Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 1026/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Cà Mau Người ký: Lê Văn Sử
Ngày ban hành: 24/05/2024 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CÀ MAU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1026/QĐ-UBND

Cà Mau, ngày 24 tháng 5 năm 2024

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN NGÀNH TÔM TỈNH CÀ MAU THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, được sửa đổi, bổ sung, năm 2017 và năm 2019;

Căn cứ Luật Thủy sản năm 2017;

Căn cứ Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 11/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt nam đến 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Căn cứ Quyết định số 985/QĐ-TTg ngày 16/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình Quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021 - 2030;

Căn cứ Quyết định số 3475/QĐ-BNN-TCTS ngày 30/8/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt Đề án tổng thể phát triển ngành công nghiệp tôm nước lợ Việt Nam đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 3550/QĐ-BNN-TCTS ngày 12/8/2021 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 1133/QĐ-UBND ngày 15/6/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Đề án nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững ngành tôm tỉnh Cà Mau đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 1846/QĐ-UBND ngày 21/9/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Cà Mau;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 81/TTr-SNN ngày 11/3/2024.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Phương án phát triển ngành tôm tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (sau đây gọi là Phương án), với những nội dung chủ yếu sau (kèm theo Phương án số 97/PA-SNN ngày 11/3/2024):

1. Mục tiêu

1.1. Mục tiêu chung

Phát triển ngành tôm Cà Mau trở thành trung tâm lớn nhất của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước với mô hình tổ chức sản xuất phù hợp, áp dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm tôm Cà Mau, đồng thời thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái; mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế của tỉnh và đất nước.

1.2. Mục tiêu cụ thể

a) Đến năm 2025

- Tổng diện tích nuôi tôm nước lợ 280.000 ha (siêu thâm canh 5.000 ha; thâm canh, bán thâm canh 4.200 ha; quảng canh cải tiến 200.000 ha, quảng canh 70.800 ha); diện tích nuôi tôm càng xanh 20.000 ha.

- Sản xuất tôm giống đảm bảo chất lượng đáp ứng trên 70% nhu cầu nuôi của tỉnh, sản xuất thức ăn trong tỉnh đáp ứng đủ nhu cầu và sản xuất các loại vật tư khác đáp ứng 30% nhu cầu.

- Tổng sản lượng tôm đạt 280.000 tấn (siêu thâm canh 110.000 tấn; thâm canh, bán thâm canh 27.300 tấn; quảng canh cải tiến 112.000 tấn; quảng canh 22.700 tấn; tôm càng xanh 8.000 tấn).

- Giá trị kim ngạch xuất khẩu 1,4 tỷ USD.

b) Đến năm 2030

- Tổng diện tích nuôi tôm nước lợ ổn định 280.000 ha (siêu thâm canh 8.000 ha; thâm canh, bán thâm canh 1.700 ha; quảng canh cải tiến 240.000 ha; quảng canh 30.300 ha); diện tích nuôi tôm càng xanh 20.000 ha.

- Sản xuất tôm giống đảm bảo chất lượng đáp ứng trên 80% nhu cầu nuôi của tỉnh, sản xuất thức ăn trong tỉnh đáp ứng đủ nhu cầu và sản xuất các loại vật tư khác đáp ứng 40% nhu cầu.

- Tổng sản lượng tôm nuôi 350.000 tấn (siêu thâm canh 179.200 tấn; thâm canh, bán thâm canh 11.600 tấn; quảng canh cải tiến 139.200 tấn; quảng canh 10.000 tấn; tôm càng xanh 10.000 tấn).

- Giá trị kim ngạch xuất khẩu 1,65 tỷ USD.

c) Tầm nhìn đến năm 2050

Ngành tôm của tỉnh phát triển bền vững, năng suất, chất lượng cao, có thương hiệu uy tín trên thị trường trong, ngoài nước. Sản xuất được kiểm soát chặt chẽ ở tất cả các khâu trong toàn chuỗi, 100% sản phẩm từ tôm nuôi truy xuất được nguồn gốc xuất xứ. Cơ sở hạ tầng các vùng nuôi tôm tập trung được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Ngành tôm tiếp tục là ngành sản xuất chính để tạo sản phẩm, giá trị, kim ngạch xuất khẩu trong ngành thủy sản, là trung tâm chế biến tôm của thế giới và trong nước với kim ngạch xuất khẩu trên 06 tỷ USD/năm.

2. Phương án phát triển

2.1. Tiêu chí lựa chọn vùng phát triển ngành tôm

a) Tiêu chí lựa chọn vùng nuôi tôm công nghệ cao

- Tiêu chí về điều kiện tự nhiên và môi trường: Có nguồn nước mặn, lợ cung cấp thuận lợi cho vùng thông qua hệ thống kênh rạch; điều kiện môi trường, chất lượng nước phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển của tôm; xa khu công nghiệp, xa khu xả thải từ hoạt động của các ngành kinh tế; có quy mô diện tích từ 100 ha trở lên.

- Tiêu chí về căn cứ pháp lý: Được quy hoạch nuôi tôm công nghệ cao hoặc định hướng chuyển đổi, nâng cấp thành nuôi tôm công nghệ cao; không bị chồng chéo, xung đột với hoạt động của các ngành kinh tế khác.

- Tiêu chí về hiện trạng sản xuất và cơ sở hạ tầng: Đã có một số mô hình nuôi tôm công nghệ cao trong vùng có hiệu quả; đã có hoặc có thể đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, đặc biệt là hệ thống giao thông, kênh mương cấp thoát nước, hệ thống xử lý nước thải, chất thải; có thể thu hút được sự tham gia đầu tư sản xuất của các thành phần kinh tế, đặc biệt là doanh nghiệp; thuận tiện cung cấp nguồn giống, vật tư đầu vào và thu gom, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

b) Tiêu chí lựa chọn vùng nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh

- Tiêu chí về điều kiện tự nhiên và môi trường: Có nguồn nước mặn, lợ cung cấp thuận lợi và điều kiện môi trường phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển của tôm nuôi; xa khu công nghiệp, xa khu xả thải từ hoạt động của các ngành kinh tế; có quy mô diện tích từ 100 ha trở lên.

- Tiêu chí về căn cứ pháp lý: Được quy hoạch nuôi tôm thâm canh hoặc định hướng chuyển đổi sang nuôi tôm thâm canh từ hoạt động các ngành kinh tế khác không hiệu quả; không bị chồng chéo, xung đột với hoạt động của các ngành kinh tế khác.

- Tiêu chí về hiện trạng sản xuất và cơ sở hạ tầng: Đã có một số mô hình nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh trong vùng có hiệu quả; đã có hoặc có thể đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, đặc biệt là hệ thống giao thông, kênh mương cấp thoát nước, hệ thống xử lý nước thải, chất thải; được sự tham gia, ủng hộ và đầu tư của người dân và doanh nghiệp; thuận tiện cung cấp nguồn giống, vật tư đầu vào và thu gom, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

c) Tiêu chí lựa chọn vùng nuôi tôm quảng canh cải tiến

- Tiêu chí về điều kiện tự nhiên và môi trường: Khu vực bị nhiễm mặn hoặc có nguồn nước mặn có thể cung cấp thông qua hệ thống kênh rạch quanh năm; không bị ảnh hưởng bởi các nguồn ô nhiễm từ hoạt động của các ngành kinh tế; nguồn nước đáp ứng được yêu cầu sinh trưởng và phát triển của tôm nuôi; có quy mô từ 100ha trở lên.

- Tiêu chí về căn cứ pháp lý: Được quy hoạch nuôi tôm hoặc định hướng chuyển đổi sang nuôi tôm từ hoạt động các ngành kinh tế khác không hiệu quả; không bị chồng chéo, xung đột với hoạt động của các ngành kinh tế khác.

- Tiêu chí về hiện trạng sản xuất và cơ sở hạ tầng: Đã có một số mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến trong vùng có hiệu quả; đã có hoặc có thể đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất; được sự tham gia, ủng hộ và đầu tư của người dân trong vùng.

d) Tiêu chí lựa chọn vùng nuôi tôm - lúa

- Tiêu chí về điều kiện tự nhiên, môi trường: Có nguồn nước mặn, lợ cung cấp cho vùng, hoặc bị nhiễm mặn trên 4‰ dao động từ 4 - 6 tháng vào mùa khô trong năm; quy mô diện tích đủ lớn từ 150 ha trở lên; nguồn nước lợ, mặn được đưa từ biển vào hoặc bị xâm nhập mặn vào mùa khô, phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển của tôm nuôi; xa khu công nghiệp có nguồn nước bị ô nhiễm hoặc xa nguồn nước thải của khu dân cư,...

- Tiêu chí về căn cứ pháp lý: Có chủ trương của địa phương về chuyển đổi từ nông nghiệp hiệu quả thấp sang nuôi tôm; không bị trùng lắp với các dự án khác như khu công nghiệp, du lịch,...

- Tiêu chí về hiện trạng sản xuất và cơ sở hạ tầng: Đã có một số mô hình chuyển đổi sang nuôi tôm có hiệu quả; có hệ thống cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống cấp thoát nước cấp I (vùng); được người dân đồng tình, ủng hộ chuyển đổi và có đủ năng lực để đầu tư sản xuất sau chuyển đổi.

đ) Tiêu chí lựa chọn vùng nuôi tôm - rừng

- Tiêu chí về điều kiện tự nhiên và môi trường: Khu vực rừng ngập mặn ven biển, rừng sản xuất,... có nguồn nước lợ mặn; điều kiện môi trường nước trong rừng phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển của tôm nuôi; có quy mô đủ lớn, từ 200 ha trở lên cho một tiểu vùng; xa nguồn nước thải, nguồn ô nhiễm từ hoạt động sản xuất của các ngành kinh tế.

- Tiêu chí về căn cứ pháp lý: Nằm trong khu quy hoạch hoặc khu được cấp có thẩm quyền cho phép nuôi tôm trong tán rừng theo đúng quy định; không bị chồng lấn, mâu thuẫn và xung đột với các quy hoạch, hoặc hoạt động của các ngành kinh tế khác.

- Tiêu chí về hiện trạng sản xuất và cơ sở hạ tầng: Đã có một số mô hình nuôi tôm rừng có hiệu quả; đã có hoặc có thể đầu tư hệ thống hạ tầng phục vụ sản xuất, đặc biệt là hệ thống cấp thoát nước.

2.2. Phương án phát triển vùng nuôi tôm siêu thâm canh

a) Thành phố Cà Mau

Phát triển 04 khu nuôi tôm siêu thâm canh tập trung với diện tích 450 ha, gồm: xã Tắc Vân 60 ha; xã Hòa Tân 170 ha; xã Hòa Thành 120 ha và xã Định Bình 100 ha.

b) Huyện Đầm Dơi

Phát triển 02 khu nuôi tôm siêu thâm canh tập trung với diện tích 181 ha, gồm: Vùng nuôi tôm siêu thâm canh Mỏ Ó diện tích 141 ha, thuộc ấp Lưu Hoa Thanh, xã Tân Thuận; khu nuôi tôm siêu thâm canh Tân Dân diện tích 40 ha thuộc ấp Nam Chánh, xã Tân Dân.

c) Huyện Năm Căn

Phát triển nuôi tôm siêu thâm canh tập trung đạt khoảng 2.000 ha, chủ yếu tại vùng nuôi tôm siêu thâm canh trong Khu Kinh tế Năm Căn (xã Hàng Vịnh và xã Hàm Rồng); trong đó, thu hút Doanh nghiệp đầu tư thí điểm nuôi tôm siêu thâm canh tập trung theo hình thức hợp tác công tư (PPP).

d) Huyện Ngọc Hiển

Giữ nguyên hiện trạng các vùng nuôi tôm siêu thâm canh hiện nay trên địa bàn huyện với diện tích 369 ha. Trong đó, diện tích vùng nuôi tôm siêu thâm canh tập trung của 03 công ty là 120,4 ha (Công ty Agritech 17,4 ha, Công ty TNHH MTV Việt - Úc Ngọc Hiển 33 ha, Công ty cổ phần Thủy sản NG Việt Nam 70 ha) thuộc các xã Tân Ân, Tân Ân Tây và Tam Giang Tây.

đ) Huyện Phú Tân

Phát triển nuôi tôm siêu thâm canh theo các tuyến sông có điều kiện thuận lợi với diện tích 2.895 ha, cụ thể như sau:

- Xã Phú Mỹ: 01 tuyến với diện tích 200 ha, từ trụ sở cũ UBND xã đến Trường Nguyễn Vĩnh Nghiệp, thuộc ấp Vàm Xáng.

- Xã Phú Thuận: 01 tuyến với diện tích 700 ha, từ cầu Giáp Nước đến cầu Biển Hồ thuộc ấp Chà Là, kênh Xẻo Vẹt - Trảng Chim thuộc ấp Giáp nước.

- Xã Tân Hưng Tây: 01 tuyến với diện tích 350 ha, thuộc ấp Thứ Vải A và Kiến Vàng.

- Xã Việt Thắng với 02 tuyến: Tuyến 01 với diện tích 300 ha, thuộc ấp Dân Quân, Tân Thành, Hiệp Thành và Kiến Vàng A; tuyến 02 với diện tích 500 ha, thuộc ấp Má Tám.

- Xã Rạch Chèo: 01 tuyến với diện tích 500 ha, thuộc ấp Tân Nghĩa, Bào Thùng.

- Xã Phú Tân với 02 tuyến: Tuyến 01 với diện tích 145 ha, thuộc ấp Cống Đá và Cái Đôi; tuyến 02 với diện tích 200 ha, thuộc ấp Đường Cày, Tân Điền A, Cái Đôi.

e) Huyện Trần Văn Thời

Phát triển nuôi tôm siêu thâm canh tập trung với diện tích 3.199,15 ha tại 02 xã Phong Điền và Khánh Hải.

- Xã Phong Điền với diện tích 2.900 ha, tập trung tại phía bờ Tây kênh Xáng Bà Kẹo (gồm các ấp: Tân Thuận, Vám Xáng, Thị Kẹo, Rẫy Mới, Tân Hòa, Tân Phú, Mỹ Bình, Đất Biển và Đất Mới), trong đó ưu tiên quy hoạch vùng nuôi tôm siêu thâm canh tập trung với diện tích 400 ha tại ấp Đất Biển, Đất Mới.

- Xã Khánh Hải với diện tích 299,15 ha, khu đất do Công an tỉnh quản lý tại ấp Bảy Ghe.

Khuyến khích, mời gọi các doanh nghiệp đầu tư các vùng nuôi tôm siêu thâm canh. Đến năm 2030 hình thành được 05 vùng nuôi tôm siêu thâm canh do doanh nghiệp đầu tư như: Vùng nuôi tôm siêu thâm canh Tân Thuận, huyện Đầm Dơi 141 ha; Khu nuôi tôm siêu thâm canh Tân Dân, huyện Đầm Dơi 40 ha; Vùng nuôi tôm siêu thâm canh Khu kinh tế Năm Căn, huyện Năm Căn 2.000 ha; Vùng nuôi tôm siêu thâm canh Phong Điền, huyện Trần Văn Thời 400 ha; Vùng nuôi tôm siêu thâm canh Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời 299,15 ha.

Trong quá trình xây dựng và hoàn thiện các vùng nuôi tôm siêu thâm canh tập trung, để tận dụng cơ sở hạ tầng đã được đầu tư, người dân được phát triển nuôi tôm siêu thâm canh phân tán ở quy mô trang trại, hộ gia đình có diện tích từ 02 - 10 ha. Tuy nhiên, các cơ sở nuôi này phải đảm bảo các điều kiện theo quy định.

2.3. Phương án phát triển nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh

Tập trung phát triển nhanh, mạnh đối với tôm chân trắng, tôm sú có thị trường tốt, nhân rộng và phát triển mô hình nuôi an toàn sinh học, nuôi 02 giai đoạn để nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng và phát triển bền vững. Tổ chức triển khai chuyển đổi các mô hình nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh phân tán, kém hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường sang các mô hình nuôi phù hợp khác.

2.4. Phương án phát triển vùng nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến

Chuyển đổi mạnh phương thức nuôi từ quảng canh sang quảng canh cải tiến. Phát triển các vùng nuôi tôm quảng canh cải tiến (chuyên tôm, tôm - lúa, tôm - rừng) hữu cơ, tiêu chuẩn quốc tế có quy mô lớn để tạo ra sản phẩm chất lượng cao.

Phát triển vùng nuôi tôm - lúa theo hướng sinh thái, hữu cơ chủ yếu tập trung tại thành phố Cà Mau, huyện Thới Bình, Trần Văn Thời và U Minh.

Tổ chức lại vùng nuôi tôm - rừng phù hợp với điều kiện, quy định của pháp luật về thủy sản, lâm nghiệp. Tập trung phát triển nuôi tôm - rừng có chứng nhận quốc tế tại các huyện Năm Căn và Ngọc Hiển.

Phát triển các mô hình nuôi tôm càng xanh chuyên canh (thâm canh, bán thâm canh), nuôi xen canh, luân canh (nuôi kết hợp tôm - lúa, tôm càng xanh trong mương vườn, nuôi ghép tôm càng xanh với đối tượng khác). Hình thành các vùng nuôi tập trung ở các địa phương có điều kiện phù hợp, khai thác diện tích ở các vùng bị tác động của biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn vào nuôi tôm càng xanh để tăng sản lượng, giá trị và hiệu quả sử dụng diện tích.

Tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết các hộ đơn lẻ thành các tổ, nhóm; từ các tổ, nhóm liên kết thành các Hợp tác xã để đảm bảo quy mô nuôi của mỗi ô, vuông nuôi đạt từ 05 - 10 ha. Đồng thời, liên kết với các doanh nghiệp để cải tiến kỹ thuật nuôi tôm, đưa tiến bộ khoa học công nghệ vào nuôi tôm nhằm tăng năng suất tôm nuôi.

2.5. Phương án phát triển hệ thống sản xuất và cung ứng giống tôm chất lượng cao

Triển khai xây dựng dự án Khu công nghiệp giống thủy sản tập trung; hoàn thiện cơ sở hạ tầng và thu hút nhà đầu tư vào đầu tư sản xuất giống tại Dự án khu sản xuất và kiểm định giống thủy sản tập trung.

Quy hoạch 02 khu sản xuất tôm giống tập trung tại các địa phương có đủ điều kiện, cụ thể: Tiếp tục hoàn thiện các hạng mục tiếp theo của dự án khu sản xuất tôm giống tập trung tại xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển và quy hoạch, xây dựng khu sản xuất tôm giống tập trung mới tại địa bàn thuận lợi.

Quy hoạch, xây dựng khu vực kinh doanh tôm giống như: Cái Nước, Đầm Dơi, Thới Bình, thành phố Cà Mau.

2.6. Phương án phát triển chế biến tôm

Nâng cao năng lực chế biến, đầu tư trang thiết bị, công nghệ hiện đại bảo quản, chế biến, quản lý để nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị sản phẩm và các phụ phẩm, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm; đa dạng hóa sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao tỷ lệ hàng giá trị gia tăng. Công suất chế biến phải đáp ứng được năng lực sản xuất. Phấn đấu sản lượng chế biến thủy sản đến năm 2030 đạt trên 176.000 tấn (thành phẩm).

Chuyển đổi cơ cấu các sản phẩm chế biến thủy sản xuất khẩu theo hướng nâng cao tỷ trọng các sản phẩm giá trị gia tăng lên 75 - 80%, giảm mạnh tỷ lệ các sản phẩm sơ chế còn dưới 20 - 25%.

Giữ vững và phát triển các thị trường truyền thống, đồng thời mở rộng và phát triển các thị trường tiềm năng khác. Đến năm 2030, cơ cấu thị trường EU khoảng 17%; thị trường Nhật Bản khoảng 20%; thị trường Mỹ 20%; thị trường Trung Quốc và các thị trường khác khoảng 43% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản.

2.7. Phương án phát triển khu phức hợp thủy sản

Xây dựng khu phức hợp thủy sản là đô thị thủy sản kiểu mẫu, là nơi cung cấp: Nhà ở cho cán bộ, chuyên gia, người lao động làm nghề khai thác và nuôi trồng thủy sản, khu tái định cư cho người dân cần di dời để xây dựng vùng nuôi tôm siêu thâm canh; Trung tâm Kiểm định con giống chất lượng cao, Trung tâm Dịch vụ logistic, sàn giao dịch trong nước và quốc tế về thủy sản.

Phát triển 02 khu phức hợp thủy sản: Khu phức hợp thủy sản Năm Căn (190 ha) và Khu phức hợp thủy sản Tân Thuận (178 ha).

3. Nhóm các dự án ưu tiên đầu tư

- Các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng.

- Các dự án phát triển ngành tôm.

- Các chương trình, kế hoạch, dự án nâng cao năng lực quản lý.

(Chi tiết tại Phương án kèm theo)

4. Kinh phí thực hiện

Dự kiến tổng nguồn vốn đầu tư cho phát triển ngành tôm đến năm 2030 khoảng 20.000 tỷ đồng (vốn ngân sách 4.050 tỷ đồng; vốn từ các thành phần kinh tế khác 15.950 tỷ đồng). Trong đó: Giai đoạn 2021 - 2025: 11.670 tỷ đồng; giai đoạn 2026 - 2030: 8.330 tỷ đồng.

5. Tổ chức thực hiện

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương và đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện; theo dõi, kiểm tra, tổng hợp, báo cáo, đánh giá tình hình thực hiện Phương án; tham mưu đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh các vấn đề phát sinh có liên quan. Các sở, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, triển khai thực hiện Phương án đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả.

Điều 2. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ trưởng sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.


Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Bộ Nông nghiệp và PTNT (b/c);
- TT Tỉnh ủy, HĐND tỉnh (b/c);
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- LĐVP UBND tỉnh;
- Chi cục Thủy sản;
- Phòng NN-TN (Kha03);
- Lưu: VT, Ktr700/5.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Văn Sử

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 1026/QĐ-UBND ngày 24/05/2024 phê duyệt Phương án phát triển ngành tôm tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


426

DMCA.com Protection Status
IP: 3.144.31.86
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!