điều 132 của Bộ luật này.

Điều 132. Giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa

Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa thì có quyền yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.

Lừa dối trong giao dịch là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó.

Đe dọa trong giao dịch là hành vi cố ý của một bên hoặc người thứ ba làm cho bên kia buộc phải thực hiện giao dịch nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của cha, mẹ, vợ, chồng, con của mình.

Điều 133. Giao dịch dân sự vô hiệu do người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình

Người có năng lực hành vi dân sự nhưng đã xác lập giao dịch vào đúng thời điểm không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình thì có quyền yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.

Điều 134. Giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức

Trong trường hợp pháp luật quy định hình thức giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch mà các bên không tuân theo thì theo yêu cầu của một hoặc các bên, Toà án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác quyết định buộc các bên thực hiện quy định về hình thức của giao dịch trong một thời hạn; quá thời hạn đó mà không thực hiện thì giao dịch vô hiệu.

Điều 135. Giao dịch dân sự vô hiệu từng phần

Giao dịch dân sự vô hiệu từng phần khi một phần của giao dịch vô hiệu nhưng không ảnh hưởng đến hiệu lực của phần còn lại của giao dịch.

Điều 136. Thời hiệu yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu

1. Thời hiệu yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu được quy định tại các điều từ Điều 130 đến Điều 134 của Bộ luật này là hai năm, kể từ ngày giao dịch dân sự được xác lập.

2. Đối với các giao dịch dân sự được quy định tại Điều 128 và Điều 129 của Bộ luật này thì thời hiệu yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu không bị hạn chế.

Điều 137. Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu

1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập.

2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường.

Điều 138. Bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu

1. Trong trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản giao dịch là động sản không phải đăng ký quyền sở hữu đã được chuyển giao bằng một giao dịch khác cho người thứ ba ngay tình thì giao dịch với người thứ ba vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp quy định tại Điều 257 của Bộ luật này.

2. Trong trường hợp tài sản giao dịch là bất động sản hoặc là động sản phải đăng ký quyền sở hữu đã được chuyển giao bằng một giao dịch khác cho người thứ ba ngay tình thì giao dịch với người thứ ba bị vô hiệu, trừ trường hợp người thứ ba ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó người này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị hủy, sửa.

CHƯƠNG VII

ĐẠI DIỆN

Điều 139. Đại diện

1. Đại diện là việc một người (sau đây gọi là người đại diện) nhân danh và vì lợi ích của người khác (sau đây gọi là người được đại diện) xác lập, thực hiện giao dịch dân sự trong phạm vi đại diện.

2. Cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác có thể xác lập, thực hiện giao dịch dân sự thông qua người đại diện. Cá nhân không được để người khác đại diện cho mình nếu pháp luật quy định họ phải tự mình xác lập, thực hiện giao dịch đó.

3. Quan hệ đại diện được xác lập theo pháp luật hoặc theo ủy quyền.

4. Người được đại diện có quyền, nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch dân sự do người đại diện xác lập.

5. Người đại diện phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 143 của Bộ luật này.

Điều 140. Đại diện theo pháp luật

Đại diện theo pháp luật là đại diện do pháp luật quy định hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định.

Điều 141. Người đại diện theo pháp luật

Người đại diện theo pháp luật bao gồm:

1. Cha, mẹ đối với con chưa thành niên;

2. Người giám hộ đối với người được giám hộ;

3. Người được Toà án chỉ định đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;

4. Người đứng đầu pháp nhân theo quy định của điều lệ pháp nhân hoặc quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

5. Chủ hộ gia đình đối với hộ gia đình;

6. Tổ trưởng tổ hợp tác đối với tổ hợp tác;

7. Những người khác theo quy định của pháp luật.

Điều 142. Đại diện theo ủy quyền

1. Đại diện theo ủy quyền là đại diện được xác lập theo sự ủy quyền giữa người đại diện và người được đại diện.

2. Hình thức ủy quyền do các bên thoả thuận, trừ trường hợp pháp luật quy định việc ủy quyền phải được lập thành văn bản.

Điều 143. Người đại diện theo ủy quyền

1. Cá nhân, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân có thể ủy quyền cho người khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.

2. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có thể là người đại diện theo ủy quyền, trừ trường hợp pháp luật quy định giao dịch dân sự phải do người từ đủ mười tám tuổi trở lên xác lập, thực hiện.

Điều 144. Phạm vi đại diện

1. Người đại diện theo pháp luật có quyền xác lập, thực hiện mọi giao dịch dân sự vì lợi ích của người được đại diện, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

2. Phạm vi đại diện theo ủy quyền được xác lập theo sự ủy quyền.

3. Người đại diện chỉ được thực hiện giao dịch dân sự trong phạm vi đại diện.

4. Người đại diện phải thông báo cho người thứ ba trong giao dịch dân sự biết về phạm vi đại diện của mình.

5. Người đại diện không được xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự với chính mình hoặc với người thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Điều 145. Hậu quả của giao dịch dân sự do người không có quyền đại diện xác lập, thực hiện

1. Giao dịch dân sự do người không có quyền đại diện xác lập, thực hiện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện, trừ trường hợp người đại diện hoặc người được đại diện đồng ý. Người đã giao dịch với người không có quyền đại diện phải thông báo cho người được đại diện hoặc người đại diện của người đó để trả lời trong thời hạn ấn định; nếu hết thời hạn này mà không trả lời thì giao dịch đó không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện, nhưng người không có quyền đại diện vẫn phải thực hiện nghĩa vụ đối với người đã giao dịch với mình, trừ trường hợp người đã giao dịch biết hoặc phải biết về việc không có quyền đại diện.

2. Người đã giao dịch với người không có quyền đại diện có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hoặc hủy bỏ giao dịch dân sự đã xác lập và yêu cầu bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp người đó biết hoặc phải biết về việc không có quyền đại diện mà vẫn giao dịch.

Điều 146. Hậu quả của giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện

1. Giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của người được đại diện đối với phần giao dịch được thực hiện vượt quá phạm vi đại diện, trừ trường hợp người được đại diện đồng ý hoặc biết mà không phản đối; nếu không được sự đồng ý thì người đại diện phải thực hiện nghĩa vụ đối với người đã giao dịch với mình về phần giao dịch vượt quá phạm vi đại diện.

2. Người đã giao dịch với người đại diện có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hoặc hủy bỏ giao dịch dân sự đối với phần vượt quá phạm vi đại diện hoặc toàn bộ giao dịch dân sự và yêu cầu bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp người đó biết hoặc phải biết về việc vượt quá phạm vi đại diện mà vẫn giao dịch.

3. Trong trường hợp người đại diện và người giao dịch với người đại diện cố ý xác lập, thực hiện giao dịch dân sự vượt quá phạm vi đại diện mà gây thiệt hại cho người được đại diện thì phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại.

Điều 147. Chấm dứt đại diện của cá nhân

1. Đại diện theo pháp luật của cá nhân chấm dứt trong các trường hợp sau đây:

a) Người được đại diện đã thành niên hoặc năng lực hành vi dân sự đã được khôi phục;

b) Người được đại diện chết;

c) Các trường hợp khác do pháp luật quy định.

2. Đại diện theo ủy quyền của cá nhân chấm dứt trong các trường hợp sau đây:

a) Thời hạn ủy quyền đã hết hoặc công việc được ủy quyền đã hoàn thành;

b) Người ủy quyền hủy bỏ việc ủy quyền hoặc người được ủy quyền từ chối việc ủy quyền;

c) Người ủy quyền hoặc người được ủy quyền chết, bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết.

Khi chấm dứt đại diện theo ủy quyền, người đại diện phải thanh toán xong các nghĩa vụ tài sản với người được đại diện hoặc với người thừa kế của người được đại diện.

Điều 148. Chấm dứt đại diện của pháp nhân

1. Đại diện theo pháp luật của pháp nhân chấm dứt khi pháp nhân chấm dứt.

2. Đại diện theo ủy quyền của pháp nhân chấm dứt trong các trường hợp sau đây:

a) Thời hạn ủy quyền đã hết hoặc công việc được ủy quyền đã hoàn thành;

b) Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân hủy bỏ việc ủy quyền hoặc người được ủy quyền từ chối việc ủy quyền;

c) Pháp nhân chấm dứt hoặc người được ủy quyền chết, bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết.

Khi chấm dứt đại diện theo ủy quyền, người đại diện phải thanh toán xong các nghĩa vụ tài sản với pháp nhân ủy quyền hoặc pháp nhân kế thừa.

CHƯƠNG VIII

THỜI HẠN

Điều 149. Thời hạn

1. Thời hạn là một khoảng thời gian được xác định từ thời điểm này đến thời điểm khác.

2. Thời hạn có thể được xác định bằng phút, giờ, ngày, tuần, tháng, năm hoặc bằng một sự kiện có thể sẽ xảy ra.

Điều 150. Áp dụng cách tính thời hạn

1. Cách tính thời hạn được áp dụng theo quy định của Bộ luật này, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

2. Thời hạn được tính theo dương lịch.

Điều 151. Quy định về thời hạn, thời điểm tính thời hạn

1. Trong trường hợp các bên có thoả thuận về thời hạn là một năm, nửa năm, một tháng, nửa tháng, một tuần, một ngày, một giờ, một phút mà khoảng thời gian diễn ra không liền nhau thì thời hạn đó được tính như sau:

a) Một năm là ba trăm sáu mươi lăm ngày;

b) Nửa năm là sáu tháng;

c) Một tháng là ba mươi ngày;

d) Nửa tháng là mười lăm ngày;

đ) Một tuần là bảy ngày;

e) Một ngày là hai mươi tư giờ;

g) Một giờ là sáu mươi phút;

h) Một phút là sáu mươi giây.

2. Trong trường hợp các bên thoả thuận về thời điểm đầu tháng, giữa tháng, cuối tháng thì thời điểm đó được quy định như sau:

a) Đầu tháng là ngày đầu tiên của tháng;

b) Giữa tháng là ngày thứ mười lăm của tháng;

c) Cuối tháng là ngày cuối cùng của tháng.

3. Trong trường hợp các bên thoả thuận về thời điểm đầu năm, giữa năm, cuối năm thì thời điểm đó được quy định như sau:

a) Đầu năm là ngày đầu tiên của tháng một;

b) Giữa năm là ngày cuối cùng của tháng sáu;

c) Cuối năm là ngày cuối cùng của tháng mười hai.

Điều 152. Thời điểm bắt đầu thời hạn

1. Khi thời hạn được xác định bằng phút, giờ thì thời hạn được bắt đầu từ thời điểm đã xác định.

2. Khi thời hạn được xác định bằng ngày, tuần, tháng, năm thì ngày đầu tiên của thời hạn không được tính mà tính từ ngày tiếp theo của ngày được xác định.

3. Khi thời hạn bắt đầu bằng một sự kiện thì ngày xảy ra sự kiện không được tính mà tính từ ngày tiếp theo của ngày xảy ra sự kiện đó.

Điều 153. Kết thúc thời hạn

1. Khi thời hạn tính bằng ngày thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hạn.

2. Khi thời hạn tính bằng tuần thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày tương ứng của tuần cuối cùng của thời hạn.

3. Khi thời hạn tính bằng tháng thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày tương ứng của tháng cuối cùng của thời hạn; nếu tháng kết thúc thời hạn không có ngày tương ứng thì thời hạn kết thúc vào ngày cuối cùng của tháng đó.

4. Khi thời hạn tính bằng năm thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày, tháng tương ứng của năm cuối cùng của thời hạn.

5. Khi ngày cuối cùng của thời hạn là ngày nghỉ cuối tuần hoặc ngày nghỉ lễ thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày làm việc tiếp theo ngày nghỉ đó.

6. Thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hạn vào lúc hai mươi tư giờ của ngày đó.

CHƯƠNG IX

THỜI HIỆU

Điều 154. Thời hiệu

Thời hiệu là thời hạn do pháp luật quy định mà khi kết thúc thời hạn đó thì chủ thể được hưởng quyền dân sự, được miễn trừ nghĩa vụ dân sự hoặc mất quyền khởi kiện vụ án dân sự, quyền yêu cầu giải quyết việc dân sự.

Điều 155. Các loại thời hiệu

1. Thời hiệu hưởng quyền dân sự là thời hạn mà khi kết thúc thời hạn đó thì chủ thể được hưởng quyền dân sự.

2. Thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự là thời hạn mà khi kết thúc thời hạn đó thì người có nghĩa vụ dân sự được miễn việc thực hiện nghĩa vụ.

3. Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện.

4. Thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự là thời hạn mà chủ thể được quyền yêu cầu Toà án giải quyết việc dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền yêu cầu.

Điều 156. Cách tính thời hiệu

Thời hiệu được tính từ thời điểm bắt đầu ngày đầu tiên của thời hiệu và chấm dứt tại thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hiệu.

Điều 157. Hiệu lực của thời hiệu hưởng quyền dân sự, miễn trừ nghĩa vụ dân sự

1. Trong trường hợp pháp luật quy định cho các chủ thể được hưởng quyền dân sự hoặc được miễn trừ nghĩa vụ dân sự theo thời hiệu thì chỉ sau khi thời hiệu đó kết thúc, việc hưởng quyền dân sự hoặc miễn trừ nghĩa vụ dân sự mới có hiệu lực.

2. Thời hiệu hưởng quyền dân sự không áp dụng trong các trường hợp sau đây:

a) Chiếm hữu tài sản thuộc hình thức sở hữu nhà nước không có căn cứ pháp luật;

b) Việc hưởng quyền nhân thân không gắn với tài sản.

3. Thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự không áp dụng trong việc thực hiện nghĩa vụ dân sự đối với Nhà nước, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Điều 158. Tính liên tục của thời hiệu hưởng quyền dân sự, miễn trừ nghĩa vụ dân sự

1. Thời hiệu hưởng quyền dân sự, miễn trừ nghĩa vụ dân sự có tính liên tục từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc; nếu có sự kiện làm gián đoạn thì thời hiệu phải được tính lại từ đầu, sau khi sự kiện làm gián đoạn chấm dứt.

2. Thời hiệu hưởng quyền dân sự, miễn trừ nghĩa vụ dân sự bị gián đoạn khi có một trong các sự kiện sau đây:

a) Có sự giải quyết của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với quyền, nghĩa vụ dân sự đang được áp dụng thời hiệu;

b) Quyền, nghĩa vụ dân sự đang được áp dụng thời hiệu mà bị người có quyền, nghĩa vụ liên quan tranh chấp.

3. Thời hiệu cũng được tính liên tục trong trường hợp việc hưởng quyền dân sự, miễn trừ nghĩa vụ dân sự được chuyển giao hợp pháp cho người khác.

Điều 159. Bắt đầu thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự

1. Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự được tính từ ngày quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

2. Thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự được tính từ ngày phát sinh quyền yêu cầu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Điều 160. Không áp dụng thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự

Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự không áp dụng trong những trường hợp sau đây:

1. Yêu cầu hoàn trả tài sản thuộc hình thức sở hữu nhà nước;

2. Yêu cầu bảo vệ quyền nhân thân bị xâm phạm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

3. Các trường hợp khác do pháp luật quy định.

Điều 161. Thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự

Thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự là khoảng thời gian xảy ra một trong các sự kiện sau đây:

1. Sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan làm cho chủ thể có quyền khởi kiện, quyền yêu cầu không thể khởi kiện, yêu cầu trong phạm vi thời hiệu.

Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.

Trở ngại khách quan là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ dân sự không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền hoặc nghĩa vụ dân sự của mình;

2. Chưa có người đại diện trong trường hợp người có quyền khởi kiện, người có quyền yêu cầu chưa thành niên, mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;

3. Chưa có người đại diện khác thay thế hoặc vì lý do chính đáng khác mà không thể tiếp tục đại diện được trong trường hợp người đại diện của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự chết.

Điều 162. Bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự

1. Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự bắt đầu lại trong trường hợp sau đây:

a) Bên có nghĩa vụ đã thừa nhận một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện;

b) Bên có nghĩa vụ thực hiện xong một phần nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện;

c) Các bên đã tự hoà giải với nhau.

2. Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự bắt đầu lại kể từ ngày tiếp theo sau ngày xảy ra sự kiện quy định tại khoản 1 Điều này.

PHẦN THỨ HAI

TÀI SẢN VÀ QUYỀN SỞ HỮU

CHƯƠNG X

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 163. Tài sản

Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản.

Điều 164. Quyền sở hữu

Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của pháp luật.

Chủ sở hữu là cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác có đủ ba quyền là quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt tài sản.

Điều 165. Nguyên tắc thực hiện quyền sở hữu

Chủ sở hữu được thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình đối với tài sản nhưng không được gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.

Điều 166. Chịu rủi ro về tài sản

Chủ sở hữu phải chịu rủi ro khi tài sản bị tiêu hủy hoặc bị hư hỏng do sự kiện bất khả kháng, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

Điều 167. Đăng ký quyền sở hữu tài sản

Quyền sở hữu đối với bất động sản được đăng ký theo quy định của Bộ luật này và pháp luật về đăng ký bất động sản. Quyền sở hữu đối với động sản không phải đăng ký, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Điều 168. Thời điểm chuyển quyền sở hữu đối với tài sản

1. Việc chuyển quyền sở hữu đối với bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký quyền sở hữu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

2. Việc chuyển quyền sở hữu đối với động sản có hiệu lực kể từ thời điểm động sản được chuyển giao, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Điều 169. Bảo vệ quyền sở hữu

1. Quyền sở hữu của cá nhân, pháp nhân và chủ thể khác được pháp luật công nhận và bảo vệ.

2. Không ai có thể bị hạn chế, bị tước đoạt trái pháp luật quyền sở hữu đối với tài sản của mình.

Chủ sở hữu có quyền tự bảo vệ, ngăn cản bất kỳ người nào có hành vi xâm phạm quyền sở hữu của mình, truy tìm, đòi lại tài sản bị người khác chiếm hữu, sử dụng, định đoạt không có căn cứ pháp luật.

3. Trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của cá nhân, pháp nhân hoặc của chủ thể khác theo quy định của pháp luật.

Điều 170. Căn cứ xác lập quyền sở hữu

Quyền sở hữu được xác lập đối với tài sản trong các trường hợp sau đây:

1. Do lao động, do hoạt động sản xuất, kinh doanh hợp pháp;

2. Được chuyển quyền sở hữu theo thoả thuận hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

3. Thu hoa lợi, lợi tức;

4. Tạo thành vật mới do sáp nhập, trộn lẫn, chế biến;

5. Được thừa kế tài sản;

6. Chiếm hữu trong các điều kiện do pháp luật quy định đối với vật vô chủ, vật bị đánh rơi, bị bỏ quên, bị chôn giấu, gia súc, gia cầm bị thất lạc, vật nuôi dưới nước di chuyển tự nhiên;

7. Chiếm hữu tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai phù hợp với thời hiệu quy định tại khoản 1 Điều 247 của Bộ luật này;

8. Các trường hợp khác do pháp luật quy định.

Điều 171. Căn cứ chấm dứt quyền sở hữu

Quyền sở hữu chấm dứt trong các trường hợp sau đây:

1. Chủ sở hữu chuyển quyền sở hữu của mình cho người khác;

2. Chủ sở hữu từ bỏ quyền sở hữu của mình;

3. Tài sản bị tiêu hủy;

4. Tài sản bị xử lý để thực hiện nghĩa vụ của chủ sở hữu;

5. Tài sản bị trưng mua;

6. Tài sản bị tịch thu;

7. Vật bị đánh rơi, bị bỏ quên, gia súc, gia cầm bị thất lạc, vật nuôi dưới nước di chuyển tự nhiên mà người khác đã được xác lập quyền sở hữu trong các điều kiện do pháp luật quy định; tài sản mà người khác đã được xác lập quyền sở hữu theo quy định tại khoản 1 Điều 247 của Bộ luật này;

8. Các trường hợp khác do pháp luật quy định.

Điều 172. Hình thức sở hữu

Trên cơ sở chế độ sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân, các hình thức sở hữu bao gồm sở hữu nhà nước, sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân, sở hữu chung, sở hữu của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, sở hữu của tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.

Điều 173. Các quyền của người không phải là chủ sở hữu đối với tài sản

1. Người không phải là chủ sở hữu chỉ có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản không thuộc quyền sở hữu của mình theo thoả thuận với chủ sở hữu tài sản đó hoặc theo quy định của pháp luật.

2. Các quyền của người không phải là chủ sở hữu đối với tài sản bao gồm:

a) Quyền sử dụng đất;

b) Quyền sử dụng hạn chế bất động sản liền kề;

c) Các quyền khác theo thoả thuận hoặc theo quy định của pháp luật.

3. Việc chủ sở hữu chuyển quyền sở hữu tài sản cho người khác không phải là căn cứ để chấm dứt các quyền của người không phải là chủ sở hữu đối với tài sản đó quy định tại khoản 2 Điều này .

4. Các quyền đối với tài sản của người không phải là chủ sở hữu được bảo vệ theo quy định tại Điều 261 của Bộ luật này.

5. Các quyền của người không phải là chủ sở hữu đối với tài sản phải đăng ký bao gồm quyền sử dụng đất, quyền sử dụng hạn chế bất động sản liền kề theo thoả thuận và các quyền khác theo quy định của pháp luật.

CHƯƠNG XI

CÁC LOẠI TÀI SẢN

Điều 174. Bất động sản và động sản

1. Bất động sản là các tài sản bao gồm:

a) Đất đai;

b) Nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai, kể cả các tài sản gắn liền với nhà, công trình xây dựng đó;

c) Các tài sản khác gắn liền với đất đai;

d) Các tài sản khác do pháp luật quy định.

2. Động sản là những tài sản không phải là bất động sản.

Điều 175. Hoa lợi, lợi tức

1. Hoa lợi là sản vật tự nhiên mà tài sản mang lại.

2. Lợi tức là các khoản lợi thu được từ việc khai thác tài sản.

Điều 176. Vật chính và vật phụ

1. Vật chính là vật độc lập, có thể khai thác công dụng theo tính năng.

2. Vật phụ là vật trực tiếp phục vụ cho việc khai thác công dụng của vật chính, là một bộ phận của vật chính, nhưng có thể tách rời vật chính.

Khi thực hiện nghĩa vụ chuyển giao vật chính thì phải chuyển giao cả vật phụ, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

Điều 177. Vật chia được và vật không chia được

1. Vật chia được là vật khi bị phân chia vẫn giữ nguyên tính chất và tính năng sử dụng ban đầu.

2. Vật không chia được là vật khi bị phân chia thì không giữ nguyên được tính chất và tính năng sử dụng ban đầu.

Khi cần phân chia vật không chia được thì phải trị giá thành tiền để chia.

Điều 178. Vật tiêu hao và vật không tiêu hao

1. Vật tiêu hao là vật khi đã qua một lần sử dụng thì mất đi hoặc không giữ được tính chất, hình dáng và tính năng sử dụng ban đầu.

Vật tiêu hao không thể là đối tượng của hợp đồng cho thuê hoặc hợp đồng cho mượn.

2. Vật không tiêu hao là vật khi đã qua sử dụng nhiều lần mà cơ bản vẫn giữ được tính chất, hình dáng và tính năng sử dụng ban đầu.

Điều 179. Vật cùng loại và vật đặc định

1. Vật cùng loại là những vật có cùng hình dáng, tính chất, tính năng sử dụng và xác định được bằng những đơn vị đo lường.

Vật cùng loại có cùng chất lượng có thể thay thế cho nhau.

2. Vật đặc định là vật phân biệt được với các vật khác bằng những đặc điểm riêng về ký hiệu, hình dáng, màu sắc, chất liệu, đặc tính, vị trí.

Khi thực hiện nghĩa vụ chuyển giao vật đặc định thì phải giao đúng vật đó.

Điều 180. Vật đồng bộ

Vật đồng bộ là vật gồm các phần hoặc các bộ phận ăn khớp, liên hệ với nhau hợp thành chỉnh thể mà nếu thiếu một trong các phần, các bộ phận hoặc có phần hoặc bộ phận không đúng quy cách, chủng loại thì không sử dụng được hoặc giá trị sử dụng của vật đó bị giảm sút.

Khi thực hiện nghĩa vụ chuyển giao vật đồng bộ thì phải chuyển giao toàn bộ các phần hoặc các bộ phận hợp thành, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

Điều 181. Quyền tài sản

Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền và có thể chuyển giao trong giao dịch dân sự, kể cả quyền sở hữu trí tuệ.

CHƯƠNG XII

NỘI DUNG QUYỀN SỞ HỮU

MỤC 1

QUYỀN CHIẾM HỮU

Điều 182. Quyền chiếm hữu

Quyền chiếm hữu là quyền nắm giữ, quản lý tài sản.

Điều 183. Chiếm hữu có căn cứ pháp luật

Chiếm hữu có căn cứ pháp luật là việc chiếm hữu tài sản trong các trường hợp sau đây:

1. Chủ sở hữu chiếm hữu tài sản;

2. Người được chủ sở hữu ủy quyền quản lý tài sản;

3. Người được chuyển giao quyền chiếm hữu thông qua giao dịch dân sự phù hợp với quy định của pháp luật;

4. Người phát hiện và giữ tài sản vô chủ, tài sản không xác định được ai là chủ sở hữu, tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên, bị chôn giấu, bị chìm đắm phù hợp với các điều kiện do pháp luật quy định;

5. Người phát hiện và giữ gia súc, gia cầm, vật nuôi dưới nước bị thất lạc phù hợp với các điều kiện do pháp luật quy định;

6. Các trường hợp khác do pháp luật quy định.

Điều 184. Quyền chiếm hữu của chủ sở hữu

Trong trường hợp chủ sở hữu chiếm hữu tài sản thuộc sở hữu của mình thì chủ sở hữu được thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình để nắm giữ, quản lý tài sản nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.

Việc chiếm hữu của chủ sở hữu không bị hạn chế, gián đoạn về thời gian, trừ trường hợp chủ sở hữu chuyển giao việc chiếm hữu cho người khác hoặc pháp luật có quy định khác.

Điều 185. Quyền chiếm hữu của người được chủ sở hữu ủy quyền quản lý tài sản

1. Khi chủ sở hữu ủy quyền quản lý tài sản cho người khác thì người được ủy quyền thực hiện quyền chiếm hữu tài sản đó trong phạm vi, theo cách thức, thời hạn do chủ sở hữu xác định.

2. Người được ủy quyền quản lý tài sản không thể trở thành chủ sở hữu đối với tài sản được giao theo căn cứ về thời hiệu quy định tại khoản 1 Điều 247 của Bộ luật này.

Điều 186. Quyền chiếm hữu của người được giao tài sản thông qua giao dịch dân sự

1. Khi chủ sở hữu giao tài sản cho người khác thông qua giao dịch dân sự mà nội dung không bao gồm việc chuyển quyền sở hữu thì người được giao tài sản phải thực hiện việc chiếm hữu tài sản đó phù hợp với mục đích, nội dung của giao dịch.

2. Người được giao tài sản có quyền sử dụng tài sản được giao, được chuyển quyền chiếm hữu, sử dụng tài sản đó cho người khác, nếu được chủ sở hữu đồng ý.

3. Người được giao tài sản không thể trở thành chủ sở hữu đối với tài sản được giao theo căn cứ về thời hiệu quy định tại khoản 1 Điều 247 của Bộ luật này.

Điều 187. Quyền chiếm hữu tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên, bị chôn giấu, bị chìm đắm, tài sản không xác định được ai là chủ sở hữu

1. Người phát hiện tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên, bị chôn giấu, bị chìm đắm phải thông báo hoặc trả lại ngay cho chủ sở hữu; nếu không biết ai là chủ sở hữu thì phải thông báo hoặc giao nộp cho ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn hoặc công an cơ sở gần nhất hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật.

Người phát hiện tài sản không xác định được ai là chủ sở hữu, tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên, bị chôn giấu, bị chìm đắm được chiếm hữu tài sản đó từ thời điểm phát hiện đến thời điểm trả lại cho chủ sở hữu hoặc đến thời điểm giao nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Đối với tài sản do người khác tẩu tán nhằm che giấu hành vi vi phạm pháp luật hoặc trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ dân sự thì người phát hiện phải thông báo hoặc giao nộp ngay cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 188. Quyền chiếm hữu gia súc, gia cầm, vật nuôi dưới nước bị thất lạc

Người phát hiện và giữ gia súc, gia cầm, vật nuôi dưới nước bị thất lạc phải thông báo hoặc trả lại ngay cho chủ sở hữu; nếu chưa xác định được chủ sở hữu thì được chiếm hữu tài sản đó từ thời điểm phát hiện đến thời điểm trả lại cho chủ sở hữu.

Điều 189. Chiếm hữu không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình

Việc chiếm hữu tài sản không phù hợp với quy định tại Điều 183 của Bộ luật này là chiếm hữu không có căn cứ pháp luật.

Người chiếm hữu tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình là người chiếm hữu mà không biết và không thể biết việc chiếm hữu tài sản đó là không có căn cứ pháp luật.

Điều 190. Chiếm hữu liên tục

Việc chiếm hữu tài sản được thực hiện trong một khoảng thời gian mà không có tranh chấp về tài sản đó là chiếm hữu liên tục, kể cả khi tài sản được giao cho người khác chiếm hữu.

Điều 191. Chiếm hữu công khai

Việc chiếm hữu tài sản được coi là chiếm hữu công khai khi thực hiện một cách minh bạch, không giấu giếm; tài sản đang chiếm hữu được sử dụng theo tính năng, công dụng và được người chiếm hữu bảo quản, giữ gìn như tài sản của chính mình.

MỤC 2

QUYỀN SỬ DỤNG

Điều 192. Quyền sử dụng

Quyền sử dụng là quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản.

Điều 193. Quyền sử dụng của chủ sở hữu

Trong trường hợp chủ sở hữu thực hiện quyền sử dụng tài sản thuộc sở hữu của mình thì chủ sở hữu được khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản theo ý chí của mình nhưng không được gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.

Điều 194. Quyền sử dụng của người không phải là chủ sở hữu

1. Quyền sử dụng tài sản có thể được chuyển giao cho người khác thông qua hợp đồng hoặc theo quy định của pháp luật.

Người không phải là chủ sở hữu có quyền sử dụng tài sản đúng tính năng, công dụng, đúng phương thức.

2. Người chiếm hữu không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình cũng có quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản theo quy định của pháp luật.

MỤC 3

QUYỀN ĐỊNH ĐOẠT

Điều 195. Quyền định đoạt

Quyền định đoạt là quyền chuyển giao quyền sở hữu tài sản hoặc từ bỏ quyền sở hữu đó.

Điều 196. Điều kiện định đoạt

Việc định đoạt tài sản phải do người có năng lực hành vi dân sự thực hiện theo quy định của pháp luật.

Trong trường hợp pháp luật có quy định trình tự, thủ tục định đoạt tài sản thì phải tuân theo trình tự, thủ tục đó.

Điều 197. Quyền định đoạt của chủ sở hữu

Chủ sở hữu có quyền bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, để thừa kế, từ bỏ hoặc thực hiện các hình thức định đoạt khác phù hợp với quy định của pháp luật đối với tài sản.

Điều 198. Quyền định đoạt của người không phải là chủ sở hữu

Người không phải là chủ sở hữu tài sản chỉ có quyền định đoạt tài sản theo ủy quyền của chủ sở hữu hoặc theo quy định của pháp luật.

Người được chủ sở hữu ủy quyền định đoạt tài sản phải thực hiện việc định đoạt phù hợp với ý chí, lợi ích của chủ sở hữu.

Điều 199. Hạn chế quyền định đoạt

1. Quyền định đoạt chỉ bị hạn chế trong trường hợp do pháp luật quy định.

2. Khi tài sản đem bán là di tích lịch sử, văn hoá thì Nhà nước có quyền ưu tiên mua.

Trong trường hợp pháp nhân, cá nhân, chủ thể khác có quyền ưu tiên mua đối với tài sản nhất định theo quy định của pháp luật thì khi bán tài sản, chủ sở hữu phải dành quyền ưu tiên mua cho các chủ thể đó.

CHƯƠNG XIII

CÁC HÌNH THỨC SỞ HỮU

MỤC 1

SỞ HỮU NHÀ NƯỚC

Điều 200. Tài sản thuộc hình thức sở hữu nhà nước

Tài sản thuộc hình thức sở hữu nhà nước bao gồm đất đai, rừng tự nhiên, rừng trồng có nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, núi, sông hồ, nguồn nước, tài nguyên trong lòng đất, nguồn lợi tự nhiên ở vùng biển, thềm lục địa và vùng trời, phần vốn và tài sản do Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, công trình thuộc các ngành và lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội, khoa học, kỹ thuật, ngoại giao, quốc phòng, an ninh cùng các tài sản khác do pháp luật quy định.

Điều 201. Thực hiện quyền của chủ sở hữu đối với tài sản thuộc hình thức sở hữu nhà nước

1. Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện quyền của chủ sở hữu đối với tài sản thuộc hình thức sở hữu nhà nước.

2. Chính phủ thống nhất quản lý và bảo đảm sử dụng đúng mục đích, hiệu quả và tiết kiệm tài sản thuộc hình thức sở hữu nhà nước.

Điều 202. Quản lý, sử dụng, định đoạt tài sản thuộc hình thức sở hữu nhà nước

Việc quản lý, sử dụng, định đoạt tài sản thuộc hình thức sở hữu nhà nước được thực hiện trong phạm vi và theo trình tự do pháp luật quy định.

Điều 203. Thực hiện quyền sở hữu nhà nước đối với tài sản được đầu tư vào doanh nghiệp nhà nước

1. Khi tài sản thuộc hình thức sở hữu nhà nước được đầu tư vào doanh nghiệp nhà nước thì Nhà nước thực hiện quyền của chủ sở hữu đối với tài sản đó theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.

2. Doanh nghiệp nhà nước có quyền quản lý, sử dụng vốn, đất đai, tài nguyên và các tài sản khác do Nhà nước đầu tư theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.

Điều 204. Thực hiện quyền sở hữu nhà nước đối với tài sản được giao cho cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang

1. Khi tài sản thuộc hình thức sở hữu nhà nước được giao cho cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang thì Nhà nước thực hiện quyền kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài sản đó.

2. Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang có quyền quản lý, sử dụng đúng mục đích, theo quy định của pháp luật đối với tài sản được Nhà nước giao.

Điều 205. Thực hiện quyền sở hữu nhà nước đối với tài sản được giao cho tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp

1. Khi tài sản thuộc hình thức sở hữu nhà nước được giao cho tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp thì Nhà nước thực hiện quyền kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài sản đó.

2. Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp có quyền quản lý, sử dụng tài sản được Nhà nước giao đúng mục đích, phạm vi, theo cách thức, trình tự do pháp luật quy định phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được quy định trong điều lệ.

Điều 206. Quyền của doanh nghiệp, hộ gia đình, tổ hợp tác và cá nhân đối với việc sử dụng, khai thác tài sản thuộc hình thức sở hữu nhà nước

Trong trường hợp pháp luật có quy định và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép, doanh nghiệp, hộ gia đình, tổ hợp tác và cá nhân được sử dụng đất, khai thác nguồn lợi thủy sản và tài nguyên khác thuộc hình thức sở hữu nhà nước và phải sử dụng, khai thác đúng mục đích, có hiệu quả, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với Nhà nước theo quy định của pháp luật.

Điều 207. Tài sản thuộc hình thức sở hữu nhà nước chưa được giao cho tổ chức, cá nhân quản lý

Đối với tài sản thuộc hình thức sở hữu nhà nước mà chưa được giao cho tổ chức, cá nhân quản lý thì Chính phủ tổ chức thực hiện việc bảo vệ, điều tra, khảo sát và lập quy hoạch đưa vào khai thác.

MỤC 2

SỞ HỮU TẬP THỂ

Điều 208. Sở hữu tập thể

Sở hữu tập thể là sở hữu của hợp tác xã hoặc các hình thức kinh tế tập thể ổn định khác do cá nhân, hộ gia đình cùng góp vốn, góp sức hợp tác sản xuất, kinh doanh nhằm thực hiện mục đích chung được quy định trong điều lệ, theo nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, dân chủ, cùng quản lý và cùng hưởng lợi.

Điều 209. Tài sản thuộc hình thức sở hữu tập thể

Tài sản được hình thành từ nguồn đóng góp của các thành viên, thu nhập hợp pháp do sản xuất, kinh doanh, được Nhà nước hỗ trợ hoặc từ các nguồn khác phù hợp với quy định của pháp luật là tài sản thuộc sở hữu của tập thể đó.

Điều 210. Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản thuộc hình thức sở hữu tập thể

1. Việc chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản thuộc hình thức sở hữu tập thể phải tuân theo pháp luật, phù hợp với điều lệ của tập thể đó, bảo đảm sự phát triển ổn định của sở hữu tập thể.

2. Tài sản thuộc hình thức sở hữu tập thể được giao cho các thành viên khai thác công dụng bằng sức lao động của mình trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm phục vụ nhu cầu mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế chung và lợi ích, nhu cầu của các thành viên.

3. Thành viên của tập thể có quyền được ưu tiên mua, thuê, thuê khoán tài sản thuộc hình thức sở hữu tập thể.

MỤC 3

SỞ HỮU TƯ NHÂN

Điều 211. Sở hữu tư nhân

Sở hữu tư nhân là sở hữu của cá nhân đối với tài sản hợp pháp của mình.

Sở hữu tư nhân bao gồm sở hữu cá thể, sở hữu tiểu chủ, sở hữu tư bản tư nhân.

Điều 212. Tài sản thuộc hình thức sở hữu tư nhân

1. Thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, vốn, hoa lợi, lợi tức và các tài sản hợp pháp khác của cá nhân là tài sản thuộc hình thức sở hữu tư nhân.

Tài sản hợp pháp thuộc hình thức sở hữu tư nhân không bị hạn chế về số lượng, giá trị.

2. Cá nhân không được sở hữu đối với tài sản mà pháp luật quy định không thể thuộc hình thức sở hữu sở hữu tư nhân.

Điều 213. Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản thuộc hình thức sở hữu tư nhân

1. Cá nhân có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản thuộc sở hữu của mình nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt, tiêu dùng hoặc sản xuất, kinh doanh và các mục đích khác phù hợp với quy định của pháp luật.

2. Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản thuộc hình thức sở hữu tư nhân không được gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.

MỤC 4

SỞ HỮU CHUNG

Điều 214. Sở hữu chung

Sở hữu chung là sở hữu của nhiều chủ sở hữu đối với tài sản.

Sở hữu chung bao gồm sở hữu chung theo phần và sở hữu chung hợp nhất.

Tài sản thuộc hình thức sở hữu chung là tài sản chung.

Điều 215. Xác lập quyền sở hữu chung

Quyền sở hữu chung được xác lập theo thoả thuận của các chủ sở hữu, theo quy định của pháp luật hoặc theo tập quán.

Điều 216. Sở hữu chung theo phần

1. Sở hữu chung theo phần là sở hữu chung mà trong đó phần quyền sở hữu của mỗi chủ sở hữu được xác định đối với tài sản chung.

2. Mỗi chủ sở hữu chung theo phần có quyền, nghĩa vụ đối với tài sản thuộc sở hữu chung tương ứng với phần quyền sở hữu của mình, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

Điều 217. Sở hữu chung hợp nhất

1. Sở hữu chung hợp nhất là sở hữu chung mà trong đó phần quyền sở hữu của mỗi chủ sở hữu chung không được xác định đối với tài sản chung.

Sở hữu chung hợp nhất bao gồm sở hữu chung hợp nhất có thể phân chia và sở hữu chung hợp nhất không phân chia.

2. Các chủ sở hữu chung hợp nhất có quyền, nghĩa vụ ngang nhau đối với tài sản thuộc sở hữu chung.

Điều 218. Sở hữu chung hỗn hợp

1. Sở hữu chung hỗn hợp là sở hữu đối với tài sản do các chủ sở hữu thuộc các thành phần kinh tế khác nhau góp vốn để sản xuất, kinh doanh thu lợi nhuận.

2. Tài sản được hình thành từ nguồn vốn góp của các chủ sở hữu, lợi nhuận hợp pháp thu được từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc từ các nguồn khác phù hợp với quy định của pháp luật là tài sản thuộc sở hữu chung hỗn hợp.

3. Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản thuộc sở hữu chung hỗn hợp phải tuân theo quy định tại Điều 216 của Bộ luật này và các quy định của pháp luật có liên quan đến việc góp vốn, tổ chức, hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản lý, điều hành, trách nhiệm về tài sản và phân chia lợi nhuận.

Điều 219. Sở hữu chung của vợ chồng

1. Sở hữu chung của vợ chồng là sở hữu chung hợp nhất.

2. Vợ chồng cùng nhau tạo lập, phát triển khối tài sản chung bằng công sức của mỗi người; có quyền ngang nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung.

3. Vợ chồng cùng bàn bạc, thoả thuận hoặc ủy quyền cho nhau chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung.

4. Tài sản chung của vợ chồng có thể phân chia theo thoả thuận hoặc theo quyết định của Toà án.

Điều 220. Sở hữu chung của cộng đồng

1. Sở hữu chung của cộng đồng là sở hữu của dòng họ, thôn, ấp, làng, bản, buôn, sóc, cộng đồng tôn giáo và các cộng đồng dân cư khác đối với tài sản được hình thành theo tập quán, tài sản do các thành viên của cộng đồng cùng nhau đóng góp, quyên góp, được tặng cho chung hoặc từ các nguồn khác phù hợp với quy định của pháp luật nhằm mục đích thoả mãn lợi ích chung hợp pháp của cả cộng đồng.

2. Các thành viên của cộng đồng cùng quản lý, sử dụng, định đoạt tài sản chung theo thoả thuận hoặc theo tập quán, vì lợi ích của cộng đồng nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.

3. Tài sản chung của cộng đồng là tài sản chung hợp nhất.

Điều 221. Chiếm hữu tài sản chung

Các chủ sở hữu chung cùng quản lý tài sản chung theo nguyên tắc nhất trí, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

Điều 222. Sử dụng tài sản chung

1. Mỗi chủ sở hữu chung theo phần có quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản chung tương ứng với phần quyền sở hữu của mình, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

2. Các chủ sở hữu chung hợp nhất có quyền ngang nhau trong việc khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản chung, nếu không có thoả thuận khác.

Điều 223. Định đoạt tài sản chung

1. Mỗi chủ sở hữu chung theo phần có quyền định đoạt phần quyền sở hữu của mình theo thoả thuận hoặc theo quy định của pháp luật.

2. Việc định đoạt tài sản chung hợp nhất được thực hiện theo thoả thuận của các chủ sở hữu chung hoặc theo quy định của pháp luật.

3. Trong trường hợp một chủ sở hữu chung bán phần quyền sở hữu của mình thì chủ sở hữu chung khác được quyền ưu tiên mua. Trong thời hạn ba tháng đối với tài sản chung là bất động sản, một tháng đối với tài sản chung là động sản, kể từ ngày các chủ sở hữu chung khác nhận được thông báo về việc bán và các điều kiện bán mà không có chủ sở hữu chung nào mua thì chủ sở hữu đó được quyền bán cho người khác.

Trong trường hợp bán phần quyền sở hữu mà có sự vi phạm về quyền ưu tiên mua thì trong thời hạn ba tháng, kể từ ngày phát hiện có sự vi phạm về quyền ưu tiên mua, chủ sở hữu chung theo phần trong số các chủ sở hữu chung có quyền yêu cầu Toà án chuyển sang cho mình quyền và nghĩa vụ của người mua; bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường thiệt hại.

4. Trong trường hợp một trong các chủ sở hữu chung từ bỏ phần quyền sở hữu của mình hoặc khi người này chết mà không có người thừa kế thì phần quyền sở hữu đó thuộc Nhà nước, trừ trường hợp sở hữu chung của cộng đồng thì thuộc sở hữu chung của các chủ sở hữu chung còn lại.

Điều 224. Chia tài sản thuộc hình thức sở hữu chung

1. Trong trường hợp sở hữu chung có thể phân chia thì mỗi chủ sở hữu chung đều có quyền yêu cầu chia tài sản chung; nếu các chủ sở hữu chung đã thoả thuận không phân chia tài sản chung trong một thời hạn thì mỗi chủ sở hữu chung chỉ có quyền yêu cầu chia tài sản chung khi hết thời hạn đó; khi tài sản chung không thể chia được bằng hiện vật thì được trị giá thành tiền để chia.

2. Trong trường hợp có người yêu cầu một người trong số các chủ sở hữu chung thực hiện nghĩa vụ thanh toán khi người đó không có tài sản riêng hoặc tài sản riêng không đủ để thanh toán thì người yêu cầu có quyền yêu cầu chia tài sản chung để nhận tiền thanh toán và được tham gia vào việc chia tài sản chung, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Nếu không thể chia phần quyền sở hữu bằng hiện vật hoặc việc chia này bị các chủ sở hữu chung còn lại phản đối thì người có quyền có quyền yêu cầu người có nghĩa vụ bán phần quyền sở hữu của mình để thực hiện nghĩa vụ thanh toán.

Điều 225. Sở hữu chung trong nhà chung cư

1. Phần diện tích, trang thiết bị dùng chung trong nhà chung cư thuộc sở hữu chung của tất cả chủ sở hữu các căn hộ trong nhà đó và không thể phân chia, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác hoặc có sự thoả thuận của tất cả các chủ sở hữu.

2. Chủ sở hữu các căn hộ trong nhà chung cư có quyền và nghĩa vụ ngang nhau trong việc quản lý, sử dụng phần diện tích và thiết bị chung.

3. Trong trường hợp nhà chung cư bị tiêu hủy thì chủ sở hữu các căn hộ trong nhà chung cư có quyền sử dụng diện tích mặt đất của nhà chung cư theo quy định của pháp luật.

Điều 226. Chấm dứt sở hữu chung

Sở hữu chung chấm dứt trong các trường hợp sau đây:

1. Tài sản chung đã được chia;

2. Một trong số các chủ sở hữu chung được hưởng toàn bộ tài sản chung;

3. Tài sản chung không còn;

4. Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

MỤC 5

SỞ HỮU CỦA TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ, TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI

Điều 227. Sở hữu của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội

Sở hữu của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội là sở hữu của tổ chức đó nhằm thực hiện mục đích chung quy định trong điều lệ.

Điều 228. Tài sản thuộc hình thức sở hữu của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội

1. Tài sản được hình thành từ nguồn đóng góp của các thành viên, tài sản được tặng cho chung và từ các nguồn khác phù hợp với quy định của pháp luật là tài sản thuộc sở hữu của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.

Tài sản thuộc hình thức sở hữu nhà nước đã chuyển giao quyền sở hữu cho tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội là tài sản thuộc sở hữu của tổ chức đó.

2. Tài sản thuộc hình thức sở hữu nhà nước giao cho tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội để quản lý và sử dụng thì không thuộc sở hữu của tổ chức đó.

Điều 229. Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản thuộc hình thức sở hữu của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội

Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thực hiện quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản thuộc sở hữu của mình theo quy định của pháp luật và phù hợp với mục đích hoạt động được quy định trong điều lệ.

MỤC 6

SỞ HỮU CỦA TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ XÃ HỘI - NGHỀ NGHIỆP,

TỔ CHỨC XÃ HỘI, TỔ CHỨC XÃ HỘI - NGHỀ NGHIỆP

Điều 230. Sở hữu của tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp

Sở hữu của tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp là sở hữu của cả tổ chức đó nhằm thực hiện mục đích chung của các thành viên được quy định trong điều lệ.

Điều 231. Tài sản thuộc hình thức sở hữu của tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp

Tài sản được hình thành từ nguồn đóng góp của các thành viên, tài sản được tặng cho chung hoặc từ các nguồn khác phù hợp với quy định của pháp luật là tài sản thuộc sở hữu của tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp đó.

Điều 232. Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản thuộc hình thức sở hữu của tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp

Tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp thực hiện quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản thuộc sở hữu của mình theo quy định của pháp luật và phù hợp với mục đích hoạt động được quy định trong điều lệ.

CHƯƠNG XIV

XÁC LẬP, CHẤM DỨT QUYỀN SỞ HỮU

MỤC 1

XÁC LẬP QUYỀN SỞ HỮU

Điều 233. Xác lập quyền sở hữu đối với tài sản có được do lao động, do hoạt động sản xuất, kinh doanh hợp pháp

Người lao động, người tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh hợp pháp có quyền sở hữu đối với tài sản do lao động, do hoạt động sản xuất, kinh doanh hợp pháp, kể từ thời điểm có được tài sản đó.

Điều 234. Xác lập quyền sở hữu theo thoả thuận

Người được giao tài sản thông qua hợp đồng mua bán, tặng cho, trao đổi, cho vay có quyền sở hữu tài sản đó, kể từ thời điểm chuyển giao tài sản, nếu các bên không có thoả thuận khác hoặc pháp luật không có quy định khác.

Điều 235. Xác lập quyền sở hữu đối với hoa lợi, lợi tức

Chủ sở hữu, người sử dụng tài sản có quyền sở hữu đối với hoa lợi, lợi tức theo thoả thuận hoặc theo quy định của pháp luật, kể từ thời điểm thu được hoa lợi, lợi tức đó.

Điều 236. Xác lập quyền sở hữu trong trường hợp sáp nhập

1. Trong trường hợp tài sản của nhiều chủ sở hữu khác nhau được sáp nhập với nhau tạo thành vật không chia được và không thể xác định tài sản đem sáp nhập là vật chính hoặc vật phụ thì vật mới được tạo thành là tài sản thuộc sở hữu chung của các chủ sở hữu đó; nếu tài sản đem sáp nhập là vật chính và vật phụ thì vật mới được tạo thành thuộc chủ sở hữu vật chính, kể từ thời điểm vật mới được tạo thành; chủ sở hữu tài sản mới phải thanh toán cho chủ sở hữu vật phụ phần giá trị của vật phụ đó, nếu không có thoả thuận khác.

2. Khi một người sáp nhập tài sản là động sản của người khác vào tài sản là động sản của mình, mặc dù đã biết hoặc phải biết tài sản đó không phải là của mình và cũng không được sự đồng ý của chủ sở hữu tài sản bị sáp nhập thì chủ sở hữu tài sản bị sáp nhập có một trong các quyền sau đây:

a) Yêu cầu người sáp nhập tài sản giao tài sản mới cho mình và thanh toán cho người sáp nhập giá trị tài sản của người đó;

b) Yêu cầu người sáp nhập tài sản thanh toán giá trị phần tài sản của mình và bồi thường thiệt hại, nếu không nhận tài sản mới.

3. Khi một người sáp nhập tài sản là động sản của người khác vào tài sản là bất động sản của mình, mặc dù đã biết hoặc phải biết tài sản đó không phải là của mình và cũng không được sự đồng ý của chủ sở hữu tài sản bị sáp nhập thì chủ sở hữu tài sản bị sáp nhập có quyền yêu cầu người sáp nhập tài sản thanh toán giá trị phần tài sản của mình và bồi thường thiệt hại.

Điều 237. Xác lập quyền sở hữu trong trường hợp trộn lẫn

1. Trong trường hợp tài sản của nhiều chủ sở hữu khác nhau được trộn lẫn với nhau tạo thành vật mới không chia được thì vật mới là tài sản thuộc sở hữu chung của các chủ sở hữu đó, kể từ thời điểm trộn lẫn.

2. Khi một người đã trộn lẫn tài sản của người khác vào tài sản của mình, mặc dù đã biết hoặc phải biết tài sản đó không phải của mình và không được sự đồng ý của chủ sở hữu tài sản bị trộn lẫn thì chủ sở hữu tài sản bị trộn lẫn có một trong các quyền sau đây:

a) Yêu cầu người đã trộn lẫn tài sản giao tài sản mới cho mình và thanh toán cho người đã trộn lẫn phần giá trị tài sản của người đó;

b) Yêu cầu người đã trộn lẫn tài sản thanh toán giá trị phần tài sản của mình và bồi thường thiệt hại, nếu không nhận tài sản mới.

Điều 238. Xác lập quyền sở hữu trong trường hợp chế biến

1. Chủ sở hữu của nguyên vật liệu được đem chế biến tạo thành vật mới cũng là chủ sở hữu của vật mới được tạo thành.

2. Người dùng nguyên vật liệu thuộc sở hữu của người khác để chế biến mà ngay tình thì trở thành chủ sở hữu của tài sản mới nhưng phải thanh toán giá trị nguyên vật liệu, bồi thường thiệt hại cho chủ sở hữu nguyên vật liệu đó.

3. Trong trường hợp người chế biến không ngay tình thì chủ sở hữu nguyên vật liệu có quyền yêu cầu giao lại vật mới; nếu có nhiều chủ sở hữu nguyên vật liệu thì những người này là đồng chủ sở hữu theo phần đối với vật mới được tạo thành, tương ứng với giá trị nguyên vật liệu của mỗi người. Chủ sở hữu nguyên vật liệu bị chế biến không ngay tình có quyền yêu cầu người chế biến bồi thường thiệt hại.

Điều 239. Xác lập quyền sở hữu đối với vật vô chủ, vật không xác định được chủ sở hữu

1. Vật vô chủ là vật mà chủ sở hữu đã từ bỏ quyền sở hữu đối với vật đó.

Người đã phát hiện vật vô chủ là động sản thì có quyền sở hữu tài sản đó theo quy định của pháp luật; nếu vật được phát hiện là bất động sản thì thuộc Nhà nước.

2. Người phát hiện vật không xác định được ai là chủ sở hữu phải thông báo hoặc giao nộp cho ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn hoặc công an cơ sở gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại.

Việc giao nộp phải được lập biên bản, trong đó ghi rõ họ, tên, địa chỉ của người giao nộp, người nhận, tình trạng, số lượng, khối lượng tài sản giao nộp.

ủy ban nhân dân hoặc công an cơ sở đã nhận vật phải thông báo cho người phát hiện về kết quả xác định chủ sở hữu.

Trong trường hợp vật không xác định được ai là chủ sở hữu là động sản thì sau một năm, kể từ ngày thông báo công khai, mà vẫn không xác định được ai là chủ sở hữu thì động sản đó thuộc sở hữu của người phát hiện theo quy định của pháp luật; nếu vật là bất động sản thì sau năm năm, kể từ ngày thông báo công khai vẫn chưa xác định được ai là chủ sở hữu thì bất động sản đó thuộc Nhà nước; người phát hiện được hưởng một khoản tiền thưởng theo quy định của pháp luật.

Điều 240. Xác lập quyền sở hữu đối với vật bị chôn giấu, bị chìm đắm được tìm thấy

Vật bị chôn giấu, bị chìm đắm được tìm thấy mà không có hoặc không xác định được ai là chủ sở hữu thì sau khi trừ chi phí tìm kiếm, bảo quản, quyền sở hữu đối với vật đó được xác định như sau:

1. Vật được tìm thấy là di tích lịch sử, văn hoá thì thuộc Nhà nước; người tìm thấy vật đó được hưởng một khoản tiền thưởng theo quy định của pháp luật;

2. Vật được tìm thấy không phải là di tích lịch sử, văn hoá, mà có giá trị đến mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định thì thuộc sở hữu của người tìm thấy; nếu vật tìm thấy có giá trị lớn hơn mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định thì người tìm thấy được hưởng giá trị bằng mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định và 50% giá trị của phần vượt quá mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định, phần giá trị còn lại thuộc Nhà nước.

Điều 241. Xác lập quyền sở hữu đối với vật do người khác đánh rơi, bỏ quên

1. Người nhặt được vật do người khác đánh rơi hoặc bỏ quên mà biết được địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc trả lại vật cho người đó; nếu không biết địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc giao nộp cho ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn hoặc công an cơ sở gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại.

Ủy ban nhân dân hoặc công an cơ sở đã nhận vật phải thông báo cho người đã giao nộp về kết quả xác định chủ sở hữu.

2. Sau một năm, kể từ ngày thông báo công khai về vật nhặt được mà không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận, nếu vật có giá trị đến mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định thì vật đó thuộc sở hữu của người nhặt được; nếu vật có giá trị lớn hơn mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định thì sau khi trừ chi phí bảo quản người nhặt được được hưởng giá trị bằng mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định và 50% giá trị của phần vượt quá mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định, phần giá trị còn lại thuộc Nhà nước.

3. Vật bị đánh rơi, bị bỏ quên là di tích lịch sử, văn hoá mà sau một năm, kể từ ngày thông báo công khai, không xác định được chủ sở hữu hoặc không có người đến nhận thì vật đó thuộc Nhà nước; người nhặt được vật đó được hưởng một khoản tiền thưởng theo quy định của pháp luật.

Điều 242. Xác lập quyền sở hữu đối với gia súc bị thất lạc

Người bắt được gia súc bị thất lạc phải nuôi giữ và báo cho ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại. Chủ sở hữu nhận lại gia súc bị thất lạc phải thanh toán tiền công nuôi giữ và các chi phí khác cho người bắt được.

Sau sáu tháng, kể từ ngày thông báo công khai mà không có người đến nhận thì gia súc đó thuộc sở hữu của người bắt được; nếu gia súc bắt được là gia súc thả rông theo tập quán thì thời hạn này là một năm.

Trong thời gian nuôi giữ gia súc bị thất lạc, nếu gia súc có sinh con thì người bắt được gia súc được hưởng một nửa số gia súc sinh ra và phải bồi thường thiệt hại nếu có lỗi cố ý làm chết gia súc.

Điều 243. Xác lập quyền sở hữu đối với gia cầm bị thất lạc

Trong trường hợp gia cầm của một người bị thất lạc, mà người khác bắt được thì người bắt được phải thông báo công khai để chủ sở hữu gia cầm biết mà nhận lại. Chủ sở hữu nhận lại gia cầm bị thất lạc phải thanh toán tiền công nuôi giữ và các chi phí khác cho người bắt được.

Sau một tháng, kể từ ngày thông báo công khai mà không có người đến nhận thì gia cầm đó thuộc sở hữu của người bắt được.

Trong thời gian nuôi giữ gia cầm bị thất lạc, người bắt được gia cầm được hưởng hoa lợi do gia cầm sinh ra và phải bồi thường thiệt hại nếu có lỗi cố ý làm chết gia cầm.

Điều 244. Xác lập quyền sở hữu đối với vật nuôi dưới nước

Khi vật nuôi dưới nước của một người di chuyển tự nhiên vào ruộng, ao, hồ của người khác thì thuộc sở hữu của người có ruộng, ao, hồ đó. Trong trường hợp vật nuôi dưới nước có dấu hiệu riêng biệt để có thể xác định vật nuôi không thuộc sở hữu của mình thì người có ruộng, ao, hồ đó phải thông báo công khai để chủ sở hữu biết mà nhận lại. Sau một tháng, kể từ ngày thông báo công khai mà không có người đến nhận thì vật nuôi dưới nước đó thuộc sở hữu người có ruộng, ao, hồ đó.

Điều 245. Xác lập quyền sở hữu do được thừa kế

Người thừa kế có quyền sở hữu đối với tài sản thừa kế theo quy định tại Phần thứ tư của Bộ luật này.

Điều 246. Xác lập quyền sở hữu theo bản án, quyết định của Toà án hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác

Quyền sở hữu có thể được xác lập căn cứ vào bản án, quyết định của Toà án hoặc quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác.

Điều 247. Xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu

1. Người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn mười năm đối với động sản, ba mươi năm đối với bất động sản thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó, kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Người chiếm hữu tài sản thuộc hình thức sở hữu nhà nước không có căn cứ pháp luật thì dù ngay tình, liên tục, công khai, dù thời gian chiếm hữu là bao lâu cũng không thể trở thành chủ sở hữu tài sản đó.

MỤC 2

CHẤM DỨT QUYỀN SỞ HỮU

Điều 248. Chủ sở hữu chuyển giao quyền sở hữu của mình cho người khác

Khi chủ sở hữu chuyển giao quyền sở hữu của mình cho người khác thông qua hợp đồng mua bán, trao đổi, tặng cho, cho vay hoặc thông qua việc để thừa kế thì quyền sở hữu đối với tài sản của người đó chấm dứt kể từ thời điểm phát sinh quyền sở hữu của người được chuyển giao.

Điều 249. Từ bỏ quyền sở hữu

Chủ sở hữu có thể tự chấm dứt quyền sở hữu đối với tài sản của mình bằng cách tuyên bố công khai hoặc thực hiện hành vi chứng tỏ việc mình từ bỏ quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản đó.

Đối với tài sản mà việc từ bỏ tài sản đó có thể gây hại đến trật tự, an toàn xã hội, ô nhiễm môi trường thì việc từ bỏ quyền sở hữu phải tuân theo quy định của pháp luật.

Điều 250. Tài sản mà người khác đã được xác lập quyền sở hữu

Khi vật bị đánh rơi, bị bỏ quên, gia súc, gia cầm bị thất lạc, vật nuôi dưới nước di chuyển tự nhiên mà người khác đã được xác lập quyền sở hữu theo quy định tại các điều từ Điều 241 đến Điều 244 của Bộ luật này thì quyền sở hữu của những người có tài sản đó chấm dứt.

Khi quyền sở hữu của người chiếm hữu đã được xác lập theo quy định tại khoản 1 Điều 247 của Bộ luật này thì chấm dứt quyền sở hữu của người có tài sản bị chiếm hữu.

Điều 251. Xử lý tài sản để thực hiện nghĩa vụ của chủ sở hữu

1. Quyền sở hữu đối với một tài sản chấm dứt khi tài sản đó bị xử lý để thực hiện nghĩa vụ của chủ sở hữu theo quyết định của Toà án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác, nếu pháp luật không có quy định khác.

2. Việc xử lý tài sản để thực hiện nghĩa vụ của chủ sở hữu không áp dụng đối với tài sản không thuộc diện kê biên theo quy định của pháp luật.

3. Quyền sở hữu đối với tài sản bị xử lý để thực hiện nghĩa vụ của chủ sở hữu chấm dứt tại thời điểm phát sinh quyền sở hữu của người nhận tài sản đó.

4. Việc xử lý quyền sử dụng đất được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai.

Điều 252. Tài sản bị tiêu hủy

Khi tài sản bị tiêu hủy thì quyền sở hữu đối với tài sản đó chấm dứt.

Điều 253. Tài sản bị trưng mua

Khi tài sản bị trưng mua theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia thì quyền sở hữu đối với tài sản của chủ sở hữu đó chấm dứt kể từ thời điểm quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền có hiệu lực pháp luật.

Điều 254. Tài sản bị tịch thu

Khi tài sản của chủ sở hữu do phạm tội, vi phạm hành chính mà bị tịch thu, sung quỹ nhà nước thì quyền sở hữu đối với tài sản đó chấm dứt kể từ thời điểm bản án, quyết định của Toà án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác có hiệu lực pháp luật.

CHƯƠNG XV

BẢO VỆ QUYỀN SỞ HỮU

Điều 255. Các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu

Chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp có quyền yêu cầu Toà án, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khác buộc người có hành vi xâm phạm quyền sở hữu, quyền chiếm hữu phải trả lại tài sản, chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật việc thực hiện quyền sở hữu, quyền chiếm hữu và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp có quyền tự bảo vệ tài sản thuộc sở hữu của mình, tài sản đang chiếm hữu hợp pháp bằng những biện pháp theo quy định của pháp luật.

Điều 256. Quyền đòi lại tài sản

Chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp có quyền yêu cầu người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật đối với tài sản thuộc quyền sở hữu hoặc quyền chiếm hữu hợp pháp của mình phải trả lại tài sản đó, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 247 của Bộ luật này. Trong trường hợp tài sản đang thuộc sự chiếm hữu của người chiếm hữu ngay tình thì áp dụng Điều 257 và Điều 258 của Bộ luật này.

Điều 257. Quyền đòi lại động sản không phải đăng ký quyền sở hữu từ người chiếm hữu ngay tình

Chủ sở hữu có quyền đòi lại động sản không phải đăng ký quyền sở hữu từ người chiếm hữu ngay tình trong trường hợp người chiếm hữu ngay tình có được động sản này thông qua hợp đồng không có đền bù với người không có quyền định đoạt tài sản; trong trường hợp hợp đồng này là hợp đồng có đền bù thì chủ sở hữu có quyền đòi lại động sản nếu động sản đó bị lấy cắp, bị mất hoặc trường hợp khác bị chiếm hữu ngoài ý chí của chủ sở hữu.

Điều 258. Quyền đòi lại động sản phải đăng ký quyền sở hữu hoặc bất động sản từ người chiếm hữu ngay tình

Chủ sở hữu được đòi lại động sản phải đăng ký quyền sở hữu và bất động sản, trừ trường hợp người thứ ba chiếm hữu ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó người này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị hủy, sửa.

Điều 259. Quyền yêu cầu ngăn chặn hoặc chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật đối với việc thực hiện quyền sở hữu, quyền chiếm hữu hợp pháp

Khi thực hiện quyền sở hữu, quyền chiếm hữu của mình, chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp có quyền yêu cầu người có hành vi cản trở trái pháp luật phải chấm dứt hành vi đó; nếu không có sự chấm dứt tự nguyện thì có quyền yêu cầu Toà án, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khác buộc người đó chấm dứt hành vi vi phạm.

Điều 260. Quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại

Chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp có quyền yêu cầu người có hành vi xâm phạm quyền sở hữu, quyền chiếm hữu của mình bồi thường thiệt hại.

Điều 261. Bảo vệ quyền của người chiếm hữu mà không phải là chủ sở hữu

Các quyền được quy định tại các điều từ Điều 255 đến Điều 260 của Bộ luật này cũng thuộc về người tuy không phải là chủ sở hữu nhưng chiếm hữu tài sản trên cơ sở quyền sử dụng đất, quyền sử dụng hạn chế bất động sản liền kề hoặc theo căn cứ khác do pháp luật quy định hoặc theo thoả thuận.

CHƯƠNG XVI

NHỮNG QUY ĐỊNH KHÁC VỀ QUYỀN SỞ HỮU

Điều 262. Nghĩa vụ của chủ sở hữu trong trường hợp xảy ra tình thế cấp thiết

1. Tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe dọa trực tiếp lợi ích của Nhà nước, của tập thể, quyền, lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác mà không còn cách nào khác là phải có hành động gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn chặn.

2. Trong tình thế cấp thiết, chủ sở hữu tài sản không được cản trở người khác dùng tài sản của mình hoặc cản trở người khác gây thiệt hại đối với tài sản đó để ngăn chặn, làm giảm mối nguy hiểm hoặc thiệt hại lớn hơn có nguy cơ xảy ra.

3. Gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải là hành vi xâm phạm quyền sở hữu. Chủ sở hữu được bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 3 Điều 614 của Bộ luật này.

Điều 263. Nghĩa vụ của chủ sở hữu trong việc bảo vệ môi trường

Khi sử dụng, bảo quản, từ bỏ tài sản của mình, chủ sở hữu phải tuân theo các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; nếu làm ô nhiễm môi trường thì phải chấm dứt hành vi gây ô nhiễm, thực hiện các biện pháp để khắc phục hậu quả và bồi thường thiệt hại.

Điều 264. Nghĩa vụ của chủ sở hữu trong việc tôn trọng, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội

Khi thực hiện quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản của mình, chủ sở hữu phải tôn trọng, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, không được lạm dụng quyền sở hữu để gây mất trật tự, an toàn xã hội, làm thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.

Điều 265. Nghĩa vụ tôn trọng ranh giới giữa các bất động sản

1. Ranh giới giữa các bất động sản liền kề được xác định theo thoả thuận của các chủ sở hữu hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Ranh giới cũng có thể được xác định theo tập quán hoặc theo ranh giới đã tồn tại từ ba mươi năm trở lên mà không có tranh chấp.

2. Người có quyền sử dụng đất được sử dụng không gian và lòng đất theo chiều thẳng đứng từ ranh giới trong khuôn viên đất phù hợp với quy hoạch xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định và không được làm ảnh hưởng đến việc sử dụng đất liền kề của người khác.

Người sử dụng đất chỉ được trồng cây và làm các việc khác trong khuôn viên đất thuộc quyền sử dụng của mình và theo ranh giới đã được xác định; nếu rễ cây, cành cây vượt quá ranh giới thì phải xén rễ, tỉa cành phần vượt quá, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

3. Trong trường hợp ranh giới là kênh, mương, hào, rãnh, bờ ruộng thì người sử dụng đất có nghĩa vụ tôn trọng, duy trì ranh giới chung; không được lấn, chiếm, thay đổi mốc giới ngăn cách.

Điều 266. Quyền sở hữu đối với mốc giới ngăn cách các bất động sản

1. Chủ sở hữu bất động sản liền kề chỉ được dựng cột mốc, hàng rào, xây tường ngăn trên phần đất thuộc quyền sử dụng của mình. Những người sử dụng đất liền kề có thể thoả thuận với nhau về việc dựng cột mốc, hàng rào, xây tường ngăn, trồng cây trên ranh giới để làm mốc giới ngăn cách giữa các bất động sản; những vật mốc giới này là sở hữu chung của những người đó.

Trong trường hợp mốc giới ngăn cách chỉ do một bên tạo nên trên ranh giới và được chủ sở hữu bất động sản liền kề đồng ý thì mốc giới ngăn cách đó là sở hữu chung, chi phí để xây dựng do bên tạo nên chịu, trừ trường hợp có thoả thuận khác; nếu chủ sở hữu bất động sản liền kề không đồng ý mà có lý do chính đáng thì chủ sở hữu đã dựng cột mốc, hàng rào, xây tường ngăn phải dỡ bỏ.

Đối với cây là mốc giới chung, các bên đều có nghĩa vụ bảo vệ; hoa lợi thu được từ cây được chia đều, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

2. Đối với mốc giới là tường nhà chung, chủ sở hữu bất động sản liền kề không được trổ cửa sổ, lỗ thông khí hoặc đục tường để đặt kết cấu xây dựng, trừ trường hợp được chủ sở hữu bất động sản liền kề đồng ý.

Trong trường hợp nhà xây riêng biệt nhưng tường sát liền nhau thì chủ sở hữu cũng chỉ được đục tường, đặt kết cấu xây dựng đến giới hạn ngăn cách tường của mình.

Điều 267. Nghĩa vụ tôn trọng quy tắc xây dựng

1. Khi xây dựng công trình, chủ sở hữu công trình phải tuân theo pháp luật về xây dựng, bảo đảm an toàn, không được xây vượt quá độ cao, khoảng cách mà pháp luật về xây dựng quy định và không được xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu bất động sản liền kề và xung quanh.

2. Khi có nguy cơ xảy ra sự cố đối với công trình xây dựng, ảnh hưởng đến bất động sản liền kề và xung quanh thì chủ sở hữu công trình phải cho ngừng ngay việc xây dựng, sửa chữa hoặc dỡ bỏ theo yêu cầu của chủ sở hữu bất động sản liền kề và xung quanh hoặc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.

3. Khi xây dựng công trình vệ sinh, kho chứa hoá chất độc hại và các công trình khác mà việc sử dụng có khả năng gây ô nhiễm môi trường, chủ sở hữu phải xây cách mốc giới một khoảng cách và ở vị trí hợp lý, phải bảo đảm vệ sinh, an toàn và không làm ảnh hưởng đến chủ sở hữu bất động sản liền kề và xung quanh.

Điều 268. Nghĩa vụ bảo đảm an toàn đối với công trình xây dựng liền kề

Khi đào giếng, đào ao hoặc xây dựng các công trình dưới mặt đất, chủ sở hữu công trình phải đào, xây cách mốc giới một khoảng cách do pháp luật về xây dựng quy định.

Trong trường hợp công trình có nguy cơ đe doạ sự an toàn bất động sản liền kề và xung quanh thì chủ công trình phải thực hiện ngay các biện pháp khắc phục; nếu gây thiệt hại cho chủ sở hữu bất động sản liền kề và xung quanh thì phải bồi thường.

Điều 269. Nghĩa vụ của chủ sở hữu trong việc thoát nước mưa

Chủ sở hữu nhà phải lắp đặt đường dẫn nước sao cho nước mưa từ mái nhà của mình không được chảy xuống bất động sản của chủ sở hữu bất động sản liền kề.

Điều 270. Nghĩa vụ của chủ sở hữu trong việc thoát nước thải

Chủ sở hữu nhà phải làm cống ngầm hoặc rãnh thoát nước để đưa nước thải ra nơi quy định, sao cho nước thải không chảy tràn sang bất động sản của chủ sở hữu bất động sản liền kề, ra đường công cộng hoặc nơi sinh hoạt công cộng làm ô nhiễm môi trường.

Điều 271. Hạn chế quyền trổ cửa

1. Chủ sở hữu nhà chỉ được trổ cửa ra vào, cửa sổ quay sang nhà bên cạnh, nhà đối diện và đường đi chung theo quy định của pháp luật về xây dựng.

2. Mái che trên cửa ra vào, cửa sổ quay ra đường đi chung phải cách mặt đất từ 2,5 mét trở lên.

Điều 272. Quyền yêu cầu sửa chữa, phá dỡ bất động sản liền kề

Trong trường hợp cây cối, công trình xây dựng có nguy cơ sập đổ xuống bất động sản liền kề hoặc nơi sinh hoạt công cộng thì chủ sở hữu phải chặt cây, sửa chữa hoặc phá dỡ công trình xây dựng đó.

Chủ sở hữu bất động sản liền kề có quyền yêu cầu chủ sở hữu cây cối, công trình xây dựng có nguy cơ sập đổ phải chặt cây, phá dỡ; nếu người đó không chặt cây, phá dỡ thì chủ sở hữu bất động sản liền kề có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho chặt cây, phá dỡ. Chi phí chặt cây, phá dỡ do chủ sở hữu cây cối, công trình xây dựng chịu.

Điều 273. Quyền sử dụng hạn chế bất động sản liền kề

Chủ sở hữu nhà, người sử dụng đất có quyền sử dụng bất động sản liền kề thuộc sở hữu của người khác để bảo đảm các nhu cầu của mình về lối đi, cấp, thoát nước, cấp khí ga, đường dây tải điện, thông tin liên lạc và các nhu cầu cần thiết khác một cách hợp lý, nhưng phải đền bù, nếu không có thoả thuận khác.

Điều 274. Xác lập quyền sử dụng hạn chế bất động sản liền kề

1. Quyền sử dụng hạn chế bất động sản liền kề được xác lập theo thoả thuận hoặc theo quy định của pháp luật.

2. Trong trường hợp quyền sử dụng hạn chế bất động sản liền kề đã được xác lập cho chủ sở hữu nhà, người sử dụng đất thì người được chuyển giao nhà, quyền sử dụng đất cũng được hưởng quyền đó.

Điều 275. Quyền về lối đi qua bất động sản liền kề

1. Chủ sở hữu bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có lối đi ra, có quyền yêu cầu một trong những chủ sở hữu bất động sản liền kề dành cho mình một lối đi ra đến đường công cộng; người được yêu cầu có nghĩa vụ đáp ứng yêu cầu đó. Người được dành lối đi phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản liền kề, nếu không có thoả thuận khác.

Lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi.

2. Vị trí, giới hạn chiều dài, chiều rộng, chiều cao của lối đi do các bên thoả thuận, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên; nếu có tranh chấp về lối đi thì có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định.

3. Trong trường hợp bất động sản được chia thành nhiều phần cho các chủ sở hữu, chủ sử dụng khác nhau thì khi chia phải dành lối đi cần thiết cho người phía trong theo quy định tại khoản 2 Điều này mà không có đền bù.

Điều 276. Quyền mắc đường dây tải điện, thông tin liên lạc qua bất động sản liền kề

Chủ sở hữu bất động sản có quyền mắc đường dây tải điện, thông tin liên lạc qua bất động sản của các chủ sở hữu khác một cách hợp lý, nhưng phải bảo đảm an toàn và thuận tiện cho các chủ sở hữu đó; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.

Điều 277. Quyền về cấp, thoát nước qua bất động sản liền kề

Trong trường hợp do vị trí tự nhiên của bất động sản mà việc cấp, thoát nước buộc phải qua một bất động sản khác thì chủ sở hữu bất động sản có nước chảy qua phải dành một lối cấp, thoát nước thích hợp, không được cản trở hoặc ngăn chặn dòng nước chảy. Người sử dụng lối cấp, thoát nước phải hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho chủ sở hữu bất động sản có nước chảy qua khi lắp đặt đường dẫn nước; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường. Trong trường hợp nước tự nhiên chảy từ vị trí cao xuống vị trí thấp mà gây thiệt hại cho chủ sở hữu bất động sản có nước chảy qua thì người sử dụng lối cấp, thoát nước không phải bồi thường thiệt hại.

Điều 278. Quyền về tưới nước, tiêu nước trong canh tác

Người có quyền sử dụng đất canh tác khi có nhu cầu về tưới nước, tiêu nước, có quyền yêu cầu những người sử dụng đất xung quanh để cho mình một lối dẫn nước thích hợp, thuận tiện cho việc tưới, tiêu; người được yêu cầu có nghĩa vụ đáp ứng yêu cầu đó; nếu người sử dụng lối dẫn nước gây thiệt hại cho người sử dụng đất xung quanh thì phải bồi thường.

Điều 279. Chấm dứt quyền sử dụng hạn chế bất động sản liền kề

Quyền sử dụng hạn chế bất động sản liền kề chấm dứt trong các trường hợp sau đây:

1. Bất động sản liền kề với bất động sản của chủ sở hữu đang thực hiện quyền sử dụng hạn chế bất động sản liền kề đó nhập làm một;

2. Chủ sở hữu nhà, người sử dụng đất không còn nhu cầu sử dụng hạn chế bất động sản liền kề.

PHẦN THỨ BA

NGHĨA VỤ DÂN SỰ VÀ HỢP ĐỒNG DÂN SỰ

CHƯƠNG XVII

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

MỤC 1

NGHĨA VỤ DÂN SỰ

Điều 280. Nghĩa vụ dân sự

Nghĩa vụ dân sự là việc mà theo đó, một hoặc nhiều chủ thể (sau đây gọi chung là bên có nghĩa vụ) phải chuyển giao vật, chuyển giao quyền, trả tiền hoặc giấy tờ có giá, thực hiện công việc khác hoặc không được thực hiện công việc nhất định vì lợi ích của một hoặc nhiều chủ thể khác (sau đây gọi chung là bên có quyền).

Điều 281. Căn cứ phát sinh nghĩa vụ dân sự

Nghĩa vụ dân sự phát sinh từ các căn cứ sau đây:

1. Hợp đồng dân sự;

2. Hành vi pháp lý đơn phương;

3. Thực hiện công việc không có ủy quyền;

4. Chiếm hữu, sử dụng tài sản hoặc được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật;

5. Gây thiệt hại do hành vi trái pháp luật;

6. Những căn cứ khác do pháp luật quy định.

Điều 282. Đối tượng của nghĩa vụ dân sự

1. Đối tượng của nghĩa vụ dân sự có thể là tài sản, công việc phải thực hiện hoặc không được thực hiện.

2. Đối tượng của nghĩa vụ dân sự phải được xác định cụ thể.

3. Chỉ những tài sản có thể giao dịch được, những công việc có thể thực hiện được mà pháp luật không cấm, không trái đạo đức xã hội mới là đối tượng của nghĩa vụ dân sự.

MỤC 2

THỰC HIỆN NGHĨA VỤ DÂN SỰ

Điều 283. Nguyên tắc thực hiện nghĩa vụ dân sự

Bên có nghĩa vụ dân sự phải thực hiện nghĩa vụ của mình một cách trung thực, theo tinh thần hợp tác, đúng cam kết, không trái pháp luật, đạo đức xã hội.

Điều 284. Địa điểm thực hiện nghĩa vụ dân sự

1. Địa điểm thực hiện nghĩa vụ dân sự do các bên thoả thuận.

2. Trong trường hợp không có thoả thuận thì địa điểm thực hiện nghĩa vụ dân sự được xác định như sau:

a) Nơi có bất động sản, nếu đối tượng của nghĩa vụ dân sự là bất động sản;

b) Nơi cư trú hoặc trụ sở của bên có quyền, nếu đối tượng của nghĩa vụ dân sự không phải là bất động sản.

Khi bên có quyền thay đổi nơi cư trú hoặc trụ sở thì phải báo cho bên có nghĩa vụ và phải chịu chi phí tăng lên do việc thay đổi nơi cư trú hoặc trụ sở, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

Điều 285. Thời hạn thực hiện nghĩa vụ dân sự

1. Thời hạn thực hiện nghĩa vụ dân sự do các bên thoả thuận hoặc theo quy định của pháp luật.

Bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ dân sự đúng thời hạn; chỉ được thực hiện nghĩa vụ dân sự trước thời hạn khi có sự đồng ý của bên có quyền; nếu bên có nghĩa vụ đã tự ý thực hiện nghĩa vụ trước thời hạn và bên có quyền đã chấp nhận việc thực hiện nghĩa vụ thì nghĩa vụ được coi là đã hoàn thành đúng thời hạn.

2. Trong trường hợp các bên không thoả thuận và pháp luật không quy định về thời hạn thực hiện nghĩa vụ dân sự thì các bên có thể thực hiện nghĩa vụ hoặc yêu cầu thực hiện nghĩa vụ vào bất cứ lúc nào, nhưng phải thông báo cho nhau biết trước một thời gian hợp lý.

Điều 286. Chậm thực hiện nghĩa vụ dân sự

1. Chậm thực hiện nghĩa vụ dân sự là nghĩa vụ vẫn chưa được thực hiện hoặc chỉ được thực hiện một phần khi thời hạn thực hiện nghĩa vụ đã hết.

2. Bên chậm thực hiện nghĩa vụ dân sự phải thông báo ngay cho bên có quyền về việc không thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn.

Điều 287. Hoãn thực hiện nghĩa vụ dân sự

1. Khi không thể thực hiện được nghĩa vụ dân sự đúng thời hạn thì bên có nghĩa vụ phải thông báo ngay cho bên có quyền biết và đề nghị được hoãn việc thực hiện nghĩa vụ.

Trường hợp không thông báo cho bên có quyền thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại phát sinh, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc do nguyên nhân khách quan không thể thông báo.

2. Bên có nghĩa vụ được hoãn việc thực hiện nghĩa vụ, nếu được bên có quyền đồng ý. Việc thực hiện nghĩa vụ dân sự khi được hoãn vẫn được coi là thực hiện đúng thời hạn.

Điều 288. Chậm tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ dân sự

1. Chậm tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ dân sự là khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên có nghĩa vụ đã thực hiện theo thoả thuận nhưng bên có quyền không tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ đó.

2. Trong trường hợp chậm tiếp nhận đối tượng của nghĩa vụ là tài sản thì bên có nghĩa vụ phải áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo quản tài sản và có quyền yêu cầu thanh toán chi phí hợp lý.

3. Đối với tài sản có nguy cơ bị hư hỏng thì bên có nghĩa vụ có quyền bán tài sản đó và trả cho bên có quyền khoản tiền thu được từ việc bán tài sản sau khi trừ đi chi phí hợp lý để bảo quản và bán tài sản đó.

Điều 289. Thực hiện nghĩa vụ giao vật

1. Bên có nghĩa vụ giao vật phải bảo quản, giữ gìn vật cho đến khi giao.

2. Khi vật phải giao là vật đặc định thì bên có nghĩa vụ phải giao đúng vật đó và đúng tình trạng như đã cam kết; nếu là vật cùng loại thì phải giao đúng số lượng và chất lượng như đã thoả thuận và nếu không có thoả thuận về chất lượng thì phải giao vật đó với chất lượng trung bình; nếu là vật đồng bộ thì phải giao đồng bộ.

3. Bên có nghĩa vụ phải chịu mọi chi phí về việc giao vật, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

Điều 290. Thực hiện nghĩa vụ trả tiền

1. Nghĩa vụ trả tiền phải được thực hiện đầy đủ, đúng thời hạn, đúng địa điểm và phương thức đã thoả thuận.

2. Nghĩa vụ trả tiền bao gồm cả tiền lãi trên nợ gốc, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

Điều 291. Nghĩa vụ phải thực hiện hoặc không được thực hiện một công việc

1. Nghĩa vụ phải thực hiện một công việc là nghĩa vụ mà theo đó bên có nghĩa vụ phải thực hiện đúng công việc đó.

2. Nghĩa vụ không được thực hiện một công việc là nghĩa vụ mà theo đó bên có nghĩa vụ không được thực hiện công việc đó.

Điều 292. Thực hiện nghĩa vụ dân sự theo định kỳ

Nghĩa vụ dân sự được thực hiện theo định kỳ nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định.

Việc chậm thực hiện nghĩa vụ dân sự theo từng kỳ cũng bị coi là chậm thực hiện nghĩa vụ dân sự.

Điều 293. Thực hiện nghĩa vụ dân sự thông qua người thứ ba

Khi được bên có quyền đồng ý, bên có nghĩa vụ có thể ủy quyền cho người thứ ba thay mình thực hiện nghĩa vụ dân sự nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm với bên có quyền, nếu người thứ ba không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự.

Điều 294. Thực hiện nghĩa vụ dân sự có điều kiện

Trong trường hợp các bên có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định về điều kiện thực hiện nghĩa vụ dân sự thì khi điều kiện phát sinh, bên có nghĩa vụ phải thực hiện.

Điều 295. Thực hiện nghĩa vụ dân sự có đối tượng tuỳ ý lựa chọn

1. Nghĩa vụ dân sự có đối tượng tuỳ ý lựa chọn là nghĩa vụ mà đối tượng là một trong nhiều tài sản hoặc công việc khác nhau và bên có nghĩa vụ có thể tuỳ ý lựa chọn, trừ trường hợp có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định dành quyền lựa chọn cho bên có quyền.

2. Bên có nghĩa vụ phải thông báo cho bên có quyền biết về việc tài sản hoặc công việc được lựa chọn để thực hiện nghĩa vụ. Trường hợp bên có quyền đã xác định thời hạn thực hiện nghĩa vụ được lựa chọn thì bên có nghĩa vụ phải hoàn thành đúng thời hạn.

3. Trong trường hợp chỉ còn một tài sản hoặc một công việc thì bên có nghĩa vụ phải giao tài sản đó hoặc thực hiện công việc đó.

Điều 296. Thực hiện nghĩa vụ dân sự thay thế được

Nghĩa vụ dân sự thay thế được là nghĩa vụ mà bên có nghĩa vụ không thực hiện được nghĩa vụ ban đầu thì có thể thực hiện một nghĩa vụ khác đã được bên có quyền chấp nhận để thay thế nghĩa vụ dân sự đó.

Điều 297. Thực hiện nghĩa vụ dân sự riêng rẽ

Khi nhiều người cùng thực hiện một nghĩa vụ dân sự, nhưng mỗi người có một phần nghĩa vụ nhất định và riêng rẽ với nhau thì mỗi người chỉ phải thực hiện phần nghĩa vụ của mình.

Điều 298. Thực hiện nghĩa vụ dân sự liên đới

1. Nghĩa vụ dân sự liên đới là nghĩa vụ do nhiều người cùng phải thực hiện và bên có quyền có thể yêu cầu bất cứ ai trong số những người có nghĩa vụ phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ.

2. Trong trường hợp một người đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ thì có quyền yêu cầu những người có nghĩa vụ liên đới khác phải thực hiện phần nghĩa vụ liên đới của họ đối với mình.

3. Trong trường hợp bên có quyền đã chỉ định một trong số những người có nghĩa vụ liên đới thực hiện toàn bộ nghĩa vụ, nhưng sau đó lại miễn cho người đó thì những người còn lại cũng được miễn thực hiện nghĩa vụ.

4. Trong trường hợp bên có quyền chỉ miễn việc thực hiện nghĩa vụ cho một trong số những người có nghĩa vụ liên đới không phải thực hiện phần nghĩa vụ của mình thì những người còn lại vẫn phải liên đới thực hiện phần nghĩa vụ của họ.

Điều 299. Thực hiện nghĩa vụ dân sự đối với nhiều người có quyền liên đới

1. Nghĩa vụ dân sự đối với nhiều người có quyền liên đới là nghĩa vụ mà theo đó mỗi người trong số những người có quyền đều có thể yêu cầu bên có nghĩa vụ thực hiện toàn bộ nghĩa vụ.

2. Bên có nghĩa vụ có thể thực hiện nghĩa vụ của mình đối với bất cứ ai trong số những người có quyền liên đới.

3. Trong trường hợp một trong số những người có quyền liên đới miễn cho bên có nghĩa vụ không phải thực hiện phần nghĩa vụ đối với mình thì bên có nghĩa vụ vẫn phải thực hiện phần nghĩa vụ còn lại đối với những người có quyền liên đới khác.

Điều 300. Thực hiện nghĩa vụ dân sự phân chia được theo phần

1. Nghĩa vụ dân sự phân chia được theo phần là nghĩa vụ mà đối tượng của nghĩa vụ là vật chia được hoặc công việc có thể chia thành nhiều phần để thực hiện.

2. Bên có nghĩa vụ có thể thực hiện từng phần nghĩa vụ, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

Điều 301. Thực hiện nghĩa vụ dân sự không phân chia được theo phần

1. Nghĩa vụ dân sự không phân chia được theo phần là nghĩa vụ mà đối tượng của nghĩa vụ là vật không chia được hoặc là công việc phải được thực hiện cùng một lúc.

2. Trong trường hợp nhiều người cùng phải thực hiện một nghĩa vụ không phân chia được thì họ phải thực hiện nghĩa vụ cùng một lúc.

MỤC 3

TRÁCH NHIỆM DÂN SỰ

Điều 302. Trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ dân sự

1. Bên có nghĩa vụ mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì phải chịu trách nhiệm dân sự đối với bên có quyền.

2. Trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thể thực hiện được nghĩa vụ dân sự do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

3. Bên có nghĩa vụ không phải chịu trách nhiệm dân sự nếu chứng minh được nghĩa vụ không thực hiện được là hoàn toàn do lỗi của bên có quyền.

Điều 303. Trách nhiệm dân sự do không thực hiện nghĩa vụ giao vật

1. Khi bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ giao vật đặc định thì người có quyền được quyền yêu cầu bên có nghĩa vụ phải giao đúng vật đó; nếu vật không còn hoặc bị hư hỏng thì phải thanh toán giá trị của vật.

2. Khi bên có nghĩa vụ không thực hiện được nghĩa vụ giao vật cùng loại thì phải thanh toán giá trị của vật.

3. Trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện được nghĩa vụ theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này mà gây thiệt hại cho bên có quyền thì ngoài việc thanh toán giá trị của vật còn phải bồi thường thiệt hại cho bên có quyền.

Điều 304. Trách nhiệm dân sự do không thực hiện nghĩa vụ phải thực hiện hoặc không được thực hiện một công việc

1. Trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện một công việc mà mình phải thực hiện thì bên có quyền có thể yêu cầu bên có nghĩa vụ tiếp tục thực hiện hoặc tự mình thực hiện hoặc giao cho người khác thực hiện công việc đó và yêu cầu bên có nghĩa vụ thanh toán chi phí hợp lý và bồi thường thiệt hại.

2. Khi bên có nghĩa vụ không được thực hiện một công việc mà lại thực hiện công việc đó thì bên có quyền được quyền yêu cầu bên có nghĩa vụ phải chấm dứt việc thực hiện, khôi phục tình trạng ban đầu và bồi thường thiệt hại.

Điều 305. Trách nhiệm dân sự do chậm thực hiện nghĩa vụ dân sự

1. Khi nghĩa vụ dân sự chậm được thực hiện thì bên có quyền có thể gia hạn để bên có nghĩa vụ hoàn thành nghĩa vụ; nếu quá thời hạn này mà nghĩa vụ vẫn chưa được hoàn thành thì theo yêu cầu của bên có quyền, bên có nghĩa vụ vẫn phải thực hiện nghĩa vụ và bồi thường thiệt hại; nếu việc thực hiện nghĩa vụ không còn cần thiết đối với bên có quyền thì bên này có quyền từ chối tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

2. Trong trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

Điều 306. Trách nhiệm dân sự do chậm tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ dân sự

Bên có quyền chậm tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ dân sự làm phát sinh thiệt hại cho bên có nghĩa vụ thì phải bồi thường thiệt hại cho người đó và phải chịu mọi rủi ro xảy ra kể từ thời điểm chậm tiếp nhận, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

Điều 307. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại

1. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại bao gồm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về vật chất, trách nhiệm bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần.

2. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại về vật chất là trách nhiệm bù đắp tổn thất vật chất thực tế, tính được thành tiền do bên vi phạm gây ra, bao gồm tổn thất về tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.

3. Người gây thiệt hại về tinh thần cho người khác do xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người đó thì ngoài việc chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai còn phải bồi thường một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại.

Điều 308. Lỗi trong trách nhiệm dân sự

1. Người không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự thì phải chịu trách nhiệm dân sự khi có lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

2. Cố ý gây thiệt hại là trường hợp một người nhận thức rõ hành vi của mình sẽ gây thiệt hại cho người khác mà vẫn thực hiện và mong muốn hoặc tuy không mong muốn nhưng để mặc cho thiệt hại xảy ra.

Vô ý gây thiệt hại là trường hợp một người không thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, mặc dù phải biết hoặc có thể biết trước thiệt hại sẽ xảy ra hoặc thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, nhưng cho rằng thiệt hại sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn chặn được.

MỤC 4

CHUYỂN GIAO QUYỀN YÊU CẦU VÀ CHUYỂN GIAO NGHĨA VỤ DÂN SỰ

Điều 309. Chuyển giao quyền yêu cầu

1. Bên có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ dân sự có thể chuyển giao quyền yêu cầu đó cho người thế quyền theo thoả thuận, trừ những trường hợp sau đây:

a) Quyền yêu cầu cấp dưỡng, yêu cầu bồi thường thiệt hại do xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín;

b) Bên có quyền và bên có nghĩa vụ có thoả thuận không được chuyển giao quyền yêu cầu;

c) Các trường hợp khác do pháp luật quy định.

2. Khi bên có quyền yêu cầu chuyển giao quyền yêu cầu cho người thế quyền thì người thế quyền trở thành bên có quyền yêu cầu.

Người chuyển giao quyền yêu cầu phải báo cho bên có nghĩa vụ biết bằng văn bản về việc chuyển giao quyền yêu cầu. Việc chuyển giao quyền yêu cầu không cần có sự đồng ý của bên có nghĩa vụ, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

Điều 310. Hình thức chuyển giao quyền yêu cầu

1. Việc chuyển giao quyền yêu cầu được thể hiện bằng văn bản hoặc bằng lời nói.

2. Trong trường hợp pháp luật có quy định việc chuyển giao quyền yêu cầu phải được thể hiện bằng văn bản, phải có công chứng hoặc chứng thực, đăng ký hoặc phải xin phép thì phải tuân theo các quy định đó.

Điều 311. Nghĩa vụ cung cấp thông tin và chuyển giao giấy tờ

1. Người chuyển giao quyền yêu cầu phải cung cấp thông tin cần thiết, chuyển giao giấy tờ có liên quan cho người thế quyền.

2. Người chuyển giao quyền yêu cầu vi phạm nghĩa vụ quy định tại khoản 1 Điều này mà gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại.

Điều 312. Không chịu trách nhiệm sau khi chuyển giao quyền yêu cầu

Người chuyển giao quyền yêu cầu không phải chịu trách nhiệm về khả năng thực hiện nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

Điều 313. Chuyển giao quyền yêu cầu có biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự

Trong trường hợp quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ dân sự có biện pháp bảo đảm thì việc chuyển giao quyền yêu cầu bao gồm cả biện pháp bảo đảm đó.

Điều 314. Quyền từ chối của bên có nghĩa vụ

1. Trong trường hợp bên có nghĩa vụ không được thông báo về việc chuyển giao quyền yêu cầu hoặc người thế quyền không chứng minh về tính xác thực của việc chuyển giao quyền yêu cầu thì bên có nghĩa vụ có quyền từ chối việc thực hiện nghĩa vụ đối với người thế quyền.

2. Trong trường hợp bên có nghĩa vụ do không được thông báo về việc chuyển giao quyền yêu cầu mà đã thực hiện nghĩa vụ đối với người chuyển giao quyền yêu cầu thì người thế quyền không được yêu cầu bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ đối với mình.

Điều 315. Chuyển giao nghĩa vụ dân sự

1. Bên có nghĩa vụ có thể chuyển giao nghĩa vụ dân sự cho người thế nghĩa vụ nếu được bên có quyền đồng ý, trừ trường hợp nghĩa vụ gắn liền với nhân thân của bên có nghĩa vụ hoặc pháp luật có quy định không được chuyển giao nghĩa vụ.

2. Khi được chuyển giao nghĩa vụ thì người thế nghĩa vụ trở thành bên có nghĩa vụ.

Điều 316. Hình thức chuyển giao nghĩa vụ dân sự

1. Việc chuyển giao nghĩa vụ dân sự được thể hiện bằng văn bản hoặc bằng lời nói.

2. Trong trường hợp pháp luật có quy định việc chuyển giao nghĩa vụ phải được thể hiện bằng văn bản, phải có công chứng hoặc chứng thực, đăng ký hoặc phải xin phép thì phải tuân theo các quy định đó.

Điều 317. Chuyển giao nghĩa vụ dân sự có biện pháp bảo đảm

Trong trường hợp nghĩa vụ dân sự có biện pháp bảo đảm được chuyển giao thì biện pháp bảo đảm đó chấm dứt, nếu không có thoả thuận khác.

MỤC 5

BẢO ĐẢM THỰC HIỆN NGHĨA VỤ DÂN SỰ

I- NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 318. Biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự

1. Các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự bao gồm:

a) Cầm cố tài sản;

b) Thế chấp tài sản;

c) Đặt cọc;

d) Ký cược;

đ) Ký quỹ;

e) Bảo lãnh;

g) Tín chấp.

2. Trong trường hợp các bên có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định về biện pháp bảo đảm thì người có nghĩa vụ phải thực hiện biện pháp bảo đảm đó.

Điều 319. Phạm vi bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự

1. Nghĩa vụ dân sự có thể được bảo đảm một phần hoặc toàn bộ theo thoả thuận hoặc theo quy định của pháp luật; nếu không có thoả thuận và pháp luật không quy định phạm vi bảo đảm thì nghĩa vụ coi như được bảo đảm toàn bộ, kể cả nghĩa vụ trả lãi và bồi thường thiệt hại.

2. Các bên được thoả thuận về các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự để bảo đảm thực hiện các loại nghĩa vụ, kể cả nghĩa vụ hiện tại, nghĩa vụ trong tương lai hoặc nghĩa vụ có điều kiện.

Điều 320. Vật bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự

1. Vật bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự phải thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm và được phép giao dịch.

2. Vật dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự là vật hiện có hoặc được hình thành trong tương lai. Vật hình thành trong tương lai là động sản, bất động sản thuộc sở hữu của bên bảo đảm sau thời điểm nghĩa vụ được xác lập hoặc giao dịch bảo đảm được giao kết.

Điều 321. Tiền, giấy tờ có giá dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự

Tiền, trái phiếu, cổ phiếu, kỳ phiếu và giấy tờ có giá khác được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự.

Điều 322. Quyền tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự

1. Các quyền tài sản thuộc sở hữu của bên bảo đảm bao gồm quyền tài sản phát sinh từ quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng, quyền đòi nợ, quyền được nhận số tiền bảo hiểm đối với vật bảo đảm, quyền tài sản đối với phần vốn góp trong doanh nghiệp, quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng và các quyền tài sản khác thuộc sở hữu của bên bảo đảm đều được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự.

2. Quyền sử dụng đất được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự theo quy định của Bộ luật này và pháp luật về đất đai.

3. Quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự theo quy định của Bộ luật này và pháp luật về tài nguyên.

Điều 323. Đăng ký giao dịch bảo đảm

1. Giao dịch bảo đảm là giao dịch dân sự do các bên thoả thuận hoặc pháp luật quy định về việc thực hiện biện pháp bảo đảm được quy định tại khoản 1 Điều 318 của Bộ luật này.

2. Việc đăng ký giao dịch bảo đảm được thực hiện theo quy định của pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm. Việc đăng ký là điều kiện để giao dịch bảo đảm có hiệu lực chỉ trong trường hợp pháp luật có quy định.

3. Trường hợp giao dịch bảo đảm được đăng ký theo quy định của pháp luật thì giao dịch bảo đảm đó có giá trị pháp lý đối với người thứ ba, kể từ thời điểm đăng ký.

Điều 324. Một tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ dân sự

1. Một tài sản có thể được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ dân sự, nếu có giá trị tại thời điểm xác lập giao dịch bảo đảm lớn hơn tổng giá trị các nghĩa vụ được bảo đảm, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

2. Trong trường hợp một tài sản được bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ thì bên bảo đảm phải thông báo cho bên nhận bảo đảm sau biết về việc tài sản bảo đảm đang được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác. Mỗi lần bảo đảm phải được lập thành văn bản.

3. Trong trường hợp phải xử lý tài sản để thực hiện một nghĩa vụ đến hạn thì các nghĩa vụ khác tuy chưa đến hạn đều được coi là đến hạn và tất cả các bên cùng nhận bảo đảm đều được tham gia xử lý tài sản. Bên nhận bảo đảm đã thông báo về việc xử lý tài sản có trách nhiệm xử lý tài sản, nếu các bên cùng nhận bảo đảm không có thoả thuận khác.

Trong trường hợp các bên muốn tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ chưa đến hạn thì có thể thoả thuận về việc bên bảo đảm dùng tài sản khác để bảo đảm việc thực hiện các nghĩa vụ chưa đến hạn.

Điều 325. Thứ tự ưu tiên thanh toán

Thứ tự ưu tiên thánh toán khi xử lý tài sản bảo đảm được xác định như sau:

1. Trong trường hợp giao dịch bảo đảm được đăng ký thì việc xác định thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm được xác định theo thứ tự đăng ký;

2. Trong trường hợp một tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ dân sự mà có giao dịch bảo đảm có đăng ký, có giao dịch bảo đảm không đăng ký thì giao dịch bảo đảm có đăng ký được ưu tiên thanh toán;

3. Trong trường hợp một tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ dân sự mà các giao dịch bảo đảm đều không có đăng ký thì thứ tự ưu tiên thanh toán được xác định theo thứ tự xác lập giao dịch bảo đảm.

II- CẦM CỐ TÀI SẢN

Điều 326. Cầm cố tài sản

Cầm cố tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên cầm cố) giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận cầm cố) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự.

Điều 327. Hình thức cầm cố tài sản

Việc cầm cố tài sản phải được lập thành văn bản, có thể lập thành văn bản riêng hoặc ghi trong hợp đồng chính.

Điều 328. Hiệu lực của cầm cố tài sản

Cầm cố tài sản có hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài sản cho bên nhận cầm cố.

Điều 329. Thời hạn cầm cố tài sản

Thời hạn cầm cố tài sản do các bên thoả thuận. Trong trường hợp không có thoả thuận thì thời hạn cầm cố được tính cho đến khi chấm dứt nghĩa vụ được bảo đảm bằng cầm cố.

Điều 330. Nghĩa vụ của bên cầm cố tài sản

Bên cầm cố tài sản có các nghĩa vụ sau đây:

1. Giao tài sản cầm cố cho bên nhận cầm cố theo đúng thoả thuận;

2. Báo cho bên nhận cầm cố về quyền của người thứ ba đối với tài sản cầm cố, nếu có; trong trường hợp không thông báo thì bên nhận cầm cố có quyền hủy hợp đồng cầm cố tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc duy trì hợp đồng và chấp nhận quyền của người thứ ba đối với tài sản cầm cố;

3. Thanh toán cho bên nhận cầm cố chi phí hợp lý để bảo quản, giữ gìn tài sản cầm cố, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

Điều 331. Quyền của bên cầm cố tài sản

Bên cầm cố tài sản có các quyền sau đây:

1. Yêu cầu bên nhận cầm cố đình chỉ việc sử dụng tài sản cầm cố trong trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 333 của Bộ luật này, nếu do sử dụng mà tài sản cầm cố có nguy cơ bị mất giá trị hoặc giảm sút giá trị;

2. Được bán tài sản cầm cố, nếu được bên nhận cầm cố đồng ý;

3. Được thay thế tài sản cầm cố bằng một tài sản khác nếu có thỏa thuận;

4. Yêu cầu bên nhận cầm cố giữ tài sản cầm cố trả lại tài sản cầm cố khi nghĩa vụ được bảo đảm bằng cầm cố chấm dứt;

5. Yêu cầu bên nhận cầm cố bồi thường thiệt hại xảy ra đối với tài sản cầm cố.

Điều 332. Nghĩa vụ của bên nhận cầm cố tài sản

Bên nhận cầm cố tài sản có các nghĩa vụ sau đây:

1. Bảo quản, giữ gìn tài sản cầm cố; nếu làm mất hoặc hư hỏng tài sản cầm cố thì phải bồi thường thiệt hại cho bên cầm cố;

2. Không được bán, trao đổi, tặng cho, cho thuê, cho mượn tài sản cầm cố; không được đem tài sản cầm cố để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác;

3. Không được khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản cầm cố, nếu không được bên cầm cố đồng ý;

4. Trả lại tài sản cầm cố khi nghĩa vụ được bảo đảm bằng cầm cố chấm dứt hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác.

Điều 333. Quyền của bên nhận cầm cố tài sản

Bên nhận cầm cố tài sản có các quyền sau đây:

1. Yêu cầu người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật tài sản cầm cố trả lại tài sản đó;

2. Yêu cầu xử lý tài sản cầm cố theo phương thức đã thoả thuận hoặc theo quy định của pháp luật để thực hiện nghĩa vụ;

3. Được khai thác công dụng tài sản cầm cố và hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản cầm cố, nếu có thoả thuận;

4. Được thanh toán chi phí hợp lý bảo quản tài sản cầm cố khi trả lại tài sản cho bên cầm cố.

Điều 334. Cầm cố nhiều tài sản

Trong trường hợp cầm cố nhiều tài sản để bảo đảm thực hiện một nghĩa vụ dân sự thì mỗi tài sản được xác định bảo đảm thực hiện toàn bộ nghĩa vụ. Các bên cũng có thể thoả thuận mỗi tài sản bảo đảm thực hiện một phần nghĩa vụ.

Điều 335. Hủy bỏ việc cầm cố tài sản

Việc cầm cố tài sản có thể bị hủy bỏ, nếu được bên nhận cầm cố đồng ý.

Điều 336. Xử lý tài sản cầm cố

Trường hợp đã đến hạn thực hiện nghĩa vụ dân sự mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện nghĩa vụ không đúng thoả thuận thì tài sản cầm cố được xử lý theo phương thức do các bên đã thoả thuận hoặc được bán đấu giá theo quy định của pháp luật để thực hiện nghĩa vụ. Bên nhận cầm cố được ưu tiên thanh toán từ số tiền bán tài sản cầm cố.

Điều 337. Xử lý tài sản cầm cố trong trường hợp có nhiều tài sản cầm cố

Trong trường hợp tài sản được dùng để cầm cố có nhiều vật thì bên nhận cầm cố được chọn tài sản cụ thể để xử lý, trừ trường hợp có thoả thuận khác. Bên nhận cầm cố chỉ được xử lý số tài sản cần thiết tương ứng với giá trị của nghĩa vụ được bảo đảm; nếu xử lý quá số tài sản cần thiết và gây ra thiệt hại cho bên cầm cố thì phải bồi thường thiệt hại cho bên cầm cố.

Điều 338. Thanh toán tiền bán tài sản cầm cố

Tiền bán tài sản cầm cố được sử dụng để thanh toán nghĩa vụ cho bên nhận cầm cố sau khi trừ chi phí bảo quản, bán tài sản và các chi phí cần thiết khác có liên quan để xử lý tài sản cầm cố; trong trường hợp nghĩa vụ được bảo đảm là khoản vay thì thanh toán cho bên nhận cầm cố theo thứ tự nợ gốc, lãi, tiền phạt, tiền bồi thường thiệt hại nếu có; nếu tiền bán còn thừa thì phải trả lại cho bên cầm cố; nếu tiền bán còn thiếu thì bên cầm cố phải trả tiếp phần còn thiếu đó.

Điều 339. Chấm dứt cầm cố tài sản

Việc cầm cố tài sản chấm dứt trong các trường hợp sau đây:

1. Nghĩa vụ được bảo đảm bằng cầm cố chấm dứt;

2. Việc cầm cố tài sản được hủy bỏ hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác;

3. Tài sản cầm cố đã được xử lý;

4. Theo thoả thuận của các bên.

Điều 340. Trả lại tài sản cầm cố

Khi việc cầm cố tài sản chấm dứt theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 339 của Bộ luật này thì tài sản cầm cố, giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu được trả lại cho bên cầm cố. Hoa lợi, lợi tức thu được từ tài sản cầm cố cũng được trả lại cho bên cầm cố, nếu không có thoả thuận khác.

Điều 341. Cầm cố tài sản tại cửa hàng cầm đồ

Việc cầm cố tài sản tại cửa hàng cầm đồ được thực hiện theo quy định tại các điều từ Điều 326 đến Điều 340 của Bộ luật này và các văn bản pháp luật khác về hoạt động của cửa hàng cầm đồ.

III- THẾ CHẤP TÀI SẢN

Điều 342. Thế chấp tài sản

1. Thế chấp tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự đối với bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp) và không chuyển giao tài sản đó cho bên nhận thế chấp.

Trong trường hợp thế chấp toàn bộ bất động sản, động sản có vật phụ thì vật phụ của bất động sản, động sản đó cũng thuộc tài sản thế chấp.

Trong trường hợp thế chấp một phần bất động sản, động sản có vật phụ thì vật phụ thuộc tài sản thế chấp, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.

Tài sản thế chấp cũng có thể là tài sản được hình thành trong tương lai.

2. Tài sản thế chấp do bên thế chấp giữ. Các bên có thể thỏa thuận giao cho người thứ ba giữ tài sản thế chấp.

3. Việc thế chấp quyền sử dụng đất được thực hiện theo quy định tại các điều từ Điều 715 đến Điều 721 của Bộ luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 343. Hình thức thế chấp tài sản

Việc thế chấp tài sản phải được lập thành văn bản, có thể lập thành văn bản riêng hoặc ghi trong hợp đồng chính. Trong trường hợp pháp luật có quy định thì văn bản thế chấp phải được công chứng, chứng thực hoặc đăng ký.

Điều 344. Thời hạn thế chấp

Các bên thỏa thuận về thời hạn thế chấp tài sản; nếu không có thỏa thuận thì việc thế chấp có thời hạn cho đến khi chấm dứt nghĩa vụ được bảo đảm bằng thế chấp.

Điều 345. Thế chấp tài sản đang cho thuê

Tài sản đang cho thuê cũng có thể được dùng để thế chấp. Hoa lợi, lợi tức thu được từ việc cho thuê tài sản thuộc tài sản thế chấp, nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định.

Điều 346. Thế chấp tài sản được bảo hiểm

1. Trong trường hợp tài sản thế chấp được bảo hiểm thì khoản tiền bảo hiểm cũng thuộc tài sản thế chấp.

2. Bên nhận thế chấp phải thông báo cho tổ chức bảo hiểm biết về việc tài sản bảo hiểm đang được dùng để thế chấp. Tổ chức bảo hiểm chi trả số tiền bảo hiểm trực tiếp cho bên nhận thế chấp khi xảy ra sự kiện bảo hiểm. Trường hợp bên nhận thế chấp không thông báo cho tổ chức bảo hiểm biết về việc tài sản bảo hiểm đang được dùng để thế chấp thì tổ chức bảo hiểm chi trả bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm và bên thế chấp có nghĩa vụ thanh toán với bên nhận thế chấp.

Điều 347. Thế chấp nhiều tài sản để bảo đảm thực hiện một nghĩa vụ dân sự

Trong trường hợp thế chấp nhiều tài sản để bảo đảm thực hiện một nghĩa vụ dân sự thì mỗi tài sản được xác định bảo đảm thực hiện toàn bộ nghĩa vụ. Các bên cũng có thể thoả thuận mỗi tài sản bảo đảm thực hiện một phần nghĩa vụ.

Điều 348. Nghĩa vụ của bên thế chấp tài sản

Bên thế chấp tài sản có các nghĩa vụ sau đây:

1. Bảo quản, giữ gìn tài sản thế chấp;

2. Áp dụng các biện pháp cần thiết để khắc phục, kể cả phải ngừng việc khai thác công dụng tài sản thế chấp nếu do việc khai thác đó mà tài sản thế chấp có nguy cơ mất giá trị hoặc giảm sút giá trị;

3. Thông báo cho bên nhận thế chấp về các quyền của người thứ ba đối với tài sản thế chấp, nếu có; trong trường hợp không thông báo thì bên nhận thế chấp có quyền hủy hợp đồng thế chấp tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc duy trì hợp đồng và chấp nhận quyền của người thứ ba đối với tài sản thế chấp;

4. Không được bán, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 349 của Bộ luật này.

Điều 349. Quyền của bên thế chấp tài sản

Bên thế chấp tài sản có các quyền sau đây:

1. Được khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản, trừ trường hợp hoa lợi, lợi tức cũng thuộc tài sản thế chấp theo thoả thuận;

2. Được đầu tư để làm tăng giá trị của tài sản thế chấp;

3. Được bán, thay thế tài sản thế chấp, nếu tài sản đó là hàng hoá luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Trong trường hợp bán tài sản thế chấp là hàng hoá luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh thì quyền yêu cầu bên mua thanh toán tiền, số tiền thu được hoặc tài sản hình thành từ số tiền thu được trở thành tài sản thế chấp thay thế cho số tài sản đã bán.

4. Được bán, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp không phải là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh, nếu được bên nhận thế chấp đồng ý.

5. Được cho thuê, cho mượn tài sản thế chấp nhưng phải thông báo cho bên thuê, bên mượn biết về việc tài sản cho thuê, cho mượn đang được dùng để thế chấp và phải thông báo cho bên nhận thế chấp biết;

6. Nhận lại tài sản thế chấp do người thứ ba giữ, khi nghĩa vụ được bảo đảm bằng thế chấp chấm dứt hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác.

Điều 350. Nghĩa vụ của bên nhận thế chấp tài sản

Bên nhận thế chấp tài sản có các nghĩa vụ sau đây:

1. Trong trường hợp các bên thỏa thuận bên nhận thế chấp giữ giấy tờ về tài sản thế chấp thì khi chấm dứt thế chấp phải hoàn trả cho bên thế chấp giấy tờ về tài sản thế chấp;

2. Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký giao dịch bảo đảm xoá đăng ký trong các trường hợp quy định tại các điều 355, 356 và 357 của Bộ luật này.

Điều 351. Quyền của bên nhận thế chấp tài sản

Bên nhận thế chấp tài sản có các quyền sau đây:

1. Yêu cầu bên thuê, bên mượn tài sản thế chấp trong trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 349 của Bộ luật này phải chấm dứt việc sử dụng tài sản thế chấp, nếu việc sử dụng làm mất giá trị hoặc giảm sút giá trị của tài sản đó;

2. Được xem xét, kiểm tra trực tiếp tài sản thế chấp, nhưng không được cản trở hoặc gây khó khăn cho việc sử dụng, khai thác tài sản thế chấp;

3. Yêu cầu bên thế chấp phải cung cấp thông tin về thực trạng tài sản thế chấp;

4. Yêu cầu bên thế chấp áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo toàn tài sản, giá trị tài sản trong trường hợp có nguy cơ làm mất giá trị hoặc giảm sút giá trị của tài sản do việc khai thác, sử dụng;

5. Yêu cầu bên thế chấp hoặc người thứ ba giữ tài sản thế chấp giao tài sản đó cho mình để xử lý trong trường hợp đến hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ;

6. Giám sát, kiểm tra quá trình hình thành tài sản trong trường hợp nhận thế chấp bằng tài sản hình thành trong tương lai;

7. Yêu cầu xử lý tài sản thế chấp theo quy định tại Điều 355 hoặc khoản 3 Điều 324 của Bộ luật này và được ưu tiên thanh toán.

Điều 352. Nghĩa vụ của người thứ ba giữ tài sản thế chấp

Người thứ ba giữ tài sản thế chấp có các nghĩa vụ sau đây:

1. Bảo quản, giữ gìn tài sản thế chấp; nếu làm mất tài sản thế chấp, làm mất giá trị hoặc giảm sút giá trị của tài sản thế chấp thì phải bồi thường;

2. Không được tiếp tục khai thác công dụng tài sản thế chấp, trong trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 353 của Bộ luật này, nếu việc tiếp tục khai thác có nguy cơ làm mất giá trị hoặc giảm sút giá trị của tài sản thế chấp;

3. Giao lại tài sản thế chấp cho bên nhận thế chấp hoặc bên thế chấp theo thoả thuận.

Điều 353. Quyền của người thứ ba giữ tài sản thế chấp

Người thứ ba giữ tài sản thế chấp có các quyền sau đây:

1. Được khai thác công dụng tài sản thế chấp, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản thế chấp, nếu có thoả thuận;

2. Được trả thù lao và được thanh toán chi phí bảo quản, giữ gìn tài sản thế chấp, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

Điều 354. Thay thế và sửa chữa tài sản thế chấp

1. Bên thế chấp chỉ được thay thế tài sản thế chấp khi có sự đồng ý của bên nhận thế chấp, nếu không có thoả thuận khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 349 của Bộ luật này.

2. Trong trường hợp thế chấp kho hàng thì bên thế chấp có thể thay thế hàng hóa trong kho, nhưng phải bảo đảm giá trị của hàng hóa trong kho đúng như thỏa thuận.

3. Khi tài sản thế chấp bị hư hỏng thì bên thế chấp trong một thời gian hợp lý phải sửa chữa tài sản thế chấp hoặc thay thế bằng tài sản khác có giá trị tương đương, nếu không có thoả thuận khác.

Điều 355. Xử lý tài sản thế chấp

Trong trường hợp đã đến hạn thực hiện nghĩa vụ dân sự mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì việc xử lý tài sản thế chấp được thực hiện theo quy định tại Điều 336 và Điều 338 của Bộ luật này.

Điều 356. Hủy bỏ việc thế chấp tài sản

Việc thế chấp tài sản có thể bị hủy bỏ nếu được bên nhận thế chấp đồng ý, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Điều 357. Chấm dứt thế chấp tài sản

Việc thế chấp tài sản chấm dứt trong các trường hợp sau đây:

1. Nghĩa vụ được bảo đảm bằng thế chấp chấm dứt;

2. Việc thế chấp tài sản được hủy bỏ hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác;

3. Tài sản thế chấp đã được xử lý;

4. Theo thoả thuận của các bên.

IV- ĐẶT CỌC

Điều 358. Đặt cọc

1. Đặt cọc là việc một bên giao cho bên kia một khoản tiền hoặc kim khí quí, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng dân sự.

Việc đặt cọc phải được lập thành văn bản.

2. Trong trường hợp hợp đồng dân sự được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng dân sự thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng dân sự thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

V- KÝ CƯỢC

Điều 359. Ký cược

1. Ký cược là việc bên thuê tài sản là động sản giao cho bên cho thuê một khoản tiền hoặc kim khí quí, đá quí hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi là tài sản ký cược) trong một thời hạn để bảo đảm việc trả lại tài sản thuê.

2. Trong trường hợp tài sản thuê được trả lại thì bên thuê được nhận lại tài sản ký cược sau khi trừ tiền thuê; nếu bên thuê không trả lại tài sản thuê thì bên cho thuê có quyền đòi lại tài sản thuê; nếu tài sản thuê không còn để trả lại thì tài sản ký cược thuộc về bên cho thuê.

VI- KÝ QUỸ

Điều 360. Ký quỹ

1. Ký quỹ là việc bên có nghĩa vụ gửi một khoản tiền hoặc kim khí quí, đá quí hoặc giấy tờ có giá khác vào tài khoản phong toả tại một ngân hàng để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ dân sự.

2. Trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì bên có quyền được ngân hàng nơi ký quỹ thanh toán, bồi thường thiệt hại do bên có nghĩa vụ gây ra, sau khi trừ chi phí dịch vụ ngân hàng.

3. Thủ tục gửi và thanh toán do pháp luật về ngân hàng quy định.

VII- BẢO LÃNH

Điều 361. Bảo lãnh

Bảo lãnh là việc người thứ ba (say đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. Các bên cũng có thể thoả thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ khi bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ của mình.

Điều 362. Hình thức bảo lãnh

Việc bảo lãnh phải được lập thành văn bản, có thể lập thành văn bản riêng hoặc ghi trong hợp đồng chính. Trong trường hợp pháp luật có quy định thì văn bản bảo lãnh phải được công chứng hoặc chứng thực.

Điều 363. Phạm vi bảo lãnh

Bên bảo lãnh có thể cam kết bảo lãnh một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ cho bên được bảo lãnh.

Nghĩa vụ bảo lãnh bao gồm cả tiền lãi trên nợ gốc, tiền phạt, tiền bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

Điều 364. Thù lao

Bên bảo lãnh được hưởng thù lao nếu bên bảo lãnh và bên được bảo lãnh có thoả thuận.

Điều 365. Nhiều người cùng bảo lãnh

Khi nhiều người cùng bảo lãnh một nghĩa vụ thì họ phải liên đới thực hiện việc bảo lãnh, trừ trường hợp có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định bảo lãnh theo các phần độc lập; bên có quyền có thể yêu cầu bất cứ ai trong số những người bảo lãnh liên đới phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ.

Khi một người trong số những người bảo lãnh liên đới đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh thì có quyền yêu cầu những người bảo lãnh còn lại phải thực hiện phần nghĩa vụ của họ đối với mình.

Điều 366. Quan hệ giữa bên bảo lãnh với bên nhận bảo lãnh

1. Bên nhận bảo lãnh không được yêu cầu bên bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh khi nghĩa vụ chưa đến hạn.

2. Bên bảo lãnh không phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh trong trường hợp bên nhận bảo lãnh có thể bù trừ nghĩa vụ với bên được bảo lãnh.

Điều 367. Quyền yêu cầu của bên bảo lãnh

Khi bên bảo lãnh đã hoàn thành nghĩa vụ thì có quyền yêu cầu bên được bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ đối với mình trong phạm vi bảo lãnh, nếu không có thoả thuận khác.

Điều 368. Miễn việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh

1. Trong trường hợp bên nhận bảo lãnh miễn việc thực hiện nghĩa vụ cho bên bảo lãnh thì bên được bảo lãnh vẫn phải thực hiện nghĩa vụ đối với bên nhận bảo lãnh, trừ trường hợp có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định phải liên đới thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.

2. Trong trường hợp chỉ một người trong số nhiều người cùng nhận bảo lãnh liên đới được miễn việc thực hiện phần nghĩa vụ bảo lãnh của mình thì những người khác vẫn phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của họ.

Điều 369. Xử lý tài sản của bên bảo lãnh

Trong trường hợp đã đến hạn thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh, mà bên bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì bên bảo lãnh phải đưa tài sản thuộc sở hữu của mình để thanh toán cho bên nhận bảo lãnh.

Điều 370. Hủy bỏ việc bảo lãnh

Việc bảo lãnh có thể được hủy bỏ nếu được bên nhận bảo lãnh đồng ý, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Điều 371. Chấm dứt việc bảo lãnh

Việc bảo lãnh chấm dứt trong các trường hợp sau đây:

1. Nghĩa vụ được bảo đảm bằng bảo lãnh chấm dứt;

2. Việc bảo lãnh được hủy bỏ hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác;

3. Bên bảo lãnh đã thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh;

4. Theo thoả thuận của các bên.

VIII- TÍN CHẤP

Điều 372. Bảo đảm bằng tín chấp của tổ chức chính trị - xã hội

Tổ chức chính trị - xã hội tại cơ sở có thể bảo đảm bằng tín chấp cho cá nhân, hộ gia đình nghèo vay một khoản tiền tại ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng khác để sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ theo quy định của Chính phủ.

Điều 373. Hình thức bảo đảm bằng tín chấp

 Việc cho vay có bảo đảm bằng tín chấp phải được lập thành văn bản có ghi rõ số tiền vay, mục đích vay, thời hạn vay, lãi suất, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người vay, ngân hàng, tổ chức tín dụng cho vay và tổ chức bảo đảm.

MỤC 6

CHẤM DỨT NGHĨA VỤ DÂN SỰ

Điều 374. Căn cứ chấm dứt nghĩa vụ dân sự

Nghĩa vụ dân sự chấm dứt trong các trường hợp sau đây:

1. Nghĩa vụ được hoàn thành;

2. Theo thoả thuận của các bên;

3. Bên có quyền miễn việc thực hiện nghĩa vụ;

4. Nghĩa vụ được thay thế bằng nghĩa vụ dân sự khác;

5. Nghĩa vụ được bù trừ;

6. Bên có quyền và bên có nghĩa vụ hoà nhập làm một;

7. Thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự đã hết;

8. Bên có nghĩa vụ là cá nhân chết hoặc là pháp nhân, chủ thể khác chấm dứt mà nghĩa vụ phải do chính cá nhân, pháp nhân, chủ thể đó thực hiện;

9. Bên có quyền là cá nhân chết mà quyền yêu cầu không thuộc di sản thừa kế hoặc là pháp nhân, chủ thể khác chấm dứt mà quyền yêu cầu không được chuyển giao cho pháp nhân, chủ thể khác;

10. Vật đặc định là đối tượng của nghĩa vụ dân sự không còn và được thay thế bằng nghĩa vụ khác;

11. Các trường hợp khác do pháp luật quy định.

Điều 375. Hoàn thành nghĩa vụ dân sự

Nghĩa vụ dân sự được hoàn thành khi bên có nghĩa vụ đã thực hiện toàn bộ hoặc một phần nghĩa vụ nhưng phần còn lại được bên có quyền miễn cho việc thực hiện tiếp.

Điều 376. Hoàn thành nghĩa vụ dân sự trong trường hợp bên có quyền chậm tiếp nhận đối tượng của nghĩa vụ

1. Khi bên có quyền chậm tiếp nhận đối tượng của nghĩa vụ là vật thì bên có nghĩa vụ phải bảo quản, giữ gìn vật hoặc có thể gửi tại nơi nhận gửi giữ và phải báo ngay cho bên có quyền. Bên chậm tiếp nhận phải chịu rủi ro và mọi chi phí về gửi giữ.

Nghĩa vụ giao vật hoàn thành tại thời điểm vật đã được gửi giữ bảo đảm số lượng, chất lượng và các điều kiện khác mà các bên đã thoả thuận.

2. Trong trường hợp đối tượng của nghĩa vụ là tiền hoặc giấy tờ có giá thì khi bên có quyền chậm tiếp nhận đối tượng của nghĩa vụ, người có nghĩa vụ cũng có thể gửi tại nơi nhận gửi giữ và phải báo ngay cho bên có quyền; nghĩa vụ được xem là đã hoàn thành kể từ thời điểm gửi giữ.

Điều 377. Chấm dứt nghĩa vụ dân sự theo thoả thuận

Các bên có thể thoả thuận chấm dứt nghĩa vụ dân sự bất cứ lúc nào, nhưng không được gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.

Điều 378. Chấm dứt nghĩa vụ dân sự do được miễn thực hiện nghĩa vụ

1. Nghĩa vụ dân sự chấm dứt khi bên có quyền miễn việc thực hiện nghĩa vụ cho bên có nghĩa vụ, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

2. Khi nghĩa vụ dân sự có biện pháp bảo đảm được miễn thì việc bảo đảm cũng chấm dứt.

Điều 379. Chấm dứt nghĩa vụ dân sự do được thay thế bằng nghĩa vụ dân sự khác

1. Trong trường hợp các bên thoả thuận thay thế nghĩa vụ dân sự ban đầu bằng nghĩa vụ dân sự khác thì nghĩa vụ ban đầu chấm dứt.

2. Nghĩa vụ dân sự cũng chấm dứt, nếu bên có quyền đã tiếp nhận tài sản hoặc công việc khác thay thế cho tài sản hoặc công việc đã thoả thuận trước.

3. Trong trường hợp nghĩa vụ dân sự là nghĩa vụ cấp dưỡng, bồi thường thiệt hại do xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín và các nghĩa vụ khác gắn liền với nhân thân không thể chuyển cho người khác được thì không được thay thế bằng nghĩa vụ khác.

Điều 380. Chấm dứt nghĩa vụ dân sự do bù trừ nghĩa vụ

1. Trong trường hợp các bên cùng có nghĩa vụ về tài sản cùng loại đối với nhau thì khi cùng đến hạn họ không phải thực hiện nghĩa vụ đối với nhau và nghĩa vụ được xem là chấm dứt, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

2. Trong trường hợp giá trị của tài sản hoặc công việc không tương đương với nhau thì các bên thanh toán cho nhau phần giá trị chênh lệch.

3. Những vật được định giá thành tiền cũng có thể bù trừ với nghĩa vụ trả tiền.

Điều 381. Những trường hợp không được bù trừ nghĩa vụ dân sự

Nghĩa vụ dân sự không được bù trừ trong các trường hợp sau đây:

1. Nghĩa vụ đang có tranh chấp;

2. Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín;

3. Nghĩa vụ cấp dưỡng;

4. Các nghĩa vụ khác do pháp luật quy định.

Điều 382. Chấm dứt nghĩa vụ dân sự do hoà nhập bên có nghĩa vụ và bên có quyền

Khi bên có nghĩa vụ lại trở thành bên có quyền đối với chính nghĩa vụ đó thì nghĩa vụ dân sự chấm dứt.

Điều 383. Chấm dứt nghĩa vụ dân sự do hết thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự

Khi thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự đã hết thì nghĩa vụ chấm dứt.

Điều 384. Chấm dứt nghĩa vụ dân sự khi bên có nghĩa vụ là cá nhân chết hoặc là pháp nhân, chủ thể khác chấm dứt

Khi các bên có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định về việc nghĩa vụ phải do chính bên có nghĩa vụ thực hiện mà cá nhân chết hoặc pháp nhân, chủ thể khác chấm dứt thì nghĩa vụ cũng chấm dứt.

Điều 385. Chấm dứt nghĩa vụ dân sự khi bên có quyền là cá nhân chết hoặc là pháp nhân, chủ thể khác chấm dứt

Khi các bên có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định về việc nghĩa vụ được thực hiện chỉ dành cho cá nhân hoặc pháp nhân, chủ thể khác là bên có quyền mà cá nhân chết hoặc pháp nhân, chủ thể khác chấm dứt thì nghĩa vụ cũng chấm dứt.

Điều 386. Chấm dứt nghĩa vụ dân sự khi vật đặc định không còn

Nghĩa vụ giao vật chấm dứt trong trường hợp vật phải giao là vật đặc định không còn.

Các bên có thể thoả thuận thay thế vật khác hoặc bồi thường thiệt hại.

Điều 387. Chấm dứt nghĩa vụ dân sự trong trường hợp phá sản

Trong trường hợp phá sản thì nghĩa vụ dân sự chấm dứt theo quy định của pháp luật về phá sản.

MỤC 7

HỢP ĐỒNG DÂN SỰ

I- GIAO KẾT HỢP ĐỒNG DÂN SỰ

Điều 388. Khái niệm hợp đồng dân sự

Hợp đồng dân sự là sự thoả thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.

Điều 389. Nguyên tắc giao kết hợp đồng dân sự

Việc giao kết hợp đồng dân sự phải tuân theo các nguyên tắc sau đây:

1. Tự do giao kết hợp đồng nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội;

2. Tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác, trung thực và ngay thẳng.

Điều 390. Đề nghị giao kết hợp đồng

1. Đề nghị giao kết hợp đồng là việc thể hiện rõ ý định giao kết hợp đồng và chịu sự ràng buộc về đề nghị này của bên đề nghị đối với bên đã được xác định cụ thể.

2. Trong trường hợp đề nghị giao kết hợp đồng có nêu rõ thời hạn trả lời, nếu bên đề nghị lại giao kết hợp đồng với người thứ ba trong thời hạn chờ bên được đề nghị trả lời thì phải bồi thường thiệt hại cho bên được đề nghị mà không được giao kết hợp đồng nếu có thiệt hại phát sinh.

Điều 391. Thời điểm đề nghị giao kết hợp đồng có hiệu lực

1. Thời điểm đề nghị giao kết hợp đồng có hiệu lực được xác định như sau:

a) Do bên đề nghị ấn định;

b) Nếu bên đề nghị không ấn định thì đề nghị giao kết hợp đồng có hiệu lực kể từ khi bên được đề nghị nhận được đề nghị đó.

2. Các trường hợp sau đây được coi là đã nhận được đề nghị giao kết hợp đồng:

a) Đề nghị được chuyển đến nơi cư trú, nếu bên được đề nghị là cá nhân; được chuyển đến trụ sở, nếu bên được đề nghị là pháp nhân;

b) Đề nghị được đưa vào hệ thống thông tin chính thức của bên được đề nghị;

c) Khi bên được đề nghị biết được đề nghị giao kết hợp đồng thông qua các phương thức khác.

Điều 392. Thay đổi, rút lại đề nghị giao kết hợp đồng

1. Bên đề nghị giao kết hợp đồng có thể thay đổi, rút lại đề nghị giao kết hợp đồng trong các trường hợp sau đây:

a) Nếu bên được đề nghị nhận được thông báo về việc thay đổi hoặc rút lại đề nghị trước hoặc cùng với thời điểm nhận được đề nghị;

b) Điều kiện thay đổi hoặc rút lại đề nghị phát sinh trong trường hợp bên đề nghị có nêu rõ về việc được thay đổi hoặc rút lại đề nghị khi điều kiện đó phát sinh.

2. Khi bên đề nghị thay đổi nội dung của đề nghị thì đề nghị đó được coi là đề nghị mới.

Điều 393. Hủy bỏ đề nghị giao kết hợp đồng

Trong trường hợp bên đề nghị giao kết hợp đồng thực hiện quyền hủy bỏ đề nghị do đã nêu rõ quyền này trong đề nghị thì phải thông báo cho bên được đề nghị và thông báo này chỉ có hiệu lực khi bên được đề nghị nhận được thông báo trước khi bên được đề nghị trả lời chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng.

Điều 394. Chấm dứt đề nghị giao kết hợp đồng

Đề nghị giao kết hợp đồng chấm dứt trong các trường hợp sau đây:

1. Bên nhận được đề nghị trả lời không chấp nhận;

2. Hết thời hạn trả lời chấp nhận;

3. Khi thông báo về việc thay đổi hoặc rút lại đề nghị có hiệu lực;

4. Khi thông báo về việc hủy bỏ đề nghị có hiệu lực;

5. Theo thoả thuận của bên đề nghị và bên nhận được đề nghị trong thời hạn chờ bên được đề nghị trả lời.

Điều 395. Sửa đổi đề nghị do bên được đề nghị đề xuất

Khi bên được đề nghị đã chấp nhận giao kết hợp đồng, nhưng có nêu điều kiện hoặc sửa đổi đề nghị thì coi như người này đã đưa ra đề nghị mới.

Điều 396. Chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng

Chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng là sự trả lời của bên được đề nghị đối với bên đề nghị về việc chấp nhận toàn bộ nội dung của đề nghị.

Điều 397. Thời hạn trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng

1. Khi bên đề nghị có ấn định thời hạn trả lời thì việc trả lời chấp nhận chỉ có hiệu lực khi được thực hiện trong thời hạn đó; nếu bên đề nghị giao kết hợp đồng nhận được trả lời khi đã hết thời hạn trả lời thì chấp nhận này được coi là đề nghị mới của bên chậm trả lời.

Trong trường hợp thông báo chấp nhận giao kết hợp đồng đến chậm vì lý do khách quan mà bên đề nghị biết hoặc phải biết về lý do khách quan này thì thông báo chấp nhận giao kết hợp đồng vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp bên đề nghị trả lời ngay không đồng ý với chấp nhận đó của bên được đề nghị.

2. Khi các bên trực tiếp giao tiếp với nhau, kể cả trong trường hợp qua điện thoại hoặc qua các phương tiện khác thì bên được đề nghị phải trả lời ngay có chấp nhận hoặc không chấp nhận, trừ trường hợp có thoả thuận về thời hạn trả lời.

Điều 398. Trường hợp bên đề nghị giao kết hợp đồng chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự

Trong trường hợp bên đề nghị giao kết hợp đồng chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự sau khi bên được đề nghị giao kết hợp đồng trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng thì đề nghị giao kết hợp đồng vẫn có giá trị.

Điều 399. Trường hợp bên được đề nghị giao kết hợp đồng chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự

Trong trường hợp bên được đề nghị giao kết hợp đồng chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự sau khi trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng thì việc trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng vẫn có giá trị.

Điều 400. Rút lại thông báo chấp nhận giao kết hợp đồng

Bên được đề nghị giao kết hợp đồng có thể rút lại thông báo chấp nhận giao kết hợp đồng, nếu thông báo này đến trước hoặc cùng với thời điểm bên đề nghị nhận được trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng.

Điều 401. Hình thức hợp đồng dân sự

1. Hợp đồng dân sự có thể được giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể, khi pháp luật không quy định loại hợp đồng đó phải được giao kết bằng một hình thức nhất định.

2. Trong trường hợp pháp luật có quy định hợp đồng phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực, phải đăng ký hoặc xin phép thì phải tuân theo các quy định đó.

Hợp đồng không bị vô hiệu trong trường hợp có vi phạm về hình thức, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Điều 402. Nội dung của hợp đồng dân sự

Tuỳ theo từng loại hợp đồng, các bên có thể thoả thuận về những nội dung sau đây:

1. Đối tượng của hợp đồng là tài sản phải giao, công việc phải làm hoặc không được làm;

2. Số lượng, chất lượng;

3. Giá, phương thức thanh toán;

4. Thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng;

5. Quyền, nghĩa vụ của các bên;

6. Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng;

7. Phạt vi phạm hợp đồng;

8. Các nội dung khác.

Điều 403. Địa điểm giao kết hợp đồng dân sự

Địa điểm giao kết hợp đồng dân sự do các bên thoả thuận; nếu không có thoả thuận thì địa điểm giao kết hợp đồng dân sự là nơi cư trú của cá nhân hoặc trụ sở của pháp nhân đã đưa ra đề nghị giao kết hợp đồng.

Điều 404. Thời điểm giao kết hợp đồng dân sự

1. Hợp đồng dân sự được giao kết vào thời điểm bên đề nghị nhận được trả lời chấp nhận giao kết.

2. Hợp đồng dân sự cũng xem như được giao kết khi hết thời hạn trả lời mà bên nhận được đề nghị vẫn im lặng, nếu có thoả thuận im lặng là sự trả lời chấp nhận giao kết.

3. Thời điểm giao kết hợp đồng bằng lời nói là thời điểm các bên đã thỏa thuận về nội dung của hợp đồng.

4. Thời điểm giao kết hợp đồng bằng văn bản là thời điểm bên sau cùng ký vào văn bản.

Điều 405. Hiệu lực của hợp đồng dân sự

Hợp đồng được giao kết hợp pháp có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

Điều 406. Các loại hợp đồng dân sự chủ yếu

Hợp đồng gồm các loại chủ yếu sau đây:

1. Hợp đồng song vụ là hợp đồng mà mỗi bên đều có nghĩa vụ đối với nhau;

2. Hợp đồng đơn vụ là hợp đồng mà chỉ một bên có nghĩa vụ;

3. Hợp đồng chính là hợp đồng mà hiệu lực không phụ thuộc vào hợp đồng phụ;

4. Hợp đồng phụ là hợp đồng mà hiệu lực phụ thuộc vào hợp đồng chính;

5. Hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba là hợp đồng mà các bên giao kết hợp đồng đều phải thực hiện nghĩa vụ và người thứ ba được hưởng lợi ích từ việc thực hiện nghĩa vụ đó;

6. Hợp đồng có điều kiện là hợp đồng mà việc thực hiện phụ thuộc vào việc phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt một sự kiện nhất định.

Điều 407. Hợp đồng dân sự theo mẫu

1. Hợp đồng theo mẫu là hợp đồng gồm những điều khoản do một bên đưa ra theo mẫu để bên kia trả lời trong một thời gian hợp lý; nếu bên được đề nghị trả lời chấp nhận thì coi như chấp nhận toàn bộ nội dung hợp đồng theo mẫu mà bên đề nghị đã đưa ra.

2. Trong trường hợp hợp đồng theo mẫu có điều khoản không rõ ràng thì bên đưa ra hợp đồng theo mẫu phải chịu bất lợi khi giải thích điều khoản đó.

3. Trong trường hợp hợp đồng theo mẫu có điều khoản miễn trách nhiệm của bên đưa ra hợp đồng theo mẫu, tăng trách nhiệm hoặc loại bỏ quyền lợi chính đáng của bên kia thì điều khoản này không có hiệu lực, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

Điều 408. Phụ lục hợp đồng

1. Kèm theo hợp đồng có thể có phụ lục để quy định chi tiết một số điều khoản của hợp đồng. Phụ lục hợp đồng có hiệu lực như hợp đồng. Nội dung của phụ lục hợp đồng không được trái với nội dung của hợp đồng.

2. Trong trường hợp phụ lục hợp đồng có điều khoản trái với nội dung của điều khoản trong hợp đồng thì điều khoản này không có hiệu lực, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trong trường hợp các bên chấp nhận phụ lục hợp đồng có điều khoản trái với điều khoản trong hợp đồng thì coi như điều khoản đó trong hợp đồng đã được sửa đổi.

Điều 409. Giải thích hợp đồng dân sự

1. Khi hợp đồng có điều khoản không rõ ràng thì không chỉ dựa vào ngôn từ của hợp đồng mà còn phải căn cứ vào ý chí chung của các bên để giải thích điều khoản đó.

2. Khi một điều khoản của hợp đồng có thể được hiểu theo nhiều nghĩa thì phải chọn nghĩa nào làm cho điều khoản đó khi thực hiện có lợi nhất cho các bên.

3. Khi hợp đồng có ngôn từ có thể hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau thì phải giải thích theo nghĩa phù hợp nhất với tính chất của hợp đồng.

4. Khi hợp đồng có điều khoản hoặc ngôn từ khó hiểu thì phải được giải thích theo tập quán tại địa điểm giao kết hợp đồng.

5. Khi hợp đồng thiếu một số điều khoản thì có thể bổ sung theo tập quán đối với loại hợp đồng đó tại địa điểm giao kết hợp đồng.

6. Các điều khoản trong hợp đồng phải được giải thích trong mối liên hệ với nhau, sao cho ý nghĩa của các điều khoản đó phù hợp với toàn bộ nội dung hợp đồng.

7. Trong trường hợp có sự mâu thuẫn giữa ý chí chung của các bên với ngôn từ sử dụng trong hợp đồng thì ý chí chung của các bên được dùng để giải thích hợp đồng.

8. Trong trường hợp bên mạnh thế đưa vào hợp đồng nội dung bất lợi cho bên yếu thế thì khi giải thích hợp đồng phải theo hướng có lợi cho bên yếu thế.

Điều 410. Hợp đồng dân sự vô hiệu

1. Các quy định về giao dịch dân sự vô hiệu từ Điều 127 đến Điều 138 của Bộ luật này cũng được áp dụng đối với hợp đồng vô hiệu.

2. Sự vô hiệu của hợp đồng chính làm chấm dứt hợp đồng phụ, trừ trường hợp các bên có thoả thuận hợp đồng phụ được thay thế hợp đồng chính. Quy định này không áp dụng đối với các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự.

3. Sự vô hiệu của hợp đồng phụ không làm chấm dứt hợp đồng chính, trừ trường hợp các bên thoả thuận hợp đồng phụ là một phần không thể tách rời của hợp đồng chính.

Điều 411. Hợp đồng dân sự vô hiệu do có đối tượng không thể thực hiện được

1. Trong trường hợp ngay từ khi ký kết, hợp đồng có đối tượng không thể thực hiện được vì lý do khách quan thì hợp đồng này bị vô hiệu.

2. Trong trường hợp khi giao kết hợp đồng mà một bên biết hoặc phải biết về việc hợp đồng có đối tượng không thể thực hiện được, nhưng không thông báo cho bên kia biết nên bên kia đã giao kết hợp đồng thì phải bồi thường thiệt hại cho bên kia, trừ trường hợp bên kia biết hoặc phải biết về việc hợp đồng có đối tượng không thể thực hiện được.

3. Quy định tại khoản 2 Điều này cũng được áp dụng đối với trường hợp hợp đồng có một hoặc nhiều phần đối tượng không thể thực hiện được, nhưng phần còn lại của hợp đồng vẫn có giá trị pháp lý.

II- THỰC HIỆN HỢP ĐỒNG DÂN SỰ

Điều 412. Nguyên tắc thực hiện hợp đồng dân sự

Việc thực hiện hợp đồng phải tuân theo các nguyên tắc sau đây:

1. Thực hiện đúng hợp đồng, đúng đối tượng, chất lượng, số lượng, chủng loại, thời hạn, phương thức và các thoả thuận khác;

2. Thực hiện một cách trung thực, theo tinh thần hợp tác và có lợi nhất cho các bên, bảo đảm tin cậy lẫn nhau;

3. Không được xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.

Điều 413. Thực hiện hợp đồng đơn vụ

Đối với hợp đồng đơn vụ, bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ đúng như đã thoả thuận; chỉ được thực hiện trước hoặc sau thời hạn nếu được bên có quyền đồng ý.

Điều 414. Thực hiện hợp đồng song vụ

1. Trong hợp đồng song vụ, khi các bên đã thoả thuận thời hạn thực hiện nghĩa vụ thì mỗi bên phải thực hiện nghĩa vụ của mình khi đến hạn; không được hoãn thực hiện với lý do bên kia chưa thực hiện nghĩa vụ đối với mình, trừ trường hợp quy định tại Điều 415 và Điều 417 của Bộ luật này.

2. Trong trường hợp các bên không thoả thuận bên nào thực hiện nghĩa vụ trước thì các bên phải đồng thời thực hiện nghĩa vụ đối với nhau; nếu nghĩa vụ không thể thực hiện đồng thời thì nghĩa vụ nào khi thực hiện mất nhiều thời gian hơn thì nghĩa vụ đó phải được thực hiện trước.

Điều 415. Quyền hoãn thực hiện nghĩa vụ dân sự trong hợp đồng song vụ

1. Bên phải thực hiện nghĩa vụ trước có quyền hoãn thực hiện nghĩa vụ, nếu tài sản của bên kia đã bị giảm sút nghiêm trọng đến mức không thể thực hiện được nghĩa vụ như đã cam kết cho đến khi bên kia có khả năng thực hiện được nghĩa vụ hoặc có người bảo lãnh.

2. Bên phải thực hiện nghĩa vụ sau có quyền hoãn thực hiện nghĩa vụ đến hạn nếu bên thực hiện nghĩa vụ trước chưa thực hiện nghĩa vụ của mình khi đến hạn.

Điều 416. Cầm giữ tài sản trong hợp đồng song vụ

1. Cầm giữ tài sản là việc bên có quyền (sau đây gọi là bên cầm giữ) đang chiếm giữ hợp pháp tài sản là đối tượng của hợp đồng song vụ được cầm giữ tài sản khi bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ hoặc thực hiện nghĩa vụ không đúng theo thỏa thuận.

2. Bên cầm giữ có quyền và nghĩa vụ sau đây:

a) Cầm giữ toàn bộ hoặc một phần tài sản trong trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Thu hoa lợi từ tài sản cầm giữ và được dùng để bù trừ nghĩa vụ;

c) Bảo quản, giữ gìn tài sản cầm giữ;

d) Yêu cầu bên có tài sản bị cầm giữ thanh toán các chi phí cần thiết cho việc bảo quản, giữ gìn tài sản đó.

3. Quyền cầm giữ chấm dứt trong các trường hợp sau đây:

a) Theo thỏa thuận của các bên;

b) Bên cầm giữ vi phạm nghĩa vụ bảo quản, giữ gìn tài sản cầm giữ;

c) Bên có tài sản bị cầm giữ hoàn thành nghĩa vụ.

Điều 417. Nghĩa vụ không thể thực hiện được do lỗi của bên có quyền

Trong hợp đồng song vụ, khi một bên không thực hiện được nghĩa vụ của mình do lỗi của bên kia thì có quyền yêu cầu bên kia vẫn phải thực hiện nghĩa vụ đối với mình hoặc hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Điều 418. Không thực hiện được nghĩa vụ nhưng không do lỗi của các bên

Trong hợp đồng song vụ, nếu một bên không thực hiện được nghĩa vụ mà các bên đều không có lỗi thì bên không thực hiện được nghĩa vụ không có quyền yêu cầu bên kia thực hiện nghĩa vụ đối với mình. Trường hợp một bên đã thực hiện được một phần nghĩa vụ thì có quyền yêu cầu bên kia thực hiện phần nghĩa vụ tương ứng đối với mình.

Điều 419. Thực hiện hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba

Khi thực hiện hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba thì người thứ ba có quyền trực tiếp yêu cầu bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ đối với mình; nếu các bên có tranh chấp về việc thực hiện hợp đồng thì người thứ ba không có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cho đến khi tranh chấp được giải quyết.

Bên có quyền cũng có thể yêu cầu bên có nghĩa vụ thực hiện hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba.

Điều 420. Quyền từ chối của người thứ ba

Trong trường hợp người thứ ba từ chối lợi ích của mình trước khi bên có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ thì bên có nghĩa vụ không phải thực hiện nghĩa vụ, nhưng phải báo cho bên có quyền và hợp đồng được coi là bị hủy bỏ, các bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu người thứ ba từ chối lợi ích của mình sau khi bên có nghĩa vụ đã thực hiện nghĩa vụ thì nghĩa vụ được xem là đã hoàn thành và bên có quyền vẫn phải thực hiện cam kết đối với bên có nghĩa vụ.

Điều 421. Không được sửa đổi hoặc hủy bỏ hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba

Khi người thứ ba đã đồng ý hưởng lợi ích thì dù hợp đồng chưa được thực hiện, các bên giao kết hợp đồng cũng không được sửa đổi hoặc hủy bỏ hợp đồng, trừ trường hợp được người thứ ba đồng ý.

Điều 422. Thực hiện hợp đồng có thoả thuận phạt vi phạm

1. Phạt vi phạm là sự thoả thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm.

2. Mức phạt vi phạm do các bên thoả thuận.

3. Các bên có thể thoả thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải nộp tiền phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại hoặc vừa phải nộp phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại; nếu không có thoả thuận trước về mức bồi thường thiệt hại thì phải bồi thường toàn bộ thiệt hại.

Trong trường hợp các bên không có thoả thuận về bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải nộp tiền phạt vi phạm.

III- SỬA ĐỔI, CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG DÂN SỰ

Điều 423. Sửa đổi hợp đồng dân sự

1. Các bên có thể thoả thuận sửa đổi hợp đồng và giải quyết hậu quả của việc sửa đổi, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

2. Trong trường hợp hợp đồng được lập thành văn bản, được công chứng, chứng thực, đăng ký hoặc cho phép thì việc sửa đổi hợp đồng cũng phải tuân theo hình thức đó.

Điều 424. Chấm dứt hợp đồng dân sự

Hợp đồng chấm dứt trong các trường hợp sau đây:

1. Hợp đồng đã được hoàn thành;

2. Theo thoả thuận của các bên;

3. Cá nhân giao kết hợp đồng chết, pháp nhân hoặc chủ thể khác chấm dứt mà hợp đồng phải do chính cá nhân, pháp nhân hoặc chủ thể đó thực hiện;

4. Hợp đồng bị hủy bỏ, bị đơn phương chấm dứt thực hiện;

5. Hợp đồng không thể thực hiện được do đối tượng của hợp đồng không còn và các bên có thể thoả thuận thay thế đối tượng khác hoặc bồi thường thiệt hại;

6. Các trường hợp khác do pháp luật quy định.

Điều 425. Hủy bỏ hợp đồng dân sự

1. Một bên có quyền hủy bỏ hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại khi bên kia vi phạm hợp đồng là điều kiện hủy bỏ mà các bên đã thoả thuận hoặc pháp luật có quy định.

2. Bên hủy bỏ hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc hủy bỏ, nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.

3. Khi hợp đồng bị hủy bỏ thì hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết và các bên phải hoàn trả cho nhau tài sản đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải trả bằng tiền.

4. Bên có lỗi trong việc hợp đồng bị hủy bỏ phải bồi thường thiệt hại.

Điều 426. Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng dân sự

1. Một bên có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng nếu các bên có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định.

2. Bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc chấm dứt hợp đồng, nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.

3. Khi hợp đồng bị đơn phương chấm dứt thực hiện thì hợp đồng chấm dứt từ thời điểm bên kia nhận được thông báo chấm dứt. Các bên không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ. Bên đã thực hiện nghĩa vụ có quyền yêu cầu bên kia thanh toán.

4. Bên có lỗi trong việc hợp đồng bị đơn phương chấm dứt phải bồi thường thiệt hại.

Điều 427. Thời hiệu khởi kiện về hợp đồng dân sự

Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết tranh chấp hợp đồng dân sự là hai năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, các chủ thể khác bị xâm phạm.

CHƯƠNG XVIII

HỢP ĐỒNG DÂN SỰ THÔNG DỤNG

MỤC 1

HỢP ĐỒNG MUA BÁN TÀI SẢN

I- QUY ĐỊNH CHUNG VỀ HỢP ĐỒNG MUA BÁN TÀI SẢN

Điều 428. Hợp đồng mua bán tài sản

Hợp đồng mua bán tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên bán có nghĩa vụ giao tài sản cho bên mua và nhận tiền, còn bên mua có nghĩa vụ nhận tài sản và trả tiền cho bên bán.

Điều 429. Đối tượng của hợp đồng mua bán

1. Đối tượng của hợp đồng mua bán là tài sản được phép giao dịch.

2. Trong trường hợp đối tượng của hợp đồng mua bán là vật thì vật phải được xác định rõ.

3. Trong trường hợp đối tượng của hợp đồng mua bán là quyền tài sản thì phải có giấy tờ hoặc các bằng chứng khác chứng minh quyền đó thuộc sở hữu của bên bán.

Điều 430. Chất lượng của vật mua bán

1. Chất lượng của vật mua bán do các bên thoả thuận.

2. Trong trường hợp chất lượng của vật đã được công bố hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định thì chất lượng của vật được xác định theo các tiêu chuẩn đã công bố hoặc theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

3. Khi các bên không có thoả thuận và pháp luật không có quy định về chất lượng thì chất lượng của vật mua bán được xác định theo mục đích sử dụng và chất lượng trung bình của vật cùng loại.

Điều 431. Giá và phương thức thanh toán

1. Giá do các bên thoả thuận hoặc do người thứ ba xác định theo yêu cầu của các bên.

Trong trường hợp các bên thoả thuận thanh toán theo giá thị trường thì giá được xác định tại địa điểm và thời điểm thanh toán.

Đối với tài sản trong giao dịch dân sự mà Nhà nước có quy định khung giá thì các bên thoả thuận theo quy định đó.

2. Các bên có thể thoả thuận áp dụng hệ số trượt giá khi có biến động về giá.

3. Thoả thuận về giá có thể là mức giá cụ thể hoặc một phương pháp xác định giá. Trong trường hợp thoả thuận mức giá hoặc phương pháp xác định giá không rõ ràng thì giá của tài sản được xác định căn cứ vào giá thị trường tại địa điểm và thời điểm giao kết hợp đồng.

4. Phương thức thanh toán do các bên thoả thuận.

Điều 432. Thời hạn thực hiện hợp đồng mua bán

1. Thời hạn thực hiện hợp đồng mua bán do các bên thoả thuận. Bên bán phải giao tài sản cho bên mua đúng thời hạn đã thoả thuận; bên bán chỉ được giao tài sản trước hoặc sau thời hạn nếu được bên mua đồng ý.

2. Khi các bên không thoả thuận thời hạn giao tài sản thì bên mua có quyền yêu cầu bên bán giao tài sản và bên bán cũng có quyền yêu cầu bên mua nhận tài sản bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho nhau một thời gian hợp lý.

3. Khi các bên không có thoả thuận về thời hạn thanh toán thì bên mua phải thanh toán ngay khi nhận tài sản.

Điều 433. Địa điểm giao tài sản

Địa điểm giao tài sản do các bên thoả thuận; nếu không có thoả thuận thì áp dụng quy định tại khoản 2 Điều 284 của Bộ luật này.

Điều 434. Phương thức giao tài sản

Tài sản được giao theo phương thức do các bên thoả thuận; nếu không có thoả thuận về phương thức giao tài sản thì tài sản do bên bán giao một lần, giao trực tiếp cho bên mua.

Điều 435. Trách nhiệm do giao vật không đúng số lượng

1. Trong trường hợp bên bán giao vật với số lượng nhiều hơn số lượng đã thoả thuận thì bên mua có quyền nhận hoặc không nhận phần dôi ra; nếu nhận thì việc thanh toán được thực hiện theo thoả thuận đối với phần dôi ra.

2. Trong trường hợp bên bán giao ít hơn số lượng đã thoả thuận thì bên mua có một trong các quyền sau đây:

a) Nhận phần đã giao và yêu cầu bồi thường thiệt hại;

b) Nhận phần đã giao và định thời hạn để bên bán giao tiếp phần còn thiếu;

c) Hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Điều 436. Trách nhiệm do giao vật không đồng bộ

1. Trong trường hợp vật được giao không đồng bộ làm cho mục đích sử dụng của vật không đạt được thì bên mua có một trong các quyền sau đây:

a) Nhận và yêu cầu bên bán giao tiếp phần hoặc bộ phận còn thiếu, yêu cầu bồi thường thiệt hại và hoãn thanh toán phần hoặc bộ phận đã nhận cho đến khi vật được giao đồng bộ;

b) Hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

2. Trong trường hợp bên mua đã trả tiền nhưng chưa nhận vật do giao không đồng bộ thì được trả lãi đối với số tiền đã trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước quy định và yêu cầu bên bán bồi thường thiệt hại do giao vật không đồng bộ, kể từ thời điểm phải thực hiện hợp đồng cho đến khi vật được giao đồng bộ.

Điều 437. Trách nhiệm giao vật không đúng chủng loại

Trong trường hợp vật được giao không đúng chủng loại thì bên mua có một trong các quyền sau đây:

1. Nhận và thanh toán theo giá do các bên thoả thuận;

2. Yêu cầu giao đúng chủng loại và bồi thường thiệt hại;

3. Hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Điều 438. Nghĩa vụ trả tiền

1. Bên mua phải trả đủ tiền vào thời điểm và tại địa điểm đã thoả thuận; nếu không có thoả thuận thì phải trả đủ tiền vào thời điểm và tại địa điểm giao tài sản.

2. Bên mua phải trả lãi, kể từ ngày chậm trả theo quy định tại khoản 2 Điều 305 của Bộ luật này, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

Điều 439. Thời điểm chuyển quyền sở hữu

1. Quyền sở hữu đối với tài sản mua bán được chuyển cho bên mua kể từ thời điểm tài sản được chuyển giao, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

2. Đối với tài sản mua bán mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì quyền sở hữu được chuyển cho bên mua kể từ thời điểm hoàn thành thủ tục đăng ký quyền sở hữu đối với tài sản đó.

3. Trong trường hợp tài sản mua bán chưa được chuyển giao mà phát sinh hoa lợi, lợi tức thì hoa lợi, lợi tức thuộc về bên bán.       

Điều 440. Thời điểm chịu rủi ro

1. Bên bán chịu rủi ro đối với tài sản mua bán cho đến khi tài sản được giao cho bên mua, còn bên mua chịu rủi ro đối với tài sản mua bán kể từ khi nhận tài sản, nếu không có thoả thuận khác.

2. Đối với hợp đồng mua bán tài sản mà pháp luật quy định tài sản đó phải đăng ký quyền sở hữu thì bên bán chịu rủi ro cho đến khi hoàn thành thủ tục đăng ký, bên mua chịu rủi ro kể từ thời điểm hoàn thành thủ tục đăng ký, kể cả khi bên mua chưa nhận tài sản, nếu không có thoả thuận khác.

Điều 441. Chi phí vận chuyển và chi phí liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu

Trong trường hợp các bên không có thoả thuận và pháp luật không quy định về chi phí vận chuyển và chi phí liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu thì bên bán phải chịu chi phí vận chuyển đến địa điểm giao tài sản và chi phí liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu.

Điều 442. Nghĩa vụ cung cấp thông tin và hướng dẫn cách sử dụng

Bên bán có nghĩa vụ cung cấp cho bên mua thông tin cần thiết về tài sản mua bán và hướng dẫn cách sử dụng tài sản đó; nếu bên bán không thực hiện nghĩa vụ này thì bên mua có quyền yêu cầu bên bán phải thực hiện; nếu bên bán vẫn không thực hiện thì bên mua có quyền hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Điều 443. Bảo đảm quyền sở hữu của bên mua đối với tài sản mua bán

1. Bên bán có nghĩa vụ bảo đảm quyền sở hữu đối với tài sản đã bán cho bên mua không bị người thứ ba tranh chấp.

2. Trong trường hợp tài sản bị người thứ ba tranh chấp thì bên bán phải đứng về phía bên mua để bảo vệ quyền lợi của bên mua; nếu người thứ ba có quyền sở hữu một phần hoặc toàn bộ tài sản mua bán thì bên mua có quyền hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bên bán bồi thường thiệt hại.

3. Trong trường hợp bên mua biết hoặc phải biết tài sản mua bán thuộc sở hữu của người thứ ba mà vẫn mua thì phải trả lại tài sản cho chủ sở hữu và không có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Điều 444. Bảo đảm chất lượng vật mua bán

1. Bên bán phải bảo đảm giá trị sử dụng hoặc các đặc tính của vật mua bán; nếu sau khi mua mà bên mua phát hiện khuyết tật làm mất giá trị hoặc giảm sút giá trị sử dụng của vật đã mua thì phải báo ngay khi phát hiện ra khuyết tật và có quyền yêu cầu bên bán sửa chữa, đổi vật có khuyết tật, giảm giá và bồi thường thiệt hại, nếu không có thoả thuận khác.

2. Bên bán phải bảo đảm vật bán phù hợp với sự mô tả trên bao bì, nhãn hiệu hàng hoá hoặc phù hợp với mẫu mà bên mua đã lựa chọn.

3. Bên bán không chịu trách nhiệm về khuyết tật của vật trong các trường hợp sau đây:

a) Khuyết tật mà bên mua đã biết hoặc phải biết khi mua;

b) Vật bán đấu giá, vật bán ở cửa hàng đồ cũ;

c) Bên mua có lỗi gây ra khuyết tật của vật.

Điều 445. Nghĩa vụ bảo hành

Bên bán có nghĩa vụ bảo hành đối với vật mua bán trong một thời hạn, gọi là thời hạn bảo hành, nếu việc bảo hành do các bên thoả thuận hoặc pháp luật có quy định.

Thời hạn bảo hành được tính kể từ thời điểm bên mua có nghĩa vụ phải nhận vật.

Điều 446. Quyền yêu cầu bảo hành

Trong thời hạn bảo hành nếu bên mua phát hiện được khuyết tật của vật mua bán thì có quyền yêu cầu bên bán sửa chữa không phải trả tiền, giảm giá, đổi vật có khuyết tật lấy vật khác hoặc trả lại vật và lấy lại tiền.

Điều 447. Sửa chữa vật trong thời hạn bảo hành

1. Bên bán phải sửa chữa vật và bảo đảm vật có đủ các tiêu chuẩn chất lượng hoặc có đủ các đặc tính đã cam kết.

2. Bên bán chịu chi phí về sửa chữa và vận chuyển vật đến nơi sửa chữa và từ nơi sửa chữa đến nơi cư trú hoặc trụ sở của bên mua.

3. Bên mua có quyền yêu cầu bên bán hoàn thành việc sửa chữa trong thời hạn do các bên thoả thuận hoặc trong một thời gian hợp lý; nếu bên bán không thể sửa chữa được hoặc không thể hoàn thành việc sửa chữa trong thời hạn đó thì bên mua có quyền yêu cầu giảm giá, đổi vật có khuyết tật lấy vật khác hoặc trả lại vật và lấy lại tiền.

Điều 448. Bồi thường thiệt hại trong thời hạn bảo hành

1. Ngoài việc yêu cầu thực hiện các biện pháp bảo hành, bên mua có quyền yêu cầu bên bán bồi thường thiệt hại do khuyết tật về kỹ thuật của vật gây ra trong thời hạn bảo hành.

2. Bên bán không phải bồi thường thiệt hại nếu chứng minh được thiệt hại xảy ra do lỗi của bên mua. Bên bán được giảm mức bồi thường thiệt hại nếu bên mua không áp dụng các biện pháp cần thiết mà khả năng cho phép nhằm ngăn chặn, hạn chế thiệt hại.

Điều 449. Mua bán quyền tài sản

1. Trong trường hợp mua bán quyền tài sản thì bên bán phải chuyển giấy tờ và làm thủ tục chuyển quyền sở hữu cho bên mua, còn bên mua phải trả tiền cho bên bán.

2. Trong trường hợp quyền tài sản là quyền đòi nợ và bên bán cam kết bảo đảm khả năng thanh toán của người mắc nợ thì bên bán phải liên đới chịu trách nhiệm thanh toán, nếu khi đến hạn mà người mắc nợ không trả.

3. Thời điểm chuyển quyền sở hữu đối với quyền tài sản là thời điểm bên mua nhận được giấy tờ xác nhận về quyền sở hữu đối với quyền về tài sản đó hoặc từ thời điểm đăng ký việc chuyển quyền sở hữu, nếu pháp luật có quy định.

II- HỢP ĐỒNG MUA BÁN NHÀ

Điều 450. Hình thức hợp đồng mua bán nhà ở

Hợp đồng mua bán nhà ở phải được lập thành văn bản, có công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Điều 451. Nghĩa vụ của bên bán nhà ở

Bên bán nhà ở có các nghĩa vụ sau đây:

1. Thông báo cho bên mua về các hạn chế quyền sở hữu đối với nhà mua bán, nếu có;

2. Bảo quản nhà ở đã bán trong thời gian chưa giao nhà ở cho bên mua;

3. Giao nhà ở đúng tình trạng đã ghi trong hợp đồng kèm theo hồ sơ về nhà cho bên mua;

4. Thực hiện đúng các thủ tục mua bán nhà ở theo quy định của pháp luật.

Điều 452. Quyền của bên bán nhà ở

Bên bán nhà ở có các quyền sau đây:

1. Yêu cầu bên mua nhận nhà đúng thời hạn đã thoả thuận;

2. Yêu cầu bên mua trả tiền đúng thời hạn, theo phương thức đã thoả thuận;

3. Yêu cầu bên mua hoàn thành các thủ tục mua bán nhà ở trong thời hạn đã thoả thuận;

4. Không giao nhà khi chưa nhận đủ tiền nhà như đã thoả thuận.

Điều 453. Nghĩa vụ của bên mua nhà ở

Bên mua nhà ở có các nghĩa vụ sau đây:

1. Trả đủ tiền mua nhà đúng thời hạn, theo phương thức đã thoả thuận; nếu không có thoả thuận về thời hạn và địa điểm trả tiền thì bên mua phải trả vào thời điểm bên bán giao nhà và tại nơi có nhà;

2. Nhận nhà và hồ sơ về nhà đúng thời hạn đã thoả thuận;

3. Trong trường hợp mua nhà đang cho thuê, phải bảo đảm quyền, lợi ích của người thuê như thoả thuận trong hợp đồng thuê khi thời hạn thuê còn hiệu lực.

Điều 454. Quyền của bên mua nhà ở

Bên mua nhà ở có các quyền sau đây:

1. Được nhận nhà kèm theo hồ sơ về nhà theo đúng tình trạng đã thoả thuận;

2. Yêu cầu bên bán hoàn thành các thủ tục mua bán nhà ở trong thời hạn đã thoả thuận;

3. Yêu cầu bên bán giao nhà đúng thời hạn; nếu không giao hoặc chậm giao nhà thì phải bồi thường thiệt hại.

Điều 455. Mua nhà để sử dụng vào mục đích khác

Trong trường hợp pháp luật không có quy định khác thì các quy định tại các điều từ Điều 450 đến Điều 454 của Bộ luật này cũng được áp dụng đối với việc mua nhà sử dụng vào mục đích khác không phải là mua nhà ở.

III- MỘT SỐ QUY ĐỊNH RIÊNG VỀ MUA BÁN TÀI SẢN

Điều 456. Bán đấu giá

Tài sản có thể được đem bán đấu giá theo ý muốn của chủ sở hữu hoặc pháp luật có quy định.

Tài sản chung đem bán đấu giá phải có sự đồng ý của các chủ sở hữu chung, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

Điều 457. Thông báo bán đấu giá

1. Người bán đấu giá phải thông báo công khai tại nơi bán đấu giá và trên phương tiện thông tin đại chúng về thời gian, địa điểm, số lượng, chất lượng và danh mục các tài sản bán đấu giá chậm nhất là bảy ngày đối với động sản, ba mươi ngày đối với bất động sản trước ngày bán đấu giá.

2. Những người có liên quan đến tài sản bán đấu giá phải được thông báo về việc bán đấu giá để tham gia định giá khởi điểm, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

Điều 458. Thực hiện bán đấu giá

1. Khi bán đấu giá, người bán đấu giá công bố giá bán khởi điểm.

2. Người trả giá cao nhất và ít nhất bằng giá khởi điểm là người được mua tài sản bán đấu giá và được coi là đã chấp nhận giao kết hợp đồng.

3. Việc bán đấu giá được lập thành văn bản và có chữ ký của người mua, người bán và hai người chứng kiến.

4. Thời hạn giao tài sản bán đấu giá, thời hạn và phương thức thanh toán được thực hiện theo quy chế bán đấu giá.

5. Người bán đấu giá không chịu trách nhiệm về giá trị, chất lượng của tài sản bán đấu giá.

6. Trong trường hợp giá mua cao nhất được công bố thấp hơn so với giá khởi điểm thì cuộc bán đấu giá xem như không thành.

Chính phủ quy định chi tiết về tổ chức và thủ tục bán đấu giá tài sản.

Điều 459. Bán đấu giá bất động sản

1. Việc bán đấu giá bất động sản được thực hiện tại nơi có bất động sản hoặc nơi do người bán đấu giá xác định.

2. Sau khi có thông báo về việc bán đấu giá bất động sản, những người muốn mua phải đăng ký mua và phải nộp một khoản tiền đặt trước. Danh sách những người đăng ký mua được công bố công khai tại nơi bán đấu giá.

3. Trong trường hợp mua được tài sản bán đấu giá thì khoản tiền đặt trước được trừ vào giá mua; nếu người mua từ chối mua thì không được hoàn trả khoản tiền đó.

4. Người bán đấu giá phải hoàn trả khoản tiền đặt trước cho những người khác đã đăng ký mà không mua được tài sản bán đấu giá.

5. Việc mua bán bất động sản bán đấu giá được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải được đăng ký, nếu pháp luật có quy định.

Điều 460. Mua sau khi sử dụng thử

1. Các bên có thể thoả thuận về việc bên mua được dùng thử vật mua trong một thời hạn gọi là thời hạn dùng thử. Trong thời hạn dùng thử, bên mua có thể trả lời mua hoặc không mua; nếu hết thời hạn dùng thử mà bên mua không trả lời thì coi như đã chấp nhận mua theo các điều kiện đã thoả thuận trước khi nhận vật dùng thử.

2. Trong thời hạn dùng thử, vật vẫn thuộc sở hữu của bên bán. Bên bán phải chịu mọi rủi ro xảy ra đối với vật, nếu không có thoả thuận khác. Trong thời hạn dùng thử, bên bán không được bán, tặng cho, cho thuê, trao đổi, thế chấp, cầm cố tài sản khi bên mua chưa trả lời.

3. Trong trường hợp bên dùng thử trả lời không mua thì phải trả lại vật cho bên bán và phải bồi thường thiệt hại cho bên bán, nếu làm mất mát, hư hỏng vật dùng thử. Bên dùng thử không phải chịu trách nhiệm về những hao mòn thông thường do việc dùng thử gây ra và không phải hoàn trả hoa lợi do việc dùng thử mang lại.

Điều 461. Mua trả chậm, trả dần

1. Các bên có thể thoả thuận về việc bên mua trả chậm hoặc trả dần tiền mua trong một thời hạn sau khi nhận vật mua; bên bán được bảo lưu quyền sở hữu của mình đối với vật bán cho đến khi bên mua trả đủ tiền, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

2. Hợp đồng mua trả chậm hoặc trả dần phải được lập thành văn bản. Bên mua có quyền sử dụng vật mua trả chậm, trả dần và phải chịu rủi ro trong thời gian sử dụng, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

Điều 462. Chuộc lại tài sản đã bán

1. Bên bán có thể thoả thuận với bên mua về quyền chuộc lại tài sản đã bán sau một thời hạn gọi là thời hạn chuộc lại.

Thời hạn chuộc lại tài sản do các bên thoả thuận nhưng không quá một năm đối với động sản và năm năm đối với bất động sản, kể từ thời điểm giao tài sản. Trong thời hạn này bên bán có quyền chuộc lại bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên mua trong một thời gian hợp lý. Giá chuộc lại là giá thị trường tại thời điểm và địa điểm chuộc lại, nếu không có thoả thuận khác.

2. Trong thời hạn chuộc lại, bên mua không được bán, trao đổi, tặng cho, cho thuê, thế chấp, cầm cố tài sản, phải chịu rủi ro đối với tài sản.

MỤC 2

HỢP ĐỒNG TRAO ĐỔI TÀI SẢN

Điều 463. Hợp đồng trao đổi tài sản

1. Hợp đồng trao đổi tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó các bên giao tài sản và chuyển quyền sở hữu đối với tài sản cho nhau.

2. Hợp đồng trao đổi tài sản phải được lập thành văn bản, có công chứng, chứng thực hoặc đăng ký, nếu pháp luật có quy định.

3. Trong trường hợp một bên trao đổi cho bên kia tài sản không thuộc quyền sở hữu của mình hoặc không được chủ sở hữu ủy quyền thì bên kia có quyền hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

4. Mỗi bên đều được coi là người bán đối với tài sản giao cho bên kia và là người mua đối với tài sản nhận về. Các quy định về hợp đồng mua bán từ Điều 428 đến Điều 437 và từ Điều 439 đến Điều 448 của Bộ luật này cũng được áp dụng đối với hợp đồng trao đổi tài sản.

Điều 464. Thanh toán giá trị chênh lệch

Trong trường hợp tài sản trao đổi chênh lệch về giá trị thì các bên phải thanh toán cho nhau phần chênh lệch đó, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

MỤC 3

HỢP ĐỒNG TẶNG CHO TÀI SẢN

Điều 465. Hợp đồng tặng cho tài sản

Hợp đồng tặng cho tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, còn bên được tặng cho đồng ý nhận.

Điều 466. Tặng cho động sản

Hợp đồng tặng cho động sản có hiệu lực khi bên được tặng cho nhận tài sản; đối với động sản mà pháp luật có quy định đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký.

Điều 467. Tặng cho bất động sản

1. Tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký, nếu theo quy định của pháp luật bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu.

2. Hợp đồng tặng cho bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký; nếu bất động sản không phải đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài sản.

Điều 468. Trách nhiệm do cố ý tặng cho tài sản không thuộc sở hữu của mình

Trong trường hợp bên tặng cho cố ý tặng cho tài sản không thuộc sở hữu của mình mà bên được tặng cho không biết hoặc không thể biết về việc đó thì bên tặng cho phải thanh toán chi phí để làm tăng giá trị của tài sản cho bên được tặng cho khi chủ sở hữu lấy lại tài sản.

Điều 469. Thông báo khuyết tật của tài sản tặng cho

Bên tặng cho có nghĩa vụ thông báo cho bên được tặng cho khuyết tật của tài sản tặng cho. Trong trường hợp bên tặng cho biết tài sản có khuyết tật mà không thông báo thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại xảy ra cho người được tặng cho; nếu bên tặng cho không biết về khuyết tật của tài sản tặng cho thì không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Điều 470. Tặng cho tài sản có điều kiện

1. Bên tặng cho có thể yêu cầu bên được tặng cho thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ dân sự trước hoặc sau khi tặng cho. Điều kiện tặng cho không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.

2. Trong trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ trước khi tặng cho, nếu bên được tặng cho đã hoàn thành nghĩa vụ mà bên tặng cho không giao tài sản thì bên tặng cho phải thanh toán nghĩa vụ mà bên được tặng cho đã thực hiện.

3. Trong trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ sau khi tặng cho mà bên được tặng cho không thực hiện thì bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

MỤC 4

HỢP ĐỒNG VAY TÀI SẢN

Điều 471. Hợp đồng vay tài sản

Hợp đồng vay tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định.

Điều 472. Quyền sở hữu đối với tài sản vay

Bên vay trở thành chủ sở hữu tài sản vay kể từ thời điểm nhận tài sản đó.

Điều 473. Nghĩa vụ của bên cho vay

Bên cho vay có các nghĩa vụ sau đây:

1. Giao tài sản cho bên vay đầy đủ, đúng chất lượng, số lượng vào thời điểm và địa điểm đã thoả thuận;

2. Bồi thường thiệt hại cho bên vay, nếu bên cho vay biết tài sản không bảo đảm chất lượng mà không báo cho bên vay biết, trừ trường hợp bên vay biết mà vẫn nhận tài sản đó;

3. Không được yêu cầu bên vay trả lại tài sản trước thời hạn, trừ trường hợp quy định tại Điều 478 của Bộ luật này.

Điều 474. Nghĩa vụ trả nợ của bên vay

1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

2. Trong trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.

3. Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

4. Trong trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi đối với khoản nợ chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn chậm trả tại thời điểm trả nợ, nếu có thoả thuận.

5. Trong trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi trên nợ gốc và lãi nợ quá hạn theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ.

Điều 475. Sử dụng tài sản vay

Các bên có thể thoả thuận về việc tài sản vay phải được sử dụng đúng mục đích vay; bên cho vay có quyền kiểm tra việc sử dụng tài sản và có quyền đòi lại tài sản vay trước thời hạn, nếu đã nhắc nhở mà bên vay vẫn sử dụng tài sản trái mục đích.

Điều 476. Lãi suất

1. Lãi suất vay do các bên thoả thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng.

2. Trong trường hợp các bên có thoả thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất hoặc có tranh chấp về lãi suất thì áp dụng lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ.

Điều 477. Thực hiện hợp đồng vay không kỳ hạn

1. Đối với hợp đồng vay không kỳ hạn và không có lãi thì bên cho vay có quyền đòi lại tài sản và bên vay cũng có quyền trả nợ vào bất cứ lúc nào, nhưng phải báo cho nhau biết trước một thời gian hợp lý, nếu không có thoả thuận khác.

2. Đối với hợp đồng vay không kỳ hạn và có lãi thì bên cho vay có quyền đòi lại tài sản bất cứ lúc nào nhưng phải báo trước cho bên vay một thời gian hợp lý và được trả lãi đến thời điểm nhận lại tài sản, còn bên vay cũng có quyền trả lại tài sản bất cứ lúc nào và chỉ phải trả lãi cho đến thời điểm trả nợ, nhưng cũng phải báo trước cho bên cho vay một thời gian hợp lý.

Điều 478. Thực hiện hợp đồng vay có kỳ hạn

1. Đối với hợp đồng vay có kỳ hạn và không có lãi thì bên vay có quyền trả lại tài sản bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên cho vay một thời gian hợp lý, còn bên cho vay chỉ được đòi lại tài sản trước kỳ hạn, nếu được bên vay đồng ý.

2. Đối với hợp đồng vay có kỳ hạn và có lãi thì bên vay có quyền trả lại tài sản trước kỳ hạn, nhưng phải trả toàn bộ lãi theo kỳ hạn, nếu không có thoả thuận khác.

Điều 479. Họ, hụi, biêu, phường

1. Họ, hụi, biêu, phường (sau đây gọi chung là họ) là một hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thoả thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại cùng định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp, lĩnh họ và quyền, nghĩa vụ của các thành viên.

2. Hình thức họ nhằm mục đích tương trợ trong nhân dân được thực hiện theo quy định của pháp luật.

3. Nghiêm cấm việc tổ chức họ dưới hình thức cho vay nặng lãi.

MỤC 5

HỢP ĐỒNG THUÊ TÀI SẢN

I- QUY ĐỊNH CHUNG VỀ HỢP ĐỒNG THUÊ TÀI SẢN

Điều 480. Hợp đồng thuê tài sản

Hợp đồng thuê tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên cho thuê giao tài sản cho bên thuê để sử dụng trong một thời hạn, còn bên thuê phải trả tiền thuê.

Điều 481. Giá thuê

Giá thuê tài sản do các bên thoả thuận.

Trong trường hợp pháp luật có quy định về khung giá thuê thì các bên chỉ được thoả thuận về giá thuê trong phạm vi khung giá đó.

Điều 482. Thời hạn thuê

1. Thời hạn thuê do các bên thoả thuận; nếu không có thoả thuận thì được xác định theo mục đích thuê.

2. Trong trường hợp các bên không thoả thuận về thời hạn thuê hoặc thời hạn thuê không thể xác định được theo mục đích thuê thì hợp đồng thuê hết thời hạn khi bên thuê đã đạt được mục đích thuê.

Điều 483. Cho thuê lại

Bên thuê có quyền cho thuê lại tài sản mà mình đã thuê, nếu được bên cho thuê đồng ý.

Điều 484. Giao tài sản thuê

1. Bên cho thuê phải giao tài sản cho bên thuê đúng số lượng, chất lượng, chủng loại, tình trạng và đúng thời điểm, địa điểm đã thoả thuận và cung cấp những thông tin cần thiết về việc sử dụng tài sản đó.

2. Trong trường hợp bên cho thuê chậm giao tài sản thì bên thuê có thể gia hạn giao tài sản hoặc hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại; nếu tài sản thuê không đúng chất lượng như thoả thuận thì bên thuê có quyền yêu cầu bên cho thuê sửa chữa, giảm giá thuê hoặc hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Điều 485. Nghĩa vụ bảo đảm giá trị sử dụng của tài sản thuê

1. Bên cho thuê phải bảo đảm tài sản thuê trong tình trạng như đã thoả thuận, phù hợp với mục đích thuê trong suốt thời gian cho thuê; phải sửa chữa những hư hỏng, khuyết tật của tài sản thuê, trừ hư hỏng nhỏ mà theo tập quán bên thuê phải tự sửa chữa.

2. Trong trường hợp tài sản thuê bị giảm sút giá trị sử dụng mà không do lỗi của bên thuê thì bên thuê có quyền yêu cầu bên cho thuê:

a) Sửa chữa tài sản;

b) Giảm giá thuê;

c) Đổi tài sản khác hoặc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại, nếu tài sản thuê không thể sửa chữa được mà do đó mục đích thuê không đạt được hoặc tài sản thuê có khuyết tật mà bên thuê không biết.

3. Trong trường hợp bên cho thuê đã được thông báo mà không sửa chữa hoặc sửa chữa không kịp thời thì bên thuê có quyền tự sửa chữa tài sản thuê, nhưng phải báo cho bên cho thuê và có quyền yêu cầu bên cho thuê thanh toán chi phí sửa chữa.

Điều 486. Nghĩa vụ bảo đảm quyền sử dụng tài sản cho bên thuê

1. Bên cho thuê phải bảo đảm quyền sử dụng tài sản ổn định cho bên thuê.

2. Trong trường hợp có tranh chấp về quyền sở hữu đối với tài sản thuê mà bên thuê không được sử dụng tài sản ổn định thì bên thuê có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Điều 487. Nghĩa vụ bảo quản tài sản thuê

1. Bên thuê phải bảo quản tài sản thuê như tài sản của chính mình, phải bảo dưỡng và sửa chữa nhỏ; nếu làm mất mát, hư hỏng thì phải bồi thường.

Bên thuê không chịu trách nhiệm về những hao mòn tự nhiên do sử dụng tài sản thuê.

2. Bên thuê có thể tu sửa và làm tăng giá trị tài sản thuê, nếu được bên cho thuê đồng ý và có quyền yêu cầu bên cho thuê thanh toán chi phí hợp lý.

Điều 488. Nghĩa vụ sử dụng tài sản thuê đúng công dụng, mục đích

1. Bên thuê phải sử dụng tài sản thuê theo đúng công dụng của tài sản và đúng mục đích đã thoả thuận.

2. Trong trường hợp bên thuê sử dụng tài sản không đúng mục đích, không đúng công dụng thì bên cho thuê có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Điều 489. Trả tiền thuê

1. Bên thuê phải trả đủ tiền thuê đúng thời hạn đã thoả thuận; nếu không có thoả thuận về thời hạn trả tiền thuê thì thời hạn trả tiền thuê được xác định theo tập quán nơi trả tiền; nếu không thể xác định được thời hạn theo tập quán thì bên thuê phải trả tiền khi trả lại tài sản thuê.

2. Trong trường hợp các bên thoả thuận việc trả tiền thuê theo kỳ hạn thì bên cho thuê có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng, nếu bên thuê không trả tiền trong ba kỳ liên tiếp, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

Điều 490. Trả lại tài sản thuê

1. Bên thuê phải trả lại tài sản thuê trong tình trạng như khi nhận, trừ hao mòn tự nhiên hoặc theo đúng như tình trạng đã thoả thuận; nếu giá trị của tài sản thuê bị giảm sút so với tình trạng khi nhận thì bên cho thuê có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại, trừ hao mòn tự nhiên.

2. Trong trường hợp tài sản thuê là động sản thì địa điểm trả lại tài sản thuê là nơi cư trú hoặc trụ sở của bên cho thuê, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

3. Trong trường hợp tài sản thuê là gia súc, bên thuê phải trả lại gia súc đã thuê và cả gia súc được sinh ra trong thời gian thuê, nếu không có thoả thuận khác. Bên cho thuê phải thanh toán chi phí chăm sóc gia súc được sinh ra cho bên thuê.

4. Khi bên thuê chậm trả tài sản thuê thì bên cho thuê có quyền yêu cầu bên thuê trả lại tài sản thuê và trả tiền thuê trong thời gian chậm trả và phải bồi thường thiệt hại; bên thuê phải trả tiền phạt vi phạm do chậm trả tài sản thuê, nếu có thoả thuận.

5. Bên thuê phải chịu rủi ro xảy ra đối với tài sản thuê trong thời gian chậm trả.

Điều 491. Chấm dứt hợp đồng thuê tài sản

Hợp đồng thuê tài sản chấm dứt trong các trường hợp sau đây:

1. Thời hạn thuê đã hết;

2. Theo thoả thuận của các bên về việc chấm dứt trước thời hạn; đối với hợp đồng thuê không xác định thời hạn, khi bên cho thuê muốn chấm dứt hợp đồng thì phải báo cho bên thuê biết trước một thời gian hợp lý, nếu không có thoả thuận về thời hạn báo trước;

3. Hợp đồng bị hủy bỏ hoặc bị đơn phương chấm dứt thực hiện;

4. Tài sản thuê không còn.

II- HỢP ĐỒNG THUÊ NHÀ

Điều 492. Hình thức hợp đồng thuê nhà ở

Hợp đồng thuê nhà ở phải được lập thành văn bản, nếu thời hạn thuê từ sáu tháng trở lên thì phải có công chứng hoặc chứng thực và phải đăng ký, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Điều 493. Nghĩa vụ của bên cho thuê nhà ở

Bên cho thuê nhà ở có các nghĩa vụ sau đây:

1. Giao nhà cho bên thuê theo đúng hợp đồng;

2. Bảo đảm cho bên thuê sử dụng ổn định nhà trong thời hạn thuê;

3. Bảo dưỡng, sửa chữa nhà theo định kỳ hoặc theo thoả thuận; nếu bên cho thuê không bảo dưỡng, sửa chữa nhà mà gây thiệt hại cho bên thuê thì phải bồi thường.

Điều 494. Quyền của bên cho thuê nhà ở

Bên cho thuê nhà ở có các quyền sau đây:

1. Nhận đủ tiền thuê nhà đúng kỳ hạn đã thoả thuận;

2. Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê nhà theo quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 498 của Bộ luật này;

3. Cải tạo, nâng cấp nhà cho thuê khi được bên thuê đồng ý, nhưng không được gây phiền hà cho bên thuê sử dụng chỗ ở;

4. Được lấy lại nhà cho thuê khi thời hạn thuê đã hết; nếu hợp đồng không quy định thời hạn thuê thì bên cho thuê muốn lấy lại nhà phải báo cho bên thuê biết trước sáu tháng.

Điều 495. Nghĩa vụ của bên thuê nhà ở

Bên thuê nhà có các nghĩa vụ sau đây:

1. Sử dụng nhà đúng mục đích đã thoả thuận;

2. Trả đủ tiền thuê nhà đúng kỳ hạn đã thoả thuận;

3. Giữ gìn nhà, sửa chữa những hư hỏng do mình gây ra;

4. Tôn trọng quy tắc sinh hoạt công cộng;

5. Trả nhà cho bên cho thuê theo đúng thoả thuận.

Điều 496. Quyền của bên thuê nhà ở

Bên thuê nhà có các quyền sau đây:

1. Nhận nhà thuê theo đúng thoả thuận;

2. Được đổi nhà đang thuê với người thuê khác, nếu được bên cho thuê đồng ý bằng văn bản;

3. Được cho thuê lại nhà đang thuê, nếu được bên cho thuê đồng ý bằng văn bản;

4. Được tiếp tục thuê theo các điều kiện đã thoả thuận với bên cho thuê, trong trường hợp thay đổi chủ sở hữu nhà;

5. Yêu cầu bên cho thuê sửa chữa nhà đang cho thuê trong trường hợp nhà bị hư hỏng nặng.

6. Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê nhà theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 498 của Bộ luật này.

Điều 497. Quyền, nghĩa vụ của những người thuộc bên thuê có tên trong hợp đồng thuê nhà ở

Những người thuộc bên thuê có tên trong hợp đồng thuê nhà có quyền, nghĩa vụ ngang nhau đối với bên cho thuê và phải liên đới thực hiện các nghĩa vụ của bên thuê đối với bên cho thuê.

Điều 498. Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê nhà ở

1. Bên cho thuê nhà có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê nhà khi bên thuê có một trong các hành vi sau đây:

a) Không trả tiền thuê nhà liên tiếp trong ba tháng trở lên mà không có lý do chính đáng;

b) Sử dụng nhà không đúng mục đích thuê;

c) Cố ý làm nhà hư hỏng nghiêm trọng;

d) Sửa chữa, đổi hoặc cho người khác thuê lại toàn bộ hoặc một phần nhà đang thuê mà không có sự đồng ý bằng văn bản của bên cho thuê;

đ) Làm mất trật tự công cộng nhiều lần và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt bình thường của những người xung quanh;

e) Làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến vệ sinh môi trường.

2. Bên thuê nhà có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê nhà khi bên cho thuê có một trong các hành vi sau đây:

a) Không sửa chữa nhà khi chất lượng nhà giảm sút nghiêm trọng;

b) Tăng giá thuê nhà bất hợp lý.

c) Quyền sử dụng nhà ở bị hạn chế do lợi ích của người thứ ba.

3. Bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê nhà phải báo cho bên kia biết trước một tháng, nếu không có thoả thuận khác.

Điều 499. Chấm dứt hợp đồng thuê nhà ở

Hợp đồng thuê nhà ở chấm dứt trong các trường hợp sau đây:

1. Thời hạn thuê đã hết; nếu hợp đồng không xác định thời hạn thuê thì hợp đồng chấm dứt sau sáu tháng, kể từ ngày bên cho thuê báo cho bên thuê biết về việc đòi nhà;

2. Nhà cho thuê không còn;

3. Bên thuê nhà chết và không có ai cùng chung sống;

4. Nhà cho thuê phải phá dỡ do bị hư hỏng nặng có nguy cơ sập đổ hoặc do thực hiện quy hoạch xây dựng của Nhà nước.

Điều 500. Thuê nhà để sử dụng vào mục đích khác

Trong trường hợp pháp luật không có quy định khác thì quy định tại các điều từ Điều 492 đến Điều 499 của Bộ luật này cũng được áp dụng đối với việc thuê nhà sử dụng vào mục đích khác không phải là thuê nhà ở.

III- HỢP ĐỒNG THUÊ KHOÁN TÀI SẢN

Điều 501. Hợp đồng thuê khoán tài sản

Hợp đồng thuê khoán tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên cho thuê khoán giao tài sản cho bên thuê để khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức thu được từ tài sản đó và có nghĩa vụ trả tiền thuê.

Điều 502. Đối tượng của hợp đồng thuê khoán

Đối tượng của hợp đồng thuê khoán có thể là đất đai, rừng, mặt nước chưa khai thác, súc vật, cơ sở sản xuất, kinh doanh, tư liệu sản xuất khác cùng trang thiết bị cần thiết để khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Điều 503. Thời hạn thuê khoán

Thời hạn thuê khoán do các bên thoả thuận theo chu kỳ sản xuất, kinh doanh phù hợp với tính chất của đối tượng thuê khoán.

Điều 504. Giá thuê khoán

Giá thuê khoán do các bên thoả thuận; nếu thuê khoán thông qua đấu thầu thì giá thuê khoán là giá được xác định khi đấu thầu.

Điều 505. Giao tài sản thuê khoán

Khi giao tài sản thuê khoán, các bên phải lập biên bản đánh giá tình trạng của tài sản thuê khoán và xác định giá trị tài sản thuê khoán.

Trong trường hợp các bên không xác định được giá trị thì mời người thứ ba xác định giá trị và phải lập thành văn bản.

Điều 506. Trả tiền thuê khoán và phương thức trả

1. Tiền thuê khoán có thể bằng hiện vật, bằng tiền hoặc bằng việc thực hiện một công việc.

2. Bên thuê khoán phải trả đủ tiền thuê khoán cho dù không khai thác công dụng tài sản thuê khoán.

3. Khi giao kết hợp đồng thuê khoán các bên có thể thoả thuận điều kiện về việc giảm tiền thuê khoán; nếu hoa lợi, lợi tức bị mất ít nhất là một phần ba do sự kiện bất khả kháng thì bên thuê khoán có quyền yêu cầu giảm hoặc miễn tiền thuê khoán, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

4. Trong trường hợp bên thuê khoán phải trả hiện vật theo thời vụ hoặc theo chu kỳ khai thác công dụng của tài sản thuê khoán thì phải trả vào thời điểm kết thúc thời vụ hoặc kết thúc chu kỳ khai thác, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

5. Trong trường hợp bên thuê khoán phải thực hiện một công việc thì phải thực hiện đúng công việc đó.

Điều 507. Khai thác tài sản thuê khoán

Bên thuê khoán phải khai thác tài sản thuê khoán đúng mục đích đã thoả thuận và báo cho bên thuê khoán theo định kỳ về tình trạng tài sản và tình hình khai thác tài sản; nếu bên cho thuê khoán có yêu cầu hoặc cần báo đột xuất thì bên thuê khoán phải báo kịp thời. Khi bên thuê khoán khai thác công dụng tài sản thuê khoán không đúng mục đích thì bên cho thuê khoán có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Điều 508. Bảo quản, bảo dưỡng, định đoạt tài sản thuê khoán

1. Trong thời hạn khai thác tài sản thuê khoán, bên thuê khoán phải bảo quản, bảo dưỡng tài sản thuê khoán và trang thiết bị kèm theo bằng chi phí của mình, trừ trường hợp có thoả thuận khác; nếu bên thuê khoán làm mất mát, hư hỏng hoặc làm mất giá trị, giảm sút giá trị tài sản thuê khoán thì phải bồi thường thiệt hại. Bên thuê khoán không chịu trách nhiệm về những hao mòn tự nhiên do sử dụng tài sản thuê khoán.

2. Bên thuê khoán có thể tự mình thay thế, cải tạo tài sản thuê khoán, nếu có thoả thuận và phải bảo toàn giá trị tài sản thuê khoán.

Bên cho thuê khoán phải thanh toán cho bên thuê khoán chi phí hợp lý để thay thế, cải tạo tài sản thuê khoán theo thoả thuận.

3. Bên thuê khoán không được cho thuê khoán lại, trừ trường hợp được bên cho thuê khoán đồng ý.

Điều 509. Hưởng hoa lợi, chịu thiệt hại về súc vật thuê khoán

Trong thời hạn thuê khoán súc vật, bên thuê khoán được hưởng một nửa số súc vật sinh ra và phải chịu một nửa những thiệt hại về súc vật thuê khoán do sự kiện bất khả kháng, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

Điều 510. Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê khoán

1. Trong trường hợp một bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thì phải báo cho bên kia biết trước một thời gian hợp lý; nếu thuê khoán theo thời vụ hoặc theo chu kỳ khai thác thì thời hạn báo trước phải phù hợp với thời vụ hoặc chu kỳ khai thác.

2. Trong trường hợp bên thuê khoán vi phạm nghĩa vụ, mà việc khai thác đối tượng thuê khoán là nguồn sống duy nhất của bên thuê khoán và việc tiếp tục thuê khoán không làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của bên cho thuê khoán thì bên cho thuê khoán không được đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng; bên thuê khoán phải cam kết với bên cho thuê khoán không được tiếp tục vi phạm hợp đồng.

Điều 511. Trả lại tài sản thuê khoán

Khi chấm dứt hợp đồng thuê khoán, bên thuê khoán phải trả lại tài sản thuê khoán ở tình trạng phù hợp với mức độ khấu hao đã thoả thuận; nếu làm mất giá trị hoặc giảm sút giá trị của tài sản thuê khoán thì phải bồi thường thiệt hại.

MỤC 6

HỢP ĐỒNG MƯỢN TÀI SẢN

Điều 512. Hợp đồng mượn tài sản

Hợp đồng mượn tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên cho mượn giao tài sản cho bên mượn để sử dụng trong một thời hạn mà không phải trả tiền, còn bên mượn phải trả lại tài sản đó khi hết thời hạn mượn hoặc mục đích mượn đã đạt được.

Điều 513. Đối tượng của hợp đồng mượn tài sản

Tất cả những vật không tiêu hao đều có thể là đối tượng của hợp đồng mượn tài sản.

Điều 514. Nghĩa vụ của bên mượn tài sản

Bên mượn tài sản có các nghĩa vụ sau đây:

1. Giữ gìn, bảo quản tài sản mượn như tài sản của chính mình, không được tự ý thay đổi tình trạng của tài sản; nếu tài sản bị hư hỏng thông thường thì phải sửa chữa;

2. Không được cho người khác mượn lại, nếu không có sự đồng ý của bên cho mượn;

3. Trả lại tài sản mượn đúng thời hạn; nếu không có thoả thuận về thời hạn trả lại tài sản thì bên mượn phải trả lại tài sản ngay sau khi mục đích mượn đã đạt được;

4. Bồi thường thiệt hại, nếu làm hư hỏng, mất mát tài sản mượn.

Điều 515. Quyền của bên mượn tài sản

Bên mượn tài sản có các quyền sau đây:

1. Được sử dụng tài sản mượn theo đúng công dụng của tài sản và đúng mục đích đã thoả thuận;

2. Yêu cầu bên cho mượn phải thanh toán chi phí hợp lý về việc sửa chữa hoặc làm tăng giá trị tài sản mượn, nếu có thoả thuận.

3. Không phải chịu trách nhiệm về những hao mòn tự nhiên của tài sản mượn.

Điều 516. Nghĩa vụ của bên cho mượn tài sản

Bên cho mượn tài sản có các nghĩa vụ sau đây:

1. Cung cấp thông tin cần thiết về việc sử dụng tài sản và khuyết tật của tài sản, nếu có;

2. Thanh toán cho bên mượn chi phí sửa chữa, chi phí làm tăng giá trị tài sản, nếu có thoả thuận;

3. Bồi thường thiệt hại cho bên mượn, nếu biết tài sản có khuyết tật mà không báo cho bên mượn biết dẫn đến gây thiệt hại cho bên mượn, trừ những khuyết tật mà bên mượn biết hoặc phải biết.

Điều 517. Quyền của bên cho mượn tài sản

Bên cho mượn tài sản có các quyền sau đây:

1. Đòi lại tài sản ngay sau khi bên mượn đạt được mục đích nếu không có thoả thuận về thời hạn mượn; nếu bên cho mượn có nhu cầu đột xuất và cấp bách cần sử dụng tài sản cho mượn thì được đòi lại tài sản đó mặc dù bên mượn chưa đạt được mục đích, nhưng phải báo trước một thời gian hợp lý;

2. Đòi lại tài sản khi bên mượn sử dụng không đúng mục đích, công dụng, không đúng cách thức đã thoả thuận hoặc cho người khác mượn lại mà không có sự đồng ý của bên cho mượn;

3. Yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với tài sản do người mượn gây ra.

MỤC 7

HỢP ĐỒNG DỊCH VỤ

Điều 518. Hợp đồng dịch vụ

Hợp đồng dịch vụ là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên thuê dịch vụ, còn bên thuê dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ.

Điều 519. Đối tượng của hợp đồng dịch vụ

Đối tượng của hợp đồng dịch vụ phải là công việc có thể thực hiện được, không bị pháp luật cấm, không trái đạo đức xã hội.

Điều 520. Nghĩa vụ của bên thuê dịch vụ

Bên thuê dịch vụ có các nghĩa vụ sau đây:

1. Cung cấp cho bên cung ứng dịch vụ thông tin, tài liệu và các phương tiện cần thiết để thực hiện công việc, nếu có thoả thuận hoặc việc thực hiện công việc đòi hỏi;

2. Trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ theo thoả thuận.

Điều 521. Quyền của bên thuê dịch vụ

Bên thuê dịch vụ có các quyền sau đây:

1. Yêu cầu bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc theo đúng chất lượng, số lượng, thời hạn, địa điểm và các thoả thuận khác;

2. Trong trường hợp bên cung ứng dịch vụ vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ thì bên thuê dịch vụ có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Điều 522. Nghĩa vụ của bên cung ứng dịch vụ

Bên cung ứng dịch vụ có các nghĩa vụ sau đây:

1. Thực hiện công việc đúng chất lượng, số lượng, thời hạn, địa điểm và các thoả thuận khác;

2. Không được giao cho người khác thực hiện thay công việc, nếu không có sự đồng ý của bên thuê dịch vụ;

3. Bảo quản và phải giao lại cho bên thuê dịch vụ tài liệu và phương tiện được giao sau khi hoàn thành công việc;

4. Báo ngay cho bên thuê dịch vụ về việc thông tin, tài liệu không đầy đủ, phương tiện không bảo đảm chất lượng để hoàn thành công việc;

5. Giữ bí mật thông tin mà mình biết được trong thời gian thực hiện công việc, nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định;

6. Bồi thường thiệt hại cho bên thuê dịch vụ, nếu làm mất mát, hư hỏng tài liệu, phương tiện được giao hoặc tiết lộ bí mật thông tin.

Điều 523. Quyền của bên cung ứng dịch vụ

Bên cung ứng dịch vụ có các quyền sau đây:

1. Yêu cầu bên thuê dịch vụ cung cấp thông tin, tài liệu và phương tiện;

2. Được thay đổi điều kiện dịch vụ vì lợi ích của bên thuê dịch vụ, mà không nhất thiết phải chờ ý kiến của bên thuê dịch vụ, nếu việc chờ ý kiến sẽ gây thiệt hại cho bên thuê dịch vụ, nhưng phải báo ngay cho bên thuê dịch vụ;

3. Yêu cầu bên thuê dịch vụ trả tiền dịch vụ.

Điều 524. Trả tiền dịch vụ

1. Bên thuê dịch vụ phải trả tiền dịch vụ theo thoả thuận.

2. Khi giao kết hợp đồng nếu không có thoả thuận về giá dịch vụ, phương pháp xác định giá dịch vụ và không có bất kỳ chỉ dẫn nào khác về giá dịch vụ thì giá dịch vụ được xác định căn cứ vào giá thị trường của dịch vụ cùng loại tại thời điểm và địa điểm giao kết hợp đồng.

3. Bên thuê dịch vụ phải trả tiền dịch vụ tại địa điểm thực hiện công việc khi hoàn thành dịch vụ, nếu không có thoả thuận khác.

4. Trong trường hợp dịch vụ được cung ứng không đạt được như thoả thuận hoặc công việc không được hoàn thành đúng thời hạn thì bên thuê dịch vụ có quyền giảm tiền dịch vụ và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Điều 525. Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng dịch vụ

1. Trong trường hợp việc tiếp tục thực hiện công việc không có lợi cho bên thuê dịch vụ thì bên thuê dịch vụ có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng, nhưng phải báo cho bên cung ứng dịch vụ biết trước một thời gian hợp lý; bên thuê dịch vụ phải trả tiền công theo phần dịch vụ mà bên cung ứng dịch vụ đã thực hiện và bồi thường thiệt hại.

2. Trong trường hợp bên thuê dịch vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình hoặc thực hiện không đúng theo thoả thuận thì bên cung ứng dịch vụ có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Điều 526. Tiếp tục hợp đồng dịch vụ

Sau khi đã kết thúc thời hạn dịch vụ mà công việc chưa hoàn thành và bên cung ứng dịch vụ vẫn tiếp tục thực hiện công việc, còn bên thuê dịch vụ biết nhưng không phản đối thì hợp đồng dịch vụ đương nhiên được tiếp tục thực hiện theo nội dung đã thoả thuận cho đến khi công việc được hoàn thành.

MỤC 8

HỢP ĐỒNG VẬN CHUYỂN

I- HỢP ĐỒNG VẬN CHUYỂN HÀNH KHÁCH

Điều 527. Hợp đồng vận chuyển hành khách

Hợp đồng vận chuyển hành khách là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên vận chuyển chuyên chở hành khách, hành lý đến địa điểm đã định theo thoả thuận, còn hành khách phải thanh toán cước phí vận chuyển.

Điều 528. Hình thức hợp đồng vận chuyển hành khách

1. Hợp đồng vận chuyển hành khách có thể được lập thành văn bản hoặc bằng lời nói.

2. Vé là bằng chứng của việc giao kết hợp đồng vận chuyển hành khách giữa các bên.

Điều 529. Nghĩa vụ của bên vận chuyển

Bên vận chuyển có các nghĩa vụ sau đây:

1. Chuyên chở hành khách từ địa điểm xuất phát đến đúng địa điểm, đến đúng giờ, văn minh, lịch sự và bằng phương tiện đã thoả thuận một cách an toàn, theo lộ trình; bảo đảm đủ chỗ cho khách và không chuyên chở vượt quá trọng tải;

2. Mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với hành khách theo quy định của pháp luật;

3. Bảo đảm thời gian xuất phát đã được thông báo hoặc theo thoả thuận;

4. Chuyên chở hành lý và trả lại cho hành khách hoặc người có quyền nhận hành lý tại địa điểm thoả thuận theo đúng thời gian, lộ trình;

5. Hoàn trả cho hành khách cước phí vận chuyển theo thoả thuận. Trong trường hợp pháp luật có quy định thì theo quy định của pháp luật.

Điều 530. Quyền của bên vận chuyển

Bên vận chuyển có các quyền sau đây:

1. Yêu cầu hành khách trả đủ cước phí vận chuyển hành khách, cước phí vận chuyển hành lý mang theo người vượt quá mức quy định;

2. Từ chối chuyên chở hành khách trong các trường hợp sau đây:

a) Hành khách không chấp hành quy định của bên vận chuyển hoặc có hành vi làm mất trật tự công cộng, cản trở công việc của bên vận chuyển, đe dọa đến tính mạng, sức khoẻ, tài sản của người khác hoặc có những hành vi khác không bảo đảm an toàn trong hành trình; trong trường hợp này, hành khách không được trả lại cước phí vận chuyển và phải chịu phạt vi phạm, nếu điều lệ vận chuyển có quy định;

b) Do tình trạng sức khoẻ của hành khách mà bên vận chuyển thấy rõ rằng việc vận chuyển sẽ gây nguy hiểm cho chính hành khách đó hoặc những người khác trong hành trình;

c) Để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan.

Điều 531. Nghĩa vụ của hành khách

Hành khách có các nghĩa vụ sau đây:

1. Trả đủ cước phí vận chuyển hành khách, cước phí vận chuyển hành lý vượt quá mức quy định và tự bảo quản hành lý mang theo người;

2. Có mặt tại điểm xuất phát đúng thời gian đã thoả thuận;

3. Tôn trọng, chấp hành đúng các quy định của bên vận chuyển và các quy định khác về bảo đảm an toàn giao thông.

Điều 532. Quyền của hành khách

Hành khách có các quyền sau đây:

1. Yêu cầu được chuyên chở đúng bằng phương tiện vận chuyển và giá trị loại vé với lộ trình đã thoả thuận;

2. Được miễn cước phí vận chuyển đối với hành lý ký gửi và hành lý xách tay trong hạn mức theo thoả thuận hoặc theo quy định của pháp luật;

3. Yêu cầu thanh toán chi phí phát sinh hoặc bồi thường thiệt hại, nếu bên vận chuyển có lỗi trong việc không chuyên chở đúng thời hạn, địa điểm đã thoả thuận;

4. Được nhận lại toàn bộ hoặc một phần cước phí vận chuyển trong trường hợp quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều 530 của Bộ luật này và những trường hợp khác do pháp luật quy định hoặc theo thoả thuận;

5. Nhận hành lý tại địa điểm đã thoả thuận theo đúng thời gian, lộ trình;

6. Yêu cầu tạm dừng hành trình trong thời hạn và theo thủ tục do pháp luật quy định.

Điều 533. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại

1. Trong trường hợp tính mạng, sức khoẻ và hành lý của hành khách bị thiệt hại thì bên vận chuyển phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

2. Bên vận chuyển không phải bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và hành lý của hành khách nếu thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của hành khách, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

3. Trong trường hợp hành khách vi phạm điều kiện vận chuyển đã thoả thuận, các quy định của điều lệ vận chuyển mà gây thiệt hại cho bên vận chuyển hoặc người thứ ba thì phải bồi thường.

Điều 534. Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng vận chuyển hành khách

1. Bên vận chuyển có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 530 của Bộ luật này.

2. Hành khách có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng trong trường hợp bên vận chuyển vi phạm nghĩa vụ quy định tại các khoản 1, 3 và 4 Điều 529 của Bộ luật này.

II- HỢP ĐỒNG VẬN CHUYỂN TÀI SẢN

Điều 535. Hợp đồng vận chuyển tài sản

Hợp đồng vận chuyển tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên vận chuyển có nghĩa vụ chuyển tài sản đến địa điểm đã định theo thoả thuận và giao tài sản đó cho người có quyền nhận, còn bên thuê vận chuyển có nghĩa vụ trả cước phí vận chuyển.

Điều 536. Hình thức hợp đồng vận chuyển tài sản

1. Hợp đồng vận chuyển tài sản được giao kết bằng lời nói hoặc bằng văn bản.

2. Vận đơn hoặc chứng từ vận chuyển tương đương khác là bằng chứng của việc giao kết hợp đồng giữa các bên.

Điều 537. Giao tài sản cho bên vận chuyển

1. Bên thuê vận chuyển có nghĩa vụ giao tài sản cho bên vận chuyển đúng thời hạn, địa điểm và đóng gói theo đúng quy cách đã thoả thuận; phải chịu chi phí xếp, dỡ tài sản lên phương tiện vận chuyển, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

2. Trong trường hợp bên thuê vận chuyển giao tài sản không đúng thời hạn, địa điểm đã thoả thuận thì phải thanh toán chi phí chờ đợi và tiền vận chuyển tài sản đến địa điểm đã thoả thuận trong hợp đồng cho bên vận chuyển hoặc phải nộp phạt vi phạm theo thoả thuận; nếu bên vận chuyển chậm nhận tài sản tại địa điểm đã thỏa thuận thì phải chịu chi phí phát sinh do việc chậm tiếp nhận.

Điều 538. Cước phí vận chuyển

1. Mức cước phí vận chuyển do các bên thoả thuận; nếu pháp luật có quy định về mức cước phí vận chuyển thì áp dụng mức cước phí đó.

2. Bên thuê vận chuyển phải thanh toán đủ cước phí vận chuyển sau khi tài sản được chuyển lên phương tiện vận chuyển, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

Điều 539. Nghĩa vụ của bên vận chuyển

Bên vận chuyển có các nghĩa vụ sau đây:

1. Bảo đảm vận chuyển tài sản đầy đủ, an toàn đến địa điểm đã định, theo đúng thời hạn;

2. Trả tài sản cho người có quyền nhận;

3. Chịu chi phí liên quan đến việc chuyên chở tài sản, trừ trường hợp có thoả thuận khác;

4. Mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự theo quy định của pháp luật;

5. Bồi thường thiệt hại cho bên thuê vận chuyển trong trường hợp bên vận chuyển để mất mát, hư hỏng tài sản do lỗi của mình, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

Điều 540. Quyền của bên vận chuyển

Bên vận chuyển có các quyền sau đây:

1. Kiểm tra sự xác thực của tài sản, của vận đơn hoặc chứng từ vận chuyển tương đương khác;

2. Từ chối vận chuyển tài sản không đúng với loại tài sản đã thoả thuận trong hợp đồng;

3. Yêu cầu bên thuê vận chuyển thanh toán đủ cước phí vận chuyển đúng thời hạn;

4. Từ chối vận chuyển tài sản cấm giao dịch, tài sản có tính chất nguy hiểm, độc hại, nếu bên vận chuyển biết hoặc phải biết;

5. Yêu cầu bên thuê vận chuyển bồi thường thiệt hại.

Điều 541. Nghĩa vụ của bên thuê vận chuyển

Bên thuê vận chuyển có các nghĩa vụ sau đây:

1. Trả đủ tiền cước phí vận chuyển cho bên vận chuyển theo đúng thời hạn, phương thức đã thoả thuận;

2. Trông coi tài sản trên đường vận chuyển, nếu có thoả thuận. Trong trường hợp bên thuê vận chuyển trông coi tài sản mà tài sản bị mất mát, hư hỏng thì không được bồi thường.

Điều 542. Quyền của bên thuê vận chuyển

Bên thuê vận chuyển có các quyền sau đây:

1. Yêu cầu bên vận chuyển chuyên chở tài sản đến đúng địa điểm, thời điểm đã thoả thuận;

2. Trực tiếp hoặc chỉ định người thứ ba nhận lại tài sản đã thuê vận chuyển;

3. Yêu cầu bên vận chuyển bồi thường thiệt hại.

Điều 543. Trả tài sản cho bên nhận tài sản

1. Bên nhận tài sản có thể là bên thuê vận chuyển tài sản hoặc là người thứ ba được bên thuê vận chuyển chỉ định nhận tài sản.

2. Bên vận chuyển phải trả tài sản đầy đủ, đúng thời hạn và địa điểm cho bên nhận theo phương thức đã thoả thuận.

3. Trong trường hợp tài sản đã được chuyển đến địa điểm trả tài sản đúng thời hạn nhưng không có bên nhận thì bên vận chuyển có thể gửi số tài sản đó tại nơi nhận gửi giữ và phải báo ngay cho bên thuê vận chuyển hoặc bên nhận tài sản. Bên thuê vận chuyển hoặc bên nhận tài sản phải chịu chi phí hợp lý phát sinh từ việc gửi giữ tài sản.

Nghĩa vụ trả tài sản hoàn thành khi tài sản đã được gửi giữ đáp ứng các điều kiện đã thoả thuận và bên thuê vận chuyển hoặc bên nhận tài sản đã được thông báo về việc gửi giữ.

Điều 544. Nghĩa vụ của bên nhận tài sản

Bên nhận tài sản có các nghĩa vụ sau đây:

1. Xuất trình cho bên vận chuyển vận đơn hoặc chứng từ vận chuyển tương đương khác và nhận tài sản đúng thời hạn, địa điểm đã thoả thuận;

2. Chịu chi phí xếp, dỡ tài sản vận chuyển, nếu không có thoả thuận khác hoặc pháp luật không có quy định khác;

3. Thanh toán chi phí hợp lý phát sinh do việc chậm tiếp nhận tài sản;

4. Báo cho bên thuê vận chuyển về việc nhận tài sản và các thông tin cần thiết khác theo yêu cầu của bên đó; nếu không thông báo thì không có quyền yêu cầu bên thuê vận chuyển bảo vệ quyền, lợi ích liên quan đến tài sản vận chuyển của mình.

Điều 545. Quyền của bên nhận tài sản

Bên nhận tài sản có các quyền sau đây:

1. Kiểm tra số lượng, chất lượng tài sản được vận chuyển đến;

2. Nhận tài sản được vận chuyển đến;

3. Yêu cầu bên vận chuyển thanh toán chi phí hợp lý phát sinh do phải chờ nhận tài sản, nếu bên vận chuyển chậm giao;

4. Trực tiếp yêu cầu hoặc báo để bên thuê vận chuyển yêu cầu bên vận chuyển bồi thường thiệt hại do tài sản bị mất mát, hư hỏng.

Điều 546. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại

1. Bên vận chuyển phải bồi thường thiệt hại cho bên thuê vận chuyển, nếu để tài sản bị mất mát hoặc hư hỏng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 541 của Bộ luật này.

2. Bên thuê vận chuyển phải bồi thường thiệt hại cho bên vận chuyển và người thứ ba về thiệt hại do tài sản vận chuyển có tính chất nguy hiểm, độc hại mà không có biện pháp đóng gói, bảo đảm an toàn trong quá trình vận chuyển.

3. Trong trường hợp bất khả kháng dẫn đến tài sản vận chuyển bị mất mát, hư hỏng hoặc bị hủy hoại trong quá trình vận chuyển thì bên vận chuyển không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

MỤC 9

HỢP ĐỒNG GIA CÔNG

Điều 547. Hợp đồng gia công

Hợp đồng gia công là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên nhận gia công thực hiện công việc để tạo ra sản phẩm theo yêu cầu của bên đặt gia công, còn bên đặt gia công nhận sản phẩm và trả tiền công.

Điều 548. Đối tượng của hợp đồng gia công

Đối tượng của hợp đồng gia công là vật được xác định trước theo mẫu, theo tiêu chuẩn mà các bên thoả thuận hoặc pháp luật có quy định.

Điều 549. Nghĩa vụ của bên đặt gia công

Bên đặt gia công có các nghĩa vụ sau đây:

1. Cung cấp nguyên vật liệu theo đúng số lượng, chất lượng, thời hạn và địa điểm cho bên nhận gia công, trừ trường hợp có thoả thuận khác; cung cấp các giấy tờ cần thiết liên quan đến việc gia công;

2. Chỉ dẫn cho bên nhận gia công thực hiện hợp đồng;

3. Trả tiền công theo đúng thoả thuận.

Điều 550. Quyền của bên đặt gia công

Bên đặt gia công có các quyền sau đây:

1. Nhận sản phẩm gia công theo đúng số lượng, chất lượng, phương thức, thời hạn và địa điểm đã thoả thuận;

2. Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại khi bên nhận gia công vi phạm nghiêm trọng hợp đồng;

3. Trong trường hợp sản phẩm không bảo đảm chất lượng mà bên đặt gia công đồng ý nhận sản phẩm và yêu cầu sửa chữa nhưng bên nhận gia công không thể sửa chữa được trong thời hạn đã thoả thuận thì bên đặt gia công có quyền hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Điều 551. Nghĩa vụ của bên nhận gia công

Bên nhận gia công có các nghĩa vụ sau đây:

1. Bảo quản nguyên vật liệu do bên đặt gia công cung cấp;

2. Báo cho bên đặt gia công biết để đổi nguyên vật liệu khác, nếu nguyên vật liệu không bảo đảm chất lượng; từ chối thực hiện gia công, nếu việc sử dụng nguyên vật liệu có thể tạo ra sản phẩm nguy hại cho xã hội; trường hợp không báo hoặc không từ chối thì phải chịu trách nhiệm về sản phẩm tạo ra;

3. Giao sản phẩm cho bên đặt gia công đúng số lượng, chất lượng, phương thức, thời hạn và địa điểm đã thoả thuận;

4. Giữ bí mật các thông tin về quy trình gia công và sản phẩm tạo ra;

5. Chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm, trừ trường hợp sản phẩm không bảo đảm chất lượng do nguyên vật liệu mà bên đặt gia công cung cấp hoặc do sự chỉ dẫn không hợp lý của bên đặt gia công.

6. Hoàn trả nguyên vật liệu còn lại cho bên đặt gia công sau khi hoàn thành hợp đồng.

Điều 552. Quyền của bên nhận gia công

Bên nhận gia công có các quyền sau đây:

1. Yêu cầu bên đặt gia công giao nguyên vật liệu đúng chất lượng, số lượng, thời hạn và địa điểm đã thoả thuận;

2. Từ chối sự chỉ dẫn không hợp lý của bên đặt gia công, nếu thấy chỉ dẫn đó có thể làm giảm chất lượng sản phẩm, nhưng phải báo ngay cho bên đặt gia công;

3. Yêu cầu bên đặt gia công trả đủ tiền công theo đúng thời hạn và phương thức đã thoả thuận.

Điều 553. Trách nhiệm chịu rủi ro

Cho đến khi giao sản phẩm cho bên đặt gia công, bên nào là chủ sở hữu của nguyên vật liệu thì phải chịu rủi ro đối với nguyên vật liệu hoặc sản phẩm được tạo ra từ nguyên vật liệu đó, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

Khi bên đặt gia công chậm nhận sản phẩm thì phải chịu rủi ro trong thời gian chậm nhận, kể cả trong trường hợp sản phẩm được tạo ra từ nguyên vật liệu của bên nhận gia công, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

Khi bên nhận gia công chậm giao sản phẩm mà có rủi ro đối với sản phẩm gia công thì phải bồi thường thiệt hại xảy ra cho bên đặt gia công.

Điều 554. Giao, nhận sản phẩm gia công

Bên nhận gia công phải giao sản phẩm và bên đặt gia công phải nhận sản phẩm theo đúng thời hạn và tại địa điểm đã thoả thuận.

Điều 555. Chậm giao, chậm nhận sản phẩm gia công

1. Trong trường hợp bên nhận gia công chậm giao sản phẩm thì bên đặt gia công có thể gia hạn; nếu hết thời hạn đó mà bên nhận gia công vẫn chưa hoàn thành công việc thì bên đặt gia công có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

2. Trong trường hợp bên đặt gia công chậm nhận sản phẩm thì bên nhận gia công có thể gửi sản phẩm đó tại nơi nhận gửi giữ và phải báo ngay cho bên đặt gia công. Nghĩa vụ giao sản phẩm hoàn thành khi đáp ứng được các điều kiện đã thoả thuận và bên đặt gia công đã được thông báo. Bên đặt gia công phải chịu mọi chi phí phát sinh từ việc gửi giữ.

Điều 556. Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng gia công

1. Mỗi bên đều có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng gia công, nếu việc tiếp tục thực hiện hợp đồng không mang lại lợi ích cho mình, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác, nhưng phải báo cho bên kia biết trước một thời gian hợp lý; nếu bên đặt gia công đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thì phải trả tiền công tương ứng với công việc đã làm; nếu bên nhận gia công đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thì không được trả tiền công, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

2. Bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng mà gây thiệt hại cho bên kia thì phải bồi thường.

Điều 557. Trả tiền công

1. Bên đặt gia công phải trả đủ tiền công vào thời điểm nhận sản phẩm, nếu không có thoả thuận khác.

2. Trong trường hợp không có thoả thuận về mức tiền công thì áp dụng mức tiền công trung bình đối với việc tạo ra sản phẩm cùng loại tại địa điểm gia công và vào thời điểm trả tiền.

3. Bên đặt gia công không có quyền giảm tiền công, nếu sản phẩm không bảo đảm chất lượng do nguyên vật liệu mà mình đã cung cấp hoặc do sự chỉ dẫn không hợp lý của mình.

Điều 558. Thanh lý nguyên vật liệu

Khi hợp đồng gia công chấm dứt, bên nhận gia công phải hoàn trả nguyên vật liệu còn lại cho bên đặt gia công, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

MỤC 10

HỢP ĐỒNG GỬI GIỮ TÀI SẢN

Điều 559. Hợp đồng gửi giữ tài sản

Hợp đồng gửi giữ tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên giữ nhận tài sản của bên gửi để bảo quản và trả lại chính tài sản đó cho bên gửi khi hết thời hạn hợp đồng, còn bên gửi phải trả tiền công cho bên giữ, trừ trường hợp gửi giữ không phải trả tiền công.

Điều 560. Nghĩa vụ của bên gửi tài sản

Bên gửi tài sản có các nghĩa vụ sau đây:

1. Khi giao tài sản phải báo ngay cho bên giữ biết tình trạng tài sản và biện pháp bảo quản thích hợp đối với tài sản gửi giữ; nếu không báo mà tài sản gửi giữ bị tiêu hủy hoặc hư hỏng do không được bảo quản thích hợp thì bên gửi phải tự chịu; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường;

2. Phải trả đủ tiền công, đúng thời hạn và đúng phương thức đã thoả thuận.

Điều 561. Quyền của bên gửi tài sản

Bên gửi tài sản có các quyền sau đây:

1. Yêu cầu lấy lại tài sản bất cứ lúc nào, nếu hợp đồng gửi giữ không xác định thời hạn, nhưng phải báo trước cho bên giữ một thời gian hợp lý;

2. Yêu cầu bồi thường thiệt hại, nếu bên giữ làm mất mát, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng.

Điều 562. Nghĩa vụ của bên giữ tài sản

Bên giữ tài sản có các nghĩa vụ sau đây:

1. Bảo quản tài sản như đã thoả thuận, trả lại tài sản cho bên gửi theo đúng tình trạng như khi nhận giữ;

2. Chỉ được thay đổi cách bảo quản tài sản, nếu việc thay đổi là cần thiết nhằm bảo quản tốt hơn tài sản đó nhưng phải báo ngay cho bên gửi biết về việc thay đổi;

3. Báo kịp thời bằng văn bản cho bên gửi biết về nguy cơ hư hỏng, tiêu hủy tài sản do tính chất của tài sản đó và yêu cầu bên gửi cho biết cách giải quyết trong một thời hạn; nếu hết thời hạn đó mà bên gửi không trả lời thì bên giữ có quyền thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo quản và yêu cầu bên gửi thanh toán chi phí;

4. Phải bồi thường thiệt hại, nếu làm mất mát, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng.

Điều 563. Quyền của bên giữ tài sản

Bên giữ tài sản có các quyền sau đây:

1. Yêu cầu bên gửi trả tiền công theo thoả thuận;

2. Yêu cầu bên gửi trả chi phí hợp lý để bảo quản tài sản trong trường hợp gửi không trả tiền công;

3. Yêu cầu bên gửi nhận lại tài sản bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên gửi một thời gian hợp lý trong trường hợp gửi giữ không xác định thời hạn;

4. Bán tài sản gửi giữ có nguy cơ bị hư hỏng hoặc tiêu hủy nhằm bảo đảm lợi ích cho bên gửi, báo việc đó cho bên gửi và trả cho bên gửi khoản tiền thu được do bán tài sản, sau khi trừ chi phí hợp lý để bán tài sản.

Điều 564. Trả lại tài sản gửi giữ

1. Bên giữ phải trả lại chính tài sản đã nhận và cả hoa lợi nếu có, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

Địa điểm trả tài sản gửi giữ là nơi gửi; nếu bên gửi yêu cầu trả tài sản ở địa điểm khác thì phải chịu chi phí vận chuyển đến nơi đó, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

2. Bên giữ phải trả lại tài sản đúng thời hạn và chỉ có quyền yêu cầu bên gửi lấy lại tài sản trước thời hạn, nếu có lý do chính đáng.

Điều 565. Chậm giao, chậm nhận tài sản gửi giữ

Trong trường hợp bên giữ chậm giao tài sản thì không được yêu cầu bên gửi trả tiền công và thanh toán các chi phí về bảo quản, kể từ thời điểm chậm giao và phải chịu rủi ro đối với tài sản trong thời gian chậm giao tài sản.

Trong trường hợp bên gửi chậm nhận tài sản thì phải thanh toán các chi phí về bảo quản và tiền công cho bên nhận giữ tài sản trong thời gian chậm nhận.

Điều 566. Trả tiền công

1. Bên gửi phải trả đủ tiền công khi lấy lại tài sản gửi giữ, nếu không có thoả thuận khác.

2. Trong trường hợp các bên không thoả thuận về mức tiền công thì áp dụng mức tiền công trung bình tại địa điểm và thời điểm trả tiền công.

3. Khi bên gửi lấy lại tài sản trước thời hạn thì vẫn phải trả đủ tiền công và thanh toán chi phí cần thiết phát sinh từ việc bên giữ phải trả lại tài sản trước thời hạn, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

4. Khi bên giữ yêu cầu bên gửi lấy lại tài sản trước thời hạn thì bên giữ không được nhận tiền công và phải bồi thường thiệt hại cho bên gửi, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

MỤC 11

HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM

Điều 567. Hợp đồng bảo hiểm

Hợp đồng bảo hiểm là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm, còn bên bảo hiểm phải trả một khoản tiền bảo hiểm cho bên được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.

Điều 568. Các loại hợp đồng bảo hiểm

Hợp đồng bảo hiểm bao gồm hợp đồng bảo hiểm con người, hợp đồng bảo hiểm tài sản và hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự.

Điều 569. Đối tượng bảo hiểm

Đối tượng bảo hiểm bao gồm con người, tài sản, trách nhiệm dân sự và các đối tượng khác theo quy định của pháp luật.

Điều 570. Hình thức hợp đồng bảo hiểm

Hợp đồng bảo hiểm phải được lập thành văn bản. Giấy yêu cầu bảo hiểm có chữ ký của bên mua bảo hiểm là bộ phận không tách rời của hợp đồng bảo hiểm. Giấy chứng nhận bảo hiểm hoặc đơn bảo hiểm là bằng chứng của việc giao kết hợp đồng bảo hiểm.

Điều 571. Sự kiện bảo hiểm

Sự kiện bảo hiểm là sự kiện khách quan do các bên thoả thuận hoặc pháp luật quy định mà khi sự kiện đó xảy ra thì bên bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho bên được bảo hiểm, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 346 của Bộ luật này.

Điều 572. Phí bảo hiểm

1. Phí bảo hiểm là khoản tiền mà bên mua bảo hiểm phải đóng cho bên bảo hiểm.

Thời hạn đóng phí bảo hiểm theo thoả thuận hoặc theo quy định của pháp luật. Phí bảo hiểm có thể đóng một lần hoặc theo định kỳ.

2. Trong trường hợp bên mua bảo hiểm chậm đóng phí bảo hiểm theo định kỳ thì bên bảo hiểm ấn định một thời hạn để bên mua bảo hiểm đóng phí bảo hiểm; nếu hết thời hạn đó mà bên mua bảo hiểm không đóng phí bảo hiểm thì hợp đồng chấm dứt.

Điều 573. Nghĩa vụ thông tin của bên mua bảo hiểm

1. Khi giao kết hợp đồng bảo hiểm, theo yêu cầu của bên bảo hiểm, bên mua bảo hiểm phải cung cấp cho bên bảo hiểm đầy đủ thông tin có liên quan đến đối tượng bảo hiểm, trừ thông tin mà bên bảo hiểm đã biết hoặc phải biết.

2. Trong trường hợp bên mua bảo hiểm cố ý cung cấp thông tin sai nhằm giao kết hợp đồng để hưởng tiền bảo hiểm thì bên bảo hiểm có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và thu phí bảo hiểm đến thời điểm chất dứt hợp đồng.

Điều 574. Nghĩa vụ phòng ngừa thiệt hại

1. Bên được bảo hiểm có nghĩa vụ tuân thủ các điều kiện ghi trong hợp đồng, các quy định của pháp luật có liên quan và thực hiện các biện pháp phòng ngừa thiệt hại.

2. Trong trường hợp bên được bảo hiểm có lỗi không thực hiện các biện pháp phòng ngừa thiệt hại đã ghi trong hợp đồng thì bên bảo hiểm có quyền ấn định một thời hạn để bên được bảo hiểm thực hiện các biện pháp đó; nếu hết thời hạn mà các biện pháp phòng ngừa vẫn không được thực hiện thì bên bảo hiểm có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng hoặc không trả tiền bảo hiểm khi thiệt hại xảy ra do các biện pháp phòng ngừa đã không được thực hiện.

Điều 575. Nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm, bên được bảo hiểm và của bên bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm

1. Khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, bên mua bảo hiểm hoặc bên được bảo hiểm phải báo ngay cho bên bảo hiểm và phải thực hiện mọi biện pháp cần thiết mà khả năng cho phép để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại.

2. Bên bảo hiểm phải thanh toán chi phí cần thiết và hợp lý mà người thứ ba đã bỏ ra để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại.

Điều 576. Trả tiền bảo hiểm

1. Bên bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho bên được bảo hiểm trong thời hạn đã thoả thuận; nếu không có thoả thuận về thời hạn thì bên bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ về yêu cầu trả tiền bảo hiểm.

2. Trong trường hợp bên bảo hiểm chậm trả tiền bảo hiểm thì phải trả cả lãi đối với số tiền chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước quy định tại thời điểm trả tiền bảo hiểm tương ứng với thời gian chậm trả.

3. Trong trường hợp bên được bảo hiểm cố ý để xảy ra thiệt hại thì bên bảo hiểm không phải trả tiền bảo hiểm; nếu do lỗi vô ý của người được bảo hiểm thì bên bảo hiểm không phải trả một phần tiền bảo hiểm tương ứng với mức độ lỗi của bên được bảo hiểm.

Điều 577. Chuyển yêu cầu hoàn trả

1. Trong trường hợp người thứ ba có lỗi mà gây thiệt hại cho bên được bảo hiểm và bên bảo hiểm đã trả tiền bảo hiểm cho bên được bảo hiểm thì bên bảo hiểm có quyền yêu cầu người thứ ba hoàn trả khoản tiền mà mình đã trả. Bên được bảo hiểm có nghĩa vụ phải cung cấp cho bên bảo hiểm mọi tin tức, tài liệu, bằng chứng cần thiết mà mình biết để bên bảo hiểm thực hiện quyền yêu cầu đối với người thứ ba.

2. Trong trường hợp bên được bảo hiểm đã nhận số tiền bồi thường thiệt hại do người thứ ba trả, nhưng vẫn ít hơn số tiền mà bên bảo hiểm phải trả thì bên bảo hiểm chỉ phải trả phần chệnh lệch giữa số tiền bảo hiểm và số tiền mà người thứ ba đã trả, trừ trường hợp có thoả thuận khác; nếu bên được bảo hiểm đã nhận tiền bảo hiểm nhưng ít hơn so với thiệt hại do người thứ ba gây ra thì bên được bảo hiểm vẫn có quyền yêu cầu người thứ ba bồi thường phần chênh lệch giữa số tiền bảo hiểm và tiền bồi thường thiệt hại.

Bên bảo hiểm có quyền yêu cầu người thứ ba hoàn trả khoản tiền mà mình đã trả cho bên được bảo hiểm.

Điều 578. Bảo hiểm tính mạng

Trong trường hợp bảo hiểm tính mạng thì khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, bên bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho bên được bảo hiểm hoặc người đại diện theo ủy quyền của họ; nếu bên được bảo hiểm chết thì tiền bảo hiểm được trả cho người thừa kế của bên được bảo hiểm.

Điều 579. Bảo hiểm tài sản

1. Bên bảo hiểm phải bồi thường thiệt hại đối với tài sản được bảo hiểm theo các điều kiện đã thoả thuận hoặc pháp luật có quy định.

2. Trong trường hợp quyền sở hữu đối với tài sản bảo hiểm được chuyển cho người khác thì chủ sở hữu mới đương nhiên thay thế chủ sở hữu cũ trong hợp đồng bảo hiểm, kể từ thời điểm chuyển quyền sở hữu tài sản. Chủ sở hữu cũ là bên mua bảo hiểm phải báo cho chủ sở hữu mới biết về việc tài sản đã được bảo hiểm, báo kịp thời cho bên bảo hiểm về việc chuyển quyền sở hữu đối với tài sản.

Điều 580. Bảo hiểm trách nhiệm dân sự

1. Trong trường hợp bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với người thứ ba theo thoả thuận hoặc theo quy định của pháp luật thì bên bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm hoặc cho người thứ ba theo yêu cầu của bên mua bảo hiểm đối với thiệt hại mà bên mua bảo hiểm đã gây ra cho người thứ ba theo mức bảo hiểm đã thoả thuận hoặc theo quy định của pháp luật.

2. Trong trường hợp bên mua bảo hiểm đã bồi thường thiệt hại cho người thứ ba thì có quyền yêu cầu bên bảo hiểm phải hoàn trả khoản tiền mà mình đã trả cho người thứ ba, nhưng không vượt quá mức trả bảo hiểm mà các bên đã thoả thuận hoặc pháp luật đã quy định.

MỤC 12

HỢP ĐỒNG UỶ QUYỀN

Điều 581. Hợp đồng ủy quyền

Hợp đồng ủy quyền là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, còn bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao, nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định.

Điều 582. Thời hạn ủy quyền

Thời hạn ủy quyền do các bên thoả thuận hoặc do pháp luật quy định; nếu không có thoả thuận và pháp luật không có quy định thì hợp đồng ủy quyền có hiệu lực một năm, kể từ ngày xác lập việc ủy quyền.

Điều 583. ủy quyền lại

Bên được ủy quyền chỉ được ủy quyền lại cho người thứ ba, nếu được bên ủy quyền đồng ý hoặc pháp luật có quy định.

Hình thức hợp đồng ủy quyền lại cũng phải phù hợp với hình thức hợp đồng ủy quyền ban đầu.

Việc ủy quyền lại không được vượt quá phạm vi ủy quyền ban đầu.

Điều 584. Nghĩa vụ của bên được ủy quyền

Bên được ủy quyền có các nghĩa vụ sau đây:

1. Thực hiện công việc theo ủy quyền và báo cho bên ủy quyền về việc thực hiện công việc đó;

2. Báo cho người thứ ba trong quan hệ thực hiện ủy quyền về thời hạn, phạm vi ủy quyền và việc sửa đổi, bổ sung phạm vi ủy quyền;

3. Bảo quản, giữ gìn tài liệu và phương tiện được giao để thực hiện việc ủy quyền;

4. Giữ bí mật thông tin mà mình biết được trong khi thực hiện việc ủy quyền;

5. Giao lại cho bên ủy quyền tài sản đã nhận và những lợi ích thu được trong khi thực hiện việc ủy quyền theo thoả thuận hoặc theo quy định của pháp luật;

6. Bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này.

Điều 585. Quyền của bên được ủy quyền

Bên được ủy quyền có các quyền sau đây:

1. Yêu cầu bên ủy quyền cung cấp thông tin, tài liệu và phương tiện cần thiết để thực hiện công việc ủy quyền;

2. Hưởng thù lao, được thanh toán chi phí hợp lý mà mình đã bỏ ra để thực hiện công việc ủy quyền.

Điều 586. Nghĩa vụ của bên ủy quyền

Bên ủy quyền có các nghĩa vụ sau đây:

1. Cung cấp thông tin, tài liệu và phương tiện cần thiết để bên được ủy quyền thực hiện công việc;

2. Chịu trách nhiệm về cam kết do bên được ủy quyền thực hiện trong phạm vi ủy quyền;

3. Thanh toán chi phí hợp lý mà bên được ủy quyền đã bỏ ra để thực hiện công việc được ủy quyền và trả thù lao cho bên được ủy quyền, nếu có thoả thuận về việc trả thù lao.

Điều 587. Quyền của bên ủy quyền

Bên ủy quyền có các quyền sau đây:

1. Yêu cầu bên được ủy quyền thông báo đầy đủ về việc thực hiện công việc ủy quyền;

2. Yêu cầu bên được ủy quyền giao lại tài sản, lợi ích thu được từ việc thực hiện công việc ủy quyền, nếu không có thoả thuận khác;

3. Được bồi thường thiệt hại, nếu bên được ủy quyền vi phạm nghĩa vụ quy định tại Điều 584 của Bộ luật này.

Điều 588. Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng ủy quyền

1. Trong trường hợp ủy quyền có thù lao, bên ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải trả thù lao cho bên được ủy quyền tương ứng với công việc mà bên được ủy quyền đã thực hiện và bồi thường thiệt hại; nếu ủy quyền không có thù lao thì bên ủy quyền có thể chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên được ủy quyền một thời gian hợp lý.

Bên ủy quyền phải báo bằng văn bản cho người thứ ba biết về việc bên ủy quyền chấm dứt thực hiện hợp đồng; nếu không báo thì hợp đồng với người thứ ba vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp người thứ ba biết hoặc phải biết về việc hợp đồng ủy quyền đã bị chấm dứt.

2. Trong trường hợp ủy quyền không có thù lao, bên được ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên ủy quyền biết một thời gian hợp lý; nếu ủy quyền có thù lao thì bên được ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào và phải bồi thường thiệt hại cho bên ủy quyền.

Điều 589. Chấm dứt hợp đồng ủy quyền

Hợp đồng ủy quyền chấm dứt trong các trường hợp sau đây:

1. Hợp đồng ủy quyền hết hạn;

2. Công việc được ủy quyền đã hoàn thành;

3. Bên ủy quyền, bên được ủy quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng theo quy định tại Điều 588 của Bộ luật này;

4. Bên ủy quyền hoặc bên được ủy quyền chết, bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết.

MỤC 13

HỨA THƯỞNG VÀ THI CÓ GIẢI

Điều 590. Hứa thưởng

1. Người đã công khai hứa thưởng phải trả thưởng cho người đã thực hiện công việc theo yêu cầu của người hứa thưởng.

2. Công việc được hứa thưởng phải cụ thể, có thể thực hiện được, không bị pháp luật cấm, không trái đạo đức xã hội.

Điều 591. Rút lại tuyên bố hứa thưởng

Khi chưa đến hạn bắt đầu thực hiện công việc thì người hứa thưởng có quyền rút lại tuyên bố hứa thưởng của mình. Việc rút lại tuyên bố hứa thưởng phải được thực hiện theo cách thức và trên phương tiện mà việc hứa thưởng đã được công bố.

Điều 592. Trả thưởng

1. Trong trường hợp một công việc được hứa thưởng do một người thực hiện thì khi công việc hoàn thành, người thực hiện công việc đó được nhận thưởng.

2. Khi một công việc được hứa thưởng do nhiều người cùng thực hiện nhưng mỗi người thực hiện độc lập với nhau thì người hoàn thành đầu tiên được nhận thưởng.

3. Trong trường hợp nhiều người cùng hoàn thành công việc được hứa thưởng vào cùng một thời điểm thì phần thưởng được chia đều cho những người đó.

4. Trong trường hợp nhiều người cùng cộng tác để thực hiện công việc được hứa thưởng do người hứa thưởng yêu cầu thì mỗi người được nhận một phần của phần thưởng, tương ứng với phần đóng góp của mình.

Điều 593. Thi có giải

1. Người tổ chức các cuộc thi văn hoá, nghệ thuật, thể thao, khoa học, kỹ thuật và các cuộc thi khác không trái pháp luật, đạo đức xã hội phải công bố điều kiện dự thi, thang điểm, các giải thưởng và mức thưởng của mỗi giải.

2. Việc thay đổi điều kiện dự thi phải được thực hiện theo cách thức đã công bố trong một thời gian hợp lý trước khi diễn ra cuộc thi.

3. Người đoạt giải có quyền yêu cầu người tổ chức thi trao giải thưởng đúng mức đã công bố.

CHƯƠNG XIX

THỰC HIỆN CÔNG VIỆC KHÔNG CÓ UỶ QUYỀN

Điều 594. Thực hiện công việc không có ủy quyền

Thực hiện công việc không có ủy quyền là việc một người không có nghĩa vụ thực hiện công việc nhưng đã tự nguyện thực hiện công việc đó, hoàn toàn vì lợi ích của người có công việc được thực hiện khi người này không biết hoặc biết mà không phản đối.

Điều 595. Nghĩa vụ thực hiện công việc không có ủy quyền

1. Người thực hiện công việc không có ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc phù hợp với khả năng, điều kiện của mình.

2. Người thực hiện công việc không có ủy quyền phải thực hiện công việc như công việc của chính mình; nếu biết hoặc đoán biết được ý định của người có công việc thì phải thực hiện công việc phù hợp với ý định đó.

3. Người thực hiện công việc không có ủy quyền phải báo cho người có công việc được thực hiện về quá trình, kết quả thực hiện công việc nếu có yêu cầu, trừ trường hợp người có công việc đã biết hoặc người thực hiện công việc không có ủy quyền không biết nơi cư trú của người đó.

4. Trong trường hợp người có công việc được thực hiện chết thì người thực hiện công việc không có ủy quyền phải tiếp tục thực hiện công việc cho đến khi người thừa kế hoặc người đại diện của người có công việc được thực hiện đã tiếp nhận.

5. Trong trường hợp có lý do chính đáng mà người thực hiện công việc không có ủy quyền không thể tiếp tục đảm nhận công việc thì phải báo cho người có công việc được thực hiện, người đại diện hoặc người thân thích của người này hoặc có thể nhờ người khác thay mình đảm nhận việc thực hiện công việc.

Điều 596. Nghĩa vụ thanh toán của người có công việc được thực hiện

1. Người có công việc được thực hiện phải tiếp nhận công việc khi người thực hiện công việc không có ủy quyền bàn giao công việc và thanh toán các chi phí hợp lý mà người thực hiện công việc không có ủy quyền đã bỏ ra để thực hiện công việc, kể cả trong trường hợp công việc không đạt được kết quả theo ý muốn của mình.

2. Người có công việc được thực hiện phải trả cho người thực hiện công việc không có ủy quyền một khoản thù lao khi người này thực hiện công việc chu đáo, có lợi cho mình, trừ trường hợp người thực hiện công việc không có ủy quyền từ chối.

Điều 597. Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại

1. Khi người thực hiện công việc không có ủy quyền cố ý gây thiệt hại trong khi thực hiện công việc thì phải bồi thường thiệt hại cho người có công việc được thực hiện.

2. Nếu người thực hiện công việc không có ủy quyền do vô ý mà gây thiệt hại trong khi thực hiện công việc thì căn cứ vào hoàn cảnh đảm nhận công việc, người đó có thể được giảm mức bồi thường.

Điều 598. Chấm dứt thực hiện công việc không có ủy quyền

Việc thực hiện công việc không có ủy quyền chấm dứt trong các trường hợp sau đây:

1. Theo yêu cầu của người có công việc được thực hiện;

2. Người có công việc được thực hiện, người thừa kế hoặc người đại diện của người có công việc được thực hiện tiếp nhận công việc;

3. Người thực hiện công việc không có ủy quyền không thể tiếp tục thực hiện công việc theo quy định tại khoản 5 Điều 595 của Bộ luật này;

4. Người thực hiện công việc không có ủy quyền chết.

CHƯƠNG XX

NGHĨA VỤ HOÀN TRẢ DO CHIẾM HỮU, SỬ DỤNG TÀI SẢN, ĐƯỢC LỢI VỀ TÀI SẢN KHÔNG CÓ CĂN CỨ PHÁP LUẬT

Điều 599. Nghĩa vụ hoàn trả

1. Người chiếm hữu, người sử dụng tài sản của người khác mà không có căn cứ pháp luật thì phải hoàn trả cho chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp tài sản đó; nếu không tìm được chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp tài sản đó thì phải giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 247 của Bộ luật này.

2. Người được lợi về tài sản mà không có căn cứ pháp luật làm cho người khác bị thiệt hại thì phải hoàn trả khoản lợi đó cho người bị thiệt hại, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 247 của Bộ luật này.

Điều 600. Tài sản hoàn trả

1. Người chiếm hữu, người sử dụng tài sản mà không có căn cứ pháp luật phải hoàn trả toàn bộ tài sản đã thu được.

2. Trong trường hợp tài sản hoàn trả là vật đặc định thì phải hoàn trả đúng vật đó; nếu vật đặc định đó bị mất hoặc hư hỏng thì phải đền bù bằng tiền, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

3. Trong trường hợp tài sản hoàn trả là vật cùng loại, nhưng bị mất hoặc hư hỏng thì phải trả vật cùng loại hoặc đền bù bằng tiền, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

4. Người được lợi về tài sản mà không có căn cứ pháp luật phải hoàn trả cho người bị thiệt khoản lợi về tài sản đó bằng hiện vật hoặc bằng tiền.

Điều 601. Nghĩa vụ hoàn trả hoa lợi, lợi tức

1. Người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản mà không có căn cứ pháp luật và không ngay tình thì phải hoàn trả hoa lợi, lợi tức thu được từ thời điểm chiếm hữu, sử dụng tài sản, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật.

2. Người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản mà không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình thì phải hoàn trả hoa lợi, lợi tức thu được từ thời điểm người đó biết hoặc phải biết việc chiếm hữu, sử dụng tài sản, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 247 của Bộ luật này.

Điều 602. Quyền yêu cầu người thứ ba hoàn trả

Trong trường hợp người chiếm hữu, người sử dụng tài sản mà không có căn cứ pháp luật đã giao tài sản cho người thứ ba thì khi bị chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp tài sản yêu cầu hoàn trả, người thứ ba có nghĩa vụ hoàn trả tài sản đó, trừ trường hợp Bộ luật này có quy định khác; nếu tài sản đó đã được trả bằng tiền hoặc có đền bù thì người thứ ba có quyền yêu cầu người đã giao tài sản cho mình bồi thường thiệt hại.

Điều 603. Nghĩa vụ thanh toán

Chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp, người bị thiệt hại được hoàn trả tài sản thì phải thanh toán những chi phí cần thiết mà người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản mà không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình đã bỏ ra để bảo quản, làm tăng giá trị của tài sản.

CHƯƠNG XXI

TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG

MỤC 1

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 604. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại

1. Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.

2. Trong trường hợp pháp luật quy định người gây thiệt hại phải bồi thường cả trong trường hợp không có lỗi thì áp dụng quy định đó.

Điều 605. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại

1. Thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thoả thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

2. Người gây thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường, nếu do lỗi vô ý mà gây thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của mình.

3. Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì người bị thiệt hại hoặc người gây thiệt hại có quyền yêu cầu Toà án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.

Điều 606. Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân

1. Người từ đủ mười tám tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường.

2. Người chưa thành niên dưới mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp quy định tại Điều 621 của Bộ luật này.

Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.

3. Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường.

Điều 607. Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại

Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là hai năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác bị xâm phạm.

MỤC 2

XÁC ĐỊNH THIỆT HẠI

Điều 608. Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm

Trong trường hợp tài sản bị xâm phạm thì thiệt hại được bồi thường bao gồm:

1. Tài sản bị mất;

2. Tài sản bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng;

3. Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản;

4. Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.

Điều 609. Thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm

1. Thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm bao gồm:

a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;

c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.

2. Người xâm phạm sức khoẻ của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá ba mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.

Điều 610. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm

1. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:

a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc người bị thiệt hại trước khi chết;

b) Chi phí hợp lý cho việc mai táng;

c) Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng.

2. Người xâm phạm tính mạng của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá sáu mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.

Điều 611. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm

1. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân bị xâm phạm, thiệt hại do danh dự, uy tín của pháp nhân, chủ thể khác bị xâm phạm bao gồm:

a) Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;

b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.

2. Người xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.

Điều 612. Thời hạn hưởng bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khoẻ bị xâm phạm

1. Trong trường hợp người bị thiệt hại mất hoàn toàn khả năng lao động thì người bị thiệt hại được hưởng bồi thường cho đến khi chết.

2. Trong trường hợp người bị thiệt hại chết thì những người mà người này có nghĩa vụ cấp dưỡng khi còn sống được hưởng tiền cấp dưỡng trong thời hạn sau đây:

a) Người chưa thành niên hoặc người đã thành thai là con của người chết và còn sống sau khi sinh ra được hưởng tiền cấp dưỡng cho đến khi đủ mười tám tuổi, trừ trường hợp người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi đã tham gia lao động và có thu nhập đủ nuôi sống bản thân;

b) Người đã thành niên nhưng không có khả năng lao động được hưởng tiền cấp dưỡng cho đến khi chết.

MỤC 3

BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI TRONG MỘT SỐ TRƯỜNG HỢP CỤ THỂ

Điều 613. Bồi thường thiệt hại trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng

1. Người gây thiệt hại trong trường hợp phòng vệ chính đáng không phải bồi thường cho người bị thiệt hại.

2. Người gây thiệt hại do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải bồi thường cho người bị thiệt hại.

Điều 614. Bồi thường thiệt hại trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết

1. Người gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải bồi thường cho người bị thiệt hại.

2. Trong trường hợp thiệt hại xảy ra do vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết thì người gây thiệt hại phải bồi thường phần thiệt hại xảy ra do vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết cho người bị thiệt hại.

3. Người đã gây ra tình thế cấp thiết dẫn đến thiệt hại xảy ra thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại.

Điều 615. Bồi thường thiệt hại do người dùng chất kích thích gây ra

1. Người do uống rượu hoặc do dùng chất kích thích khác mà lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức và làm chủ được hành vi của mình, gây thiệt hại cho người khác thì phải bồi thường.

2. Khi một người cố ý dùng rượu hoặc chất kích thích khác làm cho người khác lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức và làm chủ được hành vi của họ mà gây thiệt hại thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại.

Điều 616. Bồi thường thiệt hại do nhiều người cùng gây ra

Trong trường hợp nhiều người cùng gây thiệt hại thì những người đó phải liên đới bồi thường cho người bị thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường của từng người cùng gây thiệt hại được xác định tương ứng với mức độ lỗi của mỗi người; nếu không xác định được mức độ lỗi thì họ phải bồi thường thiệt hại theo phần bằng nhau.

Điều 617. Bồi thường thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại có lỗi

Khi người bị thiệt hại cũng có lỗi trong việc gây thiệt hại thì người gây thiệt hại chỉ phải bồi thường phần thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi của mình; nếu thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại thì người gây thiệt hại không phải bồi thường.

Điều 618. Bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra

Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.

Điều 619. Bồi thường thiệt hại do cán bộ, công chức gây ra

Cơ quan, tổ chức quản lý cán bộ, công chức phải bồi thường thiệt hại do cán bộ, công chức của mình gây ra trong khi thi hành công vụ.

Cơ quan, tổ chức quản lý cán bộ, công chức có trách nhiệm yêu cầu cán bộ, công chức phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật, nếu cán bộ, công chức có lỗi trong khi thi hành công vụ.

Điều 620. Bồi thường thiệt hại do người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng gây ra

Cơ quan tiến hành tố tụng phải bồi thường thiệt hại do người có thẩm quyền của mình gây ra khi thực hiện nhiệm vụ trong quá trình tiến hành tố tụng.

Cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm yêu cầu người có thẩm quyền đã gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật, nếu người có thẩm quyền có lỗi trong khi thi hành nhiệm vụ.

Điều 621. Bồi thường thiệt hại do người dưới mười lăm tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự gây ra trong thời gian trường học, bệnh viện, tổ chức khác trực tiếp quản lý

1. Người dưới mười lăm tuổi trong thời gian học tại trường mà gây thiệt hại thì trường học phải bồi thường thiệt hại xảy ra.

2. Người mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại cho người khác trong thời gian bệnh viện, tổ chức khác trực tiếp quản lý thì bệnh viện, tổ chức khác phải bồi thường thiệt hại xảy ra.

3. Trong các trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, nếu trường học, bệnh viện, tổ chức khác chứng minh được mình không có lỗi trong quản lý thì cha, mẹ, người giám hộ của người dưới mười lăm tuổi, người mất năng lực hình vi dân sự phải bồi thường.

Điều 622. Bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra

Cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác phải bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra trong khi thực hiện công việc được giao và có quyền yêu cầu người làm công, người học nghề có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.

Điều 623. Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra

1. Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định.

Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải tuân thủ các quy định bảo quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng các quy định của pháp luật.

2. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì những người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

3. Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ các trường hợp sau đây:

a) Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;

b) Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

4. Trong trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại.

Khi chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ cũng có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

Điều 624. Bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường

Cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác làm ô nhiễm môi trường gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp người gây ô nhiễm môi trường không có lỗi.

Điều 625. Bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra

1. Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác; nếu người bị thiệt hại hoàn toàn có lỗi trong việc làm súc vật gây thiệt hại cho mình thì chủ sở hữu không phải bồi thường.

2. Trong trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại; nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

3. Trong trường hợp súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường;

4. Trong trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.

Điều 626. Bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra

Chủ sở hữu phải bồi thường thiệt hại do cây cối đổ, gẫy gây ra, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại hoặc do sự kiện bất khả kháng.

Điều 627. Bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra

Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại, nếu để nhà cửa, công trình xây dựng khác đó bị sụp đổ, hư hỏng, sụt lở gây thiệt hại cho người khác, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại hoặc do sự kiện bất khả kháng.

Điều 628. Bồi thường thiệt hại do xâm phạm thi thể

1. Cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác xâm phạm thi thể phải bồi thường thiệt hại.

2. Thiệt hại do xâm phạm thi thể gồm chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại.

3. Người xâm phạm thi thể phải bồi thường một khoản tiền theo quy định tại khoản 2 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người chết, nếu không có những người này thì người trực tiếp nuôi dưỡng người chết được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá ba mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.

Điều 629. Bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả

Cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác gây thiệt hại đến mồ mả của người khác phải bồi thường thiệt hại. Thiệt hại do xâm phạm mồ mả gồm chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại.

Điều 630. Bồi thường thiệt hại do vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng

Cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác sản xuất, kinh doanh không bảo đảm chất lượng hàng hoá mà gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì phải bồi thường.


PHẦN THỨ TƯ

THỪA KẾ

CHƯƠNG XXII

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 631. Quyền thừa kế của cá nhân

Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.

Điều 632. Quyền bình đẳng về thừa kế của cá nhân

Mọi cá nhân đều bình đẳng về quyền để lại tài sản của mình cho người khác và quyền hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.

Điều 633. Thời điểm, địa điểm mở thừa kế

1. Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Trong trường hợp Toà án tuyên bố một người là đã chết thì thời điểm mở thừa kế là ngày được xác định tại khoản 2 Điều 81 của Bộ luật này.

2. Địa điểm mở thừa kế là nơi cư trú cuối cùng của người để lại di sản; nếu không xác định được nơi cư trú cuối cùng thì địa điểm mở thừa kế là nơi có toàn bộ hoặc phần lớn di sản.

Điều 634. Di sản

Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác.

Điều 635. Người thừa kế

Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trong trường hợp người thừa kế theo di chúc là cơ quan, tổ chức thì phải là cơ quan, tổ chức tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

Điều 636. Thời điểm phát sinh quyền và nghĩa vụ của người thừa kế

Kể từ thời điểm mở thừa kế, những người thừa kế có các quyền, nghĩa vụ tài sản do người chết để lại.

Điều 637. Thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại

1. Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

2. Trong trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thoả thuận của những người thừa kế.

3. Trong trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

4. Trong trường hợp Nhà nước, cơ quan, tổ chức hưởng di sản theo di chúc thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như người thừa kế là cá nhân.

Điều 638. Người quản lý di sản

1. Người quản lý di sản là người được chỉ định trong di chúc hoặc do những người thừa kế thoả thuận cử ra.

2. Trong trường hợp di chúc không chỉ định người quản lý di sản và những người thừa kế chưa cử được người quản lý di sản thì người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản tiếp tục quản lý di sản đó cho đến khi những người thừa kế cử được người quản lý di sản.

3. Trong trường hợp chưa xác định được người thừa kế và di sản chưa có người quản lý thì di sản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý.

Điều 639. Nghĩa vụ của người quản lý di sản

1. Người quản lý di sản quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 638 của Bộ luật này có các nghĩa vụ sau đây:

a) Lập danh mục di sản; thu hồi tài sản thuộc di sản của người chết mà người khác đang chiếm hữu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

b) Bảo quản di sản; không được bán, trao đổi, tặng cho, cầm cố, thế chấp và định đoạt tài sản bằng các hình thức khác, nếu không được những người thừa kế đồng ý bằng văn bản;

c) Thông báo về di sản cho những người thừa kế;

d) Bồi thường thiệt hại, nếu vi phạm nghĩa vụ của mình mà gây thiệt hại;

đ) Giao lại di sản theo yêu cầu của người thừa kế.

2. Người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản quy định tại khoản 2 Điều 638 của Bộ luật này có các nghĩa vụ sau đây:

a) Bảo quản di sản; không được bán, trao đổi, tặng cho, cầm cố, thế chấp và định đoạt tài sản bằng các hình thức khác;

b) Thông báo về di sản cho những người thừa kế;

c) Bồi thường thiệt hại, nếu vi phạm nghĩa vụ của mình mà gây thiệt hại;

d) Giao lại di sản theo thoả thuận trong hợp đồng với người để lại di sản hoặc theo yêu cầu của người thừa kế.

Điều 640. Quyền của người quản lý di sản

1. Người quản lý di sản quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 638 của Bộ luật này có các quyền sau đây:

a) Đại diện cho những người thừa kế trong quan hệ với người thứ ba liên quan đến di sản thừa kế;

b) Được hưởng thù lao theo thoả thuận với những người thừa kế.

2. Người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản quy định tại khoản 2 Điều 638 của Bộ luật này có các quyền sau đây:

a) Được tiếp tục sử dụng di sản theo thoả thuận trong hợp đồng với người để lại di sản hoặc được sự đồng ý của những người thừa kế;

b) Được hưởng thù lao theo thoả thuận với những người thừa kế.

Điều 641. Việc thừa kế của những người có quyền thừa kế di sản của nhau mà chết cùngthời điểm

Trong trường hợp những người có quyền thừa kế di sản của nhau đều chết cùng thời điểm hoặc được coi là chết cùng thời điểm do không thể xác định được người nào chết trước (sau đây gọi là chết cùng thời điểm) thì họ không được thừa kế di sản của nhau và di sản của mỗi người do người thừa kế của người đó hưởng, trừ trường hợp thừa kế thế vị theo quy định tại Điều 677 của Bộ luật này.

Điều 642. Từ chối nhận di sản

1. Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.

2. Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản; người từ chối phải báo cho những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản, cơ quan công chứng hoặc ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có địa điểm mở thừa kế về việc từ chối nhận di sản.

3. Thời hạn từ chối nhận di sản là sáu tháng, kể từ ngày mở thừa kế. Sau sáu tháng kể từ ngày mở thừa kế nếu không có từ chối nhận di sản thì được coi là đồng ý nhận thừa kế.

Điều 643. Người không được quyền hưởng di sản

1. Những người sau đây không được quyền hưởng di sản:

a) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;

b) Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;

c) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;

d) Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.

2. Những người quy định tại khoản 1 Điều này vẫn được hưởng di sản, nếu người để lại di sản đã biết hành vi của những người đó, nhưng vẫn cho họ hưởng di sản theo di chúc.

Điều 644. Tài sản không có người nhận thừa kế thuộc Nhà nước

Trong trường hợp không có người thừa kế theo di chúc, theo pháp luật hoặc có nhưng không được quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản thì tài sản còn lại sau khi đã thực hiện nghĩa vụ về tài sản mà không có người nhận thừa kế thuộc Nhà nước.

Điều 645. Thời hiệu khởi kiện về thừa kế

Thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là ba năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

CHƯƠNG XXIII

THỪA KẾ THEO DI CHÚC

Điều 646. Di chúc

Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.

Điều 647.Người lập di chúc

1. Người đã thành niên có quyền lập di chúc, trừ trường hợp người đó bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức và làm chủ được hành vi của mình.

2. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có thể lập di chúc, nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý.

Điều 648.Quyền của người lập di chúc

Người lập di chúc có các quyền sau đây:

1. Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế;

2. Phân định phần di sản cho từng người thừa kế;

3. Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng;

4. Giao nghĩa vụ cho người thừa kế;

5. Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.

Điều 649.Hình thức của di chúc

Di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng.

Người thuộc dân tộc thiểu số có quyền lập di chúc bằng chữ viết hoặc tiếng nói của dân tộc mình.

Điều 650. Di chúc bằng văn bản

Di chúc bằng văn bản bao gồm:

1. Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng;

2. Di chúc bằng văn bản có người làm chứng;

3. Di chúc bằng văn bản có công chứng;

4. Di chúc bằng văn bản có chứng thực.

Điều 651. Di chúc miệng

1. Trong trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa do bệnh tật hoặc các nguyên nhân khác mà không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng.

2. Sau ba tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ.

Điều 652. Di chúc hợp pháp

1. Di chúc được coi là hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ hoặc cưỡng ép;

b) Nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của pháp luật.

2. Di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý.

3. Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.

4. Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều này.

5. Di chúc miệng được coi là hợp pháp, nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau đó những người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng hoặc chứng thực.

Điều 653. Nội dung của di chúc bằng văn bản

1. Di chúc phải ghi rõ:

a) Ngày, tháng, năm lập di chúc;

b) Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc;

c) Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản hoặc xác định rõ các điều kiện để cá nhân, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản;

d) Di sản để lại và nơi có di sản;

đ) Việc chỉ định người thực hiện nghĩa vụ và nội dung của nghĩa vụ.

2. Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu; nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được đánh số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc.

Điều 654. Người làm chứng cho việc lập di chúc

Mọi người đều có thể làm chứng cho việc lập di chúc, trừ những người sau đây:

1. Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc;

2. Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc;

3. Người chưa đủ mười tám tuổi, người không có năng lực hành vi dân sự.

Điều 655. Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng

Người lập di chúc phải tự tay viết và ký vào bản di chúc.

Việc lập di chúc bằng văn bản không có người làm chứng phải tuân theo quy định tại Điều 653 của Bộ luật này.

Điều 656. Di chúc bằng văn bản có người làm chứng

Trong trường hợp người lập di chúc không thể tự mình viết bản di chúc thì có thể nhờ người khác viết, nhưng phải có ít nhất là hai người làm chứng. Người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng; những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc.

Việc lập di chúc phải tuân theo quy định tại Điều 653 và Điều 654 của Bộ luật này.

Điều 657. Di chúc có công chứng hoặc chứng thực

Người lập di chúc có thể yêu cầu công chứng hoặc chứng thực bản di chúc.

Điều 658. Thủ tục lập di chúc tại cơ quan công chứng hoặc ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn

Việc lập di chúc tại cơ quan công chứng hoặc ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn phải tuân theo thủ tục sau đây:

1. Người lập di chúc tuyên bố nội dung của di chúc trước công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn. Công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực phải ghi chép lại nội dung mà người lập di chúc đã tuyên bố. Người lập di chúc ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc sau khi xác nhận bản di chúc đã được ghi chép chính xác và thể hiện đúng ý chí của mình. Công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn ký vào bản di chúc;

 2. Trong trường hợp người lập di chúc không đọc được hoặc không nghe được bản di chúc, không ký hoặc không điểm chỉ được thì phải nhờ người làm chứng và người này phải ký xác nhận trước mặt công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn. Công chứng viên, người có thẩm quyền chứng thực của ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn chứng nhận bản di chúc trước mặt người lập di chúc và người làm chứng.

Điều 659. Người không được công chứng, chứng thực di chúc

Công chứng viên, người có thẩm quyền của ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn không được công chứng, chứng thực đối với di chúc, nếu họ là:

1. Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc;

2. Người có cha, mẹ, vợ hoặc chồng, con là người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật;

3. Người có quyền, nghĩa vụ về tài sản liên quan tới nội dung di chúc.

Điều 660. Di chúc bằng văn bản có giá trị như di chúc được công chứng, chứng thực

Di chúc bằng văn bản có giá trị như di chúc được công chứng hoặc chứng thực bao gồm:

1. Di chúc của quân nhân tại ngũ có xác nhận của thủ trưởng đơn vị từ cấp đại đội trở lên, nếu quân nhân không thể yêu cầu công chứng hoặc chứng thực;

2. Di chúc của người đang đi trên tàu biển, máy bay có xác nhận của người chỉ huy phương tiện đó;

3. Di chúc của người đang điều trị tại bệnh viện, cơ sở chữa bệnh, điều dưỡng khác có xác nhận của người phụ trách bệnh viện, cơ sở đó;

4. Di chúc của người đang làm công việc khảo sát, thăm dò, nghiên cứu ở vùng rừng núi, hải đảo có xác nhận của người phụ trách đơn vị;

5. Di chúc của công dân Việt Nam đang ở nước ngoài có chứng nhận của cơ quan lãnh sự, đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước đó;

6. Di chúc của người đang bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, người đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh có xác nhận của người phụ trách cơ sở đó.

Điều 661. Di chúc do công chứng viên lập tại chỗ ở

1. Người lập di chúc có thể yêu cầu công chứng viên tới chỗ ở của mình để lập di chúc.

2. Thủ tục lập di chúc tại chỗ ở được tiến hành như thủ tục lập di chúc tại cơ quan công chứng theo quy định tại Điều 658 của Bộ luật này.

Điều 662. Sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc

1. Người lập di chúc có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc vào bất cứ lúc nào.

2. Trong trường hợp người lập di chúc bổ sung di chúc thì di chúc đã lập và phần bổ sung có hiệu lực pháp luật như nhau; nếu một phần của di chúc đã lập và phần bổ sung mâu thuẫn nhau thì chỉ phần bổ sung có hiệu lực pháp luật.

3. Trong trường hợp người lập di chúc thay thế di chúc bằng di chúc mới thì di chúc trước bị hủy bỏ.

Điều 663. Di chúc chung của vợ, chồng

Vợ, chồng có thể lập di chúc chung để định đoạt tài sản chung.

Điều 664. Sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc chung của vợ, chồng

1. Vợ, chồng có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc chung bất cứ lúc nào.

2. Khi vợ hoặc chồng muốn sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc chung thì phải được sự đồng ý của người kia; nếu một người đã chết thì người kia chỉ có thể sửa đổi, bổ sung di chúc liên quan đến phần tài sản của mình.

Điều 665. Gửi giữ di chúc

1. Người lập di chúc có thể yêu cầu cơ quan công chứng lưu giữ hoặc gửi người khác giữ bản di chúc.

2. Trong trường hợp cơ quan công chứng lưu giữ bản di chúc thì phải bảo quản, giữ gìn theo quy định của pháp luật về công chứng.

3. Cá nhân giữ bản di chúc có các nghĩa vụ sau đây:

a) Giữ bí mật nội dung di chúc;

b) Giữ gìn, bảo quản bản di chúc; nếu bản di chúc bị thất lạc, hư hại thì phải báo ngay cho người lập di chúc;

c) Giao lại bản di chúc cho người thừa kế hoặc người có thẩm quyền công bố di chúc, khi người lập di chúc chết. Việc giao lại bản di chúc phải được lập thành văn bản, có chữ ký của người giao, người nhận và trước sự có mặt của hai người làm chứng.

Điều 666. Di chúc bị thất lạc, hư hại

1. Kể từ thời điểm mở thừa kế, nếu bản di chúc bị thất lạc hoặc bị hư hại đến mức không thể hiện được đầy đủ ý chí của người lập di chúc và cũng không có bằng chứng nào chứng minh được ý nguyện đích thực của người lập di chúc thì coi như không có di chúc và áp dụng các quy định về thừa kế theo pháp luật.

2. Trong trường hợp di sản chưa chia mà tìm thấy di chúc thì di sản được chia theo di chúc.

Điều 667. Hiệu lực pháp luật của di chúc

1. Di chúc có hiệu lực pháp luật từ thời điểm mở thừa kế.

2. Di chúc không có hiệu lực pháp luật toàn bộ hoặc một phần trong các trường hợp sau đây:

a) Người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc;

b) Cơ quan, tổ chức được chỉ định là người thừa kế không còn vào thời điểm mở thừa kế.

Trong trường hợp có nhiều người thừa kế theo di chúc mà có người chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc, một trong nhiều cơ quan, tổ chức được chỉ định hưởng thừa kế theo di chúc không còn vào thời điểm mở thừa kế thì chỉ phần di chúc có liên quan đến cá nhân, cơ quan, tổ chức này không có hiệu lực pháp luật.

3. Di chúc không có hiệu lực pháp luật, nếu di sản để lại cho người thừa kế không còn vào thời điểm mở thừa kế; nếu di sản để lại cho người thừa kế chỉ còn một phần thì phần di chúc về phần di sản còn lại vẫn có hiệu lực.

4. Khi di chúc có phần không hợp pháp mà không ảnh hưởng đến hiệu lực của các phần còn lại thì chỉ phần đó không có hiệu lực pháp luật.

5. Khi một người để lại nhiều bản di chúc đối với một tài sản thì chỉ bản di chúc sau cùng có hiệu lực pháp luật.

Điều 668. Hiệu lực pháp luật của di chúc chung của vợ, chồng

Di chúc chung của vợ, chồng có hiệu lực từ thời điểm người sau cùng chết hoặc tại thời điểm vợ, chồng cùng chết.

Điều 669. Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc

Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật, nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó, trừ khi họ là những người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 642 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 643 của Bộ luật này:

1. Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

2. Con đã thành niên mà không có khả năng lao động.

Điều 670. Di sản dùng vào việc thờ cúng

1. Trong trường hợp người lập di chúc có để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho một người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng; nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thoả thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng.

Trong trường hợp người để lại di sản không chỉ định người quản lý di sản thờ cúng thì những người thừa kế cử một người quản lý di sản thờ cúng.

Trong trường hợp tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết thì phần di sản dùng để thờ cúng thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật.

2. Trong trường hợp toàn bộ di sản của người chết không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó thì không được dành một phần di sản dùng vào việc thờ cúng.

Điều 671. Di tặng

1. Di tặng là việc người lập di chúc dành một phần di sản để tặng cho người khác. Việc di tặng phải được ghi rõ trong di chúc.

2. Người được di tặng không phải thực hiện nghĩa vụ tài sản đối với phần được di tặng, trừ trường hợp toàn bộ di sản không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người lập di chúc thì phần di tặng cũng được dùng để thực hiện phần nghĩa vụ còn lại của người này.

Điều 672. Công bố di chúc

1. Trong trường hợp di chúc bằng văn bản được lưu giữ tại cơ quan công chứng thì công chứng viên là người công bố di chúc.

2. Trong trường hợp người để lại di chúc chỉ định người công bố di chúc thì người này có nghĩa vụ công bố di chúc; nếu người để lại di chúc không chỉ định hoặc có chỉ định nhưng người được chỉ định từ chối công bố di chúc thì những người thừa kế còn lại thoả thuận cử người công bố di chúc.

3. Sau thời điểm mở thừa kế, người công bố di chúc phải sao gửi di chúc tới tất cả những người có liên quan đến nội dung di chúc.

4. Người nhận được bản sao di chúc có quyền yêu cầu đối chiếu với bản gốc của di chúc.

5. Trong trường hợp di chúc được lập bằng tiếng nước ngoài thì bản di chúc đó phải được dịch ra tiếng Việt và phải có công chứng.

Điều 673. Giải thích nội dung di chúc

Trong trường hợp nội dung di chúc không rõ ràng dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau thì người công bố di chúc và những người thừa kế phải cùng nhau giải thích nội dung di chúc dựa trên ý nguyện đích thực trước đây của người chết, có xem xét đến mối quan hệ của người chết với người thừa kế theo di chúc. Khi những người này không nhất trí về cách hiểu nội dung di chúc thì coi như không có di chúc và việc chia di sản được áp dụng theo quy định về thừa kế theo pháp luật.

Trong trường hợp có một phần nội dung di chúc không giải thích được nhưng không ảnh hưởng đến các phần còn lại của di chúc thì chỉ phần không giải thích được không có hiệu lực.

CHƯƠNG XXIV

THỪA KẾ THEO PHÁP LUẬT

Điều 674. Thừa kế theo pháp luật

Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định.

Điều 675. Những trường hợp thừa kế theo pháp luật

1. Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong những trường hợp sau đây:

a) Không có di chúc;

b) Di chúc không hợp pháp;

c) Những người thừa kế theo di chúc đều chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn vào thời điểm mở thừa kế;

d) Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối quyền nhận di sản.

2. Thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với các phần di sản sau đây:

a) Phần di sản không được định đoạt trong di chúc;

b) Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật;

c) Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối quyền nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn vào thời điểm mở thừa kế.

Điều 676. Người thừa kế theo pháp luật

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Điều 677. Thừa kế thế vị

Trong trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.

Điều 678. Quan hệ thừa kế giữa con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi và cha đẻ, mẹ đẻ

Con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 676 và Điều 677 của Bộ luật này.

Điều 679. Quan hệ thừa kế giữa con riêng và bố dượng, mẹ kế

Con riêng và bố dượng, mẹ kế nếu có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 676 và Điều 677 của Bộ luật này.

Điều 680. Việc thừa kế trong trường hợp vợ, chồng đã chia tài sản chung, đang xin ly hôn, đã kết hôn với người khác

1. Trong trường hợp vợ, chồng đã chia tài sản chung khi hôn nhân còn tồn tại mà sau đó một người chết thì người còn sống vẫn được thừa kế di sản.

2. Trong trường hợp vợ, chồng xin ly hôn mà chưa được hoặc đã được Toà án cho ly hôn bằng bản án hoặc quyết định chưa có hiệu lực pháp luật, nếu một người chết thì người còn sống vẫn được thừa kế di sản.

3. Người đang là vợ hoặc chồng của một người tại thời điểm người đó chết thì dù sau đó đã kết hôn với người khác vẫn được thừa kế di sản.

CHƯƠNG XXV

THANH TOÁN VÀ PHÂN CHIA DI SẢN

Điều 681. Họp mặt những người thừa kế

1. Sau khi có thông báo về việc mở thừa kế hoặc di chúc được công bố, những người thừa kế có thể họp mặt để thoả thuận những việc sau đây:

a) Cử người quản lý di sản, người phân chia di sản, xác định quyền, nghĩa vụ của những người này, nếu người để lại di sản không chỉ định trong di chúc;

b) Cách thức phân chia di sản.

2. Mọi thoả thuận của những người thừa kế phải được lập thành văn bản.

Điều 682. Người phân chia di sản

1. Người phân chia di sản có thể đồng thời là người quản lý di sản được chỉ định trong di chúc hoặc được những người thừa kế thoả thuận cử ra.

2. Người phân chia di sản phải chia di sản theo đúng di chúc hoặc đúng thoả thuận của những người thừa kế theo pháp luật.

3. Người phân chia di sản được hưởng thù lao, nếu người để lại di sản cho phép trong di chúc hoặc những người thừa kế có thoả thuận.

Điều 683. Thứ tự ưu tiên thanh toán

Các nghĩa vụ tài sản và các khoản chi phí liên quan đến thừa kế được thanh toán theo thứ tự sau đây:

1. Chi phí hợp lý theo tập quán cho việc mai táng;

2. Tiền cấp dưỡng còn thiếu;

3. Tiền trợ cấp cho người sống nương nhờ;

4. Tiền công lao động;

5. Tiền bồi thường thiệt hại;

6. Thuế và các khoản nợ khác đối với Nhà nước;

7. Tiền phạt;

8. Các khoản nợ khác đối với cá nhân, pháp nhân hoặc chủ thể khác;

9. Chi phí cho việc bảo quản di sản;

10. Các chi phí khác.

Điều 684. Phân chia di sản theo di chúc

1. Việc phân chia di sản được thực hiện theo ý chí của người để lại di chúc; nếu di chúc không xác định rõ phần của từng người thừa kế thì di sản được chia đều cho những người được chỉ định trong di chúc, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

2. Trong trường hợp di chúc xác định phân chia di sản theo hiện vật thì người thừa kế được nhận hiện vật kèm theo hoa lợi, lợi tức thu được từ hiện vật đó hoặc phải chịu phần giá trị của hiện vật bị giảm sút tính đến thời điểm phân chia di sản; nếu hiện vật bị tiêu hủy do lỗi của người khác thì người thừa kế có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.

3. Trong trường hợp di chúc chỉ xác định phân chia di sản theo tỷ lệ đối với tổng giá trị khối di sản thì tỷ lệ này được tính trên giá trị khối di sản đang còn vào thời điểm phân chia di sản.

Điều 685. Phân chia di sản theo pháp luật

1. Khi phân chia di sản nếu có người thừa kế cùng hàng đã thành thai nhưng chưa sinh ra thì phải dành lại một phần di sản bằng phần mà người thừa kế khác được hưởng, để nếu người thừa kế đó còn sống khi sinh ra, được hưởng; nếu chết trước khi sinh ra thì những người thừa kế khác được hưởng.

2. Những người thừa kế có quyền yêu cầu phân chia di sản bằng hiện vật; nếu không thể chia đều bằng hiện vật thì những người thừa kế có thể thoả thuận về việc định giá hiện vật và thoả thuận về người nhận hiện vật; nếu không thoả thuận được thì hiện vật được bán để chia.

Điều 686. Hạn chế phân chia di sản

Trong trường hợp theo ý chí của người lập di chúc hoặc theo thoả thuận của tất cả những người thừa kế, di sản chỉ được phân chia sau một thời hạn nhất định thì chỉ khi đã hết thời hạn đó di sản mới được đem chia.

Trong trường hợp yêu cầu chia di sản thừa kế mà việc chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của bên vợ hoặc chồng còn sống và gia đình thì bên còn sống có quyền yêu cầu Toà án xác định phần di sản mà những người thừa kế được hưởng nhưng chưa cho chia di sản trong một thời hạn nhất định, nhưng không quá ba năm, kể từ thời điểm mở thừa kế; nếu hết thời hạn do Toà án xác định hoặc bên còn sống đã kết hôn với người khác thì những người thừa kế khác có quyền yêu cầu Toà án cho chia di sản thừa kế.

Điều 687. Phân chia di sản trong trường hợp có người thừa kế mới hoặc có người thừa kế bị bác bỏ quyền thừa kế

1. Trong trường hợp đã phân chia di sản mà xuất hiện người thừa kế mới thì không thực hiện việc phân chia lại di sản bằng hiện vật, nhưng những người thừa kế đã nhận di sản phải thanh toán cho người thừa kế mới một khoản tiền tương ứng với phần di sản của người đó tại thời điểm chia thừa kế theo tỷ lệ tương ứng với phần di sản đã nhận, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

2. Trong trường hợp đã phân chia di sản mà có người thừa kế bị bác bỏ quyền thừa kế thì người đó phải trả lại di sản hoặc thanh toán một khoản tiền tương đương với giá trị di sản được hưởng tại thời điểm chia thừa kế cho những người thừa kế, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

PHẦN THỨ NĂM

QUY ĐỊNH VỀ CHUYỂN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

CHƯƠNG XXVI

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 688. Căn cứ xác lập quyền sử dụng đất

1. Đất đai thuộc hình thức sở hữu nhà nước, do Chính phủ thống nhất quản lý.

2. Quyền sử dụng đất của cá nhân, pháp nhân, hộ gia đình, chủ thể khác được xác lập do Nhà nước giao đất, cho thuê đất hoặc công nhận quyền sử dụng đất.

3. Quyền sử dụng đất của cá nhân, pháp nhân, hộ gia đình, chủ thể khác cũng được xác lập do được người khác chuyển quyền sử dụng đất phù hợp với quy định của Bộ luật này và pháp luật về đất đai.

Điều 689. Hình thức chuyển quyền sử dụng đất

1. Việc chuyển quyền sử dụng đất được thực hiện thông qua hợp đồng, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.

2. Hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất phải được lập thành văn bản, có công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật.

3. Việc thừa kế quyền sử dụng đất được thực hiện theo quy định tại các điều từ Điều 733 đến Điều 735 của Bộ luật này.

Điều 690. Giá chuyển quyền sử dụng đất

Giá chuyển quyền sử dụng đất do các bên thoả thuận hoặc do pháp luật quy định.

Điều 691. Nguyên tắc chuyển quyền sử dụng đất

1. Cá nhân, pháp nhân, hộ gia đình, chủ thể khác sử dụng đất được pháp luật cho phép chuyển quyền sử dụng đất mới có quyền chuyển quyền sử dụng đất.

2. Khi chuyển quyền sử dụng đất, các bên có quyền thoả thuận về nội dung của hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất nhưng phải phù hợp với quy định của Bộ luật này và pháp luật về đất đai.

3. Bên nhận chuyển quyền sử dụng đất phải sử dụng đất đúng mục đích, đúng thời hạn ghi trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở địa phương tại thời điểm chuyển quyền sử dụng đất.

Điều 692. Hiệu lực của việc chuyển quyền sử dụng đất

Việc chuyển quyền sử dụng đất có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

CHƯƠNG XXVII

HỢP ĐỒNG CHUYỂN ĐỔI QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

Điều 693. Hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất

Hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó các bên chuyển giao đất và chuyển quyền sử dụng đất cho nhau theo quy định của Bộ luật này và pháp luật về đất đai.

Điều 694. Nội dung của hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất

Hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất bao gồm các nội dung sau đây:

1. Tên, địa chỉ của các bên;

2. Quyền, nghĩa vụ của các bên;

3. Loại đất, hạng đất, diện tích, vị trí, số hiệu, ranh giới và tình trạng đất;

4. Thời điểm chuyển giao đất;

5. Thời hạn sử dụng đất của bên chuyển đổi; thời hạn sử dụng đất còn lại của bên được chuyển đổi;

6. Chênh lệch về giá trị quyền sử dụng đất, nếu có;

7. Quyền của người thứ ba đối với đất chuyển đổi;

8. Trách nhiệm của các bên khi vi phạm hợp đồng.

Điều 695. Nghĩa vụ của các bên chuyển đổi quyền sử dụng đất

Các bên chuyển đổi quyền sử dụng đất có các nghĩa vụ sau đây:

1. Chuyển giao đất cho nhau đủ diện tích, đúng hạng đất, loại đất, vị trí, số hiệu và tình trạng đất như đã thoả thuận;

2. Sử dụng đất đúng mục đích, đúng thời hạn;

3. Chịu lệ phí về việc chuyển đổi quyền sử dụng đất đối với diện tích đất mà mình được chuyển đổi và thực hiện các nghĩa vụ của người sử dụng đất theo quy định của Bộ luật này và pháp luật về đất đai;

4. Thanh toán tiền chênh lệch, nếu giá trị quyền sử dụng đất chuyển đổi của một bên cao hơn, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

Điều 696. Quyền của các bên chuyển đổi quyền sử dụng đất

Các bên chuyển đổi quyền sử dụng đất có các quyền sau đây:

1. Yêu cầu bên kia giao đất đủ diện tích, đúng hạng đất, loại đất, vị trí, số hiệu và tình trạng đất như đã thoả thuận;

2. Yêu cầu bên kia giao cho mình toàn bộ giấy tờ hợp pháp về quyền sử dụng đất;

3. Được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với đất đã chuyển đổi;

4. Được sử dụng đất theo đúng mục đích, đúng thời hạn.

CHƯƠNG XXVIII

HỢP ĐỒNG CHUYỂN NHƯỢNG QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

Điều 697. Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất

Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên chuyển nhượng quyền sử dụng đất chuyển giao đất và quyền sử dụng đất cho bên nhận chuyển nhượng, còn bên nhận chuyển nhượng trả tiền cho bên chuyển nhượng theo quy định của Bộ luật này và pháp luật về đất đai.

Điều 698. Nội dung của hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất

Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất bao gồm các nội dung sau đây:

1. Tên, địa chỉ của các bên;

2. Quyền, nghĩa vụ của các bên;

3. Loại đất, hạng đất, diện tích, vị trí, số hiệu, ranh giới và tình trạng đất;

4. Thời hạn sử dụng đất của bên chuyển nhượng; thời hạn sử dụng đất còn lại của bên nhận chuyển nhượng;

5. Giá chuyển nhượng;

6. Phương thức, thời hạn thanh toán;

7. Quyền của người thứ ba đối với đất chuyển nhượng;

8. Các thông tin khác liên quan đến quyền sử dụng đất;

9. Trách nhiệm của các bên khi vi phạm hợp đồng.

Điều 699. Nghĩa vụ của bên chuyển nhượng quyền sử dụng đất

Bên chuyển nhượng quyền sử dụng đất có các nghĩa vụ sau đây:

1. Chuyển giao đất cho bên nhận chuyển nhượng đủ diện tích, đúng hạng đất, loại đất, vị trí, số hiệu và tình trạng đất như đã thoả thuận;

2. Giao giấy tờ có liên quan đến quyền sử dụng đất cho bên nhận chuyển nhượng.

Điều 700. Quyền của bên chuyển nhượng quyền sử dụng đất

Bên chuyển nhượng quyền sử dụng đất có quyền được nhận tiền chuyển nhượng quyền sử dụng đất; trường hợp bên nhận chuyển nhượng chậm trả tiền thì áp dụng theo quy định tại Điều 305 của Bộ luật này.

Điều 701. Nghĩa vụ của bên nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất

Bên nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất có các nghĩa vụ sau đây:

1. Trả đủ tiền, đúng thời hạn và đúng phương thức đã thoả thuận cho bên chuyển nhượng quyền sử dụng đất;

2. Đăng ký quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai;

3. Bảo đảm quyền của người thứ ba đối với đất chuyển nhượng;

4. Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật về đất đai.

Điều 702. Quyền của bên nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất

Bên nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất có các quyền sau đây:

1. Yêu cầu bên chuyển nhượng quyền sử dụng đất giao cho mình giấy tờ có liên quan đến quyền sử dụng đất;

2. Yêu cầu bên chuyển nhượng quyền sử dụng đất giao đất đủ diện tích, đúng hạng đất, loại đất, vị trí, số hiệu và tình trạng đất như đã thoả thuận;

3. Được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với đất được chuyển nhượng;

4. Được sử dụng đất theo đúng mục đích, đúng thời hạn.

CHƯƠNG XXIX

HỢP ĐỒNG THUÊ, THUÊ LẠI QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

MỤC 1

HỢP ĐỒNG THUÊ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

Điều 703. Hợp đồng thuê quyền sử dụng đất

Hợp đồng thuê quyền sử dụng đất là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên cho thuê chuyển giao đất cho bên thuê để sử dụng trong một thời hạn, còn bên thuê phải sử dụng đất đúng mục đích, trả tiền thuê và trả lại đất khi hết thời hạn thuê theo quy định của Bộ luật này và pháp luật về đất đai.

Điều 704. Nội dung của hợp đồng thuê quyền sử dụng đất

Hợp đồng thuê quyền sử dụng đất bao gồm các nội dung sau đây:

1. Tên, địa chỉ của các bên;

2. Quyền, nghĩa vụ của các bên;

3. Loại đất, hạng đất, diện tích, vị trí, số hiệu, ranh giới và tình trạng đất;

4. Thời hạn thuê;

5. Giá thuê;

6. Phương thức, thời hạn thanh toán;

7. Quyền của người thứ ba đối với đất thuê;

8. Trách nhiệm của các bên khi vi phạm hợp đồng;

9. Giải quyết hậu quả khi hợp đồng thuê quyền sử dụng đất hết hạn.

Điều 705. Nghĩa vụ của bên cho thuê quyền sử dụng đất

Bên cho thuê quyền sử dụng đất có các nghĩa vụ sau đây:

1. Đăng ký việc cho thuê quyền sử dụng đất;

2. Chuyển giao đất cho bên thuê đủ diện tích, đúng vị trí, số hiệu, hạng đất, loại đất và tình trạng đất như đã thoả thuận;

3. Cho thuê quyền sử dụng đất trong thời hạn được giao, được thuê;

4. Kiểm tra, nhắc nhở bên thuê bảo vệ, giữ gìn đất và sử dụng đất đúng mục đích;

5. Nộp thuế sử dụng đất, trừ trường hợp có thoả thuận khác;

6. Báo cho bên thuê về quyền của người thứ ba đối với đất thuê.

Điều 706. Quyền của bên cho thuê quyền sử dụng đất

Bên cho thuê quyền sử dụng đất có các quyền sau đây:

1. Yêu cầu bên thuê quyền sử dụng đất trả đủ tiền thuê;

2. Yêu cầu bên thuê quyền sử dụng đất chấm dứt ngay việc sử dụng đất không đúng mục đích, hủy hoại đất hoặc làm giảm sút giá trị sử dụng của đất; nếu bên thuê không chấm dứt ngay hành vi vi phạm thì bên cho thuê có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng, yêu cầu bên thuê trả lại đất đang thuê và bồi thường thiệt hại;

3. Yêu cầu bên thuê trả lại đất khi thời hạn cho thuê đã hết.

Điều 707. Nghĩa vụ của bên thuê quyền sử dụng đất

Bên thuê quyền sử dụng đất có các nghĩa vụ sau đây:

1. Sử dụng đất đúng mục đích, đúng ranh giới, đúng thời hạn cho thuê;

2. Không được hủy hoại, làm giảm sút giá trị sử dụng của đất và phải thực hiện các yêu cầu khác như đã thoả thuận trong hợp đồng thuê quyền sử dụng đất;

3. Trả đủ tiền thuê quyền sử dụng đất đúng thời hạn, đúng địa điểm và theo phương thức đã thoả thuận; nếu việc sử dụng đất không sinh lợi thì bên thuê vẫn phải trả đủ tiền thuê, trừ trường hợp có thoả thuận khác;

4. Tuân theo các quy định về bảo vệ môi trường; không được làm tổn hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất xung quanh;

5. Trả lại đất đúng tình trạng như khi nhận sau khi hết thời hạn thuê, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

Điều 708. Quyền của bên thuê quyền sử dụng đất

Bên thuê quyền sử dụng đất có các quyền sau đây:

1. Yêu cầu bên cho thuê chuyển giao đất đủ diện tích, đúng vị trí, số hiệu, hạng đất, loại đất và tình trạng đất như đã thoả thuận;

2. Được sử dụng đất thuê ổn định theo thời hạn như đã thoả thuận;

3. Được hưởng hoa lợi, lợi tức từ việc sử dụng đất;

4. Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng theo quy định tại Điều 426 của Bộ luật này;

5. Yêu cầu bên cho thuê giảm, miễn tiền thuê trong trường hợp do bất khả kháng mà hoa lợi, lợi tức bị mất hoặc bị giảm sút.

Điều 709. Chậm trả tiền thuê quyền sử dụng đất

Khi bên thuê chậm trả tiền thuê quyền sử dụng đất theo thoả thuận thì bên cho thuê có thể gia hạn; nếu hết thời hạn đó mà bên thuê không thực hiện nghĩa vụ thì bên cho thuê có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng, yêu cầu bên thuê trả lại đất. Bên cho thuê có quyền yêu cầu bên thuê trả đủ tiền trong thời gian đã thuê kể cả lãi đối với khoản tiền chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước quy định tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán.

Điều 710. Bồi thường thiệt hại do đất bị thu hồi

1. Khi bên cho thuê hoặc bên thuê cố ý vi phạm nghĩa vụ của người sử dụng đất dẫn đến việc Nhà nước thu hồi đất thì bên vi phạm phải bồi thường thiệt hại cho bên kia.

2. Trong trường hợp hợp đồng thuê quyền sử dụng đất đang có hiệu lực nhưng do nhu cầu về quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và phát triển kinh tế mà Nhà nước thu hồi đất thì hợp đồng thuê quyền sử dụng đất chấm dứt trước thời hạn.

Trong trường hợp bên thuê đã trả tiền trước thì bên cho thuê phải trả lại cho bên thuê khoản tiền còn lại tương ứng với thời gian chưa sử dụng đất; nếu bên thuê chưa trả tiền thì chỉ phải trả tiền tương ứng với thời gian đã sử dụng đất.

Bên cho thuê được Nhà nước bồi thường thiệt hại do thu hồi đất theo quy định của pháp luật, còn bên thuê được Nhà nước bồi thường thiệt hại về hoa lợi có trên đất.

Điều 711. Quyền tiếp tục thuê quyền sử dụng đất khi một bên chết

1. Trong trường hợp bên cho thuê quyền sử dụng đất là cá nhân chết thì bên thuê vẫn được tiếp tục thuê quyền sử dụng đất cho đến hết thời hạn thuê.

2. Trong trường hợp bên thuê quyền sử dụng đất là cá nhân chết thì thành viên trong hộ gia đình của người đó được tiếp tục thuê quyền sử dụng đất cho đến hết thời hạn thuê nhưng phải báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Điều 712. Chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong thời hạn cho thuê quyền sử dụng đất

Khi thời hạn cho thuê quyền sử dụng đất đang còn, bên cho thuê vẫn có quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người khác nếu được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép, nhưng phải báo cho bên thuê biết để bên thuê thực hiện nghĩa vụ với bên nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Bên thuê vẫn được tiếp tục thuê cho đến hết thời hạn thuê quyền sử dụng đất theo hợp đồng.

Điều 713. Chấm dứt hợp đồng thuê quyền sử dụng đất

1. Hợp đồng thuê quyền sử dụng đất chấm dứt trong các trường hợp sau đây:

a) Hết thời hạn thuê và không được gia hạn thuê;

b) Theo thoả thuận của các bên;

c) Nhà nước thu hồi đất;

d) Một trong các bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng hoặc hủy bỏ hợp đồng theo thoả thuận hoặc theo quy định của pháp luật;

đ) Bên thuê quyền sử dụng đất là cá nhân chết mà trong hộ gia đình của người đó không còn thành viên nào khác hoặc có nhưng không có nhu cầu tiếp tục thuê;

e) Diện tích đất thuê không còn do thiên tai;

g) Các trường hợp khác do pháp luật quy định.

2. Khi hợp đồng thuê quyền sử dụng đất chấm dứt, người thuê quyền sử dụng đất phải khôi phục tình trạng đất như khi nhận đất, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác. Tài sản gắn liền với đất được giải quyết theo thoả thuận của các bên.

MỤC 2

HỢP ĐỒNG THUÊ LẠI QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

Điều 714. Hợp đồng thuê lại quyền sử dụng đất

Trong trường hợp pháp luật không có quy định khác thì quy định tại các điều từ Điều 703 đến Điều 713 của Bộ luật này cũng được áp dụng đối với hợp đồng thuê lại quyền sử dụng đất.

CHƯƠNG XXX

HỢP ĐỒNG THẾ CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

Điều 715. Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất

Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên sử dụng đất (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng quyền sử dụng đất của mình để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ dân sự với bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp). Bên thế chấp được tiếp tục sử dụng đất trong thời hạn thế chấp.

Điều 716. Phạm vi thế chấp quyền sử dụng đất

1. Quyền sử dụng đất có thể được thế chấp một phần hoặc toàn bộ.

2. Trường hợp người sử dụng đất thế chấp quyền sử dụng đất thì nhà, công trình xây dựng khác, rừng trồng, vườn cây và các tài sản khác của người thế chấp gắn liền với đất chỉ thuộc tài sản thế chấp, nếu có thoả thuận.

Điều 717. Nghĩa vụ của bên thế chấp quyền sử dụng đất

Bên thế chấp quyền sử dụng đất có các nghĩa vụ sau đây:

1. Giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bên nhận thế chấp;

2. Làm thủ tục đăng ký việc thế chấp; xoá việc đăng ký thế chấp khi hợp đồng thế chấp chấm dứt;

3. Sử dụng đất đúng mục đích, không làm hủy hoại, làm giảm giá trị của đất đã thế chấp;

4. Thanh toán tiền vay đúng hạn, đúng phương thức theo thoả thuận trong hợp đồng.

Điều 718. Quyền của bên thế chấp quyền sử dụng đất

Bên thế chấp quyền sử dụng đất có các quyền sau đây:

1. Được sử dụng đất trong thời hạn thế chấp;

2. Được nhận tiền vay do thế chấp quyền sử dụng đất theo phương thức đã thoả thuận;

3. Hưởng hoa lợi, lợi tức thu được, trừ trường hợp hoa lợi, lợi tức cũng thuộc tài sản thế chấp;

4. Được chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất đã thế chấp nếu được bên nhận thế chấp đồng ý;

5. Nhận lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau khi đã thực hiện xong nghĩa vụ thế chấp.

Điều 719. Nghĩa vụ của bên nhận thế chấp quyền sử dụng đất

Bên nhận thế chấp quyền sử dụng đất có các nghĩa vụ sau đây:

1. Cùng với bên thế chấp đăng ký việc thế chấp;

2. Trả lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi bên thế chấp đã thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm bằng thế chấp.

Điều 720. Quyền của bên nhận thế chấp quyền sử dụng đất

Bên nhận thế chấp quyền sử dụng đất có các quyền sau đây:

1. Kiểm tra, nhắc nhở bên thế chấp quyền sử dụng đất bảo vệ, giữ gìn đất và sử dụng đất đúng mục đích;

2. Được ưu tiên thanh toán nợ trong trường hợp xử l‎ý quyền sử dụng đất đã thế chấp.

Điều 721. Xử lý quyền sử dụng đất đã thế chấp

Khi đã đến hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm bằng thế chấp quyền sử dụng đất mà bên thế chấp không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì quyền sử dụng đất đã thế chấp được xử lý theo thoả thuận; nếu không có thỏa thuận hoặc không xử lý được theo thoả thuận thì bên nhận thế chấp có quyền khởi kiện tại Toà án.

CHƯƠNG XXXI

HỢP ĐỒNG TẶNG CHO QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

Điều 722. Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất

Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao quyền sử dụng đất cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, còn bên được tặng cho đồng ý nhận theo quy định của Bộ luật này và pháp luật về đất đai.

Điều 723. Nội dung của hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất

Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất bao gồm các nội dung sau đây:

1. Tên, địa chỉ của các bên;

2. Lý do tặng cho quyền sử dụng đất;

3. Quyền, nghĩa vụ của các bên;

4. Loại đất, hạng đất, diện tích, vị trí, số hiệu, ranh giới và tình trạng đất;

5. Thời hạn sử dụng đất còn lại của bên tặng cho;

6. Quyền của người thứ ba đối với đất được tặng cho;

7. Trách nhiệm của các bên khi vi phạm hợp đồng.

Điều 724. Nghĩa vụ của bên tặng cho quyền sử dụng đất

Bên tặng cho quyền sử dụng đất có các nghĩa vụ sau đây:

1. Giao đất đủ diện tích, đúng hạng đất, loại đất, vị trí, số hiệu và tình trạng đất như đã thoả thuận;

2. Giao giấy tờ có liên quan đến quyền sử dụng đất cho bên được tặng cho để làm thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất.

Điều 725. Nghĩa vụ của bên được tặng cho quyền sử dụng đất

Bên được tặng cho quyền sử dụng đất có các nghĩa vụ sau đây:

1. Đăng ký quyền sử dụng đất tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về đất đai;

2. Bảo đảm quyền của người thứ ba đối với đất được tặng cho;

3. Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật về đất đai.

Điều 726. Quyền của bên được tặng cho quyền sử dụng đất

Bên được tặng cho quyền sử dụng đất có các quyền sau đây:

1. Yêu cầu bên tặng cho giao đủ diện tích, đúng hạng đất, loại đất, vị trí, số hiệu và tình trạng đất như đã thoả thuận;

2. Được sử dụng đất theo đúng mục đích, đúng thời hạn;

3. Được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

CHƯƠNG XXXII

HỢP ĐỒNG GÓP VỐN BẰNG GIÁ TRỊ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

Điều 727. Hợp đồng góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất

Hợp đồng góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó người sử dụng đất (sau đây gọi là bên góp vốn) góp phần vốn của mình bằng giá trị quyền sử dụng đất để hợp tác sản xuất, kinh doanh với cá nhân, pháp nhân, hộ gia đình, chủ thể khác theo quy định của Bộ luật này và pháp luật về đất đai.

Điều 728. Nội dung của hợp đồng góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất

Hợp đồng góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất bao gồm các nội dung sau đây:

1. Tên, địa chỉ của các bên;

2. Quyền, nghĩa vụ của các bên;

3. Loại đất, hạng đất, diện tích, vị trí, số hiệu, ranh giới và tình trạng đất;

4. Thời hạn sử dụng đất còn lại của bên góp vốn;

5. Thời hạn góp vốn;

6. Giá trị quyền sử dụng đất góp vốn;

7. Quyền của người thứ ba đối với đất được góp vốn;

8. Trách nhiệm của các bên khi vi phạm hợp đồng.

Điều 729. Nghĩa vụ của bên góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất

Bên góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất có các nghĩa vụ sau đây:

1. Giao đất đúng thời hạn, đủ diện tích, đúng hạng đất, loại đất, vị trí, số hiệu và tình trạng đất như đã thoả thuận trong hợp đồng;

2. Đăng ký quyền sử dụng đất tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về đất đai.

Điều 730. Quyền của bên góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất

Bên góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất có các quyền sau đây:

1. Được hưởng lợi nhuận theo tỷ lệ góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất;

2. Được chuyển nhượng, để thừa kế phần góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác;

3. Được nhận lại quyền sử dụng đất đã góp vốn theo thỏa thuận hoặc khi thời hạn góp vốn đã hết;

4. Hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu bên nhận góp vốn không thực hiện việc thanh toán phần lợi nhuận đúng thời hạn hoặc thanh toán không đầy đủ.

Điều 731. Nghĩa vụ của bên nhận góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất

Bên nhận góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất có các nghĩa vụ sau đây:

1. Thanh toán phần lợi nhuận cho bên góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất đúng thời hạn, đúng phương thức đã thoả thuận trong hợp đồng;

2. Bảo đảm quyền của người thứ ba đối với đất được góp vốn;

3. Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật về đất đai.

Điều 732. Quyền của bên nhận góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất

Bên nhận góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất có các quyền sau đây:

1. Yêu cầu bên góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất giao đất đủ diện tích, đúng thời hạn, hạng đất, loại đất, vị trí, số hiệu và tình trạng đất như đã thoả thuận trong hợp đồng;

2. Được sử dụng đất theo đúng mục đích, đúng thời hạn;

3. Được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong trường hợp bên nhận góp vốn là pháp nhân, trừ trường hợp góp vốn trong hợp đồng hợp tác kinh doanh.

CHƯƠNG XXXIII

THỪA KẾ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

Điều 733. Thừa kế quyền sử dụng đất

Thừa kế quyền sử dụng đất là việc chuyển quyền sử dụng đất của người chết sang cho người thừa kế theo quy định của Bộ luật này và pháp luật về đất đai.

Điều 734. Cá nhân để thừa kế quyền sử dụng đất

Cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất có quyền để thừa kế quyền sử dụng đất theo quy định tại Phần thứ tư của Bộ luật này và pháp luật về đất đai.

Điều 735. Thừa kế quyền sử dụng đất được Nhà nước giao cho hộ gia đình

Hộ gia đình được Nhà nước giao đất nếu trong hộ có thành viên chết thì quyền sử dụng đất của thành viên đó được để lại cho những người thừa kế theo quy định tại Phần thứ tư của Bộ luật này và pháp luật về đất đai.

PHẦN THỨ SÁU

QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ VÀ CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ

CHƯƠNG XXXIV

QUYỀN TÁC GIẢ VÀ QUYỀN LIÊN QUAN

MỤC 1

 QUYỀN TÁC GIẢ

Điều 736. Tác giả

1. Người sáng tạo tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học (sau đây gọi chung là tác phẩm) là tác giả của tác phẩm đó.

Trong trường hợp có hai người hoặc nhiều người cùng sáng tạo ra tác phẩm thì những người đó là các đồng tác giả.

2. Người sáng tạo ra tác phẩm phái sinh từ tác phẩm của người khác, bao gồm tác phẩm được dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn là tác giả của tác phẩm phái sinh đó.

Điều 737. Đối tượng quyền tác giả

Đối tượng quyền tác giả bao gồm mọi sản phẩm sáng tạo trong các lĩnh vực văn học, nghệ thuật, khoa học được thể hiện dưới bất kỳ hình thức và bằng bất kỳ phương tiện nào, không phân biệt nội dung, giá trị và không phụ thuộc vào bất kỳ thủ tục nào.

Điều 738. Nội dung quyền tác giả

1. Quyền tác giả bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản đối với tác phẩm.

2. Quyền nhân thân thuộc quyền tác giả bao gồm:

a) Đặt tên cho tác phẩm;

b) Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng;

c) Công bố hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm;

d) Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén, xuyên tạc tác phẩm.

3. Quyền tài sản thuộc quyền tác giả bao gồm:

a) Sao chép tác phẩm;

b) Cho phép tạo tác phẩm phái sinh;

c) Phân phối, nhập khẩu bản gốc và bản sao tác phẩm;

d) Truyền đạt tác phẩm đến công chúng;

đ) Cho thuê bản gốc hoặc bản sao chương trình máy tính.

Điều 739. Thời điểm phát sinh và hiệu lực quyền tác giả

1. Quyền tác giả phát sinh kể từ ngày tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định.

2. Quyền nhân thân thuộc quyền tác giả tồn tại vô thời hạn, trừ quyền công bố hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm do pháp luật về sở hữu trí tuệ quy định.

3. Quyền tài sản thuộc quyền tác giả tồn tại trong thời hạn do pháp luật về sở hữu trí tuệ quy định.

Điều 740. Chủ sở hữu quyền tác giả

1. Quyền nhân thân thuộc về tác giả.

2. Trong trường hợp tác phẩm được sáng tạo không phải trên cơ sở thực hiện nhiệm vụ hoặc hợp đồng giao việc thì quyền tài sản thuộc về tác giả.

3. Trong trường hợp tác phẩm được sáng tạo trên cơ sở thực hiện nhiệm vụ hoặc hợp đồng giao việc thì quyền tài sản thuộc về cơ quan, tổ chức giao nhiệm vụ hoặc bên giao việc theo hợp đồng, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

Trong trường hợp quyền tài sản không thuộc về tác giả thì tác giả có quyền nhận thù lao, nhuận bút do chủ sở hữu quyền tài sản chi trả theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.

Điều 741. Phân chia quyền của đồng tác giả

Trường hợp tác phẩm được các đồng tác giả sáng tạo, trong đó mỗi phần do từng đồng tác giả sáng tạo có thể tách rời để sử dụng độc lập thì quy định tại Điều 740 của Bộ luật này được áp dụng cho từng phần tác phẩm được sử dụng độc lập đó, nếu các đồng tác giả không có thoả thuận khác.

Điều 742. Chuyển giao quyền tác giả

1. Quyền nhân thân quy định tại các điểm a, b và d khoản 2 Điều 738 của Bộ luật này không được chuyển giao.

Quyền nhân thân quy định tại điểm c khoản 2 Điều 738 của Bộ luật này có thể được chuyển giao với các điều kiện do pháp luật về sở hữu trí tuệ quy định.

2. Quyền tài sản có thể được chuyển giao toàn bộ hoặc từng phần theo hợp đồng hoặc để thừa kế, kế thừa.

Điều 743. Hợp đồng chuyển giao quyền tài sản thuộc quyền tác giả

Việc chuyển giao một phần hoặc toàn bộ quyền tài sản thuộc quyền tác giả được thực hiện trên cơ sở hợp đồng. Hợp đồng chuyển giao quyền tác giả phải được lập thành văn bản.

MỤC 2

QUYỀN LIÊN QUAN ĐẾN QUYỀN TÁC GIẢ

Điều 744. Đối tượng quyền liên quan đến quyền tác giả

Đối tượng quyền liên quan đến quyền tác giả (sau đây gọi là quyền liên quan) bao gồm cuộc biểu diễn của người biểu diễn; bản ghi âm, ghi hình; cuộc phát sóng của các tổ chức phát sóng và tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá.

Điều 745. Chủ sở hữu và nội dung quyền đối với cuộc biểu diễn

1. Quyền đối với cuộc biểu diễn bao gồm quyền nhân thân của người biểu diễn và quyền tài sản của người đầu tư để thực hiện cuộc biểu diễn.

2. Quyền nhân thân của người biểu diễn bao gồm quyền được nêu tên khi biểu diễn hoặc khi phát hành các bản ghi âm, ghi hình cuộc biểu diễn và quyền được bảo vệ sự toàn vẹn hình tượng biểu diễn.

3. Quyền tài sản của người đầu tư để thực hiện cuộc biểu diễn bao gồm quyền thực hiện và cấm người khác thực hiện các hành vi sau đây:

a) Ghi âm, ghi hình cuộc biểu diễn;

b) Sao chép, phân phối bản gốc hoặc bản sao bản ghi âm, ghi hình cuộc biểu diễn;

c) Phát sóng hoặc truyền theo cách khác cuộc biểu diễn đến công chúng.

Điều 746. Chủ sở hữu và nội dung quyền đối với bản ghi âm, ghi hình

1. Quyền đối với bản ghi âm, ghi hình thuộc về người đầu tư để tạo ra bản ghi âm, ghi hình đó.

2. Quyền đối với bản ghi âm, ghi hình bao gồm quyền thực hiện và cấm người khác thực hiện các hành vi sau đây:

a) Sao chép toàn bộ hoặc một phần bản ghi âm, ghi hình;

b) Phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao bản ghi âm, ghi hình;

c) Cho thuê bản gốc hoặc bản sao bản ghi âm, ghi hình nhằm mục đích thương mại.

Điều 747. Chủ sở hữu và nội dung quyền đối với cuộc phát sóng

1. Quyền đối với cuộc phát sóng thuộc về tổ chức phát sóng.

2. Quyền đối với cuộc phát sóng bao gồm quyền thực hiện hoặc cấm người khác thực hiện các hành vi sau đây:

a) Ghi, sao chép bản ghi; phát sóng, phát lại một phần hoặc toàn bộ cuộc phát sóng;

b) Phân phối bản ghi hoặc bản sao bản ghi cuộc phát sóng.

Điều 748. Chủ sở hữu và nội dung quyền đối với tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã Hoá

1. Quyền đối với tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá thuộc về người đầu tiên phát tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá đó.

2. Quyền đối với tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá gồm quyền thực hiện, cho phép hoặc cấm người khác thực hiện các hành vi sau:

a) Sản xuất, lắp ráp, biến đổi, nhập khẩu, bán, cho thuê thiết bị hoặc hệ thống nhằm mục đích giải mã tín hiệu vệ tinh được mã hoá;

b) Thu, phân phối lại tín hiệu đã được giải mã khi không được người nắm giữ quyền đối với tín hiệu vệ tinh được mã hoá cho phép.

Điều 749. Chuyển giao quyền liên quan

1. Các quyền tài sản thuộc quyền liên quan quy định tại các điều 745, 746, 747 và 748 của Bộ luật này có thể được chuyển giao.

2. Việc chuyển giao các quyền liên quan được thực hiện trên cơ sở hợp đồng bằng văn bản.

CHƯƠNG XXXV

QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP VÀ QUYỀN ĐỐI VỚI GIỐNG CÂY TRỒNG

Điều 750. Đối tượng quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng

1. Đối tượng quyền sở hữu công nghiệp bao gồm sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, bí mật kinh doanh, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý.

2. Đối tượng quyền đối với giống cây trồng là vật liệu nhân giống và giống cây trồng.

Điều 751. Nội dung quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng

1. Quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, quyền đối với giống cây trồng, bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản được quy định như sau:

 a) Quyền nhân thân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, giống cây trồng thuộc về người đã trực tiếp tạo ra sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, giống cây trồng bằng lao động sáng tạo của mình, bao gồm quyền được đứng tên tác giả trong văn bằng bảo hộ do Nhà nước cấp, trong các tài liệu công bố, giới thiệu về sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, giống cây trồng đó;

b) Quyền tài sản đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, giống cây trồng thuộc về chủ sở hữu các đối tượng đó, bao gồm quyền sử dụng, cho phép hoặc cấm người khác sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, giống cây trồng đó.

2. Quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh thuộc về tổ chức, cá nhân có được thông tin tạo thành bí mật kinh doanh một cách hợp pháp và thực hiện việc bảo mật thông tin đó, bao gồm:

a) Khai thác, sử dụng bí mật kinh doanh;

b) Cho phép hoặc cấm người khác tiếp cận, sử dụng, tiết lộ bí mật kinh doanh.

3. Quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu, tên thương mại thuộc về chủ sở hữu nhãn hiệu, tên thương mại đó, bao gồm:

a) Sử dụng nhãn hiệu, tên thương mại trong kinh doanh;

b) Cho phép hoặc cấm người khác sử dụng nhãn hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của mình; cấm người khác sử dụng tên thương mại gây nhầm lẫn với hoạt động kinh doanh của mình.

4. Quyền sở hữu chỉ dẫn địa lý thuộc về Nhà nước. Quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý nhằm chỉ dẫn xuất xứ, nguồn gốc của sản phẩm thuộc về tổ chức, cá nhân đáp ứng các điều kiện do pháp luật về sở hữu trí tuệ quy định.

5. Quyền chống cạnh tranh không lành mạnh thuộc về tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh trong điều kiện cạnh tranh.

Điều 752. Căn cứ xác lập quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng

1. Quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, quyền đối với giống cây trồng được xác lập trên cơ sở quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi thực hiện việc đăng ký các đối tượng đó theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.

2. Quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại được xác lập trên cơ sở sử dụng hợp pháp tên thương mại đó.

3. Quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh được xác lập trên cơ sở có được thông tin tạo thành bí mật kinh doanh một cách hợp pháp và sự bảo mật thông tin đó.

4. Quyền chống cạnh tranh không lành mạnh được xác lập trên cơ sở hoạt động cạnh tranh trong kinh doanh.

Điều 753. Chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng

1. Quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, bí mật kinh doanh, nhãn hiệu, quyền đối với giống cây trồng có thể được chuyển giao toàn bộ hoặc một phần theo hợp đồng hoặc để thừa kế, kế thừa.

2. Quyền đối với tên thương mại chỉ được phép chuyển giao cùng với việc chuyển giao toàn bộ cơ sở kinh doanh và hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó.

3. Quyền đối với chỉ dẫn địa lý không được chuyển giao.

4. Đối với hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp phát sinh trên cơ sở đăng ký thì chỉ khi hợp đồng đó được đăng ký mới có giá trị pháp lý đối với người thứ ba.

CHƯƠNG XXXVI

CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ

Điều 754. Quyền chuyển giao công nghệ

Tổ chức, cá nhân sau đây có quyền chuyển giao quyền sử dụng, quyền sở hữu công nghệ:

1. Chủ sở hữu công nghệ;

2. Tổ chức, cá nhân được chủ sở hữu công nghệ cho phép chuyển giao quyền sử dụng, quyền sở hữu công nghệ.

Điều 755. Đối tượng chuyển giao công nghệ

1. Đối tượng chuyển giao công nghệ bao gồm bí quyết kỹ thuật; kiến thức kỹ thuật về công nghệ dưới dạng phương án công nghệ, các giải pháp kỹ thuật, công thức, thông số kỹ thuật, bản vẽ, sơ đồ kỹ thuật, chương trình máy tính, thông tin dữ liệu về công nghệ chuyển giao; giải pháp hợp lý hoá sản xuất, đổi mới công nghệ, cấp phép đặc quyền kinh doanh và các đối tượng khác do pháp luật về chuyển giao công nghệ quy định.

2. Trường hợp công nghệ là đối tượng được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ thì việc chuyển giao công nghệ phải được thực hiện cùng với việc chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.

Điều 756. Những công nghệ không được chuyển giao

1. Công nghệ không đáp ứng các quy định của pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh lao động, bảo đảm sức khoẻ con người, bảo vệ môi trường.

2. Những trường hợp khác do pháp luật quy định.

Điều 757. Hợp đồng chuyển giao công nghệ

1. Việc chuyển giao công nghệ được thực hiện trên cơ sở hợp đồng bằng văn bản.

2. Hợp đồng chuyển giao công nghệ phải được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp pháp luật có quy định.

3. Việc sửa đổi, bổ sung, gia hạn, hủy bỏ hợp đồng chuyển giao công nghệ phải được lập thành hợp đồng bằng văn bản; đối với hợp đồng chuyển giao công nghệ quy định tại khoản 2 Điều này, việc sửa đổi, bổ sung, gia hạn, hủy bỏ hợp đồng cũng phải được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

PHẦN THỨ BẢY

QUAN HỆ DÂN SỰ CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI

Điều 758. Quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài

Quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài là quan hệ dân sự có ít nhất một trong các bên tham gia là cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc là các quan hệ dân sự giữa các bên tham gia là công dân, tổ chức Việt Nam nhưng căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó theo pháp luật nước ngoài, phát sinh tại nước ngoài hoặc tài sản liên quan đến quan hệ đó ở nước ngoài.

Điều 759. Áp dụng pháp luật dân sự Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, điều ước quốc tế, pháp luật nước ngoài và tập quán quốc tế

1. Các quy định của pháp luật dân sự Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài, trừ trường hợp Bộ luật này có quy định khác.

2. Trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Bộ luật này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.

3. Trong trường hợp Bộ luật này, các văn bản pháp luật khác của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên dẫn chiếu đến việc áp dụng pháp luật nước ngoài thì pháp luật của nước đó được áp dụng, nếu việc áp dụng hoặc hậu quả của việc áp dụng không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; trường hợp pháp luật nước đó dẫn chiếu trở lại pháp luật Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì áp dụng pháp luật Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Pháp luật nước ngoài cũng được áp dụng trong trường hợp các bên có thoả thuận trong hợp đồng, nếu sự thoả thuận đó không trái với quy định của Bộ luật này và các văn bản pháp luật khác của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

4. Trong trường hợp quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài không được Bộ luật này, các văn bản pháp luật khác của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc hợp đồng dân sự giữa các bên điều chỉnh thì áp dụng tập quán quốc tế, nếu việc áp dụng hoặc hậu quả của việc áp dụng không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 760. Căn cứ áp dụng pháp luật đối với người không quốc tịch, người nước ngoài có hai hay nhiều quốc tịch nước ngoài

1. Trong trường hợp Bộ luật này hoặc các văn bản pháp luật khác của Cộng hoà xã hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam dẫn chiếu đến việc áp dụng pháp luật của nước mà người nước ngoài là công dân thì pháp luật áp dụng đối với người không quốc tịch là pháp luật của nước nơi người đó cư trú; nếu người đó không có nơi cư trú thì áp dụng pháp luật Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Trong trường hợp Bộ luật này hoặc các văn bản pháp luật khác của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam dẫn chiếu đến việc áp dụng pháp luật của nước mà người nước ngoài là công dân thì pháp luật áp dụng đối với người nước ngoài có hai hay nhiều quốc tịch nước ngoài là pháp luật của nước mà người đó có quốc tịch và cư trú vào thời điểm phát sinh quan hệ dân sự; nếu người đó không cư trú tại một trong các nước mà người đó có quốc tịch thì áp dụng pháp luật của nước mà người đó có quốc tịch và có quan hệ gắn bó nhất về quyền và nghĩa vụ công dân.

Điều 761. Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân là người nước ngoài

1. Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân là người nước ngoài được xác định theo pháp luật của nước mà người đó có quốc tịch.

2. Người nước ngoài có năng lực pháp luật dân sự tại Việt Nam như công dân Việt Nam, trừ trường hợp pháp luật Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam có quy định khác.

Điều 762. Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là người nước ngoài

1. Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là người nước ngoài được xác định theo pháp luật của nước mà người đó là công dân, trừ trường hợp pháp luật Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam có quy định khác.

2. Trong trường hợp người nước ngoài xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự tại Việt Nam thì năng lực hành vi dân sự của người nước ngoài được xác định theo pháp luật Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 763. Xác định người không có, mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự

1. Việc xác định người không có năng lực hành vi dân sự, mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự phải tuân theo pháp luật của nước mà người đó có quốc tịch.

2. Trong trường hợp người nước ngoài cư trú tại Việt Nam thì việc xác định người đó không có, mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự phải tuân theo pháp luật Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 764. Xác định người mất tích hoặc chết

1. Việc xác định một người mất tích hoặc chết phải tuân theo pháp luật của nước mà người đó có quốc tịch vào thời điểm trước khi có tin tức cuối cùng về việc mất tích hoặc chết.

2. Trong trường hợp người nước ngoài cư trú tại Việt Nam thì việc xác định người đó mất tích hoặc chết phải tuân theo pháp luật Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 765. Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân nước ngoài

1. Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân nước ngoài được xác định theo pháp luật của nước nơi pháp nhân đó được thành lập, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Trong trường hợp pháp nhân nước ngoài xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự tại Việt Nam thì năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân được xác định theo pháp luật Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 766. Quyền sở hữu tài sản

1. Việc xác lập, thực hiện, thay đổi, chấm dứt quyền sở hữu tài sản, nội dung quyền sở hữu đối với tài sản được xác định theo pháp luật của nước nơi có tài sản đó, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 4 Điều này.

2. Quyền sở hữu đối với động sản trên đường vận chuyển được xác định theo pháp luật của nước nơi động sản được chuyển đến, nếu không có thoả thuận khác.

3. Việc phân biệt tài sản là động sản hoặc bất động sản được xác định theo pháp luật của nước nơi có tài sản.

4. Việc xác định quyền sở hữu đối với tàu bay dân dụng và tàu biển tại Việt Nam phải tuân theo pháp luật về hàng không dân dụng và pháp luật về hàng hải của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 767. Thừa kế theo pháp luật có yếu tố nước ngoài

1. Thừa kế theo pháp luật phải tuân theo pháp luật của nước mà người để lại di sản thừa kế có quốc tịch trước khi chết.

2. Quyền thừa kế đối với bất động sản phải tuân theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó.

3. Di sản không có người thừa kế là bất động sản thuộc về Nhà nước nơi có bất động sản đó.

4. Di sản không có người thừa kế là động sản thuộc về Nhà nước mà người để lại di sản thừa kế có quốc tịch trước khi chết.

Điều 768. Thừa kế theo di chúc

1. Năng lực lập di chúc, thay đổi và hủy bỏ di chúc phải tuân theo pháp luật của nước mà người lập di chúc là công dân.

2. Hình thức của di chúc phải tuân theo pháp luật của nước nơi lập di chúc.

Điều 769. Hợp đồng dân sự

1. Quyền và nghĩa vụ của các bên theo hợp đồng được xác định theo pháp luật của nước nơi thực hiện hợp đồng, nếu không có thoả thuận khác.

Hợp đồng được giao kết tại Việt Nam và thực hiện hoàn toàn tại Việt Nam thì phải tuân theo pháp luật Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Trong trường hợp hợp đồng không ghi nơi thực hiện thì việc xác định nơi thực hiện hợp đồng phải tuân theo pháp luật Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Hợp đồng liên quan đến bất động sản ở Việt Nam phải tuân theo pháp luật Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 770. Hình thức của hợp đồng dân sự

1. Hình thức của hợp đồng phải tuân theo pháp luật của nước nơi giao kết hợp đồng. Trong trường hợp hợp đồng được giao kết ở nước ngoài mà vi phạm quy định về hình thức hợp đồng theo pháp luật của nước đó, nhưng không trái với quy định về hình thức hợp đồng theo pháp luật Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì hình thức hợp đồng được giao kết ở nước ngoài đó vẫn được công nhận tại Việt Nam.

2. Hình thức hợp đồng liên quan đến việc xây dựng hoặc chuyển giao quyền sở hữu công trình, nhà cửa và các bất động sản khác trên lãnh thổ Việt Nam phải tuân theo pháp luật Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 771. Giao kết hợp đồng dân sự vắng mặt

Trong trường hợp giao kết hợp đồng vắng mặt thì việc xác định nơi giao kết hợp đồng phải tuân theo pháp luật của nước nơi cư trú của cá nhân hoặc nơi có trụ sở chính của pháp nhân là bên đề nghị giao kết hợp đồng.

Thời điểm giao kết hợp đồng vắng mặt được xác định theo pháp luật của nước của bên đề nghị giao kết hợp đồng nếu bên này nhận được trả lời chấp nhận của bên được đề nghị giao kết hợp đồng.

Điều 772. Giao dịch dân sự đơn phương

Trong quan hệ giao dịch đơn phương, quyền và nghĩa vụ của bên tự nguyện thực hiện quan hệ giao dịch đơn phương được xác định theo pháp luật của nước nơi cư trú hoặc nơi có hoạt động chính của bên đó.

Điều 773. Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

1. Việc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được xác định theo pháp luật của nước nơi xảy ra hành vi gây thiệt hại hoặc nơi phát sinh hậu quả thực tế của hành vi gây thiệt hại.

2. Việc bồi thường thiệt hại do tàu bay, tàu biển gây ra ở không phận quốc tế hoặc biển cả được xác định theo pháp luật của nước mà tàu bay, tàu biển mang quốc tịch, trừ trường hợp pháp luật về hàng không dân dụng và pháp luật về hàng hải của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam có quy định khác.

3. Trong trường hợp hành vi gây thiệt hại xảy ra ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà người gây thiệt hại và người bị thiệt hại đều là công dân hoặc pháp nhân Việt Nam thì áp dụng pháp luật Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 774. Quyền tác giả có yếu tố nước ngoài

Quyền tác giả của người nước ngoài, pháp nhân nước ngoài đối với tác phẩm lần đầu tiên được công bố, phổ biến tại Việt Nam hoặc được sáng tạo và thể hiện dưới hình thức nhất định tại Việt Nam được bảo hộ theo quy định của pháp luật Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Điều 775. Quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng có yếu tố nước ngoài

Quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng của người nước ngoài, pháp nhân nước ngoài đối với các đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp, đối tượng của quyền đối với giống cây trồng đã được Nhà nước Việt Nam cấp văn bằng bảo hộ hoặc công nhận được bảo hộ theo quy định của pháp luật Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Điều 776. Chuyển giao công nghệ có yếu tố nước ngoài

Việc chuyển giao công nghệ giữa cá nhân, pháp nhân Việt Nam với người nước ngoài, pháp nhân nước ngoài, việc chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam và từ Việt Nam ra nước ngoài, phải tuân theo quy định của Bộ luật này, các văn bản pháp luật khác của Việt Nam về chuyển giao công nghệ và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc pháp luật của nước ngoài, nếu việc áp dụng hoặc hậu quả của việc áp dụng đó không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 777. Thời hiệu khởi kiện

Thời hiệu khởi kiện đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được xác định theo pháp luật của nước mà pháp luật nước đó được áp dụng để điều chỉnh quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài tương ứng.

Bộ luật này đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14 tháng 6 năm 2005.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI




Nguyễn Văn An

THE NATIONAL ASSEMBLY
--------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom - Happiness
---------------

No: 33/2005/QH11

Ha Noi, day 14 month 06 year 2005

 

CIVIL CODE

Pursuant to the 1992 Constitution of the Socialist Republic of Vietnam, which was amended and supplemented under Resolution No. 51/2001/QH10 of December 25, 2001, of the 10th National Assembly, the 10th session;

This Code provides for civil affairs.

PART ONE

GENERAL PROVISIONS

Chapter I

TASKS AND EFFECT OF THE CIVIL CODE

Article 1.- Tasks and governing scope of the Civil Code

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The Civil Code has the tasks of protecting legitimate rights and interests of individuals and organizations, State interests and public interests; ensuring legal equality and safety in civil relations, contributing to the creation of conditions for meeting the material and spiritual demands of people, and to the promotion of socio-economic development.

Article 2.- Effect of the Civil Code

1. The Civil Code shall apply to civil relations established from the effective date of this Code, unless otherwise provided for by this Code or the National Assembly's resolution.

2. The Civil Code shall apply in the territory of the Socialist Republic of Vietnam.

3. The Civil Code shall apply to civil relations involving foreign elements, unless otherwise provided for by treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a contracting party.

Article 3.- Application of practices, analogy of law

In cases where it is neither provided for by law nor agreed upon by the parties, practices can be applied; if practices are unavailable, analogy of law may be applied. Practices and analogy of law must not contravene the principles provided in this Code.

Chapter II

BASIC PRINCIPLES

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The right to freely undertake or agree on the establishment of civil rights and obligations shall be guaranteed by law, if such undertaking or agreement is not banned by law and/or not contrary to social ethics.

In civil relations, the parties shall act entirely voluntarily and neither party may impose, prohibit, coerce, threaten or hinder the other party.

Lawful undertakings or agreements shall be binding on the parties and must be respected by individuals, legal persons and other subjects.

Article 5.- The principle of equality

In civil relations, the parties shall be equal and shall not invoke differences in ethnicity, gender, social status, economic situation, belief, religion, educational level and occupation as reasons to treat each other unequally.

Article 6.- The principle of goodwill and honesty

In civil relations, the parties must act in goodwill and honesty in establishment and performance of civil rights and obligations; neither party shall deceive the other party.

Article 7.- The principle of bearing civil liability

The parties shall strictly perform their own civil obligations and shall themselves be liable for the non-performance or the incorrect performance of obligations; if a party does not voluntarily perform, it shall be forced to perform its obligations in accordance with the provisions of law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The establishment and performance of civil rights and obligations must ensure the preservation of national identities, respect and promote good customs, practices and traditions, solidarity, mutual affection and cooperation, the principle of every individual for the community and the community for every individual and the noble ethical values of ethnicities living together on Vietnamese soil.

Ethnic minority people shall be given favorable conditions in civil relations so as to step by step improve their material and spiritual life.

The task of assisting elderly persons, young children and persons with disabilities in the performance of civil rights and obligations shall be encouraged.

Article 9.- The principle of respect for, protection of, civil rights

1. All the civil rights of individuals, legal persons or other subjects shall be respected and protected by law.

2. When the civil rights of a subject are infringed upon, he/she/it shall have the right to protect such rights by him/her/itself in accordance with the provisions of this Code or request competent agencies or organizations to:

a/ Recognize his/her/its civil rights;

b/ Order the termination of the act of violation;

c/ Order a public apology and/or rectification;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



e/ Order compensation for damage.

Article 10.- The principle of respect for State interests, public interests and legitimate rights and interests of other persons

The establishment and performance of civil rights and obligations must not infringe upon State interests, public interests and legitimate rights and interests of other persons.

Article 11.- The principle of compliance with law

The establishment and performance of civil rights and obligations must comply with the provisions of this Code and other provisions of law.

Article 12.- The principle of conciliation

In civil relations, conciliation between the parties in accordance with the provisions of law shall be encouraged.

No one may use force or threaten to use force when participating in civil relations and/or resolving civil disputes.

Article 13.- Bases for establishment of civil rights and obligations

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Lawful civil transactions;

2. Decisions of courts or other competent state agencies;

3. A legal event which is specified by law;

4. Creation of spiritual values which are intellectual property objects;

5. Legitimate possession of property;

6. Damage caused by an illegal act;

7. Performance of a task without authorization;

8. Illegal possession and use of assets or illegal gain therefrom;

9. Other bases specified by law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



INDIVIDUALS

Section 1. CIVIL LEGAL CAPACITY, CIVIL ACT CAPACITY OF INDIVIDUALS

Article 14.- Civil legal capacity of individuals

1. The civil legal capacity of an individual is his/her capability to have civil rights and civil obligations.

2. All individuals shall have the same civil legal capacity.

3. The civil legal capacity of an individual shall exist from the time he/she is born and terminate when he/she dies.

Article 15.- Contents of the civil legal capacity of an individual

An individual shall have the following civil rights and obligations:

1. Personal rights not associated to property, and personal rights associated to property;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. Rights to participate in civil relations and to assume obligations arising out of such relations.

Article 16.- No restrictions on the civil legal capacity of an individual

The civil legal capacity of an individual shall not be restricted, unless otherwise provided for by law.

Article 17.- The civil act capacity of an individual

The civil act capacity of an individual is his/her capability to establish and perform civil rights and obligations through his/her acts.

Article 18.- Adults and minors

Persons who are full eighteen years old or older are adults. Persons who are not yet full eighteen years old are minors.

Article 19.- The civil act capacity of an adult

An adult shall have full civil act capacity, except the cases specified in Article 22 and Article 23 of this Code.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Persons who are between full six years old and under full eighteen years old must have the consents of their representatives at law when establishing and performing civil transactions, except those transactions to meet their daily-life needs suitable to their age group or otherwise provided for by law.

2. In cases where a person who is between full fifteen years old and under full eighteen years old has his/her own property to ensure the performance of obligations, such person may establish and perform civil transactions by him/herself without the consent of his/her representative at law, unless otherwise provided for by law.

Article 21.- Persons without civil act capacity

Persons who are under full six years old shall not have civil act capacity. All civil transactions of persons under full six years of age must be established and performed by their representatives at law.

Article 22.- Loss of civil act capacity

1. When a person is incapable of cognizing or controlling his/her acts due to mental disease or other ailments, the Court may, at the request of the person(s) with related rights or interests, issue a decision to declare such a person as having lost his/her civil act capacity, based on the conclusion of a competent medical examination body.

When there is no longer a basis for declaring a person as having lost his/her civil act capacity, the Court shall, at the request of such person him/herself or of a person with related rights or interests, issue a decision to revoke the decision declaring the loss of civil act capacity.

2. Civil transactions of persons who have lost their civil act capacity shall be established and performed by their representatives at law.

Article 23.- Restrictions on civil act capacity

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. The at-law representatives of persons with a restricted civil act capacity and the scope of such representation shall be decided by the Court. Civil transactions related to the property of persons with a restricted civil act capacity must have the consents of their representatives at law, except for transactions to meet their daily-life needs.

3. When there is no longer a basis for declaring that a person has a restricted civil act capacity, the Court shall, at the request of such person him/herself or a person with related rights or interests, make a decision to revoke the decision having declared the restriction on his/her civil act capacity.

Section 2. PERSONAL RIGHTS

Article 24.- Personal rights

Personal rights specified in this Code are civil rights inherent to each individual, which cannot be transferred to other persons, unless otherwise provided for by law.

Article 25.- Protection of personal rights

When a personal right of an individual is infringed upon, such person shall have the right to:

1. Make rectification him/herself;

2. Request the infringer or request competent agencies, organizations to order the infringer to terminate the infringement and make a public apology and/or rectification;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 26.- The right with respect to family and given names

1. Each individual has the right to have a family name and a given name. The family and given names of a person shall be the family and given names in the birth certificate of such person.

2. An individual shall establish and exercise civil rights and perform civil obligations in his/her family and given names which have been recognized by a competent state agency.

3. The use of pseudonyms and pen names must not cause damage to the rights and interests of other persons.

Article 27.- The right to change family and given names

1. Individuals shall have the right to request competent state agencies to recognize the change of their family and/or given names in the following cases:

a/ Where it is so requested by the person who has a family or given name the use of which causes confusion or affects the feelings of his/her family, the honor, legitimate rights and interests of such person;

b/ Where an adoptive father or mother requests to change the family and/or given name of an adopted child or when an adopted child ceases to be an adopted child and he/she or his/her biological father or mother requests to reclaim the family and/or given name which was given to him/her by the biological father or mother;

c/ Where it is so requested by the biological father or mother or the child when identifying the father and/or mother of the child;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



e/ Where there is a change of the family name and/or given name of a person who was lost from his/her childhood and has discovered the origin of his/her bloodline;

f/ Where there is a change of the family name and/or given name of a person whose gender has been re-determined;

g/ Other cases specified by law on civil status.

2. The change of the family name and/or given name of a person who is full nine years or older must be consented by that person.

3. The change of the family name and/or given name of an individual shall neither change nor terminate the civil rights and obligations which have been established under the former family name and/or given name.

Article 28.- The right to determine ethnicity

1. An individual upon his/her birth may have his/her ethnicity determined in accordance with the ethnicity of his/her biological mother and father. In cases where the biological father and mother belong to two different ethnicities, the ethnicity of the child shall be determined as the ethnicity of the father or the ethnicity of the mother in accordance with practices or in accordance with the agreement of the biological father and mother.

2. A person who has attained adulthood, the biological father and mother or guardian of a minor may request competent state agencies to re-determine his/her ethnicity in the following cases:

a/ To re-determine his/her ethnicity in accordance with the ethnicity of the biological father or mother, if the father and mother belong to two different ethnicities;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. Where the biological father or mother or the guardian of a minor requests the re-determination of the ethnicity of a minor who is full fifteen years or older under the provisions of Clause 2 of this Article, the consent of such minor is required.

Article 29.- The right to registration of birth

Individuals, when born, shall have the right to have their births registered.

Article 30.- The right to registration of death

1. When a person dies, his/her next of kin, the house owner or the agency or organization to which the dead person belonged must register the death of such person.

2. If a newborn infant dies after birth, the infant's birth and death must be registered; if the infant dies before or immediately upon birth, the infant's birth and death must not be registered.

Article 31.- The right of an individual with respect to his/her picture

1. An individual shall have the right with respect to his/her picture.

2. The use of a picture of an individual must have his/her consent; where such person has died, lost his/her civil act capacity or is under full fifteen years old, the consent of his/her father, mother, husband, wife, adult children or representative is required, unless it is for State interests, public interests or otherwise provided for by law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 32.- The right to safety of life, health and body

1. Individuals shall shave have the right to safety of life, health and body.

2. When a person discovers another person who has got an accident or is sick whereby his/her life is threatened, the person who discovers him/her shall have the responsibility to deliver such person to a medical establishment; the medical establishment must not refuse to provide treatment to the person and shall have to utilize all available means and capabilities to cure him/her.

3. The application of new curative methods on the body of a person and the anesthetization, surgery, amputation, implantation and grafting of body organs must have his/her consent; if the person is a minor, has lost the civil act capacity or is an unconscious patient, the consent of his/her father, mother, guardian or next of kin is required; in cases where there is a threat to the life of a patient which cannot wait for the opinions of the above-said persons, a decision of the head of the medical establishment is required.

4. A post-mortem operation shall be performed in the following cases:

a/ Where it is so consented by the decedent before his/her death;

b/ Where it is so consented by the decedent's father, mother, wife, husband, adult children or guardian when there is no opinion of the decedent before he/she dies;

c/ Where it is so decided by a competent medical organization or a competent state agency in case of necessity.

Article 33.- The right to donation of body organs

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The donation and use of body organs shall comply with the provisions of law.

Article 34.- The right to donation of corpses, body organs after death

Individuals shall have the right to donate their corpses, body organs after they die for the purpose of medical treatment of other persons or scientific research.

The donation and use of corpses, body organs of dead persons shall comply with the provisions of law.

Article 35.- The right to receive body organs

Individuals shall have the right to receive body organs of other persons for their medical treatment.

It is strictly forbidden to receive and use body organs of other persons for commercial purposes.

Article 36.- The right to re-determination of gender

Individuals shall have the right to the re-determination of their gender.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The re-determination of gender shall comply with the provisions of law.

Article 37.- The right to protection of honor, dignity and prestige

Individuals' honor, dignity and prestige shall be respected and protected by law.

Article 38.- The right to personal secrets

1. An individual's rights to personal secrets shall be respected and protected by law.

2. The collection and publication of information and materials on the private life of an individual must be consented by that person; in cases where that person has died, lost his civil act capacity or is under full fifteen years, the consent of his/her father, mother, wife, husband, adult children or representative is required, except for cases where the collection and publication of information and materials are made by decision of a competent agency or organization.

3. Letters, telephones, telegrams, other forms of electronic information of individuals shall be safely and confidentially guaranteed.

The inspection of an individual's letters, telephones, telegrams and/or other forms of electronic information may be performed only in cases where it is so provided for by law and decided by competent state agencies.

Article 39.- The right to marriage

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The freedom of marriage between persons belonging to different ethnicities and/or religions, between religious and non-religious persons and between Vietnamese citizens and foreigners shall be respected and protected by law.

Article 40.- The right to equality between husband and wife

Husband and wife are equal to each other, shall have the same rights and obligations in all respects in family and in civil relations and shall together build a plentiful, equitable, progressive, happy and lasting family.

Article 41.- The right to enjoy mutual care among family members

The members of a family shall have the right to enjoy mutual care and assistance in accordance with the fine moral traditions of the Vietnamese family.

Children and grandchildren who are minors shall benefit from the care and upbringing of the mother, father and grandparents; children and grand-children shall have the duty to respect, care for and support their parents and grandparents.

Article 42.- The right to divorce

A wife or husband or both the wife and the husband shall have the right to request the Court to solve their divorce.

Article 43.- The right to recognize or not to recognize a father, mother or child

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. A person who is recognized as a father, mother or child of another person shall have the right to request a competent state agency to determine him/her as not being father, mother or child of that person.

Article 44.- The right to adopt a child and the right to be accepted as an adoptive child

An individual's right to adopt a child and right to be accepted as an adoptive child shall be recognized and protected by law.

The adoption of a child and the process of being accepted as an adoptive child shall comply with the provisions of law.

Article 45.- The right to citizenship

An individual shall have the right to have a citizenship.

The recognition of, change to, the naturalization or relinquishment of the Vietnamese citizenship shall comply with the provisions of law on citizenship.

Article 46.- The inviolable right to place of residence

Individuals shall have the inviolable right to their places of residence.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The search of a place of residence of a person shall be performed only in cases where it is so provided for by law and where there is a warrant from a competent state agency; the search must comply with the order and procedures specified by law.

Article 47.- The right to freedom of belief and religion

1. Individuals shall have the right to freedom of belief and religion, and to adhere to or not to adhere to a religion.

2. No one may infringe upon the freedom of belief and religion, or abuse beliefs or religions to infringe upon State interests, public interests or legitimate rights and interests of other persons.

Article 48.- The right to freedom of movement, freedom of residence

1. Individuals shall have the right to freedom of travel and freedom of residence.

2. An individual's freedom of travel and/or freedom of residence may be restricted only by decision of a competent state agency and in accordance with the order and procedures specified by law.

Article 49.- The right to work

Individuals shall have the right to work.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 50.- The right to freedom of business

Individuals' right to freedom of business shall be respected and protected by law.

Individuals shall have the right to choose the forms, areas and lines of business, to establish enterprises, to freely enter into contracts and hire labor, and other rights in accordance with the provisions of law.

Article 51.- The right to freedom of research, creation

1. Individuals shall have the right to freedom of scientific and technical research, inventions, innovations to improve techniques and rationalize production; the right to literary and art creation and critique, and to participation in other activities of research and/or creation.

2. The right to freedom of research and/or creation shall be respected and protected by law. No one shall have the right to hinder or restrict an individual's right to freedom of research and creation.

Section 3. PLACE OF RESIDENCE

Article 52.- Place of residence

1. The place of residence of an individual is the place where such person permanently lives.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 53.- Place of residence of minors

1. The place of residence of a minor is the place of residence of his/her parents; if the parents have separate places of residence, the place of residence of the minor shall be the place of residence of the father or mother with whom the minor permanently lives.

2. A minor may have a place of residence separate from the place of residence of his/her father and mother, if it is so agreed by his/her parents or so provided for by law.

Article 54.- Place of residence of wards

1. The place of residence of a ward is the place of residence of his/her guardian.

2. A ward may have a place of residence separate from the place of residence of his/her guardian, if it is so agreed by the guardian or so provided for by law.

Article 55.- Place of residence of husband and wife

1. The place of residence of a husband and a wife is the place where the husband and the wife permanently live together.

2. A husband and a wife may have separate places of residence, if they so agree upon.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. The place of residence of military personnel currently performing his/her military obligations is the place where the military personnel's unit is stationed.

2. The place of residence of an army officer, professional military personnel, defense worker or official is the place where his/her unit is stationed, except in cases where he/she has a place of residence as specified in Clause 1, Article 52 of this Code.

Article 57.- Place of residence of persons performing itinerant occupations

The place of residence of a person performing an itinerant occupation on a ship, boat or other means for itinerant work is the place of registration of such ship, boat or means, except for cases where he/she has a place of residence specified in Clause 1, Article 52 of this Code.

Section 4. GUARDIANSHIP

Article 58.- Guardianship

1. Guardianship is a task whereby an individual or organization (hereinafter referred collectively to as guardian) is required by law or appointed to take care of and protect legitimate rights and interests of a minor or a person who has lost his/her civil act capacity (hereinafter referred collectively to as ward).

2. Wards include:

a/ Minors who have lost their mothers and fathers, whose parents are unidentifiable, or whose parents have both lost their civil act capacity or have had their capacity for civil acts restricted, whose parents have had their parental rights restricted by the Court, or whose parents are still alive but have no conditions to take care of and to educate such minors, and if their parents so request;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. Persons who are under full fifteen years old as provided for at Point a, Clause 2 of this Article and persons defined at Point b, Clause 2 of this Article must have guardians.

4. A person may be a guardian for more than one person, but a person may be a ward of only one guardian, except in cases where the guardian is his/her father, mother or grandfather, grand-mother as specified in Clause 2 of Article 61 or Clause 3 of Article 62 of this Code.

Article 59.- Supervision of guardianship

1. The next of kin of wards shall have the responsibility to appoint their representatives to supervise the guardianship in order to monitor, urge, inspect the guardians in the performance of their guardianship, consider and settle in time the guardians' proposals and/or petitions related to the guardianship.

The wards' next of kin are their spouses, parents, children; if none of these people is available, the wards' next of kin shall be their grandparents, siblings; if none of these persons is available, the wards' next of kin shall be their uncles and ants.

2. In cases where a ward has none of his/her next of kin or his/her next of kin cannot nominate any one to supervise the guardianship as provided for in Clause 1 of this Article, the People's Committee of the commune, ward, or district township where the guardian resides shall appoint a person to supervise the guardianship.

3. The persons who supervise the guardianship must be those who have full civil act capacity.

Article 60.- Requirements for individuals to be guardians

Persons who meet all of the following requirements may act as guardians:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Having good virtues; being not examined for penal liability or having had their criminal records written off after having been sentenced for one of the crimes of intentionally infringing upon the life, health, honor, dignity or property of other persons;

3. Having necessary conditions to ensure the performance of the guardianship.

Article 61.- The natural guardian of a minor

The natural guardian of a minor who has lost both his/her mother and father, whose parents are unidentifiable, or whose parents have both lost their civil act capacity or have had their civil act capacity restricted, whose parents have had their parental rights restricted by the Court, or whose parents do not have conditions to take care of and to educate the minor, and if the parents so request, shall be determined as follows:

1. In cases where it is not otherwise agreed upon by the biological siblings, the eldest brother or sister shall be the guardian for his/her younger siblings who are minors; if the eldest brother or sister does not fully meet the conditions for being a guardian, the next eldest brother or sister shall be the guardian;

2. In cases where there are no biological siblings or where the biological siblings do not fully meet the requirements to be a guardian, the paternal grandfather, grandmother or the maternal grandfather, grandmother shall be the guardian; if none of these persons fully meet the conditions to be a guardian, the uncle or ant of that person shall be the guardian.

Article 62.- The natural guardian of a person who has lost his/her civil act capacity

1. In cases where the wife has lost her civil act capacity, her husband shall be her guardian; if the husband has lost his civil act capacity, his wife shall be his guardian.

2. In cases where the father and mother have both lost their civil act capacity or where either of them has lost the civil act capacity while the other does not fully meet the requirements to be a guardian, the eldest child shall be the guardian; if the eldest child does not fully meet the requirements to be a guardian, the next eldest child shall be the guardian.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 63.- Appointment of a guardian

In cases where a minor or a person who has lost his/her civil act capacity does not have a natural guardian as provided for in Article 61 and Article 62 of this Code, the People's Committee of the commune, ward or district township where the ward resides shall have the responsibility to appoint a guardian or propose an organization to assume the guardianship.

Article 64.- Procedures for appointing a guardian

1. The appointment of a guardian must be made in writing, clearly stating the reason for appointing the guardian, the specific rights and obligations of the guardian and the status of the ward's property.

2. The appointment of a guardian must be consented by the person who is appointed to be a guardian.

Article 65.- Obligations of guardians towards wards aged under full fifteen years

The guardian of a person aged under full fifteen years shall have the following obligations:

1. To take care of and educate the ward;

2. To represent the ward in civil transactions, except where it is provided for by law that wards aged under full fifteen years can establish and perform civil transactions by themselves;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4. To protect legitimate rights and interests of the ward.

Article 66.- Obligations of guardians towards wards aged between full fifteen years and under full eighteen years

The guardian of a person aged between full fifteen years and under full eighteen years shall have the following obligations:

1. To represent the ward in civil transactions, except where it is provided for by law that wards who are aged between full fifteen years and under full eighteen years can establish and perform civil transactions by themselves;

2. To manage the property of the ward;

3. To protect legitimate rights and interests of the ward.

Article 67.- Obligations of guardians towards wards who have lost their civil act capacity

The guardian of a person who has lost his/her civil act capacity shall have the following obligations:

1. To take care of and ensure the medical treatment for the ward;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. To manage the property of the ward;

4. To protect legitimate rights and interests of the ward.

Article 68.- Rights of guardians

A guardian shall have the following rights:

1. To use the property of the ward in order to take care of and pay for the needs of the ward;

2. To be paid for all expenses necessary for the management of the ward's property;

3. To represent the ward in the establishment and performance of civil transactions in order to protect legitimate rights and interests of the ward.

Article 69.- Management of property of wards

1. Guardians must manage the property of their wards as if it were their own property.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Guardians must not donate the property of their wards to other persons.

3. Civil transactions between guardians and their wards in connection with the latter's property shall be invalid, except for cases where such transactions are performed in the interests of the wards and agreed upon by the guardianship supervisors.

Article 70.- Replacement of guardians

1. A guardian may be replaced in the following cases:

a/ The guardian no longer meets all of the requirements specified in Article 60 of this Code;

b/ The guardian being an individual dies or has been declared missing by the Court or being an organization which has terminated its operation;

c/ The guardian seriously violates a guardian's obligations;

d/ The guardian proposes his/her replacement and another person agrees to assume the guardianship.

2. In case of changing a natural guardian, the persons defined in Article 61 and Article 62 of this Code shall assume the role of a natural guardian; if there is no natural guardian, the appointment of a guardian shall comply with the provisions of Article 63 of this Code.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 71.- Transfer of the guardianship by the appointed guardian

1. Upon the change of an appointed guardian, the person who has performed the guardianship shall have to transfer the guardianship to his/her replacement within fifteen days as from the date a new guardian is found.

2. The transfer of guardianship must be made in writing, clearly stating the reason for the transfer and the status of the ward's property at the time of transfer. The person who appointed the guardian and the person who supervises the guardianship shall witness the transfer of guardianship.

3. In case of change of a guardian for the reason that the guardian being an individual has died, or been declared by the court as having his/her civil act capacity restricted, losing his/her civil act capacity or as missing; or that the guardian being an organization has terminated its operation, the person who appointed the guardian shall make a record thereon, clearly stating the status of the ward's property and the rights and obligations which have arisen in the course of performing the guardianship for transfer to the new guardian to the witness of the guardianship supervisor.

4. The transfer of guardianship must be recognized by the People's Committee of the commune, ward or district township where the new guardian resides.

Article 72.- Termination of guardianship

A guardianship shall be terminated in the following cases:

1. The ward has obtained full civil act capacity;

2. The ward has died;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4. The ward has been adopted.

Article 73.- Consequences of the termination of guardianship

1. When a guardianship is terminated, the guardian must settle up the property with the ward or with the mother and/or father of the ward within three months from the time the guardianship terminates.

In cases where the ward dies, the guardian must settle up the property with the ward's heirs within three months as from the time the guardianship terminates; if the ward's heirs are unidentifiable upon the expiry of such time limit, the guardian shall continue to manage the property of the ward until the property has been settled in accordance with the provisions of law on inheritance and shall notify such to the People's Committee of the commune, ward or district township where the ward resides.

The settlement of property shall be carried out under the supervision of the guardianship supervisors.

2. The rights and obligations arising from civil transactions in the interest of a ward shall be performed by the guardian as follows:

a/ To transfer them to the ward when the ward has obtained full civil act capacity;

b/ To transfer them to the ward's father and/or mother in cases specified in Clause 3 and Clause 4, Article 72 of this Code;

c/ To transfer them to the ward's heir(s) when the ward dies.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 74.- Request for notice of search for persons who are absent from their places of residence and the management of their property

When a person has disappeared for six consecutive months or more, the person with related rights or interests shall have the right to request the Court to issue a notice of search for the person absent from his/her place of residence under the provisions of civil procedure law and may request the Court to apply measures for management of the property of the absent person in accordance with the provisions of Article 75 of this Code.

Article 75.- Management of the property of a person who is absent from his/her place of residence

1. At the request of the person with related rights or interests, the Court shall hand over the property of a person absent from his/her place of residence to one of the following persons for management:

a/ The person who has been authorized by the absent person to manage the latter's property shall continue to manage such property;

b/ For a common property, the remaining co-owner(s) shall manage such property;

c/ The property being currently managed by the wife or the husband shall continue to be managed by the wife or the husband; if the wife or the husband dies or loses her/his civil act capacity or has her/his civil act capacity restricted, a child who has attained adulthood or the father and/or mother of the absent person shall manage the latter's property.

2. In cases where there are none of the persons defined in Clause 1 of this Article, the Court shall appoint a person among the next of kin of the absent person to manage his/her property; if the absent person does not have any next of kin, the Court shall appoint another person to manage the property.

Article 76.- Duties of the persons managing the property of persons absent from their places of residence

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. To keep and preserve the property of the absent persons as if it were their own property;

2. To immediately sell the property being subsidiary food crops or other products being in danger of decay;

3. To perform the absent persons' obligations to support their dependents and/or to pay due debts with such persons' property under the Court's decisions;

4. To hand back the property to the absent persons upon their return and to notify the Court thereof; if they are at fault in the management of property thereby causing damage, they must pay compensations therefor.

Article 77.- Rights of the persons managing the property of persons absent from their places of residence

The persons managing the property of persons absent from their places of residence shall have the following rights:

1. To manage the property of the absent persons;

2. To deduct a portion from the property of the absent persons in order to perform the latter's obligations to support their dependents and/or obligations to pay due debts;

3. To be paid for all expenses necessary for the management of the property.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. When a person has disappeared for two consecutive years or more and there is no reliable information on whether such person is still alive or dead even though notification and search measures have been fully applied in accordance with the civil procedure law, the Court may, at the request of a person with related rights or interests, declare such person missing. The two-year time limit shall be counted from the date the last information on such person is obtained; if the date of the last information cannot be determined, this time limit shall be counted from the first day of the month following the month when the last information is received; if the date and month of the last information cannot be determined, this time limit shall be counted from the first day of the year following the year when the last information is received.

2. In cases where the wife or the husband of a person who has been declared missing files for a divorce, the Court shall grant the divorce.

Article 79.- Management of the property of persons who have been declared missing

The persons currently managing the property of the persons who are absent from their places of residence as provided for in Clause 1, Article 75 of this Code shall continue to manage the property of such persons when they are declared missing by the Court and have the rights and duties specified in Article 76 and Article 77 of this Code.

In cases where a Court has resolved to permit the wife or the husband of the person who has been declared missing to divorce, the property of the missing person shall be handed over to the child(ren) who has/have attained adulthood or to the mother and/or father of the missing person for management; if there is no such person, the property shall be handed over to the next of kin of the missing person for management; if there is no next of kin, the Court shall appoint another person to manage the property.

Article 80.- Annulment of the decision declaring a person missing

1. When a person who has been declared missing returns or when there is reliable information that such person is still alive, the Court shall, at the request of such person or a person with related rights or interests, issue a decision to annul the decision declaring a person missing.

2. A person who has been declared missing shall, upon his/her return, be permitted to take back his/her property handed to him/her by the property manager after paying the management expenses.

3. In cases where the wife or the husband of a person who has been declared missing has been granted a divorce, the decision permitting the divorce shall still be legally effective, despite the return of the person who has been declared missing or the reliable information that such person is still alive.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. A person with related rights or interests may request the Court to issue a decision declaring that a person is dead in the following cases:

a/ After three years as from the date the Court's decision declaring a person missing takes legal effect there is still no reliable information that such person is alive;

b/ The person has disappeared during a war and five years from the end of the war, there is still no reliable information that such person is alive;

c/ The person was hit by an accident, catastrophe or a natural disaster and one year from the end of such accident, catastrophe or natural disaster, there is still no reliable information that such person is alive, unless otherwise provided for by law;

d/ The person has disappeared for five consecutive years or more and there is no reliable information that such person is still alive; this time limit shall be counted in accordance with the provisions of Clause 1, Article 78 of this Code.

2. The Court shall, on a case-by-case basis, determine the date of death of a person who has been declared dead, based on the cases specified in Clause 1 of this Article.

Article 82.- Personal relations and property relations of persons who have been declared dead by the Court

1. When a decision of the Court declaring that a person is dead becomes legally effective, all marriage and family relations and other personal relations of such person shall be resolved as if a person had died.

2. The property relations of a person whom the Court has declared dead shall be resolved as if such person had died; the property of such person shall be settled in accordance with the law on inheritance.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. When a person who has been declared dead returns or when there is reliable information that such person is still alive, the Court shall, at the request of such person or of a person with related rights or interests, issue a decision to annul the decision which declared that such person was dead.

2. The personal relations of the person who has been declared dead shall be restored when the Court issues a decision to annul the decision which declared that such person was dead, except for the following cases:

a/ Where the wife or the husband of the person who has been declared dead was permitted by the Court for her or his divorce in accordance with the provisions of Clause 2, Article 78 of this Code, the decision permitting the divorce shall remain legally effective;

b/ Where the wife or the husband of the person who has been declared dead has married another person, such marriage shall remain legally effective.

3. A person who has been declared dead but is still alive shall have the right to demand that the persons who received his/her inheritance to return the property that still remains.

In cases where the heir of a person whom the Court has declared dead is aware that such person is still alive, but deliberately conceals such for the purpose of enjoying the inheritance, he/she must return the entire property which he/she has received, including yields and profits; if causing damage, he/she must pay compensation therefor.

Chapter IV

LEGAL PERSONS

Section 1. GENERAL PROVISIONS ON LEGAL PERSONS

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



An organization shall be recognized as a legal person when it meets all the following conditions:

1. Being established lawfully;

2. Having a well-organized structure;

3. Possessing property independent from that of individuals and other organizations, and bearing its own liability with such property;

4. Independently entering into legal relations in its own name.

Article 85.- Establishment of legal persons

A legal person may be established on the initiative of an individual or an organization, or under a decision of a competent state agency.

Article 86.- The civil legal capacity of legal persons

1. The civil legal capacity of a legal person is its capability to have civil rights and obligations consistent with the purpose of its operation.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. The representative at law or the authorized representative of a legal person shall act in the name of the legal person in civil relations.

Article 87.- The name of a legal person

1. A legal person must have its own name in the Vietnamese language, which shall clearly indicate the legal person's organizational form and distinguish it from other legal persons operating in the same domain.

2. A legal person must use its own name in civil transactions.

3. The name of a legal person shall be recognized and protected by law.

Article 88.- The charter of a legal person

1. In cases where it is provided for by law that a legal person must have a charter, the charter of the legal person must be approved by the founding members or the members' congress; the charter of the legal person must be recognized by a competent state agency, if it is so provided for by law.

2. The charter of a legal person shall have the following principal contents:

a/ Name of the legal person;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c/ Its head-office;

d/ Its charter capital, if any;

e/ Its organizational structure, the procedures for nomination, election, appointment, relief from office and dismissal; duties and powers of the positions in the managing body and other bodies;

f/ Rights and obligations of the members;

g/ Procedures for amending and supplementing the charter;

h/ Conditions for consolidating, merging, dividing, separating or dissolving the legal person.

3. Amendments and supplements to the charter of a legal person must be recognized by a competent state agency, if it is so provided for by law.

Article 89.- The managing body of a legal person

1. A legal person must have its managing body.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 90.- The head-office of a legal person

The head-office of a legal person is the place where its managing body is located.

The contact address of a legal person shall be the address of its head-office. The legal person may select another place as its contact address.

Article 91.- The representative of a legal person

1. The representative of a legal person may be a representative at law or an authorized representative. The representative of a legal person must abide by the provisions on represen-tation in Chapter VII, Part One of this Code.

2. The representative at law of a legal person shall be provided in the legal person's charter or the decision on the establishment of the legal person.

Article 92.- Representative offices and branches of legal persons

1. Legal persons may establish representative offices and/or branches at places other than their head- offices.

2. Representative offices are dependent units of legal persons, having the tasks of representing under authorization the interests of the legal persons and protecting such interests.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4. Representative offices and branches are not legal persons. The heads of representative offices or branches shall perform tasks under authorization of their legal persons within the authorization scope and duration.

5. Legal persons shall have civil rights and obligations arising from civil transactions established and performed by their representative offices and/or branches.

Article 93.- Civil liability of legal persons

1. A legal person shall bear civil liability for the exercise of its civil rights and performance of its civil obligations established and performed by its representative in the name of the legal person.

2. A legal person shall bear civil liability with its own property; shall not bear civil liability for its members with respect to civil obligations established and performed by such members not in the name of the legal person.

3. Members of a legal person shall not bear civil liability for the legal person with respect to civil obligations estab-lished and performed by the legal person.

Article 94.- Consolidation of legal persons

1. Legal persons of the same type may consolidate with one another to form a new legal person under the provisions of the charters, the agreement among such legal persons or under the decision of a competent state agency.

2. After the consolidation, the former legal persons shall terminate; the civil rights and obligations of such legal persons shall be transferred to the new legal person.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. A legal person may be merged (hereinafter referred to as the merged legal person) into another legal person of the same type (hereinafter referred to as the merging legal person) under the provisions of the charter, the agreement among such legal persons or under the decision of a competent state agency.

2. After the merger, the merged legal person shall terminate; the civil rights and obligations of such legal person shall be transferred to the merging legal person.

Article 96.- Division of legal persons

1. A legal person may be divided into many legal persons under the provisions of its charter or the decision of a competent state agency.

2. After division, the divided legal person shall terminate; the civil rights and obligations of such legal person shall be transferred to the new legal persons.

Article 97.- Separation of legal persons

1. A legal person may be separated into many legal persons under the provisions of its charter or the decision of a competent state agency.

2. After separation, the separated legal person and the separating legal persons shall perform their rights and obligations in accordance with the purposes of their respective operations.

Article 98.- Dissolution of legal persons

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ Under the provisions of its charter;

b/ By the decision of a competent state agency;

c/ Upon the expiration of the term of operation stated in its charter or in the decision of a competent state agency.

2. Before being dissolved, a legal person must fulfill its property obligations.

Article 99.- Termination of legal persons

1. A legal person shall terminate in the following cases:

a/ Being consolidated, merged, divided or dissolved under the provisions of Articles 94, 95, 96 and 98 of this Code;

b/ Being declared bankrupt under the provisions of law on bankruptcy.

2. A legal person shall terminate from the time its name is deleted from the legal person register or from the time determined in the decision of a competent state agency.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Section 2. TYPES OF LEGAL PERSON

Article 100.- Types of legal person

1. State agencies, units of the armed forces;

2. Political organizations, socio-political organizations;

3. Economic organizations;

4. Socio- political and professional organizations; social organizations, socio-professional organizations

5. Social funds, charity funds;

6. Other organizations which meet all the conditions specified in Article 84 of this Code.

Article 101.- Legal persons being state agencies or armed force units

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. State agencies or armed force units shall bear civil liability related to the performance of their functions and tasks with funds allocated from the State budget.

3. In cases where state agencies or armed force units engage in activities generating revenues in accordance with the provisions of law, they shall bear civil liability for revenue-generating activities with the property obtained from such activities.

Article 102.- Legal persons being political organizations or socio-political organizations

1. Political organizations or socio-political organizations, which manage, use or dispose of property under their respective ownership for the purpose of achieving the political or social objec-tives in accordance with their respective charters, shall be legal persons when participating in civil relations.

2. The property of a political organization or socio-political organization cannot be divided to its members.

3. Political organizations or socio-political organizations shall bear civil liability with their own property, except those, which, according to the provisions of law, cannot be used for bearing civil liability.

Article 103.- Legal persons being economic organizations

1. State enterprises, co-operatives, limited liability companies, joint-stock companies, foreign-invested enterprises and other economic organizations which meet all the conditions stipulated in Article 84 of this Code shall be legal persons.

2. Economic organizations must have their own charters.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 104.- Legal persons being socio-political and professional organizations, social organizations or socio-professional organizations

1. Socio-political and professional organizations, social organizations or socio-professional organizations, which are permitted to be established and have their charters recognized by competent state agencies, and have members being individuals or organizations that voluntarily contribute property or membership fees with a view to serving the purposes of the organizations and the common needs of the members, shall be legal persons when participating in civil relations.

2. Socio-political and professional organizations, social organizations or socio-professional organizations shall bear civil liability with their own property.

3. Where socio-political and professional organizations, social organizations or socio-professional organizations terminate their operation, their property must not be divided to their members but be settled according to the provisions of law.

Article 105.- Legal persons being social funds or charity funds

1. Social funds or charity funds, which are permitted to be established and have their charters recognized by competent state agencies and operate for the purpose of promoting cultural and/or scientific development, charity and other social and humanitarian purposes, which do not aim to gain profits, shall be legal persons when participating in civil relations.

2. The property of the social funds or charity funds shall be managed, used and disposed of in accordance with the provisions of law and in conformity with such funds' operation purposes specified by their respective charters.

3. Social funds and charity funds shall be permitted to carry out only activities stipulated in their respective charters recognized by competent state agencies and within the limit of their property and must bear civil liability with such property.

4. The organization which estab-lishes a social fund or a charity fund shall not bear civil liability with the property under its ownership for the activities of the fund and must not divide up the property of the fund in the course of the fund's operation.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Chapter V

FAMILY HOUSEHOLDS AND COOPERATIVE GROUPS

Section 1. FAMILY HOUSEHOLDS

Article 106.- Family households

Family households in which members have common property and jointly contribute their efforts and labor to their common economic activities in agricultural, forestry or fishery produc-tion or in a number of other production and/or business domains defined by law shall be subjects when participating in civil relations in such domains.

Article 107.- Representatives of family households

1. The head of a family household shall be the representative of the household in civil transactions for the common interests of the household. The father, mother or another adult member may be the head of the household.

The head of a family household may authorize another adult member to represent the household in civil relations.

2. Civil transactions established and performed in the common interest of a family household by the representative of the household shall give rise to the rights and obligations of the entire family households.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The common property of a family household shall comprise land use rights, the forest and/or planted forest use rights of the family household, the property contributed or jointly created by household members or presented as a common gift, or jointly inherited and other property which the members agree to be the common property of the household.

Article 109.- Possession, use, disposal of the common property of family households

1. Family household members shall possess and use the common property of their households by mode of agreement.

2. The disposal of property being means of production, common property of great value of family households must be agreed upon by members aged full fifteen years or older; for other common property, the disposal thereof must be agreed upon by the majority of members aged full fifteen years or older.

Article 110.- Civil liability of family households

1. Family households must bear civil liability for the exercise of civil rights and the performance of civil obligations, which are established and performed in the name of the family households by their respective representatives.

2. Family households shall bear civil liability with their common property; if the common property is insufficient to fulfill their respective common obligations, their members must bear joint liability with their own property.

Section 2. COOPERATIVE GROUPS

Article 111.- Cooperative groups

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Cooperative groups, which meet all the conditions to become legal persons in accordance with the provisions of law, shall register their activities in the capacity of legal persons at competent state agencies.

2. A cooperation contract shall have the following principal contents:

a/ The purpose and term of the cooperation contract;

b/ The full names and places of residence of the head and other members of the group;

c/ The levels of property contribution, if any; the mode of distributing the yields and profits among the group members;

d/ The rights, obligations and responsibilities of the head and the members of the group;

e/ The conditions for accepting new group members or leaving the cooperative group;

f/ The conditions for terminating the cooperative group;

g/ Other agreements.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Cooperative group members shall be individuals who are full eighteen years or older and have full civil act capacity.

Cooperative groups shall have the right to enter into labor contracts with persons who are not their members to perform certain tasks.

Article 113.- Representatives of cooperative groups

1. The representatives of cooperative groups in civil transactions shall be their heads appointed by the group members.

The heads of cooperative groups may authorize group members to perform certain tasks necessary for the groups.

2. Civil transactions established and performed by the representatives of cooperative groups for the purpose of the groups' operations under decisions of a majority of the group members shall give rise to the rights and obligations of the entire cooperative groups.

Article 114.- Property of cooperative groups

1. The property contributed or jointly created by group members and the property donated to the whole groups shall be the common property of such cooperative groups.

2. The group members shall manage and use the property of the cooperative groups in accordance with the agreed mode.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 115.- Obligations of group members

Group members shall have the following obligations:

1. To implement cooperation on the principles of equality, mutual benefit, mutual assistance and assurance of the common interests of the cooperative group;

2. To compensate for damage caused to their cooperative group as a result of their own fault.

Article 116.- Rights of group members

Group members shall have the following rights:

1. To enjoy yields and profits gained from the operations of their cooperative group as agreed upon;

2. To participate in deciding on matters relevant to the operations of their cooperative group and in inspecting the operations of the cooperative group.

Article 117.- Civil liability of cooperative groups

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Cooperative groups shall bear civil liability with their common property; if the common property is insufficient to perform their common obligations, their group members must jointly bear civil liability with their own property proportional to their respective contributions.

Article 118.- Acceptance of new group members

Cooperative groups may accept new group members, if so consented by a majority of the group members, unless otherwise agreed upon.

Article 119.- Leaving cooperative groups

1. Group members shall have the right to leave their cooperative groups under the agreed conditions.

2. Group members leaving their cooperative groups shall have the right to request the return of the property which they have contributed to the cooperative groups and to be distributed their share of the property in the common property and must discharge their obligations towards the cooperative groups as agreed upon; if the distribution of property in kind affects the continuation of the groups' operation, the property shall be valued in money for distribution.

Article 120.- Termination of cooperative groups

1. A cooperative group shall terminate in the following cases:

a/ Upon the expiry of the term stated in the cooperation contract;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c/ The group members agree to terminate the cooperative group.

In case of termination, cooperative groups must report thereon to the commune/ward/township People's Committees which authenticated the cooperation contracts.

2. Cooperative groups shall terminate under decisions of competent state agencies in cases specified by law.

3. Upon their termination, cooperative groups must settle their debts; if the common property is insufficient to repay the debts, the group members' own property must be used for the settlement in accordance with the provisions of Article 117 of this Code.

In cases where all debts have been repaid and the group is still left with common property, such property shall be divided to the group members in proportion to each person's contribution, unless otherwise agreed upon.

Chapter VI

CIVIL TRANSACTIONS

Article 121.- Civil transactions

A civil transaction is a contract or unilateral legal act which gives rise to, changes or terminates civil rights and/or obligations.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. A civil transaction shall be effective when it meets all the following conditions:

a/ The persons participating in the transaction have the civil act capacity;

b/ The purpose and contents of the transaction do not violate prohibitory provisions of law and are not contrary to social ethics;

c/ The persons participating in the civil transaction act completely voluntarily;

2. The forms of civil transactions shall be the conditions for such transactions to be effective in cases where it is so provided for by law.

Article 123.- Objectives of civil transactions

The objectives of civil transactions are legitimate interests which the parties wish to obtain when establishing such transactions.

Article 124.- Forms of civil transactions

1. A civil transaction shall be expressed verbally, in writing, or through specific acts.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. In cases where it is provided for by law that a civil transaction must be expressed in writing, notarized, authenticated, registered or permitted, such provisions must be complied with.

Article 125.- Conditional civil transactions

1. In cases where the parties have agreed on the conditions which shall give rise to or cancel a civil transaction, the civil transaction shall arise or be cancelled upon the occurrence of such conditions.

2. In cases where the conditions which give rise to or cancel a civil transaction cannot occur due to the act of intentional hindrance of one party or a third person, such conditions shall be considered having occurred; if one party or a third person exerts impacts to deliberately promote the occurrence of conditions so as to give rise to or cancel the civil transaction, such conditions shall be considered having not occurred.

Article 126.- Interpretation of civil transactions

1. In cases where a civil transaction may be understood in different ways, such transaction must be interpreted in the following order:

a/ According to the true aspirations of the parties when the transaction is established;

b/ According to the meaning consistent with the objective of the transaction;

c/ According to the practices of the locality where the transaction is established.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 127.- Invalid civil transactions

Civil transactions which fail to satisfy one of the conditions specified in Article 122 of this Code shall be invalid.

Article 128.- Civil transactions which are invalid due to violation of prohibitory provisions of law or contravention of social ethics

Civil transactions with purposes and contents violating prohibitory provisions of law or contravening social ethics shall be invalid.

Prohibitory provisions of law mean the provisions of law which do not permit subjects to perform certain acts.

Social ethics are common standards of conduct among people in social life, which are recognized and respected by the community.

Article 129.- Civil transactions invalid due to falsity

When the parties falsely establish a civil transaction in order to conceal another transaction, the false transaction shall be invalid and the concealed transaction remains valid, except in cases where it is also invalid under the provisions of this Code;

In cases where a false transaction is established with a view to shirking the responsibility toward a third person, such transaction shall also be invalid.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



When a civil transaction is established or performed by a minor or by a person who has lost his/her civil act capacity or whose civil act capacity is restricted, the Court shall, at the request of the representative of that person, declare such transaction invalid, if it is provided for by law that such transaction must be established and performed by the representative of that person.

Article 131.- Civil transactions invalid due to mistakes

When a party has established a transaction due to its misunderstanding of the contents of the transaction due to unintentional mistakes made by the other party, it shall have the right to request the other party to change the contents of such transaction; if the other party does not accept such request, the mistaken party shall have the right to request the Court to declare the transaction invalid.

The cases where a party has intentionally made mistakes, thus making the other party misunderstand the contents of the transaction shall be settled in accordance with the provisions of Article 132 of this Code.

Article 132.- Civil transactions invalid due to deception or intimidation

When a party participates in a civil transaction due to being deceived or intimidated, it shall have the right to request the Court to declare such civil transaction invalid.

Deception in a civil transaction means an intentional act of a party or a third person, aiming to induce the other party to misunderstand the subject, the nature of the object or the content of the civil transaction and thus to agree to enter into such transaction.

Intimidation in a civil transaction means an intentional act of a party or a third person, thus compelling the other party to perform the civil transaction in order to avoid damage to the life, health, honor, reputation, dignity and/or property of his/her own or of his/her father, mother, wife, husband or children.

Article 133.- Civil transactions invalid due to establishment by persons incapable of being aware of and controlling their acts

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 134.- Civil transactions invalid due to non-compliance with the prescribed forms

In cases where it is provided for by law that the forms of civil transactions are conditions for civil transactions to be valid but the parties fail to comply therewith, the Court or another competent state agency shall, at the request of one or all of the parties, compel the parties to comply with the provisions on forms of transactions within a given period of time; past that time limit, if they still fail to comply with such provisions, the transactions shall be invalid.

Article 135.- Partially invalid civil transactions

A civil transaction shall be partially invalid when one part of the transaction is invalid, provided that such part does not affect the validity of the remaining parts of the transaction.

Article 136.- The statute of limitations for requesting the Court to declare a civil transaction invalid

1. The statute of limitations for requesting the Court to declare a civil transaction invalid as specified in Articles 130 thru 134 of this Code shall be two years, counting from the date the civil transaction is established.

2. For civil transactions specified in Articles 128 and 129 of this Code, the statute of limitations for requesting the Court to declare such civil transactions invalid shall not be restricted.

Article 137.- Legal consequences of invalid civil transactions

1. Invalid civil transactions shall not give rise to, change or terminate any civil rights and obligations of the parties from the time of establishment thereof.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 138.- Protection of the interests of a bona fide third party when a civil transaction is invalid

1. In cases where a civil transaction is invalid but the transacted property being a moveable not subject to ownership registration has already been transferred to a bona fide third party through another transaction, the transaction with the third party shall still be valid, except for the case specified in Article 257 of this Code.

2. In cases where the transacted property being an immoveable or a moveable subject to ownership registration has already been transferred to a bona fide third party through another transaction, the transaction with the third party shall be invalid, except for cases the bona fide third party receives such property through auction or transaction with a person who, under court judgment or decision of a competent state agency, was the owner of the property, but later is not the owner of the property as the court judgment or decision is cancelled or modified.

Chapter VII

REPRESENTATION

Article 139.- Representation

1. Representation is the act of a person (hereinafter referred to as the representative) to establish and perform a civil transaction in the name and interests of another person (hereinafter referred to as the represented person) within the scope of representation.

2. Individuals, legal persons or other subjects may establish and/or perform civil transactions through their representatives. Individuals must not allow other persons to represent them, if the law provides that they must establish and perform the transactions themselves.

3. Representation relations shall be established under law or under authorization.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



5. The representatives must have full civil act capacity, except for the cases specified in Clause 2, Article 143 of this Code.

Article 140.- Representation at law

Representation at law is the representation provided for by law or decided by a competent state agency.

Article 141.- Representatives at law

Representatives at law shall include:

1. Fathers and/or mothers with respect to children who are minors;

2. Guardians with respect to wards;

3. Persons appointed by the Court with respect to persons with a restricted capacity for civil acts;

4. Heads of legal persons as prescribed by the charters of the legal persons or decided by competent state agencies;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



6. Heads of cooperative groups with respect to cooperative groups;

7. Other persons as specified by law.

Article 142.- Representation under authorization

1. Representation under authorization is the representation established under an authorization between the representative and the represented person.

2. Forms of authorization shall be agreed upon by the parties, except for cases where it is provided for by law that authorization must be made in writing.

Article 143.- Representatives under authorization

1. Individuals, representatives at law of legal persons may authorize other persons to establish and/or perform civil transactions.

2. Persons aged between full fifteen years and under eighteen years may be representatives under authorization, except for cases where it is provided for by law that civil transactions must be established and/or performed by persons aged full eighteen years or more.

Article 144.- Scope of representation

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. The scope of representation under authorization shall be established in accordance with the authorization.

3. Representatives may only perform civil transactions within the scope of representation.

4. Representatives must inform the third party in civil transactions of the scope of their representation.

5. Representatives must not establish and/or perform civil transactions with themselves or with the third party whom they also represent, unless otherwise provided for by law.

Article 145.- Consequences of civil transactions established and/or performed by persons without the authority of representation

1. Civil transactions established and/or performed by persons without the authority of representation shall not give rise to rights and obligations of the represented persons, except in cases where the representatives or the represented persons give consent thereto. The persons who effected transactions with the persons having no authority of representation must notify such to the represented persons or their representatives in order to get their replies within the prescribed time limit; upon the expiry of such time limit, if no reply is given, such transactions shall not give rise to rights and/or obligations for the represented persons, but the persons having no authority of representation must still fulfill the obligations towards the persons with whom they have effected the transactions, except in cases where such persons knew or should have known about the unauthorized representation.

2. Persons who effected transactions with persons having no authority of representation shall be entitled to unilaterally terminate the performance of, or annul, the established civil transactions and to demand compensation for damage, except in cases where such persons knew or should have known about the unauthorized representation and still effected the transactions.

Article 146.- Consequences of civil transactions established and/or performed ultra vires by representatives

1. Civil transactions established and/or performed ultra vires by representatives shall not give rise to rights and/or obligations of the represented persons for the portions of transactions performed ultra vires, except in cases where the represented persons give consent thereto or know but do not oppose it; if consent is not given, the representatives shall have to fulfill the obligations towards the persons with whom they have effected the transactions for the portions of the civil transaction beyond the scope of their representation.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. In cases where the representatives and the persons involved in the transactions with the representatives intentionally establish and/or perform civil transactions ultra vires, thereby causing damage to the represented persons, the representatives and such persons shall be jointly liable for compensation.

Article 147.- Termination of representation of individuals

1. The representation at law of an individual shall terminate in the following cases:

a/ The represented person has attained adulthood or has had his/her civil act capacity restored;

b/ The represented person dies;

c/ Other cases specified by law.

2. The representation under authorization of individuals shall terminate in the following cases:

a/ The authorization time limit has expired or the authorized work has been completed;

b/ The authorizing persons revoke the authorization, or the authorized persons refuse the authorization;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Upon the termination of the authorized representation, the representatives must fulfill the property obligations towards the represented persons or the heirs of the represented persons.

Article 148.- Termination of representation of legal persons

1. The representation at law of legal persons shall terminate when such legal persons cease to exist.

2. The representation under authorization of legal persons shall terminate in the following cases:

a/ The authorization time limit has expired or the authorized work has been completed;

b/ The representatives at law of the legal persons revoke the authorization or the authorized persons refuse the authorization;

c/ The legal persons cease to exist or the authorized persons die, have been declared by the Court as having lost their civil act capacity, having their civil act capacity restricted, having been missing or dead.

Upon the termination of representation under authorization, the representatives must fulfill the property obligations towards the authorizing legal persons or inheriting legal persons.

Chapter VIII

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 149.- Time limit

1. A time limit is a period of time determined from one point of time to another point of time.

2. A time limit may be determined by the minute, hour, day, week, month, year or by an event which may occur.

Article 150.- Application of the method of calculating a time limit

1. The method of calculating a time limit shall comply with the provisions of this Code, unless otherwise agreed upon or provided for by law.

2. Time limits shall be calculated according to the solar calendar.

Article 151.- Provisions on time limits and the point of time for calculating a time limit

1. In cases where the parties have agreed that the time limit shall be one year, half a year, a month, half a month, a week, a day, an hour or a minute and where the lengths of time do not take place consecutively, such time limit shall be calculated as follows:

a/ One year means 365 days;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c/ One month means 30 days;

d/ Half a month means 15 days;

e/ One week means 7 days;

f/ One day means 24 hours;

g/ One hour means 60 minutes;

h) One minute means 60 seconds.

2. In cases where the parties have agreed on the point of time to be at the beginning of a month, the middle of a month, or the end of a month, such point of time shall be defined as follows:

a/ The beginning of a month is the first day of the month;

b/ The middle of a month is the 15th day of the month;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. In cases where the parties have agreed on the point of time to be at the beginning of a year, the middle of a year, or the end of a year, such point of time shall be defined as follows:

a/ The beginning of a year is the first day of January;

b/ The middle of a year is the last day of June;

c/ The end of a year is the last day of December.

Article 152.- The point of time at which a time limit commences

1. When a time limit is determined by the minute or hour, such time limit shall begin from the pre-determined point of time.

2. When a time limit is determined by the day, week, month or year, the time limit must not be counted from the first day but shall be counted from the day following the determined date.

3. When a time limit begins from the occurrence of an event, the day on which the event occurs shall not be counted, and the time limit shall be counted from the day following the date of occurrence of the event.

Article 153.- The end of a time limit

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. When a time limit is calculated by the week, the time limit shall end at the moment which ends the corresponding day of the last week of the time limit.

3. When a time limit is calculated by the month, the time limit shall end at the point of time which ends the corresponding day of the last month of the time limit; if the month in which the time limit ends does not have a corresponding day, the time limit shall end on the last day of such month.

4. When a time limit is calculated by the year, the time limit shall end at the moment which ends the corresponding day and month of the last year of the time limit.

5. When the last day of a time limit falls on a weekend or a public holiday, the time limit shall end at the moment which ends the working day following such holiday.

6. The point of time which ends the last day of a time limit shall be at exactly twelve o’clock at night on that day.

Chapter IX

STATUTE OF LIMITATIONS

Article 154.- Statute of limitations

A statute of limitations is a time limit specified by law upon the expiration of which a subject may enjoy civil rights, be released from civil obligations or lose the right to initiate a civil lawsuit or the right to request the settlement of civil matters.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. The statute of limitations for enjoying civil rights is the time limit upon the expiration of which the subject shall enjoy civil rights.

2. The statute of limitations for release from civil obligations is the time limit upon the expiration of which the person with the civil obligations shall be released from performing such obligations.

3. The statute of limitations for initiating a lawsuit is the time limit within which a subject shall have the right to initiate a lawsuit in order to request a Court to settle a civil case for the protection of legitimate rights and interests which are infringed upon; after such time limit expires, the right to initiate a lawsuit shall be lost.

4. The statute of limitations for requesting a civil matter is the time limit within which a subject shall have the right to request a Court to settle a civil matter for the protection of legitimate rights and interests of individuals, agencies or organizations, public interests, or the State's interests; after such time limit expires, the requesting right shall be lost.

Article 156.- Method of calculating a statute of limitations

A statute of limitations shall be calculated from the point of time which begins the first day of the statute of limitations and shall end at the point of time which ends the last day of the statute of limitations.

Article 157.- Effectiveness of the statute of limitations for enjoyment of civil rights and for release from civil obligations

1. Where it is provided for by law that a subject may enjoy civil rights or be released from civil obligations under the statute of limitations, such enjoyment of civil rights or release from civil obligations shall take effect only after the statute of limitations ends.

2. The statute of limitations for enjoyment of civil rights shall not be applicable in the following cases:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ The enjoyment of personal rights which are not associated with property.

3. The statute of limitations for release from civil obligations shall not be applicable to the performance of civil obligations towards the State, unless otherwise provided for by law.

Article 158.- Continuity of the statute of limitations for enjoyment of civil rights or for release from civil obligations

1. The statute of limitations for enjoyment of civil rights or for release from civil obligations shall be continuous from its beginning to its expiration; if there is an event which causes an interruption, the statute of limitations must be re-calculated ab initio, after the event which caused the interruption terminates.

2. The statute of limitations for enjoyment of civil rights or for release from civil obligations shall be interrupted upon the occurrence of one of the following events:

a/ There is a resolution from a competent state agency with respect to the civil rights or obligations to which the statute of limitations currently applies;

b/ The civil rights or obligations to which the statute of limitations currently applies are disputed by a person with related rights or obligations.

3. The statute of limitations shall run continuously in cases where the enjoy-ment of civil rights or the release from civil obligations is legally transferred to another person.

Article 159.- Commencement of the statute of limitations for initiating a civil case, the statute of limitations for requesting the settlement of a civil matter

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. The statute of limitations for requesting the settlement of a civil matter shall be counted from the date on which the requesting right arises, unless otherwise provided for by law.

Article 160.- Non-application of the statute of limitations for initiating civil cases

The statute of limitations for initiating civil cases shall not apply in the following cases:

1. Requesting to restitute property under the state ownership;

2. Requesting to protect personal rights which are infringed upon, unless otherwise provided for by law;

3. Other cases specified by law.

Article 161.- A period of time not calculated into the statute of limita-tions for initiating civil cases, the statute of limitations for requesting the settlement of civil matters

A period of time which shall not be calculated into the statute of limitations for initiating a civil case or the statute of limitation for requesting the settlement of a civil matter is a period of time within which one of the following events occurs:

1. A force majeure or an objective hindrance, which renders a subject with the right to initiate a lawsuit or to request unable to exercise this right within the statute of limitations.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Objective hindrances means obstacles created under the impacts of objective circumstances, which render the persons with related civil rights or civil obligations unable to know that their legitimate rights and/or interests have been infringed upon or unable to exercise their civil rights or perform their civil obligations.

2. The unavailability of a representative in cases where the person with the right to initiate a lawsuit or the person with the right to request has not yet attained adulthood, lost his/her civil act capacity or has his/her civil act capacity restricted.

3. The unavailability of a new representative for replacement, or discontinuity of representation for plausible reasons in cases where the representative of a minor or of a person who has lost his/her civil act capacity or has his/her civil act capacity restricted dies.

Article 162.- Re-commencement of the statute of limitations for initiating civil cases

1. The statute of limitations for initiating a civil case shall re-commence in the following cases:

a/ The obligor has acknowledged a part or all of his/her/its obligations towards the person initiating the lawsuit;

b/ The obligor has fulfilled a portion of his/her/its obligations towards the person initiating the lawsuit;

c/ The parties have reconciled with each other.

2. The statute of limitations for initiating a civil case shall re-commence from the date following the date upon which an event specified in Clause 1 of this Article occurs.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



PROPERTY AND OWNERSHIP RIGHTS

Chapter X

GENERAL PROVISIONS

Article 163.- Property

Property comprises tangible things, money, valuable papers and property rights.

Article 164.- Ownership rights

Ownership rights comprise an owner’s rights to possession, to use and to disposition of his/her property in accordance with the provisions of law.

Owners are individuals, legal persons or other subjects, having all three rights which are the right to possession, the right to use and the right to disposition of their property.

Article 165.- The principle for exercising ownership rights

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 166.- Bearing of risks with respect to property

Owners must bear risks when their property is destroyed or damaged due to force majeure events, unless otherwise agreed upon or otherwise provided for by law.

Article 167.- Registration of property ownership rights

Ownership rights to immoveables shall be registered in accordance with the provisions of this Code and the law on registration of immoveables. Ownership rights to moveables must not be registered, unless otherwise provided for by law.

Article 168.- Time of transferring property ownership rights

1. The transfer of ownership rights to immoveables shall take effect from the time of registering the ownership rights, unless otherwise provided for by law.

2. The transfer of ownership rights to moveables shall take effect from the time the moveables are transferred, unless otherwise provided for by law.

Article 169.- Protection of ownership rights

1. Ownership rights of individuals, legal persons or other subjects shall be recognized and protected by law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Owners shall have the right to protect their ownership rights by themselves, to prevent any person from infringing upon their ownership rights, to search for and reclaim the property which has been possessed, used or disposed of by other persons without legal bases.

3. In case of extreme necessity for reasons of national defense, security or national interests, the State shall effect a compulsory purchase or requisition with compensation of the property of individuals, legal persons or other subjects in accordance with the provisions of law.

Article 170.- Bases for establishing ownership rights

Ownership rights to property shall be established in the following cases:

1. Through labor or lawful production and business activities;

2. Ownership rights are transferred under an agreement or a decision of a competent state agency;

3. Yields and profits gained;

4. A new thing created from merger, mixture or processing;

5. Inheritance of property;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



7. Possession of a property without a legal basis but in good faith, continuously and openly in accordance with the statute of limitations specified in Clause 1, Article 247 of this Code;

8. Other cases specified by law.

Article 171.- Bases for termination of ownership rights

Ownership rights shall terminate in the following cases:

1. The owner transfers his/her ownership rights to another person;

2. The owner renounces his/her ownership rights;

3. The property is destroyed;

4. The property is disposed of for the discharge of the owner's obligations;

5. The property is compulsorily purchased;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



7. Where other persons have established their ownership rights under the conditions specified by law of things which have been let drop on the ground or have been left over out of inadvertence; stray domestic animals or poultry or raised aquatic animals which naturally move in; the property over which other persons have established their ownership rights in accordance with the provisions of Clause 1, Article 247 of this Code;

8. Other cases specified by law.

Article 172.- Forms of ownership

On the basis of the regime of ownership by the entire people, collective ownership and private ownership, the forms of ownership shall include state ownership, collective ownership, private ownership, common ownership, ownership by political organizations or socio-political organizations, and ownership by socio-political-professional organizations, social organizations or socio-professional organizations.

Article 173.- Rights of non-owners of property

1. Non-owners of property shall only have the right to possess, use and dispose of the property which is not under their ownership when it is so agreed upon by the owners of such property or provided for by law.

2. The rights of non-owners of property shall include:

a/ Land use rights;

b/ The right to the restricted use of adjacent real estates;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. The transfer of property ownership rights by owners to other persons does not constitute a basis for termination of the property non-owners' rights specified in Clause 2 of this Article.

4. The property non-owners' rights shall be protected under the provisions of Article 261 of this Code.

5. The property non-owners' rights which must be registered shall include land use rights, the right to restricted use of adjacent real estates under agreement and other rights specified by law.

Chapter XI

TYPES OF PROPERTY

Article 174.- Immovables and movables

1. Immovables shall include:

a/ Land;

b/ Houses and constructions annexed to the land, including properties attached to such houses and constructions;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



d/ Other properties specified by law.

2. Movables are properties other than immovables.

Article 175.- Yields and profits

1. Yields are natural products which property generates.

2. Profits are incomes derived from the exploitation of property.

Article 176.- Primary objects and auxiliary objects

1. A primary object is an independent object of which the utility can be exploited according to its functions.

2. An auxiliary object is an object, which directly serves the exploitation of the utility of a primary object, is a part of the primary object but can be separated from the primary object.

When performing an obligation to transfer a primary object, the auxiliary object must also be transfered, unless otherwise agreed upon.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. A divisible object is an object which still retains its original properties and functions when it is divided.

2. An indivisible object is an object which cannot retain its original properties and functions when it is divided.

When an indivisible object needs to be divided, such object must be valued in money for the division.

Article 178.- Expendable objects and non-expendable objects

1. An expendable object is an object which, after having been used once, loses or no longer retains its original properties, shape and functions.

An expendable object cannot be the object of a lease contract or a lending contract.

2. A non-expendable object is an object which still essentially retains its original properties, shape and functions after it has been used many times.

Article 179.- Fungible objects and distinctive objects

1. Fungible objects are objects which have the same shape, properties and functions and which can be determined by units of measurement.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. A distinctive object is an object which is distinguishable from other objects by its own characteristics regarding symbol, shape, color, material, properties or position.

When performing an obligation to transfer a distinctive object, none other than such object must be transferred.

Article 180.- Integrative objects

An integrative object is an object comprising components or parts which fit together and are connected with each other to form a complete whole in which if any component or part is missing, or if the components or parts are not of the right specifications or the same category, it cannot be used or its utility value will be decreased.

When performing the obligation of transfering an integrative object, all the components or parts of the object must be transferred, unless otherwise agreed upon.

Article 181.- Property rights

A property right is a right which can be valued in money and may be transferred in civil transactions, including intellectual property rights.

Chapter XII

CONTENTS OF OWNERSHIP RIGHTS

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 182.- The right to possession

The right to possession is the right to keep and manage the property.

Article 183.- Possession with a legal basis

Possession with a legal basis is the possession of a property in the following cases:

1. The owner possesses the property;

2. A person is authorized by the owner to manage the property;

3. A person to whom the right to possession has been transferred through a civil transaction in accordance with the provisions of law;

4. A person who discovers and keeps derelict property, property with unidentified owners, property which has been let drop on the ground, left over out of inadvertence, buried or sunken in accordance with the conditions specified by law;

5. A person who discovers and keeps stray domestic animals, poultry or raised aquatic animals in accordance with the conditions specified by law;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 184.- Owner's right to possession

In cases where an owner possesses property under his/her ownership, he/she may conduct all acts on his/her own will to keep and manage the property, provided that such acts are not contrary to law or social ethics.

An owner's possession shall not be restricted or interrupted in terms of time, except in cases where he/she transfers the possession to another person or otherwise provided for by law.

Article 185.- The right to posse-ssion of a person who is authorized by the owner to manage the property

1. When an owner authorizes another person to manage his/her property, the authorized person shall exercise the right to possession of such property within the scope and in accordance with the method and time limit specified by the owner.

2. The person authorized to manage a property cannot become owner of the transferred property by virtue of the statute of limitations specified in Clause 1, Article 247 of this Code.

Article 186.- The right to posse-ssion of a person to whom a property is handed over through a civil transaction

1. When an owner hands over a property to another person through a civil transaction which does not include the transfer of ownership rights, the person to whom the property is handed over must possess such property according to the purpose and contents of the transaction.

2. The person to whom the property is handed over shall have the right to use such property and to transfer the right to possession and use of the property to another person if the owner so agrees.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 187.- The right to possession of property which has been let drop on the ground, left over out of inadvertence, buried or sunken, and property the owners of which are unidentifiable

1. A person who discovers a property which has been let drop on the ground, left over out of inadvertence, buried or sunken must immediately notify or return it to the owner; if the owner is unknown, such person must notify or hand over the property to the People's Committee of the commune, ward or township or the nearest police station or another competent state agency in accordance with the provisions of law.

A person who discovers a property the owner of which cannot be identified, or a property which has been let drop on the ground, left over out of inadvertence, buried or sunken shall be entitled to possess such property from the time of discovery to the time the property is returned to its owner or handed over to a competent state agency.

2. With respect to a property which has been dispersed by another person in order to hide an act of violation of law or to evade the performance of a civil obligation, the person who discovers it must forthwith notify or hand over the property to a competent state agency defined in Clause 1 of this Article.

Article 188.- The right to possession of stray domestic animals, poultry, raised aquatic animals

Persons who discover and keep stray domestic animals, poultry or raised aquatic animals must immediately notify or return them to their owners; if the owners cannot be identified, they are entitled to possess such property from the time of discovery to the time of returning them to their owners.

Article 189.- Possession without legal bases but in good faith

A possession of property which does not comply with the provisions of Article 183 of this Code is a possession without a legal basis.

A person who possesses a property without a legal basis but in good faith means a possessor who does not know or could not have known that the possession of such property is without a legal basis.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The possession of property which takes place within a period of time without dispute over such property means a continuous possession, even when this property is transferred to another person for possession.

Article 191.- Overt possession

A possession is regarded as overt when it is performed in an explicit manner, without concealment; the property being currently possessed is used in accordance with its functions and utility and is preserved and kept by the possessor as if it were his/her own property.

Section 2. THE RIGHT TO USE

Article 192.- The right to use

The right to use means the right to exploit the utility of, and to enjoy the yields and profits from, the property.

Article 193.- Owner's right to use

In cases where the owner directly exercises the right to use a property under his/her ownership, he/she may exploit the utility of, and enjoy the yields and profits from, the property in accordance with his/her will, but must not cause damage to, or affect State interests, public interests or legitimate rights and interests of other persons.

Article 194.- Non-owner's right to use

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



A non-owner of a property shall have the right to use the property in accordance with its functions, utility and mode.

2. A possessor without a legal basis but in good faith may also have the right to exploit the utility of, and enjoy the yields and profits from, the property in accordance with the provisions of law.

Section 3. THE RIGHT TO DISPOSITION

Article 195.- The right to disposition

The right to disposition means the right to transfer property ownership rights or to renounce such ownership rights.

Article 196.- Conditions for disposition

The disposition of property must be performed by persons having the civil act capacity in accordance with the provisions of law.

In cases where the order and procedures for disposition of property are specified by law, such order and procedures must be complied with.

Article 197.- Owner's right to disposition

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 198.- Non-owner's right to disposition

Property non-owners shall only have the right to dispose of property under owners' authorization or under the provisions of law.

Persons who are authorized by owners to dispose of the latter's property must effect the disposition in accordance with the will and interests of the owners.

Article 199.- Restrictions on the right to disposition

1. The right to disposition shall be restricted only in cases where it is so provided for by law.

2. When the property put up for sale is a historical or cultural relic, the State shall have the pre-emptive right to purchase such property.

In cases where legal persons, individuals or other subjects have the pre-emptive right to purchase with respect to a certain property in accordance with the provisions of law, the owners, when selling the property, must reserve such right for those subjects.

Chapter XIII

FORMS OF OWNERSHIP

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 200.- Property under state ownership

Property under state ownership shall include land, natural forests, forests planted with the source of state budget capital, mountains, rivers, lakes, water sources, underground natural resources, resources from the sea, continental shelf and airspace, and the capital and property invested by the State in enterprises and facilities in the branches and fields of economy, culture, social affairs, science, technique, foreign affairs, national defense and security, and other properties specified by law.

Article 201.- Exercise of owner's rights to property under state ownership

1. The Socialist Republic of Vietnam State shall exercise owner's rights to property under state ownership.

2. The Government shall perform the unified management of the property under state ownership and ensure its efficient and thrifty use for the defined purposes.

Article 202.- Management, use and disposition of property under state ownership

The management, use and disposi-tion of property under state ownership shall be performed within the scope and according to the order specified by law.

Article 203.- Exercise of state ownership rights to property invested in state enterprises

1. When a property under state ownership is invested in a state enterprise, the State shall exercise owner's rights over such property in accordance with the provisions of law on enterprises.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 204.- Exercise of state ownership rights to property allocated to state agencies, armed force units

1. When the property under state ownership is assigned to state agencies or armed force units, the State shall exercise the right to inspect and supervise the management and use of such properties.

2. State agencies or armed force units shall have the right to manage and use the State-allocated property for the defined purposes and in accordance with the provisions of law.

Article 205.- Exercise of state ownership rights to property assigned to political organizations, socio-political organizations, socio-political-professional organizations

1. When the property under state ownership is allocated to political organizations, socio-political organizations or socio-political-professional organizations, the State shall exercise the right to inspect and supervise the management and use of such property.

2. Political organizations, socio-political organizations and socio-political-professional organizations shall have the rights to manage and use the State-allocated property for the defined purposes, according to the scope, mode and order provided for by law in accordance with the functions and tasks specified in their respective charters

Article 206.- Rights of enterprises, households, cooperative groups and individuals to use and exploit property under state ownership

In cases where it is so provided for by law and so permitted by competent state agencies, enterprises, households, cooperative groups or individuals may use land, exploit aquatic resources and other natural resources under state ownership and must use, exploit them efficiently and for the defined purposes, and fulfill their obligations towards the State in accordance with the provisions of law.

Article 207.- Property under state ownership which has not been allocated to organizations or individuals for management

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Section 2. COLLECTIVE OWNERSHIP

Article 208.- Collective ownership

Collective ownership means ownership by cooperatives or other stable economic entities in which individuals and/or households jointly contribute capital and labor for production and business cooperation to achieve common goals stated in their charters and on the principles of voluntariness, equality, democracy and joint management and mutual benefit.

Article 209.- Property under collective ownership

Property constituted from the contributions of members, legitimate income from production and business, supports from the State or other sources that accord with the provisions of law shall be property under the ownership of such collectives.

Article 210.- Possession, use and disposition of property under collective ownership

1. The possession, use and disposition of property under collective ownership must comply with law, accord with the charters of the collectives and ensure the stable development of collective ownership.

2. Property under collective ownership may be assigned to members for exploitation of the utility thereof by their labor in production and business activities in order to serve the common need for production expansion and economic development as well as the interests and needs of the members.

3. The members of a collective shall have the pre-emptive right to purchase, lease or package- lease property under collective ownership.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 211.- Private ownership

Private ownership means ownership of individuals over their lawful property.

Private ownership comprises personal ownership by individuals, ownership by small business owners and private capitalist ownership.

Article 212.- Property under private ownership

1. Legitimate income, savings, residential houses, means of daily life, means of production, capital, yields and profits and other lawful properties of an individual constitute property under private ownership.

Lawful property under private ownership shall not be limited in quantity and value.

2. An individual cannot be the owner of a property which cannot, as provided for by law, come under private ownership.

Article 213.- Possession, use and disposition of property under private ownership

1. Individuals shall have the right to possession, use and disposition of property under their respective ownership to meet the needs of daily life, consumption or production and business and other purposes in accordance with the provisions of law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Section 4. COMMON OWNERSHIP

Article 214.- Common ownership

Common ownership means ownership of property by more than one owner.

Common ownership comprises common ownership by shares and common ownership by integration.

A property under common ownership is a common property.

Article 215.- Establishment of common ownership right

A common ownership right is established under the agreement of the owners, under the provisions of law or in accordance with practices.

Article 216.- Common ownership by shares

1. Common ownership by shares means common ownership in which each owner's share of the ownership right to the common property is determined.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 217.- Common ownership by integration

1. Common ownership by integration means common ownership in which each owner's share of the ownership right to the common property is not determined.

Common ownership by integration comprises divisible common ownership by integration and indivisible common ownership by integration.

2. Owners of property under common ownership by integration shall have equal rights and obligations to the property under common ownership.

Article 218.- Mixed common ownership

1. Mixed common ownership means ownership over the property contributed as capital by owners of different economic sectors for production and/or business to gain profits.

2. Property created from the sources of contributed capital of owners, lawful profits from production and/or business activities or from other sources in accordance with the provisions of law is the property under mixed common ownership.

3. The possession, use and disposition of property under mixed common ownership must comply with the provisions of Article 216 of this Code and relevant provisions of law on capital contribution, organization, production and/or business operation, management, administration, property liability and profit division.

Article 219.- Common ownership by husband and wife

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Husband and wife who jointly establish and develop the common property through the efforts of each shall have equal rights in the possession, use and disposition of such property.

3. Husband and wife shall discuss, agree or authorize each other to the possession, use and disposition of the common property.

4. The common property of husband and wife may be divided by their agreement or by a decision of the Court.

Article 220.- Common ownership by a community

1. Common ownership by a community means ownership by a family line, hamlet, village, mountain village, religious community or other population communities over the property estab-lished in accordance with practices and the property jointly contributed and raised by community members or given to the whole community or from other sources in accordance with the provisions of law for meeting the common legitimate interests of the entire community.

2. The members of a community shall jointly manage, use and dispose of the common property for the interests of the community as agreed upon or according to practices, but not in contravention of law and social ethics.

3. The common property of a community is the property under common ownership by integration.

Article 221.- Possession of common property

Owners of property under common ownership shall jointly manage the common property according to the principle of unanimity, unless otherwise agreed upon or provided for by law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Each owner of property under common ownership by shares shall have the right to exploit the utility of, and enjoy the yields and profits from, the common property corresponding to his/her share in the ownership right, unless otherwise agreed upon or provided for by law.

2. Owners of property under common ownership by integration shall have equal rights to exploit the utility of, and enjoy the yields and profits from, the common property, unless otherwise agreed upon.

Article 223.- Disposition of common property

1. Each owner of property under common ownership by shares shall have the right to dispose of his/her own share in the ownership right as agreed upon or provided for by law.

2. The disposition of property under common ownership by integration shall be performed in accordance with the agreement of the co-owners or the provisions of law.

3. In cases where an owner of property under common ownership sells his/her share in the ownership right, the other co-owners shall have the pre-emptive right to purchase such share. If within three months from the date they are notified of the sale and conditions of the sale, for an immovable property or one month for a movable property none of the co-owners wants to buy it, then such owner shall have the right to sell his/her share to other persons.

In cases where the sale of ownership right shares violates the pre-emptive right to purchase, any of the co-owners of the property under common ownership by shares shall, within three months from the date of detecting the violation of the pre-emptive right to purchase, have the right to request the Court to transfer to him/her the rights and obligations of the purchaser; the party at fault in causing damage must pay compensation therefor.

4. In cases where one of the co-owners renounces his/her share in the ownership right or where such person dies without any heir(s), such share of the ownership right shall belong to the State, except for the case of common ownership by community where such share shall come under common ownership of the remaining co-owners.

Article 224.- Division of property under common ownership

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. In cases where a person requests one of the co-owners to discharge his/her payment obligations when the latter has no private property or his/her private property is not enough for payment, the requesting person shall have the right to request a division of the common property so as to receive monetary payment and to participate in the division of the common property, unless otherwise provided for by law.

If the ownership right share in kind cannot be divided or such division is protested against by the remaining co-owners, the requesting person shall have the right to request the obligator to sell his/her ownership right share for the performance of his/her payment obligations

Article 225.- Common ownership in a condominium

1. The areas, equipment and furnishings, which are for common use, in a condominium are under common ownership of all the apartment owners in that condominium and cannot be divided, unless otherwise provided for by law or otherwise agreed upon by all owners.

2. The apartment owners in a condominium shall have equal rights and obligations in the management and use of common areas and equipment.

3. In cases where a condominium is destroyed, the apartment owners in the condominium shall have the right to use the ground area of the condominium in accordance with the provisions of law.

Article 226.- Termination of common ownership

A common ownership shall terminate in the following cases:

1. The common property has been divided;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. The common property no longer exists;

4. Other cases specified by law.

Section 5. OWNERSHIP BY POLITICAL ORGANIZATIONS, SOCIO-POLITICAL ORGANIZATIONS

Article 227.- Ownership by political organizations, socio-political organizations

Ownership by political organizations or socio-political organizations means ownership by such organizations for the purpose of achieving the common objectives specified in their charters.

Article 228.- Property under ownership by political organizations, socio-political organizations

1. Property constituted from the sources of contributions of members, property donated or presented to the whole organizations and property from other sources in accordance with the provisions of law is the property under ownership by political organizations or socio-political organizations.

Property under state ownership, over which the ownership has been transferred to political organizations or socio-political organizations, shall be the property under ownership by such organizations.

2. Property under state ownership which has been assigned to political organizations or socio-political organizations for management and use shall not come under ownership by such organizations.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Political organizations or socio-political organizations shall exercise the rights to possession, use and disposition of property under their respective ownership in accordance with the provisions of law and the operation purposes stipulated in their charters.

Section 6. OWNERSHIP BY SOCIO-POLITICAL-PROFESSIONAL ORGANIZATIONS, SOCIAL ORGANIZATIONS, SOCIO-PROFESSIONAL ORGANIZATIONS

Article 230.- Ownership by socio-political- professional organizations, social organizations, socio-professional organizations

Ownership by socio-political-professional organizations, social organizations or socio-professional organizations means ownership by such organizations for the purpose of achieving the common objectives of members as specified in their respective charters.

Article 231.- Property under ownership by socio-political-professional organizations, social organizations, socio-professional organizations

Property constituted from the sources of contributions by members, property donated or presented to the whole organizations or from other sources in accordance with the provisions of law shall be the property under ownership by such socio-political-professional organizations, social organizations or socio-professional organizations.

Article 232.- Possession, use, disposition of property under ownership by socio-political-professional organizations, social organizations, socio-professional organizations

Socio-political-professional organizations shall exercise their rights to possession, use, disposition of property under their respective ownership in accordance with the provisions of law and the operation purposes specified in their respective charters.

Chapter XIV

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Section 1. ESTABLISHMENT OF OWNERSHIP RIGHTS

Article 233.- Establishment of ownership rights to property acquired from labor, lawful business and/or production activities

Workers or persons who conduct lawful production and/or business activities shall have the rights of ownership over property acquired from their labor or lawful production and/or business activities as from the time such property is acquired.

Article 234.- Establishment of ownership rights by an agreement

A person to whom a property has been transferred through a contract for purchase and sale, donation, exchange or lending shall have the right to own such property as from the time of transferring the property, unless otherwise agreed upon by the parties or provided for by law.

Article 235.- Establishment of ownership rights to yields and profits

Property owners and/or users shall have the rights of ownership over the yields and profits as from the time such yields and profits are obtained, as agreed upon or provided for by law.

Article 236.- Establishment of ownership rights in case of merger

1. In cases where the property of different owners is merged together to form an indivisible object which is impossible to determine whether the merged property is primary or auxiliary object, the newly formed object shall be the property under common ownership of such owners; if the merged property is primary object and auxiliary object, the newly formed object shall belong to the owner of the primary object from the time the new object is formed; the owner of the new property must pay to the owner of the auxiliary object for the value of the such auxiliary object, unless otherwise agreed upon.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ To request the person who merges the property to hand over to him/her the new property, and pay to that person the value of that person's property;

b/ To request the person who merges the property to pay the value of the portion of his/her own property and to compensate for any damage, if he/she refuses to take the new property.

3. When a person merges the movable property of another person into his/her own immoveable property even though he/she knew or should have known that such property is not his/her own and also does not have the consent of the owner of the property being merged, the owner of the property being merged shall have the right to request the person who merges the property to pay the value of the portion of his/her own property and compensate for damage.

Article 237.- Establishment of ownership rights in case of mixture

1. In cases where the property of various owners are mixed together to form a new indivisible object, the new object shall be the property under common ownership of such owners as from the time of mixture.

2. When a person mixes the property of another person into his/her own property even though he/she knew or should have known that such property is not his/her own, and does not have the consent of the owner of the property which has been mixed, then the owner of the property which has been mixed shall have one of the following rights:

a/ To request the person who has mixed the property to hand over to him/her the new property and to pay to the person who has mixed the property the value of that person's property;

b/ To request the person who has mixed the property to pay the value of the portion of his/her own property and to compensate for any damage, if he/she refuses to take the new property.

Article 238.- Establishment of ownership rights in case of processing

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. A bona fide user of materials and/or raw materials owned by another person for processing shall become owner of the new property, but must pay the value of materials and/or raw materials and compensate for any damage to the owner of such materials and/or raw materials.

3. In cases where the processor does not act in good faith, the owner of materials and/or raw materials shall have the right to request the hand-over of the new object; if there are many owners of materials and/or raw materials, they shall be the co-owners of the newly created object by shares, corresponding to the value of the materials and/or raw materials of each person. The owners of materials and/or raw materials which have been processed not in good faith shall have the right to request the processor to compensate for any damage.

Article 239.- Establishment of ownership rights to derelict objects and objects whose owners are unidentifiable

1. A derelict object is an object the owner of which has renounced his/her ownership rights to it.

The person who has discovered a derelict object which is a movable property shall have the right to own such property in accordance with the provisions of law; if the discovered object is an immovable property, it shall belong to the State.

2. A person who has discovered an object the owner of which is unidentifiable must notify or submit it to the People's Committee of the commune, ward or township, or the nearest police station for public announcement so that the owner may be aware of such and reclaim it.

The submission of the object must be recorded in an official report, which shall clearly state the full names and addresses of the submitter and the receiver, and the conditions, quantity and volume of the property submitted.

The People's Committee or the police station, which received the object must notify the discoverer of the results of the effort to identify its owner.

In cases where the object the owner of which is unidentifiable is a movable property and its owner remains unidentifiable after one year from date of public announcement, such movable property shall belong to the discoverer as provided for by law; if the object is an immovable property and its owner remains unidentifiable even after five years from the date of public announcement, such immovable property shall belong to the State; the discoverer shall be entitled to enjoy a monetary reward as provided for by law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Ownership rights to a discovered, buried or sunken object without an owner or with its owner being unidentifiable, after deducting expenses for search and preservation, shall be determined as follows:

1. The found object, which is a historical or cultural relic, shall belong to the State; the person who found such object shall be entitled to a monetary reward as provided for by law.

2. The found object, which is not a historical or cultural relic but has the value of up to ten months' minimum salary set by the State, shall come under ownership of the discoverer; if the found object is valued higher than ten months' minimum salary set by the State, the discoverer shall be entitled to a value equal to ten months' minimum salary set by the State and 50% of the value of the portion in excess of ten months' minimum salary set by the State, and the remainder shall belong to the State.

Article 241.- Establishment of ownership rights to objects which have been let drop on the ground or left over out of inadvertence by other persons

1. A person who finds an object which another person has let drop on the ground or left over out of inadvertence and knows the latter's address must notify or return the object to such person; if he/she does not know the address of the latter, he/she must notify or submit such object to the People's Committee of the commune, ward or township or the nearest police station in order to make a public announcement for the owner to be aware thereof and reclaim it.

The local People's Committee or the police station, which has received the object, must notify the person who has submitted it of the results of identification of the owner.

2. If after one year from the date of public announcement of the found object, it is not possible to identify the owner or the owner does not come to reclaim the object, such object shall belong to the finder, if the object has the value of up to ten months' minimum salary set by the State; if the object's value is greater than ten months' minimum salary set by the State, after deducting the expenses for preserva-tion, the finder shall be entitled to a value equal to ten months' minimum salary set by the State and 50% of the value of the portion in excess of ten months' minimum salary set by the State, and the remaining value shall belong to the State.

3. If the object which has been let drop on the ground or left over out of inadvertence is a historical or cultural relic and its owner is unidentifiable or no one comes to reclaim the object, the object shall belong to the State; the finder of the object shall be entitled to a monetary reward as provided for by law.

Article 242.- Establishment of ownership rights to stray domestic animals

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



If after six months from the date of public announcement no one comes to reclaim it, the animal shall belong to the person who captured it; if the captured animal is a free-ranging animal according to practices, this time limit shall be one year.

During the period of caring for the stray domestic animal, the person who captured it shall be entitled to half of the number of offsprings born, if any, and must compensate for any damage if he/she is at fault in intentionally causing the death of the stray animal.

Article 243.- Establishment of ownership rights to stray poultry

In cases where a person's poultry has strayed and is captured by another person, the person who captured the poultry must make a public announcement for the owner to be aware thereof and reclaim it. The owner who reclaims the stray poultry must pay a remuneration for the care therefore and other expenses to the person who captured the poultry.

If after one month from the date of public announcement no one comes to reclaim the stray poultry, it shall belong to the person who captured it.

During the period of caring for the stray poultry, the person who captured it shall be entitled to the yields generated from the stray poultry and must compensate for any damage if he/she is at fault in intentionally causing the death of the poultry.

Article 244.- Establishment of ownership rights to raised aquatic animals

When a person's raised aquatic animal moves naturally into the field, pond or lake of another person, it shall belong to the person having such field, pond or lake. Where an aquatic animal has specific marks which make it possible to determine that it does not belong to him/her, the person having such field, pond or lake must make a public announcement for the owner to be aware thereof and reclaim it. If after one month from the date of public announcement no one comes to reclaim the raised aquatic animal, it shall belong to the person having such field, pond or lake.

Article 245.- Establishment of ownership rights from inheritance

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 246.- Establishment of ownership rights in accordance with judgments or decisions of Courts or decisions of other competent state agencies

Ownership rights may be established based on judgments or decisions of Courts or decisions of other competent state agencies.

Article 247.- Establishment of ownership rights by virtue of a statute of limitations

1. A person who possesses or a person who enjoys benefits from a property without a legal basis but in good faith and in an overt and continuous manner for a period of ten years with respect to a movable property or thirty years with respect to an immovable property, shall become owner of such property from the time of commencement of possession, except for the cases specified in Clause 2 of this Article.

2. A person who possesses a property under state ownership without a legal basis shall not become owner of such property, even if it is in good faith, continuous and overt possession regardless of the duration of possession.

Section 2. TERMINATION OF OWNERSHIP RIGHTS

Article 248.- Transfer by owners of ownership rights to other persons

When an owner transfers his/her ownership rights to another person through a purchase and sale, exchange, donation or loan contract or through bequeathal, the former's rights of ownership over the property shall terminate as from the time the ownership rights of the transferee arise.

Article 249.- Renunciation of ownership rights

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The renunciation of ownership rights to property must comply with the provisions of law if such renunciation may cause harm to social order and safety or environmental pollution.

Article 250.- Property to which another person has established ownership rights

When another person has established ownership rights to an object which has been let drop on the ground or left over out of inadvertence, a stray domestic animal or poultry, or a naturally moving raised aquatic animal in accordance with the provisions of Articles from 241 to 244 of this Code, the ownership rights of the person who previously owned such property shall terminate.

When the ownership rights of a possessor have been established according to the provisions of Clause 1, Article 247 of this Code, the ownership rights of the person whose property is being possessed shall terminate.

Article 251.- Disposal of property to fulfill the obligations of owners

1. The rights of ownership over a property shall terminate when such property is disposed of to fulfill its owner's obligations by a decision of the Court or another competent state agency, unless otherwise provided for by law.

2. The disposal of property to fulfill its owner's obligations shall not be applicable to property not subject to distrainment as provided for by law.

3. The rights of ownership over a property which is disposed of to fulfill its owner's obligations shall terminate at the time the ownership rights of the recipient of such property arise.

4. The disposal of land use rights shall comply with the provisions of land law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



When a property is destroyed, the ownership rights to such property shall terminate.

Article 253.- Property which is compulsorily purchased

When a property is compulsorily purchased under decision of a competent state agency for defense or security reasons and for national interests, the owner's ownership rights to such property shall terminate as from the time the decision of the competent state agency takes legal effect.

Article 254.- Property which is confiscated

When a property of an owner is confiscated and placed in the State fund due to his/her criminal conviction or administrative violation, his/her rights of ownership over such property shall terminate as from the time the judgment or decision of a Court, or the decision of another competent state agency takes legal effect.

Chapter XV

PROTECTION OF OWNERSHIP RIGHTS

Article 255.- Measures for protection of ownership rights

Lawful owners and possessors shall have the right to request Courts or other competent agencies or organizations to compel the persons infringing upon their ownership rights or possession rights to return the property and terminate the acts of illegally obstructing the exercise of their ownership rights or possession rights, and to request compensation for any damage.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 256.- The right to reclaim property

Lawful owners and/or possessors shall have the right to request the persons possessing, using or receiving benefits from the property under their lawful ownership or possession rights without a legal basis to return such property, except for the cases specified in Clause 1, Article 247 of this Code. In cases where the property is in the possession of a bona fide possessor, Articles 257 and 258 of this Code shall apply.

Article 257.- The right to reclaim movable property not subject to ownership right registration from bona fide possessors

Owners may reclaim movable property not subject to ownership right registration from bona fide possessors in cases where such bona fide possessors have acquired such property through unindemifiable contracts with persons who have no right to dispose of the property; in case of indemifiable contracts, the owners may reclaim the movable property if such movable property has been stolen, lost or other cases of possession against the owners' will.

Article 258.- The right to reclaim movable property subject to ownership right registration or immovable property from bona fide possessors

Owners may reclaim their movable property subject to ownership right registration and immovable property, except for cases where the third party possessing the property in good faith has received such property through auctions or transactions with the persons who, under judgments of courts or decisions of competent state agencies, were owners of the property but later are not owners as such judgments or decisions have been cancelled or modified.

Article 259.- The right to request the prevention or termination of acts of illegally obstructing the exercise of lawful ownership rights and possession rights

When exercising their ownership rights or possession rights, lawful owners or possessors shall have the right to request persons committing acts of illegally obstructing the exercise of their lawful ownership rights or possession rights to terminate such acts; if the offenders do not willingly terminate such acts, the owners or possessors shall have the right to request the Court or other competent agencies or organizations to compel such persons to terminate their violation acts.

Article 260.- The right to request compensation for damage

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 261.- Protection of rights of possessors who are not owners

The rights defined in Articles from 255 thru 260 of this Code shall also belong to the persons who, though being not owners, possess the property on the basis of land use rights, the right to restricted use of adjacent immovable property or on other bases provided for by law or agreed upon.

Chapter XVI

OTHER PROVISIONS ON OWNERSHIP RIGHTS

Article 262.- Obligations of owners in emergency circumstances

1. An emergency circumstance is a circumstance where in order to avert a danger actually and directly threatening the interests of the State or of a collective, or the legitimate rights or interests of their own or of other persons, a person has no alternative but to take an act which would cause lesser damage than the damage to be prevented.

2. In an emergency circumstance, the owner of a property must not hinder another person from using his/her own property or hinder another person from causing damage to such property in order to prevent or abate the greater danger or damage that threatens to happen.

3. The causing of damage in an emergency circumstance is not the act of infringing upon ownership rights. The owners shall be compensated for damage in accordance with the provisions of Clause 3, Article 614 of this Code.

Article 263.- Obligations of owners in the protection of the environment

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 264.- Obligations of owners to respect and ensure social order and safety

When exercising his/her rights to possession, use or disposition of his/her own property, an owner must respect and ensure social order and safety and must not abuse his/her ownership rights to cause social disorder or unsafety, causing damage to the State interests, public interests or legitimate rights and interests of other persons.

Article 265.- The obligation to respect the boundaries between immovable properties

1. The boundaries between adjoining immovable properties shall be determined under the agreement between the owners or the decisions of competent state agencies.

The boundaries may also be determined in accordance with practices or the boundaries which have existed for thirty years or more without disputes.

2. A person with land use rights may use the air space and underground area perpendicular to the boundaries of the land area in accordance with the construction planning specified by a competent state agency, and without affecting the use of the adjoining land of other persons.

A land user may plant trees and conduct other activities only within the land area under his/her own use rights and within the boundaries which have been determined; if tree roots and/or branches extend beyond the boundaries, he/she must clip the extending roots and/or prune the extending branches, unless otherwise agreed upon.

3. In cases where the boundary is a canal, irrigation ditch, trench, gutter or the boundary of a rice field, the land user shall have the obligation to respect and maintain the common boundary; he/she must not encroach upon the boundary or change the boundary markers.

Article 266.- Ownership rights to boundary markers separating immovable properties

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



In cases where a boundary marker is put up on the boundary by only one party and with the consent of the owner of the adjoining immovable property, such boundary marker shall be under common ownership and the construction expenses shall be borne by the party who puts up the marker, unless otherwise agreed upon; if the owner of the adjoining immovable property does not give his/her consent for justifiable reasons, the owner who has put up the boundary stake, fence or partition wall must remove it.

With respect to trees as common boundary markers, the parties shall all have the obligation to protect them; the yields from the trees shall be shared equally, unless otherwise agreed upon.

2. With respect to common house walls as boundary markers, the owner of the adjoining immovable property shall not install a window or air ventilating hole or drill the wall in order to install building structures, except where it is so consented by the owner of the adjoining immovable property.

In cases where houses are separately built but have adjoining walls, an owner may drill and install building structures only up to his/her boundary wall.

Article 267.- The obligation to respect building codes

1. When constructing a project, the project owner must comply with the law on construction, ensure safety, must not build beyond the height and distance specified by the law on construction and must not infringe upon legitimate rights and interests of owners of adjoining and surrounding immovable properties.

2. When there is a danger of an incident occurring to the construction project, which would affect the adjoining and surrounding immovable properties, the project owner must immediately stop the construction and make repairs or dismantle the construction at the request of owners of adjoining and surrounding immovable properties or at the request of a competent state agency; if damage is caused, compensation must be made.

3. When building a sanitation project, a toxic chemical storehouse or another project the use of which may cause environmental pollution, the owner must build it at a reasonable site and distance from the boundaries, and must ensure sanitation and safety and not affect owners of adjoining and surrounding immovable properties.

Article 268.- The obligation to ensure safety for adjoining construction projects

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



In cases where the projects are in danger of threatening the safety of adjoining and surrounding immovable properties, the project owners must immediately take remedial measures; if damage is caused to owners of adjoining and surrounding properties, compensation must be made.

Article 269.- Obligations of owners in draining rainwater

House owners must install water drainage conduits so that rainwater from their house roofs will not run down onto the immovable properties of owners of adjoining immovable properties.

Article 270.- Obligations of owners in draining waste water

House owners must install under-ground drains or water drainage sewers to discharge waste water to the prescribed location, so that the waste water will not spill onto the immovable property of owners of adjoining immovable property or onto public roads or public places, thus causing environmental pollution.

Article 271.- Restrictions on the right to install doors/windows

1. House owners shall only install doors and/or windows swinging over to adjacent houses or opposite houses and common paths in accordance with the provisions of law on construction.

2. The awnings above doors or windows swinging into common paths must be at least 2.5m above the ground.

Article 272.- The right to request the repair or removal of adjoining immovable property

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The owner of an adjoining immovable property shall have the right to request the owner of the tree or the construction project, which is in danger of collapsing, to cut down the tree, or demolish the construction project; if the latter does not cut down the tree or demolish the construction project, the owner of an adjoining immovable property shall have the right to request a competent state agency to permit the cutting down of the tree, or demolition of the construction project. The expenses for cutting down the tree or demolishing the construction project shall be borne by the owner of the tree or the construction project.

Article 273.- The right to an easement over adjoining immovable property

A house owner or a land user shall have the right to use in a reasonable manner an adjoining immovable property under the ownership of another person for his/her own needs for passageway, water supply and drainage, gas supply, electricity transmission wires, communication lines and other necessary needs, but must compen-sate, unless otherwise agreed upon.

Article 274.- Establishment of the right to an easement over adjoining immovable property

1. The right to an easement over adjoining immovable property shall be established as agreed upon or provided for by law.

2. In cases where the right to an easement over an adjoining immovable property has been established for the house owner or land user, the successive house or land use right transferee shall also be entitled to such right.

Article 275.- The right regarding the passageway through adjoining immovable property

1. The owner of an immovable property surrounded by immovable properties of other owners from which there are no exits shall have the right to request one of the owners of the adjoining immovable properties to reserve for him/her a convenient and reasonable passageway leading to a public path; the requested person shall have the obligation to meet such request. The person for whom a passageway is reserved must compensate the owner of the adjoining immovable property, unless otherwise agreed upon.

The passageway shall be opened on the adjoining immovable property which is considered most convenient and reasonable, with the specific characteristics of the locations and interests of the surrounded immovable property being taken into account, and with the least damage caused to the immovable property on which the passageway is opened.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. In cases where an immovable property is divided into different parts to different owners and/or users, upon such division, a necessary passageway must be reserved for the person(s) in the interior in accordance with the provisions of Clause 2 of this Article, without any compensation.

Article 276.- The right to install electricity transmission wires and communication wires through adjoining immovable property

An owner of an immovable property shall have the right to install electricity transmission wires and communication wires in a reasonable manner through the immovable property of other owners, but must ensure the safety and convenience for such owners; if damage is caused, compensation must be made.

Article 277.- The right regarding the water supply and drainage through adjoining immovable property

In cases where due to the natural position of an immovable property the water supply and drainage pipes must run through another immovable property, the owner of the immovable property through which the water flows must reserve an appropriate channel for the water supply and drainage and must not hinder or prevent the flow of water. The user of the water supply and drainage channel must minimize to the lowest possible extent any damage to the owner of the immovable property through which the water flows when installing water conduits; if damage is caused, compensation must be paid. In cases where the water flowing naturally from a higher position to a lower position causes damage to the owner of the immovable property through which the water flows, the user of the water supply and drainage channel shall not have to compensate for any damage.

Article 278.- The right regarding irrigation and water drainage in cultivation

A person who is entitled to use land for cultivation shall have the right to request persons using the surrounding land to reserve for him/her a channel suitable and convenient for irrigation and water drainage; the requested person shall have the obligation to meet such request; if the user of the water channel causes damage to the neighboring land users, he/she must pay compensation therefore.

Article 279.- Termination of the right to easement over adjoining immovable property

The right to easement over adjoining immovable property shall terminate in the following cases:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. The house owner or land user no longer needs an easement over the adjoining immovable property.

PART THREE

CIVIL OBLIGATIONS AND CIVIL CONTRACTS

Chapter XVII

GENERAL PROVISIONS

Section 1. CIVIL OBLIGATIONS

Article 280.- Civil obligations

A civil obligation is a task under which a subject or more than one subject (hereinafter referred collectively to as the obligors) must transfer an object, transfer rights, pay money or return valuable papers, perform other tasks or refrain from doing certain tasks in the interest of one or a number of other subjects (hereinafter referred collectively to as the obligees).

Article 281.- Bases upon which civil obligations arise

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. A civil contract;

2. A unilateral legal act;

3. Performance of a task without authorization;

4. Possession and use of property or enjoyment of benefits from property without a legal basis;

5. Causing damage by performing an illegal act;

5. Performance of a task without authorization;

6. Other bases specified by law.

Article 282.- Objects of civil obligations

1. An object of a civil obligation may be a property or a task which must or must not be performed.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. Only those property which are be alienable and tasks which can be performed but are not prohibited by law and not contrary to social ethics may be objects of civil obligations.

Section 2. PERFORMANCE OF CIVIL OBLIGATIONS

Article 283.- The principle for performance of civil obligations

An obligor must perform his/her obligation in an honest manner, in the spirit of cooperation, in a manner faithful to his/her commitment and not contrary to law and social ethics.

Article 284.- Places for performance of civil obligations

1. The place for the performance of a civil obligation shall be agreed upon by the parties.

2. In cases where there is no agreement, the place for performance of a civil obligation shall be determined as follows:

a/ It is the location of the immovable property, if the object of the civil obligation is an immovable property;

b/ It is the place of residence or head office of the obligee, if the object of the civil obligation is not an immovable property.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 285.- Time limit for performance of civil obligations

1. The time limit for performing a civil obligation shall be agreed upon by the parties or provided for by law.

The obligor must perform his/her civil obligation on time; may perform the civil obligation before the specified time limit only if the obligee so consents; if the obligor has performed the obligation before the specified time limit at his/her own will and the obligee has accepted such performance, the obligation shall be considered to have been performed on time.

2. In cases where the time limit for the performance of a civil obligation has not been agreed upon by the parties or specified by the law, the parties may perform the obligation or request the performance of the obligation at any time, but must notify each other in advance within a reasonable period of time.

Article 286.- Delay in performance of civil obligations

1. The delay in performance of a civil obligation means the obligation has not been performed yet or has been partially performed upon the expiration of the time limit for performance of the obligation.

2. The party that delays the performance of a civil obligation must immediately notify the obligee of the non-performance of the obligation on time.

Article 287.- Postponement of performance of civil obligations

1. When it is impossible to fulfill a civil obligation on time, the obligor must immediately inform the obligee thereof and propose the postponement of the performance of the obligation.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. The obligor may postpone the performance of an obligation if the obligee so agrees. The postponed performance of a civil obligation shall still be considered a timely performance.

Article 288.- Delay in acceptance of performance of civil obligations

1. The delay in acceptance of the performance of a civil obligation means that, upon the expiration of the time limit for the fulfillment of the civil obligation, the obligor has already fulfilled the civil obligation as agreed upon, but the obligee does not accept the performance of such obligation.

2. In case of delay in accepting the civil obligation's object being a property, the obligor must take necessary measures to preserve the property and shall be entitled to request the reimbursement of reasonable expenses.

3. With respect to a property which is in imminent danger of decay, the obligor shall have the right to sell such property and return the proceeds from the sale of such property to the obligee after deducting necessary expenses for the preservation and sale of such property.

Article 289.- Performance of the obligation to hand over objects

1. The person obliged to hand over an object must preserve and maintain the object until the hand-over thereof.

2. When the object to be handed over is a distinctive object, the obligor must hand over the exact object in the exact conditions as committed; if the object to be handed over is a fungible object, it must be handed over in the exact quality and quantity as agreed upon. If there is no agreement regarding the quality, the object to be handed over must be of average quality; if it is an integrative object, it must be handed over in sets.

3. The obligor must bear all expenses related to the hand-over of the object, unless otherwise agreed upon.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. The obligation to pay money must be performed in full amount, on time, at the right place and by the right mode agreed upon.

2. The obligation to pay money shall cover the payment of interests on principals, except otherwise agreed upon.

Article 291.- The obligation to perform or not to perform a task

1. The obligation to perform a task is the obligation under which the obligor is obliged to perform that very task.

2. The obligation not to perform a task is the obligation under which the obligor is obliged not to perform that very task.

Article 292.- Periodic performance of a civil obligation

A civil obligation can be performed periodically, if so agreed upon or provided for by law.

The delay in periodic performance of a civil obligation shall also be considered the delay in performance of the civil obligation.

Article 293.- Performance of a civil obligation through a third party

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 294.- Conditional performance of a civil obligation

In cases where the conditions for the performance of a civil obligation are agreed upon by the parties or provided for by law, the obligor must perform the obligation when such conditions arise.

Article 295.- Performance of a civil obligation with optional objects

1. A civil obligation with an optional object means an obligation with an object being one of many different properties or tasks, which the obligor may choose at his/her/its free will, unless where it is agreed upon or it is provided for by law that the right of choice is reserved for the obligee.

2. The obligor must notify the obligee of the property or task selected for the performance of the obligation. Where the obligee has determined the time limit for performance of the selected obliga-tion, the obligor must fulfill it on time.

3. In cases where only one property or one task is left, the obligor must hand over such property or perform such task.

Article 296.- Performance of a substitutable civil obligation

A substitutable civil obligation is an obligation whereby if the obligor cannot perform the original obligation, he/she/it may perform another obligation accepted by the obligee as a substitute for such civil obligation.

Article 297.- Separate performance of a civil obligation

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 298.- Performance of a joint civil obligation

1. A joint civil obligation is an obligation which must be performed by many obligors and the obligee may request any one of the obligors to perform the entire obligation.

2. In cases where an obligor has fulfilled the entire obligation, he/she/it shall have the right to request the other joint obligors to fulfill their respective parts of the joint obligation towards him/her/it.

3. In cases where the obligee has already designated one of the joint obligors to perform the entire obligation, but later exempts that obligor from performing that obligation, the remaining obligors shall also be exempted from performing the obligation.

4. In cases where the obligee exempts only one of the joint civil obligors from performing his/her/its own part of the obligation, the remaining obligors shall still have to fulfill their own parts of the obligation.

Article 299.- Performance of a civil obligation for joint obligees

1. A civil obligation for many joint obligees is an obligation whereby each obligee may request the obligor to perform the entire obligation.

2. The obligor may perform his/her/its own obligation toward any of the joint obligees.

3. In cases where one of the joint obligees exempts the obligor from performing the part of the obligation toward him/her/it, the obligor must still perform the remainder of the obligation toward the other joint obligees.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. A divisible civil obligation is an obligation whereby the object of the obligation is a divisible thing or a task which can be divided into parts for performance.

2. The obligor may perform the obligation part by part, unless otherwise agreed upon.

Article 301.- Performance of indivisible civil obligations

1. An indivisible civil obligation is an obligation whereby the object of the obligation is an indivisible thing or a task which must be performed simultaneously.

2. In cases where many obligors must jointly perform an indivisible obligation, they must perform the obligation simultaneously.

Section 3. CIVIL LIABILITY

Article 302.- Civil liability for breach of civil obligations

1. An obligor that fails to perform or performs improperly his/her/its obliga-tion must bear civil liability to the obligee.

2. In cases where an obligor cannot perform a civil obligation due a force majeure event, he/she/it shall not have to bear any civil liability, unless otherwise agreed upon or provided for by law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 303.- Civil liability for failure to perform the obligation to hand over objects

1. When the obligor fails to perform the obligation to hand over a distinctive object, the obligee is entitled to demand the obligor to hand over that exact object; if the object no longer exists or is damaged, the obligor must pay for the value of the object.

2. When the obligor fails to perform the obligation to deliver a fungible object, he/she/it must pay for the value of the object.

3. Where the obligor cannot perform the obligation as provided for in Clauses 1 and 2 of this Article and cause damage to the obligee, apart from paying for the value of the object, he/she/it must also pay compensation for damage to the obligee.

Article 304.- Civil liability for failure to perform an obligation to perform or not to perform a task

1. In cases where the obligor fails to perform a task he/she/it must perform, the obligee may request the obligor to keep performing it or perform the task him/her/itself or assign another person to perform such task and demand the obligor to pay for the reasonable expenses incurred and to pay compensation for damage.

2. When the obligor is not allowed to perform a task but still performs such task, the obligee is entitled to demand the obligor to terminate such performance, restore the initial condition and pay compensation for damage.

Article 305.- Civil liability for delayed performance of civil obligations

1. When the performance of a civil obligation is delayed, the obligee may extend the time limit so that the obligor can fulfill the obligation; if this time limit has expired and the obligation remains unfulfilled, the obligor must, at the request of the obligee, still perform the obligation and pay compensation for damage; if the performance of the obligation is no longer necessary to the obligee, the obligee shall have the right to refuse to accept the performance of the obligation and demand compen-sation for damage.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 306.- Civil liability for delayed acceptance of the performance of civil obligations

The obligee that delays accepting the performance of a civil obligation, thus causing damage to the obligor, must compensate the obligor for the damage and bear all the risks arising as from the time of delaying the acceptance, unless otherwise agreed upon or provided for by law.

Article 307.- Liability to compen-sate for damage

1. The liability to compensate for damage includes the liability to compen-sate for material damage and the liability to compensate for mental damage.

2. The liability to compensate for material damage is the liability to make up for the actual material losses caused by the breaching party, which can be calculated in money and include the loss of property, reasonable expenses incurred in preventing, mitigating and/or redressing the damage and the actual loss or reduction of income.

3. A person causing mental damage to another person by infringing upon the life, health, honor, dignity or prestige of such person shall have to pay pecuniary compensation to the victim in addition to stopping the infringement, offering an apology and making public rectification.

Article 308.- Fault in civil liability

1. A person who does not perform or performs improperly a civil obligation must bear civil liability if he/she is at fault either intentionally or unintentionally, unless otherwise agreed upon or provided for by law.

2. Intentionally causing damage means a situation in which a person is fully aware that his/her act will cause damage to another person and still performs the act, thereby allowing the damage to occur whether intentionally or unintentionally.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Section 4. TRANSFER OF THE RIGHT TO DEMAND AND TRANSFER OF CIVIL OBLIGATIONS

Article 309.- Transfer of the right to demand

1. An obligee having the right to demand the improperly of a civil obligation may transfer that right to a transferee under agreement, except for the following cases:

a/ The right to demand support payment and to demand compensation for damage caused by infringement upon his/her life, health, honor, dignity or prestige;

b/ The obligee and the obligor have agreed not to transfer the right to demand;

c/ Other cases provided for by law.

2. When an obligee transfers the right to demand to a transferee, the later shall become the obligee holding the right to demand.

The transferor of the right to demand must notify the obligor in writing of the transfer of the right to demand. The transfer of the right to demand does not require the consent of the obligor, unless otherwise agreed upon or provided for by law.

Article 310.- Forms of transfer of the right to demand

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. In cases where it is provided for by law that the transfer of the right to demand must be expressed in writing, notarized, or authenticated, registered or permitted, such provisions must be complied with.

Article 311.- The obligation to provide information and transfer papers

1. The transferor of the right to demand must provide necessary information and transfer the relevant papers to the transferee.

2. The transferor of the right to demand who breaches the obligation provided for in Clause 1 of this Article and causes damage shall have to compensate for the damage.

Article 312.- Non-liability after transferring the right to demand

The transferor of the right to demand shall not have to bear liability for the obligor's capability to perform the obliga-tion, unless otherwise agreed upon.

Article 313.- Transfer of the right to demand with measures to secure the performance of civil obligations

In cases where the right to demand the performance of civil obligations involves security measures, the transfer of the right to demand shall also include such security measures.

Article 314.- The obligor's right of refusal

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. In cases where the obligor is not notified of the transfer of the right to demand and has already performed the obligation toward the transferor of the right to demand, the transferee must not demand the obligor to perform the obligation toward him/her/it.

Article 315.- Transfer of civil obligations

1. The obligor may transfer a civil obligation to a substitute obligor, if it is so consented by the obligee, except in cases where the obligation is connected with the personal identity of the obligor or where it is provided for by law that such obligation must not be transferred.

2. When being transferred an obligation, the substitute obligor shall become the obligor.

Article 316.- Forms of transfer of civil obligations

1. The transfer of a civil obligation shall be expressed either in writing or orally.

2. Where it is provided for by law that the transfer of obligation must be expressed in writing, notarized or authenticated, registered or permitted, such provisions must be complied with.

Article 317.- Transfer of civil obligations with security measures

In cases where a secured civil obligation is transferred, the security measures shall terminate, unless otherwise agreed upon.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



I. GENERAL PROVISIONS

Article 318.- Measures to secure the performance of civil obligations

1. The measures to secure the performance of civil obligations include:

a/ Pledge of property;

b/ Mortgage of property;

c/ Deposit;

d/ Security collateral;

e/ Escrow account;

f/ Guaranty;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. In cases where the security measures are agreed upon by the parties or provided for by law, the obligor must implement those security measures.

Article 319.- Scope of security for the performance of a civil obligation

1. A civil obligation may be partially or fully secured as agreed upon or as provided for by law; if the scope of security is not agreed upon or provided for by law, the obligation shall be regarded as fully secured, including the obligation to pay interests and compensation for damage.

2. The parties may agree on measures to secure the performance of civil obligations in order to secure the performance of assorted obligations, including current obligations, future obligations or conditional obligations.

Article 320.- Objects used to secure the performance of civil obligations

1. Objects used to secure the performance of civil obligations must be under the ownership rights of the securing party and be permitted for transaction.

2. Objects used to secure the performance of civil obligations are the existing objects or objects to be formed in the future. Objects to be formed in the future are movable property or immovable property under the ownership of the securing party after the time the obligations are established or the security transactions are entered into.

Article 321.- Monies, valuable papers used to secure the performance of civil obligations

Monies, bonds, shares, promissory notes and other valuable papers can be used to secure the performance of civil obligations.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Property rights owned by the securing party, including property rights arising from copyrights, industrial property rights, rights to plant varieties, the right to claim debts, the right to receive insurance indemnities for secured objects, property rights to capital amounts contributed to enterprises, property rights arising from contracts and other property rights of the securing party, may all be used to secure the performance of civil obligations.

2. Land use rights may be used to secure the performance of civil obligations in accordance with the provisions of this Code and the law on land.

3. The right to exploit natural resources shall be used to secure the performance of civil obligations in accordance with the provisions of this Code and the law on natural resources.

Article 323.- Registration of secured transactions

1. Secured transactions are civil transactions for which, as agreed upon by the parties or provided for by law, the application of security measures defined in Clause 1, Article 318 of this Code, is required.

2. The registration of secured transactions shall be carried out in accordance with the provisions of law on registration of secured transactions. The registration shall constitute a condition for secured transactions to be effective only in cases where it is so provided for by law.

3. Where secured transactions are registered under the provisions of law, such secured transactions shall be legally valid for a third party as from the time of registration.

Article 324.- Property used to secure the performance of many civil obligations

1. A property can be used to secure the performance of many civil obligations, if its value at the time of establishment of the secured transaction is greater than the total value of all secured obligations, unless otherwise agreed upon or provided for by law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. In cases where property must be disposed of to secure the performance of a due obligation, the other obligations, though being undue, shall be considered being due and all the secures are entitled to participate in the disposal of the property. The secure that has notified the disposal of the property shall have to dispose of the property, unless otherwise agreed upon by the secures.

In cases where the parties wish to continue performing the undue obligations, they may reach agreement on the use of other property by the securing party to secure the performance of undue obligations.

Article 325.- Priority order of payment

The payment priority order under the disposal of security property shall be determined as follows:

1. In cases where the secured transactions are registered, the payment priority order upon the disposal of security property shall be determined according to the registration order;

2. In cases where one property is used to secure the performance of many civil obligations with registered secured transactions and unregistered secured transactions as well, priority shall be given to the payment of registered secured transactions;

3. In cases where one property is used to secure the performance of many civil obligations with all secured transactions being unregistered, the payment priority order shall be determined according to the order of establishment of secured transactions.

II. PLEDGE OF PROPERTY

Article 326.- Pledge of property

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 327.- Forms of pledge of property

The pledge of property must be established in writing, either in a separate document or incorporated in a principal contract.

Article 328.- Effect of pledge of property

A pledge of property shall take effect as from the time of handing over the property to the pledgee.

Article 329.- Duration of pledge of property

The duration of a pledge of property shall be agreed upon by the parties. In the absence of such agreement, the pledge duration shall be counted till the termination of the obligation secured by the pledge.

Article 330.- Obligations of the property pledgor

The property pledgor shall have the following obligations:

1. To hand over the pledged property to the pledgee as agreed upon;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. To pay the pledgee reasonable expenses incurred for maintaining and preserving the pledged property, unless otherwise agreed upon.

Article 331.- Rights of the property pledgor

The property pledgor shall have the following rights:

1. To demand that the pledgee suspend the use of the pledged property in the cases specified in Clause 3, Article 333 of this Code, if such use puts the pledged property in danger of loss or depreciation of its value;

2. To sell the pledged property, if so agreed by the pledgee;

3. To replace the pledged property with another property, if so agreed upon;

4. To demand that the pledgee that keeps the pledged property return the pledged property when the obligation secured by the pledge has terminated;

5. To demand that the pledgee compensate for damage caused to the pledged property.

Article 332.- Obligations of the property pledgee

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. To maintain and preserve the pledged property; if causing loss of, or damage to, the pledged property, to pay compensation for damage to the pledgor;

2. Not to sell, exchange, donate, lease, or lend the pledged property; not to use the pledged property to secure the performance of another obligation;

3. Not to exploit the utility of, or enjoy the yields and/or profits from, the pledged property, if not so consented by the pledgor;

4. To return the pledged property upon the termination of the obligation which is secured by the pledge or when it is replaced by another security measure.

Article 333.- Rights of the property pledgee

The property pledgee shall have the following rights:

1. To demand that the person unlawfully possessing or using the pledged property return the property;

2. To demand that the pledged property be disposed of in the manner as agreed upon or provided for by law for the performance of an obligation;

3. To exploit the utility of, and enjoy the yields and/or profits from, the pledged property, if so agreed upon;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 334.- Pledge of many properties

In cases where many properties are pledged to secure the performance of one civil obligation, each property shall be determined as securing the performance of the entire obligation. The parties may also agree that each property secures the performance of a part of the obligation.

Article 335.- Cancellation of pledge of property

The pledge of a property may be cancelled, if so consented by the pledgee.

Article 336.- Disposal of pledged property

In cases where the time for performing the civil obligation becomes due and the pledgor has failed to perform or has performed the obligation not in accordance with the agreement, the pledged property shall be disposed of by the mode agreed upon by the parties or be auctioned under the provisions of law for the performance of the obligation. The pledgee shall be given priority to receive payment from the proceeds of the sale of the pledged property.

Article 337.- Disposal of pledged property involving many objects

In cases where a pledged property comprises many objects, the pledgee may choose specific property for disposal, unless otherwise agreed upon. The pledgee may only handle a number of necessary property corresponding to the value of the secured obligation; in case of disposal in excess of the number of necessary property, causing damage to the pledgor, the pledgee must pay compensation therefor to the pledgor.

Article 338.- Payment of proceeds from the sale of pledged property

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 339.- Termination of pledge of property

The pledge of property shall terminate in the following cases:

1. The obligation secured by the pledge has terminated;

2. The pledge of property has been cancelled or substituted by another security measure;

3. The pledged property has been disposed of;

4. It is so agreed by the parties.

Article 340.- Return of pledged property

When the pledge of property is terminated as provided for in Clauses 1 and 2 of Article 339 of this Code, the pledged property and ownership right certificates shall be returned to the pledgor. Yields and profits received from the pledged property shall also be returned to the pledgor, unless otherwise agreed upon.

Article 341.- Pledge of property at pawn shops

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



III. MORTGAGE OF PROPERTY

Article 342.- Mortgage of property

1. The mortgage of property means the use by a party (hereinafter referred to as the mortgagor) of his/her/its own property to secure the performance of a civil obligation toward the other party (hereinafter referred to as the mortgagee) without transferring such property to the mortgagee.

In cases where an entire immovable or movable property containing an auxiliary object is mortgaged, the auxiliary object of such immovable or immovable property shall also belong to the mortgaged property.

In cases where only part of the immovable or movable property containing an auxiliary object is mortgaged, the auxiliary object shall belong to the mortgaged property, unless otherwise agreed upon by the parties.

The mortgaged property can also be the property to be formed in the future.

2. The mortgaged property shall be held by the mortgagor. The parties may agree to let a third party keep the mortgaged property.

3. The mortgage of land use rights shall comply with the provisions of Articles 715 thru 721 of this Code and other relevant provisions of law.

Article 343.- Forms of property mortgage

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 344.- Duration of mortgage

The parties shall agree on the duration of a mortgage of property; in the absence of such agreement, the mortgage shall last until the termination of the obligation secured by the mortgage.

Article 345.- Mortgage of property currently being leased

A property that is being leased may also be mortgaged. Yields and profits received from the lease of property shall belong to the mortgaged property, if it is so agreed upon or provided for by law.

Article 346.- Mortgage of insured property

1. In cases where a mortgaged property is insured, the insurance coverage shall also belong to the mortgaged property.

2. The mortgagee must notify the insurance organization that the insured property is being used as mortgage. The insurance organization shall pay the insurance indemnities directly to the mortgagee upon the occurrence of an insured incident. In cases where the mortgagee fails to notify the insurance organization that the insured property is being used as mortgage, the insurance organization shall pay indemnities under the insurance contract and the mortgagor is obliged to make payment to the mortgagee.

Article 347.- Mortgage of many properties to secure the performance of one civil obligation

In cases where many properties are mortgaged to secure the performance of one civil obligation, each property shall be determined as securing the performance of the entire obligation. The parties may also agree that each property secures the performance of part of the obligation.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The property mortgagor shall have the following obligations:

1. To preserve and maintain the mortgaged property;

2. To apply necessary remedial measures, including the cessation of the exploitation of the utility of the mortgaged property, if due to such exploitation the mortgaged property is in the danger of loss or depreciation of its value;

3. To notify the mortgagee of a third party's rights to the mortgaged property, if any; in case of non-notification, the mortgagee may cancel the property mortgage contract and demand compensation for damage or maintain the contract and accept the third party's rights to the mortgaged property;

4. Not to sell, exchange or donate the mortgaged property, except for the cases specified in Clauses 3 and 4, Article 349 of this Code.

Article 349.- Rights of the property mortgagor

The property mortgagor shall have the following rights:

1. To exploit the utility of, and enjoy the yields and profits from, the property, except in cases where the yields and profits also belong to the mortgaged property as agreed upon;

2. To invest so as to increase the value of the mortgaged property;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



In case of sale of the mortgaged property being a commodity circulated in the process of production and/or business, the right to demand the purchaser pay the money, the sale proceeds or the property formed from the sale proceeds shall become the mortgaged property in replacement of the sold property;

4. To sell, exchange or donate the mortgaged property other than a commodity circulated in the process of production and/or business, if so agreed by the mortgagee;

5. To lease, lend the mortgaged property but with the notification to the lessee or the borrower that the leased or lent property is being mortgaged, and to have to notify such to the mortgagee;

6. To reclaim the mortgaged property held by a third party, when the obligation secured by the mortgage is terminated or secured by another measure.

Article 350.- Obligations of the property mortgagee

The property mortgagee shall have the following obligations:

1. To return to the mortgagor the papers on the mortgaged property upon termination of the mortgage in cases where the parties agree that the mortgagee keeps the papers on the mortgaged property;

2. To request a state agency competent to register secured transactions to delete the registration in the cases specified in Articles 355, 356 and 357 of this Code.

Article 351.- Rights of the property mortgagee

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. To demand that the lessee or the borrower of the mortgaged property in the case specified in Clause 5, Article 349 of this Code terminate the use of the mortgaged property, if such use causes the loss or decrease of the value of such property;

2. To directly check and inspect the mortgaged property but not to hinder or cause difficulty to the use or exploitation of the mortgaged property;

3. To demand that the mortgagor supply information on the actual conditions of the mortgaged property;

4. To demand that the mortgagor apply necessary measures to preserve the property, the property value in cases where exists the danger of causing the loss or decrease of value of the property due to the exploitation and use thereof;

5. To demand that the mortgagor or a third party that keeps the mortgaged property return such property for disposal in cases where the time for fulfillment of the obligation becomes due while the obligagor fails to perform or improperly performs the obligation;

6. To supervise and inspect the process of property formation in case of mortgaging the property to be formed in the future;

7. To request the disposal of the mortgaged property in accordance with the provisions of Article 355 or Clause 3 of Article 324 of this Code and to be given priority in the settlement of payments.

Article 352.- Obligations of a third party holding mortgaged property

A third party holding the mortgaged property shall have the following obligations:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. To discontinue the exploitation of the utility of the mortgaged property, in the case specified in Clause 1, Article 353 of this Code, if the continued exploitation thereof may put the mortgaged property in the danger of losing or decreasing its value;

3. To hand back the mortgaged property to the mortgagee or the mortgagor as agreed upon.

Article 353.- Rights of the third party holding mortgaged property

The third party holding the mortgaged property shall have the following rights:

1. To exploit the utility of, and enjoy the yields and profits from, the mort-gaged property, if it is so agreed upon;

2. To be paid the remuneration and the expenses for maintenance and preservation of the mortgaged property, unless otherwise agreed upon.

Article 354.- Replacement and repair of mortgaged property

1. The mortgagor may replace the mortgaged property only when it is so consented by the mortgagee, unless otherwise agreed upon, except for the case specified in Clause 3, Article 349 of this Code.

2. In case of mortgage of a warehouse, the mortgagor may replace commodities in the warehouse, but must strictly ensure the value of the ware-housed commodities as agreed upon.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 355.- Disposal of mortgaged property

In cases where the time for performing a civil obligation becomes due and the obligor has failed to perform or has improperly performed the obligation, the mortgaged property shall be disposed of in accordance with the provisions of Articles 336 and 338 of this Code.

Article 356.- Cancellation of property mortgage

A property mortgage may be cancelled if the mortgagee so consents, unless otherwise provided for by law.

Article 357.- Termination of property mortgage

A property mortgage shall terminate in the following cases:

1. The obligation secured by the mortgage has been terminated;

2. The property mortgage is cancelled or replaced with another security measure;

3. The mortgaged property has been disposed of;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



IV. DEPOSITS

Article 358.- Deposit

1. Deposit is an act whereby one party transfers a sum of money or precious metals, gems or other valuable things (hereinafter referred to as the deposited property) to another party for a specified time limit to secure the entry into, or the performance of, a civil contract.

Deposit must be established in writing.

2. In cases where a civil contract is entered into or performed, the deposited property shall be returned to the depositor or deducted for the performance of a payment obligation; if the depositor refuses to enter into or perform the civil contract, the deposited property shall belong to the depositary; if the depositary refuses to enter into or perform the civil contract, he/she/it must return the deposited property and pay a sum of money equivalent to the value of the deposited property to the deposi-tor, unless otherwise agreed upon.

V. SECURITY COLLATERAL

Article 359.- Security collateral

1. Security collateral is an act whereby a lessee of a movable property transfers a sum of money or precious metals, gems or other valuable things (hereinafter referred to as security collateral property) to the lessor for a specified time limit to secure the return of the leased property.

2. In cases where the leased property is returned, the lessee shall be entitled to reclaim the security collateral property after deducting the rental; if the lessee does not return the leased property, the lessor shall be entitled to reclaim the leased property; if the leased property is no longer available for the return, the security collateral property shall belong to the lessor.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 360.- Escrow account

1. Escrow account is an act whereby an obligor deposits a sum of money, precious metals, gems or valuable papers into a blocked bank account to secure the performance of a civil obligation.

2. In cases where the obligor has failed to perform or has improperly performed an obligation, the obligee shall be entitled to receive payment and compensation for damage caused by the obligor from the bank where the escrow account is effected, after deducting the bank service charges.

3. The procedures for deposit and payment shall be specified by the law on banking.

VII. GUARANTY

Article 361.- Guaranty

Guaranty is an act whereby a third party (hereinafter referred to as the guarantor) commits with the obligee (hereinafter referred to as the guarantee) to perform an obligation for the obligor (hereinafter referred to as the guaranteed), when the obligation becomes due and the guaranteed has failed to perform or has improperly performed the obligation. The parties may also agree that the guarantor shall only be liable to perform the obligation when the guaranteed is incapable of performing its obligation.

Article 362.- Forms of guaranty

The guaranty must be made in writing, either in a separate document or incorporated in the principal contract. Guarantee documents must be notarized or authenticated in cases where it is so provided for by law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



A guarantor may undertake to guarantee a part or whole of the obligation for the guaranteed.

The guaranty obligation includes interest on the principal, fines and damages, unless otherwise agreed upon.

Article 364.- Remuneration

The guarantor shall be entitled to remuneration if so agreed upon between the guarantor and the guaranteed.

Article 365.- Joint guarantors

When more than one person undertake to guarantee an obligation, they must perform jointly the guaranty, except in cases where they agree or it is provided for by law that the guaranty shall be in independent shares; the obligee may demand that anyone of the joint guarantors perform the entire obligation.

When one of the joint guarantors has performed the entire obligation for the guaranteed, he/she/it shall have the right to demand that the other guarantors perform their shares of the obligation to him/her/it.

Article 366.- Relationship between the guarantor and the guarantee

1. The guarantee must not demand that the guarantor perform an obligation for the guaranteed when the obligation has not become due.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 367.- The guarantor's right to demand

When the guarantor has fulfilled his/her/its obligation, he/she/it shall have the right to demand the guaranteed to perform his/her/its obligation towards guarantor within the scope of the guaranty, if not otherwise agreed upon.

Article 368.- Waiver of the performance of guaranty

1. In cases where the guarantee exempt the guarantor from the performance of obligation, the guaranteed shall still have to perform the obligation towards the guarantee, except in cases where it is agreed upon or provided for by law that the guaranty must be performed jointly.

2. In cases where one of the joint guarantors is exempted from performing his/her/its part of the guaranty, the other joint guarantors shall still have to perform their parts of the guaranty.

Article 369.- Disposal of the property of the guarantor

In cases when the time limit for performing the obligation for the guaranteed becomes due and the guarantor has failed to perform or has improperly performed the obligation, the guarantor must use his/her/its own property to make payments for the guarantee.

Article 370.- Cancellation of guaranty

A guaranty may be cancelled if the guarantee so consents, unless otherwise provided for by law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



A guaranty shall be terminated in the following cases:

1. The obligation secured by the guaranty is terminated;

2. The guaranty is cancelled or is replaced by another security measure;

3. The guarantor has performed the guaranty obligation;

4. It is so agreed upon by the parties.

VIII. PLEDGE OF TRUST

Article 372.- Pledge of trust guaranty by socio-political organizations

Local socio-political organizations may guarantee by way of pledge of trust for poor individuals and households to borrow sums of money from banks or other credit institutions for production, business or provision of services in accordance with regulations of the Government.

Article 373.- Forms of pledge of trust guarantee

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Section 6. TERMINATION OF CIVIL OBLIGATIONS

Article 374.- Bases for termination of a civil obligation

A civil obligation shall terminate in the following cases:

1. The obligation is fulfilled;

2. It is so agreed upon by the parties;

3. The obligee waives the performance of the obligation;

4. The obligation is replaced by another civil obligation;

5. The obligation is offset;

6. The obligee and the obligor merge;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



8. The obligor being an individual dies or the obligor being a legal person or other subject ceases to exist while that obligation must be performed by that very individual or legal person;

9. The obligee being an individual dies and whose right to demand does not belong to the inheritance or the obligee being a legal person ceases to exist and the right to demand must not be transferred to another legal person or subject;

10. A distinctive object, as the object of the obligation, ceases to exist and is replaced by another civil obligation.

11. Other cases provided for by law.

Article 375.- Fulfillment of civil obligations

A civil obligation shall be deemed completed when the obligor has performed the entire obligation or part of the obligation but the remaining parts are exempted by the obligee from the performance.

Article 376.- Fulfillment of a civil obligation in cases where the obligee delays accepting the object of the obligation

1. When the obligee delays accepting the object of an obligation, which is an object, the obligor must preserve the object or may deposit it for safekeeping at a place of bailment and must immediately notify the obligee thereof. The party delaying the acceptance must bear all risks and expenses relating to its bailment.

The obligation to deliver an object shall be completed at the time it is bailed in accordance with the quantity, quality and other conditions agreed upon by the parties.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 377.- Termination of civil obligations by agreement

The parties may agree to terminate a civil obligation at any time, provided that such does not harm State interests, public interests or legitimate rights and interests of other persons.

Article 378.- Termination of civil obligations due to waiver of the performance of obligations

1. A civil obligation shall terminate when the obligee waives the performance of obligation for the obligor, unless otherwise provided for by law.

2. When a secured obligation is waived, the security arrangement shall also terminate.

Article 379.- Termination of a civil obligation by substitution with another civil obligation

1. In cases where the parties agree to substitute the original civil obligation with another civil obligation, the original civil obligation shall terminate.

2. The civil obligation shall also terminate if the obligee has accepted another property or another task as a substitute for the property or the task previously agreed upon.

3. In cases where the civil obligation is an obligation to provide support payment, to pay compensation for damage due to infringement on the life, health, honor, dignity and reputation, or other personal obligation which cannot be transferred to other person, then it shall not be substituted with another obligation.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. In cases where two parties have reciprocal obligations with respect to properties of the same type and both of which are due, they shall not have to perform obligations to each other and the obligations shall be deemed terminated, except otherwise provided for by law.

2. In cases where the values of the properties or the tasks are different, the parties shall pay the difference in value to each other.

3. Objects which can be valued in money may be used to offset the payment obligation.

Article 381.- Cases where civil obligations must not be offset

A civil obligation must not be offset in the following cases:

1. The civil obligation is in dispute;

2. The obligation is to compensate for damage to life, health, dignity, honor or reputation;

3. The obligation is to provide support payment;

4. Other obligations provided for by law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



When the obligor becomes the obligee with respect to that particular obligation, the civil obligation shall terminate.

Article 383.- Termination of civil obligations due to expiration of the statute of limitations for exemption from civil obligations

When the statute of limitations for exemption from civil obligations expires, the obligations shall terminate.

Article 384.- Termination of civil obligations when the obligor being an individual dies or being a legal person, or another subject ceases to exist

When it is agreed upon by the parties or provided for by law that the obligation must be performed by the obligor him/her/itself, but such individual has died or the legal person or other subject has ceased to exist, then that obligation shall terminate.

Article 385.- Termination of civil obligations when the obligee being an individual dies or being a legal person or other subject ceases to exist

When it is agreed upon by the parties or provided for by law that the obligation shall be performed only for the individual, the legal person or the other subject, that is the obligee, but such individual has died or such legal person or other subject has ceased to exist, then that obligation shall also terminate.

Article 386.- Termination of civil obligation when distinctive objects no longer exist

The obligation to hand over an object shall terminate in cases where the object to be handed over is a distinctive object which no longer exists.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 387.- Termination of civil obligations in case of bankruptcy

In case of bankruptcy, civil obligations shall terminate in accordance with the provisions of law on bankruptcy.

Section 7. CIVIL CONTRACTS

I. ENTRY INTO CIVIL CONTRACTS

Article 388.- Definition of civil contracts

A civil contract is an agreement between the parties to establish, change or terminate civil rights and/or obligations.

Article 389.- Principles for entering into civil contracts

The entry into a civil contract must adhere to the following principles:

1. Freedom to enter into the contract, provided that it is not contrary to law and social ethics;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 390.- Offering to enter into civil contracts

1. Offering to enter into a contract means the expression of the intention to enter into the contract and to be bound on this offer of the offering party to the other specified party.

2. In cases where the offer to enter into a contract clearly state the time limit for reply and the offer or enters into the contract with a third party within such time limit, he/she/it must pay compensation for damage to the offeree and must not enter into the contract if damage is caused.

Article 391.- Time when an offer to enter into a civil contract takes effect

1. The time when an offer to enter into a civil contract takes effect shall be determined as follows:

a/ It is fixed by the offeror;

b/ If the offeror does not fix such time, the offer to enter into a civil contract shall take effect from the time the offeree receives such offer.

2. An offer to enter into a contract shall be considered having already been received in the following cases:

a/ The offer is transferred to the place of residence, if the offeree is an individual; to the headquarters, if the offeree is a legal person;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c/ When the offeree knew the offer to enter into the contract by another mode.

Article 392.- Modification, revocation of offers to enter into civil contracts

1. The offeror may modify or revoke his/her offer to enter into a contract in the following cases:

a/ If the offeree receives the notice on modification or revocation of offer before or simultaneously with the time of receiving the offer;

b/ The conditions for modification or revocation of the offer arise in cases where the offeror has clearly stated the eligibility for modification or revocation of the offer when such conditions arise.

2. When the offeror changes the contents of the offer, such offer shall be considered a new offer.

Article 393.- Cancellation of offers to enter into contracts

Where the offeror exercises the right to cancel the offer as such right has been clearly stated in the offer, he/she/it must notify the offeree thereof and such notification shall take effect only when it is received by the offeree before the offeree replies to accept the offer to enter into the contract.

Article 394.- Termination of offers to enter into contracts

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. The offeree replies not to accept the offer;

2. The time limit for reply of acceptance has expired.

3. When the notice on modication or revocation of the offer takes effect;

4. When the notice on cancellation of the offer takes effect;

5. It is so agreed upon by the offeror and the offeree within the time limit for reply by the offeree

Article 395.- Offer modification proposed by the offeree

When the offeree accepts to enter into a contract but states the conditions therefore or modifies the offer, he/she/it shall be considered having made a new offer.

Article 396.- Acceptance of offers to enter into contracts

The acceptance of an offer to enter into a contract is the offeree’s reply to the offeror on the acceptance of the whole contents of the offer.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. When the offeror fixes a time limit for reply, the reply of acceptance shall be effective only when it is made within that time limit; if the offeror receives the reply when the time limit for reply has expired, the acceptance shall be considered a new offer of the party late in replying.

In cases where the notice on acceptance of an offer to enter into a contract arrives late for objective reasons which the offeror knew or would have known, such notice on acceptance of the offer to enter into the contract remains effective, except for cases where the offeror immediately replies not to agree with such acceptance of the offeree.

2. When the parties are in direct contact, including contacts via telephone or other means, the offeree must immediately reply whether to accept the offer or not, except for cases where there in an agreement on the time limit for reply.

Article 398.- Cases where offerors die or lose their civil act capacity

In cases where the offeror dies or loses his/her civil act capacity after the offeree accepts to enter into the contract, the offer to enter into the contract remains valid.

Article 399.- Cases where offerees die or lose their civil act capacity

In cases where the offeree dies or loses his/her civil act capacity after making his/her reply to accept the offer to enter into the contract, the reply of acceptance to enter into the contract remains valid.

Article 400.- Revocation of notice on acceptance to enter into contracts

The offeree may revoke his/her notice on acceptance to enter into a contract if such notice arrives before or simultaneously with the time the offeror receives the reply of acceptance.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. A civil contract can be made orally, in writing or by specific acts, unless a specific form for such type of contract is provided for by law.

2. In cases where it is provided for by law that a contract must be expressed in writing with notarization or authentication, must be registered or permitted, such provisions shall be complied with.

Contracts shall not be invalidated in case of form-related breaches, unless otherwise provided for by law.

Article 402.- Contents of civil contracts

Depending on each type of contract, the parties may agree on the following contents:

1. Object of the contract, which is a property to be handed over, or a task to be performed or not to be performed;

2. Quantity and quality;

3. Price and mode of payment;

4. Time limit, place and mode of performing the contract;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



6. Liability for breach of contract;

7. Sanction against breach of contract;

8. Other contents.

Article 403.- Places of entry into civil contracts

The place where a civil contract is entered into shall be agreed upon by the parties; in the absence of such agreement, the place of entry into a civil contract shall be the place of residence of the individual or the head-office of the legal person that has made the offer to enter into the contract.

Article 404.- Time of entry into civil contracts

1. A civil contract shall be entered into at the time when the offeror receives the reply of acceptance to enter into the contract.

2. A civil contract shall also be considered having been entered into when the time limit for reply has expired and the offeree remains silent, if it is agreed upon by the parties that silence means the reply of acceptance.

3. The time of entry into an oral contract shall be the time at which the parties have agreed on the contents of the contract.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 405.- Effect of civil contracts

Contracts that are legally entered into shall take effect from the time they are entered into, unless otherwise agreed upon or provided for by law.

Article 406.- Main types of civil contract

Contracts shall have the following main types:

1. Bilateral contract, which is a contract under which a party has the obligation to the other;

2. Unilateral contract, which is a contract under which only one party has the obligation;

3. Principal contract, which is a contract the effect of which does not depend on the auxiliary contract;

4. Auxiliary contract, which is a contract the effect of which depends on the principal contract;

5. Contract for the benefit of a third party, which is a contract under which the contracting parties must perform their obligations and the third party shall enjoy benefits from the performance of such obligations;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 407.- Standardized contracts

1. A standardized contract is a contract which contains provisions prepared by one party according to a standard contract and given to the other party for reply within a reasonable period of time; if the offeree gives its reply of acceptance, he/she/it shall be considered having accepted the entire content of the standardized contract offered by the offeror.

2. In cases where a standardized contract contains ambiguous provisions, the offeror of the standardized contract shall bear adverse consequences of the interpretation of such provisions.

3. In cases where a standardized contract contains provisions exempting the liability of the offeror of the standardized contract, while increasing the responsibility or abolishing legitimate interests of the other party, such provisions shall not be valid, unless otherwise agreed upon.

Article 408.- Appendices to contracts

1. Appendices may be attached to a contract to detail some provisions of the contract. Appendices shall be as effective as the contract. The contents of appendices shall not be contrary to the contents of the contract.

2. In cases where appendices contain provisions contrary to the contractual provisions, such provisions shall not be valid, unless otherwise agreed upon. In cases where the parties accept appendices with provisions contrary to contractual provisions, such contractual provisions shall be considered having been amended.

Article 409.- Interpretation of civil contracts

1. When a contract contains ambiguous provisions, the interpretation of such provisions shall be based not only on the wording of the contract but also on the mutual intentions of the parties.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. When a contract contains wordings that may be construed in different meanings, such wordings must be interpreted according to the meaning which is most appropriate to the nature of the contract.

4. When a contract contains a provision or wording that is difficult to understand, such provision or wording must be interpreted according to practices at the place where the contract is entered into.

5. When a contract lacks some provisions, such provisions may be supplemented according to practices at the place where the contract is entered into.

6. The provisions of a contract must be interpreted in relation to each other, so that the meanings of such provisions conform to the whole contents of the contract.

7. In case of contradiction between the mutual intentions of the parties and the contractual wordings, the mutual intentions of the parties shall be used for interpretation of the contract.

8. In cases where the advantageous party includes in the contract the contents unfavorable for the disadvantageous party, the interpretation of the contract must be made along the direction of benefiting the disadvantageous party.

Article 410.- Invalid civil contracts

1. The provisions on invalid civil transactions in Articles 127 thru 138 of this Code shall also apply to invalid contracts.

2. The invalidation of principal contracts shall terminate the auxiliary contracts, except in cases where the parties agree that the auxiliary contracts can replace the principal contracts. This provision shall not apply to the security measures for performance of civil obligations.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 411.- Civil contracts invalidated due to the existence of objects which cannot be realized

1. In cases where a contract, right at the time it is entered into, contains an object which cannot be realized for objective reasons, such contract shall be invalidated.

2. In cases where a contract is entered into and a party knew or would have known that the contract contains an object which cannot be realized but fails to notify such to the other party that has, therefore, entered into the contract, the former must pay damages to the other party, except for cases where the other party knew or would have known the object which cannot be realized.

3. The provisions of Clause 2 of this Article shall also apply to cases where a contract contains one or many parts of an unrealizable object, while the remaining part of the contract remains legally valid.

II. PERFORMANCE OF CIVIL CONTRACTS

Article 412.- Principles for the performance of civil contracts

The performance of a civil contract must conform to the following principles:

1. It must be performed in accordance with the agreement on the object, quality, quantity, category, time limit, methods and other agreements;

2. It must be performed honestly and in the spirit of cooperation and in a manner that best benefits the parties and ensures mutual trust;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 413.- Performance of unilateral contracts

With respect to unilateral contracts, the obligor must perform the obligation strictly as agreed upon and may only perform the obligation prior to or after the time limit, if the obligee so consents.

Article 414.- Performance of bilateral contracts

1. With respect to bilateral contracts where the parties have agreed upon the time limit for performing the obligations, each party must perform its obligations when they become due; must not delay the performance for the reason that the other party has not yet performed its obligations to the former, except for cases provided for in Article 415 and Article 417 of this Code.

2. In cases where the parties have no agreement on which party should perform his/her/its obligation first, the parties must concurrently perform their obligations to each other; if the obligations cannot be performed concurrently, the obligation the performance of which takes more time than others shall be performed first.

Article 415.- The right to post-pone the performance of civil obligations in bilateral contracts

1. The party that must perform its obligations first shall have the right to postpone the performance of such obligations, if the other party’s property has seriously depreciated to the extent that the obligations cannot be performed as committed until the other party has the capability to perform its obligations or has a guarantor.

2. The party that must perform its obligations later shall have the right to postpone the performance of due obligations if the party that must perform its obligations first has not yet performed its obligations when they are due.

Article 416.- Lien on property in bilateral contracts

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. The lienor shall have the following rights and obligations:

a/ To retain the whole or part of the property in the cases defined in Clause 1 of this Article;

b/ To enjoy yields from the property subject to a lien and use them to offset the obligations;

c/ To keep and preserve the property subject to a lien;

d/ To request the owner of the property subject to a lien to pay necessary expenses for the keeping and preservation of such property.

3. A lien shall terminate in the following cases:

a/ It is so agreed upon by the parties;

b/ The lienor violates the obligation to keep and preserve the property subject to a lien;

c/ The owner of the property subject to a lien has fulfilled their obligations.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



When a party to a bilateral contract is unable to perform its obligations due to the fault of the other party, the former shall have the right to demand that the other party still perform its obligations toward the former or to cancel the contract and demand compensation for damage.

Article 418.- Non-performance of obligations but not due to the faults of the parties

When a party to a bilateral contract is unable to perform its obligations but the parties are not at fault, the non-performer of the obligations shall have no right to demand that the other party perform its obligations toward him/her/it. In cases where a party has performed part of the obligations, it shall have the right to demand the other party perform the corresponding part of the obligations toward it.

Article 419.- Performance of a contract for the benefit of a third party

When a contract is performed for the benefit of a third party, the third party shall have the right to directly request the obligor to perform the obligation toward it; if there appears a dispute between the parties over the performance of the contract, the third party shall not have the right to demand the performance of the obligation until the dispute is settled.

The obligee may also demand that the obligor perform the contract for the benefit of the third party.

Article 420.- A third party's right to refuse

In cases where a third party refuses to enjoy its benefits before the obligor performs his/her/its obligations, the obligor shall not have to perform his/her/its obligations, but must notify the obligee thereof, and the contract shall be considered having been rescinded; the parties shall have to return to each other what they have received; if the third party refuses to enjoy its benefits after the obligor has performed his/her/its obligations, the obligations shall be considered having been fulfilled and the obligee must still fulfill his/her/its commitments toward the obligor.

Article 421.- No amendment or rescission of contracts for the benefits of a third party

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 422.- Performance of contracts with agreement on sanction against violations

1. Sanction against violation means an agreement between the contractual parties that the party violating the obligation must pay a sum of money to the violated party.

2. The sanctioning level shall be agreed upon by the parties.

3. The parties may agree that the violating party shall only pay a fine for the violation but not have to pay compensation for damage or shall have to pay both the fine for the violation and compensation for damage; in the absence of prior agreement on the level of compensation for damage, the compensation for the whole damage must be paid.

In cases where the parties have no agreement on compensation for damage, the violating party shall have to pay only the fine for the violation.

III. AMENDMENT AND TERMINATION OF CIVIL CONTRACTS

Article 423.- Amendment of civil contracts

1. The parties may agree to amend their contracts and resolve the consequences of such amendment, unless otherwise provided for by law.

2. In cases where a contract has been made in writing, notarized or authenticated, registered or permitted, the amendment of the contract must also conform to such form.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



A contract shall terminate in the following cases:

1. The contract has been fulfilled;

2. It is so agreed upon by the parties;

3. The individual entering into the contract dies, or the legal person or other subjects entering into the contract cease to exist while the contract must be performed by that very individual, legal person or subjects;

4. The contract is rescinded or unilaterally suspended from performance;

5. The contract cannot be performed because its object no longer exists, and the parties may agree to substitute such object with another object or compensate for damage;

6. Other cases provided for by law.

Article 425.- Rescission of civil contracts

1. A party shall have the right to rescind a contract without having to compensate for damage if the breach of the contract by the other party is a condition for rescission, as agreed by the parties or provided for by law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. When a contract is rescinded, it shall cease to be valid ad initio and the parties must return to each other the property they have received; if the property cannot be returned in kind, then it shall be paid for in money.

4. The party at fault in the rescission of the contract shall have to compensate for damage.

Article 426.- Unilateral termination of performance of civil contracts

1. A party shall have the right to unilaterally terminate the performance of a contract if so agreed upon by the parties or provided for by law.

2. The party that unilaterally terminates the performance of the contract must immediately notify the other party of the termination; if failing to give notification, thereby causing damage, it shall have to pay compensation therefore.

3. When the performance of a contract is unilaterally terminated, the contract shall terminate as from the time the other party receives the termination notice. The parties shall not have to continue to perform their obligations. The party that has already performed its obligations shall have the right to demand payment from the other party.

4. The party at fault in the unilateral termination of a contract must compensate for damage.

Article 427.- Statute of limitations for initiating lawsuits related to civil contracts

The statute of limitations for initiating lawsuits to request the courts to settle disputes over civil contracts shall be two years counting from the date legitimate rights and interests of individuals, legal persons or other subjects are infringed upon.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



COMMON CIVIL CONTRACTS

Section 1. CONTRACTS FOR PROPERTY SALE AND PURCHASE

I. GENERAL PROVISIONS ON CONTRACTS FOR PROPERTY SALE AND PURCHASE

Article 428.- Contracts for property sale and purchase

A contract for property sale and purchase is an agreement between the parties whereby the seller has the obligation to hand over the property to the purchaser and receive payment, while the purchaser has the obligation to accept the property and make payment to the seller.

Article 429.- Objects of sale and purchase contracts

1. The object of a sale and purchase contract shall be a property permitted for transaction.

2. In cases where the object of a sale and purchase contract is an object, that object must be clearly defined.

3. In cases where the object of a sale and purchase contract is a property right, there must be documents of title or other evidence proving such right of the seller.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. The quality of the objects for sale and purchase shall be agreed upon by the parties.

2. In cases where the quality of objects has been announced or provided for by competent state agencies, the quality of the objects shall be determined in accordance with the announced standards or the regulations of the competent state agencies.

3. When the quality of objects is not agreed upon between the parties or not provided for by law, then the quality of the objects for sale and purchase shall be determined according to the use purposes and the average quality of objects of the same kind.

Article 431.- Price and mode of payment

1. The price shall be agreed upon by the parties or determined by a third party at the parties' request.

In cases where the parties agree to make payments at market prices, the price shall be determined at the place and time of payment.

With respect to the property in civil transactions, for which the State has set a price frame, the price shall be agreed upon by the parties in accordance with that price frame.

2. The parties may agree to apply inflation coefficients upon the fluctuation of prices.

3. The agreed price may be a specific price level or a method of determining the price. In cases where the agreement on the price level or the price-determining method is not clear, the price of the property shall be determined, based on the market price at the place and time the contract is entered into.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 432.- Time limit for performance of sale and purchase contracts

1. The time limit for the performance of a sale and purchase contract shall be agreed upon by the parties. The seller shall have to hand over the property to the purchaser at the time agreed upon; the seller may hand over the property before or after the time limit, only if the purchaser so agrees.

2. When there is no agreement between the parties on the time limit for handing over the property, the buyer shall have the right to demand that the seller hand over the property and the seller shall also have the right to demand that the purchaser receive the property at any time, but the parties must notify each other thereof in advance within a reasonable period of time.

3. When there is no agreement between the parties on the time limit for payment, the buyer must make payment upon receipt of the property.

Article 433.- Places for handing over property

The place for handing over the property shall be agreed upon by the parties; in the absence of such agreement, the provisions of Clause 2, Article 284 of this Code shall apply.

Article 434.- Modes of handing over property

The property shall be handed over by the mode agreed upon by the parties; in the absence of such agreement, the property shall be handed over in one installment by the seller directly to the purchaser.

Article 435.- Liability for handing over objects in an incorrect quantity

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. In cases where the seller hands over the object in a quantity smaller than that agreed upon, the purchaser shall have one of the following rights:

a/ To receive the portion already handed over and demand compensation for damage;

b/ To receive the portion already handed over and set a time limit for the seller to hand over the deficit portion;

c/ To cancel the contract and demand compensation for damage.

Article 436.- Liability for handing over objects in incomplete sets

1. In cases where the object is handed over in an incomplete set, thereby making the use purpose of the object unachievable, the purchaser shall have one of the following rights:

a/ To receive the object and demand that the seller hand over the remaining part, demand compensation for damage and postpone the payment for the part received until the complete set is handed over;

b/ To cancel the contract and demand compensation for damage.

2. In cases where the purchaser has made payment but not yet received the object due to the hand-over of an incomplete set, he/she/it shall be paid interests on the paid amount at the basic interest rate set by the State Bank and demand that the seller compensate for damage due to the hand-over of the incomplete set, starting from the time the contract must be performed to the time the complete set is handed over.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



In cases where the object handed over is of a wrong kind, the purchaser shall have one of the following rights:

1. To receive the object and make the payment at the price agreed upon by the parties;

2. To demand the hand-over of object of the right kind and compensation for damage;

3. To cancel the contract and demand compensation for damage.

Article 438.- The duty to pay

1. The purchaser must pay in full at the time and place agreed upon; in the absence of such agreement, he/she/it must make full payment at the time and place of handing over the property.

2. The purchaser must pay interests starting from the date of late payment as specified in Clause 2, Article 305 of this Code, unless otherwise agreed upon or provided for by law.

Article 439.- Time for transfer of ownership rights

1. The rights to ownership over a property for purchase and sale shall be transferred to the purchaser as from the time the property is handed over, unless otherwise agreed upon by the parties or provided for by law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. In cases where the property for sale and purchase has not yet been handed over while yields and/or incomes are generated, such yields and/or incomes shall belong to the seller.

Article 440.- Time for bearing risks

1. The seller shall bear the risks to the property for purchase and sale until the property is handed over to the purchaser; while the purchaser shall bear risks to such property from the time of receiving it, unless otherwise agreed upon.

2. With respect to a contract for purchase and sale of property to which the ownership rights must, as provided for by law, be registered, the seller shall bear risks to such property until the registration procedures are completed, and the purchaser shall bear the risks from the time the registration procedures have been completed even when it has not yet received the property, unless otherwise agreed upon.

Article 441.- Transportation costs and costs related to the transfer of ownership rights

In cases where there is no agreement between the parties or no legal provision on transportation costs and costs relating to the transfer of ownership rights, the seller must bear the costs of transportation to the place of handing over the property and the costs related to the transfer of ownership rights.

Article 442.- The obligation to provide information and use instructions

The seller is obliged to provide necessary information on the property for purchase and sale, and instructions on the use of such property; if the seller fails to perform this obligation, the purchaser shall be entitled to request the seller to perform it; if the seller still declines to perform it, the purchaser shall be entitled to cancel the contract and demand compensation for damage.

Article 443.- Security of the purchaser's ownership rights to the property for purchase and sale

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. In cases where the property is disputed by a third party, the seller must take side with the purchaser in order to protect the latter's interests; if the third party is entitled to own part or the whole of the property for purchase and sale, the purchaser shall be entitled to cancel the contract and demand that the seller compensate for damage.

3. In cases where the purchaser knew or must have known that the property for purchase and sale is under the ownership of a third party, but still purchases it, he/she/it must return the property to its owner and shall not be entitled to demand compensation for damage.

Article 444.- Security of the quality of objects for purchase and sale

1. The seller must secure the use value or properties of an object for purchase and sale; if after the purchase, the purchaser discovers a defect that devaluates or reduces the use value of the object already purchased, he/she/it must promptly notify the seller of the defect upon the detection thereof and is entitled to request the seller to repair or change the defective or devalued object and compensate for damage, unless otherwise agreed upon.

2. The seller must secure that the object for sale conforms to the descriptions on its pack, trademark or to the sample that has been selected by the purchaser.

3. The seller shall not be liable for defects of the object in the following cases:

a/ Defect that the purchaser knew or must have known when purchasing the object;

b/ The object auctioned or object sold at a second-hand shop;

c/ The purchaser is at fault in causing the defects of the object.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The seller shall have the obligation to provide warranty for a sold object for a period of time called warranty time limit, if the warranty is agreed upon by the parties or provided for by law.

The warranty time limit shall be counted from the time the purchaser has the obligation to receive the object.

Article 446.- The right to demand warranty

Within the warranty time limit, if the purchaser discovers a defect in the purchased object, he/she/it shall be entitled to request the seller to repair it free of charge, reduce its price, exchange the defective object for another one, or return the object and get back the money.

Article 447.- Repair of objects within the warranty time limit

1. The seller must repair the object and secure that the object meets all the quality standards or has all the properties as committed.

2. The seller shall bear the expenses for repair and transportation of the object to the place of repair and from the place of repair to the place of residence or the head- office of the purchaser.

3. The purchaser shall be entitled to request the seller to complete the repair within the time limit agreed upon by the parties or within a reasonable period of time; if the seller cannot repair or complete the repair within such time limit, the purchaser shall be entitled to demand a price reduction, an exchange of the defective object for another one, or return the object and get back the money.

Article 448.- Compensation for damage within the warranty time limit

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. The seller shall not have to compensate for damage if he/she/it can prove that the damage was caused due to the purchaser's fault. The seller shall be entitled to a reduction of damages if the purchaser has not applied the necessary measures within his/her/its capacity to prevent or limit the damage.

Article 449.- Purchase and sale of property rights

1. In case of purchase and sale of property rights, the seller must transfer all documents of title and carry out the procedures for transfer of ownership rights to the purchaser, whereas the purchaser must pay money to the seller.

2. In cases where the property rights are rights to claim debts and the seller warrants the debtor's solvency, the seller shall be jointly liable for the payment if the debtor fails to pay the debt when it is due.

3. The time for transferring the ownership of property rights shall be the time at which the purchaser receives the papers certifying the ownership of such property rights or from the time of registration of the transfer of ownership rights, if so provided for by law.

II. CONTRACTS FOR PURCHASE AND SALE OF HOUSES

Article 450.- Forms of contracts for purchase and sale of residential houses

A contract for the purchase and sale of a residential house shall be made in writing, with notarization or authentication, unless otherwise provided for by law.

Article 451.- Obligations of the residential house seller

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. To notify the purchaser of any restrictions on ownership rights to the house, if any;

2. To maintain the residential house already sold pending its transfer to the purchaser;

3. To transfer to the purchaser the residential house in the same conditions as described in the contract and all the documents on the house;

4. To strictly carry out all procedures for purchase and sale of a residential house in accordance with the provisions of law.

Article 452.- Rights of the residential house seller

The residential hose seller shall have the following rights:

1. To request the purchaser to receive the house within the agreed time limit;

2. To request the purchaser to make payment within the agreed time limit and by the agreed mode of payment;

3. To request the purchaser to complete all the procedures for purchase and sale of residential houses within the agreed time limit;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 453.- Obligations of the residential house purchaser

The residential house purchaser shall have the following obligations:

1. To pay the purchase money in full, on time and by the agreed mode; if there is no agreement on the time limit and place of payment, the purchaser must make the payment at the time when the seller hands over the house and at the place where the house is located;

2. To receive the house and the documents on the house within the agreed time limit;

3. In case of purchasing the house currently on lease, the purchaser must secure the rights and interests of the lessee as agreed upon in the lease contract when the lease remains in effect.

Article 454.- Rights of the residential house purchaser

The residential house purchaser shall have the following rights:

1. To receive the house in the same conditions as agreed upon together with all the documents on the house;

2. To request the seller to complete all the procedures for the purchase and sale of residential house within the agreed time limit;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 455.- Purchase of houses to be used for other purposes

Unless it is otherwise provided for by law, the provisions of Articles 450 thru 454 of this Code shall also apply to the purchase of houses to be used for other purposes other than the purchase of residential houses.

III. SPECIFIC REGULATIONS ON PROPERTY PURCHASE AND SALE

Article 456.- Auction

A property may be sold by auction at the will of its owner or as provided for by law.

When a common property is to be sold by auction, the consent of all co-owners must be obtained, unless otherwise agreed upon or provided for by law.

Article 457.- Auction notices

1. The auctioneer must make a public announcement at the place of auction and on the mass media regarding the time, place, quantity and quality and the list of property to be auctioned, at least seven days for movables and thirty days for immovables before the date of auction.

2. Persons related to the property to be auctioned must be notified of the auction for their participation in determining the reserve price, unless otherwise agreed upon.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. At an auction, the auctioneer shall announce the reserve price.

2. The person who offers the highest bid, which is at least equal to the reserve price shall be the person entitled to purchase the auctioned property and be considered having accepted to enter into a contract.

3. The auction shall be recorded in writing with the signatures of the purchaser, the seller and two witnesses.

4. The time limit for handing over the auctioned property, the mode and time limit of payment shall comply with the regulations on auction.

5. The auctioneer shall not be liable for the value and quality of the auctioned property.

6. In cases where the announced highest bid is lower than the reserve price, the auction shall be considered having failed.

The Government shall specify the organization of, and the procedures for, property auction.

Article 459.- Auction of immovable property

1. The auction of an immovable property shall be held at the locality where the immovable property is located or at a place determined by the auctioneer.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. In case of success in the purchase of the auctioned property, the advance deposit shall be deducted from the purchase price; if the successful bidder refuses to purchase, he/she shall not be refunded with such money.

4. The auctioneer must refund the advance deposits to other persons who have registered to purchase but could not purchase the auctioned property.

5. The purchase and sale of an auctioned immovable property must be recorded in writing with notarization or authentication or must be registered, if so provided for by law.

Article 460.- Purchase after trial use

1. The parties may agree on a trial use by the purchaser of the purchased objects for a period of time called the trial use period. During the trial use period, the purchaser may reply to purchase or not to purchase them; if the purchaser does not reply after the trial use period expires, he/she shall be considered as having accepted the purchase on the terms agreed upon prior to the receipt of the objects for trial use.

2. During the trial use period, the objects still belong to the seller. The seller must bear all risks that may occur to the objects, unless otherwise agreed upon. Within the trial use period, the seller must not sell, donate, lease, exchange, mortgage or pledge the property, pending the purchaser's reply.

3. In cases where the trial user gives the reply of non-purchase, he/she must return the objects to the seller and compensate the seller if he/she has caused the loss of, or damage to, the objects in trial use. The trial user shall not be liable for ordinary wear caused by trial use, and shall not have to return any yields gained from the trial use.

Article 461.- Purchase by deferred payment or installment payment

1. The parties may agree on the deferred payment or installment payment by the purchaser within a time limit after receiving the purchased objects; the seller shall have the right to reserve his/her ownership rights to the sold objects until the purchaser has paid in full, unless otherwise agreed upon.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 462.- Redemption of property already sold

1. The seller may agree with the purchaser on the right to redeem the sold property within a time limit called the redemption period.

The redemption period shall be agreed upon by the parties, but shall not exceed one year for movables, and five years for immovables, as from the time of handing over the property. Within this period, the seller shall be entitled to redeem the property at any time, but must notify the purchaser in advance within a reasonable period of time. The redemption price shall be the market price at the time and place of redemption, unless otherwise agreed upon.

2. Within the redemption period, the purchaser must not sell, exchange, donate, lease, mortgage or pledge the property and must bear risks to the property.

Section 2. CONTRACTS FOR PROPERTY EXCHANGE

Article 463.- Contracts for property exchange

1. A contract for property exchange is an agreement between the parties whereby the parties shall transfer their property and ownership rights to such property to each other.

2. A contract for property exchange must be made in writing, notarized or authenticated or registered, if so provided for by law.

3. In cases where one party exchanges with the other party a property not under its ownership rights or without authorization of the owner, the other party shall be entitled to cancel the contract and demand compensation for damage.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 464.- Payment for differences in value

In cases where the exchanged property has differences in value, the parties must pay each other for such differences, unless otherwise agreed upon or provided for by law.

Section 3. CONTRACTS FOR DONATION OF PROPERTY

Article 465.- Contracts for donation of property

A contract for donation of property is an agreement between the parties whereby the donor shall transfer his/her property and ownership rights to the donee without demanding any compensation while the donee agrees to receive it.

Article 466.- Donation of movables

A contract for donation of a movable property shall take effect when the donee receives the property; with regard to a movable property to which the ownership rights must be registered as provided for by law, the contract for donation of such property shall take effect from the time of registration.

Article 467.- Donation of immovables

1. The donation of an immovable property must be made in writing, with notarization or authentication or must be registered, if the ownership rights to such immovable must be registered as provided for by law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 468.- Liability for intentional donation of property not under one's ownership

In cases where the donor intentionally donates a property not under his/her ownership while the donee does not know or cannot know such, the donor must pay the donee the expenses for increasing the value of the property when the owner recovers the property.

Article 469.- Notification of defects of donated property

The donor shall have the obligation to notify the donee of the defects of the donated property. In cases where the donor knows the defects of the donated property but fails to give notification thereof, he/she must pay compensation for damage caused to the donee; if the donor does not know the defects of the donated property, he/she shall not have to pay compensation for damage.

Article 470.- Conditional donation of property

1. The donor may request the donee to perform one or more than one civil obligation before or after the donation. The conditions for the donation must not be contrary to law and social ethics.

2. In cases where the obligations must be performed before the donation, if the donee has fulfilled his/her obligations and the donor still has not handed over the property, the donor must pay for the obligations already performed by the donee.

3. In cases where the obligations must be performed after the donation and the donee has failed to perform them, the donor shall be entitled to reclaim the property and demand compensation for damage.

Section 4. CONTRACTS FOR PROPERTY LOAN

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



A contract for property loan is an agreement between the parties whereby the lender transfers the property to the borrower; when the loan is due, the borrower must return to the lender the property of the same type in the same quantity and of the same quality, and shall have to pay the interest only if so agreed upon or provided for by law.

Article 472.- Ownership rights to loaned property

The borrower shall become owner of the loaned property from the time of receiving such property.

Article 473.- Obligations of the lender

The lender shall have the following obligations:

1. To hand over to the borrower the property in full, of the right quality and in the right quantity at the time and place agreed upon.

2. To compensate for damage to the borrower if the lender is aware that the property is not of the required quality but fails to notify the borrower thereof, except in cases where the borrower is aware thereof but still receives such property;

3. Not to request the borrower to return the property ahead of time, except for the cases specified in Article 478 of this Code.

Article 474.- Borrowers' obligation to repay debts

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. In cases where the borrower cannot return the object, he/she may repay a sum of money equivalent to the value of the loaned object at the place and time of repaying the debt, if so agreed by the lender.

3. The place for repayment of debts shall be the place of residence or the head- office of the lender, unless otherwise agreed upon.

4. In case of an interest-free loan, if the borrower fails to repay or has not repaid fully the debt when it becomes due, he/she must pay the interest on the amount of overdue debt at the basic interest rate announced by the State Bank corresponding to the duration of late payment at the time of repayment of the debt, if so agreed upon.

5. In case of a loan with interest, if the borrower fails to repay or has not repaid fully the debt, he/she must pay the interest on the principal and the interest thereon at the basic interest rate announced by the State Bank corresponding to the borrowing term at the time of repayment of the debt.

Article 475.- Use of loaned property

The parties may agree that the loaned property must be used for the right borrowing purpose; the lender shall be entitled to inspect the use of the property and reclaim the loaned property ahead of time, if the borrower still uses the property for other than the agreed purpose even though he/she has been warned not to.

Article 476.- Interest rate

1. The lending interest rate shall be agreed upon by the parties, but must not exceed 150% of the basic interest rate announced by the State Bank for loans of the corresponding type.

2. In cases where the parties have agreed on the payment of interest for a loan but have not clearly determined an interest rate or have a dispute over an interest rate, the basic interest rate announced by the State Bank corresponding to the borrowing term at the time of repayment of the debt shall be applied.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. With respect to a contract for an interest-free loan without a fixed term, the lender shall be entitled to reclaim the property and the borrower shall be entitled to repay the debt at any time, provided that they must notify each other thereof in advance within a reasonable period of time, unless otherwise agreed upon.

2. With respect to a contract for a loan without a fixed term and with interest, the lender shall be entitled to reclaim the property at any time but must notify the borrower thereof in advance within a reasonable period of time and be paid the interest up to the time of receiving back his/her property, while the borrower shall also be entitled to return the property at any time and pay only the interest up to the time of repaying the debt but also must notify the lender thereof in advance within a reasonable period of time.

Article 478.- Performance of fixed-term loan contracts

1. With respect to a contract for an interest-free fixed-term loan, the borrower shall be entitled to return the property at any time but must notify the lender thereof in advance within a reasonable period of time, and the lender shall only be entitled to reclaim the property ahead of time, if the borrower so agrees.

2. With respect to a contract for a fixed-term loan with interest, the borrower shall be entitled to return the property ahead of time, but must pay the interest for the whole term, unless otherwise agreed upon.

Article 479.- Tontine

1. Tontine is a form of property transaction, which is carried out according to practices and on the basis of agreement of a group of people rallying together to determine the number of people, time, money amounts or other property, mode of contributing and receiving annuities and the rights and obligations of members.

2. The form of tontine for the purpose of mutual assistance among people shall comply with the provisions of law.

3. It is strictly prohibited to organize tontines in the form of usury.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



I. GENERAL PROVISIONS ON CONTRACTS FOR PROPERTY LEASE

Article 480.- Contracts for property lease

A contract for property lease is an agreement between the parties whereby the lessor shall hand over the property to the lessee for use for a specified period of time, and the lessee must pay a rent.

Article 481.- Leasing prices

The property-leasing prices shall be agreed upon by the parties.

In cases where the leasing price frames are provided for by law, the parties may only agree on leasing prices within such price frames.

Article 482.- Leasing terms

1. Leasing terms shall be agreed upon by the parties; in the absence of such agreement, they shall be determined according to the leasing purposes.

2. In cases where the parties have not agreed on a leasing term or where the leasing term cannot be determined according to the leasing purpose, the leasing contract shall expire when the lessee has achieved the leasing purpose.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The lessee shall be entitled to sublease the property he/she/it has leased, if the lessor so agrees.

Article 484.- Hand-over of leased property

1. The lessor must hand over the property to the lessee in the right quantity, quality, type, condition and at the time and place agreed upon, and provide information necessary for the use of the property.

2. In cases where the lessor delays the hand-over of the property, the lessee may extend the time limit for the hand-over or rescind the contract and demand compensation for damage; if the quality of the leased property does not conform to the agreement, the lessee shall be entitled to request the lessor to repair the property, reduce the leasing price or to rescind the contract and demand compensation for damage.

Article 485.- The obligation to ensure the use value of leased property

1. The lessor must ensure that the leased property is in the condition as agreed upon, in accordance with the leasing purpose throughout the leasing term; and must repair all damage and defects of the leased property, except for minor damage which must, according to practices, be fixed by the lessee himself/herself/itself.

2. In cases where the leased property is decreased in use value but not due to the lessee's fault, the lessee shall be entitled to request the lessor to:

a/ Repair the property;

b/ Reduce the leasing price;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. In cases where the lessor has been given a notice but does not repair or make untimely repair, the lessee shall be entitled to repair the leased property by himself/herself/itself, but must notify the lessor thereof and shall be entitled to request the lessor to pay the repair expenses.

Article 486.- The obligation to ensure the lessee's right to use the property

1. The lessor must ensure the lessee's right to a stable use of the property.

2. In case of a dispute over the ownership rights to the leased property, which disallows the stable use of the property by the lessee, the lessee shall be entitled to unilaterally terminate the performance of the contract and demand compensation for damage.

Article 487.- The obligation to preserve leased property

1. The lessee must preserve the leased property as if it were his/her/its own, maintain it and make minor repairs; if causing loss or damage, he/she/it must pay compensation therefor.

The lessee shall not be liable for natural wear resulting from the use of the leased property.

2. The lessee may repair and add value to the leased property, if the lessor so agrees, and shall be entitled to request the lessor to pay the reasonable expenses.

Article 488.- The obligation to use leased property according to its utility and for the right purpose

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. In cases where the lessee has used the leased property not for the right purpose and not in accordance with its utility, the lessor shall be entitled to unilaterally terminate the performance of the contract and demand compensation for damage.

Article 489.- Payment of rent

1. The lessee must pay in full the rent within the time limit as agreed upon; where there is no agreement on the time limit for rent payment, the time limit for rent payment shall be determined according to practices at the place of payment; if the time limit for payment cannot be determined according to practices, the lessee must pay the money when he/she/it returns the leased property.

2. In cases where the parties have agreed on periodic payments of the rent, the lessor shall be entitled to unilaterally terminate the performance of the contract if the lessee does not pay the rent for three consecutive periods, unless otherwise agreed upon or provided for by law.

Article 490.- Return of leased property

1. The lessee must return the leased property in the same condition as when received, except for natural wear, or in the condition agreed upon in the contract; if the value of the leased property has decreased as compared with its condition upon receipt, the lessor shall be entitled to demand compensation for damage, except for natural wear.

2. In cases where the leased property is a movable, the place for returning the leased property shall be the place of residence or the head office of the lessor, unless otherwise agreed upon.

3. In cases where the leased property is a domestic animal, the lessee must return both the leased domestic animal and its offsprings born in the leasing term, unless otherwise agreed upon. The lessor must pay the expenses for caring for the offsprings to the lessee.

4. In cases where the lessee delays the return of the leased property, the lessor shall be entitled to request the lessee to return the leased property and pay the rent for the property for the delayed period and compensate for damage; the lessee must also pay a fine for violation by delaying the return of the leased property, if so agreed upon.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 491.- Termination of property lease contracts

A contract for property lease shall terminate in the following cases:

1. The leasing term has expired;

2. The parties agree to terminate the contract ahead of time; for a leasing contract without a definite term, if the lessor wishes to terminate the contract, he/she/it must notify the lessee thereof in advance within a reasonable period of time, if there is no agreement on an advance notice period;

3. The contract is rescinded or the performance of the contract is unilaterally terminated;

4. The leased property no longer exists.

II. CONTRACTS FOR RENTING HOUSES

Article 492.- Form of contracts for renting residential houses

A contract for renting a residential house must be made in writing; if the renting term is six months or longer, the contract must be notarized or authenticated and registered, unless otherwise provided for by law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The residential house lessor shall have the following obligations:

1. To hand over the house to the lessee in accordance with the contract;

2. To ensure the stable use of the house by the lessee in the renting term;

3. To maintain and repair the house periodically or as agreed upon; if the lessor does not maintain and repair the house, thus causing damage to the lessee, he/she/it must pay compensation therefore.

Article 494.- Rights of the residential house lessor

The residential house lessor shall have the following rights:

1. To receive the rent in full and on schedule as agreed upon;

2. To unilaterally terminate the performance of the house-renting contract under the provisions in Clause 1 and Clause 3, Article 498 of this Code;

3. To renovate and upgrade the leased house when so consented by the lessee, but not to cause inconveniences to the lessee in using the accommodation;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 495.- Obligations of the residential house lessee

The residential house lessee shall have the following obligations:

1. To use the house for the right agreed purpose;

2. To pay rent in full and on schedule as agreed upon;

3. To preserve the house and repair damage caused by himself/herself/itself;

4. To observe the regulations on public life;

5. To return the house to the lessor as agreed upon.

Article 496.- Rights of the residential house lessee

A residential house lessee shall have the following rights:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. To be entitled to exchange the house being rented to another lessee, if it is so consented in writing by the lessor;

3. To sublease the rented house, if it is so consented in writing by the lessor;

4. To continue the rent under the conditions agreed upon with the lessor in case of changing the house owner;

5. To request the lessor to repair the currently leased house in cases where the house is heavily damaged;

6. To unilaterally terminate the performance of the house-renting contract as provided for in Clause 2 and Clause 3, Article 498 of this Code.

Article 497.- Rights and obligations of all the lessee's persons named in the contracts for renting residential houses

All persons of the lessee who are named in the house-renting contracts shall have equal rights and obligations toward the lessor and must jointly perform the obligations of the lessee toward the lessor.

Article 498.- Unilateral termination of performance of contracts for renting residential houses

1. The lessor shall be entitled to unilaterally terminate the performance of a house-renting contract when the lessee commits one of the following acts:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ Using the house not in accordance with the renting purpose;

c/ Intentionally causing serious damage to the house;

d/ Repairing, exchanging or subleasing the house wholly or partially to another person without the written consent of the lessor;

e/ Repeatedly disturbing public order and seriously affecting the normal life of the people in the neighborhood;

f/ Causing serious impacts on environmental sanitation.

2. The lessee shall be entitled to unilaterally terminate the performance of a house-renting contract when the lessor commits one of the following acts:

a/ Failing to repair the house when its quality deteriorates seriously;

b/ Increasing the renting price unreasonably.

c/ Restricting the lessee's right to use the house for the interests of a third party.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 499.- Termination of contracts for renting residential houses

A residential house-renting contract shall terminate in the following cases:

1. The renting term has expired; if the contract does not specify the renting term, it shall terminate after six months from the date the lessor notifies the lessee of the need of retaking the house;

2. The rented house no longer exists;

3. The lessee dies without leaving any co-habitant;

4. The rented house must be demolished due to severe damage that may cause the house to collapse or due to the implementation of the State construction planning.

Article 500.- Renting of houses for other purposes

Unless it is otherwise provided for by law, the provisions of Articles 492 thru 499 of this Code shall also apply to the renting of houses for non-residential purposes.

III. CONTRACTS FOR PACKAGE LEASES OF PROPERTY

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



A contract for a package lease of property is an agreement between the partie whereby the package lessor hands over the property to the lessee for the exploitation of its utility and the enjoyment of the yields and profits gained from such property and the lessee has the obligation to pay the rent.

Article 502.- Objects of package lease contracts

Objects of a contract for a package lease of property may be land, forest, unexploited water surface, animals, production and/or business establishments, other means of production as well as necessary equipment and facilities for exploiting the utility, enjoying the yields or profits, unless otherwise provided for by law.

Article 503.- Package lease term

The package lease term shall be agreed upon by the parties according to the production and/or business cycle consistent with the characteristics of the object of the package lease.

Article 504.- Package lease price

The package lease price shall be agreed upon by the parties; if a package lease is made through bidding, the package lease price shall be determined by bidding.

Article 505.- Hand-over of package lease property

Upon the hand-over of the package lease property, the parties must make record, evaluating the conditions of the package lease property and determining the value of the package lease property.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 506.- Payment of package rent and mode of payment

1. Rent may be paid in kind, in cash or by performing a task.

2. The package lessee must pay the package rent in full even though he/she/it does not exploit the utility of the package lease property.

3. When entering into a package lease contract, the parties may agree on the conditions for reduction of the rent; if the yields or profits are lost at least by one third due to a force majeure event, the package lessee shall be entitled to demand a rent reduction or exemption, unless otherwise agreed upon.

4. In cases where the package lessee has to pay the rent in kind according to the season or the cycle of exploitation of the utility of the package lease property, he/she/it must pay the rent at the end of the season or the cycle of exploitation, unless otherwise agreed upon.

5. In cases where the lessee has to perform a task, he/she/it must perform that very task.

Article 507.- Exploitation of package lease property

The package lessee must exploit the package lease property in accordance with the agreed purpose and must notify the lessor periodically of the conditions and exploitation of the property; if the package lessor requests or needs unexpected notification, the package lessee must give a notice in time. When the package lessee exploits the utility of the package lease property at variance with the agreed purpose, the package lessor shall have the right to unilaterally terminate the performance of the contract and demand compensation for damage.

Article 508.- Preservation, maintenance and disposition of package lease property

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. The package lessee may replace or improve the package lease property by himself/herself/itself, if so agreed upon, and must preserve its value.

The package lessor must reimburse to the lessee the reasonable expenses for replacing or improving the package lease property as agreed upon.

3. The package lessee shall not be allowed to sublease, unless so consented by the package lessor.

Article 509.- Enjoyment of yields and incurring of damage to package lease animals

During the term of a package lease of animals, the package lessee shall be entitled to enjoy half of the born offsprings and incur half of the damage to the leased animals due to a force majeure event, unless otherwise agreed upon.

Article 510.- Unilateral termination of performance of package lease contracts

1. In cases where a party unilaterally terminates the performance of a contract, it must notify the other party thereof in advance within a reasonable period of time; if the package lease is contracted according the season or cycle of exploitation, the period of advance notification must correspond to the season or cycle of exploitation.

2. In cases where the package lessee breaches his/her/its obligations while the exploitation of the leased object is the sole source of his/her/its livelihood and the continuation of the package lease does not seriously affect the interests of the package lessor, the package lessor must not unilaterally terminate the performance of the contract; the package lessee must commit with the package lessor not to further breach the contract.

Article 511.- Return of package lease property

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Section 6. CONTRACTS FOR PROPERTY BORROWING

Article 512.- Contracts for property borrowing

A contract for property borrowing is an agreement between the parties whereby the lender hands over the property to the borrower for use in a specified time limit free of charge, and the borrower must return such property when the borrowing term ends or the borrowing purpose has been achieved.

Article 513.- Objects of property-borrowing contracts

Everything that is non-expendable may be object of a contract for borrowing a property.

Article 514.- Obligations of the property borrower

The property borrower shall have the following obligations:

1. To preserve and maintain the borrowed property as if it were his/her/its own property; not to change the conditions of the borrowed property on his/her/its own will; if the property suffers normal damage, it must be repaired;

2. Not to sub-lend the borrowed property without the lender's consent;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4. To compensate for damage if he/she/it causes any damage to, or loss of, the borrowed property.

Article 515.- Rights of the property borrower

The property borrower shall have the following rights:

1. To use the borrowed property in accordance with its utility and the agreed purpose;

2. To request the lender to reimburse the reasonable expenses for any repair or for increasing the value of the borrowed property, if so agreed upon.

3. Not to be liable for natural wear of the borrowed property.

Article 516.- Obligations of the property lender

The property lender shall have the following obligations:

1. To provide necessary information on the use of the property and defects of the property, if any;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. To compensate the borrower for any damage, if the lender knows about the defects of the property but does not inform the borrower thereof, thus causing damage to the borrower, except for the defects which the borrower knew or should have known.

Article 517.- Rights of the property lender

The property lender shall have the following rights:

1. To reclaim the property immediately after the borrower has achieved his/her purpose, if there is no agreement on the borrowing period; if the lender has urgent and unexpected needs to use the lent property, he/she/its shall be entitled to reclaim the property even if the borrower has not yet achieved his/her/its purpose, but must notify the borrower thereof in advance within a reasonable period of time;

2. To reclaim the property when the borrower does not use the property for the right purpose, in accordance with its utility or the agreed method or the borrower sublends the property without the lender's consent;

3. To demand compensation for damage caused to the property by the borrower.

Section 7. SERVICE CONTRACTS

Article 518.- Service contracts

A service contract is an agreement between the parties whereby the service provider shall perform a task for the service hirer, and the service hirer must pay service charges to the service provider.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The object of a service contract must be a feasible task not prohibited by law and not contrary to social ethics.

Article 520.- Obligations of the service hirer

The service hirer shall have the following obligations:

1. To supply the service provider with necessary information, documents and means for the performance of the task, if so agreed upon or so required by the performance of the task;

2. To pay service charges to the service provider as agreed upon.

Article 521.- Rights of the service hirer

The service hirer shall have the following rights:

1. To request the service provider to perform the task in accordance with the agreed quality, quantity, time limit, location and other agreements;

2. In cases where the service provider violates its obligations, the service hirer shall have the right to unilaterally terminate the performance of the contract and demand compensation for damage.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The service provider shall have the following obligations:

1. To perform the task in accordance with the agreed quality, quantity, time limit, location and other agreements;

2. Not to assign other persons to perform the task without the service hirer's consent;

3. To preserve and return to the service hirer the supplied documents and means after fulfillment of the task;

4. To immediately notify the service hirer of any inadequacy of information and documents and poor quality of the means for fulfilling the task;

5. To keep secret the information which he/she/it has come to know during the time of providing the service, if so agreed upon or provided for by law;

6. To compensate the service hirer for damage, if he/she/it causes the loss of, or damage to, the supplied documents and/or means or discloses secret information.

Article 523.- Rights of the service provider

The service provider shall have the following rights:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. To change the service conditions in the interests of the service hirer without necessarily having to wait for the opinion of the service hirer, if such wait may cause damage to the service hirer, but the service provider must immediately notify the service hirer thereof;

3. To request the service hirer to pay the service charges.

Article 524.- Payment of service charges

1. The service hirer must pay the service charges as agreed upon.

2. When a contract is entered into without agreement on the service charges, the method of determining the service charges or without any other instructions on service charges, the service charges shall be determined based on the market price of the service of the same kind at the time and place the contract is entered into.

3. The service hirer must pay the service charges at the place where the task is performed and when the service is accomplished, unless otherwise agreed upon.

4. In cases where the service is provided below the agreed level or the task is not accomplished on time, the service hirer shall have the right to reduce the service charges and demand compensation for damage.

Article 525.- Unilateral termination of performance of service contracts

1. In cases where the continued performance of a task does not benefit the service hirer, the service hirer shall have the right to unilaterally terminate the performance of the contract, but must notify the service provider thereof in advance within a reasonable period of time; the service hirer must pay the service charges for the service portion performed by the service provider and compensate for damage.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 526.- Continuation of service contracts

If after the expiry of the service period, the task has not yet been accomplished and the service provider continues to perform the task while the service hirer knows but does not object, the service contract shall automatically continue to be performed in accordance with the agreed contents until the task is accomplished.

Section 8. CONTRACTS FOR TRANSPORTATION

I. CONTRACTS FOR TRANSPORTATION OF PASSENGERS

Article 527.- Contracts for transportation of passengers

A contract for transportation of passengers is an agreement between the parties whereby the carrier shall transport the passenger and his/her luggage to the specified destination as agreed upon, and the passenger shall have to pay the transportation fare.

Article 528.- Forms of contract for transportation of passengers

1. A contract for transportation of passengers may be made in writing or orally.

2. Tickets shall be the evidence of the entry into a contract for transportation of passengers between the parties.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The carrier shall have the following obligations:

1. To transport the passengers from the place of departure to the place of destination on time, in a civilized and courteous manner and safely by the agreed means and prescribed route; provide sufficient seats for passengers and not transport in excess of the prescribed load;

2. To buy civil liability insurance for passengers as provided for by law;

3. To ensure the departure time as notified or agreed upon;

4. To transport luggage and return them to the passengers or to the persons entitled to receive such luggage at the agreed place and time along the route as agreed upon;

5. To reimburse the transportation fare to the passengers as agreed upon or provided for by law.

Article 530.- Rights of the carrier

The carrier shall have the following rights:

1. To request passengers to pay in full the transportation fares and charges for the transport of accompanied luggage in excess of the prescribed limit.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ Where the passenger fails to comply with the regulations of the carrier or commits acts of causing public disorder, hindering the work of the carrier, threatening the life, health or property of other persons or commits other acts threatening the safety of the journey; in this case. the passenger shall not be refunded the transportation fare and must be fined for violation, if so provided for by the transport regulations;

b/ Where the carrier clearly sees that due to the health condition of the passenger, the transportation may cause danger to the passenger him/herself or others during the journey;

c/ To prevent the spread of epidemics.

Article 531.- Obligations of the passenger

The passenger shall have the following obligations:

1. To pay fully the passenger transportation fare and the charge for the transport of luggage in excess of the prescribed limit, and take care of his/her luggage by him/herself;

2. To be present at the place of departure on the agreed time;

3. To respect and strictly observe the regulations of the carrier and other regulations on traffic safety.

Article 532.- Rights of the passenger

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. To demand that he/she be transported by the agreed means of transport, in the class commensurate with the value of the ticket and along the agreed route;

2. To be exempt from the transport charges for unaccompanied luggage and hand luggage within the limits agreed upon or specified by law;

3. To demand the reimbursement of expenses incurred or compensation for damage, if the carrier is at fault in failing to conduct the transport according to the agreed time schedule and place;

4. To be entitled to the reimbursement of the whole or part of the transportation fare in cases specified at Points b and c, Clause 2, Article 530 of this Code and other cases specified by law or agreed upon;

5. To receive the luggage at the agreed place, on time and along the agreed route;

6. To request the temporary stop of the travel within the time limit and according to the procedures specified by law.

Article 533.- Liability to compensate for damage

1. In cases of loss of human life and/or damage to the health and luggage of passengers, the carrier must compensate therefore in accordance with the provisions of law.

2. The carrier shall not have to compensate for the loss of human life, and/or damage to the health and luggage of passengers if such loss and/or damage is entirely due to the fault of the passengers, unless otherwise provided for by law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 534.- Unilateral termination of performance of contracts for passenger transportation

1. The carrier shall be entitled to unilaterally terminate the performance of contracts in the cases specified in Clause 2, Article 530 of this Code.

2. The passengers shall be entitled to unilaterally terminate the performance of contracts in cases where the carrier breaches the obligations specified in Clauses 1, 3 and 4, Article 529 of this Code.

II. CONTRACTS FOR TRANSPORTATION OF PROPERTY

Article 535.- Contracts for transportation of property

A contract for transportation of property is an agreement between the parties whereby the carrier shall have the obligation to carry the property to the specified place as agreed upon and hand over such property to the person entitled to receive it and the transport hirer shall have the obligation to pay the freight.

Article 536.- Forms of contract for transportation of property

1. A contract for transportation of property shall be made orally or in writing.

2. The bill of lading or other equivalent transportation documents shall be the evidence of the entry into contracts between the parties.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. The transport hirer shall have the obligation to hand over the property to the carrier at the agreed time and place, to pack the property in accordance with the agreed packing specifications; and to bear the cost of loading/unloading his/her property onto/from the means of transport, unless otherwise agreed upon.

2. In cases where the transport hirer does not hand over the property at the agreed time and place, he/she must pay the carrier any expenses incurred for the time of waiting and the cost of transportation of the property to the place agreed in the contract or pay a fine for breach as agreed upon; if the carrier delays the receipt of the property at the agreed place, he/she/it must bear the cost incurred by the delay.

Article 538.- Freight rates

1. The freight rates shall be agreed upon by the parties; if the freight rates are provided for by law, such rates shall be applied.

2. The transport hirer must pay in full the freight once the property has been loaded onto the means of transport, unless otherwise agreed upon.

Article 539.- Obligations of the carrier

The carrier shall have the following obligations:

1. To ensure that the property is transported in full and safely to the designated place and on time;

2. To hand over the property to the person entitled to receive it;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4. To buy civil liability insurance as provided for by law;

5. To compensate the transport hirer in cases where the carrier causes the loss of, or damage to, the property due to the carrier’s fault, unless otherwise agreed upon or provided for by law.

Article 540.- Rights of the carrier

The carrier shall have the following rights:

1. To check the authenticity of the property and the bill of lading or other equivalent transport documents;

2. To refuse to carry any property of types other than those agreed upon in the contracts;

3. To request the transport hirer to pay freight in full and on schedule;

4. To refuse to carry the property banned from transaction, dangerous and/or noxious property, if the carrier knows or should have known such;

5. To demand compensation for damage from the transport hirer.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The transport hirer shall have the following obligations:

1. To pay the carrier the freight in full, on schedule and by the agreed mode;

2. To take care of the property during the transportation, if so agreed upon. In cases where the transport hirer takes care of the property and the property is lost or damaged, the transport hirer shall not be compensated therefore.

Article 542.- Rights of the transport hirer

The transport hirer shall have the following rights:

1. To request the carrier to transport the property to the agreed place and at the agreed time;

2. To personally receive back or appoint a third party to receive back the property the transport of which is hired;

3. To demand compensation for damage from the carrier.

Article 543.- Delivery of property to the consignee

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. The carrier must deliver the property to the consignee in full, on schedule, at the agreed place and by the agreed mode.

3. In cases where the property has been transported to the place of its delivery on time but there is no consignee, the carrier may entrust such property to the place of bailment and must immediately notify the transport hirer or the consignee thereof. The transport hirer or the consignee shall have to bear all reasonable expenses arising from the bailment.

The obligation to deliver the property shall be fulfilled when the bailed property satisfied the agreed conditions and the transport hirer or the consignee has been notified of the bailment.

Article 544.- Obligations of the consignee

The consignee shall have the following obligations:

1. To produce to the carrier a bill of lading or other equivalent transport documents and receive the property on time and at the agreed place;

2. To bear the costs of loading and/or unloading the transported property, unless otherwise agreed upon or provided for by law;

3. To pay reasonable expenses arising from the delay in receiving the property;

4. To notify the transport hirer of the receipt of the property and other necessary information at his/her/its request; if not, the consignee shall not have the right to request the transport hirer to protect his/her/its rights and interests related to the transported property.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The consignee shall have the following rights:

1. To check the quantity and quality of the delivered property;

2. To receive the delivered property;

3. To request the carrier to pay reasonable expenses arising from the waiting for the receipt of the property if the carrier delays the delivery;

4. To personally request or ask the transport hirer to request the carrier to compensate for loss of, or damage to, the property.

Article 546.- Liability to compensate for damage

1. The carrier must compensate the transport hirer for damage, if causing loss of, or damage to, the property, except for cases specified in Clause 2, Article 541 of this Code.

2. The transport hirer must compensate the carrier and a third party for any damage caused by the dangerous or toxic nature of the transported property if he/she/it fails to apply measures to pack the property and/or to ensure safety during the transportation.

3. In case where a force majeure event results in a loss, damage or destruction of the property during the transportation, the carrier shall not be liable for compensating for any damage, unless otherwise agreed upon or provided for by law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 547.- Processing contracts

A processing contract is an agreement between the parties whereby the processor performs a task to make a product at the processee's request and the latter shall receive the product and pay remuneration therefore.

Article 548.- Objects of processing contracts

The objects of a processing contract shall be items which are pre-determined with the models and standards agreed upon by the parties or provided for by law.

Article 549.- Obligations of the processee

The processee shall have the following obligations:

1. To supply the processor with materials and/or raw materials in accordance with the quantity, quality, time limit and place as contracted, unless otherwise agreed upon; supply the necessary documents related to the processing work;

2. To instruct the processor in performing the contract;

3. To pay remuneration as agreed upon.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The processee shall have the following rights:

1. To receive the processed products in accordance with the agreed quantity, quality, mode, time limit and place;

2. To unilaterally terminate the performation of the contract and demand compensation for any damage when the processor seriously breaches the contract;

3. In cases where the products fail to meet the quality and the processee agrees to accept them and demand repairs but the processor cannot repair them within the agreed time limit, then the processee shall be entitled to rescind the contract and demand compensation for damage.

Article 551.- Obligations of the processor

The processor shall have the following obligations:

1. To preserve the materials and/or raw materials supplied by the processee;

2. To notify the processee to replace the materials and/or raw materials, if they fail to meet the quality; refuse to perform the processing if the use of such materials and/or raw materials may create products harmful to society; if the processor does not give such notification or refusal, he/she shall be liable for the products turned out;

3. To deliver the products to the processee in accordance with the agreed quantity, quality, mode, time limit and place;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



5. To take responsibility for the product quality, except for cases where the poor quality of the products is attributed to the materials and/or raw materials supplied by the processee or to unreasonable instructions of the processee;

6. To return to the processee the remaining materials and/or raw materials after the contract is completed.

Article 552.- Rights of the processor

The processor shall have the following rights:

1. To request the processee to supply materials and/or raw materials in accordance with the agreed quality, quantity, time limit and place;

2. To reject any unreasonable instruction by the processee if deeming that such instruction may reduce the product quality, but must immediately notify the processee thereof;

3. To request the processee to pay the remuneration in full, on schedule and by the agreed mode.

Article 553.- Liability to bear risks

Owners of materials and/or raw materials shall bear all risks to their materials and/or raw materials and/or products made therefrom until the products are delivered to the processee, unless otherwise agreed upon.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



When the processor delays delivering the products, thus causing risks to the processed products, he/she/it must compensate for damage to the processee.

Article 554.- Hand-over and receipt of processed products

The processor shall have to hand over the processed products and the processee shall have to receive them at the agreed time and place.

Article 555.- Delay in hand-over and receipt of processed products

1. In cases where the processor delays delivering the processed products, the processee may extend the time limit; if past this time limit the processor still has not accomplished the work, the processee shall be entitled to unilaterally terminate the performance of the contract and demand compensation for damage.

2. In cases where the processee delays receiving the products, the processor may entrust such product to a place of bailment and must immediately notify the processee thereof. The obligation to hand over products is fulfilled once all the agreed conditions have been met and the processee has been notified thereof. The processee shall bear all expenses arising from the bailment.

Article 556.- Unilateral termination of processing contracts

1. Either party shall be entitled to unilaterally terminate the performance of the processing contract if the continued performance thereof does not benefit him/her/it, unless otherwise agreed upon or provided for by law, but must notify the other party thereof in advance within a reasonable period of time; if the processee unilaterally terminates the performance of the contract, he/she/it must pay remunera-tion corresponding to the performed work; if the processor unilaterally terminates the performance of the contract, he/she/it shall not be paid any remuneration, unless otherwise agreed upon.

2. The party that unilaterally terminates the performance of the contract, thus causing damage to the other party must compensate therefor.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. The processee must fully pay the remuneration at the time of receipt of the processed products, unless otherwise agreed upon.

2. In cases where there is no agreement on the remuneration rate, the average rate for making products of the same type at the place of processing and at the time of payment shall apply.

3. The processee shall not be allowed to reduce the remuneration, if the products do not meet the agreed quality due to the materials and/or raw materials supplied by him/herself/itself or due to his/her/its unreasonable instructions.

Article 558.- Liquidation of materials and raw materials

When a processing contract is terminated, the processor must return the remaining materials and/or raw materials to the processee, unless otherwise agreed upon.

Section 10. CONTRACTS FOR BAILMENT OF PROPERTY

Article 559.- Contracts for bailment of property

A contract for bailment of property is an agreement between the parties whereby the bailee agrees to keep in custody the property entrusted to him/her/it by the bailor and shall return it to the bailor upon the expiration of the contractual term, while the bailor shall have to pay remuneration to the bailee, except for cases of free-of-charge bailment.

Article 560.- Obligations of the bailor

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. To immediately notify, upon the hand-over of property, the bailee of the conditions of the property and the appropriate measures to preserve the bailed property; if failing to do so and the bailed property is destroyed or damaged because of inappropriate preservation, the bailor shall bear the loss or damage by him/herself/itself; if damage is caused, he/she/it must compensate therefor.

2. To pay the remuneration in full, on schedule and by the agreed mode.

Article 561.- Rights of the bailor

The bailor shall have the following rights:

1. To reclaim his/her/its property at any time, if the contract for bailment does not specify the time limit, but must notify the bailee thereof in advance within a reasonable period of time;

2. To demand compensation for damage, if the bailee causes the loss of, or damage to, the bailed property, except for force majeurecases.

Article 562.- Obligations of the bailee

The bailee shall have the following obligations:

1. To preserve the property as agreed upon, and return it to the bailor in the same condition as at the time of receipt for bailment;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. To immediately notify the bailor in writing of any risk of damage or destruction to his/her/its property due to the nature of such property and request the latter to find a remedy within a certain time limit; if such time limit has expired and the bailor does not reply, the bailee shall be entitled to take necessary measures for preservation of the property and demand the bailor to reimburse the expenses therefore;

4. To compensate for damage if causing the loss of, or damage to, the bailed property, except for force majeure cases.

Article 563.- Rights of the bailee

The bailee shall have the following rights:

1. To request the bailor to pay the remuneration as agreed upon;

2. To request the bailor to reimburse the reasonable expenses for preserving the property in case of free-of-charge bailment;

3. To request the bailor to take back his/her/its property at any time, but must notify the bailor thereof in advance within a reasonable period of time, in case of bailment for an indefinite period of time;

4. To sell the bailed property which is in danger of degeneration or destruction in order to ensure the bailor's interests, notify the bailor thereof, and return the sale proceeds to the bailor after deducting the reasonable expenses for the sale of property.

Article 564.- Return of bailed property

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The place for return of the bailed property is the place of bailment; if the bailor requests to have his/her/its property returned at a place other than the place of bailment, then he/she/it must bear the expenses for transporting the property to such place, unless otherwise agreed upon.

2. The bailee must return the property on schedule and shall be entitled to request the bailor to take back the property ahead of schedule only if there is a plausible reason.

Article 565.- Delay in hand-over, reception of bailed property

In cases where the bailee delays in the hand over of property, he/she/it shall not be entitled to request the bailor to pay remuneration and preservation expenses as from the time of hand-over delay and must bear risks to the property during the period of delay in hand-over of the property.

In cases where the bailor delays in the reception of property, he/she/it must pay the preservation expenses and remuneration to the bailee for the period of reception delay.

Article 566.- Payment of remuneration

1. The bailor must pay remuneration in full when taking back the bailed property, unless otherwise agreed upon.

2. In cases where the parties have no agreement on the remuneration level, the average remuneration level at the place and time of remuneration payment shall apply.

3. When the bailor takes back his/her/its property ahead of schedule, he/she/it still has to pay the remuneration in full and necessary expenses arising from the early return of the property by the bailee, unless otherwise agreed upon.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Section 11. INSURANCE CONTRACTS

Article 567.- Insurance contracts

An insurance contract is an agreement between parties, whereby the insurance buyer must pay the insurance premium and the insurer must pay a sum of insurance indemnity to the insured upon the occurence of an insured event.

Article 568.- Types of insurance contract

The insurance contracts include contracts for human insurance, contracts for property insurance and contracts for civil liability insurance.

Article 569.- Objects of insurance

Objects of insurance include humans, property, civil liability and others as specified by law.

Article 570.- Forms of insurance contract

Insurance contracts must be made in writing. The written insurance requests signed by insurance buyers constitute inseparable parts of insurance contracts. The insurance certificates or applications shall be the evidence of the entry into insurance contracts.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



An insured event is an objective event agreed upon by the parties or specified by law, upon the occurrence of which the insurer must pay an insurance indemnity to the insured, except for the cases specified in Clause 2, Article 346 of this Code.

Article 572.- Insurance premium

1. The insurance premium is a sum of money paid by the insurance buyer to the insurer.

The time limit for payment of insurance premium shall be agreed upon or prescribed by law. The insurance premium may be paid in lump sum or periodically.

2. In cases where the insurance buyer delays in periodic payment of insurance premium, the insurer may set a time limit for the insurance buyer to pay such premium; if upon the expiration of such time limit the insurance buyer still fails to pay the insurance premium, the contract shall terminate.

Article 573.- The obligation of the insurance buyer to provide information

1. Upon entering into an insurance contract, the insurance buyer must provide the insurer at the latter's request with the full information concerning the objects of insurance, except for information which the insurer already knew or should have known.

2. In cases where the insurance buyer intentionally provides false information in order to enter into the contract for enjoying the insurance indemnity, the insurer shall be entitled to unilaterally terminate the performance of such contract and collect the insurance premium up to the time of termination of the contract.

Article 574.- The obligation to prevent damage

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. In cases where the insured is at fault, failing to take measures to prevent damage as contracted, the insurer may set a time limit for the insured to take such measures; if such preventive measures are not taken upon the expiration of this time limit, the insurer shall be entitled to unilaterally terminate the performance of such contract or refuse to pay the insurance indemnity upon the occurence of the damage due to the insured's failure to take such preventive measures.

Article 575.- Obligations of the insurance buyer, the insured and the insurer when insured events occur

1. Upon the occurence of an insured event, the insurance buyer or the insured must immediately notify the insurer thereof and take all necessary measures within his/her/its capacity to prevent or limit the damage.

2. The insurer must pay all necessary and reasonable expenses incurred by a third party to prevent or limit the damage.

Article 576.- Payment of insurance indemnity

1. The insurer must pay the insurance indemnity to the insured within the agreed time limit; if there is no agreement on such time limit, the insurer must pay the insurance indemnity within fifteen days from the date of receipt of the complete and valid dossier requesting the payment of insurance indemnity.

2. In cases where the issurer delays the payment of insurance indemnity, he/she/it must also pay the interest on the late paid amount at the basic interest rate set by the State Bank at the time of payment of insurance indemnity corresponding to the duration of the delayed payment.

3. In cases where the insured intentionally lets the damage occur, the insurer shall not have to pay the insurance indemnity; if such damage occurs due to the insured's negligence, the insurer shall not have to pay the part of the insurance indemnity corresponding to the extent of the insured's negligence.

Article 577.- Transfer of claim for reimbursement of indemnity

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. In cases where the insured has received from the third party the damages less than the amount of insurance indemnity payable by the insurer, the insurer shall have to pay the insured only the difference between the insurance indemnity and the amount paid by the third party, unless otherwise agreed upon; if the insured has received the insurance indemnity less than the damage caused to him/her/it by the third party, the insured shall still have the right to request the third party to pay the difference between the insurance indemnity and the damages.

The insurer shall have the right to demand the third party to reimburse the amount of money he/she/it has paid to the insured.

Article 578.- Life insurance

In case of life insurance, when the insured event occurs, the insurer must pay the insurance indemnity to the insured or his/her authorized representative; if the insured dies, the insurance indemnity shall be paid to his/her heir(s).

Article 579.- Property insurance

1. The insurer must compensate for any damage caused to the insured property in accordance with the agreed terms or the provisions of law.

2. In cases where the ownership rights to the insured property are transferred to another person, the new owner of such property shall automatically substitute the former owner in the insurance contract, as from the time such ownership rights are transferred. The former owner who is the insurance buyer shall have to notify the new owner that the property has been insured and notify the insurer in time that the ownership rights to the property have been transferred.

Article 580.- Civil liability insurance

1. In case of insurance of civil liability toward a third party as agreed upon or provided for by law, the insurer must pay indemnity to the insurance buyer or to the third party at the insurance buyer's request for the damage caused to the third party by the insurance buyer at the level of insurance as agreed upon or provided for by law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Section 12. MANDATE CONTRACTS

Article 581.- Mandate contracts

A mandate contract is an agreement between the parties whereby the mandatary shall have the obligation to perform a task on behalf of the mandator, and the mandator shall only have to pay remuneration, if so agreed upon or provided for by law.

Article 582.- Time limit of mandate

The time limit of mandate shall be agreed upon by the parties or provided for by law; if there is no agreement or no legal provisions theron, the mandate contract shall be effective for one year as from the date the mandate is established.

Article 583.- Sub-mandate

The mandatary shall be entitled to submandate a third party only if so consented by the mandator or so provided for by law.

The form of a submandate contract must also conform to the form of the original mandate contract.

The submandate must not go beyond the scope of the original mandate.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The mandatary shall have the following obligations:

1. To perform the task in accordance with the mandate and notify the mandator of the performance thereof;

2. To notify a third party concerned with the performance of the mandate of the mandate time limit and scope as well as any amendments or additions to the scope of mandate;

3. To preserve and maintain the documents and instruments entrusted to him/her for performing the mandate;

4. To keep secret the information which he/she knew while performing the mandate;

5. To return to the mandator the property received and benefits obtained in the process of performing the mandate as agreed upon or provided for by law;

6. To compensate for any damage arising from any breach of the obligations specified in Clauses 1, 2, 3, 4 and 5 of this Article.

Article 585.- Rights of the mandatary

The mandatary shall have the following rights:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. To be entitled to remuneration and reimbursement of reasonable expenses he/she has paid for the performance of the mandated task.

Article 586.- Obligations of the mandator

The mandator shall have the following obligations:

1. To provide necessary information, documents and means for the mandatary to perform the task;

2. To take responsibility for the commitments performed by the mandatary within the scope of mandate;

3. To reimburse reasonable expenses paid by the mandatary for the performance of the mandated task and pay remuneration to the mandatary, if so agreed upon.

Article 587.- Rights of the mandator

The mandator shall have the following rights:

1. To request the mandatary to fully notify the performance of the mandated task;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. To be compensated for damage, if the mandatary breaches the obligations specified in Article 584 of this Code.

Article 588.- Unilateral termination of performance of mandate contracts

1. In case of a mandate with remuneration, the mandator may unilaterally terminate the perfomance of the contract at any time, but must pay the mandatary a remuneration corresponding to the task already performed by the mandatary and compensate for damage; if it is a mandate without remuneration, the mandator may unilaterally terminate the performance of the contract at any time, but must notify the mandatary thereof in advance within a reasonable period of time.

The mandator must notify in writing a third party of his/her unilateral termination of the performance of the contract; if not, the contract with the third party shall remain in effect, except in cases where the third party knew or must have known about the termination of the mandate contract.

2. In case of a mandate without remuneration, the mandatary may unilaterally terminate the performance of the contract at any time, but must notify the mandator thereof in advance within a reasonable period of time; if it is a mandate with remuneration, the mandatary may unilaterally terminate the performance of the contract at any time, but must compensate for any damage to the mandator.

Article 589.- Termination of mandate contracts

A mandate contract shall terminate in the following cases:

1. The mandate contract has expired;

2. The mandated task has been fulfilled;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4. The mandator or the mandatary dies, or is declared by the court as losing his/her civil act capacity, having his/her civil act capacity restricted, missing or dead.

Section 13. PROMISE OF REWARD AND COMPETITION FOR PRIZES

Article 590.- Promise of reward

1. A person who has publicly made a promise for a reward shall have to give the promised reward to the person who has performed the task at the request of the reward promisor.

2. The task for which the reward is promised must be specific and feasible, and is neither prohibited by law nor contrary to social ethics.

Article 591.- Withdrawal of the promise of reward

Before the time set for starting the performance of the task, the reward promisor shall be entitled to withdraw his/her promise of reward. The withdrawal of such promise of reward must be conducted in the manner and by the medium in which the promise of reward was announced.

Article 592.- Grant of reward

1. In cases where a task with a promise of reward is performed by a person, such person shall be entitled to receive the reward once the task is fulfilled.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. In cases where many persons fulfill a task with a promise of reward at the same time, the promised reward shall be equally shared among such persons.

4. In cases where many persons collaborate with one another in performing a task with a promise of reward at the reward promisor's request, then each person shall receive one part of the reward corresponding to his/her contribution.

Article 593.- Competition for prizes

1. Organizers of cultural, artistic, sport, scientific, technical competitions and other competitions which are not contrary to law and/or social ethics shall have to announce the conditions for participation, the scale of evaluation points, the prizes and the value of each prize.

2. Any change to the conditions for participation in a competition must be made in accordance with the announced manner within a reasonable period of time before the competition begins.

3. A prize winner shall be entitled to demand the organizer of the competition to grant the prize exactly of the announced value.

Chapter XIX

PERFORMANCE OF TASKS WITHOUT MANDATE

Article 594.- Performance of tasks without mandate

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 595.- Obligations to perform tasks without mandate

1. The person who performs a task without mandate shall have the obligation to perform the task in accordance with to his/her capacity and conditions.

2. The person who performs a task without mandate shall have to perform such task as if it were his/her own; if he/she knows or can guess the intention of the person for whom the task is performed, he/she must perform the task in accordance with that intention.

3. The person who performs a task without mandate must notify the person for whom the task is performed of the progress and results of the performance of that task, if requested, except for cases where the latter already knew or the person who performs the task without mandate does not know the latter's place of residence.

4. In cases where the person for whom the task is performed dies, the person who performs the task without mandate shall have to continue the performance of that task until the heir or the representative of the person for whom the task is performed takes over it.

5. If for justifiable reasons, the person who performs the task without mandate is unable to continue the performance of the task, he/she must notify the person for whom the task is performed or his/her representative or next of kin thereof, or he/she may ask another person to assume the task in his/her place.

Article 596.- Payment obligation of the person for whom the task is performed

1. The person for whom a task is performed must take over the task from the person who performs the task without mandate and reimburse the reasonable expenses already paid by the latter for the performance of the task, even in cases where the performance of the task has not yielded the result desired by the former.

2. The person for whom a task is performed must pay remuneration to the person who performs the task if the latter has performed the task dutifully to the former's benefit, except in cases where the person who performs the task without mandate refuses to receive it.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. When the person who performs a task without mandate intentionally causes damage while performing the task, he/she shall have to compensate the person for whom the task is performed.

2. If the person who performs a task without mandate unintentionally causes damage while performing the task, then based on the circumstances under which he/she assumed that task, such person may enjoy a reduction of compensation.

Article 598.- Termination of the performance of tasks without mandate

The performance of a task without mandate shall terminate in the following cases:

1. At the request of the person for whom the task is performed;

2. The person for whom the task is performed, his/her heir or representative takes over the task;

3. The person who performs a task without mandate is unable to continue the performance of the task according to the provisions in Clause 5, Article 595 of this Code;

4. The person who performs the task without mandate dies.

Chapter XX

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 599.- The obligation to return

1. The possessor or user of another person's property without a legal basis shall have to return such property to its lawful owner or possessor; if the lawful owner or possessor cannot be found, the property shall be handed over to a competent state authority, except for the cases specified in Clause 1, Article 247 of this Code.

2. The person who benefits from a property without a legal basis thus causing damage to another person shall have to return these benefits to the damage sufferer, except for the cases specified in Clause 1, Article 247 of this Code.

Article 600.- Property to be returned

1. A possessor or user of a property without a legal basis must return the entire property he/she has acquired;

2. In cases where the property to be returned is a distinctive object, he/she must return that exact object; if that distinctive object is lost or damaged, he/she must pay pecuniary compensation therefore, unless otherwise agreed upon;

3. In cases where the property to be returned is a fungible object which has been lost or damaged, he/she must return object of the same type or pay pecuniary compensation therefore, unless otherwise agreed upon.

4. The person who enjoys benefits from a property without a legal basis shall have to return these benefits in kind or in money to the person who has sustained the loss of benefits.

Article 601.- The obligation to return yields or profits

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. The person who possesses, uses or enjoys benefits from a property without a legal basis but in good faith shall have to return the yields or profits gained as from the time he/she knew or should have known that such possession or use of the property, or such enjoyment of benefits from the property lacked a legal basis, except for the cases specified in Clause 1, Article 247 of this Code.

Article 602.- The right to demand return of property from a third person

In cases where the possessor or user of a property without a legal basis has transferred the property to a third person, when the lawful owner or possessor of the property demands the return of the property, the third person shall have to return such property, unless otherwise provided for by this Code; if the property has been paid for in money, or in compensation, the third party shall be entitled to demand the transferor to compensate for damage.

Article 603.- Payment obligation

If the lawful owner, possessor or the damage sufferer recovers the property, he/she shall have to reimburse the necessary expenses paid by the possessor, user or beneficiary of the property without a legal basis but in good faith for preserving or increasing the value of the property.

Chapter XXI

LIABILITY TO COMPENSATE FOR DAMAGE OUTSIDE CONTRACT

Section 1. GENERAL PROVISIONS

Article 604.- Grounds for liability to compensate for damage

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. In cases where the law provides that the persons who cause damage must compensate even when they are not at fault, such provision shall apply.

Article 605.- Principles for damage compensation

1. Damage must be compensated in full and in time. The parties may agree on the compensation levels, the form of compensation either in cash, in kind, or by the performance of a task, and on the mode of compensation either in lump sum or in installment, unless otherwise provided for by law.

2. Persons who cause damage may be entitled to reduction of compensation levels, if they unintentionally cause the damage which is too great for their economic capabilities at present and in the future.

3. When the compensation levels are no longer suitable to reality, the persons who suffered from damage or the persons who caused the damage may request the Court or other competent state agencies to change the compensation levels.

Article 606.- Liability capacity of individuals to compensate for damage

1. Persons aged full eighteen years or older who cause damage shall have to compensate by themselves.

2. If a minor under fifteen years old, whose father and/or mother are/is still alive, causes damage, his/her father and/or mother shall have to compensate the whole damage; if the property of his/her parents is not enough for compen-sation while the minor who causes the damage has his/her own property, this property shall be used to make up for the deficit, except for the cases specified in Article 621 of this Code.

If persons aged between full fifteen years and under eighteen years cause damage, they must compensate for the damage with their own property; if their property is not enough for compensation, their parents shall have to make up for the deficit with their own property.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 607.- Statute of limitations for initiating lawsuits to demand for damage compensation

The statute of limitations for initiating lawsuits to demand for damage compensation shall be two years counting from the date the legitimate rights and interests of individuals, legal persons or other subjects are infringed upon.

Section 2. DETERMINATION OF DAMAGE

Article 608.- Damage caused by infringement upon property

In case of infringement upon property, the damage to be compensated for shall cover:

1. The lost property;

2. The destroyed or damaged property;

3. The interests associated with the use or exploitation of such property;

4. The reasonable expenses for preventing, limiting and remedying the damage.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Damage caused by infringement upon health shall cover:

a/ Reasonable expenses for treatment, nursing and the rehabilitation of health and/or lost or impaired functions of the victims;

b/ The loss or reduction of the victims' actual incomes; if the victims' actual incomes are not stable, thus being unable to be determined, the average income earned for the same type of work shall be applied;

c/ Reasonable expenses and the loss of actual incomes of the persons who take care of the victims during the time of treatment; if the victims lose their working capacity and need people to care for them permanently, the damage shall also cover the reasonable expenses for caring for the victims.

2. The persons who infringe upon the health of others must compensate for damage as provided for in Clause 1 of this Article and pay another sum of money as compensation for their mental sufferings, which shall be agreed upon by the parties; if there is no such agreement, the maximum level shall not exceed thirty months' minimum salary set by the State.

Article 610.- Damage caused by infringement upon life

1. Damage caused by infringement upon life shall cover:

a/ Reasonable expenses for the treatment, nursing and taking care of the victims before they die;

b/ Reasonable expenses for funeral;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. The persons who infringe upon the lives of others shall have to compensate for damage as provided for in Clause 1 of this Article and pay a sum of money as compensation for the mental sufferings to the victims's next of kin in the first rank of inheritance; if these persons are not available, the persons who the victims have directly nurtured or the persons who have directly nurtured the victims shall enjoy this sum of money. The levels of compensation for mental sufferings shall be agreed upon by the parties; in the absence of such agreement, the maximum compensation level shall not exceed sixty months' minimum salary set by the State.

Article 611.- Damage caused by infringement upon honor, dignity or prestige

1. Damage caused by infringement upon the honor, dignity or prestige of individuals or damage caused by infringement upon the honor or prestige of legal persons or other subjects shall cover:

a/ The reasonable expenses for limiting and/or remedying the damage;

b/ The actually lost or reduced income.

2. The persons who infringe upon the honor, dignity or prestige of others must compensate for damage as provided for in Clause 1 of this Article and pay a sum of money as compensation for mental sufferings caused to such persons. The levels of compensation for mental sufferings shall be agreed upon by the parties; if there is no such agreement, the maximum compensation level shall not exceed ten months' minimum salary set by the State.

Article 612.- Duration for enjoyment of compensation for damage caused by infringement on life or health

1. In cases where the victims have completely lost their working capacity, they shall be entitled to enjoy compensation until they die.

2. In cases where a victim dies, the persons who were supported by the victim during his/her lifetime shall be entitled to the support money for the following time limit:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ Adults who have no working capacity shall be entitled to the support money until they die.

Section 3. COMPENSATION FOR DAMAGE IN A NUMBER OF SPECIFIC CASES

Article 613.- Compensation for damage caused by acts beyond the limits of legitimate self-defense

1. Persons causing damage in case of legitimate self-defense shall not have to compensate the victims.

2. Persons acting beyond the limits of legitimate self-defense and causing damage must compensate the victims.

Article 614.- Compensation for damage caused by acts beyond the requirements of emergency circumstances

1. Persons causing damage in emergency circumstances shall not have to compensate the victims.

2. In cases where damage is caused by acts beyond the requirements of an emergency circumstance, the persons causing such damage must compensate the victims.

3. Persons causing emergency circumstances that resulted in damage must compensate the victims.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. A person who, due to the consumption of alcohol or the use of other stimulants, falls into a state where he/she is unable to cognize and control his/her own acts and thereby causes damage to another person shall have to compensate.

2. When a person who intentionally uses alcohol or other stimulants to make another person fall into a state of being unable to cognize and control his/her own acts, and thereby causes damage, shall have to compensate the victim.

Article 616.- Compensation for damage caused by more than one person

In cases where many persons jointly cause damage, they shall have to jointly compensate the victim. The compen-sation liability of each of the persons who have jointly caused the damage shall be determined correspon-dingly to each person's fault; if the extent of fault cannot be determined, they shall have to equally pay compensation for the damage.

Article 617.- Compensation for damage in cases where victims are at fault

When a victim is also at fault in causing the damage, the person who causes the damage shall have to pay only the compensation corresponding to his/her fault; if the victim is totally at fault, the person who causes the damage shall not have to compensate.

Article 618.- Compensation for damage caused by personnel of a legal person

Legal persons must compensate for damage caused by their personnel while performing their assigned tasks; if the legal persons have already compensated for the damage, they shall have the right to request the persons who are at fault in causing the damage to refund the amounts of compensation they have already paid to the victims as provided for by law.

Article 619.- Compensation for damage caused by public servants

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Agencies or organizations shall have the responsibility to request public servants under their management to refund the amount of money they have paid in compensation to the victims as provided for by law, if the public servants are at fault while performing their public duties.

Article 620.- Compensation for damage caused by competent personnel of agencies conducting legal proceedings

Agencies conducting legal proceedings must compensate for damage caused by their competent personnel while performing tasks in the process of conducting legal proceedings.

Agencies conducting legal proceedings shall have the responsibility to request their competent persons who have caused damage to refund the amounts of money they have paid in compensation to the victims as provided for by law, if that competent persons are at fault while performing their tasks.

Article 621.- Compensation for damage caused by persons under fifteen years old, or persons having lost their civil act capacity while under the direct management of schools, hospitals or other organizations

1. For persons aged under fifteen years who cause damage while at schools, the schools must compensate for the damage caused.

2. For persons having lost their civil act capacity who cause damage to others while being under the direct management of hospitals or other organizations, the hospitals or such organizations shall have to compensate for the damage caused.

3. In the cases specified in Clause 1 and Clause 2 of this Article, if the schools, hospitals or other organizations can prove that they are not at fault in the management thereof, the fathers, mothers or guardians of such under-fifteen persons or persons having lost their civil act capacity shall have to compensate.

Article 622.- Compensation for damage caused by employees or apprentices

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 623.- Compensation for damage caused by sources of extreme danger

1. Sources of extreme danger include motorized means of transport, power transmission systems, industrial factories in operation, weapons, explosives, inflammables, poisons, radioactive substances, wild beasts and other sources of extreme danger specified by law.

The owner of a source of extreme danger must comply with the regulations on maintenance, keeping, transportation and use of sources of extreme danger in accordance with the provisions of law.

2. The owner of a source of extreme danger shall have to compensate for damage caused by such source of extreme danger; if he/she has assigned the possession or use of such source of extreme danger to another person, such person shall have to compensate, unless otherwise agreed upon.

3. The owner of, or the person assigned by the owner to possess or use, a source of extreme danger shall have to compensate for damage even if he/she is not at fault, except for the following cases:

a/ Where the damage occurred totally due to the intentional fault of the victim;

b/ Where the damage occurred due to force majeure or emergency circumstance, unless otherwise provided for by law.

4. In cases where a source of extreme danger is illegally possessed or used, the illegal possessor or user shall have to compensate for the damage.

If the owner of, or person assigned by the owner to possess or use, a source of extreme danger is also at fault in letting the source of extreme danger be illegally possessed or used, he/she shall have to jointly compensate for the damage.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Individuals, legal persons or other subjects who pollute the environment and thereby cause damage shall have to compensate as provided for by law, even in cases where the environment polluters are not at fault.

Article 625.- Compensation for damage caused by animals

1. The owner of an animal shall have to compensate for damage caused by the animal to another person; if the victim is completely at fault in letting the animal cause the damage to him/her, the owner of the animal shall not have to compensate.

2. In cases where a third party is completely at fault for the damage caused by an animal to another person, such third party shall have to compensate for damage; if the third party and the owner of the animal are both at fault, they shall have to jointly compensate for the damage.

3. In cases where an animal which is illegally possessed or used causes damage, the illegal possessor or user shall have to compensate.

4. In cases where the animal is allowed to range freely according to practices and causes damage, the owner of such animal shall have to compensate according to practices but not in contravention of law and/or social ethics.

Article 626.- Compensation for damage caused by trees

The owners of trees shall have to compensate for damage caused by their falling or broken trees, except in cases where the damage is caused completely by the victim's fault or a force majeure circumstance.

Article 627.- Compensation for damage caused by houses or other construction works

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 628.- Compensation for damage caused by infringement upon corpses

1. Individuals, legal persons or other subjects that infringe upon corpses shall have to compensate for circumstance.

2. The damage caused by infringement upon corpses shall cover reasonable expenses for limiting or remedying the damage.

3. Persons infringing upon corpses must pay a pecuniary compensation as provided for in Clause 2 of this Article and another sum of money to make up for the mental sufferings caused to the decedents' next of kin in the first rank of inheritance; if these people are not available, the persons who have directly nurturned the decedents shall be entitled to enjoy these sums of money. The levels of compensation for mental sufferings shall be agreed upon by the parties; if there is no such agreement, the maximum level shall not exceed thirty months' minimum salary set by the State.

Article 629.- Compensation for damage caused by infringement upon tombs

Individuals, legal persons or other subjects that cause damage to tombs of others shall have to compensate for the damage. The damage caused by infringement upon tombs shall cover reasonable expenses for limiting or remedying the damage.

Article 630.- Compensation for damage caused by infringement upon consumers' interests

Individuals, legal persons or other subjects that undertake production and business without ensuring the quality standards of goods, thus causing damage to any consumer, shall have to compensate.

PART FOUR

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Chapter XXII

GENERAL PROVISIONS

Article 631.- Inheritance right of individuals

Every individual shall have the right to make a testament to dispose of his/her property; to bequeath his/her property to his/her heir(s) at law; and to inherit property under a testament or according to law.

Article 632.- Individuals' right of equality in inheritance

Every individual shall be equal in the right to bequeath his/her property to another person and the right to inherit property under a testament or according to law.

Article 633.- Time and place for opening inheritance

1. The time for opening inheritance is the time the owner of property dies. In cases where the Court declares that a person is dead, the time for opening the inheritance shall be the date specified in Clause 2, Article 81 of this Code.

2. The place for opening inheritance is the last place of residence of the estate leaver; if such place cannot be identified, the place for opening inheritance shall be the place where all or most of his/her estate is located.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Estate includes the decedent's own property and his/her shares in property in common with others.

Article 635.- Heirs

If an heir is an individual, he/she must be alive at the time of opening the inheritance, or must be born and still alive after the time of opening the inheritance, but must be conceived before the death of the estate leaver. In cases where a testamentary heir is an agency or organization, such agency or organization must be in existence at the time of opening the inheritance.

Article 636.- Time at which the heir's rights and obligations arise

As from the time of opening the inheritance, the heirs shall have the property rights and obligations left by the decedents.

Article 637.- Performance of property obligations left by the decedent

1. The persons enjoying the inheritance shall have the responsibility to perform the property obligations within the limit of estate left by the decedent, unless otherwise agreed upon.

2. In cases where the estate has not yet been divided, the property obligations left by the decedent shall be performed by the estate administrator in accordance with the agreement among the heirs.

3. In cases where the estate has already been divided, then each of the heirs shall perform the property obligations left by the decedent, which correspond to, but not exceed, the portion of property he/she has received, unless otherwise agreed upon.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 638.- Estate administrators

1. An estate administrator is the person who is appointed in the testament or appointed under the agreement among the heirs.

2. In cases where the testament does not appoint an estate administrator and the heirs have not yet appointed an administrator, the person who possesses, uses, or administers the estate shall continue to administer it until the heirs appoint an administrator of the estate.

3. In cases where the heir(s) has/have not been identified and there is still no administrator of the estate, such estate shall be managed by a competent State agency.

Article 639.- Obligations of the estate administrator

1. The estate administrator defined in Clause 1 and Clause 3, Article 638 of this Code shall have the following obligations:

a/ To draw up the list of estate; recover the property of the decedent, which is being possessed by other persons, unless otherwise provided for by law;

b/ To preserve the estate; not to sell, exchange, donate, mortgage, pledge or dispose of it in any other manners, if not so consented in writing by the heirs;

c/ To notify the heirs of the estate;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



e/ To hand back the estate at the request of the heir(s).

2. The person who currently possesses, uses or administers the estate as specified in Clause 2, Article 638 of this Code shall have the following obligations:

a/ To preserve the estate; not to sell, exchange, donate, mortgage, pledge or dispose of it in any other manners;

b/ To notify the heirs of the estate;

c/ To compensate for damage, if he/she breaches his/her obligations, thereby causing damage;

d/ To hand back the estate as agreed upon with the estate leaver in a contract or at the request of the heir(s).

Article 640.- Rights of the estate administrator

1. The estate administrator defined in Clause 1 and Clause 3, Article 638 of this Code shall have the following rights:

a/ To represent the heirs in their relations with a third party concerning the estate;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. The persons who currently possess, use or administer the estate as defined in Clause 2, Article 638 of this Code shall have the following rights:

a/ To continue using the estate as agreed upon in the contract with the estate leaver or consented to by the heirs.

b/ To enjoy remuneration as agreed upon with the heirs.

Article 641.- Inheritance by persons entitled to mutually inherit each other's estate who die simultaneously

In cases where the persons who have the right to inherit each other's estate die simultaneously or are considered to have died simultaneously because it is impossible to determine who dies first, then they shall not have the right to inherit each other's estate and the estate of each person shall be inherited by his/her respective heir(s), except for case of inheritance by substitution as provided for in Article 677 of this Code.

Article 642.- Disclaimer of inheritance

1. An heir shall have the right to disclaim an estate, except for cases where such disclaimer is aimed at shirking his/her property obligations toward another person.

2. A disclaimer of estate must be made in writing; the person who disclaims must notify other heirs, the person tasked to divide the estate, the Notary Public Office or the People's Committee of the commune, ward or township, where such inheritance is opened, of the disclaimer of estate.

3. The time limit for disclaiming an estate shall be six months counting from the date of opening the inheritance. After six months counting from the date of opening the inheritance, if there is no disclaimer of estate, the heirs are considered having accepted the inheritance.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. The following persons shall not be entitled to enjoy estate:

a/ Persons who are convicted of having intentionally infringed upon the life or health of the estate leavers, or of having maltreated, or physically or mentally abused the estate leavers, or of having seriously infringed upon the honor or dignity of such persons;

b/ Persons who seriously breach their obligations to support the estate leavers;

c/ Persons who are convicted of having intentionally infringed upon the life of other heirs for the purpose of acquiring part or all of the portion of the estate to which such heirs are entitled;

d/ Persons who deceive, coerce or hinder the estate leavers while the latter make their testaments; persons who forge, modify or destroy the testaments in order to acquire part or all of the estates against the will of the estate leavers.

2. The persons defined in Clause 1 of this Article shall still be entitled to enjoy the estate, if the estate leavers, though aware of their acts, still allow them to enjoy the estate under the testaments.

Article 644.- Estates without heirs shall belong to the State

In cases where there is no heir under the testament or at law or where there is an heir who is, however, not entitled to enjoy estate or disclaims his/her estate, the estate left after fulfilling the property obligations and without any heir shall belong to the State.

Article 645.- Statute of limitations for initiating inheritance-related lawsuits

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The statute of limitations for initiating a lawsuit to demand an heir to fulfill the property obligations left by the decedent shall be three years counting from the time of opening the inheritance.

Chapter XXIII

TESTAMENTARY INHERITANCE

Article 646.- Testaments

A testament is the expression of an individual's will to transfer his/her own property to other person(s) after his/her death.

Article 647.- Testators

1. A person who has attained adulthood is entitled to make a testament, except in cases where such person is affected by a mental disease or other ailment, which prevents him/her from being aware of, or controlling his/her acts.

2. A person aged between full fifteen years and under eighteen years may make a testament, if his/her father, mother or guardian so agrees.

Article 648.- Rights of the testator

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. To designate his/her heirs(s); to disinherit an heir;

2. To divide his/her estate for each of his/her heirs;

3. To set aside part of his/her estate for donation and/or worship;

4. To assign obligations to his/her heir(s);

5. To designate a person to keep the testament, the administrator of his/her estate and the distributor of the estate.

Article 649.- Forms of testament

A testament must be made in writing; if the testament cannot be made in writing, it can be made orally.

Ethnic minority people shall be entitled to make their testaments in their own ethnic minority scripts or languages.

Article 650.- Written testaments

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. A written testament made without witnesses;

2. A written testament made in the presence of witnesses;

3. A notarized written testament;

4. An authenticated written testament.

Article 651.- Oral testaments

1. In cases where a human life is threatened by a disease or other causes, which prevent him/her from making a written testament, he/she may make an oral testament.

2. After three months counting from the time the oral testament is made, if the testator is still alive and clear-minded, such oral testament shall be automatically annulled.

Article 652.- Lawful testaments

1. A testament shall be considered lawful when it meets all the following conditions:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ The content of the testament is not contrary to law and/or social ethics; the form of testament is not contrary to the provisions of law.

2. The testament of a person aged between full fifteen years and under eighteen years must be made in writing and such person must get the consent of his/her parents or guardian.

3. The testament of a person who is physically handicapped or who is illiterate must be put into writing by a witness and notarized or authenticated.

4. A written testament without notarization or authentication shall be considered lawful only if it satisfies the conditions specified in Clause 1 of this Article.

5. An oral testament shall be considered lawful if the oral testator expresses his/her last will before at least two witnesses and immediately after that the witnesses write such down and jointly sign or press their fingerprints. Within five days as from the date the oral testator expresses his/her last will, the testament must be notarized or authenticated.

Article 653.- Contents of written testaments

1. A testament must contain:

a/ Day, month, year, on which the testament is made;

b/ Full name and place of residence of the testator;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



d/ The inheritance estate bequeathed and the location of such estate;

e/ The person(s) appointed to perform the obligations and the contents of such obligations.

2. No abbreviations or symbols shall be used in testaments; if a testament comprises many pages, then each page must be ordinally numbered and signed or fingerprinted by the testator.

Article 654.- Witnesses to the making of testaments

Every person may serve as a witness to the making of a testament, except the following persons:

1. Heirs under the testament or at law of the testator;

2. Persons with property rights and obligations related to the contents of the testament;

3. Persons who have not yet reached full eighteen years or persons having no civil act capacity.

Article 655.- Written testaments made without witnesses

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The making of written testaments without witnesses must comply with the provisions of Article 653 of this Code.

Article 656.-Written testaments made in the presence of witnesses

In cases where a testator is unable to write the testament by himself/herself, he/she may ask another person to write it, but in the presence of at least two witnesses. The testator must sign or fingerprint the testament in the presence of the witnesses; the witnesses shall certify the signature or fingerprint of the testator and sign the testament.

The making of testaments must comply with the provisions of Article 653 and Article 654 of this Code.

Article 657.- Testaments notarized or authenticated

Testators may request the notarization or authentication of their testaments.

Article 658.- Procedures for making testaments at public notary offices or People's Committees of communes, wards or townships

The making of testaments at public notary offices or People's Committees of communes, wards or townships must comply with the following procedures:

1. The testators shall announce the contents of their testaments before the public notaries or persons of commune/ward/township People's Committees, who are competent to authenticate them. The public notaries or the persons competent to authenticate must record in writing the contents stated by the testators. The testators shall sign or fingerprint the testaments after certifying that their testaments have been accurately recorded and correctly express their will. The public notaries or the persons competent to authenticate of commune/ward/township People's Committees then sign the testaments;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 659.- Persons not allowed to notarize or authenticate testaments

The public notaries or competent persons of commune/ward/township People's Committees must not notarize or authenticate testaments if they are:

1. Testamentary heirs or at-law heirs of the testators;

2. Persons whose fathers, mothers, spouses or children are testamentary heirs or at-law heirs;

3. Persons having their property rights and obligations related to the testaments' contents.

Article 660.- Written testaments are as valid as notarized or authenticated testaments

Written testaments which have the same validity as notarized or authenticated testaments shall include:

1. Testaments of army men in active service, certified by commanders of army units of the company or higher level, if such army men cannot request the notarization or authentication;

2. Testaments of persons traveling on board sea-going vessels or aircraft, certified by the commanders of such means of transport;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4. Testaments of persons conducting survey, exploration or research work in mountainous areas or on islands, certified by the persons in charge of their units;

5. Testaments of Vietnamese nationals residing abroad, certified by Vietnamese consular offices or diplomatic missions in those countries;

6. Testaments of persons being held in custody, serving their prison sentences or administrative handling measures at re-education camps or medical establishments, certified by the persons in charge of such establishments.

Article 661.- Testaments made by public notaries at places of residence

1. Testators may request public notaries to come to their places of residence to make their testaments.

2. The procedures for making testaments at places of residence shall comply with the procedures for making testaments at public notary offices under the provisions in Article 658 of this Code.

Article 662.- Amendment, supplementation, substitution and annulment of testaments

1. Testators may amend, supplement, substitute or annul their testaments at any time.

2. In cases where a testator makes any supplement to his/her testament, the already made testament and the supplement shall have equal legal effect; if a part of the already made testament and the supplement are contradictory, only the supplement shall have legal effect.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 663.- Joint testament of husband and wife

Husband and wife may make a joint testament to dispose of their common property.

Article 664.- Amendment, supplementation, substitution and annulment of joint testaments

1. Husband or wife may amend, supplement, substitute or annul their joint testament at any time.

2. When a wife or husband wishes to amend, supplement, substitute or annul their joint testament, she or he must get the consent of the other; if one of them has already died, the other can only amend or supplement the testament related to his/her own part of property.

Article 665.- Custody of testaments

1. A testator may request a public notary office or another person to keep his/her testament in its/his/her custody.

2. In cases where the public notary office keeps the testament, it must maintain and preserve the testament in accordance with the provisions of law on notary public.

3. The individual entrusted to keep the testament shall have the following obligations:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ To safeguard and preserve the testament; if the testament is lost or damaged, he/she must immediately notify the testator thereof;

c/ To hand back the testament to the testator's heir(s) or to the person competent to announce the testament upon the testator's death. The hand-over of the testament must be made in writing with the signatures of the person who hands it over and the recipient, and in the presence of two witnesses.

Article 666.- Lost or damaged testaments

1. If from the time of opening the inheritance, a testament is lost or damaged to such an extent that it does not fully express the will of the testator nor is there any evidence to demonstrate the true wish of the testator, the testament shall be deemed non-existent and the provisions of law on inheritance at law shall apply.

2. In cases where the testament is found out before the estate is divided, then the estate shall be divided according to the testament.

Article 667.- Legal effect of testaments

1. A testament shall take effect as from the time of opening the inheritance.

2. A testament shall be considered invalid wholly or partially in the following cases:

a/ The testamentary heirs die before or at the same time with the testator;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



In cases where there are more than one testamentary heir and one of them dies before or at the same time with the testator, or one of the agencies or organizations designated as heirs is no longer in existence at the time of opening the inheritance, then only the part of the testament that relates to the person who died before or simultaneously with the testator, or such defunct agency or organization shall be legally ineffective.

3. A testament shall have no legal effect if the estate left to the heir(s) is no longer in existence at the time of opening the inheritance; if only part of such estate is still in existence, then the testamentary part related to the remaining part of the estate shall remain effective.

4. If a part of the testament is unlawful but does not affect the validity of the rest of the testament, then only such part shall have no legal effect.

5. If a person leaves more than one testament regarding a property, then only the latest testament shall take legal effect.

Article 668.- Legal effect of joint testament of husband and wife

A joint testament of husband and wife shall take effect as from the time the last of them dies or at the time both the husband and wife die simultaneously.

Article 669.- Heirs independent from contents of testaments

The following persons shall still be entitled to an estate portion which is equivalent to two-thirds of the portion given to an heir at law, if the estate is divided according to law, in cases where they are not allowed by the testator to enjoy the estate or are allowed to enjoy only a portion less than two-thirds of their due part, unless they disclaim the estate according to the provisions of Article 642 or they are not entitled to the estate according to the provisions of Article 643 of this Code:

1. Minor children, father, mother, wife or husband;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 670.- Estate used for worshiping

1. In cases where a testator has allocated part of the estate for worshiping, that part of his/her estate shall not be divided for inheritance, but shall be entrusted to a person designated in the testament for management to service the worship; if the designated person fails to comply with the testament or with the heirs' agreement, the heirs shall be entitled to entrust such part of the estate to another person for management and use thereof for worshiping.

In cases where the estate leaver does not designate an administrator of the worship estate, the heirs shall designate a person to manage the worship estate.

In cases where all the testamentary heirs have died, the estate portion reserved for worshiping shall belong to the current lawful administrator of such estate among people entitled to inheritance at law.

2. In cases where the whole property of the decedent is not enough for fulfillment of his/her property obligations, no part of the estate shall be reserved for worshiping.

Article 671.- Testamentary donation

1. A testamentary donation means the reserve of part of an estate by a testator as gift to another person. The testamentary donation must be clearly stated in the testament.

2. The testamentary donee shall not have to fulfill any property obligation related to the testamentary donation, except in cases where the whole estate is not enough for performance of the property obligations of the donor, the testamentary donation shall be also used to perform the remaining part of the obligations of such person.

Article 672.- Announcement of testaments

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. In cases where the testator appoints a testament announcer, the latter shall have the obligation to announce the testament; if the testator does not appoint or has appointed a testament announcer but the appointee refuses to announce the testament, the surviving heirs shall agree to appoint the testament announcer.

3. After the time of opening the inheritance, the testament announcer must send copies of the testament to all concerned persons related to the contents of the testament.

4. The persons who receive copies of the testament shall be entitled to request the comparison thereof with the original.

5. In cases where the testament is made in a foreign language, it must be translated into Vietnamese and must be notarized.

Article 673.- Interpretation of testaments

In cases where the contents of a testament are unclear leading to different interpretations, then the testament announcer and the heirs must together interprete the testament contents, based on the true will of the decedent before his/her death, taking into consideration the relationship between the decedent and his/her testamentary heir(s). Where such persons fail to agree on the interpretation of the contents of the testament, such testament shall be deemed non-existent and the estate shall be divided in accordance with the provisions of law on inheritance at law.

In cases where a part of the testament cannot be interpreted but does not affect the rest of the testament, only the uninterpretable part shall be invalid.

Chapter XXIV

INHERITANCE AT LAW

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Inheritance at law is inheritance in accordance with the ranks, conditions and order of inheritance provided for by law.

Article 675.- Cases of inheritance at law

1. Inheritance at law shall apply in the following cases:

a/ There is no testament;

b/ The testament is unlawful;

c/ All the testamentary heirs die before or at the same time with the testator; the agency or organization designated as testamentary heir is no longer in existence at the time of opening the inheritance;

d/ The persons designated as testamentary heirs shall not have the right to inherit or have disclaimed their inheritance rights.

2. Inheritance at law shall also apply to the following parts of the estate:

a/ Part of the estate, which is not disposed of in the testament;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c/ Part of the estate, which is related to a testamentary heir, who, however, does not have the right to inherit or who has disclaimed his/her inheritance rights, or who dies before or at the same time with the testator; or related to an agency or organization which is designated as testamentary heir, which is, however, no longer in existence at the time of opening the inheritance.

Article 676.- Heirs at law

1. Heirs at law are classified in the following order:

a/ First rank of inheritance shall include wife, husband, biological father, biological mother, adoptive father, adoptive mother, biological children and adopted children of the decedent;

b/ Second rank of inheritance shall include paternal grandfather, paternal grandmother, maternal grandfather, maternal grandmother, natural brother(s) and sister(s) of the decedent; grand-children of whom the decedent is the paternal grandfather or grand-mother, maternal grandfather or grandmother;

c/ Third rank of inheritance shall include paternal and maternal great-grandparents; paternal and maternal uncles and aunts by blood of the decedent; nephews and nieces of whom the decedent is the paternal or maternal uncle or aunt by blood; great grand-children of whom the decedent is the paternal or maternal great grandparents.

2. Heirs belonging to the same rank of inheritance shall be entitled to equal portions in the estate.

3. Heirs belonging to the subsequent rank of inheritance shall be entitled to inheritance only if none of the heirs of the preceding rank of inheritance is left as they have died, are not entitled to the estate, are disinherited or disclaim the estate.

Article 677.- Inheritance by substitution

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 678.- Inheritance relation-ship between adopted children and their adoptive fathers, adoptive mothers and their biological parents

An adopted child and his/her adoptive father and/or mother shall be entitled to inherit each other's estate and also inherit the estate in accordance with the provisions of Articles 676 and 677 of this Code.

Article 679.- Inheritance relation-ship between stepchildren and their stepfathers and/or stepmothers

If a stepchild and his/her stepfather and/or stepmother have a relationship of mutual care and support as between a biological father and a biological child or between a biological mother and a biological child, they shall be entitled to inherit each other's estate and also inherit the estate in accordance with the provisions of Articles 676 and 677 of this Code.

Article 680.- Inheritance in cases where wife and husband have divided their common property, are applying for divorce or have married another person

1. In cases where husband and wife have divided their common property while their marriage still exists and one of the spouses thereafter dies, then the survivor shall still be entitled to inherit the other's estate.

2. In cases where wife and/or husband have/has applied for divorce but the divorce has not yet been approved or has already been approved by a court through a judgment or decision which is not legally effective yet, and one of the spouses thereafter dies, then the survivor shall still be entitled to inherit the other's estate.

3. A person who was still wife or husband of the decedent at the time the latter dies shall still be entitled to inherit the decedent's estate even if he/she later has married another person.

Chapter XXV

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 681.- Meeting of heirs

1. After the notice on the opening of the inheritance is made or the testament is announced, the heirs may hold a meeting to agree on the following issues:

a/ The appointment of an administrator of the estate, a distributor of the estate and the determination of the rights and obligations of these people, if the estate leaver has failed to make such appointments in the testament;

b/ The method of dividing the estate.

2. Any agreement among the heirs must be made in writing.

Article 682.- Estate distributors

1. The estate distributor may also be the estate administrator designated in the testament or appointed by the heirs under their agreement.

2. The estate distributor must divide the estate in strict accordance with the testament or as agreed upon by the heirs at law.

3. The estate distributor is entitled to remuneration, if so allowed by the estate leaver in the testament or so agreed upon by the heirs.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Property obligations and expenses related to the inheritance shall be paid in the following order:

1. Reasonable funeral expenses in accordance with practices;

2. Unpaid support allowance;

3. Support allowances for dependents of the decedent;

4. Labor wage;

5. Compensation for damage;

6. Taxes and other debts owed to the State;

7. Fines;

8. Other debts owed to any individuals, legal persons or other subjects;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



10. Other expenses.

Article 684.- Division of estates in accordance with testaments

1. The estate shall be divided according to the will of the testator; if the testament does not clearly determine the share of each heir, then the estate shall be divided equally among the persons indicated in the testament, unless otherwise agreed upon.

2. In cases where the testament specifies the division of an estate in kind, the heirs shall be entitled to receive their shares in kind together with the yields or profits gained therefrom or must bear any depreciation in value of such shares in kind up to the time of the division of the estate; if the shares in kind have been destroyed due to another person's fault, the heirs shall be entitled to demand compensation for such damage.

3. In cases where the testament only specifies the division of the estate by percentages of the total value of the estate, then such percentages shall be calculated on the basis of the estate value remaining at the time of estate division.

Article 685.- Division of estate by law

1. If at the time of estate division, an heir of the same rank of inheritance has been conceived but not yet born, then a part of the estate equal to the share which another heir of the same rank is entitled to shall be set aside for inheritance by the unborn heir if he/she is born alive; if this heir is still-born, then the other heirs shall be entitled to his/her share.

2. The heirs shall have the right to demand that the estate be divided in kind; if the estate cannot be divided equally in kind, the heirs may agree on the evaluation of the assets in kind and on the persons who shall receive them; if no agreement can be reached, the assets in kind shall be sold for division.

Article 686.- Restrictions on division of estate

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



In cases where the estate division is requested and will seriously affect the life of the living spouse and his/her family, the living spouse shall have the right to request the Court to determine the estate shares to be enjoyed by the heirs but not to allow the estate division within a certain time limit which, however, shall not exceed three years as from the time of opening the inheritance; if the time limit set by the Court has expired or the living spouse has married another person, the other heirs may request the Court to permit the division of the estate.

Article 687.- Division of estates in cases where new heirs appear or where heirs are disinherited

1. In cases where an estate has been already divided and a new heir has appeared, the estate in kind shall not be re-divided but the heirs who have received their respective shares of estate must pay the new heir a sum of money corresponding to his/her share of estate at the time of estate division in proportion to the received share of estate, unless otherwise agreed upon.

2. In cases where an estate has been already divided and an heir is disinherited, such heir must return his/her share of estate or pay a sum of money corresponding to the value of the estate he/she has enjoyed at the time of dividing the estate to the heirs, unless otherwise agreed upon.

PART FIVE

PROVISIONS ON THE TRANSFER OF LAND USE RIGHTS

Chapter XXVI

GENERAL PROVISIONS

Article 688.- Bases for establishment of land use rights

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Land use rights of individuals, legal persons, households and other subjects shall be established upon the land assignment or lease or the land use right recognition by the State.

3. Land use rights of individuals, legal persons, households and other subjects shall also be established upon the transfer thereof by other persons in accordance with the provisions of this Code and the land law.

Article 689.- Forms of transfer of land use rights

1. The transfer of land use rights shall be carried out through contracts, except for the case specified in Clause 3 of this Article.

2. The contracts on land use right transfer must be made in writing, notarized or authenticated in accordance with the provisions of law.

3. The inheritance of land use rights shall comply with the provisions of Articles 733 thru 735 of this Code.

Article 690.- Price for transfer of land use rights

The price for a transfer of land use rights shall be agreed upon by the parties or provided for by law.

Article 691.- Principles for transfer of land use rights

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. When transferring the land use rights, the parties shall be entitled to agree on the contents of the contract for the transfer of land use rights but must comply with the provisions of this Code and the land law.

3. The transferee of the land use rights must use the land for the right purposes and within the duration stated in the land use right certificates and in compatibility with land use plannings or plans in the localities at the time of land use right transfer.

Article 692.- Effect of transfer of land use rights

The transfer of land use rights shall take effect as from the time the land use rights are registered in accordance with the provisions of land law.

Chapter XXVII

CONTRACTS FOR EXCHANGE OF LAND USE RIGHTS

Article 693.- Contracts for exchange of land use rights

A contract for exchange of land use rights is an agreement between parties whereby the parties transfer land and land use rights to each other in accordance with the provisions of this Code and the land law.

Article 694.- Contents of contracts for exchange of land use rights

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Names and addresses of the parties;

2. Rights and obligations of the parties;

3. Category, grade, acreage, location, code number, boundaries and conditions of the land;

4. Time for the transfer of land;

5. The land use term of the exchanger; the remainder of the land use term for the exchange;

6. The difference in land use right value, if any;

7. Rights of a third party to the exchanged land, if any;

8. The parties' liabilities for breach of the contract.

Article 695.- Obligations of parties to the exchange of land use rights

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. To transfer land to each other in strict accordance with the land acreage, grade, category, location, code number and conditions as agreed upon;

2. To use the land for the right purposes and within the prescribed duration;

3. To pay fees for the exchange of land use rights with respect to the area of land received and perform the obligations of a land user as provided for by this Code and the land law;

4. To pay the difference, if the value of the exchanged land use rights of one party is higher than that of the other, unless otherwise agreed upon.

Article 696.- Rights of parties to the exchange of land use rights

The parties to an exchange of land use rights shall have the following rights:

1. To request the other party to transfer the land in strict accordance with the land acreage, grade, category, location, code number and conditions as agreed upon;

2. To request the other party to hand over all the valid papers related to the land use rights;

3. To be granted a land use right certificate for the exchanged land;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Chapter XXVIII

CONTRACTS FOR ASSIGNMENT OF LAND USE RIGHTS

Article 697.- Contracts for assignment of land use rights

A contract for the assignment of land use rights is an agreement between parties whereby the land use right assignor transfers the land and land use rights to the assignee and the assignee shall pay money to the assignor in accordance with the provisions of this Code and the land law.

Article 698.- Contents of contracts for assignment of land use rights

A contract for the assignment of land use rights shall include the following contents:

1. Names and addresses of the parties;

2. Rights and obligations of the parties;

3. Category, grade, acreage, location, code number, boundaries and conditions of the land;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



5. Assignment price;

6. Mode and time of payment;

7. Rights of a third party to the assigned land;

8. Other information related to the land use rights;

9. The parties' liabilities for breach of the contract.

Article 699.- Obligations of the land use right assignor

The land use right assignor shall have the following obligations:

1. To transfer the land to the assignee in strict accordance with the land acreage, grade, category, location, code number and conditions as agreed upon;

2. To hand over the papers related to the land use rights to the assignee.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The land use right assignor shall have the rights to receive money for the assignment of land use rights; in cases where the assignee is late in making the payment, the provisions of Article 305 of this Code shall apply.

Article 701.- Obligations of the land use right assignee

The land use right assignee shall have the following obligations:

1. To pay money to the land use right assignor in full, on time and by the agreed mode;

2. To register the land use rights as provided for by the land law;

3. To ensure the rights of the third party to the assigned land;

4. To perform other obligations as provided for by the land law.

Article 702.- Rights of the land use right assignee

The land use right assignee shall have the following rights:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. To request the land use right assignor to transfer the land in strict accordance with the land acreage, grade, category, location, code number and conditions as agreed upon;

3. To be granted a land use right certificate for the assigned land;

4. To use land in accordance with the right purposes and duration.

Chapter XXIX

CONTRACTS FOR LAND USE RIGHT LEASE, SUBLEASE

Section 1. CONTRACTS FOR LAND USE RIGHT LEASE

Article 703.- Contracts for land use right lease

A contract for land use right lease is an agreement between parties whereby the lessor shall transfer the land to the lessee for use in a period of time, and the lessee must use such land for the right purpose, pay the rent and return the land when the lease term expires as provided for by this Code and the land law.

Article 704.- Contents of contracts for land use right lease

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Names and addresses of the parties;

2. Rights and obligations of the parties;

3. Category, grade, acreage, location, code number, boundary and conditions of the land;

4. Lease term;

5. Lease price;

6. Mode and time of payment;

7. Rights of a third party to the leased land;

8. The parties' liabilities for breach of the contract;

9. Remedy of consequences when the land use right lease contract expires.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The land use right lessor shall have the following obligations:

1. To register the lease of land use rights;

2. To transfer land to the lessee in accordance with the land acreage, location, code number, category and conditions as agreed upon;

3. To lease land use rights within the term of land allocation or lease;

4. To check and remind the lessee to protect, preserve and use the land for the right purpose;

5. To pay land use tax, unless otherwise agreed upon;

6. To inform the lessee of the rights of the third party to the leased land.

Article 706.- Rights of the land use right lessor

The land use right lessor shall have the following rights:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. To request the lessee to immediately stop the use of land not for the right purpose, the destruction of land or the reduction of its use value; if the lessee fails to immediately stop such violations, the lessor shall be entitled to unilaterally terminate the performance of the contract and request the lessee to return such land and compensate for damage;

3. To request the lessee to return the land upon expiration of the lease term.

Article 707.- Obligations of the land use right lessee

The land use right lessee shall have the following obligations:

1. To use land for the right purpose, within the boundary and the lease term;

2. Not to destroy the land or reduce its use value and to fulfill other requirements as agreed upon in the land use right lease contract;

3. To pay the rent in full, on time, at the right place and by the agreed mode; in the event the use of land fails to generate profits, the lessee shall still be obligated to pay the rent in full, unless otherwise agreed upon;

4. To comply with the regulations on environmental protection; not to cause damage to the legitimate rights and interests of the surrounding land users;

5. To return the land in the same conditions as when it was received upon the expiration of the lease term, unless otherwise agreed upon.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The land use right lessee shall have the following rights:

1. To request the lessor to transfer the land in strict accordance with the land acreage, location, code number, grade, category and conditions as agreed upon;

2. To use the leased land in a stable manner within the agreed duration;

3. To enjoy the yields and profits from the use of land;

4. To unilaterally terminate the performance of the contract as provided for in Article 426 of this Code;

5. To request the lessor to reduce or exempt the rent in cases where the yields and/or profits are lost or reduced due to force majeurecircumstances.

Article 709.- Delay in payment of rent

When the lessee delays in paying the rent for the lease of land use rights as agreed upon, the lessor may grant an extension; if such extension has expired and the lessee fails to fulfill his/her obligations, the lessor shall be entitled to unilaterally terminate the performance of the contract and request the lessee to return the land. The lessor shall be entitled to request the lessee to make the full payment for the time during which the land use rights were leased, including the interest on the amount of delayed payment at the basic interest rate set by the State Bank corresponding to the period of delayed payment at the time of payment.

Article 710.- Compensation for damage caused by recovery of land

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. In cases where the contract for the land use right lease is still valid, but for the national security, defense requirements, national interests, public interests and economic development, the State recovers the land, then the contract for the land use right lease shall terminate ahead of time.

In cases where the lessee has paid the rent fully in advance, the lessor must reimburse the lessee the remaining rent corresponding to the period of time when the land has not been used; if the lessee has not yet paid the rent, he/she/it must pay only an amount corresponding to the period of time when the land has been used.

The lessor shall be compensated by the State for the damage caused by the recovery of land in accordance with provisions of law, and the lessee shall be compensated by the State for the loss of yields from such land.

Article 711.- The right to continue leasing land use rights when one party dies

1. In cases where the land use right lessor being an individual dies, the lessee shall be entitled to continue leasing land use rights until the lease term expires.

2. In cases where the land use right lessee being an individual dies, the members of his/her household shall be allowed to continue leasing land use rights until the lease term expires, but must notify a competent state agency thereof.

Article 712.- Assignment of land use rights during the term of a land use right lease

When term of a land use right lease remains in effect, the lessor is still entitled to assign land use rights to another person, if so permitted by a competent state agency, but must inform the lessee thereof so that the latter performs his/her obligations to the land use right assignee.

The lessee shall still be entitled to continue the lease until the contractual term of the land use right lease expires.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. A contract for land use right lease shall terminate in the following cases:

a/ The lease term expires and is not extended;

b/ It is so agreed upon by the parties;

c/ The State recovers the land;

d/ One of the parties unilaterally terminates the performance of the contract or cancels the contract as agreed upon or provided for by law;

e/ The land use right lessee being an individual dies without any other members of his/her household or with other members of his/her household but they do not have demand for continued lease;

f) The leased land area is no longer in existence due to a natural calamity;

g) Other cases specified by law.

2. When a land use right lease contract terminates, the lessee must restore the land to its conditions as when it was received, unless otherwise agreed upon or provided for by law. The property attached to the land shall be settled under the parties' agreement.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 714.- Contracts for land use right sublease

Unless otherwise provided for by law, the provisions of Articles 703 thru 713 of this Code shall also apply to contracts for land use right sublease.

Chapter XXX

CONTRACTS FOR LAND USE RIGHT MORTGAGE

Article 715.-Contracts for land use right mortgage

A contract for land use right mortgage is an agreement between the parties whereby the land user (hereinafter referred to as the mortgagor) shall use his/her land use rights to secure the performance of civil obligations toward the other party (hereinafter referred to as the mortgagee). The mortgagor may continue to use the land during the mortgage term.

Article 716.- Scope of land use right mortgage

1. Land use rights may be mortgaged in part or in whole.

2. In cases where a land user mortgages his/her land use rights, his/her houses, other construction works, planted forests, tree gardens and other assets which are attached to land, shall belong to the mortgaged property only when it is so agreed upon.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The land use right mortgagor shall have the following obligations:

1. To hand over the land use right certificate to the mortgagee;

2. To fill the mortgage registration procedures; to cancel the mortgage registration when the mortgage contract terminates;

3. To use the land for the right purpose, not to destroy or reduce the value of the mortgaged land;

4. To repay the loan on time and by the mode agreed upon in the contract.

Article 718.- Rights of the land use right mortgagor

The land use right mortgagor shall have the following rights:

1. To use the land within the mortgage term;

2. To receive the loan from the land use right mortgage by the agreed mode;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4. To exchange, assign, lease or sublease the mortgaged land use rights if so consented by the mortgagor;

5. To receive back the land use right certificate after the mortgage obligations have been fulfilled.

Article 719.- Obligations of the land use right mortgagee

The land use right mortgagee shall have the following obligations:

1. To register the mortgage together with the mortgagor;

2. To return the land use right certificate when the mortgagor has fulfilled the obligations secured by the mortgage.

Article 720.- Rights of the land use right mortgagee

The land use right mortgagee shall have the following rights:

1. To examine and remind the land use right mortgagor to protect and preserve the land and use it for the right purpose;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 721.- Handling of mortgaged land use rights

When the term for the performance of the obligations secured by the mortgage of land use rights is due, and the mortgagor has still failed to perform or performed improperly his/her obligations, the mortgaged land use rights shall be handled as agreed upon; if there is no such agreement or the mortgaged land use rights cannot be handled as agreed upon, the mortgagee shall be entitled to initiate a lawsuit at the court.

Chapter XXXI

CONTRACTS FOR LAND USE RIGHT DONATION

Article 722.- Contracts for land use right donation

A contract for the donation of land use rights is an agreement between the parties whereby the donor transfers his/her land use rights to the donee without requesting any compensation, and the donee agrees to receive them in accordance with the provisions of this Code and the land law.

Article 723.- Contents of contracts for land use right donation

A contract for land use right donation shall contain the following contents:

1. Names and addresses of the parties;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. The rights and obligations of the parties;

4. The land category, grade, acreage, location, code number, boundary and conditions;

5. The remaining land use duration of the donor;

6. A third party's rights to the donated land;

7. The parties' liabilities for breach of the contract.

Article 724.- Obligations of the land use right donor

The land use right donor shall have the following obligations:

1. To transfer the land in strict accordance with the agreed land acreage, grade, category, location, code number and conditions;

2. To hand over the papers related to the land use rights to the donee for carrying out the procedures for land use right registration.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The land use right donee shall have the following obligations:

1. To register the land use rights at a competent state agency defined by the land law;

2. To ensure a third party's rights to the donated land;

3. To perform other obligations as provided for by the land law.

Article 726.- Rights of the land use right donee

The land use right donee shall have the following rights:

1. To request the donor to transfer the land in strict accordance with the agreed land acreage, grade, category, location, code number and conditions;

2. To use the land for the right purpose and within the set time limit;

3. To be granted the land use right certificate.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



CONTRACTS FOR CAPITAL CONTRIBUTION WITH LAND USE RIGHT VALUE

Article 727.- Contracts for capital contribution with the land use right value

A contract for capital contribution with the land use right value is an agreement between the parties whereby the land user (hereinafter referred to as the capital contributor) contributes his/her capital with the land use right value for production and/or business cooperation with other individuals, legal persons, family households and/or other subjects under the provisions of this Code and the land law.

Article 728.- Contents of the contracts for capital contribution with the land use right value

A contract for capital contribution with the land use right value shall contain the following contents:

1. Names and addresses of the parties;

2. Rights and obligations of the parties;

3. The land category, grade, acreage, location, code number, boundary and conditions;

4. The remaining land use duration of the capital contributor;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



6. The land use right value contributed as capital;

7. A third party's rights to the land contributed as capital;

8. The parties' liabilities for breach of the contract.

Article 729.- Obligations of parties contributing capital with the land use right value

A party contributing capital with the land use right value shall have the following obligations:

1. To transfer the land in strict accordance with the time limit, the land acreage, grade, category, location, code number and conditions as agreed upon in the contract;

2. To register the land use rights at a competent state agency as provided for by the land law.

Article 730.- Rights of parties contributing capital with the land use right value

A party contributing capital with the land use right value shall have the following rights:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. To assign, bequeath the capital portion contributed with the land use right value, unless otherwise agreed upon or provided for by law;

3. To receive back the land use rights contributed as capital as agreed upon or upon the expiration of the capital contribution time limit;

4. To cancel the contract and demand compensation for damage if the party receiving the contributed capital fails to pay the profits on time or fails to make full payment thereof.

Article 731.- Obligations of parties receiving capital contributed with the land use right value

A party receiving capital contributed with the land use right value shall have the following obligations:

1. To pay profit portion to the party contributing capital with the land use right value on time and by the mode agreed upon in the contract;

2. To ensure a third party's rights to the land contributed as capital;

3. To fulfill other obligations provided for by the land law.

Article 732.- Rights of parties receiving capital contributed with the land use right value

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. To request the party contributing capital with the land use right value to transfer the land in strict accordance with the time limit, the land acreage, grade, category, location, code number and conditions as agreed upon in the contract;

2. To use the land for the right purposes and within the agreed time limit;

3. To be granted a land use right certificate in cases where the contributed capital-receiving party is a legal person, except for cases of capital contribution in business cooperation contracts.

Chapter XXXIII

INHERITANCE OF LAND USE RIGHTS

Article 733.- Inheritance of land use rights

The inheritance of land use rights means the transfer of land use rights from the decedent to his/her heir(s) under the provisions of this Code and the land law.

Article 734.- Individuals entitled to bequeath land use rights

Individuals who are assigned or leased land by the State or are transferred the land use rights shall have the right to bequeath the land use rights as provided for in Part Four of this Code and the land law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



If a member of a family household assigned land by the State dies, such member's land use rights shall be left to his/her heirs in accordance with the provisions of Part Four of this Code and the land law.

PART SIX

INTELLECTUAL PROPERTY RIGHTS AND TECHNOLOGY TRANSFER

Chapter XXXIV

COPYRIGHT AND RELATED RIGHTS

Section 1. COPYRIGHT

Article 736.- The author

1. A person who has created a literary, artistic or scientific work (hereinafter referred collectively to as works) is the author of such work.

In cases where two or more persons jointly create a work, such persons are co-authors.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 737.- Objects of copyright

Objects of copyright shall include all works created in the literary, artistic or scientific field and expressed in any form and by any means, regardless of their contents and value, and without depending on any procedures.

Article 738.- Contents of copyright

1. Copyright shall include personal rights and property rights to works.

2. Personal rights in copyright shall include the rights:

a/ To name the works;

b/ To put real names or pen names in the works; to have real names or pen names mentioned when the works are publicized, used;

c/ To publicize or to permit other persons to publicize the works;

d/ To protect the integrity of the works, not to permit other persons to amend, garble or distort the works.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ To duplicate the works;

b/ To permit the creation of derivative works;

c/ To distribute, import the originals and copies of the works;

d/ To disseminate the works to the public;

e/ To lease the originals or copies of computer programs.

Article 739.- Time at which copyright arises and the effect of copyright

1. Copyright shall arise from the date a work is created and expressed in a given material form.

2. Personal rights in copyright shall exist indefinitely, except the right to publicize or to permit other persons to publicize the works as provided for by the law on intellectual property.

3. Property rights in copyright shall exist within the time limit specified by the law on intellectual property.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Personal rights belong to the authors.

2. In cases where works are created not on the basis of the performance of assigned tasks or job assignment contracts, the property rights shall belong to the authors.

3. In cases where works are created on the basis of the performance of assigned tasks or job assignment contracts, property rights shall belong to agencies or organizations which have assigned the tasks or the parties that have assigned the contractual jobs, unless otherwise agreed upon.

In cases where property rights do not belong to the authors, the authors shall have the right to receive remuneration or royalties to be paid by the property right owners in accordance with the law on intellectual property.

Article 741.- Division of rights of co-authors

In cases where a work is created by co-authors, in which each part created by each co-author can be separated for independent use, the provisions of Article 740 of this Code shall apply to each part of the work, which is used independently, unless otherwise agreed upon by the co-authors.

Article 742.- Transfer of copyright

1. Personal rights provided for at Points a, b and d, Clause 2, Article 738 of this Code cannot be transferred.

Personal rights specified at Point c, Clause 2, Article 738 of this Code can be transferred under the conditions set by the law on intellectual property.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 743.- Contracts for transfer of property rights in copyright

The transfer of part or whole of the property rights in copyright shall be effected on the contractual basis. The contracts for transfer of copyright must be made in writing.

Section 2. RIGHTS RELATED TO COPYRIGHT

Article 744.- Objects of copyright-related rights

Objects of copyright-related rights (hereinafter referred to as the related rights) shall include performances by performers; audio records, video records; broadcasts by broadcasting organizations and satellite signals carrying coded programs.

Article 745.- Owners and contents of the rights to performances

1. The rights to performances shall include personal rights of performers and property rights of investors for realization of the performances.

2. Personal rights of performers shall include the right to have their names mentioned in the performances or transmission of audio records, video records of the performances and the right to protect the integrity of the image of the performances.

3. Property rights of investors for realization of performances shall include the right to perform and to forbid other persons to perform the following acts:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ Duplicating, distributing originals or copies of the audio records or video records of the performances;

c/ Broadcasting or transmitting in other ways the performances to the public.

Article 746.- Owners and contents of the rights to audio records, video records

1. The rights to audio records, video records shall belong to investors in the creation of such audio records or video records.

2. The rights to audio records, video records shall include the right to perform and to forbid other persons to perform the following acts:

a/ Duplicating in whole or part of the audio records, video records;

b/ Distributing, importing the originals or copies of the audio records, video records;

c/ Leasing the originals or copies of audio records, video records for commercial purposes.

Article 747.- Owners and contents of the rights to broadcasts

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. The rights to broadcasts shall include the rights to perform or forbid other persons to perform the following acts:

a/ Recording, duplicating the records; broadcasting, re-broadcasting part or whole of a broadcast;

b/ Distributing the records or duplicates of the records of broadcasts.

Article 748.- Owners and contents of the rights to satellite signals carrying coded programs

1. The rights to satellite signals carrying coded programs shall belong to the persons who are the first to transmit the satellite signals carrying such coded programs.

2. The rights to satellite signals carrying coded programs shall include the rights to perform, to permit or forbid other persons to perform the following acts:

a/ Producing, assembling, modifying, importing, selling, leasing equipment or systems for decoding the coded satellite signals;

b/ Receiving, redistributing decoded signals when not so permitted by the holders of the rights to the coded satellite signals.

Article 749.- Transfer of related rights

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. The transfer of related rights shall be made in writing under contracts.

Chapter XXXV

INDUSTRIAL PROPERTY RIGHTS AND THE RIGHTS TO PLANT VARIETIES

Article 750.- Objects of industrial property rights and the rights to plant varieties

1. Objects of industrial property rights shall include inventions, industrial designs, semi-conductor integrated circuit layout designs, business secrets, trademarks, trade names, geographical indications.

2. Objects of the rights to plant varieties are propagating materials and plant varieties.

Article 751.- Contents of industrial property rights and the rights to plant varieties

1. Industrial property rights to inventions, industrial designs, semi-conductor integrated circuit layout designs, and the rights to plant varieties shall include the personal rights and the property rights, which are provided for as follows:

a/ Personal rights to inventions, industrial designs, semi-conductor integrated circuit layout designs, plant varieties shall belong to the persons who have directly created their inventions, industrial designs, semi-conductor integrated circuit layout designs or plant varieties with their creative labor, including the right to be named as authors in the protection titles issued by the State, in documents publicizing or introducing such inventions, industrial designs, semi-conductor integrated circuit layout designs or plant varieties;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Industrial property rights to business secrets shall belong to the organizations or individuals that obtain the information to be lawfully formed into business secrets and keep confidential such information, including:

a/ Exploiting, using business secrets;

b/ Permitting or forbidding other persons to approach, use or disclose the business secrets.

3. Industrial property rights to trademarks or trade names shall belong to the owners of such trademarks or trade names, including:

a/ Using trademarks, trade names in business;

b/ Permitting or forbidding other persons to use trademarks which are so coincident or similar to the extent of causing confusion with their own trademarks; forbidding other persons to use trade names which cause confusion with their own business activities.

4. The rights to own geographical indications shall belong to the State. The rights to use geographical indications aiming to indicate origins, sources of products shall belong to organizations or individuals that satisfy the conditions set by the law on intellectual property.

5. The rights to fight unfair competition shall belong to organizations or individuals that conduct business activities under competitive conditions.

Article 752.- Bases for establishing industrial property rights and the rights to plant varieties

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Industrial property rights to trade names shall be established on the basis of lawful use of such trade names.

3. Industrial property rights to business secrets shall be established on the basis of acquiring the information to be lawfully formed into business secrets and keeping confidential such information.

4. The rights to fight unfair competition shall be established on the basis of competitive activities in business.

Article 753.- Transfer of industrial property rights and the rights to plant varieties

1. Industrial property rights to inventions, industrial designs, semi-conductor integrated circuit layout designs, business secrets, trademarks, and the rights to plant varieties can be transferred in whole or in part under contracts or be bequeathed or inherited.

2. The rights to trade names can only be transferred together with the transfer of the entire business establishments and business activities under such trade names.

3. The rights to geographical indications must not be transferred.

4. For contracts on transfer of industrial property rights arising on the basis of registration, only when such contracts are registered shall they have the legal validity for a third party.

Chapter XXXVI

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 754.- Technology transfer rights

The following organizations and individuals shall be entitled to transfer the rights to use, the rights to own technologies:

1. Technology owners;

2. Organizations or individuals that are permitted by technology owners to transfer the right to use and the right to own the technology.

Article 755.- Objects of technology transfer

1. The objects of technology transfer shall include technical know-hows; technical knowledge of technology in the form of technological schemes, technical solutions, formulas, technical para-meters, technical diagrams or drawings, computer programs, data information on the transferred technologies; solutions to rationalization of production, technological renewal, exclusive business licensing and other objects specified by the law on technology transfer.

2. In cases where technology is an object entitled to intellectual property right protection, the transfer of such technology must be carried out simultanously with the transfer of intellectual property rights in accordance with the provisions of law on intellectual property.

Article 756.- Technologies which must not be transferred

1. Technologies which do not meet the provisions of law on labor safety, labor hygiene, assurance of people's health and environmental protection.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 757.- Contracts for technology transfer

1. Technology transfer shall be carried out on the basis of written contracts.

2. Technology transfer contracts must be registered at competent state agencies, if so provided for by law.

3. The amendment, supplementation, extension, cancellation of technology transfer contracts must be made in written contracts; for technology transfer contracts defined in Clause 2 of this Article, the amendment, supplementation, extension, cancellation thereof must be registered at competent state agencies.

PART SEVEN

CIVIL RELATIONS INVOLVING FOREIGN ELEMENTS

Article 758.- Civil relations involving foreign elements

Civil relations involving foreign elements mean civil relations in which at least one party is a foreign agency, organization or individual or overseas Vietnamese or civil relations between the parties being Vietnamese citizens, organizations but the bases for establishing, altering or terminating those relations are foreign laws, arise overseas or assets related to such relations are located overseas.

Article 759.- Application of civil law of the Socialist Republic of Vietnam, treaties, foreign laws and international practices

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. In cases where a treaty to which the Socialist Republic of Vietnam has signed or acceded contains provisions different from the provisions of this Code, the provisions of such treaty shall apply.

3. In cases where the application of foreign laws is referred to by this Code and other legal documents of the Socialist Republic of Vietnam or by the treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a contracting party, such foreign laws shall apply, provided that such application or the consequence thereof is not contrary to the basic principles of the law of the Socialist Republic of Vietnam; in cases where such foreign laws refer back to the law of the Socialist Republic of Vietnam, then the law of the Socialist Republic of Vietnam shall apply.

Foreign laws shall also apply in cases where the parties have so agreed upon in contracts, if such agreement is not contrary to the provisions of this Code and other legal documents of the Socialist Republic of Vietnam.

4. In cases where the civil relations involving foreign elements are not governed by this Code and other legal documents of the Socialist Republic of Vietnam, the treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a contracting party or civil contracts between the parties, the international practices shall apply, provided that such application or the consequence thereof is not contrary to the basic principles of the law of the Socialist Republic of Vietnam.

Article 760.- Bases for the application of laws to stateless persons or foreigners with two or more foreign nationalities

1. In cases where this Code or other legal documents of the Socialist Republic of Vietnam refer to the application of the laws of foreign countries of which the foreigners are citizens, the laws applicable to stateless persons shall be the laws of the countries where such persons permanently reside; if such persons have no permanent residences, the law of the Socialist Republic of Vietnam shall apply.

2. In cases where this Code or other legal documents of the Socialist Republic of Vietnam refer to the application of laws of countries of which the foreigners are citizens, the laws applicable to foreigners with two or more nationalities shall be the laws of the countries of which such persons bear the nationalities and where they reside at the time when the civil relations arise; if such persons do not reside in one of the countries of which they bear the nationalities, the laws of the countries of which such persons bear their respective nationalities and have the closest relations regarding the civil rights and duties shall apply.

Article 761.- Civil legal capacity of foreigners

1. The civil legal capacity of a foreigner shall be determined according to the law of the country of which he/she bears the nationality.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 762.- Civil act capacity of foreigners

1. The civil act capacity of a foreigner shall be determined according to the law of the country where he/she is a citizen, except in cases where the law of the Socialist Republic of Vietnam otherwise provides for.

2. In cases where a foreigner establishes and/or performs civil transactions in Vietnam, his/her civil act capacity shall be determined according to the law of the Socialist Republic of Vietnam.

Article 763.- Determination of persons as having no, having lost or having been restricted in, civil act capacity

1. The determination of persons as having no, having lost or having been restricted in, civil act capacity must comply with the laws of the countries of which such persons bear the nationalities.

2. In cases where foreigners reside in Vietnam, the determination of such persons as having no, having lost or having been restricted in, civil act capacity must comply with the law of the Socialist Republic of Vietnam.

Article 764.- Determination of persons as missing or dead

1. The determination of a person as missing or dead must comply with the law of the country of which such person bears the nationality at the time before acquiring the last information on his/her missing or death.

2. In cases where a foreigner resides in Vietnam, the determination of such person as missing or dead must comply with the law of the Socialist Republic of Vietnam.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. The civil legal capacity of a foreign legal person shall be determined according to the law of the country where such foreign legal person has been established, except for the case specified in Clause 2 of this Article.

2. In cases where a foreign legal person establishes and/or performs civil transactions in Vietnam, the civil legal capacity of such foreign legal person shall be determined in accordance with the law of the Socialist Republic of Vietnam.

Article 766.- Property ownership rights

1. The establishment, implementation, alteration and termination of property ownership rights and the contents of such rights shall be determined according to the law of the country where such property is located, except for the cases specified in Clauses 2 and 4 of this Article.

2. The ownership rights to movable property on the way of transportation shall be determined according to the law of the country of destination, unless otherwise agreed upon.

3. The differentiation between movable and immovable property shall be deter-mined in accordance with the law of the country where such property is located.

4. The determination of the ownership rights to civil aircraft and sea-going vessels in Vietnam must comply with the law on civil aviation and the maritime law of the Socialist Republic of Vietnam.

Article 767.- At-law inheritance involving foreign elements

1. The inheritance at law must comply with the laws of the countries of which the estate leavers bear the nationalities before their death.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. Heirless estates being immovables shall belong to the States of the countries where such immovables are located.

4. Heirless estates being movables shall belong to the States of the countries of which the estate leavers bear the nationalities.

Article 768.- Testamentary inheritance

1. The capacity to make, change and cancel testaments must comply with the laws of the countries where the testators are citizens.

2. Forms of testament must comply with the laws of the countries where the testaments are made.

Article 769.- Civil contracts

1. The rights and obligations of the parties to a civil contract shall be determined in accordance with the law of the country where the contract is performed, unless otherwise agreed upon.

A civil contract entered into and performed entirely in Vietnam must comply with the law of the Socialist Republic of Vietnam.

In cases where a civil contract does not specify the place of performance, the determination of the place of performance of the contract must comply with the law of the Socialist Republic of Vietnam.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 770.- Forms of civil contract

1. Forms of a contract must comply with the law of the country where the contract is entered into. Where a contract is entered into in a foreign country, which violates the regulations on contractual forms under the law of that country but is not contrary to the contractual form provided for by the law of the Socialist Republic of Vietnam, the form of the contract entered into in the foreign country shall still be recognized in Vietnam.

2. The forms of contracts related to the construction of works or transfer of ownership rights to works, houses and other immovables in the Vietnamese territory must comply with the law of the Socialist Republic of Vietnam.

Article 771.- Civil contracts entered in absentia

In cases where a contract is entered in absentia, the determination of the place where the contract is entered into must comply with the law of the country where the individual resides or where the legal person is headquartered, that has proposed the entry into the contract.

The time for entry into a contract in absentia shall be determined in accordance with the law of the party proposing the entry into the contract if this party receives the reply of acceptance from the party to which the entry is proposed.

Article 772.- Unilateral civil transactions

In unilateral civil transactions, the rights and obligations of the party that voluntarily performs the unilateral civil transactions shall be determined in accordance with the law of the country where such party resides or conducts principal operations.

Article 773.- Compensation for damage outside contract

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Compensation for damage caused by an aircraft flying in international airspace or by a sea-going ship sailing in international waters shall be determined in accordance with the law of the country of which such aircraft or ship bears the nationality, unless otherwise provided for by the maritime or aviation law of the Socialist Republic of Vietnam.

3. In cases where the act causing damage occurs outside the territory of the Socialist Republic of Vietnam and the person who causes the damage and the victim are both Vietnamese citizens or legal persons, the law of the Socialist Republic of Vietnam shall apply.

Article 774.- Copyright involving foreign elements

The copyright of foreign individuals and/or legal persons over the work that is publicized and disseminated for the first time in Vietnam, or created and performed in a certain form in Vietnam, shall be protected under the provisions of the law of the Socialist Republic of Vietnam and treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a contracting party.

Article 775.- Industrial property rights and the rights to plant varieties, which involve foreign elements

Industrial property rights or the rights to plant varieties of foreign individuals or legal persons to the objects of industrial property rights or objects of the rights to plant varieties that have been granted protection titles or recognized by the Vietnamese State shall be protected under the provisions of the law of the Socialist Republic of Vietnam and treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a contracting party.

Article 776.- Technology transfer involving foreign elements

Technology transfer between Vietnamese individuals or legal persons and foreign individuals or legal persons, and technology transfer from any foreign country into Vietnam and from Vietnam to any foreign country, must comply with the provisions of this Code and other legal documents of Vietnam on techno-logy transfer and with treaties to which Vietnam is a contracting party or the laws of the foreign countries, if the application or the consequence thereof is not contrary to the basic principles of the law of the Socialist Republic of Vietnam.

Article 777.- Statute of limitations for lawsuits

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



This Code was passed on June 14, 2005, by the 10Ith National Assembly of the Socialist Republic of Vietnam, at its 7th session.

 

 

THE NATIONAL ASSEMBLY
CHAIRMAN




Nguyen Van An

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bộ luật Dân sự 2005

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


1.465.945

DMCA.com Protection Status
IP: 3.21.248.105
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!