VĂN
PHÒNG CHÍNH PHỦ
-----
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------
|
Số:
25/TB-VPCP
|
Hà
Nội, ngày 05 tháng 02 năm 2007
|
THÔNG BÁO
Ý
KIẾN CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI HỘI NGHỊ TỔNG KẾT CÔNG TÁC NĂM 2006 VÀ TRIỂN
KHAI NHIỆM VỤ NĂM 2007 CỦA NGÀNH NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Ngày 11 tháng 01 năm 2007 tại Hà
Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dự và phát biểu ý kiến tại Hội nghị tổng kết công
tác năm 2006 và triển khai nhiệm vụ năm 2007 của ngành Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn. Cùng tham dự có đại diện lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài
chính, Khoa học và Công nghệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Văn phòng Chính phủ.
Sau khi nghe đại diện lãnh đạo Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát
triển nông thôn năm 2006 và phương hướng nhiệm vụ năm 2007, ý kiến của các đại
biểu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có ý kiến như sau:
I. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH
NĂM 2006
1. Triển khai Nghị quyết của Quốc
hội và Chính phủ về việc triển khai nhiệm vụ kế hoạch và ngân sách năm 2006,
trong điều kiện trong nước và quốc tế có nhiều biến động, như: dịch bệnh trên
cây trồng, vật nuôi diễn biến phức tạp; hạn hán, bão, lũ diễn ra gay gắt, nhất
là ở các tỉnh miền Trung và Nam Bộ, giá cả xăng dầu, vật tư, thiết bị trên thế
giới tăng cao, nhưng ngành nông nghiệp, nông thôn đã đạt được thành tựu đáng
phấn khởi, góp phần tích cực thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kế hoạch và ngân sách
của cả nước; nổi bật là:
- Sản xuất tiếp tục tăng trưởng với
tốc độ cao và phát triển toàn diện trên các lĩnh vực. Sản xuất lương thực năm
2006 sản lượng đạt 39,65 triệu tấn, trong đó sản lượng thóc đạt 35,83 triệu tấn.
Cây công nghiệp tập trung như cà phê, cao su, hồ tiêu, chè, điều tiếp tục phát
triển và đã gắn với công nghiệp chế biến góp phần nâng cao chất lượng, hạ giá
thành nông sản; nâng cao tỷ suất hàng hoá và kim ngạch xuất khẩu.
- Cơ cấu sản xuất nông nghiêp, kinh
tế nông thôn tiếp tục có sự chuyển dịch tích cực, tỷ trọng ngành trồng trọt
giảm, chăn nuôi tăng, nhiều làng nghề khôi phục và phát triển, nhiều doanh nghiệp
nhỏ và vừa trong nông nghiệp, nông thôn được thành lập tạo nhiều việc làm, tăng
thu nhập cho nông dân. Cơ cấu cây trồng chuyển dịch theo hướng: diện tích gieo
trồng lúa giảm nhưng sản lượng, chất lượng tăng, bảo đảm an ninh lương thực
quốc gia. Nhiều nông sản xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ đô la và có vị thế
trên thị trường thế giới như: gạo, cao su, cà phê và đồ gỗ. Lâm nghiệp đã có
chuyển biến tích cực, độ che phủ của rừng đạt 37,2%; chất lượng rừng trồng mới
được cải thiện.
- Khoa học công nghệ và tiến bộ kỹ
thuật mới được áp dụng vào sản xuất; nhất là trong tuyển chọn, tạo giống mới,
nhân nhanh giống bằng công nghệ cao, công nghệ sinh học và áp dụng biện pháp
canh tác tiên tiến đã góp phần tăng năng suất và chất lượng nông sản, hạ giá
thành sản phẩm, nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích canh tác.
- Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội
phát triển khá; đặc biệt, hệ thống thuỷ lợi, đê điều đã được quan tâm đầu tư, tạo
điều kiện cho trồng chọt, chăn nuôi phát triển, góp phần hạn chế có hiệu quả
các thiệt hại do thiên tai gây ra. Đời sống nhân dân từng bước được cải thiện,
nghèo đói giảm, bộ mặt nông thôn thay đổi nhanh theo hướng công nghiệp hoá, đô
thị hoá.
- Quan hệ sản xuất có bước chuyển
biến tích cực, đang xuất hiện nhiều bộ nông dân, trang trại, hợp tác xã, nông,
lâm trường quốc doanh là mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi.
Tuy nhiên, trong năm qua, phát triển
nông nghiệp, nông thôn chưa bền vững, còn nhiều bất cập so với yêu cầu công
nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập kinh tế quốc tế: cơ cấu nông nghiệp trong
nền kinh tế còn cao, tỷ trọng các ngành dịch vụ, công nghiệp ở nông thôn tăng
chậm, nền kinh tế chủ yếu vẫn thuần nông; đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào
lĩnh vực này còn ít; khoa học và công nghệ chưa tạo được khâu đột phá cho phát
triển và chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn; hạ tầng kinh tế xã hội vẫn
ở mức thấp, chưa đáp ứng yêu cầu phòng, chống giảm nhẹ thiên tai dịch bệnh khi
xẩy ra; quan hệ sản xuất chậm được đổi mới, phát triển.
II. MỘT SỐ CÔNG TÁC CẦN TẬP
TRUNG TRIỂN KHAI TRONG NĂM 2007
Để đạt mục tiêu đến năm 2020 nước
ta trở thành nước công nghiệp và yêu cầu, mục tiêu của công nghiệp hóa, hiện
đại hoá nông nghiệp nông thôn, nhiệm vụ kế hoạch nông nghiệp, nông thôn năm
2007, cần tập trung triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
1. Duy trì tốc độ tăng trưởng cao,
bền vững; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp
hoá, hiện đại hoá. Tiếp tục rà soát, bổ sung quy hoạch sản xuất nông nghiệp cho
phù hợp với yêu cầu thị trường, nâng cao khả năng cạnh tranh, phát huy lợi thế
nền nông nghiệp nhiệt đới. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhanh chóng
nghiên cứu, đề xuất cơ chế và giải pháp chính sách để đẩy nhanh chuyển dịch cơ
cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn phù hợp với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc
tế, nhất là sau khi Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế
giới.
a) Về sản xuất lương thực: cần xác
định đây là ngành hàng sản xuất có lợi thế và khả năng canh trạnh của Việt Nam và bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Giữ ổn định diện tích trồng lúa khoảng 4 triệu
ha có tưới ổn định; tập trung đầu tư thâm canh, sử dụng giống mới có năng suất,
chất lượng cao, áp dụng các phương thức canh tác tiên tiến, thực hiện cơ giới
hoá từ làm đất đến thu hoạch, đẩy mạnh công nghiệp bảo quản sau thu hoạch và
chế biến. Sớm tổng kết chương trình sản xuất 1,0 triệu ha lúa chất lượng cao để
mở rộng. Tập trung chỉ đạo kiên quyết không để dịch rầy nâu, vàng lùn và lùn
xoắn lá tái bùng phát trở lại ảnh hưởng đến các vụ lúa tiếp theo. Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thương mại phối hợp với Uỷ ban nhân dân các
tỉnh và Hiệp hội Lương thực Việt Nam chỉ đạo tốt việc tiêu thụ lúa Đông Xuân
2006-2007 ở đồng bằng sông Cửu Long, không để rớt giá làm ảnh hưởng đến đời
sống nông dân.
b) Về các loại cây công nghiệp: cần
tập trung đầu tư thâm canh diện tích hiện có và mở rộng diện tích ở nơi có điều
kiện đối với một số loại cây công nghiệp đang có lợi thế và khả năng cạnh
tranh: cao su, cà phê, điều, tiêu và một số cây ăn quả, rau và hoa.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn phối hợp cùng các tỉnh Tây Nguyên hoàn thành việc rà soát quy hoạch 3 loại
rừng, điều chỉnh diện tích đất trồng rừng kinh tế, rừng và đất rừng không còn
chức năng phòng hộ sang trồng cao su để đến năm 2010 diện tích cao su cả nước
đạt 700.000 ha. Việc phát triển trồng mới cao su trên địa bàn Tây Nguyên phải
gắn với việc thu hút lao động đồng bào dân tộc vào làm việc cho các doanh
nghiệp bảo đảm đồng bào có đất sản xuất, có việc làm, có thu nhập, ổn định đời
sống.
Đối với cây ăn quả, rau và hoa phải
tập trung áp dụng nhanh tiến độ khoa học và công nghệ để nâng cao năng suất,
chất lượng, bảo quản, chế biến và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
c) Về chăn nuôi: sớm hoàn thành quy
hoạch phát triển chăn nuôi, chế biến sản phẩm chăn nuôi theo hướng công nghiệp
và sản xuất thức ăn chăn nuôi bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, nhằm tăng
nhanh tỷ trọng chăn nuôi trong tổng giá trị sản phẩm nông nghiệp. Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương phải tập trung cao nhất, chỉ đạo quyết liệt nhất để sớm khống chế và dập
tắt dịch cúm gia cầm, dịch lở mồm long móng gia súc; phải điều chỉnh ngay chủ
trương cấm ấp nở thuỷ cầm ở đồng bằng sông Cửu Long; trước mắt, tất cả thuỷ cầm
đang nuôi (từ 15 ngày tuổi trở lên) phải được tiêm phòng.
d) Về lâm nghiệp: Cần nhanh chóng
hoàn thành công tác rà soát, điều chỉnh và quy hoạch 3 loại rừng. Trong năm
2007 xây dựng trình thủ tưởng Chính phủ chiến lược phát triển rừng trên phạm vi
cả nước theo hướng giữ ổn định 2 triệu ha rừng đặc dụng, 6 triệu ha rừng phòng
hộ và 8 triệu ha rừng kinh tế; đảm bảo độ che phủ của rừng 42%-43%; khuyến
khích, tạo điều kiện các thành phần kinh tế đầu tư trồng rừng; khẩn trương hoàn
thành việc giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhân
dân bảo vệ, chăm sóc và trồng mới.
2. Về chuyển dịch cơ cấu kinh tế
nông thôn phải theo hướng: tăng nhanh các ngành dịch vụ công nghiệp, nhất là các
ngành công nghệ chế biến gắn với việc sử dụng nguồn nguyên liệu từ nông nghiệp,
sử dụng nhiều lao động, sản xuất hàng tiêu dùng, khôi phục, phát triển ngành
nghề, làng nghề; bảo vệ nguồn tài nguyên (đất, nước,..., vệ sinh môi trường
nông thôn và xây dựng nông thôn mới; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ
trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành
phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách để thúc đẩy
chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn và giảm các khoản đóng góp của nông dân,
bao gồm cả chính sách hỗ trợ thuỷ lợi phí.
Tiếp tục đầu tư cải tạo nâng cấp
cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội ở nông thôn đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu nông
nghiệp, kinh tế nông thôn thực hiện công nghiệp hoá hiện đại hoá; trước hết tập
trung đầu tư và đưa vào sử dụng những công trình trực tiếp giảm nhẹ thiên tai
bão lũ, dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm và vệ sinh môi trường ở nông thôn
như: giao thông, thuỷ lợi, đê điều, cảnh báo bão, lũ, dịch bệnh gia súc, gia
cầm và cây trồng...v.v.
3. Làm tốt công tác đào tạo, nghiên
cứu, chuyển giao khoa học, công nghệ tiếp nhận các tiến bộ khoa học, công nghệ
của các nước trên thế giới, đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến lâm để chuyển
giao nhanh tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất, đáp ứng yêu cầu chuyển
dịch cơ cấu, phát triển nông nghiệp nông thôn. Tiếp tục chỉ đạo có hiệu quả
công tác xoá đói, giảm nghèo; giải quyết việc làm, nhất là đối với nông dân bị
thu hồi đất sản xuất cho phát triển công nghiệp, đô thị, xây dựng hạ tầng và nhu
cầu công cộng khác; nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch nông thôn; có quy
hoạch kế hoạch khắc phục và giải quyết ô nhiễm môi trường, trước hết ở các cụm
công nghiệp, làng nghề nông thôn.
4. Nâng cao hiệu quả công tác quản
lý Nhà nước (xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, thể chế, thanh tra kiểm
tra,...) và đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục thực hiện phân cấp quản lý
triệt để cho địa phương và cơ sở, tập trung làm tốt chức năng quản lý nhà nước;
rà soát, loại bỏ các thủ tục, giấy tờ gây phiền hà cho sản xuất, doanh nghiệp
và nông dân; quản lý có hiệu quả, chống lãng phí thất thoát trong xây dựng cơ
bản.
5. Tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hoá,
đổi mới sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước; hoàn thành việc sắp
xếp, đổi mới nông, lâm trường quốc doanh trên phạm vi cả nước; đổi mới nâng cao
hiệu quả kinh tế tập thể; khuyến khích, tạo điều kiện cho kinh tế, trang trại
và doanh nghiệp trong nông nghiệp và ở nông thôn phát triển.
III. VỀ MỘT SỐ ĐỀ NGHỊ CỦA
BỘ
1. Về việc phân bố kinh phí nghiên
cứu khoa học, công nghệ: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì làm
việc với các Bộ: Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và đầu tư và Văn
phòng Chính phủ để có cơ chế phân bổ phù hợp.
2. Về việc đào tạo cán bộ ngành nông
nghiệp (theo chương trình 332 và sau đại học): Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn xây dựng tiêu chuẩn đào tạo phù hợp và làm việc với Bộ Giáo dục và
Đào tạo để giải quyết theo thẩm quyền.
3. Bộ máy, tổ chức và cán bộ nông
nghiệp ở cấp xã: cần nghiên cứu theo hướng xã hội hoá một số chức danh về hoạt
động dịch vụ nông nghiệp ở cấp xã, không thực hiện công chức hoá.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo
để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương biết, thực hiện.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và phát triển nông thôn,
Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo;
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
- Các HĐND, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- VPCP: BTCN, các PCN, Ban điều hành 112, Website CP, các Vụ: KTTH, KG, VX,
ĐP, V.IV, TH;
- Lưu: VT, NN (3).170
|
KT.
BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM
Nguyễn Xuân Phúc
|