HỘI
ĐỒNG CHÍNH PHỦ
******
|
VIỆT
NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
149-CP
|
Hà
Nội, ngày 17 tháng 08 năm 1970
|
NGHỊ QUYẾT
VỀ VIỆC CHỈ ĐẠO CUỘC VẬN ĐỘNG PHÁT HUY DÂN CHỦ, TĂNG CƯỜNG
CHẾ ĐỘ LÀM CHỦ TẬP THỂ Ở NÔNG THÔN, ĐẨY MẠNH VIỆC THỰC HIỆN ĐIỀU LỆ HỢP TÁC XÃ
SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP
I. VỊ TRÍ CỦA CUỘC VẬN ĐỘNG
Sau khi nghiên cứu Nghị quyết của
Bộ Chính trị. Hội đồng Chính phủ nhất trí nhận định rằng: “Vấn đề phát huy dân
chủ, tăng cường chế độ làm chủ tập thể ở nông thôn là một cuộc vận động lớn nhằm
đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, củng cố và phát triển phong trào hợp tác hoá và
xây dựng nông thôn mới”.
Trong quá trình xây dựng, củng cố
và phát triển phong trào hợp tác hoá nông nghiệp, công tác quản lý nền nông
nghiệp tập thể trong những năm qua đã có những tiến bộ rõ rệt. Trên cơ sở quan
hệ sản xuất mới được xác lập, trải qua 2 lần cải tiến quản lý và tiến hành các
cuộc vận động khác ở nông thôn, phong trào hợp tác hoá nông nghiệp ngày càng được
củng cố. Phương hướng sản xuất chuyên canh đang được hình thành; cơ sở vật chất
và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội trong nông nghiệp đang được tăng cường từng bước;
những biện pháp kỹ thuật tiên tiến đang được áp dụng một cách rộng rãi. Các tỉnh
và các vùng sản xuất khác nhau đều có những hợp tác xã sản xuất giỏi, quản lý tốt
và ngày càng tích luỹ thêm được nhiều kinh nghiệm. Các hợp tác xã sản xuất nông
nghiệp đã trở thành những đơn vị sản xuất chủ yếu trên mặt trận nông nghiệp của
miền Bắc nước ta. Nhờ có sức mạnh của quan hệ sản xuất mới, nền nông nghiệp tập
thể xã hội chủ nghĩa đã vượt qua nhiều thử thách về thiên tai và dịch họa, đã đẩy
mạnh được phong trào làm thuỷ lợi và kiến thiết đồng ruộng trên quy mô lớn; đã
mở nhanh diện tích đạt 5 tấn trên phạm vi rộng. Trong những năm khói lửa của
chiến tranh, các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp đã đóng một vai trò xuất sắc
trong sản xuất, chiến đấu, phục vụ chiến đấu và tổ chức đời sống ở nông thôn,
góp phần xứng đáng vào sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Tuy nhiên, những khuyết điểm và
nhược điểm nổi lên hiện nay là việc xây dựng và thực hiện các chế độ bảo đảm
quyền làm chủ tập thể của quần chúng trong quản lý hợp tác xã chưa tiến kịp với
yêu cầu của chế độ chính trị ở miền Bắc và quan hệ sản xuất mới.
Trong hợp tác xã do thiếu chế độ
quản lý cụ thể, chặt chẽ nên ruộng đất và các tư liệu sản xuất khác của tập thể
quản lý và sử dụng chưa tốt. Phương hướng sản xuất và quy mô hợp tác xã chưa ổn
định. Việc định mức lao động và thực hiện chế độ 3 khoán cho các đội sản xuất
nhiều hợp tác xã chưa làm được, việc sử dụng công điểm đang còn rất tuỳ tiện.
Công tác quản lý tài vụ còn nhiều sơ hở. Phân phối còn mang nặng tính chất bình
quân, chế độ thanh toán, quyết toán hàng năm thực hiện chưa tốt, vốn đọng khá
nhiều; về ngành, nghề thì có nhiều nghề còn bị thua lỗ. Vốn đầu tư vào xây dựng
cơ sở vật chất kỹ thuật ngày một tăng nhưng sản xuất lại tăng rất chậm hoặc
không tăng, chi phí cao, thu nhập ngày công giảm. Nguồn thu của xã viên từ kinh
tế tập thể đang còn thấp. Tất cả những điều đó đã có ảnh hưởng không tốt tới việc
phát huy nhiệt tình cách mạng và năng lực sáng tạo to lớn của quần chúng trong
việc củng cố và phát triển các hợp tác xã, đẩy mạnh sản xuất và không ngừng mở
rộng nền kinh tế tập thể và cũng do đó mà cuộc đấu tranh giữa tập thể với cá thể,
giữa sản xuất lớn với sản xuất đang diễn ra phức tạp.
Về quan hệ giữa các cơ quan Nhà
nước với các hợp tác xã cũng có những việc giải quyết chưa thích đáng, không
sát với sản xuất nông nghiệp và củng cố hợp tác xã nên đã có ảnh hưởng không tốt
tới việc thúc đẩy sản xuất phát triển, có khi còn gây trở ngại cho sản xuất,
gây khó khăn cho hợp tác xã.
Vì vậy, sau khi Nhà nước ban
hành Điều lệ hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, Bộ Chính trị quyết định mở cuộc vận
động này chính là nhằm phát động quần chúng đẩy mạnh việc cây dựng các quy chế
đẻ tăng cường chế độ là chủ tập của quần chúng xã viên xã viên ở nông thôn
về các mặt sản xuất, phân phối và tuyển cứ. Giải quyết những vấn đề đó không chỉ
là vấn đề riêng của hợp tác xã sản xuất nông nghiệp mà còn quan hệ đến nhiều
ngành hoạt động kinh tế, nội chính, văn giáo của các cơ quan Nhà nước.
Làm tốt cuộc vận động này cũng
chính là để bảo đảm quyền làm chủ của hợp tác xã và các xã viên một cách đầy đủ
hơn, bảo đảm cho Điều lệ của hợp tác xã được thực hiện tốt, đẩy mạnh việc củng
cố và không ngừng hoàn thiện quan hệ sản xuất mới ở nông thôn, giải quyết tốt mối
quan hệ giữa Nhà nước với hợp tác xã, thiết thực củng cố khối liên minh công
nông, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp phát triển, tăng thu nhập cho hợp tác xã và
xã viên, tăng nông sản hàng hoá cho Nhà nước.
II. NỘI DUNG CUỘC VẬN ĐỘNG
Trong Nghị quyết, Bộ Chính trị
đã ghi rõ: “Vấn đề phát huy dân chủ, tăng cường chế độ làm chủ tập thể của quần
chúng ở nông thôn bao gồm nhiều mặt: kinh tế, chính trị và xã hội nhưng phải lấy
kinh tế là trọng tâm và trước hết phải làm tốt trong các hợp tác xã sản xuất
nông nghiệp”.
1. Trong các hợp
tác xã sản xuất nông nghiệp phải bảo đảm cho mọi xã viên có thể phát huy đầy đủ
quyền làm chủ tập thể của mình trong việc quản lý nền kinh tế tập thể và
không ngừng nâng cao năng suất lao động, thực hiện tốt cả 2 mặt nghĩa vụ và quyền
lợi, bảo đảm cho hợp tác xã giữ vững tính chất là một tổ chức kinh tế tập thể
xã hội chủ nghĩa, đồng thời làm tốt nhiệm vụ của một đơn vị kế hoạch nông nghiệp
cơ sở.
Muốn thực hiện tốt những vấn đề
đó, điều quan trọng là phải đẩy mạnh việc thực hiện Điều lệ hợp tác xã, trước hết
là phải bảo đảm cho các xã viên có thể phát huy đầy đủ quyền làm chủ tập thể của
mình trên các mặt sản xuất, phân phối và tuyển cử. Đó là những vấn đề có ý
nghĩa bức thiết đối với việc tăng cường quan hệ sản xuất mới trong nông thôn hiện
nay và cũng trên cơ sở quán triệt Điều lệ và thông qua việc phát động quần
chúng bàn bạc các mặt công tác quản lý mà cụ thể hoá thành các nội quy, chế độ
của từng hợp tác xã, bảo đảm cho công tác quản lý trong mỗi hợp tác xã ngày
càng chặt chẽ hơn và cũng qua đó mà đấu tranh khắc phục các tệ nạn quan liêu, mệnh
lệnh, tham ô, lợi dụng, vi phạm quyền làm chủ tập thể của hợp tác xã và xã
viên.
Để thực hiện 3 nội dung nói
trên, các hợp tác xã phải đạt được những yêu cầu cụ thể sau đây:
a) Về sản xuất và lao động. Căn
cứ vào những quy định trong Điều lệ hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, mỗi hợp
tác xã phải chủ động xem xét lại từ việc quản lý và sử dụng toàn bộ tư liệu sản
xuất của tập thể cho đến việc xác định phương hướng sản xuất, xây dựng kế hoạch
sản xuất như thế nào là có lợi nhất cho việc phát triển kinh tế tập thể, đồng
thời quan tâm đúng mức đến phần kinh tế phụ gia đình xã viên, bảo đảm tăng thu
nhập cho hợp tác xã và xã viên, tăng nông sản hàng hoá cho Nhà nước, đều phải
do toàn thể xã viên bàn bạc và quyết định một cách thật sự dân chủ, kiên quyết
khắc phục mọi biểu hiện sai trái, mệnh lệnh, gò ép, vi phạm tính chất kinh tế tập
thể xã hội chủ nghĩa của hợp tác xã và vi phạm quyền làm chủ tập thể của xã
viên.
Qua đó mỗi hợp tác xã phải rút
kinh nghiệm và hoàn chỉnh dần việc xây dựng các nội quy về quản lý tư liệu sản
xuất; xác định phương hướng sản xuất đúng đắn, tổ chức và quản lý lao động, ổn
định các đội sản xuất, xây dựng các định mức lao động, thực hiện 3 khoán cho đội
và quy định các chế độ thưởng phạt một cách nghiêm chỉnh, thúc đẩy sản xuất
phát triển.
b) Phân phối. Phân phối là vấn đề
rất thiết thân đối với đời sống quần chúng. Từng hợp tác xã phải đi sâu rút
kinh nghiệm và xây dựng những quy định cụ thể nhằm bảo đảm cho toàn thể xã viên
có quyền bàn bạc và quyết định toàn bộ vấn đề phân phối trong hợp tác xã; bảo đảm
thực hiện đúng các nguyên tắc thống nhất kinh doanh, thống nhất phân phối, thực
hiện chế độ tài chính công khai, ngăn chặn các tệ tham ô, lợi dụng và lãng phí,
thực hiện đúng đắn nguyên tắc phân phối theo lao động. Thông qua phân phối mà
khuyến khích mọi người hăng hái lao động cho tập thể và không ngừng nâng cao
năng suất lao động, khắc phục mọi biểu hiện ỷ lại và chây lười trong lao động,
đồng thời đề cao tinh thần thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau; giải quyết đúng đắn mối
quan hệ giữa nghĩa vụ đóng góp cho Nhà nước, tăng tích luỹ cho hợp tác xã và từng
bước nâng cao dần thu nhập của xã viên.
c) Kiện toàn chế độ Đại hội hợp
tác xã và thực hiện dân chủ trong tuyển cử.
Đây là vấn đề có ý nghĩa rất cơ
bản đối với việc bảo đảm quyền làm chủ tập thể của các xã viên về mặt chính trị.
Mỗi hợp tác xã phải chấp hành nghiêm chỉnh những quy định trong Điều lệ, bảo đảm
cho Đại hội hợp tác xã thực sự là nơi tập trung trí tuệ của quần chúng, là cơ
quan quyền lực cao nhất của hợp tác xã có quyền quyết định mọi việc quan trọng
trong hợp tác xã; mặt khác, phải thực hiện đầy đủ các quyền dân chủ trong các kỳ
tuyển cử các cơ quan quản lý của hợp tác xã, bảo đảm cho các cơ quan đó bao gồm
những người thực sự được quần chúng tin cậy, tuyệt đối không được gò ép bằng bất
kỳ một hình thức nào.
2. Các cơ quan
Nhà nước các cấp cần nhận rõ mỗi hợp tác xã là một tổ chức kinh tế tập thể xã hội
chủ nghĩa, là một đơn vị kinh tế mới trong nền kinh tế quốc dân. Khác với
nông trường quốc doanh, hợp tác xã có trách nhiệm phải thực hiện những chỉ tiêu
kế hoạch của Nhà nước giao, nhưng đồng thời phải chịu trách nhiệm về đời sống mọi
mặt của xã viên trong hợp tác xã. Thu nhập của xã viên cao hay thấp tuỳ thuộc
vào kết quả kinh doanh khá hay kém của mỗi đơn vị. Do đó quyền làm chủ tập thể
trong việc quản lý hợp tác xã phải thuộc về tập thể xã viên, không ai được xâm
phạm. Hợp tác xã phải chấp hành nghiêm chỉnh các chính sách của Đảng và Chính
phủ , nhưng các cơ quan Nhà nước cũng phải thấy hết trách nhiệm của mình đối với
hợp tác xã. Mỗi ngành có quan hệ đến nông thôn, nông nghiệp đều có trách nhiệm
đóng góp phần xứng đáng của mình vào việc nâng cao năng lực quản lý của hợp tác
xã, không ngừng mở rộng sản xuất trong các hợp tác xã và giúp Nhà nước quản lý
khu vực kinh tế nông nghiệp tập thể xã hội chủ nghĩa ngày càng tốt hơn, thiết
thực góp phần vào việc củng cố liên minh công nông ngày càng mạnh mẽ.
Các bộ và cơ quan ngang Bộ phải
kiểm tra lại những chính sách, chế độ thể lệ đã ban hành đối với việc phục vụ hợp
tác xã và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển. Căn cứ vào nghị quyết của Bộ
Chính trị và những quy định trong Điều lệ hợp tác xã xem có những vấn đề gì
không thích hợp cần được sửa đổi, bổ sung hoặc có những vấn đề mới thì phải khẩn
trương nghiên cứu để trình trung ương Đảng và Chính phủ cho ban hành.
Trước mắt cần giải quyết gấp một
số vấn đề sau đây để kịp thời đáp ứng những đòi hỏi của cuộc vận dụng :
- Cần xác định rõ bản Điều lệ hợp
tác xã sản xuất nông nghiệp mới được ban hành là một văn kiện có tính chất pháp
lệnh của Nhà nước, không những bản thân mỗi hợp tác xã phải thực hiện nghiêm chỉnh
mà các cơ quan Nhà nước các cấp cũng phải tôn trọng, chấp hành. Bất cứ cá nhân
hoặc đơn vị nào vi phạm Điều lệ của hợp tác xã cũng là vi phạm pháp chế của Nhà
nước xã hội chủ nghĩa.
- Về mặt quản lý kinh tế của hợp
tác xã. Ban quản lý hợp tác xã nông nghiệp trung ương là cơ quan được Nhà nước
giao trách nhiệm hướng dẫn các hợp tác xã thực hiện những quy định trong Điều lệ.
Các cơ quan khác nếu có việc liên quan đến các mặt công tác quản lý trong hợp
tác xã cần thống nhất với Ban quản lý hợp tác xã nông nghiệp trung ương để giải
quyết.
- Về mặt xây dựng kế hoạch của hợp
tác xã thì Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước cùng với Bộ Nông nghiệp và các Bộ có liên
quan nghiên cứu và trình Chính phủ quyết định sớm vấn đề phân vùng nông nghiệp,
vấn đề quản lý kinh doanh đất rừng, đất đồi và xác định phương hướng sản xuất của
từng vùng để hợp tác xã có thể chủ động bố trí kế hoạch; vừa bảo đảm yêu cầu của
Nhà nước, vừa bảo đảm lợi ích của hợp tác xã. Mặt khác, cần định rõ những chỉ
tiêu nào thuộc pháp lệnh, những chỉ tiêu nào là hướng dẫn để bảo đảm cho các hợp
tác xã vừa giữ vững được tính chất là một tổ chức kinh tế tập thể xã hội chủ
nghĩa, vừa làm tròn trách nhiệm là một đơn vị kế hoạch nông nghiệp cơ sở.
- Về thu mua nông sản, thực hiện
hợp đồng 2 chiều thì Bộ Nội thương cùng các bộ có liên quan nghiên cứu và trình
Chính phủ cho ban hành sớm chính sách thu mua nông sản của hợp tác xã và một phần
thuộc kinh tế phụ gia đình của xã viên. Cần xác định rõ những loại nông sản nào
thuộc quan hệ hợp đồng và định rõ những nguyên tắc, chế độ trong quan hệ hợp đồng
giữa hợp tác xã với các cơ quan quốc doanh (kể cả sản xuất, thu mua, giá cả và
chế độ cung cấp vật tư).
- Về việc nâng cao quyền lực của
cấp huyện, cấp xã, phát huy vai trò của các đoàn thể quần chúng và ngăn ngừa mọi
hành động vi phạm quyền làm chủ của hợp tác xã và xã viên :
Văn phòng Nội chính Phủ Thủ tướng
cùng với các cơ quan có liên quan nghiên cứu và quy định rõ hơn nữa chức năng,
trách nhiệm và quyền hạn của cấp huyện và cấp xã (cả về tổ chức và chế độ) bảo
đảm gọn, mạnh, có điều kiện đi sâu vào công tác quản lý kinh tế, nắm chắc và chỉ
đạo chặt các hợp tác xã, kiên quyết khắc phục mọi biểu hiện phân tán, hời hợt,
chồng chéo và ít hiệu lực hiện nay.
- Các đoàn thể quần chúng cần ra
sức phát huy lực lượng của mỗi tổ chức trong việc giáo dục và động viên quần
chúng thực hiện tốt cả hai mặt nghĩa vụ và quyền lợi, hăng hái phát triển kinh
tế và văn hoá, tổ chức xây dựng cuộc sống tập thể ở nông thôn; kiểm tra và giúp
đỡ các cơ quan chính quyền và các cơ quan quản lý hợp tác xã thực hiện tốt các
đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.
- Uỷ ban hành chính, Ban quản lý
hợp tác xã nông nghiệp, Ban thanh tra, tổ chức công an là những cơ quan có
trách nhiệm phải bảo vệ các đường lối, chính sách và luật pháp của Nhà nước, bảo
vệ quyền làm chủ của hợp tác xã và các xã viên. Khi thấy có những việc làm sai
trái thì những cơ quan đó có trách nhiệm phải trực tiếp can thiệp theo đúng chức
năng và quyền hạn của mình.
III. KẾ HOẠCH TIẾN HÀNH CUỘC
VẬN ĐỘNG
Căn cứ vào tinh thần Nghị quyết
của Bộ Chính trị, kế hoạch tiến hành cuộc vận động từ nay đến đầu năm 1972 sẽ
chia làm 2 vòng, mỗi vòng đều phải tập trung vào 3 nội dung chính: sản xuất,
phân phối, kiện toàn chế độ Đại hội hợp tác xã và thực hiện dân chủ trong tuyển
cử. Mỗi nội dung đó sẽ làm đi, làm lại trong 2 năm phải gắn bó chặt chẽ với thời
vụ làm ăn của hợp tác xã. Kế hoạch tiến hành cuộc vận động sẽ làm như sau:
Đợt 1: từ nay đến hết
tháng 09 năm 1970.
Yêu cầu của đợt này là trên cơ sở
quán triệt tinh thần nghị quyết của Bộ Chính trị về tăng cường chế độ làm chủ tập
thể ở nông thôn và nghị quyết về kế hoạch Nhà nước năm 1970 (chủ yếu là phần
nông nghiệp); nắm vững chương 5, chương 6 trong Điều lệ mà phát động quần chúng
tập trung giải quyết tốt các vấn đề sau đây.
Trước mắt cần làm tốt việc ổn định
nghĩa vụ lương thực, và xác định phương hướng sản xuất của hợp tác xã cho rõ,
kiểm tra lại tình hình quản lý ruộng đất, kiên quyết thu hồi các ruộng lấn chiếm
hoặc sử dụng không đúng chính sách; xây dựng nội quy quản lý ruộng đất, thảo luận
kỹ các chỉ tiêu và biện pháp đối với vụ mùa, đẩy mạnh phong trào lao động sản
xuất trong các hợp tác xã, động viên quần chúng quyết tâm hoàn thành vượt mức kế
hoạch cả năm. Tuỳ theo tình hình cụ thể từng nơi, hợp tác xã có thể gắn liền việc
bàn giao kế hoạch sản xuất vụ mùa với việc giao kế hoạch 3 khoản lúa mùa cho
các đội sản xuất.
Sau khi cấy mùa xong sẽ tiếp tục
phát động quần chúng xây dựng các định mức lao động hoặc điều chỉnh các định mức
đã có cho hợp lý, xây dựng hoặc bộ sung nội quy về quản lý lao động, xác định
rõ nghĩa vụ lao động của mỗi người đối với tập thể, tổ chức đăng ký ngày công
(kể cả xã viên và cán bộ); ổn định các đội sản xuất (kể cả ruộng đất, công cụ
lao động và cốt cán), thảo luận chế độ 3 khoán cho các đội sản xuất và quy định
các chế độ thưởng phạt một cách cụ thể.
Tiếp đó sẽ phát động quần chúng
xây dựng toàn bộ kế hoạch năm 1971, trước hết phải tập trung bàn kế hoạch đông
xuân năm 1970 – 1971.
Đó là toàn bộ kế hoạch đợt 1 là
phải làm tốt việc ổn định nghĩa vụ lương thực, phát động cho được một phong
trào lao động sản xuất mạnh mẽ và mỗi hợp tác xã phải xây dựng cho tốt bản nội
quy về quản lý ruộng đất và quản lý lao động … Qua đó mà giải quyết tốt vấn đề
tạm chia vụ chiêm, đẩy mạnh sản xuất vụ mùa, quyết tâm giành cho được vụ mùa thắng
lợi lớn.
Đợt 2: từ tháng 10 năm
1970 đến tháng 12 năm 1970.
Hướng tập trung đợt này là phát
động quần chúng, thảo luận kỹ các nguyên tắc và chế độ phân phối trong hợp tác
xã, thực hiện tốt chương 7 trong Điều lệ, xây dựng các quy định cụ thể của từng
hợp tác xã đối với việc phân phối toàn bộ các sản phẩm trong hợp tác xã, thực
hiện chế độ tài chính công khai; quyết định phương án phân phối vụ mùa và chuẩn
bị cho việc quyết toán cả năm, thanh toán nợ nần sòng phẳng. Thông qua việc
phát động quần chúng giải quyết tốt vấn đề phân phối mà đẩy mạnh việc chăm sóc
vụ mùa và thực hiện tốt kế hoạch đông xuân.
Đợt 3: Sau khi đã cấy trồng
vụ đông xuân 1970 – 1791 xong, trên cơ sở quán triệt chương 3, chương 4 trong
Điều lệ, các hợp tác xã sẽ mở Đại hội nhằm đánh giá sự chuyển biến của hợp tác
xã sau 1 năm tiến hành cuộc vận động, bàn kế hoạch làm tiếp cuộc vận động vòng
hai trong năm tới, giải quyết tốt vấn đề thanh toán, quyết toán năm 1970 và thực
hiện dân chủ trong tuyển cử, kiện toàn các cơ quan quản lý của hợp tác xã, đồng
thời kiện toàn các cơ quan lãnh đạo của Đảng, chính quyền và các đoàn thể quần
chúng ở cơ sở.
Hai năm phát động quần chúng làm
tốt được những việc nói trên tức là các hợp tác xã đã thực hiện tốt các Nghị
quyết của Bộ Chính trị, của Hội đồng Chính phủ và cũng là đưa dần việc thực hiện
điều lệ hợp tác xã vào nề nếp, xây dựng dần các chế độ thể lệ phù hợp với quan
hệ sản xuất mới, từng bước tạo nên một tập quán mới trong đời sống ở nông thôn.
Tiến hành cuộc vận động này là cả
một quá trình vừa phát động quần chúng, vừa bồi dưỡng và rèn luyện đội ngũ cốt
cán ở nông thôn, rèn luyện các cán bộ và công nhân viên chức của Nhà nước, cải
tiến sự lãnh đạo và chỉ đạo của các cấp và các ngành đối với các hợp tác xã và
quần chúng nông dân xã viên. Vì vậy, quá trình tiến hành cuộc vận động cần phải
nắm vững biện pháp chủ yếu là phát động quần chúng, thực hiện phê bình và tự
phê bình từ trên xuống dưới, từ trong cán bộ, đảng viên ra ngoài quần chúng xã
viên, khẳng định những việc làm tốt cần phát huy, đồng thời kiên quyết đấu
tranh với những việc làm sai trái. Dựa trên cơ sở Điều lệ hợp tác xã sản xuất
nông nghiệp mà hướng dẫn các hợp tác xã xây dựng các nội quy, chế độ cho sát với
từng hợp tác xã.
IV. LÃNH ĐẠO VÀ CHỈ ĐẠO CUỘC
VẬN ĐỘNG
Trong nghị quyết, Bộ Chính trị
đã xác định: “Trong suốt thời gian tiến hành cuộc vận động, các địa phương phải
coi cuộc vận động này là một công tác trung tâm thường xuyên ở nông thôn và phải
lấy cuộc vận động này làm đòn xeo thúc đẩy các mặt công tác khác”.
“Cuộc vận động này tập trung
phát động ở cơ sở (xã và hợp tác xã) nhưng quyền làm chủ tập thể của quần chúng
ở cơ sở được tôn trọng và phát huy đến mức độ nào, điều đó có quan hệ đến nhiều
chính sách, chế độ, thể lệ, đến sự lãnh đạo và chỉ đạo hàng ngày của các cấp và
các ngành ở trên, nhất là các ngành kinh tế. Vì vậy, nội dung và tinh thần Nghị
quyết về cuộc vận động này phải được thông suốt từ trên xuống dưới và đích thân
các cán bộ chủ chốt phải nắm cuộc vận động. Các ngành từ trung ương đến địa
phương phải có kế hoạch tham gia và phục vụ cuộc vận động một cách thiết thực”.
Tiến hành cuộc vận động này
trong lúc tình hình nông thôn đang phải làm một số việc quan trọng khác như đẩy
mạnh việc thực hiện nghị quyết và kế hoạch Nhà nước năm 1970, nghị quyết về
phong trào lao động sản xuất, ổn định nghĩa vụ lương thực, nâng cao chất lượng
đảng viên và kết nạp đảng viên lớp Hồ Chí Minh. Mỗi việc đều có nội dung của
nó, nhưng tất cả những việc đó đều có mối quan hệ rất chặt chẽ với nhau. Vì vậy
trong khi chỉ đạo thực hiện các nghị quyết nói trên, phải phát động cho được một
khí thế cách mạng sôi nổi trong các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, một sự
vươn lên mạnh mẽ của giai cấp nông dân tập thể dưới sự lãnh đạo chặt chẽ của
các cấp uỷ Đảng và chính quyền địa phương, quyết tâm đẩy mạnh sản xuất nông
nghiệp phát triển; lấy việc thực hiện vượt mức kế hoạch sản xuất từng vụ, cả
năm của hợp tác xã, tăng thu nhập cho hợp tác xã và xã viên, làm đầy đủ nghĩa vụ
và tăng nông sản hàng hoá cho Nhà nước làm mục tiêu phấn đấu, làm thước đo kết
quả cụ thể của từng địa phương, từng đơn vị sản xuất; lấy việc ổn định nghĩa vụ
lương thực và thực hiện phân phối tốt trong nội bộ hợp tác xã làm một trong những
biện pháp trọng yếu để khuyến khích và đẩy mạnh phong trào lao động sản xuất, lấy
cuộc vận động tăng cường chế độ làm****** chủ tập thể công tác trung tâm thường
xuyên ở nông thôn, là đòn xeo mà đẩy mạnh việc củng cố và không ngừng hoàn thiện
quan hệ sản xuất mới, thúc đẩy sản xuất phát triển, rèn luyện đội ngũ cốt cán ở
nông thôn, nâng cao sức chiến đấu của các tổ chức Đảng, chính quyền và các đoàn
thể quần chúng ở cơ sở, không ngừng nâng cao nhiệt tình cách mạng của quần
chúng, thiết thực thúc đẩy 3 cuộc cách mạng tiến lên.
Quá trình tiến hành cuộc vận động,
không những phải đưa được các hợp tác xã khá vươn lên mạnh mẽ mà còn phải có kế
hoạch rất cụ thể để thanh toán cho được những hợp tác xã yếu, kém hiện nay.
Vì vậy, tiến hành cuộc vận động
này Đảng phải lãnh đạo, chính quyền các cấp phải phụ trách việc chỉ đạo thực hiện.
a) Về phần địa phương: cần nhấn
mạnh vai trò của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính các cấp là những cơ
quan vừa là đại diện của Nhà nước, vừa là đại diện của nhân dân phải coi cuộc vận
động này là một trong những công tác trọng yếu của mình. Bản thân các cơ quan
đó không những phải gương mẫu trong việc tôn trọng và bảo đảm quyền làm chủ tập
thể của quần chúng mà còn có trách nhiệm kiểm tra và chỉ đạo chặt chẽ các
ngành, và các cơ quan cấp dưới không để vi phạm quyền làm chủ của hợp tác xã và
các xã viên.
Đi đôi với việc quán triệt Nghị
quyết của Trung ương về cuộc vận động tăng cường chế độ làm chủ tập thể, phải đồng
thời quán triệt Điều lệ hợp tác xã sản xuất nông nghiệp. Các địa phương phải đặc
biệt coi trọng việc tổng kết đợt làm Điều lệ vừa qua, đánh giá một cách đầy đủ
mặt mạnh, mặt yếu của phong trào hợp tác hoá nông nghiệp, thu thập và phân tích
những ý kiến của quần chúng và cán bộ cơ sở đã phê bình trong thời gian làm Điều
lệ. Phải định rõ những vấn đề nào thuộc thẩm quyền của địa phương, và thuộc
trách nhiệm của ngành nào thì phải chỉ đạo ngành đó sửa chữa một cách nghiêm
túc, định rõ ai chịu trách nhiệm và thời gian nào phải hoàn thành, không được
buông trôi. Những vấn đề nào thuộc thẩm quyền của trung ương thì phải báo cáo về
trung ương cho đầy đủ, đồng thời có kiến nghị với trung ương về cách giải quyết.
Những vấn đề nào đúng sai chưa phân định rõ cũng phải báo cáo về trung ương để
xin ý kiến.
Các Uỷ ban hành chính khu,
thành, tỉnh phải có kế hoạch chỉ đạo cấp dưới và các ngành, nhất là các ngành
kinh tế một cách cụ thể; phải hướng mọi hoạt động của các cấp và các ngành thực
sự đi vào phục vụ cơ sở, ra sức phát huy tích cực của các tổ chức cơ sở đồng thời
kiên quyết khắc phục những biểu hiện thiếu dân chủ đối với cấp dưới và đối với
quần chúng.
Phải khéo kết hợp cuộc vận động
này với các công tác khác trong địa phương. Phải nắm vững cuộc vận động này là
một công tác trung tâm thường xuyên ở nông thôn. Bất cứ cuộc vận động nào, công
tác nào ở nông thôn trong cùng thời gian tiến hành cuộc vận động cũng phải gắn
bó chặt chẽ với cuộc vận động này, cũng phải nhằm phát huy được vai trò làm chủ
tập thể của hợp tác xã và các xã viên, trước hết là đẩy mạnh được việc thực hiện
Điều lệ hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, động viên được khí thế cách mạng trong
quần chúng, thúc đẩy được sản xuất nông nghiệp phát triển. Mỗi địa phương phải
căn cứ vào tình hình cụ thể mà sắp xếp công việc cho hợp lý, phải định rõ trọng
tâm trong từng thời gian để tập trung sức chỉ đạo cho tốt.
Phải coi trọng việc bồi dưỡng đội
ngũ cán bộ có trách nhiệm chỉ đạo hoặc trực tiếp tham gia cuộc vận động, chủ yếu
là 2 loại cán bộ xã, hợp tác xã và những cán bộ thuộc các cơ quan cấp
trên được phân công xuống giúp đỡ cơ sở.
Phải mạnh dạn phát động quần
chúng, cùng quần chúng thực sự dân chủ thảo luận, phân định những việc đúng, việc
sai cho thật rõ, đồng thời bàn kế hoạch sửa chữa những sai lầm, thiếu sót cho cụ
thể. Phải có kế hoạch theo dõi chặt chẽ kịp thời uốn nắn những hiện tượng lệch
lạc trong quá trình phát động quần chúng như nhấn mạnh ưu điểm mà không thấy những
khuyết điểm một cách đầy đủ; hạn chế quyền dân chủ của quần chúng hoặc buông lỏng
quyền lãnh đạo, không chủ động thực hiện được kế hoạch của cuộc vận động.
Phải nắm chắc việc chỉ đạo trọng
điểm kịp thời rút kinh nghiệm để phổ biến cho các hợp tác xã ngoài diện.
Tiến hành cuộc vận động này, cấp
huyện có vị trí rất trọng yếu. Nếu không phát huy được tính tích cực và chủ động
của cấp huyện thì khó có khả năng chuyển biến phong trào một cách đồng đều. Vì
vậy đối với những huyện yếu, các khu, thành, tỉnh cần có kế hoạch bổ sung thêm
lực lượng để cấp huyện có đủ sức đảm đương nhiệm vụ.
Đối với những hợp tác xã kém,
trước hết phải lo việc kiện toàn tổ chức. Tỉnh, huyện cần bổ sung cho cơ sở một
số cốt cán để qua bầu cử có thể đảm đương được những trách nhiệm chủ yếu như Bí
thư Đảng uỷ, Chủ tịch Uỷ ban hành chính xã, Chủ nhiệm hợp tác xã, Phó chủ nhiệm
phụ trách kế hoạch, phụ trách tài vụ hoặc kế toán trưởng của hợp tác xã.
Mỗi khi sơ kết hoặc tổng kết,
các địa phương phải căn cứ vào mục đích, yêu cầu, nội dung, phương châm của cuộc
vận động mà kiểm điểm đánh giá sự chuyển biến của phong trào, đồng thời chỉ rõ
mục tiêu và biện pháp cho đợt sau để tiếp tục đẩy mạnh khí thế cách mạng trong
quần chúng, thúc đẩy phong trào lao động sản xuất ngày càng có được những chuyển
biến mạnh mẽ hơn.
b) Về phần trung ương :
Thường vụ Hội đồng Chính phủ sẽ
trực tiếp theo dõi và chỉ đạo cuộc vận động.
Ban quản lý hợp tác xã nông nghiệp
trung ương có trách nhiệm giúp Chính phủ hướng dẫn cách làm cụ thể cho các địa
phương và theo dõi tình hình thực hiện cuộc vân động này đối với các địa
phương, các Bộ, các cơ quan ngang Bộ, và cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ.
Các ông Chủ nhiệm các Văn phòng
Kinh tế, Văn giáo, Nội chính Phủ Thủ tướng phải cùng với các Bộ, các cơ quan
ngang Bộ và cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ họp từng khối để bàn kế hoạch
thực hiện nghị quyết này.
Các ông Bộ trưởng, Thủ trưởng
các cơ quan ngang Bộ và cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ có liên quan đến
cuộc vận động phải chịu trách nhiệm về phần việc của mình trước Chính phủ. Cùng
với việc xem xét lại cách chính sách, chế độ, thể lệ đã ban hành, mỗi ngành phải
căn cứ vào chức năng và mối quan hệ của từng ngành đối với hợp tác xã mà xây dựng
kế hoạch hướng dẫn cho toàn ngành tham gia cuộc vận động, đồng thời phải cử những
cán bộ có năng lực đi sâu nghiên cứu những vấn đề cụ thể, bàn bạc kỹ với các địa
phương, các hợp tác xã để đề nghị Chính phủ cho bổ sung hoặc ban hành những chính
sách, chế độ, thể lệ cần thiết nhằm giải quyết cho được những vấn đề thiết thực,
đáp ứng kịp thời những đòi hỏi của cơ sở, bảo đảm thực hiện tốt các nguyên tắc,
chế độ trong việc tổ chức và quản lý nền nông nghiệp tập thể xã hội chủ nghĩa.
|
T.M.
HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG
Lê Thanh Nghị
|