QUỐC
HỘI
-------
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------
|
Luật
số: 21/2008/QH12
|
Hà
Nội, ngày 13 tháng 11 năm 2008
|
LUẬT
CÔNG NGHỆ CAO
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;
Quốc hội ban hành Luật công nghệ cao.
CHƯƠNG I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm
vi điều chỉnh
Luật này quy định về hoạt động
công nghệ cao, chính sách, biện pháp khuyến khích, thúc đẩy hoạt động công nghệ
cao.
Điều 2. Đối
tượng áp dụng
Luật này áp dụng đối với tổ chức,
cá nhân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước
ngoài tham gia hoạt động công nghệ cao tại Việt Nam.
Điều 3. Giải
thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới
đây được hiểu như sau:
1. Công nghệ cao là công
nghệ có hàm lượng cao về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; được tích
hợp từ thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại; tạo ra sản phẩm có chất lượng,
tính năng vượt trội, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường; có vai
trò quan trọng đối với việc hình thành ngành sản xuất, dịch vụ mới hoặc hiện đại
hóa ngành sản xuất, dịch vụ hiện có.
2. Hoạt động công nghệ cao là hoạt động nghiên
cứu, phát triển, tìm kiếm, chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao; đào tạo nhân lực
công nghệ cao; ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; sản
xuất sản phẩm, cung ứng dịch vụ công nghệ cao; phát triển công nghiệp công nghệ
cao.
3. Sản phẩm công nghệ cao là sản phẩm do công
nghệ cao tạo ra, có chất lượng, tính năng vượt trội, giá trị gia tăng cao, thân
thiện với môi trường.
4.
Doanh nghiệp công nghệ cao là doanh nghiệp sản xuất sản phẩm
công nghệ cao, cung ứng dịch vụ công nghệ cao, có hoạt động nghiên cứu và phát
triển công nghệ cao.
5. Doanh
nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là doanh nghiệp ứng dụng công nghệ
cao trong sản xuất sản phẩm nông nghiệp có chất lượng, năng suất, giá trị gia
tăng cao.
6.
Công nghiệp công nghệ cao là ngành kinh tế - kỹ thuật sản xuất
sản phẩm công nghệ cao, cung ứng dịch vụ công nghệ cao.
7.
Ươm tạo công nghệ cao là quá trình tạo ra, hoàn thiện,
thương mại hóa công nghệ cao từ ý tưởng công nghệ, kết quả nghiên cứu khoa học
hoặc từ công nghệ cao chưa hoàn thiện thông qua các hoạt động trợ giúp về hạ tầng kỹ thuật, nguồn lực và dịch vụ cần thiết.
8.
Ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao là quá trình hình thành, phát triển
doanh nghiệp công nghệ cao thông qua các hoạt động trợ giúp về hạ tầng kỹ thuật, nguồn lực và dịch vụ cần thiết.
9.
Cơ sở ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo
doanh nghiệp công nghệ cao là
cơ sở cung cấp các điều kiện thuận lợi về hạ tầng kỹ thuật, nguồn lực và dịch vụ
cần thiết phục vụ việc ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ
cao.
10. Nhân
lực công nghệ cao là đội ngũ những người có trình độ và kỹ năng đáp ứng được
yêu cầu của hoạt động nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ cao, dịch vụ
công nghệ cao, quản lý hoạt động công nghệ cao, vận hành các thiết bị, dây chuyền
sản xuất sản phẩm công nghệ cao.
Điều 4.
Chính sách của Nhà nước đối với hoạt động công nghệ cao
1. Huy động các nguồn lực đầu
tư, áp dụng đồng bộ các cơ chế, biện pháp khuyến khích, ưu đãi ở mức cao nhất về
đất đai, thuế và ưu đãi khác cho hoạt động công nghệ cao nhằm phát huy vai trò
chủ đạo của công nghệ cao trong phát triển khoa học và công nghệ phục vụ phát
triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường và nâng cao chất
lượng cuộc sống của nhân dân.
2. Đẩy nhanh việc ứng dụng, nghiên cứu, làm chủ và tạo ra công nghệ cao,
sản phẩm công nghệ cao; hình thành và phát triển một số ngành công nghiệp công
nghệ cao; nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, tham gia vào những khâu có
giá trị gia tăng cao trong hệ thống cung ứng toàn cầu.
3. Tập trung đầu tư phát triển
nhân lực công nghệ cao đạt trình độ khu vực và quốc tế; áp dụng cơ chế, chính
sách ưu đãi đặc biệt để đào tạo, thu hút, sử dụng có hiệu quả nhân lực công nghệ
cao trong nước và ngoài nước, lực lượng trẻ tài năng trong hoạt động nghiên cứu,
giảng dạy, ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao và các hoạt
động công nghệ cao khác.
4. Khuyến khích doanh nghiệp
nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ cao, đầu tư phát triển công nghệ cao; tạo
điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia hình thành mạng lưới
cung ứng sản phẩm, dịch vụ phụ trợ cho ngành công nghiệp công nghệ cao.
5. Dành ngân sách nhà nước và áp dụng cơ chế tài chính đặc thù để thực
hiện nhiệm vụ, chương trình, dự án về công nghệ cao, nhập khẩu một số công nghệ
cao có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an
ninh.
Điều 5. Công
nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển
1. Tập trung đầu tư phát triển công nghệ cao trong các lĩnh vực công nghệ
sau đây:
a) Công nghệ thông tin;
b) Công nghệ sinh học;
c) Công nghệ vật liệu mới;
d) Công nghệ tự động hóa.
2. Căn cứ vào nhu cầu phát triển
kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, Chính phủ điều chỉnh, bổ sung lĩnh vực
công nghệ cần tập trung đầu tư phát triển công nghệ cao quy định tại khoản 1 Điều
này.
3. Công nghệ
cao được ưu tiên đầu tư phát triển trong các lĩnh vực công nghệ quy định tại
khoản 1 và khoản 2 Điều này phải phù hợp với yêu cầu, xu thế phát triển
khoa học và công nghệ tiên tiến, hiện đại của thế giới, phát huy lợi thế của đất
nước, có tính khả thi và đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:
a) Có tác động mạnh và mang lại
hiệu quả lớn đối với sự phát triển của các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc
phòng, an ninh;
b) Góp phần hiện đại hóa các
ngành sản xuất, dịch vụ hiện có;
c) Là yếu tố quan trọng quyết định
việc hình thành ngành sản xuất, dịch vụ mới có sức cạnh tranh và hiệu quả kinh
tế - xã hội cao.
4. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với bộ,
cơ quan ngang bộ có liên quan trình Thủ tướng Chính phủ ban hành, sửa đổi, bổ
sung Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và mục tiêu, lộ
trình, giải pháp thực hiện.
Điều 6. Sản
phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển
1. Sản phẩm công nghệ cao được
khuyến khích phát triển là sản phẩm công nghệ cao được tạo ra từ công nghệ thuộc
Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư
phát triển và đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Có tỷ trọng giá trị gia tăng
cao trong cơ cấu giá trị sản phẩm;
b) Có tính cạnh tranh cao và hiệu
quả kinh tế - xã hội lớn;
c) Có khả năng xuất khẩu hoặc
thay thế sản phẩm nhập khẩu;
d) Góp phần nâng cao năng lực
khoa học và công nghệ quốc gia.
2. Bộ Khoa học
và Công nghệ chủ trì phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan trình Thủ
tướng Chính phủ ban hành, sửa đổi, bổ sung Danh mục sản phẩm công nghệ cao được
khuyến khích phát triển phù hợp với từng thời kỳ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Điều 7. Hợp
tác quốc tế về công nghệ cao
1. Mở rộng hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công
nghệ cao, đặc biệt là với quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức, cá nhân nước ngoài,
tập đoàn kinh tế đa quốc gia, tập đoàn kinh tế nước ngoài có trình độ khoa học
và công nghệ tiên tiến trên nguyên tắc phù hợp với pháp luật Việt Nam và điều ước
quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
2. Khuyến khích và tạo điều kiện
thuận lợi cho tổ chức, cá nhân Việt Nam tham gia các chương trình, dự án hợp
tác quốc tế, hội, hiệp hội quốc tế và tổ chức khác về công nghệ cao; thu hút tổ
chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thực hiện hoạt động
công nghệ cao tại Việt Nam.
3. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế
trong lĩnh vực phát triển nhân lực công nghệ cao, ưu tiên hợp tác đào tạo sinh
viên ngành kỹ thuật công nghệ cao tại các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề
tiên tiến khu vực và thế giới; thu hút, sử dụng có hiệu quả người có trình độ
cao, lực lượng trẻ tài năng hợp tác nghiên cứu, giảng dạy, ươm tạo công nghệ
cao, ươm tạo và phát triển doanh nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam.
4. Thực hiện lộ trình hội nhập
quốc tế về khoa học và công nghệ, đẩy mạnh hoạt động tìm kiếm, chuyển giao công
nghệ tiên tiến vào Việt Nam nhằm nâng cao năng lực làm chủ và sáng tạo công nghệ
cao của tổ chức nghiên cứu, đào tạo, doanh nghiệp trong nước.
Điều 8. Các
hành vi bị nghiêm cấm
1. Lợi dụng hoạt động công nghệ
cao gây phương hại đến lợi ích quốc gia, quốc phòng, an ninh, quyền và lợi ích
hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
2. Thực hiện hoạt động công nghệ
cao gây hậu quả xấu đến sức khỏe, tính mạng con người, đạo đức, thuần phong mỹ
tục của dân tộc; hủy hoại môi trường, tài nguyên thiên nhiên.
3. Vi phạm quyền sở hữu trí tuệ
về công nghệ cao.
4. Tiết lộ, cung cấp trái pháp luật
bí mật về công nghệ cao.
5. Giả mạo, gian dối để được hưởng
chính sách ưu đãi của Nhà nước trong hoạt động công nghệ cao.
6. Cản trở trái pháp luật hoạt động
công nghệ cao.
CHƯƠNG II
ỨNG DỤNG, NGHIÊN CỨU VÀ
PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ CAO
Điều 9. Ứng
dụng công nghệ cao
1. Nhà nước khuyến
khích hoạt động ứng dụng công nghệ cao phù hợp với chính sách của Nhà nước quy
định tại Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Hoạt động ứng dụng công nghệ
cao thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển được ưu đãi, hỗ
trợ trong những trường hợp sau đây:
a) Sử dụng kết quả nghiên cứu về công nghệ cao để đổi mới công
nghệ, đổi mới và nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm;
b) Sản xuất thử nghiệm sản phẩm;
c) Làm chủ, thích nghi công nghệ cao nhập từ nước ngoài vào điều kiện thực
tế Việt Nam.
Điều 10. Biện
pháp thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao
1. Tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động ứng dụng
công nghệ cao quy định tại khoản 2 Điều 9 của Luật này được ưu
đãi, hỗ trợ như sau:
a) Hưởng mức ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật về đất đai, thuế
thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế xuất khẩu, thuế nhập
khẩu;
b) Được xem xét hỗ trợ chi phí từ kinh phí của Chương trình quốc
gia phát triển công nghệ cao và kinh phí khác có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước;
c) Hưởng ưu đãi khác theo quy định của pháp luật.
2. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ có
liên quan trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định cụ thể về thẩm quyền, thủ
tục chứng nhận tổ chức, cá nhân hoạt động ứng dụng công nghệ cao được hưởng ưu
đãi, hỗ trợ quy định tại khoản 1 Điều này.
Điều 11.
Nghiên cứu và phát triển công nghệ cao
1. Nhà nước khuyến khích hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ
cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ
môi trường.
2. Hoạt động nghiên cứu và phát
triển công nghệ cao thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển
được ưu đãi, hỗ trợ trong những trường hợp sau đây:
a) Nghiên cứu ứng dụng công nghệ
cao;
b) Nghiên cứu tạo ra công nghệ
cao thay thế công nghệ nhập khẩu từ nước ngoài;
c) Nghiên cứu sáng tạo công nghệ
cao mới.
Điều 12. Biện
pháp thúc đẩy nghiên cứu và phát triển công nghệ cao
1.
Tổ chức, cá nhân nghiên cứu và phát triển công nghệ cao quy định tại khoản 2 Điều 11 của Luật này được ưu
đãi, hỗ trợ như sau:
a) Hưởng mức ưu đãi cao nhất
theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia
tăng, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu;
b) Được xem xét hỗ trợ một phần
hoặc toàn bộ chi phí từ kinh phí của Chương trình quốc gia phát triển công nghệ
cao đối với trường hợp tự đầu tư nghiên cứu và phát triển công nghệ cao có kết
quả ứng dụng mang lại hiệu quả về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, môi
trường;
c) Tài trợ, hỗ trợ từ các quỹ,
nguồn kinh phí khác dành cho nghiên cứu và phát triển, đào tạo nhân lực công
nghệ cao, chuyển giao công nghệ cao.
2. Chủ đầu tư dự án xây dựng cơ
sở nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ cao được giao đất không thu tiền
sử dụng đất, miễn, giảm thuế sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất
đai.
3. Phòng thí nghiệm, cơ sở nghiên cứu hình thành do liên kết giữa tổ chức,
cá nhân phục vụ hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ cao thuộc Danh mục
công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển được xem xét hỗ trợ một phần kinh
phí đầu tư trang thiết bị nghiên cứu và hoạt động từ kinh phí của Chương trình
quốc gia phát triển công nghệ cao.
4. Bộ Khoa học và Công nghệ có
trách nhiệm:
a) Ưu tiên bố trí kinh phí từ
ngân sách nhà nước hằng năm cho hoạt động khoa học và công nghệ để nghiên cứu
và phát triển công nghệ cao thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư
phát triển và sản phẩm công nghệ cao thuộc Danh mục sản phẩm công nghệ cao được
khuyến khích phát triển;
b) Chủ trì phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan trình Thủ tướng
Chính phủ ban hành quy định cụ thể về thẩm quyền, trình tự, thủ tục chứng nhận
tổ chức, cá nhân hoạt động nghiên cứu và phát triển về công nghệ cao được hưởng
ưu đãi, hỗ trợ quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này.
Điều 13.
Khuyến khích chuyển giao công nghệ cao
1. Tổ chức, cá nhân thực hiện
chuyển giao công nghệ cao phục vụ nghiên cứu và phát triển công nghệ cao, sản
xuất, kinh doanh sản phẩm công nghệ cao được hưởng mức ưu đãi cao nhất theo quy
định của pháp luật về chuyển giao công nghệ và các quy định khác của pháp luật
có liên quan.
2. Nhà nước dành kinh phí nhập
khẩu một số công nghệ cao, máy móc, thiết bị công nghệ cao trong nước chưa tạo
ra được để thực hiện dự án quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh.
Điều 14.
Phát triển thị trường công nghệ cao, thông tin, dịch vụ hỗ trợ hoạt động công
nghệ cao
1. Nhà nước khuyến khích tổ chức,
cá nhân tham gia phát triển thị trường công nghệ cao; cung ứng dịch vụ môi giới,
tư vấn, đánh giá, định giá, giám định công nghệ cao; tạo điều kiện thuận lợi
cho tổ chức, cá nhân thực hiện dịch vụ tư vấn kỹ thuật, đầu tư, pháp lý, tài
chính, bảo hiểm, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và các dịch vụ khác nhằm thúc đẩy
hoạt động công nghệ cao, tiêu thụ, sử dụng sản phẩm công nghệ cao.
2. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ
trì phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ xây dựng cơ sở dữ liệu, hạ tầng thông tin
về công nghệ cao; tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tiếp cận, sử dụng,
trao đổi thông tin về công nghệ cao; tổ chức, tham gia chợ, hội chợ, triển lãm
công nghệ cao quy mô quốc gia, quốc tế.
3. Bộ, cơ quan ngang bộ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc
trung ương có biện pháp hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân
trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài tổ chức, tham gia chợ, hội chợ, triển
lãm công nghệ cao.
CHƯƠNG III
PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ CAO
TRONG CÁC NGÀNH KINH TẾ - KỸ THUẬT
Điều 15.
Phát triển công nghiệp công nghệ cao
1. Phát triển công nghệ cao
trong công nghiệp tập trung vào các nhiệm vụ chủ yếu sau đây:
a) Sản xuất sản phẩm, cung ứng dịch vụ công nghệ cao;
b) Phát triển doanh nghiệp công
nghệ cao;
c) Đào tạo nhân lực cho ngành
công nghiệp công nghệ cao;
d) Xây dựng công nghiệp phụ trợ phục vụ phát triển công nghiệp công nghệ
cao.
2. Căn cứ vào Danh mục công nghệ
cao được ưu tiên đầu tư phát triển và Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến
khích phát triển quy định tại Điều 5 và Điều 6 của Luật này,
Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, bộ, cơ quan ngang
bộ có liên quan trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch phát triển một số
ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ phục vụ phát triển công
nghiệp công nghệ cao và tổ chức thực hiện kế hoạch đã được phê duyệt.
3. Bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban
nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức thực hiện kế hoạch phát
triển ngành công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp phụ trợ phục vụ phát triển
công nghiệp công nghệ cao đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thuộc lĩnh vực,
địa phương mình quản lý.
Điều 16.
Phát triển công nghệ cao trong nông nghiệp
1. Phát triển công nghệ cao
trong nông nghiệp tập trung vào các nhiệm vụ chủ yếu sau đây:
a) Chọn tạo, nhân giống cây trồng,
giống vật nuôi cho năng suất, chất lượng cao;
b) Phòng, trừ dịch bệnh;
c) Trồng trọt, chăn nuôi đạt hiệu
quả cao;
d) Tạo ra các loại vật tư, máy
móc, thiết bị sử dụng trong nông nghiệp;
đ) Bảo quản, chế biến sản phẩm
nông nghiệp;
e) Phát triển doanh nghiệp nông
nghiệp ứng dụng công nghệ cao;
g) Phát triển dịch vụ công nghệ
cao phục vụ nông nghiệp.
2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn chủ trì phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, bộ, cơ quan ngang bộ
có liên quan trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch phát triển công nghệ
cao trong lĩnh vực nông nghiệp.
3. Bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban
nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức thực hiện kế hoạch phát
triển công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê
duyệt.
Điều 17. Sản
xuất sản phẩm công nghệ cao
1. Doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư sản xuất sản phẩm thuộc
Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển được hưởng ưu đãi
cao nhất theo quy định của pháp luật về đất đai, thuế nhập khẩu; khi có đủ các
điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 18 của Luật này được hưởng
ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế
giá trị gia tăng, thuế xuất khẩu.
2. Doanh nghiệp hoạt động
tại Việt Nam sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến
khích phát triển được ưu tiên xét chọn tham gia thực hiện dự án có sử dụng vốn
ngân sách nhà nước.
3. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ
trì phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan trình Thủ tướng Chính phủ
phê duyệt kế hoạch phát triển sản xuất sản phẩm công nghệ cao thuộc Danh mục sản
phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển; quy định thẩm quyền, trình tự,
thủ tục chứng nhận doanh nghiệp được hưởng ưu đãi, hỗ trợ quy định tại khoản 1
Điều này.
Điều 18.
Doanh nghiệp công nghệ cao
1. Doanh
nghiệp công nghệ cao phải có đủ các điều kiện sau đây:
a) Sản xuất sản phẩm công nghệ
cao thuộc Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển quy định
tại Điều 6 Luật này;
b) Tổng chi bình quân của doanh
nghiệp trong 3 năm liền cho hoạt động nghiên cứu và phát triển được thực hiện tại
Việt Nam phải đạt ít nhất 1% tổng doanh thu hằng năm, từ năm thứ tư trở đi phải
đạt trên 1% tổng doanh thu;
c) Doanh thu bình quân của doanh
nghiệp trong 3 năm liền từ sản phẩm công nghệ cao phải đạt ít nhất 60% trong tổng
doanh thu hằng năm, từ năm thứ tư trở đi phải đạt 70% trở lên;
d) Số lao động của doanh nghiệp có trình độ chuyên môn từ đại học trở
lên trực tiếp thực hiện nghiên cứu và phát triển phải đạt ít nhất 5% tổng số
lao động;
đ) Áp dụng các biện pháp thân
thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng trong sản xuất và quản lý chất lượng sản
phẩm đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam; trường hợp chưa có tiêu
chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam thì áp dụng tiêu chuẩn của tổ chức quốc
tế chuyên ngành.
2. Doanh
nghiệp công nghệ cao có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này được ưu
đãi, hỗ trợ như sau:
a) Hưởng ưu đãi cao nhất theo
quy định của pháp luật về đất đai, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia
tăng, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu;
b) Được xem xét hỗ trợ kinh phí
đào tạo, nghiên cứu và phát triển, sản xuất thử nghiệm từ kinh phí của Chương
trình quốc gia phát triển công nghệ cao.
3. Khuyến khích tổ chức, cá nhân
thành lập doanh nghiệp công nghệ cao.
4. Bộ Khoa
học và Công nghệ chủ trì phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan trình
Thủ tướng Chính phủ quy định thẩm quyền, thủ tục công nhận có thời hạn đối với
doanh nghiệp công nghệ cao.
Điều 19.
Doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
1. Doanh nghiệp
nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phải có đủ các điều kiện sau đây:
a) Ứng dụng công nghệ cao thuộc
Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển quy định tại Điều 5 của Luật này để sản xuất sản phẩm nông nghiệp;
b) Có hoạt động nghiên cứu, thử
nghiệm ứng dụng công nghệ cao để sản xuất sản phẩm nông nghiệp;
c) Tạo ra sản phẩm nông nghiệp
có chất lượng, năng suất, giá trị và hiệu quả cao;
d) Áp dụng các biện pháp thân
thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng trong sản xuất và quản lý chất lượng sản
phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam; trường hợp
chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam thì áp dụng tiêu chuẩn của
tổ chức quốc tế chuyên ngành.
2. Doanh
nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có đủ các điều kiện quy định tại khoản
1 Điều này được ưu đãi, hỗ trợ như sau:
a) Hưởng mức ưu đãi cao nhất
theo quy định của pháp luật về đất đai, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị
gia tăng, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu;
b) Được xem xét hỗ trợ kinh phí
nghiên cứu, thử nghiệm, đào tạo, chuyển giao công nghệ từ kinh phí của Chương
trình quốc gia phát triển công nghệ cao.
3. Khuyến khích tổ chức, cá nhân
thành lập doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
4. Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn chủ trì phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, bộ, cơ quang ngang bộ
có liên quan trình Thủ tướng Chính phủ quy định thẩm quyền, thủ tục công nhận
có thời hạn đối với doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Điều 20.
Khuyến khích thành lập doanh nghiệp công nghệ cao
1. Tổ chức khoa học và công nghệ, giảng viên, nghiên cứu viên, sinh viên được
thành lập hoặc hợp tác với tổ chức, cá nhân khác thành lập doanh nghiệp công
nghệ cao.
2. Tổ chức khoa học và công nghệ
thành lập hoặc hợp tác với tổ chức, cá nhân khác thành lập doanh nghiệp công
nghệ cao được ưu đãi, hỗ trợ như sau:
a) Giao quyền sử dụng hoặc quyền
sở hữu kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ thuộc sở hữu nhà nước để thành
lập doanh nghiệp công nghệ cao;
b) Góp một phần tài sản nhà nước
của tổ chức khoa học và công nghệ công lập để thành lập doanh nghiệp công nghệ
cao;
c) Các ưu đãi áp dụng đối với
doanh nghiệp công nghệ cao.
3. Cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức khoa học và công nghệ tạo điều kiện
thuận lợi để giảng viên, nghiên cứu viên, sinh viên thành lập hoặc tham gia
thành lập doanh nghiệp công nghệ cao theo quy định của Luật này và các quy định
khác của pháp luật có liên quan.
Điều 21. Cơ sở ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp
công nghệ cao
1. Cơ sở sở ươm tạo công nghệ
cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao có chức năng cung cấp điều kiện thuận lợi về hạ tầng kỹ thuật, nguồn lực,
dịch vụ cần thiết cho tổ chức, cá nhân hoàn thiện công nghệ cao, hình
thành và phát triển doanh nghiệp công nghệ cao trong giai đoạn ươm tạo.
2. Cơ sở ươm tạo công nghệ cao,
ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao phải có đủ các điều kiện sau đây:
a) Hạ tầng kỹ thuật và đội ngũ
quản lý chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp
công nghệ cao;
b) Đội ngũ chuyên gia tư vấn về công nghệ, sở hữu trí tuệ, pháp lý, tài
chính, quản lý doanh nghiệp;
c) Khả năng liên kết với các cơ
sở sản xuất, nghiên cứu, đào tạo phục vụ hoạt động ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo
doanh nghiệp công nghệ cao.
3. Bộ Khoa
học và Công nghệ quy định cụ thể các điều kiện đối với cơ sở ươm tạo công nghệ
cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao.
Điều 22.
Các biện pháp thúc đẩy ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ
cao
1. Nhà đầu
tư xây dựng, kinh doanh cơ sở ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công
nghệ cao được ưu đãi, hỗ trợ như sau:
a) Giao đất không thu tiền sử dụng
đất, miễn thuế sử dụng đất đối với đất dùng để xây dựng cơ sở ươm tạo công nghệ
cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao;
b) Hưởng mức ưu đãi cao nhất
theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia
tăng, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu;
c) Được xem xét hỗ trợ một phần
kinh phí cho hoạt động ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ
cao từ kinh phí của Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao và nguồn
kinh phí khác có nguồn gốc ngân sách nhà nước.
2. Tổ chức,
cá nhân thực hiện dự án ươm tạo công nghệ cao, doanh nghiệp công nghệ cao tại
cơ sở ươm tạo được ưu đãi, hỗ trợ như sau:
a) Hưởng mức ưu đãi cao nhất
theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia
tăng, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu;
b) Được xem xét hỗ trợ một phần
kinh phí hoạt động từ kinh phí của Chương trình quốc gia phát triển công nghệ
cao và nguồn kinh phí khác có nguồn gốc ngân sách nhà nước.
3. Nhà nước đầu tư, tham gia đầu
tư xây dựng một số cơ sở ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ
cao có ý nghĩa quan trọng.
Điều 23.
Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao
1. Chương trình quốc gia phát
triển công nghệ cao có mục tiêu thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao nhằm
tạo ra công nghệ cao, sản phẩm công nghệ cao trong nước và hình thành, phát triển
công nghiệp công nghệ cao.
2. Chương trình quốc gia phát
triển công nghệ cao tập trung nguồn lực đầu tư phát triển công nghệ cao trong một
số lĩnh vực công nghệ có ý nghĩa then chốt và phù hợp với khả năng, điều kiện
thực tế của đất nước; thu hút các nhà khoa học, chuyên gia công nghệ, doanh
nhân trong nước và ngoài nước tham gia Chương trình quốc gia phát triển công
nghệ cao.
3. Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao có các nhiệm vụ chủ yếu
sau đây:
a) Xây dựng lộ trình, biện pháp ứng
dụng, phát triển công nghệ cao, sản phẩm công nghệ cao trong Danh mục công nghệ
cao được ưu tiên đầu tư phát triển và Danh mục
sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển;
b) Lựa chọn đề tài, dự án, đề án
để thực hiện các nhiệm vụ quy định tại điểm a khoản này;
c) Phát triển nhân lực công nghệ
cao;
d) Hỗ trợ tổ chức, cá nhân thực
hiện hoạt động công nghệ cao theo mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình quốc gia
phát triển công nghệ cao;
đ) Các nhiệm vụ khác do Thủ tướng
Chính phủ quy định.
4. Nguồn tài chính thực hiện
Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao bao gồm:
a) Ngân sách nhà nước dành cho Chương
trình quốc gia phát triển công nghệ cao. Khoản ngân sách này không thuộc loại
chi ngân sách nhà nước hằng năm cho hoạt động khoa học, công nghệ;
b) Kinh phí từ các quỹ có nguồn
gốc từ ngân sách nhà nước và ngoài ngân sách nhà nước;
c) Đóng góp, tài trợ của tổ chức,
cá nhân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước
ngoài.
5. Việc thực hiện Chương trình
quốc gia phát triển công nghệ cao được quy định như sau:
a) Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tổ
chức triển khai, kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình quốc gia
phát triển công nghệ cao;
b) Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ có
liên quan xây dựng nội dung, nhiệm vụ, cơ chế quản lý, cơ chế tài chính của
Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao trình Thủ tướng Chính phủ phê
duyệt;
c) Căn cứ vào Chương trình quốc
gia phát triển công nghệ cao đã được phê duyệt, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan
ngang bộ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển
khai thực hiện nhiệm vụ được phân công, phân cấp.
6. Trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình quốc gia
phát triển công nghệ cao, để đáp ứng yêu cầu
thực hiện mục tiêu quy định tại khoản 1 Điều này và chính sách của Nhà nước đối
với hoạt động công nghệ cao, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định chính
sách, cơ chế đặc biệt đối với Chương trình quốc gia phát triển công nghệ
cao vào thời điểm thích hợp.
Điều 24. Đầu
tư mạo hiểm cho phát triển công nghệ cao
1. Đầu tư mạo hiểm cho phát triển
công nghệ cao là đầu tư cho nghiên cứu phát triển công nghệ cao, hình thành và
phát triển doanh nghiệp ứng dụng, sản xuất sản phẩm, cung ứng dịch vụ công nghệ
cao, được thực hiện bằng hình thức góp vốn và tư vấn cho tổ chức, cá nhân nhận
đầu tư.
2. Nhà nước khuyến khích, tạo điều
kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước
ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế tham gia hoạt động đầu tư mạo
hiểm cho phát triển công nghệ cao, thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm công nghệ cao
tại Việt Nam.
3. Tổ chức,
cá nhân thực hiện đầu tư mạo hiểm cho phát triển công nghệ cao thuộc Danh mục
công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển được hưởng mức ưu đãi cao nhất về
thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế.
Điều 25. Quỹ
đầu tư mạo hiểm công nghệ cao quốc gia
1. Quỹ đầu tư mạo hiểm công nghệ
cao quốc gia là tổ chức tài chính nhà nước để đầu tư vốn, cung cấp dịch vụ tư vấn
cho tổ chức, cá nhân hình thành và phát triển doanh nghiệp ứng dụng, sản xuất sản
phẩm, cung ứng dịch vụ công nghệ cao.
2. Nguồn tài chính hình thành Quỹ
đầu tư mạo hiểm công nghệ cao quốc gia bao gồm:
a) Vốn điều lệ của Quỹ đầu tư mạo
hiểm công nghệ cao quốc gia được hình thành từ ngân sách nhà nước và được bổ
sung từ ngân sách nhà nước trong quá trình hoạt động;
b) Tài trợ, vốn góp của tổ chức,
cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài;
c) Các khoản thu từ hoạt động của
Quỹ đầu tư mạo hiểm công nghệ cao quốc gia;
d) Các khoản vốn huy động hợp
pháp khác.
3. Đối tượng được Quỹ đầu tư mạo
hiểm công nghệ cao quốc gia đầu tư là tổ chức, cá nhân có ý tưởng công nghệ cao
và kinh doanh công nghệ cao, có kết quả nghiên cứu sáng tạo về công nghệ cao,
có công nghệ cao cần được hoàn thiện; doanh nghiệp vừa và nhỏ có dự án ứng dụng,
sản xuất sản phẩm, cung ứng dịch vụ công nghệ cao.
4. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ
trì phối hợp với Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập,
ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư mạo hiểm công nghệ cao quốc
gia.
CHƯƠNG IV
NHÂN LỰC CÔNG NGHỆ CAO
Điều 26.
Chính sách phát triển nhân lực công nghệ cao
1. Phát triển nhân lực công nghệ
cao là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống giáo dục và đào tạo quốc
gia nhằm thực hiện chính sách của Nhà nước đối với hoạt động công nghệ cao quy
định tại Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Đào tạo nhân lực công nghệ
cao phải gắn với thực tiễn, nhiệm vụ ứng dụng, phát triển công nghệ cao đáp ứng
nhu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; bảo đảm về số lượng, chất lượng
và cơ cấu nhân lực công nghệ cao; sử dụng hiệu quả và đãi ngộ thỏa đáng.
3. Nhân lực công nghệ cao được
đào tạo đồng bộ về cơ cấu, trình độ bao gồm nhà khoa học, nghiên cứu viên,
chuyên gia công nghệ, cán bộ quản lý, kỹ thuật viên, công nhân kỹ thuật.
4. Nhà nước tạo điều kiện thuận
lợi cho tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia phát
triển nhân lực công nghệ cao; dành ngân sách, các nguồn lực, áp dụng mức ưu đãi
cao nhất theo quy định của pháp luật để phát triển nhân lực công nghệ cao.
Điều 27.
Đào tạo nhân lực công nghệ cao
1. Ngân sách giáo dục và đào tạo hằng năm phải có kinh phí để chọn cử học
sinh, sinh viên có kết quả học tập xuất sắc, giảng viên, nghiên cứu viên,
chuyên gia công nghệ, cán bộ quản lý, kỹ thuật viên, công nhân kỹ thuật
để đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài về công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát
triển quy định tại Điều 5 của Luật này.
2. Chương trình, dự án, đề tài về
ứng dụng và phát triển công nghệ cao sử dụng ngân sách nhà nước được dành kinh
phí cho đào tạo nhân lực công nghệ cao phù hợp với mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ
được phê duyệt.
3. Cá nhân trực tiếp thực hiện
nhiệm vụ của Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao được ưu tiên xét
tuyển để nâng cao trình độ ở trong nước và nước ngoài theo các chương trình đào
tạo của Nhà nước.
4. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo,
bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan trình Thủ tướng Chính phủ quyết định kế hoạch
và biện pháp thực hiện đào tạo nhân lực công nghệ cao theo chương trình,
dự án, đề tài về ứng dụng và phát triển công nghệ cao.
Điều 28. Cơ
sở đào tạo nhân lực công nghệ cao
1. Nhà nước khuyến khích tổ chức,
cá nhân đầu tư, liên doanh, liên kết với tổ chức khác để đầu tư xây dựng cơ sở
đào tạo nhân lực công nghệ cao.
2. Cơ sở đào
tạo nhân lực công nghệ cao được ưu đãi, hỗ trợ như sau:
a) Hưởng mức ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật về đất đai, thuế
thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu;
b) Tài trợ, hỗ trợ từ các quỹ về
khoa học, công nghệ và các quỹ khác;
c) Chương trình quốc gia phát
triển công nghệ cao xem xét hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ chi phí phục vụ đào tạo
nhân lực công nghệ cao cho việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình
quốc gia phát triển công nghệ cao.
3. Tổ chức nghiên cứu khoa học
và phát triển công nghệ, trường đại học thực hiện đào tạo nhân lực công nghệ
cao được Nhà nước xem xét hỗ trợ kinh phí đào tạo.
4. Nhà nước tập trung đầu tư xây
dựng một số cơ sở đào tạo nhân lực công nghệ cao đạt tiêu chuẩn quốc tế.
5. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ
trì phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và
bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan trình Thủ tướng Chính phủ quy định thẩm quyền,
điều kiện, thủ tục xác nhận cơ sở đào tạo nhân lực công nghệ cao được hưởng ưu
đãi, hỗ trợ quy định tại khoản 2 Điều này và phê duyệt kế hoạch đầu tư xây dựng
một số cơ sở đào tạo nhân lực công nghệ cao đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Điều 29.
Thu hút, sử dụng nhân lực công nghệ cao
1. Nhà nước có cơ chế, chính
sách ưu đãi đặc biệt để thu hút, sử dụng nhân lực công nghệ cao, bao gồm:
a) Tạo môi trường làm việc, sống
thuận lợi cho hoạt động công nghệ cao;
b) Chế độ tiền lương, phụ cấp, bảo
hiểm;
c) Bổ nhiệm vào vị trí then chốt
để thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ của Nhà nước;
d) Ưu đãi cao nhất về thuế thu
nhập cá nhân;
đ) Tạo điều kiện tham gia hoạt động
hợp tác quốc tế về công nghệ cao;
e) Tôn vinh, khen thưởng người
có thành tích xuất sắc.
2. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ
trì phối hợp với Bộ Tài chính và bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan trình Thủ tướng
Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách cụ thể quy định tại khoản 1 Điều này.
CHƯƠNG V
CƠ SỞ HẠ TẦNG KỸ THUẬT
PHỤC VỤ HOẠT ĐỘNG CÔNG NGHỆ CAO
Điều 30.
Phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao
1. Nhà nước khuyến khích tổ chức,
cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao gồm khu công nghệ
cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cơ sở nghiên cứu, cơ sở ươm tạo
công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao, hạ tầng thông tin đáp ứng
yêu cầu phát triển công nghệ cao.
2. Căn cứ vào yêu cầu, nhiệm vụ
phát triển kinh tế - xã hội, nhiệm vụ phát triển công nghệ cao, Nhà nước tập
trung đầu tư xây dựng một số khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công
nghệ cao.
Điều 31. Khu công nghệ cao
1. Khu công nghệ cao là nơi tập
trung, liên kết hoạt động nghiên cứu và phát triển, ứng dụng công nghệ cao; ươm
tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; đào tạo nhân lực công
nghệ cao; sản xuất và kinh doanh sản phẩm công nghệ cao, cung ứng dịch vụ công
nghệ cao.
2. Khu công
nghệ cao có các nhiệm vụ sau đây:
a) Thực hiện các hoạt động
nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ cao; ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo
doanh nghiệp công nghệ cao; sản xuất sản phẩm công nghệ cao, cung ứng dịch vụ
công nghệ cao;
b) Liên kết các hoạt động nghiên
cứu, ứng dụng công nghệ cao, đào tạo nhân lực công nghệ cao, sản xuất sản phẩm
công nghệ cao;
c) Đào tạo nhân lực công nghệ
cao;
d) Tổ chức hội chợ, triển lãm,
trình diễn sản phẩm công nghệ cao từ kết quả nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao;
đ) Thu hút các nguồn lực trong
nước và ngoài nước để thúc đẩy hoạt động công nghệ cao.
3. Điều kiện
thành lập khu công nghệ cao được quy định như sau:
a) Phù hợp với chính sách của
Nhà nước về phát triển công nghệ cao, công nghiệp công nghệ cao và nhiệm vụ quy
định tại khoản 2 Điều này;
b) Có quy mô diện tích thích hợp,
địa điểm thuận lợi về giao thông và liên kết với các cơ sở nghiên cứu, đào tạo
có trình độ cao;
c) Hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ
thuận lợi đáp ứng yêu cầu của hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công
nghệ cao; ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; sản xuất
thử nghiệm sản phẩm công nghệ cao; cung ứng dịch vụ công nghệ cao;
d) Có nhân lực và đội ngũ quản
lý chuyên nghiệp.
4. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy
ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có liên quan trình Thủ tướng
Chính phủ quyết định thành lập, ban hành quy chế hoạt động của khu công nghệ cao.
Điều 32. Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
1. Khu nông nghiệp ứng dụng công
nghệ cao là khu công nghệ cao tập trung thực hiện hoạt động ứng dụng thành tựu
nghiên cứu và phát triển công nghệ cao vào lĩnh vực nông nghiệp để thực hiện
các nhiệm vụ quy định tại khoản 1 Điều 16 của Luật này.
2. Khu nông
nghiệp ứng dụng công nghệ cao có các nhiệm vụ sau đây:
a) Thực hiện các hoạt động
nghiên cứu ứng dụng, thử nghiệm, trình diễn mô hình sản xuất sản phẩm nông nghiệp
ứng dụng công nghệ cao;
b) Liên kết các hoạt động nghiên
cứu, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất sản phẩm ứng dụng công nghệ cao trong
lĩnh vực nông nghiệp;
c) Đào tạo nhân lực công nghệ
cao trong lĩnh vực nông nghiệp;
d) Tổ chức hội chợ, triển lãm,
trình diễn sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao;
đ) Thu hút nguồn đầu tư, nhân lực
công nghệ cao trong nước và ngoài nước thực hiện hoạt động ứng dụng công nghệ
cao trong nông nghiệp.
3. Điều kiện
thành lập khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được quy định như sau:
a) Phù hợp với chiến lược, kế hoạch
phát triển nông nghiệp và nhiệm vụ quy định tại khoản 2 Điều này;
b) Có quy mô diện tích, điều kiện
tự nhiên thích hợp với từng loại hình sản xuất sản phẩm nông nghiệp; địa điểm
thuận lợi để liên kết với các cơ sở nghiên cứu, đào tạo có trình độ cao;
c) Hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ
thuận lợi đáp ứng yêu cầu của hoạt động nghiên cứu, đào tạo, thử nghiệm và
trình diễn ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp;
d) Có nhân lực và đội ngũ quản
lý chuyên nghiệp.
4. Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và
bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có
liên quan trình Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, ban hành quy chế hoạt
động của khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Điều 33. Biện
pháp thúc đẩy đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển công nghệ cao
1. Trong quy hoạch sử dụng đất
đai phải dành đất cho xây dựng hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển công nghệ
cao.
2. Tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng
hạ tầng kỹ thuật trong khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ
cao được hưởng mức ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật về đất đai đối với
đất để xây dựng cơ sở nghiên cứu, đào tạo, ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh
nghiệp công nghệ cao, cơ sở thử nghiệm, trình diễn, sản xuất sản phẩm công nghệ
cao, sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cung ứng dịch vụ công nghệ
cao, hạ tầng thông tin, giao thông, điện, nước, trụ sở điều hành, hệ thống xử
lý chất thải trong khu công nghệ cao.
3. Nhà nước
hỗ trợ xây dựng hạ tầng thông tin, giao thông, điện, nước, trụ sở điều hành, hệ
thống xử lý chất thải trong khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công
nghệ cao.
4. Ưu đãi khác do Chính phủ quy
định theo thẩm quyền.
5. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong phạm vi
quyền hạn, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện
thuận lợi cho tổ chức, cá nhân đầu tư vào khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng
dụng công nghệ cao.
CHƯƠNG VI
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 34. Hiệu
lực thi hành
Luật này có hiệu lực thi hành từ
ngày 01 tháng 7 năm 2009.
Điều 35.
Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành
Chính phủ quy định chi tiết và
hướng dẫn thi hành các điều, khoản được giao trong Luật; hướng dẫn những
nội dung cần thiết khác của Luật này để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước.
Luật này đã được Quốc hội nước
Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XII, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 13
tháng 11 năm 2008.
|
CHỦ
TỊCH QUỐC HỘI
Nguyễn Phú Trọng
|