BỘ
NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
1057/QĐ-BNN-CN
|
Hà
Nội, ngày 10 tháng 05 năm 2013
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN BIỆN PHÁP AN TOÀN SINH
HỌC TỐI THIỂU CHO CƠ SỞ ẤP TRỨNG GIA CẦM HỘ GIA ĐÌNH
BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Căn cứ Nghị định số
01/2008/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Nghị định số 75/2009/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ sửa đổi Điều
3 Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ;
Căn cứ Pháp lệnh giống vật nuôi
số 16/2004/PL-UBTVQH11 ngày 24/3/2004 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
Căn cứ Pháp lệnh Thú y số
18/2004/PL-UBTVQH11 ngày 29 tháng 4 năm 2004 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
Căn cứ Quyết định 1405/QĐ-TTg
ngày 16/10/2007 của Thủ tướng chính phủ quy định về điều kiện ấp trứng và chăn
nuôi thủy cầm;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục
Chăn nuôi,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1.
Ban hành kèm theo Quyết định này Hướng dẫn thực hiện biện
pháp an toàn sinh học tối thiểu cho cơ sở ấp trứng gia cầm hộ gia đình.
Điều 2.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành.
Điều 3.
Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Cục trưởng
Cục Thú y, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh và thành
phố trực thuộc Trung ương, các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm
thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương;
- Lưu: VT, Cục CN.
|
KT.
BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Vũ Văn Tám
|
HƯỚNG DẪN
THỰC HIỆN BIỆN PHÁP AN TOÀN SINH HỌC TỐI THIỂU CHO CƠ SỞ ẤP
TRỨNG GIA CẦM HỘ GIA ĐÌNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1057/QĐ-BNN-CN ngày 10 tháng 5 năm 2013 của
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
Chương 1.
QUY ĐỊNH CHUNG
Để góp phần cải thiện chất lượng ấp
nở trứng gia cầm, ngăn chặn lây lan dịch bệnh truyền nhiễm, cải thiện môi
trường và bảo vệ sức khỏe người lao động, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn Hướng dẫn thực hiện biện pháp an toàn sinh học tối thiểu cho các cơ sở ấp
trứng gia cầm hộ gia đình.
1. Đối tượng áp dụng
Cơ sở ấp trứng gia cầm chưa đạt
tiêu chí kinh tế trang trại, quy định tại Thông tư số 27/2011/TT-BNNPTNT ngày
13/4/2011 của Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn, quy định về tiêu chí và
thủ tục cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại.
2. Giải thích từ trữ
An toàn sinh học trong ấp trứng
gia cầm là các biện pháp kỹ thuật được áp dụng nhằm ngăn ngừa và hạn chế sự
lây nhiễm của các tác nhân gây bệnh có khả năng gây hại đến con người, gia súc,
gia cầm và hệ sinh thái.
Làm sạch là việc loại bỏ tất
cả bụi bẩn và các chất hữu cơ khỏi bề mặt các dụng cụ, thiết bị, sàn, tường và
trần nhà.
Khử trùng là các biện pháp
vật lý, hóa học và sinh học được áp dụng để loại bỏ các mầm bệnh.
Khu ấp trứng gia cầm là toàn
bộ các khu vực nhập trứng, khu vực ấp trứng, khu vực nở gia cầm và khu vực xuất
bán gia cầm con.
3. Nguyên tắc thực hiện an toàn
sinh học trong cơ sở ấp trứng gia cầm
Thực hiện 3 nguyên tắc: Cách ly,
làm sạch và khử trùng
a) Cách ly để ngăn chặn các tác
nhân gây bệnh bên ngoài xâm nhập vào cơ sở ấp trứng gia cầm và từ cơ sở ấp
trứng gia cầm ra ngoài môi trường.
b) Làm sạch để loại bỏ những chất
bẩn bên ngoài như bụi, đất, các chất hữu cơ chứa tác nhân gây bệnh. Việc vệ
sinh làm sạch đúng cách sẽ loại bỏ được khoảng 80% các tác nhân gây bệnh.
c) Khử trùng để tiêu diệt các tác
nhân gây bệnh còn lại sau khi đã tiến hành vệ sinh. Việc khử trùng chỉ đạt được
hiệu quả sau khi đã làm vệ sinh tốt và đảm bảo sự phù hợp của chất khử trùng,
tỷ lệ pha, sử dụng đúng cách.
Chương 2.
YÊU CẦU VỀ AN TOÀN SINH
HỌC TỐI THIỂU
1. Yêu cầu về cơ sở hạ tầng và
vật tư thiết bị
1.1. Khu ấp trứng gia cầm tách biệt
bằng tường cứng với khu ở của người và khu chăn nuôi để ngăn chặn động vật và
người không có nhiệm vụ vào khu ấp;
1.2. Các khu vực: nhập trứng, ấp,
nở và xuất gia cầm con cần phải được tách riêng, đảm bảo bố trí phù hợp, thuận
tiện cho việc di chuyển theo nguyên tắc một chiều tránh làm lây nhiễm chéo giữa
các khu vực;
1.3. Có nơi rửa tay, chân trước khu
ấp trứng gia cầm;
1.4. Có nơi rửa và sát trùng dụng
cụ;
1.5. Có nơi để giày dép và quần áo
bảo hộ trước lối vào khu ấp trứng gia cầm;
1.6. Có nơi để thiết bị khử trùng
trứng bên ngoài khu ấp bảo đảm an toàn cho người và thuận tiện cho sử dụng;
1.7. Nền nhà, tường cơ sở ấp làm
bằng vật liệu cứng, dễ cọ rửa, dễ thoát nước;
1.8. Sàn (lang) nở nên đặt cao hơn
mặt đất để thuận tiện cho việc dọn, rửa nền (đối với cơ sở ấp thủ công);
1.9. Có thiết bị khử trùng trứng
vận hành tốt;
1.10. Có dụng cụ vệ sinh (chổi,
xẻng, sọt, xô, bàn chải, bình phun khử trùng, thùng đựng rác…);
1.11. Có hóa chất sát trùng, khử
trùng (chỉ sử dụng những hóa chất nằm trong danh mục được phép sử dụng);
1.12. Có thiết bị, dụng cụ chống
chuột, côn trùng và các động vật khác;
1.13. Có nơi chứa chất thải rắn để
xử lý cách xa khu ấp trứng gia cầm.
2. Yêu cầu đối với trứng ấp
2.1. Trứng ấp được lấy từ đàn gia
cầm sinh sản khỏe mạnh, có nguồn gốc rõ ràng, được tiêm phòng đầy đủ theo quy
định và có giấy chứng nhận kiểm dịch theo quy định của pháp lệnh thú y;
2.2. Trứng ấp cần được khử trùng
ngay sau khi thu nhặt.
3. Yêu cầu vệ sinh thú y
3.1. Yêu cầu đối với người làm và
khách
a) Tất cả người làm và khách ra vào
khu ấp trứng gia cầm cần phải mặt quần áo bảo hộ, giày, dép riêng của cơ sở và
rửa tay bằng xà phòng trước khi vào và sau khi ra khỏi cơ sở;
b) Người qua lại giữa khu vực ấp và
khu vực nở cần thay giày dép.
3.2. Yêu cầu đối với cơ sở ấp trứng
gia cầm
Các khu vực nhập trứng, ấp, nở và
xuất gia cầm con phải bảo đảm thông thoáng, sạch sẽ và các yêu cầu sau:
a) Khu vực nhập trứng
Người giao trứng chỉ được phép vào
khu vực nhập trứng, không được phép vào các nơi khác trong khu vực ấp, nở; Nơi
nhập trứng cần được quét, dọn và rửa sau khi kết thúc các hoạt động trong ngày
và cần được phun khử trùng mỗi tuần hai lần bằng chất khử trùng.
b) Khu vực ấp
Quét dọn, lau chùi, sau đó phun
thuốc khử trùng tất cả tường, sàn, trần khu vực ấp và khay tạo ẩm mỗi tuần một
lần; Chăn, chiếu hoặc vật liệu dùng để đậy trứng cần được xông khử trùng hoặc
phơi nắng mỗi tuần một lần và giặt sạch bằng xà phòng mỗi tháng một lần (nếu cơ
sở ấp thủ công).
c) Khu vực nở
Kết thúc mỗi đợt nở, cần đưa tất cả
gia cầm con ra khỏi khu vực nở, dùng chổi quét, thu gom tất cả các chất thải
rắn (vỏ trứng, lông, trứng hỏng, gia cầm chết…) đưa đi xử lý; Dùng nước và chất
tẩy rửa để cọ rửa chất bẩn còn lại ở khu vực nở, máy nở và các dụng cụ; Phun
khử trùng toàn bộ khu vực nở và xông hoặc phun khử trùng máy nở (nếu nở bằng
máy).
d) Khu vực xuất gia cầm con
Sau khi xuất hết gia cầm, dùng chổi
quét thu gom tất cả các chất thải đưa đi xử lý; Dùng nước và chất tẩy để làm
sạch bụi bẩn còn lại ở khu vực xuất gia cầm;
Phun thuốc khử trùng lên tất cả các
bề mặt vừa được làm sạch; Rửa khay đựng trứng, dụng cụ đựng gia cầm con và các
dụng cụ khác bằng nước và chất tẩy rửa sau đó đem ngâm hoặc phun chất khử trùng
hoặc phơi nắng.
4. Yêu cầu xử lý chất thải rắn
4.1. Kết thúc mỗi lô nở, tất cả chất
thải rắn đã được thu gom cần được xử lý bằng đốt hoặc ủ compost hoặc chôn lấp;
4.2. Thùng rác dùng để thu gom chất
thải rắn cần được vệ sinh, khử trùng thường xuyên.
5. Yêu cầu về ghi chép sổ sách
5.1. Ghi chép theo dõi nguồn gốc
trứng nhập vào và số liệu ấp nở; số trứng vào ấp, số trứng không phôi (trứng
"lạt"), số trứng chết phôi (trứng "rữa"), số trứng không nở
(trứng "sát"), số gia cầm con nở, số gia cầm loại 1;
5.2. Ghi chép số lượng gia cầm bán
cho khách hàng (tên khách hàng, địa chỉ, số lượng).
Chương 3.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Cục Chăn nuôi
1.1. Tổ chức kiểm tra đôn đốc các
tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai có hiệu quả Hướng dẫn này;
1.2. Hướng dẫn việc thực hiện các
biện pháp kỹ thuật về an toàn sinh học cho các cơ sở ấp trứng gia cầm hộ gia
đình;
1.3. Tổ chức rà soát, bổ sung, sửa
đổi và xây dựng các tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật và điều kiện ấp trứng gia
cầm để hướng dẫn các địa phương thực hiện.
2. Cục Thú y
Phối hợp và hướng dẫn Chi cục Thú y
các tỉnh, thành phố về mặt chuyên môn và kiểm tra giám sát việc thực hiện biện
pháp an toàn sinh học đối với các cơ sở ấp trứng gia cầm.
3. Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn
3.1. Tham mưu cho Ủy ban nhân dân
tỉnh phê duyệt kế hoạch triển khai Hướng dẫn thực hiện biện pháp an toàn sinh
học tối thiểu trong cơ sở ấp trứng gia cầm;
3.2. Phối hợp với ngành thông tin
truyền thông tuyên truyền, phổ biến Hướng dẫn này đến các tổ chức, cá nhân có
hoạt động liên quan đến ấp trứng gia cầm;
3.3. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn
trực thuộc tổ chức tập huấn, hướng dẫn thực hiện các biện pháp an toàn sinh học
theo Hướng dẫn này;
3.4. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn
trực thuộc tổ chức thống kê, kiểm tra và giám sát các cơ sở ấp nở thực hiện các
biện pháp an toàn sinh học tối thiểu;
4. Trung tâm Khuyến nông Quốc
gia
4.1. Chủ trì, phối hợp và hướng dẫn
Trung tâm khuyến nông địa phương, các đơn vị tổ chức triển khai các Dự án
khuyến nông thực hiện có hiệu quả hướng dẫn này.
4.2. Phối hợp với Cục Chăn nuôi
tổng kết và nhân rộng một số mô hình ấp trứng gia cầm có hiệu quả kinh tế và
bảo đảm an toàn sinh học.
5. Chủ cơ sở ấp trứng gia cầm
Chủ cơ sở ấp trứng gia cầm thuộc
đối tượng tại Mục 1 Chương 1 cần thực hiện tốt các yêu cầu thuộc chương 2 và
các yêu cầu khác có liên quan nêu trong Hướng dẫn này.
Trong quá trình thực hiện, nếu có
vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung./.
PHỤ LỤC I
HƯỚNG DẪN PHUN KHỬ TRÙNG VÀ KHỬ TRÙNG TRỨNG ẤP
(Kèm Hướng dẫn thực hiện biện pháp an toàn sinh học tối thiểu cho cơ sở ấp
trứng gia cầm hộ gia đình)
1. Phun khử trùng
Hiệu quả của việc khử trùng phụ
thuộc vào nồng độ chất khử trùng và thời gian tiếp xúc của hóa chất với bề mặt
cần khử trùng. Vì vậy, việc tính toán chính xác lượng chất khử trùng và lượng
nước cần dùng để tạo nên dung dịch chất khử trùng đúng tỷ lệ khuyến cáo là rất
quan trọng.
a) Các dữ liệu cần tính toán:
Diện tích cần khử trùng: tính theo
đơn vị mét vuông (m2),
Lượng dung dịch khử trùng cần dùng:
tính trên cơ sở trung bình 300ml (0.3 lít) dung dịch đã pha phun cho 1m2,
Lượng chất khử trùng cần dùng: tính
toán theo tỷ lệ khuyến cáo của nhà sản xuất.
b) Cách tính:
Bước 1: Tính
tổng diện tích cần phun khử trùng (m2 tường, sàn, trần nhà và mặt
ngoài máy ấp nở),
Bước 2: Tính lượng
dung dịch khử trùng cần dùng (nước + chất khử trùng),
Tổng diện tích cần phun khử trùng x
0.3 lít/m2 = lượng dung dịch khử trùng cần dùng (lit).
Bước 3: Tính lượng
chất khử trùng cần dùng
Theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Ví
dụ như Virkonâ: Tỷ lệ pha 1% có nghĩa
là pha 1 gam Virkon® vào 100ml nước hoặc 10 gam Virkon® pha với một lít nước
(như vậy, để có được một lít dung dịch khử trùng cần có 10 gam Virkonâ).
Ví dụ cụ thể về tính diện
tích và chất khử trùng:
Một nhà ấp có chiều dài 10 m và
rộng 4m, trong đó đặt 2 máy ấp có chiều dài, chiều rộng, chiều cao đều bằng 2m.
Cần sử dụng bao nhiêu bột Virkonâ để
khử trùng với tỷ lệ pha là 1% để phun khử trùng nhà ấp trên.
Bước 1: * Tính diện
tích sàn nhà ấp:
10m x 4m = 40 m2
* Tổng diện tích cả nhà ấp (sàn,
tường và trần) cần phun = Diện tích sàn x 2.5
40 m2 x 2.5 = 100 m2
* Tính diện tích xung quanh 2 máy
ấp cần phun sát trùng:
Diện tích xung quanh = (chiều dài +
chiều rộng) x 2 x chiều cao x 2 máy:
(2m + 2m) x 2 x 2m x 2 máy = 32 m2
Như vậy tổng diện tích cần phun sát
trùng là:
100m2 + 32 m2
= 132 m2
Bước 2: Tính lượng
dung dịch đã pha cần dùng:
132 m2 x 0.3
lit/m2 = 39,6 lit dung dịch
Bước 3: Tính lượng
chất Virkonâ 1% cần dùng: (1% Virkonâ nghĩa là: 10g Virkonâ pha được 1lit nước).
39,6 lit x 10 gam Virkonâ = 396 gam Virkonâ
Trả lời: Cần
396 gam Virkonâ để pha khử trùng cho
nhà ấp và 2 máy ấp đặt bên trong.
2. Xông khử trùng trứng bằng
formol (formalin) và thuốc tím (KMnO4)
Tất cả trứng và dụng cụ đưa vào cơ
sở ấp nở cần phải được xông khử trùng trong tủ xông bằng khí Formaldehyde được
tạo ra do phản ứng hóa học khi kết hợp giữa dung dịch formol với thuốc tím.
Dung dịch formol và khí Formaldehyde rất nguy hiểm nên cần phải rất thận trọng
khi sử dụng
a) Yêu cầu về bảo hộ an toàn lao
động
Để giảm thiểu hóa chất tiếp xúc với
cơ thể, người thực hiện việc xông khử trùng cần:
- Mặc quần áo bảo hộ,
- Đeo găng tay cao su dài đến khuỷu
tay,
- Đeo kính bảo hộ và khẩu trang
phòng hóa chất hoặc sử dụng mặt nạ phòng độc,
- Đeo tạp dề bằng cao su hoặc nhựa
PVC,
- Đi ủng cao su.
b) Yêu cầu về tủ xông trứng:
- Nguyên vật liệu để làm tủ xông có
thể là: Inox, xây bằng gạch và xi măng, tôn mạ kẽm,
- Tủ xông cần phải rất kín để hạn
chế tối đa sự rò rỉ khí độc trong quá trình xông,
- Có quạt hút gió để bảo đảm toàn
bộ khí formaldehyde được thoát hết trước khi mở tủ,
- Có ống thoát khí được gắn quạt
hút gió, độ dài ống vượt khỏi mái nhà để tránh khí độc tiếp xúc với người khi
thoát ra,
- Nên có một quạt đảo gió để bảo
đảm rằng toàn bộ khí formaldehyde được phát tán đều trong tủ xông (nếu tủ lớn
hơn 1m3).
Cần đặt bảng cảnh báo nguy hiểm
trước tủ để tránh việc mở cửa tủ trong quá trình xông trứng.
c) Cách xông khử trùng
Yêu cầu lượng formol và thuốc tím
cần dùng cho 1m3 thể tích xông là: 40 ml formol (40%) và 20 g thuốc
tím,
- Xếp trứng vào khay hoặc sọt rồi
để lên giá trong tủ xông,
- Sử dụng các bảo hộ theo quy định,
- Cân lượng thuốc tím cần dùng và
đổ vào chậu chứa bằng sành hoặc sứ hoặc Inox có thể tích lớn gấp ít nhất 5 lần
so với thể tích của hai hóa chất gộp lại, đặt ở đáy của tủ xông ngay dưới ống
dẫn thuốc Formol (chậu chứa hóa chất cần có đáy nhỏ, miệng rộng để hóa chất tập
trung vào phần đáy),
- Đóng chặt cửa tủ và treo biển báo
nguy hiểm ở cửa,
- Đong lượng formol cần dùng đổ vào
ống phễu chảy vào chậu thuốc tím,
- Thời gian xông trứng trong vòng
15-20 phút. Bật quạt đảo khí (nếu có) trong thời gian xông.
- Sau thời gian xông, bật quạt hút
khí và mở nắp thông khí, để tiếp 20 phút
- Mở của tủ, tháo biển báo và đưa
trứng về khu vực ấp hoặc kho bảo quản.
Lưu ý:
- Không xông khử trùng trứng
bằng khí formaldehyde trong trường hợp phôi đã phát triển trong vòng 96 giờ đầu
tiên.
- Xông khử trùng hiệu quả nhất
là ngay sau khi thu nhặt trứng.
PHỤ LỤC II
MỘT SỐ HÓA CHẤT DÙNG TRONG CƠ SỞ ẤP TRỨNG GIA CẦM
(Kèm Hướng dẫn thực hiện biện pháp an toàn sinh học tối thiểu cho cơ sở ấp
trứng gia cầm hộ gia đình)
a) Các chất tẩy rửa và xà phòng
là những hóa chất sử dụng cho việc cọ rửa ướt các bề mặt nhằm loại bỏ đất bụi
bám chặt và các chất hữu cơ. Các chất tẩy rửa và xà phòng là những sản phẩm
không đắt tiền mà lại có thể loại bỏ tới 80% các vi sinh vật gây ô nhiễm.
b) Các hợp chất khử trùng
Ammonium Quaternary Compounds (Quats) â
là lựa chọn sáng suốt cho các cơ sở ấp nở. Loại sản phẩm này có cả tính năng
tẩy rửa và khử trùng, hoạt động tốt trên sàn bê tông cũng như các bề mặt không
bị gỉ. Các sản phẩm này khá rẻ và là những sản phẩm an toàn khi sử dụng do độc
tính tương đối thấp.
c) Các chất khử trùng
Phenolicsics â - tiêu diệt nhiều
loại vi khuẩn, nấm mốc và vi rút có khả năng gây bệnh cho gia cầm và tạo một
lớp bảo vệ nhằm kìm hãm sự phát triển trở lại của vi khuẩn.
d) Các chất khử trùng Iodophors â thường được sử dụng luân phiên với các chất
khử trùng Phenolics hoặc Ammonium Quaternary Compounds nhằm hạn chế khả năng
kháng hóa chất của các vi sinh vật. Các chất khử trùng Iodophors rất dễ bị các
chất hữu cơ vô hiệu hóa, chúng cũng làm cho các bề mặt tiếp xúc ngả vàng. Vì
vậy, thường được sử dụng ở các cơ sở ấp nở làm dung dịch pha trong chậu rửa sát
trùng tay chân.
đ) Các loại khử trùng
Glutheraldehyde â hữu hiệu trong
việc khử trùng nhiều loại mầm bệnh, và giá cả cũng phải chăng. Là hợp chất khá
độc nên khi tiếp xúc và sử dụng hóa chất này cần sử dụng các dụng cụ bảo hộ.
e) Các chất khử trùng hỗn hợp
Glutheraldehyde - Ammonium Quaternary (Ví dụ: Benkocide â) được sử dụng hữu hiệu trong việc khử trùng
nhiều loại mầm bệnh, thường được sử dụng để cọ rửa và xử lý các thùng đựng rác
thải rắn, các khu vực để rác thải rắn và nơi giao bán sản phẩm.
g) Chất khử trùng Formalin â được sử dụng cùng với thuốc tím để xông
trứng và các dụng cụ ở trong tủ xông hơi khử trùng.
PHỤ LỤC III
GIỚI THIỆU MẪU THIẾT BỊ KHỬ TRÙNG TRỨNG
(Người
thiết kế Yoni Segal - FAO)
(Kèm
Hướng dẫn thực hiện biện pháp an toàn sinh học tối thiểu cho cơ sở ấp trứng gia
cầm hộ gia đình)