ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
46/2016/QĐ-UBND
|
Quảng
Ngãi, ngày 09 tháng 9 năm 2016
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN KIÊN CỐ HÓA KÊNH MƯƠNG THỦY LỢI GẮN
VỚI CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TỈNH QUẢNG NGÃI, GIAI
ĐOẠN 2016-2020
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền
địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Thông tư số
03/2013/TT-BKHĐT ngày 07 tháng 8 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư
hướng dẫn thực hiện Quyết định số 497/QĐ-TTg ngày 21 tháng 3 năm 2013 của Thủ
tướng Chính phủ bổ sung cơ chế đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng
nông thôn mới giai đoạn 2010-2020;
Căn cứ Nghị quyết số
11/2016/NQ-HĐND ngày 15 tháng 7 năm 2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ngãi
về việc thông qua Đề án Kiên cố hóa kênh mương thủy lợi gắn với Chương trình mục
tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2016-2020;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 2047/TTr-SNNPTNT ngày 25
tháng 8 năm 2016 về việc phê duyệt Đề án Kiên cố hóa kênh mương thủy lợi gắn với
Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn
2016-2020 và ý kiến thẩm định của Sở Tư pháp tại Báo cáo số 158/BC-STP ngày 22
tháng 8 năm 2016.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Phê duyệt Đề án Kiên cố hóa kênh mương thủy lợi gắn với
Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn
2016 - 2020, với các nội dung chính như sau:
1. Quan điểm
Đề án kiên cố hóa kênh mương
thủy lợi cần thực hiện theo lộ trình để đáp ứng yêu cầu chương trình xây dựng
nông thôn mới; khắc phục các tuyến kênh bị hư hỏng, xuống cấp qua các năm mà cử
tri đã nhiều lần phản ảnh; tăng thêm diện tích tưới và nâng cao hiệu quả khai
thác, năng lực tưới, tiêu của hệ thống kênh mương thủy lợi trên địa bàn tỉnh.
2. Mục
tiêu
Thực hiện kiên cố hóa các
tuyến kênh mương loại III thuộc 41 xã xây dựng nông thôn mới nhằm sử dụng có hiệu
quả và tiết kiệm nước, điện năng và mở rộng thêm diện tích được tưới chủ động,
nâng cao hệ số lợi dụng kênh mương; góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình mục
tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2016-2020.
3. Nhiệm
vụ
Kiên cố hóa các tuyến kênh
loại III thuộc 41 xã phấn đấu đạt tiêu chí thủy lợi xây dựng nông thôn mới
trong giai đoạn 2016-2020, gồm các xã: Bình Long, Bình Phú, Bình Minh, Bình
Nguyên và Bình Mỹ, huyện Bình Sơn; Tịnh Giang, Tịnh Bắc, Tịnh Minh và Tịnh Hà,
huyện Sơn Tịnh; Tịnh Ấn Tây, Tịnh Long và Tịnh Ấn Đông, thành phố Quảng Ngãi;
Nghĩa Phương, Nghĩa Kỳ, Nghĩa Thuận, Nghĩa Hiệp, Nghĩa Trung, Nghĩa Điền, Nghĩa
Thương, Nghĩa Thắng và Nghĩa Thọ, huyện Tư Nghĩa; Đức Thạnh, Đức Hòa, Đức Hiệp,
Đức Phong và Đức Phú, huyện Mộ Đức; Phổ Hòa, Phổ Ninh, Phổ An và Phổ Thuận, huyện
Đức Phổ; Hành Tín Đông, Hành Thiện, Hành Dũng, Hành Nhân, Hành Đức, Hành Phước,
Hành Trung và Hành Tín Tây, huyện Nghĩa Hành; Trà Bình, huyện Trà Bồng; Sơn
Mùa, huyện Sơn Tây; Trà Phong, huyện Tây Trà; trong đó có ưu tiên kiên cố hóa
các tuyến kênh bị hư hỏng, xuống cấp qua nhiều năm chưa được sửa chữa, khắc phục.
4. Kế hoạch
thực hiện
a) Kế hoạch giai đoạn
2016-2020
Tổng chiều dài kênh loại III
cần kiên cố hóa giai đoạn 2016-2020 của 41 xã là: 346,139 km (trong đó đã bao gồm
các đoạn, tuyến kênh bị hư hỏng, xuống cấp qua nhiều năm chưa được kiên cố
hóa).
Diện tích được tưới tăng
thêm: Diện tích tưới trước/sau khi kiên cố hóa: 8.606 ha/10.347 ha (dự kiến đến
năm 2020 tăng 1.741 ha được tưới bằng công trình kiên cố).
b) Kế hoạch kiên cố hóa hàng
năm
Năm 2016: 62,527 km
Năm 2017: 86,609 km
Năm 2018: 90,535 km
Năm 2019: 64,850 km
Năm 2020: 41,618 km
5. Nhu cầu kinh phí, cơ chế
huy động vốn và nguồn vốn đầu tư
a) Nhu
cầu kinh phí đầu tư: 418.016 triệu đồng.
(Bốn trăm mười tám tỷ,
không trăm mười sáu triệu đồng)
b) Cơ chế huy động vốn
Các huyện đồng bằng và thành
phố Quảng Ngãi: Vốn ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh, vốn lồng ghép từ các
chương trình (dự án) và các vốn hợp pháp khác: 80%; vốn ngân sách huyện/thành
phố, xã và nguồn vận động nhân dân: 20%.
Các huyện miền núi: Vốn ngân
sách Trung ương, ngân sách tỉnh, vốn lồng ghép từ các chương trình (dự án) và
các vốn hợp pháp khác: 90%; vốn ngân sách huyện, xã và nguồn vận động nhân dân:
10%.
c) Nguồn
vốn đầu tư
Ngân sách Trung ương: 30.000
triệu đồng. Trong đó: Vốn hỗ trợ có mục tiêu: 10.000 triệu đồng; vốn Trái phiếu
Chính phủ: 20.000 triệu đồng.
Ngân sách tỉnh: 180.000 triệu
đồng. Trong đó: Vốn phân bổ trực tiếp từ ngân sách: 20.000 triệu đồng; vốn vay
tín dụng ưu đãi: 160.000 triệu đồng.
Vốn lồng ghép từ các chương
trình (dự án) và các vốn hợp pháp khác: 125.495 triệu đồng.
Vốn ngân sách huyện, thành
phố, xã và nguồn vận động nhân dân: 82.521 triệu đồng.
d) Kế
hoạch vốn đầu tư hàng năm
Năm 2016: 78.387 triệu đồng
Năm 2017: 107.282 triệu đồng
Năm 2018: 105.311 triệu đồng
Năm 2019: 74.666 triệu đồng
Năm 2020: 52.370 triệu đồng
6. Giải pháp chủ yếu thực hiện
Đề án
a) Về vốn đầu tư
Tăng cường huy động các nguồn
vốn đầu tư và bố trí đủ vốn để thực hiện kiên cố hóa kênh mương theo cơ chế đầu
tư vốn được duyệt trong Đề án.
Lồng ghép kế hoạch kiên cố
hóa kênh mương thủy lợi bằng các nguồn vốn đầu tư của các chương trình (dự án)
khác để huy động nguồn lực tổng hợp thực hiện Đề án.
Đối với nguồn vốn đóng góp của
nhân dân, chủ yếu huy động bằng hình thức đóng góp ngày công, vật liệu cát, sỏi,
đá có sẵn tại địa phương theo tinh thần tự nguyện, đúng Quy chế dân chủ cơ sở
và theo quy định của pháp luật.
b) Về giải pháp công trình
Loại hình kênh kiên cố hóa:
Tùy thuộc vào địa hình, địa chất vùng tuyến kênh để lựa chọn hình thức kênh hở,
kênh ống hoặc kênh hộp có nắp tấm đan.
Giải pháp thiết kế: Công tác
khảo sát xây dựng, lập và phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán công
trình theo quy định hiện hành của Nhà nước về quản lý đầu tư xây dựng; đồng thời
áp dụng thiết kế kênh điển hình đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số
82/QĐ-UBND ngày 10 tháng 3 năm 2015 về việc ban hành thiết kế điển hình kiên cố
kênh mương loại III (Ftưới ≤ 100ha) trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, góp phần đơn
giản hóa trong quá trình lập, thẩm tra, thẩm định và phê duyệt hồ sơ thiết kế.
Lựa chọn thời điểm, biện
pháp thi công kiên cố hóa kênh phù hợp nhằm đảm bảo không làm ảnh hưởng đến quá
trình sản xuất nông nghiệp theo mùa vụ của địa phương.
c) Các giải pháp khác
Các sở, ngành, hệ thống
chính trị các cấp có trách nhiệm tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao
nhận thức và vận động nhân dân thực hiện kiên cố hóa kênh mương thủy lợi và quản
lý khai thác tốt để công trình phát huy hiệu quả lâu dài.
UBND các huyện, thành phố và
UBND các xã trên cơ sở Đề án được cấp thẩm quyền phê duyệt, có trách nhiệm tổ
chức lấy ý kiến của nhân dân vùng hưởng lợi về ưu tiên lựa chọn các danh mục
công trình kiên cố hóa trong năm kế hoạch để đầu tư xây dựng và vận động đóng
góp của nhân dân.
Trong quá trình thực hiện đầu
tư xây dựng kiên cố hóa kênh mương, chủ đầu tư cần phải thông báo rộng rãi đến
nhân dân để biết, phối hợp kiểm tra, giám sát chất lượng công trình theo quy định
của pháp luật.
Điều 2.
Tổ chức thực hiện
1. Giao Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn
Chủ trì, phối hợp với các sở,
ngành, địa phương chỉ đạo thực hiện Đề án theo đúng quan điểm, mục tiêu, nhiệm
vụ của Đề án; tổng hợp báo cáo định kỳ 6 tháng, 1 năm; báo cáo sơ kết, tổng kết
về kết quả thực hiện Đề án cho UBND, HĐND tỉnh theo quy định.
Xây dựng Quy chế quản lý, thực
hiện Đề án Kiên cố hóa kênh mương thủy lợi gắn với Chương trình mục tiêu Quốc
gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2016 - 2020.
2. Giao Sở Kế hoạch và Đầu
tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các sở, ngành liên quan tham mưu UBND
tỉnh bố trí vốn theo kế hoạch thực hiện Đề án và tranh thủ lồng ghép vốn các
chương trình, dự án khác để bảo đảm Đề án được phát huy hiệu quả và đồng bộ.
3. Giao Ủy ban nhân dân các
huyện, thành phố
Chủ trì và chịu trách nhiệm
chỉ đạo tổ chức thực hiện Đề án tại các xã; xây dựng và phê duyệt Kế hoạch kiên
cố hóa kênh mương thủy lợi giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn huyện, thành phố để
thực hiện.
Chủ động bố trí và huy động
phần vốn huyện, thành phố, xã, nhân dân đóng góp gửi UBND tỉnh theo kỳ phân bổ
vốn hàng năm để UBND tỉnh có cơ sở xem xét phân bổ vốn (phần ngân sách do tỉnh
quản lý).
4. Công ty TNHH một thành
viên Khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi
Phối hợp với các địa phương
về việc sắp xếp lịch cắt nước đảm bảo thi công xây dựng công trình kiên cố hóa
để không làm ảnh hưởng đến lịch thời vụ sản xuất; hướng dẫn, giúp đỡ các địa
phương quản lý kỹ thuật kiên cố hóa kênh loại III trong hệ thống thủy lợi do
Công ty và địa phương cùng quản lý để phát huy hiệu quả công trình.
Điều 3.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20
tháng 9 năm 2016.
Điều 4.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở, ngành: Kế hoạch
và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Tài nguyên
và Môi trường; Giám đốc Kho bạc Nhà nước Quảng Ngãi; Thủ trưởng các sở ngành;
Chủ tịch UBND các huyện: Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Đức Phổ, Nghĩa
Hành, Trà Bồng, Sơn Tây, Tây Trà, Chủ tịch UBND thành phố Quảng Ngãi; Giám đốc
Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi; Thủ trưởng
các cơ quan đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Trần Ngọc Căng
|
ĐỀ ÁN
KIÊN CỐ HÓA KÊNH MƯƠNG THỦY LỢI GẮN VỚI CHƯƠNG
TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TỈNH QUẢNG NGÃI, GIAI ĐOẠN
2016-2020
(Kèm theo Quyết định số 46/2016/QĐ-UBND ngày 09/9/2016 của UBND tỉnh Quảng Ngãi)
A. MỞ
ĐẦU
I. Sự cần
thiết xây dựng Đề án
Đề án Kiên cố hóa kênh mương
thủy lợi thuộc 33 xã xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2012-2015
đã được UBND tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt tại Quyết định số 35/2012/QĐ-UBND ngày
24/10/2012 đã hết hiệu lực vào cuối năm 2015.
Để tiếp tục thực hiện chủ
trương của Chính phủ, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và UBND tỉnh Quảng Ngãi trong
việc cứng hóa kênh mương thủy lợi, cần phải xây dựng Đề án kiên cố hóa kênh
mương thủy lợi cho giai đoạn 2016-2020 để thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng thủy lợi,
phục vụ phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Đồng thời kiên cố hóa
kênh mương nhằm sửa chữa nâng cấp hệ thống kênh mương thủy lợi, nâng cao năng lực
tưới tiêu, góp phần hoàn thành tiêu chí thủy lợi (tiêu chí số 3) trong chương
trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 2016-2020 là
rất cần thiết.
II. Đối
tượng, phạm vi và thời gian thực hiện
1. Đối tượng: Kênh loại III:
Kênh nhánh, kênh nội đồng thuộc phạm vi một xã (Phân loại theo Thông tư 134/1999/TT-BNN-QLN
ngày 25/9/1999 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn
việc tổ chức thực hiện kiên cố hóa kênh mương).
2. Phạm vi: Kiên cố hóa kênh
loại III thuộc 41 xã đạt tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới trong giai đoạn
2016-2020.
3. Thời gian thực hiện: 2016
- 2020.
B. NỘI
DUNG CỦA ĐỀ ÁN I. Các căn cứ xây dựng Đề án
1. Cơ
sở pháp lý
Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày
05/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông
thôn;
Quyết định số 2052/QĐ-TTg
ngày 10/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển
kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020;
Thông tư số 03/2013/TT-BKHĐT
ngày 07/8/2013 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện Quyết định
số 497/QĐ-TTg ngày 21/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ bổ sung cơ chế đầu tư
Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020;
Nghị quyết số
27/2011/NQ-HĐND ngày 27/10/2011 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ngãi khóa XI -
Kỳ họp thứ 3 về việc thông qua Đề án phát triển nông nghiệp và xây dựng nông
thôn mới tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020;
Nghị quyết số
11/2016/NQ-HĐND ngày 15/7/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ngãi về việc
thông qua Đề án Kiên cố hóa kênh mương thủy lợi gắn với Chương trình mục tiêu
Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2016-2020;
Quyết định số 148/QĐ-UBND
ngày 25/5/2015 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp
theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn
2015-2020;
Quyết định số 82/QĐ-UBND
ngày 10/3/2015 của UBND tỉnh về việc ban hành thiết kế điển hình kiên cố kênh
mương loại III (Ftưới ≤ 100ha) trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi;
Kế hoạch số 08/KH-BCĐNTM
ngày 22/5/2015 của Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông
thôn mới tỉnh Quảng Ngãi về công tác năm 2015;
Báo cáo đánh giá kết quả thực
hiện kiên cố hóa kênh mương thủy lợi giai đoạn 2012-2015 và Kế hoạch kiên cố
hóa kênh mương thủy lợi loại III, giai đoạn 2016-2020 của UBND các huyện, thành
phố.
2. Cơ
sở thực tiễn
a) Kết quả thực hiện kiên
cố hóa kênh mương từ năm 2012-2015
a1) Chiều dài đã kiên cố hóa
kênh mương loại III trên địa bàn toàn tỉnh là 326,253 km, bao gồm:
- Trong Đề án Kiên cố hóa
kênh mương thuộc 33 xã xây dựng NTM tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2012-2015 đã thực
hiện là: 100,45 km/326,253 km, đạt tỷ lệ 30,79% về chiều dài so với kế hoạch;
- Ngoài Đề án từ 2012-2015
đã thực hiện KCH là: 225,803 km.
a2) Vốn đầu tư xây dựng:
547.553,0 triệu đồng, bao gồm:
- Trong Đề án Kiên cố hóa
kênh mương thuộc 33 xã xây dựng NTM tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2012-2015 đã thực
hiện là: 165.541,0 triệu đồng;
- Ngoài Đề án đã thực hiện từ
2012-2015 là: 382.012,0 triệu đồng.
(Chi tiết có Phụ lục I và
II kèm theo)
b) Hiệu quả đạt được
- Diện tích được tưới bằng
các tuyến kênh trước kiên cố hóa/sau kiên cố hóa trên địa bàn tỉnh là: 14.887
ha/17.834 ha (tăng thêm 2.947 ha sau khi kiên cố hóa).
- Diện tích chiếm đất của
kênh kiên cố hóa giảm nhiều so với diện tích chiếm đất kênh chưa được kiên cố
hóa.
- Tiết kiệm chi phí nạo vét,
duy tu bảo dưỡng hàng năm của kênh kiên cố hóa so với kênh chưa được kiên cố
hóa (khoảng hơn 70%).
- Hệ số sử dụng nước của
kênh kiên cố hóa được nâng lên trên 80%.
- Cảnh quan, môi trường nông
thôn được cải thiện, nhất là các tuyến kênh nội đồng có kết hợp giao thông để vận
chuyển sản phẩm sau thu hoạch.
c) Đánh giá chung về kết
quả thực hiện
c1) Ưu điểm
- Tuy kết quả thực hiện chưa
đạt kế hoạch so với Đề án được duyệt nhưng các tuyến kênh được kiên cố hóa đã
phát huy tốt hiệu quả và tiết kiệm nước để phục vụ sản xuất nông nghiệp, cấp nước
sinh hoạt cho nhân dân và cấp nước cho các ngành kinh tế khác. Chi phí duy tu bảo
dưỡng và chi phí quản lý hàng năm giảm.
- Giảm diện tích chiếm đất
kênh mương thủy lợi; kết hợp phát triển giao thông nội đồng và tăng cảnh quan,
môi trường nông thôn.
c2) Tồn tại
- Do nguồn vốn trung ương, vốn
ngân sách tỉnh không đủ để bố trí theo kế hoạch vốn đầu tư hàng năm và cho toàn
giai đoạn nên kết quả thực hiện Đề án kiên cố hóa kênh mương thuộc 33 xã chỉ đạt
30,79% chiều dài kênh mương cần kiên cố hóa.
- Lực lượng thi công kênh chủ
yếu là doanh nghiệp xây dựng đảm nhận, chưa huy động Hợp tác xã nông nghiệp có
chức năng xây lắp tổ chức thực hiện theo phương châm “xã có công trình dân
có việc làm và tăng thêm thu nhập”.
- Một số địa phương chưa chủ
động hoặc chậm chuẩn bị hồ sơ thiết kế, dự toán theo kế hoạch đề ra nên khi có
quyết định phân bổ vốn hỗ trợ mới triển khai công tác khảo sát, lập hồ sơ thiết
kế, dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện hoàn thành công trình.
c3) Những thuận lợi, khó
khăn
- Thuận lợi:
+ Được sự đồng tình hưởng ứng
rộng rãi, tích cực của nhân dân và sự quan tâm chỉ đạo của cả hệ thống chính trị.
Kinh phí xây dựng phần lớn do Nhà nước đầu tư và có một phần kinh phí huy động
nhân dân đóng góp.
+ Các văn bản pháp lý để triển
khai thực hiện Đề án kiên cố hóa kênh mương đầy đủ, rõ ràng nên được thuận lợi
trong quá trình quản lý đầu tư xây dựng công trình kiên cố hóa.
+ Đầu tư kiên cố hóa kênh
mương đã nâng cao mức bảo đảm tưới, tiêu chủ động, đáp ứng mục tiêu chương
trình xây dựng nông thôn mới; góp phần tăng năng suất, sản lượng các loại cây
trồng trên đơn vị diện tích đất sản xuất nông nghiệp.
- Khó khăn:
+ Chương trình kiên cố hóa
kênh mương triển khai đồng thời với chương trình bê tông hóa giao thông nông
thôn, kiên cố hóa trường học và một số chương trình khác nên việc huy động đủ vốn
đóng góp của dân, địa phương gặp nhiều khó khăn.
+ Việc lồng ghép các nguồn vốn
để thực hiện kiên cố hóa kênh mương chưa được thực hiện rộng rãi ở các địa
phương trong tỉnh.
+ Mức độ cứng hóa hệ thống
kênh mương thủy lợi còn thấp (mới đạt 39,3%) nhưng lại chịu tác động lớn của
mưa, lũ gây hư hỏng, xuống cấp ngày càng nhiều; trong khi đó kinh phí duy tu, sửa
chữa hàng năm chưa đáp ứng nên làm gia tăng mức độ hư hỏng các tuyến kênh, làm
tăng chi phí kiên cố hóa.
+ Cơ chế quản lý tài chính một
số địa phương còn lúng túng, việc thanh quyết toán còn chậm nên ảnh hưởng đến
tiến độ chung.
II.
Quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng Đề án
1. Quan điểm
Đề án kiên cố hóa kênh mương
thủy lợi cần thực hiện theo lộ trình để đáp ứng yêu cầu chương trình xây dựng
nông thôn mới; khắc phục các tuyến kênh bị hư hỏng, xuống cấp qua các năm mà cử
tri đã nhiều lần phản ảnh; tăng thêm diện tích tưới và nâng cao hiệu quả khai
thác, năng lực tưới, tiêu của hệ thống kênh mương thủy lợi trên địa bàn tỉnh.
2. Mục tiêu
Thực hiện Kiên cố hóa các
tuyến kênh mương loại III thuộc 41 xã xây dựng nông thôn mới nhằm sử dụng có hiệu
quả và tiết kiệm nước, điện năng và mở rộng thêm diện tích được tưới chủ động,
nâng cao hệ số lợi dụng kênh mương; góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình mục
tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2016-2020.
3. Nhiệm vụ
Kiên cố hóa các tuyến kênh
loại III thuộc thuộc 41 xã phấn đấu đạt tiêu chí thủy lợi xây dựng nông thôn mới
trong giai đoạn 2016-2020, gồm các xã: Bình Long, Bình Phú, Bình Minh, Bình
Nguyên và Bình Mỹ, huyện Bình Sơn; Tịnh Giang, Tịnh Bắc, Tịnh Minh và Tịnh Hà,
huyện Sơn Tịnh; Tịnh Ấn Tây, Tịnh Long và Tịnh Ấn Đông, thành phố Quảng Ngãi;
Nghĩa Phương, Nghĩa Kỳ, Nghĩa Thuận, Nghĩa Hiệp, Nghĩa Trung, Nghĩa Điền, Nghĩa
Thương, Nghĩa Thắng và Nghĩa Thọ, huyện Tư Nghĩa; Đức Thạnh, Đức Hòa, Đức Hiệp,
Đức Phong và Đức Phú, huyện Mộ Đức; Phổ Hòa, Phổ Ninh, Phổ An và Phổ Thuận, huyện
Đức Phổ; Hành Tín Đông, Hành Thiện, Hành Dũng, Hành Nhân, Hành Đức, Hành Phước,
Hành Trung và Hành Tín Tây, huyện Nghĩa Hành; Trà Bình, huyện Trà Bồng; Sơn
Mùa, huyện Sơn Tây; Trà Phong, huyện Tây Trà; trong đó có ưu tiên kiên cố hóa
các tuyến kênh bị hư hỏng, xuống cấp qua nhiều năm chưa được sửa chữa, khắc phục.
III. Nội
dung Đề án
1. Thực trạng hệ thống
công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh
a) Thực trạng:
- Đến cuối năm 2015, tỉnh Quảng
Ngãi có 700 công trình thủy lợi đã đưa vào khai thác, sử dụng (gồm: 121 hồ chứa
nước, 454 đập dâng, 05 đập ngăn mặn và 120 trạm bơm) với tổng năng lực tưới thiết
kế là 89.358 ha, năng lực tưới thực tế là 57.400 ha, đạt 64,24% so với năng lực
tưới thiết kế.
- Hệ thống kênh mương của
700 công trình thủy lợi có tổng chiều dài 4.275,0 km; trong đó: Chiều dài kênh
loại I, loại II: 1.224,0 km; chiều dài kênh loại III: 3.051,0 km.
- Phần lớn các hồ chứa nước
được xây dựng từ năm 1989 trở về trước (chiếm hơn 75%) được đầu tư xây dựng
theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, do đầu tư không đồng bộ và
thi công bằng thủ công nên hiện nay có khoảng 76 hồ chứa nước quy mô nhỏ bị hư
hỏng, xuống cấp cần được sửa chữa, nâng cấp.
- Hệ thống kênh mương chủ yếu
là kênh đất (trên 60% chiều dài kênh chưa được kiên cố hóa) sau nhiều năm vận
hành và thường xuyên bị tác động bởi thiên tai gây hư hỏng, sạt lở, bồi lắng;
nhưng thiếu kinh phí duy tu, sửa chữa... nên hệ thống kênh mương bị xuống cấp,
cần phải sửa chữa, nâng cấp để nâng cao hiệu quả khai thác công trình.
- Năng lực của các tổ chức hợp
tác dùng nước ở một số địa phương còn hạn chế, chưa đảm bảo trình độ chuyên môn
theo quy định nên hiệu quả quản lý và khai thác công trình chưa cao.
b) Về đầu tư xây dựng
Trong những năm qua, được sự
quan tâm của Trung ương và UBND tỉnh đầu tư bằng nhiều nguồn vốn (vốn ngân
sách, vốn ODA, vốn vay và đóng góp của nhân dân...), nhiều hồ chứa nước được sửa
chữa, nâng cấp hoặc xây dựng mới; nhiều tuyến kênh mương từng bước được kiên cố
hóa đã mang lại hiệu quả thiết thực, cụ thể:
b1) Đối với hồ chứa nước
- Trong 10 năm (từ 2006 đến
2015): Đã sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới 39 hồ chứa nước có tổng vốn đầu tư
khoảng 595,0 tỷ đồng.
- Theo Quy hoạch thủy lợi tỉnh
Quảng Ngãi đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được UBND tỉnh phê duyệt thì từ
nay đến 2020 cần sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới 63 hồ chứa với tổng kinh phí
khoảng 1.971,0 tỷ đồng gồm:
+ Nâng cấp, sửa chữa là 40 hồ
chứa với kinh phí khoảng 871,0 tỷ đồng. Trong đó có 20 hồ chứa nước đã được
Trung ương thống nhất đầu tư từ nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới (dự án WB8), với
kinh phí 337,71 tỷ đồng.
+ Xây dựng mới là 23 hồ chứa
với kinh phí khoảng 1.100 tỷ đồng.
b2) Đối với hệ thống kênh
mương
Toàn tỉnh hiện có khoảng
4.275,0 km kênh mương các loại (kênh loại I, II: 1.224,0 km; loại III: 3.051,0
km). Trong đó: Chiều dài kênh đã kiên cố hóa là 1.680,5 km (chiếm tỷ lệ 39,3%);
chiều dài kênh chưa được kiên cố hóa là 2.594,5 km (chiếm tỷ lệ 60,7%) so với
chiều dài kênh hiện có. Cụ thể:
b.2.1) Kênh loại I, II:
Trong tổng số chiều dài
1.224,0 km có khoảng 391,5 km/746,5 km kênh bị hư hỏng xuống cấp cần được ưu
tiên đầu tư sửa chữa, kiên cố hóa trong giai đoạn 2016-2020 bằng các nguồn vốn
dự kiến như: Trái phiếu Chính phủ, vốn tạm ứng Kho bạc Nhà nước,...Trong đó:
- Ban Quản lý đầu tư và Xây
dựng Thủy lợi 6 (Chủ đầu tư) thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang
khảo sát, lập dự án đầu tư Nâng cấp hệ thống công trình thủy lợi Thạch Nham với
chiều dài kênh kiên cố hóa khoảng 317,0 km và khái toán kinh phí khoảng 1.500 tỷ
đồng.
- Sở Nông nghiệp và PTNT được
UBND tỉnh giao tổ chức thực hiện kiên cố hóa 15 tuyến kênh mương bị hư hỏng xuống
cấp với tổng chiều dài 74,5 km, kinh phí đầu tư 150,0 tỷ đồng.
b.2.2) Kênh loại III:
- Trong tổng số chiều dài
3.051,0 km có khoảng 1.297,5 km kênh bị hư hỏng xuống cấp cần được đầu tư sửa
chữa, kiên cố hóa trong giai đoạn 2016-2020 và các năm tiếp theo với tổng kinh
phí khoảng 1.569,0 tỷ đồng từ các nguồn vốn dự kiến như: Trái phiếu Chính phủ,
vốn vay tín dụng, ngân sách tỉnh, huyện, xã,... Tuy nhiên, kinh phí đầu tư này
là quá lớn so với nguồn lực đầu tư hàng năm của tỉnh (theo thống kê trung bình
hàng năm, nguồn vốn bố trí để thực hiện đầu tư kiên cố hóa kênh mương trên địa
bàn tỉnh ước khoảng 100 tỷ đồng). Vì vậy, việc xây dựng Đề án kiên cố hóa kênh
mương giai đoạn 2016-2020 cho toàn tỉnh Quảng Ngãi với quy mô, kinh phí nêu
trên thì khó khả thi trong thực tiễn.
- Để đảm bảo tính khả thi, đầu
tư đúng trọng tâm, trọng điểm; góp phần quan trọng trong việc đẩy nhanh tiến độ
thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới; từng bước hoàn
thiện cơ sở hạng tầng thủy lợi, phục vụ Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng
hiện đại hóa, bền vững thì trong giai đoạn 2016-2020 cần ưu tiên tập trung xây
dựng và triển khai thực hiện Đề án kiên cố hóa kênh mương cho 41 xã phấn đấu đạt
tiêu chí thủy lợi với chiều dài cần kiên cố hóa là 346,139 km; kinh phí đầu tư
là 418,016 tỷ đồng là hết sức cần thiết, phù hợp với nguồn lực đầu tư của tỉnh
trong giai đoạn 2016-2020.
(Chi tiết có Phụ lục IIIa, IIIb và IIIc kèm theo)
2. Kế hoạch thực hiện
a) Kế hoạch giai đoạn
2016-2020
- Tổng chiều dài kênh loại
III cần kiên cố hóa giai đoạn 2016-2020 của 41 xã là: 346,139 km (trong đó đã
bao gồm các đoạn, tuyến kênh bị hư hỏng, xuống cấp qua nhiều năm chưa được kiên
cố hóa).
- Diện tích được tưới tăng
thêm: Diện tích tưới trước/sau khi kiên cố hóa: 8.606 ha/10.347ha (dự kiến đến
năm 2020 tăng 1.741 ha được tưới bằng công trình kiên cố).
b) Kế hoạch kiên cố hóa hàng
năm
Năm 2016: 62,527 km
Năm 2017: 86,609 km
Năm 2018: 90,535 km
Năm 2019: 64,850 km
Năm 2020: 41,618 km
3. Khái toán kinh phí, cơ
chế huy động vốn và nguồn vốn đầu tư
a) Nhu cầu kinh phí đầu tư:
418.016 triệu đồng.
(Bốn trăm mười tám tỷ, không
trăm mười sáu triệu đồng)
b) Cơ chế huy động vốn
- Các huyện đồng bằng và
thành phố Quảng Ngãi: Vốn ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh, vốn lồng ghép từ
các chương trình (dự án) và các vốn hợp pháp khác: 80%; vốn ngân sách huyện/thành
phố, xã và nguồn vận động nhân dân: 20%.
- Các huyện miền núi: Vốn
ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh, vốn lồng ghép từ các chương trình (dự án)
và các vốn hợp pháp khác: 90%; vốn ngân sách huyện, xã và nguồn vận động nhân
dân: 10%.
c) Nguồn vốn đầu tư
- Ngân sách Trung ương:
30.000 triệu đồng. Trong đó: Vốn hỗ trợ có mục tiêu: 10.000 triệu đồng; vốn
Trái phiếu Chính phủ: 20.000 triệu đồng.
- Ngân sách tỉnh: 180.000
triệu đồng. Trong đó: Vốn phân bổ trực tiếp từ ngân sách: 20.000 triệu đồng; vốn
vay tín dụng ưu đãi: 160.000 triệu đồng.
- Vốn lồng ghép từ các
chương trình (dự án) và các vốn hợp pháp khác: 125.495 triệu đồng.
- Vốn ngân sách huyện, thành
phố, xã và nguồn vận động nhân dân: 82.521 triệu đồng.
d) Kế hoạch vốn đầu tư hàng
năm
Năm 2016: 78.387 triệu đồng
Năm 2017: 107.282 triệu đồng
Năm 2018: 105.311 triệu đồng
Năm 2019: 74.666 triệu đồng
Năm 2020: 52.370 triệu đồng
(Chi tiết có Phụ lục IV, V và VI kèm theo)
IV. Tổ chức
thực hiện Đề án
1. Các giải pháp
Để thực hiện hoàn thành các mục
tiêu, nhiệm vụ nêu trên, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của các cấp, các ngành và
nhân dân trong tỉnh với các giải pháp chủ yếu như sau:
a) Về vốn đầu tư
- Tăng cường huy động các
nguồn vốn đầu tư và bố trí đủ vốn để thực hiện kiên cố hóa kênh mương theo cơ
chế đầu tư vốn được duyệt trong Đề án.
- Lồng ghép kế hoạch kiên cố
hóa kênh mương thủy lợi bằng các nguồn vốn đầu tư của các chương trình (dự án)
khác để huy động nguồn lực tổng hợp thực hiện Đề án.
- Đối với nguồn vốn đóng góp
của nhân dân, chủ yếu huy động bằng hình thức đóng góp ngày công, vật liệu cát,
sỏi, đá có sẵn tại địa phương theo tinh thần tự nguyện, đúng Quy chế dân chủ cơ
sở và theo quy định của pháp luật.
b) Về giải pháp công trình
- Loại hình kênh kiên cố
hóa: Tùy thuộc vào địa hình, địa chất vùng tuyến kênh để lựa chọn hình thức
kênh hở, kênh ống hoặc kênh hộp có nắp tấm đan.
- Giải pháp thiết kế: Công
tác khảo sát xây dựng, lập và phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán
công trình theo quy định hiện hành của Nhà nước về quản lý đầu tư xây dựng; đồng
thời áp dụng thiết kế kênh điển hình đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định
số 82/QĐ-UBND ngày 10/3/2015 về việc ban hành thiết kế điển hình kiên cố kênh
mương loại III (Ftưới ≤ 100ha) trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, góp phần đơn giản
hóa trong quá trình lập, thẩm tra, thẩm định và phê duyệt hồ sơ thiết kế.
Lựa chọn thời điểm, biện
pháp thi công kiên cố hóa kênh phù hợp nhằm đảm bảo không làm ảnh hưởng đến quá
trình sản xuất nông nghiệp theo mùa vụ của địa phương.
c) Các giải pháp khác
- Các Sở, ngành, hệ thống
chính trị các cấp có trách nhiệm tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao
nhận thức và vận động nhân dân thực hiện kiên cố hóa kênh mương thủy lợi và quản
lý khai thác tốt để công trình phát huy hiệu quả lâu dài.
- UBND các huyện, thành phố
và UBND các xã trên cơ sở Đề án được cấp thẩm quyền phê duyệt, có trách nhiệm tổ
chức lấy ý kiến của nhân dân vùng hưởng lợi về ưu tiên lựa chọn các danh mục
công trình kiên cố hóa trong năm kế hoạch để đầu tư xây dựng và vận động đóng
góp của nhân dân.
- Trong quá trình thực hiện
đầu tư xây dựng kiên cố hóa kênh mương, chủ đầu tư cần phải thông báo rộng rãi
đến nhân dân để biết, phối hợp kiểm tra, giám sát chất lượng công trình theo
quy định của pháp luật.
2. Phân công trách nhiệm
thực hiện
a) Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn
Chủ trì, phối hợp với các sở,
ngành, địa phương chỉ đạo thực hiện Đề án theo đúng quan điểm, mục tiêu, nhiệm
vụ của Đề án; tổng hợp báo cáo định kỳ 6 tháng, 1 năm; báo cáo sơ kết, tổng kết
về kết quả thực hiện Đề án cho UBND, HĐND tỉnh theo quy định.
b) Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ
trì, phối hợp với Sở Tài chính và các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh bố
trí vốn theo kế hoạch thực hiện Đề án và tranh thủ lồng ghép vốn các chương
trình, dự án khác để bảo đảm Đề án được phát huy hiệu quả và đồng bộ.
c) Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố
- Chủ trì và chịu trách nhiệm
chỉ đạo tổ chức thực hiện Đề án tại các xã; xây dựng và phê duyệt Kế hoạch kiên
cố hóa kênh mương thủy lợi giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn huyện, thành phố để
thực hiện.
- Chủ động bố trí và huy động
phần vốn huyện, thành phố, xã, nhân dân đóng góp gửi UBND tỉnh theo kỳ phân bổ
vốn hàng năm để UBND tỉnh có cơ sở xem xét phân bổ vốn (phần ngân sách do tỉnh
quản lý).
- Tổ chức tập huấn nâng cao
năng lực quản lý chất lượng thi công công trình xây dựng và quản lý vốn đầu tư
kiên cố hóa kênh mương cho cấp cơ sở (nếu cần thiết).
d) Công ty TNHH một thành
viên Khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi
Phối hợp với các địa phương về
việc sắp xếp lịch cắt nước đảm bảo thi công xây dựng công trình kiên cố hóa để
không làm ảnh hưởng đến lịch thời vụ sản xuất; hướng dẫn, giúp đỡ các địa
phương quản lý kỹ thuật kiên cố hóa kênh loại III trong hệ thống thủy lợi do
Công ty và địa phương cùng quản lý để phát huy hiệu quả công trình.
e) Các tổ chức khác:
Mặt trận, các đoàn thể chính
trị - xã hội có trách nhiệm phối hợp với UBND các cấp vận động nhân dân tham
gia thực hiện thắng lợi Đề án Kiên cố hóa kênh mương thủy lợi giai đoạn
2016-2020.
g) Chế độ thông tin báo cáo:
Các Chủ đầu tư lập và gửi
báo cáo lên cấp trên của mình phải đảm bảo đầy đủ nội dung và đúng thời hạn như
sau:
- Nội dung báo cáo:
+ Số liệu kết quả thực hiện
báo cáo định kỳ 6 tháng, 01 năm.
+ Đề xuất kế hoạch thực hiện
kiên cố hóa cho kỳ tiếp theo (kể cả nội dung điều chỉnh, bổ sung kế hoạch và
các danh mục ưu tiên đầu tư).
+ Lập Báo cáo tổng hợp kết
quả thực hiện Đề án kiên cố hóa kênh mương thủy lợi giai đoạn 2016-2020.
- Thời gian gửi và nhận báo
cáo:
+ Các đơn vị gửi Báo cáo định
kỳ 6 tháng, 01 năm cho cấp trên của mình vào ngày 05 tháng đầu của kỳ tiếp
theo.
+ Báo cáo của các huyện,
thành phố gửi UBND tỉnh (thông qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) vào
ngày 10 tháng đầu của kỳ tiếp theo.
V. Hiệu
quả của Đề án
1. Hiệu quả về kinh tế
- Giảm tổn thất, thấm mất nước
do kênh được kiên cố hóa; giảm diện tích chiếm đất của kênh để sử dụng vào mục
đích khác (đưa vào sản xuất nông nghiệp, kết hợp làm đường giao thông nội đồng...);
tăng diện tích được tưới bằng công trình kiên cố hóa; tiết kiệm chi phí nạo
vét, duy tu bảo dưỡng hàng năm, chi phí điện năng so với tưới bằng kênh đất.
- Nâng cao năng lực khai
thác của các hệ thống công trình thủy lợi, thuận lợi hơn trong công tác quản
lý, vận hành và tăng độ an toàn, bền vững của kênh mương thủy lợi trong điều kiện
biến đổi khí hậu.
- Giảm chi phí thiết kế, chi
phí đầu tư do áp dụng thiết kế điển hình kiên cố kênh mương loại III (Ftưới ≤
100ha) theo Quyết định số 82/QĐ-UBND ngày 10/3/2015 của UBND tỉnh, góp phần đơn
giản hóa trong quá trình lập, thẩm tra, thẩm định và phê duyệt thiết kế đối với
loại kênh trên.
2. Hiệu quả về chính trị
- xã hội
- Chủ trương kiên cố hóa
kênh mương thể hiện rõ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với nông dân, nông
nghiệp và nông thôn, góp phần tạo công ăn việc làm cho nhân dân, động viên nhân
dân an tâm sản xuất, tích cực xây dựng hoàn thành Chương trình mục tiêu Quốc
gia nông thôn mới giai đoạn 2016-2020.
- Công trình kênh mương được
kiên cố hóa ngoài việc ổn định lâu dài, kiên cố hơn, nâng cao tính kỹ thuật, mỹ
thuật còn có tác động bảo vệ tài nguyên môi trường, giảm thiểu nguồn nước bị ô
nhiễm.
- Giảm thiểu các vụ tranh chấp
nguồn nước tưới trong nhân dân, góp phần ổn định an ninh, trật tự - an toàn xã
hội.
- Kết hợp phát triển giao
thông, cải thiện cảnh quan, môi trường nông thôn.
Trong quá trình thực hiện Đề
án, nếu có vướng mắc, bất cập hoặc chưa phù hợp thì lập báo cáo kiến nghị, đề
xuất, gửi UBND tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ngãi) xem
xét trình HĐND thông qua, làm cơ sở điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với các quy
định mới của Nhà nước và tình hình thực tiễn tại địa phương./.