ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK NÔNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 838/KH-UBND
|
Đắk Nông, ngày 19
tháng 12 năm 2024
|
KẾ HOẠCH
TRIỂN
KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG NGÀNH ONG ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
ĐẮK NÔNG
Căn cứ Quyết định số 898/QĐ-BNN-CN ngày 02/4/2024 của
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về phê duyệt Đề án phát triển ngành Ong
đến năm 2030, Quyết định số 3217/QĐ-BNN-CN ngày 23/9/2024 của Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn về việc ban hành Kế hoạch triển khai Đề án Phát triển bền
vững ngành Ong đến năm 2030; xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn tại Tờ trình số 209/TTr-SNN ngày 10/12/2024 về việc ban hành Kế hoạch triển
khai Đề án phát triển bền vững ngành Ong đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh; Báo
cáo 779/BC -SNN ngày 16/12/2024 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ủy
ban nhân dân tỉnh Đắk Nông ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển bền vững
ngành Ong đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh, với các nội dung sau:
I. Mục đích, yêu cầu
- Xác định rõ nhiệm vụ, nội dung công việc gắn với
chức năng nhiệm vụ cụ thể của từng Sở, Ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố Gia Nghĩa; đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị trong việc
triển khai Đề án; nhằm thúc đẩy phát triển ngành Ong của tỉnh trong thời gian tới.
- Cụ thể hóa nhiệm vụ và giải pháp của Đề án phù hợp
với điều kiện thực tiễn của địa phương, gắn với trách nhiệm thực hiện của các Sở,
Ban, ngành; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Gia Nghĩa và các cơ quan, đơn
vị có liên quan, phù hợp với mục tiêu các Đề án đã được Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn phê duyệt.
II. Mục tiêu
1. Mục tiêu chung: Phát triển bền vững, nâng cao sức
cạnh tranh, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm
của ngành Ong; sản phẩm hàng hóa của ngành Ong bảo đảm an toàn sinh học, an
toàn dịch bệnh, truy xuất nguồn gốc, thân thiện với môi trường, đáp ứng yêu cầu
chất lượng, an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.
2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030: Phát triển, duy
trì khoảng 25.000 đàn ong; năng suất mật ong đạt khoảng 35 kg/đàn/năm; sản lượng
mật ong ổn định 800 tấn/năm; trong đó, xuất khẩu đạt khoảng 30%.
III. Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu
1. Nâng cao chất lượng giống ong
- Tuyển chọn, lai tạo nâng cao chất lượng giống ong
ngoại phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương.
- Nhập khẩu các giống ong ngoại có năng suất, chất
lượng cao, có tính kháng bệnh để chọn tạo, nhân đàn, mở rộng quy mô nuôi ong
theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung.
2. Phát triển cây thức ăn và thức
ăn bổ sung cho ong
- Thực hiện điều tra, khảo sát về trữ lượng cây nguồn
mật, cây nguồn phấn, cây nguồn mật và phấn tại các địa phương để lập kế hoạch
phát triển quy mô đàn ong phù hợp với nguồn cây thức ăn, hình thành vùng nuôi
ong hàng hóa phục vụ xuất khẩu.
- Sử dụng nguồn thức ăn bổ sung, thức ăn thay thế
cho ong bảo đảm cân bằng dinh dưỡng, an toàn cho đàn ong, không tồn dư hóa chất
trong sản phẩm ong mật.
3. Kiểm soát dịch bệnh, an toàn
thực phẩm và nguồn gốc sản phẩm ong
- Tổ chức kiểm tra, giám sát thú y và an toàn thực
phẩm đối với các cơ sở nuôi ong, thu mua, sơ chế, chế biến mật ong phục vụ mục
đích thương mại để tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
- Thực hiện kiểm soát dư lượng hóa chất, kháng sinh
và các hóa dược trong sản phẩm ong bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất
nguồn gốc.
- Ứng dụng các giải pháp tổng hợp để điều trị bệnh
trên ong, giúp bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm đối với sản phẩm ong.
- Thực hiện chuyển đổi số, xây dựng hệ thống quản
lý thông tin, cơ sở dữ liệu ở các khâu trong chuỗi giá trị sản phẩm ong để phục
vụ cho việc truy xuất nguồn gốc, phòng chống gian lận thương mại đối với các sản
phẩm ong.
4. Đổi mới sản xuất, thương mại
ngành ong
- Mở rộng quy mô sản xuất, ưu tiên liên kết với hợp
tác xã, trang trại nuôi ong theo chuỗi giá trị, hướng hữu cơ, áp dụng tiến bộ kỹ
thuật vào sản xuất, sơ chế, chế biến và thương mại hóa sản phẩm ngành ong góp
phần duy trì bền vững cơ cấu tổng đàn ong mật, phù hợp với nguồn thức ăn cho
ong và nhu cầu thị trường.
- Tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào
nuôi ong, chuyển đổi theo lộ trình từ nuôi ong thùng đơn sang nuôi ong thùng kế
để nâng cao năng suất, chất lượng mật ong.
- Tổ chức lại hệ thống thu gom, sơ chế, chế biến,
chế biến sâu các sản phẩm ong theo hướng tập trung, công nghiệp gắn với vùng
nuôi ong hàng hóa, bảo đảm yêu cầu về bảo yêu cầu của thị trường.
5. Đào tạo nguồn nhân lực
- Thực hiện đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực quản
lý nhà nước ngành Ong cho cán bộ quản lý nhà nước, đào tạo chuyên sâu cho đội
ngũ bác sỹ thú y, kỹ sư chăn nuôi thực hành về các lĩnh vực chuyên môn, quản lý
trong ngành Ong.
- Đào tạo kết hợp với nghiên cứu học tập từ những
mô hình thực tế có hiệu quả; kết hợp kết nối giữa các hộ nuôi với nhau nhằm
trao đổi chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau để thúc đẩy phát triển đàn ong mang tính
bền vững.
- Hướng dẫn các hộ nuôi lập kế hoạch cụ thể về quá
trình nuôi và chăm sóc, giúp hộ nông dân tiết kiệm được thời gian, công sức
nhưng dễ dàng tiếp cận các nguồn chính sách hỗ trợ một cách đạt hiệu quả trong
việc duy trì phát triển đàn và năng suất sản lượng lấy mật một cách có hiệu quả.
- Lồng ghép kinh phí từ chương trình khuyến nông,
chương trình nông thôn mới ở các cấp cho hoạt động đào tạo, tập huấn, xây dựng
mô hình, truyền thông về nghề nuôi ong cho các đối tượng khác nhau, ưu tiên cho
các đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số, phụ nữ và nông dân.
IV. CÁC NHIỆM VỤ, DỰ ÁN ƯU TIÊN
1. Khảo sát, điều tra về trữ lượng cây nguồn mật phục
vụ cho phát triển nuôi ong hàng hóa phục vụ xuất khẩu.
2. Đặt hàng, tuyển chọn các nhiệm vụ nghiên cứu, ứng
dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất liên quan đến hỗ trợ phát
triển ngành ong.
3. Phân công nhiệm vụ triển khai thực hiện (Chi
tiết tại phụ lục kèm theo).
V. DỰ KIẾN NGUỒN KINH PHÍ THỰC
HIỆN
- Nguồn ngân sách nhà nước theo phân cấp hiện hành.
- Lồng ghép trong các chương trình Mục tiêu Quốc
gia, các chương trình mục tiêu, kế hoạch thuộc ngành nông nghiệp và các dự án
khác.
- Kinh phí từ các tổ chức, cá nhân triển khai dự
án.
- Nguồn kinh phí khác theo quy định pháp luật.
VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành, Ủy ban
nhân dân các huyện, thành phố Gia Nghĩa triển khai thực hiện Kế hoạch phù hợp với
tình hình thực tiễn.
- Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả đề án phát
triển vùng nguyên liệu tập trung, đảm bảo khai thác nguồn mật, phấn hoa có chất
lượng cao.
- Bố trí kinh phí hỗ trợ các mô hình phát triển
chăn nuôi ong mật tại các địa phương có điều kiện, đồng thời tổ chức các lớp tập
huấn, hỗ trợ chuyển giao khoa học công nghệ nhằm nâng cao kiến thức, kỹ thuật
cho các hộ chăn nuôi ong.
- Tăng cường các hoạt động quản lý của nhà nước
trong việc kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm
mật ong và các sản phẩm khác từ ong mật.
- Tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn triển
khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ về quản lý nhà nước liên quan đến hoạt
động chăn nuôi, điều kiện về chăn nuôi theo quy định của Luật Chăn nuôi năm
2018 và các văn bản pháp luật có liên quan.
- Chủ trì, hướng dẫn các địa phương thực hiện tốt
các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật; chỉ đạo, thực hiện tốt công tác
kiểm dịch động vật trên địa bàn tỉnh.
- Phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn trong quá trình triển khai các dự án ưu tiên trên địa bàn
tỉnh theo Quyết định số 3217/QĐ-BNN-CN ngày 23/9/2024 của Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn về ban hành triển khai Đề án Phát triển bền vững ngành Ong
đến năm 2030.
- Định kỳ hàng năm (trước ngày 20 tháng 12), tổng hợp
báo cáo tình hình, kết quả thực hiện Quyết định số 3217/QĐ-BNN-CN ngày
23/9/2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Ủy ban nhân dân tỉnh để
theo dõi, chỉ đạo.
2. Sở Khoa học và Công nghệ
- Tuyên truyền đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ
thuật, thiết bị mới tiên tiến trong ngành nuôi ong trên địa bàn tỉnh. Khuyến
khích, hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ liên quan đến phát
triển ngành Ong của tỉnh.
- Đề xuất kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ đặt
hàng, tuyển chọn các nhiệm vụ nghiên cứu, thực hiện các đề tài nghiên cứu, dự
án ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ liên quan để phát triển ngành
Ong trên địa bàn tỉnh.
- Phối hợp thực hiện công tác quản lý hệ thống truy
xuất nguồn gốc các sản phẩm nông lâm thủy sản (trong đó bao gồm các sản phẩm mật
ong của tỉnh).
3. Sở Tài chính:
Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, cân đối
nguồn ngân sách tham mưu cơ quan có thẩm quyền bố trí kinh phí để thực hiện các
nội dung của Kế hoạch.
4. Sở Công Thương: Chủ
trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị có liên
quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Gia Nghĩa triển khai thực hiện các
cơ chế, chính sách thương mại, xúc tiến thương mại và hội nhập kinh tế để thúc
đẩy tiêu thụ sản phẩm mật ong của tỉnh đến với thị trường trong nước và tiến tới
xuất khẩu.
5. Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố Gia Nghĩa
- Đề xuất các đề tài, dự án khoa học liên quan đến
phát triển ngành Ong của địa phương.
- Tổ chức tuyên truyền, thông tin, phổ biến sâu rộng
nội dung của Đề án phát triển bền vững ngành Ong đến năm 2030 đến các tổ chức,
cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác với nhiều hình thức đa dạng,
phong phú, phù hợp với từng đối tượng, địa phương.
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn thực hiện khảo sát, điều tra về trữ lượng cây nguồn mật, cây nguồn phấn,
cây nguồn mật và phấn ở địa phương để lập kế hoạch phát triển quy mô đàn ong
phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
- Bảo đảm việc truy xuất nguồn gốc gắn với chế biến
và thị trường tiêu thụ đến năm 2030.
- Chủ động bố trí kinh phí ngân sách huyện để thực
hiện theo phân cấp ngân sách, lồng ghép trong các Chương trình Mục tiêu Quốc
gia, các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện các nội dung của Đề án.
- Chỉ đạo cơ quan chuyên môn, Ủy ban nhân dân cấp
xã hàng năm rà soát, hướng dẫn người sản xuất thực hiện tốt các giải pháp kỹ
thuật nuôi ong đảm bảo hiệu quả kinh tế, ổn định kinh tế.
- Khuyến khích và hỗ trợ thành lập các doanh nghiệp,
hợp tác xã, tổ hợp tác chăn nuôi ong theo chuỗi giá trị, hướng hữu cơ, áp dụng
tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, sơ chế, chế biến và thương mại hóa sản phẩm.
- Phối hợp với các đơn vị có liên quan tuyên truyền
lợi ích của nghề nuôi ong thông qua hoạt động thụ phấn cho cây trồng và sản phẩm
ong. Tạo điều kiện thuận lợi cho người nuôi ong di chuyển đàn đến các vùng trồng
tập trung cây thức ăn cho ong mật.
- Khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp
đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. Tạo điều kiện thuận lợi để thu hút
các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp,... tham gia đầu tư phát triển ngành Ong tại
địa phương.
Căn cứ nội dung Kế hoạch, yêu cầu Thủ trưởng các
đơn vị liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Gia Nghĩa triển
khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện, trường hợp phát sinh khó khăn, vướng
mắc các địa phương, đơn vị gửi văn bản về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết./.
Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT (B/c);
- Cục Chăn nuôi;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các Sở, Ban, ngành;
- Đài PT&TH tỉnh, Báo Đắk Nông;
- UBND các huyện, thành phố Gia Nghĩa;
- CVP, các PCVP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, NNTNMT(ltt).
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Trọng Yên
|
PHỤ LỤC
PHÂN CÔNG THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CỦA KẾ HOẠCH
(Kèm theo Kế hoạch số 838/KH-UBND ngày 19/12/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh)
STT
|
Tên nhiệm vụ
|
Cơ quan chủ trì
|
Cơ quan phối hợp
|
Thời gian
|
I
|
Nhiệm vụ ưu tiên
|
1
|
Khảo sát, điều tra về trữ lượng cây nguồn mật phục
vụ cho phát triển nuôi ong hàng hóa phục vụ xuất khẩu (Khi Cục Chăn nuôi thực
hiện nhiệm vụ này trên địa bàn tỉnh).
|
Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn
|
UBND các huyện,
thành phố Gia Nghĩa và các tổ chức, cá nhân liên quan
|
2025-2027
|
2
|
Đặt hàng, tuyển chọn các nhiệm vụ nghiên cứu, ứng
dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất liên quan đến hỗ trợ
phát triển ngành Ong.
|
Sở Khoa học và
Công nghệ
|
Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn; UBND các huyện, thành phố Gia Nghĩa và các tổ chức, cá
nhân liên quan
|
2025-2030
|
II
|
Các nhiệm vụ khác
|
1
|
Tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung Quyết định
số 898/QĐ-BNN- CN ngày 02/4/2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về
phê duyệt Đề án Phát triển bền vững ngành Ong đến năm 2030; lợi ích của nghề
nuôi ong thông qua hoạt động thụ phấn cho cây trồng và sản phẩm ong đến các tổ
chức, cá nhân.
|
Các Sở, ngành;
UBND các huyện, thành phố Gia nghĩa
|
Các Sở, ngành có
liên quan
|
Thường xuyên
|
2
|
Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong việc
kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm mật ong
và các sản phẩm khác từ ong mật.
|
Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn
|
Sở, ngành có liên
quan; UBND các huyện, thành phố Gia Nghĩa và các tổ chức, cá nhân liên quan
|
2025 - 2030
|
3
|
Hướng dẫn người chăn nuôi ong thực hiện tốt các
giải pháp kỹ thuật nuôi ong; các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn
ong.
|
Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn
|
UBND các huyện,
thành phố Gia Nghĩa và các tổ chức, cá nhân liên quan
|
2025 - 2030
|
4
|
Tham mưu cơ quan có thẩm quyền bố trí kinh phí để
thực hiện đạt mục tiêu và các nội dung của Kế hoạch.
|
Sở Tài chính
|
Các Sở, ngành có
liên quan; UBND các huyện, thành phố Gia Nghĩa.
|
2025 - 2030
|
5
|
Triển khai thực hiện cơ chế, chính sách thương mại,
xúc tiến thương mại và hội nhập kinh tế để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm mật ong
của tỉnh đến với thị trường trong nước và tiến tới xuất khẩu.
|
Sở Công Thương
|
Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn; UBND các huyện, thành phố Gia Nghĩa và tổ chức, cá nhân
có liên quan
|
2025-2030
|