BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ
PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
CỤC CHĂN NUÔI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 458/QĐ-CN-MTCN
|
Hà Nội, ngày 08
tháng 12 năm 2022
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH HƯỚNG DẪN PHÒNG, CHỐNG ĐÓI, RÉT CHO VẬT NUÔI
CỤC TRƯỞNG CỤC CHĂN NUÔI
Căn cứ Luật Chăn nuôi số
32/2018/QH14 ngày 19/11/2018;
Căn cứ Quyết định số
1398/QĐ-BNN-TCCB ngày 13/4/2017 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Chăn
nuôi; Căn cứ Quyết định số 2570/QĐ-BNN-TCCB ngày 02 tháng 7 năm 2019 của Bộ trưởng
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sửa đổi khoản 2 Điều 3
Quyết định số 1398/QĐ-BNN-TCCB;
Theo đề nghị của Trưởng
phòng Môi trường và Công nghệ chăn nuôi.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban
hành kèm theo Quyết định này “Hướng dẫn phòng, chống đói, rét cho vật
nuôi”.
Điều 2. Quyết
định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh
Văn phòng Cục, Trưởng phòng Môi trường và Công nghệ Chăn nuôi, Thủ trưởng các
đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định
này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- TT. Phùng Đức Tiến (để b/c);
- Cục trưởng (để b/c);
- Sở NN&PTNT các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc và Bắc Trung bộ (để biết);
- Chi cục CN&TY các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc và Bắc Trung bộ (để
p/h);
- Lưu: VT, MTCN.
|
KT. CỤC TRƯỞNG
PHÓ CỤC TRƯỞNG
Tống Xuân Chinh
|
HƯỚNG DẪN PHÒNG, CHỐNG ĐÓI,
RÉT CHO VẬT NUÔI
(Ban
hành kèm theo Quyết định số QĐ-CN-MTCN ngày tháng năm của Cục trưởng Cục Chăn
nuôi)
1. Về chuồng
trại chăn nuôi
Cần gia cố chuồng trại cho
vật nuôi trước khi vào vụ Đông Xuân để đảm bảo phòng chống rét. Chuồng
nuôi đảm bảo che chắn và tránh được gió lùa trực tiếp vào chuồng. Nền
chuồng đảm bảo luôn khô, ráo và phải có chất độn chuồng bằng các nguyên
vật liệu sẵn có tại địa phương như rơm, rạ, mùn cưa hoặc trấu khô. T hường
xuyên giữ chuồng trại sạch sẽ, những ngày rét có kèm theo mưa cần bổ sung
thêm chất độn chuồng, đối với lợn hạn chế rửa chuồng để gia súc tăng khả
năng chống rét.
Có thể sử dụng bóng điện công
suất lớn để sưởi ấm chuồng nuôi hoặc đốt sưởi cho gia súc trong chuồng bằng
trấu, mùn cưa, than củi... (chú ý thường xuyên theo dõi khi đốt sưởi, để xa dụng
cụ đốt với vật liệu dễ cháy trong chuồng nuôi như bạt che, chất độn
chuồng, các thanh che chắn bằng vật liệu dễ cháy…).
2. Chế độ
làm việc và chăn thả
Thường xuyên theo dõi dự báo thời
tiết, thông báo của cơ quan chính quyền địa phương để có kế hoạch cụ thể cho
đàn gia súc. Đối với những hộ chăn thả gia súc trong rừng phải thực hiện việc
di chuyển đàn vật nuôi về nhốt tại chuồng hoặc đến những nơi kín gió, có đủ
điều kiện đảm bảo cho đàn gia súc tránh rét. Người chăn nuôi trâu, bò ở miền
núi có thể di chuyển đàn vật nuôi từ vùng cao xuống vùng thấp để tránh rét
cho vật nuôi.
Không chăn thả, không cho
trâu, bò làm việc khi xảy ra rét đậm, rét hại (khi nhiệt độ xuống ≤ 12oC);
áp dụng chế độ chăn thả muộn, về sớm. Nhiệt độ quá lạnh sẽ làm giảm sức đề
kháng của vật nuôi nhất là đối với gia súc già yếu, gia súc non. Do vậy, khi
rét đậm, rét hại phải nhốt gia súc tại chuồng để tiện chăm sóc, quản lý
và không tắm cho gia súc.
3. Chăm
sóc và nuôi dưỡng
Trong chăn nuôi, thức ăn có vai
trò quan trọng cho sự sinh trưởng và phát triển của vật nuôi. Chủ động dự trữ,
bảo quản thức ăn thô xanh (phụ phẩm nông nghiệp hoặc ủ chua thức ăn xanh),
cũng như thức ăn tinh cho gia súc để đảm bảo đủ thức ăn cho gia súc trong vụ
Đông-Xuân. Việc cung cấp đủ thức ăn những ngày giá, rét cho vật nuôi giúp
chúng sinh nhiều năng lượng để chống rét tốt hơn.
a) Đối với trâu, bò:
Tăng cường chế độ chăm sóc,
nuôi dưỡng phù hợp đối với trâu, bò già, yếu, gia súc non để tăng cường
phòng chống rét và dịch bệnh.
Sử dụng nguồn thức ăn tự nhiên
có sẵn (cỏ xanh, cỏ
ủ hoặc rơm khô, rơm ủ urê…) và cung cấp với định mức bằng 10% trọng lượng cơ
thể ví dụ như trâu bò 300 kg thì cho ăn 30 kg cỏ xanh hoặc cỏ ủ…; đồng thời
bổ sung thêm thức ăn tinh như bột ngô, bột sắn, cám gạo... (khoảng 0.5-1
kg/con/ngày). Cung cấp đủ nước uống cho trâu bò hàng ngày khi nuôi nhốt trong
chuồng những ngày rét đậm, rét hại; có thể bổ sung cho trâu bò uống nước
ấm có hoà muối với lượng khoảng 5g/100 kg khối lượng cơ thể để tăng cường sức
đề kháng.
Ngoài
ra, có thể cung cấp thức ăn xanh ủ chua cho trâu, bò (thân cây ngô, cỏ, rơm ủ…)
với lượng 7-10 kg/ngày nhằm nâng cao tỷ lệ tiêu hóa.
b)
Đối với lợn:
Khẩu
phần ăn phải đảm bảo, đầy đủ chất dinh dưỡng (có thể cho ăn tự do, ăn các
bữa trong ngày tùy vào loại thức ăn, phương thức nuôi). Bổ sung thêm vitamin,
men tiêu hóa thường xuyên cho lợn. Cần sử dụng bóng úm, chuồng úm cho lợn con
theo mẹ; cho lợn con tập ăn sớm để tăng khả năng tiêu hóa.
c)
Đối với gia cầm:
Trong
những ngày rét đậm, rét hại, chủ động tăng lượng thức ăn, uống nước ấm và
bổ sung một số loại vitamin, men tiêu hóa, chất điện giải nâng cao sức đề
kháng cho gia cầm, đặc biệt là gà; Có mật độ nuôi hợp lý đối với gà đẻ: 6-8
con/m²; gà thịt: 8-10 con/m² giúp cho gà điều chỉnh nhiệt độ cơ thể tốt hơn. Thực
hiện tốt quy trình úm cho gà con; những ngày giá rét không thả gia cầm ra
vườn, đồi; thực hiện che chắn để tránh gió lùa trong chuồng.
4. Phòng bệnh cho vật nuôi
Cần
áp dụng quy trình chăn nuôi phù hợp tùy thuộc vào quy mô; thực hiện tẩy giun
sán cho gia súc và các quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn
được quy định tại Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016, Thông tư số
24/2019/TT-BNNPTNT ngày 24/12/2019 và Thông tư số 09/2021/TT-BNNPTNT ngày
12/8/2021 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT
ngày 31/5/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về
phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn như: đối với gia cầm (cúm gia
cầm, niu cát xơn…); lợn (lở mồm long móng, tụ huyết trùng, dịch tả lợn, dịch
tả lợn Châu Phi…); dê, cừu (lở mồm long móng, nhiệt thán); trâu, bò (lở mồm
long móng, nhiệt thán, tụ huyết trùng, viêm da nổi cục…). Ngoài các bệnh tiêm
phòng bắt buộc theo quy định, cơ quan chuyên môn ở địa phương có thể khuyến
cáo người chăn nuôi tiêm bổ sung các bệnh như Lép tô, Suyễn, E.coli, Viêm phổi
màng phổi, Tai xanh… Việc tiêm phòng vắc xin sẽ giúp bảo hộ cho đàn gia súc,
gia cầm và duy trì mức kháng thể bảo hộ thường xuyên để phòng bệnh, nhằm
giảm tối đa thiệt hại về kinh tế cho người chăn nuôi và ngân sách Nhà nước
do dịch bệnh gây ra. Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác vệ sinh tiêu độc khử
trùng chuồng trại; hàng ngày cần theo dõi thường xuyên tình trạng sức khỏe
của vật nuôi để có biện pháp xử lý hiệu quả khi vật nuôi có những biểu hiện
bất thường do đói, rét hoặc bệnh dịch. Khi phát hiện bệnh trên vật nuôi cần
báo ngay cho cơ quan thú y và chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý kịp
thời.
5. Các lưu ý
Những
ngày rét đậm, rét hại có thể may áo cho trâu, bò bằng các loại chăn, áo
cũ; bao tải gai hoặc các vật liệu khác tương tự cho trâu, bò. Diện tích may
có thể che chắn tối đa cho phần lưng, vai, ngực và bụng cho trâu bò, đặc biệt
là bê, nghé nhỏ dưới 12 tháng tuổi.
Những
ngày quá rét, trâu bò thường hay xảy ra bệnh cước chân, biểu hiện thấy da
chân trâu bò bị sưng phù, nứt nẻ, có hiện tượng xung huyết sờ thấy nóng. Trường
hợp bệnh nặng lớp biểu bì ở chân có chảy dịch màu vàng, tạo vết loét, gây
nhiễm trùng, nếu không điều trị kịp thời tổ chức dưới da bị hoại tử làm cho
con vật bị què, nặng hơn trâu bò có thể kế phát các bệnh truyền nhiễm khác.
Trường
hợp trâu bò bị cước chân cần: Tăng cường giữ ấm cho trâu bò, giữ nền
chuồng khô ráo, cho ăn uống đầy đủ thức ăn thô xanh, bổ sung thức ăn tinh muối
khoáng, vitamin.
Khi
mới xuất hiện cước chân có thể dùng gừng giã nhỏ hoà với rượu để xoa bóp
hàng ngày; đồng thời cho trâu bò vận động tại chuồng hoặc đi xung quang
chuồng, quang nhà vào buổi trưa khi thời tiết ấm hơn để tăng cường tuần hoàn
máu tại chân, tránh hiện tượng sưng phù bệnh càng thêm nặng. Khi bệnh nặng
cần báo cán bộ thú y để điều trị bằng kháng sinh.
Khi
trâu bò bị đói rét do rét đậm, rét hại kéo dài trên 10 ngày liên tục
thì sức khỏe và sức đề kháng bị giảm dễ mắc bệnh, vì vậy trong thời gian
này cần cho trâu bò ăn cháo gạo hoặc cháo cám nóng, bổ sung khoáng chất và
các loại vitamin để nâng cao sức đề kháng.
Xử lý
chất thải: Hàng ngày thu gom phân vào hố ủ, dẫn chất thải lỏng trực tiếp từ
chuồng đến hố đựng bằng rãnh thoát và xử lý chất thải bằng hóa chất hoặc chế
phẩm sinh học.
6. Báo cáo
Khi
phát hiện các trường hợp bất thường xảy ra trên đàn gia súc, gia cầm, các cơ
quan quản lý chuyên môn địa phương cần gửi báo cáo ngay về Bộ Nông nghiệp và
PTNT để có các biện pháp chỉ đạo và khắc phục kịp thời.
Đề
nghị Sở Nông nghiệp và PTNT cấp tỉnh thống kê, cập nhật tình hình thiệt
hại và các chính sách hỗ trợ của địa phương gửi về Cục Chăn nuôi để tập hợp
báo cáo Bộ Nông nghiệp và PTNT./.