BAN CHẤP HÀNH
TRUNG ƯƠNG
--------
|
ĐẢNG CỘNG SẢN
VIỆT NAM
---------------
|
Số: 54-KL/TW
|
Hà Nội, ngày 07
tháng 8 năm 2019
|
KẾT LUẬN
CỦA
BỘ CHÍNH TRỊ VỀ TIẾP TỤC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT TRUNG ƯƠNG 7 KHÓA X VỀ NÔNG NGHIỆP,
NÔNG DÂN, NÔNG THÔN
Sau khi nghe Ban Chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện
Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và ý kiến của
các cơ quan có liên quan, Bộ Chính trị đã thảo luận và kết luận:
I- ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN
1. Kết quả đạt được
Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông
dân, nông thôn được các cấp ủy đảng và cả hệ thống chính trị triển khai thực hiện
nghiêm túc, tích cực, nhiều cơ chế, chính sách đổi mới được ban hành, huy động
các nguồn lực của mọi thành phần kinh tế cho phát triển nông nghiệp, nông thôn,
được nhân dân đồng tình ủng hộ và hưởng ứng tích cực. Sau 10 năm thực hiện đạt
nhiều kết quả quan trọng, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông
nghiệp, nông thôn, cải thiện toàn diện đời sống của nông dân, góp phần quan trọng
phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, đặc biệt là trong giai đoạn nước ta chịu
tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu; củng cố và nâng cao
niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước.
Cơ cấu lại ngành nông nghiệp đạt nhiều kết quả quan
trọng, quy mô và trình độ sản xuất được nâng cao; chuyển mạnh sang sản xuất
hàng hóa theo hướng phát huy lợi thế của mỗi địa phương, vùng, cả nước gắn với
thị trường trong nước và quốc tế; trình độ canh tác, năng suất, chất lượng, hiệu
quả sản xuất và khả năng cạnh tranh quốc tế của nhiều loại nông sản được nâng
cao; bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, xuất khẩu tăng nhanh. Công
nghiệp và dịch vụ ở nông thôn đã có những thay đổi tích cực, giá trị sản xuất
công nghiệp nông thôn tăng trưởng khá. Dịch vụ ở nông thôn phát triển đa dạng với
sự tham gia của các thành phần kinh tế.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới
được triển khai quyết liệt, đồng bộ, rộng khắp trong cả nước với sự hưởng ứng tham
gia tích cực, nhiệt tình của nhân dân, có nhiều mô hình mới, cách làm hay. Nhiều
nơi kết cấu hạ tầng về thủy lợi, điện, đường, trường, trạm y tế, chợ, nhà văn
hóa ở nông thôn được nâng cấp hoặc xây dựng mới khá đồng bộ. Hệ thống tổ chức sản
xuất, kinh doanh trong nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được đổi mới phù hợp hơn
với cơ chế thị trường và sản xuất hàng hóa quy mô lớn, nghiên cứu, chuyển giao,
ứng dụng khoa học và công nghệ có nhiều tiến bộ, nhất là nông nghiệp công nghệ
cao; công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được đẩy mạnh với nhiều hình
thức đa dạng hơn. Hình thành nhiều trang trại, hợp tác xã kiểu mới hoạt động hiệu
quả. Doanh nghiệp nông nghiệp phát triển nhanh, quy mô ngày càng lớn hơn. Nhiều
mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn kết doanh nghiệp - hợp tác xã
- hộ nông dân đã hình thành và được nhân rộng. Nợ xây dựng cơ bản ở các xã nông
thôn mới giảm rất nhiều. Nông thôn đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của
dân cư nông thôn được nâng cao, an ninh, trật tự, an toàn ở nông thôn được giữ
vững, số hộ nghèo giảm nhanh, nhất là ở các huyện nghèo. Thu nhập bình quân đầu
người/năm ở nông thôn năm 2018 tăng 3,8 lần so với năm 2008. Khoảng cách thu nhập
giữa thành thị và nông thôn được thu hẹp dần, giảm nghèo nhanh, nhất là các huyện
miền núi. Mục tiêu tới năm 2020 có khoảng 50% xã đạt tiêu chí về xây dựng nông
thôn mới là khả thi; nhiều tỉnh, nhiều xã phấn đấu đạt tiêu chí cao hơn, xây dựng
thôn, làng mẫu, khu dân cư kiểu mẫu.
Năng lực lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng ở nông
thôn đã được nâng cao rõ rệt. Bộ máy quản lý nhà nước cấp xã được củng cố, đổi
mới; hiệu lực quản lý được tăng cường. Trình độ cán bộ chủ chốt được nâng lên
đáng kể. Vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức
chính trị - xã hội, Hội Nông dân Việt Nam được nâng cao.
2. Hạn chế, yếu kém và nguyên nhân
Nông nghiệp phát triển chưa bền vững, năng suất lao
động còn thấp; chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nhiều sản phẩm còn hạn
chế. Trong nhiều năm tăng trưởng nông nghiệp thấp hơn mục tiêu Nghị quyết đã đề
ra. Hiệu quả kinh tế của cây lúa và một số loại cây trồng khác không cao; cơ chế,
chính sách chưa thực sự bảo đảm hài hòa lợi ích cho người trồng lúa, địa phương
được quy hoạch trồng lúa, nhiều nông dân không thiết tha sản xuất, bỏ ruộng
hoang.
Nông thôn phát triển chưa đồng đều, kết nối kinh tế
nông thôn - đô thị yếu; cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Một số địa
phương còn chạy theo phong trào, thành tích, chủ yếu tập trung phát triển cơ sở
hạ tầng, chưa quan tâm đúng mức tới phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao
thu nhập của người dân, xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ môi trường sinh thái.
Cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động nông thôn chuyển dịch chậm so với yêu cầu đặt
ra. Trình độ khoa học và công nghệ của nông nghiệp nước ta còn thấp, nhất là so
với các nước tiên tiến trong khu vực. Đào tạo nghề cho lao động nông thôn hiệu
quả chưa cao.
Thu nhập và đời sống của phần lớn nông dân và dân
cư nông thôn còn thấp, bấp bênh, kết quả giảm nghèo chưa bền vững; vùng đồng
bào dân tộc thiểu số, miền núi tỉ lệ hộ nghèo còn cao. Ở nhiều nơi, xây dựng đời
sống văn hóa, xã hội nông thôn còn nhiều hạn chế, tồn tại nhiều vấn đề bức xúc.
Tệ nạn xã hội, khiếu kiện liên quan tới đất đai, môi trường còn nhiều, ảnh hưởng
tiêu cực đến sự ổn định chính trị, trật tự an toàn trên địa bàn nông thôn. Khả
năng thích ứng với biến đổi khí hậu còn thấp, ô nhiễm môi trường nhiều nơi gia
tăng.
3. Nguyên nhân của hạn chế, yếu kém
Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém nêu trên có
nguyên nhân khách quan, song do các nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Nhận thức
của cấp ủy đảng, hệ thống chính trị về vai trò, vị trí của nông nghiệp, nông
dân, nông thôn chưa đầy đủ. Công tác tuyên truyền vận động nhân dân có nơi, có
lúc còn chưa tốt; chưa thể chế hóa rõ và thực hiện tốt phương châm "nông
dân là chủ thể". Cơ chế, chính sách ban hành nhiều, nhưng chưa đồng bộ,
thiếu tầm nhìn dài hạn, một số chưa phù hợp với kinh tế thị trường; do tổ chức
thực hiện chưa tốt và thiếu nguồn lực nên nhiều chủ trương, chính sách không
vào cuộc sống. Nguồn lực của Nhà nước đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn còn hạn
chế, thu hút đầu tư xã hội còn thấp. Tổ chức, bộ máy và công tác quản lý nhà nước
về nông nghiệp, nông thôn chậm đổi mới, cồng kềnh, hiệu quả chưa cao. Nhiều cơ
quan, đơn vị sự nghiệp công lập, đoàn thể xã hội vẫn hoạt động theo cơ chế cũ.
Hiệu quả phối hợp trong chỉ đạo thực hiện Nghị quyết của nhiều bộ, ngành, địa
phương chưa cao.
II- NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
TIẾP TỤC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2025
Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược
lâu dài và là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã
hội của đất nước ta. Kết quả tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết là đóng góp
quan trọng, phục vụ trực tiếp để xây dựng Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Để tiếp
tục quán triệt, tổ chức thực hiện, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đến năm
2020, với tầm nhìn đến năm 2025 của Nghị quyết, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy
đảng, chính quyền, doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tập
trung thực hiện có hiệu quả một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:
1. Rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai
năm 2013 và các quy định pháp luật khác có liên quan; thể chế hóa các quan điểm,
định hướng đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai đã được nêu tại Nghị quyết
Trung ương 6 khóa XI và Kết luận số 36-KL/TW, ngày 06/9/2018 của Bộ Chính trị.
Đẩy mạnh chủ trương tích tụ, tập trung đất đai phục
vụ phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, có sức cạnh tranh cao. Thực hiện
tốt việc chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang đất nuôi trồng các loại
cây, loại con khác có hiệu quả hơn; việc chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang
"đất công nghiệp và dịch vụ nông thôn" phải thực hiện theo nguyên tắc
đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất công khai, minh bạch,
bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân, quyền lợi của Nhà nước và của nhà đầu
tư, không để xảy ra khiếu kiện.
Cân nhắc kỹ, thận trọng, bảo đảm hiệu quả cả về
kinh tế, xã hội, môi trường, phát triển bền vững, chống thất thoát, lãng phí,
tham nhũng khi thực hiện chuyển đổi một phần đất quy hoạch rừng phòng hộ sang
làm đất rừng sản xuất, đất rừng kết hợp với sản xuất nông nghiệp. Thực hiện
nghiêm các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, Quốc hội về quản lý, sử dụng
đất có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh, phát huy các tiềm năng
phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng.
Xử lý kiên quyết, triệt để các vi phạm pháp luật về
đất đai; giải quyết kịp thời khiếu nại, tố cáo, tranh chấp, bức xúc của người
dân về đất đai, chấm dứt tình trạng khiếu kiện vượt cấp, kéo dài, đông người
gây mất trật tự, an toàn xã hội.
2. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách,
trước hết là các cơ chế, chính sách có liên quan đến đất đai, thuế, tín dụng,
điện năng, môi trường, thị trường, lao động, đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng
khoa học, công nghệ; thu hút đầu tư, phát triển liên kết giữa doanh nghiệp, hợp
tác xã, hộ nông dân cần hướng tới quan hệ sản xuất hợp lý hóa, tạo động lực mạnh
mẽ hơn, có năng suất lao động và sức cạnh tranh cao hơn, đem lại thu nhập cao
và bền vững. Quy hoạch và xây dựng chính sách ưu tiên thúc đẩy phát triển các cụm
công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn, các ngành nghề, công nghiệp, dịch vụ, đặc biệt
là các ngành sử dụng nhiều lao động gắn với quá trình công nghiệp hóa, đô thị
hóa, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn.
3. Đa dạng nguồn lực của Nhà nước và các
thành phần kinh tế để xây dựng, duy tu, bảo dưỡng các công trình hạ tầng thiết
yếu, đặc biệt là các công trình giao thông, thủy lợi, điện, nước, viễn thông,
công trình phục vụ phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, hệ thống
hạ tầng thương mại ở nông thôn. Rà soát lại tổ chức thú y từ Trung ương đến địa
phương, bảo đảm các điều kiện về cán bộ và phương tiện, kịp thời phòng, khống
chế và dập tắt các dịch bệnh đối với gia súc, gia cầm, thủy sản và cây trồng;
tăng cường kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm.
4. Thường xuyên cập nhật, đánh giá kết quả
xây dựng nông thôn mới, kịp thời nhân rộng các cách làm hay, hiệu quả và chấn
chỉnh, rút kinh nghiệm những biểu hiện lệch lạc. Thực hiện xây dựng nông thôn mới
toàn diện, đi vào chiều sâu, cải thiện trực tiếp điều kiện sống, thay đổi tư
duy, nếp sống của người dân nông thôn; hoàn thành và nâng cao chất lượng các mục
tiêu xây dựng nông thôn mới đã đề ra tới năm 2020. Nghiên cứu, xây dựng chương
trình nông thôn mới gắn với đô thị hóa nông thôn, phù hợp với yêu cầu và điều
kiện của giai đoạn mới.
5. Đánh giá hiệu quả các chương trình hỗ trợ
người dân nông thôn, người nghèo, các đối tượng chính sách, đặc biệt là ở các
vùng khó khăn để có các giải pháp phù hợp theo hướng tập trung, tránh dàn trải,
giảm đầu mối, đủ nguồn lực, hiệu quả, bền vững, khắc phục tình trạng trông chờ,
ỷ lại.
6. Cụ thể hóa kịch bản tác động của biến đổi
khí hậu tới các vùng, địa phương, lựa chọn giải pháp ưu tiên để tập trung triển
khai thực hiện, lồng ghép với các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa
phương; triển khai quyết liệt và đồng bộ các giải pháp bảo vệ môi trường, sinh
thái nông thôn.
III- TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Cấp ủy đảng, tổ chức đảng, chính quyền
các cấp tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp
Nghị quyết và Kết luận đề ra. Trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết,
xây dựng định hướng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn để phục vụ việc xây dựng
báo cáo chính trị trình đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2025.
2. Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo sửa đổi, bổ
sung Luật Đất đai năm 2013 và các luật khác có liên quan để thể chế hóa đầy đủ,
đúng đắn, kịp thời các quan điểm, định hướng đổi mới chính sách, pháp luật về đất
đai đã được nêu tại Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XI và
Kết luận số 36-KL/TW, ngày 06/9/2018 của Bộ Chính trị.
3. Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo thực hiện
có hiệu quả Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp và Chương trình mục tiêu quốc
gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình giảm nghèo bền vững đến năm 2020; tổng
kết, xây dựng các đề án, chương trình cho giai đoạn 2021 - 2030; rà soát điều
chỉnh Chiến lược an ninh lương thực quốc gia, Chiến lược phát triển thủy sản,
Chiến lược phát triển lâm nghiệp gắn với chế biến, xuất khẩu đồ gỗ.
4. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân
Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội xây dựng kế hoạch, tăng cường vận động
nhân dân thực hiện giám sát việc thực hiện.
5. Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với các
cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu xây dựng đề án về vấn đề này để trình Ban
Chấp hành Trung ương khóa XIII.
Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với Văn
phòng Trung ương Đảng và các cơ quan có liên quan theo dõi, giám sát, kiểm tra,
đôn đốc triển khai thực hiện Nghị quyết và Kết luận này.
Nơi nhận:
- Bộ Chính trị (để báo cáo).
- Các tỉnh ủy, thành ủy,
- Các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương,
- Các đảng ủy đơn vị sự nghiệp Trung ương,
- Các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương,
- Lưu Văn phòng Trung ương Đảng.
|
T/M BỘ CHÍNH TRỊ
Trần Quốc Vượng
|