QUYẾT ĐỊNH
BAN
HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 689/CT-TTG NGÀY 18 THÁNG 5 NĂM 2010 CỦA THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ MỘT SỐ BIỆN PHÁP NHẰM NGĂN CHẶN, GIẢM THIỂU TÌNH TRẠNG TÀU
CÁ VÀ NGƯ DÂN VIỆT NAM BỊ NƯỚC NGOÀI BẮT GIỮ
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân
dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Thủy sản ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 33/2010/NĐ-CP ngày 31 tháng 3 năm
2010 của Chính phủ về quản lý hoạt động khai thác thủy sản của tổ chức, cá nhân
Việt Nam trên các vùng biển;
Căn cứ Chỉ thị số 689/CT-TTg ngày 18 tháng 5 năm 2010
của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp nhằm ngăn chặn, giảm thiểu tình
trạng tàu cá và ngư dân Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn tại Tờ trình số 970/TTr-SNN-TS ngày 05 tháng 7 năm 2010,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 689/CT-TTg
ngày 18 tháng 5 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp nhằm ngăn
chặn, giảm thiểu tình trạng tàu cá và ngư dân Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ
(kèm theo Quyết định này).
Điều 2. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám
đốc các sở, ngành, đơn vị: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngoại vụ; Bộ
Chỉ huy Biên phòng tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thị
xã, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm
thi hành Quyết định này./.
KẾ HOẠCH
THỰC
HIỆN CHỈ THỊ SỐ 689/CT-TTG NGÀY 18 THÁNG 5 NĂM 2010 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ
MỘT SỐ BIỆN PHÁP NHẰM NGĂN CHẶN, GIẢM THIỂU TÌNH TRẠNG TÀU CÁ VÀ NGƯ DÂN VIỆT
NAM BỊ NƯỚC NGOÀI BẮT GIỮ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
(Kèm theo Quyết định số 1740/QĐ-UBND ngày 20 tháng 7 năm 2010 của Chủ tịch Ủy
ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích:
- Phổ biến kịp thời và đầy đủ các quy định pháp luật, các
chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam liên quan đến hoạt động
nghề cá trên biển, các quy định của các quốc gia có biển lân cận về việc đánh
bắt và khai thác thủy sản trên biển.
- Tạo sự chuyển biến ngạnh mẽ trong ngư dân về ý thức tôn
trọng và chấp hành các quy định của pháp luật Việt Nam và các nước lân cận về
việc đánh bắt và khai thác thủy sản trên biển, để từ đó ngăn chặn, hạn chế, giảm
thiểu tình trạng tàu cá và ngư dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bị nước ngoài bắt giữ
trong thời gian qua.
2. Yêu cầu:
Chủ động phối hợp chặt chẽ các cơ quan, đơn vị, các địa
phương và các tổ chức đoàn thể có liên quan để nâng cao vai trò, trách nhiệm
trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các quy định pháp luật, các chủ
trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam liên quan đến hoạt động nghề
cá trên biển, các quy định của các quốc gia có biển lân cận về việc đánh bắt và
khai thác thủy sản trên biển. Thườg xuyên theo dõi, nắm tình hình và có biện
pháp xử lý phù hợp đối với các đối tượng đã cố tình vi phạm pháp luật bị nước
ngoài bắt giữ, xử phạt, đối tượng có hành vi móc nối với nước ngoài... để kịp thời
cảnh báo, ngăn chặn không để xảy ra tình trạng tương tự.
II. NỘI DUNG VÀ BIỆN PHÁP THỰC HIỆN
1. Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan tăng cường
công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, bảo đảm ngư dân hiểu rõ chủ trương,
chính sách của Đảng và Nhà nước ta, các quy định pháp luật của Việt Nam liên
quan đến hoạt động nghề cá trên biển, đồng thời nắm vững các quy định của các
quốc gia có biển lân cận.
2. Tổ chức và huy động các tổ chức chính trị, chính trị
- xã hội tham gia công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật cho ngư dân; thường
xuyên theo dõi, nắm tình hình và có biện pháp xử lý phù hợp đối với các đối
tượng đã cố tình vi phạm pháp luật bị nước ngoài bắt giữ, xử phạt, đối tượng có
hành vi móc nối với nước ngoài... để kịp thời cảnh báo, ngăn chặn không để xảy
ra tình trạng tương tự.
3. Quản lý chặt chẽ tàu cá, đặc biệt đối với tàu đánh
bắt xa bờ, có biện pháp cụ thể như: yêu cầu chủ tàu, thuyền trưởng không xâm
phạm vùng biển nước ngoài đánh bắt trái phép; áp dụng hình thức tước quyền sử
dụng giấy phép khai thác hải sản và chứng chỉ hành nghề đối với chủ tàu, thuyền
trưởng cố tình vi phạm.
4. Hỗ trợ và hướng dẫn cộng đồng ngư dân tự nguyện thành
lập các tổ, đội sản xuất trên biển, nhất là đánh bắt xa bờ, nhằm giúp đỡ, hỗ
trợ và bảo vệ nhau, đấu tranh và bảo vệ lợi ích chính đáng và góp phần quan trọng
trong việc bảo vệ an ninh chủ quyền trên các vùng biển.
5. Chủ động và kịp thời phối hợp với các cơ quan liên quan,
thông báo tình hình ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử phạt và giải quyết, tiếp
nhận ngư dân được trao trả; kịp thời động viên đối với các ngư dân có hành động
yêu nước, bảo vệ an ninh chủ quyền vùng biển hoặc có hành động dũng cảm cứu
người, tài sản gặp rủi ro trên biển.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Công tác tuyên truyền.
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp
với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị
xã, thành phố tổ chức mở các lớp tập huấn tại các xã phường trọng điểm nghề cá
để hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, các chủ trương, chính sách của
Đảng và Nhà nước Việt Nam liên quan đến hoạt động nghề cá trên biển và các quy
định của các quốc gia có biển lân cận.
- Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì phối hợp với
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành
phố tổ chức mở các lớp tập huấn hướng dẫn phổ biến các quy định pháp luật liên
quan đến biên giới quốc gia và các hiệp định, hiệp ước về chủ quyền vùng biển,
giới hạn vùng biển Việt Nam với các nước tiếp giáp có biển lân cận.
- Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Bà Rịa - Vũng
Tàu có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan có chức năng tăng cường công tác
tuyên truyền phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước có liên
quan đến hoạt động nghề cá trên biển và các quy định của các quốc gia có biển
lân cận.
2. Công tác quản lý tàu cá.
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm
chỉ đạo Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi Thủy sản, Thanh tra Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh để quản
lý chặt chẽ tàu cá, đặc biệt đối với tàu đánh bắt xa bờ như công tác đăng ký,
đăng kiểm, giấy phép khai thác thủy sản. Đồng thời, yêu cầu chủ tàu hoặc thuyền
trưởng ký cam kết không xâm phạm vùng biển nước ngoài đánh bắt trái phép trước
khi cấp mới hoặc gia hạn giấy phép khai thác, ký cam kết không xâm phạm vùng
biển nước ngoài đánh bắt trái phép trước khi xuất bến (đối với tàu đánh bắt xa
bờ).
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm
chỉ đạo Thanh tra Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Khai thác và Bảo
vệ Nguồn lợi Thủy sản tăng cường công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tước quyền
sử dụng giấy phép khai thác hải sản và chứng chỉ hành nghề đối với chủ tàu,
thuyền trưởng xâm phạm vùng biển nước ngoài đánh bắt trái phép.
3. Thành lập các tổ đội sản xuất trên biển.
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục
Hợp tác xã và Phát triển nông thôn phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị
xã, thành phố trên địa bàn tỉnh hướng dẫn, hỗ trợ cộng đồng ngư dân tự nguyện
thành lập các tổ, đội sản xuất trên biển, nhất là đánh bắt xa bờ theo quy định
tại Nghị định số 151/2007/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2007 của Chính phủ về tổ
chức và hoạt động của tổ hợp tác.
- Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có trách
nhiệm chỉ đạo các Ủy ban nhân dân xã, phường, thị, trấn phối hợp với Hội Nông
dân của địa phương để vận động cộng đồng ngư dân tự nguyện thành lập các tổ,
đội sản xuất trên biển, nhất là đánh bắt xa bờ theo Nghị định số 151/2007/NĐ-CP
ngày 10 tháng 10 năm 2007 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của tổ hợp tác.
Nhằm giúp đỡ, hỗ trợ và bảo vệ nhau, đấu tranh và bảo vệ lợi ích chính đáng và
góp phần quan trọng trong việc bảo vệ an ninh chủ quyền trên các vùng biển.
4. Giải quyết vụ việc.
- Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh có trách nhiệm chủ
động phối hợp với các cơ quan liên quan thường xuyên theo dõi, nắm bắt và xử lý
tình hình tàu cá, ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài đánh bắt trái phép, báo cáo
kịp thời tình hình xẩy ra đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền.
- Sở Ngoại vụ chủ trì phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên
phòng tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân các huyện,
thị xã, thành phố giải quyết, tiếp nhận ngư dân được trao trả về nước bằng con
đường ngoại giao (thông qua Đại sứ quán) do xâm phạm vùng biển nước ngoài đánh
bắt trái phép.
- Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng chủ trì phối hợp Công an
tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân các huyện, thị
xã, thành phố giải quyết, tiếp nhận và xử lý ngư dân bị trả về nước trên biển
(không thông qua đường ngoại giao) theo quy định của pháp luật
5. Kinh phí.
Các sở, ngành và các cơ quan có liên quan chủ động phối
hợp với Sở Tài chính tỉnh đề xuất, trình Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết kinh
phí thực hiện theo quy định.
6. Khen thưởng.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng có trách nhiệm chủ trì phối
hợp với các cơ quan chức năng có liên quan đề xuất khen thưởng kịp thời động
viên, khen thưởng đối với ngư dân có hành động yêu nước, bảo vệ an ninh chủ
quyền vùng biển hoặc có hành động dũng cảm cứu người, tài sản khi gặp sự cố trên
biển.
7. Chế độ báo cáo.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh có trách nhiệm tổng hợp
báo cáo hàng tháng về tình hình tàu cá, ngư dân bị các lực lượng của nước ngoài
trấn áp bắt giữ, xử phạt... xẩy ra trên biển đến các cơ quan chức năng có thẩm
quyền.
Trong quá trình thực hiện nếu có phát sinh vướng mắc, các
cơ quan, đơn vị báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để xử lý, giải quyết./.