ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 708/KH-UBND
|
Nghệ An, ngày 29 tháng 11 năm 2017
|
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH QUỐC GIA KHỐNG CHẾ VÀ TIẾN TỚI LOẠI TRỪ BỆNH DẠI
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN GIAI ĐOẠN 2018 - 2021
A. CĂN CỨ XÂY DỰNG
KẾ HOẠCH
I. Căn cứ pháp
lý
- Luật Thú y số 79/2015/QH13 ngày
19/6/2015.
- Quyết định số 193/QĐ-TTg ngày
13/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình quốc gia khống
chế và tiến tới loại trừ bệnh Dại giai đoạn 2017-2021.
- Quyết định số 1537/QĐ-BNN-TY ngày
24/4/2017 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc phê duyệt Kế hoạch và Dự toán
Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh Dại giai đoạn
2017-2021.
- Thông báo số 3437/TB-BNN-VP ngày
25/4/2017 về ý kiến kết luận của Thứ trưởng Vũ Văn Tám tại hội nghị triển khai
Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh Dại giai đoạn
2017-2020 tại tỉnh Thái Nguyên;
- Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày
31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT Quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật
trên cạn.
II. Căn cứ thực
tiễn.
Những năm qua bệnh
Dại ở nước ta đã làm chết nhiều người, ảnh hưởng đến sức khỏe
cộng đồng, tác động tiêu cực đến xã hội, gây thiệt hại khá
lớn về kinh tế. Giai đoạn 2011 - 2016, trung bình mỗi năm có 92 ca tử vong và
khoảng 400.000 người bị chó cắn phải đi điều trị dự phòng, thiệt hại trực tiếp
hàng năm trên 800 tỷ đồng. Năm 2016, bệnh Dại đã xảy ra tại 28 tỉnh, thành phố
(tập trung tại các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc) làm 91 người chết và
411.937 người phải đi điều trị dự phòng; riêng trong 05 tháng đầu năm 2017 đã
có 23 người tử vong do bệnh Dại tại 12 tỉnh, thành phố. Mầm bệnh lây truyền bệnh
Dại cho người chủ yếu là từ chó nuôi và khi đã bị chó Dại cắn mà không đến cơ sở
y tế để điều trị dự phòng thì chắc chắn sẽ tử vong.
Nghệ An là tỉnh có bệnh Dại lưu hành
nhiều năm nay và là một trong những tỉnh có số người tử vong cao do bệnh Dại: từ
năm 2013 đến hết tháng 8/2017 toàn tỉnh có 52 người tử vong do Dại (năm 2013:
10 người, năm 2014: 10 người, năm 2015: 11 người, năm 2016: 16 người và tám
tháng đầu năm 2017: 5 người). Toàn bộ các trường hợp tử vong do bệnh Dại đều
không đi tư vấn và tiêm vắc xin/kháng huyết thanh phòng bệnh Dại.
Trong thời gian qua, thực hiện chỉ đạo
của Bộ Nông nghiệp và PTNT và Bộ Y tế, UBND tỉnh và các ngành Nông nghiệp và
PTNT, Y tế đã có nhiều văn bản chỉ đạo phòng chống bệnh Dại nhưng tình hình bệnh
Dại trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có nhiều chuyển biến tích cực, kết quả chưa đạt
như mong muốn.
B. NỘI DUNG KẾ HOẠCH
I. Mục tiêu
1. Mục tiêu chung
Khống chế bệnh Dại ở đàn chó nuôi và ở
người nhằm tiến tới loại trừ bệnh Dại trên địa bàn tỉnh
Nghệ An.
2. Mục tiêu cụ thể
- 95% số xã, phường, thị trấn lập được
danh sách hộ nuôi chó và quản lý được đàn chó nuôi.
- Tỷ lệ chó nuôi
được tiêm phòng vắc xin Dại tại các xã, phường, thị trấn đạt trên 85%.
- Trên 70% số huyện không có ca bệnh
Dại chó trong 2 năm liên tiếp.
- Giảm 60% số huyện có nguy cơ cao về
bệnh Dại trên người.
- Giảm 60% số người tử vong do bệnh Dại
vào năm 2021 so với số ca mắc bệnh Dại trung bình giai đoạn
2011-2015.
II. Nội dung thực
hiện
1. Quản lý đàn chó nuôi:
Tổ chức quản lý chó nuôi bằng việc lập
danh sách hộ nuôi chó, thống kê số lượng chó nuôi trong từng hộ gia đình, nắm diễn biến tăng giảm đàn chó nhằm hỗ trợ cho công tác tiêm phòng
vắc-xin Dại và công tác giám sát bệnh Dại.
Chủ nuôi chó khai báo việc nuôi chó với
tổ trưởng dân phố, xóm trưởng, trưởng
bản đồng thời cam kết nuôi nhốt (hoặc xích), giữ chó trong khuôn viên của gia
đình.
Tổ trưởng dân phố, xóm trưởng, trưởng
bản lập danh sách hộ nuôi, số lượng chó nuôi báo cáo UBND cấp xã trước mỗi đợt tiêm phòng (tháng 3 hàng năm ) và báo cáo đột xuất khi có biến động về
số hộ nuôi, tổng đàn chó.
2. Tiêm phòng vắc xin Dại:
- UBND cấp huyện, cấp xã triển khai kế
hoạch tiêm phòng vắc-xin Dại cho đàn chó vào tháng 4-5 hàng năm; huy động các
nguồn lực, lực lượng tại chỗ tổ chức tiêm đại trà, tập trung trong thời gian ngắn
để tạo miễn dịch quần thể tốt cho đàn chó; tổ chức tiêm
phòng bổ sung quanh năm cho chó mới sinh, chó mới nuôi để tạo miễn dịch khép
kín; có chế tài xử lý đối với những hộ không chấp hành tiêm phòng bắt buộc vắc
xin cho đàn chó theo quy định tại Nghị định số: 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của
Chính phủ.
- Nguồn vắc xin:
+ Trung ương hỗ trợ (nếu có);
+ UBND tỉnh hỗ trợ vắc xin tiêm phòng
cho chó nuôi trên địa bàn các huyện, xã miền núi đặc biệt khó khăn, vùng ổ
dịch cũ (xã có người chết do bệnh Dại).
+ Các huyện đồng bằng, các địa phương
ngoài các vùng nêu trên, người chăn nuôi bỏ kinh phí mua vắc xin và trả tiền
công tiêm phòng.
- Cơ quan Chăn nuôi và Thú y tỉnh,
huyện tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật tiêm phòng cho
cán bộ thú y cơ sở tham gia tiêm phòng.
3. Điều trị dự phòng sau phơi
nhiễm cho người
Kiện toàn và mở rộng số lượng các điểm
tiêm vắc xin và huyết thanh kháng Dại phục vụ công tác điều trị dự phòng, đảm bảo
kịp thời, hiệu quả, đặc biệt ở khu vực nguy cơ cao.
UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí tiêm phòng
cho đối tượng người nghèo ở khu vực có nguy cơ cao (vùng đồng bào dân tộc thiểu
số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn); tiêm vắc xin miễn phí dự phòng
trước phơi nhiễm cho người có nguy cơ cao như cán bộ làm các công việc lấy bệnh phẩm, tiêm vắc xin Dại cho chó.
4. Tuyên truyền:
UBND cấp huyện, xã, các Sở, Ban ngành
liên quan tổ chức tuyên truyền thường xuyên trong năm, đặc
biệt vào các đợt cao điểm như chiến dịch tiêm phòng (tháng 4 hàng năm) và những
lúc nguy cơ phát bệnh dịch cao.
- Tuyên truyền trên các phương tiện
thông tin đại chúng: phát các thông điệp về tính chất nguy hiểm của bệnh Dại, các biện pháp phòng chống bệnh, những kiến thức cơ bản
về bệnh Dại; mục đích của công tác quản lý chó nuôi, những điển hình trong công
tác tiêm phòng bệnh Dại, mô hình an toàn về bệnh Dại; mít tinh, quảng bá về
ngày thế giới phòng, chống bệnh Dại...
- Tuyên truyền thông qua tờ rơi về biện
pháp phòng, chống bệnh Dại cấp phát cho mọi người dân và các chủ hộ nuôi chó,
mèo.
- Tuyên truyền
lưu động bằng ô tô, xe máy, loa tay để phát các thông điệp về tính chất nguy hiểm
của bệnh Dại, các biện pháp phòng bệnh.
5. Giám sát bệnh Dại:
- Chủ động giám sát chặt chẽ tình
hình dịch bệnh Dại động vật từ cấp tỉnh đến cơ sở thông qua mạng lưới thú y, y tế, các cơ sở kinh
doanh thuốc thú y trên địa bàn và sự tham gia của cộng đồng dân cư.
- Khi phát hiện chó nghi mắc bệnh Dại,
tổ chức tiêu hủy ngay đồng thời thông báo cho cơ quan Y tế nơi gần nhất để
tăng cường biện pháp phòng bệnh Dại cho người; triển khai thực hiện
các biện pháp phòng chống bệnh Dại theo quy định.
- Hàng năm, lập bản đồ phân bố đàn
chó, bản đồ dịch tễ bệnh Dại trên người và động vật để xác định khu vực có nguy
cơ cao về bệnh Dại nhằm ưu tiên tập trung các nguồn lực trong công tác phòng,
chống bệnh Dại.
6. Điều tra và xử lý ổ dịch:
Điều tra, xử lý các ổ dịch bệnh Dại trên người và động vật theo hướng tiếp cận một sức khỏe,
có sự phối hợp của ngành Thú y và Y tế, bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật.
UBND cấp xã thành lập tổ, đội bắt chó có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ bệnh Dại
và chó thả rông trong vùng có ổ dịch Dại để xử lý.
7. Kiểm soát chặt chẽ việc vận
chuyển chó:
Tăng cường kiểm dịch vận chuyển chó
trong nước và xử lý nghiêm các hành vi vận chuyển chó bất hợp pháp theo quy định của pháp luật về thú y.
8. Nâng cao năng lực chuyên môn
trong phòng, chống bệnh Dại:
Tổ chức tập huấn cho cán bộ về năng lực
quản lý đàn chó; điều tra, giám sát, chẩn đoán xác định bệnh Dại; kỹ năng truyền
thông về bệnh Dại; kỹ thuật xử lý các vết thương do động vật
cào, cắn; quy trình điều trị dự phòng sau phơi nhiễm; kỹ năng bắt chó mắc bệnh
Dại và các biện pháp xử lý ổ dịch bệnh Dại động vật.
9. Xây dựng vùng an toàn bệnh Dại:
Khuyến khích các xã, phường, thị trấn
đặc biệt ở nội thành, nội thị, nơi đông khách du lịch tiến hành xây dựng vùng,
cơ sở an toàn bệnh Dại theo Thông tư số 14/2016/TT-BNNPTNT
ngày 02/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về vùng, cơ sở an toàn dịch
bệnh động vật để đảm bảo an toàn cho cộng đồng và du khách
tới du lịch, tham quan.
10. Hội nghị quán triệt triển khai kế hoạch; tổng kết rút kinh nghiệm
Hằng năm tổ chức họp triển khai trước
khi tiêm phòng, sơ kết, tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm.
III. Nguồn kinh
phí thực hiện
1. Ngân sách tỉnh
Bố trí để thực hiện các nhiệm vụ
chính sau:
- Chỉ đạo, thông tin tuyên truyền,
đào tạo, tập huấn, hội nghị sơ kết, tổng kết.
- Quản lý đàn chó (in sổ quản lý
đàn chó; phiếu đăng ký nuôi và cam kết cho người nuôi chó; hỗ trợ
kinh phí điều tra, thống kê đàn chó cho trưởng thôn, xóm, bản),...;
- Tổ chức tiêm phòng; hỗ trợ vật tư,
bảo hộ lao động, vợt bắt chó; hỗ trợ vắc xin Dại tiêm phòng cho chó nuôi trên địa
bàn các huyện, xã đặc biệt khó khăn, vùng ổ dịch cũ, vùng nguy cơ cao;
- Hỗ trợ vắc-xin/huyết thanh kháng Dại
cho người tham gia, chỉ đạo, kiểm tra tiêm phòng bệnh Dại (ở cấp tỉnh) khi bị
chó cắn và các khoản chi khác có liên quan.
- Giám sát dịch bệnh (chẩn đoán xét
nghiệm bệnh, giám sát lưu hành vi rút, vẽ bản đồ phân bố đàn chó, bản đồ dịch tễ
bệnh Dại trên động vật...);
- Điều tra, xử lý ổ dịch bệnh Dại.
2. Ngân sách cấp huyện, xã
Đảm bảo kinh phí để triển khai thực
hiện các hoạt động của địa phương, bao gồm:
- Chỉ đạo, thông tin tuyên truyền, tập
huấn, hội nghị sơ kết, tổng kết.
- Kinh phí chi trả cho đội bắt chó của
huyện, xã khi thực hiện nhiệm vụ.
- Tổ chức tiêm phòng (chi phí tiêm
phòng của hộ nuôi chó ở thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III trở lên: tiền
công, dây đeo, thẻ; vận chuyển, bảo quản vắc-xin từ huyện đến xã và đến điểm
tiêm phòng; chi phí cho vật tư tiêm phòng: trang thiết bị bảo quản vắc-xin, bơm tiêm, kim tiêm các loại, dụng cụ cho người đi tiêm, cồn sát trùng;
người dẫn đường; chuồng nhốt giữ chó do Đội bắt chó bắt giữ);
- Hỗ trợ vắc-xin/huyết thanh kháng Dại
cho người tham gia, chỉ đạo, kiểm tra tiêm phòng bệnh Dại (ở cấp huyện, xã) khi
bị chó cắn và các khoản chi khác có liên quan.
3. Người nuôi chó
Chi trả 100% tiền mua vắc-xin và phí
tiêm phòng (công tiêm phòng, dây đeo, thẻ); chi trả cho điều trị y tế dự phòng
khi bị chó cắn.
C. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
I. Ủy ban nhân
dân các huyện, thị xã, thành phố:
- Chỉ đạo phòng Nông nghiệp/Kinh tế,
Trạm Chăn nuôi và Thú y, các phòng, các đơn vị và UBND các xã, phường, thị trấn:
Xây dựng và trực tiếp tổ chức triển khai kế hoạch phòng, chống bệnh Dại giai đoạn
2018-2021 trên địa bàn. Bố trí nguồn lực, kinh phí để thực hiện các hoạt động của
địa phương.
- Chỉ đạo Đài Truyền thanh - Truyền
hình cấp huyện, Truyền thanh cấp xã tăng cường tuyên truyền các nội dung về
phòng, chống bệnh Dại; phát động chiến dịch tuyên truyền trong các đợt điều
tra, thống kê đàn chó, các đợt tiêm phòng vắc-xin Dại cho đàn chó.
- Đưa chỉ tiêu kết
quả phòng, chống bệnh Dại vào tiêu chí đánh giá, xếp loại hoàn thành nhiệm vụ
hàng năm của UBND cấp xã.
- Xử lý các cá nhân, tổ chức không chấp
hành việc tiêm phòng vắc-xin Dại cho chó theo quy định tại Nghị định số:
90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ: Quy định xử phạt vi phạm hành chính
trong lĩnh vực Thú y.
- Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn:
+ Bố trí nguồn lực tổ chức thực hiện
các hoạt động trên địa bàn cấp xã.
+ Tuyên truyền, giáo dục pháp luật
cho người dân tích cực tham gia phòng, chống bệnh Dại cho
người và động vật.
+ Tổ chức triển khai công tác điều
tra, thống kê, quản lý đàn chó; công tác tiêm vắc-xin phòng bệnh Dại cho đàn
chó; theo dõi giám sát chặt chẽ tình hình bệnh Dại trên đàn chó; thường xuyên
kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch đến cơ sở; thực hiện chế độ thông
tin, báo cáo theo quy định.
+ Chỉ đạo thực hiện việc đăng ký nuôi
chó, quản lý chặt chẽ đàn chó nuôi đến hộ gia đình; xử lý
kiên quyết các trường hợp chó hoang, thả rông, vô chủ, chó
không tiêm phòng; giám sát chặt chẽ diễn biến đàn chó, mèo tại địa phương.
+ Tổ chức, thực hiện tiêm phòng vắc-xin
Dại cho 100% chó nuôi thuộc diện tiêm trên địa bàn.
+ Thành lập Đội bắt chó thả rông và diệt chó nghi mắc bệnh Dại, chó không tiêm phòng bệnh
Dại theo quy định.
+ Thực hiện quản lý chặt chẽ đàn chó
nuôi đến hộ gia đình; áp dụng các biện pháp phòng bệnh bắt buộc khác để phòng bệnh
Dại cho động vật theo quy định của pháp luật.
+ Tổ chức tiêu hủy chó bị bắt giữ
(chó vô chủ, chó mắc bệnh Dại, có dấu hiệu mắc bệnh Dại, chó không có người nhận
sau 48 giờ...).
II. Các Sở,
ngành cấp tỉnh
1. Sở Nông nghiệp
và PTNT
- Tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, tổ chức
triển khai thực hiện công tác phòng, chống bệnh Dại ở chó,
mèo trên địa bàn tỉnh.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, các
cấp, các ngành liên quan chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc tổ chức triển
khai thực hiện. Tổng hợp kết quả, định kỳ báo cáo UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và
PTNT và Bộ Y tế theo quy định.
- Xây dựng kế hoạch và kinh phí hoạt
động phòng, chống bệnh Dại từng năm, lập dự toán chi tiết
kinh phí thực hiện đề nghị Sở Tài chính thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt.
- Tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết
đánh giá kết quả triển khai phòng, chống bệnh Dại hàng
năm; đề xuất khen thưởng các địa phương, tập thể, cá nhân
có thành tích tốt, đồng thời phê bình các địa phương, tập thể còn chủ quan,
chưa chú trọng trong công tác phòng, chống bệnh Dại.
- Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y:
+ Xây dựng kế hoạch kinh phí từng năm
để triển khai Kế hoạch.
+ Phối hợp với các ngành liên quan,
các địa phương kiểm tra, hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, giám sát công tác tiêm
phòng bệnh Dại.
+ Phối hợp với Đài PT-TH, Báo Nghệ An
tổ chức thông tin, tuyên truyền sâu, rộng các nội dung phòng chống bệnh Dại.
+ Tiếp nhận, chuẩn bị và cung ứng kịp
thời, đầy đủ các loại vắc-xin, hóa chất, vật tư, bảo hộ
lao động, vợt bắt chó, Giấy chứng nhận tiêm phòng, thẻ và
dây đeo vòng cổ cho chó đã tiêm phòng...
+ Tham mưu Sở Nông nghiệp và PTNT,
UBND tỉnh các biện pháp khống chế, xử lý ổ dịch khi có bệnh Dại động vật xảy ra trên địa bàn tỉnh.
2. Sở Y tế
Chủ trì tổ chức triển khai các hoạt động
phòng, chống bệnh Dại trên người; chỉ đạo Trung tâm Y tế dự
phòng tỉnh phối hợp chặt chẽ với Chi cục Chăn nuôi và Thú y triển khai thực hiện
tốt các nội dung theo Kế hoạch, thực hiện tốt việc trao đổi thông tin trong
giám sát bệnh lây truyền từ động vật sang người.
3. Sở Tài chính
Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp
và PTNT thẩm định dự toán chi tiết, cân đối nguồn, tham mưu UBND tỉnh bố trí
kinh phí ngân sách tỉnh để thực hiện kịp thời.
4. Sở Thông tin Truyền thông
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT,
sở Y tế chỉ đạo, hướng dẫn đẩy mạnh công tác thông tin,
tuyên truyền về bệnh Dại trên các phương tiện thông tin đại
chúng, Cổng Thông tin điện tử của tỉnh, nhằm nâng cao trách nhiệm phòng, chống
bệnh Dại của các cấp, các ngành; nâng cao hiểu biết của người
dân về bệnh Dại và cách phòng chống.
5. Đài Phát thanh Truyền hình,
Báo Nghệ An
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Y tế tăng cường thời lượng phát sóng, đăng tải tuyên truyền về
phòng chống bệnh Dại trên người và động vật đạt chất lượng, hiệu quả.
6. Các đoàn thể chính trị xã hội
Chỉ đạo các cấp hội đẩy mạnh công tác
tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên tham gia và tích cực hưởng ứng Kế hoạch
phòng, chống bệnh Dại trên địa bàn tỉnh.
III. Trách nhiệm
của tổ chức, cá nhân nuôi chó:
Tổ chức, cá nhân nuôi chó, phải tuân
thủ các quy định về phòng, chống bệnh Dại và hướng dẫn của cơ quan thú y trong
việc quản lý, giám sát và xử lý ổ dịch bệnh Dại ở động vật,
cụ thể:
- Chủ nuôi chó phải đăng ký việc nuôi chó với UBND cấp xã.
- Xích nhốt hoặc giữ chó trong khuôn
viên gia đình; bảo đảm vệ sinh môi trường không ảnh hưởng
xấu tới người xung quanh. Khi đưa chó ra nơi công cộng phải bảo đảm an toàn cho
người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm cho chó hoặc xích giữ
chó và có người dắt.
- Trường hợp các tổ chức, cá nhân
nuôi chó tập trung phải bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y,
không gây ồn ào, ảnh hưởng xấu tới những người xung quanh.
- Tiêm phòng bắt buộc vắc xin Dại cho
chó, mèo theo quy định của cơ quan thú y. Chủ vật nuôi phải thanh toán các khoản
chi phí tiêm phòng theo quy định của pháp luật.
- Khi động vật đã xác định mắc bệnh Dại,
chủ vật nuôi phải tiêu hủy ngay con vật; vệ sinh khử trùng tiêu độc toàn bộ chuồng,
cũi, dụng cụ chăn nuôi, vận chuyển, môi trường, thức ăn, chất thải các vật dụng
khác đã tiếp xúc với con vật mắc bệnh; những con vật nghi mắc bệnh Dại phải nhốt
để theo dõi trong 14 ngày, nếu phát bệnh Dại thì phải tiêu hủy theo quy định.
- Chịu mọi chi phí trong trường hợp
có chó thả rông bị bắt giữ, kể cả chi phí cho việc nuôi dưỡng và tiêu hủy chó.
Trường hợp chó, mèo cắn hoặc cào người thì chủ vật nuôi phải bồi thường vật chất
cho người bị hại theo quy định của pháp luật./.
Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT; Để b/c
- Cục Thú y; Để b/c
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh; Để b/c
- Chủ tịch UBND tỉnh; Để b/c
- PCT NN;
- UBMT Tổ quốc, các đoàn thể cấp
tỉnh;
- Các Sở, Ban, Ngành cấp tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố, thị xã;
- Báo Nghệ An, Đài PT-TH tỉnh;
- CVP, PVP TC UBND tỉnh;
- Lưu: VT, NN (Minh).
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Đinh Viết Hồng
|