ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 4652/QĐ-UBND
|
Thành phố Hồ Chí
Minh, ngày 06 tháng 9 năm 2016
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN GIỐNG CÂY, GIỐNG CON CHẤT
LƯỢNG CAO TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa
phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Quyết định số 2914/QĐ-TTg
ngày 25 tháng 12 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển
giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số
50/2014/QĐ-TTg, ngày 04 tháng 9 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách
hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015-2020.
Căn cứ Quyết định số 680/QĐ-BNN-CN
ngày 07 tháng 4 năm 2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê
duyệt “Đề án tăng cường năng lực quản lý nhà nước về giống vật nuôi đến năm
2020”.
Căn cứ Quyết định số
3748/QĐ-BNN-KH ngày 15 tháng 9 năm 2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn về phê duyệt “Định hướng phát triển giống cây trồng, vật nuôi đến năm 2020
và tầm nhìn đến năm 2030”.
Căn cứ Quyết định số 310/QĐ-UBND
ngày 15 tháng 01 năm 2014 của Ủy ban nhân dân thành
phố về ban hành kế hoạch thực hiện Đề án Tái cơ cấu
ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững;
Căn cứ Quyết định số 5930/QĐ-UBND
ngày 28 tháng 12 năm 2009 của Ủy ban nhân dân thành phố về phê duyệt “Quy hoạch
sản xuất nông nghiệp phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 tầm
nhìn 2030”;
Xét Tờ trình số 1822/TTr-SNN ngày
26 tháng 7 năm 2016 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt
Chương trình mục tiêu phát triển giống cây, giống con chất lượng cao trên địa
bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2020,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Nay phê duyệt Chương trình mục tiêu phát
triển giống cây, giống con chất lượng cao trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh
giai đoạn 2016-2020 (kèm theo Quyết định này).
Điều 2.
- Giao Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn: chủ trì triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu phát triển
giống cây, giống con chất lượng cao giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn thành phố;
Phối hợp với các ngành, các địa phương quản lý giống cây trồng, vật nuôi trên địa
bàn thành phố theo quy định; Thẩm định, phê duyệt các dự án giống theo phân cấp,
các đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ về giống thuộc phạm vi quản lý của
Sở và đề xuất các đề tài, dự án có liên quan.
- Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài
chính: chủ trì cân đối, bố trí vốn đảm bảo thực hiện hiệu quả Chương trình, đạt
được mục tiêu phát triển ngành giống trong từng thời kỳ kế hoạch, tiến độ đầu
tư các Chương trình, Dự án.
- Giao Sở Khoa học và Công nghệ ưu
tiên bố trí nguồn kinh phí cho các đề tài nghiên cứu lai tạo các loại giống mới;
hướng dẫn hỗ trợ các thủ tục liên quan đến việc đăng ký bản quyền và bảo hộ sở
hữu trí tuệ về giống.
- Giao Ủy ban nhân dân các quận, huyện
và các ngành liên quan quản lý giống theo phân cấp của Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn; xác định, duy trì diện tích đất nông nghiệp phục vụ sản xuất
giống; hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp trong việc bố trí diện tích đất phù hợp
để đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất giống.
- Giao Tổng Công ty Nông nghiệp Sài
Gòn-Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên tập trung xây dựng vùng sản xuất giống ứng
dụng Công nghệ cao, phối hợp thu hút nhà đầu tư sản xuất tinh, lai tạo giống ứng dụng công nghệ cao theo hướng nâng cao giá trị
gia tăng và phát triển bền vững.
- Giao Ban Quản lý Khu Nông nghiệp
Công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo và thử nghiệm giống mới, trình diễn các mô
hình sản xuất nông nghiệp trên cơ sở ứng dụng
công nghệ cao; thu hút nhà đầu tư lai tạo, sản xuất giống ứng dụng công nghệ
cao theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Điều 3. Quyết định này có hiệu
lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban
nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở
Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Công Thương, Giám đốc Sở
Khoa học và Công nghệ, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Trưởng ban Quản lý
Khu Nông nghiệp Công nghệ cao, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận - huyện liên quan
chịu trách nhiệm thi hành Quyêt định này./.
Nơi nhận:
- Như điều 4;
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- TT/TU; TT/HĐND.TP; TT/UBND.TP;
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP;
- Hội Nông dân TP và các Đoàn thể TP;
- Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn-TNHH MTV;
- VPUB: các PVP; Các Phòng CV; TTCB;
- Lưu: VT, (KT-M) MH55.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Thanh Liêm
|
CHƯƠNG TRÌNH
MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN GIỐNG CÂY, GIỐNG CON CHẤT LƯỢNG CAO TRÊN ĐỊA BÀN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 4562/QĐ-UBND ngày 06 tháng 9 năm 2016 của Ủy
ban nhân dân thành phố)
Phần I
KẾT QUẢ THỰC HIỆN
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN GIỐNG CÂY, GIỐNG CON CHẤT LƯỢNG CAO GIAI ĐOẠN
2011-2015
Thực hiện Quyết định số 5997/QĐ-UBND
ngày 09 tháng 12 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về phê duyệt Chương
trình mục tiêu phát triển giống cây, giống con chất lượng cao giai đoạn 2011 -
2015 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn đã phối hợp với các Sở ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các quận
huyện và các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố tổ chức thực hiện các nội dung
chương trình. Kết quả thực hiện giai đoạn 2011 - 2015 như sau:
I. KẾT QUẢ PHÁT
TRIỂN GIỐNG CÂY TRỒNG, VẬT NUÔI, THỦY SẢN VÀ TÁC ĐỘNG CỦA CÔNG TÁC GIỐNG ĐẾN
CÁC CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN CÂY CON CHỦ LỰC TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ
1. Giống vật
nuôi
Trên địa bàn thành phố có 28 đơn vị,
doanh nghiệp, Hợp tác xã sản xuất kinh doanh giống vật nuôi, trong đó nhiều trại
chăn nuôi heo, bò sữa lớn đầu tư chuồng trại theo mô hình chăn nuôi hiện đại ứng
dụng công nghệ cao vào sản xuất.
a) Giống bò sữa - Chương trình mục
tiêu phát triển bò sữa:
Đến cuối năm 2015, tổng đàn bò sữa
thành phố 102.614 con, tăng 28,6% so với năm 2010; riêng cái vắt sữa 49.440
con, sản lượng sữa tươi đạt 280.190 tấn (tăng 33,2%) chiếm 42,8% sản lượng sữa
cả nước. Trong giai đoạn 2011-2015, đã tổ chức bình tuyển 24.892 con bò sữa
(trên 12 tháng tuổi), kết quả có trên 85% bò sữa đạt chuẩn đặc cấp theo tiêu
chuẩn của ......
Trong giai đoạn 2011-2015, các đơn vị
kinh doanh đã cung cấp 781.471 liều tinh bò sữa có nguồn gốc từ Mỹ, Hà Lan,
Canada, Newzealand, Israel và Việt Nam. Hiện nay, Trung tâm Quản lý và Kiểm định
giống cây trồng, vật nuôi đang triển khai thực hiện Chương trình nhập nội, cải
thiện chất lượng đàn giống bò sữa thành phố. Kết quả bước đầu đã có 735 con bê
cái sinh ra[1],
trọng lượng bê sinh ra đạt 34 - 36 kg, ngoại hình đẹp, phù hợp với thị hiếu của
người chăn nuôi.
Qua nhiều năm thực hiện đồng bộ các
giải pháp kỹ thuật và thú y, đàn bò sữa ngày càng được cải thiện cả về số lượng
và chất lượng, như tuổi phối giống lần đầu bình quân 476 ngày (giảm 10 ngày so
với năm 2010); khoảng cách giữa 2 lứa đẻ 434 ngày (giảm 10 ngày so với năm
2011); số liều tinh phối giảm 0,26 liều tinh/con, đã giúp nâng cao hiệu quả sản
xuất và tăng thu nhập cho nông dân. Năng suất sữa bình quân đạt 5.657
kg/con/năm, tăng 13,7% so với năm 2010 (năm 2010 đạt 4.975 kg/con/năm).
Hàng năm, thành phố cung cấp hơn
24.500 con giống bò sữa cho thành phố và các tỉnh, giá bán bình quân dao động từ
30 - 45 triệu đồng/con. Doanh thu đạt trên 950 tỷ đồng/năm.
Ứng dụng, chuyển giao công nghệ cao
trong chăn nuôi bò sữa[2]:
Trại Trình diễn và Thực nghiệm chăn nuôi bò sữa công nghệ cao được khánh thành
vào tháng 8/2013. Trên cơ sở bình tuyển 120 con bò sữa từ đàn bò sữa của thành
phố với năng suất sữa ban đầu là 10,1kg/con/ngày. Sau 03 năm áp dụng đồng bộ
các biện pháp kỹ thuật tiên tiến do các chuyên gia Israel chuyển giao, đến cuối
năm 2015 đã đạt được một số kết quả, như: nâng cao năng suất, sản lượng sữa của
đàn: sản lượng sữa bình quân lứa 1 đạt 6.296 kg/con/chu kỳ 305 ngày (tương
đương 20,64 kg/con/ngày); sản lượng sữa bình quân lứa 2 đạt
6.755kg/con/chu kỳ 305 ngày (tương đương 22,5 kg/con/ngày), một số cá
thể đang sản xuất lứa 3 với năng suất dự kiến khi kết thúc chu kỳ khai thác là
7.600 - 7.800 kg/con/chu kỳ 305 ngày; cải thiện chỉ tiêu sinh sản như: Trung
bình tuổi phối giống lần đầu là 433 ngày khi bò đạt trọng lượng trên 350kg (giảm
16 ngày so với năm 2014) và thấp hơn 68 ngày so với bình quân tuổi phối giống lần
đầu ở các nông hộ là 476 ngày; Số liều tinh bình quân/ lần đậu thai là 2,86 liều
(thấp hơn bình quân chung của thành phố là 3,3 liều); xây dựng quy trình chăn
nuôi bò sữa ứng dụng công nghệ cao, phù hợp với điều kiện thành phố Hồ Chí
Minh; xây dựng khẩu phần thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh TMR (Total Mixed Ration)[3]; phối
hợp với chuyên gia Israel tổ chức nhiều lớp huấn luyện, đào tạo theo chuyên đề
cho các nông hộ, hợp tác xã,...
Qua quá trình triển khai ứng dụng các
tiến bộ kỹ thuật về giống và áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật đã tác động
tích cực đến Chương trình mục tiêu phát triển bò sữa, như chất lượng con giống
bò sữa trên địa bàn thành phố được cải thiện đáng kể về cả tầm vóc lẫn năng suất
sữa: Năng suất sữa bình quân tăng 11,3%/năm, đã đóng góp đáng kể vào sản lượng
sữa tươi sản xuất trong nước, góp phần giảm nhập khẩu nguyên liệu sữa hàng năm
từ 90% xuống còn 70%; đồng thời là địa phương cung cấp con giống bò sữa để phát
triển đàn bò sữa cho nhiều tỉnh trong cả nước, kể cả khu vực phía Bắc. Quy mô
chăn nuôi bò sữa nông hộ tăng dần qua các năm (năm 2015 bình quân 11,23 con/hộ,
năm 2010: 8,97 con/hộ), giảm dần các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Tuy nhiên, năng suất
sữa bình quân trên đàn có chiều hướng tăng chậm so với giai đoạn trước do nông
dân chưa mạnh dạn loại thải bò kém chất lượng (năng suất sữa thấp; phối nhiều lần
không đậu; bò sữa già đã khai thác trên 6 lứa..), chưa quan tâm sử dụng những
dòng tinh cao sản theo khuyến cáo; chưa tuân thủ tốt việc khai báo tình hình nhập,
xuất đàn bò sữa tại nông hộ, nhất là việc nhập đàn giống không có giấy chứng nhận
kiểm dịch, là mối quan ngại cho tình hình dịch tễ đàn bò sữa trên địa bàn thành
phố; quy mô chăn nuôi dưới 10 con/hộ vẫn còn cao (chiếm 57,8% tổng số hộ chăn
nuôi và 25,7% tổng đàn bò sữa); một số người chăn nuôi chưa quan tâm đến chất
lượng sữa nguyên liệu; chưa ý thức áp dụng các biện pháp phòng viêm vú (sử dụng
bình nhúng vú, bảo quản máy vắt sữa); chưa thực hiện cân bằng khẩu phần thức ăn
cho từng lứa tuổi.
b) Giống heo:
Tổng đàn heo của thành phố đạt
360.000 con, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm 2010), trong đó nái sinh sản đạt
50.000 con. Kết quả đánh giá giám định bình tuyển trên 3.313 con heo đực giống
cho thấy: tỷ lệ đực giống đạt chuẩn đặc cấp chiếm trên 96%; cấp I: đạt 100%,
con giống được nhập từ các nước phát triển có nguồn gốc lý lịch rõ ràng.
Trong nhiều năm qua, Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ môn Di truyền giống Trường Đại học Nông
lâm ứng dụng phương pháp BLUP (Best Linear Unbiased Prediction) vào việc đánh
giá di truyền để cải thiện chất lượng đàn heo của thành phố trên các trại quốc
doanh và một số trang trại. Kết quả một số chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật đã được cải
thiện so với năm 2010 như: số lứa đẻ/năm đạt 2,24 lứa đẻ/nái/năm; Số con cái sữa/nái/năm
đạt 20,8 con; Số ngày nuôi heo đạt trọng lượng 90 kg là 155 ngày, rút ngắn thời
gian chăn nuôi và giảm chi phí nuôi dưỡng; độ dày mỡ lưng giảm còn 10,43 mm
(năm 2010: 10,98 mm). Đồng thời, đã lai tạo được những dòng heo xuất sắc, có
năng suất đặc biệt, được cấp giấy chứng nhận chất lượng heo giống theo
phương pháp BLUP đã góp phần giúp người chăn nuôi tiếp cận được với các
giống heo có năng suất, chất lượng tốt.
Giai đoạn 2011-2015, thành phố đã sản
xuất và cung cấp ra thị trường trên 4.500.000 con heo giống các loại và gần
5.000.000 liều tinh heo giống cho ngành chăn nuôi heo thành phố và nhiều tỉnh
thành khác.
Kế thừa kết quả quá trình ứng dụng
phương pháp BLUP và nhập nội con giống và các dòng tinh xuất sắc của các nước
như Đan Mạch, Canada, Mỹ,… đã chọn tạo được các dòng heo thuần có năng suất, chất
lượng cao; các trại chăn nuôi heo giống đã có thị trường cung cấp con giống ổn
định, mạnh dạn đầu tư công nghệ cao vào sản xuất con giống. Nhiều chỉ tiêu kỹ
thuật của đàn heo trên địa bàn thành phố đạt cao hơn so với bình quân chung của
cả nước[4].
Tuy nhiên, giá thành sản xuất con giống và chất lượng con giống heo của thành
phố còn thấp so với các nước trên thế giới[5] (phụ lục 2.5), cùng với quy mô chăn
nuôi phân tán, nhỏ lẻ làm giảm khả năng cạnh tranh của chăn nuôi heo ở thành phố
nói riêng và cả nước nói chung.
c) Giống vật nuôi khác:
- Giống bò thịt: Giống bò thịt cũng
là thế mạnh của thành phố, trên cơ sở hơn 1.000 con bò thịt nhập giống Brahman
và Drought Master đã nhân giống, lai tạo giống bò thịt có tỷ lệ thịt xẻ cao từ
52 - 54%, trọng lượng hơi từ 450 - 550 kg/con, đã thích nghi với khí hậu thành
phố. Hiện nay, đàn bò thịt tiếp tục phát triển với tổng đàn là 2.228 con (trong
đó bò giống chuyên thịt là 1.722 con tại Công ty TNHH Một thành viên Bò sữa An
Phú), đã cung ứng 1.158 con giống bò thịt cho người chăn nuôi ở thành phố, các
tỉnh lân cận và quốc gia Lào. Trong năm 2015, công ty Bò sữa cung ứng 402 con
giống bò thịt cho người chăn nuôi ở các tỉnh.
Nhằm đa dạng hóa nguồn giống bò thịt
chất lượng cao, Công ty TNHH Một thành viên Bò sữa An Phú đã triển khai lai tạo
giống bò địa phương với giống bò chuyên thịt chất lượng cao (BBB), kết quả đạt
được 108 con đậu thai/182 lượt phối. Trọng lượng bê sơ sinh từ 21,75 - 32,46
kg/con, đạt 556 kg ở 36 tháng tuổi.
- Giống dê: Hai đơn vị Công ty TNHH Một
thành viên Bò sữa An Phú - Củ Chi, Trại dê giống Bình Hưng - Bình Chánh có tổng
đàn 3.080 con (Boer thuần, boer lai, bách thảo, bách thảo lai) là nơi sản xuất
cung ứng con giống, con thương phẩm cho thị trường thành phố và các tỉnh. Hầu hết
các giống dê thích nghi được với khí hậu tại thành phố, kháng bệnh tốt, trọng
lượng trưởng thành đạt 90 - 130 kg ở con đực và 80 - 100 kg ở con cái.
2. Giống cây trồng
Hiện có 38 doanh nghiệp sản xuất kinh
doanh giống cây trồng. Trong giai đoạn 2011- 2015, các đơn vị sản xuất và cung ứng
cho thị trường 71.198,4 tấn hạt giống các loại, trong đó có 11.000 tấn hạt giống
rau. Riêng năm 2015, ước sản xuất được 16.200 tấn, tăng 27,8% so với năm 2010,
lượng hạt giống xuất khẩu trung bình hàng năm trên 250 tấn. Ước tính lượng giống
do các công ty giống cung cấp hàng năm đáp ứng khoảng 1.000.000 ha gieo trồng của
thành phố và các tỉnh.
Thành phố có 35 phòng cấy mô, hằng
năm sản xuất được khoảng 9.500.000 cây giống cấy mô (chủ yếu là các giống lan)
đáp ứng nhu cầu thay mới, mở rộng diện tích sản xuất hoa kiểng trên địa bàn
thành phố và các tỉnh thành lân cận, giảm thiểu việc nhập khẩu cây giống lan cấy
mô.
Số lượng giống mới được đưa vào sản
xuất kinh doanh trong 5 năm qua là 237 giống, cụ thể năm 2011: 37 giống mới (36
giống rau, 1 giống lúa), trong đó có 3 giống được các công ty tự nghiên cứu và
chọn tạo; năm 2012: 65 giống mới (61 giống rau, 2 giống bắp, 1 giống dưa hấu, 1
giống lúa), trong đó có 2 giống mới do công ty tự nghiên cứu lai tạo; năm 2013:
59 giống rau, hoa, trong đó có 5 giống mới, năm 2014: 47 giống rau mới, trong
đó 07 giống (01 giống dưa hấu, 06 giống rau) do các công ty tự nghiên cứu lai tạo
(đính kèm Bảng 2.8).
Từ năm 2011- 2015, Trung tâm Quản lý
và Kiểm định giống cây trồng, vật nuôi tổ chức thử nghiệm tính thích nghi 326
giống cây trồng mới và đã khuyến cáo chuyển giao đưa vào sản xuất 97 giống mới,
trong đó có 7 giống rau mới thích hợp trồng trong nhà màng. Bên cạnh đó, Trung
tâm đã thí điểm sử dụng cây giống rau ươm sẵn trên cải bông, ớt, cà tím giúp
nông dân giảm lượng giống và cây con phát triển đồng đều, rút ngắn thời gian
sinh trưởng.
Những giống mới đưa vào sản xuất kết
hợp với quy trình sản xuất thích hợp tạo sự cải thiện về năng suất, chất lượng,
khả năng kháng sâu bệnh và nhiều đặc tính tiến bộ hơn so các giống cũ, có tác động
tích cực đến các chương trình mục tiêu phát triển cây trồng chủ lực, đáp ứng được
mục tiêu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trên địa bàn thành phố, cải thiện thu nhập
của nông dân.
Chương trình mục tiêu phát triển rau
an toàn: Năm 2015, diện tích gieo trồng rau đạt 14.500 ha, tăng 2,7% so cùng kỳ,
sản lượng đạt 366.704 tấn, tăng 3,5% so cùng kỳ. Giá trị sản xuất năm 2015 đạt
1.195 tỷ đồng. Bình quân giai đoạn 2011 - 2015, diện tích gieo trồng rau tăng
2,2%/năm, sản lượng tăng 5,2%/năm. Năng suất đạt 25 tấn/ha/vụ (tăng 5,93% so với
năm 2011).
Chương trình mục tiêu phát triển hoa,
cây kiểng: Năm 2015 diện tích hoa kiểng đạt 2.250, tăng 5,6% so năm 2014. Giá
trị sản xuất năm 2015 đạt 728 tỷ đồng. Bình quân giai đoạn 2011 - 2015 diện
tích hoa, cây kiểng ước tăng 3,3%/năm. Hàng năm, cung ứng khoảng 6,7 triệu chậu
và 68,9 triệu cành hoa lan, 74 triệu chậu mai và kiểng bon sai. Nhiều giống hoa
kiểng mới được đưa vào sản xuất giúp đa dạng hoá sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị
trường, cụ thể: đã chuyển giao 14 giống hoa lan; 8 giống hoa lily, 12 giống hoa
đồng tiền, Cúc Tiger, hoa chuông, Huỳnh hoa đăng...
Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương
có số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lớn nhất nước, trong đó
có nhiều doanh nghiệp có khả năng nghiên cứu, chọn tạo giống mới, đặc biệt là
các giống rau, dưa hấu, lúa, bắp,.. cung cấp không chỉ riêng cho sản xuất tại
thành phố mà cho cả các tỉnh thành trong cả nước, đóng góp vào sự thành công của
ngành giống cây trồng. Nhiều giống cây trồng mới của các doanh nghiệp của thành
phố đã đăng ký bảo hộ quyền sở hữu giống cây trồng mới[6] và xuất khẩu sang nhiều nước trong khu
vực; giúp chủ động được nguồn giống phục vụ sản xuất trong nước. Bên cạnh đó,
thành phố đã triển khai thực hiện nhiều chương trình khuyến nông thử nghiệm,
chuyển giao nhiều giống mới phong phú, đa dạng chủng loại góp phần chuyển dịch
cơ cấu và hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, do điều kiện khí hậu không
phù hợp nên có nhiều giống cây trồng không thể sản xuất tại thành phố, số lượng
giống nhập khẩu còn khá cao và giá thành sản xuất chưa cạnh tranh được với sản
phẩm cùng loại của các nước trong khu vực.
3. Giống cây
lâm nghiệp
Tổng diện tích rừng, đất lâm nghiệp
trên địa bàn thành phố hiện nay là 36.727,39 ha, trong đó diện tích đất có rừng
là 34.411,62 ha. Đến cuối năm 2015 tỉ lệ che phủ rừng và cây xanh đạt 40,01%. Tỷ
lệ che phủ rừng và cây xanh bình quân giai đoạn 2011 - 2015 tăng 0,4%/năm.
Thành phố có 16 tổ chức cá nhân sản
xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp, trong đó có 5 đơn vị sản xuất kinh doanh
giống cây lâm nghiệp với tổng diện tích vườn ươm là 5,85 ha và 20 hộ gia đình.
Giai đoạn 2011-2015 đã cung cấp 32.065.000 cây con có giống tốt, giống chất lượng
cao, như: Bạch đàn (Eucalyptus urophylla) U6; Keo lai (Acaia hybrid) các dòng;
Keo lai hom; Cóc vàng, Gõ biển,… theo quy chế quản lý giống cây trồng lâm nghiệp
Quyết định số 89/2005/QĐ-BNN ngày 29 tháng 12 năm 2005 của Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn.
4. Giống thủy sản
a) Giống thủy sản nước ngọt:
Hiện nay trên địa bàn thành phố có 25[7] cơ sở
sản xuất và thuần dưỡng giống thủy sản, tập trung ở huyện Bình Chánh, Củ Chi,
Hóc Môn, Thủ Đức; Trong giai đoạn 2011-2015, sản xuất 429,224 triệu[8] con
giống chủ yếu là cá rô phi đơn tính, rô phi dòng Gift, cá tra, cá trê lai, cá
lóc, cá điêu hồng, các trắm trôi, cá mè.
b) Giống thủy sản mặn lợ:
Giống Tôm: Có 01 cơ sở sản xuất giống
với sản lượng 20 triệu con/năm và 19 cơ sở thuần dưỡng, kinh doanh giống với công
suất 1 tỷ giống/năm. Riêng khu thuần dưỡng giống Rạch Lá, đã có 15/15 hộ đang
hoạt động. Trong giai đoạn 2011 - 2015, lượng giống xuất bán tại các cơ sở sản
xuất, thuần dưỡng giống là 1.256,7 triệu con, cung ứng được 23% tổng lượng giống
thả nuôi.
Giống cua - nhuyễn thể: có 04 hộ và
01 hợp tác sản xuất nghêu giống, sản lượng thu hoạch là 5.300 triệu con giống
(đạt 9,8 tấn), trong đó có 600 triệu nghêu giống [9] bằng kỹ thuật sinh sản nhân tạo và 01
cơ sở sản xuất giống ốc hương, với sản lượng 3,21 tấn; hỗ trợ chuyển giao khoảng
350.000 con cua giống sinh sản nhân tạo cho nông dân huyện Cần Giờ, Nhà Bè,
Bình Chánh[10].
Chương trình mục tiêu phát triển cá cảnh:
Hiện nay, thành phố có 350 cơ sở sản xuất, ương nuôi cá cảnh, tập trung ở huyện
Bình Chánh và Củ Chi, với sản lượng đạt gần 100 triệu con tăng gần 70% so với
năm 2010. Số lượng cá cảnh xuất khẩu đạt 13 triệu con với giá trị kim ngạch ước
đạt 12 triệu đô tăng gần 100% so với năm 2010, trong đó có 0,1 triệu cá cảnh biển
(100% thuần dưỡng), 12,9 triệu cá cảnh nước ngọt (90% sản xuất, 10% thuần dưỡng),
với khoảng 50 loài có giá trị kinh tế cao như cá Chép Nhật, Bảy màu, Hòa lan,
Dĩa, Xiêm, Ông tiên, Tứ Vân, Hồng Kim, Hắc Kim, Moly, Trân châu, Phượng
Hoàng... Thị trường xuất khẩu chủ yếu cá cảnh Việt Nam là Châu Âu, Mỹ,...
II. TĂNG CƯỜNG
CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ GIỐNG, ĐẢM BẢO KIỂM SOÁT CHẤT LƯỢNG
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, tuyên truyền, phổ biến và công khai các văn
bản pháp luật, các quy trình thủ tục hành chính trong lĩnh vực giống để các tổ
chức cá nhân có thể tham khảo thông tin dễ dàng.
Hàng năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn phối hợp với các đơn vị tổ chức thanh kiểm tra tình hình quản lý chất
lượng vật tư nông nghiệp và công bố nhãn hiệu hàng hóa sản xuất kinh doanh giống
cây trồng- vật nuôi. Qua kết quả kiểm tra cho thấy:
+ Trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh
giống cây trồng, vật nuôi: Kết quả kiểm tra 20 lượt các công ty, cơ sở đều thực
hiện theo đúng quy định của Pháp lệnh giống cây trồng, vật nuôi, có giấy chứng
nhận đăng ký kinh doanh, cơ sở sản xuất kinh doanh phù hợp với quy hoạch của
ngành nông nghiệp. Kết quả phân tích chất lượng: mẫu giống cây trồng đạt chất
lượng theo tiêu chuẩn công bố (chỉ tiêu chất lượng về tỷ lệ nẩy mầm).
+ Trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh
giống thủy sản: Kiểm tra, đánh giá phân loại được 18 cơ sở sản xuất, kinh doanh
giống thủy sản trong đó 04 cơ sở sản xuất giống, 14 cơ sở thuần dưỡng kinh
doanh, kết quả 04 cơ sở xếp loại A, 14 cơ sở xếp loại B (theo Thông tư số
45/2014/TT-BNNPTNT ngày 03 tháng 02 năm 2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn).
+ Trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh
giống cây lâm nghiệp: Thực hiện quản lý giống cây lâm nghiệp theo Chuỗi hành
trình giống trên một số loài Keo lai và Bạch đàn.
III. CÔNG TÁC ĐÀO
TẠO, PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC
Giai đoạn 2011 - 2015, đã đào tạo 49
lượt cán bộ trong công tác quản lý giống, cụ thể gồm 30 lượt cán bộ kỹ thuật tập
huấn nâng cao năng lực quản lý giống, 03 cán bộ lấy mẫu kiểm định, 03 cán bộ kiểm
nghiệm giống GMO, 02 cán bộ tham gia khóa học gieo tinh nhân tạo trên bò, 06
cán bộ tham gia khóa đào tạo về ứng dụng phương pháp BLUP trong đánh giá tiến bộ
di truyền giống heo, 07 cán bộ tham gia tập huấn và tham gia học tập về quản lý
giống tại các nước Israel, Đài Loan, Mỹ, Thái Lan.
IV. CÔNG TÁC XÚC
TIẾN THƯƠNG MẠI, CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỀN GIỐNG
Thiết kế, in ấn logo, bao bì cho 13
đơn vị (gồm: 01 Hợp tác xã, 03 Tổ hợp tác, 09 doanh nghiệp vừa và nhỏ, cơ sở sản
xuất).
Hỗ trợ làm website cho 9 đơn vị (01 Hợp
tác xã, 03 Tổ hợp tác, 05 cơ sở sản xuất).
Qua 3 kỳ tổ chức Hội chợ - Triển lãm
giống nông nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, có khoảng 120 tổ chức cá nhân tham gia
với gần 300 gian hàng đã thu hút được hơn 106 ngàn lượt khách tham quan. Tổng sản
phẩm trưng bày tại Hội chợ có tổng giá trị là 38,3 tỷ đồng, trong đó các đơn vị
đã bán và giới thiệu các sản phẩm với tổng giá trị hơn 8,5 tỷ đồng. Có 247 hợp
đồng được ký kết với tổng trị giá là 86 tỷ đồng. Tại đây các chuyên đề về lĩnh
vực giống cây trồng vật nuôi được tổ chức để khách tham quan trao đổi học tập
kinh nghiệm, với trên 107.000 bộ ấn phẩm, tài liệu, 2000 kỷ yếu được phát ra.
Thành phố đã ban hành các chính sách
nhằm hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao trên địa bàn thông
qua các Quyết định số 33/2011/QĐ-UBND, ngày 28 tháng 5 năm 2011 của Ủy ban nhân
dân thành phố về Ban hành Quy định về thực hiện các dự án đầu tư thuộc Chương
trình kích cầu của thành phố Hồ Chí Minh; Quyết định số 13/2013/QĐ-UBND ngày 20
tháng 3 năm 2013 của Ủy ban nhân dân thành phố về ban hành Quy định về Khuyến
khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn
2013 - 2015; Ủy ban nhân dân thành phố đã phê duyệt 06 dự án vay vốn để phát
triển sản xuất giống với tổng vốn vay hỗ trợ lãi suất là 93.786 triệu đồng.
V. KẾT QUẢ NGHIÊN
CỨU, SƯU TẬP, BẢO TỒN GIỐNG
1. Một số kết
quả nghiên cứu giống
Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương tập
trung cơ quan nghiên cứu như các Viện, Trường Đại học nổi tiếng của cả nước như
Trường Đại học Nông Lâm, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Viện Khoa học Nông
nghiệp Miền Nam, Viện Nghiên cứu và nuôi trồng Thủy sản II, Viện Sinh học Nhiệt
đới,... Đặc biệt, thành phố còn có Trung tâm Công nghệ Sinh học; Khu Nông nghiệp
Công nghệ cao và nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh giống đóng góp nhiều kết
quả nghiên cứu, chọn tạo, nhân giữ giống bố mẹ. Cụ thể:
- Ứng dụng các biện pháp kỹ thuật cao
trong công nghệ sinh học như chuyển gen kháng virus vào lan Mokara; Dendrobium;
gây đột biến và lai tạo lan Dendrobium. Bước đầu đã đạt được một số kết quả như
xây dựng được quy trình chuyển gen kháng virus khảm vàng trên lan Mokara và tạo
được 10-12 dòng lan Dendrobium có khả năng kháng virus khảm vàng; chuyển gen
phát sáng vào cá Sóc
- Tuyển chọn 48 dòng hoa lan đầu dòng
ưu tú từ 34 tổ hợp lai Dendrobium; lai tạo được 10 tổ hợp lai lan Dendrobium
mini có triển vọng.
- Ứng dụng phương pháp PCR để xác định
sớm và chính xác tình trạng bất dục đực tế bào chất trên cây ớt hoặc phương
pháp điện di protein để xác định độ thuần hạt giống lai.
- Ứng dụng các phương pháp nuôi cấy tế
bào thực vật vào việc nhân giống, tạo rễ tóc trên sâm Ngọc linh,...
- Ứng dụng phương pháp BLUP vào việc
chọn lọc, ghép đôi giao phối tạo các dòng heo có năng suất đặc biệt.
2. Kết quả về
sưu tập, bảo tồn và phục tráng giống
Hiện nay các đơn vị thuộc Sở, Khu
Nông nghiệp công nghệ cao rất chú trọng công tác lưu giữ, bảo tồn nguồn gen các
giống có giá trị kinh tế và giá trị khoa học phục vụ cho việc nghiên cứu chọn tạo
giống, khôi phục các giống bản địa bị thoái hoá hoặc mất đi do quá trình sử dụng
giống mới góp phần nâng cao năng suất và chất lượng các giống cây trồng, vật
nuôi được thị trường ưa chuộng. Trong giai đoạn 2011 - 2015 đã sưu tập trên 58
giống rau các loại; 360 giống lan các loại (trong đó có 136 giống lan rừng của
Việt Nam), 116 giống kiểng lá, 179 giống hoa nền; 27 giống cây ăn trái. Từ các
giống sưu tập, các đơn vị đã chọn lọc 3 dòng dưa lưới, 3 dòng hoa cát tường thuần;
hoàn tất phục tráng 02 giống dưa leo địa phương và 01 giống cà chua Hóc Môn;
đang tiếp tục phục tráng 01 giống cải bẹ xanh mỡ.
VI. NHẬN XÉT, ĐÁNH
GIÁ
1. Mặt làm được
Kết quả thực hiện Chương trình giống
cây, giống con chất lượng cao tiếp tục khẳng định thành phố là trung tâm sản xuất,
cung ứng giống cho thành phố và cả nước, đã góp phần đa dạng hóa cây trồng, vật
nuôi trên địa bàn thành phố; các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng giống mới ngày
càng đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thành phố và xuất khẩu, đặc biệt nhiều sản phẩm
nông nghiệp đô thị như hoa lan, cá cảnh vừa có giá trị kinh tế cao phù hợp với
điều kiện phát triển nông nghiệp đô thị, đáp ứng nhu cầu thưởng lãm của người
dân thành phố, có giá trị gia tăng cao, góp phần thực hiện chuyển dịch cơ cấu
kinh tế nông nghiệp giai đoạn 2011-2015. Cụ thể:
- Giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp
trên địa bàn thành phố tăng bình quân 6%/năm (bằng chỉ tiêu kế hoạch đề ra và bằng
1,6 lần so mức tăng bình quân của cả nước). Giá trị sản xuất trên 1 ha đất sản
xuất nông nghiệp năm 2015 đạt 375 triệu đồng/ha/năm, tăng bình quân 18,8%/năm.
Giá trị sản xuất một số cây trồng, vật nuôi được cải thiện khá rõ nét: Giai đoạn
2011 - 2015, diện tích hoa cây kiểng tăng 3,3% nhưng giá trị sản xuất tăng đến
4,1%, trong đó diện tích hoa lan tăng 8,1%, giá trị hoa lan tăng 10,9%; diện
rau tăng 2,2%, năng suất tăng 2,9%, sản lượng rau tăng 5,2%, giá trị sản xuất
rau tăng 11,1%; số lượng bò cái vắt sữa tăng 3,8% nhưng sản lượng sữa tươi tăng
6%, giá trị sản xuất của sữa tươi tăng 20,9%; cá cảnh: sản lượng tăng 10,8%,
giá trị sản xuất tăng 14,8%; sản lượng xuất khẩu tăng 10% (từ 8 lên 12 triệu
con); tôm nước lợ: diện tích tăng 16,9%, giá trị sản xuất tăng 18,6% ...
- Nhiều giống mới, tiến bộ kỹ thuật mới
trong ngành giống được ứng dụng vào sản xuất giúp đa dạng chủng loại như dưa lưới,
hoa lan, cây kiểng,... có giá trị kinh tế cao; nhiều dòng tinh bò sữa, bò thịt
và heo nhập nội đã giúp cải thiện năng suất, chất lượng đàn giống vật nuôi tại
thành phố, tạo ra con giống có chất lượng tốt cung cấp cho các tỉnh thành khác
trong cả nước, cụ thể:
+ Giống bò sữa: Đàn bò sữa ngày càng
được cải thiện về tầm vóc và một số chỉ tiêu sinh trưởng và sinh sản, trong đó
năng suất sữa bình quân tăng 11,3%/năm đã góp phần giảm nhập khẩu nguyên liệu sữa
hàng năm từ 90% xuống còn 70%.
+ Giống heo: Việc nhập nội con giống
và dòng tinh xuất sắc từ các nước tiên tiến cùng với việc chọn lọc con giống dựa
trên các giá trị di truyền đã giúp nâng dần chất lượng con giống; bước đầu đã tạo
được một số dòng heo thuần có năng suất đặc biệt từ việc ứng dụng phương pháp
BLUP làm cơ sở cho việc phát triển đàn giống chất lượng cao cung cấp cho Thành
phố và các tỉnh lân cận.
+ Giống cây trồng: Số lượng giống mới
do các công ty tự nghiên cứu lai tạo tăng hàng năm, nhiều giống rau mới có khả
năng cạnh tranh so với giống nhập nội như giống khổ qua, dưa leo, ớt cay,.... ;
Bước đầu đã nghiên cứu, làm chủ kỹ thuật nuôi cấy mô nhân nhanh các giống hoa
lan, cây kiểng đã tạo được sự chủ động nguồn giống, mở rộng sản xuất ở Thành phố
và các tỉnh.
+ Giống thủy sản: Bước đầu thành công
trong sinh sản nhân tạo một số loài cá cảnh, nghêu cùng với xây dựng quy trình
nuôi phù hợp, an toàn dịch bệnh đã góp phần gia tăng số lượng và giá trị xuất
khẩu cá cảnh hàng năm của Thành phố.
- Thành phố đã chủ động phê duyệt và
triển khai đầu tư Khu Nông nghiệp Công nghệ cao, Trung tâm Công nghệ Sinh học,
Trung tâm Quản lý và Kiểm định giống cây trồng - vật nuôi nhằm hỗ trợ đẩy mạnh
Chương trình Giống cây, giống con chất lượng cao của thành phố; đồng thời đã
ban hành các chính sách khuyến khích các đơn vị, doanh nghiệp đầu tư công nghệ
cao vào nghiên cứu, phát triển giống trên địa bàn
- Hình thành hệ thống sản xuất, cung ứng
giống hợp lý với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, thực hiện tốt việc
xã hội hóa công tác nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh và chuyển giao giống mới;
100% đơn vị sản xuất kinh doanh giống đều hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp,
doanh nghiệp cổ phần hoặc tư nhân, không có sự bao cấp của Nhà nước.
Các doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư
trang thiết bị hiện đại phục vụ cho công tác nghiên cứu giống, phối hợp với các
Viện Trường nghiên cứu ứng dụng sinh học phân tử vào nghiên cứu, chọn tạo giống
mới; đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất giống như nhà kính trang bị hệ
thống tưới tự động, hệ thống chuông lạnh, cho ăn định lượng, nhà xưởng phục vụ
chế biến, bảo quản để nâng cao chất lượng hạt giống,...; liên kết đầu tư sản xuất
giống ở nhiều tỉnh thành trong cả nước.
Các hoạt động xúc tiến thương mại như
hội thảo, hội thi, triển lãm,... đã kích thích sự cạnh tranh, tạo chuyển biến
tích cực trong hoạt động sản xuất, nâng cao chất lượng giống; đã hỗ trợ và khuyến
khích các nhà sản xuất quan tâm nhiều hơn đến quy trình kỹ thuật, chất lượng giống,
kỷ lục giống và xây dựng thương hiệu; đồng thời gia tăng sự gắn kết giữa: Nông
dân - Doanh nghiệp - Cơ quan quản lý - Nhà khoa học.
- Công tác quản lý nhà nước về giống
được tăng cường, đảm bảo kiểm soát chất lượng và an toàn dịch bệnh trên giống
cây trồng, vật nuôi, thủy sản.
- Bước đầu làm chủ và ứng dụng công
nghệ sinh học, kỹ thuật sinh học phân tử, tin sinh học vào công tác nghiên cứu,
lai tạo, chọn lọc và quản lý giống góp phần xây dựng và phát triển ngành giống
của thành phố ngày càng hiện đại.
- Xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học kỹ
thuật làm công tác giống tại các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước yêu nghề,
có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn cùng với sự hỗ trợ của các Trường Đại học,
Viện nghiên cứu.
2. Mặt tồn tại,
hạn chế
Sự phát triển của ngành giống trên địa
bàn thành phố trong thời gian qua tuy có nhiều bước tiến đáng kể về công nghệ,
cơ sở vật chất trang thiết bị, nhưng quy mô phát triển còn hạn chế, chưa toàn
diện, chưa theo kịp một số nước trong khu vực.
- Giống bò sữa: Con giống bò sữa tuy
có nhiều cải thiện nhưng việc tăng năng suất sữa bình quân trên đàn chậm so với
giai đoạn trước do nông dân chưa mạnh dạn loại thải bò kém chất lượng, chưa
quan tâm sử dụng các dòng tinh cao sản theo khuyến cáo, chưa quan tâm nhiều đến
cải thiện chuồng trại và dinh dưỡng để phát huy tối đa tiềm năng di truyền của
con giống.
- Giống heo: giá thành sản xuất và chất
lượng con giống của doanh nghiệp thành phố chưa thể cạnh tranh với doanh nghiệp
nước ngoài, cùng với quy mô chăn nuôi phân tán, nhỏ lẻ làm giảm khả năng cạnh
tranh của chăn nuôi heo ở thành phố nói riêng và cả nước nói chung. Chưa có hệ
thống quản lý nhà nước đồng bộ về giống từ trung ương đến địa phương nên chưa
khai thác và sử dụng nguồn gen tốt giữa các trại thông qua công tác trao đổi giống
(tinh và con giống) nên các trại phải thường xuyên nhập con giống - chi phí cao
nên ảnh hưởng đến giá thành sản xuất giống; chưa so sánh và đánh giá đúng giá
trị con giống trên thị trường.
- Giống cây trồng: Còn hạn chế trong
sản xuất, phát triển một số giống cây trồng do điều kiện khí hậu không phù hợp
hoặc do còn hạn chế trong nghiên cứu, hạn chế nguồn vật liệu chọn tạo giống, đặc
biệt là giống hoa kiểng mới; còn hạn chế về công nghệ bảo quản, kéo dài tuổi thọ
hạt giống.
Một số nội dung ưu tiên đầu tư phát
triển ngành giống trong chương trình giống cây con chất lượng cao trên địa bàn
thành phố còn chậm triển khai do nhiều nguyên nhân khách quan.
Năng lực nghiên cứu, chọn tạo giống
và nguồn thực liệu phục vụ cho công tác nghiên cứu còn hạn chế; chưa có cơ chế,
chính sách đột phá để khuyến khích, động viên các cán bộ giỏi tại chỗ và thu
hút chuyên gia đầu ngành tham gia nghiên cứu, phát triển ngành giống.
Công tác quản lý nhà nước, khảo nghiệm,
kiểm nghiệm và đội ngũ quản lý chưa bắt kịp với tiến bộ kỹ thuật của ngành giống,
hệ thống máy móc thiết bị chưa được đầu tư trang bị đồng bộ để nâng cao độ
chính xác của công tác khảo kiểm nghiệm, kiểm định giống.
Chưa xây dựng chuỗi sản xuất - cung ứng
giống gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm; việc xây dựng thương hiệu giống chưa
được chú trọng cả ở góc độ doanh nghiệp và quốc gia.
Nguồn tài nguyên giống bản địa ngày
càng cạn kiệt và thoái hóa do quá trình biến đổi khí hậu, do quá trình sử dụng
giống lai, giống ngoại nhập có ưu thế về năng suất, tính kháng bệnh.
Phần II
CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỀN GIỐNG CÂY, GIỐNG
CON CHẤT LƯỢNG CAO TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ GIAI ĐOẠN 2016-2020
I. SỰ CẦN THIẾT
VÀ CƠ SỞ PHÁP LÝ
1. Sư cần thiết
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ
thành phố lần thứ X, nhiệm kỳ (2015 - 2020) với mục tiêu, nhiệm vụ phát triển
nông nghiệp thành phố là nền nông nghiệp đô thị hiện đại, hiệu quả, bền vững
theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, là trung tâm sản xuất
giống cây trồng, giống vật nuôi có năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng cao,
an toàn của khu vực, xây dựng các chuỗi liên kết và chuỗi cung ứng trong nông
nghiệp. Đồng thời, kết quả thực hiện chương trình mục tiêu phát triển giống
cây, giống con chất lượng cao trên địa bàn Thành phố trong thời gian qua cho thấy,
phát triển giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao là một hướng đi đúng, phù hợp
Vì thế, việc tiếp tục thực hiện
chương trình phát triển giống cây, giống con chất lượng cao cho giai đoạn 2016
- 2020 là cần thiết để tiếp tục giữ vững và phát huy vai trò trung tâm cung cấp
giống chất lượng cao cho thành phố và các tỉnh thành trong cả nước, góp phần
nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp và phát triển nền nông nghiệp bền vững.
2. Cơ sở pháp
lý
Quyết định số 2194/QĐ-TTg ngày 25 tháng
12 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển giống cây
nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản đến năm 2020;
Quyết định số 310/QĐ-UBND ngày 15
tháng 01 năm 2014 của Ủy ban nhân dân thành phố về ban hành kế hoạch thực hiện
Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát
triển bền vững;
Quyết định số 5930/QĐ-UBND ngày 28
tháng 12 năm 2009 của Ủy ban nhân dân thành phố về phê duyệt “Quy hoạch sản xuất
nông nghiệp phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 tầm nhìn
2030”;
Quyết định số 680/QĐ-BNN-CN ngày 07
tháng 4 năm 2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt
“Đề án tăng cường năng lực quản lý nhà nước về giống vật nuôi đến năm 2020”.
Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg, ngày 04
tháng 9 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả
chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015 - 2020.
Quyết định số 3748/QĐ-BNN-KH ngày 15
tháng 9 năm 2015 phê duyệt “Định hướng phát triển giống cây trồng, vật nuôi đến
năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”.
II. MỘT SỐ DỰ
BÁO TÁC ĐỘNG ĐẾN PHÁT TRIỂN GIỐNG CHẤT LƯỢNG CAO TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ
Giai đoạn 2016 - 2020, nước ta tiếp tục
hội nhập sâu, rộng vào kinh tế thế giới và khu vực với việc tham gia nhiều Hiệp
định Tự do hóa thương mại, hợp tác song phương, đa phương; Hiệp định Đối tác
xuyên Thái Bình Dương (TPP), thực hiện lộ trình cam kết WTO, AFTA,., sẽ đem lại
cho ngành nông nghiệp nhiều cơ hội tiếp cận các thị trường rộng lớn, nguồn vốn
và khoa học công nghệ. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp cũng đối mặt với nhiều khó
khăn, thách thức trong quá trình hội nhập, như cạnh tranh về giá cả và chất lượng
với các sản phẩm nông nghiệp nhập ngoại, trong đó có sản phẩm giống. Tình hình
biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, có tác động trực tiếp và khó lường đến hoạt
động sản xuất nông nghiệp.
1. Giống vật
nuôi
- Giống heo
Theo định hướng phát triển chăn nuôi
heo trong cả nước trong những năm tới sẽ chuyển dịch sang phương thức nuôi tập
trung, công nghiệp; nâng cao năng suất chất lượng và giá trị hàng hoá, tăng khả
năng cạnh tranh. Đây chính là cơ hội cho các cơ sở sản xuất heo giống đẩy mạnh
việc đầu tư để cung cấp con giống chất lượng tốt cho thị trường.
Việc tổ chức lại hệ thống sản xuất giống
theo hình tháp từ hệ thống chọn lọc, tạo dòng, nhân thuần, lai tạo gắn kết với
hệ thống các vệ tinh; tổ chức đấu xảo, đấu giá, có chứng nhận chất lượng giống
sẽ giúp cho việc trao đổi mua bán giống đúng với giá trị con giống là yếu tố
kích hoạt các thành phần tham gia sản xuất đầu tư vào lĩnh vực giống. Tổ chức
giao dịch, đấu xảo con giống chất lượng cao thông qua sàn giao dịch (hoặc sàn
giao dịch online) nhằm hướng tới thị trường giống được mua bán, trao đổi ... dựa
trên những con giống heo đực, cái tốt với giá cả hợp lý hơn, nhằm thúc đẩy các
nhà công tác giống trong việc nghiên cứu lai tạo để có những con giống ngày
càng tốt hơn.
Đẩy mạnh công tác giống, trong lai tạo
thông qua việc nhập tinh những heo đực giống có năng suất chất lượng cao ở những
nước có nền chăn nuôi heo tiên tiến để cải thiện nhanh tiến bộ di truyền.
- Giống bò sữa, bò thịt:
Đối với bò sữa khuynh hướng nâng cao
năng suất sữa là hết sức cần thiết để tăng lợi nhuận, điều này đòi hỏi nhà chăn
nuôi phải tập trung cải thiện chất lượng giống kết hợp đồng bộ với các công nghệ
mới như chuồng trại, chăm sóc nuôi dưỡng để phát huy tối đa tiềm năng di truyền.
Hình thành và phát triển thị trường giống bò sữa kết hợp với chuyển giao công
nghệ cho các tỉnh thành trong cả nước.
Công tác quản lý kiểm định giống phải
thật sự đi vào chiều sâu, thật sự là công cụ tốt giúp các nhà sản xuất giống
trong việc chọn lọc, nhân thuần, lai tạo.
Bên cạnh đó nhu cầu tiêu thụ thịt bò
chất lượng cao ngày càng tăng thúc đẩy nghiên cứu, lai tạo các giống bò thịt chất
lượng cao để cung cấp giống cho người chăn nuôi và góp phần cung cấp thịt bò chất
lượng cao cho thị trường tiêu dùng thành phố.
2. Giống cây trồng
Quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế
nông nghiệp của cả nước giai đoạn 2016 - 2020 sẽ tạo sự chuyển biến mạnh mẽ
trong việc sử dụng các giống cây con mới, có hiệu quả kinh tế cao. Tuy không có
lợi thế về sản xuất giống nhưng thành phố có tiềm năng về nghiên cứu, dịch vụ
và thương mại. Trong thời gian tới Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục giữ vững vị
trí Trung tâm cung cấp giống cây, con chất lượng cao cho khu vực và cả nước. Về
lượng giống cây trồng trong sản xuất, kinh doanh và cơ cấu giống sử dụng có nhiều
chuyển biến, tỉ lệ giống rau màu, hoa, cỏ phục vụ chăn nuôi tăng mạnh. Đặc biệt
với sự phát triển ngày càng mạnh của công nghệ sinh học, việc nghiên cứu, phóng
thích giống trên thế giới và trong khu vực ngày càng nhanh, tuổi thọ của giống
trên thị trường ngày càng rút ngắn. Do vậy, để công tác nghiên cứu, chọn tạo giống
mới được tốt hơn cần thiết phải làm chủ công nghệ và sở hữu nguồn gien phong
phú đa dạng. Vấn đề này cần có chiến lược dài hạn, phù hợp với chiến lược chung
của quốc gia và của khu vực.
Hiện nay, Việt Nam là thành viên Hiệp
hội Bảo hộ giống cây trồng quốc tế (UPOV) cùng với sự phát triển của ngành giống,
lượng giống và chủng loại giống lưu thông ngày càng tăng, đòi hỏi năng lực quản
lý Nhà nước trong lĩnh vực giống chặt chẽ hơn, chuyên nghiệp hơn nhằm đảm bảo
quyền lợi của người sử dụng giống và người sản xuất giống (bảo hộ bản quyền), tạo
sự cạnh tranh công bằng và lành mạnh cho các đơn vị tham gia.
3. Giống thủy sản
Ngành cá cảnh Việt Nam mới phát triển
mạnh trong những năm gần đây và đã xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới, số lượng
cá cảnh xuất khẩu ngày càng tăng nhưng cũng đòi hỏi cao về chất lượng và kiểm
soát dịch bệnh, dự báo cá cảnh sẽ là đối tượng tăng trưởng trong những năm tiếp
theo. Do vậy, cần đa dạng các giống cá cảnh, làm chủ công nghệ chọn tạo, quy
trình nhân, nuôi dưỡng tốt để đáp ứng thị hiếu đa dạng của một số thị trường
trên thế giới.
III. QUAN ĐIỂM,
ĐỊNH HƯỚNG
Tiếp tục giữ vững vai trò của Thành
phố Hồ Chí Minh là trung tâm hàng đầu về nghiên cứu, sản xuất, cung cấp giống
cây trồng, vật nuôi và thủy sản chất lượng cao cho thành phố và các tỉnh trong
cả nước. Đồng thời liên kết với các tỉnh để xây dựng vùng sản xuất giống tập trung,
ổn định.
Tiếp tục ứng dụng công nghệ hiện đại,
tiên tiến nghiên cứu, sản xuất giống; ứng dụng giống mới để đa dạng và phát triển
sản phẩm nông nghiệp an toàn, có giá trị gia tăng cao phục vụ yêu cầu tái cơ cấu
ngành nông nghiệp và phát triển nông nghiệp thành phố là nền nông nghiệp đô thị
hiện đại, hiệu quả, bền vững, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực.
IV. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu
chung
Nghiên cứu chọn tạo, chuyển giao, sản
xuất cung ứng, nâng cao năng suất, chất lượng khả năng cạnh tranh, hiệu quả sản
xuất một cách bền vững.
Thiết lập hệ thống quản lý giống đồng
bộ từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh đến cơ quan quản lý giống của thành phố;
quản lý nhà nước về giống theo hướng hiện đại hóa, chú trọng quyền sở hữu trí
tuệ, tạo môi trường lành mạnh cho các tổ chức cá nhân tham gia sản xuất, kinh
doanh.
2. Mục tiêu cụ
thể
a) Giống vật nuôi:
- Giống bò sữa: Tiếp tục duy trì đàn bò
sữa đến năm 2020 là không quá 100.000 con, mỗi năm cung cấp trung bình khoảng
25.000 - 30.000 con giống/năm, phấn đấu năng suất sữa đạt 7.700 kg/con/năm.
Trong đó cơ cấu đàn cái sinh sản chiếm 60-70% và đàn cái vắt sữa chiếm 50% tổng
đàn; trong đó xây dựng đàn hạt nhân mở chiếm 5-10 % tổng đàn bò sữa thành phố
có năng suất sữa trên 8.000 kg/con/năm. Tiếp tục cải thiện nâng cao chất lượng,
tạo con giống bò sữa phù hợp với điều kiện khí hậu nóng ẩm của thành phố và tiến
tới xây dựng thương hiệu giống bò sữa.
- Giống bò thịt: Phát triển đàn bò thịt
cao sản đến năm 2020 là 30.000 con; hàng năm cung ứng khoảng 10.000 tấn thịt bò
hơi và 7.000 con giống cho người chăn nuôi ở thành phố và các tỉnh; Với các
nhóm giống lai phù hợp đối với đàn Brahman, Drought Master, BBB. Trọng lượng bò
trưởng thành đạt 300 - 350 kg/con; tỷ lệ thịt xẻ 50-55%.
- Giống heo: Tiếp tục duy trì tổng
đàn heo đến năm 2020 là 300.000 con, trong đó heo nái sinh sản 50.000 con; chứng
nhận 3-5 dòng heo có năng suất chất lượng tốt, phấn đấu các chỉ tiêu đạt tăng
10% so với định mức năm 2015 (phụ lục 2.4). Hàng năm cung cấp cho thị trường
1.000.000 - 1.200.000 heo con giống các loại.
b) Giống cây trồng chủ yếu:
Phấn đấu hàng năm sản xuất được
16.000 - 20.000 tấn hạt giống các loại (phục vụ khoảng trên 1 triệu ha diện
tích gieo trồng của Thành phố và các tỉnh) và khoảng 30 triệu cây giống.
Nghiêu cứu, lai tạo và đưa vào sản xuất
5-10 giống cây trồng mới, bao gồm 2-3 giống hoa lan, 1-2 giống dưa lưới, 2-4 giống
rau, 1-2 giống hoa nền.
Nghiên cứu, chọn tạo và ứng dụng giống
cây trồng mới thích ứng với biến đổi khí hậu, như giống chịu hạn, chịu ngập, chịu
mặn, chịu phèn,...
Ứng dụng các biện pháp kỹ thuật sản
xuất an toàn. Phấn đấu năng suất cây trồng các loại tăng 5-10%.
Phấn đấu đưa vào ứng dụng có kiểm
soát các giống cây trồng chuyển gen (GMO) đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn công nhận.
Xây dựng vùng sản xuất giống gắn với
khu Nông nghiệp công nghệ cao: tập trung cho các giống có giá trị cao, phù hợp
với điều kiện thổ nhưỡng của thành phố.
- Giống rau:
+ Tiếp tục nghiên cứu, chọn tạo, nhập
khẩu và cung ứng giống rau mới có năng suất cao, chất lượng tốt, kháng sâu bệnh
và phù hợp với thị trường.
+ Hàng năm chuyển giao 4-5 giống rau
mới chất lượng cao, đẩy mạnh sử dụng giống cây con ươm sẵn đáp ứng nhu cầu phát
triển nông nghiệp hướng đô thị.
+ Phục tráng các giống rau đặc sản có
giá trị cao.
- Giống hoa, cây kiểng:
+ Tiếp tục sưu tập, bảo tồn các giống
hoa kiểng bản địa, làm nguyên liệu cho việc nghiên cứu, chọn tạo giống hoa mới,
trong đó có chọn tạo giống hoa lan mới từ nguồn giống lan rừng.
+ Tiếp tục nhập nội, thuần hoá, đưa
vào sản xuất hàng năm trung bình 5 - 7 giống hoa cây kiểng mới phù hợp với nhu
cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, phù hợp với phát triển nông nghiệp đô thị.
+ Nghiên cứu hoàn thiện 5-10 quy
trình nhân giống invitro một số giống hoa, kiểng có triển vọng.
+ Phấn đấu sản xuất giống lan tại chỗ
cung ứng 80% nhu cầu phát triển diện tích hoa lan của thành phố.
- Giống cây lâm nghiệp: Số lượng cây
giống sản xuất 10,3 triệu cây giống.
Hình thành hệ thống vườn, làng nghề
gieo ươm cây giống lâm nghiệp, cung cấp hom giống của một số loài cây trồng rừng
chủ yếu phục vụ cho yêu cầu phát triển mảng xanh đô thị thành phố và các tỉnh;
Thực hiện tốt quy chế quản lý giống cây trồng lâm nghiệp (Quyết định số
89/2005/QĐ-BNN ngày 29 tháng 12 năm 2005 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn).
c) Giống thủy sản:
- Giống thủy sản nước ngọt:
+ Sản xuất giống thủy sản nước ngọt với
số lượng 1,5-2 tỷ con giống, trong đó rô phi toàn đực: 500 triệu con;
- Giống thủy sản nước mặn lợ:
+ Giống tôm: sản xuất thuần dưỡng 1,5
tỷ con giống
+ Giống nhuyễn thể: sản xuất 4 tỷ
con.
+ Giống thủy sản nước mặn lợ khác:
100 triệu con.
- Cá cảnh: Đến năm 2020, sản lượng sản
xuất đạt 150-180 triệu con, xuất khẩu 40-50 triệu con, kim ngạch xuất khẩu đạt
40-50 triệu USD. Chú trọng kỹ thuật sinh sản nhân tạo, thuần dưỡng từ nguồn cá
tự nhiên.
V. CÁC NHÓM GIẢI
PHÁP CHỦ YẾU
1. Tiếp tục duy
trì, mở rộng và nâng cấp cơ sở hạ tầng, sản xuất phát triển giống
Tiếp tục mở rộng và đưa vào sử dụng
hiệu quả Khu nông nghiệp công nghệ cao, Trung tâm Công nghệ sinh học, Trung tâm
Quản lý và Kiểm định giống cây trồng, vật nuôi.
Gắn với Quy hoạch bố trí cây trồng vật
nuôi chủ lực, tập trung xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ
cao theo quy định của Thủ tướng Chính phủ (các doanh nghiệp, trang trại, HTX,
cơ sở sản xuất giống tập trung) đảm bảo an toàn dịch bệnh, đáp ứng cho nhu cầu
giống của thành phố và các tỉnh.
Liên kết với các tỉnh xây dựng vùng sản
xuất giống phù hợp với yêu cầu sinh thái của từng loại cây trồng, vật nuôi, đảm
bảo chất lượng, an toàn dịch bệnh, sử dụng có hiệu quả đất đai và lao động.
2. Giải pháp
khoa học công nghệ
Tiếp tục ưu tiên, đẩy mạnh các hoạt động
nghiên cứu và làm chủ một số công nghệ chọn tạo, lai tạo, nhân giống cây trồng,
giống vật nuôi và giống thuỷ sản chất lượng cao; có đăng ký bản quyền; chú trọng
bảo tồn, phát triển, phục tráng các giống địa phương.
Tiếp tục nhập khẩu giống chất lượng
cao, giống mới cần thiết phục vụ cho Đề án tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp của
thành phố, đồng thời tranh thủ tiếp thu nhanh những thành tựu khoa học và công
nghệ của thế giới.
- Đối với giống cây trồng: Tiếp tục ứng
dụng phương pháp chọn tạo giống truyền thống kết hợp với phương pháp hiện đại
(lai tế bào, chuyển gen, đột biến,...) để tạo ra các giống cây trồng mới có các
đặc tính nông học ưu việt, phù hợp với yêu cầu của thị trường; ứng dụng công
nghệ vi nhân giống để đáp ứng nhu cầu cây giống có chất lượng cao, sạch sâu bệnh;
nhân nhanh các giống cây hoa kiểng mới, cây lâm nghiệp có tốc độ sinh trưởng
cao, chất lượng tốt, chống chịu sâu, bệnh.
Tiếp tục thực hiện công tác sưu tập,
bảo tồn, phục tráng các giống địa phương, vừa bảo tồn sự đa dạng sinh học, vừa
làm nguyên liệu phục vụ cho chọn tạo, phát triển giống mới.
- Đối với giống vật nuôi:
+ Đối với bò sữa:
Tiếp tục nhập các dòng tinh cao sản
chịu nhiệt, tinh phân biệt giới tính, có năng suất, chất lượng cao, nhằm cải
thiện chất lượng đàn bò sữa, trong đó tập trung vào các nhóm đối tượng đàn bò sữa
có tiềm năng di truyền tốt hoặc đàn hạt nhân (năng suất trên 8.000 kg/năm); đàn
bò sữa có năng suất trên 6.000kg/năm;
Nghiên cứu và đổi mới quy trình bình
tuyển và kiểm tra đời sau cá thể bò sữa, xây dựng tiêu chí đánh giá chất lượng
giống bò sữa, nhằm giám định chất lượng cá thể bò sữa, hướng tới công nhận chất
lượng con giống bò sữa và xây dựng thương hiệu con giống bò sữa của Thành phố Hồ
Chí Minh.
Chuẩn hóa hệ thống quản lý giống, thống
nhất sử dụng cách ghi chép nhằm phục vụ tốt việc đánh giá chất lượng giống. Tiếp
tục thực hiện và mở rộng công tác quản lý bò sữa theo chương trình cải thiện chất
lượng đàn bò sữa (DHI) tại các xã trọng điểm chăn nuôi bò sữa trên địa bàn
thành phố, làm cơ sở chọn lọc và xây dựng đàn bò sữa hạt nhân mở trên địa bàn
thành phố, nâng cao năng suất sữa bình quân toàn đàn trên địa bàn thành phố.
Đẩy mạnh khuyến cáo người chăn nuôi
xây dựng cơ cấu đàn bò sữa hợp lý, mạnh dạn loại thải những bò sữa năng suất thấp
(dưới 17 kg/con/ngày), bò sữa phối nhiều lần không đậu thai (trên 5 lần), bò sữa
già (trên 6 lứa). Xây dựng cơ cấu đàn bò sữa có 65 - 70% bò cái sinh sản, trong
đó có 50% bò cái vắt sữa trong tổng đàn bò sữa. Thiết kế tờ rơi và hướng dẫn
người chăn nuôi đánh giá thể trạng bò sữa (BCS - Body Condition Score) theo từng
giai đoạn sinh trưởng và sản xuất, nhằm điều chỉnh chế độ chăm sóc nuôi dưỡng
và cân đối khẩu phần thức ăn phù hợp.
+ Đối với bò thịt:
Tổ chức bình tuyển, kiểm định con giống;
thiết lập hệ thống ghi chép, theo dõi và đánh giá di truyền đời sau; phê xét,
đánh giá ngoại hình thể chất theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn; xây dựng hệ thống quản lý giống bò thịt theo chương trình quản lý giống
BHI (Beef Herd Improvement) và phương pháp BLUP.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, tập
trung tạo đàn bò nền phù hợp để tạo ra con lai hướng thịt; trước mắt tại những
vùng có đàn bò sữa lớn như Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, sử dụng bò cái sữa còn
sức sinh sản tốt nhưng năng suất sữa thấp để phối tinh bò thịt cao sản; về lâu
dài, thử nghiệm, nghiên cứu, xây dựng một số công thức lai tạo giống bò hướng
thịt từ các dòng tinh bò thịt cao sản hoặc từ các giống bò thịt chuyên dụng như
Red Angus, Red Brahman, Droughmaster, BBB để xác định con giống phù hợp với điều
kiện chăn nuôi tại thành phố.
Tiếp tục nhập nội những dòng tinh bò
chuyên thịt cao sản; nghiên cứu ứng dụng công nghệ phôi, chọn lọc giới tính để
áp dụng cho công tác nhân giống đàn bò chất lượng cao tại Thành phố và các tỉnh
lân cận; Nghiên cứu kỹ thuật sản xuất tinh bò phân giới tính.
+ Đối với giống heo:
Ứng dụng quản lý giống heo theo các
chương trình quản lý giống tiên tiến như đánh giá tiến bộ di truyền theo phương
pháp BLUP; Duy trì thường xuyên việc nghiên cứu tạo dòng, chuẩn hóa các dòng trong
hệ thống chọn lọc, xây dựng hệ thống tháp giống, chọn lọc, tạo dòng, nhân thuần,
lai tạo, không ngừng cải tiến nâng cao chất lượng con giống.
Đẩy mạnh công tác giống trong lai tạo
thông qua việc nhập tinh những heo đực giống có năng suất chất lượng cao ở những
nước có nền chăn nuôi heo tiên tiến để cải thiện nhanh tiến bộ di truyền.
- Đối với giống thủy sản:
Tiếp tục nghiên cứu thuần dưỡng và
sinh sản nhân tạo giống thủy sản đặc hữu và cá cảnh; ứng dụng công nghệ chuyển
gen, nhập nội giống cá cảnh mới để lai tạo giống mới kết hợp đồng bộ với quy
trình nhân, nuôi dưỡng tốt, an toàn dịch bệnh đáp ứng xuất khẩu.
Ưu tiên nguồn vốn sự nghiệp khoa học
công nghệ cho việc triển khai các đề tài, dự án nghiên cứu; sản xuất, sản xuất
thử; ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, sử dụng các giống mới cho nông
dân Thành phố.
3. Tiếp tục củng
cố, phát triển hệ thống sản xuất, cung ứng và dịch vụ về giống
Hình thành các vùng sản xuất giống; Khuyến
khích thành lập và phát triển các tổ hợp tác, hợp tác xã, mạng lưới sản xuất,
nhân giống; thành lập các Hiệp hội sản xuất giống chuyên ngành (Hiệp hội sản xuất
giống hoa lan, giống rau, giống cá cảnh, giống bò sữa, bò thịt, giống heo,...);
Khuyến khích đầu tư mới, nâng cấp
trang thiết bị, hiện đại hóa những cơ sở sản xuất giống, phòng cấy mô; liên kết
với các tỉnh, thành trong cả nước hình thành chuỗi liên kết sản xuất, trong đó
lấy doanh nghiệp làm trọng tâm, phát triển vệ tinh là các nông hộ sản xuất giống;
hình thành chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ đồng bộ từ khâu giống - quy trình
sản xuất - sơ chế (chế biến) - sản phẩm an toàn gắn với xây dựng thương hiệu sản
phẩm.
Khuyến khích đầu tư mới và nâng cấp
những cơ sở giống hiện có để đáp ứng nhu cầu cung cấp giống trên địa bàn thành
phố, khu vực và xuất khẩu.
Khuyến khích các đơn vị, doanh nghiệp
sản xuất cung ứng cây con ươm sẵn.
Tạo điều kiện kết nối giữa cơ quan
nghiên cứu với các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất giống.
4. Tăng cường
công tác khuyến nông ứng dụng giống mới, chuyển giao kỹ thuật và xúc tiến
thương mại về giống
Công tác khuyến nông tập trung giới
thiệu giống mới, xây dựng mô hình nuôi, trồng giống mới, tiến tới xã hội hóa, tạo
điều kiện cho mọi thành phần kinh tế, trong đó có doanh nghiệp tham gia chuyển
giao giống mới vào sản xuất.
Đa dạng hóa công tác thử nghiệm, chuyển
giao giống mới; tổ chức định kỳ phiên chợ, hội chợ, hội thi, đấu xảo giống; tập
trung tổ chức hội nghị, hội thảo giao lưu giữa doanh nghiệp, cơ sở sản xuất giống
với nông dân, trang trại, hợp tác xã; khuyến khích nông dân sử dụng giống có
nguồn gốc, nhãn hiệu.
5. Nâng cao năng
lực quản lý nhà nước về giống đảm bảo kiểm soát được giống cây trồng, giống vật
nuôi cả về chủng loại, số lượng, chất lượng
Tiếp tục thực hiện tốt các công tác
quản lý nhà nước theo phân cấp quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn; Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát giống từ khâu sản xuất đến khâu lưu
thông nhằm đảm bảo chất lượng giống, kể cả kiểm soát tốt dịch bệnh trên giống,
nhất là giống sau nhập khẩu; khuyến cáo sử dụng giống phù hợp trong sản xuất,
tránh hiện tượng đồng huyết trên vật nuôi hoặc thoái hóa giống.
Nâng cao năng lực quản lý nhà nước
thông qua công tác đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ chuyên ngành giống,
đáp ứng với yêu cầu hội nhập quốc tế và khu vực; tổ chức chứng nhận chất lượng
giá trị giống vật nuôi theo phương pháp các phương pháp tiên tiến; kiểm tra, kiểm
nghiệm chất lượng giống bằng các phương pháp kỹ thuật tiên tiến, hiện đại.
Kiện toàn các phòng Khảo kiểm nghiệm,
chứng nhận chất lượng, bảo hộ bản quyền tác giả về giống.
Tăng cường đưa cán bộ quản lý giống
thăm quan học tập kinh nghiệm sản xuất và quản lý giống ở nước ngoài (cơ quan
quản lý nhà nước, doanh nghiệp), kết hợp giới thiệu các giống mới của Thành phố
Hồ Chí Minh.
Tuyên truyền, tập huấn các văn bản
pháp quy giúp các doanh nghiệp hiếu đúng, đủ và thực hiện đúng các quy định Nhà
nước; nâng cao nhận thức về giống cho nông dân.
6. Tăng cường hợp
tác quốc tế và đào tạo, đào tạo nâng cao nguồn nhân lực chuyên ngành giống
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong nghiên
cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ về giống; ưu tiên hợp tác trong đầu
tư dây chuyền sản xuất giống, kỹ thuật sản xuất giống chất lượng cao, đào tạo
nhân lực chất lượng cao về sản xuất, quản lý, kiểm định, kiểm nghiệm giống.
7. Giải pháp
chính sách khuyến khích phát triển giống và vốn đầu tư
- Chính sách khuyến khích phát triển
giống:
Tập trung triển khai các chính sách
khuyến khích và hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất giống theo Quyết định số
50/2014/QĐ-TTg ngày 04 tháng 9 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ
trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015 - 2020; Quyết định số
2194/QĐ-TTg, ngày 25 tháng 12 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt
Đề án phát triển giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thuỷ sản đến
năm 2020; Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 12 năm 2013 về chính sách
khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Quyết định số
310/QĐ-UBND ngày 15 tháng 01 năm 2014 của Ủy ban nhân dân thành phố về ban hành
Kế hoạch thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá
trị gia tăng và phát triển bền vững; Quyết định số 04/2016/QĐ-UBND ngày 23
tháng 02 năm 2016 của Ủy ban nhân dân thành phố về ban hành Quy định về Khuyến
khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn
2016 - 2020.
Xây dựng các chính sách về tín dụng
và cơ chế đất đai để hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, sản xuất giống,
đặc biệt là đầu tư công nghệ cao.
- Về nguồn vốn đầu tư:
Huy động nguồn vốn đầu tư từ mọi
thành phần kinh tế gồm: vốn từ ngân sách chỉ là vốn mồi, còn lại chủ yếu từ các
nguồn vốn của doanh nghiệp, HTX, người dân và vốn tín dụng đầu tư.
Các địa phương ưu tiên quy hoạch, bố
trí quỹ đất các dự án ưu tiên để kêu gọi vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế
trong và ngoài nước tham gia đầu tư vào các lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất và
kinh doanh giống ứng dụng công nghệ cao.
Các ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi
để các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông hộ vay vốn đầu tư vào nghiên cứu, sản xuất
kinh doanh giống.
VI. KINH PHÍ THỰC
HIỆN
Dự kiến nhu cầu vốn để thực hiện
Chương trình là 65,630 tỷ đồng, trong đó:
- Vốn từ nguồn ngân sách sự nghiệp là
50,406 tỷ chiếm 76,8 %, tổng nhu cầu vốn.
- Vốn của các doanh nghiệp, hợp tác
xã, nông hộ tham gia chương trình và của các doanh nghiệp đầu tư ứng dụng công
nghệ cao vào sản xuất, cải tiến chất lượng giống là 15,224 tỷ chiếm 23,2 %.
Ngoài ra, còn có nguồn vốn của các
doanh nghiệp giống tự đầu tư phát triển.
VII. CÁC NỘI DUNG
ƯU TIÊN PHÁT TRIỂN ĐẦU TƯ NGÀNH GIỐNG (Đính kèm Phụ lục 2)
VIII. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn
- Chủ trì triển khai có hiệu quả
Chương trình phát triển giống cây, giống con chất lượng cao giai đoạn 2016-2020,
cho nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã... trên địa bàn thành phố.
- Theo dõi việc thực hiện các nội
dung sử dụng kinh phí trong chương trình đối với các đơn vị, doanh nghiệp, các
cơ quan nghiên cứu được ngành hỗ trợ kinh phí theo đúng quy định nhà nước.
- Phối hợp với các ngành, các địa
phương quản lý giống cây trồng, vật nuôi trên địa bàn thành phố theo quy định.
- Thẩm định, phê duyệt các dự án giống
theo phân cấp, các đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ về giống thuộc phạm vi
quản lý của Sở và đề xuất các đề tài, dự án của Sở, ngành có liên quan.
- Định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân
thành phố tiến độ thực hiện Chương trình phát triển giống cây, giống con chất
lượng cao trên địa bàn thành phố; đề xuất và tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố
tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện.
2. Sở Kế hoạch
và Đầu tư, Sở Tài chính
- Chủ trì cấp vốn, theo dõi nguồn vốn
cấp để triển khai chương trình phát triển giống cây, giống con chất lượng cao
giai đoạn 2016 - 2020 có hiệu quả.
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn, các đơn vị có liên quan: Cân đối, bố trí kế hoạch vốn hàng năm
để thực hiện chương trình phát triển giống cây, giống con chất lượng cao giai
đoạn 2016 - 2020 được phê duyệt, đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ mục tiêu phát
triển ngành giống trong từng thời kỳ kế hoạch, tiến độ đầu tư các chương trình,
dự án, đề án.
3. Sở Khoa học
và Công nghệ: bố trí nguồn kinh phí cho các đề tài
nghiên cứu chọn tạo giống mới và các đề tài khác liên quan đến lĩnh vực giống;
hướng dẫn hỗ trợ các thủ tục liên quan đến việc đăng ký bản quyền và bảo hộ sở
hữu trí tuệ về giống.
4. Ban Quản lý
Khu Nông nghiệp Công nghệ cao
- Triển khai thực hiện Chương trình
phát triển giống cây, giống con chất lượng cao giai đoạn 2016 - 2020 ngay sau
khi được phê duyệt.
- Tiếp tục chủ trì, phối hợp thực hiện
nghiên cứu, chọn tạo, sản xuất cây giống, con giống chất lượng cao phục vụ nông
nghiệp đô thị của thành phố và các tỉnh thành trong cả nước; Đẩy mạnh hoạt động
hợp tác trong và ngoài nước nhằm phát triển khoa học công nghệ ứng dụng trong sản
xuất nông nghiệp.
Thu hút nhà đầu tư nghiên cứu, sản xuất
giống - hình thành vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao theo hướng nâng cao giá
trị gia tăng và phát triển bền vững.
5. Tổng Công ty
Nông nghiệp Sài Gòn: tập trung xây dựng vùng sản
xuất giống ứng dụng Công nghệ cao, phối hợp thu hút nhà đầu tư sản xuất, lai tạo
giống ứng dụng công nghệ cao theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển
bền vững.
6. Ủy ban nhân
dân các quận, huyện và các ngành liên quan quản lý
giống theo phân cấp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; xác định, duy
trì diện tích đất nông nghiệp phục vụ sản xuất giống; hỗ trợ các đơn vị, doanh
nghiệp trong việc bố trí diện tích đất phù hợp để đầu tư ứng dụng công nghệ cao
trong sản xuất giống.
7. Các tổ chức,
cá nhân, doanh nghiệp, tham gia sản xuất, kinh
doanh giống trên địa bàn thành phố có trách nhiệm thực hiện các quy định của
nhà nước và của thành phố về giống và tham gia các đề tài nghiên cứu, hoạt động
chuyển giao giống mới theo quy định, cùng với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn thành phố; phối hợp với các tỉnh trong liên kết đầu tư sản xuất giống./.
PHỤ LỤC 1
KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÔNG TÁC NGHIÊN CỨU,
CHUYỂN GIAO GIỐNG GIAI ĐOẠN 2011-2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 4652/QĐ-UBND ngày 06 tháng 9 năm 2016 của Ủy
ban nhân dân thành phố)
I. KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG NGHIÊN CỨU
KHOA HỌC, ĐÀO TẠO, CHUYỂN GIAO:
1. Giống vật nuôi:
- Trung tâm Công nghệ Sinh học:
Nghiên cứu quy trình tạo và nuôi phôi bò trong phòng thí nghiệm nhằm chủ động
nguồn phôi cho công tác cấy truyền phôi trên địa bàn. Tạo được phôi bò trong
phòng thí nghiệm với tỷ lệ thụ tinh đạt 80%, tỷ lệ phôi bò phát triển tới giai
đoạn phôi nang đạt trên 24%. Thực hiện thành công kỹ thuật sinh thiết phôi phục
vụ xác định giới tính phôi bò trước khi cấy truyền.
- Trung tâm Quản lý và Kiểm định giống
cây trồng, vật nuôi đã ứng dụng phương pháp BLUP và cấp chứng nhận cho 08 nhóm
heo giống có năng suất đặc biệt.
2. Giống cây trồng:
- Trung tâm Công nghệ Sinh học:
+ Nghiên cứu tạo giống hoa lan bằng
phương pháp chiếu xạ và phương pháp chuyển gen từ 2 giống hoa lan Thái Bình và
Hoàng Thảo Thủy tiên. Hiện đang tiếp tục đánh giá để chọn lọc các dòng lan ưu
tú từ 18 dòng hoa lan Thái Bình và 12 dòng Hoàng Thảo Thủy tiên đột biến bằng
phương pháp chiếu xạ và phương pháp chuyển gen;
+ Đã tạo được 10-12 dòng lan
Dendrobium có khả năng kháng virus khảm vàng; xây dựng được quy trình chuyển
gen kháng virus khảm vàng vào lan Mokara.
+ Tiếp tục tuyển chọn dòng 48 hoa lan
đầu dòng ưu tú (từ 34 tổ hợp lai) thể hiện các tình trạng vượt trội về kiểu
hoa, màu sắc hoa, chiều dài phát hoa, đặc biệt rất siêng hoa để tiến đến công
nhận giống sản xuất tại Thành phố Hồ Chi Minh.
+ Ứng dụng thành công Hệ thống ngập
chìm tạm thời trong nhân giống cấy mô thực vật, cho phép rút ngắn thời gian
nhân giống và tăng tỉ lệ sống của cây.
+ Chuyển giao 33 mô hình hoa lan
Mokara cắt cành, cung ứng cho thị trường 600.000 cây cấy mô invitro các loại,
chủ yếu là các giống hoa lan.
- Trung tâm Khuyến Nông thực hiện đề
tài “nghiên cứu lai tạo, đột biến, chọn lọc một số dòng lan Dendro mini mới có
triển vọng”, hiện đã tạo được 10 tổ hợp lai có triển vọng.
- Đại học Khoa học Tự nhiên Thành phố
Hồ Chí Minh: Ứng dụng phương pháp PCR để xác định sớm và chính xác tình trạng bất
dục đực tế bào chất trên cây ớt, giúp rút ngắn thời gian và chi phí trong công
lác lai tạo giống.
- Công ty Giống cây trồng Miền Nam đã
chọn tạo được 2 giống lúa từ đề tài “Nghiên cứu chọn tạo giống lúa lai 3 dòng
năng suất cao, chất lượng xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu tại ĐBSCL”, chọn
tạo 2 giống ớt sừng có dòng mẹ là dòng CMS từ đề tài “Ứng dụng công nghệ sinh học
trong chọn tạo và nhân các dòng ớt cay ưu tú nhằm phát triển các giống ớt lai
có yếu tố bất dục tế bào chất CMS”
3. Giống thủy sản:
- Trung tâm Khuyến nông đã hoàn thành
đề tài nghiên cứu cấp Thành phố “Thử nghiệm nuôi cua từ con giống sinh sản nhân
tạo”. Kết quả: nuôi từ con giống sinh sản nhân tạo cho tỉ lệ sống tăng hơn 2 lần
(từ 25 % lên 55%), năng suất nuôi tăng gấp 2,4 lần (từ 0,35 lên 0,85 tấn/ha/vụ),
lợi nhuận tăng gấp 4 lần (từ 23 lên 94 triệu đồng/ha/vụ).
- Trung tâm Khuyến nông thành phố Hồ
Chí Minh thực hiện Đề tài Nghiên cứu sinh sản cá neon Việt Nam (Tanichthys
micagemmae Freyhof & Herder, 2001) và bước đầu nghiên cứu sinh học sinh sản
cá thủy tinh (Kryptopterus bicirrhis Valenciennes, 1840). Kết quả thực hiện đề
tài đến năm 2015 như sau:
+ Đã xác định được kỹ thuật thuần dưỡng
cá neon Việt Nam và cá thủy tinh khai thác từ tự nhiên làm cảnh.
+ Bước đầu đã sinh sản bán nhân tạo
thành công trong điều kiện nuôi tại Thành phố Hồ Chí Minh loài cá neon Việt Nam
được khai thác tại các vùng núi tỉnh Thừa Thiên Huế.
+ Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản
II thực hiện Đề tài Nghiên cứu ứng dụng quy trình sản xuất giống cá bá chủ (Pterapogon
Kanderni Koumans, 1933) tại Việt Nam do). Hiện nay đề tài đang được triển
khai, các quy trình sản xuất giống đang trong quá trình hoàn thiện.
- Trung tâm Công nghệ Sinh học thành
phố Hồ Chí Minh thực hiện Đề tài Nghiên cứu chuyển gen tạo cá cảnh phát sáng huỳnh
quang do từ năm 2013 đến nay và đạt được những kết quả như sau:
+ Đã thuần hóa và cho sinh sản nhân tạo
thành công cá sóc và cá thần tiên mắt đỏ trong phòng thí nghiệm.
+ Nghiên cứu thành công kỹ thuật tạo
gen phát sáng huỳnh quang và chuyển gen vào phôi cá sóc và cá thần tiên.
+ Đến nay, đã thành công trong tạo cá
sóc phát sáng màu lục lam và màu đỏ đến thế hệ F2; cá thần tiên phát
sáng màu đỏ đến thế hệ F0. Đây là tiền đề để phát triển dòng cá cảnh
phát sáng huỳnh quang thương mại trong thời gian tới.
4. Kết quả hoạt động của Khu Nông
nghiệp công nghệ cao:
- Công tác khảo nghiệm giống: Ban đã
xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình giống cây trồng và định hướng
nghiên cứu ứng dụng giai đoạn 2012-2015, đã khảo nghiệm 80 giống lan các loại,
22 giống cà chua bi, 19 giống dưa lưới, 04 giống rau húng quế và một số giống
trái cây. Kết quả đã chọn được 28 giống các loại gồm 16 giống hoa lan, 4 giống
dưa lưới, 4 giống cà chua bi, 3 giống ớt sừng, 1 giống rau húng quế thích hợp
trồng trong điều kiện nhà màn tại Thành phố Hồ Chí Minh.
- Chương trình nhân giống và cung cấp
cây giống, con giống chất lượng cao:
Đã cung cấp hơn 900.000 cây lan giống
các loại, hơn 610.000 giống rau ăn quả các loại và 4.000 cây giống hoa nền với
các đặc điểm sinh trưởng, phát triển tốt, ít sâu bệnh phù hợp với phát triển
nông nghiệp đô thị của Thành phố; Sản xuất được hơn 59 tấn hạt lai F1 các loại
rau ăn trái, 100.500 meo giống nấm, 120.000 bịch phôi nấm chất lượng tốt.
- Công tác chuyển giao công nghệ: Tổ
chức chuyển giao cho 30 tổ chức, cá nhân về kỹ thuật nuôi cấy invitro cây lan hồ
điệp, kỹ thuật trồng và chăm sóc dưa lưới, trồng rau thủy canh,...
II. KẾT QUẢ ỨNG DỤNG VÀ PHÁT TRIỀN
GIỐNG
Bảng
2.1: Tình hình phát triển đàn bò sữa trên địa bàn thành phố
Diễn giải
|
ĐVT
|
2005
|
2010
|
2011
|
2012
|
2013
|
2014
|
2015
|
So sánh với
2005 (%)
|
So Sánh với
2010 (%)
|
So sánh với
2011 (%)
|
2
|
3
|
4
|
5
|
6
|
7
|
8
|
9
|
10
|
10/4
|
10/5
|
10/6
|
Tổng đàn
|
Con
|
56.162
|
79.800
|
82.730
|
89.800
|
99.451
|
99.550
|
102.614
|
+83
|
+29
|
+24
|
Sản lượng sữa /con vắt sữa/năm
|
Kg
|
4.761
|
5.400
|
5.475
|
5.515
|
5.558
|
5.600
|
5.653
|
+18,74
|
+4,69
|
+3,25
|
Sản lượng sữa hàng hóa
|
Tấn
|
128.985
|
215.460
|
226.473
|
231.483
|
257.576
|
265.428
|
284.938
|
+121
|
+32
|
+26
|
Bảng
2.2: Một số chỉ tiêu kỹ thuật trên đàn bò sữa
Nội dung
|
ĐVT
|
2005
|
2010
|
2011-2012
|
2013-2015
|
So sánh với năm
2010 (%)
|
So sánh với năm
2012 (%)
|
(a)
|
(b)
|
(1)
|
(2)
|
(3)
|
(4)
|
(4)/(2)
|
(4)/(3)
|
Tuổi phối giống lần đầu
|
ngày
|
518
|
486
|
479
|
476
|
98,56
|
99,37
|
Thời gian chờ phối
|
ngày
|
189
|
129
|
118
|
118
|
91,47
|
100
|
Khoảng cách hai lứa đẻ
|
ngày
|
497
|
444,6
|
436
|
434
|
98,06
|
99,54
|
Hệ số phối
|
liều/con
|
4,29
|
3,56
|
3,42
|
3,3
|
95,5
|
99,42
|
Bảng
2.3 Tình hình sử dụng và cung ứng tinh bò sữa trên địa bàn thành phố
Đơn vị
|
Năm
|
2011
|
2012
|
2013
|
2014
|
2015
|
Cộng
|
Trong nước
|
Nhập khẩu
|
Trong nước
|
Nhập khẩu
|
Trong nước
|
Nhập khẩu
|
Trong nước
|
Nhập khẩu
|
Trong nước
|
Nhập khẩu
|
Cty A&A
|
-
|
9.594
|
-
|
14.000
|
-
|
14.100
|
-
|
7.600
|
-
|
6.500
|
51.794
|
Cty Minh Đăng
|
-
|
7.500
|
-
|
4.000
|
-
|
5.500
|
-
|
5.900
|
-
|
4.600
|
27.500
|
XN Truyền Giống TW
|
96.771
|
12.235
|
96.000
|
25.000
|
71.989
|
17.882
|
99.340
|
2.983
|
98.950
|
2.050
|
523.200
|
Cty Á châu
|
-
|
25.000
|
-
|
10.000
|
-
|
12.000
|
-
|
10.700
|
-
|
7.500
|
65.200
|
TTQLKĐG
|
-
|
-
|
-
|
-
|
-
|
-
|
-
|
3.277
|
-
|
10.000
|
13.277
|
Cty Nam Thái
|
-
|
-
|
-
|
-
|
-
|
-
|
-
|
50.500
|
-
|
50.000
|
100.500
|
Cộng
|
96.771
|
54.329
|
96.000
|
53.000
|
71.989
|
49.482
|
99.340
|
80.960
|
98.950
|
80.650
|
781.471
|
Tổng cộng
|
151.100
|
149.000
|
121.471
|
180.300
|
179.600
|
781.471
|
Bảng
2.4: Các chỉ tiêu kỹ thuật trên đàn heo giống thành phố
Diễn giải
|
Đơn vị tính
|
2005
|
2010
|
2011-2015
|
So sánh với năm
2010
|
(a)
|
(b)
|
(1)
|
(2)
|
(3)
|
(3)/(2)
|
- Năng suất sinh sản:
|
|
|
|
|
|
+ Lứa đẻ / nái / năm
|
lứa
|
2,1
|
2,23
|
2,24
|
100,4
|
+ Tuổi cai sữa
|
ngày
|
25-28
|
21-25
|
21-25
|
100
|
+ Số con cai sữa/nái/năm
|
con
|
18.9
|
20,4
|
20,8
|
102
|
+ Trọng lượng heo con 60 ngày tuổi
|
kg
|
20
|
21
|
21
|
100
|
- Năng suất sinh trưởng:
|
|
|
|
|
|
+ Tăng trọng ngày (gr)
|
gr
|
625
|
726
|
734
|
101,1
|
+ Tiêu tốn thức ăn /Kg P
|
kg
|
3
|
2,7
|
2,67
|
98,9
|
+ Ngày tuổi đạt 90 Kg
|
ngày
|
172
|
155
|
155
|
99,4
|
+ Độ dày mỡ lưng ( mm )
|
mm
|
14
|
10,98
|
10,43
|
94,9
|
Bảng
2.5: So sánh các chỉ tiêu kỹ thuật trên đàn heo giống thành phố với cả nước và
Đan Mạch
tt
|
Chỉ tiêu
năng suất
|
Đơn vị tính
|
Cả nước
|
Tp.HCM
|
Đan Mạch
|
|
Chỉ số lứa đẻ/nái/năm
|
lứa
|
2,10
|
2,24
|
2,34
|
|
Số con cai sữa/nái/năm
|
con
|
18,5
|
20,8
|
28,7
|
|
Tăng trọng ngày (gr)
|
gr
|
715
|
734
|
930
|
|
Tiêu tốn thức ăn/kg tăng trọng
|
kg
|
2,85
|
2,67
|
2,34
|
|
Độ dày mỡ lưng
|
mm
|
11,5
|
10,43
|
12,0
|
|
Tỷ lệ nạc
|
%
|
57,5
|
58,0
|
61,5
|
Bảng
2.6. Số lượng giống cây trồng mới đưa vào sản xuất
Chủng loại
|
Năm 2010
|
Năm 2011
|
Năm 2012
|
Năm 2013
|
Năm 2014
|
Năm 2015
|
|
1. Giống mới được công nhận và đưa vào sản xuất
|
Rau
|
13
|
36
|
62
|
59
|
47
|
6
|
Bắp
|
3
|
2
|
5
|
4
|
2
|
3
|
Lúa
|
1
|
2
|
6 (1 giống nếp Fl)
|
2
|
1
|
3
|
|
2. Thử nghiệm và chuyển giao giống rau, hoa mới
(cho riêng thành phố Hồ Chí Minh từ nguồn nhập nội hoặc nghiên cứu, công ty
trong và ngoài thành phố)
|
Thử nghiệm
|
13
|
35
|
63
|
103
|
84
|
40
|
Chuyển giao
|
5
|
12
|
23
|
31
|
26
|
9
|
Bảng
2.7. Danh sách các giống lan đang được ưa chuộng trên địa bàn thành phố
Stt
|
Tên tiếng Việt
|
Tên tiếng nước
ngoài
|
I. Giống Mokara
|
|
1
|
Đỏ lá quặt
|
M. Deart Heart
|
2
|
Đỏ 28
|
M. Dinah Shore
|
3
|
Vàng chanh
|
M. Booncho Gold; M. Full Moon
|
4
|
Vàng nến
|
M. Sunlight Gold; M. Bangkhuntien
|
5
|
Vàng Chao
|
M. Chao Praya Gold
|
6
|
Tím
|
M. Kasem Delight
|
7
|
Vàng đồng
|
M. Luen Berger Gold; M. Luen New
|
8
|
Vàng Kitti
|
M. Kitty
|
II. Giống Dendrobium
|
|
1
|
Dendrobium hồng sọc
|
Dendrobium Pink Tripe
|
2
|
Dendrobium trắng
|
Dendrobium White 5N
|
3
|
Dendrobium tím trắng
|
Dendrobium Yesakul
|
4
|
Dendrobium tím trắng
|
Dendrobium Sonia
|
5
|
Dendrobium trắng
|
Dendrobium emma white
|
6
|
Dendrobium nắng (hồng phớt trắng)
|
Dendrobium Ceasar Pink
|
7
|
Dendrobium nắng
|
Dendrobium Chanchrao
|