BỘ
CÔNG NGHIỆP
******
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
36/2006/QĐ-BCN
|
Hà
Nội, ngày 16 tháng 10 năm 2006
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ KỸ THUẬT AN TOÀN VỀ NẠP
KHÍ DẦU MỎ HOÁ LỎNG VÀO CHAI
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP
Căn cứ Nghị định
số 55/2003/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công nghiệp;
Căn cứ Nghị định số 59/2006/NĐ-CP ngày 12 tháng 6 năm 2006 của Chính phủ quy định
chi tiết Luật Thương mại về hàng hoá, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh
doanh và kinh doanh có điều kiện;
Căn cứ Công văn số 4896/VPCP-VI ngày 05 tháng 9 năm 2006 của Văn phòng Chính phủ
về thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng về
việc giao Bộ Công nghiệp chủ trì biên soạn và sớm ban hành quy chế quản lý kỹ
thuật an toàn về nạp khí dầu mỏ hoá lỏng vào chai;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn công nghiệp,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành "Quy chế quản lý kỹ thuật an toàn về nạp khí dầu mỏ hoá lỏng
vào chai".
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công
báo.
Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng thuộc
Bộ, Giám đốc các Sở Công nghiệp, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có
liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
KT.
BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Đỗ Hữu Hào
|
BỘ
CÔNG NGHIỆP
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
|
QUY CHẾ
QUẢN LÝ KỸ THUẬT AN TOÀN VỀ NẠP KHÍ DẦU MỎ HOÁ
LỎNG VÀO CHAI
(Ban hành theo Quyết định số 36 /2006/QĐ-BCN ngày 16 tháng 10 năm 2006 của Bộ
trưởng Bộ Công nghiệp)
Chương 1:
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này quy định
về kỹ thuật an toàn trong các hoạt động nạp khí dầu mỏ hoá lỏng (LPG) vào các
chai vận chuyển được có dung tích chứa nước nhỏ hơn 150 lít.
Quy chế này không
áp dụng đối với trạm nạp cho ô tô sử dụng LPG làm nhiên liệu - Autogas.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Các tổ chức, cá
nhân có liên quan tới hoạt động nạp LPG vào Chai chứa LPG.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Quy chế này,
các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. “LPG” là
khí dầu mỏ hoá lỏng.
2. “Chai chứa
LPG” là chai chứa bằng thép dùng để chứa khí dầu mỏ hoá lỏng nạp lại được và
có dung tích chứa nước nhỏ hơn 150 lít.
3. “Trạm nạp
LPG” là trạm thực hiện nạp LPG vào chai chứa.
4. “Cơ sở”
là doanh nghiệp thực hiện nạp LPG vào chai có tư cách pháp nhân.
Điều 4. Quy định về điều kiện để nạp khí dầu mỏ hoá lỏng vào chai
Chỉ những Trạm nạp
LPG đủ điều kiện, được cấp "Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn nạp khí dầu
mỏ hoá lỏng vào chai" mới được tiến hành nạp LPG vào Chai chứa LPG.
Chỉ cho phép nạp lại
LPG vào các chai chứa được phép nạp lại. Nghiêm cấm việc nạp lại LPG cho các
chai dùng một lần (các chai ga du lịch).
Chủ sở hữu Chai chứa
LPG phải chịu trách nhiệm kiểm tra, bảo dưỡng và kiểm định định kỳ các chai
theo quy định.
Điều 5. Nạp LPG vào chai theo thương hiệu và nhãn hiệu đã đăng ký
Cơ sở nạp LPG chỉ
được phép nạp vào các chai đúng thương hiệu và nhãn hiệu đã đăng ký. Trường hợp
nạp LPG vào chai mang thương hiệu, nhãn hiệu của cơ sở khác, phải được sự đồng
ý bằng văn bản của cơ sở đó. Văn bản phải thể hiện rõ yêu cầu về số lượng và chất
lượng LPG, quy định rõ trách nhiệm của mỗi bên trong việc nạp LPG.
Chương 2:
QUY ĐỊNH KỸ THUẬT AN TOÀN ĐỐI VỚI TRẠM NẠP
Điều 6. Điều kiện an toàn của Trạm nạp LPG vào chai
1. Trạm nạp, các
thiết bị nạp, hệ thống ống dẫn, bồn chứa và thiết bị phụ phải tuân thủ đầy đủ
các nội dung an toàn quy định tại Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6153:1996, TCVN
6154:1996, TCVN 6155:1996, TCVN 6156:1996, TCVN 6304:1997, TCVN 6485:1999 và
TCVN 6486:1999, trong đó phải bảo đảm các yêu cầu cơ bản quy định tại Phụ lục 1
ban hành kèm theo Quy chế này.
2. Các máy, thiết
bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, vệ sinh lao động của trạm đã được
kiểm định và đăng ký theo quy định tại Thông tư số 23/2003/TT-BLĐTBXH ngày 03
tháng 11 năm 2003 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về việc quy định, hướng
dẫn thủ tục đăng ký và kiểm định các loại máy, thiết bị, vật tư, các chất có
yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, vệ sinh lao động.
3. Các máy, thiết
bị có yêu cầu an toàn đặc thù chuyên ngành công nghiệp của trạm đã được kiểm định
và đăng ký theo quy định tại Quyết định số 136/2004/QĐ-BCN ngày 19 tháng 11 năm
2004 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp ban hành Danh mục máy, thiết bị, hoá chất độc
hại có yêu cầu an toàn đặc thù chuyên ngành công nghiệp và Quy chế quản lý kỹ
thuật an toàn đối với các máy, thiết bị, hoá chất độc hại có yêu cầu an toàn đặc
thù chuyên ngành công nghiệp.
4. Có đăng ký kinh
doanh ngành nghề nạp LPG vào chai, đăng ký thương hiệu và nhãn hiệu theo quy định
của pháp luật.
5. Những người có
liên quan đến việc quản lý, vận hành thiết bị trạm nạp, bảo quản, xếp dỡ, vận
chuyển Chai chứa LPG của trạm đã được đào tạo, huấn luyện về chuyên môn, kỹ thuật
an toàn, phòng chống cháy nổ và được cấp giấy chứng nhận theo quy định của
Thông tư số 04/2004/TT-BCA ngày 31 tháng 3 năm 2004 của Bộ Công an về việc hướng
dẫn thi hành Nghị định số 35/2003/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2003 của Chính phủ
quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy; Thông
tư số 37/2005/TT-BLĐTBXH ngày 29 tháng 12 năm 2005 của Bộ Lao động Thương binh
và Xã hội hướng dẫn công tác huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động và
quy định tại mục 4.5 của TCVN 6485:1999.
6. Được cơ quan
Công an cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về phòng cháy và chữa cháy theo quy định
tại Nghị định số 35/2003/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2003 của Chính phủ quy định
chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Giấy xác nhận
đủ điều kiện về an ninh trật tự theo quy định tại Nghị định 08/2001/NĐ-CP ngày
22 tháng 02 năm 2001 của Chính phủ quy định về điều kiện an ninh, trật tự đối với
một số ngành, nghề, kinh doanh có điều kiện.
7. Có đầy đủ quy
trình nạp LPG vào chai, quy trình vận hành các máy, thiết bị trong trạm, quy
trình xử lý sự cố và quy định về an toàn.
Quy trình nạp LPG
vào chai phải gồm các bước chính được quy định tại mục 6 của TCVN 6485:1999.
Điều 7. Kiểm tra trước khi tiến hành nạp
1. Kiểm tra
tình trạng chung, bồn chứa, các phụ kiện, thiết bị nạp không bị hư hỏng và
không có dấu hiệu rò rỉ.
2. Các thiết bị an
toàn, đo kiểm, thiết bị phòng cháy, chữa cháy đầy đủ, ở tình trạng tốt và sẵn
sàng để sử dụng.
3. Các hướng dẫn
an toàn khi nạp LPG đã được áp dụng đầy đủ.
Điều 8. Nạp LPG vào chai
1. Người vận hành
nạp LPG phải sử dụng trang bị bảo hộ cá nhân được trang bị.
2. Các chai được nạp
LPG phải được kiểm tra, loại bỏ các chai không đảm bảo an toàn theo quy định tại
mục 6.2.1 của TCVN 6485:1999.
3. Thực hiện nạp
LPG vào chai theo đúng quy trình nạp của Cơ sở.
4. Lượng nạp LPG
vào chai phải theo đúng khối lượng quy định với mỗi loại chai, nhưng không được
quá mức quy định tại Phụ lục B của TCVN 6485:1999.
Điều 9. Kiểm tra chai, ghi nhãn hàng hoá và niêm phong chai
1. Các chai sau
khi nạp LPG phải được kiểm tra:
a) Lượng nạp (theo khối lượng,
thể tích);
b) Độ kín.
2. Các chai nạp quá mức phải được
xả bớt lượng LPG thừa cho đến khi đạt mức nạp theo quy định (khối lượng, thể
tích).
Khi xả bớt LPG từ chai phải theo
đúng quy trình xả an toàn vào hệ thống thu hồi LPG thừa. Không được phép xả LPG
trực tiếp ra ngoài trời và không được phép xử lý bằng cách san chiết sang chai
khác.
Tất cả các chai bị nạp quá mức
sau khi xử lý xả lượng thừa phải được kiểm tra lại mức nạp.
3. Khi kiểm tra độ kín của chai,
cần lưu ý các vị trí: thân chai, ty van khi van ở trạng thái mở, van, các mối nối
đế van với chai, van an toàn, trục van, các nút bịt kín phụ.
Tất cả các chai bị rò rỉ phải bị
loại bỏ để sửa chữa những chi tiết, bộ phận bị hỏng. Cấm sử dụng các chai bị rò
rỉ cho bất cứ mục đích gì.
4. Các chai đã nạp LPG dùng
trong phân phối, thương mại phải được ghi nhãn hàng hoá trên vỏ chai và niêm
phong chai.
Điều 10. Bảo
quản, vận chuyển, xếp dỡ các Chai chứa LPG
Việc bảo quản, vận chuyển, xếp dỡ
các Chai chứa LPG phải theo đúng quy định tại TCVN 6304:1997.
Chương 3:
QUY ĐỊNH VỀ GIẤY CHỨNG NHẬN ĐỦ ĐIỀU KIỆN AN TOÀN NẠP
KHÍ DẦU MỎ HOÁ LỎNG VÀO CHAI
Điều 11. Giấy
chứng nhận đủ điều kiện an toàn nạp khí dầu mỏ hoá lỏng vào chai
Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp
"Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn nạp khí dầu mỏ hoá lỏng vào
chai" cho từng trạm nạp khi đáp ứng đủ các điều kiện an toàn được quy định
tại Điều 6 của Quy chế này.
Điều 12. Hồ
sơ và thủ tục đề nghị công nhận Trạm nạp LPG đủ điều kiện an toàn nạp khí dầu mỏ
hoá lỏng vào chai
1. Hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đủ
điều kiện an toàn nạp khí dầu mỏ hoá lỏng vào chai được lập cho từng Trạm nạp
LPG, bao gồm:
a) Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận
đủ điều kiện an toàn nạp LPG vào chai cho trạm nạp (theo mẫu tại Phụ lục 2);
b) Bản sao Giấy chứng nhận đăng
ký kinh doanh;
c) Bản vẽ mặt bằng (kích thước bản
vẽ mặt bằng tối thiểu phải là khổ giấy A2) với các thông tin sau:
- Các bồn chứa, dung tích của bồn
chứa, vị trí lắp đặt;
- Bố trí kho bãi, nhà xưởng;
- Khoảng cách từ các bồn chứa,
trạm nạp đến các đường ranh giới tài sản khác như các toà nhà, các cửa mở của
toà nhà, các hầm ngầm, đường ngầm dưới đất, các lỗ thông hơi và đường dây dẫn
điện ngầm dưới đất, dẫn điện trên không;
- Bản vẽ mặt bằng phải thể hiện
rõ ràng vị trí của các bồn chứa, trạm nạp hoặc các điểm phân phối khác (nếu có)
trong khu vực có liên quan tới khu vực đang được trình;
- Các làn đường có xe tải chạy;
- Các thiết bị báo cháy và chữa
cháy;
- Hệ thống đường ống dẫn LPG;
- Hệ thống điện;
- Các điều khiển ngừng khẩn cấp;
- Rào ngăn bồn chứa (nếu có).
d) Bản sao:
- Các phiếu kết quả kiểm định và
các giấy chứng nhận đăng ký cho các máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an
toàn lao động và các máy, thiết bị có yêu cầu an toàn đặc thù chuyên ngành công
nghiệp của trạm;
- Các phiếu kết quả kiểm định
các thiết bị, dụng cụ kiểm tra, đo lường trong trạm như: cân khối lượng, đo thể
tích, áp kế và các thiết bị, dụng cụ khác;
- Giấy chứng nhận đủ điều kiện về
phòng cháy và chữa cháy;
- Giấy xác nhận đủ điều kiện về
an ninh trật tự;
đ) Quy trình nạp
LPG, quy trình vận hành các máy, thiết bị, quy trình xử lý sự cố và quy định về
an toàn;
e) Danh sách,
thông số kỹ thuật máy, thiết bị của trạm nạp;
g) Danh sách, các
giấy chứng nhận huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động, phòng cháy, chữa
cháy của người quản lý, cán bộ kỹ thuật, công nhân vận hành trạm nạp LPG và các
quyết định giao nhiệm vụ.
2. Cơ quan nhà nước
có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn nạp LPG vào chai được
quy định tại Điều 13 của Quy chế này tiến hành thẩm định và cấp giấy chứng nhận
theo các bước sau đây:
a) Xem xét hồ sơ
trong thời hạn không quá 07 (bảy) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Trường hợp chưa đủ hồ sơ hoặc không cấp thì phải có văn bản trả lời và nêu rõ
lý do;
b) Tiến hành thẩm
định, kiểm tra thực tế tại cơ sở;
c) Cấp giấy chứng
nhận đủ điều kiện an toàn nạp LPG vào chai trong thời hạn không quá 20 (hai
mươi) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
3. Mẫu giấy chứng
nhận đủ điều kiện an toàn nạp LPG vào chai theo Phụ lục 3 ban hành kèm theo Quy
chế này.
4. Giấy chứng nhận
đủ điều kiện an toàn nạp LPG vào chai có thời hạn không quá hai năm. Khi hết thời
hạn, cơ sở phải làm thủ tục đề nghị kiểm tra để tiếp tục chứng nhận trong thời
hạn tiếp theo.
5. Cơ quan cấp giấy
chứng nhận đủ điều kiện an toàn nạp LPG vào chai có quyền thu hồi giấy chứng nhận
này nếu trong thời hạn đó Cơ sở vi phạm các quy định pháp luật hiện hành về nạp
LPG.
Điều 13. Cơ quan cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn nạp LPG vào
chai
1. Bộ Công nghiệp
cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn nạp LPG vào chai đối với các tổ chức
sau đây:
a) Các doanh nghiệp,
tổ chức trực thuộc các Bộ, ngành Trung ương;
b) Các doanh nghiệp,
tổ chức làm kinh tế thuộc lực lượng vũ trang;
c) Các doanh nghiệp
100% vốn nước ngoài.
2. Uỷ ban nhân dân
(UBND) tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện
an toàn nạp LPG vào chai đối với các tổ chức, cá nhân thuộc địa bàn tỉnh, thành
phố quản lý trừ các tổ chức nói tại khoản 1 Điều này.
Chương 4:
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 14. Trách nhiệm hướng dẫn và thi hành
1. Bộ Công nghiệp
giao Cục Kỹ thuật an toàn công nghiệp:
a) Chỉ đạo, hướng
dẫn thực hiện, chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức kiểm tra định
kỳ và đột xuất việc chấp hành các quy định tại Quy chế này và các quy định khác
có liên quan trong phạm vi toàn quốc;
b) Đầu mối tiếp nhận
hồ sơ, thẩm định điều kiện an toàn và trình Bộ trưởng Bộ Công nghiệp cấp giấy
chứng nhận đủ điều kiện an toàn nạp khí dầu mỏ hoá lỏng vào chai đối với các tổ
chức quy định tại khoản 1 Điều 13 của Quy chế này.
2. Sở Công nghiệp
các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm:
a) Chỉ đạo, hướng
dẫn thực hiện, chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức kiểm tra định
kỳ và đột xuất việc chấp hành các quy định tại Quy chế này và các quy định khác
có liên quan trong phạm vi địa bàn quản lý;
b) Đầu mối tiếp nhận
hồ sơ, thẩm định điều kiện an toàn và trình Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố cấp
giấy chứng nhận đủ điều kiện nạp khí dầu mỏ hoá lỏng vào chai đối với các tổ chức,
cá nhân quy định tại khoản 2 Điều 13 của Quy chế này.
Điều 15. Điều khoản khác
Trong quá trình thực
hiện, nếu vướng mắc hoặc phát sinh những điểm chưa phù hợp, đề nghị các cơ
quan, tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Công nghiệp để kịp thời xem xét, bổ sung
hoặc sửa đổi./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Đỗ Hữu Hào
|
PHỤ LỤC
1
YÊU CẦU CƠ BẢN VỀ KỸ THUẬT AN
TOÀN ĐỐI VỚI TRẠM NẠP KHÍ DẦU MỎ HOÁ LỎNG VÀO CHAI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 36 /2006/QĐ-BC
ngày 16 tháng 10 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp)
I- YÊU CẦU
CHUNG ĐỐI VỚI TRẠM NẠP VÀ KHO CHỨA
1. Cấm không được
bố trí trạm nạp, kho chứa LPG ở tầng hầm, dưới mặt đất hoặc ở trên các tầng phía
trên của nhà nhiều tầng.
2. Các kho chứa của
trạm nạp phải có thiết bị kiểm tra nồng độ propan để phát hiện kịp thời sự rò rỉ.
3. Sàn trạm nạp,
kho chứa phải vững chắc, bằng phẳng, không trơn trượt, bằng hoặc cao hơn mặt bằng
xung quanh, làm bằng vật liệu không cháy.
4. Khu vực nạp và
kho chứa phải có hàng rào bao quanh với 2 cửa ra vào. Độ cao hàng rào tối thiểu
là 2m.
Cửa và cổng ra vào
của khu vực trạm nạp, kho chứa phải mở được cả hai phía ngoài, trong và không
có cơ cấu tự hãm.
5. Khi thải nước từ
trạm nạp ra hệ thống thải chung phải sử dụng thiết bị chuyên dùng để ngăn không
cho hơi thoát vào hệ thống thải.
6. Hệ thống nối đất
chống sét đánh thẳng có điện trở nối đất không lớn hơn 10W. Hệ thống nối đất an toàn phải
có điện trở nối đất không lớn hơn 4W. Tất cả phần kim loại không mang điện của các thiết bị điện và cột bơm
đều phải nối với hệ nối đất an toàn. Tại vị trí nạp LPG phải nối hệ tĩnh điện với
các phương tiện nạp LPG.
7. Thiết bị điện
và thiết bị điện chiếu sáng trong khu vực nạp, tồn chứa LPG phải là loại chống
cháy nổ, phù hợp với các tiêu chuẩn liên quan.
8. Bồn chứa, hệ thống
bồn chứa phải được thiết kế, chế tạo lắp đặt, bảo trì, kiểm tra và thử nghiệm định
kỳ theo TCVN 6153 ¸ 6156 :1996 và các quy định hiện hành trong các tiêu chuẩn kỹ thuật
liên quan.
9. Phải treo biển
cấm lửa, hướng dẫn chữa cháy tại các vị trí dễ thấy.
10. Phải có biện
pháp loại trừ tất cả các nguồn gây cháy trong khu vực bố trí thiết bị nạp, kho
chứa và phải trang bị các phương tiện chữa cháy theo yêu cầu của các cơ quan có
thẩm quyền.
II- YÊU CẦU ĐỐI
VỚI THIẾT BỊ NẠP, HỆ THỐNG ỐNG DẪN VÀ THIẾT BỊ PHỤ
1. Thiết bị nạp phải
có các thiết bị kiểm tra đo lường để kiểm soát quá trình nạp nói chung và mức nạp
nói riêng.
2. Trên từng nhánh
nạp phải lắp van đóng ngắt ngay phía trước thiết bị được nạp.
3. Trong hệ thống
nạp phải lắp đặt hệ thống đóng ngắt sự cố trên đường cấp lỏng. Kích thước cơ cấu
đóng sự cố phải đảm bảo 150% lưu lượng nạp tối đa.
4. Cân dùng trong
hệ thống nạp LPG vào chai phải được bảo dưỡng và kiểm định định kỳ theo các quy
định của cơ quan quản lý nhà nước về đo lường.
III- YÊU CẦU ĐỐI
VỚI BỒN CHỨA
1. Các bồn chứa
LPG phải được đặt ở ngoài trời, bên ngoài nhà hoặc bên ngoài các công trình xây
dựng kín, không đặt trên nóc nhà, dưới cầu hoặc đường dây tải điện trên không.
2. Các bồn chứa
không được đặt chồng lên nhau. Các bồn chứa đặt nổi trên mặt đất phải có bệ đỡ
chắc chắn. Bệ đỡ phải phẳng và chịu được tải trọng nước tối đa của bồn chứa.
3. Khi khu bồn chứa
LPG đặt tại những nơi có đường qua lại để vào bệnh viện, trường học, trung tâm
thương mại v.v.. thì xung quanh khu chứa phải có hàng rào bảo vệ kiểu hở, có độ
cao ít nhất 2m và cách bồn chứa tối thiểu 1,5m.
4. Số lượng bồn chứa
nổi trong một cụm không được quá 6 bồn, dung tích mỗi bồn không quá 135m3.
Các bồn chứa nằm ngang không được đặt nối đuôi nhau và không được đặt thẳng
hàng theo trục dọc hướng về phía nhà ở hoặc các công trình dịch vụ.
5. Các bồn chứa
LPG không được đặt trong khu vực mà xung quanh là các bồn chứa chất lỏng dễ
cháy, khí dễ cháy làm lạnh sâu, oxy lỏng hoặc các chất có nhiệt độ thấp hoặc
LPG lạnh.
6. Khoảng phân
cách an toàn cho khu bồn chứa được quy định tại bảng 1 trong TCVN 6486:1999;
Khoảng phân cách an toàn từ bồn chứa được quy định tại bảng 2 và bảng 4 trong
TCVN 6486:1997.
7. Tất cả các bồn
chứa phải lắp ít nhất một dụng cụ đo mức chất lỏng và một đồng hồ đo áp suất.
8. Các bồn chứa phải
lắp van an toàn có kích thước phù hợp.
9. Cơ cấu đóng khẩn
cấp lắp vào bồn phải đồng bộ với hệ thống đóng khẩn cấp toàn trạm. Tất cả các
van đóng mở khẩn cấp đều phải được điều khiển từ xa và lắp đặt ở vị trí có khoảng
cách an toàn trong trường hợp sự cố bồn.
IV- YÊU CẦU TRONG BẢO QUẢN
1. Kho bảo quản chai chứa LPG phải
đảm bảo các khoảng cách an toàn quy định trong bảng 1 của TCVN 6304:1997.
2. Không được bảo quản các chất ô
xy hoá cùng với LPG.
3. Kho phải có nguồn nước chữa
cháy đối với kho chứa từ 25.000 kg LPG nguồn nước phải đảm bảo cung cấp 2.300
lít nước/phút và liên tục trong 60 phút.
V- YÊU CẦU ĐỐI VỚI NGƯỜI VẬN HÀNH
1. Những người làm việc liên quan
tới quá trình nạp, phân phối LPG phải được đào tạo về chuyên môn, kỹ thuật an
toàn và kỹ thuật phòng chống cháy nổ.
2. Nội dung chính về huấn luyện
chuyên môn, kỹ thuật an toàn và phòng chống cháy nổ quy định tại mục 4.5 của
TCVN 6485:1999 và các văn bản liên quan.
PHỤ LỤC 2
MẪU ĐƠN ĐỀ NGHỊ CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN ĐỦ ĐIỀU
KIỆNAN TOÀN NẠP KHÍ DẦU MỎ HOÁ LỎNG VÀO CHAI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 36 /2006/QĐ-BCNngày 16 tháng10 năm 2006
của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp)
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập -Tự do - Hạnh phúc
….., ngày …tháng …năm…..
ĐƠN ĐỀ NGHỊ
Cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn nạp khí dầu mỏ
hoá lỏng vào chai
Kính gửi: ……………………………….…………………..(1)
Tên doanh nghiệp: ........................................................................
Giấy đăng ký kinh doanh số ……………..do………….……...(2)
cấp ngày....................................
Trụ sở chính:
.................................................................................
Điện thoại: ……………………………, FAX: ………………
Ngành nghề kinh doanh:
.....................................................................
Đề nghị ................................................…(1)
xem xét và cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn nạp khí dầu mỏ hoá lỏng vào
chai cho:
Trạm nạp:………………………………………………………
Địa chỉ :……………………………………………………………
đủ điều kiện an toàn để nạp khí dầu mỏ hoá lỏng vào chai theo quy định tại
Quyết định số …/2006/QĐ-BCN ngày …/10/2006 của Bộ Công nghiệp.
Hồ sơ gửi kèm, gồm:
- ……………….
- ………………
……………………(3)
|
Ký tên và đóng dấu
Họ và tên
|
Chú thích:
(1) – Tên cơ quan cấp giấy chứng nhận.
(2) - Tên cơ quan cấp giấy đăng ký kinh doanh..
(3) - Chủ doanh nghiệp
PHỤ LỤC
3
MẪU GIẤY CHỨNG NHẬN ĐỦ ĐIỀU KIỆN
AN TOÀN NẠP KHÍ DẦU MỎ HOÁ LỎNG VÀO CHAI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 36 /2006/QĐ-BCNngày 16 tháng 10 năm 2006 của
Bộ trưởng Bộ Công nghiệp)
………………….(1)
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
|
Số:
/CNĐĐK-…..(2)
|
………,
ngày…tháng…năm …
|
GIẤY
CHỨNG NHẬN ĐỦ ĐIỀU KIỆN AN TOÀN NẠP KHÍ DẦU MỎ HOÁ LỎNG VÀO CHAI
…………………………………..(3)
Căn cứ
..................................................................................................(4);
Căn cứ Quyết định số
/2006/QĐ-BCN ngày /10/2006 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp ban hành Quy chế quản
lý kỹ thuật an toàn về nạp khí dầu mỏ hoá lỏng vào chai;
Xét đề nghị cấp giấy chứng nhận
đủ điều kiện an toàn nạp khí dầu mỏ hoá lỏng vào chai
ngày.....tháng….năm.......của………………………........(5);
Theo đề nghị của ...................................................................................(6),
QUYẾT
ĐỊNH:
Điều 1. Chứng nhận trạm nạp
.......................................................….......;
thuộc
…………………………………………………….…..………...........(5);
Trụ sở tại………………………..……………………………………..
..;
Giấy chứng nhận đăng ký kinh
doanh số……. do …………………(7) cấp ngày….. tháng….. năm….
Đủ điều kiện an toàn để nạp khí
dầu mỏ hoá lỏng vào chai vận chuyển được có dung tích chứa nước nhỏ hơn 150
lít.
Điều 2. Điều kiện sản xuất
Địa điểm trạm nạp.....................................................................................;.
Thương hiệu và nhãn hiệu đăng
ký………………………………………;
……………………………(5)
phải thực hiện đúng các quy định tại tiêu chuẩn Việt Nam và các quy định khác có
liên quan; đảm bảo an toàn, phòng chống cháy nổ và trật tự an ninh xã hội.
Điều 3. Giấy chứng nhận
này có giá trị đến ngày…. tháng … năm…../.
|
……………………(3)
(Ký tên và đóng dấu)
Họ và tên
|
Chú thích:
(1) - Tên cơ quan cấp giấy chứng nhận.
(2) - Tên viết tắt của cơ quan cấp giấy chứng nhận.
(3) - Thủ trưởng cơ quan cấp giấy chứng nhận.
(4) - Văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ
quan cấp giấy chứng nhận.
(5) - Tên tổ chức, cá nhân được cấp giấy chứng nhận.
(6) - Thủ trưởng cơ quan tiếp nhận, thẩm định hồ sơ và trình cơ quan cấp
giấy chứng nhận.
(7) - Tên cơ quan cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
(8) - Tên các tổ chức có liên quan.
(9) - Tên viết tắt của cơ quan tiếp nhận, thẩm định hồ sơ và trình cơ quan cấp
giấy chứng nhận và số lượng giấy chứng nhận lưu.