VĂN
PHÒNG CHÍNH PHỦ
--------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số:
12/TB-VPCP
|
Hà
Nội, ngày 30 tháng 01 năm 2011
|
THÔNG BÁO
Ý
KIẾN KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI ỦY
BAN TRUNG ƯƠNG MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM
Thực hiện Quy
chế phối hợp công tác của Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc
(MTTQ) Việt Nam, ngày 08 tháng 01 năm 2011, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng
và Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm đã chủ trì buổi làm việc
của Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhằm đánh giá kết quả thực
hiện Quy chế phối hợp công tác trong năm 2010, bàn trọng tâm công tác phối hợp
năm 2011. Cùng dự buổi làm việc có các Phó Thủ tướng: Nguyễn Sinh Hùng, Nguyễn
Thiện Nhân; Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Vũ Trọng Kim, các Phó Chủ tịch, Chủ
nhiệm các Hội đồng tư vấn của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; đại diện lãnh
đạo các Bộ, cơ quan: Nội vụ, Lao động - Thương binh và Xã hội, Kế hoạch và Đầu
tư, Tài chính, Tư pháp, Ủy ban Dân Tộc và Văn phòng Chính phủ.
Sau khi nghe
đồng chí Vũ Trọng Kim, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ
Việt Nam báo cáo kết quả phối hợp công tác của Chính phủ và Ủy ban Trung ương
MTTQ Việt Nam năm 2010, nội dung phối hợp công tác năm 2011 và những đề xuất,
kiến nghị của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam với Chính phủ; ý kiến của các đại
biểu dự họp; ý kiến phát biểu của đồng chí Huỳnh Đảm, Chủ tịch Ủy ban Trung
ương MTTQ Việt Nam; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng kết luận:
1. Chính phủ
hoan nghênh những kết quả đã đạt được trong quá trình phối hợp thực hiện nhiệm
vụ của Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam năm 2010.
Chính phủ
đánh giá cao vai trò và kết quả công tác của Mặt trận Tổ quốc: Hệ thống Mặt
trận tiếp tục được tăng cường và mở rộng, khối đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp
tục được củng cố và phát huy; Công tác tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính
quyền thu được những kết quả tích cực, nổi bật là việc tham gia chuẩn bị và tổ
chức tốt Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI; Phong
trào thi đua yêu nước được đẩy mạnh, đặc biệt trong dịp Đại lễ kỷ niệm 1.000
năm Thăng Long - Hà Nội, 80 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 120 năm
ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 65 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9,
35 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, 80 năm ngày
thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam và 50 năm ngày thành lập Mặt
trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam; Các cuộc vận động “Học tập và làm
theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn
hóa ở khu dân cư”, “Ngày vì người nghèo”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng
Việt Nam” có bước phát triển mới, phong phú về nội dung, đa dạng về phương thức
thực hiện, góp phần quan trọng vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, kinh tế,
xã hội của đất nước.
Năm qua,
Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã khắc phục khó khăn, tăng cường
công tác phối hợp và đạt được hiệu quả thiết thực giúp Chính phủ và Mặt trận Tổ
quốc hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, góp phần thực hiện những mục tiêu, nhiệm
vụ chủ yếu đã đề ra.
Bên cạnh
những kết quả đã đạt được, sự phối hợp công tác của Chính phủ và Ủy ban Trung
ương MTTQ Việt Nam vẫn còn một số hạn chế: Việc phối hợp giải quyết ý kiến,
kiến nghị của cử tri và khiếu nại, tố cáo của công dân nhìn chung chưa đáp ứng
yêu cầu và nguyện vọng của nhân dân. Một số cơ quan chưa quan tâm giải quyết,
trả lời theo quy định pháp luật đối với đơn, thư của công dân và văn bản kiến
nghị của Mặt trận. Trong phối hợp xây dựng chính sách, pháp luật, các cơ quan
chức năng của Chính phủ được giao chủ trì chuẩn bị dự thảo, thường gửi văn bản
muộn, thiếu đồng bộ, không đủ thời gian và điều kiện để góp ý và hầu như không
có sự phản hồi việc tiếp thu. Việc phối hợp trong công tác giám sát đại biểu
dân cử, cán bộ, công chức Nhà nước còn nhiều hạn chế so với yêu cầu, nhất là
trong việc giám sát thực hiện chính sách, pháp luật.
Trong năm
2011, Thủ tướng Chính phủ đề nghị sự phối hợp công tác của Chính phủ và Ủy ban
Trung ương MTTQ Việt Nam cần thường xuyên, sâu sắc hơn: Căn cứ vào Nghị quyết
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, Kế hoạch phát triển kinh tế -
xã hội 5 năm 2011 - 2016, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 -
2020, Kế hoạch bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu Hội đồng nhân dân
các cấp (nhiệm kỳ 2011 - 2016) cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong tổ chức và
thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của
đất nước, trong đó tập trung vào các nội dung trọng tâm sau đây:
a) Phối hợp
có hiệu quả việc triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI
của Đảng, cùng với thực hiện nhiệm vụ, các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội
năm 2011 đã đề ra, trong đó tập trung vào 5 nhiệm vụ trọng tâm là: Ổn định kinh
tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát; khởi động mạnh mẽ quá trình tái cấu trúc nền kinh
tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh
nghiệp đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh và mở rộng thị trường; phát triển
các lĩnh vực văn hóa, xã hội, tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc; đẩy
mạnh hoàn thiện thể chế quản lý.
b) Phối hợp
tham gia chuẩn bị tốt và tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa
XIII và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp (nhiệm kỳ 2011 - 2016) đảm bảo dân
chủ, đúng pháp luật.
c) Các cơ
quan và chính quyền các cấp tiếp tục phối hợp và tạo điều kiện để Mặt trận Tổ
quốc đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây
dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt
Nam”, “Ngày vì người nghèo”, góp phần cùng Chính phủ thực hiện có hiệu quả các
Chương trình 132, 134, 135, Nghị quyết 30 a và các chương trình, mục tiêu quốc
gia khác để chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho các tầng lớp nhân dân,
nhất là người nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, đồng bào bị
thiệt hại do thiên tai gây ra....
d) Các cơ
quan và chính quyền các cấp cần tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc thực hiện tốt
chức năng giám sát theo quy định của pháp luật, nhất là trong việc phòng, chống
tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí, góp phần xây dựng Đảng và Nhà
nước trong sạch vững mạnh; phối hợp trong công tác xây dựng pháp luật; chú
trọng nâng cao vai trò phản biện xã hội trong quá trình xây dựng thể chế; tăng
cường phổ biến giáo dục pháp luật trong nhân dân. Đồng thời đề nghị Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam quan tâm đến việc tăng cường thêm nhân sỹ, trí thức tham gia Ban
Thường trực của Mặt trận để tăng thêm tính đại diện.
2. Về những
đề nghị của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam:
a) Về chế độ
phụ cấp cho Trưởng ban công tác Mặt trận ở khu dân cư: Giao Bộ Nội vụ chủ trì
phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam làm việc với Bộ
Tài chính thống nhất đề xuất, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
b) Về phối
hợp với Mặt trận các cấp triển khai thực hiện Chỉ thị số 1869/CT-TTg ngày 10
tháng 10 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về phối hợp với Ủy ban Trung ương
MTTQ Việt Nam đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn
hóa ở khu dân cư” trong giai đoạn mới, giao các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn; Văn hóa, Thể theo và Du lịch; Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ban
Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các cơ quan liên quan sớm triển
khai. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo các Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với
Mặt trận Tổ quốc cùng cấp thành lập, hướng dẫn hoạt động và đảm bảo kinh phí
cho các Ban giám sát đầu tư của cộng đồng theo Quyết định số 80/2005/QĐ-TTg
ngày 18 tháng 4 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ.
c) Về việc
nghiên cứu quy định phụ cấp trách nhiệm cho Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam các
cấp: Giao Bộ Nội vụ chủ trì, Bộ Tài chính tham gia, phối hợp với Ban Thường
trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết
định.
d) Về việc
giải quyết những bất hợp lý về lương và phụ cấp của đội ngũ lãnh đạo Mặt trận
Tổ quốc các cấp: Giao Bộ Nội vụ tham gia phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban
Trung ương MTTQ Việt Nam đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo
tinh thần thực hiện sự bình đẳng công bằng về chế độ, chính sách đối với cán bộ
của các tổ chức trong hệ thống chính trị nước ta hiện nay.
đ) Về một số
vấn đề liên quan đến tôn giáo: Giao Bộ Nội vụ nghiên cứu và báo cáo Thủ tướng
Chính phủ về thẩm quyền, phạm vi công nhận cho phù hợp; đồng thời, chỉ đạo các
địa phương tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 01/2005/CT-TTg ngày 04 tháng 02 năm
2005 về một số công tác với đạo Tin Lành.
e) Về việc
tổng kết đánh giá kết quả các dự án đầu tư hỗ trợ phát triển 5 dân tộc có số
dân dưới 1.000 người (Si La, Pu Péo, Rơ măm, Brâu, Ơ đu): Giao Ủy ban Dân tộc
phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tổng kết; đồng thời chuẩn bị đề án
báo cáo Chính phủ việc đầu tư hỗ trợ phát triển cho các dân tộc có số dân dưới
10.000 người trong giai đoạn tới đây.
Ủy ban Dân
tộc chủ trì phối hợp với các cơ quan đề xuất, trình Thủ tướng Chính phủ xem
xét, bổ sung Chỉ thị số 06/2008/CT-TTg, ngày 01 tháng 02 năm 2008 của Thủ tướng
Chính phủ về phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số
trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cho phù hợp.
Văn phòng
Chính phủ xin thông báo đến Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam,
các Bộ, cơ quan và các địa phương thực hiện./.
|
KT.
BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM
Kiều Đình Thụ
|