HỘI
ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH YÊN BÁI
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 11/NQ-HĐND
|
Yên
Bái, ngày 02 tháng 8
năm 2018
|
NGHỊ QUYẾT
VỀ MỘT SỐ NỘI DUNG CHỦ YẾU CƠ CẤU LẠI NGÀNH NÔNG NGHIỆP, GẮN VỚI XÂY DỰNG
NÔNG THÔN MỚI TỈNH YÊN BÁI ĐẾN NĂM 2020
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH YÊN BÁI
KHÓA XVIII - KỲ HỌP THỨ 10
Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa
phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Quyết định số 899/QĐ-TTg
ngày 10 tháng 6 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu
ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững;
Căn cứ Quyết định số 1819/QĐ-TTg
ngày 16 tháng 11 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại
ngành nông nghiệp giai đoạn 2017 - 2020;
Căn cứ Quyết định số 1600/QĐ-TTg
ngày 16 tháng 8 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục
tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020; Quyết định số
1760/QĐ-TTg ngày 10/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, bổ sung Quyết định
1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục
tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020;
Xét Tờ trình số 67/TTr-UBND ngày
06 tháng 7 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái về việc ban hành Nghị quyết
cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới tỉnh Yên Bái, giai
đoạn 2018 - 2020; Báo cáo thẩm tra của Ban kinh tế - ngân sách; ý kiến thảo luận
của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thông qua một số nội dung chủ yếu cơ cấu lại
ngành nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới tỉnh Yên Bái đến năm 2020, với
những nội dung chính sau:
I. QUAN ĐIỂM
1. Cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh
Yên Bái phải phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và định
hướng phát triển ngành nông nghiệp của cả nước; gắn với phát triển kinh tế - xã
hội, bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới, không ngừng nâng cao đời sống
vật chất và tinh thần cho người nông dân.
2. Thực hiện cơ cấu lại ngành nông
nghiệp theo hướng chuyển mạnh từ sản xuất lấy số lượng làm
mục tiêu sang sản xuất nâng cao chất lượng, hiệu quả, có giá trị gia tăng cao,
theo yêu cầu của thị trường. Phát huy hiệu quả lợi thế đa dạng các vùng sinh
thái của tỉnh để phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung đi đôi với
phát triển các sản phẩm đặc sản, hữu cơ nhằm nâng cao giá trị, đa dạng hóa các
sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.
3. Huy động tối đa nguồn lực của các
thành phần kinh tế, xã hội trong quá trình tái cơ cấu để thúc đẩy phát triển sản
xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt
động và phát triển của các thành phần kinh tế. Tăng cường hợp tác công tư, tạo
sự gắn kết bền chặt giữa người sản xuất với các tổ chức, doanh nghiệp theo mô
hình chuỗi giá trị hàng hóa, đảm bảo nguyên tắc phát triển bình đẳng,
bền vững.
4. Giải quyết vấn đề nông nghiệp,
nông dân, nông thôn là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; phải
khơi dậy tinh thần yêu nước, tự chủ, tự lực tự cường vươn lên của người nông
dân, nhằm xây dựng xã hội nông thôn ổn định, hòa thuận, dân chủ, có đời sống
văn hóa phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc, tạo động lực cho phát triển nông
nghiệp và xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống của người dân nông thôn.
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
Phát triển nền nông nghiệp bền vững
trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế về nông nghiệp của tỉnh gắn với xây dựng
nông thôn mới. Phát triển mạnh các sản phẩm hàng hóa chủ lực theo vùng tập
trung đi đôi với sản xuất các sản phẩm đặc sản bản địa, hữu cơ gắn với điều kiện
sinh thái và bản sắc văn hóa của từng địa phương. Duy trì tăng trưởng, nâng cao
hiệu quả và khả năng cạnh tranh của từng sản phẩm nông nghiệp trên cơ sở đẩy mạnh
ứng dụng khoa học công nghệ và tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị. Cải thiện
nhanh hơn mức sống của dân cư nông thôn, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững;
quản lý hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, phòng chống thiên
tai, bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần ổn định chính trị - xã hội, bảo đảm
an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
2. Mục
tiêu cụ thể đến năm 2020
a) Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm
nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 5%/năm. Cơ cấu nội ngành: Nông nghiệp chiếm 67%,
lâm nghiệp chiếm 28%, thủy sản chiếm 5%.
b) Giá trị sản xuất ngành nông, lâm
nghiệp, thủy sản (theo giá so sánh 2010) đạt 7.660 tỷ đồng. Trong đó:
Giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 5.135 tỷ đồng (Trồng trọt đạt 3.349 tỷ đồng,
chăn nuôi đạt 1.720 tỷ đồng, dịch vụ nông nghiệp đạt 66 tỷ đồng), Giá trị sản
xuất lâm nghiệp đạt 2.145 tỷ đồng; Giá trị sản xuất thủy sản đạt 380 tỷ đồng.
Giá trị sản xuất tính trên một đơn vị
diện tích đất sản xuất nông nghiệp bình quân đạt 85 triệu đồng/01 ha/năm; Giá
trị sản xuất tính trên một đơn vị diện tích đất nuôi trồng thủy sản bình quân đạt 160 triệu đồng/01 ha/năm; Giá trị sản xuất tính
trên một đơn vị diện tích đất rừng trồng bình quân đạt 50 triệu đồng/01 ha/năm.
c) Các sản phẩm chủ lực:
(1) Lương thực có hạt: Diện tích gieo
cấy lúa cả năm đạt trên 42.000 ha, diện tích ngô cả năm khoảng 30.000 ha, trong
đó vùng ngô chuyên canh đạt 12.500 ha; sản lượng lương thực có hạt đạt trên
320.000 tấn/năm.
(2) Chè: Diện tích đạt 8.500 ha; sản lượng chè búp tươi đạt 85.000 tấn/năm.
(3) Cây ăn quả: Phấn đấu diện tích
cây ăn quả đạt 10.000 ha. Trong đó, vùng cây ăn quả có múi tập trung đạt trên
4.500 ha, sản lượng quả có múi đạt 45.000 tấn/năm.
(4) Tổng đàn gia súc chính (trâu,
bò, lợn) đạt 765.000 con, đàn gia cầm 5 triệu con; sản lượng thịt hơi xuất
chuồng các loại đạt 55.000 tấn/năm.
(5) Nuôi trồng và khai thác thủy sản:
Diện tích đạt 22.500 ha, nuôi cá lồng đạt 2.000 - 2.500 lồng, nuôi cá eo ngách
400 ha; sản lượng thủy sản đạt 12.300 tấn/năm.
(6) Quế: Diện tích đạt 78.000 ha; sản
lượng vỏ quế khô trên 20.000 tấn/năm, tinh dầu quế 600 tấn/năm.
(7) Sơn tra: Diện tích đạt 10.000 ha;
sản lượng quả Sơn tra đạt 7.500 tấn/năm.
(8) Tre măng Bát độ: Diện tích đạt
trên 6.600 ha; sản lượng măng tre Bát độ đạt trên 60.000 tấn/năm.
(9) Trồng dâu, nuôi tằm: Diện tích
dâu đạt 1.000 ha; sản lượng kén tằm đạt 2.000 tấn/năm.
(10) Gỗ nguyên liệu: Diện tích rừng trồng đạt 50.000 ha (trong đó rừng trồng gỗ lớn 7.000 ha); sản
phẩm gỗ rừng trồng đạt trên 600.000 m3/năm. Mỗi năm khai thác 10.000
- 15.000 ha rừng trồng.
* Trong đó, nhóm sản phẩm đặc sản,
hữu cơ, cây dược liệu:
(1) Lúa nếp Tú Lệ: Diện tích gieo cấy
đạt 100 ha, tại cánh đồng xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn; sản lượng đạt trên 400 tấn/năm;
giá trị đạt trên 2,9 tỷ đồng.
(2) Bưởi Đại Minh: Diện tích đạt 500
ha, sản lượng quả đạt 8.000 tấn/năm; giá trị đạt 60 tỷ đồng.
(3) Cam sành Lục Yên: Diện tích đạt
500 ha, sản lượng quả đạt 4.000 tấn/năm; giá trị đạt 30 tỷ đồng.
(4) Sơn tra: Diện tích đạt 10.000 ha;
sản lượng quả Sơn tra đạt 7.500 tấn/năm; giá trị đạt 75 tỷ đồng.
(5) Chè Shan hữu cơ tại các xã Suối
Giàng, Nậm Mười, Sùng Đô (huyện Văn Chấn), xã Phình Hồ (huyện Trạm Tấu): Diện
tích 1.000 ha, sản lượng búp tươi 1.200 tấn/năm; giá trị đạt 40 tỷ đồng.
(6) Gà đen đặc sản vùng cao: Số lượng
250.000 con, sản lượng 400 tấn/năm; giá trị đạt 27 tỷ đồng.
(7) Lợn bản địa Yên Bái: Số lượng 72.000 con, sản lượng 2.000 tấn/năm; giá trị đạt 152 tỷ đồng.
(8) Vịt bầu Lâm Thượng: Số lượng 50.000 con, sản lượng 100 tấn/năm; giá trị đạt 9 tỷ đồng.
(9) Quế sản xuất an toàn theo hướng hữu
cơ: Diện tích đạt 40.000 ha tại các huyện Văn Yên, Trấn Yên, Văn Chấn. Trong đó
có 1.000 ha được cấp chứng chỉ quế hữu cơ đạt tiêu chuẩn quốc tế tại huyện Trấn
Yên, Văn Yên; sản phẩm vỏ quế khô 200 tấn và 40 tấn tinh dầu; tổng giá trị sản
phẩm đạt trên 60 tỷ đồng.
(10) Cây dược liệu: Diện tích 5.000
ha, gồm các loại: Thảo quả, Đinh lăng, Sả, Ba kích, Giảo cổ lam, Hà thủ ô đỏ,
Cà gai leo, Lá khôi, Atiso, Đương quy, Sâm Ngọc Linh...
d) Tỷ lệ che phủ rừng đạt ổn định
63%.
đ) Thu nhập của cư dân nông thôn tăng
2 lần so với năm 2015; Tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo đạt 43%, trong đó
đào tạo nghề đạt khoảng 20 - 25%. Đến năm 2020, lao động nông nghiệp còn khoảng
61,9% lao động tham gia hoạt động kinh tế của tỉnh, bình quân mỗi năm chuyển dịch
1,6% lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp (tương ứng 4.060 lao động/năm).
e) Phấn đấu đến năm 2020 có 180 hợp
tác xã, 170 tổ hợp tác (có chứng thực hợp đồng, hợp tác theo quy định),
trên 580 doanh nghiệp hoạt động sản xuất, liên kết trong sản xuất, chế biến và
tiêu thụ sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh; 65 dự án liên kết
sản xuất theo chuỗi giá trị trong nông, lâm nghiệp, thủy sản.
g) Đến năm 2020, toàn tỉnh có 64 xã đạt
chuẩn nông thôn mới và 01 huyện (huyện Trấn Yên) đạt chuẩn huyện nông
thôn mới; có 3 - 5 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu.
III. NHIỆM VỤ VÀ
GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ
chức thực hiện
Nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính
quyền các cấp, các cơ quan tham mưu quản lý Nhà nước và năng lực tham mưu, triển khai thực hiện của đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý, công chức,
viên chức các cấp liên quan đến phát triển nông nghiệp, nông thôn; phát huy sức
mạnh của các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là ở cấp cơ sở trong thực hiện cơ
cấu lại nền nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới của tỉnh; coi đây là một
trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của các cấp, các ngành, các tổ chức
trong cả hệ thống chính trị. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng
cao nhận thức của nhân dân trong thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng
nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới.
Trong quá trình lãnh đạo, tổ chức thực hiện, cần vận dụng linh hoạt, sáng tạo
các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước và của tỉnh phù hợp với điều kiện
thực tiễn của địa phương nhằm phát huy tối đa lợi thế sản xuất của từng vùng, từng
sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương theo quy luật của kinh tế thị trường, đảm bảo sản xuất an toàn, hiệu quả, bền vững.
2. Quy hoạch vùng sản xuất và sản
phẩm
a) Quy hoạch theo vùng sản xuất
- Vùng thấp: Quy hoạch sản xuất theo
hướng tập trung, chuyên canh, hình thành vùng sản xuất sản phẩm hàng hóa quy mô
lớn.
- Vùng cao: Quy hoạch sản xuất theo
hướng ổn định an ninh lương thực và đa dạng sinh kế theo tiềm năng, thế mạnh của
từng địa phương; đẩy mạnh phát triển một số sản phẩm đặc sản, hữu cơ, cây dược
liệu.
b) Quy hoạch theo sản phẩm
* Sản phẩm hàng hóa tập trung:
- Vùng sản xuất lúa gạo chất lượng
cao 2.500 ha, gồm: Cánh đồng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ và huyện Văn Chấn)
1.400 ha, cánh đồng Đại Phú An - Đông Cuông (huyện Văn Yên) 600 ha, cánh
đồng Mường Lai - Vĩnh Lạc (huyện Lục Yên) 500 ha. Sản lượng lúa hàng hóa
28.000 tấn/năm.
- Vùng sản xuất ngô chuyên canh
12.500 ha tại huyện Văn Yên 2.000 ha, huyện Lục Yên 2.000 ha, huyện Văn Chấn
2.800 ha, huyện Trấn Yên 400 ha, huyện Yên Bình 500 ha, huyện Trạm Tấu 1.800
ha, huyện Mù Cang Chải 3.000 ha. Sản lượng đạt 77.000 tấn.
- Vùng trồng cây ăn quả có múi tập
trung 4.500 ha, gồm: huyện Văn Chấn 2.500 ha, các huyện Trấn Yên, Yên Bình, Văn
Yên và Lục Yên 2.000 ha.
- Vùng sản xuất chè đen xuất khẩu
5.000 ha, gồm các huyện: Văn Chấn 3.000 ha, Trấn Yên 1.000 ha, Yên Bình 1.000
ha. Vùng sản xuất chè xanh 3.500 ha, tập trung chủ yếu ở các huyện Văn Chấn, Trấn
Yên, Yên Bình, Trạm Tấu.
- Vùng trồng dâu, nuôi tằm tại các xã
ven sông Hồng thuộc huyện Trấn Yên, Văn Yên, diện tích 1.000 ha.
- Vùng sản xuất rau an toàn đảm bảo vệ
sinh, an toàn thực phẩm với diện tích khoảng 100 ha, tập trung tại thành phố
Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ và thị trấn các huyện; sản lượng 1.500 tấn sản phẩm/năm.
- Vùng phát triển chăn nuôi tập trung
theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp, trang trại quy mô lớn, ngoài khu dân
cư gắn với cơ sở giết mổ, chế biến, đảm bảo an toàn thực phẩm và vệ sinh môi
trường. Trong đó:
+ Địa bàn trọng điểm chăn nuôi lợn và
gia cầm tại các huyện Văn Yên, Văn Chấn, Lục Yên, Yên Bình, Trấn Yên và thành
phố Yên Bái.
+ Vùng phát triển chăn nuôi đại gia
súc tại các huyện Văn Chấn, Lục Yên, Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Yên, Yên Bình,
Trấn Yên.
- Vùng nuôi trồng thủy sản chuyên
canh, tập trung với quy mô 700 ha, tại các huyện: Yên Bình 400 ha, Trấn Yên 100
ha, Lục Yên 60 ha, Văn Yên 60 ha, thành phố Yên Bái 80 ha. Mở rộng phát triển
nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà từ 2.000 - 2.500 lồng (trên cơ sở phải đảm bảo môi
trường nước và các mục tiêu khác của hồ Thác Bà).
- Vùng trồng quế với quy mô 78.000
ha, tại các huyện: Văn Yên 48.720 ha, Trấn Yên 15.260 ha, Văn Chấn 8.060 ha, Lục Yên 4.540 ha, Yên Bình 1.420 ha.
- Vùng sản xuất tre măng Bát độ tập
trung với quy mô trên 6.600 ha, tại các huyện: Trấn Yên 3.700 ha, Yên Bình 445
ha, Lục Yên 900 ha, Văn Yên 1.500 ha, Văn Chấn 55 ha.
- Mở rộng vùng sản xuất thâm canh cây
Sơn tra dưới tán rừng phòng hộ theo hướng tập trung, với quy mô trên 10.000 ha,
tại huyện Mù Cang Chải 5.445 ha, huyện Trạm Tấu 4.575 ha.
* Sản phẩm đặc sản, hữu cơ, cây dược
liệu:
- Vùng sản xuất lúa nếp đặc sản Tú Lệ
tại cánh đồng xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn, diện tích 100 ha.
- Vùng sản xuất bưởi đặc sản Đại Minh
tại 2 xã Đại Minh và Hán Đà với quy mô 500 ha. Vùng cam sành Lục Yên 500 ha tại
huyện Lục Yên.
- Vùng chè Shan hữu cơ với diện tích
1.000 ha, gồm các xã: Suối Giàng 500 ha, Nậm Mười 100 ha, Sùng Đô 200 ha, xã
Phình Hồ 200 ha.
- Vùng sản phẩm chăn nuôi: Vịt bầu
Lâm Thượng tại xã Lâm Thượng, xã Khánh Thiện (huyện Lục Yên); Gà đen đặc sản
vùng cao tại huyện Mù Cang Chải, huyện Trạm Tấu, huyện Văn Yên; Lợn bản địa Yên
Bái tại các huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Chấn, Văn Yên, Lục Yên.
- Vùng cây dược liệu 5.000 ha, theo
phương thức trồng, khai thác có hiệu quả và bền vững các loại cây dược liệu dưới
tán rừng tự nhiên ở vùng cao và xây dựng vùng cây dược liệu tập trung tại các
huyện vùng thấp gắn với doanh nghiệp chế biến, gồm các loại: Thảo quả, Đinh
lăng, Sả, Ba kích, Giảo cổ lam, Hà thủ ô đỏ, Cà gai leo, Lá khôi, Atiso, Đương
quy, Sâm Ngọc Linh... tại các huyện: Trấn Yên, Lục Yên, Văn Chấn, Yên Bình, Văn
Yên, Mù Cang Chải, Trạm Tấu.
3. Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất
Tập trung duy trì, củng cố, nâng cao
hiệu quả hoạt động của các tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp, xây dựng các mô
hình hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao và phát triển hợp tác xã, liên hiệp hợp
tác xã nông nghiệp kiểu mới. Thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm, phấn đấu
đến năm 2020 mỗi xã có ít nhất một sản phẩm hàng hóa đặc trưng và sản phẩm dịch
vụ có nguồn gốc từ địa phương. Hỗ trợ phát triển mô hình kinh tế trang trại, tự
quản lý, giám sát về chất lượng và thị trường đầu ra cho các sản phẩm nông, lâm
sản.
Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư
phát triển sản xuất tập trung, quy mô lớn; liên doanh, liên kết với các thành
phần kinh tế hộ cá thể, tổ hợp tác, hợp tác xã trong sản xuất vùng nguyên liệu,
thu mua, chế biến, bảo quản và tiêu thụ cho các loại sản phẩm nông, lâm nghiệp
và thủy sản. Thực hiện hợp đồng liên kết sản xuất sản phẩm theo chuỗi giá trị
ngành hàng, đánh giá và chứng nhận chất lượng sản phẩm
theo các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế, đáp ứng yêu cầu của thị trường.
4. Phát triển công nghiệp chế biến
và ngành nghề nông thôn
Phát triển mạnh công nghiệp chế biến
sâu, chế biến tinh nông, lâm, thủy sản và dịch vụ ở nông thôn. Thu hút doanh
nghiệp đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến nông, lâm sản gắn liền với các vùng
sản xuất hàng hóa chuyên canh của tỉnh; liên kết cung ứng vật tư đầu vào, thu
mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm... đảm bảo tiêu thụ nông sản cho nông dân, cắt
giảm các khâu trung gian trong chuỗi giá trị để nâng cao hiệu quả sản xuất.
Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho
lao động nông thôn; hỗ trợ về kiến thức, vốn để đẩy mạnh chuyển đổi lao động
nông nghiệp sang khu vực dịch vụ, công nghiệp và ngành nghề nông thôn.
Hỗ trợ củng cố, duy trì hoạt động hiệu
quả của các làng nghề hiện có, nhất là các làng nghề truyền thống theo thế mạnh
của từng địa phương. Thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”; gắn hoạt động
kinh tế của các làng nghề với dịch vụ du lịch và bảo tồn, phát triển văn hóa
truyền thống.
5. Về ứng
dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, chứng nhận chất lượng sản phẩm
và xúc tiến thị trường
Tăng cường chuyển giao, ứng dụng khoa
học công nghệ và các quy trình sản xuất tiên tiến vào sản xuất, theo hướng nông
nghiệp sạch, công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Hỗ trợ áp dụng quy trình
thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, gắn với hoạt động đánh giá chất lượng sản
phẩm theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế cho các sản phẩm nông sản chủ lực của
tỉnh.
Đẩy mạnh thực hiện xây dựng thương hiệu
nông, lâm, thủy sản của tỉnh. Khuyến khích cơ sở chế biến sử dụng tem điện tử
truy xuất nguồn gốc; xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm, chỉ dẫn địa lý
và giới thiệu quảng bá sản phẩm gắn liền với văn hóa địa phương và du lịch sinh
thái của tỉnh. Làm tốt công tác dự báo, dự tính nhu cầu,
quy mô thị trường để giải quyết tốt đầu ra cho sản xuất.
Thu hút, lồng ghép các nguồn lực để hỗ
trợ thực hiện các mô hình nòng cốt liên kết theo chuỗi giá trị, có thị trường ổn
định, từng bước mở rộng phạm vi, quy mô các chuỗi liên kết một cách hiệu quả, bền
vững theo từng ngành hàng chủ lực.
6. Phát triển hạ tầng kinh tế - xã
hội nông thôn
Thực hiện lồng ghép các nguồn lực
phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản và xây dựng nông
thôn mới; trong đó quan tâm phát triển hệ thống đường giao thông, thủy lợi, lưới
điện, công trình nước sinh hoạt, điểm thu gom, xử lý chất thải và xây dựng các
thiết chế văn hóa, trường học, trạm y tế. Quản lý, khai thác tốt các công trình
thủy lợi, từng bước chuyển đổi cơ chế quản lý vận hành các công trình và dịch vụ
thủy lợi theo cơ chế thị trường.
7. Phòng chống thiên tai, ứng phó
biến đổi khí hậu
Chủ động phòng, chống, ứng phó kịp thời,
hiệu quả đối với thiên tai và biến đổi khí hậu. Đầu tư các trang thiết bị cảnh
báo sớm lũ quét, sạt lở đất và các thiết bị đo mưa tự động cho các xã để phục vụ
cho công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, bão lũ. Ổn định đời sống dân cư, nhất
là những nơi có nguy cơ cao, chịu ảnh hưởng của thiên tai lũ ống, lũ quét, sạt
lở đất. Triển khai kịp thời các dự án bố trí tái định cư, di dân khỏi khu vực
có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét để đảm bảo an toàn, ổn định đời sống dân cư.
8. Đẩy mạnh thực hiện Chương trình
xây dựng nông thôn mới
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng
cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của
chương trình xây dựng nông thôn mới. Tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng
kinh tế - xã hội nông thôn. Phát triển các mô hình hợp tác xã kiểu mới trong
nông nghiệp, liên kết chặt chẽ và thực hiện có hiệu quả các khâu từ cung ứng vật
tư đầu vào đến sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm đầu ra. Huy động đa dạng
và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho Chương trình. Quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ
xây dựng nông thôn mới tại các xã đặc biệt khó khăn, xây dựng các mô hình thôn
nông thôn mới.
Nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt
chuẩn để tiếp tục phấn đấu xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2018 -
2020, trong đó tập trung tạo chuyển biến về các tiêu chí: thu nhập; vệ sinh,
môi trường; cảnh quan nông thôn theo hướng xanh - sạch - đẹp và giữ gìn bản sắc
văn hóa của từng địa phương.
9. Về
nguồn lực, cơ chế, chính sách
Huy động tối đa và thực hiện lồng
ghép các nguồn vốn để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ cơ cấu lại ngành nông
nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới tỉnh Yên Bái đến năm 2020. Tổng nguồn vốn
dự kiến trên 4.000 tỷ đồng cho thực hiện nhiệm vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp
và xây dựng nông thôn mới đến năm 2020.
Tiếp tục hoàn thiện các chính sách
cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo hướng giảm dần hỗ trợ trực
tiếp và tăng cường hỗ trợ thông qua các chính sách về tín dụng, đất đai, miễn,
giảm thuế; thực hiện tốt chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết
trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Nghiên cứu bổ sung chính sách phát triển vùng rừng trồng gỗ lớn; trồng dâu, nuôi tằm; hỗ trợ chứng nhận chất lượng sản phẩm, nhãn hiệu sản phẩm, chỉ dẫn địa
lý và xúc tiến thương mại; hỗ trợ liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm trong
lĩnh vực nông, lâm, thủy sản.
Điều 2. Tổ chức
thực hiện
Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực
hiện Nghị quyết theo quy định của pháp luật.
Giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh,
các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, các Tổ đại biểu và các đại biểu Hội đồng
nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam các cấp và các tổ chức thành viên động viên mọi tầng lớp nhân dân thực hiện
tốt Nghị quyết của Hội đồng nhân dân
tỉnh.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân
dân tỉnh Yên Bái khoá XVIII - Kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 02 tháng 8 năm
2018./.
Nơi nhận:
- Ủy ban thường vụ Quốc hội;
- Chính phủ;
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Ủy ban nhân dân tỉnh;
- Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh;
- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- Các đại biểu HĐND tỉnh;
- TT. HĐND các huyện, thị xã, thành phố;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Lưu: VT, KTNS.
|
CHỦ TỊCH
Phạm Thị Thanh Trà
|