Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 24/2024/QĐ-TTg Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ Người ký: Trần Hồng Hà
Ngày ban hành: 27/12/2024 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 24/2024/QĐ-TTg

Hà Nội ngày 27 tháng 12 năm 2024

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH BỘ CHỈ TIÊU GIÁM SÁT, ĐÁNH GIÁ VỀ NÔNG NGHIỆP, NÔNG DÂN VÀ NÔNG THÔN

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Thống kê ngày 23 tháng 11 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê ngày 12 tháng 11 năm 2021;

Căn cứ Nghị định số 94/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thống kê;

Căn cứ Nghị định số 94/2022/NĐ-CP ngày 07 tháng 11 năm 2022 của Chính phủ quy định nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và quy trình biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước, chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

Căn cứ Nghị định số 62/2024/NĐ-CP ngày 07 tháng 6 năm 2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều, phụ lục của Nghị định số 94/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thống kê và Nghị định số 94/2022/NĐ-CP ngày 07 tháng 11 năm 2022 của Chính phủ quy định nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và quy trình biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước, chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định ban hành Bộ chỉ tiêu giám sát, đánh giá về nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Bộ chỉ tiêu giám sát, đánh giá về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, gồm:

1. Danh mục chỉ tiêu giám sát, đánh giá về nông nghiệp, nông dân và nông thôn gồm 51 chỉ tiêu quy định tại Phụ lục I.

2. Nội dung chỉ tiêu giám sát, đánh giá về nông nghiệp, nông dân và nông thôn gồm khái niệm, phương pháp tính; phân tổ chủ yếu; kỳ công bố; nguồn số liệu và cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp quy định tại Phụ lục II.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương

a) Theo dõi, đôn đốc, tổng hợp thông tin từ các bộ, ngành liên quan, báo cáo Chính phủ tình hình thực hiện Quyết định này.

b) Thu thập, tổng hợp thông tin thống kê đối với các chỉ tiêu được phân công phụ trách.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê)

a) Thu thập, tổng hợp thông tin thống kê và cung cấp cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tình hình thực hiện các chỉ tiêu được phân công phụ trách.

b) Hướng dẫn thực hiện về chuyên môn nghiệp vụ Bộ chỉ tiêu giám sát, đánh giá về nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

3. Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan có liên quan thu thập, tổng hợp thông tin thống kê và cung cấp cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tình hình thực hiện các chỉ tiêu được phân công phụ trách.

4. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện phối hợp thu thập thông tin các chỉ tiêu thuộc bộ chỉ tiêu này.

Điều 3. Điều khoản thi hành

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 02 năm 2025.

2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;

- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT,
các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, NN (2b).

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Trần Hồng Hà

PHỤ LỤC I

DANH MỤC CHỈ TIÊU GIÁM SÁT, ĐÁNH GIÁ VỀ NÔNG NGHIỆP, NÔNG DÂN VÀ NÔNG THÔN
(Kèm theo Quyết định số 24/2024/QĐ-TTg ngày 27 tháng 12 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ)

Số thứ tự

số

Mã chỉ tiêu thống kê quốc gia tương ứng

Nhóm, tên chỉ tiêu

01. Nông nghiệp

01

0101

Tỷ trọng lao động có việc làm trong ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản so với tổng lao động có việc làm trong nền kinh tế

02

0102

0203

Tỷ lệ lao động trong ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản đã qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ

03

0103

Tốc độ tăng giá trị xuất khẩu ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản

04

0104

Tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản

05

0105

0208

Năng suất lao động ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản

06

0106

0401

Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản

07

0107

Số lượng doanh nghiệp, cơ sở chế biến nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản

08

0108

Số lượng doanh nghiệp nông nghiệp được công nhận là doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao

09

0109

Số lượng hợp tác xã nông nghiệp

10

0110

Doanh thu bình quân của hợp tác xã nông nghiệp

11

0111

Số lượng trang trại

12

0112

Giá trị sản phẩm và dịch vụ bình quân của trang trại

13

0113

Số lượng tổ hợp tác

14

0114

Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết

15

0115

0303

Số hộ, số lao động kinh tế cá thể nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản

16

0116

Diện tích rừng đạt chứng chỉ quản lý bền vững

17

0117

2102

Tỷ lệ che phủ rừng

18

0118

Tỷ lệ diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển so với diện tích tự nhiên vùng ven biển quốc gia

19

0119

0814

Tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả và bền vững

20

0120

Tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp được áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước

21

0121

Tỷ lệ diện tích cây trồng được cơ giới hóa đồng bộ

22

0122

Diện tích các loại cây trồng được chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) và tương đương

23

0123

Tỷ lệ cơ sở chăn nuôi được chứng nhận thực hành chăn nuôi tốt (VietGAHP) và tương đương

24

0124

Diện tích nuôi trồng thủy sản được chứng nhận thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (VietGAP) và tương đương

25

0125

Số lượng sản phẩm OCOP được công nhận 3 sao trở lên

26

0126

2105

Diện tích đất bị thoái hoá

27

0127

Diện tích đất bị ô nhiễm

28

0128

Tổng lượng phát thải khí nhà kính lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất

29

0129

Lượng phát thải khí metan trong trồng trọt, chăn nuôi

02. Nông dân và nông thôn

30

0201

0109

Tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh ở nông thôn

31

0202

Số lao động nông thôn được đào tạo nghề trong năm

32

0203

0204

Tỷ lệ thất nghiệp ở nông thôn

33

0204

0205

Tỷ lệ thiếu việc làm ở nông thôn

34

0205

Tốc độ tăng giá trị sản phẩm công nghiệp nông thôn

35

0206

Tốc độ tăng giá trị sản phẩm dịch vụ nông thôn

36

0207

Số làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận ở nông thôn

37

0208

Số lao động thường xuyên làm việc trong làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận ở nông thôn

38

0209

Số đơn vị cấp xã có sản phẩm OCOP

39

0210

1802

Tỷ lệ nghèo đa chiều ở nông thôn

40

0211

1804

Thu nhập bình quân đầu người 01 tháng ở nông thôn

41

0212

1807

Tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn

42

0213

Tỷ lệ người dân nông thôn tham gia bảo hiểm y tế/bảo hiểm xã hội

43

0214

Tỷ lệ xã được công nhận đạt tiêu chí quốc gia về y tế

44

0215

Tỷ lệ xã có nhà văn hóa hoặc hội trường đa năng và sân thể thao phục vụ sinh hoạt văn hóa thể thao của toàn xã

45

0216

Tỷ lệ đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn/ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới

46

0217

Tỷ lệ đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao

47

0218

Tỷ lệ xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới trên tổng số xã

48

0219

Tỷ lệ xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trên tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới

49

0220

Tỷ lệ xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu trên tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới

50

0221

2107

Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt ở nông thôn được thu gom, xử lý

51

0222

Tỷ lệ làng nghề/khu chăn nuôi tập trung/nuôi trồng thủy sản tập trung ở nông thôn có hệ thống thu gom, xử lý nước thải, rác thải tập trung

PHỤ LỤC II

NỘI DUNG CHỈ TIÊU GIÁM SÁT, ĐÁNH GIÁ VỀ NÔNG NGHIỆP, NÔNG DÂN VÀ NÔNG THÔN
(Kèm theo Quyết định số 24/2024/QĐ-TTg ngày 27 tháng 12 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ)

01. Nông nghiệp

0101. Tỷ trọng lao động có việc làm trong ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản so với tổng lao động có việc làm trong nền kinh tế

1. Khái niệm, phương pháp tính

Tỷ trọng lao động có việc làm trong ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản so với tổng lao động có việc làm trong nền kinh tế là tỷ lệ phần trăm số lao động có việc làm trong ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản so với tổng số lao động có việc làm trong nền kinh tế.

Tỷ trọng lao động có việc làm trong ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản so với tổng lao động có việc làm trong nền kinh tế (%)

=

Số lao động có việc làm trong ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản

× 100

Tổng số lao động có việc làm trong nền kinh tế

2. Kỳ công bố: Năm.

3. Nguồn số liệu: Điều tra lao động và việc làm.

4. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê).

0102. Tỷ lệ lao động trong ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản đã qua đào tạo có bằng, chứng chỉ

1. Khái niệm, phương pháp tính

Lao động trong ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản đã qua đào tạo có bằng, chứng chỉ là lao động trong ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản từ 15 tuổi trở lên có việc làm hoặc thất nghiệp, đã từng theo học và tốt nghiệp chương trình đào tạo chuyên môn kỹ thuật thuộc hệ thống giáo dục quốc dân đồng thời được cấp một trong các loại bằng hoặc chứng chỉ sau: Sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, tiến sĩ khoa học.

Công thức tính:

Tỷ lệ lao động trong ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản đã qua đào tạo có bằng, chứng chỉ (%)

=

Số lao động trong ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản đã qua đào tạo có bằng, chứng chỉ

× 100

Lực lượng lao động

2. Phân tổ chủ yếu

- Giới tính;

- Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

- Vùng kinh tế - xã hội.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu: Điều tra lao động và việc làm.

5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê).

0103. Tốc độ tăng giá trị xuất khẩu ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản

1. Khái niệm, phương pháp tính

Tốc độ tăng giá trị xuất khẩu ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản là tỷ lệ phần trăm tăng lên của giá trị xuất khẩu nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản của kỳ này so với giá trị xuất khẩu nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản của cùng kỳ năm trước.

Công thức tính:

Tốc độ tăng giá trị xuất khẩu ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (%)

=

Giá trị xuất khẩu nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản năm t

× 100 - 100

Giá trị xuất khẩu nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản năm (t-1)

2. Phân tổ chủ yếu: Nhóm mặt hàng chủ yếu.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu: Chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia.

5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp

- Chủ trì: Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê);

- Phối hợp: Bộ Tài chính.

0104. Tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản

1. Khái niệm, phương pháp tính

a) Tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản

Tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (VAnn) là tỷ lệ phần trăm tăng lên của giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản của kỳ này so với giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản của cùng kỳ năm trước.

Tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản được tính theo giá so sánh theo công thức sau:

Tốc độ tăng VAnn (%)

=

VAnnn1

× 100 - 100

VAnnn0

Trong đó:

VAnnn1: VA theo giá so sánh của năm báo cáo;

VAnnn0: VA theo giá so sánh của năm trước năm báo cáo.

b) Tốc độ tăng VAnn bình quân theo thời kỳ (nhiều năm)

Công thức tính:

Trong đó:

GY: Tốc độ tăng VAnn bình quân năm theo thời kỳ; từ năm sau năm gốc so sánh đến năm thứ n;

VAnnn: VAnn theo giá so sánh năm cuối (năm thứ n) của thời kỳ nghiên cứu;

VAnn0: VAnn theo giá so sánh năm gốc so sánh của thời kỳ nghiên cứu;

n: Số năm tính từ năm sau năm gốc so sánh cho đến năm báo cáo.

2. Phân tổ chủ yếu

- Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

- Vùng kinh tế - xã hội.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu

- Kết quả các cuộc điều tra thống kê trong Chương trình điều tra thống kê quốc gia;

- Chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia;

- Dữ liệu hành chính.

5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê).

0105. Năng suất lao động ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản

1. Khái niệm, phương pháp tính

Năng suất lao động ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản phản ánh hiệu suất làm việc của lao động ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, thường đo bằng tổng giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tính bình quân một lao động đang làm việc ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản trong thời kỳ tham chiếu.

Công thức tính:

Năng suất lao động ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản

=

Tổng giá trị tăng thêm trong kỳ ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản

Tổng số lao động làm việc bình quân trong kỳ ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản

2. Phân tổ chủ yếu

- Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

- Vùng kinh tế - xã hội.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu

- Điều tra lao động và việc làm;

- Kết quả các cuộc điều tra thống kê trong Chương trình điều tra thống kê quốc gia.

5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê).

0106. Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản

1. Khái niệm, phương pháp tính

Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản là toàn bộ tiền vốn bỏ ra (chi tiêu) để làm tăng hoặc duy trì năng lực sản xuất cho ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản trong một thời kỳ nhất định (tháng, quý, năm).

Nội hàm của vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản gồm các nội dung sau:

a) Vốn đầu tư tạo ra tài sản cố định là chi phí làm tăng thêm giá trị tài sản cố định, gồm vốn đầu tư xây dựng mới nhà cửa, vật kiến trúc, mua sắm tài sản cố định không qua xây dựng cơ bản và chi phí cho sửa chữa lớn tài sản cố định (tức là những chi phí bằng tiền để tạo mới, mở rộng, xây dựng lại, khôi phục hoặc nâng cấp năng lực sản xuất của tài sản cố định cho ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản). Toàn bộ chi phí cho việc thăm dò, khảo sát thiết kế và quy hoạch xây dựng chuẩn bị cho việc đầu tư cũng như chi phí lắp đặt máy móc thiết bị cũng được tính vào khoản mục này.

b) Vốn đầu tư làm tăng tài sản lưu động là chi phí duy trì và phát triển sản xuất gồm vốn đầu tư mua nguyên liệu, vật liệu chính, vật liệu phụ, nhiên liệu, phụ tùng thay thế, vật liệu thiết bị xây dựng cơ bản. Đây là khoản chênh lệch tồn kho của vốn lưu động được bổ sung trong kỳ nghiên cứu.

c) Vốn đầu tư thực hiện khác gồm tất cả các khoản đầu tư của xã hội nhằm tăng năng lực phát triển cho ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản.

Trên phạm vi quốc gia, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản không gồm những khoản đầu tư có tính chất chuyển nhượng quyền sử dụng hoặc quyền sở hữu giữa các cá nhân, hộ dân cư, các doanh nghiệp, tổ chức,… nhưng không làm tăng tài sản cố định, tài sản lưu động của toàn bộ nền kinh tế trong phạm vi cả nước, như: Chuyển nhượng đất đai, nhà ở, cửa hàng, thiết bị máy móc và các tài sản cố định khác đã qua sử dụng.

Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản được phân tổ theo: Loại hình kinh tế; ngành kinh tế (ngành cấp 2); tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được đầu tư và vùng kinh tế - xã hội.

- Chia theo loại hình kinh tế, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chia thành 3 loại hình kinh tế:

+ Vốn đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước;

+ Vốn đầu tư của khu vực kinh tế ngoài nhà nước;

+ Vốn đầu tư của khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

- Chia theo ngành kinh tế: Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản được chia theo ngành kinh tế cấp 2 trong hệ thống ngành kinh tế Việt Nam.

2. Phân tổ chủ yếu

- Ngành kinh tế (ngành cấp 2);

- Loại hình kinh tế;

- Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

- Vùng kinh tế - xã hội.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu

- Tổng điều tra kinh tế;

- Điều tra doanh nghiệp;

- Điều tra vốn đầu tư thực hiện;

- Dữ liệu hành chính.

5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê).

0107. Số lượng doanh nghiệp, cơ sở chế biến nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản

1. Khái niệm, phương pháp tính

Số lượng doanh nghiệp, cơ sở chế biến nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản là số doanh nghiệp, cơ sở có hoạt động sơ chế và chế biến nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản được hạch toán độc lập thuộc các loại hình doanh nghiệp, hợp tác xã,… có đăng ký hoạt động kinh doanh theo quy định.

2. Phân tổ chủ yếu

- Lĩnh vực: Trồng trọt, chăn nuôi, lâm sản, thủy sản;

- Sản phẩm, nhóm sản phẩm;

- Quy mô, công suất;

- Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

3. Kỳ công bố: 5 năm.

4. Nguồn số liệu

- Điều tra doanh nghiệp;

- Điều tra nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ;

- Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp.

5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê).

0108. Số lượng doanh nghiệp nông nghiệp được công nhận là doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao

1. Khái niệm, phương pháp tính

Doanh nghiệp nông nghiệp được công nhận là doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao là doanh nghiệp đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 19 Luật Công nghệ cao, cụ thể:

- Ứng dụng công nghệ cao thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển quy định tại Điều 5 của Luật Công nghệ cao để sản xuất sản phẩm nông nghiệp;

- Tạo ra sản phẩm nông nghiệp có chất lượng, năng suất, giá trị và hiệu quả cao, doanh thu từ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của doanh nghiệp đạt ít nhất 60% trong tổng số doanh thu thuần hằng năm;

- Có hoạt động nghiên cứu, thử nghiệm ứng dụng công nghệ cao, chuyển giao công nghệ để sản xuất sản phẩm nông nghiệp, tổng chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển được thực hiện tại Việt Nam trên tổng doanh thu thuần hàng năm đạt ít nhất 0,5%; số lao động có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên trực tiếp thực hiện nghiên cứu và phát triển trên tổng số lao động của doanh nghiệp đạt ít nhất 2,5%;

- Áp dụng các biện pháp thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng trong sản xuất và quản lý chất lượng sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam hoặc tiêu chuẩn quốc tế.

2. Phân tổ chủ yếu

- Ngành kinh tế: Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản;

- Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu: Chế độ báo cáo thống kê ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

0109. Số lượng hợp tác xã nông nghiệp

1. Khái niệm, phương pháp tính

Hợp tác xã (sau đây viết gọn là HTX) là tổ chức có tư cách pháp nhân do ít nhất 05 thành viên chính thức tự nguyện thành lập, hợp tác tương trợ trong sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung về kinh tế, văn hóa, xã hội của thành viên, góp phần xây dựng cộng đồng xã hội phát triển bền vững; thực hiện quản trị tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ theo quy định tại khoản 7 Điều 4 Luật Hợp tác xã.

Hợp tác xã nông nghiệp là HTX đang hoạt động và có hoạt động chính là sản xuất, kinh doanh, cung ứng dịch vụ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, gồm:

- Hợp tác xã nông nghiệp là HTX có hoạt động sản xuất trồng trọt (trồng cây hằng năm, cây lâu năm; nhân và chăm sóc cây giống nông nghiệp) và dịch vụ trồng trọt có liên quan; dịch vụ sau thu hoạch; xử lý hạt giống để nhân giống; sản xuất chăn nuôi (trâu, bò, ngựa, lừa, la, dê, cừu, lợn, gia cầm và chăn nuôi khác); dịch vụ chăn nuôi có liên quan; săn bắt, đánh bẫy và hoạt động dịch vụ có liên quan.

- Hợp tác xã lâm nghiệp là HTX có hoạt động sản xuất lâm nghiệp (trồng và chăm sóc rừng; khai thác gỗ và lâm sản khác; thu nhặt sản phẩm từ rừng không phải gỗ và lâm sản khác) và dịch vụ lâm nghiệp có liên quan.

- Hợp tác xã thủy sản là HTX có hoạt động nuôi trồng thủy sản (nuôi trồng thủy sản biển, nội địa; sản xuất giống thủy sản); khai thác thủy sản (khai thác thủy sản biển và nội địa, bao gồm cả bảo quản thủy sản ngay trên tàu đánh cá).

2. Phân tổ chủ yếu

- Ngành kinh tế;

- Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu

- Điều tra doanh nghiệp;

- Điều tra nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ;

- Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp.

5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê).

0110. Doanh thu bình quân của hợp tác xã nông nghiệp

1. Khái niệm, phương pháp tính

Doanh thu của hợp tác xã nông nghiệp là toàn bộ số tiền hợp tác xã nông nghiệp thu được trong một thời kỳ nhất định (thường là một năm), phát sinh từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã nông nghiệp.

Doanh thu của hợp tác xã nông nghiệp bao gồm doanh thu của tất cả các hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ do hợp tác xã nông nghiệp thực hiện.

Công thức tính:

Tổng doanh thu trong năm của hợp tác xã nông nghiệp

=

Doanh thu bình quân của các hợp tác xã nông nghiệp

Tổng số hợp tác xã nông nghiệp đang hoạt động

2. Phân tổ chủ yếu

- Ngành kinh tế: Nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản;

- Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu: Điều tra doanh nghiệp.

5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê).

0111. Số lượng trang trại

1. Khái niệm, phương pháp tính

Trang trại là một đơn vị sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp đáp ứng các tiêu chí kinh tế trang trại quy định, cụ thể như sau:

(1) Đối với trang trại chuyên ngành:

a) Trồng trọt: Giá trị sản xuất bình quân phải đạt từ 1,0 tỷ đồng/năm trở lên và tổng diện tích đất sản xuất từ 1,0 ha trở lên;

b) Chăn nuôi: Giá trị sản xuất bình quân phải đạt từ 2,0 tỷ đồng/năm trở lên và đạt quy mô chăn nuôi trang trại theo quy định tại Điều 52 Luật Chăn nuôi và văn bản hướng dẫn;

c) Lâm nghiệp: Giá trị sản xuất bình quân đạt từ 1,0 tỷ đồng/năm trở lên và tổng diện tích đất sản xuất từ 10,0 ha trở lên;

d) Nuôi trồng thủy sản: Giá trị sản xuất bình quân phải đạt từ 2,0 tỷ đồng/năm trở lên và tổng diện tích đất sản xuất từ 1,0 ha trở lên;

đ) Sản xuất muối: Giá trị sản xuất bình quân đạt 0,35 tỷ đồng/năm trở lên và tổng diện tích đất sản xuất từ 1,0 ha trở lên.

(2) Đối với trang trại tổng hợp: Giá trị sản xuất bình quân phải đạt từ 2,0 tỷ đồng/năm trở lên và tổng diện tích đất sản xuất từ 1,0 ha trở lên.

Trang trại được phân làm 2 loại: Trang trại chuyên ngành và trang trại tổng hợp.

- Trang trại chuyên ngành được xác định theo lĩnh vực sản xuất (như trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, diêm nghiệp) và tỷ trọng giá trị sản xuất của lĩnh vực chiếm trên 50% cơ cấu giá trị sản xuất của trang trại trong năm. Trang trại chuyên ngành được phân loại như sau:

+ Trang trại trồng trọt;

+ Trang trại chăn nuôi;

+ Trang trại lâm nghiệp;

+ Trang trại nuôi trồng thủy sản;

+ Trang trại sản xuất muối.

- Trang trại tổng hợp là trang trại trong đó không có lĩnh vực sản xuất nào có tỷ trọng giá trị sản xuất chiếm trên 50% cơ cấu giá trị sản xuất của trang trại trong năm.

2. Phân tổ chủ yếu

- Lĩnh vực hoạt động: Trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, diêm nghiệp (sản xuất muối) và tổng hợp;

- Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

3. Kỳ công bố: 5 năm.

4. Nguồn số liệu

- Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp;

- Điều tra nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ.

5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê).

0112. Giá trị sản phẩm và dịch vụ bình quân của trang trại

1. Khái niệm, phương pháp tính

Giá trị sản phẩm và dịch vụ của trang trại được hiểu là toàn bộ giá trị tính bằng tiền VNĐ của các sản phẩm và dịch vụ mà trang trại làm ra trong một thời kỳ nhất định, thường là một năm.

Giá trị sản phẩm và dịch vụ trong năm của trang trại được tính bằng tổng giá trị sản phẩm và dịch vụ các kỳ thu hoạch hoặc khai thác trong năm. Đối với trang trại mới thành lập chưa có sản phẩm thu hoạch, giá trị sản phẩm được ước tính căn cứ vào phương án sản xuất, tình hình triển khai thực tế của trang trại.

Công thức tính:

Giá trị sản phẩm và dịch vụ bình quân của trang trại

=

Tổng giá trị sản phẩm và dịch vụ trong năm của các trang trại

Tổng số trang trại

2. Phân tổ chủ yếu

- Lĩnh vực hoạt động: Trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, diêm nghiệp (sản xuất muối) và tổng hợp;

- Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

3. Kỳ công bố: 5 năm.

4. Nguồn số liệu

- Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp;

- Điều tra nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ.

5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê).

0113. Số lượng tổ hợp tác

1. Khái niệm, phương pháp tính

Tổ hợp tác là tổ chức không có tư cách pháp nhân, được hình thành trên cơ sở hợp đồng hợp tác do ít nhất 02 thành viên tự nguyện thành lập, cùng góp vốn, góp sức lao động để thực hiện những công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm.

Tổ hợp tác nông nghiệp là tổ hợp tác hoạt động sản xuất, kinh doanh, cung ứng dịch vụ trong lĩnh vực nông nghiệp.

2. Phân tổ chủ yếu: Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu: Chế độ báo cáo thống kê ngành Kế hoạch và Đầu tư.

5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Cục Kinh tế hợp tác).

0114. Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết

1. Khái niệm, phương pháp tính

Hợp tác và liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp là việc thỏa thuận, tự nguyện cùng đầu tư, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của nông dân, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân khác có liên kết để nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp.

Hợp tác và liên kết trong phạm vi chỉ tiêu này là hình thức liên kết trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (sau đây gọi tắt là nông nghiệp) theo chuỗi từ cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, sản xuất, sơ chế hoặc chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Các hình thức hợp tác và liên kết cụ thể:

- Liên kết từ cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, thu hoạch, sơ chế hoặc chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

- Liên kết cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

- Liên kết tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

- Liên kết cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

- Liên kết tổ chức sản xuất, thu hoạch, sơ chế hoặc chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

- Liên kết cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, sơ chế hoặc chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

- Liên kết sơ chế hoặc chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết là tỷ lệ phần trăm giá trị sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản được sản xuất dưới một trong các hình thức hợp tác và liên kết so với tổng giá trị sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản được sản xuất trong cùng một thời kỳ.

Công thức tính:

Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết (%)

Giá trị sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết

× 100

Tổng giá trị sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản được sản xuất trong cùng một thời kỳ

2. Phân tổ chủ yếu: Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

3. Kỳ công bố: 5 năm.

4. Nguồn số liệu

- Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp;

- Điều tra nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ.

5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê).

0115. Số hộ, số lao động kinh tế cá thể nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản

1. Khái niệm, phương pháp tính

a) Số hộ kinh tế cá thể nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản

Hộ kinh tế cá thể nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản là những hộ có toàn bộ hoặc phần lớn lao động của hộ là lao động nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản. Các thành viên của hộ tự tổ chức sản xuất, tự quyết định mọi vấn đề về sản xuất của hộ.

Hộ kinh tế cá thể nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản gồm những hộ tiến hành các hoạt động:

- Nông nghiệp và hoạt động dịch vụ có liên quan:

+ Trồng cây hằng năm;

+ Trồng cây lâu năm;

+ Nhân và chăm sóc cây giống nông nghiệp;

+ Chăn nuôi;

+ Trồng trọt, chăn nuôi hỗn hợp;

+ Dịch vụ nông nghiệp, gồm: Dịch vụ trồng trọt, dịch vụ chăn nuôi, dịch vụ sau thu hoạch; xử lý hạt giống để nhân giống;

+ Săn bắt, đánh bẫy và hoạt động dịch vụ có liên quan.

- Lâm nghiệp và hoạt động dịch vụ có liên quan:

+ Trồng rừng, chăm sóc rừng và ươm giống cây lâm nghiệp;

+ Khai thác gỗ;

+ Khai thác, thu nhặt lâm sản khác trừ gỗ;

+ Dịch vụ lâm nghiệp.

- Khai thác, nuôi trồng thủy sản:

+ Khai thác thủy sản, gồm: Khai thác thủy sản biển; khai thác thủy sản nội địa;

+ Nuôi trồng thủy sản, gồm: Nuôi trồng thủy sản biển; nuôi trồng thủy sản nội địa.

b) Số lao động trong các hộ kinh tế cá thể nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản

Số lao động trong các hộ kinh tế cá thể nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản là tất cả những người từ đủ 15 tuổi trở lên của các hộ kinh tế cá thể nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản trong kỳ báo cáo.

2. Phân tổ chủ yếu

- Quy mô;

- Ngành kinh tế;

- Thành thị/nông thôn;

- Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

- Vùng kinh tế - xã hội.

Riêng lao động phân tổ thêm: Giới tính, nhóm tuổi (kỳ công bố 10 năm).

3. Kỳ công bố: 5 năm.

4. Nguồn số liệu

- Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp;

- Điều tra nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ.

5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê).

0116. Diện tích rừng đạt chứng chỉ quản lý bền vững

1. Khái niệm, phương pháp tính

Chứng chỉ quản lý rừng bền vững là văn bản công nhận một diện tích rừng nhất định đáp ứng các tiêu chí về quản lý rừng bền vững.

Diện tích rừng đạt chứng chỉ quản lý bền vững là tổng diện tích rừng được đánh giá và cấp giấy xác nhận đạt tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững do cơ quan có thẩm quyền công nhận theo quy định của các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

2. Phân tổ chủ yếu

- Loại rừng: Sản xuất, phòng hộ, đặc dụng;

- Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu: Chế độ báo cáo thống kê ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

0117. Tỷ lệ che phủ rừng

1. Khái niệm, phương pháp tính

Tỷ lệ che phủ rừng là tỷ lệ phần trăm giữa diện tích rừng hiện có so với tổng diện tích đất tự nhiên trên một phạm vi địa lý nhất định.

Công thức tính:

Tỷ lệ che phủ rừng (%)

=

Diện tích rừng hiện có

x100

Tổng diện tích đất tự nhiên

2. Phân tổ chủ yếu

- Nguồn gốc hình thành: Rừng tự nhiên và rừng trồng;

- Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

- Vùng kinh tế - xã hội.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu: Điều tra, kiểm kê rừng.

5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

0118. Tỷ lệ diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển so với diện tích tự nhiên vùng ven biển quốc gia

1. Khái niệm, phương pháp tính

Khu bảo tồn biển, ven biển là loại hình khu bảo tồn thiên nhiên, được xác lập ranh giới trên biển, đảo, quần đảo, ven biển để bảo vệ đa dạng sinh học biển (khoản n6 Điều 3 Luật Thủy sản). Khu bảo tồn biển, ven biển bao gồm vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài - sinh cảnh, khu bảo vệ cảnh quan. Việc phân cấp khu bảo tồn biển thực hiện theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học. Diện tích các khu bảo tồn biển là diện tích của phần biển, đảo, quần đảo, ven biển của các khu bảo tồn biển để bảo vệ đa dạng sinh học biển.

Tỷ lệ diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển so với diện tích tự nhiên vùng ven biển quốc gia là tỷ lệ phần trăm giữa diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển so với diện tích tự nhiên vùng ven biển quốc gia.

Tỷ lệ diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển so với diện tích tự nhiên vùng ven biển quốc gia (%)

=

Diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển

x100

Diện tích tự nhiên vùng ven biển quốc gia

2. Kỳ công bố: 5 năm.

3. Nguồn số liệu: Chế độ báo cáo thống kê ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

4. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

0119. Tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả và bền vững

1. Khái niệm, phương pháp tính

Tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả và bền vững là tỷ lệ phần trăm giữa diện tích đất sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả và bền vững so với tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp.

Công thức tính:

Tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả và bền vững (%)

=

Diện tích đất sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả và bền vững

x100

Tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp

Đất sản xuất nông nghiệp gồm đất trồng cây hằng năm và đất trồng cây lâu năm. Đất trồng cây hằng năm bao gồm đất trồng lúa, đất trồng cây hằng năm khác.

Chỉ tiêu này được tính dựa trên kết quả điều tra mẫu thông qua 11 chỉ tiêu thành phần tương ứng với 11 chủ đề thuộc 3 khía cạnh kinh tế, xã hội, môi trường.

Khía cạnh

Chủ đề

Chỉ tiêu thành phần

Kinh tế

Năng suất đất

Giá trị sản phẩm trên một hecta

Lợi nhuận

Thu nhập ròng

Khả năng thích ứng và phục hồi

Cơ chế giảm thiểu rủi ro

Môi trường

Sức khỏe của đất

Tỷ lệ thoái hóa đất

Sử dụng nước

Sự ổn định của nguồn nước tưới

Rủi ro ô nhiễm phân bón

Sử dụng phân bón

Rủi ro thuốc bảo vệ thực vật

Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật

Đa dạng sinh học

Áp dụng hỗ trợ đa dạng sinh học trong sản xuất nông nghiệp

Xã hội

Việc làm tốt

Tiền công, tiền lương trong nông nghiệp

An ninh lương thực, thực phẩm

An ninh lương thực, thực phẩm theo thang đo trải nghiệm mất an ninh lương thực (FIES)

Quyền sử dụng đất

Đảm bảo quyền sử dụng đất

Tỷ lệ đất sản xuất nông nghiệp hiệu quả và bền vững được tính cho từng chỉ tiêu thành phần và phân loại theo 03 mức độ: Cao, chấp nhận được và không bền vững, dựa trên phân loại và tổng hợp diện tích theo 03 mức độ từ cấp độ nông trại (là cơ sở có sử dụng đất sản xuất nông nghiệp trong thời gian tham chiếu, gồm hộ, hợp tác xã, doanh nghiệp,…). Tổng các tỷ lệ theo các mức độ hiệu quả và bền vững cao, chấp nhận được và không bền vững của mỗi chỉ tiêu thành phần bằng 100%.

Tỷ lệ đất sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả và bền vững (SDG 2.4.1) bằng tổng tỷ lệ sản xuất hiệu quả và bền vững ở mức cao và chấp nhận được của chỉ tiêu thành phần mà tổng tỷ lệ sản xuất hiệu quả và bền vững ở mức cao và chấp nhận được của nó thấp nhất trong 11 chỉ tiêu thành phần.

Công thức tính:

Trong đó:

SDG241a+d: Tỷ lệ đất sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả và bền vững.

SId : Tỷ lệ đất sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả và bền vững ở mức cao của chỉ tiêu thành phần thứ n.

SIa : Tỷ lệ đất sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả và bền vững ở mức chấp nhận được của chỉ tiêu thành phần thứ n.

n: Số chỉ tiêu thành phần.

Tính tỷ lệ đất sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả và bền vững của mỗi chỉ tiêu thành phần:

Mẫu số ở tất cả các chỉ tiêu thành phần là diện tích đất sản xuất nông nghiệp của

các nông trại trong danh sách mẫu.

Tử số của mỗi chỉ tiêu thành phần theo từng mức độ sản xuất hiệu quả và bền vững cao, trung bình, không bền vững lần lượt là tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp của các nông trại trong danh sách mẫu được phân loại sản xuất hiệu quả và bền vững theo mức độ cao, chấp nhận được, không bền vững. Mỗi nông trại được phân loại sản xuất hiệu quả và bền vững theo tiêu chí của từng chỉ tiêu thành phần.

Công thức tính:

Trong đó:

SId; SIa ; SIu : Lần lượt là tỷ lệ đất sản xuất nông nghiệp hiệu quả và bền vững ở mức cao, chấp nhận được, không bền vững;

m: Số nông trại trong danh sách điều tra mẫu;

d, a, u: Lần lượt là số nông trại được phân loại hiệu quả và bền vững ở mức cao; chấp nhận được, không bền vững (d+a+u = m);

A: Diện tích đất sản xuất nông nghiệp của mỗi nông trại.

Bộ tiêu chí phân loại hiệu quả và bền vững dựa trên phương pháp luận của Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) xây dựng. Cụ thể như sau:

STT

Chỉ tiêu thành phần

Tiêu chí sản xuất hiệu quả và bền vững

(Tiêu chí phân loại hiệu quả bền vững ở cấp nông trại)

1

Giá trị sản phẩm trên một hecta

Mỗi nông trại sẽ tính giá trị sản phẩm trên 01 hecta đất sản xuất nông nghiệp, tập hợp thành 01 dãy số liệu về giá trị sản phẩm trên một hecta, từ đó tìm ra giá trị tương ứng với phân vị 90 của dãy số liệu đó.

Phân loại hiệu quả và bền vững ở cấp nông trại:

Mức độ cao: Giá trị sản phẩm trên 01 đơn vị diện tích của nông trại ≥ 2/3 giá trị của phân vị 90;

Chấp nhận được: Giá trị sản phẩm trên 01 đơn vị diện tích của nông trại ≥ 1/3 giá trị của phân vị 90 và < 2/3 giá trị của phân vị 90;

Không bền vững: Giá trị sản phẩm trên 01 đơn vị diện tích của nông trại < 1/3 giá trị của phân vị 90.

Thời gian tham chiếu: Năm trước liền kề năm điều tra.

2

Thu nhập ròng

Phân loại hiệu quả và bền vững ở cấp nông trại:

Mức độ cao: Trong 03 năm liên tiếp, hoạt động sản xuất nông nghiệp của nông trại có lãi ở cả 03 năm;

Chấp nhận được: Trong 03 năm liên tiếp, hoạt động sản xuất nông nghiệp của nông trại có lãi 01 hoặc 02 năm;

Không bền vững: Trong 03 năm liên tiếp, hoạt động sản xuất nông nghiệp của nông trại không có lãi ở bất kỳ năm nào.

Thời gian tham chiếu: 03 năm trước liền kề năm điều tra.

3

Cơ chế giảm thiểu rủi ro

Chỉ tiêu thành phần này đo lường các cơ chế giảm thiểu rủi ro sau:

- Tiếp cận được với tín dụng;

- Tiếp cận được với bảo hiểm;

- Đa dạng hóa trong sản xuất của trang trại (tỷ trọng của một loại sản phẩm nông nghiệp không lớn hơn 66% trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của nông trại).

Phân loại hiệu quả và bền vững ở cấp nông trại:

Mức độ cao: Nông trại đảm bảo được 02 trong 03 cơ chế;

Chấp nhận được: Nông trại đảm bảo được 01 cơ chế;

Không bền vững: Nông trại không đảm bảo được cơ chế nào.

Thời gian tham chiếu: Năm trước liền kề năm điều tra.

4

Tỷ lệ thoái hóa đất

Chỉ tiêu thành phần này đo lường tỷ lệ đất bị thoái hóa do các vấn đề liên quan đến xói mòn đất, giảm độ phì nhiêu của đất, xâm nhập mặn, hạn hán, ô nhiễm, mất đa dạng sinh học đất,… qua đánh giá của nông trại dựa trên thực tiễn sản xuất.

Tỷ lệ đất sản xuất nông nghiệp bị thoái hóa

=

Tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị thoái hóa

× 100

Tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp

Phân loại hiệu quả và bền vững ở cấp nông trại:

Mức độ cao: Tỷ lệ thoái hóa đất <10%;

Chấp nhận được: Tỷ lệ thoái hóa đất ≥ 10% và < 50%;

Không bền vững: Tỷ lệ thoái hóa đất ≥ 50%.

Thời gian tham chiếu: 03 năm trước liền kề năm điều tra.

5

Sự ổn định của nguồn nước tưới

Chỉ tiêu thành phần này đánh giá sự ổn định của nguồn nước tưới dưới 03 góc độ: Tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới tiêu; sự sụt giảm của mực nước ngầm, sông, suối; tổ chức phân bổ nguồn nước tưới có hiệu quả hay không thông qua đánh giá của nông trại dựa trên thực tiễn sản xuất.

Phân loại hiệu quả và bền vững ở cấp nông trại:

Mức độ cao: Nguồn nước tưới ổn định qua các năm;

Chấp nhận được: Nguồn nước tưới không ổn định qua các năm hoặc không rõ là có ổn định hay không nhưng có tổ chức phân phối nước đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước cho tưới tiêu;

Không bền vững: Các trường hợp còn lại.

Thời gian tham chiếu: 03 năm trước liền kề năm điều tra.

6

Sử dụng phân bón

Chỉ tiêu thành phần này đánh giá rủi ro về ô nhiễm phân bón thông qua bộ chỉ tiêu về “Biện pháp giảm thiểu tác hại của phân bón đến môi trường” thông qua đánh giá của nông trại dựa trên thực tiễn sản xuất.

Phân loại nông trại:

Mức độ cao: Nông trại thực hiện ít nhất bốn biện pháp để giảm thiểu rủi ro ô nhiễm môi trường;

Chấp nhận được: Nông trại thực hiện 02 - 03 biện pháp để giảm thiểu rủi ro ô nhiễm môi trường;

Không bền vững: Nông trại chỉ thực hiện 01 biện pháp hoặc không thực hiện bất kỳ biện pháp nào để giảm thiểu rủi ro ô nhiễm môi trường.

Thời gian tham chiếu: Năm trước liền kề năm điều tra.

7

Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật

Chỉ tiêu thành phần này đánh giá rủi ro về ô nhiễm thuốc bảo vệ thực vật thông qua bộ chỉ tiêu về “Biện pháp giảm thiểu tác hại của thuốc bảo vệ thực vật liên quan đến sức khỏe” và “Biện pháp giảm thiểu các tác hại của thuốc bảo vệ thực vật liên quan đến môi trường” thông qua đánh giá của nông trại.

Phân loại hiệu quả và bền vững ở cấp nông trại:

Mức độ cao: Nông trại tuân thủ cả 03 biện pháp liên quan đến sức khỏe và ít nhất 04 biện pháp liên quan đến môi trường;

Chấp nhận được: Nông trại thực hiện 02 hoặc 03 biện pháp liên quan đến sức khỏe và 02 hoặc 03 biện pháp liên quan đến môi trường;

Không bền vững: Nông trại chỉ thực hiện 01 biện pháp hoặc không thực hiện bất kỳ biện pháp nào liên quan đến sức khỏe và chỉ thực hiện 1 biện pháp hoặc không thực hiện bất kỳ biện pháp nào liên quan đến môi trường.

Thời gian tham chiếu: Năm trước liền kề năm điều tra.

8

Áp dụng hỗ trợ đa dạng sinh học trong sản xuất nông nghiệp

Chỉ tiêu thành phần này đánh giá mức độ hiệu quả và bền vững về đa dạng sinh học trong sản xuất với 05 tiêu chí:

- Để lại ít nhất 10% diện tích cho thảm thực vật tự nhiên hoặc đa dạng;

- Nông trại sản xuất các sản phẩm nông nghiệp được chứng nhận hữu cơ, hoặc các sản phẩm của nó đang trải qua quá trình chứng nhận;

- Nông trại không sử dụng các chất kháng khuẩn quan trọng về mặt y tế làm chất kích thích tăng trưởng;

- Ít nhất hai nhóm sản phẩm chiếm tỷ trọng từ 10% trở lên;

- Thực hành luân canh trên ít nhất 80% diện tích canh tác của nông trại trong thời gian 03 năm (không bao gồm cây trồng lâu năm và đồng cỏ lâu dài) trong thời gian 03 năm;

- Sử dụng giống thuần chủng.

Phân loại hiệu quả và bền vững ở cấp nông trại:

Mức độ cao: Đáp ứng từ 03 tiêu chí trở lên;

Chấp nhận được: Đáp ứng 02 tiêu chí;

Không bền vững: Không đáp ứng bất kỳ tiêu chí nào.

9

Tiền công, tiền lương trong nông nghiệp

Phân loại nông trại:

Mức độ cao: Mức tiền công, tiền lương của lao động cao hơn mức lương tối thiểu của quốc gia hoặc mức lương tối thiểu của ngành nông nghiệp;

Bền vững mức độ chấp nhận được: Mức tiền công, tiền lương của lao động bằng mức lương tối thiểu của quốc gia hoặc mức lương tối thiểu của ngành nông nghiệp;

Không bền vững: Mức tiền công, tiền lương của lao động thấp hơn mức lương tối thiểu của quốc gia hoặc mức lương tối thiểu của ngành nông nghiệp.

10

Thang đo trải nghiệm mất an ninh lương thực, thực phẩm (FIES)

Chỉ tiêu thành phần này đánh giá mức độ hiệu quả và bền vững ở cấp nông trại thông qua trải nghiệm mất an ninh lương thực của các thành viên trong nông trại theo thang đo và phân loại FIES.

Mức độ cao: Nông trại không rơi vào tình trạng mất an ninh lương thực, thực phẩm hoặc chỉ rơi vào tình trạng mất an ninh dạng nhẹ;

Chấp nhận được: Tình trạng mất an ninh lương thực, thực phẩm ở nông trại là vừa phải;

Không bền vững: Tình trạng mất an ninh lương thực, thực phẩm của nông trại là nghiêm trọng.

11

Đảm bảo quyền sử dụng đất

Chỉ tiêu thành phần này đánh giá mức độ hiệu quả và bền vững ở cấp nông trại thông qua 04 tiêu chí:

- Giấy tờ hợp pháp về đất sản xuất nông nghiệp;

- Tên của các thành viên của nông trại trên giấy tờ hợp pháp (có quyền hoặc đồng quyền sở hữu hoặc sở hữu quyền sử dụng đất);

- Quyền bán;

- Quyền thừa kế.

Phân loại nông trại:

Mức độ cao: Có giấy tờ hợp pháp với tên chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu quyền sử dụng trên đó hoặc có quyền bán bất kỳ mảnh đất sản xuất nông nghiệp nào hoặc có quyền thừa kế bất kỳ mảnh đất sản xuất nông nghiệp nào;

Chấp nhận được: Có giấy tờ hợp pháp ngay cả khi thành viên của nông trại không được ghi tên là chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu quyền sử dụng;

Không bền vững: Các trường hợp còn lại.

2. Phân tổ chủ yếu

- Chỉ tiêu thành phần;

- Vùng kinh tế - xã hội.

3. Kỳ công bố: 5 năm.

4. Nguồn số liệu

- Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp;

- Điều tra nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ.

5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê).

0120. Tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp được áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước

1. Khái niệm, phương pháp tính

Công nghệ tưới tiết kiệm nước là việc áp dụng quy trình kỹ thuật và thiết bị tiên tiến để tưới theo phương pháp nhỏ giọt, phun mưa, tưới ngầm, bảo đảm cấp nước theo nhu cầu của cây trồng cạn hoặc tưới ướt - khô xen kẽ cho cây lúa phù hợp từng giai đoạn sinh trưởng kết hợp với các biện pháp canh tác tiên tiến trong nông nghiệp.

Căn cứ vào đặc tính của thiết bị tưới và hình thức phân phối nước từ thiết bị tưới mà kỹ thuật tưới tiết kiệm nước có thể được phân chia ra 4 loại: Tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa cục bộ, tưới ngầm cục bộ, nông lộ phơi.

- Tưới nhỏ giọt là kỹ thuật tưới cung cấp nước vào đất dưới dạng các giọt nước nhỏ ra từ thiết bị tạo giọt đặt trên mặt đất gần gốc cây.

- Tưới phun mưa cục bộ là kỹ thuật tưới cung cấp nước cho cây trồng dưới dạng các hạt mưa hoặc hạt sương rơi trên một diện tích nhỏ xung quanh gốc cây trồng.

- Tưới ngầm cục bộ là kỹ thuật tưới đưa nước vào đất dưới dạng các giọt nước ra thường xuyên từ thiết bị tưới đặt dưới mặt đất ở vùng rễ cây hoạt động.

- Tưới nước nông lộ phơi hay còn gọi là tưới ướt khô xen kẽ thường được áp dụng trong canh tác lúa nước nhưng không phải lúc nào cũng cần đưa nước ngập ruộng mà căn cứ vào từng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa để điều tiết nước phù hợp, trong đó có những giai đoạn rút nước cho bằng hoặc thấp hơn mặt ruộng.

Công thức tính:

Tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp được áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước (%)

=

Diện tích đất sản xuất nông nghiệp thực tế được áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước (Ha)

× 100

Tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp (Ha)

2. Phân tổ chủ yếu

- Loại cây trồng;

- Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

- Vùng kinh tế - xã hội.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu: Báo cáo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

0121. Tỷ lệ diện tích cây trồng được cơ giới hóa đồng bộ

1. Khái niệm, phương pháp tính

Tỷ lệ diện tích cây trồng được cơ giới hóa đồng bộ là tỷ lệ phần trăm giữa diện tích cây trồng của một loại cây trồng ở các khâu trong sản xuất nông nghiệp được làm bằng máy so với tổng diện tích cây trồng của loại cây trồng đó trong vụ hoặc năm.

Công thức tính:

Tỷ lệ diện tích cây trồng được cơ giới hóa đồng bộ trong khâu i (%)

=

Diện tích cây trồng được làm bằng máy trong khâu i

× 100

Tổng diện tích cây trồng

2. Phân tổ chủ yếu

- Loại cây trồng;

- Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

- Vùng kinh tế - xã hội.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu

- Chế độ báo cáo thống kê ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn;

- Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp;

- Điều tra nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ.

5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp

- Chủ trì: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

- Phối hợp: Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê).

0122. Diện tích các loại cây trồng được chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) và tương đương

1. Khái niệm, phương pháp tính

Cơ sở được chứng nhận áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) là cơ sở được tổ chức chứng nhận VietGAP cấp giấy chứng nhận phù hợp Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) 11892-1:2017 Thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) Phần 1: Trồng trọt.

Diện tích cây trồng được chứng nhận VietGAP là diện tích cây trồng được tổ chức chứng nhận VietGAP chứng nhận phù hợp TCVN 11892-1:2017.

Tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt tương đương VietGAP như: GlobalG.A.P, ASIAGAP, ASEANGAP, Rainforest Allinace, 4C, UTZ, trồng trọt hữu cơ (theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11041-2:2017) và các GAP khác.

Diện tích các loại cây trồng được chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) và tương đương được tính cộng dồn diện tích cây trồng được chứng nhận VietGAP hoặc chứng nhận khác tương đương (đang còn hiệu lực) trên địa bàn trong kỳ báo cáo.

2. Phân tổ chủ yếu

- Loại cây trồng (rau, quả, lúa, chè, cây trồng khác);

- Loại chứng nhận (Chứng nhận VietGAP; chứng nhận khác);

- Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

3. Kỳ công bố: 5 năm.

4. Nguồn số liệu

- Chế độ báo cáo thống kê ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn;

- Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp;

- Điều tra nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ.

5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp

- Chủ trì: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

- Phối hợp: Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê).

0123. Tỷ lệ cơ sở chăn nuôi được chứng nhận thực hành chăn nuôi tốt và tương đương

1. Khái niệm, phương pháp tính

Quy trình thực hành chăn nuôi tốt (VietGAHP) là những nguyên tắc, trình tự, thủ tục hướng dẫn tổ chức, cá nhân sản xuất áp dụng trong chăn nuôi nhằm đảm bảo loại động vật được nuôi dưỡng, để đạt được các yêu cầu về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo phúc lợi xã hội, sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và truy nguyên nguồn gốc sản phẩm.

Quy trình thực hành chăn nuôi tốt hoặc các quy trình chăn nuôi khác tương đương như AseanGAP, GlobalGAP, chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, chăn nuôi hữu cơ (theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11041-3:2017)…

Tỷ lệ cơ sở chăn nuôi được chứng nhận thực hành chăn nuôi tốt và tương đương được tính toán theo công thức:

Tỷ lệ cơ sở chăn nuôi được chứng nhận thực hành chăn nuôi tốt và tương đương (%)

=

Số lượng cơ sở chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP và tương đương

× 100

Tổng số cơ sở chăn nuôi

2. Phân tổ chủ yếu

- Loại vật nuôi;

- Loại chứng nhận;

- Loại hình chăn nuôi;

- Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

3. Kỳ công bố: 5 năm.

4. Nguồn số liệu

- Chế độ báo cáo thống kê ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn;

- Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp;

- Điều tra nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ.

5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp

- Chủ trì: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

- Phối hợp: Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê).

0124. Diện tích nuôi trồng thủy sản được chứng nhận thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (VietGAP) và tương đương

1. Khái niệm, phương pháp tính

Thực hành nuôi trồng thủy sản tốt tại Việt Nam (VietGAP) là quy phạm thực hành ứng dụng trong nuôi trồng thủy sản nhằm bảo đảm các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, giảm thiểu dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường sinh thái, bảo đảm trách nhiệm xã hội và truy nguyên nguồn gốc sản phẩm.

Diện tích nuôi trồng thủy sản áp dụng quy trình thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (VietGAP) và tương đương là diện tích mặt nước ngọt, nước lợ và nước mặn được sử dụng vào mục đích nuôi trồng thủy sản đạt các tiêu chuẩn chứng nhận thực hành nuôi trồng thủy sản tốt và tương đương.

Tiêu chuẩn thực hành nuôi trồng thủy sản tương đương VietGAP như các tiêu chuẩn ASC (do Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản được thành lập bởi Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên WWF và Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững Hà Lan IDH xây dựng và ban hành); tiêu chuẩn BAP (thực hành nuôi trồng thủy sản tốt nhất do Liên minh Nuôi trồng thủy sản toàn cầu GAA xây dựng và ban hành); tiêu chuẩn nuôi trồng thủy sản hữu cơ…

2. Phân tổ chủ yếu

- Loại chứng nhận;

- Loài thủy sản;

- Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

3. Kỳ công bố: 5 năm.

4. Nguồn số liệu

- Chế độ báo cáo thống kê ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn;

- Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp;

- Điều tra nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ.

5. Đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp

- Chủ trì: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

- Phối hợp: Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê).

0125. Số lượng sản phẩm OCOP được công nhận 3 sao trở lên

1. Khái niệm, phương pháp tính

Sản phẩm OCOP là sản phẩm tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm và được cấp có thẩm quyền đánh giá, phân hạng.

Số lượng sản phẩm OCOP được công nhận 3 sao trở lên là tổng số sản phẩm được đánh giá, phân hạng từ 3 sao trở lên còn hiệu lực theo quy định tại Quyết định số

148/QĐ-TTg ngày 24/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ về Bộ tiêu chí và quy định đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm, hoặc văn bản mới thay thế có hiệu lực thi hành.

Sản phẩm đạt Hạng 3 sao là sản phẩm được Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định công nhận đạt từ 50 đến 69 điểm theo Bộ Tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm;

Sản phẩm đạt Hạng 4 sao là sản phẩm được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định công nhận đạt từ 70 đến 89 điểm theo Bộ Tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm;

Sản phẩm đạt Hạng 5 sao là sản phẩm được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định công nhận đạt từ 90 đến 100 điểm theo Bộ Tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm.

Bộ Tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm được quy định tại Quyết định số 1048/QĐ-TTg ngày 22/8/2019 về việc ban hành Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm và Quyết định số 781/QĐ-TTg ngày 08/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Phụ lục Quyết định số 1048/QĐ-TTg ngày 21/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ Tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm.

2. Phân tổ chủ yếu

- Hạng: 3 sao, 4 sao, 5 sao;

- Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu: Chế độ báo cáo thống kê ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

0126. Diện tích đất bị thoái hoá

1. Khái niệm, phương pháp tính

Đất bị thoái hóa là đất bị thay đổi những đặc tính và tính chất vốn có ban đầu (theo chiều hướng xấu) do sự tác động của điều kiện tự nhiên và con người.

Thoái hoá đất có khả năng xảy ra trên tất cả các loại đất: Đất sản xuất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản, đất bằng chưa sử dụng, đất đồi núi chưa sử dụng.

Đất bị thoái hóa gồm các loại hình sau: Đất bị khô hạn, hoang mạc hóa; đất bị hoang hóa; sạt lở đất; kết von, đá ong hóa; đất bị chai cứng, chặt bí; ô nhiễm đất; xói mòn đất; đất bị ngập úng; đất bị mặn hóa; đất bị phèn hóa.

Công thức tính:

Diện tích đất bị thoái hóa

=

Diện tích đất bị thoái hóa nhẹ

+

Diện tích đất bị thoái hóa trung bình

+

Diện tích đất bị thoái hóa nặng

Tổng hợp phân hạng mức độ thoái hóa đất (đất bị thoái hoá nặng, thoái hoá trung bình, thoái hoá nhẹ) theo quy định kỹ thuật về điều tra thoái hóa đất của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

2. Phân tổ chủ yếu

- Loại hình thoái hoá;

- Loại đất (Đất sản xuất nông nghiệp/đất lâm nghiệp/đất nuôi trồng thủy sản/đất bằng chưa sử dụng/đất đồi núi chưa sử dụng);

- Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

- Vùng kinh tế - xã hội.

3. Kỳ công bố: 5 năm.

4. Nguồn số liệu: Chế độ báo cáo thống kê ngành tài nguyên và môi trường.

5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Bộ Tài nguyên và Môi trường.

0127. Diện tích đất bị ô nhiễm

1. Khái niệm, phương pháp tính

Ô nhiễm đất là sự gia tăng hàm lượng của một số chất, hợp chất so với tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam cho phép, làm nhiễm bẩn đất.

Các loại hình ô nhiễm đất:

- Đất bị ô nhiễm kim loại nặng là đất có hàm lượng của một trong các kim loại: arsen (As), cadimi (Cd), đồng (Cu), chì (Pb), kẽm (Zn) vượt tiêu chuẩn cho phép.

- Đất bị ô nhiễm hóa chất sử dụng trong nông nghiệp là đất có hàm lượng của một trong các hóa chất có gốc clo hữu cơ, lân hữu cơ vượt tiêu chuẩn cho phép.

Phân cấp đánh giá mức độ ô nhiễm:

- Không ô nhiễm: Chỉ tiêu được đánh giá có giá trị nhỏ hơn 70% giá trị giới hạn cho phép.

- Cận ô nhiễm: Chỉ tiêu được đánh giá có giá trị từ 70% đến cận 100% giá trị giới hạn cho phép.

- Ô nhiễm: Chỉ tiêu được đánh giá có giá trị bằng hoặc lớn hơn giá trị giới hạn cho phép.

Nội dung, phương pháp điều tra ô nhiễm đất thực hiện theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường về kỹ thuật điều tra, đánh giá đất đai.

2. Phân tổ chủ yếu

- Loại hình ô nhiễm đất;

- Mức độ ô nhiễm đất;

- Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

- Vùng kinh tế - xã hội.

3. Kỳ công bố: 5 năm.

4. Nguồn số liệu: Chế độ báo cáo thống kê ngành tài nguyên và môi trường.

5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Bộ Tài nguyên và Môi trường.

0128. Tổng lượng phát thải khí nhà kính lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất

1. Khái niệm, phương pháp tính

Khí nhà kính là loại khí trong khí quyển gây hiệu ứng nhà kính. Khí nhà kính gồm các khí trong tự nhiên và các khí sinh ra do hoạt động của con người, hấp thụ và phát xạ bức xạ ở các bước sóng cụ thể trong khoảng phổ của bức xạ hồng ngoại nhiệt phát ra từ bề mặt trái đất, khí quyển và bởi mây. Các đặc tính này gây ra hiệu ứng nhà kính, chỉ hiệu ứng giữ nhiệt ở tầng thấp của khí quyển bởi các khí nhà kính hấp thụ bức xạ từ mặt đất phát ra và phát xạ trở lại mặt đất làm cho lớp khí quyển tầng thấp và bề mặt trái đất ấm lên. Theo Nghị định thư Kyoto, các khí thải gây hiệu ứng nhà kính chủ yếu gồm CO2, CH4, N2O, HFCs, PFCs, SF6.

Tổng lượng phát thải khí nhà kính lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất là tổng lượng khí nhà kính phát thải trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất.

Tổng lượng các khí thải hiệu ứng nhà kính lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất được tính quy đổi ra lượng khí thải CO2, được thu thập số liệu trên phạm vi cả nước.

2. Kỳ công bố: 2 năm.

3. Nguồn số liệu: Chế độ báo cáo thống kê ngành tài nguyên và môi trường.

4. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp

- Chủ trì: Bộ Tài nguyên và Môi trường;

- Phối hợp: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

0129. Lượng phát thải khí metan trong trồng trọt, chăn nuôi

1. Khái niệm, phương pháp tính

Khí metan (CH4) là một loại khí nhà kính. Ngoài ra, khí metan khi kết hợp với các chất ô nhiễm khác trong không khí có thể tạo thành khí ôzôn, gây hại cho sức khỏe con người và hệ sinh thái. Trong đó, lượng khí thải metan trong hoạt động trồng trọt và chăn nuôi là rất lớn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho môi trường.

Lượng phát thải khí metan trong trồng trọt, chăn nuôi là tổng lượng khí metan phát thải từ trồng trọt và chăn nuôi.

Lượng phát thải khí metan trong trồng trọt, chăn nuôi được tính quy đổi ra lượng khí thải CO2, được thu thập số liệu trên phạm vi cả nước.

2. Phân tổ chủ yếu: Trồng trọt/chăn nuôi.

3. Kỳ công bố: 5 năm.

4. Nguồn số liệu: Chế độ báo cáo thống kê ngành tài nguyên và môi trường.

5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp

- Chủ trì: Bộ Tài nguyên và Môi trường;

- Phối hợp: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

02. Nông dân và nông thôn

0201. Tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh ở nông thôn

1. Khái niệm, phương pháp tính

Tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh ở nông thôn là số năm trung bình mà mỗi người mới sinh ở nông thôn có triển vọng sống nếu tính theo mô hình chết quan sát được trong hiện tại. Việc tính triển vọng sống trung bình của một thế hệ mới sinh được thực hiện dựa trên kỹ thuật lập Bảng sống.

Bảng sống là bảng thống kê bao gồm những chỉ tiêu biểu thị khả năng sống của dân số khi chuyển từ độ tuổi này sang độ tuổi khác và mức độ chết của dân số ở các độ tuổi khác nhau. Bảng sống cho biết từ một tập hợp sinh ban đầu, sẽ có bao nhiêu người sống được đến 01 tuổi, 02 tuổi, ... 100 tuổi…; bao nhiêu người ở mỗi độ tuổi nhất định bị chết và không sống được đến độ tuổi sau; những người đã đạt được một độ tuổi nhất định sẽ có xác suất sống và xác suất chết như thế nào; tuổi thọ trung bình trong tương lai là bao nhiêu.

Công thức tính:

Trong đó:

e0: Tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh ở nông thôn;

T0: Tổng số năm của những người ở nông thôn mới sinh trong Bảng sống sẽ tiếp tục sống được;

l0: Số người ở nông thôn sống đến độ tuổi 0 của Bảng sống (tập hợp sinh ra sống ban đầu được quan sát).

2. Phân tổ chủ yếu

- Giới tính;

- Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

- Vùng kinh tế - xã hội.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu

- Tổng điều tra dân số và nhà ở;

- Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ;

- Điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình;

- Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp

- Chủ trì: Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê);

- Phối hợp: Bộ Công an.

0202. Số lao động nông thôn được đào tạo nghề trong năm

1. Khái niệm, phương pháp tính

Số lao động nông thôn được đào tạo nghề trong năm là số người lao động nông thôn trong năm đã tham gia các lớp, khóa học về đào tạo các kiến thực, kỹ năng, kỹ xảo một nghề nào đó.

2. Phân tổ chủ yếu

- Hình thức đào tạo;

- Ngành nghề đào tạo;

- Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu: Chế độ báo cáo thống kê ngành lao động - thương binh và xã hội.

5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

0203. Tỷ lệ thất nghiệp ở nông thôn

1. Khái niệm, phương pháp tính

Người thất nghiệp ở nông thôn là người ở nông thôn từ đủ 15 tuổi trở lên mà trong thời kỳ tham chiếu có đầy đủ cả 03 yếu tố: Hiện không làm việc, đang tìm kiếm việc làm và sẵn sàng làm việc.

Người thất nghiệp ở nông thôn còn là những người ở nông thôn hiện không có việc làm và sẵn sàng làm việc nhưng trong thời kỳ tham chiếu không đi tìm việc do đã chắc chắn có một công việc hoặc một hoạt động sản xuất kinh doanh để bắt đầu sau thời kỳ tham chiếu.

Tỷ lệ thất nghiệp ở nông thôn là tỷ lệ phần trăm giữa số người thất nghiệp ở nông thôn so với lực lượng lao động ở nông thôn.

Công thức tính:

Tỷ lệ thất nghiệp ở nông thôn (%)

=

Số người thất nghiệp ở nông thôn

× 100

Lực lượng lao động ở nông thôn

2. Phân tổ chủ yếu

- Giới tính;

- Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

- Vùng kinh tế - xã hội.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu: Điều tra lao động và việc làm.

5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê).

0204. Tỷ lệ thiếu việc làm ở nông thôn

1. Khái niệm, phương pháp tính

Số người thiếu việc làm ở nông thôn gồm những người ở nông thôn có việc làm trong thời gian tham chiếu (07 ngày trước thời điểm quan sát) thoả mãn cả 03 tiêu chuẩn sau đây:

a) Thực tế họ đã làm tất cả các công việc dưới ngưỡng thời gian 35 giờ.

b) Mong muốn làm việc thêm giờ, nghĩa là: Muốn làm thêm một (hoặc một số) công việc để tăng thêm giờ; muốn thay thế một trong số (các) công việc đang làm bằng một công việc khác để có thể tăng thêm giờ; muốn tăng thêm giờ của một trong các công việc đang làm hoặc kết hợp 3 loại mong muốn trên.

c) Sẵn sàng làm việc thêm giờ, nghĩa là: Trong thời gian tới (ví dụ trong tuần tới) nếu có cơ hội việc làm thì họ sẵn sàng làm thêm giờ.

Tỷ lệ thiếu việc làm ở nông thôn là tỷ lệ phần trăm giữa số người ở nông thôn thiếu việc làm so với tổng số lao động ở nông thôn có việc làm.

Công thức tính:

Tỷ lệ thiếu việc làm ở nông thôn (%)

=

Số người thiếu việc làm ở nông thôn

× 100

Tổng số lao động có việc làm ở nông thôn

2. Phân tổ chủ yếu

- Giới tính;

- Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

- Vùng kinh tế - xã hội.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu: Điều tra lao động và việc làm.

5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê).

0205. Tốc độ tăng giá trị sản phẩm công nghiệp nông thôn

1. Khái niệm, phương pháp tính

Tốc độ tăng giá trị sản phẩm công nghiệp nông thôn (%) là tỷ lệ phầm trăm tăng lên (hoặc giảm) của giá trị sản phẩm công nghiệp nông thôn của kỳ này so với giá trị sản phẩm công nghiệp nông thôn của cùng kỳ năm trước.

Công thức tính:

Tốc độ tăng giá trị sản phẩm công nghiệp nông thôn (%)

=

Giá trị sản phẩm công nghiệp nông thôn năm t

× 100 - 100

Giá trị sản phẩm công nghiệp nông thôn năm (t-1)

Trong đó:

Giá trị sản phẩm công nghiệp nông thôn là giá trị của những sản phẩm công nghiệp hoàn thành do các cơ sở sản xuất trong ngành công nghiệp thuộc tất cả loại hình kinh tế tạo ra/sản xuất ra trên địa bàn nông thôn trong khoảng thời gian nhất định (thường là 1 năm).

Giá trị sản phẩm công nghiệp được tính theo phương pháp phù hợp với đặc điểm ngành và mức độ khả thi của nguồn thông tin. Dưới đây là công thức tính giá trị theo từng nhóm ngành sản phẩm công nghiệp.

a) Theo giá hiện hành

Giá trị sản phẩm công nghiệp nông thôn

=

Giá trị sản phẩm công nghiệp được tạo ra từ toàn bộ doanh nghiệp, hợp tác xã, chi nhánh, trụ sở chính của doanh nghiệp ở nông thôn

+

Giá trị sản phẩm công nghiệp được tạo ra từ cơ sở cá thể hoạt động công nghiệp ở nông thôn

- Đối với doanh nghiệp, hợp tác xã:

Giá trị sản phẩm công nghiệp của doanh nghiệp, hợp tác xã, chi nhánh, trụ sở chính của doanh nghiệp ở nông thôn

=

Doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ ngành công nghiệp

+

Chênh lệch tồn kho thành phẩm sản xuất ngành công nghiệp

Trong đó:

Chênh lệch tồn kho thành phẩm ngành công nghiệp

=

Tồn kho thành phẩm công nghiệp cuối kỳ

-

Tồn kho thành phẩm công nghiệp đầu kỳ

Tồn kho thành phẩm công nghiệp đầu kỳ

=

Thành phẩm đầu kỳ

+

Hàng gửi bán đầu kỳ

Tồn kho thành phẩm công nghiệp cuối kỳ

=

Thành phẩm cuối kỳ

+

Hàng gửi bán cuối kỳ

- Đối với cơ sở cá thể hoạt động công nghiệp: Giá trị sản phẩm công nghiệp nông thôn bằng doanh thu thuần hộ sản xuất kinh doanh cá thể hoạt động công nghiệp ở nông thôn (quy ước hộ sản xuất kinh doanh cá thể có tồn kho bằng không).

b) Theo giá so sánh

Công thức tính:

Giá trị sản phẩm công nghiệp nông thôn theo giá so sánh

=

Giá trị sản phẩm công nghiệp nông thôn theo giá hiện hành

Chỉ số giá sản xuất tương ứng kỳ báo cáo so với kỳ gốc

2. Phân tổ chủ yếu: Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

3. Kỳ công bố: 5 năm.

4. Nguồn số liệu

- Tổng điều tra kinh tế;

- Điều tra thống kê;

- Chế độ báo cáo thống kê;

- Dữ liệu hành chính.

5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê).

0206. Tốc độ tăng giá trị sản phẩm dịch vụ nông thôn

1. Khái niệm, phương pháp tính

Tốc độ tăng giá trị sản phẩm dịch vụ nông thôn (%) là tỷ lệ phầm trăm tăng lên (hoặc giảm) của giá trị sản phẩm dịch vụ nông thôn của kỳ này so với giá trị sản phẩm dịch vụ nông thôn của cùng kỳ năm trước.

Công thức tính:

Tốc độ tăng giá trị sản phẩm dịch vụ nông thôn(%)

=

Giá trị sản phẩm dịch vụ nông thôn năm t

× 100 - 100

Giá trị sản phẩm dịch vụ nông thôn năm (t-1)

Trong đó:

Giá trị sản phẩm dịch vụ nông thôn là giá trị của những sản phẩm dịch vụ do các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ thuộc tất cả loại hình kinh tế tạo ra trên địa bàn nông thôn trong khoảng thời gian nhất định (thường là 1 năm).

Giá trị sản phẩm dịch vụ được tính theo phương pháp phù hợp với đặc điểm ngành và mức độ khả thi của nguồn thông tin. Dưới đây là công thức tính giá trị theo từng nhóm ngành sản phẩm dịch vụ.

a) Theo giá hiện hành

(1) Các hoạt động dịch vụ mang tính “thị trường” (trừ dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm hạch toán toàn ngành)

Công thức tính:

Giá trị sản phẩm

=

Doanh thu thuần cung cấp dịch vụ

+

Trợ cấp sản xuất (nếu có)

(2) Hoạt động bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác; dịch vụ lưu trú, ăn uống; kinh doanh bất động sản; dịch vụ du lịch; dịch vụ xổ số

Công thức tính:

Giá trị sản phẩm

=

Doanh thu thuần cung cấp dịch vụ trong kỳ

-

Trị giá vốn hàng bán ra/ Trị giá vốn hàng chuyển bán/ Chi trả hộ khách hàng/ Chi trả thưởng

+

Trợ cấp sản xuất (nếu có)

(3) Hoạt động dịch vụ phi thị trường và những hoạt động khác không tính được theo các phương pháp trên

Công thức tính:

Giá trị sản phẩm

=

Tổng chi phí sản xuất

+

Lợi nhuận thuần (nếu có)

+

Trợ cấp sản xuất (nếu có)

Trong tổng chi phí sản xuất gồm có: Chi phí vật chất và chi phí dịch vụ; Thu nhập của người lao động; Khấu hao tài sản cố định; Thuế sản xuất khác.

(4) Đối với các đơn vị hạch toán toàn ngành thuộc lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, vận tải, viễn thông… hoặc các hoạt động, lĩnh vực chưa có đủ nguồn thông tin để tính trực tiếp cho cấp tỉnh: Thực hiện phân bổ giá trị sản phẩm theo tiêu chí phù hợp, như: Số lượng lao động, dư nợ tín dụng, chi phí hoạt động…

Giá trị sản phẩm dịch vụ nông thôn

=

Giá trị sản phẩm dịch vụ trên địa bàn tỉnh

x

Cơ cấu lao động/Dư nợ tín dụng/Chi phí hoạt động ở nông thôn so với tổng số lao động/Dư nợ tín dụng/Chi phí hoạt động trên địa bàn tỉnh

(5) Đối với các đơn vị dịch vụ tài chính không hạch toán toàn ngành (như ngân hàng nước ngoài, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô, doanh nghiệp cầm đồ, doanh nghiệp kiều hối, thu đổi, mua bán ngoại tệ,…), giá trị sản phẩm được tính trực tiếp như sau:

- Đối với tổ chức tín dụng (chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô):

Giá trị sản phẩm = Phí dịch vụ thẳng + Phí dịch vụ đo lường gián tiếp (FISIM) FISIM = Thu nhập sở hữu phải thu - Tổng tiền lãi phải trả

- Đối với các đơn vị không phải là tổ chức tín dụng:

Giá trị sản phẩm

=

Doanh thu thuần cung cấp dịch vụ

+

Trợ cấp sản xuất (nếu có)

b) Theo giá so sánh

Giá trị sản phẩm

=

Giá trị sản phẩm kỳ báo cáo theo giá hiện hành

Chỉ số giá sản xuất/Chỉ số giá tiêu dùng tương ứng kỳ báo cáo so với kỳ gốc

Hoặc:

Giá trị sản phẩm

=

Giá trị sản phẩm kỳ trước kỳ báo cáo

x

Tốc độ phát triển sản lượng sản phẩm sản xuất kỳ báo cáo so với kỳ trước kỳ báo cáo

2. Phân tổ chủ yếu: Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

3. Kỳ công bố: 5 năm.

4. Nguồn số liệu

- Tổng điều tra kinh tế;

- Điều tra thống kê;

- Chế độ báo cáo thống kê;

- Dữ liệu hành chính.

5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê).

0207. Số làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận ở nông thôn

1. Khái niệm, phương pháp tính

Làng nghề là một hay nhiều cụm dân cư thôn, ấp, bản, làng, buôn, phum, sóc hoặc các điểm dân cư tương tự tham gia hoạt động ngành nghề nông thôn theo quy định tại Điều 4, Điều 5 Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn và các tiêu chí công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống.

Làng nghề truyền thống là làng nghề có nghề truyền thống được hình thành từ lâu đời.

Nghề truyền thống là nghề đã được hình thành từ lâu đời, tạo ra những sản phẩm độc đáo, có tính riêng biệt, được lưu truyền và phát triển đến ngày nay hoặc có nguy cơ bị mai một, thất truyền.

Số làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận ở nông thôn được tính bằng tổng số làng nghề, làng nghề truyền thống ở nông thôn đã được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công nhận tính đến thời điểm điều tra.

2. Phân tổ chủ yếu: Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

3. Kỳ công bố: 5 năm.

4. Nguồn số liệu

- Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp;

- Điều tra nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ.

5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê).

0208. Số lao động thường xuyên làm việc trong làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận ở nông thôn

1. Khái niệm, phương pháp tính

Số lao động thường xuyên làm việc trong làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận ở nông thôn là tổng số lao động thường xuyên làm việc của các làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận ở nông thôn tính đến thời điểm điều tra.

2. Phân tổ chủ yếu: Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

3. Kỳ công bố: 5 năm.

4. Nguồn số liệu

- Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp;

- Điều tra nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ.

5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê).

0209. Số đơn vị cấp xã có sản phẩm OCOP

1. Khái niệm, phương pháp tính

Số đơn vị cấp xã có sản phẩm OCOP là số xã, phường, thị trấn có sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên còn hiệu lực.

2. Phân tổ chủ yếu

- Thành thị/nông thôn;

- Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu: Chế độ báo cáo thống kê ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

0210. Tỷ lệ nghèo đa chiều ở nông thôn

1. Khái niệm, phương pháp tính

Tỷ lệ nghèo đa chiều ở nông thôn là tỷ lệ phần trăm giữa số hộ nghèo đa chiều ở nông thôn so với tổng số hộ ở nông thôn.

Công thức tính:

Tỷ lệ nghèo đa chiều ở nông thôn (%)

=

Số hộ nghèo đa chiều ở nông thôn

× 100

Tổng số hộ ở nông thôn

Chuẩn nghèo đa chiều bao gồm 02 tiêu chí: (1) tiêu chí về thu nhập và (2) tiêu chí về mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản. Các tiêu chí để xác định chuẩn nghèo đa chiều dựa trên văn bản quy phạm pháp luật tương ứng theo từng thời kỳ.

2. Phân tổ chủ yếu

- Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

- Vùng kinh tế - xã hội.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu: Khảo sát mức sống dân cư Việt Nam.

5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê).

0211. Thu nhập bình quân đầu người 01 tháng ở nông thôn

1. Khái niệm, phương pháp tính

Thu nhập bình quân đầu người 01 tháng ở nông thôn được tính bằng cách chia tổng thu nhập trong năm của hộ dân cư ở nông thôn cho tổng dân số nông thôn và chia cho 12 tháng.

Công thức tính:

Thu nhập bình quân đầu người 01 tháng ở nông thôn

=

Tổng thu nhập trong năm của hộ dân cư ở nông thôn

: 12

Tổng dân số nông thôn

Thu nhập của hộ dân cư là toàn bộ số tiền và giá trị hiện vật thu được sau khi trừ chi phí sản xuất mà hộ dân cư và các thành viên của hộ dân cư nhận được trong một thời kỳ nhất định (thường là 01 năm).

Thu nhập của hộ dân cư bao gồm:

- Thu từ tiền công, tiền lương;

- Thu từ sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản (sau khi đã trừ chi phí sản xuất và thuế sản xuất);

- Thu từ sản xuất ngành nghề phi nông, lâm nghiệp, thủy sản (sau khi đã trừ chi phí sản xuất và thuế sản xuất);

- Thu khác được tính vào thu nhập như thu do biếu, mừng, lãi tiết kiệm,…

Các khoản thu không tính vào thu nhập gồm rút tiền tiết kiệm, thu nợ, bán tài sản, vay nợ, tạm ứng và các khoản chuyển nhượng vốn nhận được do liên doanh, liên kết trong sản xuất kinh doanh,…

2. Phân tổ chủ yếu

- Nguồn thu;

- Nhóm thu nhập;

- Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

- Vùng kinh tế - xã hội.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu: Khảo sát mức sống dân cư Việt Nam.

5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê).

0212. Tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn

1. Khái niệm, phương pháp tính

Tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn là tỷ lệ phần trăm giữa dân số sống ở khu vực nông thôn sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn so với tổng dân số ở khu vực nông thôn.

Công thức tính:

Tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn (%)

=

Dân số nông thôn sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn

× 100

Tổng dân số nông thôn

Nước sạch đáp ứng quy chuẩn là nước đáp ứng các chỉ tiêu theo quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy chuẩn địa phương về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt.

2. Phân tổ chủ yếu

- Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

- Vùng kinh tế - xã hội.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu: Chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia.

5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp

- Chủ trì: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

- Phối hợp: Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê).

0213. Tỷ lệ người dân nông thôn tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội

1. Khái niệm, phương pháp tính

a) Tỷ lệ người dân nông thôn tham gia bảo hiểm y tế

Tỷ lệ người dân nông thôn tham gia bảo hiểm y tế là tỷ lệ phần trăm giữa số người dân nông thôn tham gia bảo hiểm y tế so với dân số nông thôn trung bình năm báo cáo.

Công thức tính:

Tỷ lệ người dân nông thôn tham gia bảo hiểm y tế (%)

=

Số người dân nông thôn tham gia bảo hiểm y tế năm báo cáo

× 100

Dân số nông thôn trung bình năm báo cáo

b) Tỷ lệ người dân nông thôn tham gia bảo hiểm xã hội

Tỷ lệ người dân nông thôn tham gia bảo hiểm xã hội là tỷ lệ phần trăm giữa số người dân nông thôn tham gia bảo hiểm xã hội so với dân số nông thôn trung bình năm báo cáo.

Công thức tính:

Tỷ lệ người dân nông thôn tham gia bảo hiểm xã hội (%)

=

Số người dân nông thôn tham gia bảo hiểm xã hội năm báo cáo

× 100

Dân số nông thôn trung bình năm báo cáo

2. Phân tổ chủ yếu

- Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

- Vùng kinh tế - xã hội.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu

- Tổng điều tra dân số và nhà ở;

- Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ;

- Điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình;

- Chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia;

- Dữ liệu hành chính.

5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp

- Chủ trì: Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê);

- Phối hợp: Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (thu thập số liệu số người tham gia bảo hiểm y tế/bảo hiểm xã hội).

0214. Tỷ lệ xã được công nhận đạt tiêu chí quốc gia về y tế

1. Khái niệm, phương pháp tính

Tỷ lệ xã được công nhận đạt tiêu chí quốc gia về y tế được tính bằng tỷ lệ phần trăm giữa số xã được công nhận đạt tiêu chí quốc gia về y tế trên tổng số xã.

Tỷ lệ xã được công nhận đạt tiêu chí quốc gia về y tế (%)

=

Số xã được công nhận  đạt tiêu chí quốc gia về y tế

× 100

Tổng số xã

2. Phân tổ chủ yếu: Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu: Chế độ báo cáo thống kê ngành y tế.

5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Bộ Y tế.

0215. Tỷ lệ xã có nhà văn hóa hoặc hội trường đa năng và sân thể thao phục vụ sinh hoạt văn hóa thể thao của toàn xã

1. Khái niệm, phương pháp tính

Tỷ lệ xã có nhà văn hóa hoặc hội trường đa năng và sân thể thao phục vụ sinh hoạt văn hóa thể thao của toàn xã được tính bằng tỷ lệ phần trăm giữa số xã có nhà văn hóa hoặc hội trường đa năng và sân thể thao phục vụ sinh hoạt văn hóa thể thao của toàn xã trên tổng số xã.

Tỷ lệ xã có nhà văn hóa hoặc hội trường đa năng và sân thể thao phục vụ sinh hoạt văn hóa thể thao của toàn xã (%)

=

Số xã có nhà văn hóa hoặc hội trường đa năng và sân thể thao phục vụ sinh hoạt văn hóa thể thao của toàn xã

× 100

Tổng số xã

2. Phân tổ chủ yếu: Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

3. Kỳ công bố: 5 năm.

4. Nguồn số liệu

- Điều tra nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ;

- Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp.

5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Bộ Kế hoạch và Đầu tư Tổng cục Thống kê).

0216. Tỷ lệ đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới

1. Khái niệm, phương pháp tính

Huyện đạt chuẩn nông thôn mới là huyện đáp ứng các yêu cầu, quy định của cấp có thẩm quyền về tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới và được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới là thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh đáp ứng các yêu cầu, quy định của cấp có thẩm quyền về hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới.

Công thức tính:

Tỷ lệ đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (%)

=

Tổng số đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn

× 100

Tổng số đơn vị cấp huyện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn

2. Phân tổ chủ yếu: Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu: Chế độ báo cáo thống kê ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

0217. Tỷ lệ đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao

1. Khái niệm, phương pháp tính

Huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao là huyện đáp ứng các yêu cầu, quy định của cấp có thẩm quyền về tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Công thức tính:

Tỷ lệ đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (%)

=

Tổng số đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trên địa bàn

× 100

Tổng số đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn

2. Phân tổ chủ yếu: Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu: Chế độ báo cáo thống kê ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

0218. Tỷ lệ xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới trên tổng số xã

1. Khái niệm, phương pháp tính

Xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới là xã đáp ứng các yêu cầu, quy định của cấp có thẩm quyền về tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới và được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Công thức tính:

Tỷ lệ xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (%)

=

Tổng số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn

× 100

Tổng số xã trên địa bàn

2. Phân tổ chủ yếu: Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu: Chế độ báo cáo thống kê ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

0219. Tỷ lệ xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trên tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới

1. Khái niệm, phương pháp tính

Xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao là xã đáp ứng các yêu cầu, quy định của cấp có thẩm quyền về tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Công thức tính:

Tỷ lệ xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (%)

=

Tổng số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trên địa bàn

× 100

Tổng số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn

2. Phân tổ chủ yếu: Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu: Chế độ báo cáo thống kê ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

0220. Tỷ lệ xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu trên tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới

1. Khái niệm, phương pháp tính

Xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu là xã đáp ứng các yêu cầu, quy định của cấp có thẩm quyền về tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Công thức tính:

Tỷ lệ xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (%)

=

Tổng số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn

× 100

Tổng số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn

2. Phân tổ chủ yếu: Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu: Chế độ báo cáo thống kê ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

0221. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt ở nông thôn được thu gom, xử lý

1. Khái niệm, phương pháp tính

Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt ở nông thôn được thu gom, xử lý là tỷ lệ phần trăm giữa khối lượng chất thải rắn sinh hoạt ở nông thôn được thu gom, xử lý so với tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh ở nông thôn.

Khối lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý là khối lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, vận chuyển bởi các công ty dịch vụ công ích, doanh nghiệp tư nhân, tổ, đội thu gom chất thải rắn sinh hoạt,… và đưa đến các cơ sở xử lý chất thải rắn hoặc bãi chôn lấp.

Công thức tính:

Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt ở nông thôn được thu gom, xử lý (%)

=

Khối lượng chất thải rắn sinh hoạt ở nông thôn được thu gom, xử lý (Tấn)

× 100

Tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh ở nông thôn (Tấn)

2. Phân tổ chủ yếu

- Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

- Vùng kinh tế - xã hội.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu

- Điều tra các chỉ tiêu về bảo vệ môi trường;

- Chế độ báo cáo thống kê ngành tài nguyên và môi trường.

5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Bộ Tài nguyên và Môi trường.

0222. Tỷ lệ làng nghề/khu chăn nuôi tập trung/nuôi trồng thủy sản tập trung ở nông thôn có hệ thống thu gom, xử lý nước thải, rác thải tập trung

1. Khái niệm, phương pháp tính

Tỷ lệ làng nghề/khu chăn nuôi tập trung/nuôi trồng thủy sản tập trung ở nông thôn có hệ thống thu gom, xử lý nước thải, rác thải tập trung là tỷ lệ phần trăm giữa số làng nghề/khu chăn nuôi tập trung/nuôi trồng thủy sản tập trung ở nông thôn có hệ thống thu gom, xử lý nước thải, rác thải tập trung so với tổng số làng nghề/khu chăn nuôi tập trung/nuôi trồng thủy sản tập trung ở nông thôn.

Công thức tính:

Tỷ lệ làng nghề/khu chăn nuôi tập trung/nuôi trồng thủy sản tập trung ở nông thôn có hệ thống thu gom, xử lý nước thải, rác thải tập trung (%)

=

Số làng nghề/khu chăn nuôi tập trung/nuôi trồng thủy sản tập trung ở nông thôn có hệ thống thu gom, xử lý nước thải, rác thải tập trung

× 100

Tổng số làng nghề/khu chăn nuôi tập trung/nuôi trồng thủy sản tập trung ở nông thôn

2. Phân tổ chủ yếu

- Loại cơ sở: Làng nghề/khu chăn nuôi tập trung/khu nuôi trồng thủy sản tập trung;

- Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

3. Kỳ công bố: 5 năm.

4. Nguồn số liệu

- Điều tra nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ;

- Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp.

5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê).

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 24/2024/QĐ-TTg ngày 27/12/2024 quy định về Bộ chỉ tiêu giám sát, đánh giá về nông nghiệp, nông dân và nông thôn do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


1.108

DMCA.com Protection Status
IP: 3.149.29.192
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!