BỘ
KHOA HỌC VÀ
CÔNG NGHỆ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
3056/QĐ-BKHCN
|
Hà
Nội, ngày 30 tháng 09 năm 2011
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC SỬA ĐỔI TÊN, PHÊ DUYỆT MỤC TIÊU, NỘI DUNG VÀ DỰ KIẾN
SẢN PHẨM CỦA CHƯƠNG TRÌNH KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TRỌNG ĐIỂM CẤP NHÀ NƯỚC GIAI ĐOẠN
2011 - 2015: “NGHIÊN CỨU PHÁT TRIỂN VÀ ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SINH HỌC”
BỘ TRƯỞNG BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
Căn cứ Nghị định số
28/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ;
Căn cứ Quyết định số 1244/QĐ-TTg
ngày 25 tháng 7 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương hướng, mục
tiêu, nhiệm vụ khoa học và công nghệ chủ yếu giai đoạn 2011-2015;
Căn cứ Quyết định số
2850/QĐ-BKHCN ngày 15 tháng 9 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ
phê duyệt Danh mục các Chương trình Khoa học và Công nghệ cấp Nhà nước giai đoạn
2011-2015;
Xét đề nghị của các ông Vụ trưởng
Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật, Vụ Khoa học Xã hội và Tự
nhiên, Vụ Công nghệ cao, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Kế hoạch - Tài chính và Giám đốc
Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp nhà nước,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Sửa đổi tên Chương trình Khoa học và Công nghệ trọng điểm
cấp nhà nước mã số KC.04/11-15 “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ
sinh học” (tên cũ), nêu tại “Danh mục các Chương trình Khoa học và Công nghệ trọng
điểm cấp nhà nước giai đoạn 2011 - 2015” ban hành kèm theo Quyết định số
2850/QĐ-BKHCN ngày 15 tháng 9 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ,
thành “Nghiên cứu phát triển và ứng dụng
công nghệ sinh học” (tên
mới).
Điều 2.
Phê duyệt mục tiêu, nội dung và dự kiến sản phẩm của
Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp nhà nước giai đoạn 2011 -
2015: “Nghiên cứu phát triển và ứng dụng
công nghệ sinh học”, mã
số: KC.04/11-15 (Phụ lục kèm theo).
Điều 3.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Các ông Vụ
trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật, Vụ Khoa học Xã hội
và Tự nhiên, Vụ Công nghệ cao, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Chủ
nhiệm Chương trình KC.04/11-15, Giám đốc Văn phòng các Chương trình trọng điểm
cấp nhà nước, Chánh Văn phòng Bộ, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ,
Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định
này.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố;
- Văn phòng Chính phủ;
- UB KHCNMT của Quốc hội;
- Ban Khoa giáo Trung ương;
- Hội đồng CSKH&CNQG;
- Lưu VT, Vụ KH-TC.
|
KT.
BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Chu Ngọc Anh
|
PHỤ LỤC
MỤC TIÊU, NỘI DUNG VÀ DỰ KIẾN SẢN PHẨM CỦA CHƯƠNG TRÌNH
KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TRỌNG ĐIỂM CẤP NHÀ NƯỚC GIAI ĐOẠN 2011 - 2015: “NGHIÊN CỨU
PHÁT TRIỂN VÀ ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ SINH HỌC” - MÃ SỐ: KC.04/11-15
(Kèm theo Quyết định số 3056/BKHCN ngày 30 tháng 9 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ
Khoa học và Công nghệ)
I. MỤC TIÊU
1. Phát triển được các công nghệ nền
của công nghệ sinh học (ưu tiên công nghệ gen, enzym - protein) trong nghiên cứu
phát triển công nghệ và ứng dụng đối với các lĩnh vực: Y tế, nông nghiệp, công
nghiệp chế biến, bảo vệ môi trường, an ninh quốc phòng.
2. Tạo được quy trình công nghệ, vật
liệu, sản phẩm trên nền công nghệ hiện đại phục vụ cho y tế, nông nghiệp, công
nghiệp và an ninh quốc phòng.
3. Tạo được một số công nghệ có triển
vọng ứng dụng cao và một số nhóm nghiên cứu trẻ có năng lực nghiên cứu mạnh
trên cơ sở kết quả thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học công nghệ tiềm
năng.
II. NHỮNG NỘI
DUNG CHÍNH
1. Nghiên cứu hệ gen và công nghệ
chuyển gen:
- Nghiên cứu ứng dụng công nghệ
chuyển gen, công nghệ bất hoạt gen trong cải biến giống vi sinh vật, cây trồng
và vật nuôi;
- Xây dựng hệ thống chỉ thị phân tử
phục vụ nông nghiệp và y tế;
- Chẩn đoán và điều trị bệnh bằng kỹ
thuật gen;
- Nghiên cứu giải trình tự gen: giải
mã một số đối tượng cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao (lúa, cà phê).
2. Nghiên cứu xây dựng quy trình
công nghệ sản xuất protein và vắc-xin tái tổ hợp:
- Nghiên cứu tạo các protein tái tổ
hợp dùng trong chẩn đoán, điều trị bệnh và phục vụ công tác chọn giống vật
nuôi, cây trồng.
- Nghiên cứu quy trình công nghệ chế
tạo vắc-xin thế hệ mới (tái tổ hợp) phòng chống dịch bệnh nguy hiểm và bệnh mới
phát sinh trên động vật và ở người.
3. Nghiên cứu phát triển công nghệ
vi sinh theo định hướng công nghiệp sinh học:
- Nghiên cứu phát triển các sản phẩm
vi sinh vật phục vụ sản xuất enzym, thuốc sâu, bệnh sinh học, vắc xin, bảo quản
chế biến;
- Nghiên cứu công nghệ sản xuất các
màng sinh học dùng trong y học, sản xuất và đời sống.
4. Nghiên cứu và phát triển công
nghệ tế bào:
- Công nghệ tiên tiến nhân nhanh giống
cây trồng quy mô công nghiệp và nhân sinh khối cây dược liệu quý phục vụ công
nghiệp dược.
- Công nghệ nhân dòng tế bào phục vụ
tạo chế phẩm sinh học.
III. DỰ KIẾN KẾT
QUẢ
1. Sản phẩm quy trình công nghệ:
- Quy trình công nghệ, phần mềm
phân tích chức năng gen cây trồng: năng suất, tính kháng bệnh …;
- Quy trình công nghệ tạo protein
và vắc-xin tái tổ hợp;
- Quy trình công nghệ tạo các chủng
vi sinh vật tái tổ hợp mang gen chuyển;
- Quy trình và hệ thống công nghệ
tiên tiến nhân nhanh giống cây trồng chất lượng cao và sạch bệnh, quy trình
công nghệ nhân sinh khối các cây dược liệu quý.
2. Sản phẩm ứng dụng:
- Sản phẩm về công nghệ gen: Có tối
thiểu 3 dòng cây trồng chuyển gen có triển vọng làm vật liệu cho công tác giống
(lúa, ngô, cam …); tối thiểu 02 bộ kít chẩn đoán gen, 02 bộ kít dạng que nhúng
(quick stick);
- Marker phân tử: ít nhất 02 bộ
marker phân tử phục vụ nông nghiệp, y tế;
- Sản phẩm về công nghệ protein: Có
tối thiểu 3 protein, 3 hoạt chất sinh học được ứng dụng trong chẩn đoán, điều
trị bệnh ở người, vật nuôi, cây trồng;
- Sản phẩm công nghệ vi sinh vật, định
hướng phát triển công nghiệp sinh học: có ít nhất 02 vắc-xin thế hệ mới cho người,
động vật; 02 enzyme tái tổ hợp cho công nghiệp và 03 loại thuốc bảo vệ thực vật
sinh học được dùng rộng rãi phục vụ sản xuất nông nghiệp an toàn;
- Sản phẩm về công nghệ tế bào: có
ít nhất 02 hệ thống tiên tiến về nhân nhanh giống cây trồng chất lượng cao, sạch
bệnh, 02 hệ thống bioreactor nhân sinh khối cây dược liệu.
IV. CÁC CHỈ TIÊU
ĐÁNH GIÁ CHƯƠNG TRÌNH
1. Chỉ tiêu về trình độ khoa học:
- 100% các nhiệm vụ có bài báo công
bố trên các tạp chí chuyên ngành trong đó có 25% số đề tài có bài báo đăng trên
các tạp chí quốc tế;
- Có ít nhất 1 hội thảo khoa học quốc
tế, 03 hội thảo khoa học có tính liên ngành, các hội thảo có xuất bản kỷ yếu.
2. Chỉ tiêu về trình độ công nghệ:
Các sản phẩm công nghệ tiếp cận nhu
cầu thực tiễn và khả năng cạnh tranh cao tiến tới thay thế các sản phẩm cùng loại
trong khu vực và thương mại hóa được.
3. Chỉ tiêu về sở hữu trí tuệ:
60% nhiệm vụ có công nghệ được chấp
nhận đơn yêu cầu bảo hộ sở hữu công nghiệp. Trong đó 15% nhiệm vụ có công nghệ
được công nhận sáng chế hoặc giải pháp hữu ích;
4. Chỉ tiêu về đào tạo:
- 100% đề tài, 40% dự án SXTN tham
gia đào tạo tiến sĩ và thạc sĩ;
- Xây dựng được ít nhất 7 - 10 nhóm
nghiên cứu trẻ có năng lực nghiên cứu mạnh, đảm bảo thực hiện hiệu quả nhiệm vụ
khoa học và công nghệ thuộc lĩnh vực công nghệ sinh học.
5. Chỉ tiêu về cơ cấu nhiệm vụ và
phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ khi kết thúc chương trình:
- 50% các nhiệm vụ có công nghệ/sản
phẩm có thể tiếp tục phát triển, trong đó 1/2 nhiệm vụ có công nghệ được tiếp tục
phát triển và ứng dụng trong các chương trình công nghệ sinh học chuyên ngành:
Y tế, Nông nghiệp, môi trường, chế biến …;
- 30% các nhiệm vụ có công nghệ/sản
phẩm được sản xuất thử nghiệm quy mô pilot;
- 20% các nhiệm vụ có sản phẩm được
thương mại hóa, trong đó có 1/2 nhiệm vụ phát triển theo hướng công nghiệp sinh
học;
- 2-3 doanh nghiệp KHCN được hình
thành trên cơ sở kết quả, sản phẩm khoa học của các đề tài, dự án thuộc Chương
trình./.