VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 354/TB-VPCP
|
Hà Nội, ngày 30
tháng 7 năm 2024
|
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TRẦN LƯU QUANG TẠI CUỘC
HỌP BÁO CÁO TIẾN ĐỘ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN “ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG MỘT TRIỆU
HÉC-TA LÚA CHUYÊN CANH CHẤT LƯỢNG CAO, PHÁT THẢI THẤP GẮN VỚI TĂNG TRƯỞNG XANH
VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG ĐẾN NĂM 2030”
Ngày 17 tháng 7 năm 2024, tại
trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã chủ trì cuộc họp
nghe báo cáo tiến độ, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển
khai “Đề án phát triển bền vững một triệu héc-ta lúa chuyên canh chất lượng
cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến
năm 2030” (sau đây gọi tắt là Đề án). Tham dự cuộc họp có Bộ trưởng Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Lãnh đạo các bộ, cơ quan: Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và
Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn Việt Nam, đại diện lãnh đạo Bộ Công Thương và Văn phòng Chính phủ.
Sau khi nghe Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn báo cáo, ý kiến của các bộ, cơ quan liên quan, Phó Thủ tướng
Chính phủ Trần Lưu Quang kết luận như sau:
I. ĐÁNH GIÁ
CHUNG
1. Ghi nhận và đánh giá cao Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động chủ trì, phối hợp với các bộ,
cơ quan và 12 tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long tích cực triển khai nhiều hoạt
động cụ thể và các mô hình thí điểm, bước đầu mang lại những kết quả tích cực,
thể hiện qua các chỉ số như giảm lượng nước tưới, giống, phân bón, tổng chi phí
đầu vào, tăng năng suất, lợi nhuận so với mô hình đối chứng.
2. Một số khó khăn vướng mắc
trong quá trình triển khai Đề án
Việt Nam là quốc gia đầu tiên
thực hiện giảm phát thải trên lúa với quy mô lớn, chưa có nhiều kinh nghiệm để
tham khảo; diện tích canh tác lúa còn manh mún, nhỏ lẻ, kết cấu hạ tầng phục vụ
sản xuất chưa đồng bộ, số lượng các hộ gia đình, doanh nghiệp tham gia liên kết
với các hợp tác xã, tổ hợp tác để đầu tư sản xuất và bao tiêu sản phẩm còn hạn
chế; hiện nay chưa có nguồn kinh phí riêng để triển khai Đề án đối với vốn ngân
sách trong nước trong khi quy trình xây dựng, phê duyệt dự án vay vốn của Ngân
hàng Thế giới (WB) cần có nhiều thời gian.
II. NHIỆM VỤ,
GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM TRONG THỜI GIAN TỚI
Qua báo cáo của Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn về tình hình sản xuất, xuất khẩu lúa gạo trong những
năm vừa qua và dự báo tình hình trong thời gian tới, có thể thấy chưa bao giờ
ngành lúa gạo Việt Nam có cơ hội thuận lợi để phát triển như hiện nay. Đề án
này đã khởi tạo một phương thức sản xuất mới phù hợp với xu thế sản xuất và
tiêu dùng, đồng thời tạo ra bước chuyển mang tính đột phá về tư duy làm nông
nghiệp trong bối cảnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt với ảnh hưởng
tiêu cực của biến đổi khí hậu, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống của người
trồng lúa và doanh nghiệp, hiện thực hóa mục tiêu đạt phát thải ròng bằng không
vào năm 2050.
Tại cuộc họp này, các bộ, ngành
đều thống nhất quyết tâm thực hiện thành công Đề án, đồng thời nhận thức rõ bên
cạnh những kết quả đạt được bước đầu, còn rất nhiều công việc phải triển khai,
cần có sự quyết tâm rất lớn và sự tham gia tích cực của các bộ, cơ quan, đặc biệt
là sự chủ động của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sự vào cuộc quyết liệt
của các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cần được sự quan tâm, bố trí kinh
phí thỏa đáng từ ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, sự đóng góp của
các doanh nghiệp, hỗ trợ từ các tổ chức, đối tác quốc tế và các nguồn lực hợp
pháp khác.
Để Đề án được triển khai đúng
tiến độ, hiệu quả, đề nghị các bộ, ngành trung ương và 12 tỉnh vùng Đồng bằng
sông Cửu Long tập trung chỉ đạo, triển khai đồng bộ, quyết liệt một số nhiệm vụ
trọng tâm sau:
1. Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn
- Nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của
các bộ, cơ quan: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Ngân
hàng Nhà nước Việt Nam và cơ quan liên quan tại cuộc họp, tiếp tục đẩy mạnh triển
khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đã được xác định tại Quyết định số
1490/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ tại
Thông báo kết luận số 55/TB-VPCP ngày 16 tháng 02 năm 2024;
- Rà soát hoàn thiện kế hoạch
thực hiện Đề án, trong đó xác định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của bộ ngành trung
ương, địa phương, kết quả dự kiến và thời hạn hoàn thành của từng nhiệm vụ; lập
sơ đồ đường găng để thực hiện từng nhiệm vụ cụ thể cho từng quý, từng năm, cả
chu kỳ thực hiện Đề án làm cơ sở để theo dõi, kiểm tra, đôn đốc và có giải pháp
xử lý kịp thời;
- Tập trung triển khai có hiệu
quả các cơ chế, chính sách hiện hành, đồng thời tập trung nghiên cứu tham mưu
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung, ban hành các cơ chế,
chính sách mới, mang tính đột phá về hỗ trợ, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng,
áp dụng khoa học và công nghệ hiện đại cho vùng quy hoạch trồng lúa có năng suất,
chất lượng cao, bảo vệ đất trồng lúa…; khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ
ban hành Nghị định quy định chi tiết về đất trồng lúa;
- Chủ trì, phối hợp chặt chẽ với
Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương làm tốt công tác
quy hoạch đất trồng lúa, khoanh vùng và xác định cụ thể diện tích vùng trồng
lúa năng suất, chất lượng cao, vùng đất chuyên trồng lúa cần bảo vệ nghiêm ngặt
là cơ sở để Nhà nước đầu tư, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng và khoa học công nghệ
theo quy định của pháp luật; hướng dẫn tiêu chí lựa chọn, tham gia Đề án; Ban
hành định mức kinh tế kỹ thuật trên cơ sở “Quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất
lượng cao và phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long”;
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài
nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính hoàn thiện Đề án tham gia thị trường các-bon
đối với tín chỉ các-bon được hình thành từ việc triển khai Đề án; ban hành quy
định về đo đạc, thẩm định, báo cáo (MRV) về giảm phát thải khí nhà kính thực hiện
Đề án; xây dựng, đề xuất chính sách thí điểm chi trả kết quả giảm phát thải khí
nhà kính cho các chủ thể tham gia Đề án, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết
định;
- Khẩn trương nghiên cứu, xác định
cụ thể nhu cầu và nguồn vốn thực hiện Đề án theo quy định, hoàn thành trong
tháng 8 năm 2024. Đối với đề xuất dự án vay vốn của Ngân hàng Thế giới: cần làm
rõ mục tiêu, các hạng mục đầu tư, nội dung công việc, hoạt động của dự án, bảo
đảm thống nhất, đồng bộ, không trùng lắp, chồng chéo, phát huy tối đa nguồn lực
và kinh nghiệm của các dự án đã và đang triển khai tại vùng Đồng bằng sông Cửu
Long (trong đó có các dự án Mekong DPO), đồng thời bảo đảm phù hợp với các quy
hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế
hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu, có báo cáo cụ
thể việc thí điểm chính sách đặc thù trong trường hợp sử dụng nguồn vốn ODA và
vốn vay ưu đãi từ các đối tác phát triển quốc tế để triển khai Đề án (sự cần
thiết, cơ sở pháp lý, đánh giá tác động, thẩm quyền quyết định), báo cáo cấp có
thẩm quyền xem xét trong tháng 8 năm 2024; nghiên cứu tham mưu Thủ tướng Chính
phủ xem xét thành lập Tổ công tác gồm đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa
phương liên quan để xây dựng dự án vay vốn của Ngân hàng Thế giới (nếu cần thiết)
theo đúng quy định;
- Chủ trì, phối hợp với Bộ
Thông tin và Truyền thông và các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long đẩy mạnh
công tác truyền thông với nhiều hình thức khác nhau, phù hợp với từng nhóm đối
tượng nhằm thay đổi nhận thức, tạo sự đồng thuận của các cấp, các ngành, doanh
nghiệp và người dân về Đề án.
2. Các Bộ: Kế
hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường và cơ quan liên quan
Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ được
giao theo quy định tại Quyết định số 1490/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2023 của
Thủ tướng Chính phủ và ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ (tại Thông
báo kết luận số 55/TB-VPCP ngày 16 tháng 02 năm 2024 của Văn phòng Chính phủ);
phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện Đề án.
3. Ngân hàng
Nhà nước Việt Nam
Chủ trì, phối hợp với Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan kịp thời hướng dẫn, chỉ
đạo tổ chức tín dụng tổ chức triển khai Chương trình cho vay liên kết sản xuất,
chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng Đồng
bằng sông Cửu Long sau khi cấp có thẩm quyền xem xét có ý kiến.
4. Ủy ban nhân
dân 12 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long
- Xác định vùng chuyên canh đủ
điều kiện, các liên kết và chủ thể đủ điều kiện tham gia liên kết sản xuất, chế
biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp trên địa
bàn, gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp và công bố;
- Xác định diện tích và khoanh
vùng các khu vực được quy hoạch trồng lúa năng suất, chất lượng cao, khu vực
chuyên trồng lúa cần bảo vệ nghiêm ngặt; theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra các chủ
thể tham gia liên kết lúa gạo trong việc thực hiện cam kết, có giải pháp xử lý
trường hợp các bên tham gia liên kết không thực hiện theo cam kết đã thỏa thuận.
Văn phòng Chính phủ thông báo để
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, cơ quan, địa phương liên quan
biết, thực hiện./.
Nơi nhận:
- TTgCP, PTTgCP Trần Lưu Quang (để
b/c);
- Các Bộ: NNPTNT, KHĐT, TC, TNMT, CT, TP;
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
- Ngân hàng NNPTNT Việt Nam;
- UBND các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL;
- VPCP: BTCN, PCN Mai Thị Thu Vân; Trợ lý TTgCP, Thư ký PTTg Trần Lưu Quang;
các Vụ: KTTH, QHQT, PL, TCCV;
- Lưu VT, NN (03). Hg
|
KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM
Mai Thị Thu Vân
|