ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 3134/KH-UBND
|
Phú Thọ, ngày 12
tháng 08 năm 2022
|
KẾ HOẠCH
PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT CÂY NGÔ SINH KHỐI VỤ ĐÔNG NĂM 2022
Thực hiện nhiệm vụ cơ cấu lại sản
xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững;
nhiều năm qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển sản xuất theo hướng hàng
hóa, liên kết theo chuỗi giá trị đã được quan tâm chỉ đạo thực hiện, bước đầu
phát huy hiệu quả trong thực tiễn sản xuất, một số mô hình sản xuất nông nghiệp
có hiệu quả kinh tế cao, có thị trường tiêu thụ ổn định được triển khai và nhân
rộng trong sản xuất như cây ngô sinh khối.
Từ năm 2020, trên địa bàn tỉnh
đã thu hút một số doanh nghiệp có nhu cầu thu mua sản phẩm cây ngô sinh
khối với sản lượng lớn, ổn định[1] đã thực hiện
liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm với các hộ dân trên địa bàn tỉnh như: Công
ty TNHH thương mại dịch vụ nông nghiệp Minh Anh, xã Bằng Giã, huyện Hạ Hòa, với
quy mô 60 ha; Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Vô Tranh, xã Vô Tranh, huyện Hạ
Hoà, với quy mô 80 ha; Công ty Greenlife Việt Nam liên kết với Hợp tác xã Nông
nghiệp Lâm Thao sản xuất và bao tiêu sản phẩm với diện tích 7 ha… Từ thực tiễn
sản xuất cho thấy, sản xuất cây ngô sinh khối thuận lợi và cho hiệu quả kinh tế
cao hơn so với các cây trồng khác, cụ thể: Cây ngô sinh khối có thời gian sinh
trưởng ngắn (75-80 ngày), cho thu hoạch toàn bộ cả thân, lá, bắp và có thể trồng
3 vụ/năm; năng suất trung bình đạt khoảng 45-50 tấn/ha/vụ, với giá bán trung
bình 0,8 triệu đồng/tấn, cho thu nhập khoảng 35 - 40 triệu đồng/ha/vụ (lợi nhuận
15 -20 triệu đồng/ha), so với sản xuất ngô hạt truyền thống thu nhập từ trồng
ngô sinh khối cao hơn 12 triệu đồng/ha[2]; qua
đó, diện tích sản xuất ngô sinh khối trên địa bàn tỉnh tiếp tục được mở rộng,
năm 2020 tổng diện tích đạt trên 500 ha, đến năm 2021 mở rộng trên 800 ha;
Tuy nhiên, sản xuất ngô sinh khối
trên địa bàn tỉnh còn một số hạn chế, khó khăn như: quy mô, diện tích liên kết
sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa hình thành các vùng hàng hóa có quy mô lớn
gắn với thị trường theo chuỗi giá trị bền vững; năng suất, sản lượng còn hạn chế,
chưa có sức hút đối với các đơn vị thu mua sản phẩm; cơ chế liên kết sản xuất,
tiêu thụ giữa doanh nghiệp và người dân chưa chặt chẽ...
Để kịp thời khắc phục những khó
khăn, hạn chế nêu trên, góp phần đổi mới tư duy, nâng cao hiệu quả kinh tế
trong sản xuất nông nghiệp, theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và PTNT tại Văn bản
số 1251/SNN-TT&BVTV ngày 10 tháng 8 năm 2022, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành
Kế hoạch sản xuất cây ngô sinh khối trên địa bàn tỉnh vụ đông năm 2022, với các
nội dung sau:
I. MỤC TIÊU
- Khai thác, phát huy tiềm
năng, lợi thế của từng vừng, từng địa phương, mở rộng diện tích liên kết sản xuất
ngô sinh khối, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn; đẩy mạnh các
hình thức hợp tác, liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm theo chuỗi giá trị.
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất vụ đông,
góp phần nâng cao giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp; tuyên truyền, vận động
người dân đổi mới tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững, hiệu quả; giải
quyết việc làm nâng cao thu nhập cho người dân.
- Phấn đấu vụ đông năm 2022, mở
rộng diện tích trồng ngô sinh khối toàn tỉnh đạt trên 1,4 nghìn ha (tăng 800 ha
so với vụ đông năm 2021), năng suất bình quân đạt 50 tấn/ha, sản lượng đạt trên
70 nghìn tấn; giá trị thu nhập ước đạt trên 56 tỷ đồng.
(Chi
tiết theo phụ lục kèm theo)
II. NHIỆM VỤ
VÀ GIẢI PHÁP
1. Về thông tin, tuyên truyền
Các cấp ủy đảng, chính quyền địa
phương, các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội, cơ quan thông tấn báo chí đẩy mạnh
công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của người dân về hiệu quả
trong sản xuất cây ngô sinh khối; giới thiệu các mô hình hay, cách làm tốt
trong tổ chức sản xuất; các quy trình kỹ thuật tiên tiến... Trọng tâm là nâng
cao nhận thức, thay đổi tư duy, tập quán sản xuất, kinh doanh nhằm mở rộng diện
tích sản xuất hàng hóa, tạo ra khối lượng sản phẩm lớn, chất lượng ổn định, có
giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
2. Về tổ chức sản xuất
- Rà soát các vùng sản xuất ngô
sinh khối hiện có, tiếp tục vận động, khuyến khích người tích tụ, tập trung đất
đai, tận dụng tối đa diện tích đất sản xuất vụ đông, đất màu, đất bãi ven sông,
đất đồi đang sản xuất kém hiệu quả, đất hoang hóa.... để mở rộng diện tích sản
xuất để hình thành các vùng hàng hóa tập trung, quy mô lớn, có sản lượng ổn định
đáp ứng nhu cầu của các đơn vị thu mua;
- Tăng cường phối hợp, liên hệ
với các đơn vị thu mua, xác định, làm rõ nhu cầu thị trường đầu ra, xây dựng cơ
chế hợp tác, liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho người dân thông qua hợp
đồng. Tổ chức hội nghị kết nối, liên kết sản xuất - tiêu thụ để người sản xuất,
HTX, doanh nghiệp thống nhất về cơ chế hợp tác, liên kết (về cung ứng giống, vật
tư phân bón, cơ chế thu mua, chất lượng sản phẩm, giá cả, hình thức thanh
toán….), từ đó có kế hoạch cụ thể và tổ chức sản xuất, thu mua sản phẩm đảm bảo
vận hành đồng bộ, hài hòa lợi ích các bên nhằm tạo lập và duy trì các liên kết
bền vững; trước mắt tập trung kết nối với các doanh nghiệp đã và đang thu mua ổn
định nhiều năm trên địa bàn tỉnh (Công ty cổ phần Giống và TACN T&T 159 Hòa
Bình, Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Hương Hà, Công ty Greenlife Việt Nam…)
trong vụ đông năm 2022;
- Phát huy vai trò của các hợp
tác xã, tổ hợp tác trong tổ chức sản xuất từ cung ứng dịch vụ sản xuất, vật tư
đầu vào, áp dụng tiến bộ kỹ thuật đảm bảo chất lượng sản phẩm và kết nối tiêu
thụ sản phẩm giữa các hộ dân và doanh nghiệp thông qua hợp đồng, nhằm giảm chi
phí các khâu trung gian, nâng cao hiệu quả sản xuất; tiếp tục phát huy hiệu quả
vai trò đầu mối của HTX nông nghiệp Lâm Thao, HTX nông nghiệp và dịch vụ Vô
Tranh… trong việc thu gom, vận chuyển ngô sinh khối tại các vùng liên kết trên
địa bàn tỉnh về nơi tập kết, chế biến của doanh nghiệp.
3. Về kỹ thuật
- Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tổng hợp, biên soạn quy trình kỹ thuật
phù hợp để tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn cho người dân đảm bảo hiệu quả
trong sản xuất;
- Lựa chọn giống ngô phù hợp với
mục đích sản xuất sinh khối; phù hợp điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng của
địa phương để khuyến cáo đưa vào sản xuất; Ưu tiên các giống có năng suất thân,
lá cao, lá tươi xanh lâu, giống biến đổi gien kháng sâu bệnh như: NK7328,
MK399, CP512, DK 9950C, NK4300 Bt, DK6919s, DK9955s...
- Thường xuyên theo dõi chặt chẽ
diễn biến về thời tiết, sâu bệnh có biện pháp chỉ đạo, hướng dẫn khắc phục kịp
thời, hạn chế những thiệt hại do thiên tai, dịch hại gây ra, đảm bảo sản xuất;
chú trọng áp dụng đầy đủ các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp trong sản xuất
ngô sinh khối, đặc biệt lưu ý các đối tượng sâu bệnh hại như sâu đục thân, sâu
keo mùa thu,... để có phương án phòng trừ hợp lý.
- Đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa
vào một số khâu sản xuất ngô (làm đất, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch...) nhằm
nâng cao hiệu quả, năng suất lao động, giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao chất
lượng sản phẩm;
- Tăng cường tuyên truyền, hướng
dẫn người dân người dân sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hợp lý, cân đối,
hiệu quả; khuyến khích, hỗ trợ nông dân đẩy mạnh sản xuất, chế biến và sử dụng
phân bón hữu cơ từ nguồn nguyên liệu sẵn có (phụ phẩm trồng trọt, chế biến nông
sản, chất thải chăn nuôi...) góp phần giảm chi phí sản xuất và sự lệ thuộc vào
phân bón vô cơ trong bối cảnh giá phân bón tăng cao.
4. Về đào tạo, tập huấn
- Tổ chức đào tạo nâng cao năng
lực về quản lý, tổ chức sản xuất, cập nhật và áp dụng các TBKT, thông tin thị
trường; tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, quản lý dịch hại đảm bảo 100% thành
viên HTX, tổ hợp tác, nông dân nòng cốt tại các vùng sản xuất tập trung được
đào tạo, tập huấn;
- Xây dựng các mô hình liên kết
sản xuất ngô sinh khối làm điểm giới thiệu, tham quan, học tập sản xuất ngô
sinh khối, làm cơ sở nhân rộng.
5. Về phát triển thị trường
tiêu thụ sản phẩm
- Tổ chức các hội nghị, hội thảo
với các doanh nghiệp, hợp tác xã chăn nuôi, sản xuất, chế biến thức ăn chăn
nuôi từ cây ngô sinh khối, xác định rõ nhu cầu thu mua và cơ chế hợp tác để
tuyên truyền, khuyến cáo người dân liên kết sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm ổn
định;
- Tăng cường thu hút đầu tư
doanh nghiệp đầu tư cơ sở chế biến các sản phẩm từ ngô sinh khối gắn với quy
các vùng nguyên liệu hàng hóa tập trung trên địa bàn tỉnh; hình thành chuỗi
liên kết từ sản xuất, chế biến và tiêu thụ ổn định bền vững trên địa bàn tỉnh;
- Hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX,
tổ hợp tác nâng cao năng lực tiếp cận, đánh giá thị trường để chủ động kế hoạch
sản xuất phù hợp với nhu cầu thị trường, hạn chế tình trạng thừa cung, giá cả
không ổn định.
III. Kinh
phí triển khai: Từ ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí hợp
pháp khác.
IV. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Sở Nông nghiệp và PTNT
- Chủ trì, phối hợp với các cơ
quan, đơn vị có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị tổ chức triển
khai thực hiện đảm bảo hoàn thành mục tiêu của kế hoạch; thường xuyên theo dõi,
đôn đốc, kiểm tra tiến độ triển khai thực hiện; tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân
dân tỉnh kết quả triển khai thực hiện;
- Làm đầu mối liên hệ, phối hợp
với các doanh nghiệp, địa phương, người dân tổ chức các hội nghị, hội thảo thống
nhất về cơ chế hợp tác, liên kết sản xuất thu mua sản phẩm; hướng dẫn rà soát,
xác định cụ thể các vùng sản xuất tập trung phù hợp để mở rộng sản xuất theo hướng
hàng hóa, nâng cao hiệu quả sản xuất;
- Phối hợp chặt chẽ với các cơ
quan thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, tập huấn,
hướng dẫn quy trình kỹ thuật cho nông dân. Làm tốt công tác dự tính, dự báo và
chỉ đạo phòng trừ hiệu quả sâu bệnh trên cây ngô sinh khối.
2. Sở Tài chính: Chủ
trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT căn cứ nội dung kế hoạch và khả
năng cân đối ngân sách tham mưu trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí để triển
khai thực hiện Kế hoạch.
3. Sở Thông tin và Truyền
thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Phú Thọ
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT,
các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về hiệu quả
trong sản xuất cây ngô sinh khối trên địa bàn tỉnh; giới thiệu các mô hình hay,
cách làm có hiệu quả trong tổ chức sản xuất; các quy trình kỹ thuật và biện
pháp phòng trừ dịch bệnh trong sản xuất ngô sinh khối…
4. Ủy ban nhân dân các huyện,
thành, thị
- Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến
hiệu quả trong sản xuất ngô sinh khối và các nội dung, hình thức hợp tác liên kết
sản xuất, tiêu thụ ngô sinh khối đến các xã, phường, thị trấn và người dân biết
và thực hiện; nghiên cứu có chính sách hỗ trợ người dân mở rộng diện tích sản
xuất tập trung, bố trí kinh phí ngân sách huyện hỗ trợ triển khai thực hiện các
nội dung theo kế hoạch.
- Rà soát xác định cụ thể quy
mô, địa điểm các vùng sản xuất, vận động khuyến khích người dân tích tụ, tập
trung đất đai mở rộng diện tích trồng ngô sinh khối, nhất là trên chân đất bãi,
đất sau 2 vụ lúa, đất cao hạn... hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập
trung theo chuỗi giá trị, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân;
- Khảo sát, xây dựng vùng sản
xuất ngô sinh khối phù hợp, lựa chọn chủ thể làm đầu mối ký kết hợp đồng liên kết,
sản xuất tiêu thụ ngô sinh khối (hợp tác xã, tổ hợp tác) để tổ chức liên kết sản
xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị;
- Chỉ đạo các phòng, đơn vị
chuyên môn trực thuộc phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, các đơn vị thuộc
Sở Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn các địa phương và nông dân thực hiện các biện
pháp kỹ thuật sản xuất ngô sinh khối; giám sát việc thực hiện các nội dung của
hợp đồng, đảm bảo liên kết bền vững và quyền lợi của các bên tham gia liên kết.
5. Đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ
quốc, các đoàn thể cấp tỉnh
Tích cực tuyên truyền, phổ biến
nội dung của Kế hoạch; chỉ đạo các cấp hội phối hợp chặt chẽ với chính quyền
các cấp tích cực tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên hưởng ứng và tích cực
tham gia phát triển sản xuất ngô sinh khối theo hướng hàng hóa gắn với thị trường
tiêu thụ theo chuỗi giá trị.
Yêu cầu Giám đốc các Sở, ngành,
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị nghiêm túc triển khai thực hiện./.
Nơi nhận:
- TTTU, TTHĐND tỉnh (b/c);
- CT, PCT Nguyễn Thanh Hải;
- UB MTTQ tỉnh và các đoàn thể cấp tỉnh;
- Các Sở: NN và PTNT, TC, TT và TT;
- UBND các huyện, thành, thị;
- CVP, các PCVP;
- Lưu: VT, NN1.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Thanh Hải
|
PHỤ LỤC:
KẾ HOẠCH SẢN XUẤT NGÔ SINH KHỐI VỤ ĐÔNG NĂM 2022
(Kèm theo Kế hoạch số 3134/KH-UBND ngày 12 tháng 08 năm 2022 của Ủy ban nhân
dân tỉnh)
STT
|
Huyện
|
Tổng diện tích
(ha)
|
Năng suất
(tấn/ha)
|
Sản lượng
(tấn)
|
1
|
Hạ Hòa
|
500
|
50
|
25.000
|
2
|
Thanh Ba
|
20
|
50
|
1.000
|
3
|
Phù Ninh
|
100
|
50
|
5.000
|
4
|
Cẩm Khê
|
40
|
50
|
2.000
|
5
|
Tam Nông
|
50
|
50
|
2.500
|
6
|
Lâm Thao
|
60
|
50
|
3.000
|
7
|
Thanh Sơn
|
200
|
50
|
10.000
|
8
|
Thanh Thủy
|
500
|
50
|
25.000
|
Tổng số
|
1.470
|
50
|
73.500
|
[1] Hợp tác xã
nông nghiệp và dịch vụ Vô Tranh nhu cầu thu mua với sản lượng 35.000 - 40.000 tấn/năm
(tương đương 1000 ha); Công ty Greenlife Việt Nam sản xuất thức ăn chăn nuôi xuất
khẩu sang thị trường Nhật Bản, nhu cầu thu mua lớn, không giới hạn sản lượng;
ngoài ra một số công ty khác có nhu cầu liên kết sản xuất, thu mua như Công ty
Cổ phần giống, thức ăn chăn nuôi T&T 159 Hòa Bình…
[2] Vụ xuân năm
2022, Hợp tác xã Nông nghiệp Lâm Thao ký hợp đồng liên kết sản xuất ngô sinh khối
gắn với tiêu thụ sản phẩm với Công ty Greenlife Việt Nam với diện tích 07 ha, với
giá thu mua 1,2 triệu đồng/tấn cho thu nhập 66 triệu đồng/ha.