Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Quyết định 742/QĐ-UBND năm 2018 sửa đổi Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp Quảng Ngãi

Số hiệu: 742/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ngãi Người ký: Trần Ngọc Căng
Ngày ban hành: 28/08/2018 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 742/QĐ-UBND

Quảng Ngãi, ngày 28 tháng 8 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA QUYẾT ĐỊNH SỐ 148/QĐ-UBND NGÀY 25/5/2015 CỦA UBND TỈNH VÀ MỘT SỐ NỘI DUNG ĐỀ ÁN TÁI CƠ CẤU NGÀNH NÔNG NGHIỆP THEO HƯỚNG NÂNG CAO GIÁ TRỊ GIA TĂNG VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN 2015 - 2020 BAN HÀNH KÈM THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 148/QĐ-UBND NGÀY 25/5/2015 CỦA UBND TỈNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Nghị quyết số 32/2016/QH14 của Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 2 về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp;

Căn cứ Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020;

Căn cứ Quyết định số 678/QĐ-TTg ngày 19/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ Tiêu chí giám sát, đánh giá về cơ cấu lại ngành nông nghiệp đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 923/QĐ-TTg ngày 28/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu Tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phòng chống giảm nhẹ thiên tai, ổn định đời sống dân cư;

Căn cứ Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 16/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2017 - 2020;

Căn cứ Chỉ thị số 36/CT-TTg ngày 30/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh thực hiện hiệu quả, bền vững Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020;

Căn cứ Quyết định số 738/QĐ-BNN-KHCN ngày 14/3/2017 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, danh mục công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp;

Căn cứ Quyết định số 3449/QĐ-BNN-KH ngày 21/8/2017 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Bộ Tiêu chí giám sát, đánh giá về cơ cấu lại ngành nông nghiệp đến năm 2020;

Căn cứ Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XIX (nhiệm kỳ 2015 - 2020);

Căn cứ Kết luận số 30 - KL/TU ngày 26/4/2016 của Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 3 khóa XIX về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020;

Căn cứ Công văn số 1437 - CV/TU ngày 30/12/2016 của Thường trực Tỉnh uỷ về việc tập trung thực hiện một số nhiệm vụ đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới;

Căn cứ Kết luận số 604-KL/TU ngày 02/5/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về điều chỉnh, bổ sung Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015 - 2020;

Căn cứ Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐND ngày 13/7/2018 của HĐND tỉnh khóa XII, kỳ họp thứ 9 về sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Điều 1 Nghị quyết số 01/2015/NQ- HĐND ngày 22/4/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc thông qua Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2015 - 2020;

Căn cứ Quyết định số 148/QĐ-UBND ngày 25/5/2015 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2015 - 2020;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 2470/TTr- SNNPTNT ngày 14/8/2018 về việc đề nghị sửa đổi, bổ sung một số Điều của Quyết định số 148/QĐ-UBND ngày 25/5/2015 của UBND tỉnh và một số nội dung Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2015 - 2020 ban hành kèm theo Quyết định số 148/QĐ-UBND ngày 25/5/2015 của UBND tỉnh,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt sửa đổi, bổ sung một số Điều của Quyết định số 148/QĐ-UBND ngày 25/5/2015 của UBND tỉnh và một số nội dung Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2015 - 2020 ban hành kèm theo Quyết định số 148/QĐ-UBND ngày 25/5/2015 của UBND tỉnh như sau:

1. Sửa đổi, bổ sung điểm b Khoản 2 Điều 1

b) Mục tiêu tái cơ cấu

Đảm bảo duy trì tốc độ tăng trưởng nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 4,0%/năm.

Phấn đấu đạt giá trị sản xuất bình quân trên 01 ha canh tác cây ngắn ngày đến năm 2020 đạt trên 85 triệu đồng. Tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp đến năm 2020 chiếm 45%

Phát triển lâm nghiệp: tăng độ che phủ rừng lên 50% vào năm 2015 và 52% giai đoạn 2016- 2020; bảo vệ đa dạng sinh học và môi trường; khắc phục và giảm thiểu thiệt hại do phá rừng tự nhiên và tác động xấu của biến đổi khí hậu.

Giữ ổn định sản lượng khai thác thủy sản ở mức 206.000 tấn/năm; cơ cấu tàu thuyền khai thác theo hướng giảm dần tàu có công suất nhỏ dưới 90CV khai thác ở vùng biển ven bờ và vùng lộng, tăng dần số tàu có công suất 400CV trở lên có khả năng khai thác xa bờ.

Phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ dân cư nông thôn dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt trên 95%; có trên 50% dân cư nông thôn sử dụng nước sạch.”

2. Sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 1

“3. Định hướng tái cơ cấu

a) Cơ cấu lại theo lĩnh vực sản phẩm:

- Nhóm sản phẩm chủ lực cấp quốc gia: Thịt heo, thịt gia cầm.

- Nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh: tập trung vào nhóm sản phẩm có khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn như: mì, mía, lạc, ngô, cây lúa, chú trọng phát triển lúa chất lượng cao, lúa hữu cơ, rau an toàn, bò thịt, tôm nuôi, gỗ nguyên liệu chế biến sâu.

- Nhóm sản phẩm là đặc sản địa phương: tỏi Lý Sơn, quế Trà Bồng, Chè Minh Long, heo Ki, gà H’re…và các sản phẩm đặc sản khác của từng địa phương.

Trong các lĩnh vực cụ thể:

- Tái cơ cấu trồng trọt:

+ Nhóm cây nguyên liệu cho công nghiệp chế biến: tập trung đầu tư phát triển vùng nguyên liệu: cây mì, cây mía để cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

+ Nhóm cây đặc sản: tập trung phát triển thương hiêu cây tỏi Lý Sơn, cây quế Trà Bồng thành hàng hóa đặc sản chủ lực, sản phẩm đa dạng, phong phú hấp dẫn thị trường trong nước và thế giới, tạo ra giá trị gia tăng cao.

- Tái cơ cấu chăn nuôi: Chú trọng phát triển chăn nuôi bò thịt ở đồng bằng, chăn nuôi trâu theo hướng thịt ở miền núi, phát triển đàn lợn theo hướng nạc và chăn nuôi gia cầm theo hướng an toàn sinh học để cung cấp sản phẩm theo nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn tỉnh và trong nước. Ưu tiên phát triển chăn nuôi ở quy mô trang trại, gia trại; hạn chế chăn nuôi nhỏ lẻ ở nông hộ. Gắn phát triển chăn nuôi với bảo vệ môi trường.

- Tái cơ cấu lâm nghiệp: Chú trọng trồng rừng cây gỗ lớn (cây bản địa) trên cơ sở bố trí cơ cấu lại tỷ lệ các loại cây trồng một cách hợp lý để nâng cao giá trị gia tăng, đảm bảo tính đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, sinh thái rừng; đẩy mạnh phát triển trồng rừng sản xuất thành một ngành kinh tế có vị thế quan trọng tạo việc làm, nâng cao thu nhập của người dân làm nghề rừng.

- Tái cơ cấu thủy sản: Giảm khai thác thủy sản ven bờ, đẩy mạnh khai thác thủy sản xa bờ đối với các sản phẩm có giá trị gia tăng cao; xác định sản phẩm chính của khai thác biển là cá biển và sản phẩm chính nuôi trồng thủy sản là con tôm. Tăng sản lượng khai thác phải đồng bộ với tăng các dịch vụ hậu cần nghề cá và chế biến tiêu thụ.

- Phát triển công nghiệp chế biến, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm: Định hướng phát triển chế biến sâu, nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (ISSO, HACCP, GMP...) kết hợp với các biện pháp về tổ chức sản xuất, tiêu thụ hàng hóa nhằm nâng cao giá trị gia tăng nông, lâm, thủy sản.

b) Cơ cấu lại nông nghiệp theo vùng

- Khu vực miền núi: Bảo vệ tốt rừng tự nhiên, rừng phòng hộ đầu nguồn. Chú trọng phát triển mạnh trồng rừng cây gỗ lớn; phát triển cây mía, cây mì nguyên liệu, các loại lâm sản ngoài gỗ có giá trị, cây dược liệu dưới tán rừng; phát triển trâu thịt, các loại vật nuôi đặc sản bản địa; phát triển nuôi thủy sản trên các hồ, đập thủy lợi gắn với tái tạo và bảo tồn đa dạng sinh học.

- Khu vực đồng bằng: Phát triển vùng sản xuất lúa chất lượng cao, lúa hữu cơ; rau an toàn, cây lạc, cây ăn quả. Phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc sản theo lợi thế của địa phương. Phát triển chăn nuôi tập trung ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị, xây dựng vùng sản xuất chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

- Vùng ven biển: Phát triển nuôi thủy sản nước lợ ở khu vực cửa sông, cửa biển; nuôi thủy sản thâm canh, ứng dụng công nghệ cao, an toàn sinh học vùng ven biển gắn với bảo vệ tốt môi trường nuôi thủy sản.

- Vùng hải đảo: Phát triển cây tỏi Lý Sơn gắn với phát triển du lịch sinh thái. Đầu tư phát triển nuôi thủy sản thâm canh các loại thủy sản có giá trị kinh tế cao gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn đa dạng sinh học để bảo vệ các loài thủy sản ven biển, hải đảo; chú trọng tái tạo nguồn lợi thủy sản Khu Bảo tồn biển Lý Sơn với các đối tượng như: Hải sâm, bào ngư, trai tai tượng khổng lồ, cầu gai, cua Huỳnh đế,…”

3. Sửa đổi điểm a Khoản 4 Điều 1

a) Tái cơ cấu trồng trọt

- Nhóm cây lương thực:

+ Cây lúa: Mục tiêu đến năm 2020, diện tích gieo trồng lúa 71.800 ha (diện tích đất chuyên trồng lúa 35.500 ha), năng suất bình quân đạt 59-60 tạ/ha, sản lượng đạt từ 420.000 - 430.000 tấn. Xây dựng vùng chuyên canh sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao với diện tích 5.000 ha tập trung ở 7 huyện, thành phố ở đồng bằng, gồm: Đức Phổ, Mộ Đức, Tư Nghĩa, Sơn Tịnh, Bình Sơn, Nghĩa Hành, thành phố Quảng Ngãi. Xây dựng vùng sản xuất lúa giống: đảm bảo đáp ứng khoảng 90% nhu cầu lúa giống/năm phục vụ sản xuất trong tỉnh và đảm bảo nguồn giống dự phòng khi có thiên tai. Xây dựng vùng sản xuất lúa gạo hữu cơ, lúa chất lượng cao ở các vùng có điều kiện thuận lợi.

+ Cây ngô: Mục tiêu đến năm 2020 diện tích gieo trồng tăng lên 12.000 ha, năng suất bình quân đạt từ 58 - 60 tạ/ha; sản lượng ngô đạt trên 70.000 tấn. Vùng trồng ngô tập trung ở bãi đất nà, đất thổ ven sông suối thuộc các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Mộ Đức, thành phố Quảng Ngãi...

- Nhóm cây nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến:

+ Cây mì: Phát triển cây mì trở thành cây trồng hàng hóa chủ lực của tỉnh. Mục tiêu đến 2020, diện tích mì khoảng 18.000 ha, năng suất bình quân đạt từ 240 - 250 tạ/ha. Vùng sản xuất được bố trí tập trung chủ yếu ở các huyện Sơn Hà, Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Đức Phổ, Ba Tơ, Minh Long, Trà Bồng.

+ Cây mía: Mục tiêu đến năm 2020, diện tích cây mía ổn định ở khoảng 5.200 ha, năng suất bình quân đạt 650 tạ/ha, chữ đường đạt 10 CCS. Vùng trồng mía chủ yếu phân bố ở các huyện gần nhà máy chế biến như: Đức Phổ, Mộ Đức, Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, Ba Tơ, Sơn Hà.

+ Cây lạc: Định hướng đến năm 2020, diện tích gieo trồng đạt 6.800 ha, năng suất 22 tạ/ha, sản lượng khoảng trên 15.000 tấn. Vùng sản xuất tập trung ở các huyện: Bình Sơn, Mộ Đức, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Ba Tơ, Nghĩa Hành, Đức Phổ, Sơn Hà, Trà Bồng và thành phố Quảng Ngãi.

- Nhóm cây thực phẩm: Định hướng đến năm 2020, diện tích sản xuất cây rau, đậu thực phẩm khoảng 18.000 ha (rau 14.000 ha, đậu 4.000ha), sản lượng đạt khoảng 260 ngàn tấn, trong đó có trên 100 ha rau được chứng nhận VietGAP.. Vùng sản xuất rau an toàn tập trung ở vùng bãi bồi ven các sông lớn của tỉnh tại thành phố Quảng Ngãi và các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Đức Phổ...

- Nhóm cây ăn quả: Định hướng đến năm 2020 mở rộng diện tích 3.500 ha. Phát triển trên đất gò đồi ở miền núi, chú trọng phát triển cây ăn quả có giá trị kinh tế cao ở các huyện: Nghĩa Hành, Bình Sơn, Đức Phổ, cây mít ở các huyện miền núi; xây dựng vùng sản xuất cây ăn quả an toàn gắn với xây dựng VietGAP huyện Nghĩa Hành và những vùng có điều kiện thuận lợi.

- Nhóm cây đặc sản:

+ Cây tỏi Lý Sơn: Mục tiêu đến 2020 ổn định ở mức 300 ha, năng suất tỏi tươi 109 tạ/ha; phát triển thương hiệu tỏi Lý Sơn trên thị trường, lấy năng suất và chất lượng là yếu tố trọng tâm để thâm canh. Tập trung nghiên cứu sản xuất tỏi theo hướng bền vững về môi trường (tiết kiệm nước, không thay đất và cát)

+ Cây quế: Mục tiêu đến 2020 diện tích là 5.255 ha. Vùng sản xuất chủ yếu trên đất rừng sản xuất và đất vườn, đất trồng cây lâu năm, thuộc huyện Trà Bồng, Tây Trà. Chú trọng phục hồi và phát triển vùng chè sạch Minh Long; phát triển cây dược liệu dưới tán rừng, các loại cây đặc sản ở miền núi như: Ớt sim, rau dớn, khổ qua rừng… thành những vùng sản xuất tập trung có khối lượng hàng hóa lớn.

- Cây cỏ làm thức ăn cho trâu, bò: Mục tiêu đến năm 2020, diện tích trồng cỏ đạt 2.500 - 3.000 ha, năng suất bình quân 180 - 200 tấn/ha/năm. Vùng sản xuất bố trí trên đất gò đồi, đất màu kém hiệu quả, các vùng đất thấp ở ven triền núi đang trồng keo chuyển sang trồng cỏ; đồng thời tận dụng đất vườn, bờ vùng, bờ thửa, đất ven sông suối.

Ngoài các loại cây trồng trên, cần trồng thử nghiệm một số cây trồng mới có giá trị kinh tế cao để đưa vào sản xuất tập trung.”

4. Sửa đổi điểm b Khoản 4 Điều 1

b) Tái cơ cấu chăn nuôi

- Chăn nuôi bò thịt: Định hướng đến năm 2020 tổng đàn bò ổn định khoảng 320.000 con, có khoảng 65% bò lai. Chăn nuôi bò được phân bổ tập trung ở các huyện đồng bằng: Bình Sơn, Sơn Tịnh, Mộ Đức, Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, Đức Phổ và một số huyện miền núi: Sơn Hà, Ba Tơ, Trà Bồng, Minh Long.

- Chăn nuôi trâu: Định hướng đến năm 2020 tổng đàn trâu có khoảng 65.000 con. Tập trung phát triển đàn trâu thịt ở các huyện miền núi: Ba Tơ, Sơn Hà, Minh Long và một số huyện đồng bằng: Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Bình Sơn, Mộ Đức, Đức Phổ và Sơn Tịnh.

- Chăn nuôi heo: Định hướng đến năm 2020 ổn định ở mức 450.000-500.000 con; phát triển đàn heo theo hướng nạc; giảm chăn nuôi nhỏ lẻ ở nông hộ, ưu tiên phát triển chăn nuôi heo trang trại, gia trại. Chăn nuôi heo tập trung ở các huyện: Mộ Đức, Tư Nghĩa, Bình Sơn, Nghĩa Hành, Sơn Hà, Sơn Tịnh và một số vùng có điều kiện.

- Chăn nuôi gia cầm: Định hướng đến năm 2020 tổng đàn có 4,5 - 5,0 triệu con. Vùng chăn nuôi tập trung ở các huyện: Bình Sơn, Nghĩa Hành, Mộ Đức, Sơn Tịnh, Đức Phổ, Sơn Hà, Ba Tơ, thành phố Quảng Ngãi và một số vùng có điều kiện.

- Phát triển các sản phẩm chăn nuôi đặc sản như: heo Ki, gà H’re,… và các sản phẩm đặc sản khác của từng địa phương.”

5. Sửa đổi điểm c Khoản 4 Điều 1

c) Tái cơ cấu ngành lâm nghiệp

- Đối với rừng phòng hộ: định hướng đến năm 2020 có 126.175 ha. Bảo vệ tốt diện tích rừng phòng hộ hiện có; phấn đấu mỗi năm trồng mới khoảng 200 ha.

- Đối với rừng sản xuất: định hướng đến năm 2020 có 161.284 ha rừng sản xuất. Sản phẩm chính là cây gỗ lớn để cung cấp nguyên liệu cho dân dụng và xuất khẩu. Mỗi năm khai thác và trồng lại khoảng 9.500 ha với trữ lượng gỗ lớn 150m3/ha, chu kỳ bình quân 12 năm và gỗ nhỏ 70 m3/ha, chu kỳ bình quân 7 năm. Đến năm 2020, tỷ lệ giống cây trồng lâm nghiệp được kiểm soát về chất lượng đưa vào trồng rừng đạt 60-70%, năng suất rừng trồng tăng lên 20%.”

6. Sửa đổi điểm d Khoản 4 Điều 1

d) Tái cơ cấu thủy sản

- Khai thác thủy sản:

Đến năm 2020, sản lượng khai thác đạt trên 206.000 tấn/năm. Tổng số tàu thuyền khai thác đến năm 2020 giảm còn khoảng 5.300 chiếc với tổng công suất tàu cá đạt 1.600.000 CV; giảm dần tàu cá có công suất nhỏ dưới 90 CV đang khai thác ven bờ, tăng dần tàu có công suất 400CV trở lên có khả năng đánh bắt xa bờ. Giảm tỷ lệ nghề lưới kéo tầng đáy xuống 25%, tăng nghề rê khơi lên 30%; tăng nghề câu lên 18%; tăng nghề lưới vây lên 13%.

- Nuôi thủy sản:

Phấn đấu đến năm 2020, diện tích nuôi thủy sản đạt 2.350 ha, trong đó nuôi nước lợ khoảng 850 ha, nuôi biển 150 bè (khoảng 2.000 lồng), nuôi nước ngọt khoảng 1.500 ha. Sản lượng nuôi thủy sản đạt khoảng 10.000 tấn, trong đó nuôi tôm nước lợ 6.300 tấn, cá nước ngọt khoảng 2.000 tấn, nuôi biển 100 tấn, thủy sản khác 900 tấn... Đối tượng nuôi nước lợ chủ yếu là tôm thẻ chân trắng, cua, tôm sú…; nuôi trên biển chủ yếu là tôm hùm, cá mú, cá bớp, cá chim vây vàng…, nuôi nước ngọt chủ yếu là cá rô phi đơn tính, cá trắm cỏ, cá lóc.”

7. Sửa đổi điểm e Khoản 4 Điều 1

“e) Sản xuất muối

Đến năm 2020, phấn đấu sản lượng muối đạt 11.000 tấn, trong đó, sản xuất muối sạch theo hướng công nghiệp đạt sản lượng đạt 6.000 tấn. Xem xét chuyển đổi diện tích sản xuất muối thủ công, chất lượng và hiệu quả thấp sang sử dụng vào mục đích khác.”

8. Bổ sung điểm g Khoản 4 Điều 1

“Xây dựng và triển khai thực hiện tốt Đề án “Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030” để nâng cao thu nhập cho người dân.”

9. Bổ sung điểm c Khoản 5 Điều 1

“Chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng cạn có giá trị kinh tế cao; xây dựng cánh đồng lớn, tích tụ ruộng đất để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhất là đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Đẩy mạnh liên doanh, liên kết giữa doanh nghiệp, HTX, nông dân trong sản xuất và tiêu thụ nông sản.”

10. Sửa đổi gạch đầu dòng thứ hai, điểm d Khoản 5 Điều 1

“- Cơ sở hạ tầng thủy sản: Ưu tiên nguồn vốn từ ngân sách và huy động các nguồn lực khác tập trung đầu tư xây dựng cơ bản hoàn chỉnh hệ thống các khu neo đậu tránh trú bão bão cho tàu cá, các cảng cá, các trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá tại các vùng cửa biển với tổng công suất 3.300 tàu, bình quân 400 CV/tàu. Chú trọng việc thông luồng các cảng cá, khu neo đậu tàu cá nhằm đảm bảo an toàn tàu thuyền trong mùa mưa bão. Khuyến khích đầu tư phát triển các cơ sở đóng, sửa tàu cá với quy mô vừa và công nghệ hiện đại, tiến tới đóng, sửa tàu vỏ thép, vỏ vật liệu mới, sản xuất ngư lưới cụ, hình thành hệ thống cơ sở hạ tầng và dịch vụ hậu cần nghề cá đồng bộ tại các vùng nghề cá trọng điểm. Đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ và Nghị định số 17/2018/NĐ-CP ngày 02/2/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số chính sách khuyến khích phát triển thủy sản.”

11. Bổ sung điểm f Khoản 5 Điều 1

“- Cải tiến quy trình sản xuất chế biến để nâng cao năng suất, tăng tỷ lệ muối sạch, chất lượng cao nhằm nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho diêm dân”.

12. Bổ sung điểm h Khoản 5 Điều 1

“Xây dựng thương hiệu mới cho các sản phẩm có giá trị kinh tế cao như: hành tím ở huyện Lý Sơn, xã Bình Hải thuộc huyện Bình Sơn; cây ăn quả an toàn ở huyện Nghĩa Hành, trâu Ba Tơ, bò Quảng Ngãi, heo ki, heo Kiềng Sắt, gà H’re... và các sản phẩm khác có điều kiện. Các sản phẩm này có thể truy xuất nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo chất lượng và tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định.”

13. Bổ sung điểm k Khoản 5 Điều 1

“Xây dựng chính sách: Hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp từ khai thác thủy sản ven bờ, nghề lưới kéo, nghề lặn sang ngành nghề, dịch vụ khác.”

14. Bổ sung điểm m Khoản 5 Điều 1

“Tập trung huy động và thực hiện đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, bao gồm hỗ trợ từ ngân sách nhà nước tạo điều kiện thúc đẩy, huy động các nguồn lực đầu tư xã hội, phát huy nội lực của người nông dân và sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức; đẩy mạnh các hình thức đầu tư có sự tham gia giữa nhà nước và tư nhân để huy động nguồn lực xã hội và nâng cao hiệu quả đầu tư; vận động, thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài (ODA)… Xây dựng cơ chế, chính sách của tỉnh để thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Khái toán nhu cầu vốn bổ sung

Tổng vốn đầu tư khoảng 3.162.260 triệu đồng, trong đó:

- Lĩnh vực nông nghiệp: 940.336 triệu đồng

- Lĩnh vực lâm nghiệp: 182.444 triệu đồng

- Lĩnh vực thủy sản: 1.320.085 triệu đồng

- Lĩnh vực thủy lợi: 695.426 triệu đồng

- Lĩnh vực diêm nghiệp: 23.500 triệu đồng

- Lĩnh vực phát triển nông thôn: 469 triệu đồng

Khái toán nguồn vốn bổ sung

Tổng số: 3.162.260 triệu đồng, trong đó:

- Vốn ngân sách Trung ương: 1.868.450 triệu đồng

- Vốn ngân sách địa phương: 303.936 triệu đồng, bao gồm:

+ Vốn đầu tư phát triển: 227.570 triệu đồng

+ Vốn sự nghiệp: 76.366 triệu đồng

- Vốn doanh nghiệp: 937.736 triệu đồng

- Vốn khác: 52.138 triệu đồng

Điều 2. Bãi bỏ cụm từ “khung hưởng lợi và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân được giao, được thuê, nhận khoán rừng và đất lâm nghiệp” tại điểm k Khoản 5 Điều 1 Quyết định số 148/QĐ-UBND ngày 25/5/2015 của UBND tỉnh.

Điều 3. Căn cứ Quyết định này, Giám đốc các sở, ban ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm rà soát, sửa đổi, bổ sung Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của địa phương mình theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2015 - 2020 cho phù hợp và định kỳ báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) theo quy định.

Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Các nội dung khác tại Quyết định số 148/QĐ-UBND ngày 25/5/2015 của UBND tỉnh không sửa đổi, bổ sung tại Quyết định này vẫn giữ nguyên hiệu lực thi hành.

Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH





Trần Ngọc Căng

 

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ NỘI DUNG ĐỀ ÁN TÁI CƠ CẤU NGÀNH NÔNG NGHIỆP TỈNH QUẢNG NGÃI THEO HƯỚNG NÂNG CAO GIÁ TRỊ GIA TĂNG VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN 2015 - 2020 BAN HÀNH KÈM THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 148/QĐ-UBND NGÀY 25/5/2015 CỦA UBND TỈNH

(Ban hành kèm theo Quyết định số 742 /QĐ-UBND ngày 28 8/2018 của UBND tỉnh Quảng Ngãi)

I. SỰ CẦN THIẾT PHẢI SỬA ĐỔI, BỔ SUNG

Qua hơn hai năm triển khai thực hiện Quyết định số 148/QĐ-UBND ngày 25/5/2015 của UBND tỉnh Quảng Ngãi về việc phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, giai đoạn 2015-2020 (sau đây gọi tắt là Đề án), bước đầu Đề án đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận: Giá trị sản xuất nông, lâm, thuỷ sản đạt tăng trưởng khá; cơ cấu kinh tế ngành có bước chuyển dịch theo hướng tăng tích cực: nông nghiệp giảm, lâm nghiệp, thủy sản tăng; tỷ trọng chăn nuôi tăng, tỷ trọng trồng trọt giảm; bước đầu hình thành vùng sản xuất tập trung theo hướng sản xuất hàng hoá; giá trị thu hoạch bình quân trên một ha tăng, tỷ trọng bò lai, độ che phủ rừng… đạt ở mức cao so với các tỉnh trong khu vực.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, Đề án có những bất cập cần được sửa đổi, bổ sung kịp thời, cụ thể là:

- Đề án được nghiên cứu xây dựng trong bối cảnh trước khi diễn ra Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XIX (nhiệm kỳ 2015 - 2020), một số chỉ tiêu chưa sát với nội dung Nghị quyết của Đại hội. Đề án được xây dựng có quá nhiều mục tiêu, lĩnh vực nên còn mang tính dàn trải, thiếu nguồn lực để đầu tư cho Đề án dẫn đến khó có khả năng hoàn thành các mục tiêu của Đề án đề ra. Mặt khác, Đề án chưa đề cập nhiều đến phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững.

- Đề án trước đây tuy có đề cập nhưng chưa cụ thể về xây dựng các dự án, các mô hình liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản, nhất là các sản phẩm hàng hóa chủ lực.

- Trong quá trình triển khai thực hiện Đề án, Trung ương đã ban hành một số chương trình, kế hoạch liên quan đến cơ cấu lại ngành nông nghiệp như: Chương trình mục tiêu Tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phòng chống giảm nhẹ thiên tai, ổn định đời sống dân cư (Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 923/QĐ-TTg ngày 28/6/2017); Bộ Tiêu chí giám sát, đánh giá về cơ cấu lại ngành nông nghiệp đến năm 2020 (theo Quyết định số 678/QĐ-TTg ngày 19/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ) và Kế hoạch triển khai thực hiện Bộ Tiêu chí giám sát đánh giá cơ cấu lại ngành nông nghiệp đến năm 2020 (theo Quyết định số 3449/QĐ-BNN-KH ngày 21/8/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Từ những bất cập nêu trên, việc sửa đổi, bổ sung Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhằm khắc phục những tồn tại, khó khăn, đáp ứng được yêu cầu thực tế trong tình hình mới là hết sức cần thiết.

II. NỘI DUNG SỬA ĐỔI, BỔ SUNG ĐỀ ÁN TÁI CƠ CẤU NGÀNH NÔNG NGHIỆP TỈNH QUẢNG NGÃI GIAI ĐOẠN 2015 - 2020

1. Bổ sung mục II phần thứ hai

“2. Cơ cấu lại theo lĩnh vực, sản phẩm

Tiếp tục rà soát quy hoạch, kế hoạch sản xuất theo lợi thế so sánh và nhu cầu thị trường để phân loại thành 03 cấp sản phẩm:

- Nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia: Xác định sản phẩm chủ lực của quốc gia là thịt heo, thịt gia cầm. Xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn; tổ chức hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm.

- Nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh: Căn cứ vào lợi thế, nhu cầu thị trường, lựa chọn sản phẩm để quy hoạch, đầu tư, có chính sách và giải pháp mở rộng quy mô, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm; tập trung vào nhóm sản phẩm chủ lực, có khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn như: mía, mì, lạc, ngô, cây lúa, chú trọng phát triển lúa chất lượng cao, lúa hữu cơ, rau an toàn, bò thịt, tôm nuôi, gỗ nguyên liệu chế biến sâu. Tổ chức hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao giá trị gia tăng theo chuỗi giá trị.

- Nhóm sản phẩm là đặc sản địa phương: Có quy mô nhỏ, gắn với chỉ dẫn vùng sản xuất cụ thể, được xây dựng và phát triển gắn với xây dựng nông thôn mới ở huyện, xã theo mô hình “Mỗi xã một sản phẩm” như: Tỏi Lý Sơn, quế Trà Bồng, chè Minh Long, heo Ki, gà H’re … và các sản phẩm đặc sản khác của từng địa phương.”

3. Cơ cấu lại nông nghiệp theo vùng

Nhằm khai thác tối đa lợi thế, tiềm năng của mỗi vùng và của từng địa phương; tổ chức liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong vùng; huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư; tăng cường năng lực cạnh tranh trong điều kiện hội nhập quốc tế và ứng phó với biến đổi khí hậu.

3.1. Khu vực miền núi

- Bảo vệ tốt rừng tự nhiên, rừng phòng hộ đầu nguồn, phát triển mạnh rừng gỗ lớn và phát triển các lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng như: Sa nhân tím, sâm cau, song mây, ớt xiêm, khổ qua rừng, rau dớn ...

- Tập trung phát triển vùng nguyên liệu (mía, mì, gỗ lớn), phát triển trâu thịt, phục tráng giống và phát triển các loại vật nuôi đặc sản, bản địa (heo Ki, heo Kiềng sắt, gà H’re…) cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh.

Phát triển nuôi thủy sản ở các hồ thủy lợi, thủy điện và trên các sông, suối với các đối tượng nuôi truyền thống (cá trắm cỏ, cá lóc,…) gắn với bảo tồn, tái tạo và phát triển đa dạng nguồn lợi thủy sản.

3.2. Khu vực đồng bằng

Chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng cạn có giá trị kinh tế cao; xây dựng cánh đồng lớn, tích tụ ruộng đất để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực: phát triển vùng sản xuất lúa chất lượng cao, lúa hữu cơ; phát triển vùng rau an toàn, cây ăn quả. Phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc sản gắn với xây dựng thương hiệu của từng sản phẩm theo lợi thế của địa phương như: Hành tím Bình Hải, cây ăn quả Nghĩa Hành, rau, củ quả, dược liệu ở huyện Mộ Đức và các vùng có điều kiện theo hướng ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Ứng dụng hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây công nghiệp, cây ăn quả, vùng trồng cỏ phục vụ chăn nuôi tập trung.

Phát triển chăn nuôi tập trung ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị, xây dựng các cơ sở giống chất lượng cao, vùng sản xuất chăn nuôi an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm. Tiếp tục cải tạo đàn bò lai; phát triển chăn nuôi gà, lợn, bò thịt, bò sữa, … theo mô hình trang trại ứng dụng công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường trong chăn nuôi.

3.3. Vùng ven biển

Phát triển nuôi thủy sản nước lợ ở khu vực cửa sông, cửa biển; nuôi thủy sản thâm canh, ứng dụng công nghệ cao, an toàn sinh học vùng ven biển. Các đối tượng nuôi chủ lực là tôm chân trắng, tôm sú, phát triển các đối tượng thủy sản có tiềm năng như hải sâm, ốc hương, cá mú, cá vược, cua, rong biển, vịt biển Đại Xuyên 15, … gắn với bảo vệ tốt môi trường nuôi thủy sản.

Ưu tiên vốn để đầu tư, nâng cấp các cơ sở hạ tầng thủy sản, nhất là các cảng cá và cơ sở hậu cần nghề cá để nâng cao chất lượng dịch vụ và tránh trú bão cho tàu thuyền; đầu tư xây dựng các làng nghề, khu chế biến hải sản tập trung nhằm hạn chế việc xả thải ra môi trường ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Củng cố, nâng cấp hệ thống đê biển, tăng cường năng lực phòng chống thiên tai.

Thực hiện có hiệu quả các dự án trồng rừng ngập mặn ven biển nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu.

3.4. Vùng hải đảo

Phát triển cây tỏi Lý Sơn gắn với phát triển du lịch sinh thái. Đầu tư phát triển nuôi thủy sản thâm canh và công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường sinh thái (tôm hùm, cá mú, cá bớp, cá hồng, hàu Thái Bình Dương…). Thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ các loại thủy sản có giá trị kinh tế cao ở vùng biển Lý Sơn; chú trọng công tác tái tạo nguồn lợi thủy sản cho Khu Bảo tồn biển Lý Sơn với các đối tượng như: Hải sâm, bào ngư, trai tai tượng khổng lồ, nhum (cầu gai), cua Huỳnh đế,…”

2. Sửa đổi, bổ sung Khoản 2 mục III phần thứ hai

“2. Mục tiêu cụ thể:

- Đảm bảo duy trì tốc độ tăng trưởng nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 4%/năm.

- Phấn đấu đạt giá trị sản xuất bình quân trên 01 ha canh tác cây ngắn ngày đến năm 2020 đạt trên 85 triệu đồng. Tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp đến năm 2020 chiếm 45%.

- Phát triển lâm nghiệp: tăng độ che phủ rừng lên 50% vào năm 2015 và 52% giai đoạn 2016- 2020; bảo vệ đa dạng sinh học và môi trường; khắc phục và giảm thiểu thiệt hại do phá rừng tự nhiên và tác động xấu của biến đổi khí hậu.

- Giữ ổn định sản lượng khai thác thủy sản ở mức 206.000 tấn/năm; cơ cấu tàu thuyền khai thác theo hướng giảm dần tàu có công suất nhỏ dưới 90CV khai thác ở vùng biển ven bờ và vùng lộng, tăng dần số tàu có công suất 400CV trở lên có khả năng khai thác xa bờ.

- Phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ dân cư nông thôn dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt trên 95%; có trên 50% dân cư nông thôn sử dụng nước sạch.”

3. Bổ sung Khoản 4 mục I phần thứ ba

“4.3. Nhóm giải pháp khác

- Hoàn thành chính sách tích tụ ruộng đất, thực hiện dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng lớn nhằm tạo ra vùng sản xuất tập trung; xây dựng chính sách ưu đãi về giá cho thuê đất, ưu đãi về tín dụng để thu hút các doanh nghiệp đầu tư các dự án nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao.

- Xây dựng thương hiệu mới cho các sản phẩm có giá trị kinh tế cao như: hành tím (Lý Sơn, Bình Hải), cây ăn quả an toàn (huyện Nghĩa Hành) và các sản phẩm khác có đủ điều kiện.”

4. Bổ sung điểm 4.2 Khoản 4 Mục I phần thứ ba

“c) Các dự án kêu gọi đầu tư

+ Xây dựng vùng sản xuất lúa giống

Mục tiêu: Đến năm 2020, xây dựng vùng sản xuất lúa giống của tỉnh đạt khoảng 500 ha gieo trồng (tại các huyện: Bình Sơn 70 ha, Sơn Tịnh 50 ha, Tư Nghĩa 80 ha, Nghĩa Hành 50 ha, Mộ Đức 150 ha, Đức Phổ 60 ha và thành phố Quảng Ngãi 40 ha), sản lượng khoảng 5.000 tấn lúa giống, đáp ứng khoảng 90% nhu cầu lúa giống/năm phục vụ sản xuất trong tỉnh và đảm bảo nguồn giống dự phòng khi có thiên tai.

Hình thức đầu tư: Trung tâm Giống tỉnh, các doanh nghiệp liên kết với nông dân đầu tư sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

+ Xây dựng vùng sản xuất lúa gạo hữu cơ, lúa chất lượng cao

Mục đích: Tạo ra sản phẩm có chất lượng; xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc để có giá trị gia tăng cao, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng.

Vùng sản xuất: Tập trung tại các huyện Nghĩa Hành, Mộ Đức, Bình Sơn và một số địa phương khác có điều kiện phù hợp với quy mô khoảng 200 ha gieo trồng, sản lượng khoảng 1.000 tấn lúa (tương đương khoảng 800 tấn gạo hữu cơ).

Hình thức đầu tư: Tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư (Công ty TNHH khoa học và Công nghệ Nông Tín, Công ty TNHH Nông lâm nghiệp TBT, Công ty Giống cây trồng Miền Trung, Tập đoàn Quế Lâm,…)

+ Xây dựng vùng sản xuất rau an toàn đạt chứng nhận VietGAP

Mục đích: Cung ứng rau, đậu thực phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe người dân.

Vùng sản xuất: Các vùng có điều kiện thuận lợi như: Thành phố Quảng Ngãi, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Bình Sơn, Sơn Tịnh, Sơn Hà…

Hình thức đầu tư: Doanh nghiệp liên kết với nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

+ Xây dựng vùng sản xuất cây ăn quả an toàn gắn với xây dựng VietGAP huyện Nghĩa Hành

Mục đích: Phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng, tăng thu nhập, cải thiện đời sống của người dân.

Vùng sản xuất: Huyện Nghĩa Hành với quy mô khoảng 200 ha với nhóm cây ăn quả chính như: chôm chôm, bưởi, sầu riêng…

Hình thức đầu tư: Nhà nước đầu tư hỗ trợ cây giống, hỗ trợ xây dựng mô hình chuyển giao công nghệ, hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho vùng cây ăn quả huyện Nghĩa Hành.

+ Dự án vùng sản xuất rau, củ và quả dược liệu công nghệ cao.

Vùng sản xuất: Huyện Mộ Đức.

Nhà đầu tư: Công ty TNHH MTV nông nghiệp công nghệ cao Nông Hưng Phát.

+ Dự án sản xuất, chế biến sản phẩm giá trị gia tăng từ hành - tỏi và du lịch sinh thái thiên đường Tỏi Lý Sơn

Nhà đầu tư: Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Lý Sơn.

+ Dự án Trang trại rau củ quả an toàn

Mục tiêu: Đầu tư tập trung, đồng bộ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm hình thành vùng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; cung cấp cho thị trường nhiều loại rau an toàn có chất lượng, giàu dinh dưỡng đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng.

Vùng sản xuất: Huyện Mộ Đức với công suất 600 kg rau, quả/ngày; 180 tấn rau củ quả/năm.

Nhà đầu tư: Công ty TNHH MTV Minh Tuấn.

+ Mô hình trồng thử nghiệm một số cây trồng mới trên địa bàn tỉnh (cây gai xanh, cây tỏi voi Nhật Bản …) trên địa bàn tỉnh

Mục đích: Trồng thử nghiệm để theo dõi, đánh giá tính phù hợp, hiệu quả của cây gai xanh, tỏi voi … trên địa bàn tỉnh.

Nhà đầu tư: Công ty Cổ phần Nông lâm nghiệp 24/3 (đối với cây gai xanh), Công ty Nikken Sekkei Civil Engineering Ltd (NSC) và Tập đoàn CAN Holdings.

+ Dự án sản xuất Rau - củ - quả an toàn và tiêu thụ sản phẩm

Mục tiêu: Sản xuất rau, củ, quả an toàn theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm (VietGAP); sơ chế, đóng gói và tiêu thụ sản phẩm

Vùng sản xuất: Huyện Trà Bồng với công suất thiết kế 37,5 tấn/năm rau ăn lá; 258,5 tấn/năm các loại củ, quả.

Nhà đầu tư: Công ty TNHH Một thành viên Thành Văn.

Ngoài các tổ chức, doanh nghiệp trên, tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư khác đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt ưu tiên các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ theo chính sách ưu đãi hiện hành của nhà nước.”

5. Bổ sung Khoản 3 Mục II phần thứ ba

“3.5. Nhóm giải pháp về phát triển thị trường

a) Xây dựng thương hiệu sản phẩm

Từng bước xây dựng thương hiệu các sản phẩm: Trâu Ba Tơ, bò Quảng Ngãi, heo Ki, heo Kiềng Sắt, gà H’re... có thể truy xuất nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo chất lượng và tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định.

b) Giải pháp phát triển chuỗi giá trị ngành hàng chăn nuôi

Xây dựng mô hình liên kết chăn nuôi theo chuỗi giá trị với các sản phẩm có lợi thế như bò thịt, heo thịt, trâu thịt, gà thịt ở các trang trại có quy mô lớn đảm bảo chất lượng và truy xuất nguồn gốc.”

6. Bổ sung điểm 3.4 Khoản 3 Mục II, phần thứ ba

“c) Nhóm dự án đã được UBND tỉnh quyết định đầu tư

- Dự án Trang trại bò sữa Vinamilk Quảng Ngãi.

- Dự án Chuỗi giá trị công nghệ cao FOB Mộ Đức.

- Dự án đầu tư Trang trại chăn nuôi heo thịt theo hướng công nghiệp sạch Phú Hiệp.

- Dự án đầu tư Kinh tế trang trại chăn nuôi heo công nghiệp.

- Dự án Cơ sở Chăn nuôi gia súc theo hướng công nghiệp sạch Phổ Cường

- Dự án Cơ sở chăn nuôi heo giống và heo thịt

- Dự án Trang trại chăn nuôi lợn thịt sạch An Hội

- Dự án Trang trại chăn nuôi heo sạch Xuân An

- Dự án Trang trại chăn nuôi gia súc chất lượng cao Sông Trà

- Dự án Trang trại chăn nuôi lợn thịt sạch Thảo Nguyên Xanh

Ngoài các dự trên, tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư khác đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi theo chính sách ưu đãi hiện hành của nhà nước.

d) Nhóm dự án kêu gọi đầu tư

- Dự án giết mổ gia cầm sạch theo hướng công nghiệp công suất 200 - 500 con/giờ/nhà máy. Địa điểm thực hiện: Các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.

- Dự án giết mổ gia súc công nghiệp quy mô từ 10.000 - 12.000 tấn thịt lợn móc hàm/năm, 1.000 - 1.200 tấn thịt bò/năm. Địa điểm thực hiện: Thành phố Quảng Ngãi, Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Mộ Đức.

- Dự án nhà máy sản xuất thức ăn tổng hợp cho gia súc, gia cầm, công suất từ 60.000 - 80.000 tấn/năm. Địa điểm thực hiện: Các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh”.

7. Sửa đổi gạch đầu dòng thứ 3, điểm 2.1 Khoản 2 Mục III Phần thứ ba

“- Tạo sự chuyển dịch căn bản về phương thức sản xuất, tổ chức quản lý, tổ chức sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị hàng hóa

Rà soát, điều chỉnh bổ sung Quy hoạch 3 loại rừng đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 diện tích đất lâm nghiệp là 285.127 ha (rừng đặc dụng: 20.323 ha, rừng phòng hộ: 96.219 ha, rừng sản xuất: 168.585 ha).”

8. Sửa đổi nội dung a, điểm 2.2 Khoản 2 Mục III Phần thứ ba

“a) Mục tiêu:

Định hướng đến năm 2020 có 126.175 ha. Bảo vệ tốt diện tích rừng phòng hộ hiện có; phấn đấu mỗi năm trồng mới khoảng 200 ha bằng phương thức trồng đai cây xanh phân định ranh giới giữa các loại rừng. Quy hoạch 02 khu bảo tồn thiên nhiên gồm: Khu bảo tồn khu Tây huyện Ba Tơ, diện tích 39.000 ha và Khu bảo tồn Cà Đam huyện Trà Bồng, diện tích 1.000 ha; nhân rộng mô hình quản lý rừng cộng đồng trên địa bàn tỉnh.”

9. Sửa đổi gạch đầu dòng thứ nhất, nội dung b điểm 2.2 Khoản 2 Mục III Phần thứ ba

- Bảo vệ tốt diện tích rừng phòng hộ hiện có; phấn đấu mỗi năm trồng mới khoảng 200 ha bằng phương thức trồng đai cây xanh phân định ranh giới giữa các loại rừng.”

10. Sửa đổi nội dung b điểm 2.3 Khoản 2 Mục III Phần thứ ba

“b) Mục tiêu

Định hướng đến năm 2020 có 161.284 ha rừng sản xuất. Sản phẩm chính là cây gỗ lớn để cung cấp nguyên liệu cho dân dụng và xuất khẩu. Mỗi năm khai thác và trồng lại khoảng 9.500 ha với trữ lượng gỗ lớn 150m3/ha, chu kỳ bình quân 12 năm và gỗ nhỏ 70 m3/ha, chu kỳ bình quân 7 năm. Đến năm 2020, tỷ lệ giống cây trồng lâm nghiệp được kiểm soát về chất lượng đưa vào trồng rừng đạt 60-70%, năng suất rừng trồng tăng lên 20%. Quy hoạch vùng nguyên liệu rừng trồng gỗ lớn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015 - 2020, định hướng đến năm 2030 với diện tích khoảng 2.000 ha với các loại cây trồng chính là cây keo và các loại cây bản địa (sao, dầu, lim…)”

11. Sửa đổi gạch đầu dòng thứ 2, nội dung c điểm 2.3 Khoản 2 Mục III Phần thứ ba

“- Đưa tỷ lệ giống cây trồng lâm nghiệp được kiểm soát về chất lượng đưa vào trồng rừng đạt 60-70% vào năm 2020, đảm bảo cung ứng đủ giống có chất lượng, góp phần tăng năng suất rừng trồng vào năm 2015 là 10%; năm 2020 là 20%.”

12. Bổ sung điểm d Khoản 3 Mục III Phần thứ ba

“- Triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ đầu tư trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn; hỗ trợ khuyến khích cây gỗ nguy cấp, quý, hiếm trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020.”

13. Sửa đổi gạch đầu dòng thứ hai, điểm e Khoản 3 Mục III Phần thứ ba

“- Hỗ trợ xúc tiến thương mại thông qua các hội chợ triển lãm quốc tế về đồ gỗ tổ chức tại Việt Nam; thông qua phòng công nghiệp thương mại Việt Nam, các hiệp hội chế biến gỗ trong nước để quảng bá hình ảnh và tìm kiếm thị trường tài năng.”

14. Sửa đổi điểm f Khoản 3 Mục III Phần thứ ba

“f) Chính sách hỗ trợ

- Thúc đẩy tuyên truyền chính sách khuyến khích, kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến lâm sản có chất lượng cao nhằm mang lại giá trị gia tăng cho nhà sản xuất và người trồng rừng.

- Ngành Lâm nghiệp là một trong những ngành sản xuất gặp rủi ro tương đối cao như: thời gian thu hoạch dài, thiên tai, dịch bệnh, thị trường thiếu ổn định…Vì vậy, cần xây dựng chính sách nới lỏng tín dụng đối với ngành Lâm nghiệp nhằm tạo điều kiện cho người nông dân, các hộ gia đình, các tổ chức khác dễ dàng tiếp cận được các nguồn vốn vay để phát triển sản xuất.”

15. Sửa đổi, bổ sung điểm g Khoản 3 Mục III Phần thứ ba

- Sửa đổi gạch đầu thứ 11, điểm g Khoản 3 Mục III Phần thứ ba

“Hỗ trợ xây dựng cơ sở giống cây lâm nghiệp chất lượng cao bằng phương pháp nuôi cấy mô trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2020.”

- Bổ sung dự án

+ Dự án Hỗ trợ phát triển lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng.

+ Dự án Hỗ trợ đầu tư trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2016 - 2020.

+ Dự án Mô hình trồng rừng phòng hộ và mô hình trồng đai cây xanh phân định ranh giới giữa các loại rừng tỉnh Quảng Ngãi.

+ Dự án Trồng rừng ngập mặn ven biển các huyện Tư Nghĩa, Đức Phổ tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2016 - 2021.

+ Dự án Trồng mới rừng phòng hộ ven biển và cảnh quan môi trường tại huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi.

16. Bổ sung Khoản 1 Mục IV Phần thứ ba

“- Đối với khai thác thủy sản: Phát triển khai thác thủy sản một cách hiệu quả đi đôi với bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản trên cơ sở hợp lý hoá cơ cấu đội tàu khai thác, tăng cường năng lực đội tàu khai thác xa bờ. Giảm dần số lượng tàu thuyền một cách hợp lý đồng thời tổ chức lại sản xuất ngành khai thác theo hướng nâng cao hiệu quả kinh tế đội tàu, chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp, phát triển các nghề khai thác thân thiện với môi trường, hạn chế các nghề khai thác mang tính hủy hoại và nguy hiểm như nghề lưới vây, lưới rê, mực xà, câu…. Thực hiện nghiêm túc Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 13/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

- Đối với nuôi trồng thủy sản: Chú trọng nuôi thủy sản gắn với bảo vệ môi trường; phát triển nuôi thủy sản theo hình thức thâm canh.

- Đối với cơ sở hạ tầng và dịch vụ hậu cần nghề cá: Xã hội hóa các nguồn vốn để hoàn thiện cơ sở hạ tầng và dịch vụ cho ngành thủy sản, trước hết là các công trình cảng, bến cá, thông luồng, vũng neo đậu trú bão tàu thuyền nhằm thu hút nguồn nguyên liệu thủy sản về địa phương.”

17. Sửa đổi nội dung a điểm 2.2 Khoản 2 Mục IV Phần thứ ba

“a) Mục tiêu

- Khai thác thủy sản:

Đến năm 2020, sản lượng khai thác đạt trên 206.000 tấn/năm. Tổng số tàu thuyền khai thác đến năm 2020 giảm còn khoảng 5.300 chiếc với tổng công suất tàu cá đạt 1.600.000 CV; giảm dần tàu cá có công suất nhỏ dưới 90 CV đang khai thác ven bờ, tăng dần tàu có công suất 400CV trở lên có khả năng đánh bắt xa bờ. Giảm tỷ lệ nghề lưới kéo tầng đáy xuống 25%, tăng nghề rê khơi lên 30%; tăng nghề câu lên 18%; tăng nghề lưới vây lên 13%.”

18. Sửa đổi nội dung a điểm 2.3 Khoản 2 mục IV phần thứ ba

“a) Mục tiêu

Nuôi thủy sản: Phấn đấu đến năm 2020, diện tích nuôi thủy sản đạt 2.350 ha, trong đó nuôi nước lợ khoảng 850 ha, nuôi biển 150 bè (khoảng 2.000 lồng), nuôi nước ngọt khoảng 1.500 ha. Sản lượng nuôi thủy sản đạt khoảng 10.000 tấn, trong đó nuôi tôm nước lợ 6.300 tấn, cá nước ngọt khoảng 2.000 tấn, nuôi biển 100 tấn, thủy sản khác 900 tấn... Đối tượng nuôi nước lợ chủ yếu là tôm thẻ chân trắng, cua, tôm sú…; nuôi trên biển chủ yếu là tôm hùm, cá mú, cá bớp, cá chim vây vàng…, nuôi nước ngọt chủ yếu là cá rô phi đơn tính, cá trắm cỏ, cá lóc.”

19. Bổ sung điểm 3.1 Khoản 3 Mục IV Phần thứ ba

“- Hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp từ khai thác thủy sản ven bờ, nghề lưới kéo nghề lặn sang ngành nghề, dịch vụ khác.”

20. Sửa đổi Khoản 1 Mục V Phần thứ ba

1. Mục tiêu:

“Đến năm 2020, tổng diện tích sản xuất muối là 114,7 ha; sản lượng đạt 11.000 tấn, trong đó, diện tích sản xuất muối sạch theo hướng công nghiệp 51,55 ha, sản lượng đạt 6.000 tấn; tổ chức lại Hợp tác xã nghề muối và xây dựng mạng lưới chế biến, thị trường tiêu thụ muối ổn định”. Nghiên cứu, khảo sát chuyển đổi diện tích sản xuất muối kém hiệu quả sang đầu tư dự án năng lượng mặt trời kết hợp nuôi thủy sản (hải sâm,…).”

21. Bổ sung Khoản 4 Mục V Phần thứ ba

“- Dự án Sản xuất muối sạch kết tinh trên nền lót bạt HDPE giai đoạn 1.

- Dự án Nâng cao năng lực sản xuất của Hợp tác xã muối Sa Huỳnh.

- Dự án Hỗ trợ tập huấn, đào tạo chuyển đổi nghề cho lao động nghề muối.

- Dự án Đầu tư Nhà máy chế biến muối sạch Sa Huỳnh.

- Dự án Xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại sản phẩm muối Sa Huỳnh.

- Dự án Đầu tư kho dự trữ, bảo quản muối (giai đoạn 2018 - 2020)”

22. Bổ sung Khoản 2 Mục VII Phần thứ ba

“- Nâng cao mức bảo đảm an toàn phòng chống thiên tai, bão, lũ, lụt. Chủ động phòng chống, né tránh hoặc thích nghi để giảm thiểu tổn thất, bảo vệ an toàn cho dân cư, ổn định và phát triển sản xuất trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

- Nghiên cứu, đầu tư nhân rộng mô hình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước. Trong đó, ưu tiên tưới cho cây rau, màu, cây lương thực, cây ăn quả, hành, tỏi ở huyện Lý Sơn và các xã ven biển.”

23. Bổ sung Khoản 3 Mục VII Phần thứ ba

“- Ứng dụng các mô hình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho các vùng sản xuất rau màu, cây lương thực, cây ăn quả tập trung; cây hành, tỏi ở huyện đảo Lý Sơn.

- Ứng dụng công nghệ thông tin giám sát, điều khiển vận hành tự động công trình hồ chứa nước có cửa van điều tiết.

- Đầu tư xây dựng hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dụng phục vụ công tác phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh.

- Đập ngăn mặn Bình Nguyên và Bình Phước

- Hệ thống hồ trữ nước sinh hoạt, kết hợp tưới tiết kiệm cho nông nghiệp đảo Lý Sơn.

- Quản lý, sử dụng và khai thác các công trình cấp nước tập trung.

- Chỉnh trị các cửa sông thuộc khu vực Cửa Đại, sông Trà Khúc-giai đoạn 1.

- Các tuyến đê biển huyện Lý Sơn (giai đoạn 1)”

24. Bổ sung dưới Khoản 10 Mục VIII Phần thứ ba

“11. Giải pháp nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm nông nghiệp

Để tạo sự chuyển biến nhanh trong việc nâng cao giá trị gia tăng, trước mắt cần phải thực hiện các giải pháp sau:

- Trên cơ sở xác định lợi thế, tiềm năng và định hướng của thị trường, các địa phương cần xác định cho được các sản phẩm chủ lực để xây dựng chuỗi giá trị có khả năng nâng cao giá trị gia tăng để tập trung đầu tư phát triển.

- Chuyển sản xuất từ coi trọng số lượng sang chất lượng thông qua các việc ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm…

- Triển khai các biện pháp tích tụ ruộng đất, trước hết là dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng lớn nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hoá tập trung, đưa cơ giới hoá, khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất, làm tăng năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất.

12. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào các khâu sản xuất

Tăng cường nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ cao trong tất cả các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ của ngành; khuyến khích các doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng công nghệ cao nhằm tạo đột phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả cây trồng, vật nuôi, nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Xây dựng, hoàn thiện và áp dụng hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình kỹ thuật sản xuất; đẩy mạnh đăng ký bảo hộ sản phẩm, bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu sản phẩm.

13. Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất

Tiếp tục đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, trọng tâm là hỗ trợ các doanh nghiệp nông nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển sản xuất hàng hóa tập trung trên cơ sở phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị. Đẩy mạnh đổi mới và phát triển các HTX nông nghiệp, phát triển trang trại theo hướng chú trọng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao.

14. Xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và thích ứng với biến đổi khí hậu

Tiếp tục huy động các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn ngày càng hiện đại, đáp ứng yêu cầu của sản xuất hàng hóa quy mô lớn, đồng thời nâng cao năng lực phòng chống, giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. Ưu tiên các nguồn lực đầu tư cho thủy lợi và thủy sản, nhất là các cảng cá và khu neo đậu tàu cá.

15. Gắn Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới với tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới nhằm hướng tới mục tiêu nâng cao thu nhập để cải thiện đời sống của người nông dân; cần tập trung thực hiện các giải pháp sau:

- Đẩy mạnh sản xuất trên tất cả các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản; có biện pháp thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, nâng cao năng lực của các HTX; đẩy mạnh liên doanh, xây dựng mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ.

- Thực hiện lồng ghép có hiệu quả các chương trình, dự án của Đề án Tái cơ cấu trên địa bàn gắn với xây dựng nông thôn mới, đặc biệt ưu tiên đầu tư cho các dự án hỗ trợ sản xuất, các dự án có nhiều hộ nông dân tham gia để nâng cao thu nhập cho người dân.

- Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao tay nghề cho lao động ở nông thôn. Chuyển dịch lao động nông thôn sang lĩnh vực công nghiệp và các ngành nghề khác.

16. Triển khai thực hiện tích tụ, tập trung ruộng đất

Đẩy mạnh thực hiện công tác tích tụ, tập trung ruộng đất trên địa bàn tỉnh nhằm hình thành các vùng chuyên canh lớn, thuận lợi cho việc ứng dụng đồng bộ các biện pháp canh tác tiên tiến, thu hút các doanh nghiệp đầu tư để tạo ra sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài tỉnh.”

25. Sửa đổi, bổ sung Khoản 11 Mục VIII Phần thứ ba

“17. Giải pháp về huy động nguồn lực:

- Tổng nhu cầu vốn bổ sung để thực hiện Đề án: 3.162.260 triệu đồng, trong đó:

- Lĩnh vực nông nghiệp: 940.336 triệu đồng

- Lĩnh vực lâm nghiệp: 182.444 triệu đồng

- Lĩnh vực thủy sản: 1.320.085 triệu đồng

- Lĩnh vực thủy lợi: 695.426 triệu đồng

- Lĩnh vực diêm nghiệp: 23.500 triệu đồng

- Lĩnh vực phát triển nông thôn: 469 triệu đồng

Khái toán nguồn vốn bổ sung

Tổng số: 3.162.260 triệu đồng, trong đó:

- Vốn ngân sách Trung ương: 1.868.450 triệu đồng

- Vốn ngân sách địa phương: 303.936 triệu đồng, bao gồm:

+ Vốn đầu tư phát triển: 227.570 triệu đồng

+ Vốn sự nghiệp: 76.366 triệu đồng

- Vốn doanh nghiệp: 937.736 triệu đồng

- Vốn khác: 52.138 triệu đồng

Ngoài các nguồn vốn theo Phụ lục 1 kèm theo, cần xã hội hóa từ các nguồn vốn khác để đầu tư vào Đề án đặc biệt là các nguồn vốn từ doanh nghiệp, ưu tiên cho các dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ theo Phụ lục 2.”

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chủ trì phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan, UBND các huyện, thành phố, triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung sửa đổi, bổ sung Đề án này; giúp UBND tỉnh theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện và tổng hợp kết quả báo cáo UBND tỉnh theo dõi, chỉ đạo.

- Tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (VietGAP) theo Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg ngày 09 tháng 01 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Chủ trì rà soát, đánh giá và tham mưu UBND tỉnh hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nông nghiệp, bao gồm chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, đánh giá và trình UBND tỉnh xem xét sửa đổi, hoàn thiện chính sách phát triển kinh tế hợp tác (gồm chính sách phát triển hợp tác xã nông nghiệp và Đề án phát triển 15.000 hợp tác xã nông nghiệp hiệu quả)

- Phối hợp với Sở Tài chính tổng hợp, cân đối, trình UBND tỉnh bổ sung vốn đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 để thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới và phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

3. Sở Tài chính

Cân đối, ưu tiên bố trí bổ sung các nguồn vốn sự nghiệp để thực hiện tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

4. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Hoàn thành việc nghiên cứu Chính sách đất đai theo hướng tạo thuận lợi cho tích tụ, tập trung ruộng đất, phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn và quản lý, sử dụng hiệu quả đất nông nghiệp.

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện kế hoạch chuyển đổi đất rừng phòng hộ ít xung yếu và đất rừng nghèo kiệt sang rừng sản xuất theo Nghị quyết số 134/2016/QH13 của Quốc hội.

5. Sở Khoa học và Công nghệ

- Nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ.

- Hoàn chỉnh, triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Xây dựng, phát triển nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm đặc thù của tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025”.

6. Sở Xây dựng

- Chủ trì, phối hợp thực hiện các nhiệm vụ liên quan thuộc chức năng, nhiệm vụ của Sở trong việc đề xuất, thẩm định các dự án đầu tư phát triển để thực hiện tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

7. Sở Công Thương

- Chủ trì đề xuất UBND tỉnh biện pháp về quản lý thương mại hàng nông, lâm, thủy sản; kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm hoạt động buôn lậu và gian lận trong thương mại để tránh thiệt hại cho nông dân, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có giải pháp phát triển thị trường, thúc đẩy tiêu thụ nông sản.

8. Ngân hàng nhà nước Việt Nam - chi nhánh Quảng Ngãi: Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp nông thôn; nghiên cứu bổ sung các chính sách phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện tiếp cận vốn cho người dân và doanh nghiệp.

9. Cục Thống kê tỉnh

Phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố tổ chức thực hiện Kế hoạch thực hiện Bộ tiêu chí giám sát đánh giá cơ cấu lại ngành nông nghiệp đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi (theo Quyết định số 1852/QĐ-UBND ngày 06/10/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh).

10. UBND các huyện, thành phố

Đánh giá kết quả thực hiện Đề án trong giai đoạn vừa qua, rà soát, sửa đổi, bổ sung Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của địa phương mình phù hợp với Đề án chung của tỉnh và thực tiễn của từng địa phương.

Tổ chức thực hiện hiệu quả các chính sách của Trung ương, của tỉnh đã ban hành. Theo dõi, phát hiện, đánh giá, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả trên địa bàn; đề xuất chính sách hỗ trợ để nhân rộng đối với các mô hình hiệu quả.

11. Về chế độ báo cáo

Định kỳ vào ngày 15 tháng 6 và 30 tháng 11 hàng năm, các sở, ngành, có liên quan, UBND các huyện, thành phố tổng hợp kết quả thực hiện Đề án của đơn vị, địa phương mình được phân công, báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vướng mắc, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, UBND các huyện, thành phố chủ động phản ánh về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, đề xuất, tham mưu trình UBND tỉnh xem xét giải quyết kịp thời./.

 

PHỤ LỤC 1

TỔNG HỢP NHU CẦU VỐN BỔ SUNG ĐỀ ÁN GIAI ĐOẠN 2018-2020
(Kèm theo Quyết định số 742/QĐ-UBND ngày 28/8/2018 của UBND tỉnh)

ĐVT: Triệu đồng

TT

TÊN DỰ ÁN

Quy mô, công suất

Địa điểm thực hiện

Dự kiến thời gian thực hiện

Nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2018-2020

Ghi chú

Tổng số

Ngân sách Trung ương

NS địa phương

Chia ra

Vốn DN

Khác

Tổng số

ĐTPT

CTMT

ODA

Theo QĐ 48

ĐTPT

SN

 

 

A

B

C

D

E

1=2+7+ 10+11

2=3+4+ 5+6

3

4

5

6

7=8+9

8

9

10

11

12

 

TỔNG SỐ

 

 

 

3.162.260

1.868.450

385.092

102.873

150.000

1.230.485

303.936

227.570

76.366

937.736

52.138

 

A

TRỒNG TRỌT

 

 

 

52.074

 

 

 

 

 

8.000

2.500

5.500

44.074

 

 

1

Sửa chữa các nhà kho chứa đựng sản phẩm Trạm giống cây nông nghiệp Đức Hiệp

 

Mộ Đức

2018

2.500

 

 

 

 

 

2.500

2.500

 

 

 

QĐ số 684a/QĐ-UBND ngày 16/12/2016

2

Dự án vùng sản xuất rau, củ và vùng dược liệu công nghệ cao

nấm rơm 230 tấn/năm, tinh dầu gấc 100 l/năm, dưa lưới 200 tấn/năm …

Mộ Đức

2017- 2018

27.424

 

 

 

 

 

 

 

 

27.424

 

QĐ số 995/QĐ-UBND ngày 27/12/2017

3

Dự án Trang trại Rau củ quả an toàn

600 kg rau, quả/ngày; 180 tấn rau củ quả/năm

Mộ Đức

2018

6.000

 

 

 

 

 

 

 

 

6.000

 

QĐ số 26/QĐ-UBND ngày 10/01/2018

4

Dự án sản xuất Rau - củ - quả an toàn và tiêu thụ sản phẩm

37,5 tấn/năm rau ăn lá; 258,5 tấn/năm các loại củ, quả

Trà Bồng

2017- 2018

10.650

 

 

 

 

 

 

 

 

10.650

 

QĐ số 1226/QĐ-UBND ngày 29/6/2017

5

Dự án phát triển vùng cây ăn quả an toàn huyện Nghĩa Hành

200 ha

Nghĩa Hành

2018- 2020

5.500

 

 

 

 

 

5.500

 

5.500

 

 

Hỗ trợ giống và xây dựng thương hiệu

B

CHĂN NUÔI

 

 

 

888.262

 

 

 

 

 

15.400

 

15.400

872.862

 

 

1

Dự án Xây dựng cơ sở vật chất tại các Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện, thành phố

 

Các huyện, thành phố

2017- 2020

4.000

 

 

 

 

 

4.000

 

4.000

 

 

Quy hoạch chăn nuôi

2

Dự án Trang trại bò sữa Vinamilk Quảng Ngãi

125 ha/4.000 con bò

Huyện Mộ Đức

2017- 2020

700.000

 

 

 

 

 

 

 

 

700.000

 

Quyết định số 1756/QĐ-UBND ngày 22/9/2017

3

Dự án Chuỗi nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao OFB Mộ Đức

1.000 con bò, và các SP trồng trọt

Đức Minh, Mộ Đức

2017 - 2019

115

 

 

 

 

 

 

 

 

115

 

Quyết định số 677/QĐ-UBND ngày 26/9/2017

4

Dự án Trang trại chăn nuôi heo thịt theo hướng công nghiệp sạch Phú Hiệp

Công suất 8.000 con heo thịt/năm

Minh Long

2017 - 2019

20.000

 

 

 

 

 

 

 

 

20.000

 

Quyết định số 895/QĐ-UBND ngày 01/12/2017

5

Dự án Kinh tế trang trại chăn nuôi heo công nghiệp

Công suất 2.400 con heo thịt/năm

Trà Bồng

2017 - 2018

3.512

 

 

 

 

 

 

 

 

3.512

 

Quyết định số 855/QĐ-UBND ngày 20/11/2017

6

Cơ sở Chăn nuôi gia súc theo hướng Công nghiệp sạch Phổ Cường

100 con lợn nái, 1.000 lợn thịt

Phổ Cường, Đức Phổ

2016- 2018

10.000

 

 

 

 

 

 

 

 

10.000

 

Quyết định số 947/QĐ-UBND ngày 31/5/2016

7

Cơ sở Chăn nuôi heo giống và heo thịt

300 lợn nái, 1.200 lợn thịt

Tư Nghĩa

2016- 2018

9.841

 

 

 

 

 

 

 

 

9.841

 

Quyết định số1405/QĐ-UBND ngày 03/8/2016

8

Trang trại chăn nuôi lợn thịt sạch An Hội

4.000 con lợn thịt

Tư Nghĩa

2017 - 2018

19.794

 

 

 

 

 

 

 

 

19.794

 

Quyết định số 1591/QĐ-UBND ngày 28/8/2017

9

Trang trại chăn nuôi lợn thịt sạch Xuân An

3.300 con lợn thịt

Nghĩa Hành

2017 - 2018

15.000

 

 

 

 

 

 

 

 

15.000

 

Quyết định số 716/QĐ-UBND ngày 11/10/2017

10

Trang trại chăn nuôi gia súc chất lượng cao Sông Trà

200 con bò giống Brahman, 200 con dê Boer

Mộ Đức

2018 - 2019

40.000

 

 

 

 

 

 

 

 

40.000

 

Quyết định số 256/QĐ-UBND ngày 20/3/2018

11

Trang trại chăn nuôi lợn thịt sạch Thảo Nguyên Xanh

4.000 con lợn thịt

Nghĩa Hành

2018

25.000

 

 

 

 

 

 

 

 

25.000

 

Quyết định số 259/QĐ-UBND ngày 21/3/2018

12

Dự án giết mổ gia cầm sạch theo hướng công nghiệp

Công suất 200- 500 con/giờ

Theo QH Chăn nuôi

2018 - 2020

12.000

 

 

 

 

 

8.400

 

8.400

3.600

 

Quy hoạch Chăn nuôi

13

Dự án giết mổ gia súc theo hướng công nghiệp

10.000 - 12.000 tấn thịt lợn móc và 1.000 - 1.200 tấn thịt bò/năm

Theo QH Chăn nuôi

2018 - 2020

9.000

 

 

 

 

 

3.000

 

3.000

6.000

 

Quy hoạch Chăn nuôi

14

Dự án Nhà máy sản xuất thức ăn tổng hợp cho gia súc, gia cầm

Công suất 60.000 - 80.000 tấn/năm

Cụm công ghiệp

2018 - 2020

20.000

 

 

 

 

 

 

 

 

20.000

 

Quy hoạch Chăn nuôi

C

LÂM NGHIỆP

 

 

 

182.444

107.615

11.211

96.404

 

 

64.891

54.775

10.116

 

9.938

 

1

Dự án Hỗ trợ đầu tư trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn, giai đoạn 2016 - 2020

507 ha

Trên địa bàn tỉnh

2018- 2020

35.924

6.711

6.711

 

 

 

23.225

17.225

6.000

 

5.988

Quyết định số 1528/QĐ-UBND ngày 19/8/2016, NQ số 56/2017/NQ- HĐND ngày 09/12/2017

2

Dự án Rà soát, chuyển đổi rừng phòng hộ ít yếu xung sang quy hoạch rừng sản xuất và điều chỉnh, bổ sung quy hoạch 03 loại rừng tỉnh Quảng Ngãi từ năm 2025 và định hướng đến năm 2030

 

Trên địa bàn tỉnh

2017 - 2018

3.734

 

 

 

 

 

3.734

 

3.734

 

 

Quyết định số 988/QĐ-UBND ngày 29/5/2017

3

Hỗ trợ phát triển lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng

100 ha

Trên địa bàn tỉnh

2018 - 2020

5.000

 

 

 

 

 

1.050

1.050

 

 

3.950

 

4

Dự án Trồng rừng ngập mặn ven biển các huyện Tư Nghĩa, Đức Phổ tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2016 - 2021

Trồng mới 98 ha rừng ngập mặn, xây dựng các công trình phục vụ trồng rừng

Tư nghĩa, Đức Phổ

2017 - 2021

67.806

67.573

 

67.573

 

 

232,49

 

232,49

 

 

Tờ trình số 179/TTr-UBND ngày 30/12/2016 của UBND tỉnh, Công văn số 365/HĐN- KTNS ngày 19/12/2016 của HĐND tỉnh

5

Dự án Trồng rừng phòng hộ ven biển và cảnh quan môi trường tại huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2016 - 2021

Trồng mới 120 ha rừng và xây dựng các công trình phục vụ trồng rừng

Đức Phổ,

2017 - 2021

22.981

22.831

 

22.831

 

 

149,65

 

149,653

 

 

Tờ trình số 162/TTr-UBND ngày 01/12/2016 của HĐND tỉnh

6

Dự án Mô hình trồng rừng phòng hộ và mô hình trồng đai cây xanh phân định ranh giới giữa các loại rừng tỉnh Quảng Ngãi

350 ha

Trên địa bàn tỉnh

2017 - 2020

47.000

10.500

4.500

6.000

 

 

36.500

36.500

 

 

 

Quyết định số 434/QĐ-UBND ngày 20/6/2017

D

THỦY LỢI

 

 

 

695.426

513.881

373.881

 

140.000

 

181.545

157.795

23.750

 

 

 

I

DỰ ÁN PHI CÔNG TRÌNH

 

 

 

21.550

300

300

 

 

 

21.250

 

21.250

 

 

 

1

Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản lý, vận hành đảm bảo an toàn công trình thủy lợi

05 lớp, mỗi lớp 70 người

 

2017- 2020

750

300

300

 

 

 

450

 

450

 

 

 

2

Ứng dụng các mô hình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho các vùng sản xuất rau, màu, cây lương thực, căn ăn quả tập trung; cây hành, tỏi ở huyện đảo Lý Sơn

 

06 huyện đồng bằng; thành phố Quảng Ngãi và huyện đảo Lý Sơn

2017- 2020

5.000

 

 

 

 

 

5.000

 

5.000

 

 

 

3

Ứng dụng công nghệ thông tin giám sát, điều khiển vận hành tự động công trình hồ chứa nước có cửa van điều tiết

Khoảng 04 công trình (03 hồ chứa nước có cửa van điều tiết và cụm công trình đầu mối Thạch Nham)

 

2017- 2020

5.000

 

 

 

 

 

5.000

 

5.000

 

 

 

4

Phổ biến, tập huấn pháp luật về phòng chống thiên tai; nâng cao năng lực cho cộng đồng vùng có mức rủi ro cao

Tập huấn cho cán bộ cấp xã và nhân dân trong xã của các vùng có nguy cơ xảy ra thiên tai (dự kiến 42 lớp)

 

2017- 2020

700

 

 

 

 

 

700

 

700

 

 

 

5

Mua sắm trang thiết bị công nghệ phục vụ phòng chống thiên tai

Mua sắm các trang thiết bị công nghệ cho Văn phòng Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh

 

2017- 2020

2.700

 

 

 

 

 

2.700

 

2.700

 

 

 

6

Điều tra hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng phục vụ công tác phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh

15 trạm đo mua, 8 trạm đo mực nước, 4 trạm đo thủy triều và 04 trạm đo mặn

Các huyện, thành phố

2018 - 2020

7.400

 

 

 

 

 

7.400

 

7.400

 

 

 

II

DỰ ÁN CÔNG TRÌNH

 

 

 

673.876

513.581

373.581

 

140.000

 

160.295

157.795

2.500

 

 

 

1

Hệ thống trữ nước sinh hoạt, kết hợp tưới tiết kiệm cho nông nghiệp đảo Lý Sơn

Xây dựng hồ chứa nước, các kênh thu nước, bể chứa và hệ thống tưới tiết kiệm

Huyện Lý Sơn

2017- 2020

75.000

45.000

45.000

 

 

 

30.000

30.000

 

 

 

Quyết định số 1995/QĐ-UBND ngày 27/10/2017 Quyết định số 954/QĐ-UBND ngày 22/12/2017

2

Quản lý, sử dụng và khai thác các công trình cấp nước tập trung

 

 

 

2.500

 

 

 

 

 

2.500

 

2.500

 

 

 

3

Đập ngăn mặn Bình Nguyên và Bình Phước

Chiều dài tuyến đập khoảng 1,6 km

Bình Sơn

2018 - 2020

100.000

 

 

 

 

 

100.000

100.000

 

 

 

Quyết định số 1446/QĐ-UBND ngày 8/08/2017

4

Sửa chữa và nâng cao an toàn đập tỉnh Quảng Ngãi

20 hồ chứa nước

các huyện

2017 - 2022

157.795

140.000

 

 

140.000

 

17.795

17.795

 

 

 

QĐ số 684a/QĐ-UBND ngày 16/12/2016, Quyết định số 572/QĐ-BKHĐT ngày 20/4/2017 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (nguồn vốn bố trí đến năm 2020)

5

Các tuyến đê biển huyện Lý Sơn (giai đoạn 1)

 

Lý Sơn

2017- 2021

338.581

328.581

328.581

 

 

 

10.000

10.000

 

 

 

QĐ số 684a/QĐ-UBND ngày 16/12/2016 (nguồn vốn bố trí đến năm 2020)

E

THỦY SẢN

 

 

 

1.320.085

1.246.485

 

6.000

10.000

1.230.485

20.600

12.500

8.100

10.800

42.200

 

I

Danh mục các dự án hỗ trợ đầu tư theo các chương trình, kế hoạch phát triển hàng năm

 

 

 

1.250.485

1.246.485

 

6.000

10.000

1.230.485

4.000

 

4.000

 

 

 

1

Hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp khai thác thủy sản ven bờ

50 mô hình/năm

Các huyện ven biển

2018 - 2020

20.000

16.000

 

6.000

10.000

 

4.000

 

4.000

 

 

QĐ số 555/QĐ-UBND, 11/8/2017

2

Hỗ trợ trang bị thông tin kết hợp xác định vị trí tàu trên biển

1000 chiếc

Các huyện ven biển

2018 - 2020

10.000

10.000

 

 

 

10.000

 

 

 

 

 

Quyết định số 555/QĐ-UBND, 11/8/2017

3

Hỗ trợ ngư dân đánh bắt vùng biển xa (theo QĐ 48)

62.748 chuyến

Các huyện ven biển

2018 - 2020

1.220.485

1.220.485

 

 

 

1.220.485

 

 

 

 

 

Quyết định số 555/QĐ-UBND ngày 11/8/2017

II

Dự án phát triển thuỷ sản

 

 

 

69.600

 

 

 

 

 

16.600

12.500

4.100

10.800

42.200

 

1

Dự án chế biến thuỷ sản

 

 

 

52.000

 

 

 

 

 

 

 

 

10.800

41.200

 

a

Xây dựng mới 3 nhà máy chế biến thuỷ sản đông lạnh

12.500 tấn/năm

 

2018 - 2020

40.000

 

 

 

 

 

 

 

 

10.000

30.000

Quyết định số 555/QĐ-UBND ngày 11/8/2017

b

Xây dựng mới 02 cơ sở chế biến nước mắm

02 cơ sở

Bình Sơn

2018 - 2020

2.000

 

 

 

 

 

 

 

 

800

1.200

Quyết định số 555/QĐ-UBND ngày 11/8/2017

c

Nâng cấp và đổi mới công nghệ các nhà máy chế biến hiện có

10 cơ sở - tăng 2000 tấn sản phẩm/năm

KCN Quảng Phú

2018 - 2020

10.000

 

 

 

 

 

 

 

 

 

10.000

Quyết định số 555/QĐ-UBND ngày 11/8/2017

2

Sửa chữa hệ thống phao luồng tại các cảng cá Sa Huỳnh, Lý Sơn, Sa Kỳ

 

Đức Phổ, Lý Sơn, TP Quảng Ngãi

2018

2.500

 

 

 

 

 

2.500

2.500

 

 

 

QĐ số 684a/QĐ-UBND ngày 16/12/2016

3

Xây dựng khu bảo tồn biển Lý Sơn

 

Diện tích khu bảo tồn 7.925 ha

2018 - 2020

10.000

 

 

 

 

 

10.000

10.000

 

 

 

QĐ số 684a/QĐ-UBND ngày 16/12/2016

4

Dự án sản xuất, ương dưỡng giống và nuôi hải sâm thương phẩm

 

04 huyện ven biển

2018 - 2020

4.000

 

 

 

 

 

3.000

 

3.000

 

1.000

 

5

Quan trắc cảnh báo môi trường và dịch bệnh

 

6 huyện, TP

2018 - 2020

1.100

 

 

 

 

 

1.100

 

1.100

 

 

 

F

DIÊM NGHIỆP

 

 

 

23.500

 

 

 

 

 

13.500

 

13.500

10.000

 

 

1

Dự án Muối sạch kết tinh trên nền trải bạt (giai đoạn 1)

Phủ bạt HDPE trên 07 ha nền kết tinh

Đồng muối Sa Huỳnh

2018- 2020

5.000

 

 

 

 

 

5.000

 

5.000

 

 

Quyết định số 2497/QĐ-UBND ngày 02/12/2016

2

Dự án Hỗ trợ nâng cao năng lực hợp tác xã

 

02 HTX

2018- 2019

3.000

 

 

 

 

 

3.000

 

3.000

 

 

Quyết định số 2497/QĐ-UBND ngày 02/12/2016

3

Dự án Hỗ trợ tập huấn, đào tạo chuyển đổi nghề cho lao động nghề muối

 

 

2018- 2020

1.500

 

 

 

 

 

1.500

 

1.500

 

 

Quyết định số 2497/QĐ-UBND ngày 02/12/2016

4

Dự án Đầu tư xây dựng nhà máy muối sạch Sa Huỳnh (giai đoạn 1)

Công suất chế biến 10.000 tấn/năm

 

2018- 2019

10.000

 

 

 

 

 

 

 

 

10.000

 

Quyết định số 2497/QĐ-UBND ngày 02/12/2016

5

Dự án Xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại sản phẩm muối Sa Huỳnh

 

 

2018- 2020

2.000

 

 

 

 

 

2.000

 

2.000

 

 

Quyết định số 2497/QĐ-UBND ngày 02/12/2016 của UBND tỉnh

6

Dự án đầu tư kho dự trữ, bảo quản muối

XD 01 nhà kho quy mô 2.000 - 4.000 tấn

 

2018- 2020

2.000

 

 

 

 

 

2.000

 

2.000

 

 

Quyết định số 2497/QĐ-UBND ngày 02/12/2016

G

PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

 

 

 

469

469

 

469

 

 

 

 

 

 

 

 

1

Dự án Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030

Toàn tỉnh

14 huyện, thành phố

2018 - 2020

469

469

 

469

 

 

 

 

 

 

 

QĐ số 2511/QĐ-UBND ngày 26/12/2017

 

PHỤ LỤC 2

DANH MỤC CÁC DỰ ÁN KÊU GỌI ĐẦU TƯ BỔ SUNG ĐỀ ÁN TÁI CƠ CẤU NGÀNH NÔNG NGHIỆP GIAI ĐOẠN 2015-2020
(Kèm theo Quyết định số 742/QĐ-UBND ngày 28/8/2018 của UBND tỉnh)

TT

Tên dự án đầu tư

Địa điểm thực hiện dự án

Quy mô dự án

I

NÔNG NGHIỆP

 

 

1

Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Bình Hòa-Khu KT Dung Quất

300 ha

2

Sản xuất rau an toàn đạt chứng nhận VIETGAP

Tại địa bàn các huyện trong tỉnh

Theo dự án

3

Xây dựng vùng sản xuất lúa giống

Tại địa bàn các huyện trong tỉnh

Theo dự án

4

Nhà máy gia công chế biến chuối

Thôn Trà Dinh, xã Trà Lãnh

5.000 tấn/năm

5

Xây dựng cơ sở chăn nuôi và giết mổ thịt gia súc, gia cầm tập trung

Tại địa bàn các huyện trong quy hoạch

Theo dự án

6

Nhà máy chế biến hành tỏi

Huyện Lý Sơn

2.000 tấn/năm

7

Dự án Trang trại chăn nuôi chất lượng cao

Tại các huyện

Theo dự án

8

Xây dựng cánh đồng lớn

Bình Dương, Bình Sơn

Theo dự án

9

Nhà máy chế biến nông lâm sảm

CCN các huyện, thành phố

Theo dự án

10

Xây dựng vùng sản xuất lúa gạo hữu cơ

Tại các huyện

Theo dự án

11

Trang trại Rau củ quả an toàn

Huyện Mộ Đức

Theo dự án

12

Dự án Vùng sản xuất rau, củ và quả dược liệu công nghệ cao

Huyện Mộ Đức

Theo dự án

13

Dự án sản xuất, chế biến sản phẩm giá trị gia tăng từ hành - tỏi du lịch và du lịch sinh thái thiên đường Tỏi Lý Sơn

Huyện Lý Sơn

Theo dự án

II

THUỶ SẢN

 

 

1

Đầu tư dịch vụ hậu cần nghề cá

TP Quảng Ngãi và huyện Đức Phổ

Theo dự án

2

Dự án nuôi tôm tập trung

Xã Nghĩa Hoà, Phổ Khánh, Đức Minh

Xã Nghĩa Hoà 89 ha, Phổ Khánh 37 ha, Đức Minh 40 ha

3

Dự án nuôi thuỷ sản lồng theo công nghệ Nauy vùng ven đảo Lý Sơn

Huyện Lý Sơn

Theo dự án

4

Dự án chuyển giao công nghệ sản xuất giống, du nhập giống thuỷ sản mới

Huyện Mộ Đức

1 tỷ con giống

5

Nhà máy chế biến thủy, hải sản

Tịnh Kỳ, TP Q.Ngãi

Theo dự án

6

Dự án nuôi tôm công nghiệp xã Phổ Khánh - Đức Phổ

Phổ Khánh, Đức Phổ

Theo dự án

7

Dự án nuôi tôm công nghiệp xã Đức Minh - Mộ Đức

Đức Minh, Mộ Đức

Theo dự án

8

Dự án Sản xuất giống thủy sản mặn lợ Đức Phong - Mộ Đức

Đức Phong, Mộ Đức

Theo dự án

III

LÂM NGHIỆP

 

 

1

Hỗ trợ phát triển lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng

Trên địa bàn tỉnh

Theo dự án

2

Sản xuất ván ép nóng (MDF)

KCN phía tây D. Quất

250.000 m3/năm

3

Nhà máy chế biến gỗ MDF

Các cụm công nghiệp các huyện, thành phố

Theo dự án

IV

DIÊM NGHIỆP

 

 

1

Nhà máy chế biến muối chất lượng cao

Phổ Thạnh, Đức Phổ

5.000 tấn/năm

V

DỰ ÁN KHÁC

 

 

1

Nhà máy sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản

Các KCN trong tỉnh

Theo dự án

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 742/QĐ-UBND ngày 28/08/2018 sửa đổi Quyết định 148/QĐ-UBND và một số nội dung Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2015-2020 kèm theo Quyết định 148/QĐ-UBND do tỉnh Quảng Ngãi ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


2.279

DMCA.com Protection Status
IP: 3.138.178.162
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!