BỘ NÔNG
NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 2522/TB-BNN-VP
|
Hà Nội, ngày
05 tháng 5 năm 2021
|
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA THỨ TRƯỞNG LÊ QUỐC DOANH TẠI HỘI NGHỊ SƠ KẾT SẢN XUẤT TRỒNG
TRỌT VỤ ĐÔNG XUÂN 2020 - 2021; TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH SẢN XUẤT VỤ HÈ THU, THU
ĐÔNG, MÙA NĂM 2021 TẠI NAM BỘ
Ngày 24/03/2021, Bộ Nông nghiệp và
PTNT phối hợp với UBND Thành phố Cần Thơ tổ chức Hội nghị “Sơ kết sản xuất trồng
trọt vụ Đông Xuân 2020 - 2021; triển khai kế hoạch sản xuất vụ Hè Thu, Thu
Đông, Mùa năm 2021 tại Nam bộ”. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Quốc Doanh
và Phó Chủ tịch UBND Thành phố Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè chủ trì hội nghị. Tham dự
Hội nghị có lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT và các cơ quan liên quan của các tỉnh,
thành phố vùng Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long; Đại diện lãnh đạo các
đơn vị liên quan thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT; Đài Khí tượng thủy văn Khu vực Nam
bộ; Hiệp hội lương thực Việt Nam và một số doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vật
tư nông nghiệp; Cơ quan Báo, Đài Trung ương và địa phương.
Sau khi nghe các báo của Cục Trồng trọt,
Cục Bảo vệ thực vật, Tổng cục Thủy lợi, Đài Khí tượng thủy văn Khu vực Nam bộ,
ý kiến phát biểu của một số Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh,
thành phố vùng Nam bộ và các đại biểu tham dự Hội nghị, Thứ trưởng Lê Quốc
Doanh kết luận như sau:
1. Bộ đánh giá cao công tác phối hợp, chủ động chỉ đạo
tổ chức triển khai sản xuất Vụ Đông Xuân 2020 - 2021 giữa các đơn vị thuộc Bộ
Nông nghiệp và PTNT với UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh, thành phố
vùng Nam Bộ, trong bố trí thời vụ, cơ cấu giống, áp dụng các giải pháp kỹ thuật
để né hạn, mặn trong sản xuất vụ Đông Xuân 2020 - 2021. Kết quả sản xuất vụ
Đông Xuân 2020 - 2021 đạt thắng lợi toàn diện. Sản xuất lúa vụ Đông Xuân 2020 -
2021 của vùng Nam bộ là 1.596,5 nghìn ha, năng suất ước đạt 70,0 tạ/ha, tăng 02
tạ/ha; sản lượng ước đạt 11.176 nghìn tấn, tăng 144 nghìn tấn. Diện tích trồng
giống lúa thơm, đặc sản và chất lượng cao chiếm tỷ lệ 77,5%, tăng 1,2% so với vụ
Đông Xuân 2019 - 2020. Diện tích chuyển đổi cây trồng trên đất lúa vụ ước đạt
27.641 ha, trong đó chuyển đổi cây hằng năm là 18.808 ha; cây ăn quả là 4.133
ha và nuôi trồng thủy sản là 4.700 ha.
Hiện nay vẫn còn 500 nghìn ha lúa
Đông Xuân chưa thu hoạch. Trước những diễn biến bất thường của thời tiết, khí hậu,
khô hạn gay gắt, cần tiếp tục theo dõi, diện tích đến thời kỳ thu hoạch cần đẩy
mạnh thu hoạch nhanh gọn, với phương châm “xanh nhà hơn già đồng” đảm bảo an
toàn trên diện tích chưa đến kỳ thu hoạch.
2. Để chuẩn bị tốt cho sản xuất cây trồng vụ
Hè Thu và các mùa vụ tiếp theo, đề nghị các địa phương và các đơn vị cần tập
trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ như sau:
a) Các địa phương:
- Thường xuyên cập nhật diễn biến thời
tiết, khí tượng, thủy văn để có giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả, kiểm tra
hệ thống thủy lợi, củng cố, cải tạo thủy lợi nội đồng, đê bao, bờ bao, công tác
chuẩn bị ứng phó với mưa, lũ bất thường.
- Xây dựng kế hoạch sản xuất lúa vụ
Hè Thu, vụ Thu Đông, vụ Mùa cho cả năm 2021 theo định hướng chung của Bộ, phù hợp
với điều kiện của từng địa phương, linh hoạt điều chỉnh theo tình hình thực tế;
chỉ đạo áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng,
giảm giá thành, tăng lợi nhuận cho người sản xuất, trong đó:
+ Vụ Hè Thu: thời vụ cần khoanh vùng
cụ thể theo nguồn nước cung cấp cho sản xuất; xuống giống sớm và tập trung; cơ
cấu giống tập trung giống lúa thơm, đặc sản và chất lượng cao; với giống lúa nếp
cần tính toán kỹ đầu ra cho tiêu thụ sản phẩm.
+ Vụ Thu Đông: theo dõi sát tình hình
nguồn nước, nhu cầu tiêu dùng của thị trường để bố trí diện
tích linh hoạt trong toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long từ 700 - 730 nghìn ha;
thời vụ gieo phải tính toán với phương châm tránh, né hạn, mặn vào cuối vụ Đông
Xuân 2021 - 2022; tăng cường sử dụng giống chất lượng cao, hạn chế giống lúa nếp
và lúa chất lượng trung bình; củng cố hệ thống đê bao, bờ bao để hạn chế ảnh hưởng do lũ đến sản xuất vụ Thu Đông.
+ Vụ Mùa: đối với diện tích lúa tôm cần
ưu tiên sử dụng giống chất lượng cao, đặc sản để nâng cao
hiệu quả kinh tế.
- Trong sản xuất các loại cây trồng
khác cần ưu tiên những nội dung sau:
+ Cây sắn: Quản lý tốt nguồn giống sạch
bệnh cho sản xuất và theo dõi phòng chống hiệu quả bọ phấn trắng gây bệnh vi
rút khảm lá sắn.
+ Cây ngô: Quản lý tốt sâu keo mùa
thu gây hại trên cây ngô.
+ Cây công nghiệp dài ngày: tăng cường,
áp dụng các kỹ thuật canh tác tiến bộ vào sản xuất, tưới tiết kiệm nước, đẩy mạnh
tái canh cây cà phê, cây điều bằng giống mới, thích nghi với sự biến đổi
của khí hậu. Không mở rộng diện tích và trồng tái canh hồ tiêu
trên diện tích bị sâu bệnh gây hại nặng và điều kiện sinh thái không phù hợp.
+ Cây ăn quả: tiếp tục theo dõi, chỉ
đạo và hướng dẫn rộng rãi phòng chống, khắc phục ảnh hưởng hạn, mặn trên vườn
cây ăn quả, vườn giống cây ăn quả.
- Tăng cường các biện pháp kỹ thuật đảm
bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất lúa, rau, quả, cây công nghiệp
trong tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.
- Tăng cường công tác thanh kiểm tra
vật tư đầu vào sản xuất trên địa bàn.
- Đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi liên kết
với doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu để bao tiêu sản phẩm,
hình thành vùng sản xuất hàng hóa lớn mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
b) Cục Trồng trọt:
- Phối hợp với Tổng cục Thủy lợi, Cục
Bảo vệ thực vật, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và các địa phương tiếp tục triển
khai các giải pháp để bảo vệ diện tích lúa Đông Xuân 2020
- 2021 chưa thu hoạch.
- Chủ trì, phối hợp cùng với Tổng cục
Thủy lợi, Cục Bảo vệ thực vật, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và một số Viện
nghiên cứu thuộc Bộ thành lập các đoàn công tác làm việc với các địa phương rà
soát tình hình nguồn nước, diễn biến hạn hán, xâm nhập mặn để xây dựng kế hoạch
sản xuất linh hoạt, phù hợp, sát thực tiễn.
- Phối hợp với các đơn vị liên quan
thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội lương thực Việt Nam, Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn một số tỉnh, thành phố sản xuất lúa tập
trung, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, tiêu thụ lúa gạo tổ chức Hội nghị liên
kết tiêu thụ lúa gạo tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
c) Tổng cục Thủy lợi:
- Theo dõi, cập nhật, dự báo sớm, sát
với diễn biến tình hình nguồn nước phục vụ sản xuất cây trồng vụ Đông Xuân và
các vụ tiếp theo năm 2021, khuyến cáo các giải pháp tích trừ nước ngọt, canh
tác tiết kiệm nước, sử dụng hiệu quả nguồn nước; Thực hiện tốt điều tiết nước
liên vùng từng khu vực.
- Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải
pháp chứa nước, tích nước và đảm bảo nước sinh hoạt cho các vùng đang thiếu nước
trong ngắn hạn và dài hạn.
d) Cục Bảo vệ thực vật:
- Tập trung theo dõi sát tình hình
sâu bệnh hại trên diện tích lúa vụ Đông Xuân 2020 -2021 chưa thu hoạch và các
loại cây trồng khác trong khu vực.
- Tăng cường công tác dự tính, dự
báo, điều tra phát hiện tình hình phát sinh, gây hại các loài sâu bệnh chính
trên cây trồng; kịp thời hướng dẫn các biện pháp phòng trừ, không để sâu bệnh
phát sinh trên diện rộng, gây thiệt hại tới sản xuất. Đặc biệt lưu ý các đối tượng
gây hại nguy hiểm như: bệnh khảm lá sắn, bệnh chết nhanh
chết chậm trên hồ tiêu, sâu keo mùa thu trên cây ngô.
đ) Trung tâm Khuyến
nông Quốc gia:
- Tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo
và nhân rộng các tiến bộ kỹ thuật về giống, bón phân, biện pháp canh tác, biện
pháp phòng chống hạn, mặn, khôi phục sinh trưởng cây trồng sau hạn mặn, cơ giới
hóa trong sản xuất.
- Tiếp tục xây dựng và nhân rộng mô
hình khôi phục sinh trưởng cây trồng sau hạn mặn, giảm lượng giống lúa, giảm
thuốc bảo vệ thực vật, tăng cường sử dụng phân hữu cơ, sản xuất an toàn thực phẩm,
sản xuất có chứng nhận, cơ giới hóa trong sản xuất, giảm chi phí sản xuất thích
ứng với biến đổi khí hậu của vùng.
e) Viện Khoa học
Nông nghiệp Việt Nam (Viện Cây ăn quả miền Nam, Viện lúa Đồng bằng sông Cửu
Long, Viện KHKT Nông nghiệp miền Nam):
- Đẩy mạnh công tác nghiên cứu và chuyển
giao kỹ thuật, giới thiệu các giống mới có năng suất chất lượng tốt,
chống chịu tốt với sâu bệnh hại và điều kiện khô hạn, xâm nhập mặn, ngập lũ.
- Trình diễn và chuyển giao các mô hình hiệu quả, quy trình kỹ thuật canh tác tiên tiến phù hợp
cho vùng Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn thông báo để các địa phương, đơn vị biết, phối hợp thực hiện./.
Nơi nhận:
- Bộ trưởng Lê Minh Hoan
(để b/c);
- Thứ trưởng Lê Quốc Doanh (để b/c);
- UBND các tỉnh, thành ĐNB và ĐBSCL;
- Sở NN và PTNT các tỉnh, thành ĐNB và ĐBSCL;
- Tổng cục Thủy lợi;
- Cục: Trồng trọt, BVTV; TTKNQG;
- Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam;
- Viện CAQ miền Nam; Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long; Viện KHKT NN miền Nam;
- Viện KHTL miền Nam;
- Viện QHTL miền Nam;
- Lưu: VT, TH.
|
TL. BỘ TRƯỞNG
CHÁNH VĂN PHÒNG
Lê Văn Thành
|