BỘ CÔNG AN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 52/2015/TT-BCA
|
Hà Nội, ngày 15
tháng 10 năm 2015
|
THÔNG TƯ
QUY
ĐỊNH VỀ CÔNG TÁC KHEN THƯỞNG THÀNH TÍCH CÓ NỘI DUNG BÍ MẬT NHÀ NƯỚC TRONG CÔNG AN
NHÂN DÂN
Căn cứ Luật thi
đua, khen thưởng năm 2003;
Căn cứ Luật sửa đổi,
bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng năm 2013;
Căn cứ Luật Công
an nhân dân năm 2014;
Căn cứ Pháp lệnh Bảo
vệ bí mật nhà nước năm 2000;
Căn cứ Nghị định số 33/2002/NĐ-CP
ngày 28/03/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 106/2014/NĐ-CP ngày
17/11/2014 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ
chức của Bộ Công an;
Căn cứ Nghị định số 42/2010/NĐ-CP
ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của
Luật thi đua, khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi
đua, khen thưởng; Nghị định số 39/2012/NĐ-CP
ngày 27/4/2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2010 của
Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật thi đua, khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi
đua, khen thưởng (Nghị định số 39/2012/NĐ-CP
ngày 27/4/2012 của Chính phủ);
Căn cứ Nghị định số 65/2014/NĐ-CP
ngày 01/7/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi
đua, khen thưởng năm 2013;
Căn cứ Quyết định số 13/2010/QĐ-TTg ngày
12/02/2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định danh mục bí mật nhà nước độ Tuyệt mật
và Tối mật trong lực lượng Công an nhân dân (Quyết định số 13/2010/QĐ-TTg ngày
12/02/2010 của Thủ tướng Chính phủ);
Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Chính
trị Công an nhân dân;
Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư quy định
về công tác khen thưởng thành tích có nội dung bí mật nhà nước trong Công an
nhân dân.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Thông tư này hướng dẫn công tác khen thưởng
thành tích có nội dung bí mật nhà nước độ Tuyệt mật, Tối mật, Mật (sau đây viết
gọn là thành tích có nội dung bí mật nhà nước) trong Công an nhân dân.
2. Thành tích có nội dung bí mật nhà nước trong
Công an nhân dân là những thành tích trong lĩnh vực công tác Công an thuộc danh
mục bí mật nhà nước theo Quyết định số 13/2010/QĐ-TTg ngày 12/02/2010 của Thủ
tướng Chính phủ và Thông tư số 11/2010/TT-BCA ngày 25/3/2010 của Bộ trưởng Bộ
Công an quy định danh mục bí mật nhà nước độ Mật trong lực lượng Công an nhân
dân.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với:
1. Các tập thể, cá nhân trong lực lượng Công an
nhân dân và cá nhân ngoài lực lượng Công an nhân dân lập thành tích có nội dung
bí mật nhà nước trong Công an nhân dân;
2. Các tập thể, cá nhân có liên quan đến việc đề xuất,
thẩm định, xét duyệt, trình, quyết định khen thưởng và giao nhận hồ sơ khen thưởng
thành tích có nội dung bí mật nhà nước trong Công an nhân dân.
Điều 3. Nguyên tắc khen thưởng
1. Bảo đảm các nguyên tắc khen thưởng theo quy định
của Luật thi đua, khen thưởng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi
đua, khen thưởng và các văn bản hướng dẫn thi hành;
2. Chỉ những tập thể, cá nhân được khen thưởng và
có liên quan đến công tác khen thưởng thành tích có nội dung bí mật nhà nước
trong Công an nhân dân được quy định tại Thông tư này mới được phổ biến thông
tin, tài liệu, hồ sơ khen thưởng;
3. Việc khen thưởng thành tích có nội dung bí mật
nhà nước trong Công an nhân dân tuyệt đối không gây ảnh hưởng đến công tác của
ngành Công an và quyền lợi của đối tượng được khen thưởng.
Điều 4. Những hành vi bị nghiêm
cấm
1. Làm lộ, làm mất, chiếm đoạt, mua bán, trao đổi
hoặc thu thập, lưu trữ, tiêu hủy trái phép tài liệu, hồ sơ khen thưởng thành
tích có nội dung bí mật nhà nước.
2. Lạm dụng thành tích có nội dung bí mật nhà nước
để thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp
của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc cản trở hoạt động bình thường của cơ quan
nhà nước, tổ chức, cá nhân.
3. Kết nối mạng máy tính và các thiết bị có chức
năng tương tự (usb, ổ cứng, thẻ nhớ, ổ nhớ...) lưu trữ thông tin khen thưởng
thành tích có nội dung bí mật nhà nước vào mạng internet và những mạng khác có
khả năng làm lộ lọt thông tin.
4. Sử dụng micro vô tuyến, điện thoại di động, thiết
bị có tính năng ghi âm, thu phát tín hiệu trong các cuộc họp xét khen thưởng
thành tích có nội dung bí mật nhà nước dưới mọi hình thức, trừ trường hợp được
cấp có thẩm quyền cho phép.
5. Trao đổi thông tin khen thưởng thành tích có nội
dung bí mật nhà nước qua máy bộ đàm, điện thoại di động, điện thoại kéo dài,
máy fax, trên internet dưới bất kì loại hình dịch vụ nào; sử dụng hộp thư điện
tử để lưu trữ, truyền đưa thông tin khen thưởng thành tích có nội dung bí mật
nhà nước.
6. Cung cấp thông tin, hồ sơ, tài liệu khen thưởng
thành tích có nội dung bí mật nhà nước cho các tổ chức, cá nhân trong nước và
nước ngoài khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép hoặc trên báo chí, ấn phẩm
xuất bản công khai, trên các website, blog, trang mạng xã hội, diễn đàn và các
hình thức tương tự trên mạng internet.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 5. Trách nhiệm của đối tượng
được khen thưởng
Tập thể, cá nhân được khen thưởng thành tích có nội
dung bí mật nhà nước trong Công an nhân dân có trách nhiệm tuân thủ các quy định
của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước trong quá trình được đề nghị khen thưởng
và sau khi được vinh danh, trao thưởng; nếu vi phạm thì tùy theo tính chất, mức
độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều 6. Trách nhiệm của cơ quan
làm công tác thi đua, khen thưởng các cấp
1. Thống kê, lưu trữ, bảo quản thông tin, tài liệu,
hồ sơ khen thưởng thành tích có nội dung bí mật nhà nước dưới dạng băng, đĩa,
thẻ nhớ, usb, ổ cứng; niêm phong, bảo quản và đóng dấu độ mật (Tuyệt mật, Tối mật,
Mật) bên ngoài bì đựng tài liệu, hồ sơ khen thưởng thành tích có nội dung bí mật
nhà nước theo đúng quy định khi lưu trữ dưới dạng băng, đĩa, thẻ nhớ, usb, ổ cứng;
lưu trữ vào các hồ sơ chuyên đề, đối tượng, lĩnh vực được xác định và đóng dấu
độ mật (Tuyệt mật, Tối mật, Mật) ở bên ngoài bì hồ sơ, có kèm theo bản thống kê
chi tiết.
2. Xây dựng nơi lưu trữ tài liệu, hồ sơ khen thưởng
thành tích có nội dung bí mật nhà nước chắc chắn, đầu tư đầy đủ trang thiết bị,
phương tiện phòng chống cháy, nổ, đột nhập, lấy cắp; sử dụng đúng mục đích, bảo
quản chặt chẽ bằng hòm, tủ, két sắt có khóa an toàn các tài liệu, hồ sơ khen
thưởng thành tích có nội dung bí mật nhà nước.
3. Bảo đảm máy tính lưu trữ thông tin khen thưởng
thành tích có nội dung bí mật nhà nước phải được để trong phòng có khóa bảo vệ
chắc chắn, có nội quy niêm yết hướng dẫn cụ thể, rõ ràng việc sử dụng, khai
thác đối với những cá nhân có trách nhiệm liên quan đến việc thực hiện khen thưởng
thành tích có nội dung bí mật nhà nước.
4. Thực hiện việc in ấn, sao, chụp và giao nhận điện,
tài liệu, hồ sơ khen thưởng thành tích có nội dung bí mật nhà nước theo quy định
của Luật Cơ yếu và các văn bản hướng dẫn thi
hành; việc in ấn, sao, chụp phải thực hiện đúng thẩm quyền và ghi rõ tên người
in ấn, sao, chụp ở bì niêm phong.
5. Thực hiện nghiêm túc chế độ quản lý, kiểm tra
thiết bị và tài liệu, hồ sơ lưu trữ trước và sau khi giao cho cán bộ sử dụng;
trường hợp mất thiết bị lưu trữ hoặc tài liệu, hồ sơ khen thưởng thành tích có
nội dung bí mật nhà nước phải báo cáo lãnh đạo cấp có thẩm quyền và triển khai
ngay biện pháp truy xét, hạn chế hậu quả gây ra.
Điều 7. Trách nhiệm của Hội đồng
Thi đua - Khen thưởng các cấp
1. Tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ bí
mật nhà nước trong quá trình xét duyệt khen thưởng thành tích có nội dung bảo vệ
bí mật nhà nước.
2. Quyết định việc đóng dấu độ mật (Tuyệt mật, Tối
mật, Mật) và phạm vi lưu hành tài liệu, hồ sơ khen thưởng thành tích có nội
dung bí mật nhà nước.
3. Quyết định việc giải mật, giảm mật, tăng mật đối
với hồ sơ khen thưởng thành tích có nội dung bí mật nhà nước theo quy định tại Thông
tư số 33/2015/TT-BCA ngày 20/7/2015 của Bộ
trưởng Bộ Công an hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 33/2002/NĐ-CP ngày 28/3/2002 của Chính phủ quy
định chi tiết thi hành Pháp lệnh bảo vệ bí mật
nhà nước.
4. Phân công đơn vị chức năng định kỳ hoặc đột xuất
kiểm tra công tác khen thưởng thành tích có nội dung bí mật nhà nước thuộc thẩm
quyền.
5. Cam kết không tiết lộ thông tin khen thưởng
thành tích có nội dung bí mật nhà nước khi nghỉ chế độ, chuyển sang làm công
tác khác hoặc khi xuất cảnh ra nước ngoài; trường hợp làm lộ lọt thông tin, mất
tài liệu, hồ sơ khen thưởng thành tích có nội dung bí mật nhà nước sẽ bị xử lý
theo quy định của pháp luật.
6. Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp quyết
định số lượng thành viên tham gia họp, xét duyệt tùy theo độ mật của thành tích
có nội dung bí mật nhà nước được đề nghị khen thưởng.
Điều 8. Trách nhiệm của lãnh đạo
có thẩm quyền trình, xét duyệt hồ sơ khen thưởng và quyết định khen thưởng
1. Phân công cán bộ đề xuất, thẩm định và giao, nhận
hồ sơ khen thưởng thành tích có nội dung bí mật nhà nước.
2. Thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo việc thống kê,
lưu trữ, bảo quản hồ sơ khen thưởng thành tích có nội dung bí mật nhà nước theo
trình tự thời gian.
3. Chịu trách nhiệm về việc cung cấp thông tin, tài
liệu liên quan đến khen thưởng thành tích có nội dung bí mật nhà nước.
4. Thành lập Hội đồng tiêu hủy tài liệu, hồ sơ khen
thưởng thành tích có nội dung bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật về bảo
vệ bí mật nhà nước.
5. Cam kết không tiết lộ thông tin khen thưởng
thành tích có nội dung bí mật nhà nước khi nghỉ chế độ, chuyển sang làm công
tác khác hoặc khi xuất cảnh ra nước ngoài; trường hợp làm lộ lọt thông tin, mất
tài liệu, hồ sơ khen thưởng thành tích có nội dung bí mật nhà nước sẽ bị xử lý
theo quy định của pháp luật.
Điều 9. Trách nhiệm của cá nhân
được giao nhiệm vụ trực tiếp đề xuất, thẩm định hồ sơ khen thưởng
1. Khi đề xuất, thẩm định hồ sơ khen thưởng phải
đóng dấu độ mật (Tuyệt mật, Tối mật, Mật) theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
2. Quá trình in, sao, chụp tài liệu, hồ sơ khen thưởng
thành tích có nội dung bí mật nhà nước phải đánh số trang, số bản, số lượng in,
phạm vi hành, nơi nhận, tên người in, soát, sao, chụp tài liệu; trường hợp cần
thiết có thể đóng dấu thu hồi tài liệu.
3. Khi sử dụng các thiết bị quản lý, lưu trữ thông
tin về công tác khen thưởng thành tích có nội dung bí mật nhà nước (máy tính để
bàn, máy tính xách tay, thẻ nhớ, usb, ổ cứng...) phải có biện pháp bảo mật cho
thiết bị, thông tin lưu trữ và phải đăng ký với cơ quan, đơn vị trực tiếp quản
lý. Khi mang thiết bị quản lý, lưu trữ thông tin về công tác khen thưởng thành
tích có nội dung bí mật nhà nước ra khỏi trụ sở cơ quan phải báo cáo Thủ trưởng
đơn vị về mục đích, thời gian, địa điểm sử dụng thiết bị.
4. Tiêu hủy tài liệu, hồ sơ khen thưởng thành tích
có nội dung bí mật nhà nước nếu xét thấy không tiêu hủy ngay sẽ gây hậu quả
nghiêm trọng cho an ninh, quốc phòng hoặc các lợi ích khác của Nhà nước nhưng
ngay sau đó phải báo cáo bằng văn bản với Thủ trưởng đơn vị phụ trách trực tiếp
và cấp lãnh đạo có thẩm quyền. Trường hợp việc tiêu hủy tài liệu, hồ sơ khen
thưởng thành tích có nội dung bí mật nhà nước không vì lý do chính đáng thì tùy
theo tính chất, mức độ nghiêm trọng của vụ việc, người tự ý tiêu hủy tài liệu,
hồ sơ khen thưởng thành tích có nội dung bí mật nhà nước phải chịu trách nhiệm
theo quy định của pháp luật.
5. Cam kết không tiết lộ thông tin khen thưởng
thành tích có nội dung bí mật nhà nước khi nghỉ chế độ, chuyển sang làm công
tác khác hoặc khi xuất cảnh ra nước ngoài; trường hợp làm lộ lọt thông tin, mất
tài liệu, hồ sơ khen thưởng thành tích có nội dung bí mật nhà nước sẽ bị xử lý
theo quy định của pháp luật.
Điều 10. Trách nhiệm của cán bộ
giao, nhận hồ sơ khen thưởng
1. Khi nhận hồ sơ khen thưởng thành tích có nội
dung bí mật nhà nước phải vào “Sổ đăng ký văn bản mật đến” để theo dõi và chỉ
được giao cho người có liên quan trực tiếp (lãnh đạo đơn vị có thẩm quyền, cán
bộ trực tiếp đề xuất, thẩm định). Trường hợp ngoài bì thư đựng hồ sơ khen thưởng
thành tích có nội dung bí mật nhà nước có đóng dấu “Chỉ người có tên mới được
bóc bì” thì chuyển ngay đến người có tên trên bì thư. Trường hợp người có tên
trên bì thư đi vắng và trên bì thư có đóng dấu “Hỏa tốc” thì phải chuyển ngay đến
Thủ trưởng đơn vị để giải quyết, cán bộ giao, nhận không được bóc bì thư.
2. Trường hợp khi nhận hồ sơ khen thưởng thành tích
có nội dung bí mật nhà nước mà phát hiện thấy không thực hiện đúng quy định về
bảo mật thì phải chuyển ngay đến người có trách nhiệm giải quyết, đồng thời
thông báo cho nơi gửi biết. Trường hợp phát hiện bì thư đựng tài liệu, hồ sơ
khen thưởng có nội dung bí mật nhà nước bị bóc, mở hoặc tài liệu, hồ sơ khen
thưởng bị tráo đổi, mất, hư hỏng thì phải báo ngay với Thủ trưởng đơn vị để có
biện pháp xử lý kịp thời.
3. Lập sổ quản lý, giao, nhận hồ sơ khen thưởng
thành tích có nội dung bí mật nhà nước theo mẫu quy định tại Thông tư số 07/2012/TT-BNV ngày 22/11/2012 của Bộ trưởng Bộ
Nội vụ hướng dẫn quản lý văn bản, lập hồ sơ và nộp hồ sơ, tài liệu vào lưu trữ
cơ quan.
Điều 11. Thủ tục trình khen
thưởng
1. Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương (tổng
cục trưởng, tư lệnh, thủ trưởng đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc Công an, Giám đốc
Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) báo cáo
trực tiếp với Bộ trưởng hoặc Thứ trưởng phụ trách bằng văn bản để xin chủ
trương đề nghị khen thưởng. Sau khi có ý kiến đồng ý của Bộ trưởng hoặc Thứ trưởng
phụ trách, Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương trực tiếp báo cáo với Thường
trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng của Bộ (Tổng cục Chính trị Công an nhân
dân) để lập hồ sơ đề nghị khen thưởng theo quy định.
a) Trường hợp đề nghị hình thức khen thưởng cấp Bộ thì
sau khi có ý kiến đồng ý của lãnh đạo Bộ, Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen
thưởng của Bộ hoàn thiện hồ sơ khen thưởng trình lãnh đạo Bộ duyệt, ký, ban
hành quyết định khen thưởng.
b) Trường hợp đề nghị hình thức khen thưởng cấp nhà
nước (từ Bằng khen Thủ tướng Chính phủ trở lên), Thường trực Hội đồng Thi đua -
Khen thưởng của Bộ hoàn thiện hồ sơ trình lãnh đạo Bộ duyệt, ký trình Thủ tướng
Chính phủ (qua Ban Thi đua, khen thưởng trung ương).
2. Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương có
trách nhiệm phối hợp Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng của Bộ báo cáo
trực tiếp với cơ quan thẩm định, xét duyệt khen thưởng cấp trên khi có yêu cầu
và phải chịu trách nhiệm trước Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp về nội
dung thành tích đề nghị khen thưởng.
3. Trường hợp đề nghị khen thưởng đối với cá nhân
ngoài lực lượng Công an nhân dân có sử dụng bí danh, bí số thì sau khi cá nhân
được khen thưởng hoàn thành nhiệm vụ và không cần phải đảm bảo yêu cầu bí mật,
Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương báo cáo Hội đồng Thi đua - Khen thưởng
của Bộ để điều chỉnh lại tên, tuổi, lý lịch theo hồ sơ gốc.
Điều 12. Hồ sơ đề nghị khen
thưởng
1. Hồ sơ đề nghị khen thưởng thành tích có nội dung
bí mật nhà nước đối với tập thể, cá nhân trong lực lượng Công an nhân dân gồm:
a) Tờ trình;
b) Biên bản của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng cấp
trình;
c) Tóm tắt thành tích của tập thể, cá nhân được đề
nghị khen thưởng (do Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng cấp trình xây dựng).
2. Hồ sơ đề nghị khen thưởng thành tích có nội dung
bí mật nhà nước đối với cá nhân ngoài lực lượng Công an nhân dân (được sử dụng
bí danh, bí số) gồm:
a) Tờ trình (trong Tờ trình nêu khái quát thành
tích cá nhân đề nghị khen thưởng; cá nhân đề nghị khen thưởng được miễn báo cáo
thành tích);
b) Biên bản của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng cấp
trình.
3. Tùy theo hình thức khen thưởng, số lượng hồ sơ đề
nghị khen thưởng được lập theo quy định tại Nghị định số 39/2012/NĐ-CP ngày 27/4/2012 của Chính phủ.
Điều 13. Tổ chức trao tặng,
khen thưởng
Việc tổ chức trao tặng, khen thưởng thành tích có nội
dung bí mật nhà nước phải báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định, đảm bảo
yêu cầu bí mật và phù hợp với quy định của Nghị định số 145/2013/NĐ-CP ngày 29/10/2013 của Chính phủ quy
định về tổ chức ngày kỷ niệm; nghi thức trao tặng, đón nhận hình thức khen thưởng,
danh hiệu thi đua; nghi lễ đối ngoại và đón, tiếp khách nước ngoài.
Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 14. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01
tháng 12 năm 2015.
Điều 15. Trách nhiệm thi hành
1. Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương chịu
trách nhiệm tổ chức thực hiện nghiêm túc Thông tư này.
2. Tổng cục Chính trị Công an nhân dân chịu trách
nhiệm kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Thông tư này. Trong quá trình thực hiện,
nếu có khó khăn, vướng mắc, Công an các đơn vị, địa phương, tổ chức, cá nhân có
liên quan phản ánh về Bộ Công an (qua Tổng cục Chính trị Công an nhân dân) để kịp
thời hướng dẫn./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:
- Ban TĐKT Trung ương (Bộ Nội vụ);
- Bộ Công an: Các Thứ trưởng; tổng cục, bộ tư lệnh, đơn vị trực thuộc Bộ,
Công an, Cảnh sát PCCC các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
- Công báo, Cổng thông tin điện tử Chính phủ;
- Lưu: VT, V19, X15.
|
BỘ TRƯỞNG
Đại tướng Trần Đại Quang
|