CÁC NGUYÊN TẮC CƠ
BẢN VỀ VAI TRÒ CỦA LUẬT SƯ, 1990
(Được thông qua tại
Hội nghị lần thứ tám về Phòng chống tội phạm và xử lý người phạm tội của Liên Hợp
Quốc, họp tại Havana, Cuba, từ ngày 27/8 đến 7/9/1990).
Xét rằng, trong Hiến chương Liên Hợp Quốc,
các dân tộc trên thế giới khẳng định quyết tâm xây dựng những điều kiện để duy
trì công lý và tuyên bố một trong những mục đích của họ là thực hiện hợp tác quốc
tế nhằm thúc đẩy và khuyến khích sự tôn trọng các quyền và tự do cơ bản của con
người không phân biệt chủng tộc, giới tính, ngôn ngữ hay tôn giáo,
Xét rằng, Tuyên ngôn Toàn thế giới về Quyền
con người đã trang trọng ghi nhận nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật, quyền
giả định vô tội, quyền được một tòa án độc lập và vô tư xét xử công bằng, công
khai và mọi bảo đảm cần thiết để mọi người đều có quyền bào chữa khi bị cáo buộc
phạm tội hình sự,
Xét rằng, Công ước quốc tế về các quyền dân
sự và chính trị đã công bố quyền được xét xử không chậm trễ và quyền được một
tòa án có thẩm quyền, độc lập và vô tư, được lập ra theo pháp luật xét xử công
bằng và công khai,
Xét rằng, Công ước quốc tế về các quyền kinh
tế, xã hội và văn hóa nhắc lại nghĩa vụ của các quốc gia theo Hiến chương là
thúc đẩy sự tôn trọng và tuân thủ các quyền và tự do cơ bản của con người trên
toàn thế giới,
Xét rằng, Tập hợp các nguyên tắc bảo vệ tất
cả những người đang bị giam giữ hay bị cầm tù dưới bất kỳ hình nào quy định rằng
một người đang bị giam giữ phải có quyền được giúp đỡ, liên lạc, cũng như được
tham khảo ý kiến luật sư.
Xét rằng, Những quy định tiêu chuẩn tối
thiểu về đối xử đối với tù nhân đặc biệt kiến nghị rằng các tù nhân chưa được
xét xử phải được bảo đảm giúp đỡ về pháp lý và tiếp xúc riêng với luật sư,
Xét rằng, quy định về việc bảo vệ những người
có thể bị kết án tử hình khẳng định rằng bất kỳ ai bị tình nghi hay bị cáo buộc
phạm một tội có thể bị kết án tử hình đều được quyền nhận được sự trợ giúp đầy
đủ về pháp lý trong mọi giai đoạn tố tụng, theo điều 14 Công ước
quốc tế về các quyền dân sự và chính trị,
Xét rằng, Tuyên bố về các nguyên tắc công lý
cơ bản đối với nạn nhân của tội phạm và lạm dụng quyền lực đã khuyến nghị các
biện pháp cần được thực hiện ở cấp quốc tế và quốc gia để cải thiện điều kiện
tiếp cận công lý và xử lý công bằng, phục hồi, bồi thường và hỗ trợ những nạn
nhân của tội phạm,
Xét rằng, việc bảo vệ các quyền và tự do cơ
bản của con người mà mọi người đều có quyền được hưởng, dù đó là những quyền
kinh tế, xã hội và văn hóa, hoặc dân sự và chính trị, yêu cầu mọi người phải được
tiếp cận một cách có hiệu quả các dịch vụ pháp lý do một tổ chức chuyên môn
pháp lý độc lập cung cấp,
Xét rằng, các hiệp hội luật sư chuyên nghiệp
có một vai trò sống còn trong việc giữ vững những tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp,
nhằm bảo vệ các hội viên khỏi bị truy bức, hạn chế và xâm phạm trái phép, cung
cấp mọi dịch vụ pháp lý cho tất cả những người có nhu cầu và hợp tác với các cơ
quan chính phủ và các cơ quan chức năng khác để đẩy mạnh thực hiện mục tiêu
công lý và quyền lợi của công chúng.
Những nguyên tắc cơ bản về vai trò của luật sư dưới
đây, được xây dựng nhằm hỗ trợ các Quốc gia thành viên trong việc thúc đẩy và bảo
đảm vai trò đúng đắn của luật sư, cần được các chính phủ tôn trọng và tham khảo
trong khuôn khổ pháp luật và thực tiễn quốc gia và cần được thông báo cho luật
sư cũng như những người khác như thẩm phán, công tố viên, thành viên của các cơ
quan hành pháp, lập pháp và công chúng nói chung. Những nguyên tắc này cũng cần
được áp dụng một cách thích hợp đối với những người thực hiện các chức năng của
luật sư nhưng chưa được hưởng quy chế chính thức của luật sư.
TIẾP CẬN LUẬT SƯ VÀ DỊCH VỤ PHÁP LÝ
1. Mọi người đều có quyền yêu cầu sự giúp đỡ của luật
sư theo sự lựa chọn của mình nhằm thiết lập và bảo vệ các quyền của mình đó
trong mọi giai đoạn của tố tụng hình sự.
2. Các chính phủ phải bảo đảm những thủ tục hữu hiệu
và các cơ chế nhanh chóng để việc tiếp cận luật sư có hiệu quả và bình đẳng cho
mọi người trong phạm vi lãnh thổ và quyền tài phán của mình mà không có bất kỳ
sự phân biệt đối xử nào, như phân biệt đối xử trên cơ sở chủng tộc, màu da, nguồn
gốc dân tộc, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hay các quan điểm
khác, nguồn gốc quốc gia hay xã hội, tài sản, thành phần kinh tế và những điều
kiện khác.
3. Các chính phủ cần bảo đảm cung cấp đầy đủ kinh
phí và những nguồn lực khác cho các dịch vụ pháp lý dành cho người nghèo và nếu
cần thiết cho những người bị thiệt thòi khác. Các hiệp hội chuyên môn của luật
sư phải phối hợp trong việc tổ chức cung cấp những dịch vụ, phương tiện và các
nguồn lực khác.
4. Các chính phủ và hiệp hội chuyên môn của luật sư
phải thúc đẩy những chương trình nhằm thông báo cho công chúng biết về những
quyền và nghĩa vụ của họ theo pháp luật và vai trò quan trọng của luật sư trong
việc bảo vệ các tự do cơ bản của họ. Cần phải chú ý đặc biệt hơn trong việc
giúp đỡ người nghèo và những người bị thiệt thòi khác, để họ có thể khẳng định
các quyền của họ và kêu gọi sự giúp đỡ của luật sư khi cần thiết.
NHỮNG BẢO VỆ ĐẶC BIỆT TRONG CÁC VẤN ĐỀ TƯ PHÁP HÌNH
SỰ
5. Các chính phủ phải bảo đảm rằng, mọi người đều
được cơ quan chức năng có thẩm quyền thông báo ngay lập tức về quyền được một luật
sư trợ giúp theo sự lựa chọn của họ, ngay khi bị bắt hay bị giam giữ hoặc khi bị
cáo buộc phạm tội hình sự.
6. Bất cứ ai trong hoàn cảnh trên mà không có luật
sư riêng, thì trong mọi trường hợp công lý đòi hỏi như vậy, đều có quyền có một
luật sư có kinh nghiệm và năng lực phù hợp với tính chất của tội phạm đã quy kết
cho họ để hỗ trợ pháp lý một cách hiệu quả, và miễn phí nếu họ không có đủ khả
năng chi trả những dịch vụ như vậy.
7. Các chính phủ còn phải bảo đảm rằng, tất cả những
người bị bắt hay bị giam, dù có bị cáo buộc phạm tội hình sự hay không, đều phải
được nhanh chóng tiếp cận luật sư và trong bất kỳ trường hợp nào cũng không chậm
quá 48 giờ kể từ khi bị bắt hay bị giam.
8. Tất cả những người bị bắt, giam hay cầm tù phải
được tạo ra các cơ hội, thời gian và phương tiện đầy đủ để luật sư đến thăm, và
được trao đổi hay tư vấn hoàn toàn riêng với luật sư không chậm trễ, không bị
theo dõi hay kiểm duyệt. Những cuộc tiếp xúc hay tư vấn như vậy, có thể được tiến
hành trong tầm nhìn, nhưng không trong tầm nghe của các nhân viên thi hành luật
pháp.
CÁC TIÊU CHUẨN CHUYÊN MÔN VÀ ĐÀO TẠO
9. Các chính phủ, những hiệp hội chuyên môn của luật
sư và các cơ sở giáo dục phải bảo đảm rằng luật sư được giáo dục và đào tạo
thích hợp, có ý thức về lý tưởng và nhiệm vụ mang tính đạo đức của người luật
sư, về các quyền con người và những quyền tự do cơ bản được pháp luật quốc gia
và pháp luật quốc tế công nhận.
10. Các chính phủ, những hiệp hội chuyên môn của luật
sư và các cơ sở giáo dục phải bảo đảm rằng, không có sự phân biệt đối xử đối với
một người trong việc tham gia vào hay tiếp tục hành nghề luật sư vì lý do chủng
tộc, màu da, giới tính, nguồn gốc dân tộc, tôn giáo, quan điểm chính trị hay
các quan điểm khác, ngoại trừ yêu cầu luật sư phải là công dân của một quốc gia
có liên quan không bị coi là phân biệt đối xử.
11. Ở những quốc gia có các nhóm, cộng đồng hay khu
vực mà dịch vụ pháp lý không đáp ứng được nhu cầu của họ, đặc biệt ở những nơi
mà các nhóm như vậy có nền tảng văn hóa, truyền thống hay ngôn ngữ khác biệt
hay đã là nạn nhân của nạn phân biệt đối xử trước đây, thì các chính phủ, những
hiệp hội chuyên môn của luật sư và các cơ sở giáo dục cần có các biện pháp đặc
biệt để tạo cơ hội cho các ứng cử viên của những nhóm này tham gia vào nghề luật
và cần đảm bảo rằng họ được đào tạo phù hợp với những nhu cầu của nhóm họ.
CÁC NHIỆM VỤ VÀ TRÁCH NHIỆM
12. Với tư cách là thành tố quan trọng trong thực
hành tư pháp, luật sư phải luôn luôn gìn giữ danh dự và phẩm giá trong nghề
nghiệp của họ.
13. Nhiệm vụ của luật sư đối với khách hàng của họ:
a. Tư vấn cho khách hàng về những quyền và nghĩa vụ
pháp lý của họ, về cơ chế làm việc của hệ thống pháp luật trong chừng mực có
liên quan đến quyền và trách nhiệm pháp lý của khách hàng;
b. Giúp đỡ khách hàng bằng mọi cách thích hợp và tiến
hành các biện pháp pháp lý để bảo vệ quyền lợi của họ;
c. Giúp đỡ khách hàng trước tòa án hay các cơ quan
hành chính khi thích hợp.
14. Trong khi bảo vệ các quyền của khách hàng và
thúc đẩy sự nghiệp vì công lý, luật sư phải tìm cách đề cao các quyền và các tự
do cơ bản của con người được pháp luật quốc gia và quốc tế công nhận. Luật sư
luôn luôn phải hành động tự do, cần mẫn phù hợp với pháp luật và những tiêu chuẩn
đạo đức đã được công nhận của nghề luật.
15. Luật sư phải luôn tôn trọng một cách trung
thành quyền lợi khách hàng của mình.
NHỮNG BẢO ĐẢM CHO HOẠT ĐỘNG CHỨC NĂNG CỦA LUẬT
SƯ
16. Các chính phủ phải bảo đảm rằng luật sư:
a. Có khả năng thực hiện tất cả các chức năng
chuyên môn mà không bị đe dọa, cản trở, quấy rầy hoặc can thiệp trái phép;
b. Có thể đi lại, tiếp xúc, tư vấn với khách hàng một
cách tự do cả trong nước và ngoài nước;
c. Không bị truy tố, hoặc bị đe dọa truy tố hay chịu
bất kỳ chế tài hành chính, kinh tế hoặc chế tài khác về bất cứ hành động nào được
thực hiện phù hợp với những nhiệm vụ, tiêu chuẩn và đạo đức nghề nghiệp đã được
công nhận.
17. Khi an ninh của luật sư bị đe dọa do thực hiện
các chức năng của họ, họ phải được các cơ quan chức năng bảo vệ một cách đầy đủ.
18. Không được đánh đồng luật sư với khách hàng của
họ hay những công việc của khách hàng do thực hiện các chức năng của luật sư.
19. Mọi tòa án hay cơ quan hành chính mà ở đó quyền
có luật sư bào chữa đã được công nhận đều không được phép phủ nhận quyền của luật
sư được xuất hiện trước tòa hay cơ quan hành chính để bảo vệ khách hàng của
mình, trừ khi luật sư đó không đủ tiêu chuẩn theo pháp luật và thực tiễn quốc
gia và căn cứ vào những nguyên tắc này.
20. Luật sư phải được quyền miễn trách nhiệm dân sự
và hình sự đối với những phát ngôn thiện chí trong lời bào chữa miệng hay bằng
văn bản hay đối với sự xuất hiện nghề nghiệp của họ trước tòa hay trước cơ quan
pháp luật hay hành chính.
21. Nhiệm vụ của các cơ quan có thẩm quyền chính là
bảo đảm tạo điều kiện cho luật sư được tiếp cận những thông tin, hồ sơ và tài
liệu thích hợp mà họ sở hữu hay có quyền kiểm soát trong khoảng thời gian đủ để
luật sư có thể hỗ trợ khách hàng về pháp lý một cách có hiệu quả. Luật sư phải
được tạo điều kiện tiếp cận như vậy vào thời điểm thuận lợi nhất.
22. Các chính phủ cần công nhận và tôn trọng rằng,
tất cả các trao đổi và tư vấn giữa luật sư và khách hàng trong mối quan hệ nghề
nghiệp của họ đều được giữ bí mật.
QUYỀN TỰ DO BIỂU ĐẠT VÀ GIAO KẾT
23. Cũng như những công dân khác, luật sư được hưởng
quyền tự do biểu đạt, tín ngưỡng, kết giao và hội họp. Đặc biệt, họ phải có quyền
tham gia các cuộc thảo luận công khai có liên quan đến pháp luật, trật tự tư
pháp, việc tăng cường và bảo vệ quyền con người, quyền gia nhập hay thành lập
các tổ chức địa phương, quốc gia hay quốc tế và tham dự những cuộc họp của những
tổ chức ấy, mà không phải chịu một sự bất lợi nào về nghề nghiệp vì hoạt động hợp
pháp của họ hay vì họ là thành viên của một tổ chức hợp pháp. Trong việc thực
hiện các quyền này, luật sư phải luôn luôn xử sự theo pháp luật và những tiêu
chuẩn, đạo đức nghề nghiệp đã được công nhận.
HIỆP HỘI CHUYÊN MÔN CỦA LUẬT SƯ
24. Luật sư có quyền lập và tham gia các hiệp hội
chuyên môn tự quản để đại diện cho quyền lợi của họ, thúc đẩy việc giáo dục,
đào tạo thường xuyên của họ và bảo vệ đạo đức nghề nghiệp của họ. Cơ quan chấp
hành của các hiệp hội chuyên môn này phải do những thành viên bầu ra và thực hiện
các chức năng mà không có sự can thiệp từ bên ngoài.
25. Những hiệp hội chuyên môn của luật sư phải hợp
tác với chính phủ để đảm bảo rằng, mọi người đều được tiếp cận các dịch vụ pháp
lý một cách bình đẳng và có hiệu quả, và rằng luật sư có thể bào chữa và hỗ trợ
khách hàng theo đúng pháp luật và những tiêu chuẩn, đạo đức nghề nghiệp đã được
công nhận mà không có sự can thiệp trái phép.
CÁC THỦ TỤC KỶ LUẬT
26. Các quy tắc đạo đức nghề nghiệp của luật sư phải
được quy định bởi pháp luật bởi những người trong ngành luật thông qua những cơ
quan thích hợp, theo đúng pháp luật và thực tiễn quốc gia, các tiêu chuẩn và
quy phạm quốc tế đã được công nhận.
27. Những lời buộc tội hay khiếu nại về khả năng
chuyên môn của luật sư phải được xử lý nhanh chóng và đúng mức theo các thủ tục
thích hợp. Luật sư phải có quyền được phân xử một cách công minh, gồm cả quyền
được có một luật sư do họ lựa chọn giúp đỡ.
28. Những thủ tục kỷ luật đối với luật sư phải được
đưa ra trước một hội đồng kỷ luật khách quan do những người trong ngành pháp luật
thành lập, hoặc trước một cơ quan chức năng độc lập được thành lập theo pháp luật,
hay trước một tòa án và có thể được xem xét lại về pháp luật một cách độc lập.
29. Những thủ tục kỷ luật được quyết định theo đúng
quy ước đạo đức nghề nghiệp và những tiêu chuẩn đạo đức đã được công nhận của
ngành luật và của những nguyên tắc này.