ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 85/QĐ-UBND
|
An Giang, ngày 14
tháng 01 năm 2019
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN LIÊN KẾT SẢN
XUẤT GIỐNG CÁ TRA 03 CẤP CHẤT LƯỢNG CAO VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG TẠI AN
GIANG GIAI ĐOẠN 2018 - 2025.
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức chính
quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Quyết định số
987/QĐ-BNN-TCTS ngày 20 tháng 3 năm 2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn về việc phê duyệt “Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 03 cấp chất lượng
cao vùng Đồng bằng sông Cửu Long”;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 296/TTr-SNN&PTNT ngày
28 tháng 12 năm 2018,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án liên kết
sản xuất giống cá tra 03 cấp chất lượng cao vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại An
Giang giai đoạn 2018 - 2025, với các nội dung cụ thể như sau:
I. MỤC TIÊU:
1. Mục tiêu tổng quát:
Triển khai thực hiện đầy đủ và
có hiệu quả các nội dung trong Quyết định số 987/QĐ-BNN-TCTS ngày 20/3/2018 của
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại An Giang.
2. Mục tiêu cụ thể:
a) Đến năm 2020:
- Xây dựng thành công vùng ương
giống cá tra tập trung với quy mô 350 ha.
- Nâng cấp Trung tâm giống hiện
có thành Trung tâm sản xuất giống cá tra chất lượng cao tỉnh An Giang (tọa lạc
tại xã Vĩnh Trạch - huyện Thoại Sơn)
- Xây dựng các chuỗi liên kết sản
xuất giống cá tra 03 cấp có chất lượng cao và truy xuất được nguồn gốc.
- Cung cấp đàn cá tra bố mẹ
sinh sản 10.000 con và hậu bị 15.000 con;
- Sản xuất 10 tỷ cá tra bột chất
lượng cao và cung cấp 01 tỷ con cá tra giống chất lượng cao cho tỉnh An Giang
và vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
b) Đến năm 2025:
- Các vùng ương giống cá tra tập
trung và các chuỗi liên kết sản xuất giống cá tra 03 cấp chất lượng cao hoạt động
ổn định, cung cấp 100% giống cá tra chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu nuôi trong
tỉnh và một phần nhu cầu con giống của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
- Phấn đấu nâng cấp Trung tâm
giống thủy sản tỉnh An Giang đạt các tiêu chí tham gia đơn vị cấp 1 chuyên về sản
xuất giống cá tra 3 cấp.
II. NỘI DUNG
THỰC HIỆN:
1. Dự án đầu tư nâng cấp
trung tâm giống (tại xã Vĩnh Trạch - Thoại Sơn) thành trung tâm sản xuất giống
cá tra chất lượng cao tỉnh An Giang:
Quy mô diện tích 80 ha (khoảng
48 ha diện tích mặt nước) tham gia vùng liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất
lượng cao. Cụ thể nâng cấp Trung tâm Giống thủy sản từ diện tích hiện trạng là
10 ha lên 80 ha (khoảng 48 ha diện tích mặt nước), thuộc xã Vĩnh Trạch, huyện
Thoại Sơn.
a) Giai đoạn thực hiện:
Năm 2018 - 2025.
b) Dự kiến kết quả đạt
được: Là đơn vị cấp 2 trọng điểm cung cấp nguồn cá tra bột cho tỉnh An
Giang và vùng Đồng bằng sông Cửu Long; tham gia đào tạo nguồn lực, chuyển giao
khoa học công nghệ cho các đơn vị sản xuất giống cá tra trong vùng; lưu giữ nguồn
giống bố mẹ cung cấp cho các đơn vị cấp 1.
- Đảm bảo cung cấp đàn cá tra bố
mẹ sinh sản 10.000 con và hậu bị 15.000 con; sản xuất cá bột chất lượng cao đến
năm 2020 đạt 10 tỷ cá bột cho toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
- Đến năm 2025, Trung tâm giống
đạt các tiêu chí để tham gia đơn vị cấp 1.
c) Kinh phí thực hiện:
Dự kiến thực hiện từ nguồn vốn của Chương trình phát triển thủy sản bền vững và
vốn ngành nông nghiệp 270 tỷ; từ nguồn vốn đầu tư liên doanh giữa Tập đoàn Sao
Mai (hoặc doanh nghiệp thủy sản khác có tiềm năng) và Trung tâm giống thủy sản
tỉnh (Trại giống Bình Thạnh cơ sở 2).
2. Đầu tư xây dựng phòng thí
nghiệm di truyền chọn giống cá tra tại tỉnh An Giang.
a) Giai đoạn thực hiện:
Năm 2018 - 2025.
b) Dự kiến kết quả đạt
được: Xây dựng phòng thí nghiệm di truyền chọn giống với các trang thiết bị
và nhân lực đạt tiêu chuẩn vùng và quốc tế với các hướng nghiên cứu như:
- Nghiên cứu về đa dạng di truyền
của giống thủy sản (tôm, cá...) tiến tới bảo tồn nguồn gene của thủy sản.
- Phát triển các sản phẩm sàng
lọc di truyền (gene kháng bệnh, chịu nhiệt, mặn...v....v...)
- Nghiên cứu xây dựng phả hệ
gia hóa một số đối tượng thủy sản nuôi quan trọng của tỉnh và vùng Đồng bằng
sông Cửu Long.
c) Kinh phí thực hiện:
Dự kiến thực hiện từ nguồn sự nghiệp khoa học và Chương trình ứng dụng sinh học
giống thủy sản 30 tỷ; từ nguồn vốn đầu tư liên doanh giữa Tập đoàn Sao Mai (hoặc
các doanh nghiệp thủy sản khác có tiềm năng) và Trung tâm giống thủy sản tỉnh
(Trại giống Bình Thạnh cơ sở 2).
3. Dự án đầu tư xây dựng cơ
sở hạ tầng vùng sản xuất giống cá tra tập trung địa bàn thành phố Long Xuyên.
a) Giai đoạn thực hiện:
Năm 2018- 2025.
b) Dự kiến kết quả đạt được:
Xây dựng, hình thành 01 vùng ương cá tra giống tập trung với cơ sở vật chất, hạ
tầng đáp ứng đầy đủ quy chuẩn kỹ thuật cho vùng ương giống cá tra chất lượng
cao, quy mô diện tích vùng ương 100 ha diện tích mặt nước (tiếp giáp kênh Chín
xe, kênh Lung Cầu, kênh Cái Sao nhỏ, kênh Bằng Tăng) tọa lạc tại phường Mỹ Thới,
T.p Long Xuyên.
Năng lực sản xuất: 100 triệu
con giống/năm, giống cá tra chất lượng cao cung cấp cho nuôi thương phẩm ở An
Giang và vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
c) Kinh phí thực hiện:
Dự kiến thực hiện từ nguồn vốn Chương trình phát triển thủy sản bền vững,vốn
ngành nông nghiệp và nguồn vốn của Tập đoàn Sao Mai (hoặc các doanh nghiệp thủy
sản khác có tiềm năng).
4. Dự án đầu tư xây dựng cơ
sở hạ tầng vùng sản xuất giống tập trung địa bàn huyện Châu Phú.
a) Giai đoạn thực hiện:
năm 2018- 2025.
b) Dự kiến kết quả đạt
được: Xây dựng, hình thành 01 vùng ương cá tra giống tập trung với cơ sở vật
chất, hạ tầng đáp ứng đầy đủ quy chuẩn kỹ thuật cho vùng ương giống cá tra chất
lượng cao, quy mô diện tích vùng ương 245 ha diện tích mặt nước (kênh Hào Đề Lớn
- kênh Hào Đề Nhỏ, kênh Xáng Vịnh Tre - kênh Cần Thảo) tọa lạc tại xã Mỹ Phú,
huyện Châu phú.
Năng lực sản xuất: 245 triệu
con giống/năm, giống cá tra chất lượng cao cung cấp cho nuôi thương phẩm ở An
Giang và vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
c) Kinh phí thực hiện:
Dự kiến thực hiện từ nguồn vốn của Chương trình phát triển thủy sản bền vững, vốn
ngành nông nghiệp và vốn đầu tư của Công ty TNHH Lộc Kim Chi (hoặc các doanh
nghiệp thủy sản khác có tiềm năng).
5. Dự án đầu tư xây dựng cơ
sở hạ tầng vùng sản xuất giống tập trung địa bàn thị xã Tân Châu.
a) Giai đoạn thực hiện:
Năm 2018- 2025.
b) Dự kiến kết quả đạt
được: Xây dựng, hình thành 01 vùng ương cá tra giống tập trung với cơ sở vật
chất, hạ tầng đáp ứng đầy đủ quy chuẩn kỹ thuật cho vùng ương giống cá tra chất
lượng cao, quy mô diện tích vùng ương 160,8 ha diện tích mặt nước tọa lạc tại cồn
Vĩnh Hòa, thị xã Tân Châu.
Năng lực sản xuất: 160 triệu
con giống/năm, giống cá tra chất lượng cao cung cấp cho nuôi thương phẩm ở An
Giang và vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
c) Kinh phí thực hiện:
Dự kiến thực hiện từ nguồn vốn của Chương trình phát triển thủy sản bền vững, vốn
ngành nông nghiệp và vốn đầu tư của Công ty cá Tra Việt-Úc (hoặc các doanh nghiệp
thủy sản khác có tiềm năng).
III. GIẢI
PHÁP THỰC HIỆN:
1. Giải pháp về nguồn vốn:
a) Nguồn vốn đầu tư:
- Tiếp nhận nguồn vốn của Trung
ương, và từ nguồn ngân sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng các vùng sản xuất giống tập
trung của địa phương.
- Từ nguồn vốn của Chương trình
phát triển thủy sản bền vững và vốn ngành nông nghiệp 270 tỷ.
- Từ nguồn vốn sự nghiệp khoa học
và Chương trình ứng dụng sinh học giống thủy sản 121 tỷ.
b) Nguồn vốn đầu tư của
doanh nghiệp:
Từ nguồn vốn của các doanh nghiệp
đầu tư vùng sản xuất giống cá tra tham gia trong chuỗi liên kết sản xuất giống
cá tra 03 cấp ở An Giang (mời gọi đầu tư): công ty Cổ phần cá tra Việt-Úc, Tập
đoàn Sao Mai, công ty TNHH Lộc Kim Chi..v..v.
c) Nguồn vốn tín dụng:
Tận dụng nguồn vốn hỗ trợ tín dụng
theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015, Nghị định số 116/2018/NĐ-CP
ngày 07/9/2018 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông
nghiệp nông thôn và các chính sách hỗ trợ tín dụng khác có liên quan.
d) Nguồn vốn hỗ trợ đào tạo,
tập huấn, chuyển giao khoa học công nghệ:
Sử dụng nguồn kinh phí theo quy
định tại Nghị định số 83/2018/NĐ-CP ngày 24/5/2018 của Chính phủ về Khuyến nông
và Nghị định số 57/2018/NĐ-ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách
khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn để đào tạo, tập huấn,
chuyển giao ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, bản quyền, công nghệ sản xuất giống cá
tra chất lượng cao để phục vụ chuỗi liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp tại An
Giang.
2. Giải pháp thị trường:
- Khuyến khích các cơ sở sản xuất
giống cá tra, phát triển xây dựng thương hiệu trên nền tảng thực hiện chuỗi
liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao, gắn với truy xuất nguồn gốc.
- Mời gọi các doanh nghiệp
trong và ngoài tỉnh tham gia chuỗi liên kết giống cá tra 3 cấp và đánh giá nhu
cầu hợp tác của doanh nghiệp trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch liên kết, xác định
đơn vị tham gia chuỗi là cấp 1, 2, 3 để chủ động sản xuất và cung ứng giống cho
thị trường.
- Vùng sản xuất giống cá tra tập
trung phải có sự liên kết với các vùng quy hoạch nuôi cá tra thương phẩm trọng
điểm của địa phương.
3. Giải pháp môi trường:
Các cơ sở sản xuất giống cá tra
phải tuân thủ các quy định của nhà nước đảm bảo theo QCVN 01-81:2011/BNNPTNT:
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản giống - điều
kiện vệ sinh thú y. Nguồn nước thải khi thải ra môi trường bên ngoài có các
thông số môi trường tuân thủ theo QCVN 62-MT:2016/BTNMT: Quy chuẩn kỹ thuật quốc
gia về nước thải chăn nuôi; Có kế hoạch quan trắc, giám sát chất lượng nước định
kỳ và đột xuất.
Ngoài ra, đối với các đơn vị cấp
3 thì các thông số môi trường nước trong ao nuôi phải tuân thủ QCVN
02-20:2014/BNNPTNT: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở nuôi cá tra trong ao -
điều kiện đảm bảo vệ sinh thú y, bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm
4. Giải pháp quản lý, tổ chức
thực hiện:
- Đơn vị tham gia liên kết sản
xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao phải đáp ứng quy định theo Bộ tiêu chí tại
Quyết định số 987/QĐ-BNN-TCTS và các quy định hiện hành khác.
- Thực hiện chuỗi liên kết 03 cấp
lấy doanh nghiệp làm hạt nhân, từ đó có cơ chế hợp tác và xây dựng một số mô
hình liên kết bền vững giữa cơ sở cung cấp giống cấp 2, cấp 3 và doanh nghiệp.
- Các cơ quan quản lý nhà nước
tăng cường công tác rà soát quy hoạch, đầu tư nâng cấp hạ tầng thuỷ lợi và giao
thông, nguồn điện 03 pha tại các vùng sản xuất giống tập trung.
- Hỗ trợ, chuyển giao ứng dụng
các đề tài nghiên cứu về công nghệ sản xuất nhân tạo giống cá Tra, quy trình kỹ
thuật sinh sản nhân tạo cá Tra vào sản xuất nhằm nâng cao chất lượng giống khi
tham gia vào chuỗi liên kết.
IV. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN:
1. Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn:
- Chủ trì, phối hợp với các đơn
vị liên quan và địa phương triển khai thực hiện nội dung Kế hoạch; định kỳ hàng
năm tham mưu UBND tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết, đánh giá tình tình thực hiện
các chỉ tiêu kế hoạch, kịp thời xử lý vấn đề thực tế phát sinh liên quan trong
chuỗi liên kết sản xuất giống cá tra 03 cấp của tỉnh.
- Chủ trì, phối hợp với các đơn
vị liên quan triển khai lập các dự án ưu tiên đầu tư trong chuỗi liên kết sản
xuất giống cá tra 3 cấp được phân bổ cho An Giang giai đoạn 2018 - 2025, trình Ủy
ban nhân dân tỉnh để kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ
kinh phí thực hiện theo nội dung đã được phê duyệt tại Quyết định số
987/QĐ-BNN-TCTS.
- Chịu trách nhiệm hướng dẫn, tạo
điều kiện hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân tham gia chuỗi liên kết sản xuất giống cá
tra 03 cấp của tỉnh thực hiện đảm bảo các quy định quản lý chuyên ngành về giống
thủy sản, đáp ứng yêu cầu, mục tiêu của Kế hoạch là truy xuất nguồn gốc và chất
lượng giống.
- Chịu trách nhiệm theo dõi, tổng
hợp thông tin thống kê về tình hình thực hiện Kế hoạch. Trên cơ sở đó, đề xuất
với Ủy ban nhân dân tỉnh kiến nghị với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
điều chỉnh bổ sung Đề án phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
- Tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân
dân tỉnh các cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện của tỉnh, nhằm thực hiện
tốt Đề án liên kết giống cá tra 03 cấp chất lượng cao.
- Phối hợp với UBND huyện, thị,
thành phố (địa bàn được chọn tham gia Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 03 cấp)
tiến hành khảo sát, lựa chọn vùng quy hoạch nuôi thủy sản ưu thế, để tham vấn
việc mời gọi doanh nghiệp đầu tư dự án vùng nuôi, sản xuất cá tra giống tập
trung tham gia Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 03 cấp của tỉnh.
- Phối hợp với Hiệp hội AFA và
UBND huyện, thị, thành phố tổ chức vận động, tạo điều kiện hỗ trợ pháp lý cho hội
viên, hộ sản xuất giống thành lập các chi hội sản xuất giống cá tra tham gia
trong chuỗi liên kết sản xuất cá tra 03 cấp, góp phần tăng tính hiệu quả, giúp ổn
định, phát triển bền vững nghề sản xuất cá tra giống chất lượng cao của tỉnh.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường:
- Hỗ trợ các phương án sử dụng
đất để triển khai thực hiện các dự án theo Quyết định số 987/QĐ-BNN-TCTS ngày
20/3/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức,
cá nhân về thủ tục giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất sang
nuôi trồng thủy sản tại các địa phương được quy hoạch vùng sản xuất giống cá
tra tập trung tham gia chuỗi liên kết sản xuất cá tra 3 cấp, theo quy định Luật
Đất đai 2013 và các quy định khác có liên quan.
- Thực hiện chức năng quản lý
nhà nước về lĩnh vực môi trường đối với các vùng sản xuất giống cá tra tham gia
chuỗi liên kết sản xuất để tiến hành giám sát, quan trắc chất lượng môi trường
nguồn nước tại vùng sản xuất giống cá tra tập trung định kỳ để cung cấp thông
tin khuyến cáo môi trường kịp thời.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
- Xúc tiến, mời gọi các tổ chức,
cá nhân có tiềm lực đầu tư xây dựng vùng ương giống tập trung tham gia đề án giống
cá tra 03 cấp của tỉnh. Tạo điều kiện hỗ trợ thủ tục pháp lý cho tổ chức, cá
nhân tham gia việc lập phương án đầu tư lĩnh vực nuôi thủy sản, có trách nhiệm
tham mưu trình các dự án đầu tư liên quan cho UBND tỉnh xem xét, phê duyệt.
- Phối hợp với Sở Tài chính, Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh nguồn
vốn hỗ trợ đầu tư hạ tầng các vùng sản xuất giống cá tra trên địa bàn tỉnh trên
cơ sở khả năng cân đối vốn của tỉnh trong năm kế hoạch.
4. Sở Khoa học và Công nghệ:
- Nghiên cứu áp dụng các tiến bộ
kỹ thuật về khoa học công nghệ trong sản xuất giống cá tra để nâng cao tỷ lệ sống
và chất lượng cá giống trong các chuỗi liên kết sản xuất giống cá tra 03 cấp.
- Hỗ trợ cơ sở sản xuất giống
và doanh nghiệp xây dựng hệ thống quản lý chất lượng như GlobalGAP, VietGAP,...
và hướng dẫn thủ tục đăng ký sử dụng nhãn hiệu chứng nhận An Giang trên đối tượng
giống cá tra chất lượng cao cho các cơ sở, doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết
sản xuất cá giống tra 03 cấp.
5. Sở Tài chính:
- Hàng năm, căn cứ vào khả năng
cân đối ngân sách, Sở Tài Chính phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí đối ứng thực hiện
các Dự án trong Đề án của Quyết định số 987/QĐ-BNN-TCTS theo quy định.
- Hướng dẫn về trình tự, thủ tục
cấp phát, thanh toán, quyết toán kinh phí hỗ trợ; theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn
việc sử dụng kinh phí hỗ trợ các dự án thành phần đảm bảo đúng quy định hiện
hành của nhà nước.
6. Hiệp hội Nghề nuôi và chế
biến thủy sản (AFA):
- Phối hợp với các Sở ban ngành
và chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho cơ sở/doanh nghiệp đầu tư
xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản xuất cá tra. Tổ chức, vận động, tập hợp và
chọn lọc các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất giống tham gia vào chuỗi liên kết sản
xuất cá tra giống 03 cấp chất lượng cao.
- Phổ biến các quy định của nhà
nước về chất lượng giống gắn với bảo vệ môi trường, nhằm cung cấp con giống chất
lượng cao phục vụ nuôi thương phẩm.
7. Ủy ban nhân dân thị xã
Tân Châu, Ủy ban nhân dân thành phố Long Xuyên, Ủy ban nhân dân huyện Châu Phú
và Thoại Sơn:
- Phối hợp với các Sở, Ban,
Ngành liên quan triển khai thực hiện Kế hoạch theo Đề án liên kết giống cá Tra
3 cấp chất lượng cao tại địa phương.
- Quản lý chặt chẽ đất công tại
địa phương, tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh giao đất cho các đơn vị thực hiện
Đề án theo quy định.
- Lập kế hoạch chuyển đổi mục
đích sử dụng đất trình cấp thẩm quyền phê duyệt; tạo điều kiện thuận lợi cho
các doanh nghiệp đầu tư vào chuỗi liên kết giống cá tra 3 cấp chất lượng cao.
- Chủ động xúc tiến, mời gọi
các doanh nghiệp thủy sản đầu tư tham gia các dự án thành phần triển khai trên
địa bàn huyện,thị, thành phố theo danh mục dự án được phê duyệt trong Quyết định
số 987/QĐ-BNN-TCTS.
Điều 2.
Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì,
phối hợp với các ngành, cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm tổ chức triển
khai thực hiện Kế hoạch; định kỳ tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh.
Điều 3.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám
đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành có
liên quan và Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành
Quyết định này./.
Nơi nhận:
- TT.TU, TT.HĐND, TTUBND tỉnh;
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở NN và PTNT;
- Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở KHCN;
- Sở Tài chính, Hiệp hội AFA;
- Lãnh đạo VPUBND tỉnh;
- UBND huyện,thị xã,thành phố;
- P.KTN, P.TCHC.
|
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Trần Anh Thư
|