HỘI ĐỒNG NHÂN
DÂN
TỈNH SÓC TRĂNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
07/2023/NQ-HĐND
|
Sóc Trăng, ngày
06 tháng 10 năm 2023
|
NGHỊ QUYẾT
QUY
ĐỊNH CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ KHI DI DỜI CƠ SỞ CHĂN NUÔI RA KHỎI KHU VỰC KHÔNG ĐƯỢC
PHÉP CHĂN NUÔI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SÓC TRĂNG
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH SÓC TRĂNG
KHÓA X, KỲ HỌP THỨ 16 (CHUYÊN ĐỀ)
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày
19 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính
phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Chăn nuôi ngày 19 tháng 11 năm 2018;
Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 25 tháng 6
năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng
12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân
sách Nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 13/2020/NĐ-CP ngày 21 tháng
01 năm 2020 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi;
Căn cứ Nghị định số 46/2022/NĐ-CP ngày 13 tháng
7 năm 2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số
13/2020/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết Luật
Chăn nuôi;
Căn cứ Thông tư số 23/2019/TT-BNNPTNT ngày 30
tháng 11 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn
một số điều của Luật Chăn nuôi về hoạt động chăn nuôi;
Xét Tờ trình số 125/TTr-UBND ngày 05 tháng 10
năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng dự thảo Nghị quyết quy định chính
sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn
nuôi trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách;
ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thống nhất thông qua quy định chính sách hỗ trợ khi di dời
cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Sóc
Trăng, cụ thể như sau:
1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị quyết này quy định chính sách hỗ trợ khi di dời
cơ sở chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi quy định tại Điều 2 Nghị
quyết số 03/2022/NQ-HĐND ngày 28 tháng 02 năm 2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh
Sóc Trăng quy định khu vực không được phép chăn nuôi và vùng nuôi chim yến trên
địa bàn tỉnh Sóc Trăng đến địa điểm chăn nuôi phù hợp hoặc chấm dứt hoạt động
chăn nuôi.
2. Đối tượng áp dụng
a) Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có cơ sở chăn
nuôi thường xuyên từ 01 đơn vị vật nuôi trở lên đang hoạt động trong khu vực
không được phép chăn nuôi quy định tại Điều 2 Nghị quyết số 03/2022/NQ-HĐND
ngày 28 tháng 02 năm 2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh Sóc Trăng quy định khu vực
không được phép chăn nuôi và vùng nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng phải
thực hiện di dời cơ sở chăn nuôi đến địa điểm phù hợp hoặc chấm dứt hoạt động
chăn nuôi kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực đến hết ngày 31 tháng 12 năm
2024.
b) Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác có liên
quan đến chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được
phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.
3. Nguyên tắc và điều kiện hỗ trợ
a) Nguyên tắc hỗ trợ
- Mỗi cơ sở chăn nuôi thuộc đối tượng quy định của
Nghị quyết này chỉ được ngân sách hỗ trợ một lần cho từng nội dung hỗ trợ.
- Chính sách quy định tại Điều này không áp dụng
cho những cơ sở chăn nuôi đã được hưởng chính sách hỗ trợ tương tự từ các quy định,
chính sách khác của tỉnh và Trung ương.
- Việc hỗ trợ được thực hiện sau khi cơ sở chăn
nuôi chấm dứt hoạt động chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi hoặc
di dời đến địa điểm phù hợp.
b) Điều kiện hỗ trợ
- Cơ sở chăn nuôi đang hoạt động trong khu vực
không được phép chăn nuôi quy định tại Điều 2 Nghị quyết số 03/2022/NQ-HĐND trước
ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành và có kê khai hoạt động chăn nuôi theo
quy định tại Điều 54 Luật Chăn nuôi và Thông tư số 23/2019/TT-BNNPTNT ngày 30
tháng 11 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn
một số điều của Luật Chăn nuôi về hoạt động chăn nuôi.
- Cơ sở chăn nuôi nông hộ phải được Ủy ban nhân dân
cấp xã ban hành quyết định phê duyệt thuộc diện di dời.
- Cơ sở chăn nuôi trang trại phải được Ủy ban nhân
dân cấp huyện ban hành quyết định phê duyệt thuộc diện di dời.
4. Nội dung và mức hỗ trợ
a) Hỗ trợ chuồng trại (kể cả chi phí di dời chuồng
trại) khi di dời cơ sở chăn nuôi đến địa điểm phù hợp hoặc chấm dứt hoạt động
chăn nuôi
- Đối với trang trại quy mô lớn (từ 300 đơn vị vật
nuôi trở lên): Mức hỗ trợ là 200.000 đồng/m2 chuồng trại tại thời điểm
chấm dứt hoạt động, nhưng không quá 200.000.000 đồng/cơ sở.
- Đối với trang trại quy mô vừa (từ 30 đến dưới 300
đơn vị vật nuôi) và nhỏ (từ 10 đến dưới 30 đơn vị vật nuôi): Mức hỗ trợ là
140.000 đồng/m2 chuồng trại tại thời điểm chấm dứt hoạt động, nhưng
không quá 110.000.000 đồng/cơ sở, đối với trang trại quy mô vừa; không quá
50.000.000 đồng/cơ sở, đối với trang trại quy mô nhỏ.
- Đối với cơ sở chăn nuôi nông hộ (dưới 10 đơn vị vật
nuôi): Mức hỗ trợ là 120.000 đồng/m2 chuồng trại tại thời điểm chấm
dứt hoạt động, nhưng không quá 10.000.000 đồng/cơ sở.
b) Hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất khi di dời
hoặc chấm dứt hoạt động chăn nuôi
Đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có cơ sở chăn
nuôi khi thực hiện di dời hoặc chấm dứt hoạt động chăn nuôi được hỗ trợ ổn định
đời sống là 2.500.000 đồng/lao động, số lao động được hỗ trợ theo quy mô chăn
nuôi như sau:
- Chăn nuôi trang trại quy mô lớn: 04 lao động/cơ sở.
- Chăn nuôi trang trại quy mô vừa: 03 lao động/cơ sở.
- Chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ: 02 lao động/cơ sở.
- Chăn nuôi nông hộ: 01 lao động/cơ sở.
c) Hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề khi chấm dứt hoạt
động chăn nuôi
- Đối tượng, điều kiện hỗ trợ
Chủ cơ sở, người lao động làm việc trực tiếp tại
các cơ sở khi chấm dứt hoạt động chăn nuôi đáp ứng điều kiện quy định tại điểm
b khoản 3 Điều 1 Nghị quyết này có nhu cầu học nghề trình độ sơ cấp và đào tạo
dưới 03 tháng, đăng ký với cơ sở giáo dục nghề nghiệp đủ điều kiện hoạt động
theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp hoặc Phòng Lao động - Thương binh
và Xã hội huyện, thị xã, thành phố để đăng ký học nghề. Chính sách hỗ trợ được
thực hiện thông qua cơ sở giáo dục nghề nghiệp trực tiếp tổ chức đào tạo theo
quy định (không trả trực tiếp cho người lao động).
- Mức hỗ trợ gồm:
Hỗ trợ chi phí học nghề 2.000.000 đồng/người/khóa học.
Hỗ trợ tiền ăn 30.000 đồng/người/ngày thực học.
Hỗ trợ tiền đi lại 200.000 đồng/người/khóa học đối
với người tham gia học nghề ở xa nơi cư trú từ 15 km trở lên.
5. Nguồn kinh phí thực hiện
a) Ngân sách tỉnh đảm bảo chi hỗ trợ chuồng trại
khi di dời cơ sở chăn nuôi đến địa điểm phù hợp hoặc chấm dứt hoạt động chăn
nuôi.
b) Ngân sách cấp huyện đảm bảo chi hỗ trợ ổn định đời
sống và sản xuất khi di dời hoặc chấm dứt hoạt động chăn nuôi và hỗ trợ đào tạo,
chuyển đổi nghề khi chấm dứt hoạt động chăn nuôi.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Ủy ban nhân dân tỉnh chịu trách nhiệm với các số
liệu, tính chính xác và sự phù hợp của các nội dung, mức hỗ trợ nêu trong Tờ
trình của Ủy ban nhân dân tỉnh và dự thảo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh.
2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng tổ chức triển
khai thực hiện Nghị quyết theo quy định của pháp luật.
3. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng
nhân dân, Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh theo chức năng, nhiệm
vụ thường xuyên giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Sóc
Trăng Khóa X, Kỳ họp thứ 16 (chuyên đề) thông qua ngày 06 tháng 10 năm 2023 và
có hiệu lực từ ngày 17 tháng 10 năm 2023./.
Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Ban Công tác đại biểu;
- Văn phòng Quốc hội (bộ phận phía Nam);
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- TT. TU, TT. HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh;
- Đại biểu Quốc hội đơn vị tính Sóc Trăng;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- Công báo tỉnh;
- TT. HĐND, UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Cổng Thông tin điện tử tỉnh;
- HTĐT: sotp@soctrang.gov.vn;
- Lưu: VT.
|
CHỦ TỊCH
Hồ Thị Cẩm Đào
|