ỦY BAN NHÂN
DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
3927/QĐ-UBND
|
Hà Tĩnh, ngày
26 tháng 12 năm 2012
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH NUÔI TRỒNG THỦY SẢN NƯỚC NGỌT TỈNH
HÀ TĨNH GIAI ĐOẠN 2012 - 2015, ĐỊNH HƯỚNG 2020
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày
26/11/2003;
Căn cứ Quyết định số 10/2006/QĐ-TTg ngày
11/01/2006 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển
ngành Thuỷ sản đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; Quyết định số
332/QĐ-TTg ngày 03/03/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển
nuôi trồng thuỷ sản đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 2165/QĐ-UBND ngày
16/7/2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết
số 08-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về nông nghiệp, nông dân, nông thôn
Hà Tĩnh giai đoạn 2009 - 2015 và định hướng đến 2020;
Căn cứ Quyết định số 3754/QĐ-UBND ngày
28/11/2011 của UBND tỉnh về phê duyệt Đề án phát triển Nuôi trồng thủy sản Hà
Tĩnh giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020;
Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn (sau khi đã thống nhất với các sở, ngành và địa phương liên quan) tại
Văn bản số 4585 /SNN-KHTC ngày 14/12/2012.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Phê duyệt Quy hoạch
nuôi trồng thủy sản nước ngọt tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2012 - 2015, định hướng đến
năm 2020, với các nội dung chủ yếu sau:
I. Mục tiêu
phát triển.
1. Mục tiêu chung.
- Khai thác triệt để tiềm năng, lợi thế diện tích đất, mặt nước,
ruộng trũng để phát triển NTTS nước ngọt, góp phần thực hiện có hiệu quả chương
trình phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn, tạo việc làm, tăng thu nhập
cho nhân dân và xây dựng nông thôn mới.
- Hiện đại hoá
nghề NTTS, ứng dụng khoa học công nghệ mới vào trong NTTS và chế biến, đa dạng
hoá các loài nuôi, nhằm nâng cao năng suất, sản lượng và giá trị sản xuất hàng
hoá, xây dựng các vùng nguyên liệu ổn định phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng nội
địa, tạo đột phá về phát triển NTTS nước ngọt nói riêng và NTTS nói chung của
tỉnh.
2. Mục tiêu cụ thể.
a) Diện tích quy hoạch nuôi trồng
thủy sản nước ngọt toàn tỉnh:
- Đến năm 2015: NTTS nước ngọt tỉnh Hà Tĩnh đạt tổng diện tích
nuôi 5.919 ha, trong đó huyện: Hương
Sơn 594 ha, Vũ Quang 215 ha, Hương Khê 410 ha, Đức Thọ 1.019
ha, Nghi Xuân 600 ha, thị xã Hồng Lĩnh 96 ha, Can Lộc 882
ha, Thạch Hà 715 ha, TP Hà Tĩnh 107 ha, Cẩm Xuyên 673 ha, Lộc Hà 158 và Kỳ Anh 450 ha.
Diện tích quy hoạch theo mặt nước
năm 2015: ao hồ nhỏ (< 0,5ha) 2.230 ha, hồ đập nhỏ (0,5 - 5ha) 1.050 ha, mặt
nước lớn (>5ha) 1.267 ha, ruộng trũng/ cá lúa 1.332 ha, thùng đấu 40 ha.
- Định hướng đến năm 2020: Tổng diện
tích NTTS nước ngọt đạt 6.251 ha, phân bổ tại các huyện: Hương Sơn 594 ha, Vũ
Quang 300 ha, Hương Khê 420 ha, Đức Thọ 1.121 ha, Nghi Xuân 600 ha, thị xã Hồng
Lĩnh 96 ha, Can Lộc 962 ha, Thạch Hà 715 ha, TP Hà Tĩnh 107 ha, Cẩm Xuyên 673
ha, Lộc Hà 193 và Kỳ Anh 470 ha.
Diện tích quy hoạch theo mặt nước
năm 2020: ao hồ nhỏ (< 0,5ha) 2.309 ha, hồ đập nhỏ (0,5 - 5ha) 1.140 ha, mặt
nước lớn (>5ha) 1.296 ha, ruộng trũng/ cá lúa 1.466 ha, thùng đấu 40 ha.
(Chi tiết có Phụ lục kèm theo)
b) Sản lượng nuôi trồng thủy sản
nước ngọt toàn tỉnh:
- Đến năm 2015: Tổng sản lượng nuôi trồng thuỷ sản nước ngọt của toàn tỉnh
đạt 13.621 tấn, trong đó: 12.904 tấn cá truyền thống; 357
tấn đặc sản và các loài giống mới; 360 tấn các đối tượng nuôi khác (rô phi, điêu hồng…).
- Định hướng đến năm 2020: Tổng sản
lượng nuôi trồng thuỷ sản nước ngọt của toàn tỉnh đạt 18.405 tấn, trong đó: 17.180 tấn cá truyền thống; 652 tấn
đặc sản và các loài giống mới và 573 tấn
các đối tượng nuôi khác (rô phi, điêu
hồng…).
c) Giá trị sản xuất: Đến năm 2015:
842,19 tỷ đồng, trong đó giá trị xuất
khẩu 2 triệu USD; định hướng 2020: 1.539,18 tỷ đồng, trong đó giá trị xuất khẩu
5,62 triệu USD.
d) Giải quyết việc làm: Đến năm
2015: 22.830 lao động; định hướng 2020: 26.200 lao động.
3. Khái toán vốn đầu tư.
Tổng vốn đầu tư dự kiến đến năm
2020: 2.324 tỷ đồng.
- Phân theo tiến độ đầu tư:
+ Giai đoạn 2012 - 2015: 924 tỷ đồng
+ Giai đoạn 2016 - 2020: 1.400 tỷ
đồng
- Phân theo nguồn vốn:
+ Nhà nước và các tổ chức quốc tế
đầu tư: 10%.
+ Các thành phần kinh tế đầu tư:
90%.
- Các hạng mục, dự án ưu tiên đầu
tư:
+ Dự án chuyển đổi đất, xây dựng
cơ sở hạ tầng một số vùng nuôi tập trung, xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ
nuôi trồng thủy sản.
+ Dự án xây dựng trại cá giống cấp
1 và nâng cấp các trại cá giống cấp 2.
+ Dự án xây dựng trạm kiểm tra, kiểm
dịch, quan trắc và cảnh báo môi trường dịch bệnh thủy sản.
II. Các giải
pháp chủ yếu.
1. Về quy hoạch và quản lý quy
hoạch.
- Công bố rộng rãi quy hoạch đến
các sở, ngành liên quan, đến tận các cấp xã, các tổ chức, đơn vị, các thành phần
kinh tế để mọi tầng lớp nhân dân tổ chức thực hiện và có kế hoạch phát triển nuôi
trồng thủy sản nước ngọt; chính quyền các cấp xây dựng quy chế để tổ chức quản
lý, chỉ đạo, giám sát thực hiện quy hoạch.
- Trên cơ sở quy hoạch tổng thể
toàn tỉnh, cần tiến hành quy hoạch chi tiết các vùng nuôi trọng điểm, quy hoạch
cấp huyện và quy hoạch các đối tượng nuôi cụ thể cho từng vùng; đồng thời lập kế
hoạch đầu tư sản xuất hàng năm, lập các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ
thuật, đường điện, giao thông chính, hệ thống thủy lợi... phục vụ nuôi trồng thủy
sản nước ngọt.
2. Về giao đất, cho thuê đất.
- Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho
các tổ chức, cá nhân được giao đất, thuê đất theo đúng quy định của pháp luật để
NTTS theo quy hoạch đã được phê duyệt.
- Các sở, ngành, địa phương liên
quan tạo điều kiện thuận lợi, hướng dẫn thực hiện các thủ tục, hồ sơ liên quan
đến công tác giao đất, thuê đất cho các tổ chức, cá nhân để phát triển nuôi trồng
thủy sản nước ngọt theo quy hoạch đã được phê duyệt.
3. Về sản xuất, ương dưỡng và
cung ứng con giống.
- Duy trì và
nâng cấp các trại giống hiện có và đồng thời xây dựng thêm một trại giống cấp
1; phát triển mạng lưới giống nhân dân, khuyến khích hình thức ương dưỡng cá giống
hộ gia đình, tạo nguồn cung cấp tại chỗ cho các địa phương nhằm đáp ứng 100%
nhu cầu giống cho người nuôi.
- Nâng cao hiệu
quả quản lý nhà nước về công tác giống và nghiên cứu khoa học trong việc chuyển
giao, sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản nước ngọt trên địa bàn tỉnh.
4. Về tổ chức lại sản xuất và
tiêu thụ sản phẩm.
- Tổ chức lại sản xuất theo chuỗi
giá trị sản phẩm, từ ao nuôi đến thị trường tiêu thụ, trong đó doanh nghiệp thu
mua, chế biến, tiêu thụ đóng vai trò hạt nhân liên kết và tổ chức chuỗi.
- Khuyến khích phát triển hình thức
nuôi theo tổ hợp, hợp tác xã, doanh nghiệp, liên doanh, liên kết để có điều kiện
sản xuất tập trung, tạo mối liên kết hữu cơ chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ
sản phẩm.
- Phát triển sản xuất
theo hướng hàng hóa tập trung; gắn sản xuất với các cơ sở, doanh nghiệp chế biến,
tiêu thụ sản phẩm; liên hệ chặt chẽ với doanh nghiệp chế biến trong và ngoài tỉnh
để có kế hoạch, chiến lược bao tiêu sản phẩm.
5. Giải pháp kỹ thuật, khoa học
công nghệ và khuyến ngư.
- Tập trung
phát triển hình thức nuôi trang trại, gia trại tổng hợp, trên cơ sở lấy nuôi cá
nước ngọt truyền thống là cơ bản nhưng trong mỗi trang trại cần bố trí một diện
tích thích hợp cho phát triển nuôi các đối tượng có giá trị kinh tế cao; xúc tiến
thu hút các dự án nuôi cá và các đối tượng nuôi nước ngọt theo hướng hàng hoá
như: ếch, ba ba, cá rô phi, điêu hồng, cá lóc, cá chình,...Hình thành và phát
triển một số vùng nuôi cá tập trung theo hướng sản xuất hàng hoá, phát triển
các tổ hợp, hợp tác xã NTTS.
- Xây dựng,
hoàn thiện các quy trình hướng dẫn mới trong nuôi trồng thủy sản nước ngọt như:
Nuôi cá lóc trong bể xi măng, ao lót bạt, nuôi cá leo, cá lăng,...Nuôi thủy sản
nước ngọt an toàn sinh học theo quy trình VietGAP để hướng dẫn người dân thực
hiện tốt.
- Ứng dụng các
tiến bộ khoa học kỹ thuật trong NTTS để cải tiến năng suất nuôi, đáp ứng các mục
tiêu phát triển hiệu quả và bền vững.
- Tổ chức và tạo điều
kiện cho người dân được tham quan học tập các mô hình nuôi trồng thủy sản công
nghệ cao, năng suất, hiệu quả để nâng cao nhận thức về đầu tư và tổ chức sản xuất;
tăng cường công tác tập huấn, hội thảo để nâng cao kỹ thuật nuôi cho người nuôi,
xây dựng và truyền tải các chuyên đề, các mô hình nuôi hiệu quả để bà con học tập
và nhân rộng.
6. Về thủy lợi.
- Nâng cấp hệ
thống hồ chứa nước phục vụ nông nghiệp và NTTS, đảm bảo nguồn nước thường xuyên
quanh năm cung cấp cho các vùng nuôi. Đặc biệt có thể đáp ứng kịp thời một lượng
lớn khi có sự cố môi trường.
- Cần xây dựng
các hệ thống thuỷ lợi phục vụ riêng cho nuôi trồng thuỷ sản, ưu tiên đầu tư
cho các vùng nuôi tập trung; đối với vùng nuôi thâm canh và bán thâm canh phải
có hệ thống cấp và thoát nước riêng rẽ, có hệ thống ao chứa lắng và ao xử lý nước
thải riêng biệt.
7. Về môi trường và phòng chống
dịch bệnh.
- Phát triển
nuôi trồng thủy sản tuân thủ nghiêm các quy định và tiêu chuẩn về bảo vệ môi
trường của các bộ, ngành liên quan, đồng thời phải phù hợp với điều kiện tự
nhiên, kinh tế của từng vùng, địa phương và đơn vị tham gia nuôi trồng thủy sản.
- Trong quá
trình nuôi không sử dụng các loại thuốc, hóa chất đã quá hạn sử dụng hoặc nằm
trong danh mục cấm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định.
- Xây dựng và
nâng cấp phòng kiểm tra Dịch bệnh và Môi trường trong nuôi trồng thủy sản của tỉnh
đạt tiêu chuẩn về quy định phòng chẩn đoán, xét nghiệm bệnh thủy sản theo quy định
mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đầu
tư hoàn thiện cơ sở vật chất, máy móc, thiết bị, nguồn nhân lực cho các cơ quan
quản lý nhà nước về thú y thuỷ sản.
- Phổ cập,
truyền bá kiến thức về kỹ thuật và giáo dục nâng cao ý thức bảo vệ môi trường
và phòng ngừa dịch bệnh cho cộng đồng, thực hiện đồng quản lý môi trường tại
các vùng nuôi.
8. Về thức ăn, vật tư thiết bị
phục vụ nuôi trồng thủy sản.
Thu hút, tạo điều kiện thuận lợi
cho các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất thức ăn trên địa bàn
tỉnh, khuyến khích phát triển hệ thống dịch vụ thức ăn, thuốc, hóa chất phục vụ
nuôi trồng thủy sản; giám sát sử dụng thuốc và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định
của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về
sử dụng thức ăn, thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học trong nuôi trồng thuỷ sản.
9. Về cơ chế chính sách.
- Thực hiện có hiệu quả các cơ chế,
chính sách của tỉnh để phát triển nuôi trồng thủy sản như: Quyết định số 24/2011/QÐ-UBND
ngày 09/8/2011 của UBND tỉnh Hà Tĩnh về việc ban hành Quy định một số chính
sách khuyến khích phát triển nông nghiệp nông thôn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2011
- 2015; Quyết định 26/2012/QĐ-UBND ngày 11/6/2012 của UBND tỉnh Hà Tĩnh Ban
hành quy định tạm thời một số quy định về hỗ trợ lãi suất vay vốn tại các tổ chức
tín dụng để phát triển sản xuất từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia xây
dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh và một số chính sách khác theo quy
định hiện hành.
- Tạo cơ chế thông thoáng về đầu
tư hạ tầng, xây dựng các quy định về giao, cho thuê đất phát triển nuôi trồng
thủy sản để kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp.
- Có chính sách hỗ trợ tư vấn pháp
lý về hồ sơ thủ tục đầu tư, thuê đất..., nghiên cứu cải tiến các công nghệ phục
vụ nuôi trồng.
10. Về vốn và huy động vốn.
Vốn thực hiện quy hoạch được huy động
từ nhiều nguồn: Ngân sách trung ương, ngân sách địa phương (tỉnh, huyện, xã),
tài trợ của các tổ chức quốc tế, vốn của các doanh nghiệp, các thành phần kinh
tế và vay tín dụng.
- Vốn ngân sách đầu tư xây dựng cơ
sở hạ tầng các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, đảm bảo trọng tâm, trọng điểm,
có hiệu quả và phù hợp với quy hoạch; đầu tư nâng cấp các vùng đảm bảo điều kiện
nuôi thâm canh, an toàn sinh học, áp dụng các Quy trình nuôi tiên tiến; kinh
phí cho công tác xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm thủy sản
và khuyến ngư (đào tạo, tập huấn ngắn ngày cho cán bộ và nông ngư dân, xây dựng
mô hình...).
- Vốn của các thành phần kinh tế
và vốn vay từ các tổ chức tín dụng đầu tư nội đồng, hệ thống ao đầm nuôi bảo đảm
các điều kiện kỹ thuật và các quy trình nuôi tiên tiến, áp dụng các tiêu chuẩn
tiên tiến về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Chủ trì, phối hợp với các sở,
ngành liên quan, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã công bố rộng rãi
quy hoạch; lập kế hoạch cụ thể, chi tiết để thực hiện quy hoạch theo quy định.
Phối hợp với các địa phương triển khai quy hoạch ra thực địa và chỉ đạo các địa
phương cắm mốc ranh giới vùng quy hoạch.
- Cụ thể hóa các chương trình, dự
án đầu tư, xây dựng các chính sách phù hợp với điều kiện của tỉnh nhằm huy động
được các nguồn lực trong và ngoài nước; triển khai và giám sát quá trình thực
hiện; định kỳ sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện, đề xuất bổ sung, điều
chỉnh quy hoạch cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh
và xu hướng hội nhập trong từng giai đoạn.
- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi
trường, các sở ngành, UBND các địa phương liên quan trong việc giao đất, cho
thuê đất đảm bảo quy hoạch và phù hợp với các quy hoạch khác.
- Chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị
chuyên môn thuộc sở theo chức năng, nhiệm vụ tăng cường kiểm tra, kiểm dịch con
giống, thức ăn hóa chất phục vụ nuôi trồng thủy sản, định kỳ giám sát, cảnh báo
môi trường tại các vùng nuôi. Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn, ứng dụng,
chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng và nhân rộng các mô hình
nuôi đạt hiệu quả cao.
2. Các sở,
ngành, cơ quan liên quan.
- Sở Tài nguyên và Môi trường: Hướng
dẫn thủ tục, hồ sơ và thực hiện việc giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận
quyền sử dụng đất cho các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản;
hướng dẫn đánh giá tác động môi trường và thực hiện tốt chức năng quản lý nhà
nước về môi trường trong nuôi trồng thủy sản.
- Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì,
phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính tham mưu bố
trí lồng ghép các nguồn vốn đầu tư phát triển hàng năm cho các địa phương, đơn
vị để thực hiện quy hoạch đảm bảo tiến độ; thẩm định, trình cấp có thẩm quyền
phê duyệt các chương tình, dự án ưu tiên;
- Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp
với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ngành liên quan, các địa
phương rà soát, bổ sung, hoàn thiện chính sách phát triển nuôi trồng thuỷ sản,
ban hành văn bản hướng dẫn; xây dựng kế hoạch ngân sách hàng năm, cân đối, tham
mưu bố trí nguồn kinh phí thực hiện; kiểm tra, thanh quyết toán nguồn kinh phí
theo quy định.
- Sở Công thương: Chủ trì, phối hợp
với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan, địa phương liên quan
đẩy mạnh việc kêu gọi, thu hút đầu tư phát triển các nhà máy chế biến thuỷ sản
trên địa bàn tỉnh, phối hợp với sở Tài chính tham mưu xây dựng cơ chế, chính
sách phát triển chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, đề xuất các giải pháp
phát triển công nghệ chế biến thủy sản; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm
thị trường trong nước và xuất khẩu, xây dựng thương hiệu, cung cấp thông tin về
giá cả, thị trường.
- Sở Khoa học và Công nghệ: Chủ
trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, đề xuất
các giải pháp ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ mới trong
nuôi trồng thủy sản.
- Sở Xây dựng: Chủ trì, phối hợp với
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh triển khai công tác
quy hoạch, quy hoạch hạ tầng kỹ thuật phục vụ nuôi trồng thủy sản nước ngọt đảm
bảo hiệu quả và bền vững.
- Ngân hàng Nhà nước tỉnh, Ngân
hàng Phát triển, các ngân hàng cổ phần thương mại, tổ chức tín dụng trên địa
bàn tỉnh: Hướng dẫn các điều kiện vay vốn, thủ tục giải ngân đối với các cơ sở
nuôi, sản xuất giống, chế biến và tiêu thụ sản phẩm để thực hiện tốt quy hoạch.
Chỉ đạo các ngân hàng thương mại hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi để các
thành phần kinh tế tiếp cận với nguồn vốn vay phát triển nuôi trồng thủy sản.
- Các sở, ban, ngành liên quan
theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm phối hợp với Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thành phố, thị xã để triển khai thực
hiện tốt quy hoạch.
- Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc,
các cơ quan đoàn thể cấp tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn, các sở, ngành liên quan tuyên truyền vận động đoàn viên, hội viên, nhân
dân tích cực hưởng ứng và tham gia thực hiện tốt quy hoạch.
3. Uỷ ban
nhân dân các huyện, thành phố, thị xã.
- Trên cơ sở quy hoạch của tỉnh,
triển khai quy hoạch ra thực địa và cắm mốc ranh giới vùng quy hoạch; phối hợp
với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổ chức quản lý quy hoạch chặt chẽ,
đảm bảo có hiệu quả, chính xác, đúng quy định.
- Chỉ đạo, lồng ghép các chương
trình, dự án để thực hiện quy hoạch đảm bảo tiến độ.
- Xây dựng và thực hiện các dự án
đầu tư, chính sách phát triển nuôi trồng thủy sản nước ngọt của địa phương, phối
hợp, lồng ghép các chương trình, dự án để phát triển nuôi trồng thủy sản theo
quy hoạch đã được phê duyệt.
- Tăng cường công tác tuyên truyền,
nâng cao nhận thức cho người nuôi về phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững, bảo
vệ môi trường và an toàn dịch bệnh, gắn với xây dựng nông thôn mới.
- Trong quá trình triển khai thực
hiện quy hoạch, nếu có khó khăn, vướng mắc kịp thời báo cáo Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.
Điều 3. Quyết định này có hiệu
lực kể từ ngày ban hành.
Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh,
Giám đốc các sở, ngành: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu
tư, Tài chính, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Văn
hóa - Thể thao và Du lịch, Công thương, Ngân hàng Nhà nước, Chủ tịch Uỷ ban
nhân dân các huyện, thành phố, thị xã và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu
trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Tổng cục thủy sản; (để b/c)
- TTr: Tỉnh ủy, HĐND tỉnh;
- Đ/c Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- UBMTTQ, các đoàn thể cấp tỉnh;
- Ngân hàng Nhà nước;
- Chi nhánh các NH: CSXH, NN và PTNT, PT;
- Báo Hà Tĩnh, Đài PT và TH tỉnh;
- Các PVP UBND tỉnh;
- Trung tâm CB - TH tỉnh;
- Lưu VT, NL.
Gửi: VB giấy và ĐT.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Đình Sơn
|