ỦY
BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 437/QĐ-UBND
|
Hà Nội, ngày 21 tháng 01 năm 2019
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH CƠ CẤU LẠI NGÀNH NÔNG NGHIỆP THÀNH PHỐ HÀ NỘI
GIAI ĐOẠN 2019 -2020
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa
phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày
05/8/2008 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân,
nông thôn;
Căn cứ Quyết định số 923/QĐ-TTg
ngày 28/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu Tái cơ cấu
ngành nông nghiệp và phòng chống giảm nhẹ thiên tai, ổn định đời sống dân cư;
Căn cứ Quyết định số 1819/QĐ-TTg
ngày 16/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành
nông nghiệp giai đoạn 2017-2020;
Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn tại
Tờ trình số 128/TT-SNN ngày 29/5/2018; văn bản số 3679/SNN-KHTC ngày 30/11/2018 về việc báo cáo hoàn thiện Kế hoạch
tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp thành phố Hà Nội giai đoạn 2018-2020,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1: Phê duyệt Kế hoạch cơ cấu
lại ngành nông nghiệp thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2020 (Kế hoạch chi tiết
kèm theo).
Điều 2: Quyết định này có hiệu
lực từ ngày ký ban hành.
Điều 3: Chánh Văn phòng UBND
Thành phố, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế
hoạch và Đầu tư; thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các quận, huyện,
thị xã và các đơn vị, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định
này./.
Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND TP;
- Chủ tịch UBND Thành phố;
- Các PCT UBND Thành phố;
- VPUB: Các PCVP, TKBT, KT, ĐT;
- Lưu: VT, KT (Túy 2b)-1283.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Văn Sửu
|
KẾ HOẠCH
CƠ CẤU LẠI NGÀNH NÔNG NGHIỆP THÀNH PHỐ HÀ NỘI, GIAI ĐOẠN 2019-2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 437/QĐ-UBND, ngày 21 tháng 01 năm 2019 của Ủy
ban nhân dân thành phố Hà Nội)
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
Phát triển nông nghiệp gắn xây dựng
nông thôn mới theo hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bền vững,
thông minh, an toàn thực phẩm, hiệu quả, có sức cạnh tranh cao, phát huy lợi thế
về thị trường, thích ứng biến đổi khí hậu, nâng cao thu nhập, đời sống dân cư
nông thôn.
2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020
Tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp
giai đoạn 2019-2020 bình quân đạt 2,5-3,0% (theo phương
pháp tính mới), có trên 90% số xã và trên 10 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, thu
nhập bình quân dân cư nông thôn đạt trên 49 triệu/người/năm, tỷ lệ lao động
nông nghiệp qua đào tạo đạt 70-75%, tỷ lệ che phủ rừng 6,2%, trên 70% số gia súc, gia cầm giết mổ được kiểm soát, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm
còn dưới 1,5%.
II. NỘI DUNG CƠ CẤU
LẠI NGÀNH NÔNG NGHIỆP
1. Trồng trọt
- Tập trung xây dựng, phát triển các
vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, hàng hóa, nông nghiệp ứng dụng công nghệ
cao, an toàn thực phẩm, gắn phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, đảm bảo an
toàn vệ sinh thực phẩm, phát triển các sản phẩm chủ lực của Thủ đô.
- Phấn đấu tốc độ gia tăng giá trị sản
xuất ngành trồng trọt đạt khoảng 1,5-1,7%/năm, thu nhập trên 01ha tăng khoảng 3%/năm, sử dụng giống cây trồng đảm bảo chất lượng (giống
nguyên chủng và xác nhận đạt trên 90%), có 50% diện tích cây trồng trở lên được
ký hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm; phát triển các sản phẩm có lợi thế cạnh
tranh cao (Lúa hàng hóa chất lượng cao, hoa, rau, củ, quả an toàn); chuyển đổi
1.850 ha đất lúa kem hiệu quả sang cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn,
kết hợp phát triển các mô hình du lịch dịch vụ, sinh thái.
1.1. Định hướng cơ cấu lại một số
cây trồng chính
- Cây lương thực: Phát triển các vùng sản xuất lúa tập trung, chất lượng cao; phấn đấu
đến 2020, có 55.000-60.000 ha sử dụng bằng hạt giống cấp nguyên chủng, định hướng
phát triển tại các huyện: Ứng Hòa, Sóc Sơn, Chương Mỹ, Ba
Vì, Phú Xuyên, Mỹ Đức, Thanh Oai, Đông Anh.
- Cây ngô:
Ổn định diện tích ngô hiện có, tập trung tại các vùng đồi, gò, vùng đất bãi ven
sông, các vùng trồng lúa khó khăn về nước, kém hiệu quả, định hướng tại các huyện: Ba Vì, Sóc Sơn, Mê Linh... ,100% diện tích được sử dụng bằng giống lai đơn, có năng suất, chất lượng cao, áp dụng kỹ thuật thâm canh tiên tiến.
- Cây rau: Phấn đấu đến năm 2020, diện tích rau được sản xuất theo quy trình an
toàn 34.000-35.000 ha, trong đó diện tích được cấp giấy chứng nhận rau an toàn
phấn đấu đạt từ 5.000-7000 ha, nhân rộng mô hình sản xuất
rau hữu cơ, diện tích trên 100 ha, tại các huyện: Ba Vì, Sóc Sơn, Thạch Thất,
khuyến khích phát triển diện tích rau chuyên canh ứng dụng công nghệ cao (trên 300 ha), sản phẩm có thương hiệu.
- Hoa, cây cảnh: Diện tích gieo trồng sản xuất hoa, cây cảnh đạt từ 6.500 - 7.000 ha,
trong đó 3.000 ha sản xuất chuyên canh (tại các huyện: Mê Linh, Đan Phượng,
Phúc Thọ, Sóc Sơn, Đông Anh, Chương Mỹ và quận Bắc Từ Liêm). Sản xuất chủ yếu
hoa cắt cành, cây cảnh phổ thông và cao cấp. Phấn đấu đến năm 2020, diện tích
hoa ứng dụng công nghệ cao đạt 300 ha, tỷ trọng giá trị sản
xuất hoa ứng dụng công nghệ cao đạt 25 - 30% tổng giá trị.
- Cây ăn quả: Từ 17.000-17.500 ha, trong đó 9.000 ha tập trung (bưởi, cam 4.800ha,
nhãn 2.000 ha, chuối 2.200 ha), tại các vùng đồi gò, vùng đất bãi và một số
vùng chuyển đổi, đến năm 2020 Thành phố có 1.384,5 ha diện tích cây ăn quả sản
xuất ứng ứng dụng công nghệ cao.
- Cây chè: Ổn định 3.300-3.500 ha chè, tập trung thay thế các giống chè cũ, bằng
các giống chè mới có năng suất, chất lượng cao, tại các vùng đồi gò huyện Sóc
Sơn, Ba Vì, trong đó, đến năm 2020, có 556 ha chè được ứng dụng công nghệ cao.
- Phát triển các vùng chuyên canh
trồng cây dược liệu (Sóc Sơn, Ba Vì, Chương Mỹ ...),
hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, bảo quản, chế biến dược liệu, đáp ứng
nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
2. Chăn nuôi
- Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch
phát triển ngành chăn nuôi, phù hợp nhu cầu thị trường; khuyến khích phát triển
chăn nuôi tập trung, xa khu dân cư, phát triển chăn nuôi hữu cơ, ứng dụng công
nghệ cao; tập trung cải tạo con giống theo hướng tăng năng suất, chất lượng.
Phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn xây dựng thương hiệu sản
phẩm; khuyến khích doanh nghiệp, hộ gia đình đầu tư lò giết mổ công nghiệp, bán
công nghiệp, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường.
- Tăng cường công tác quản lý nhà nước,
giám sát, kiểm dịch bệnh, quản lý chặt chẽ sản xuất, kinh doanh, buôn bán vật
tư, thuốc thú y, nghiêm cấm sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi.
- Phát triển chăn nuôi theo hướng sản
xuất con giống, phát triển ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi
giá trị; xây dựng các cơ sở giống chất lượng cao, vùng sản xuất chăn nuôi an
toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm.
Đến năm 2020,
giá trị sản phẩm chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao chiếm 50% giá trị sản xuất
chăn nuôi toàn Thành phố. Tốc độ tăng giá trị sản xuất chăn nuôi từ
4,5-5,0%/năm; tốc độ tăng thu nhập từ sản xuất chăn nuôi tối
thiểu 4%/năm. Tỷ lệ sử dụng giống xác nhận đối với bò thịt, tỷ lệ bò lai đạt
trên 80 %; đối với lợn và gia cầm, tỷ lệ giống tiến bộ kỹ thuật đạt khoảng 90%;
tỷ lệ lợn chăn nuôi theo quy trình VietGahp 5%, gà 5%.
2.1. Định hướng cơ cấu lại các
loài vật nuôi chủ yếu
- Chăn nuôi bò thịt: Giữ ổn định đàn bò thịt 120 nghìn con, tăng tỷ lệ đàn bò Zebu hóa
100%; trong đó 50% là bò hướng thịt cao sản chất lượng cao; sản lượng thịt hơi
xuất chuồng 13.000 tấn. Tỷ lệ thụ tinh nhân tạo đàn bò thịt đạt trên 85% vào
năm 2020 và đạt trên 95% vào năm 2030. 100% đàn bò cái lai Zebu tại các xã trọng
điểm và các hộ chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư được bấm số tai và quản lý
giống.
- Chăn nuôi bò sữa: Ổn định đàn bò sữa đến năm 2020 khoảng 15 - 16 nghìn con, trọng lượng
trung bình đạt 5.500 - 6.000 kg/con/chu kỳ, đối các trang trại ứng dụng công
nghệ cao, đạt từ 6.000 - 7.000 kg/con/chu kỳ. Tỷ lệ thụ tinh nhân tạo đàn bò sữa
đạt 100% vào năm 2020; 100% đàn bò sữa, đàn bò cái lai Zebu tại các xã trọng điểm
và các hộ chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư được bấm số tai và quản lý giống;
Phát triển chăn nuôi bò sữa tại huyện
Ba Vì, Gia Lâm; Quy mô chăn nuôi bình quân 10 con/hộ; chăn nuôi theo hướng
VIETGAP, hữu cơ; nhân rộng các trại, trang trại quy mô lớn ngoài khu dân cư tại
các vùng có điều kiện thuận lợi bãi ven sông,
- Chăn nuôi lợn: Tổng đàn lợn đến năm 2020 ổn định 1,6 - 1,8 triệu con. Sản lượng thịt
hơi xuất chuồng đạt 370 nghìn tấn (tăng bình quân 4%/năm). Sử dụng các giống lợn
năng suất, chất lượng cao, tỷ lệ nạc đạt từ 55 - 59%.
Phát triển chăn nuôi lợn theo hướng sản
xuất con giống, giảm chăn nuôi lợn thương phẩm, chú trọng phát triển đàn nái
ngoại và nái thuần chiếm trên 90% vào năm 2020. Phát triển 5% đàn lợn nái các
giống lợn bản địa.
Định hướng phát triển theo vùng, xã
trọng điểm, khu chăn nuôi và trại, trang trại chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu
dân cư tại các huyện, thị xã: Sơn Tây, Ba Vì, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thanh Oai,
Chương Mỹ, Sóc Sơn, Phú Xuyên, Thạch Thất, Đông Anh, Mê Linh. Tổng đàn tại các
khu vực này chiếm từ 35-40% tổng đàn toàn Thành phố vào năm 2020. Với đàn lợn bản
địa tại một số vùng đồi gò tại Ba Vì, Sơn Tây, Quốc Oai, Mỹ Đức, Sóc Sơn
...Chăn nuôi theo hướng VIETGAP, hữu cơ, sinh học.
- Chăn nuôi gia cầm: Tổng đàn gia cầm giữ ổn định 30 triệu con/ năm, tăng cường áp dụng các
biện pháp nuôi thâm canh tập trung, tăng số lứa gia cầm xuất chuồng. Đưa sản lượng
thịt xuất chuồng đạt 95 nghìn tấn vào năm 2020.
Định hướng phát triển ngành chăn nuôi
Thành phố: Tập trung phát triển sản xuất con giống là chính, gà đẻ trứng, gà thương
phẩm thả đồi, thả vườn; phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm, khu chăn
nuôi quy mô lớn và trại, trang trại ngoài khu dân cư tại các huyện: Chương Mỹ,
Đông Anh, Ba Vì, Quốc Oai, Sóc Sơn, Thanh Oai, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Thạch Thất,
Mê Linh... quy mô chiếm từ 25-30% tổng đàn toàn Thành phố vào năm 2020, chăn
nuôi theo hướng VIETGAP, hữu cơ, sinh học.
2.2. Tổ chức lại hệ thống các cơ
sở giết mổ công nghiệp, bán công nghiệp tập trung, có kiểm
soát, đảm bảo vệ sinh thực phẩm và môi trường
- 100% cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm
công nghiệp, bán công nghiệp đều ứng dụng công nghệ cao, tiên tiến, hiện đại, đảm
bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
- 100% các cơ sở sơ chế, chế biến, chế
biến sâu các sản phẩm giò, chả, xúc xích, lạp sườn, pate,
dăm bông, thịt hộp, hút chân không và chế phẩm sinh học trong bảo quản sản phẩm
thịt, trứng, sữa được ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến.
Phấn đấu đến 2020 giảm khoảng 50% số
cơ sở, điểm giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư, dần tiến tới chấm dứt hoạt động giết
mổ nhỏ lẻ, phân tán trên địa bàn các huyện, thị xã; số sản phẩm gia súc, gia cầm
sau giết mổ của các cơ sở giết mổ công nghiệp, bán công nghiệp, thủ công đảm bảo
vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường được kiểm soát đạt trên
70%.
3. Thủy sản
Phát triển nuôi trồng thủy sản theo
hướng hiệu quả, bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái và nguồn lợi thủy sản tự
nhiên, gắn tôn tạo cảnh quan phục vụ các hoạt động dịch vụ du lịch. Khai thác hợp
lý, hiệu quả mặt nước trên địa bàn Thành phố để phát triển sản theo hướng nâng
cao năng suất, chất lượng sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm. Chuyển đổi đất sản
xuất nông nghiệp vùng thấp trũng sang nuôi trồng thủy sản
kết hợp chăn nuôi tập trung xa khu dân cư. Tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi,
đầu tư nuôi thâm canh ứng dụng công nghệ cao, quy trình thực hành nuôi tốt, an
toàn sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái.
Phấn đấu đạt tốc độ tăng giá trị sản
xuất thủy sản bình quân khoảng 7 - 8%/năm; sản lượng thủy sản nuôi đạt 105.000
tấn vào năm 2020.
4. Lĩnh vực lâm nghiệp
Bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng hiện
có, từng bước khai thác các tiềm năng của rừng. Đầu tư bảo vệ, phát triển, cải
tạo rừng, làm giàu rừng để phát triển kinh tế lâm nghiệp theo hướng bền vững, kết
hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế-xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh và
bảo vệ môi trường sinh thái.
Phấn đấu đến năm 2020 nâng mức thu nhập
1 ha đất lâm nghiệp lên 40 triệu đồng, tỷ lệ che phủ rừng 6,2%:
- Đối với rừng phòng hộ: Cải tạo,
nâng cấp một số rừng đã trồng chưa đạt tiêu chuẩn rừng phòng hộ. Tăng tỷ lệ có
rừng trong rừng phòng hộ đạt trên 95%.
- Đối với rừng đặc dụng: Bảo tồn các
hệ sinh thái rừng đặc dụng, bảo vệ quỹ gen, đảm bảo đa dạng sinh học, bảo vệ cảnh
quan rừng để rừng vừa phục vụ nghiên cứu khoa học vừa phục vụ tham quan du lịch.
Chỉ trồng các loài cây đặc hữu, quý hiếm phục vụ bảo tồn và nghiên cứu khoa học
- Đối với rừng sản xuất: Cần áp dụng
tiến bộ kỹ thuật, nhất là giống, đầu tư thâm canh để tăng năng suất, chất lượng
rừng phù hợp với điều kiện cụ thể từng vùng sinh thái, nhằm phục vụ nguyên liệu
chế biến. Tạo ra các sản phẩm từ rừng có giá trị cao, vừa
làm đẹp cảnh quan phục vụ du lịch, vừa có tác dụng phòng hộ bảo vệ môi trường.
5. Phát triển kinh tế tập thể,
kinh tế trang trại
5.1. Phát triển kinh tế tập thể
Định hướng phát triển HTX nông nghiệp
theo hướng dịch vụ tổng hợp, từ dịch vụ đầu vào, đầu ra cho xã viên, đến các dịch
vụ thương mại, dịch vụ môi trường, kinh doanh; xem xét giải thể hoặc chuyển đổi
hình thức tổ chức, quản lý đối các hợp tác xã kinh doanh dịch
vụ kém hiệu quả. Đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực cho HTX, nhất là cán bộ quản
lý, kế toán HTX; tăng cường khả năng tiếp cận, hỗ trợ các nguồn lực về tài
chính, tín dụng đối với HTX; thúc đẩy khả năng liên kết hợp tác nghiên cứu,
chuyển giao, áp dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm
và dịch vụ cho các HTX...
Phấn đấu đến năm 2020: Không còn HTX
yếu kém, có từ 80% đến 90% HTX hoạt động từ khá trở lên; đào tạo 80% cán bộ chủ
chốt HTX, trong đó 60% đạt trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao đẳng trở lên. Tốc độ tăng trưởng bình quân của HTX nông nghiệp tăng từ 2%-3%/năm.
Giai đoạn 2019-2020: Mỗi năm xây dựng
03 mô hình HTX liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất
tiêu thụ sản phẩm và 02 mô hình HTX liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp.
5.2. Phát triển kinh tế trang trại
Phát triển các dạng hình kinh tế
trang trại, gia trại theo chuỗi liên kết, kết hợp phát triển du lịch, giáo dục
trải nghiệm gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm làng nghề, nhằm
phát huy hiệu quả sử dụng đất và đầu tư và đóng vai trò quan trọng trong phát
triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản của Thành phố. Xây dựng cơ chế,
chính sách khuyến khích đầu tư vào trang trại quy mô lớn, sản xuất theo chuỗi
giá trị, ứng dụng công nghệ cao, tạo ra các sản phẩm an toàn.
6. Phát triển công nghiệp bảo quản,
chế biến và làng nghề
6.1. Phát triển công nghiệp bảo quản
chế biến và tiêu thụ sản phẩm
Tập trung, khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản, nhất là công
nghiệp chế biến tinh, chế biến sâu và ứng dụng công nghệ cao nâng cao; tạo điều
kiện cho các doanh nghiệp phát triển chuỗi liên kết giá trị
từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. 100% các sản phẩm chuỗi có mã vạch
truy xuất nguồn gốc điện tử.
Khuyến khích phát triển các hình tổ
chức sản xuất (Hợp tác xã, tổ đội sản xuất), các hoạt động xúc tiến thương mại,
mở rộng thị trường, kết nối tiêu thụ sản phẩm chủ lực trên địa bàn.
6.2. Phát triển làng nghề
Đẩy mạnh chuyển giao
công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất ở các làng nghề,
các HTX dịch vụ ngành nghề nông thôn, phát triển các sản phẩm thủ công thế mạnh
của Thủ đô có giá trị kinh tế cao như: gốm sứ, đồ gỗ, mây
tre đan, sơn mài, khảm trai... Huy động mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế
tham gia phát triển làng nghề, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngoại thành
theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Tiếp tục thực hiện Chương trình “Mỗi
xã một sản phẩm” giai đoạn 2019-2020 theo Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 7/5/2018
của Thủ tướng Chính phủ, gắn hoạt động kinh tế của các làng nghề với dịch vụ du
lịch và bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống. Phấn đấu đến năm 2020, tỷ trọng giá trị sản xuất nghề, làng nghề chiếm 8,5% tổng giá trị sản xuất
công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của Thành phố.
7. Đào tạo nguồn nhân lực
Tiếp tục thực hiện Đề án dạy nghề
nông nghiệp cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày
27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ;
Đào tạo, nâng cao năng lực và nhận thức
cho cán bộ quản lý và lao động nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu phát triển ngành
nông nghiệp thời kỳ cách mạng 4.0, trong đó tập trung đào tạo dài hạn đội ngũ
chuyên gia, kỹ thuật cao ở các lĩnh vực then chốt như: Công nghệ sinh học, công
nghệ vật liệu mới, công nghệ thông tin và khoa học quản lý... Khuyến khích các
tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước thành lập cơ sở dạy nghề, thực
hiện chương trình hợp tác đào tạo tại khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ
cao để đào tạo, huấn luyện công nhân, kỹ thuật viên, đáp ứng yêu cầu phát triển
nông nghiệp. Phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo đạt
70-75%.
8. Xây dựng nông thôn mới
Tiếp tục thực hiện mục tiêu quốc gia
xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, Chương trình số 02-CTr/TU ngày
26/4/2016 của Thành ủy, Kế hoạch số 188/KH-UBND ngày 06/10/2016 của UBND Thành
phố về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nhân
dân”. Phấn đấu đến năm 2020 số xã đạt chuẩn nông thôn mới 347 xã trở lên, có 10
huyện trở lên đạt chuẩn nông thôn mới, thu nhập bình quân dân cư nông thôn đạt
49 triệu/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn con dưới 1,5%.
9. Thủy lợi và phòng chống thiên tai
9.1. Về Thủy lợi
Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối
các công trình thủy lợi hiện có; phát huy hiệu quả cơ chế đặt hàng dịch vụ thủy
lợi, từng bước nghiên cứu và tổ chức thí điểm cơ chế đấu thầu quản lý khai thác
công trình thủy lợi trên địa bàn. Phát triển thủy lợi đa mục tiêu để phục vụ sản
xuất nông nghiệp, công nghiệp, dân sinh, phát triển du lịch, dịch vụ và tạo cảnh
quan, môi trường sinh thái.
Ưu tiên đầu tư các công trình đầu mối
để tiêu thoát nước, chống úng ngập cho Thủ đô (Cụm công trình đầu mối Liên Mạc,
trạm bơm tiêu Yên Nghĩa, trục chính sông Nhuệ, trạm bơm Đông Mỹ, ...); cải tạo,
nạo vét các sông trục: Sông Nhuệ, sông Đáy, sông Cầu Bây, ... để phục vụ sản xuất,
dân sinh, phòng chống giảm nhẹ thiên tai, ô nhiễm môi trường nước, rà soát, điều
chỉnh bổ sung Quy hoạch thủy lợi trên địa bàn Thành phố.
9.2. Về phòng chống thiên tai
Xây dựng kế hoạch phòng chống thiên
tai thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2020; Củng cố, tu bổ, nâng cấp các tuyến đê
có sông trên địa bàn Thành phố, đảm bảo an toàn về đê điều, công trình thủy lợi,
chủ động phòng chống giảm nhẹ thiên tai và ổn định đời sống dân cư. Nâng cao hiệu
quả quản lý rủi ro thiên tai. Triển khai thực hiện quy hoạch phòng chống lũ chi
tiết trên các tuyến sông có đê, quy hoạch đê điều sau khi được phê duyệt, thực
hiện cắm mốc chỉ giới thoát lũ, mốc giới hành lang bảo vệ đê điều.
III. KINH PHÍ
1. Dự kiến tổng kinh phí thực hiện Kế
hoạch 6.456.026 tỷ đồng, trong đó:
- Vốn ngân sách Thành phố 1.729,538 tỷ
đồng;
- Vốn đối ứng 4.726,488 tỷ đồng.
2. Kinh phí thực hiện các lĩnh vực
- Hỗ trợ phát
triển phát triển sản xuất nông nghiệp 5.480,135 tỷ đồng, trong đó:
+ Vốn ngân sách nhà nước 758,147 tỷ đồng;
+ Vốn đối ứng: 4.721,988 tỷ đồng.
- Hỗ trợ chương trình nông nghiệp
công nghệ cao: 204,60 tỷ đồng
- Hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông
nghiệp, nông thôn: 233 tỷ đồng
- Hỗ trợ phát triển HTX nông nghiệp
17,217 tỷ đồng, trong đó:
+ Vốn ngân sách 12,717 tỷ đồng;
+ Vốn đối ứng 4,5 tỷ đồng.
- Hỗ trợ chương trình khuyến nông:
108,565 tỷ đồng
- Hỗ trợ cơ sở hạ tầng và phòng chống
giảm nhẹ thiên tai: 406 tỷ đồng
(Có biểu
chi tiết kèm theo)
III. Các giải
pháp thực hiện chủ yếu
1. Công tác tuyên truyền
Tổ chức tuyên truyền Kế hoạch thực hiện
cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2019 - 2020 đến các cấp, ngành, địa phương
và người dân bằng nhiều hình thức, phù hợp tình hình, điều kiện từng địa
phương. Giới thiệu những gương tốt, việc tốt, mô hình hay hiệu quả về cơ cấu lại
ngành nông nghiệp, để các địa phương tham khảo, học tập nhân rộng.
2. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung
các chương trình, đề án, dự án
Rà soát các chương trình, đề án, dự
án phát triển nông nghiệp, nông thôn được duyệt, đề xuất điều chỉnh, bổ sung
phù hợp theo quy hoạch, gắn sản xuất an toàn dịch bệnh, ứng
dụng công nghệ cao, kết hợp phát triển du lịch và giáo dục trải nghiệm.
3. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công
nghệ
- Tăng cường ứng dụng khoa học, kỹ
thuật công nghệ mới, các thành tựu cách mạng 4.0 vào sản xuất, sơ chế, chế biến,
bảo quản sản phẩm nông nghiệp, giết mổ gia súc, gia cầm. Tập trung cải tạo nhân
nhanh các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng và giá trị cao,
đáp ứng yêu cầu sản xuất của Thành phố và các tỉnh trong cả nước.
- Khuyến khích
các doanh nghiệp hợp tác cơ quan nghiên cứu khoa học, HTX trong nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng công nghệ vào sản xuất, sơ chế, chế
biến, bảo quản sản phẩm nông nghiệp, tạo ra các sản phẩm có giá trị cao.
4. Đẩy mạnh tổ chức sản xuất sản
phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị, tăng cường xúc tiến thương mại
Xây dựng, phát triển các mô hình liên
kết theo chuỗi, nông dân gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Khuyến
khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực xúc tiến thương mại, mở rộng thị
trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn Thành phố.
5. Đổi mới, nâng cao hiệu quả sản
xuất kinh doanh các thành phần kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp, nông
thôn
Tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả
Đề án “Đổi mới, phát triển kinh tế hợp tác trong hợp tác
xã nông nghiệp trên địa bàn Thành phố đến năm 2020” được UBND Thành phố phê duyệt
tại Quyết định số 8450/QĐ-UBND ngày 5/12/2017. Tăng cường đào tạo, tập huấn,
nâng cao năng lực quản lý cho các đối tượng chủ trang trại, khuyến khích các trang trại đầu tư sản xuất kinh doanh đạt tiêu chí kinh tế trang trại
theo Thông tư số 27/2011/TT-BNN&PTNT của Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn.
- Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia liên kết
theo chuỗi giá trị, trong đó, thực hiện chính sách ưu đãi thuế, miễn giảm tiền
thuê đất, đào tạo nghề cho lao động, quảng bá sản phẩm ...
6. Tiếp tục đổi mới cơ chế, chính
sách
Tổ chức thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, xây dựng
hạ tầng nông thôn của Trung ương và Thành phố đã ban hành, tham mưu đề xuất ban
hành các cơ chế, chính sách mới phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu sản xuất
trong tình hình mới.
7. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành
chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước
Tổ chức thực hiện hiệu quả công tác
quản lý nhà nước của các cấp, các ngành đúng quy định. Nâng cao chất lượng xây
dựng, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát các quy hoạch, chương trình, đề án,
dự án được duyệt; quản lý vật tư, chất lượng sản phẩm nông nghiệp; xử lý nghiêm
minh các trường vi phạm theo quy định pháp luật.
IV. Tổ chức thực
hiện
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn
- Cơ quan chủ trì tổ chức triển khai
thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp đúng quy định. Xây dựng kế hoạch
chi tiết và hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện Kế hoạch đề ra; theo
dõi, tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố kết quả thực hiện theo quy định.
- Tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung,
ban hành mới cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn,
phục vụ công tác tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2019-2020.
- Kiểm tra, đôn đốc, tổng hợp tình
hình triển khai thực hiện Kế hoạch của các đơn vị liên quan, báo cáo UBND Thành
phố theo quy định.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Chủ trì, phối hợp với các Sở: Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, tổng hợp nhu cầu nguồn vốn của các
đơn vị để thực hiện Kế hoạch. Hướng dẫn, công khai trình tự, thủ tục lập, trình
duyệt, thẩm quyền phê duyệt các dự án đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp,
xây dựng hạ tầng nông thôn theo quy định.
3. Sở Tài chính
Căn cứ chức năng nhiệm vụ của đơn vị,
khả năng cân đối ngân sách của địa phương, nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ và
các nguồn hỗ trợ hợp pháp khác, tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố bố trí kinh
phí thực hiện kế hoạch đúng quy định hiện hành.
4. Sở Khoa học và Công nghệ
Chủ trì và phối hợp Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn, các sở, ngành liên quan kiểm tra, rà soát, đề xuất điều
chỉnh, bổ sung các cơ chế chính sách có liên quan tới năng lực nghiên cứu, ứng
dụng chuyển giao khoa học công nghệ và tiến bộ kỹ thuật, xã hội hóa nguồn lực
cho phát triển khoa học, công nghệ, hỗ trợ ngành nông nghiệp thực hiện kế hoạch
này.
5. Sở Tài nguyên và Môi trường
Tăng cường quản lý nhà nước về sử dụng
đất nông nghiệp. Chủ trì, phối hợp các sở, ngành, đơn vị
liên quan đề xuất cơ chế, chính sách tích tụ đất nông nghiệp, phục vụ phát triển
sản xuất nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn.
6. Các sở, ngành, đơn vị liên quan
Căn cứ chức năng nhiệm vụ đơn vị, phối
hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thị xã tổ chức thực
hiện Kế hoạch tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo đúng chỉ đạo của Trung
ương, Thành phố.
7. Ủy ban nhân dân các quận, huyện,
thị xã
- Tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch
theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Nâng cao năng lực quản lý nhà nước
của địa phương về nông nghiệp, nông thôn; tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu
cây trồng, vật nuôi theo quy hoạch, khuyến khích ứng dụng công nghệ cao trong sản
xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản, phát huy tối đa
hiệu quả sử dụng đất và đầu tư, phát triển các sản phẩm có thế mạnh của từng địa
phương.
Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn theo dõi, đôn đốc, tổng hợp kết quả thực hiện,
báo cáo định kỳ UBND Thành phố theo quy định./.