ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
--------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số: 232/QĐ-UBND
|
Thành phố Hồ Chí
Minh, ngày 20 tháng 01 năm 2016
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ
VIỆC DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN GIỐNG BÒ THỊT TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ
MINH GIAI ĐOẠN 2016 - 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Quyết định số
50/2014/QĐ-TTg ngày 04 tháng 9 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ
trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015-2020;
Căn cứ Quyết định số 680/QĐ-BNN-CN ngày 07 tháng 4 năm 2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt “Đề án tăng cường năng lực quản lý nhà nước
về giống vật nuôi đến năm 2020”;
Căn cứ Quyết định số 310/QĐ-UBND
ngày 15 tháng 01 năm 2014 của Ủy ban nhân dân Thành
phố về ban hành kế hoạch thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành, nông nghiệp theo hướng
nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững;
Căn cứ Quyết định số 5930/QĐ-UBND
ngày 28 tháng 12 năm 2009 của Ủy ban nhân dân Thành
phố về phê duyệt “Quy hoạch sản xuất nông nghiệp phát triển nông thôn Thành phố
Hồ Chí Minh đến năm 2020 tầm nhìn 2025’’;
Căn cứ Quyết định số 3178/QĐ-UBND
ngày 22 tháng 6 năm 2011 của Ủy ban nhân dân Thành
phố về phê duyệt “Quy hoạch phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn
Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025”;
Xét Tờ trình số 3103/TTr-SNN ngày
15 tháng 12 năm 2015 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt
Chương trình phát triển giống bò thịt trên địa bàn
Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Nay phê duyệt Chương trình phát triển giống bò
thịt trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm
2030 (kèm theo Quyết định này).
Điều 2.
- Giao Sở Nông nghiệp và Phát
triển Nông thôn Thành phố chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, quận, huyện và
các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp liên quan trên địa bàn Thành phố triển
khai Chương trình phát triển giống bò thịt trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh
giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 theo quyết định phê duyệt.
- Giao Ủy ban
nhân dân các quận, huyện liên quan rà soát, bổ sung kế
hoạch phát triển chăn nuôi và vùng chăn nuôi tập trung, gắn với kế
hoạch sử dụng đất trồng cỏ; tổ chức phổ biến, công khai quy hoạch chăn nuôi đã
được phê duyệt, đồng thời chịu trách nhiệm quản lý quy hoạch, kế hoạch phát triển chăn nuôi giống bò thịt trên địa bàn, nhằm đảm bảo phát triển ổn định, kiểm soát dịch bệnh
và bảo vệ môi trường; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn xây dựng kế hoạch hàng năm để triển khai thực hiện Chương trình
phát triển giống bò thịt.
- Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài
Chính phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các quận, huyện và Sở
ngành liên quan cân đối, đề xuất Ủy ban nhân dân Thành phố
phân bổ kế hoạch vốn đầu tư, dự toán chi ngân sách hàng
năm đảm bảo tiến độ thực hiện Chương trình.
- Giao Sở Khoa học và Công nghệ tham
mưu trình Ủy ban nhân dân Thành phố xét duyệt các đề tài
nghiên cứu khoa học thuộc Chương trình phát triển đàn giống
bò thịt, nhằm nâng cao chất lượng con giống; cải tiến kỹ thuật về giống, chăm
sóc, nuôi dưỡng, thú y,...; Nghiên cứu chuyển giao công nghệ, quy trình sản xuất,
chế biến thực phẩm an toàn.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 4. Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố, Giám
đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư,
Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Giám đốc Sở Công
Thương, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường,
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện liên quan chịu trách nhiệm thi hành
Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như điều 4;
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực Hội đồng nhân dân
TP;
- TTUB: CT, các PCT;
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam TP;
- Hội Nông dân TP và các Đoàn thể
TP;
- VPUB: Các PVP;
- Phòng CNN, TC-TM-DV.
TH-KH, TTCB;
- Lưu: VT, (CNN-M)
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Thanh Liêm
|
CHƯƠNG TRÌNH
PHÁT
TRIỂN GIỐNG BÒ THỊT TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN
NĂM 2030
(Ban hành kèm theo Quyết định số 232/QĐ-UBND ngày 20 tháng 01 năm 2016 của Ủy
ban nhân dân Thành phố)
Phần I
TÌNH HÌNH CHĂN
NUÔI BÒ THỊT TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
I. HIỆN TRẠNG CHĂN
NUÔI BÒ THỊT TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ
1. Tình hình phát triển đàn bò thịt
trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh
Theo số liệu của Chi cục Thú y, tổng
đàn bò thịt năm 2010 là 26.807 con, đến 01/10/2015, tổng đàn bò thịt là 33.732
con, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2010 - 2015 là 5,74%, bao gồm
28.862 con bò lai sind (chiếm 85,56%), 1.586 con bò thịt chất lượng cao (bò hướng
thịt) (chiếm 4,70%) và 3.284 con bò ta vàng (chiếm 9,74%). Phương thức chăn
nuôi chủ yếu vẫn mang tính nhỏ lẻ, số hộ chăn nuôi dưới 10 con/hộ chiếm 75,26%,
nên việc áp dụng các giải pháp khoa học kỹ thuật còn rất hạn chế.
Công ty TNHH MTV Bò sữa Thành phố Hồ
Chí Minh đã nhập nội một số giống bò chuyên thịt từ các nước Úc, Mỹ như giống
Brahman, Droughmaster, với tổng đàn là 2.122 con. Đàn giống bò hướng thịt này
đã phát triển khá tốt trong điều kiện chăn nuôi tại Thành phố Hồ Chí Minh. Công
ty cũng đã triển khai lai tạo giữa bò cái lai Sind với tinh của giống bò chuyên
thịt chất lượng cao BBB (nhập từ Bỉ), bước đầu đã cho kết quả khá tốt: trọng lượng
bê sơ sinh từ 21,75 - 32,46 kg/con, đã thích nghi dần với khí hậu Thành phố, trọng
lượng 21-24 tháng tuổi đạt 450-500 kg, trọng lượng 36 tháng tuổi đạt 556 kg; trọng lượng hơi từ 420 - 650 kg/con; tỉ lệ thịt xẻ đạt từ 59 -
64%.Trên cơ sở đó, tính đến cuối năm 2014, Công ty đã cung ứng 837 con giống bò
thịt cho người chăn nuôi ở Thành phố, các tỉnh và Lào.
Ngoài ra, các hộ chăn nuôi bò sữa
trên địa bàn Thành phố đã giữ đàn bê sữa đực để vỗ béo nhằm
tăng thu nhập trong chăn nuôi. Tổng đàn bê sữa đực năm 2010 là 5.178 con, đến
2015 đạt 19.019 con, tốc độ tăng trưởng bình quân là 32,06%/năm.
Hầu hết các hộ chăn nuôi bò thịt đã
áp dụng hình thức gieo tinh nhân tạo. Hoạt động gieo tinh nhân tạo cho đàn bò
thịt từ chủ yếu từ Xí nghiệp truyền giống gia súc và phát triển chăn nuôi miền
Nam và Công ty TNHH MTV bò sữa Thành phố Hồ Chí Minh.
Hiện nay, nguồn
thịt bò chưa đáp ứng cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và tại Thành phố Hồ Chí
Minh cả về số lượng và chất lượng. Chính vì vậy, đã hình thành một số doanh
nghiệp nhập khẩu bò thịt của Úc để giết mổ cung cấp cho thị trường như Công ty
Kết Phát Thịnh (Long An); một số doanh nghiệp có điều kiện
về chuồng trại, đất đai, đồng cỏ như tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Công ty
Delta... đã nhập số lượng lớn bò thịt có trọng lượng bình quân khoảng
220-250kg/con để nuôi vỗ béo khoảng 4 tháng đạt trọng lượng 450-500kg/con để
đưa vào giết mổ cung ứng thịt cho thị trường. Trong năm 2014 các doanh nghiệp
Việt Nam đã nhập khoảng 180.000 con bò Úc. Trong 6 tháng đầu năm 2015, Cơ quan
Thú y Vùng VI đã kiểm dịch nhập khẩu 67.873 con bò thịt,
tăng 38% so với cùng kỳ năm 2014.
2. Tình hình cung ứng nguyên liệu thức ăn phục vụ chăn nuôi bò thịt
Nguồn thức ăn chăn nuôi bò thịt hiện
nay chủ yếu là cỏ tự nhiên, cỏ trồng, rơm và các phụ phẩm
từ công nghiệp chế biến thực phẩm như xác mì, hèm bia. Diện tích đồng cỏ tự
nhiên khoảng 1.841 ha, chủ yếu là các giống cỏ mồm, gà, lá tre, mật..., năng suất
thấp, thường khan hiếm vào mùa nắng và đang dần bị thu hẹp do tốc độ đô thị hóa
cao. Bên cạnh đó, diện tích cỏ trồng khoảng gần 4.000 ha, bao gồm
các giống: cỏ voi, sả, ruzi, lùng tím, VA06, mulato II, có
năng suất bình quân đạt 200 - 300 tấn/ha/năm, chủ yếu phục vụ cho chăn nuôi bò
sữa.
Hiện nay, các hộ nuôi bò thịt đang có
xu hướng chuyển dần sang nuôi theo hướng công nghiệp, nuôi nhốt trong chuồng và
cung cấp thức ăn tại chỗ bằng các phụ phẩm nông nghiệp như xác mì, vỏ thơm...
(gần 30.000 tấn/năm), cám hỗn hợp (15.000 tấn/năm), rĩ mật đường và nguồn rơm
khô được mua từ các tỉnh lân cận Thành phố Hồ Chí Minh.
3. Công tác phòng chống dịch bệnh
trên đàn bò thịt
Trong những năm qua, Thành phố Hồ Chí
Minh đã kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc. Chi cục Thú y
đã xây dựng hệ thống giám sát cung cấp thông tin dịch bệnh, nhằm phát hiện,
cung cấp thông tin dịch bệnh kịp thời. Thành phố đã có
chính sách hỗ trợ tiêm phòng miễn phí
bệnh lở mồm long móng và tụ huyết trùng trên đàn có quy mô
dưới 100 con/hộ, do đó nhiều năm liên tục tỷ lệ tiêm phòng
trên đàn trâu bò luôn đạt trên 80%/tổng đàn kiểm tra; góp phần khống chế, kiểm
soát dịch bệnh.
Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng và
được Cục Thú y công nhận vùng an toàn dịch bệnh lao và sẩy
thai truyền nhiễm trên đàn trâu bò.
4. Chính sách hỗ trợ sản xuất
Thành phố đã xây dựng nhiều chính
sách hỗ trợ cho người nông dân sản xuất nông nghiệp, trong đó có bò thịt. Từ
năm 2011 đến nay có 4.035 lượt vay, với tổng vốn đầu tư là 1.032.901 triệu đồng,
trong đó tổng số vốn vay để phát triển bò thịt là 609.714 triệu đồng.
5. Các hoạt động nghiên cứu khoa học
Trong giai đoạn 2010 -2014, Thành phố
cũng đã chú trọng định hướng phát triển giống bò thịt thông qua các công trình
nghiên cứu như sau:
- Thử nghiệm tạo phôi bò lai Sind
giai đoạn plastocyst bằng công nghệ thụ tinh trong ống nghiệm từ nguồn giao tử nội và ngoại nhập của Đại học Khoa học tự nhiên phối hợp
với Trung tâm Công nghệ sinh học;
- Khảo sát đặc điểm sinh trưởng và
phát triển của bê lai hướng thịt từ sơ sinh đến 18 tháng
tuổi tại Lâm Hà, Lâm Đồng và Sở Nông nghiệp và PTNT Thành phố Hồ Chí Minh.
- Nghiên cứu một số công thức lai tạo
và quy trình nuôi dưỡng bò thịt chất lượng cao tại Thành phố Hồ Chí Minh - Viện
Khoa học Nông nghiệp miền Nam.
II. NHẬN XÉT -
ĐÁNH GIÁ
1. Những mặt đạt được:
Trong giai đoạn 2011 - 2015, Thành phố
Hồ Chí Minh đã triển khai Chương trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng
nông nghiệp đô thị và Chương trình mục tiêu phát triển giống
cây con chất lượng cao đã góp phần rất lớn vào thành tích
chung của ngành nông nghiệp Thành phố, trong đó có chăn
nuôi bò thịt. Các hộ nông dân đã chuyển đổi cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả sang cây trồng, vật nuôi khác có hiệu quả, trong đó có bò thịt.
Các hộ chăn nuôi bò thịt cũng đã mạnh
dạn đầu tư cải thiện chuồng trại, từng bước áp dụng tốt các quy trình kỹ thuật
chăn nuôi hiệu quả, từ đó đã nâng cao chất lượng đàn gia súc, kiểm soát ô nhiễm
môi trường và định hướng phát triển theo hướng ổn định và bền vững.
Kế thừa những kết quả đạt được từ
chương trình phát triển bò sữa, cơ quan quản lý và người chăn nuôi có nhiều
kinh nghiệm trong quản lý để nâng cao chất lượng đàn giống thông
qua các chương trình bình tuyển, kiểm soát tốt dịch bệnh
trên đàn gia súc, tạo điều kiện cho người chăn nuôi yên tâm sản xuất và đầu tư
chăn nuôi.
Đồng thời, những kinh nhiệm trong
chăn nuôi bò sữa như từng bước cơ giới hóa trong chăn nuôi, xây dựng hệ thống
biogas trong các hộ chăn nuôi giúp tiết kiệm nhiên liệu trong sinh hoạt gia
đình và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hướng đến phát triển bền vững..., là điều
kiện rất thuận lợi cho việc phát triển đàn bò thịt tại Thành phố.
2. Những hạn chế
Để phát triển
chăn nuôi bò thịt của Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung, cần
thiết phải có con giống bò thịt phù hợp nhưng hiện nay những nghiên cứu chuyên
về giống bò thịt chưa được quan tâm. Do vậy, cần có các công thức lai tạo giống
bò thịt cụ thể, dinh dưỡng, quy trình chăm sóc phù hợp với
điều kiện chăn nuôi của Thành phố để phát triển con giống
bò thịt có chất lượng tốt đáp ứng yêu cầu thị trường.
Chưa có các giải pháp cụ thể về quản
lý giống bò thịt, các giải pháp ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến.
Chưa có giải pháp chuỗi sản xuất hàng
hóa trong chăn nuôi bò thịt đồng bộ và hiệu quả và nhân rộng
mô hình trình diễn cho người chăn nuôi tham quan, học tập.
Bên cạnh đó, quy mô chăn nuôi nông hộ
còn nhỏ lẻ, tự phát, đất trồng cỏ hạn chế, công tác cơ giới hóa trong chăn nuôi
thấp chưa được chú trọng, chi phí sản xuất cao, nhiều chi phí trung gian,...
Còn ít các mô hình chăn nuôi bò thịt đồng bộ, phương thức chuyển giao còn mang
tính lý thuyết, chưa đủ sức thuyết phục để người dân đầu tư; ứng dụng nhằm đạt
hiệu quả chăn nuôi.
Giá con giống, các loại thức ăn hỗn hợp,
thô xanh và nguồn phụ phế phẩm không ổn định, chi phí vận
chuyển, vật tư chăn nuôi, thuốc thú y luôn biến động và
tăng cao, ảnh hưởng đến phát triển chăn nuôi giống bò thịt.
Phần II
CHƯƠNG TRÌNH
PHÁT TRIỂN GIỐNG BÒ THỊT TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH GIAI ĐOẠN 2016 -
2020 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030
I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG
CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN GIỐNG BÒ THỊT TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH GIAI
ĐOẠN 2015 - 2020 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030
1. Một số dự báo tác động đến chăn
nuôi giống bò thịt trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới
- Theo số liệu thống kê của Cục Thống
kê Thành phố, dân số Thành phố năm 2014 là 7,955 triệu người
và khoảng 2 triệu người nhập cư và khách vãng lai từ các địa phương khác đến
sinh sống và công tác tại Thành phố. Dự báo đến năm 2020, dân số Thành phố khoảng
10 triệu người (chưa kể khách vãng lai).
- Theo khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng
Trung ương, nhu cầu thịt các loại là 1,5 - 2 kg/tháng. Trong khi đó, tỉ lệ
trung bình ở các nước phát triển là 40 - 45% thịt lợn, 30 - 35%, thịt gà, 20 -
30% thịt bò và các loại thịt khác. Dự tính đến năm 2020, nhu cầu tiêu thụ thịt
trâu, bò 2.800 con/ngày.
2. Sự cần
thiết
- Thực hiện định hướng quy hoạch
sản xuất nông nghiệp và phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm
trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và đề
án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát
triển bền vững theo Quyết định số 899/QĐ-TTG ngày 10 tháng 6 năm 2013 của Thủ
tướng Chính phủ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
- Tiếp tục thực hiện Chương trình mục
tiêu phát triển giống cây, giống con chất lượng cao trên địa bàn Thành phố giai
đoạn 2011 - 2015, nhằm phát huy thế mạnh là đơn vị dẫn đầu về cung cấp đàn giống
bò sữa, bò thịt chất lượng cao cho Thành phố và cả nước, hướng đến mục tiêu
phát triển bền vững.
- Hiện nay, tình hình chăn nuôi bò thịt
trong nước đang phát triển, nhất là các tỉnh lân cận Thành phố Hồ Chí Minh như
Trà Vinh, Bến Tre, Lâm Đồng,... và tình hình nhập khẩu bò
thịt từ Úc, Mỹ ngày càng tăng, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thịt
bò chất lượng cao của người tiêu dùng trong nước và tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Chính vì vậy việc phát triển giống bò thịt, chuyển giao kỹ
thuật nuôi dưỡng là hết sức cần thiết để nâng cao năng lực cạnh tranh, đặc biệt
khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực.
- Theo tính toán của các chuyên gia,
tỷ lệ thịt xẻ của bò lai Sind thấp khoảng 45%; trong khi đó tỷ lệ này khá cao ở
các giống bò nhập nội, đặc biệt là bò Úc tỷ lệ thịt xẻ lên đến 50 - 55%. Chính
vì vậy, việc nâng cao chất lượng đàn giống bò thịt của Thành phố Hồ Chí Minh,
nhằm đáp ứng nhu cầu chất lượng con giống và cung cấp nguồn thịt chất lượng cho
tiêu dùng là cần thiết.
3. Cơ sở pháp lý
- Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg ngày
04 tháng 09 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu
quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015-2020;
- Quyết định số 680/QĐ-BNN-CN ngày 07
tháng 04 năm 2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn về việc phê duyệt “Đề án tăng cường năng lực quản lý
nhà nước về giống vật nuôi đến năm 2020”;
- Quyết định số 310/QĐ-UBND ngày 15
tháng 01 năm 2014 của Ủy ban nhân dân Thành phố về ban
hành kế hoạch thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp
theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững;
- Quyết định số 5930/QĐ-UBND ngày 28 tháng 12 năm 2009 của Ủy ban nhân dân
Thành phố về phê duyệt “Quy hoạch sản xuất nông nghiệp phát triển nông thôn
Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 tầm nhìn 2025”;
- Quyết định số 3178/QĐ-UBND ngày 22
tháng 6 năm 2011 của Ủy ban nhân dân Thành phố về phê duyệt
“ Quy hoạch phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn Thành phố Hồ Chí
Minh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025”.
II. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU TỔNG
QUÁT VÀ CỤ THỂ
1. Quan điểm phát triển
Cải thiện chất lượng và hình thành
đàn bò thịt giống chất lượng cao theo hướng hiện đại, trên nền tảng từ đàn bò
thịt hiện hữu của Thành phố Hồ Chí Minh và nhập nội từ các nước có nền chăn
nuôi bò thịt tiên tiến.
2. Mục tiêu
a) Mục tiêu chung:
- Hình thành các giống bò thịt lai
phù hợp phù hợp với các điều kiện chăn nuôi tại Thành phố Hồ Chí Minh.
- Xây dựng hệ thống quản lý giống bò
thịt theo các chương trình quản lý tiên tiến của thế giới.
- Ứng dụng các
biện pháp kỹ thuật mới, cơ giới hóa, hiện đại hóa trong chăn nuôi bò thịt. Chủ động kiểm soát dịch bệnh
và bảo vệ môi trường.
- Hình thành hệ thống sản xuất cung ứng
giống bò thịt tại Thành phố Hồ Chí Minh.
b) Mục tiêu cụ thể
Chương trình giống bò thịt tại Thành
phố Hồ Chí Minh được tiến hành theo 2 giai đoạn như sau:
Giai đoạn 1 (2016 - 2020):
- Chọn tạo đàn bò hướng thịt nền phù
hợp để tạo ra con lai theo hướng thịt. Đến năm 2020, tổng
đàn bò thịt trên địa bàn Thành phố đạt 30.000 con, trong đó đàn bò nền đạt 30% tổng đàn bò thịt của Thành phố. Hàng năm cung ứng 10.000
tấn thịt bò hơi và 7.000 con bò cái giống, cho người chăn nuôi Thành phố và các
tỉnh.
- Cơ bản hình thành quy trình quản lý
đồng bộ giống bò thịt từ gia trại đến cơ quan quản lý nhà
nước.
- Đến năm 2020, chất lượng đàn bò thịt
Thành phố đạt các chỉ tiêu kỹ thuật như khối lượng trưởng thành đạt 300 - 350
kg, tỷ lệ thịt xẻ 50 - 55%;.
Giai đoạn 2 (2021 - 2030):
- Đàn bò thịt cao sản trên địa bàn
Thành phố đạt 40.000 con, trong đó hình thành con giống bò chuyên thịt của
Thành phố Hồ Chí Minh. Hàng năm cung cấp cho thị trường
15.000 tấn thịt bò hơi, 10.000 bò cái giống, đáp ứng 20% liều
tinh bò thịt cao sản cho người chăn nuôi Thành phố và các tỉnh.
- Đến năm 2030, chất lượng đàn bò thịt
Thành phố đạt các chỉ tiêu kỹ thuật như, khối lượng trưởng thành 350 - 400 kg,
tỷ lệ thịt xẻ 55 - 60%.
- Hình thành chuỗi liên kết sản xuất
và xây dựng thương hiệu giống bò thịt Thành phố Hồ Chí Minh.
III. GIẢI PHÁP THỰC
HIỆN
1. Giải pháp phát triển vùng sản xuất giống bò thịt
Tại những vùng có kinh nghiệm chăn
nuôi bò sữa như Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, sử dụng bò cái sữa sinh sản tốt,
năng suất sữa thấp để phối tinh bò thịt cao sản. Về lâu
dài, thử nghiệm một số công thức lai để xác định con giống phù hợp với điều kiện chăn nuôi tại Thành phố:
- Vùng đất gò cao Củ Chi: thâm canh
chăn nuôi bò thịt, sử dụng những giống bò cao sản như BBB hay Drought Master
- Vùng đất bằng thấp Hóc Môn và phía
Nam Bình Chánh, sử dụng giống bò Red Brahman và Red Angus.
- Xây dựng mô hình chăn nuôi giống bò
thịt hạt nhân tại Công ty TNHH Một Thành viên Bò sữa và một số trang trại chăn
nuôi bò thịt.
2. Giải pháp quản lý giống
- Nghiên cứu, xây dựng các công thức
lai tạo giống bò hướng thịt từ các giống bò thịt chuyên dụng như Red Angus,
Brahman, Droughtmaster, BBB:
+ Chọn tạo bò cái nền sử dụng trong công tác lai giống với những giống bò thịt chuyên dụng này phải có
tầm vóc tương đối lớn khi thành thục 280-300 kg.
+ Đến năm 2020,
thực hiện các áp dụng phương pháp nhân thuần hoặc lai cải
tiến 2, 3 máu bò chuyên thịt
+ Đến năm 2030,
định hình các công thức lai 3/4 hoặc 5/8 máu bò chuyên thịt
- Tổ chức bình tuyển, kiểm định con
giống, kiểm soát chất lượng nguồn tinh, đánh giá di truyền đời sau. Thiết lập hệ
thống ghi chép, theo dõi các tính năng sản xuất, lý lịch gia phả (lập phiểu cá
thể, bấm số tai), phối giống, phê xét đánh giá ngoại hình
thể chất theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn theo biểu mẫu được thống nhất toàn Thành phố.
- Xây dựng hệ thống quản lý giống đến
từng huyện có chăn nuôi bò thịt. Ứng dụng chương trình quản
lý giống BHI (Beef Herd Improvement) và phương pháp đánh giá tiến bộ di truyền
theo phương pháp BLUP (Best Linear Unbiased Prediction) để chứng nhận và cung cấp
con giống chất lượng cho phát triển chăn nuôi.
- Quản lý chặt
chẽ các đơn vị cung cấp con giống, tinh bò thịt an toàn, nhằm cung cấp con giống
chất lượng tốt, an toàn dịch bệnh cho người chăn nuôi.
- Đến năm 2020, đưa vào vận hành Trại
thực nghiệm và trình diễn chăn nuôi bò thịt có quy mô tổng đàn 100 con. Đến năm
2030, đưa vào vận hành Trạm sản xuất tinh bò thịt giống Thành phố Hồ Chí Minh.
3. Giải
pháp khoa học, công nghệ
- Xây dựng các khẩu phần ăn cho bò thịt
phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng, trên cơ sở sử dụng
nguồn thức ăn tại địa phương; nghiên cứu các quy trình chăn nuôi an toàn phù hợp
với từng công thức lai tạo, nhằm nâng cao chất lượng thịt, tăng khả năng cạnh
tranh của sản phẩm thịt bò.
- Xây dựng các mô hình chăn nuôi bò
thịt áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật và ứng dụng công nghệ chăn
nuôi phù hợp.
- Hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi kỹ
thuật chuồng trại, chăm sóc, nuôi dưỡng, các biện pháp phòng chống dịch bệnh,
an toàn sinh học trong chăn nuôi; vận động người chăn nuôi
sản xuất theo quy trình thực hành chăn nuôi tốt, đảm bảo an toàn thực phẩm và dịch bệnh.
- Thử nghiệm các giống cỏ mới phù hợp với điều kiện Thành phố Hồ Chí Minh và nâng cao giá trị chất
lượng thịt bò thương phẩm
- Áp dụng các tiến bộ khoa học trong
khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến thức ăn thô xanh để đảm bảo cung cấp ổn
định trong năm. Đẩy mạnh việc trồng cỏ họ đậu, cỏ hòa thảo và sử dụng phụ phẩm
công nông nghiệp làm thức ăn cho bò thịt để giảm
giá thành trên một đơn vị sản phẩm.
- Vận động người nông dân chuyển đổi
sản xuất trồng lúa và các loại cây trồng khác kém hiệu quả sang trồng các giống
cỏ họ đậu và cỏ hòa thảo có năng suất và chất lượng tốt,
cung cấp cho đàn bò thịt.
4. Giải pháp thú y
- Quản lý đàn chặt chẽ tình hình chăn
nuôi bò thịt giống bằng Sổ Quản lý dịch tễ, bấm số tai cá thể; cập nhật thống kê danh sách các hộ chăn nuôi bò thịt vào phần mềm quản
lý.
- Tổ chức tiêm phòng đối với bệnh lở
mồm long móng và tụ huyết trùng cho đàn bò thịt; định kỳ lấy mẫu kiểm tra hiệu giá kháng thể sau tiêm phòng, giám sát
huyết thanh học đối với bệnh lở mồm long móng, tụ huyết trùng bò, lepto, lao, sẩy
thai truyền nhiễm, ký sinh trùng...
- Bổ sung, trang bị các thiết bị hiện
đại trong chẩn đoán, xét nghiệm và sử dụng công nghệ thông tin phục vụ cho công
tác quản lý, giám sát, kiểm tra tình hình chăn nuôi, dịch tễ;
5. Giải pháp đào tạo nguồn nhân lực
- Biên soạn tài liệu kỹ thuật chăn
nuôi bò thịt, thường xuyên cập nhật các kiến thức mới và tổ chức tập huấn theo chuyên đề cho cán bộ kỹ thuật và người chăn nuôi.
- Tổ chức cho nông dân tham quan, học
tập các mô hình chăn nuôi bò thịt thành công ở các tỉnh,
thành phố trong nước hoặc nước ngoài như Thái Lan, Trung Quốc.
- Tổ chức đào tạo nguồn nhân lực về
công tác giám định bình tuyển giống, quản lý giống bằng phần mềm chuyên dụng,
nâng cao kỹ thuật gieo tinh nhân tạo và bệnh sinh sản ở bò, kỹ thuật chăm sóc
nuôi dưỡng, kỹ thuật trồng cỏ và chế biến thức ăn cho bò.
6. Giải pháp tổ chức sản xuất và
xúc tiến thương mại
- Công khai định hướng chi tiết vùng
khuyến khích chăn nuôi trên địa bàn quận huyện. Khuyến khích sản xuất bò thịt
theo phương thức trang trại theo hướng cơ giới hóa nhằm giảm công lao động,
nâng cao hiệu quả sản xuất và lợi nhuận.
- Xây dựng và nhân rộng các mô hình
chăn nuôi bò thịt đồng bộ theo hướng VietGAHP, chuyển giao các tiến bộ khoa học
kỹ thuật và công nghệ mới trong chăn nuôi bò thịt theo hướng tập trung thúc đẩy
phát triển chăn nuôi trang trại, sản xuất hàng hóa, kiểm soát dịch bệnh, giảm
thiểu ô nhiễm môi trường và tái sử dụng nguồn năng lượng từ chất thải (biogas).
- Hình thành phương thức chăn nuôi
theo hợp đồng tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp và các hộ chăn nuôi, nhằm
ổn định nguồn thực phẩm, giúp người chăn nuôi ổn định sản
xuất và thu nhập.
- Khuyến khích các doanh nghiệp trong
và ngoài thành phố đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất con giống, chăn nuôi bò
thịt vệ tinh nhằm đáp ứng cho thị trường thành phố và các
tỉnh.
- Xây dựng chuỗi sản xuất, liên kết
giữa người sản xuất với các kênh tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo sản phẩm được tiêu
thụ kịp thời cũng như đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan, tập trung cải
thiện, nâng cao hiệu quả các kênh phân phối đã hình thành.
- Xây dựng hệ thống thông tin thị trường
sản phẩm chăn nuôi và thị trường, giá cả thức ăn chăn nuôi, con giống trong nước
và quốc tế, góp phần cho việc phát triển chăn nuôi bền vững
và điều tiết bình ổn thị trường.
- Bước đầu định hình và xây dựng các
tiêu chí thương hiệu “Giống bò thịt Thành phố Hồ Chí Minh”
7. Giải pháp chính sách
- Hướng dẫn người chăn nuôi tiếp cận
nguồn vốn vay thực hiện chương trình khuyến khích chuyển dịch
cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
- Nghiên cứu, triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp của
Chính phủ và các bộ, ngành liên quan trên địa bàn Thành phố, như triển khai Quyết
định số 50/2014/QĐ-TTg ngày 04/09/2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ
trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015-2020.
IV. NỘI DUNG THỰC
HIỆN
1. Xây dựng trại thực nghiệm và
trình diễn chăn nuôi giống bò thịt
- Mục tiêu: xây dựng trang trại trình
diễn và thực nghiệm kiểu mẫu tại thành phố Hồ Chí Minh, phục vụ công tác nghiên
cứu, ứng dụng và tham quan học tập và chuyển giao các tiến
bộ kỹ thuật mới trong chăn nuôi giống bò thịt.
- Thời gian thực hiện: 2016 - 2020;
- Địa điểm: huyện Bình Chánh, Thành
phố Hồ Chí Minh.
- Nội dung:
+ Xây dựng trại
thực nghiệm với quy mô đầu kỳ 50 con, cuối kỳ 100 con;
+ Thử nghiệm các công thức lai tạo từ
các giống bò thịt chuyên dụng như Red Angus, Brahman, Droughtmaster, BBB;
+ Thử nghiệm các khẩu phần chăn nuôi
bò thịt cao sản trên cơ sở sử dụng nguồn thực liệu sẵn có (cỏ, thân bắp, xác
mì, hèm bia, rơm,...) đáp ứng dinh dưỡng và tăng trọng tốt;
+ Xây dựng các quy trình chăn nuôi bò
thịt trên cơ sở ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến phù hợp với quy mô chăn nuôi
nông hộ hoặc trang trại;
+ Đào tạo, tập huấn, trình diễn và
chuyển giao các kỹ thuật mới trong chăn nuôi giống bò thịt.
- Kinh phí thực hiện: 5.950 triệu đồng
từ nguồn ngân sách thành phố.
- Cơ quan quản lý: Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn.
- Đơn vị thực hiện: Trung tâm Quản lý
và Kiểm định giống cây trồng vật nuôi.
- Đơn vị phối hợp: Trung tâm Khuyến nông, các doanh nghiệp kinh doanh bò thịt.
2. Nhập
nội nguồn tinh giống bò thịt chất lượng cao trên địa bàn Thành phố
- Mục tiêu: Cải thiện đàn giống bò
lai hướng thịt của Thành phố Hồ Chí Minh.
- Thời gian thực hiện: 2016 - 2020
- Nội dung:
+ Tuyển chọn và nhập nội các dòng
tinh bò thịt cao sản để phối cho đàn bò cái lai Sind, bò thịt và bò sữa có năng
suất thấp (95.000 con bò cái, tương ứng 195.000 liều tinh - trong đó có
5.000 liều tinh dự phòng), để cải
thiện tầm vóc và nâng cao khả năng sản xuất thịt cũng như chất lượng thịt.
+ Theo dõi đời sau các dòng tinh bò
thịt nhập nội và xác định các công thức lai phù hợp với điều
kiện của Thành phố Hồ Chí Minh.
- Kinh phí thực hiện: 34.406 triệu đồng
từ nguồn ngân sách thành phố (theo Quyết định số
50/2014/QĐ-TTg ngày 04/09/2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nâng
cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015-2020).
- Cơ quan quản lý: Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn.
- Đơn vị thực hiện: Trung tâm Quản lý
và Kiểm định Giống Cây trồng - Vật nuôi, Chi cục Thú y.
- Đơn vị phối hợp: Công ty TNHH MTV
Bò sữa Thành phố, các doanh nghiệp kinh doanh tinh bò thịt, các cơ sở chăn
nuôi.
3. Công tác quản lý giống bò thịt
- Mục tiêu: Quản lý giống bò thịt và
từng bước hình thành đàn hạt nhân mở.
- Thời gian thực hiện: 2016-2020
- Nội dung:
+ Xây dựng tiêu chí và tổ chức bình
tuyển 50.000 bò cái lai sind, bò lai hướng thịt và bò thịt thuần trên 12 tháng
tuổi (10.000 con/năm)
+ Tổ chức thu thập dữ liệu cá thể giống,
các biện pháp tác động để cải thiện chất lượng đàn bò thịt (dinh dưỡng, chuồng
trại, chăm sóc nuôi dưỡng, thú y…), năng suất, chất lượng
thịt tại các trại chăn nuôi trong vùng và đánh giá chỉ số chọn lọc.
+ Ứng dụng
chương trình quản lý giống theo phương pháp BHI (Beef Herd Improvement) và hoàn
chỉnh các quy trình quản lý đồng bộ giống bò thịt từ gia trại đến cơ quan quản
lý nhà nước.
+ Kiểm định,
đánh giá tiến bộ di truyền; chọn lọc và ổn định tiêu chuẩn chất lượng con giống,
làm cơ sở xây dựng chỉ số chọn lọc dùng trong hệ thống đánh giá di truyền giống
bò thịt.
+ Xây dựng đàn hạt nhân mở tại công
ty TNHH MTV Bò sữa Thành phố và một số trang trại bò thịt ở Củ Chi, Bình Chánh.
- Kinh phí thực hiện: 22.468 triệu đồng
từ nguồn ngân sách Thành phố.
- Cơ quan quản lý: Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn.
- Đơn vị thực hiện: Chi cục Thú y.
- Đơn vị phối hợp: Các doanh nghiệp,
trang trại, nông hộ chăn nuôi bò thịt; Viện Khoa học Nông nghiệp miền Nam; Phân
viện Chăn nuôi Nam bộ, Công ty TNHH MTV Bò sữa Thành phố.
4. Công tác thú y phục vụ đàn bò
thịt trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh
- Mục tiêu:
+ Kiểm soát tình hình dịch tễ đàn gia
súc, đảm bảo an toàn dịch bệnh và sức khỏe cho đàn bò thịt.
+ Bảo vệ sức khỏe cho người chăn nuôi
và an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng.
- Thời gian thực hiện: 2016 - 2020
- Nội dung:
+ Giám sát dịch tễ và quản lý đàn bò
thịt Thành phố. Thường xuyên kiểm tra, cập nhật dữ liệu và kiểm soát chặt chẽ
tình hình nhập, xuất đàn tại nông hộ.
+ Tiêm phòng miễn phí đàn bò thịt đối
với các bệnh Lở mồm và Tụ huyết trùng và đánh giá mức độ bảo hộ sau tiêm phòng.
+ Giám sát các bệnh truyền nhiễm, ký
sinh trùng: Lao và sảy thai truyền nhiễm (1 năm/lần): kiểm tra 65.000 chỉ tiêu
các bệnh KST máu, phân, Bệnh lao, leptospirosis, sảy thai truyền nhiễm.
+ Nâng cao năng lực chẩn đoán, xét
nghiệm, điều trị bệnh bò thịt.
- Kinh phí thực hiện: 11.427,5 triệu
đồng từ nguồn ngân sách thành phố.
- Cơ quan quản lý: Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn.
- Đơn vị thực hiện: Chi Cục Thú y.
- Đơn vị phối hợp: Các hộ, trang trại chăn nuôi bò thịt; Ủy ban
nhân dân các quận, huyện.
5. Công tác khuyến nông trong chăn
nuôi bò thịt
- Mục tiêu: xây dựng các mô hình chăn
nuôi bò thịt kiểu mẫu, áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật và cơ giới
hóa trong chăn nuôi bò thịt.
- Thời gian thực hiện: 2016 - 2020
- Nội dung:
+ Xây dựng 10 mô hình chăn nuôi giống
bò thịt tại các quận, huyện.
+ Sử dụng nguồn phế phụ phẩm nông
nghiệp tại địa để cân đối khẩu phần cho bò thịt giúp nâng cao năng suất, giảm
giá thành.
+ Nghiên cứu các quy trình chăn nuôi
an toàn, phù hợp với điều kiện Thành phố để nâng cao chất lượng thịt bò.
+ Cải tạo và trồng mới 20 ha đồng cỏ
họ đậu và hòa thảo có năng suất và chất lượng tốt.
+ Tổ chức tập huấn nông dân và biên
soạn tài liệu kỹ thuật.
- Kinh phí thực hiện: 3.247,59 triệu
đồng từ nguồn ngân sách Thành phố.
- Cơ quan quản lý: Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn.
- Đơn vị thực hiện: Trung tâm Khuyến
nông.
- Đơn vị phối hợp: Trung tâm Quản lý và Kiểm định Giống cây trồng - vật nuôi, Ủy ban nhân dân các quận, huyện.
6. Đào tạo nguồn nhân lực cho
ngành chăn nuôi bò thịt
- Mục tiêu: Nâng cao kiến thức, kỹ năng trong lĩnh vực chăn nuôi bò thịt.
- Thời gian thực hiện: 2016 - 2020
- Nội dung: Đào tạo cán bộ kỹ thuật
chuyên sâu về các lĩnh vực giống và quản lý giống, sinh sản, chăm sóc nuôi dưỡng trong chăn nuôi giống bò thịt:
+ Giám định bình tuyển giống: 05 lớp
(20 học viên/lớp trong 5 ngày).
+ Lớp nâng cao kỹ thuật gieo tinh
nhân tạo và bệnh sinh sản ở bò: 05 lớp (20 học viên/lớp trong 7 ngày).
+ Lớp kỹ thuật
chăn nuôi bò thịt: 36 lớp (30 học viên/lớp trong 07 ngày).
+ Lớp quản lý giống bằng phần mềm
chuyên dụng: 05 lớp (10 học viên/lớp trong 05 ngày)
+ Lớp kỹ thuật trồng cỏ và chế biến
thức ăn cho bò: 72 lớp (30 học viên/lớp trong 05 ngày)
- Kinh phí thực hiện: 670 triệu đồng
từ nguồn ngân sách Thành phố.
- Cơ quan quản lý: Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn.
- Đơn vị thực hiện: Trường Trung cấp
Kỹ thuật nông nghiệp.
- Đơn vị phối hợp: Trung tâm Quản lý
và Kiểm định Giống cây trồng - vật nuôi, Trung tâm Khuyến
nông.
7. Xúc tiến thương mại và quảng bá
thương hiệu giống bò thịt Thành phố
- Mục tiêu: Từng bước xây dựng thương
hiệu “Bò thịt Thành phố Hồ Chí Minh”
- Thời gian thực hiện: 2016 - 2020.
- Nội dung:
+ Triển khai thực
hiện các chính sách khuyến khích chăn nuôi đàn bò thịt theo phương thức trang
trại, cơ giới hóa nhằm giảm công lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất và lợi
nhuận.
+ Xây dựng các chuỗi sản phẩm thịt bò
an toàn.
+ Thông qua các hội thi, hội chợ, từng
bước giới thiệu các giống bò thịt mới của Thành phố Hồ Chí Minh.
+ Tổ chức tham
quan, học tập các mô hình chăn nuôi bò thịt thành công ở các tỉnh, thành phố
trong nước hoặc nước ngoài.
- Kinh phí thực hiện: 5.316,942 triệu
đồng
- Cơ quan quản lý: Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn.
- Đơn vị thực hiện:
Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp
- Đơn vị phối hợp: Chi cục Phát triển
Nông thôn, Trung tâm Quản lý và Kiểm định Giống cây trồng
- vật nuôi, Phòng Kinh tế huyện.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn
- Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH MTV và
các doanh nghiệp triển khai Chương trình phát triển giống bò thịt, xác định vùng chăn nuôi an toàn tại các huyện có chăn nuôi bò thịt.
- Thường xuyên giám sát tình hình
phát triển chăn nuôi và phòng, chống dịch bệnh trên đàn bò
giống thịt; kịp thời tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân
Thành phố giải quyết những khó khăn trong quá trình thực
hiện.
- Hướng dẫn kỹ thuật chuồng trại,
chăm sóc, nuôi dưỡng, xây dựng các mô hình chăn nuôi giống bò thịt hiệu quả theo hướng an toàn sinh học và đảm bảo
an toàn thực phẩm.
- Xây dựng đàn hạt nhân mở, tăng cường
các hoạt động khuyến nông, xúc tiến thương mại, nghiên cứu khảo sát thị trường,
nâng cao năng lực hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác
chăn nuôi bò thịt,... giúp người chăn nuôi định hướng sản xuất ổn định.
- Hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi kỹ
thuật chuồng trại, chăm sóc, nuôi dưỡng, các biện pháp
phòng chống dịch bệnh, an toàn sinh học trong chăn nuôi; vận động người chăn
nuôi sản xuất theo quy trình thực hành chăn nuôi tốt (VietGAHP), đảm bảo an
toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường phát triển bền vững.
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn là cơ quan đầu mối, định kỳ tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện chương trình cho Ủy
ban nhân dân Thành phố.
2. Ủy
ban nhân dân các quận, huyện
- Rà soát, bổ sung kế hoạch phát triển
chăn nuôi và vùng chăn nuôi tập trung trên địa bàn, gắn với kế hoạch sử dụng đất
trồng cỏ.
- Tổ chức phổ biến, công khai kế hoạch
chăn nuôi đã được phê duyệt, đồng thời chịu trách nhiệm quản lý quy hoạch, kế
hoạch phát triển chăn nuôi giống bò thịt trên địa bàn, nhằm đảm bảo phát triển ổn định, kiểm soát dịch bệnh và bảo vệ môi trường.
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn xây dựng kế hoạch hàng năm để triển khai thực hiện Chương trình
phát triển đàn giống bò thịt.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Nghiên cứu, đề xuất Ủy ban nhân dân Thành phố các cơ chế, chính sách đầu tư nhằm khuyến
khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư vào chăn nuôi giống bò thịt; phù hợp với
định hướng phát triển nông nghiệp của địa phương.
- Phối hợp Sở Tài chính cân đối, đề
xuất Ủy ban nhân dân Thành phố bố trí kế hoạch vốn hàng năm, đảm bảo thực hiện mục tiêu của Chương trình phát
triển chăn nuôi giống bò thịt.
4. Sở Tài chính
- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư
đề xuất Ủy ban nhân dân Thành phố bố trí kinh phí thực hiện
Chương trình, đảm bảo thực hiện có hiệu quả Chương trình phát triển giống bò thịt
trong từng thời kỳ kế hoạch, tiến độ đầu tư các hợp phần của
Chương trình.
- Chủ trì, phối hợp Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn ban hành các văn bản hướng dẫn nghiệm thu, thanh toán nguồn
kinh phí theo quy định.
5. Sở Khoa học và Công nghệ
- Tham mưu Ủy
ban nhân dân Thành phố xét duyệt các đề tài nghiên cứu khoa học thuộc Chương
trình phát triển đàn giống bò thịt, nhằm nâng cao chất lượng con giống; cải tiến
kỹ thuật về giống, chăm sóc, nuôi dưỡng, thú y,...
- Nghiên cứu chuyển giao công nghệ,
quy trình sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn.
6. Các doanh nghiệp tham gia
chương trình phát triển giống bò thịt
- Khuyến khích các doanh nghiệp liên
doanh, liên kết trong các hoạt động đầu tư phát triển chăn nuôi giống bò thịt,
tận dụng và khai thác tối đa thế mạnh của doanh nghiệp (thức
ăn chăn nuôi, con giống, quy trình, kỹ thuật chăn nuôi,...) trong sản xuất kinh
doanh, khai thác các nguồn lực sẵn có, tránh đầu tư dàn trải, lãng phí, không
hiệu quả.
- Khuyến khích các tổ hợp tác, hợp
tác xã chuyên phát triển chăn nuôi và cung ứng giống bò, liên kết
với các doanh nghiệp tham gia chương trình phát triển giống
bò thịt và chăn nuôi bò thịt thâm canh quy mô lớn, tạo nguồn
thực phẩm bình ổn thị trường của
Thành phố; hợp tác với các đơn vị của Thành phố và các tỉnh.
- Chủ động đầu tư sản xuất, phát triển
chăn nuôi bò thịt; liên kết mở rộng quy mô, kết hợp với các đơn vị có quỹ đất,
có nhân lực để chủ động phát triển hệ thống vệ tinh, gia
công thông qua đầu tư hỗ trợ vốn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong
chăn nuôi nhằm tạo ra nguồn giống có chất lượng cao, chất
lượng tốt và có giá thành hạ để cung ứng cho thị trường.
VI. DỰ TÍNH NHU CẦU VÀ CÁC NGUỒN
VỐN
Tổng nguồn vốn đầu tư chăn nuôi phát
triển giống bò thịt giai đoạn 2016-2020 như sau:
- Tổng vốn đầu tư giai đoạn 2016 -
2020 từ nguồn ngân sách là 85.042,632 triệu đồng; Phân kỳ như sau:
21.522,36 triệu đồng (năm 2016), 19.149,46 triệu đồng (năm 2017), 16.502,729
triệu đồng (năm 2018), 13.177,86 triệu đồng (năm 2019), 14.690,229 triệu đồng
(năm 2020).
- Vốn góp của dân là 2.223.436 triệu
đồng, đầu tư vào con giống, chuồng trại và thức ăn. Bao gồm vốn tự có của
dân và vốn vay của ngân hàng, được hỗ trợ lãi vay theo chính sách khuyến khích
chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị.
VII. HIỆU QUẢ KINH
TẾ XÃ HỘI
1. Hiệu quả kinh tế
Tổng giá trị sản xuất phát triển chăn
nuôi giống bò thịt đến năm 2020 ước đạt khoảng 3.419 tỷ đồng. Giá trị tăng thêm
sau đầu tư khoảng trên 3.300 tỷ đồng.
2. Hiệu quả xã hội
- Tạo nguồn con giống bò thịt chất lượng
cao cung ứng cho người chăn nuôi Thành phố và các tỉnh, đáp ứng nhu cầu con giống
và thịt bò cho người dân Thành phố.
- Góp phần bảo đảm an ninh lương thực,
thực phẩm.
- Cung cấp nguyên liệu cho các ngành
công nghiệp chế biến thực phẩm.
- Tạo công ăn việc làm, nâng cao thu
nhập, cải thiện đời sống cho người dân, góp phần ổn định
an ninh, trật tự xã hội.
3. Môi trường
- Chuyển đổi
phương thức chăn nuôi nhỏ sang chăn nuôi tập trung quy mô lớn, gắn
với các giải pháp xử lý chất thải nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
- Cung cấp nguồn phân hữu cơ đã xử lý
cho cây trồng và khai thác nguồn năng lượng từ Biogaz phục vụ sinh hoạt và sản
xuất trong nông nghiệp và nông thôn./.