UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1426/QĐ-UB
|
Ninh Bình, ngày 26 tháng 11 năm
1997
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH BẢN QUY ĐỊNH VỀ
CÔNG TÁC XÂY DỰNG VÀ BAN HÀNH VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH BÌNH
- Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND (sửa đổi) ngày 21/6/1994.
- Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày
12/11/1994.
- Căn cứ Thông tư số: 12/TTLB ngày 26/7/1993 của Liên bộ Tư
pháp - Ban tổ chức cán bộ Chính phủ hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
và tổ chức của các cơ quan tư pháp ở địa phương.
- Xét đề nghị của Chánh văn phòng UBND tỉnh và Giám đốc Sở
Tư pháp.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này bản quy định về công tác xây dựng và
ban hành văn bản quy phạm pháp luật của UBND tỉnh.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, những quy định trước đây về
trình tự, thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật của UBND tỉnh trái với
quy định ban hành kèm theo quyết định này đều bãi bỏ.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp, Thủ trưởng các sở,ban,
ngành của tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã chịu trách nhiệm thi hành quyết
định này./.
Nơi nhận:
- Bộ Tư pháp
- TT Tỉnh uỷ
- TT HĐND tỉnh
- Chủ tịch, Các PCT UBND tỉnh
- Như điều 3
- Lưu VT, VP7
|
TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH BÌNH
K/T.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Phạm Như Xuyên
|
QUY ĐỊNH
VỀ CÔNG TÁC XÂY DỰNG VÀ BAN HÀNH VĂN
BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 1426/QĐ-UB ngày 26/11/1997 của UBND tỉnh)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Văn bản Quy phạm pháp luật (QPPL) trong quy định này là những Quyết
định, Chỉ thị của UBND tỉnh có chứa đựng các QPPL quy định những quy tắc xử sự
chung được bảo đảm thực hiện, nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội trên địa bàn
tỉnh trong một thời gian nhất định.
Quyết định, Chỉ thị do UBND tỉnh ban hành phải có nội dung
phù hợp với Hiến pháp, luật và các văn bản QPPL khác của các cơ quan nhà nước
cấp trên.
Điều 2. Việc xây dựng văn bản QPPL phải tuân thủ đúng trình tự, thủ tục, thẩm
quyền theo quy định của Luật ban hành văn bản QPPL và bản quy định này.
Điều 3. Văn bản QPPL do UBND tỉnh ban hành nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội
thuộc các lĩnh vực: Kế hoạch, ngân sách, tài chính, nông lâm nghiệp, ngư
nghiệp, thủy lợi, đất đai,công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, giao thông vận
tải, xây dựng và quản lý phát triển đô thị, giáo dục đào tạo; Quốc phòng, an
ninh - trật tự - an toàn xã hội, thi hành pháp luật, xây dựng chính quyền, quản
lý nhà nước đối với các tổ chức kinh tế - xã hội và quản lý địa giới hành
chính, khoa học - công nghệ và môi trường, các lĩnh vực thuộc về xã hội, đời
sống cộng đồng và các lĩnh vực khác đảm bảo phát triển theo đúng quy định của
Nhà nước.
Điều 4. Hiệu lực của văn bản QPPL được xác định về không gian, thời gian và đối
tượng áp dụng do UBND tỉnh quy định.
Chương II
QUY TRÌNH XÂY DỰNG VÀ THÔNG QUA VĂN
BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT
Điều 5. Xây dựng văn bản QPPL.
Văn bản QPPL điều chỉnh các quan hệ xã hội thuộc ngành nào
do ngành đó soạn thảo; văn bản có liên quan tới nhiều ngành thì UBND tỉnh chỉ
định cơ quan chủ trì việc soạn thảo. Cơ quan chủ trì việc soạn thảo có trách
nhiệm phối hợp với các cơ quan hữu quan trong việc xây dựng các quy phạm liên
quan tới ngành hữu quan đó.
Điều 6. Tham gia ý kiến xây dựng văn bản.
Tuỳ theo tính chất và nội dung của văn bản, cơ quan chủ trì
soạn thảo tổ chức lấy ý kiến các ngành hữu quan tham gia đóng góp xây dựng vào
văn bản dự thảo. Cơ quan được mời tham gia ý kiến có trách nhiệm đóng góp ý
kiến trực tiếp vào văn bản dự thảo hoặc giử văn bản đóng góp ý kiến về cơ quan
chủ trì soạn thảo để chỉnh sửa lại văn bản dự thảo.
Điều 7. Thẩm định bản dự thảo văn bản QPPL.
Văn bản dự thảo sau khi được chỉnh sửa về sở Tư pháp để thẩm
định về tính hợp pháp của văn bản trước khi trình UBND tỉnh ký. Trong thời hạn
10 ngày kể từ khi nhận được văn bản dự thảo, Sở Tư pháp phải có ý kiến bằng văn
bản nêu rõ việc tán thành hay không tán thành với việc ban hành văn bản QPPL
gửi tới UBND tỉnh và cơ quan chủ trì soạn thảo.
Điều 8. Trình tự thông qua văn bản QPPL.
Cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản QPPL lập tờ trình đề nghị
ban hành văn bản QPPL kèm theo dự thảo văn bản QPPL và văn bản thẩm định của Sở
Tư pháp gửi về Văn phòng UBND tỉnh. Văn phòng UBND tỉnh tập hợp, chỉnh lý lần
cuối và trình UBND tỉnh ký ban hành văn bản.
Trong trường hợp UBND tỉnh không đồng ý với nội dung văn bản
dự thảo, thì văn bản được trả lại để soạn thảo lại ý kiến chỉ đạo của UBND
tỉnh.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN VÀ RÀ SOÁT, HỆ
THỐNG HOÁ VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT
Điều 9. Tổ chức thực hiện.
Văn bản QPPL sau khi ban hành được triển khai theo đúng nội
dung tới mọi đối tượng áp dụng. Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện
văn bản QPPL các cơ quan, tổ chức, cá nhân nếu phát hiện thấy có nội dung sai
trái, hết hiệu lực không còn phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của địa
phương thì kiến nghị với UBND tỉnh sửa đổi hoặc bãi bỏ.
Điều 10. a) Các văn bản QPPL sau khi ký ban hành được lưu giữ tại Văn phòng UBND
tỉnh và Sở Tư pháp để giúp cho việc tra cứu, rà soát hệ thống các văn bản QPPL
được thuận tiện.
b) Hàng năm sở Tư pháp phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh và
các cơ quan hữu quan tiến hành rà soát, hệ thống hoá văn bản QPPL do UBND tỉnh
ban hành. Quá trình rà soát, hệ thống hoá văn bản QPPL nếu phát hiện có các quy
phạm mâu thuẫn, chồng chéo, trái pháp luật, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp
với thực tế tại địa phương thì kiến nghị UBND tỉnh sửa đổi bổ sung, bãi bỏ
những văn bản quy phạm đó.
Điều 11. Văn bản QPPL chỉ được sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ bằng một
văn bản QPPL khác của UBND tỉnh hoặc bị đình chỉ thi hành, bị bãi bỏ bằng quyết
định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Điều 12. Điều khoản cuối cùng.
a) Văn bản QPPL do UBND tỉnh ban hành có hiệu lực trên phạm
vi toàn tỉnh và được áp dụng tới mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn.
b) Văn bản QPPL của UBND tỉnh chỉ hết hiệu lực toàn bộ hoặc
từng phần trong các trường hợp sau:
- Thời hạn có hiệu lực của văn bản đã hết.
- Văn bản được thay thế bằng một văn bản mới hoặc bị sửa
đổi, bãi bỏ./.