ỦY
BAN NHÂN DÂN TỈNH BẾN TRE
-----
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------
|
Số:
05/2008/QĐ-UBND
|
Bến
Tre, ngày 07 tháng 3 năm 2008
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ SẢN XUẤT GIỐNG VÀ NUÔI TÔM CHÂN TRẮNG
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẾN TRE
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng
nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Thủy sản ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 456/QĐ-BNN-NTTS ngày 04 tháng 02 năm 2008 của Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn về việc ban hành một số quy định về điều kiện sản xuất
giống, nuôi tôm chân trắng;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Thủy sản,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về sản xuất giống và nuôi tôm chân trắng
trên địa bàn tỉnh Bến Tre.
Điều 2.
Giao Giám đốc Sở Thủy sản, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã tổ chức
triển khai thực hiện Quyết định này.
Điều 3.
Các ông (bà) Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Thủy sản, Giám đốc
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị
xã, thủ trưởng các sở, ngành có liên quan, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh
doanh và nuôi tôm chân trắng trên địa bàn tỉnh Bến Tre chịu trách nhiệm thi
hành Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực sau
mười ngày kể từ ngày ban hành. Bãi bỏ Chỉ thị số 22/2006/CT-UBND ngày 20 tháng
10 năm 2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre Về việc nghiêm cấm sản xuất và
nuôi tôm thẻ chân trắng./.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Quốc Bảo
|
QUY ĐỊNH
VỀ SẢN XUẤT GIỐNG VÀ NUÔI TÔM CHÂN TRẮNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẾN
TRE
(Ban hành kèm theo Quyết định số 05/2008/QĐ-UBND ngày 07 tháng 3 năm 2008 của
Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre)
Chương 1:
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.
Mục đích, đối tượng và phạm vi áp dụng
1. Mục đích:
Phát triển nuôi tôm chân trắng
hiệu quả và bền vững, góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi nhằm mở rộng mặt hàng
thủy sản xuất khẩu và tiêu thụ nội địa, tận dụng khai thác tốt tiềm năng đất
đai; đồng thời đảm bảo an toàn giống loài thủy sản nội địa.
2. Đối tượng và phạm vi áp dụng:
Các tổ chức, cá nhân hoạt động sản
xuất, kinh doanh giống và nuôi tôm chân trắng trên địa bàn tỉnh Bến Tre.
Chương 2:
SẢN XUẤT GIỐNG TÔM CHÂN
TRẮNG
Điều 2.
Điều kiện cơ sở sản xuất giống tôm chân trắng
1. Vị trí xây dựng trại phải nằm
trong vùng quy hoạch sản xuất giống tập trung của tỉnh.
2. Trại sản xuất giống tôm chân
trắng phải có công suất tối thiểu là 500 triệu post/năm.
3. Phải có hệ thống xử lý nước
thải hoàn chỉnh, đảm bảo không gây ô nhiễm khu vực sản xuất và môi trường xung
quanh.
4. Trại sản xuất giống tôm chân
trắng phải đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y; có hồ sơ lưu, nhật ký ghi chép
trong quá trình sản xuất.
Điều 3.
Yêu cầu về chất lượng tôm chân trắng bố mẹ
1. Đối với tôm bố mẹ nhập khẩu:
a) Phải nhập từ các trại tôm giống
có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Tôm phải được cơ quan quản lý thú y thủy sản kiểm
dịch trước khi nuôi thích nghi, thuần hoá và thành thục.
b) Sau thời gian thích nghi và
nuôi thành thục, tôm đực đạt trọng lượng>= 40gam/con và tôm cái đạt trọng lượng
>= 45gam/con mới được cho sinh sản.
2. Đối với tôm bố mẹ được nuôi từ
postlarvae:
a) Postlarvae được sản xuất từ
tôm bố mẹ sạch bệnh, có chứng chỉ nguồn gốc và chứng nhận kiểm dịch của cơ quan
có thẩm quyền.
b) Quá trình ương nuôi postlarvae
thành tôm hậu bị phải được tiến hành trong bể, có kiểm soát các yếu tố môi trường
và bệnh.
c) Tôm hậu bị phải được kiểm tra
đảm bảo sạch bệnh trước khi tuyển chọn làm tôm bố mẹ.
d) Không tuyển chọn tôm bố mẹ từ
nguồn tôm nuôi thương phẩm tại các ao đầm.
3. Thời gian sử dụng tôm bố mẹ:
nuôi và cho đẻ chỉ được sử dụng không quá 5 đến 6 tháng tính từ lần đẻ đầu
tiên.
Điều 4.
Yêu cầu chất lượng giống tôm chân trắng
1. Tôm giống chân trắng PL 12 phải
được sản xuất từ tôm bố mẹ đảm bảo chất lượng theo Điều 3 của Quy định này.
2. Tôm giống chân trắng khi xuất
trại và nhập vào tỉnh Bến Tre để thả nuôi phải đạt từ PL12 (kích cỡ tối thiểu
9mm) trở lên, có xuất xứ rõ ràng và có chứng nhận kiểm dịch của cơ quan có thẩm
quyền.
3. Tôm giống chân trắng khi xuất
bán cho người nuôi ngoài việc kiểm tra các chỉ tiêu cảm quan như: trạng thái hoạt
động, ngoại hình, màu sắc, chiều dài thân; đồng thời phải kiểm tra các bệnh: đốm
trắng (WSSV), Taura (TSV).
4. Nghiêm cấm việc mua bán tôm bị
nhiễm bệnh, tôm không đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật.
Điều 5.
Quản lý dịch bệnh
1. Tất cả giống tôm chân trắng
nhập vào tỉnh Bến Tre phải có giấy chứng nhận kiểm dịch nơi xuất bán; đồng thời
phải trình báo với trạm kiểm dịch Tân Thạch để được kiểm dịch lại; các chỉ tiêu
kiểm dịch lại gồm: trạng thái hoạt động, ngoại hình, màu sắc, chiều dài thân,
các bệnh đốm trắng (WSSV), Taura (TSV).
2. Giống tôm chân trắng sản xuất
trong tỉnh trước khi xuất bán phải được kiểm dịch các bệnh nêu tại khoản 1 Điều này. Trường hợp phát hiện tôm giống bị nhiễm bệnh thì
kiểm dịch viên có trách nhiệm xử lý đúng quy trình hoặc hướng dẫn cách điều trị.
3. Chủ cơ sở sản xuất khi phát
hiện tôm bị bệnh phải kịp thời báo cáo cho cơ quan chức năng, không được tự ý
tiêu hủy hoặc xả chất thải. Xác tôm giống bị nhiễm bệnh khi chưa được xử lý hết
mầm bệnh, quá trình xử lý phải có sự chứng kiến, hướng dẫn của cán bộ chuyên
môn thuộc Chi cục Bảo vệ nguồn lợi Thủy sản.
Điều 6.
Công tác kiểm dịch
1. Việc kiểm dịch giống tôm chân
trắng do kiểm dịch viên cơ quan thú y thủy sản thực hiện.
2. Kiểm dịch viên phải chịu
trách nhiệm pháp lý về kết luận của mình trong biên bản kiểm dịch.
Chương 3:
NUÔI TÔM CHÂN TRẮNG
Điều 7.
Các khu vực được phép nuôi tôm chân trắng
1. Huyện Bình Đại:
Vùng nuôi tôm sú thâm canh phía
sau cống đập Ba Lai được giới hạn như sau:
- Phía Bắc giáp với huyện lộ 16
nối liền tỉnh lộ 883 (từ ngã tư Thạnh Trị đến Sông Vũng Luông xã Thới Thuận).
- Phía Nam giáp với Sông Ba Lai.
- Phía Đông giáp với Sông Vũng
Luông.
- Phía Tây giáp với tỉnh lộ Bắc
Nam (từ Cống đập Ba Lai đến ngã tư Thạnh Trị).
2. Huyện Ba Tri:
Khu vực quy hoạch nuôi tôm sú
thâm canh ở các xã Tân Xuân, Bảo Thuận, Bảo Thạnh, một phần xã Tân Thủy và xã
An Thủy (được giới hạn từ lộ Vành đai nối liền lộ Bãi Ngao về phía Biển Đông).
3. Huyện Thạnh Phú:
a) Vùng nuôi tôm sú xã Thạnh
Phong được giới hạn như sau:
- Phía Bắc giáp xã Thạnh Hải.
- Phía Nam giáp sông Cổ Chiên.
- Phía Đông giáp giồng Bần Mít
và giồng Cồn Lớn.
- Phía Tây giáp quốc lộ 57.
b) Vùng nuôi tôm sú xã Thạnh Hải
được giới hạn như sau:
- Phía Bắc giáp rạch Hồ Cỏ.
- Phía Nam giáp xã Thạnh Phong.
- Phía Đông giáp rừng phòng hộ
và sông Hồ Cỏ.
- Phía Tây giáp tỉnh lộ 888.
Điều 8.
Điều kiện đối với cơ sở nuôi tôm chân trắng
1. Tôm
chân trắng chỉ được nuôi theo hình thức thâm canh ở các địa điểm quy định tại Điều
7 của Quy định này. Các cơ sở nuôi tôm chân trắng thâm canh phải thực hiện đúng
tiêu chuẩn ngành 28 TCN 191: 2004 Vùng nuôi tôm - điều kiện đảm bảo vệ sinh an
toàn thực phẩm.
2. Phải có ao lắng cấp nước tối
thiểu 20%, hệ thống xử lý nước thải tối thiếu 10% và khu vực chứa bùn thải tối
thiểu 10% diện tích ao nuôi.
3. Hệ thống cấp và thoát nước
trong cơ sở nuôi tôm chân trắng phải bố trí riêng rẽ tránh gây ô nhiễm.
Điều 9.
Quản lý dịch bệnh
1. Tôm giống trước khi thả nuôi
phải được kiểm dịch xác định không nhiễm virus gây bệnh đốm trắng (WSSV) và bệnh
taura (TSV).
2. Các
cơ sở nuôi tôm chân trắng phải quản lý không được để tôm thoát ra môi trường
xung quanh.
3. Khi tôm nuôi nhiễm bệnh virus
đốm trắng (WSSV) và bệnh taura (TSV), phải tiến hành tiêu hủy, không được tự ý
xả thải ra môi trường bên ngoài. Quy trình tiêu hủy tôm bị nhiễm virus đốm trắng
(WSSV) và bệnh taura (TSV) theo hướng dẫn của cơ quan thú y.
4. Bùn thải khi cải tạo ao nuôi
phải được được đưa vào khu vực chứa bùn, không được thải ra môi trường tự
nhiên.
5. Tổ chức, cá nhân nuôi tôm
chân trắng trên địa bàn tỉnh Bến Tre phải chấp hành sự giám sát và kiểm tra của
các cơ quan quản lý, cơ quan thú y về phòng trừ dịch bệnh.
Chương 4:
KHEN THƯỞNG, XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 10.
1. Các tổ
chức, cá nhân có thành tích trong việc tổ chức thực hiện bản Quy định này sẽ được
biểu dương, khen thưởng.
2. Các tổ chức, cá nhân có hành
vi vi phạm trong quá trình sản xuất, kinh doanh giống và nuôi tôm chân trắng
thì tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật
hiện hành.
3. Trong quá trình thực hiện Quy
định này nếu có khó khăn vướng mắc phải phản ánh về Sở Thủy sản để tổng hợp
trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.