NGHỊ ĐỊNH THƯ
KHÔNG BẮT BUỘC BỔ
SUNG CÔNG ƯỚC VỀ QUYỀN TRẺ EM, VỀ VIỆC LÔI CUỐN TRẺ EM THAM GIA XUNG ĐỘT VŨ
TRANG, 2000
(Được Đại Hội đồng
Liên Hợp Quốc thông qua ngày 25/5/2000 theo Nghị quyết A/RES/–54/263. Có hiệu lực
từ ngày 12/02/2002. Việt Nam phê chuẩn ngày 20/12/2001).
Các
Quốc gia thành viên Nghị định thư này,
Được
khuyến khích bởi sự ủng hộ vượt trội của cộng đồng quốc tế với Công
ước về quyền trẻ em, chứng tỏ sự cam kết rộng khắp đối với việc thúc đẩy và bảo
vệ các quyền của trẻ em.
Khẳng
định một lần nữa rằng, các quyền của trẻ em cần phải được đặc biệt
bảo vệ, và kêu gọi cần tiếp tục cải thiện tình hình của trẻ em mà không có bất
kỳ sự phân biệt nào, cũng như kêu gọi bảo đảm cho trẻ em được phát triển và
giáo dục trong những điều kiện hòa bình và an ninh.
Lo
ngại về những tác động rộng khắp và nguy hại của xung đột vũ trang
với trẻ em và những hậu quả lâu dài của việc này với sự phát triển, an ninh và
hòa bình bền vững.
Lên
án các hành động nhằm vào trẻ em trong các tình huống xung đột vũ
trang và việc tấn công trực tiếp vào các mục tiêu được bảo vệ theo luật pháp quốc
tế, bao gồm những địa điểm thường tập trung nhiều trẻ em như các trường học, bệnh
viện.
Ghi
nhận việc thông qua Quy chế Rome của Tòa án Hình sự Quốc tế, và đặc
biệt là việc Quy chế đưa vào khái niệm tội ác chiến tranh các hành động cưỡng bức
hoặc tuyển dụng trẻ em dưới 15 tuổi vào lực lượng vũ trang hoặc sử dụng các em
này tham gia tích cực vào chiến sự, cả trong các cuộc xung đột vũ trang quốc tế
và không mang tính chất quốc tế.
Xét
rằng, để tăng cường hơn nữa việc thực hiện các quyền được quy định
trong Công ước quyền trẻ em, bởi vậy, cần đẩy mạnh hơn nữa việc bảo vệ trẻ em
khỏi việc bị lôi cuốn vào xung đột vũ trang.
Ghi
nhớ Điều 1 Công ước về quyền trẻ em quy định cụ
thể rằng, vì những mục đích của Công ước, trẻ em là tất cả những người dưới 18
tuổi, trừ trường hợp luật pháp áp dụng với trẻ em đó quy định tuổi thành niên sớm
hơn.
Tin
tưởng rằng, một Nghị định thư không bắt buộc kèm theo Công ước về
quyền trẻ em mà nâng độ tuổi có thể tuyển dụng người vào các lực lượng vũ trang
và sử dụng họ tham gia chiến sự sẽ góp phần có hiệu quả vào việc thực hiện
nguyên tắc các lợi ích tốt nhất dành cho trẻ em cần phải được đặt lên hàng đầu
trong tất cả những hoạt động liên quan đến trẻ em.
Ghi
nhớ rằng, Hội nghị lần thứ 26 của Hội Chữ thập đỏ và Trăng Lưỡi liềm
đỏ quốc tế họp tháng 12/1995 đó khuyến nghị một số điểm, trong đó có điểm nói rằng
các bên trong xung đột vũ trang phải thực hiện mọi biện pháp có thể để bảo
đảm rằng trẻ em dưới 18 tuổi không phải tham gia chiến sự.
Hoan
nghênh việc thông qua Công ước số 182 của Tổ chức Lao động quốc tế
về cấm và hành động ngay để xóa bỏ những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất
vào tháng 7/1999, mà cấm một số hành vi trong đó có việc cưỡng bức hoặc tuyển dụng
bắt buộc trẻ em để sử dụng trong xung đột vũ trang.
Lên
án với sự lo ngại sâu sắc nhất tình trạng các nhóm vũ trang không
thuộc lực lượng vũ trạng của các nhà nước tuyển dụng, huấn luyện và sử dụng trẻ
em trong chiến sự ở trong và ngoài biên giới quốc gia, và nhận biết trách nhiệm
của những người tuyển mộ, đào tạo và sử dụng trẻ em vào mục đích này.
Nhắc
lại nghĩa vụ của các bên tham gia xung đột vũ trang phải tuân thủ
những quy định của luật nhân đạo quốc tế.
Nhấn
mạnh rằng Nghị định thư này không làm tổn hại đến những mục đích và
nguyên tắc được ghi trong Hiến chương Liên Hợp Quốc, bao gồm Điều
51, và những quy tắc có liên quan của luật nhân đạo quốc tế.
Ghi
nhớ rằng, trạng thái hòa bình và an ninh đạt được dựa trên sự tôn
trọng đầy đủ những mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc và trên
sự tuân thủ các văn kiện quốc tế về quyền con người hiện hành là không thể thiếu
được để bảo vệ trẻ em một cách trọn vẹn, đặc biệt trong bối cảnh các cuộc xung
đột vũ trang và có sự chiếm đóng của nước ngoài.
Công
nhận những nhu cầu đặc biệt xuất phát từ tình trạng kinh tế, xã hội
hoặc giới tính của những trẻ em mà đặc biệt dễ bị tuyển mộ hay sử dụng trong
chiến sự trái với Nghị định thư này.
Lưu
ý về sự cần thiết xem xét các nguyên nhân gốc rễ về chính trị, xã hội
và kinh tế của việc lôi cuốn trẻ em vào những cuộc xung đột vũ trang.
Tin
tưởng vào nhu cầu tăng cường hợp tác quốc tế trong việc thực hiện
Nghị định thư này, cũng như vào việc phục hồi về thể chất, tâm lý và tái hòa nhập
xã hội cho những trẻ em là nạn nhân của các cuộc xung đột vũ trang.
Khuyến
khích sự tham gia của cộng đồng, đặc biệt là của trẻ em và những trẻ
em là nạn nhân, vào việc phổ biến những chương trình thông tin và giáo dục liên
quan đến việc thực hiện Nghị định thư này.
Đã
thỏa thuận như sau:
Điều 1.
Các Quốc gia thành viên phải thực hiện tất cả
các biện pháp có thể để bảo đảm rằng những thành viên trong các lực lượng vũ
trang nước mình mà chưa đến 18 tuổi sẽ không phải trực tiếp tham gia chiến sự.
Điều 2.
Các Quốc gia thành viên phải đảm bảo rằng những
người chưa đến 18 tuổi sẽ không bị bắt buộc tuyển mộ vào các lực lượng vũ trang
của nước mình.
Điều 3.
1. Các Quốc gia thành viên phải nâng độ tuổi tối
thiểu được phép tuyển mộ những người tự nguyện xin phục vụ lực lượng vũ trang của
nước mình đến độ tuổi nêu tại khoản 3 Điều 38 Công ước về quyền
trẻ em, có tính đến những nguyên tắc đã ghi trong điều đó, và thừa nhận rằng,
theo Công ước, những người dưới 18 tuổi đều được bảo vệ đặc biệt.
2. Mỗi Quốc gia thành viên phải đưa ra một tuyên
bố có tính ràng buộc sau khi phê chuẩn hay gia nhập Nghị định thư này, trong
tuyên bố đó phải nêu rõ độ tuổi tối thiểu mà có thể chấp nhận cho một người tự
nguyện xin phục vụ các lực lượng vũ trang của nước mình và mô tả các biện pháp
bảo vệ mà quốc gia đó đưa ra để đảm bảo rằng sự tuyển mộ như vậy không phải là
cưỡng bức hoặc ép buộc.
3. Các Quốc gia thành viên cho phép tuyển mộ những
người dưới 18 tuổi tự nguyện xin phục vụ các lực lượng vũ trang quốc gia cần
duy trì các biện pháp bảo vệ để nhằm mục đích tối thiểu là:
a. Sự tuyển mộ như vậy là thực sự tự nguyện.
b. Sự tuyển mộ như vậy được tiến hành với sự đồng
ý có chứng thực của cha mẹ hay người giám hộ pháp lý của người được tuyển mộ.
c. Những người được tuyển mộ phải được thông báo
đầy đủ về các nhiệm vụ liên quan đến việc phục vụ quân sự như vậy.
d. Những người tự nguyện phải cung cấp những chứng
cứ tin cậy về độ tuổi của họ trước khi được nhận vào phục vụ quân đội quốc gia.
4. Mỗi Quốc gia thành viên có thể củng cố thêm
tuyên bố của mình vào bất cứ lúc nào bằng cách thông báo về điều đó với Tổng
Thư ký Liên Hợp Quốc. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc sẽ thông báo cho tất cả các Quốc
gia thành viên. Sự thông báo này sẽ có hiệu lực vào ngày Tổng Thư ký Liên Hợp
Quốc nhận được văn bản thông báo của quốc gia.
5. Yêu cầu nâng độ tuổi tối thiểu trong khoản 1 điều
này không áp dụng cho các trường học do các lực lượng vũ trang điều hành hoặc
kiểm soát, chiếu theo các Điều 28 và 29 của Công ước về quyền trẻ
em.
Điều 4.
1. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, các nhóm vũ trang
không thuộc những lực lượng vũ trang của nhà nước cũng không được tuyển mộ hay
sử dụng những người dưới 18 tuổi trong chiến sự.
2. Các Quốc gia thành viên phải thực hiện tất cả
các biện pháp có thể để ngăn ngừa sự tuyển bộ và sử dụng trẻ em như vậy, bao gồm
việc thông qua những biện pháp pháp lý cần thiết để cấm và hình sự hóa những
hành động đó.
3. Việc áp dụng điều này của Nghị định thư không
gây ảnh hưởng đến vị thế pháp lý của bất cứ bên nào trong một cuộc xung đột vũ
trang.
Điều 5.
Không một điều nào trong Nghị định thư này được
lý giải nhằm loại trừ các quy định trong luật pháp của một Quốc gia thành viên
hay trong những văn kiện pháp lý quốc tế và luật nhân đạo quốc tế mà có lợi hơn
trong việc hiện thực hóa các quyền trẻ em.
Điều 6.
1. Mỗi Quốc gia thành viên phải thực hiện tất cả
các biện pháp pháp lý, hành chính và những biện pháp cần thiết khác để đảm bảo
sự tuân thủ và thực hiện có hiệu quả những điều khoản của Nghị định thư này
trong khuôn khổ quyền tài phán của quốc gia đó.
2. Các Quốc gia thành viên cam kết phổ biến rộng
rãi và đẩy mạnh việc tuyên truyền về những nguyên tắc và điều khoản của Nghị định
thư này bằng những biện pháp phù hợp cho cả người lớn và trẻ em.
3. Các Quốc gia thành viên phải thực hiện tất cả
những biện pháp có thể để đảm bảo rằng những người thuộc quyền tài phán của
mình, mà đã được tuyển mộ hay sử dụng trong chiến sự trái với Nghị định thư
này, phải được giải ngũ hoặc miễn phục vụ. Khi cần thiết, các Quốc gia thành
viên phải dành cho những người này tất cả sự trợ giúp thích hợp để giúp họ phục
hồi thể lực, tâm lý và tái hòa nhập xã hội.
Điều 7.
1. Các Quốc gia thành viên phải hợp tác trong việc
thực hiện Nghị định thư này, kể cả việc ngăn chặn bất kỳ hành động nào trái với
Nghị định thư và phục hồi, tái hòa nhập xã hội những người là nạn nhân của các
hành động trái với Nghị định thư, bao gồm việc thông qua sự hợp tác kỹ thuật và
hỗ trợ tài chính. Sự hỗ trợ và hợp tác như vậy sẽ được tiến hành với sự tham khảo
ý kiến của các Quốc gia thành viên có liên quan và những tổ chức quốc tế thích
hợp.
2. Những Quốc gia thành viên có điều kiện làm
như vậy phải hỗ trợ qua các chương trình đa phương, song phương hiện có hay các
chương trình khác, hay qua một quỹ tự nguyện được thành lập theo đúng các quy tắc
của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc.
Điều 8.
1. Mỗi Quốc gia thành viên, trong vòng hai năm
sau khi Nghị định thư này có hiệu lực với nước mình, phải gửi báo cáo đến Ủy
ban về quyền trẻ em, trong đó cung cấp những thông tin toàn diện về các biện
pháp mà Quốc gia thành viên đó đã tiến hành nhằm thực hiện những quy định của
Nghị định thư này, bao gồm những biện pháp đã tiến hành để thực hiện các quy định
về sự tham gia và tuyển dụng người vào lực lượng vũ trang.
2. Sau khi nộp báo cáo toàn diện đó, mỗi Quốc
gia thành viên phải nêu, trong báo cáo quốc gia nộp cho Ủy ban về quyền trẻ em
theo quy định tại Điều 44 Công ước về quyền trẻ em, bất kỳ
thông tin thêm nào liên quan đến việc thực hiện Nghị định thư này. Sau đó cứ 5
năm, các Quốc gia thành viên phải gửi báo cáo một lần.
3. Ủy ban về quyền trẻ em có thể đề nghị các Quốc
gia thành viên cung cấp thêm những thông tin liên quan đến việc thực hiện Nghị
định thư này.
Điều 9.
1. Nghị định thư này để ngỏ cho bất kỳ quốc gia
nào mà đã là Quốc gia thành viên hay đã ký Công ước về quyền trẻ em, ký.
2. Nghị định thư này phải được phê chuẩn và sẽ để
mở cho bất kỳ quốc gia nào gia nhập. Các văn kiện phê chuẩn hay gia nhập sẽ được
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc lưu chiểu.
3. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, với trách nhiệm
lưu chiểu Công ước về quyền trẻ em và Nghị định thư này, sẽ thông báo cho tất cả
các Quốc gia thành viên của Công ước và những quốc gia đã ký Công ước về các
văn kiện tuyên bố theo Điều 3.
Điều 10.
1. Nghị định thư này sẽ có hiệu lực sau ba tháng
kể từ khi văn kiện phê chuẩn hay gia nhập thứ 10 được lưu chiểu.
2. Đối với mỗi quốc gia phê chuẩn hay gia nhập
Nghị định thư này sau khi nó có hiệu lực, Nghị định thư này sẽ có hiệu lực sau
một tháng, kể từ ngày Tổng Thư ký lưu chiểu văn kiện phê chuẩn hay gia nhập của
quốc gia đó.
Điều 11.
1. Bất kỳ Quốc gia thành viên nào cũng có quyền
rút khỏi Nghị định thư này vào bất kỳ lúc nào bằng một văn bản thông báo gửi
cho Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc. Ngay sau đó, Tổng Thư ký sẽ thông báo việc bãi ước
này cho các Quốc gia thành viên khác của Công ước và các quốc gia đã ký Công ước.
Việc rút khỏi Nghị định thư này sẽ có hiệu lực sau một năm kể từ khi Tổng Thư
ký Liên Hợp Quốc nhận được thông báo. Tuy nhiên, khi hết năm đó mà Quốc gia
thành viên xin rút khỏi Nghị định thư đang tham gia xung đột vũ trang thì việc
bãi ước đó sẽ không có hiệu lực trước khi cuộc xung đột vũ trang kết thúc.
2. Việc bãi ước như vậy sẽ không có tác dụng giải
phóng quốc gia liên quan khỏi những nghĩa vụ của Quốc gia thành viên theo quy định
tại Nghị định thư này, về bất kỳ hành động nào diễn ra trước ngày việc bãi ước
có hiệu lực. Việc bãi ước như vậy cũng không làm phương hại, dù bất kỳ bằng
cách nào, đến việc tiếp tục xem xét bất kỳ vấn đề nào mà Ủy ban quyền trẻ em
đang xem xét mà có liên quan đến Quốc gia thành viên đó trước ngày việc bãi ước
có hiệu lực.
Điều 12.
1. Bất kỳ Quốc gia thành viên nào cũng có quyền
đề nghị sửa đổi Nghị định thư này và đệ trình đề nghị này cho Tổng Thư ký Liên
Hợp Quốc. Ngay sau đó, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc phải thông báo đề nghị sửa đổi
cho các Quốc gia thành viên, đồng thời yêu cầu cho biết có tán thành hay không
việc tổ chức một hội nghị các Quốc gia thành viên để xem xét và biểu quyết về đề
nghị đó. Nếu trong vòng bốn tháng kể từ ngày thông báo, có ít nhất một phần ba
số Quốc gia thành viên cho biết tán thành tổ chức một hội nghị như vậy thì Tổng
Thư ký phải triệu tập hội nghị này dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc. Bất kỳ một
sửa đổi nào được chấp nhận bởi đa số các Quốc gia thành viên có mặt và biểu quyết
tại hội nghị phải được đệ trình lên Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc để chấp thuận.
2. Mỗi sửa đổi bổ sung được thông qua theo khoản
1 điều này sẽ có hiệu lực khi được Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc chấp nhận và được
đa số 2/3 các Quốc gia thành viên Nghị định thư chấp thuận.
3. Khi một sửa đổi có hiệu lực, Nghị định thư sẽ
có hiệu lực ràng buộc với những Quốc gia thành viên đã chấp nhận nó, còn các Quốc
gia thành viên khác vẫn bị ràng buộc bởi những điều khoản của Nghị định thư này
và mọi sửa đổi bổ sung trước đó mà họ đã chấp nhận.
Điều 13.
1. Nghị định thư này được làm bằng tiếng Ả-rập,
tiếng Trung Quốc, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga, và tiếng Tây Ban Nha, tất cả
đều là bản chính, được lưu chiểu trong Cơ quan lưu trữ của Liên Hợp Quốc.
2. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc sẽ gửi cho tất cả
các Quốc gia thành viên của Công ước này và những quốc gia đã ký Công ước bản
sao có chứng thực của Nghị định thư này.