ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------
|
Số:
7358/QĐ-UB
|
Long
Xuyên, ngày 15 tháng 10 năm 1997
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ
VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ KHAI THÁC VÀ BẢO VỆ CÔNG TRÌNH THUỶ LỢI TRÊN ĐỊA BÀN
TỈNH AN GIANG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG
- Căn cứ Luật tổ chức Hội
Đồng Nhân Dân và Ủy Ban Nhân Dân (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày
21/06/1994;
- Căn cứ Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi đã được Uỷ Ban Thường
Vụ Quốc Hội thông qua ngày 31/8/1994 và Nghị định số 98/CP ngày 27/12/1995 của
Chính phủ quy định việc thi hành Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thuỷ
lợi;
- Căn cứ Pháp lệnh về đê điều của nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam ban
hành ngày 09/11/1989;
- Căn cứ yêu cầu tổ chức quản lý khai thác và bảo vệ các công trình thuỷ lợi trên
địa bàn tỉnh An Giang;
- Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn tỉnh An
Giang;
QUYẾT ĐỊNH
Điều I:
Nay ban hành “Quy định về khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi trên địa bàn
tỉnh An Giang”.
Điều II:
Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn phối hợp với Giám đốc Sở Địa
chính, Sở Giao thông-Vận tải, Sở Tài chính-Vật giá, Sở Tư pháp và UBND Huyện -
Thị tổ chức trểin khai thực hiện tốt quy định này.
Điều III:
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, các văn bản trước đây trái với quy
định này đều bãi bỏ.
Điều IV:
Các ông Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở Ban ngành có liên quan, các
cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn Tỉnh, Chủ tịch UBND các cấp, các tổ chức
đoàn thể quần chúng và nhân dân có trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận:
- Như Điều IV
- T.T Tỉnh uỷ
- T.T HĐND Tỉnh
- Lưu
|
ỦY
BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Hoàng Việt
|
QUY ĐỊNH
VỀ
KHAI THÁC VÀ BẢO VỆ CÔNG TRÌNH THUỶ LỢI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG.
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 7358/QĐ-UB ngày 15/10/1997 của UBND Tỉnh
An Giang)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1: -
Quy định này được ban hành nhằm thực hiện Pháp lệnh ngày 31/08/1994 của Uỷ Ban
Thường Vụ Quốc Hội và Nghị định số 98/CP ngày 27/12/1995 của Chính phủ, chỉ quy
định thêm một số vấn đề liên quan đến công tác quản lý khai thác và bảo vệ công
trình thuỷ lợi mang tính đặc thù của Tỉnh An Giang.
Điều 2:
- Quy định này áp dụng đối với các công trình và hệ thống công trình thuỷ lợi
đã và đang xây dựng được đưa vào quản lý khai thác như hệ thống công trình trạm
bơm điện, kênh mương, đê bao, công trình hồ chứa nước, cống dưới đê, cống điều
tiết nước trên kênh và các công trình thuỷ lợi khác.
Điều 3:
- Hộ dùng nước là tổ chức, cá nhân được hưởng lợi hoặc làm dịch vụ từ công
trình thuỷ lợi. Quyền và nghĩa vụ của hộ dùng nước được quy định tại điều 17
Pháp lệnh và Điều 9 Nghị định 98/CP.
Chương II
QUẢN LÝ KHAI THÁC CÔNG TRÌNH THUỶ LỢI
Điều 4:
- Công trình thuỷ lợi được xây dựng từ mọi nguồn vốn đều phải tuân theo quy
hoạch, kế hoạch, dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Điều 5:
- Hệ thống công trình thuỷ lợi được xây dựng bằng nguồn vốn của ngân sách Nhà
nước hoặc có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước do Công ty Khai thác Công trình
Thuỷ lợi trực tiếp khai thác và bảo vệ. Công ty Khai thác Công trình Thuỷ lợi
có các nhiệm vụ quy định tại Điều 15 Pháp lệnh và Điều 7 của Nghị định số 98/CP.
Điều 6:
- Doanh nghiệp ngoài quốc doanh đầu tư khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi
được quy định tại mục II chương II của Pháp lệnh, Điều 20 và 21 của Nghị định
98/CP. Chi cục Thuỷ lợi có thẩm quyền cấp và thu hồi giấy phép khai thác và bảo
vệ công trình thuỷ lợi.
Điều 7:
- Sở Tài chính-Vật giá cần quy định cụ thể nghĩa vụ nộp thuế đối với thành phần
ngoài quốc doanh, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần.
Điều 8:
- Quản lý Nhà nước về khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi được quy định tại
chương IV của Pháp lệnh và chương IV của Nghị định 98/CP.
Chương III
THUỶ LỢI PHÍ
Điều 9:
- Thuỷ lợi phí tạo nguồn thực hiện theo Quyết định số 56/QĐ-UB ngày 02/04/1991
của UBND Tỉnh An Giang.
Điều 10:
- Đối với trạm bơm điện phục vụ sản xuất, mức thu thuỷ lợi phí đảm bảo thấp hơn
mức thu đường nước bơm dầu trong cùng khu vực. Thuỷ lợi phí được thu bằng tiền
theo giá lúa thị trường thời điểm thu. Việc thanh toán thuỷ lợi phí chậm nhất
15 ngày sau khi thu hoạch.
Điều 11:
- Mức thu quỷ lợi phí đối với rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày hưởng lợi từ
nguồn nước trạm bơm được thu bằng 50% so với mức thu của lúa. Riêng mức thu
thuỷ lợi phí vụ Thu-Đông (vụ 3) do chủ đường nước và nông dân thoả thuận có sự
tham gia của chính quyền địa phương.
Điều 12:
- Mức thu thuỷ lợi phí đối với ao, hồ nuôi thuỷ sản hưởng lợi từ nguồn nước
trạm bơm mức thu là 100kg lúa/1.000m2 mặt nước/năm.
Điều 13:
- Hàng năm trước khi vào vụ Đông-Xuân, chủ đầu tư trạm bơm phải ký hợp đồng
cung cấp nước với nông dân hoặc đại diện tập thể nông dân. Hợp đồng phải nêu rõ
yêu cầu phục vụ, mức thu, thời hạn thanh lý hợp đồng và trách nhiệm của cả hai
bên cung cấp nước và sử dụng nước. Mọi trường hợp vi phạm hợp đồng đều bị xử lý
hành chính, kinh tế hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Chương IV
BẢO VỆ CÔNG TRÌNH THUỶ LỢI
Điều 14:
- Việc bảo vệ công trình thuỷ lợi được quy định tại chương III của Pháp lệnh và
chương III của Nghị định 98/CP.
Điều 15:
- Phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi được quy định như sau:
1- Đối với
kênh tưới (kênh nổi) :
- Lưu lượng
từ 2m3/s, từ chân mái ngoài của kênh trở ra là 5m.
- Lưu lượng
nhỏ hơn 2m3/s, từ chân mái ngoài của kênh trở ra là 3m.
2- Đối với
kênh tiêu (kênh chìm) :
- Lưu lượng
từ 10m3/s đến 20m3/s, từ chân mái ngoài của kênh trở ra là 20m.
- Lưu lượng
nhỏ hơn 10m3/s, từ chân mái ngoài của kênh trở ra là 10m.
- Lưu lượng
lớn hơn 20m3/s, từ chân mái ngoài của kênh trở ra là 30m.
3- Đối với
cống đầu mối (tưới tiêu, ngăn lũ) :
- Lưu lượng
dưới 10m3/s, giới hạn từ phần xây đúc cuối cùng trở ra mỗi phía là 20m.
- Lưu lượng
trên 10m3/s, giới hạn từ phần xây đúc cuối cùng trở ra mỗi phía là 30m.
4- Đối với
đập ngăn lũ :
- Khoảng cách
an toàn từ chân đập trở ra mỗi phía là 20m.
5- Đối với
công trình hồ chứa nước :
- Nghiêm cấm
việc khai thác rừng đầu nguồn bừa bãi gây cạn kiệt nguồn nước cung cấp cho hồ.
- Phạm vi bảo
vệ công trình hồ chứa (đập tràn, đập chính, đập phụ) tối thiểu 50m cách chân
đập ngoài.
6- Đối với
trạm bơm : Phạm vi bảo vệ theo hàng rào được xây dựng. Mặt bằng khu vực xây
dựng công trình phải được giao quyền sử dụng đất cho đơn vị quản lý khai thác.
7- Đối với
cầu qua kênh : Thực hiện theo Công văn số 36/CV-UB ngày 29/01/1990 của UBND
tỉnh An Giang.
8- Các loại
công trình khác (cầu máng, kè sông...) : Công ty Khai thác Công trình Thuỷ lợi
nghiên cứu trình UBND Tỉnh xem xét có quyết định riêng.
Điều 16:
- Nghiêm cấm mọi hành vi xâm hại công trình thuỷ lợi, theo Điều 28 của Pháp
lệnh, cụ thể thêm như sau:
1- Đánh bắt
cá bằng điện và chất nổ trong sông rạch.
2- Chất chà,
rào đăng đó, phóng rơm rạ, xác động vật, ngâm tre, gỗ nứa và các hình thức làm
cản trở dòng chảy trong hệ thống kênh tưới tiêu các cấp.
3- Cánh tác
lúa, rau trong lòng kênh tưới, tiêu.
4- Cất nhà,
lều chòi, phơi củi, đặt vật cản trên mặt kênh, mặt đê và hành lang an toàn.
5- Đào xén
đất bờ kênh, bờ đê sử dụng vào mục đích khác.
6- Thả trâu
bò giẩm đạp, gây sạt lở bờ kênh, bờ đê; thả vịt đàn trong hệ thống kênh tưới
tiêu, cột trâu bò dưới chân trụ điện.
Điều 17:
- Xử lý vi phạm và sử dụng đất trong phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi được
quy định tại điều 25 – 26 – 27 – 28 của Pháp lệnh và điều 14 – 15 – 16 của Nghị
định 98/CP.
Chương V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 18:
- Quy định về thanh tra chuyên ngành và những quy định khác không đề cập trong
quy định này phải thực hiện đúng theo Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình
thuỷ lợi của Uỷ Ban Thường Vụ Quốc Hội và Nghị định số 98/CP của Chính phủ.
Điều 19:
- Tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc khai thác và bảo vệ công trình thuỷ
lợi được khen thưởng theo quy định của Nhà nước. Tổ chức, cá nhân vi phạm tuỳ
theo tính chất, mức độ vi phạm và hậu quả xảy ra mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt
hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, bồi thường thiệt hại theo quy
định của pháp luật.