Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Quyết định 1731/QĐ-UBND 2021 Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi tỉnh Bình Thuận

Số hiệu: 1731/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Bình Thuận Người ký: Nguyễn Văn Phong
Ngày ban hành: 09/07/2021 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1731/QĐ-UBND

Bình Thuận, ngày 09 tháng 7 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI GIAI ĐOẠN 2021 - 2030, TẦM NHÌN 2045 THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 1520/QĐ-TTG NGÀY 06/10/2020 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN.

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Quyết định số 1520/QĐ-TTg ngày 06 tháng 10 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045;

Căn cứ Quyết định số 1368/QĐ-BNN-CN ngày 01 tháng 4 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Quyết định số 1520/QĐ-TTg ngày 06 tháng 10 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 78/TTr-SNN ngày 29 tháng 6 năm 2021.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 theo Quyết định số 1520/QĐ-TTg ngày 06 tháng 10 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Tài chính, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, PCT UBND tỉnh Nguyễn Văn Phong;
- Mặt trận, Đoàn thể tỉnh;
- Như Điều 3;
- Sở: TNMT, NV, KHCN, CT, LĐTBXH, TTTT;
- Ngân hàng Nhà nước-CN Bình Thuận;
- Báo, Đài PTTH Bình Thuận;
- Trung tâm Thông tin;
- Lưu: VT, KT, Vân.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Nguyễn Văn Phong

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI GIAI ĐOẠN 2021 - 2030, TẦM NHÌN 2045 THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 1520/QĐ-TTG NGÀY 06/10/2020 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 1731/QĐ-UBND ngày 09/7/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận)

Thực hiện Quyết định số 1520/QĐ-TTg ngày 06 tháng 10 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 và Quyết định số 1368/QĐ-BNN-CN ngày 01 tháng 4 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ủy ban dân dân tỉnh Bình Thuận xây dựng Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 trên địa bàn tỉnh như sau:

I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN

- Phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh để phát triển chăn nuôi trở thành ngành sản xuất hàng hóa, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu; đồng thời phát triển, nâng cao giá trị gia tăng, bảo đảm an toàn sinh học, dịch bệnh, môi trường và an toàn thực phẩm, đối xử nhân đạo với vật nuôi, đáp ứng nhu cầu thị trường trong tỉnh và cả nước, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

- Phát triển ngành chăn nuôi theo hướng trang trại, công nghiệp hóa; hỗ trợ, tạo điều kiện cho hộ chăn nuôi theo phương thức truyền thống chuyển dần sang phương thức chăn nuôi trang trại, công nghiệp; đẩy mạnh chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi truyền thống theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao, an toàn.

- Phát triển chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng; khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường từ những hoạt động chăn nuôi, lưu thông vận chuyển, giết mổ động vật và kinh doanh phân phối.

- Tập trung phát triển những loại vật nuôi có lợi thế như heo, bò, gia cầm và chim yến; đẩy mạnh việc xã hội hóa các hoạt động trong chăn nuôi, phát triển chăn nuôi phù hợp với kinh tế thị trường; tạo môi trường kinh doanh bình đẳng để mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

- Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, đưa chăn nuôi thành ngành sản xuất chính có tỷ trọng đáng kể trong ngành nông nghiệp, có quy mô sản xuất theo hướng tập trung, với trình độ chăn nuôi từng bước được hiện đại hóa, đáp ứng yêu cầu thị trường trong và ngoài tỉnh, nâng cao thu nhập ổn định cho người chăn nuôi, hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường.

- Đa dạng hóa các loài vật nuôi để phát huy lợi thế của từng tiểu vùng và nhu cầu đa dạng của từng thị trường, nhưng tập trung chuyển dịch cơ cấu đàn vật nuôi theo hướng tăng tỷ trọng đàn gia cầm, đàn heo, đàn bò. Chuyển dần từ chăn nuôi nông hộ sang phát triển chăn nuôi gia trại, trang trại; duy trì chăn nuôi nông hộ nhưng theo hình thức công nghiệp và công nghệ cao; khuyến khích tổ chức sản xuất khép kín. Liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị để cắt giảm chi phí, tăng hiệu quả và giá trị gia tăng.

- Tăng hàm lượng khoa học và ứng dụng công nghệ vào trong sản xuất, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nhằm làm giảm chi phí, tạo giá trị gia tăng cao và phát triển bền vững. Đẩy mạnh công tác khuyến nông, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ đến người chăn nuôi. Nâng cao hiệu quả hoạt động và không ngừng phát triển các tổ hợp tác, hợp tác xã và kinh tế trang trại, làm chủ thể để liên kết với các doanh nghiệp trong sản xuất - thu mua - chế biến - tiêu thụ sản phẩm.

- Tranh thủ tối đa những hỗ trợ từ cơ chế chính sách, huy động được mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế để hỗ trợ người chăn nuôi kết nối, tiếp cận với dịch vụ nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, liên kết với các doanh nghiệp chế biến, hệ thống tiêu thụ sản phẩm để phát huy sức mạnh tổng hợp, đảm bảo chăn nuôi có hiệu quả cao và bền vững.

- Tổ chức các mô hình chăn nuôi đến từng vùng sinh thái của từng huyện. Các mô hình phát triển chăn nuôi được xây dựng cho từng loại vật nuôi chính, sản phẩm chăn nuôi hàng hóa được sản xuất chủ yếu trong các trang trại, hộ chăn nuôi chuyên nghiệp bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường, đối xử nhân đạo với vật nuôi, đáp ứng yêu cầu chất lượng, an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và tăng cường xuất khẩu.

- Xác định nguồn cung từng nhóm sản phẩm; hướng dẫn các địa phương áp dụng phương án tái đàn phù hợp; khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm đáp ứng kỹ thuật; đảm bảo môi trường và phòng chống dịch bệnh phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

2. Mục tiêu cụ thể

- Mức tăng trưởng giá trị sản xuất: Giai đoạn 2021 - 2025 trung bình 3,5 đến 4 %/năm, giai đoạn 2026 - 2030 trung bình từ 5 đến 6%/năm.

- Sản lượng thịt xẻ các loại: Đến năm 2025 đạt khoảng 80 ngàn tấn, đến năm 2030 đạt khoảng 102 ngàn tấn.

- Sản lượng trứng: Đến năm 2025 đạt từ 91 triệu quả trứng, đến năm 2030 đạt khoảng 115 triệu quả trứng.

- Bình quân sản phẩm chăn nuôi/người/năm: Đến năm 2025 đạt 62 kg thịt xẻ các loại, 71 quả trứng và đến năm 2030 đạt 76 kg thịt xẻ các loại, 86 quả trứng.

- Tỷ trọng gia súc và gia cầm được giết mổ tập trung đạt tương ứng khoảng 55% và 35% vào năm 2025, khoảng 80% và 40% vào năm 2030.

- Tỷ trọng thịt gia súc, gia cầm được chế biến so với tổng sản lượng thịt: Từ 10% - 15% vào năm 2025, từ 20% - 30% vào năm 2030;

- Xây dựng vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh: Đến năm 2025 xây dựng được ít nhất 55 cơ sở, đến năm 2030 ít nhất 65 cơ sở và ít nhất 01 vùng an toàn dịch bệnh.

III. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN 2045

1. Định hướng phát triển chăn nuôi đến năm 2030

- Đẩy nhanh phát triển chăn nuôi đạt tốc độ tăng trưởng và giá trị gia tăng hàng năm bằng với trung bình của cả nước. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển bền vững và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi.

- Chăn nuôi heo: Chuyển mạnh từ chăn nuôi phân tán sang chăn nuôi trang trại tập trung; chú ý các giải pháp xử lý triệt để các nguy cơ gây ô nhiễm môi trường (kể cả cơ sở nuôi hiện trạng và phát triển mới); cải tiến và nâng cao chất lượng đàn giống trên cơ sở mở rộng mạng lưới thụ tinh nhân tạo heo. Tổng đàn heo có mặt thường xuyên ở quy mô từ 350 ngàn con đến 400 ngàn con, trong đó đàn lợn nái 65 ngàn con.

- Chăn nuôi gia cầm: Phát triển chăn nuôi gia cầm theo hướng an toàn sinh học, đảm bảo tính bền vững, phát triển đàn gà, vịt siêu thịt; Chuyển mạnh từ chăn nuôi phân tán sang chăn nuôi tập trung, ưu tiên phát triển đàn gia cầm theo mô hình trang trại, gia trại theo hướng chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh; chú ý các giống gà thịt, vịt thịt chất lượng cao, hạn chế tối đa bùng phát dịch bệnh. Tổng đàn gà có mặt thường xuyên 3,5 triệu con. Tổng đàn thủy cầm có mặt thường xuyên 2,2 triệu con.

- Chăn nuôi trâu, bò: Ưu tiên đầu tư cho công tác cải tạo giống để nâng cao tầm vóc, chất lượng đàn bò.

+ Đàn bò ổn định ở quy mô khoảng 172 ngàn con.

+ Đàn trâu ổn định ở quy mô khoảng 9 ngàn con.

- Chăn nuôi dê, cừu: Tập trung nâng cao chất lượng đàn dê, cừu; ổn định ở quy mô từ 38 ngàn đến 40 ngàn con.

- Các loài nuôi đặc sản:

+ Nuôi chim yến: Theo điều kiện của từng địa phương và nhu cầu thị trường để phát triển các hình thức, quy mô nuôi phù hợp với Luật Chăn nuôi và Nghị định số 13/2020/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ về hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi.

+ Nuôi heo đen bản địa và dông: Theo điều kiện của từng địa phương và nhu cầu thị trường để phát triển các hình thức, quy mô nuôi phù hợp.

- Kiểm soát dịch bệnh: Nâng cao năng lực kiểm soát dịch bệnh, nhất là việc khống chế các dịch bệnh nguy hiểm ảnh hưởng đến đàn vật nuôi và những dịch bệnh có nguy cơ lây sang người, bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao trong nước và xuất khẩu.

- Giết mổ và chế biến sản phẩm chăn nuôi: nâng cao năng lực vận chuyển, giết mổ tập trung theo hướng hiện đại bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và đối xử nhân đạo với vật nuôi; phát triển mạnh mẽ công nghiệp chế biến và chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm nhằm nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm chăn nuôi làm tăng sức mua trong nước và đáp ứng tốt hơn cho nhu cầu xuất khẩu.

- Nâng cao năng lực kiểm soát chất lượng vật tư và an toàn thực phẩm sản phẩm chăn nuôi, nhất là vấn đề kiểm soát ô nhiễm vi sinh vật, tồn dư chất cấm, lạm dụng kháng sinh và hóa chất trong chăn nuôi, giết mổ, chế biến thực phẩm.

- Nâng cao năng lực kiểm soát môi trường trong chăn nuôi, giết mổ và chế biến sản phẩm chăn nuôi đáp ứng các quy định của pháp luật về môi trường. Tất cả các cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ, cơ sở chế biến sản phẩm chăn nuôi phải có giải pháp kiểm soát môi trường phù hợp, bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường và sử dụng có hiệu quả nguồn chất thải cho nhu cầu trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi côn trùng, sản xuất năng lượng tái tạo…

2. Tầm nhìn đến năm 2045

- Phát triển chăn nuôi trở thành ngành sản xuất hàng hóa, sản phẩm chăn nuôi hàng hóa được sản xuất chủ yếu trong các trang trại, gia trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao; chăn nuôi hữu cơ bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường; đáp ứng yêu cầu chất lượng, an toàn thực phẩm; đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

- Khống chế và kiểm soát tốt các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, bệnh lây nhiễm sang người.

- Đa số sản phẩm chăn nuôi chính, bao gồm thịt, trứng được sản xuất trong các cơ sở chăn nuôi an toàn sinh học và thân thiện với môi trường.

- 90% sản phẩm thịt gia súc, gia cầm hàng hóa được cung cấp từ các cơ sở giết mổ tập trung, công nghiệp và trên 60% khối lượng sản phẩm chăn nuôi chính được qua sơ chế, chế biến công nghiệp, trong đó khoảng 20% được chế biến sâu.

IV. GIẢI PHÁP

1. Chính sách để tạo động lực phát triển sản xuất chăn nuôi

Triển khai kịp thời có hiệu quả các chính sách về phát triển chăn nuôi của Trung ương, của tỉnh để tạo điều kiện thúc đẩy phát triển chăn nuôi đáp ứng các quy định của Luật Chăn nuôi, bảo đảm yêu cầu giảm thiểu ô nhiễm môi trường, an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học và nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Ưu tiên phát triển cơ sở giết mổ tập trung, chế biến các sản phẩm chăn nuôi, cơ sở chế biến thức ăn chăn nuôi công nghiệp

2. Nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước đối với quy hoạch

- Căn cứ tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; rà soát, xây dựng vùng phát triển chăn nuôi, phát triển các cơ sở giết mổ, phát triển cơ sở chế biến sản phẩm chăn nuôi và chế biến thức ăn chăn nuôi công nghiệp; đồng thời cập nhật vào quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2030.

- Tích hợp các vùng phát triển chăn nuôi theo Quyết định số 384/QĐ-UBND ngày 06 tháng 02 năm 2013 và Quyết định số 1765/QĐ-UBND ngày 23 tháng 6 năm 2016 về phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển chăn nuôi tập trung và cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung giai đoạn 2015 - 2020 trên địa bàn tỉnh vào Quy hoạch chung của tỉnh.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện đúng quy hoạch sử dụng đất và nâng cao hiệu quả sử dụng đất ở địa phương.

3. Nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh và bảo vệ môi trường

- Chủ động tổ chức và nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn dịch tễ đàn gia súc, gia cầm và các vật nuôi khác; xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh, nhất là cơ sở sản xuất giống và vùng chăn nuôi tập trung.

- Áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt (VietGAHP) đối với các cơ sở chăn nuôi. Đẩy mạnh tỷ lệ tiêm phòng bắt buộc và có biện pháp loại trừ các cá thể mang trùng đối với các bệnh nguy hiểm, tạo đàn gia súc, gia cầm sạch bệnh.

- Phối hợp với các tỉnh trong khu vực trong công tác kiểm soát nguồn gia súc, gia cầm và các sản phẩm chế biến cung cấp cho tỉnh.

- Thanh tra, kiểm tra chặt chẽ công tác phòng chống dịch bệnh, vệ sinh thú y tại các địa phương trong tỉnh.

- Xây dựng mạng lưới giết mổ tập trung kết hợp với quản lý chặt chẽ công tác kiểm soát giết mổ, vận chuyển, chế biến sản phẩm gia súc, gia cầm nhằm cung cấp nguồn thực phẩm đáp ứng yêu cầu an toàn thực phẩm, hạn chế lây lan dịch bệnh.

4. Khoa học công nghệ

- Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, áp dụng chuyển giao các công nghệ mới, tiên tiến trong chăn nuôi. Ưu tiên hoạt động nghiên cứu về giống mới, ứng dụng công nghệ sinh học, sản xuất vaccin và chuyển giao quy trình, công nghệ trong chăn nuôi.

- Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào quy trình sản xuất giống, sản xuất thức ăn, chăm sóc; tập trung đẩy mạnh hình thức nuôi với quy mô công nghiệp, trang trại; từng bước nâng cao cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại phục vụ trong chăn nuôi.

5. Nâng cao năng suất, chất lượng giống vật nuôi

- Chọn tạo nâng cao năng suất, chất lượng, sự đồng nhất về sản phẩm của các giống vật nuôi trong sản xuất phù hợp với địa phương, từng phương thức chăn nuôi và phân khúc thị trường; hỗ trợ tích cực cho chương trình xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, sản phẩm chăn nuôi sản xuất theo chuỗi và truy xuất được nguồn gốc. Tiếp thu nhanh các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ sinh học của thế giới. Trong đó, cần chú trọng việc bảo tồn, khai thác đặc điểm sinh học quý của các nguồn gen, giống bản địa.

- Tiếp tục cải tiến nâng cao tầm vóc đàn bò trong tỉnh, phát triển mạng lưới thụ tinh nhân tạo và sử dụng một số giống bò có khả năng thích nghi với điều kiện sinh thái trong tỉnh để tạo đàn cái nền phục vụ cho lai tạo giống bò thịt chất lượng cao, cung cấp bê đực cho nuôi vỗ béo bò thịt.

- Bình tuyển, chọn lọc đàn trâu trong sản xuất, tạo đàn cái nền và đực giống tốt cung cấp cho nhu cầu cải tiến, nâng cao chất lượng đàn giống, thực hiện tốt giải pháp đảo đực giống giữa các vùng nhằm tránh tình trạng cận huyết và phát huy ưu thế lai.

- Nhân thuần, chọn lọc nâng cao, cải tiến năng suất, chất lượng giống vật nuôi bản địa có nguồn gen quý, hiếm làm nguyên liệu lai tạo với các giống cao sản.

- Xây dựng và sử dụng các công thức lai giống phù hợp cho từng phương thức chăn nuôi và phân khúc thị trường bảo đảm có số lượng sản phẩm đủ lớn và đồng nhất về chất lượng đáp ứng cho tiêu dùng trong tỉnh và cả nước.

- Hằng năm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tổ chức đánh giá, bình tuyển chất lượng đối với đàn đực giống hoạt động dịch vụ gieo tinh trực tiếp trên địa bàn nhằm loại thải những đực giống kém chất lượng, không có lý lịch, nguồn gốc rõ ràng.

6. Nâng cao chất lượng, hạ giá thành thức ăn chăn nuôi

- Phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; khuyến khích đầu tư, xây dựng các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư áp dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ sinh học nhằm sản xuất nhanh các chế phẩm sinh học thay thế kháng sinh, hóa chất sử dụng làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thay thế nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

- Tăng cường công tác kiểm soát chất lượng, nhất là các chỉ tiêu an toàn đối với thức ăn chăn nuôi. Khuyến khích phát triển các mô hình chế biến các loại thức ăn chăn nuôi hữu cơ bằng công nghệ, thiết bị nghiền trộn nhỏ và cơ động phù hợp với loại hình chăn nuôi nông hộ, hợp tác xã; mô hình thâm canh trồng cỏ để chăn nuôi và vỗ béo các loại gia súc ăn cỏ.

7. Nâng cao năng lực giết mổ và chế biến sản phẩm chăn nuôi

- Tổ chức lại hệ thống giết mổ và chế biến gia súc, gia cầm theo hướng tập trung, công nghiệp gắn với vùng chăn nuôi hàng hóa, bảo đảm yêu cầu về vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và đối xử nhân đạo với vật nuôi.

- Cùng với các chính sách khuyến khích phát triển hoạt động giết mổ tập trung, công nghiệp cần tăng cường các biện pháp quản lý đối với công tác giết mổ, nhất là các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, thủ công không bảo đảm vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm.

- Khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến, chế biến sâu các sản phẩm chăn nuôi nhằm đa dạng hóa và nâng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi phù hợp với nhu cầu của thị trường.

8. Đào tạo nguồn nhân lực

- Tiếp tục đào tạo để nâng cao năng lực quản lý nhà nước cho cán bộ chăn nuôi, thú y các cấp, nhất là hệ thống chăn nuôi thú y cấp xã. Đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ gắn với hoạt động khuyến nông. Chú trọng đào tạo kỹ năng quản trị, kỹ thuật chăn nuôi, quản lý dịch bệnh và an toàn thực phẩm cho người chăn nuôi thông qua các chương trình dạy nghề, hoạt động khuyến nông.

9. Phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành chăn nuôi

- Khuyến khích phát triển công nghiệp cơ khí, hóa chất và công nghệ sinh học để cung cấp các thiết bị chuồng trại, giết mổ, chế biến, các loại hóa chất, chế phẩm sinh học thay thế nguồn nhập khẩu.

- Khuyến khích phát triển công nghệ tiên tiến, hiện đại trong quản lý ngành và quản trị hoạt động kinh doanh chăn nuôi, nhất là các phần mềm tin học phù hợp với đặc thù của chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ và chăn nuôi nông hộ.

10. Đổi mới tổ chức sản xuất

- Tổ chức sản xuất các ngành hàng sản phẩm chăn nuôi theo hướng chuyên môn hóa, hiện đại và hiệu quả gắn với các chuỗi liên kết, trong đó phát huy vai trò chủ đạo của doanh nghiệp, hiệp hội và hợp tác xã.

- Khuyến khích phát triển các doanh nghiệp, tập đoàn chăn nuôi lớn đủ năng lực, khả năng đầu tư vào ngành chăn nuôi theo chuỗi khép kín và hỗ trợ, dẫn dắt người chăn nuôi sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường. Chú trọng củng cố và phát triển mô hình hợp tác xã kiểu mới trong lĩnh vực chăn nuôi làm cầu nối giữa các nông hộ, trang trại với các doanh nghiệp lớn và thị trường.

11. Tăng cường năng lực quản lý nhà nước ngành chăn nuôi, thú y

- Kiện toàn, tăng cường năng lực tổ chức bộ máy và cơ chế, chính sách quản lý ngành chăn nuôi, thú y.

- Hoạt động chăn nuôi, thú y là hoạt động sản xuất, kinh doanh có điều kiện, cơ sở có hoạt động chăn nuôi, thú y phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật về môi trường, an toàn sinh học và đối xử nhân đạo với vật nuôi.

- Thay đổi cách tiếp cận về phương thức quản lý sản xuất, quản lý chất lượng sản phẩm để người sản xuất, kinh doanh tự chủ động trong việc kiểm soát chất lượng, an toàn sản phẩm của mình trước khi đưa ra thị trường.

- Xã hội hóa các dịch vụ công về chăn nuôi, thú y để mọi thành phần kinh tế có đủ điều kiện có thể tham gia nhằm công khai, minh bạch các hoạt động quản lý, giảm áp lực về biên chế, ngân sách nhà nước và cung cấp cho người dân chất lượng dịch vụ tốt nhất.

V. CÁC CHƯƠNG TRÌNH, ĐỀ ÁN CHỦ YẾU

- Đề án “ Xây dựng chuỗi cơ sở sản xuất thịt heo an toàn dịch bệnh theo quy định của OIE” để xuất khẩu trên địa bàn huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận.

- Đề án phát triển công nghiệp sản xuất giống vật nuôi.

- Đề án phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi và chế biến các sản phẩm chăn nuôi.

- Đề án phát triển công nghiệp chuồng trại và xử lý chất thải chăn nuôi.

- Đề án nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh hoạt động khoa học - công nghệ, khuyến nông trong chăn nuôi và tăng cường năng lực quản lý nhà nước ngành chăn nuôi.

- Đề án phát triển công nghiệp giết mổ và thị trường sản phẩm chăn nuôi.

VI. NGUỒN VỐN THỰC HIỆN

1. Huy động nguồn vốn

- Nguồn ngân sách Nhà nước cấp theo quy định.

- Lồng ghép trong các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình mục tiêu, chương trình, kế hoạch, dự án khác.

- Nguồn vốn vay ưu đãi, vốn ODA (nếu có).

- Tổ chức, cá nhân đầu tư và các nguồn vốn huy động khác.

2. Sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư chăn nuôi

- Ngân sách Nhà nước ưu tiên đầu tư cho phát triển hạ tầng kỹ thuật phục vụ nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực; nâng cao năng lực quản lý ngành chăn nuôi, thú y; kiểm soát dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm; bảo tồn và phát triển nguồn gen giống vật nuôi bản địa, quý, hiếm; dự trữ sản phẩm chăn nuôi thiết yếu phù hợp với từng thời kỳ.

- Đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước đầu tư vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh lĩnh vực chăn nuôi, thú y, chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi theo quy định của pháp luật.

VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan và các địa phương triển khai thực hiện Kế hoạch; tham mưu xây dựng các chương trình, đề án có liên quan. Đề xuất, kiến nghị, trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định những vấn đề phát sinh, vượt thẩm quyền, bổ sung, điều chỉnh Kế hoạch phù hợp với điều kiện thực tiễn.

- Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Trung tâm Khuyến nông, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp huyện thông tin, tuyên truyền nội dung Kế hoạch này đến toàn thể cán bộ công chức, viên chức và nhân dân; đồng thời hướng dẫn nhân dân về quy trình kỹ thuật sản xuất, phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi, xây dựng các mô hình phát triển chăn nuôi các sản phẩm chủ lực, sơ tổng kết để nhân rộng.

- Định kỳ hàng năm, đánh giá, báo cáo kết quả thực hiện trong đó nêu rõ việc đã hoàn thành, việc chưa hoàn thành, nguyên nhân và đề xuất giải pháp tiếp tục thực hiện báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Chủ trì triển khai chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, trong đó có lĩnh vực chăn nuôi theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

- Hướng dẫn tổ chức, cá nhân thực hiện các thủ tục đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi theo quy định.

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan và các địa phương thẩm định các dự án đầu tư phát triển chăn nuôi của các tổ chức, doanh nghiệp trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt theo quy định.

3. Sở Tài chính: Trên cơ sở đề nghị của Sở Nông nghiệp và và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính tổng hợp, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phân khai kinh phí sự nghiệp kinh tế hàng năm đã giao cho ngành nông nghiệp để thực hiện Kế hoạch phù hợp khả năng ngân sách địa phương theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

4. Sở Khoa học và Công nghệ: Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo đề xuất và tuyển chọn các nhiệm vụ khoa học và công nghệ nhằm tăng cường nghiên cứu và ứng dụng khoa học và công nghệ phát triển chăn nuôi theo định hướng của Kế hoạch.

5. Sở Công Thương: Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai các chính sách, giải pháp thúc đẩy thị trường, xúc tiến thương mại cho sản phẩm chăn nuôi.

6. Sở Tài nguyên và Môi trường: Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các địa phương lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm (trong đó có cập nhật quỹ đất cho chăn nuôi); hướng dẫn về thủ tục đất đai cho tổ chức, cá nhân thuê phát triển chăn nuôi, xây dựng cơ sở giết mổ, bảo quản, chế biến công nghiệp và hướng dẫn lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường và tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

7. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng và chỉ đạo triển khai chương trình đào tạo nghề, chuyển đổi nghề cho người chăn nuôi và chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề cho những người chăn nuôi không còn khả năng chăn nuôi hoặc có nhu cầu chuyển đổi sang lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác thuận lợi hơn.

8. Sở Nội vụ: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh kiện toàn lại hệ thống thú y các cấp theo đúng Luật Thú y đảm bảo đủ nhân lực thực hiện có hiệu quả công tác chuyên ngành Chăn nuôi Thú y.

9. Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Bình Thuận

- Chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai kịp thời các chính sách tín dụng liên quan đến hoạt động phát triển chăn nuôi theo chỉ đạo của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và của tỉnh.

- Phối hợp với các sở, ngành có liên quan tham mưu, đề xuất các chính sách tín dụng hỗ trợ phát triển chăn nuôi theo chỉ đạo của địa phương (nếu có) để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu và nội dung của Kế hoạch.

10. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Thuận, Báo Bình Thuận: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ngành liên quan tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về nội dung Kế hoạch này, trong đó nhấn mạnh định hướng phát triển ngành chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, lồng ghép trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới... nhằm từng bước thay đổi tư duy, tập quán sản xuất nhỏ lẻ, tự phát sang phát triển sản xuất chăn nuôi theo hướng tập trung hàng hóa quy mô lớn, gắn với việc phát triển các vật nuôi chủ lực và vật nuôi theo hướng đặc sản, tạo thương hiệu, tổ chức lại sản xuất kết nối thị trường tiêu thụ.

11. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: Tổ chức xây dựng và thực hiện Kế hoạch phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2045 phù hợp với điều kiện địa phương.

12. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh: Tích cực phối hợp các ngành chức năng và địa phương cùng cấp tổ chức tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên, người chăn nuôi thực hiện tốt quy định cấm chăn nuôi trong khu vực nội thành, nội thị, vùng nuôi chim yến theo quy định; từng bước thay đổi nhận thức và các thói quen không phù hợp trong chăn nuôi, giết mổ, chế biến và tiêu dùng sản phẩm chăn nuôi.

Yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đôn đốc, theo dõi việc triển khai Kế hoạch này. Định kỳ hàng năm tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch cho Ủy ban nhân dân tỉnh. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị kịp thời báo cáo về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 1731/QĐ-UBND ngày 09/07/2021 về Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 theo Quyết định 1520/QĐ-TTg trên địa bàn tỉnh Bình Thuận

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


1.163

DMCA.com Protection Status
IP: 18.222.121.24
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!