BỘ
CÔNG AN
--------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số:
19/2012/TT-BCA
|
Hà
Nội, ngày 10 tháng 04 năm 2012
|
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH VỀ NGHI LỄ CÔNG AN NHÂN DÂN
Căn cứ Luật Công an nhân dân năm
2005;
Căn cứ Nghị định số
77/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;
Bộ trưởng Bộ Công an ban hành
Thông tư quy định về Nghi lễ Công an nhân dân,
Chương 1.
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi
điều chỉnh
Thông tư này quy định nguyên tắc,
hình thức, trình tự tổ chức các nghi lễ trong Công an nhân dân, bao gồm: Lễ
chào cờ Tổ quốc; lễ đón tiếp các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Bộ
Công an và các đoàn khách quốc tế; lễ trao tặng và đón nhận huân chương, huy
chương, danh hiệu vinh dự Nhà nước và các hình thức khen thưởng khác; lễ tuyên
thệ; lễ phong, thăng cấp bậc hàm, vinh danh học hàm, học vị khoa học; lễ kỷ niệm
ngày thành lập, ngày truyền thống; lễ khai giảng và bế giảng năm học, khóa học,
lớp học trong Công an nhân dân.
Điều 2. Đối tượng
áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với các
đơn vị trong Công an nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ phục vụ có thời hạn,
học sinh, sinh viên các học viện, nhà trường, công nhân, viên chức Công an nhân
dân (sau đây gọi chung là cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân).
Điều 3. Yêu cầu
tổ chức nghi lễ Công an nhân dân
Nghi lễ Công an nhân dân phải được
tổ chức trang nghiêm, thống nhất, chu đáo; thể hiện tính chính quy của lực lượng
Công an nhân dân.
Chương 2.
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
MỤC 1. LỄ CHÀO CỜ
TỔ QUỐC
Điều 4. Chào cờ
Tổ quốc
1. Chào cờ Tổ quốc là hoạt động
sinh hoạt chính trị, nhằm giáo dục cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân lòng trung
thành tuyệt đối với Tổ quốc và nhân dân Việt Nam, với Đảng Cộng sản Việt Nam, với
Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; suốt đời phấn đấu, hy sinh vì độc
lập, tự do, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, vì an ninh Tổ quốc.
2. Tham dự Lễ chào cờ Tổ quốc là
vinh dự, trách nhiệm và nghĩa vụ của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân.
Điều 5. Các trường
hợp tổ chức Lễ chào cờ Tổ quốc
1. Chào cờ Tổ quốc theo định kỳ tuần,
tháng
a) Chào cờ Tổ quốc theo định kỳ hằng
tuần
Các đơn vị cấp đại đội, tiểu đoàn
có trụ sở độc lập, các đơn vị huấn luyện tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ; các học
viện, trường Công an nhân dân tổ chức cho học sinh, sinh viên chào cờ Tổ quốc
theo định kỳ hằng tuần vào đầu giờ làm việc buổi sáng ngày làm việc đầu tiên của
tuần.
b) Chào cờ Tổ quốc
theo định kỳ hằng tháng
Các đơn vị Công an từ cấp phường, đồn,
đội và tương đương trở lên có trụ sở độc lập (trừ các đơn vị và đối tượng học
sinh, sinh viên quy định tại Điểm a, Khoản 1 Điều này) tổ chức cho cán bộ, chiến
sĩ chào cờ Tổ quốc theo định kỳ hằng tháng vào đầu giờ làm việc buổi sáng, ngày
làm việc đầu tiên của tuần đầu tháng.
2. Chào cờ Tổ quốc khi tổ chức hội
nghị, buổi lễ, gồm:
a) Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng
đầu năm, tổng kết công tác năm; hội nghị sơ kết, tổng kết các chuyên đề công
tác lớn do Bộ Công an chỉ đạo;
b) Lễ khai mạc, bế mạc lớp tập huấn,
hội thi, hội thao;
c) Khi tiến hành các nghi lễ Công
an nhân dân;
d) Chào cờ trong các trường hợp
khác do Thủ trưởng các Tổng cục, Bộ Tư lệnh, Vụ, Cục, Viện trực thuộc Bộ; Giám
đốc các học viên, Hiệu trưởng các trường Công an nhân dân; Giám đốc Công an các
tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Giám đốc Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa
cháy quyết định.
Điều 6. Chủ Lễ,
trực ban buổi Lễ và người đọc 5 lời thề danh dự của Công an nhân dân Việt Nam
1. Chủ Lễ chào cờ Tổ quốc
a) Chủ Lễ chào cờ Tổ quốc là thủ
trưởng đơn vị; nếu thủ trưởng đơn vị vắng mặt thì giao cho phó thủ trưởng đơn vị
làm chủ lễ; trường hợp có lãnh đạo cấp trên dự, thì lãnh đạo cấp trên là chủ lễ.
b) Chủ Lễ có nhiệm vụ nhận báo cáo
của trực ban buổi Lễ và cho ý kiến; nếu không bố trí trực ban, thì chủ lễ thực
hiện nhiệm vụ của trực ban buổi lễ.
2. Trực ban Lễ chào cờ Tổ quốc
a) Cán bộ trực ban Lễ chào cờ Tổ quốc
do thủ trưởng đơn vị chỉ định, có nhiệm vụ tập hợp đơn vị, kiểm tra quân số và
điều hành buổi lễ.
b) Các đơn vị có quy mô lớn, quân số
đông phải bố trí trực ban Lễ chào cờ Tổ quốc; nếu đơn vị có quy mô nhỏ, quân số
ít thì chủ lễ trực tiếp điều hành buổi lễ. Việc phân công trực ban Lễ chào cờ Tổ
quốc do thủ trưởng đơn vị tổ chức buổi lễ quyết định.
3. Cán bộ, chiến sĩ đọc 5 lời thề
danh dự của Công an nhân dân Việt Nam tại buổi Lễ chào cờ Tổ quốc do thủ trưởng
đơn vị lựa chọn và giao nhiệm vụ.
Điều 7. Đội
hình chào cờ Tổ quốc
1. Đội hình chào cờ Tổ quốc khi tổ
chức buổi lễ ở ngoài trời
a) Cột cờ
- Cột cờ đặt ở phía trước, chính giữa,
đối diện đội hình đơn vị;
- Cờ được treo sẵn trên cột.
b) Chủ Lễ
Chủ lễ đứng đối diện cột cờ, phía
trước, bên trên và cách đội hình đơn vị một khoảng cách thích hợp; khi nhận xét
đánh giá tình hình, kết quả công tác của đơn vị, chủ lễ hướng về đơn vị.
c) Trực ban buổi lễ
Trực ban buổi lễ khi chào cờ đứng
phía trên, bên phải, chếch đội hình đơn vị 45 độ (o) và cách đội
hình một khoảng cách thích hợp; khi lãnh đạo đơn vị nhận xét, trực ban buổi lễ
chào cờ đứng bên phải, ngang hàng đầu đội hình đơn vị.
d) Cán bộ, chiến sĩ đọc 5 lời thề
danh dự
Cán bộ, chiến sĩ đọc 5 lời thề danh
dự đứng bên trái, ngang hàng và cách chủ lễ khoảng 1 mét (m).
đ) Lãnh đạo và
các đơn vị tham gia buổi lễ
- Lãnh đạo đơn vị tổ chức lễ chào cờ
đứng thành một hàng dọc, chính giữa đội hình; chủ lễ chào cờ đứng trước;
- Các đơn vị trực thuộc đứng thành
hàng dọc, đội hình chào cờ đứng thành hàng ngang.
2. Đội hình chào cờ Tổ quốc khi tổ
chức buổi lễ ở trong nhà
a) Cờ Tổ quốc
Cờ Tổ quốc treo phía trước, đối diện
đội hình chào cờ.
b) Chủ lễ
Khi chào cờ, chủ lễ đứng phía trên,
chính giữa và cách đội hình đơn vị một khoảng cách thích hợp; khi nhận xét đánh
giá tình hình, kết quả công tác của đơn vị, chủ lễ đứng trên bục hoặc ở vị trí
thích hợp.
c) Trực ban buổi lễ
Khi chào cờ, trực ban buổi lễ đứng
phía trên, bên phải và cách đội hình đơn vị một khoảng cách thích hợp; khi lãnh
đạo đơn vị nhận xét, trực ban buổi lễ về bên phải, ngang hàng đầu đội hình đơn
vị.
d) Cán bộ, chiến sĩ đọc 5 lời thề
danh dự
Cán bộ, chiến sĩ đọc 5 lời thề danh
dự đứng bên trái, ngang hàng và cách chủ lễ một khoảng cách thích hợp.
đ) Lãnh đạo và
các đơn vị tham gia buổi lễ
Lãnh đạo đơn vị đứng hàng trên
cùng, tiếp theo là lãnh đạo các đơn vị trực thuộc và cán bộ, chiến sĩ.
Điều 8. Trình tự
tiến hành Lễ chào cờ Tổ quốc
1. Chào cờ theo định kỳ tuần, tháng
a) Trực ban buổi lễ tập hợp đơn vị,
chỉnh đốn hàng ngũ, kiểm tra quân số, báo cáo chủ lễ. Chủ lễ nhận báo cáo xong,
ra khẩu lệnh “đồng chí cho tiến hành buổi lễ”, sau đó đi đều lên vị trí quy định.
Trực ban đi đều hoặc chạy đều về bên phải đội hình, đứng nghiêm, hướng về cờ Tổ
quốc, hô “chào cờ, chào”.
b) Chào cờ và hát Quốc ca
Khi hô khẩu lệnh chào cờ, chủ lễ,
trực ban buổi lễ và cán bộ, chiến sĩ đứng hàng trên cùng thực hiện động tác
chào; toàn thể cán bộ, chiến sĩ hát Quốc ca một lần lời 1; hát Quốc ca xong, trực
ban buổi lễ hô “thôi”, cán bộ, chiến sĩ đang thực hiện động tác chào về tư thế
đứng nghiêm.
c) Đọc 5 lời thề danh dự của Công
an nhân dân Việt Nam
- Sau khi hát Quốc ca xong, trực
ban buổi lễ hô “đồng chí cấp bậc… họ tên… đơn vị… lên đọc 5 lời thề danh dự của
Công an nhân dân Việt Nam”. Người được chỉ định đọc 5 lời thề danh dự trả lời
“rõ’, rồi ra khỏi hàng ngũ, đi nghiêm lên vị trí đọc 5 lời thề danh dự.
- Trước khi đọc 5 lời thề danh dự,
người đọc đứng nghiêm, mắt hướng về cờ Tổ quốc, thực hiện động tác chào theo
quy định của điều lệnh.
- Sau khi thực hiện động tác chào,
người đọc 5 lời thề danh dự xưng danh “chúng tôi, cán bộ, chiến sĩ đơn vị…, dưới
lá cờ vinh quang của Tổ quốc, xin thề” và đọc toàn văn 5 lời thề danh dự của
Công an nhân dân Việt Nam một cách rõ ràng, mạch lạc, dứt khoát.
- Đọc xong lời thề thứ 5, tay phải
người đọc nắm lại và giơ thẳng lên, phối hợp hô to 3 lần “xin thề”, giữa mỗi lần
hô “xin thề” có dừng lại, toàn đơn vị đồng thanh hô theo “xin thề” ở tư thế đứng
nghiêm, không giơ tay.
- Sau khi đơn vị hô “xin thề” xong,
trực ban buổi lễ hô “đồng chí… về vị trí”, đồng chí đọc 5 lời thề danh dự trả lời
“rõ”, thực hiện động tác chào cờ, sau đó đi nghiêm về vị trí ban đầu.
- Trực ban buổi lễ đi đều về vị trí
tập hợp đơn vị.
d) Nhận xét, đánh giá tình hình, kết
quả công tác
- Trường hợp
không có cấp trên là chủ lễ:
Khi trực ban buổi lễ về vị trí, chủ
lễ thực hiện động tác quay sau hoặc đến vị trí thích hợp, hô “nhận xét, nghỉ”
(nếu không có ghế ngồi) hoặc hô “nhận xét, ngồi xuống” (nếu có ghế ngồi), rồi
nhận xét, đánh giá tình hình, kết quả công tác trong tuần hoặc tháng. Nhận xét
xong, chủ lễ hô “nhận xét hết” và đi về vị trí ban đầu.
- Trường hợp cấp trên là chủ lễ:
Trực ban mời chủ lễ về vị trí ban đầu,
sau đó mời lãnh đạo đơn vị lên nhận xét, đánh giá tình hình, kết quả công tác.
đ) Duyệt đội ngũ
- Nếu trong chương trình buổi lễ
chào cờ Tổ quốc có tổ chức duyệt đội ngũ, trực ban buổi lễ điều hành đơn vị duyệt
đội ngũ theo quy định.
- Việc tổ chức Lễ chào cờ Tổ quốc
có duyệt đội ngũ hay không do thủ trưởng đơn vị quyết định.
e) Kết thúc Lễ chào cờ Tổ quốc
- Chủ lễ hoặc lãnh đạo đơn vị nhận
xét xong trở về vị trí, trực ban buổi lễ đi đều hoặc chạy đều lên vị trí đôn đốc
hô “nghiêm”, đến trước chủ lễ báo cáo với nội dung: “Báo cáo đồng chí (nêu chức
vụ), buổi lễ chào cờ kết thúc, xin ý kiến đồng chí”.
- Trực ban buổi lễ điều hành đơn vị
thực hiện ý kiến chỉ đạo của chủ lễ.
2. Chào cờ Tổ quốc trước khi tổ chức
các hội nghị, buổi lễ
Các đơn vị Công an nhân dân khi tổ
chức các hội nghị, buổi lễ quy định tại Khoản 2, Điều 5 Thông tư này thực hiện
chào cờ Tổ quốc theo trình tự sau:
a) Trực ban hội nghị, buổi lễ tập hợp
đơn vị, chỉnh đốn đội ngũ, ổn định tổ chức, kiểm tra quân số, báo cáo lãnh đạo
theo quy định của điều lệnh đội ngũ;
b) Thực hiện nghi thức chào cờ Tổ
quốc, hát Quốc ca theo quy định;
c) Hát Quốc ca xong, trực ban mời đại
biểu ngồi xuống;
d) Ban tổ chức điều hành hội nghị,
buổi lễ theo chương trình.
MỤC 2. LỄ ĐÓN TIẾP
LÃNH ĐẠO ĐẢNG, NHÀ NƯỚC, LÃNH ĐẠO BỘ CÔNG AN VÀ CÁC ĐOÀN KHÁCH QUỐC TẾ
Điều 9. Các trường
hợp tổ chức lễ đón tiếp
1. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước:
a) Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt
Nam;
b) Chủ tịch, Phó Chủ tịch Nước;
c) Chủ tịch, Phó Chủ tịch Quốc hội;
d) Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính
phủ;
2. Các đoàn khách nước ngoài:
Căn cứ từng trường hợp cụ thể, lãnh
đạo Bộ Công an quyết định việc tổ chức lễ đón tiếp theo nghi lễ Công an nhân
dân.
3. Lãnh đạo Bộ Công an
Tổ chức đón tiếp theo nghi lễ Công
an nhân dân khi lãnh đạo Bộ Công an đến dự các buổi lễ hoặc các hội nghị sau:
a) Lễ trao tặng và đón nhận huân
chương, huy chương, danh hiệu vinh dự Nhà nước và các hình thức khen thưởng
khác;
b) Lễ kỷ niệm ngày thành lập, ngày
truyền thống của các lực lượng, đơn vị;
c) Lễ phong cấp, thăng cấp bậc hàm,
vinh danh học hàm, học vị khoa học;
d) Lễ khai giảng năm học, lễ bế giảng
khóa học;
đ) Hội nghị tổng kết, triển khai
công tác năm của Công an các đơn vị, địa phương.
4. Ngoài các trường hợp trên, nếu tổ
chức đón tiếp theo nghi lễ Công an nhân dân phải do lãnh đạo Bộ Công an quyết định.
Điều 10. Cấp tổ
chức lễ đón tiếp
1. Cấp Bộ.
2. Cấp Tổng cục, Bộ Tư lệnh.
3. Cấp Vụ, Cục, Viện, Trường Công
an nhân dân; Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Sở Cảnh sát phòng
cháy và chữa cháy.
4. Các đơn vị khác nếu tổ chức lễ
đón tiếp phải báo cáo xin ý kiến lãnh đạo Bộ Công an.
Điều 11. Đội
danh dự
1. Thành phần Đội danh dự gồm:
a) Đội trưởng;
b) Tổ Công an kỳ;
c) Phân đội danh dự;
d) Tổ nhạc lễ hoặc Tổ kèn;
đ) Tiêu binh danh dự.
Việc tổ chức Tổ nhạc lễ hoặc Tổ kèn
trong Đội danh dự do thủ trưởng đơn vị tổ chức lễ đón tiếp quyết định.
2. Biên chế Đội danh dự
a) Đội danh dự Bộ Công an gồm:
- Đội trưởng;
- Tổ Công an kỳ: 3 đồng chí;
- Tổ kèn: 3 đồng chí;
- Phân đội danh dự: từ 36 đến 48 đồng
chí;
- Tổ nhạc lễ: 28 đồng chí;
- Tiêu binh danh dự: 4 đồng chí.
b) Đội danh dự các Tổng cục, Bộ Tư
lệnh; Vụ, Cục, Viện, Trường; Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Sở
Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy gồm:
- Đội trưởng;
- Tổ Công an kỳ: 3 đồng chí;
- Phân đội danh dự: từ 30 đến 36 đồng
chí;
- Tổ nhạc lễ: từ 15 đến 18 đồng chí
hoặc Tổ kèn 3 đồng chí;
- Tiêu binh danh dự: 4 đồng chí.
Điều 12. Thành
phần duyệt đội danh dự, dự lễ đón tiếp
1. Thành phần duyệt đội danh dự:
a) Trưởng đoàn khách;
b) Thủ trưởng đơn vị tổ chức lễ đón
tiếp.
2. Thành phần dự lễ đón tiếp:
a) Đội danh dự;
b) Lãnh đạo cấp trên (nếu có);
c) Lãnh đạo, chỉ huy đơn vị tổ chức
lễ đón tiếp;
d) Đại diện đơn vị trực thuộc (số
lượng do thủ trưởng đơn vị tổ chức lễ đón tiếp quyết định).
Điều 13. Đội
hình đón tiếp
Tùy điều kiện địa hình, đội hình
đón tiếp bố trí bên phải hoặc bên trái đường đi vào của khách, theo thứ tự như
sau:
1. Đội trưởng Đội danh dự;
2. Tổ Công an kỳ;
3. Tổ kèn;
4. Phân đội danh dự;
5. Tổ nhạc lễ: Căn cứ địa hình để bố
trí cho phù hợp;
6. Lãnh đạo cấp trên tham gia lễ
đón (nếu có);
7. Lãnh đạo đơn vị tổ chức lễ đón
và đại diện lãnh đạo đơn vị trực thuộc;
8. Đại biểu đoàn khách (do ban tổ
chức hướng dẫn);
9. Tiêu binh danh dự: Hai đồng chí
đứng ở cổng ra vào nơi tổ chức lễ đón tiếp, hai đồng chí đứng ở cửa ra vào nhà
đón tiếp khách, hướng mặt ra ngoài.
Điều 14. Địa
điểm đón tiếp, trang phục, trang bị, trang trí
1. Địa điểm đón tiếp
Căn cứ địa hình thực tế để chọn địa
điểm tổ chức lễ đón tiếp cho phù hợp, đảm bảo trang trọng.
2. Trang phục
a) Cán bộ, chiến sĩ dự lễ: Mặc
trang phục theo quy định tại Điều 27 và Điều 33 Thông tư số
17/2012/TT-BCA, ngày 10 tháng 4 năm 2012 của Bộ Công an quy định về Điều lệnh
nội vụ Công an nhân dân.
b) Đội danh dự: Mặc trang phục theo
quy định tại Khoản 2, Điều 29 Thông tư số 17/2012/TT-BCA,
ngày 10 tháng 4 năm 2012 của Bộ Công an quy định về Điều lệnh nội vụ Công an
nhân dân; Tổ Công an kỳ: Mặc trang phục theo quy định tại Điểm
a, Khoản 2, Điều 104 Thông tư số 18/2012/TT-BCA, ngày 10 tháng 4 năm 2012 của
Bộ Công an quy định về Điều lệnh đội ngũ Công an nhân dân.
3. Trang bị
a) Tổ Công an kỳ: Thực hiện theo
quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 104 Thông tư số 18/2012/TT-BCA,
ngày 10 tháng 4 năm 2012 của Bộ Công an quy định về Điều lệnh đội ngũ Công an
nhân dân; Đội trưởng Đội danh dự: Đeo súng ngắn; Đội danh dự, tiêu binh: Mang
súng trường CKC hoặc AK.
b) Trải thảm đỏ đường duyệt Đội
danh dự.
4. Trang trí
a) Đón khách nước ngoài: Tại nơi tổ
chức lễ đón tiếp treo Quốc kỳ hai nước, ở ngoài nhìn vào Quốc kỳ Việt Nam bên
phải, Quốc kỳ của nước Bạn đến thăm bên trái; tại phòng đón tiếp khách treo khẩu
hiệu chào mừng bằng tiếng Việt và tiếng của nước Bạn.
b) Đón khách trong nước: Trang trí
đảm bảo trang trọng, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng đơn vị.
Điều 15. Trình
tự tiến hành lễ đón tiếp
1. Trình tự tiến hành lễ đón tiếp
khách trong nước
a) Khách đến vị trí đón
- Cán bộ hướng dẫn cho xe vào vị
trí tập kết;
- Xe của Trưởng đoàn khách vào đến
vị trí đón, cán bộ hướng dẫn ra hiệu cho xe dừng lại, cán bộ tháp tùng mở cửa
xe;
- Trưởng đoàn khách xuống xe, nhạc
lễ cử kèn “nghiêm”; Thủ trưởng đơn vị tổ chức đón tiếp đến chào, tặng hoa Trưởng
đoàn khách (nếu có) và hướng dẫn Trưởng đoàn khách đến vị trí duyệt đội danh dự.
b) Đội trưởng Đội danh dự chào báo
cáo
- Đội trưởng Đội danh dự hô
“nghiêm” (nếu không có kèn nghiêm), “bồng súng nhìn bên phải (hoặc trái),
chào”, Đội danh dự thực hiện động tác bồng súng nhìn bên phải (hoặc trái)
chào; đồng chí giữ Công an kỳ nâng Công an kỳ 45 độ (o), hai đồng
chí bảo vệ Công an kỳ thực hiện động tác chào khi treo súng tiểu liên AK hoặc đứng
nghiêm khi đeo súng ngắn;
- Đội trưởng Đội danh dự đi nghiêm
đến trước và cách Trưởng đoàn khách 5 mét (m), đứng nghiêm, chào báo cáo theo
điều lệnh đội ngũ; báo cáo xong thôi chào, bước qua phải (hoặc trái), nhường đường
cho Trưởng đoàn khách và Thủ trưởng đơn vị duyệt đội danh dự.
c) Duyệt đội danh dự
- Thủ trưởng đơn vị hướng dẫn Trưởng
đoàn khách đến đối diện Công an kỳ thì dừng lại, chào Công an kỳ, sau đó duyệt
đội danh dự. Khi duyệt đội danh dự, Thủ trưởng đơn vị đi phía ngoài và sau Trưởng
đoàn khách 1 mét (m).
- Đội trưởng Đội danh dự đi nghiêm
đánh tay trái, tay phải thực hiện động tác chào, đi sau phía ngoài, cách Thủ
trưởng đơn vị 2 mét (m). Chiến sĩ Đội danh dự bồng súng chào và đánh mặt nhìn
theo khách, đến hướng chính diện thì dừng lại.
- Trưởng đoàn khách là lãnh đạo Bộ
Công an và Thủ trưởng đơn vị đón tiếp khi duyệt đội danh dự phải thực hiện động
tác chào; khi duyệt đến cách người cuối cùng khoảng 1 mét (m), Thủ trưởng đơn vị
hướng dẫn Trưởng đoàn khách dừng lại, hướng về hàng danh dự; Đội trưởng Đội
danh dự đứng lại, quay về phía Đội danh dự hô “Đội danh dự kính chúc… khỏe”; dứt
khẩu lệnh, toàn đội danh dự đồng thanh hô “chúc… khỏe”.
- Trưởng đoàn khách duyệt Đội danh
dự xong, Đội trưởng Đội danh dự về vị trí chỉ huy giữa đội hình hô “xuống súng,
xuống”, Đội danh dự và Tổ Công an kỳ về tư thế đứng nghiêm; các thành viên
trong đoàn đi theo Trưởng đoàn.
- Nhạc lễ cửa nhạc (hoặc kèn) chào
mừng từ khi Trưởng đoàn khách duyệt Đội danh dự đến khi duyệt Đội danh dự xong.
d) Đại biểu chào đón khách
- Thủ trưởng đơn vị hướng dẫn Trưởng
đoàn khách tới khối (hàng) đại biểu và giới thiệu thành viên ra đón. Khách đến
trước đại biểu nào, đại biểu đó đứng nghiêm thực hiện động tác chào; nếu khách
bắt tay thì đại biểu bắt tay khách.
- Nhạc lễ cử nhạc (hoặc kèn) chào mừng
từ khi Trưởng đoàn khách đến chào đại biểu cho tới khi khách đi hết khối đại biểu
đón.
đ) Kết thúc lễ đón
Sau khi đoàn khách và Thủ trưởng
đơn vị rời khỏi khu vực đón, ban tổ chức điều hành các lực lượng thực hiện theo
chương trình.
2. Trình tự tiến hành lễ đón tiếp
khách nước ngoài
a) Trình tự đón tiếp khách nước
ngoài tiến hành theo quy định tại Khoản 1, Điều 15 Thông tư này.
b) Xưng hô khi báo cáo
Tùy theo mối quan hệ của Việt Nam với
quốc gia, tổ chức quốc tế khách đến thăm để gọi là “đồng chí” hoặc “ngài”,
“ông”, “bà”, “vương hiệu”, “tước hiệu” và xưng “tôi” sao cho phù hợp.
c) Khi duyệt đội danh dự, Thủ trưởng
đơn vị tổ chức lễ đón đi ngang hàng phía bên ngoài và cách Trưởng đoàn khách
khoảng 1 mét (m).
Điều 16. Tiễn
khách
1. Khi tiễn khách, không tổ chức Đội
danh dự, nhạc lễ như khi đón khách. Thủ trưởng đơn vị, một số đại biểu, hai
tiêu binh đứng ở cửa nhà khách, hai tiêu binh đứng ở cổng đơn vị tiễn khách.
2. Trường hợp đặc biệt, nếu tổ chức
tiễn khách theo nghi lễ Công an nhân dân phải do lãnh đạo Bộ Công an quyết định.
MỤC 3. LỄ TRAO TẶNG
VÀ ĐÓN NHẬN HUÂN CHƯƠNG, HUY CHƯƠNG, DANH HIỆU VINH DỰ NHÀ NƯỚC VÀ CÁC HÌNH THỨC
KHEN THƯỞNG KHÁC
Điều 17.
Nguyên tắc
1. Việc tổ chức trao tặng và đón nhận
huân chương, huy chương, danh hiệu vinh dự Nhà nước và các hình thức khen thưởng
khác đối với các tập thể và cá nhân trong lực lượng Công an nhân dân được tổ chức
trọng thể, trang nghiêm, một lần; không tổ chức đón, rước từ cấp này đến cấp
khác, từ địa điểm này đến địa điểm khác.
2. Tập thể, cá nhân được khen trực
tiếp nhận thưởng; nếu cá nhân được khen thưởng vắng mặt, khi người đại diện hợp
pháp nhận thay.
3. Hình thức khen thưởng cao được
trao trước, thấp trao sau; trao cho tập thể trước, cá nhân sau; nếu nhiều tập
thể, cá nhân được khen thưởng, thì có thể trao thành nhiều đợt.
4. Trong một buổi lễ có thể trao
nhiều huân chương, huy chương, danh hiệu vinh dự Nhà nước; mỗi tập thể được
khen thưởng từ mức huân chương, danh hiệu vinh dự Nhà nước có một tổ Công an kỳ.
5. Việc tổ chức trao tặng huân
chương, huy chương, danh hiệu vinh dự Nhà nước và các hình thức khen thưởng
khác có thể tổ chức một buổi lễ riêng hoặc kết hợp tổ chức trong hội nghị, buổi
lễ khác.
Điều 18. Thành
phần dự lễ
1. Khách mời;
2. Thủ trưởng và đại diện cơ quan cấp
trên;
3. Cán bộ, chiến sĩ hoặc đại diện
cán bộ, chiến sĩ của tập thể được khen thưởng;
4. Tổ nhạc lễ; Tổng Công an kỳ (đối
với các trường hợp tổ chức trao tặng huân chương, danh hiệu vinh dự Nhà nước
cho các tập thể).
Điều 19. Đội
hình dự lễ
1. Tổ Công an kỳ: Khi ra vị trí nhận
huân chương đi nghiêm thành hàng dọc, đến vị trí quy định đứng nghiêm thành
hàng ngang, phía trên và trước đội hình, hướng về đơn vị.
2. Đội nhạc lễ (nếu có): Bố trí ở vị
trí thích hợp.
3. Đại biểu khách mời, lãnh đạo đơn
vị: Bố trí đối diện phía dưới trước lễ đài hoặc trên lễ đài.
4. Cán bộ, chiến sĩ dự lễ: Bố trí
thành từng khối, bảo đảm trang nghiêm.
Điều 20. Trang
phục, trang bị, trang trí
1. Trang phục
a) Cán bộ, chiến sĩ dự lễ: Mặc
trang phục theo quy định tại Điều 27, Điều 28 và Điều 33 Thông
tư số 17/2012/TT-BCA, ngày 10 tháng 4 năm 2012 của Bộ Công an quy định về
Điều lệnh nội vụ Công an nhân dân.
b) Tổ Công an kỳ: Mặc trang phục
theo quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 104 Thông tư số
18/2012/TT-BCA, ngày 10 tháng 4 năm 2012 của Bộ Công an quy định về Điều lệnh
đội ngũ Công an nhân dân.
2. Trang bị của Tổ Công an kỳ: Thực
hiện theo quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 104 Thông tư số
18/2012/TT-BCA, ngày 10 tháng 4 năm 2012 của Bộ Công an quy định về Điều lệnh
đội ngũ Công an nhân dân.
3. Trang trí: Thực hiện theo Quyết
định số 1263/2004/QĐ-BCA(X15), ngày 9 tháng 11 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Công
an ban hành quy định về trang trí, khánh tiết hội trường, phòng họp trong lực
lượng Công an nhân dân.
Điều 21. Trình
tự tiến hành buổi lễ
1. Báo cáo cấp trên
2. Chào cờ, hát Quốc ca
3. Tuyên bố lý do, giới thiệu đại
biểu: Do ban tổ chức thực hiện.
4. Báo cáo tóm tắt thành tích của tập
thể, cá nhân được khen thưởng: Đại diện lãnh đạo đơn vị báo cáo tóm tắt thành
tích của tập thể, cá nhân được khen thưởng; nếu có nhiều tập thể, cá nhân được
tặng thưởng, thì báo cáo tóm tắt thành tích chung.
5. Công bố quyết
định khen thưởng: Do ban tổ chức thực hiện
a) Công bố quyết định khen thưởng
huân chương, danh hiệu vinh dự Nhà nước cho tập thể:
- Trước khi công bố quyết định khen
thưởng, ban tổ chức mời Tổ Công an kỳ và lãnh đạo đơn vị được khen thưởng lên vị
trí danh dự.
- Tổ Công an kỳ từ vị trí tập kết
thành một hàng dọc đi nghiêm đến vị trí đã định, đứng nghiêm thành hàng ngang
giữ Công an kỳ, hướng về đơn vị.
- Lãnh đạo đơn vị được khen thưởng
thành một hàng dọc đi đều lên vị trí danh dự, đứng nghiêm thành một hàng ngang,
bên phải và cách Tổ Công an kỳ 1 mét (m), hướng về đơn vị.
b) Công bố quyết định khen thưởng
huân chương, huy chương, danh hiệu vinh dự Nhà nước cho cá nhân: Trước khi công
bố quyết định khen thưởng, ban tổ chức mời người được khen thưởng lên vị trí
danh dự, đứng nghiêm thành một hàng ngang, thứ tự từ phải sang trái theo hướng
nhìn lên lễ đài (nếu từ hai người trở lên), hướng về đơn vị.
c) Công bố quyết định các hình thức
khen thưởng khác cho tập thể, cá nhân: Ban tổ chức mời đại diện lãnh đạo đơn vị
hoặc cá nhân được khen thưởng lên vị trí danh dự, đứng nghiêm thành hàng ngang,
thứ tự từ phải sang trái theo hướng nhìn lên lễ đài, hướng về đơn vị.
6. Trình tự tổ chức trao thưởng
a) Trao huân chương, danh hiệu vinh
dự Nhà nước cho tập thể
- Gắn huân chương, danh hiệu vinh dự
Nhà nước:
+ Ban tổ chức mời lãnh đạo cấp trên
lên trao thưởng đứng bên phải Tổ Công an kỳ, hướng về Công an kỳ.
+ Đồng chí giữ Công an kỳ thực hiện
động tác nâng Công an kỳ lên vị trí 45 độ (o); lãnh đạo đơn vị được
khen thưởng quay nửa bên trái hướng về Công an kỳ.
+ Lãnh đạo cấp trên thực hiện động
tác chào Công an kỳ, sau đó gắn huân chương, danh hiệu vinh dự Nhà nước lên
Công an kỳ, dưới và cách hàng chữ “Bảo vệ An ninh Tổ quốc” khoảng 10 cen-ti-mét
(cm), cách cán Công an kỳ khoảng 20 cen-ti-mét (cm), gắn xong lùi một bước thực
hiện động tác chào Công an kỳ.
+ Lãnh đạo đơn vị được khen thưởng
chào Công an kỳ từ khi lãnh đạo cấp trên chào Công an kỳ đến khi gắn xong huân
chương hoặc danh hiệu vinh dự Nhà nước thì thôi chào, quay nửa bên phải hướng về
đơn vị.
+ Khi lãnh đạo gắn huân chương hoặc
danh hiệu vinh dự Nhà nước xong, đồng chí giữ Công an kỳ nâng Công an kỳ lên 80
độ (o); khi lãnh đạo cấp trên rời vị trí trao thưởng thì đưa Công an
kỳ về tư thế giữ Công an kỳ.
- Trao bằng huân chương, danh hiệu
vinh dự Nhà nước:
+ Khi lãnh đạo cấp trên đến, thủ
trưởng đơn vị được khen thưởng tiến một bước, đứng nghiêm thực hiện động tác
chào, cấp trên chào đáp lễ, bắt tay, trao bằng huân chương, danh hiệu vinh dự
Nhà nước, người nhận xong lùi về vị trí ban đầu.
+ Lãnh đạo cấp trên bước qua trái đến
từng đồng chí lãnh đạo đơn vị được khen thưởng, đến đồng chí nào đồng chí đó thực
hiện động tác chào, cấp trên chào đáp lễ, bắt tay chúc mừng, sau đó đứng vào vị
trí giữa Tổ Công an kỳ và lãnh đạo đơn vị, cùng toàn thể cán bộ, chiến sĩ và đại
biểu dự lễ vỗ tay chúc mừng.
- Lãnh đạo cấp trên về vị trí đại
biểu, lãnh đạo đơn vị thành hàng quay phải (hoặc trái) đi đều, Tổ Công an kỳ
quay phải (hoặc trái), đi nghiêm về nơi quy định.
b) Trao huân chương, huy chương,
vinh dự Nhà nước cho cá nhân:
- Ban tổ chức mời lãnh đạo cấp trên
lên trao thưởng.
- Khi cấp trên đến gắn huân chương,
huy chương, danh hiệu vinh dự Nhà nước, người nhận tiến một bước, thực hiện động
tác chào, cấp trên chào đáp lễ, sau đó bắt tay người được khen thưởng rồi gắn
huân chương, huy chương, danh hiệu vinh dự lên ngực áo bên trái, cách mép trên
túi áo ngực 3 cen-ti-mét (cm) (đối với cán bộ nam); trên ngực áo bên trái,
ngang với cúc áo thứ nhất từ trên xuống (đối với cán bộ nữ).
- Sau khi gắn huân chương, huy
chương, danh hiệu vinh dự Nhà nước xong thì trao bằng; khi trao bằng không thực
hiện động tác chào và bắt tay.
- Lãnh đạo cấp trên về đứng cùng
hàng với người được khen thưởng, cùng toàn thể cán bộ, chiến sĩ và đại biểu dự
lễ vỗ tay chúc mừng.
- Lãnh đạo cấp trên về vị trí đại
biểu, các đồng chí nhận thưởng quay phải (hoặc trái) đi thành hàng về nơi quy định.
c) Trao tặng các hình thức khen thưởng
khác cho tập thể và cá nhân:
- Ban tổ chức mời lãnh đạo cấp trên
lên trao thưởng.
- Khi lãnh đạo cấp trên đến, người
nhận thưởng tiến một bước, đứng nghiêm thực hiện động tác chào, cấp trên chào
đáp lễ, bắt tay, sau đó trao thưởng; người nhận thưởng xong lùi một bước về vị
trí đứng nghiêm.
- Trao thưởng xong, lãnh đạo cấp
trên đến đứng cùng hàng với người nhận thưởng, cùng toàn thể cán bộ, chiến sĩ
và đại biểu dự lễ vỗ tay chúc mừng.
- Lãnh đạo cấp trên về vị trí đại
biểu; các đồng chí nhận thưởng quay phải hoặc trái, đi thành hàng về vị trí ban
đầu.
d) Cách nhận phần thưởng:
- Nhận cờ thưởng: Hai tay cầm cán cờ
ở sát bên trong hai tay cấp trên, hai lòng bàn tay úp, hộ khẩu tay quay vào giữa,
ngón cái phía trong, bốn ngón con phía ngoài, khoảng cách giữa hai tay khoảng
40 cen-ti-mét (cm), hai cánh tay trên khép hờ tự nhiên, cánh tay dưới tạo thành
với cánh tay trên một góc khoảng 80 độ (o); mặt cờ hướng về đơn vị.
- Nhận bằng huân chương, huy
chương, bằng khen, giấy khen: Hai tay đỡ phía dưới khung, cánh tay thẳng tự
nhiên, mặt trước hướng về đơn vị.
đ) Giữa các đợt trao thưởng có nhạc
chào mừng.
e) Không trao tặng tiền thưởng
trong buổi lễ đối với các hình thức khen thưởng có kèm theo tiền thưởng.
7. Lãnh đạo cấp trên phát biểu ý kiến;
8. Đại diện đơn vị, cá nhân được
khen thưởng phát biểu ý kiến;
9. Kết thúc buổi lễ: Ban tổ chức
tuyên bố kết thúc buổi lễ và cám ơn các đại biểu.
MỤC 4. LỄ TUYÊN
THỆ
Điều 22.
Nguyên tắc
1. Lễ tuyên thệ trong Công an nhân
dân được tổ chức trong các trường hợp:
a) Đơn vị hoặc cá nhân được giao
nhiệm vụ đặc biệt quan trọng;
b) Thành lập đơn vị mới;
c) Kết thúc khóa huấn luyện chiến
sĩ phục vụ có thời hạn;
d) Trong lễ bế giảng, phong cấp,
thăng cấp bậc hàm cho học sinh, sinh viên (sau đây gọi chung là học viên) hệ
đào tạo chính quy tốt nghiệp ra trường.
2. Cấp tổ chức Lễ tuyên thệ
a) Cấp nào ra quyết định giao nhiệm
vụ đặc biệt, thành lập đơn vị mới, kết thúc khóa huấn luyện, bế giảng khóa học
cấp đó tổ chức Lễ tuyên thệ.
b) Cấp ra quyết định có thể ủy quyền
cho đơn vị cấp dưới tổ chức Lễ tuyên thệ.
3. Nội dung lời tuyên thệ
Căn cứ nội dung 5 lời thề danh dự của
Công an nhân dân Việt Nam và chức năng, nhiệm vụ được giao để chuẩn bị nội dung
lời tuyên thệ cho phù hợp.
Điều 23. Thành
phần dự lễ
1. Khách mời.
2. Lãnh đạo đơn vị tổ chức lễ.
3. Cán bộ, chiến sĩ hoặc đại diện
đơn vị tổ chức lễ.
Điều 24. Bố
trí đội hình
Bố trí đội hình thực hiện theo quy
định tại Điều 19 Thông tư này.
Điều 25. Trang
phục, trang bị, trang trí
1. Trang phục
a) Cán bộ, chiến sĩ dự lễ: Mặc
trang phục theo quy định tại Khoản 2, Điều 27, Điều 28 và Điều
33 Thông tư số 17/2012/TT-BCA, ngày 10 tháng 4 năm 2012 của Bộ Công an quy
định về Điều lệnh nội vụ Công an nhân dân.
b) Tổ Công an kỳ: Mặc trang phục
theo quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 104 Thông tư số
18/2012/TT-BCA, ngày 10 tháng 4 năm 2012 của Bộ Công an quy định về Điều lệnh
đội ngũ Công an nhân dân.
2. Trang bị của Tổ Công an kỳ: Bục
Công an kỳ và các trang bị khác theo quy định tại Điểm b, Khoản
2, Điều 104 Thông tư số 18/2012/TT-BCA, ngày 10 tháng 4 năm 2012 của Bộ
Công an quy định về Điều lệnh đội ngũ Công an nhân dân.
3. Trang trí khánh tiết: Thực hiện
theo Quyết định số 1263/2004/QĐ-BCA(X15), ngày 9 tháng 11 năm 2004 của Bộ trưởng
Bộ Công an ban hành quy định về trang trí, khánh tiết hội trường, phòng họp
trong lực lượng Công an nhân dân.
Điều 26. Trình
tự tiến hành buổi lễ
1. Báo cáo cấp trên;
2. Chào cờ, hát Quốc ca;
3. Tuyên bố lý do, giới thiệu đại
biểu;
4. Công bố quyết định thành lập đơn
vị mới, hoặc giao nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, hoặc báo cáo tổng kết khóa huấn
luyện, khóa học;
5. Tuyên thệ:
a) Tổ Công an kỳ vào vị trí quy định;
b) Đại biểu tham gia dự lễ đứng
nghiêm;
c) Đồng chí giữ Công an kỳ thực hiện
động tác nâng Công an kỳ;
d) Đồng chí được phân công tuyên thệ
lên vị trí quy định, đọc lời tuyên thệ và hôn Công an kỳ
- Đọc lời tuyên thệ: Đồng chí lên
tuyên thệ ra khỏi hàng quân, tay trái cầm lời tuyên thệ, kẹp sát sườn bên trái,
đi đều đến cách Công an kỳ 5 đến 7 mét (m) chuyển thành đi nghiêm đến đối diện,
cách Công an kỳ khoảng 3 mét (m) đứng nghiêm thực hiện động tác chào, xưng danh
đại diện đơn vị hoặc cá nhân đọc lời tuyên thệ rõ ràng, mạch lạc, dứt khoát; đọc
xong, tay phải nắm lại và giơ thẳng lên, kết hợp hô to 3 lần “xin thề”, giữa mỗi
lần hô “xin thề” có dừng lại, toàn đơn vị đồng thanh hô theo “xin thề”, không
giơ tay.
- Hôn Công an kỳ: Sau khi đọc lời
tuyên thệ xong, đi nghiêm đến cách Công an kỳ khoảng 80 cen-ti-mét (cm), chân
phải làm trụ, chân trái bước lên một bước, kết hợp 2 chân từ từ hạ người xuống,
đùi chân phải thẳng với người, đầu gối phải quỳ xuống đất, mông không tỳ lên
gót chân, cẳng chân trái và đùi tạo thành một góc khoảng 80 độ (o),
hai tay đưa thẳng ra phía trước, tay trái cầm bản tuyên thệ, bàn tay phải ngửa,
năm ngón tay khép lại đỡ phần dưới Công an kỳ, từ từ nâng lên, thu vào người, đầu
cúi xuống hôn Công an kỳ bên phía gắn huân chương với thời gian khoảng 4 giây rồi
ngẩng đầu lên nhìn Công an kỳ, hai tay từ từ rời khỏi lá Công an kỳ và đứng
lên, chân trái kéo về thành tư thế đứng nghiêm, lùi một bước, thực hiện động
tác chào, quay phải (trái) hoặc quay sau, đi nghiêm về vị trí ban đầu.
đ) Đồng chí nâng Công an kỳ về tư
thế giữ Công an kỳ; Tổ Công an kỳ quay phải (trái), vác Công an kỳ đi nghiêm về
vị trí tập kết;
e) Đại biểu dự lễ ngồi xuống (nếu
có ghế), đứng nghỉ (nếu không có ghế).
6. Thủ trưởng cấp trên phát biểu
giao nhiệm vụ;
7. Đại diện lãnh đạo đơn vị, cá
nhân lên phát biểu tiếp thu;
8. Duyệt đội ngũ (nếu có);
9. Kết thúc buổi lễ: Ban tổ chức
tuyên bố kết thúc buổi lễ và cám ơn các đại biểu.
MỤC 5. LỄ PHONG,
THĂNG CẤP BẬC HÀM; VINH DANH HỌC HÀM, HỌC VỊ KHOA HỌC
Điều 27.
Nguyên tắc
1. Lễ phong, thăng cấp bậc hàm,
vinh danh học hàm, học vị khoa học: Giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ được tổ chức
trang nghiêm, chu đáo theo nghi lễ Công an nhân dân.
2. Cấp tổ chức: Cấp nào ra quyết định
phong cấp, thăng cấp bậc hàm, vinh danh học hàm, học vị khoa học thì cấp đó tổ
chức hoặc ủy quyền cho cấp dưới tổ chức buổi lễ.
3. Việc công bố quyết định và gắn cấp
bậc hàm, trao bằng học hàm, học vị khoa học thực hiện theo thứ tự: Cấp cao trước,
cấp thấp sau; nếu trong một buổi lễ có nhiều người được phong cấp, thăng cấp bậc
hàm, vinh danh học hàm, học vị khoa học thì có thể tổ chức trao thành nhiều đợt
hoặc trao đại diện cho một số cá nhân.
4. Lễ phong, thăng cấp bậc hàm,
vinh danh học hàm, học vị khoa học có thể tổ chức kết hợp trong hội nghị hoặc
buổi lễ khác.
Điều 28. Thành
phần dự lễ
1. Khách mời.
2. Lãnh đạo đơn vị tổ chức buổi lễ.
3. Cán bộ, chiến sĩ hoặc đại diện
cán bộ, chiến sĩ đơn vị tổ chức buổi lễ.
Điều 29. Bố
trí đội hình
Thực hiện theo quy định tại các Khoản
2, 3, 4 Điều 19 Thông tư này
Điều 30. Trang
phục, trang trí
1. Trang phục: Mặc trang phục theo
quy định tại Điểm d, Khoản 2, Điều 27, Điều 28 và Điều 33 Thông
tư số 17/2012/TT-BCA, ngày 10 tháng 4 năm 2012 của Bộ Công an quy định về
Điều lệnh nội vụ Công an nhân dân.
2. Trang trí khánh tiết: Thực hiện
theo Quyết định số 1263/2004/QĐ-BCA(X15), ngày 9 tháng 11 năm 2004 của Bộ trưởng
Bộ Công an ban hành quy định về trang trí, khánh tiết hội trường, phòng họp
trong lực lượng Công an nhân dân.
Điều 31. Trình
tự tiến hành buổi lễ
1. Báo cáo cấp trên;
2. Chào cờ, hát Quốc ca;
3. Tuyên bố lý do, giới thiệu đại
biểu;
4. Công bố quyết định phong, thăng
cấp bậc hàm, vinh danh học hàm, học vị khoa học: Trước khi công bố quyết định,
ban tổ chức mời các đồng chí được phong, thăng cấp bậc hàm, vinh danh học hàm,
học vị khoa học lên lễ đài, đứng nghiêm thành hàng ngang, hướng về đơn vị;
5. Trao quyết định phong cấp, thăng
cấp, gắn cấp hiệu hoặc học hàm, học vị khoa học:
a) Ban tổ chức mời lãnh đạo cấp
trên hoặc thủ trưởng đơn vị lên trao quyết định và gắn cấp hiệu hoặc trao giấy
chứng nhận học hàm, học vị khoa học cho các đồng chí được phong, thăng cấp bậc
hàm, vinh danh học hàm, học vị khoa học;
b) Trao quyết định:
- Khi cấp trên đến, người nhận tiến
một bước, đứng nghiêm, thực hiện động tác chào;
- Cấp trên chào đáp lễ, bắt tay,
trao quyết định (hoặc giấy chứng nhận) từ người bên phải sang người bên trái
theo hướng nhìn lên lễ đài; tháo cấp hiệu cũ, gắn cấp hiệu mới lên vai áo, thứ
tự từ vai phải qua vai trái của người được nhận (đối với trường hợp được phong,
thăng cấp bậc hàm); người nhận xong lùi một bước về vị trí ban đầu;
- Cấp trên trao quyết định và gắn
xong cấp hiệu mới cho người cuối cùng về đứng giữa cùng hàng với các đồng chí
được phong, thăng cấp bậc hàm, công nhận học hàm, học vị khoa học vỗ tay chúc mừng;
- Cấp trên về vị trí; cán bộ, chiến
sĩ thành một hàng trở về vị trí ban đầu.
6. Đại diện cán bộ, chiến sĩ được
phong cấp, thăng cấp, vinh danh học hàm, học vị khoa học phát biểu ý kiến.
7. Lãnh đạo cấp trên hoặc thủ trưởng
đơn vị phát biểu ý kiến;
8. Kết thúc buổi lễ: Ban tổ chức
tuyên bố kết thúc buổi lễ và cám ơn các đại biểu.
MỤC 6. LỄ KỶ NIỆM
NGÀY THÀNH LẬP, NGÀY TRUYỀN THỐNG
Điều 32.
Nguyên tắc
1. Việc tổ chức lễ kỷ niệm ngày
thành lập, ngày truyền thống của các lực lượng, đơn vị, địa phương trong Công
an nhân dân phải thực hiện đúng quy định của Đảng, Nhà nước và Bộ Công an.
2. Lễ kỷ niệm ngày thành lập, ngày
truyền thống phải thể hiện tính giáo dục, khơi dậy truyền thống cách mạng của lực
lượng Công an nhân dân, bồi đắp tình đoàn kết đồng chí, đồng đội để cùng nhau
phấn đấu xây dựng lực lượng Công an cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước
hiện đại, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an
toàn xã hội.
Điều 33. Thành
phần dự lễ
Căn cứ tính chất, quy mô buổi lễ,
ban tổ chức quyết định mời đại biểu dự lễ cho phù hợp; thành phần dự lễ bao gồm:
1. Khách mời.
2. Cán bộ, chiến sĩ hoặc đại diện
cán bộ, chiến sĩ đơn vị tổ chức lễ.
3. Cán bộ, chiến sĩ đã nghỉ hưu,
chuyển ngành, chuyển công tác sang đơn vị khác (nếu có điều kiện).
Điều 34. Bố
trí đội hình
Thực hiện theo quy định tại các Khoản
3, 4, Điều 19 Thông tư này
Điều 35. Trang
phục, trang trí
1. Trang phục: Mặc trang phục theo
quy định tại Điểm e, Khoản 2, Điều 27 và Điều 33 Thông tư số
17/2012/TT-BCA, ngày 10 tháng 4 năm 2012 của Bộ Công an quy định về Điều lệnh
nội vụ Công an nhân dân.
2. Trang trí khánh tiết: Thực hiện
theo Quyết định số 1263/2004/QĐ-BCA(X15), ngày 9 tháng 11 năm 2004 của Bộ trưởng
Bộ Công an ban hành quy định về trang trí, khánh tiết hội trường, phòng họp
trong lực lượng Công an nhân dân.
Điều 36. Trình
tự tiến hành lễ kỷ niệm
1. Báo cáo cấp trên;
2. Chào cờ, hát Quốc ca;
3. Tuyên bố lý do, giới thiệu đại
biểu;
4. Thủ trưởng đơn vị tổ chức buổi lễ
đọc diễn văn kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống của đơn vị;
5. Đại diện cán bộ, chiến sĩ phát
biểu;
6. Tổ chức trao thưởng (nếu có);
7. Đại diện cấp trên phát biểu ý kiến;
8. Duyệt đội ngũ (nếu có);
9. Kết thúc buổi lễ: Ban tổ chức
tuyên bố kết thúc buổi lễ và cám ơn các đại biểu.
MỤC 7. LỄ KHAI
GIẢNG
Điều 37.
Nguyên tắc
1. Lễ khai giảng năm học, khóa học,
lớp học đào tạo do các học viên, nhà trường, đơn vị Công an nhân dân tổ chức nhằm
quán triệt mục đích, yêu cầu, nội dung chương trình của năm học, khóa học, lớp
học và phát động phong trào thi đua dạy tốt, học tốt trong cán bộ, giáo viên và
học viên.
2. Trường hợp các lớp bắt đầu vào học
trong cùng thời gian gần nhau thì tổ chức lễ khai giảng chung một lần, không tổ
chức lễ khai giảng từng lớp riêng trong một trường.
Điều 38. Thành
phần dự lễ
Căn cứ vào tính chất, đối tượng
khóa học, lớp học để quyết định thành phần, số lượng đại biểu dự lễ khai giảng
cho phù hợp; thành phần dự lễ bao gồm:
1. Khách mời.
2. Ban giám đốc học viện, ban giám
hiệu nhà trường hoặc lãnh đạo đơn vị tổ chức buổi lễ.
3. Cán bộ, giáo viên, học viên.
Điều 39. Bố
trí đội hình
Thực hiện theo quy định tại các Khoản
3, 4 Điều 19 Thông tư này.
Điều 40. Trang
phục, trang bị, trang trí
1. Trang phục
a) Cán bộ, giáo viên: Mặc lễ phục
Công an nhân dân theo quy định tại Điều 33 Thông tư số
17/2012/TT-BCA, ngày 10 tháng 4 năm 2012 của Bộ Công an quy định về Điều lệnh
nội vụ Công an nhân dân;
b) Học viên: Mặc trang phục theo
quy định tại Khoản 1, Điều 28 và Điều 33 Thông tư số
17/2012/TT-BCA, ngày 10 tháng 4 năm 2012 của Bộ Công an quy định về Điều lệnh
nội vụ Công an nhân dân;
c) Tổ Công an kỳ (chỉ bố trí Tổ
Công an kỳ trong đội hình duyệt đội ngũ tại lễ khai giảng năm học mới): Mặc
trang phục theo quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 104 Thông tư
số 18/2012/TT-BCA, ngày 10 tháng 4 năm 2012 của Bộ Công an quy định về Điều
lệnh đội ngũ Công an nhân dân.
2. Trang bị của Tổ Công an kỳ: Thực
hiện theo quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 104 Thông tư số
18/2012/TT-BCA, ngày 10 tháng 4 năm 2012 của Bộ Công an quy định về Điều lệnh
đội ngũ Công an nhân dân.
3. Trang trí khánh tiết: Thực hiện
theo Quyết định số 1263/2004/QĐ-BCA(X15), ngày 9 tháng 11 năm 2004 của Bộ trưởng
Bộ Công an ban hành quy định về trang trí, khánh tiết hội trường, phòng họp
trong lực lượng Công an nhân dân.
Điều 41. Trình
tự tiến hành lễ khai giảng
1. Duyệt đội ngũ (chỉ thực hiện
trong lễ khai giảng năm học mới);
2. Báo cáo cấp trên;
3. Chào cờ, hát Quốc ca;
4. Tuyên bố lý do, giới thiệu đại
biểu;
5. Giám đốc học viện, hiệu trưởng
nhà trường hoặc lãnh đạo đơn vị đọc diễn văn khai giảng;
6. Đại diện giáo viên nhà trường
phát biểu;
7. Đại diện học viên phát biểu;
8. Lãnh đạo cấp trên phát biểu;
9. Kết thúc buổi lễ: Giám đốc học
viện, hiệu trưởng nhà trường hoặc lãnh đạo đơn vị phát biểu ý kiến tiếp thu, cảm
ơn và tuyên bố kết thúc buổi lễ.
MỤC 8. LỄ BẾ GIẢNG
Điều 42.
Nguyên tắc
1. Tổ chức lễ bế giảng khóa học, lớp
học đào tạo trong các học viện, nhà trường, đơn vị Công an nhân dân nhằm đánh
giá kết quả giảng dạy của nhà trường và quá trình học tập, rèn luyện của học
viên.
2. Các lớp học trong một khóa nếu kết
thúc cùng thời gian gần nhau thì tổ chức lễ bế giảng chung một lần, không tổ chức
lễ bế giảng từng lớp riêng trong một trường.
Điều 43. Thành
phần dự lễ
Căn cứ vào tính chất khóa học, lớp
học để quyết định thành phần, số lượng đại biểu dự lễ cho phù hợp; thành phần dự
lễ bao gồm:
1. Khách mời.
2. Ban giám đốc học viện, ban giám
hiệu nhà trường hoặc lãnh đạo đơn vị tổ chức buổi lễ.
3. Cán bộ, giáo viên, học viên.
Điều 44. Bố
trí đội hình
Thực hiện theo quy định tại Điều 19
Thông tư này.
Điều 45. Trang
phục, trang bị, trang trí
1. Trang phục
a) Cán bộ, giáo viên dự lễ: Mặc
trang phục theo quy định tại Khoản 2, Điều 27 và Điều 33 Thông
tư số 17/2012/TT-BCA, ngày 10 tháng 4 năm 2012 của Bộ Công an quy định về
Điều lệnh nội vụ Công an nhân dân;
b) Học viên: Mặc trang phục theo
quy định tại Khoản 1, Điều 28 và Điều 33 Thông tư số
17/2012/TT-BCA, ngày 10 tháng 4 năm 2012 của Bộ Công an quy định về Điều lệnh
nội vụ Công an nhân dân;
c) Tổ Công an kỳ (chỉ bố trí Tổ
Công an kỳ khi tổ chức tuyên thệ): Mặc trang phục theo quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 104 Thông tư số 18/2012/TT-BCA, ngày 10
tháng 4 năm 2012 của Bộ Công an quy định về Điều lệnh đội ngũ Công an nhân dân.
2. Trang bị của Tổ Công an kỳ: Thực
hiện theo quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 104 Thông tư số
18/2012/TT-BCA, ngày 10 tháng 4 năm 2012 của Bộ Công an quy định về Điều lệnh
đội ngũ Công an nhân dân.
3. Trang trí khánh tiết: Thực hiện
theo Quyết định số 1263/2004/QĐ-BCA(X15), ngày 9 tháng 11 năm 2004 của Bộ trưởng
Bộ Công an ban hành quy định về trang trí, khánh tiết hội trường, phong họp
trong lực lượng Công an nhân dân.
Điều 46. Trình
tự tiến hành lễ bế giảng
1. Báo cáo cấp trên;
2. Chào cờ, hát Quốc ca;
3. Tuyên bố lý do, giới thiệu đại
biểu;
4. Giám đốc học viện, hiệu trưởng
nhà trường hoặc lãnh đạo đơn vị báo cáo tổng kết khóa học, lớp học;
5. Công bố quyết định tốt nghiệp,
quyết định phong, thăng cấp bậc hàm và trao bằng tốt nghiệp (hoặc giấy chứng nhận),
gắn cấp hiệu cho học viên:
a) Công bố quyết định tốt nghiệp,
quyết định phong, thăng cấp bậc hàm
- Ban tổ chức mời học viên được
công nhận tốt nghiệp đứng lên nghe công bố quyết định;
- Ban tổ chức đọc quyết định tốt
nghiệp, quyết định phong, thăng cấp bậc hàm.
b) Trao bằng tốt nghiệp và gắn cấp
hiệu
- Ban tổ chức mời đại diện học viên
xuất sắc lên lễ đài, đứng nghiêm thành một hàng ngang để nhận bằng tốt nghiệp
và gắn cấp hiệu;
- Ban tổ chức mời đại diện ban giám
đốc học viện, ban giám hiệu nhà trường hoặc lãnh đạo đơn vị lên trao bằng tốt
nghiệp và gắn cấp hiệu cho học viên;
+ Động tác trao, nhận bằng tốt nghiệp:
Cấp trên đến, học viên tiến một bước, đứng nghiêm thực hiện động tác chào, cấp
trên chào đáp lễ, bắt tay học viên và trao bằng tốt nhgiệp; khi cấp trên trao bằng
tốt nghiệp, học viên đưa hai tay ra nhận, cầm hai cạnh bên của “bằng”, bốn ngón
con ở phía trước, ngón cái ở phía sau, mặt “bằng” hướng về phía trước, cánh tay
khép hờ tự nhiên, cánh tay trên và cánh tay dưới tạo với nhau thành góc khoảng
80 độ (o);
+ Động tác gắn cấp hiệu: Trao bằng
tốt nghiệp xong, cấp trên tháo cấp hiệu cũ từ vai áo bên phải sang vai áo bên
trái và gắn cấp hiệu mới lên vai áo người được nhận; sau khi nhận bằng tốt nghiệp
và được gắn cấp hiệu xong, học viên lùi một bước về vị trí ban đầu;
- Cấp trên trao bằng tốt nghiệp và
gắn xong cấp hiệu cho người cuối cùng, về đứng giữa cùng hàng với các đồng chí
được phong, thăng cấp bậc hàm, cùng toàn thể cán bộ, học viên vỗ tay chúc mừng;
- Lãnh đạo cấp trên về vị trí; học
viên thành hàng đi về nơi quy định.
6. Tuyên thệ: Thực hiện theo quy định
tại Điểm d, Khoản 1, Điều 22 và Khoản 5, Điều 26 Thông tư này;
7. Công bố quyết định khen thưởng
và tổ chức trao thưởng (nếu có);
8. Lãnh đạo cấp trên phát biểu ý kiến
và giao nhiệm vụ;
9. Kết thúc buổi lễ: Giám đốc học
viện, hiệu trưởng nhà trường hoặc lãnh đạo đơn vị phát biểu ý kiến tiếp thu, cảm
ơn và tuyên bố kết thúc buổi lễ.
Chương 3.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 47. Hiệu
lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi
hành kể từ ngày 01 tháng 6 năm 2012.
2. Thông tư này thay thế Quyết định
số 238/2004/QĐ-BCA(C11), ngày 18 tháng 3 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Công an ban
hành kèm theo quy định về các nghi lễ Công an nhân dân và các quy định khác của
Bộ Công an trái với Thông tư này.
Điều 48. Trách
nhiệm thi hành
1. Tổng cục trưởng, Thủ trưởng các
đơn vị trực thuộc Bộ; Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
Giám đốc Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy có trách nhiệm tổ chức thực hiện
Thông tư này.
2. Tổng cục Xây dựng lực lượng Công
an nhân dân có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Thông tư
này theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
3. Trong quá trình tổ chức thực hiện,
nếu có vướng mắc, Công an các đơn vị, địa phương báo cáo về Bộ (qua Tổng cục
Xây dựng lực lượng Công an nhân dân) để được hướng dẫn kịp thời./.
Nơi nhận:
- Các đồng chí Thứ trưởng (để chỉ đạo);
- Các Tổng cục, đơn vị thuộc Bộ (để thực hiện);
- Công an các tỉnh, TP trực thuộc TW (để thực hiện);
- Các Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy (để thực hiện);
- Lưu: VT, X11.
|
BỘ
TRƯỞNG
Thượng tướng Trần Đại Quang
|