ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
3809/KH-UBND
|
Bến
Tre, ngày 17 tháng 8 năm 2018
|
KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG
PHÁT TRIỂN NGÀNH TÔM TỈNH BẾN TRE ĐẾN NĂM 2025
Căn cứ Quyết định số 79/QĐ-TTg ngày
18/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia
phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025;
Căn cứ điều kiện tự nhiên, nguồn lực
thực tế tại địa phương, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh ban hành Kế hoạch hành động
phát triển ngành tôm tỉnh Bến Tre đến năm 2025 với những nội dung chủ yếu như
sau:
I. HIỆN TRẠNG
PHÁT TRIỂN NGÀNH TÔM TỈNH BẾN TRE GIAI ĐOẠN 2016 - 2017
Nghề nuôi tôm tỉnh Bến Tre phát triển
mạnh và khá lâu, đặc biệt là nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh. Mặc dù có thời
gian thăng trầm, nhưng nghề nuôi tôm tỉnh nhà vẫn giữ vững tốc độ phát triển,
nhờ con tôm làm thay đổi diện mạo nông thôn, đời sống nông dân được cải thiện
và nâng lên rõ rệt. Nhiều mô hình nuôi tôm UDCNC mới được áp dụng, bước đầu
mang lại hiệu quả thiết thực1. Bên cạnh đó các mô hình nuôi tôm sinh
thái, tôm lúa, mô hình nuôi tôm càng xanh bán thâm canh đang được áp dụng để
nâng cao năng suất, sản lượng, tăng giá trị con tôm, tạo ra nguồn nguyên liệu
đáp ứng nhu cầu thị trường.
Tình hình, dịch bệnh trên thủy sản
nuôi được kiểm soát chặt chẽ, tuy nhiên vẫn phát sinh nhiều bệnh mới2 với tính
chất ngày càng phức tạp, dễ lây lan và gây chết hàng loạt, đặc biệt là trong điều
kiện biến đổi khí hậu, nắng nóng kéo dài, độ mặn tăng cao và xâm nhập sâu.
Hoạt động sản xuất giống có nhiều
chuyển biến tích cực, tính đến cuối năm 2017, toàn tỉnh Bến Tre có 67 cơ sở sản
xuất tôm giống3,
với tổng công suất khoảng 4 tỷ post/năm, trong đó, có 04 trại sản xuất giống có
công suất hơn 400 triệu post/năm, các trại còn lại có quy mô nhỏ. Trên thực tế,
sản lượng tôm giống sản xuất rất thấp4 nên người nuôi phải nhập giống với số
lượng lớn từ ngoài tỉnh về phục vụ nuôi thủy sản, nhất là tôm nước lợ. Để góp
phần đáp ứng nguồn con giống tại chỗ cho người nuôi trên địa bàn, Tỉnh có chính
sách thu hút đầu tư xây dựng trại sản xuất giống có quy mô lớn, cụ thể như khu
sản xuất giống tôm nước lợ của Công ty TNHH một thành viên Việt Úc - Bến Tre tại
xã Bảo Thuận với diện tích 55 ha.
II. TỒN TẠI, HẠN
CHẾ
Cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy
sản đầu tư chưa đồng bộ (điện, hệ thống cấp thoát nước); một số tuyến đê ngăn mặn
chưa được hoàn chỉnh.
Công tác quản lý chất lượng đầu vào
và giám sát quá trình sản xuất của các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống còn gặp
nhiều khó khăn5;
hoạt động nuôi trồng, sản xuất giống tôm còn manh mún, hiệu quả không cao, năng
suất không đáp ứng nhu cầu thực tế của nghề nuôi.
Trình độ kỹ thuật, khả năng quản lý
của người nuôi còn thấp nên việc tiếp cận, cập nhật kiến thức chuyên môn còn hạn
chế.
Người dân thiếu vốn đầu tư sản xuất;
chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa người nuôi - cơ quan chức năng - doanh nghiệp
trong giải quyết đầu vào cho sản xuất và đầu ra cho sản phẩm.
Toàn tỉnh có 13 nhà máy chế biến thủy
sản nhưng chủ yếu sản xuất mặt hàng như nghêu, cá tra đông lạnh; chưa chú trọng
tập trung xây dựng thương hiệu cho tôm; thị trường xuất khẩu còn hạn hẹp chủ yếu
tập trung vào thị trường EU.
Vấn đề ô nhiễm môi trường, tác động
của biến đổi khí hậu dẫn đến phát sinh nhiều dịch bệnh, rủi ro cho nghề nuôi
tôm ngày càng lớn; giá cả thức ăn phục vụ nuôi thủy sản tiếp tục gia tăng do
nguồn nguyên liệu khan hiếm,...
III. MỤC ĐÍCH,
YÊU CẦU
1. Mục đích
Quán triệt nội dung, cụ thể hóa và
tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp lĩnh vực ngành tôm trên địa
bàn tỉnh Bến Tre góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Quyết định số
79/QĐ-TTg ngày 18/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch
hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025.
2. Yêu cầu
Kế hoạch phải cụ thể hóa được các
nhiệm vụ như mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp để triển khai thực hiện
có hiệu quả và phù hợp với tình hình thực tế nhằm phát triển ngành tôm giai đoạn
2018 - 2020, định hướng đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Bến Tre.
Kế hoạch là căn cứ để các cơ quan,
sở, ban ngành và địa phương có liên quan trên địa bàn tỉnh xây dựng kế hoạch
hành động, triển khai thực hiện theo chức năng nhiệm vụ được giao nhằm góp phần
thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển ngành tôm Việt Nam đến
năm 2025.
IV. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu tổng quát
Phát triển ngành tôm Bến Tre trở
thành ngành công nghiệp sản xuất mũi nhọn, bền vững, thích ứng với biến đổi khí
hậu và bảo vệ môi trường sinh thái; nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất và sức
cạnh tranh của sản phẩm tôm Việt Nam; mang lại lợi ích cho người dân, doanh
nghiệp và nền kinh tế tỉnh nhà.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Giai đoạn 2018-2020 (phụ lục
Ia, Ib, IIIa, VII đính kèm)
Phát triển ngành tôm theo chuỗi giá
trị từ sản xuất đến tiêu thụ, nhằm góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết số
03-NQ/TU của Tỉnh ủy gắn với Đề án Tái cơ cấu Ngành nông nghiệp và xây dựng
nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Một số chỉ tiêu cụ thể, đến năm 2020:
- Tổng diện tích nuôi tôm đạt
36.800 ha (tăng trưởng bình quân 0,41%/năm), trong đó, tôm nước lợ 35.000 ha;
tôm càng xanh 1.800 ha.
- Tổng sản lượng tôm nuôi đạt
62.810 tấn (tăng trưởng bình quân 6%/năm), trong đó, tôm nước lợ 62.000 tấn;
tôm càng xanh 810 tấn.
- Giá trị kim ngạch xuất khẩu các sản
phẩm tôm đạt 30 triệu USD (tăng trưởng bình quân đạt 9,54%/năm).
b) Giai đoạn 2020 - 2025 (phụ
lục IIa, IIb, IIIb, VII đính kèm)
Ngành công nghiệp tôm ứng dụng công
nghệ cao được hình thành tại các vùng sản xuất trọng điểm; vùng nuôi tôm quảng
canh, tôm lúa, tôm rừng được áp dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất,
giá trị sản phẩm dựa trên các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý; hệ thống cơ sở
hạ tầng, dịch vụ kỹ thuật được đầu tư đồng bộ. Một số chỉ tiêu cụ thể, đến năm
2025:
- Tổng diện tích nuôi tôm đạt
37.420 ha (tăng trưởng bình quân 0,33%/năm), trong đó, tôm nước lợ 35.520 ha;
tôm càng xanh 1.900 ha.
- Tổng sản lượng tôm nuôi đạt
97.655 tốn (tăng trưởng bình quân đạt 9,23%/năm, trong đó, tôm nước lợ 96.740 tấn;
tôm càng xanh 915 tấn.
- Tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu
các sản phẩm tôm đạt 53 triệu USD (tăng trưởng bình quân đạt 12%/năm).
V. ĐỊNH HƯỚNG
PHÁT TRIỂN
Xây dựng vùng nuôi thâm canh ứng dụng
công nghệ cao tập trung theo tiêu chuẩn GAP, tạo sản lượng hàng hóa lớn phục vụ
xuất khẩu và tiêu thụ trong nước gắn với truy xuất nguồn gốc; cải tiến quy
trình nuôi tôm quảng canh, tôm rừng, tôm lúa để nâng cao năng suất, tạo sản phẩm
xuất khẩu chất lượng cao và bảo vệ môi trường sinh thái.
Phát triển ngành tôm gắn với thị
trường tiêu thụ, nâng cao chất lượng và xây dựng các thương hiệu sản phẩm tôm
theo từng đối tượng, phương thức nuôi.
Đầu tư phát triển ngành tôm theo tư
duy hệ thống và chuỗi giá trị, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò dẫn dắt và là
động lực của toàn chuỗi giá trị.
Tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp
tác, liên kết các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ để tạo vùng nguyên liệu tập trung quy mô
lớn, tạo đầu mối để liên kết với các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào và
tiêu thụ sản phẩm đầu ra.
Rà soát hoàn chỉnh quy hoạch, công
bố quy hoạch đảm bảo thích ứng với biến đổi khí hậu; tập trung phát triển
nhanh, mạnh các đối tượng có thị trường tốt, nhân rộng và phát triển mô hình
nuôi tôm theo công nghệ cao, nuôi an toàn sinh học, nuôi 2 giai đoạn để nâng
cao năng suất, sản lượng và phát triển bền vững.
VI. NHIỆM VỤ VÀ
GIẢI PHÁP
1. Nhiệm vụ
a) Đối với tôm nước lợ nuôi thâm
canh, bán thâm canh
Rà soát quy hoạch và xây dựng các
vùng nuôi theo hướng công nghệ cao; tập trung phát triển nhanh, mạnh đối với
tôm sú, tôm chân trắng có thị trường tốt, nhân rộng và phát triển mô hình nuôi
tôm theo công nghệ cao, nuôi an toàn sinh học, nuôi 2 giai đoạn để nâng cao
năng suất, sản lượng và phát triển bền vững. Đến năm 2025, nâng cao năng suất
mô hình nuôi tôm chân trắng thâm canh đạt: 15 tấn/ha mặt nước/vụ, tôm sú 8 tấn/ha
mặt nước/vụ; nuôi tôm 2 giai đoạn đạt 80-90 tấn/ha mặt nước/vụ.
Đầu tư xây dựng hệ thống điện 3 pha
đảm bảo cung cấp đủ điện cho các vùng sản xuất tôm sú, tôm chân trắng siêu thâm
canh, thâm canh, bán thâm canh; nâng cấp, hoàn thiện hệ thống giao thông, thủy
lợi và cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đặc biệt tại các xã nuôi tôm
trọng điểm trên địa bàn 3 huyện ven biển.
Sản xuất giống tôm nước lợ chất lượng
cao đạt 60% nhu cầu nuôi (8 tỷ tôm giống) vào năm 2025.
Chuyển giao, ứng dụng khoa học công
nghệ, giải pháp kỹ thuật mới trong nuôi tôm nhằm nâng cao năng suất, chất lượng
sản phẩm.
Xây dựng thương hiệu con tôm nước lợ
trên địa bàn tỉnh.
b) Đối với tôm nước lợ nuôi quảng
canh, tôm lúa, tôm rừng (sinh thái)
Hình thành các vùng nuôi tôm sinh
thái có quy mô lớn trên địa bàn 3 huyện: Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú.
Đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống
cơ sở hạ tầng phục vụ các vùng sản xuất tôm sinh thái.
Nâng cao năng suất, sản lượng và chất
lượng sản phẩm. Năm 2025, năng suất trung bình tôm quảng canh, tôm lúa đạt từ
300-500kg/ ha/năm, tôm sinh thái đạt trên 750kg/ha/năm.
Chọn tạo và sản xuất đủ tôm sú giống
chất lượng cao (1,7 tỷ tôm giống) vào năm 2025.
Chứng nhận vùng nuôi tôm sinh thái
trên địa bàn tỉnh.
c) Đối với nuôi tôm càng xanh
Rà soát quy hoạch và đầu tư cải thiện
hạ tầng vùng nuôi tôm càng xanh tập trung tại huyện Thạnh Phú.
Tổ chức nuôi thương phẩm tôm càng
xanh với năng suất và chất lượng ổn định, hiệu quả và bền vững.
Xây dựng quy trình nuôi thâm canh để
nâng cao năng suất, sản lượng làm nguồn nguyên liệu cho xuất khẩu.
Hỗ trợ vốn, chuyển giao khoa học kỹ
thuật để nâng cao năng lực sản xuất của các trại sản xuất giống tại địa phương.
Sản xuất cung ứng giống tôm càng
xanh đảm bảo chất lượng và đủ số lượng (300 triệu tôm giống) phục vụ nuôi
thương phẩm vào năm 2025.
Xây dựng chỉ dẫn địa lý con tôm
càng xanh huyện Thạnh Phú.
d) Đối với chế biến và tiêu thụ
các sản phẩm tôm
Kêu gọi đầu tư 2 - 3 nhà máy chế biến
tôm (đến năm 2020 đầu tư 1 đến 2 nhà máy; đến năm 2025 đầu tư thêm 1 nhà máy);
rà soát, phát triển công suất, công nghệ chế biến tôm phù hợp với năng lực sản
xuất tôm nguyên liệu và đáp ứng với thị trường tiêu thụ.
Áp dụng các quy trình quản lý tiên
tiến và công nghệ mới vào khâu thu hoạch, vận chuyển, chế biến, bảo quản các loại
sản phẩm tôm để tiết kiệm nhiên liệu, giảm giá thành sản phẩm, tăng tỷ trọng mặt
hàng giá trị gia tăng.
Quản lý, kiểm soát chặt chẽ hoạt động
thu mua tôm nguyên liệu; kiểm soát tốt chất lượng sản phẩm, ngăn chặn hữu hiệu
các hoạt động bơm tạp chất vào sản phẩm tôm.
Duy trì các thị trường hiện tại và
mở rộng xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng.
2. Giải pháp thực hiện
a) Về tổ chức và quản lý sản xuất
Tiếp tục triển khai tốt Kế hoạch số
330/KH-UBND ngày 25/4/2017 về việc thực hiện Nghị quyết 03-NQ/TU của Tỉnh ủy về
xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Bến Tre
giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến 2025; Chương trình phát triển thủy sản tỉnh
Bến Tre giai đoạn 2018-2020 và giai đoạn 2021-2030.
Phát triển các mô hình hợp tác,
liên kết các hộ nuôi, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ lại thành các Tổ hợp tác, Hợp tác
xã để tạo ra các vùng sản xuất nguyên liệu lớn, tập trung làm đầu mối liên kết
với các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi
giá trị, giảm bớt các khâu trung gian.
Chuyển đổi cơ cấu một số vùng sản
xuất nông nghiệp kém hiệu quả thành vùng nuôi thủy sản chuyên canh, phù hợp với
quy hoạch, gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ.
Kiểm tra, kiểm soát hệ thống sản xuất
và phân phối con giống, thức ăn, thuốc, hóa chất, vật tư phục vụ ngành tôm trên
địa bàn toàn tỉnh, quan trắc môi trường và kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh
tại các vùng nuôi tập trung.
Vận động, khuyến khích, tạo điều kiện
thuận lợi cho các tổ chức cá nhân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, các biện
pháp quản lý tiên tiến, thân thiện với môi trường tại các vùng nuôi tập trung;
thay thế dần việc sử dụng hóa chất sang sử dụng chế phẩm sinh học; hạn chế tối
đa hoặc không sử dụng thuốc, kháng sinh trong nuôi tôm biển.
Tạo điều kiện các doanh nghiệp tiếp
cận, ký hợp đồng liên kết trực tiếp với các Tổ hợp tác, Hợp tác xã để cung cấp
sản phẩm đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra nhằm hạn chế các khâu trung gian,
giảm giá thành sản xuất, tăng thu nhập cho cả người nuôi và doanh nghiệp.
b) Về khoa học công nghệ và khuyến
ngư
Phối hợp với các Trường, Viện
nghiên cứu tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới, đặc biệt là các
công nghệ mang tính đột phá phù hợp với từng khâu của chuỗi sản xuất vật tư (giống,
thức ăn, thuốc, chế phẩm xử lý môi trường, thiết bị), nuôi thương phẩm, chế biến,
bảo quản và tiêu thụ sản phẩm tôm.
Tăng cường ứng dụng các tiến bộ kỹ
thuật và công nghệ mới vào nuôi trồng thủy sản nhằm thay thế phương pháp nuôi
trồng truyền thống; chuyển giao cho người dân về giống, kỹ thuật tiên tiến để
nâng cao năng suất, giá trị chất lượng sản phẩm; xây dựng các mô hình trình diễn
thí điểm, hoàn thiện quy trình nuôi để chuyển giao cho nông dân.
Tổ chức đánh giá, tổng kết các mô
hình sản xuất thành công trong thực tiễn như mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn, mô
hình nuôi tôm trong nhà kín, sử dụng chế phẩm sinh học trong ao tôm nuôi sinh
thái,...để phổ biến, tuyên truyền và nhân rộng.
Ứng dụng công nghệ thông tin,
phương pháp quản trị tiên tiến trên thế giới vào quản lý ngành tôm; áp dụng
công nghệ tin học, viễn thám để quản lý môi trường, dịch bệnh và các khâu trong
chuỗi sản xuất ở các vùng nuôi tập trung.
Củng cố mạng lưới khuyến ngư cơ sở
có nghiệp vụ và chuyên môn sâu để hướng dẫn, hỗ trợ người dân ứng dụng khoa học
- công nghệ vào nuôi tôm biển; đào tạo cho người lao động trực tiếp sản xuất tại
các hộ dân, trang trại, doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản về kỹ thuật nuôi tôm
và các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh...
c) Về xây dựng cơ sở hạ tầng
Đầu tư hệ thống thủy lợi cho vùng
nuôi tôm biển tập trung; ưu tiên thực hiện các Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc
biệt là hệ thống kênh cấp, thoát nước đối với các vùng nuôi tôm tập trung, vùng
nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao tại 3 huyện: Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú.
Đầu tư mở rộng khu sản xuất giống tập
trung huyện Bình Đại, khuyến khích các doanh nghiệp có uy tín đầu tư sản xuất
giống tôm nước lợ có chất lượng tại tỉnh để đáp ứng nhu cầu của người nuôi tôm.
Tiếp tục hướng dẫn người dân đầu tư
hoàn chỉnh hệ thống ao nuôi, trại sản xuất giống tôm biển theo đúng quy trình kỹ
thuật.
Đầu tư hệ thống điện 3 pha vùng
nuôi tôm tập trung, đặc biệt đối với các vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao.
d) Về phòng chống dịch bệnh
Xây dựng và triển khai thực hiện tốt
công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản hàng năm trên địa bàn tỉnh.
Nâng cao vai trò quản lý, điều hành
của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh thủy sản và Ban chỉ đạo vụ nuôi thủy sản
các cấp; nâng cao hiệu quả công tác quản lý môi trường, dịch bệnh.
Tăng cường tuyên truyền vận động
người dân không xả chất thải, mầm bệnh chưa qua xử lý theo quy định ra môi trường
tự nhiên, đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
đ) Về cơ chế, chính sách
Chính sách về khoa học công nghệ:
- Khuyến khích các hoạt động nghiên
cứu, chuyển giao ứng dụng công nghệ cao, tiên tiến, thân thiện với môi trường
vào sản xuất ở các khâu của chuỗi giá trị tôm.
- Khuyến khích các doanh nghiệp đầu
tư nghiên cứu và hợp tác với các cơ quan nghiên cứu công lập để tận dụng cơ sở
vật chất, nguồn lực, từ đó đẩy nhanh tiến độ trong nghiên cứu công nghệ phát
triển ngành tôm (đặc biệt các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, xây dựng
nhà máy chế biến tôm tại tỉnh).
Triển khai và thực hiện tốt các
chính sách giao, cho thuê sử dụng đất, mặt nước để nuôi tôm; chính sách về tín
dụng.
Triển khai và thực hiện tốt kế hoạch
nâng cấp chuỗi giá trị sản phẩm tôm biển giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến
2025 trên địa bàn 3 huyện ven biển.
Ngoài ra, tiếp tục triển khai và thực
hiện tốt các quy định hiện hành:
- Quyết định số 813/QĐ-NHNN ngày
24/4/2017 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về chương trình cho vay khuyến khích
phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết
30/NQ-CP ngày 07/3/2017 của Chính phủ;
- Quyết định số 738/QĐ-BNN-KHCN
ngày 14/3/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tiêu chí xác định
chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, danh
mục công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp;
- Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg ngày
09/01/2012 về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất
nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản…;
- Quyết định số 51/2017/QĐ-UBND
ngày 04 tháng 10 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre Quy định về cơ chế,
chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại
do thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Bến Tre;
- Quyết định số 03/2015/QĐ-UBND về
chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh Bến Tre;
- Nghị Quyết Số 07/2016/NQ-HĐND,
ngày 03 tháng 8 năm 2016 về chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư
vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Bến Tre;
- Nghị quyết số 08/2016/NQ-HĐND
ngày 03 tháng 8 năm 2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bến Tre về chính sách hỗ trợ
tổ hợp tác liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản gắn với doanh nghiệp trên địa
bàn tỉnh Bến Tre.
e) Về đào tạo, phát triển nguồn
nhân lực chất lượng cao phục vụ ngành tôm
Sắp xếp, tổ chức, củng cố, nâng cấp
và mở rộng hệ thống cơ sở đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với nhu cầu phát triển
ngành tôm; có chính sách khuyến khích các cơ sở nghiên cứu, đào tạo gắn kết với
các doanh nghiệp để đưa nhanh tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất.
Quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng
nâng cao năng lực quản lý, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ,
công chức chuyên ngành; đảm bảo quyền lợi của người lao động, có chính sách
chăm lo đời sống cho công nhân để công nhân gắn bó làm việc lâu dài cho doanh
nghiệp.
Tổ chức tập huấn, đào tạo, hướng dẫn
kỹ thuật, hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn trong nuôi tôm thương phẩm để người
sản xuất, doanh nghiệp tiếp cận các tiến bộ kỹ thuật mới.
g) Huy động nguồn vốn thực hiện
Đa dạng hóa các nguồn vốn huy động,
gắn với nguồn vốn của các chương trình, đề án, dự án đã được phê duyệt và đang
triển khai để thực hiện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng sản xuất tập trung.
Xây dựng chính sách tín dụng phù hợp,
đảm bảo người nuôi có đủ vốn sản xuất; huy động và sử dụng tối đa hiệu quả của
các nguồn vốn đầu tư, vốn vay lãi suất thấp, vốn vay theo cơ chế ưu đãi, phát
huy cao các nguồn nội lực đồng thời tạo mọi điều kiện để tranh thủ khai thác
các yếu tố, nguồn vốn hợp pháp từ bên ngoài (bao gồm vốn của trung ương, quốc tế,
vốn của các địa phương...).
Xây dựng kế hoạch bố trí tăng kinh
phí ngân sách hàng năm, hỗ trợ, khuyến khích phát triển công nghệ hiện đại, nhất
là hỗ trợ các dự án chuyển giao công nghệ tiên tiến.
Xã hội hóa nguồn vốn đầu tư vào
phát triển ngành tôm.
Nhu cầu sử dụng vốn ngân sách: xây
mới và nâng cấp cơ sở hạ tầng như kênh cấp thoát nước vùng nuôi tôm, các khu sản
xuất giống tập trung, quy hoạch vùng nuôi, lưới điện, giao thông; tăng cường
cho công tác khuyến ngư, nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao công nghệ mới, hỗ trợ
đào tạo lao động, xúc tiến thương mại,...
Nhu cầu sử dụng vốn huy động từ các
thành phần kinh tế: thực hiện chính sách khuyến khích đầu tư theo quy định của
pháp luật để thu hút vốn của các thành phần kinh tế đầu tư các dự án thuộc danh
mục ưu tiên kêu gọi đầu tư theo quy hoạch và các dự án kết cấu hạ tầng có khả
năng sinh lợi như hạ tầng khu chế biến tập trung.
h) Danh mục các Chương trình, Đề
tài, Dự án đầu tư phục vụ phát triển ngành tôm (Phụ lục IV, V, VI
đính kèm)
VII. KINH PHÍ THỰC
HIỆN
Tổng kinh phí thực hiện dự toán
2.600,96 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước 1.982,92 tỷ đồng (trung ương
1.488,84 tỷ đồng; địa phương 494,08 tỷ đồng); vốn khác 618,04 tỷ đồng). Cụ thể,
phân kỳ:
- Giai đoạn 2018 - 2020: 833,99 tỷ
đồng (ngân sách trung ương 472,33 tỷ đồng; ngân sách địa phương 153,69 tỷ đồng;
vốn khác 207,98 tỷ đồng).
- Giai đoạn 2021 - 2025: 1.766,97 tỷ
đồng (ngân sách trung ương 1.016,51 tỷ đồng; ngân sách địa phương 340,39 tỷ đồng;
vốn khác 410,06 tỷ đồng).
VIII. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn
Chủ trì, phối hợp với các sở,
ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các cơ quan có liên quan tổ chức
thực hiện tốt Kế hoạch hành động phát triển ngành tôm tỉnh Bến Tre đến năm
2025.
Xây dựng, triển khai thực hiện đồng
thời tổ chức rà soát, hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch phát triển
ngành tôm phù hợp với tiềm năng, định hướng phát triển để đạt các chỉ tiêu Kế
hoạch phát triển ngành tôm tại phụ lục I, II, III, VII.
Tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng
và hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh, nhằm nâng
cao hiệu quả sản xuất; tổng kết, đánh giá các mô hình sản xuất tôm hiệu quả để
phổ biến, tuyên truyền đến người nuôi nhằm gia tăng thu nhập, cải thiện đời sống
nhân dân, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp. Rà soát, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh
cho điều chỉnh, bổ sung cục bộ quy hoạch nuôi tôm nước lợ (chú trọng quy hoạch
nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, nuôi hai giai đoạn) trên địa bàn tỉnh.
Chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học
và Công nghệ, các doanh nghiệp nghiên cứu để hoàn thiện quy trình nuôi tôm hai
giai đoạn, nuôi theo công nghệ cao (từ quy trình nuôi đến xử lý chất thải, nước
thải, nhất là vỏ tôm); đồng thời tăng cường tuyên truyền vận động người dân có
đủ điều kiện, nguồn lực chuyển đổi và ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm.
Rà soát, cải tiến quy trình và xây
dựng mô hình trình diễn nuôi hai giai đoạn đối với nuôi tôm quảng canh, tôm rừng,
tôm lúa,...
Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư
đẩy mạnh kêu gọi đầu tư các cơ sở sản xuất từ giống sạch bệnh, đến nuôi an toàn
và tham gia chế biến để nâng cao giá trị gia tăng cho ngành tôm của tỉnh phát
triển ổn định và bền vững.
Chỉ đạo tăng cường hoạt động quan
trắc môi trường tại các vùng nuôi tôm tập trung; giám sát, kiểm soát chặt chẽ bệnh
dịch trên tôm nuôi; kiểm soát và quản lý chất lượng con giống, vật tư đầu vào,
các cơ sở sản xuất, kinh doanh, thu gom, chế biến sản phẩm tôm theo thẩm quyền.
Tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương
về vốn, khoa học công nghệ, đào tạo, xúc tiến thương mại; các nguồn tài trợ của
các tổ chức quốc tế, phục vụ sự nghiệp phát triển ngành tôm đến năm 2025.
Xây dựng, triển khai thực hiện các
chương trình, đề án, dự án được giao tại phụ lục IV của Kế hoạch này.
Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng
cơ chế, chính sách có liên quan để phát triển ngành tôm của tỉnh.
Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tổng
hợp, báo cáo định kỳ về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tình hình thực
hiện, đề xuất, kiến nghị các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc (nếu có)
trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển ngành tôm tại tỉnh.
2. Sở Khoa học và Công nghệ
Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn và các sở ngành có liên quan thực hiện việc huy động
các nguồn lực trong và ngoài tỉnh tham gia đầu tư, hợp tác trong nghiên cứu và ứng
dụng khoa học công nghệ để phát triển ngành tôm.
Chủ trì và phối hợp với các đơn vị
có liên quan thực hiện việc xác định danh mục các đề tài, dự án nghiên cứu khoa
học và công nghệ để phát triển ngành tôm theo định hướng được phê duyệt ở Phụ lục
IV.
Hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động
xây dựng, bảo vệ, phát triển thương hiệu sản phẩm tôm Bến Tre.
3. Sở Công thương
Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn và các sở, ngành có liên quan:
- Xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu
về thị trường trong và ngoài nước; tổ chức thông tin thị trường, giá cả cho các
cơ quan, doanh nghiệp, người sản xuất có liên quan (đặc biệt là người nuôi
tôm).
- Xây dựng, triển khai thực hiện
các đề án, nhiệm vụ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; báo cáo kịp thời
các rào cản thương mại, xử lý các tranh chấp thương mại và tham mưu đề xuất giải
pháp tháo gỡ đối với sản phẩm tôm.
4. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn và các sở, ngành có liên quan:
- Huy động các nguồn vốn để đầu tư
các dự án cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển ngành tôm đến năm 2025.
- Phân bổ kịp thời các nguồn vốn để
thực hiện các dự án đã được phê duyệt.
- Đề xuất giải pháp huy động các
nguồn lực (bao gồm vốn ODA) để xây dựng và triển khai thực hiện các chương
trình, đề án, dự án phát triển ngành tôm.
- Thẩm định các chương trình, đề
án, dự án và ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng vùng sản xuất giống
và vùng nuôi tôm tập trung trong kế hoạch trung hạn 2016 - 2020 sau khi Thủ tướng
Chính phủ phê duyệt và điều chỉnh.
- Đề xuất phương án đảm bảo phân bổ
kịp thời nguồn vốn để thực hiện các dự án đã được thẩm định, phê duyệt.
5. Sở Tài chính
Phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn xây dựng cơ chế chính sách phù hợp với quy định pháp luật và điều kiện
của địa phương nhằm thúc đẩy sự chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu sản xuất và dịch vụ
hậu cần phát triển ngành tôm của tỉnh.
Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư
bố trí vốn ngân sách cho các dự án đầu tư hạ tầng vùng nuôi tôm tập trung và
các nhiệm vụ khoa học công nghệ ưu tiên.
Bố trí kịp thời vốn theo tình hình
thực tế để thực hiện các chương trình, đề án và dự án trong kế hoạch này.
Hướng dẫn hỗ trợ lãi suất vốn vay đối
với các dự án đầu tư hạ tầng ngành điện tại các vùng quy hoạch nuôi tôm công
nghiệp tập trung.
Hướng dẫn sử dụng nguồn ngân sách
nhà nước cho các chương trình, đề án và dự án trong kế hoạch này.
6. Sở Tài nguyên và Môi trường
Nghiên cứu kiến nghị sửa đổi quy định
về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất,
hướng dẫn chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp, trong đó bao gồm
tài sản hình thành trên đất của các dự án nuôi tôm công nghệ cao, tạo điều kiện
thuận lợi nhất cho doanh nghiệp thực hiện thủ tục đăng ký giao dịch vay vốn ngân
hàng.
Hướng dẫn và tổ chức thực hiện giao
và cho thuê đất, mặt nước cho tổ chức, cá nhân phát triển sản xuất tôm theo quy
hoạch; hướng dẫn xử lý môi trường và kiểm tra, xử lý các trường hợp gây ô nhiễm
môi trường.
Xây dựng, hướng dẫn thực hiện quy
chế quản lý và bảo vệ môi trường ở tất cả các khâu trong chuỗi sản xuất ngành
tôm.
Xây dựng, đề xuất các phương án, kịch
bản ứng phó với biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường có thể tác động đến
ngành tôm.
7. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Chi nhánh tỉnh Bến Tre
Chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng
thương mại chủ động nguồn vốn để đáp ứng đầy đủ nhu cầu vay phát triển ngành
tôm của địa phương, trong đó thực hiện tốt chính sách ưu đãi đối với các tổ chức,
cá nhân nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu tôm theo quy định của Chính phủ và Ngân
hàng Nhà nước Việt Nam về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp,
nông thôn và các lĩnh vực ưu tiên; xem xét áp dụng chính sách ưu đãi theo Quyết
định số 813/QĐ-NHNN ngày 24/4/2017 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về chương
trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông
nghiệp sạch đối với các dự án sản xuất tôm ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với
môi trường.
Theo dõi, giám sát chặt chẽ tình
hình thực hiện của các chi nhánh ngân hàng thương mại, đặc biệt về hạn mức, lãi
suất và thời hạn cho vay, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành
về cho vay của các tổ chức tín dụng đối với khách hàng và nhu cầu, hiệu quả của
dự án sản xuất, kinh doanh.
Tổ chức thống kê, theo dõi, khảo
sát đánh giá tình hình cho vay phát triển ngành tôm trên địa bàn, kịp thời báo
cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh các vấn đề khó khăn, vướng mắc, các giải pháp
nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư vốn cho phát triển ngành tôm.
8. Công ty Điện lực tỉnh Bến Tre
Tiếp tục rà soát, tranh thủ nguồn lực
từ trung ương để sớm hoàn thành việc đầu tư hệ thống điện 3 pha điện phục vụ
vùng nuôi thủy sản tập trung, đặc biệt là vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao
trên địa bàn huyện Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú.
9. Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố
Phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn thực hiện tốt các đề tài, dự án trên địa bàn; hỗ trợ, tạo
điều kiện cho các doanh nghiệp trong việc đầu tư và xây dựng phát triển ngành
tôm trên địa bàn; nghiên cứu triển khai các giải pháp nhằm thực hiện tốt mục
tiêu Kế hoạch này. Căn cứ các chỉ tiêu về ngành tôm được phân bổ trong Kế hoạch
này để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả tại địa phương.
Trên đây là Kế hoạch hành động phát
triển ngành tôm tỉnh Bến Tre đến năm 2025, Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị Thủ trưởng
các Sở, ngành có liên quan phối hợp triển khai thực hiện, trong quá trình thực
hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, vượt thẩm quyền kịp thời phản ánh về Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem
xét, giải quyết./.
Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT; (Kèm phụ lục)
- Tổng cục Thủy sản; (Kèm phụ lục)
- TT Tỉnh ủy, TT. HĐND; (Kèm phụ lục)
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh; (Kèm phụ lục)
- Các Sở NN và PTNT, Công thương, Tài chính, KH và CN, TN và MT, KH và ĐT;
(Kèm phụ lục)
- NHNNVN chi nhánh tỉnh Bến Tre; (Kèm phụ lục)
- Công ty Điện lực tỉnh Bến Tre; (Kèm phụ lục)
- Huyện ủy, UBND các huyện, thành phố; (Kèm phụ lục)
- Chánh, các PCVP; (Kèm phụ lục)
- Phòng TH, KT; (Kèm phụ lục)
- TTTTĐT;
- Lưu: VT (NTS).
|
KT.
CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Hữu Lập
|