SẮC LỆNH
CỦA CHỦ TỊCH NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ SỐ 68/SL NGÀY 18 THÁNG 6 NĂM ẤN ĐỊNH KẾ HOẠCH THỰC HÀNH CÁC CÔNG TÁC THUỶ NÔNG VÀ THỂ LỆ BẢO VỆ CÁC CÔNG TRÌNH THUỶ NÔNG949
CHỦ TỊCH NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Chiểu Sắc lệnh số 194-SL ngày 28 tháng 5 năm 1948 thành lập các Uỷ ban bảo vệ đê điều;
Chiểu Sắc lệnh số 104-SL ngày 1 tháng 1 năm 1948 quy lệ các doanh nghiệp quốc gia;
Theo đề nghị của các Bộ trưởng Bộ Giao thông Công chính, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Bộ Canh nông;
Theo quyết nghị của Hội đồng Chính phủ sau khi Ban Thường trực Quốc hội thoả thuận;
RA SẮC LỆNH:
Điều 1
Sắc lệnh này ấn định:
- Kế hoạch thực hành các công tác thuỷ nông,
- Thể lệ bảo vệ các công trình thuỷ nông.
Công tác thuỷ nông là những công tác cần thiết để tăng hoa lợi ruộng đất, tránh nạn mất mùa và bảo toàn sinh mạng và tài sản của nhân dân, bằng cách điều hoà và sử dụng các nguồn nước thiên nhiên, như dẫn nước tưới ruộng, rút nước thừa ở ruộng, ngăn nước lụt, chắn nước mặn, thau phèn chua trong đồng, vân, vân ...
Các công trình huỷ nông gồm có đê, đập, cầu cống, kè, máy bơm, kênh, mương và tất cả những công trình thuỷ lợi có mục đích tích trữ, phân phối, điều hoà, lưu thông hay ngăn cản dòng nước, để làm lợi cho nghề nông.
Điều 2
Các công tác tu bổ và hộ đê thường niên do các Uỷ ban bảo vệ đê điều các cấp liên khu, tỉnh, huyện, xã thành lập theo Sắc lệnh số 194-SL ngày 28 tháng 5 năm 1948 phụ trách.
CHƯƠNG 1
CÁC HỘI ĐỒNG THUỶ NÔNG
a) Cấp tỉnh
Điều 3
Nay lập ở mỗi tỉnh một hội đồng thuỷ nông gồm có:
Chủ tịch UBKCHC tỉnh hay người đại diện Chủ tịch
Trưởng Ty Túc mễ hay Khuyến nông do UBKCHC tỉnh cử Thư ký
Trưởng Ty Công chính tỉnh Thuyết trình viên
Một đại biểu đoàn thể nông dân, do đoàn thể cử Uỷ viên
Một đại biểu nông gia, do Hội đồng nhân dân tỉnh cử Uỷ viên
Điều 4
Nhiệm vụ của Hội đồng thuỷ nông tỉnh là:
1- Xét các công tác thuỷ nông, kể cả đê điều, trong tỉnh, và đề nghị cùng các cơ quan chuyên môn nghiên cứu và thực hành.
2- Vận động nhân dân tham gia bằng cách giúp đỡ của và công vào việc xây dựng, tu bổ và khai thác các công trình thuỷ nông sau khi đã được UBKCHC tỉnh thoả thuận.
b) Cấp liên khu
Điều 5
Nay lập ở mỗi liên khu một Hội đồng thuỷ nông gồm có:
Chủ tịch UBKCHC liên khu hay người đại diện Chủ tịch
Giám đốc Nông chính liên khu Thư ký
Giám đốc công chính liên khu Thuyết trình viên
Một đại biểu đoàn thể nông dân do đoàn thể cử Uỷ viên
Một đại biểu nông gia do UBKCHC liên khu cử Uỷ viên
Điều 6
Nhiệm vụ của Hội đồng thuỷ nông liên khu là:
1- Xét các đề nghị và kiểm soát các công việc của các Hội đồng thuỷ nông tỉnh;
2- Nghiên cứu và đề nghị thực hành những công tác lợi ích cho nhiều tỉnh trong liên khu, vận động dân chúng tham gia bằng cách góp của và công vào việc xây dựng, tu bổ và khai thác các công tác thuỷ nông sau khi đã hỏi ý kiến các Hội đồng thuỷ nông và UBKCHC các tỉnh sở quản.
CHƯƠNG 2
CÁC PHẠM PHÁP
Điều 7
Cấm không ai được đào đất, trồng cây, cắm cọc, làm nhà, cho súc vật dẫm phá gần đê, đập, kênh và cầu cống phụ thuộc, trong một địa phận bảo vệ, do Bộ Giao thông Công chính ấn định ; hoặc làm hư hỏng, bằng một cách nào khác, các công trình thuỷ nông. Chỉ những nhân viên chuyên môn chuyên trách mới được phép sử dụng các công trình thuỷ nông, theo đúng mục đích của các công trình đó.
Điều 8
Những người phạm vào điều 7 trên này sẽ bị phạt như sau:
- Phạt tiền từ 100đ đến 100.000đ
- Phạt tù:
+ Từ 10 ngày đến 2 năm, nếu việc phạm pháp gây thiệt hại cho nhân dân trong một xã;
+ Từ 3 tháng đến 5 năm, nếu thiệt hại cho nhân dân một huyện;
+ Từ 1 năm đến chung thân, nếu thiệt hại cho nhân dân trong một tỉnh;
+ Từ 3 năm đến tử hình, nếu thiệt hại cho nhân dân nhiều tỉnh;
- Hoặc một trong hai hình phạt trên.
Ngoài ra, can phạm còn phải bồi thường để sửa chữa những sự hư hỏng đã làm ra. Số tiền bồi thường sẽ do sở Công chính ấn định.
Trong thời kỳ kháng chiến, những tội kể trên có thể bị truy tố trước toà án quân sự.
Điều 9
Được lập biên bản các phạm pháp:
- Các uỷ viên trong UBKCHC các cấp ;
- Các Ban tư pháp xã, các phụ trách và uỷ viên tư pháp Công an ;
- Các nhân viên Nông giang chuyên trách, từ cấp cán sự trở lên;
- Các nhân viên Canh nông chuyên trách, từ cấp cán sự trở lên.
Điều 10
Các Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Bộ Giao thông Công chính và Bộ Canh nông, mỗi khi cần, sẽ ra nghị định quy định, trong phạm vi mỗi Bộ, các chi tiết để thi hành sắc lệnh này.
Điều 11
Các thể lệ trước đây trái với sắc lệnh này đều bãi bỏ.
Điều 12
Các ông Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Bộ giao thông Công chính và Bộ Canh nông, chiểu sắc lệnh thi hành.