Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Kế hoạch 2462/KH-UBND 2017 tái cơ cấu nông nghiệp nâng cao giá trị gia tăng bền vững Quảng Ninh

Số hiệu: 2462/KH-UBND Loại văn bản: Kế hoạch
Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ninh Người ký: Đặng Huy Hậu
Ngày ban hành: 13/04/2017 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2462/KH-UBND

Quảng Ninh, ngày 13 tháng 4 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN TÁI CƠ CẤU NGÀNH CÔNG NGHIỆP THEO HƯỚNG NÂNG CAO GIÁ TRỊ GIA TĂNG VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG TỈNH QUẢNG NINH GIAI ĐOẠN 2017 – 2020

- Căn cứ Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”;

- Căn cứ Quyết định số 2622/QĐ-TTg ngày 31/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

- Căn cứ Quyết định số 1714/QĐ-UBND ngày 11/8/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh Quyết định Chương trình hành động của Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện Nghị Quyết số 13/NQ/TU ngày 06/5/2014 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển kinh tế thủy sản tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

- Căn cứ Quyết định số 1396/QĐ-UBND ngày 25/5/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2015-2020 và định hướng đến năm 2030.

- Căn cứ Quyết định số 4206/QĐ-UBND ngày 15/12/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành nông, lâm và thủy lợi tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

- Căn cứ Quyết định số 4209/QĐ-UBND ngày 15/12/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành thủy sản tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

- Căn cứ Kế hoạch số 7819/KH-UBND ngày 30/11/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016 - 2020;

- Căn cứ quyết định số 196/QĐ-UBND ngày 17/01/2017 về việc phê duyệt Đề án nhiệm vụ và giải pháp đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn 2017 - 2020;

Ủy ban nhân dân Tỉnh ban hành Kế hoạch Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2017-2020, với các nội dung cụ thể như sau:

A. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai; ứng dụng mạnh mẽ tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp theo chuỗi từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ nhằm nâng cao giá trị và giá trị gia tăng trên một đơn vị sản xuất, đảm bảo ATTP, tăng khả năng cạnh tranh những sản phẩm nông nghiệp của tỉnh trên thị trường trong nước và quốc tế. Nâng cao thu nhập và đời sống, tinh thần cho người lao động trong ngành nông nghiệp tỉnh, thực hiện thành công chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới vào năm 2020.

2. Mục tiêu cụ thể

- Có thêm 4 đơn vị cấp huyện đạt tiêu chí và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, thêm 50 xã đạt chuẩn nông thôn mới; Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn dưới 2,0%. Đưa 22 xã đặc biệt khó khăn của tỉnh ra khỏi diện đặc biệt khó khăn và hoàn thành mục tiêu Chương trình 135.

- Nâng cao thu nhập và đời sống cho cư dân nông thôn, đảm bảo an ninh lương thực, góp phần giảm tỷ lệ nghèo. Nâng thu nhập của người nông dân gấp 2 lần so với thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của tỉnh so với năm 2015.

- Duy trì tăng trưởng ngành đạt tốc độ tăng trưởng khá (tăng trưởng giá trị sản xuất tăng bình quân 6 - 8%/năm); trong đó Thủy sản tăng trưởng bình quân trên 11,5 - 12,5%/năm; Nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ) tăng trưởng bình quân trên 6,4%/năm; Lâm nghiệp tăng trưởng bình quân 8,0%/năm.

- Tăng trưởng giá trị tăng thêm toàn ngành tăng bình quân 7 - 8%/năm; chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

- Giá trị sản phẩm bình quân 01 ha diện tích đất canh tác đạt trên 120 triệu đồng/năm (theo giá hiện hành).

- Cơ cấu ngành nông nghiệp trong GDP của tỉnh đến năm 2020 là 3 - 4%.

- Tăng cường quản lý nguồn tài nguyên cho phát triển nông nghiệp, giảm phát khí thải nhà kính và các tác động tiêu cực khác đối với môi trường.

- Khai thác tốt các lợi ích về môi trường, nâng cao năng lực quản lý rủi ro, chủ động phòng chống thiên tai, nâng tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh đạt từ 54-55%, góp phần thực hiện định hướng tăng trưởng xanh của tỉnh;

- Tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 98%.

B. NHIỆM VỤ

I. Nội dung thực hiện theo lĩnh vực

1. Lĩnh vực trồng trọt

Tập trung xây dựng và phát triển các vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung, phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực có lợi thế của tỉnh, gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp; Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các giống có năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất; ng dụng công nghệ cao, cơ giới hóa để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, tăng hiệu quả sản xuất trên đơn vị diện tích đất nông nghiệp, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm nông nghiệp; Phát triển công nghệ bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

1.1. Nâng cao hiệu quả, giá trị gia tăng một số sản phẩm chính

a. Nhóm cây có lợi thế cạnh tranh và tăng giá trị gia tăng lớn

- Ưu tiên phát triển những sản phẩm cây trồng làm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi; rau, hoa cao cấp; những sản phẩm có lợi thế: Lúa chất lượng, lúa nếp cái hoa vàng, cây ăn quả (na, vải, cam); cây công nghiệp lâu năm (chè), cây dong riềng...đặc biệt đối với những sản phẩm đã được xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý.

- Các sản phẩm chủ lực gồm: Lúa hàng hóa chất lượng cao, lúa đặc sản (BC15, TBR225, Bắc Thơm 7, Hương Thơm 1, nếp cái hoa vàng), rau củ quả, chè, na dai, vải chín sớm, cam, thanh long, dong riềng...

+ Hoàn thành đầu tư xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Hồng Thái Tây Thị xã Đông Triều.

+ Diện tích gieo trồng lúa là 43.840 ha, sản lượng thóc đạt trên 232,09 ngàn tấn/năm, năng suất bình quân đạt gần 58 tạ/ha, trong đó phát triển vùng sản xuất lúa chất lượng cao cánh đồng mẫu lớn: thị xã Đông Triều (2.008 ha), thị xã Quảng Yên (2.200 ha), Huyện Hải Hà (520 ha). Quy hoạch vùng sản xuất lúa tập trung: vùng trồng lúa nếp cái hoa vàng tập trung 4.390 ha.

+ Diện tích gieo trồng rau cả năm là 10.630 ha, trong đó dự kiến quy mô sản xuất rau an toàn tập trung của tỉnh là 909 ha, tập trung ở các địa phương Hạ Long, Cẩm Phả, Quảng Yên, Đông Triều, Hoành Bồ, Hải Hà.

+ Diện tích cây ăn quả đạt 8.850 ha, sản lượng 40 ngàn tấn, trong đó vùng trồng cây ăn quả tập trung, chuyên canh theo hướng sản xuất hàng hóa: Vùng trồng vải chín sớm thành phố Uông Bí (350 ha); Vùng trồng Na tại thị xã Đông Triều (970 ha); vùng trồng Thanh Long ruột đỏ tại Đông Triều, Uông Bí (200 ha); vùng trồng cam tại huyện Vân Đồn (400 ha).

Diện tích chè đạt 1.800 ha, sản lượng 16.000 tấn (tập trung phát triển tại các địa phương: Hải Hà, Đầm Hà, Vân Đồn). Phục tráng giống chè Bản Sen, huyện Vân Đồn quy mô phát triển năm 2020 đạt 400 ha.

+ Vùng sản xuất dong riềng nguyên liệu tại huyện Bình Liêu và huyện Tiên Yên: 500 ha phục vụ chế biến các sản phẩm tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.

b. Nhóm sản phẩm tiềm năng

- Phát triển diện tích hoa, cây cảnh khoảng 500 ha, sản lượng đạt 380 triệu bông hoa và 3,6 triệu cây cảnh với tổng giá trị 90 tỷ đồng vào năm 2020. Xây dựng vùng trồng hoa, cây cảnh tập trung tại các địa phương: Hoành Bồ, Đông Triều, Quảng Yên, Cẩm Phả, Hạ Long, Bình Liêu.

c. Sản phẩm hỗ trợ phát triển ngành chăn nuôi.

- Phát triển và mở rộng diện tích trồng ngô nguyên liệu thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; đến năm 2020 là 8,65 ngàn ha, sản lượng đạt 40 ngàn tấn, trong đó vùng trồng tập trung tại huyện Hải Hà, Đầm Hà (Ngô xuân, thu đông), Tiên Yên, Ba Chẽ, Bình Liêu, TP.Móng Cái. Phát triển diện tích ngô Đông tại thị xã Đông Triều và thị xã Quảng Yên. Diện tích giống ngô lai có năng suất cao chiếm 80- 90%. Mở rộng diện tích ngô vụ đông trên đất ruộng 2 lúa chủ động nước và một phần diện tích chuyên màu. Sản phẩm ngô hàng hóa chiếm 80 - 85% sản lượng ngô hàng năm.

- Cải tạo diện tích đồng cỏ tự nhiên và chuyển đổi một phần diện tích đất chưa sử dụng, đất trồng lúa kém hiệu quả, đất cây hàng năm và trồng xen canh với cây lâu năm để trồng cỏ chuyên canh hoặc thâm canh. Đến năm 2020 diện tích trồng cỏ đạt 3.200 ha, trồng tập trung chủ yếu tại huyện Bình Liêu và một số địa bàn vùng cao thuộc huyện Hải Hà, Đầm Hà...

1.2. Chuyển đổi diện tích trồng các loại cây kém hiệu quả sang những loại sản phẩm cây trồng có giá trị cao

- Chủ yếu giảm diện tích cây khoai lang, sắn, trong những năm tới cần giảm diện tích trồng, để chuyển sang trồng cây rau, đậu tương...có hiệu quả kinh tế cao hơn. Dự kiến giảm diện tích cây có củ khác từ 4,9 ngàn ha năm 2015 xuống còn 2,8 ngàn ha năm vào năm 2020. Trong đó cây khoai lang hiện đang là 4 ngàn ha, giảm còn 2,4 ngàn ha đến năm 2020; sắn giảm còn 400 ha năm 2020.

2. Lĩnh vực chăn nuôi

- Chuyển dịch cơ cấu đàn vật nuôi theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi, chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại, theo hình thức công nghiệp và công nghệ cao; phát triển ở quy mô vừa phải, phù hợp với khả năng tài chính, quản lý và xử lý môi trường. Khuyến khích loại hình sản xuất khép kín, liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị;

- Phát triển mạnh công nghiệp chế biến, đa dạng hóa các sản phẩm chăn nuôi để nâng cao giá trị gia tăng;

- Áp dụng công nghệ cao trong chăn nuôi từ khâu giống, thức ăn đến vệ sinh an toàn dịch bệnh để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chăn nuôi;

- Tổ chức sản xuất chăn nuôi liên kết theo chuỗi giá trị để giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất.

2.1. Phát triển qui mô, giá trị theo đối tượng nuôi

- Tăng trưởng giá trị sản xuất ngành (theo giá cố định) tăng bình quân 11,8%/năm; đạt tỷ trọng 57,5% trong cơ cấu giá trị ngành nông nghiệp (ngành hẹp) vào năm 2020;

+ Đàn lợn đạt 1,2 triệu con (nuôi trang trại tập trung chiếm 80%), trong đó đàn lợn thịt chiếm khoảng 56%;

+ Đàn gia cầm 8,0 triệu con (nuôi trang trại tập trung chiếm trên 84%);

+ Tổng đàn bò 70 nghìn con (nuôi trang trại tập trung chiếm 70%);

+ Đàn trâu ổn định 50 nghìn con;

- Tổng sản lượng thịt hơi đạt trên 180 nghìn tấn, trứng 216 triệu quả.

- Giá trị tăng thêm đạt 4.562 tỷ đồng (giá hiện hành), chiếm tỷ trọng trên 61,7% trong cơ cấu giá trị sản xuất ngành nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi).

- Chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư đến năm 2020 được kiểm soát về vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường.

2.2. Sản xuất ngành chăn nuôi theo tiểu vùng

- Chuyển dịch chăn nuôi tập trung trang trại từ vùng có mật độ dân số cao đến những vùng có mật độ dân số thấp (khu vực trung du miền núi), hình thành các khu chăn nuôi tập trung xa thành phố và dân cư. Hình thành các vùng chăn nuôi trọng điểm tại các xã, huyện phù hợp với quy hoạch nhằm khai thác hiệu quả lợi thế phát triển của từng địa phương:

+ Khu vực đồng bằng phát triển các trang trại chăn nuôi gia cầm;

+ Khu vực ven biển tập trung phát triển đàn lợn, đàn gia cầm;

+ Khu vực trung du miền núi phát triển đàn đại gia súc.

2.3. Phát triển sản phẩm chủ lực và các khu chăn nuôi tập trung

a. Khu vực chăn nuôi lợn Móng Cái

- Phát triển chăn nuôi gia trại, trang trại chăn nuôi tập trung giống lợn Móng cái tại các địa phương thuộc Móng Cái, và các địa phương khác, mỗi trang trại có 1.000 lợn thịt và lợn nái với tổng diện tích khoảng trên 700 ha.

b. Vùng chăn nuôi gà đặc sản địa phương

- Địa bàn phát triển tập trung tại huyện Tiên Yên và một số địa phương trên địa bàn tỉnh như Đầm Hà, Ba Chẽ, Bình Liêu, Cẩm Phả, Hoành Bồ, Đông Triều, với quy mô tổng đàn đạt 5.000.000 con.

c. Vùng chăn nuôi gia súc gia cầm tập trung

- Quy mô phát triển 3.007,4 ha;

- Địa bàn phát triển: Thị xã Đông Triều 220 ha; Thị xã Quảng Yên 254 ha; thành phố Hạ Long 5,4 ha; Thành phố Cẩm Phả 460 ha; Huyện Ba Chẽ 400 ha; Huyện Tiên Yên 150 ha; Bình Liêu 150 ha; Huyện Đầm Hà 58 ha; Huyện Hải Hà 110 ha; Thành phố Móng Cái trên 1.100 ha; Huyện Hoành Bồ 100 ha.

2.4. Phát triển hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm

- Xây dựng mới và nâng cấp: 26 cơ sở giết mổ tập trung trên địa bàn tỉnh, trong đó có 15 cơ sở giết mổ loại I; 11 cơ sở giết mổ loại II trên địa bàn toàn tỉnh;

- Phấn đấu di rời 80% (696/870 cơ sở) số điểm giết mổ nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh và đưa vào các cơ sở giết mổ tập trung;

- Đảm bảo 100% gia súc, gia cầm giết mổ tại các cơ sở giết mổ tập trung phải được kiểm soát; 100% lượng thịt gia súc, gia cầm bán tại các chợ trung tâm huyện, thị xã và thành phố phải được kiểm soát, đã qua lăn dấu hoặc dán tem vệ sinh Thú y;

- Đối với cơ sở giết mổ nhỏ lẻ khác tại các vùng sâu, xa, biên giới và hải đảo, giao cho UBND xã phường thống kê, xem xét bố trí địa điểm hợp lý và thực hiện cải tạo nâng cấp và quy gom nhưng phải đảm bảo về vệ sinh thú y và môi trường.

2.5. Lĩnh vực chế biến

- Xúc tiến xây dựng nhà máy chế biến sâu các sản phẩm giết mổ, sản phẩm trứng. Xây dựng nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi (theo Dự án Quy hoạch chăn nuôi tập trung gia súc, gia cầm tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt) gắn với liên kết phát triển vùng nguyên liệu.

- Từng bước hình thành chuỗi giá trị liên kết sản xuất từ nuôi trồng, khai thác đến chế biến thành phẩm; gắn kết nhà máy chế biến với vùng nuôi trồng, khai thác thủy sản và công tác thu mua, dịch vụ hậu cần nghề cá nhằm hình thành chuỗi giá trị sản phẩm.

3. Lĩnh vực thủy sản

3.1. Nuôi trồng thủy sản

- Phát triển NTTS theo quy hoạch tập trung vào các đối tượng nuôi chủ lực, đặc biệt nuôi trồng hải sản trên biển.

- Hình thành các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, vùng nuôi an toàn có kết cấu hạ tầng đồng bộ, ưu tiên phát triển nuôi công nghiệp cho các đối tượng nuôi xuất khẩu chủ lực, có thương hiệu, tổ chức lại sản xuất theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm và thân thiện với môi trường.

a. Nuôi mặn, lợ

- Mở rộng diện tích đạt 18.550 ha vào năm 2020, đầu tư hạ tầng các vùng nuôi tập trung theo từng hình thức nuôi: thâm canh, bán thâm canh, quảng canh cải tiến.

- Đối tượng nuôi chủ lực: Tôm chân trắng, Tôm sú, nhuyễn thể, cá biển, cua biển:

+ Diện tích nuôi tôm đến 2020 duy trì ổn định 9.500 ha (nuôi thâm canh 4.500 ha) tại Quảng Yên, Móng Cái, Tiên Yên, Đầm Hà; Hải Hà, Uông Bí.

+ Nuôi nhuyễn thể: Tu hài, hầu, ngao, sò, ốc, nghêu, trai cấy ngọc: Vân Đồn, Hải Hà, Đầm Hà, Tiên Yên, Móng Cái, Cô Tô, Vịnh Bái Tử Long, Vịnh Hạ Long. Đến năm 2020, diện tích nuôi nhuyễn thể đạt 7.000 ha.

+ Nuôi cá biển: Đến năm 2020, phát triển 10.080 ô lồng và 1.000 ha nuôi cá biển (Cá Song, Giò, Vược...) tại Vân Đồn, Đầm Hà, Tiên Yên, một số điểm tại Vịnh Hạ Long.

- Các đối tượng nuôi khác

+ Khoanh nuôi khai thác Sá sùng, Ngán, Hải Sâm, Bào Ngư, ốc: ven các đảo Vân Đồn, Cô Tô, Đảo Trần;

+ Khai thác tiềm năng diện tích rừng ngập mặn, nhân rộng mô hình nuôi ghép bán thâm canh, phát triển nuôi một số đối tượng có giá trị kinh tế cao: Cua, Ngán...

b. Nuôi nước ngọt

- Hình thành vùng nuôi trồng tập trung, áp dụng mô hình sản xuất nông nghiệp tốt. Gắn kết với việc tiêu thụ thị trường nội địa, hướng đến tạo nguồn nguyên liệu chế biến xuất khẩu.

- Đến năm 2020, diện tích nuôi nước ngọt đạt 3.450 ha, sản lượng đạt trên 13.560 tấn.

- Hình thành vùng nuôi trồng tập trung Cá rô phi (đơn tính) ở 2 địa phương: thị xã Đông Triều và thị xã Quảng Yên với tổng diện tích hiện có trên 2.025 ha (Đông Triều: 1.320 ha; Quảng Yên: 705 ha).

c. Cơ cấu đối tượng nuôi theo thị trường tiêu thụ

- Đối tượng xuất khẩu truyền thống: Tôm chân trắng (4.000 ha, sản lượng 16.0 tấn) và Ngọc trai;

- Đối tượng có khả năng xuất khẩu: Cá Rô phi, các loại nhuyễn thể (Hầu, Tu Hài, Ốc, Ngao).

- Đối tượng tiêu dùng nội địa: Các loại hải sản (nuôi mặn, lợ) có thị trường tiêu thụ nội địa rộng lớn đáp ứng du lịch và tiêu dùng trong nước.

d. Phát triển hệ thống các cơ sở sản xuất cung cấp giống:

- Vùng sản xuất giống nước ngọt (giống cá rô phi đơn tính): tại Đông Triều; Trại sản xuất giống Đông Mai (thị xã Quảng Yên) và Đầm Hà.

- Vùng sản xuất giống mặn, lợ.

+ Vùng sản xuất tôm, cua giống: Quảng Yên, Tiên Yên.

+ Vùng sản xuất tôm giống: Móng Cái.

+ Vùng sản xuất giống nhuyễn thể: Vân Đồn, Quảng Yên.

+ Vùng sản xuất giống hải sản (tổng hợp): Đầm Hà.

3.2. Lĩnh vực khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản

- Tăng sản lượng khai thác xa bờ, đối tượng có giá trị kinh tế cao: Cá chiếm 70,7% tổng sản lượng khai thác, tôm chiếm 9,1%, mực chiếm 6,7%, nhuyễn thể chiếm 3,4% và hải sản khác chiếm 10,1% tổng sản lượng khai thác.

- Ứng dụng tiến bộ khoa học trong khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản nhằm tăng sản lượng và giảm tổn thất sau thu hoạch. Lắp đặt các thiết bị an toàn hàng hải và cảnh báo thời tiết nguy hiểm, thiết bị kết nối vệ tinh cho tàu đánh bắt xa bờ kịp thời hỗ trợ, quản lý và gắn với công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo.

- Kết hợp hài hòa giữa khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo hướng bền vững; Quy định về các nghề cấm khai thác, khu vực cấm thai khác có thời hạn và các quy định bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Đẩy mạnh các hoạt động quản lý bảo vệ nguồn lợi.

- Đẩy mạnh các hoạt động điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản ven bờ; quan tâm công tác tái tạo nguồn lợi tại các thủy vực tự nhiên, phục hồi các hệ sinh thái rừng ngập mặn, rạn san hô, thảm cỏ biển;

- Thực hiện chuyển đổi các nghề khai thác ven bờ kém hiệu quả sang nghề khác, giảm áp lực khai thác vùng bờ;

- Xây dựng các Quy chế để khuyến khích cộng đồng tham gia nhiều hơn vào công tác quản lý nguồn lợi thủy sản, giảm thiểu các hành vi khai thác thủy sản mang tính tận diệt, hủy hoại nguồn lợi và môi trường sống.

a. Phát triển lực lượng tàu khai thác thủy sản xa bờ.

+ Đầu tư đóng mới cá tàu cá có công suất từ 400 CV - 1.000 CV trang bị hiện đại làm các nghề rê, câu, chài chụp hoạt động ở vùng biển khơi và vùng biển xa.

+ Xây dựng lực lượng dân quân gắn với việc phát triển lực lượng lao động trên tàu xa bờ gắn với việc bảo vệ chủ quyền biển đảo.

+ Đến năm 2020 số lượng tàu có công suất trên 90 CV đạt 600 chiếc; giảm lượng tàu khai thác thủy sản gần bờ.

+ Chuyển đổi nghề khai thác ven bờ sang nuôi trồng thủy sản, dịch vụ hậu cần, du lịch và các nghề khai thác có tính chọn lọc cao, thân thiện với môi trường hoặc khai thác tại vùng lộng và vùng biển xa bờ.

b. Phát triển sản phẩm khai thác từ biển.

- Đến năm 2020: Tổng sản lượng khai thác thủy sản 60.000 tấn, trong đó cá chiếm 70,7% tổng sản lượng khai thác, tôm chiếm 9,1%, mực chiếm 6,7%, nhuyễn thể chiếm 3,4% và hải sản khác chiếm 10,1% tổng sản lượng khai thác của tỉnh. (Sản lượng khai thác thủy sản bao gồm sản lượng khai thác biển và khai thác từ nội địa).

c. Phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá.

- Đầu tư nâng cấp 100 cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu thuyền nghề cá hiện có, khôi phục và phát triển nghề đóng tàu thuyền, sản xuất ngư cụ truyền thống. Hình thành 3 trung tâm nghề cá và 01 trung tâm thương mại nghề cá thuộc tỉnh gắn với hệ thống hạ tầng sản xuất, hậu cần nghề cá đồng bộ gắn với ngành công nghiệp phụ trợ nhằm thúc đẩy tăng trưởng nâng cao hiệu quả sản xuất và giá trị sản phẩm khai thác, nuôi trồng, chế biến và thương mại thủy sản.

- Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật tiên tiến, công nghệ bảo quản sau thu hoạch, công nghệ vật liệu sản xuất tàu thuyền. Hình thành các đội tàu thu mua, bảo quản, chế biến thủy sản và cung ứng dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển. Xây dựng mô hình liên kết, liên doanh, hợp tác xã, mô hình chuỗi sản xuất nhằm nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm thủy sản.

- Hoàn thiện hệ thống các cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão, trung tâm nghề cá đã được Chính phủ, UBND tỉnh phê duyệt như cảng cá loại I kết hợp với khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng tại Vân Đồn và Cô Tô; các cơ sở đóng mới sửa chữa tàu thuyền, chợ thủy sản trên các đảo và các huyện ven biển nhằm hỗ trợ ngư dân khai thác hiệu quả trên các vùng biển xa bờ và hình thành kênh phân phối thủy sản ổn định.

e. Đối tượng sản phẩm xuất khẩu

- Cá xuất khẩu: Cá sống, cá đá: Cá Rô phi, cá Song, cá Thu, cá Hồng;

- Mực xuất khẩu: Mực cấp đông, mực khô.

- Tôm xuất khẩu: Tôm sống, cấp đông.

- Nhuyễn thể: Hầu, Tu Hài, Ốc, Ngao,...

- Ngọc trai.

3.3. Phát triển nguồn nhân lực thủy sản

- Đến năm 2020, phát triển số lao động thủy sản Quảng Ninh đạt 62.000 người trong đó lao động qua đào tạo đạt 38.560 lao động.

- Lao động có trình độ đại học 235 người; cao đẳng 825 người; trung cấp 2.310 lao động; sơ cấp 7.838 người; qua đào tạo dạy nghề 7.352 người. Lao động được tập huấn kỹ thuật đạt khoảng 20.000 người.

4. Lĩnh vực lâm nghiệp

4.1. Phát triển cơ cấu 3 loại rừng

- Diện tích rừng và đất lâm nghiệp: 426.977 ha, trong đó: Rừng đặc dụng 25.046 ha; rừng phòng hộ 133.253 ha; rừng sản xuất 268.677 ha

Quản lý, bảo vệ diện tích rừng hiện có. Trồng mới 770 ha rừng đặc dụng; Trồng bổ sung trên 5.000 ha rừng phòng hộ và trồng mới 30.000 ha rừng sản xuất.

Quản lý, bảo vệ, nuôi dưỡng, khoanh nuôi tái sinh, làm giàu 62.778 ha rừng tự nhiên hiện có để sau 10-15 năm được khai thác; Xây dựng một số vùng trồng rừng gỗ lớn phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến với diện tích khoảng 15.000 ha (trong đó trồng mới 5.000 ha, trồng lại sau khai thác 10.000 ha),

- Rà soát diện tích rừng để phục vụ công tác cổ phần hóa các công ty TNHH 1TV Lâm nghiệp.

4.2. Nâng cao giá trị gia tăng ngành Lâm nghiệp

a. Đối với rừng đặc dụng

- Bảo tồn nguyên trạng, tạo ra môi trường tốt nhất để bảo tồn và phát triển các loài động, thực vật, đặc hữu, quý hiếm, các hệ sinh thái rừng đặc thù nhằm nâng cao chất lượng rừng và giá trị đa dạng sinh học; bảo vệ các khu di tích lịch sử; văn hóa. Gắn với khai thác các hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, ...

- Tiến hành trồng rừng với những loài cây bản địa, đặc hữu, những loài cây có giá trị về bảo vệ nguồn gen và cảnh quan.

- Tổng diện tích trồng mới 768,5 ha; khoanh nuôi phục hồi rừng tự nhiên bình quân 315,7 ha/năm (khoanh nuôi trong 5 năm), bảo vệ rừng bình quân 22.614,7 ha/năm.

b. Đối với rừng phòng hộ:

- Phát triển rừng phòng hộ nhằm phát huy vai trò phòng hộ đầu nguồn; phòng hộ ven biển cho các công trình thủy lợi, tiếp tục trồng mới rừng ngập mặn đối với những diện tích bãi ngập triều có thể trồng rừng; phát triển rừng phòng hộ vành đai biên giới gắn với an ninh quốc phòng và ổn định đời sống dân cư. Phát triển diện tích trồng thông tại một số địa phương như Vân Đồn, nơi có hồ chưa nước.

- Rừng phòng hộ đầu nguồn 92.351,5 ha tiếp tục được làm giàu và nâng cao chất lượng rừng.

- Rừng phòng hộ ven biển 20.394,7 ha, những diện tích rừng tự nhiên chưa đủ mật độ tiến hành khoanh nuôi bảo vệ, trồng bổ sung, tiếp tục trồng mới rừng ngập mặn.

c. Đối với rừng sản xuất:

- Đẩy mạnh việc khôi phục và phát triển rừng tự nhiên thông qua các biện pháp lâm sinh nuôi dưỡng và làm giàu rừng bằng cây đa tác dụng và lâm sản ngoài gỗ nhằm nâng cao giá trị của rừng và tăng thu nhập cho nhân dân các dân tộc. Cải tạo những diện tích rừng nghèo kiệt, tái sinh kém, hiệu quả kinh tế thấp.

- Chuyển dịch từng bước kinh doanh gỗ nhỏ cung cấp nguồn nguyên liệu dăm giấy sang trồng rừng kinh doanh gỗ lớn cung cấp cho chế biến đồ mộc dân dụng và xuất khẩu, phát triển rừng trồng sản xuất chủ yếu theo hướng thâm canh, coi trọng năng suất và chất lượng; kết hợp sản xuất nông, lâm nghiệp, du lịch sinh thái và các dịch vụ môi trường rừng; ưu tiên phát triển các vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, kết hợp trồng cây gỗ lớn, cây gỗ nhỏ mọc nhanh, khuyến khích gây trồng các loài cây đa mục đích và lâm sản ngoài gỗ.

- Tập trung cải thiện giống và năng suất rừng trồng thông qua áp dụng công nghệ sinh học hiện đại và kỹ thuật thâm canh rừng.

- Phát triển mạnh trồng cây phân tán để đáp ứng kịp thời, có hiệu quả các nhu cầu gỗ gia dụng và củi cho địa phương.

- Khuyến khích tất cả thành phần kinh tế đầu tư phát triển rừng, xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung có quy mô nhằm bảo đảm nguyên liệu cho chế biến và tăng hiệu quả sử dụng đất. Khuyến khích các hình thức liên doanh, liên kết và thành lập các hợp tác xã lâm nghiệp, triển khai kế hoạch trồng rừng gỗ lớn.

Rừng trồng sản xuất trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới định hướng thành 3 vùng chính, cụ thể như sau: Vùng sản xuất gỗ nhỏ; Vùng sản xuất gỗ lớn; Vùng sản xuất dầu nhựa.

4.3. Cơ cấu loài cây trồng chính trong sản xuất lâm nghiệp

Ưu tiên chọn tập đoàn cây bản địa đa mục đích như: Lim xanh, Sến mật, Trám, Giổi, lát hoa... Đối với rừng sản xuất bố trí các loài cây trồng có năng suất cao: Keo các loại, Bạch đàn, Mỡ, Thông các loại...

4.4. Vùng sản xuất lâm nghiệp

a. Vùng cây nguyên liệu gỗ cho sản xuất, xây dựng

* Vùng sản xuất gỗ nhỏ: Là vùng sản xuất, cung cấp nguyên liệu gỗ mỏ; gỗ dăm giấy... triển khai tại các huyện; thị xã; thành phố trên địa bàn tỉnh;

* Vùng sản xuất gỗ lớn: Hình thành vùng sản xuất gỗ lớn tại thành phố Cẩm Phả và các huyện: Hoành Bồ, Vân Đồn, Ba Chẽ, Tiên Yên, Bình Liêu, Đầm Hà.

b. Vùng cây lâm nghiệp đặc sản:

* Vùng trồng cây lâm sản ngoài gỗ (quế, hồi, sở, ba kích và các cây dược liệu khác): Bình Liêu, Ba Chẽ, Hoành Bồ, Đầm Hà...

* Vùng sản xuất dầu nhựa: tại Uông Bí; Đông Triều; Vân Đồn...

5. Lĩnh vực Thủy lợi

- Hoàn thành lập quy hoạch chi tiết thủy lợi đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;

- Hoàn thành việc rà soát diện tích, phạm vi được miễn thủy lợi phí tại các huyện, thị xã, thành phố;

- Phấn đấu hoàn thành chương trình nâng cấp đê biển theo quyết định 58/2006/QĐ-TTg ngày 14/3/2006 của Thủ tướng Chính phủ.

- Đảm bảo đủ nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, nuôi trồng thủy sản, du lịch và cho sinh hoạt của nhân dân. Phấn đấu đến năm 2020 có 90% diện tích gieo trồng được tưới tiêu chủ động, có 98% hộ dân được dùng nước sạch hợp vệ sinh, cơ bản hoàn thành kiên cố hoá kênh mương

- Đầu tư xây dựng Làm mới 13 hồ, sửa chữa 46 hồ chứa, 110 Đập dâng, 07 Trạm bơm. Cứng hóa 81 cống tiêu, Nâng cấp 208,54 km hệ thống đê kè, xây dựng 54 hệ thống cấp nước sinh hoạt.

6. Phát triển công nghiệp chế biến và ngành nghề nông thôn

6.1. Công nghiệp chế biến

- Tập trung ưu tiên đầu tư phát triển công nghiệp chế biến tinh, sâu; đổi mới công nghệ, thiết bị, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (GHP, GMP, HACCP, ISO kết hợp tổ chức sản xuất, tiêu thụ, nâng cao giá trị gia tăng. Đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị kết hợp với các biện pháp về tổ chức sản xuất, tiêu thụ hàng hóa nhằm nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm nông nghiệp chủ yếu từ 50% hiện nay lên 70% vào năm 2020; giảm tỷ lệ xuất khẩu sản phẩm thô.

- Nâng cấp, xây dựng mới các cơ sở giết mổ tập trung theo quy hoạch; sớm hoàn thành nhà máy chế biến sâu sản phẩm chăn nuôi tại Móng Cái, Hải Hà; xây dựng nhà máy chế biến thức ăn gia súc, gia cầm tại Đầm Hà, nâng cấp công nghệ, đầu tư thiết bị dây chuyền sản xuất thức ăn chăn nuôi tại các trang trại chăn nuôi tập trung gắn với liên kết phát triển vùng nguyên liệu (ngô, đậu tương, lạc, vùng trồng cỏ...).

- Đổi mới công nghệ, thiết bị của các cơ sở hiện có, sản xuất các sản phẩm theo hướng chế biến tinh, sâu; sớm chấm dứt xuất khẩu sản phẩm dăm gỗ. Thu hút đầu tư xây dựng nhà máy chế biến gắn với vùng nguyên liệu, đa dạng hoá các sản phẩm từ gỗ rừng trồng như: Ván MDP, ván ép thanh, ván sàn, ván ốp tường, bột giấy, đồ gỗ xuất khẩu...

- Thực hiện di dời các nhà máy chế biến thủy sản trong khu dân cư đô thị, đầu tư xây dựng mới các nhà máy chế biến hiện đại, đổi mới công nghệ bảo quản, chế biến; cải tiến công nghệ bảo quản đông cho nhóm sản phẩm có giá trị cao, công nghệ bảo quản thủy sản tươi sống bằng phương pháp sục khí oxy, ngủ đông... Phát triển các nhà máy sản xuất bột cá, xúc tiến đầu tư nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu...

6.2. Ngành nghề nông thôn

- Phấn đấu đến năm 2020, có 100% các làng nghề được công nhận đạt tiêu chuẩn cấp tỉnh. Xây dựng quy hoạch với quy mô, cơ cấu sản phẩm, trình độ công nghệ đủ sức cạnh tranh, phù hợp với điều kiện của từng vùng sinh thái; gắn hoạt động kinh tế của các với hoạt động dịch vụ du lịch và bảo tồn phát triển văn hóa truyền thống.

7. Đẩy mạnh thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới

- Xây dựng Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn phù hợp với Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tổ chức thực hiện có hiệu quả, bổ sung nguồn lực cho thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới một cách bền vững. Huy động, lồng ghép, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng nông thôn, hạ tầng các khu quy hoạch vùng sản xuất tập trung, đầu tư phát triển hệ thống cung cấp nước sạch, khắc phục tình trạng ô nhiễm;

- Xây dựng nông thôn kiểu mẫu;

- Xây dựng và triển khai thực hiện Đề án huy động và lồng ghép các nguồn lực đầu tư, hỗ trợ các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 góp phần xây dựng Nông thôn mới, giai đoạn 2016 - 2020.

8. Nâng cao năng lực quản lý, chuyên môn nghiệp vụ vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Đẩy mạnh công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh; hàng năm phấn đấu đạt từ loại khá trở lên theo Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá xếp hạng công tác quản lý an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản tại các địa phương của Bộ Nông nghiệp và PTNT;

- Hằng năm công bố danh mục thuốc bảo vệ thực vật lưu hành trên địa bàn tỉnh, thực hiện xử lý nghiêm ở mức cao nhất đối với các trường hợp sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, phân bón không đúng quy định.

- Xây dựng và triển khai các đề án, dự án, kế hoạch về VTNN & ATTP nông lâm thủy sản năm 2017-2020 và tầm nhìn đến năm 2030;

- Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện việc kiểm tra, giám sát để đánh giá, phân loại, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho 100% các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn theo phân cấp quản lý. Khuyến khích, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân áp dụng các biện pháp quản lý chất lượng thực phẩm tiên tiến (GMP,GHP, HACCP...), đặc biệt tại các vùng sản xuất các sản phẩm nông nghiệp tập trung; kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn với người tiêu dùng;

- Tăng cường thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, xử lý các vi phạm pháp luật về sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản. Giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm theo chuỗi cung cấp thực phẩm thuộc lĩnh vực phân công quản lý.

C. KẾ HOẠCH THỰC HIỆN MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM VÀ CHỈ TIÊU CHỦ YẾU THEO TỪNG NĂM

1. Triển khai thực hiện trong năm 2017

Duy trì tăng trưởng giá trị sản xuất toàn ngành đạt trên 4%/năm; Tỷ lệ che phủ rừng đạt 54% và phát triển bền vững; Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 96,5%; Tổng sản lượng lương thực đạt 236 nghìn tấn, đảm bảo an ninh lương thực ở khu vực nông thôn; Trồng rừng tập trung 11.300 ha (bao gồm cả trồng mới và trồng lại); Tổng sản lượng thủy sản đạt 111.000 tấn, trong đó khai thác 59.000 tấn, nuôi trồng 52.000 tấn; diện tích nuôi trồng thủy sản 21.297 ha; tổng số tàu khai thác 7.385 tầu, (trong đó có 460 tầu khai thác xa bờ). Tỷ lệ diện tích gieo trồng cây hàng năm được tưới đạt trên 80%. Toàn tỉnh có thêm 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

a. Về lĩnh vực Nông nghiệp

* Trồng trọt:

- Tiếp tục chuyển đổi cơ cấu giống, sử dụng các loại giống mới năng suất cao, ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất Nông nghiệp. Phát triển các sản phẩm chủ lực có lợi thế, phát triển thương hiệu;

- Triển khai đề án phát triển sản xuất lúa theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

- Triển khai dự án chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang loại hình cây con khác có hiệu quả kinh tế;

- Tổ chức tốt việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật đến hộ nông dân, làm tốt công tác phòng trừ dịch, bệnh hại cây trồng.

* Chăn nuôi:

Thực hiện các nhiệm vụ chuyển tiếp của các năm trước, đồng thời triển khai thực hiện các nhiệm vụ mới cụ thể như sau;

- Thực hiện đề án phát triển vùng nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi và thủy sản tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030;

- Thực hiện dự án phát triển giống gia cầm; dự án củng cố, nâng cao chất lượng đàn lợn giống giai đoạn 2017-2020;

- Thực hiện dự án nâng cao chất lượng giống bò thịt tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2017-2020.

b. Về lĩnh vực Lâm nghiệp

Thực hiện các nhiệm vụ chuyển tiếp của các năm trước, đồng thời triển khai thực hiện các nhiệm vụ mới cụ thể như sau;

- Triển khai Đề án phát triển giống cây lâm nghiệp tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016-2020;

- Triển khai đề án nâng cao năng suất và chất lượng rừng tỉnh Quảng Ninh, phát triển rừng trồng sản xuất có năng suất cao, nâng cao tỷ lệ gỗ nguyên liệu cung ứng cho công nghiệp chế biến dăm gỗ xuất khẩu và sản xuất đồ gỗ (gỗ lớn);

- Hoàn thành tổ chức triển khai kế hoạch thực hiện sắp xếp, đổi mới các công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh triển khai phương án trồng rừng thay thế.

c. Về lĩnh vực Thủy sản

Thực hiện các nhiệm vụ chuyển tiếp của các năm trước, đồng thời triển khai thực hiện các nhiệm vụ mới cụ thể như sau.

- Triển khai xây dựng trại sản xuất giống thủy sản của Tỉnh, thuộc dự án Hạ tầng vùng sản xuất giống nhuyễn thể tập trung tại Vân Đồn, nhằm cung cấp giống nhuyễn thể cho các vùng nuôi trên địa bàn tỉnh;

- Triển khai thực hiện giám sát và phát triển chuỗi cung cấp thực phẩm thủy sản an toàn, nhằm hình thành các chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn, từ khâu sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm đối với các sản phẩm chủ lực của tỉnh;

- Thực hiện ứng dụng các công nghệ mới trong lĩnh vực chế biến, đóng gói, bảo quản sản phẩm thủy sản, nhằm nâng cao chất lượng, mẫu mã và thương hiệu sản phẩm;

- Triển khai thực hiện chương trình xúc tiến thương mại thủy sản Quảng Ninh. Nhằm tuyên truyền và xây dựng các chương trình xúc tiến thương mại cho các tổ chức, cá nhân biết và thực hiện;

- Phát triển khai thác thủy sản tăng sản lượng khai thác xa bờ và giảm sản lượng khai thác gần bờ, ưu tiên phát triển đội tàu có năng suất và sản lượng cao hoặc các đối tượng có giá trị kinh tế cao. Tập trung khai thác tại những vùng biển xa bờ gắn với bảo vệ chủ quyền an ninh biển đảo;

- Thực hiện khoanh vùng bảo vệ các bãi sinh sản, bãi giống thủy sản. Tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi khai thác thủy sản mang tính hủy diệt, khai thác thủy sản trong khu vực cấm khai thác có thời hạn.

d. Về lĩnh vực Thủy lợi

Thực hiện phương án đặt hàng đối với các công thủy lợi; Quản lý, vận hành tốt công trình thủy lợi nhằm đảm bảo đủ nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, nước sinh hoạt, sản xuất công nghiệp và nuôi trồng thủy sản; đẩy mạnh công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; đẩy mạnh nâng cao hiệu quả quản lý khai thác công trình thủy lợi và quản lý an toàn đập, hồ chứa, hệ thống đê sông, đê biển của tỉnh.

e. Về phát triển nông thôn và Chương trình xây dựng nông thôn mới

- Thực hiện Đề án nhiệm vụ và giải pháp đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn 2017 - 2020;

- Tiếp tục triển khai Đề án thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh theo quyết định 755/QĐ-TTg.

2. Triển khai thực hiện năm 2018

Duy trì tăng trưởng giá trị sản xuất toàn ngành khoảng 4,5%/năm; Tỷ lệ che phủ rừng đạt gần 54,5% và phát triển bền vững; Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 97,5%; Tổng sản lượng lương thực đạt 245,2 nghìn tấn, đảm bảo an ninh lương thực ở khu vực nông thôn; Trồng rừng tập trung 14.600 ha (bao gồm cả trồng mới và trồng lại); Tổng sản lượng thủy sản sản đạt 119.000 tấn, trong đó nuôi trồng thủy sản đạt 58.000 tấn, khai thác đạt 61.000 tấn; diện tích nuôi trồng thủy sản 21.600 ha; tổng số tàu thuyền khai thác 7.720 chiếc, (trong đó có 450 tàu khai thác xa bờ); Tỷ lệ diện tích gieo trồng cây hàng năm được tưới đạt 87-88%, có 3 xã (xã Thanh Lâm, huyện Ba Chẽ; xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu; xã Quảng Lợi, huyện Đầm Hà) và 11 thôn ra khỏi diện ĐBKK, hoàn thành Chương trình 135. Toàn tỉnh có thêm 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

a. Về lĩnh vực Nông nghiệp

* Trồng trọt:

- Tiếp tục chuyển đổi cơ cấu giống, sử dụng các loại giống mới năng suất cao, ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất Nông nghiệp, phát triển các sản phẩm chủ lực có lợi thế, phát triển thương hiệu;

- Triển khai đề án phát triển sản xuất lúa theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

- Triển khai thực hiện các dự án Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phục vụ sản xuất nông nghiệp.

* Chăn nuôi:

Thực hiện các nhiệm vụ chuyển tiếp của các năm trước, đồng thời triển khai thực hiện các nhiệm vụ mới cụ thể như sau.

- Phát triển các vùng chăn nuôi tập trung công nghiệp, hình thành các chuỗi sản phẩm cung ứng phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu.

b. Về lĩnh vực Lâm nghiệp

Thực hiện các nhiệm vụ chuyển tiếp của các năm trước, đồng thời triển khai thực hiện các nhiệm vụ mới cụ thể như sau.

- Tiếp tục triển khai Đề án phát triển giống cây lâm nghiệp tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016-2020.

- Triển khai đề án nâng cao năng suất và chất lượng rừng tỉnh Quảng Ninh, phát triển rừng trồng sản xuất có năng suất cao, nâng cao tỷ lệ gỗ nguyên liệu cung ứng cho công nghiệp chế biến dăm gỗ xuất khẩu và sản xuất đồ gỗ;

- Triển khai xây dựng kế hoạch trồng rừng kinh doanh gỗ lớn, triển khai thực hiện đề án phát triển giống cây lâm nghiệp phục vụ trồng rừng bền vững và làm giàu rừng phòng hộ đặc dụng, trồng rừng ngập mặn....

c. Về lĩnh vực Thủy sản

Thực hiện các nhiệm vụ chuyển tiếp của các năm trước, đồng thời triển khai thực hiện các nhiệm vụ mới cụ thể như sau:

- Xây dựng và phát triển các cơ sở chế biến thủy sản kết hợp với du lịch tại các địa phương. Hình thành các tổ hợp chế biến thủy sản kết hợp với du lịch;

- Triển khai thực hiện đầu tư Khu neo đậu tránh trú bão kết hợp bến cá tại Bến Do thành phố Cẩm Phả và tại đảo Trần - Cô Tô;

- Triển khai thực hiện đầu tư xây dựng các chợ đầu mối thủy sản trên địa bàn huyện Cô Tô, Hạ Long, Vân Đồn và thành phố Móng Cái, nhằm hình thành 5 chợ đầu mối thủy sản trên địa bàn tỉnh.

d. Về lĩnh vực Thủy lợi

Quản lý, vận hành tốt công trình thủy lợi nhằm đảm bảo đủ nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, nước sinh hoạt, sản xuất công nghiệp và nuôi trồng thủy sản; đẩy mạnh công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; đẩy mạnh nâng cao hiệu quả quản lý khai thác công trình thủy lợi và quản lý an toàn đập, hồ chứa, hệ thống đê sông, đê biển của tỉnh.

e. Về phát triển nông thôn và chương trình xây dựng nông thôn mới

- Thực hiện Đề án nhiệm vụ và giải pháp đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn 2017 - 2020;

3. Triển khai thực hiện trong năm 2019

Duy trì tăng trưởng giá trị sản xuất toàn ngành khoảng 5%/năm; Tỷ lệ che phủ rừng đạt gần 54,5% và phát triển bền vững; Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 98%; Tổng sản lượng lương thực đạt 247,8 nghìn tấn, đảm bảo an ninh lương thực ở khu vực nông thôn; Trồng rừng tập trung 14.650 ha (bao gồm cả trồng mới và trồng lại); Tổng sản lượng thủy sản đạt 127.000 tấn, trong đó nuôi trồng thủy sản đạt 64.000 tấn, khai thác đạt 63.000 tấn; diện tích nuôi trồng thủy sản 21.600 ha; tổng số tàu thuyền khai thác 7.360 chiếc (trong đó có 500 tàu khai thác xa bờ); Tỷ lệ diện tích gieo trồng cây hàng năm được tưới đạt 88-89%, 13 xã ra khỏi diện ĐBKK, hoàn thành Chương trình 135 (các xã: Đồng Lâm, Đồng Sơn, Kỳ Thượng - huyện Hoành Bồ; Đại Dực, Đại Thành, Hà Lâu - huyện Tiên Yên; Đạp Thanh, Thanh Sơn, Nam Sơn - huyện Ba Chẽ; Đồng Văn - huyện Bình Liêu; Quảng An, Quảng Lâm - huyện Đầm Hà; Quảng Đức - huyện Hải Hà). Toàn tỉnh có thêm 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

a. Về lĩnh vực Nông nghiệp

* Trồng trọt:

- Tiếp tục chuyển đổi cơ cấu giống, sử dụng các loại giống mới năng suất cao, ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất Nông nghiệp. Phát triển các sản phẩm chủ lực có lợi thế, hình thành vùng sản xuất Nông nghiệp lớn.

- Triển khai đề án phát triển sản xuất lúa theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

- Triển khai thực hiện các dự án Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phục vụ sản xuất nông nghiệp; xây dựng các vùng sản xuất Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

* Chăn nuôi:

Thực hiện các nhiệm vụ chuyển tiếp của các năm trước, đồng thời triển khai thực hiện các nhiệm vụ mới cụ thể như sau.

- Phát triển các vùng chăn nuôi tập trung công nghiệp, hình thành các chuỗi sản phẩm cung ứng phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu.

b. Về lĩnh vực Lâm nghiệp

Thực hiện các nhiệm vụ chuyển tiếp của các năm trước, đồng thời triển khai thực hiện các nhiệm vụ mới cụ thể như sau.

- Triển khai xây dựng kế hoạch trồng rừng kinh doanh gỗ lớn, triển khai thực hiện đề án phát triển giống cây lâm nghiệp phục vụ trồng rừng bền vững và làm giàu rừng phòng hộ đặc dụng, trồng rừng ngập mặn....

- Tiếp tục triển khai Đề án phát triển giống cây lâm nghiệp tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016-2020.

- Phát triển rừng trồng sản xuất có năng suất cao, nâng cao tỷ lệ gỗ nguyên liệu cung ứng cho công nghiệp chế biến dăm gỗ xuất.

c. Về lĩnh vực Thủy sản

Thực hiện các nhiệm vụ chuyển tiếp của các năm trước, đồng thời triển khai thực hiện các nhiệm vụ mới cụ thể như sau:

- Tiếp tục triển khai thực hiện đầu tư xây dựng các chợ đầu mối thủy sản trên địa bàn huyện Cô Tô, Hạ Long, Vân Đồn và thành phố Móng Cái, nhằm hình thành 05 chợ đầu mối thủy sản trên địa bàn tỉnh.

- Triển khai thực hiện đầu tư nâng cấp các cơ sở đóng mới sửa chữa tàu có công suất từ 90 CV trở lên và xây dựng các nhà máy sản xuất nước đá phục vụ tàu khai thác tại thành phố Hạ Long, Vân Đồn, Cô Tô.

d. Về lĩnh vực Thủy lợi

- Quản lý, vận hành tốt công trình thủy lợi nhằm đảm bảo đủ nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, nước sinh hoạt, sản xuất công nghiệp và nuôi trồng thủy sản, nâng cao hiệu quả quản lý khai thác công trình thủy lợi và quản lý an toàn đập, hồ chứa, hệ thống đê sông, đê biển của tỉnh;

- Đẩy mạnh công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

e. Về phát triển nông thôn và chương trình xây dựng nông thôn mới

- Tiếp tục thực hiện Thực hiện Đề án nhiệm vụ và giải pháp đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020;

4. Triển khai thực hiện trong năm 2020

Tiếp tục triển khai thực hiện các chương trình dự án đang thực hiện, tổng kết đánh giá công tác triển khai thực hiện 5 năm thực hiện Đề án, từ đó rút kinh nghiệm xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện đề án giai đoạn 2021 - 2025, định hướng 2030.

Có thêm 14 xã đạt chuẩn nông thôn mới; có thêm 06 xã (các xã: Đồn Đạc - huyện Ba Chẽ; Đồng Tâm, Tình Húc, Vô Ngại, Húc Động - huyện Bình Liêu; Quảng Sơn - huyện Hải Hà) ra khỏi diện ĐBKK, hoàn thành Chương trình 135.

Phấn đấu đạt các chỉ tiêu trong đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp cụ thể:

- Toàn tỉnh có 06/13 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới;

- Nâng thu nhập của người dân nông thôn cao gấp 2 lần so với thu nhập bình quân đầu người dân khu vực nông thôn với năm 2015. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn dưới 2,0% (theo tiêu chí mới).

- Cơ cấu ngành nông nghiệp trong GDP của tỉnh đến năm 2020 là 3-4%; Duy trì tốc độ tăng trưởng của ngành đạt khá (tăng trưởng giá trị sản xuất tăng bình quân 6 - 8%/năm).

- Giá trị tăng thêm toàn ngành tăng bình quân 7 - 8%/năm; chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

- Nâng tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh đạt 54 - 55%, góp phần thực hiện định hướng tăng trưởng xanh của tỉnh;

- Tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 98%.

D. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN KẾ HOẠCH

1. Tuyên truyền, phổ biến và quán triệt nội dung Đề án

- Các cơ quan truyền thông, báo chí của tỉnh tổ chức đưa tin về Đề án và Kế hoạch thực hiện của tỉnh kịp thời, chính xác nhằm thống nhất nhận thức và quyết tâm thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh.

- Tập trung tuyên truyền, phổ biến và quán triệt nội dung của các chủ trương, chính sách về phát triển Nông nghiệp của Đảng, Nhà nước đến cán bộ, công chức, các tổ chức, cá nhân liên quan và toàn thể nhân dân; Kịp thời nêu gương những điển hình, cách làm hay trong phát triển kinh tế Nông nghiệp, nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả.

- Tăng cường đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ hiểu biết về luật pháp cho đội ngũ cán bộ làm công tác thương mại ở các doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu hội nhập; Đào tạo nguồn nhân lực cho ngành, thu hút cán bộ có trình độ năng lực chuyên môn và thực tiễn trong lĩnh vực Nông nghiệp phục vụ công tác quản lý nhà nước về Nông nghiệp trên địa bàn.

2. Nâng cao chất lượng quy hoạch, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với việc thực hiện quy hoạch, đề án

- Thực hiện rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm của tỉnh, nhu cầu thị trường và lợi thế vùng miền;

- Rà soát, điều chỉnh quy hoạch rừng, duy trì hợp lý diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ rừng, rừng sản xuất, phát triển vùng trồng rừng nguyên liệu, tập trung gỗ lớn, gỗ nhỏ, lâm đặc sản ngoài gỗ và khai thác rừng một cách có hiệu quả, bền vững.

- Rà soát, quy hoạch và quản lý vùng nuôi thủy sản tập trung công nghiệp, an toàn thực phẩm; điều tra ngư trường, phân tích nguồn, trữ lượng hải sản và giám sát mức độ đánh bắt, bảo vệ nguồn lợi.

- Rà soát, điều chỉnh quy hoạch thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng; thực hiện triển khai quy hoạch và quản lý quy hoạch tài nguyên nước tỉnh Quảng Ninh đã được phê duyệt.

- Rà soát và hoàn thành quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung tại các địa phương trong tỉnh;

- Rà soát điều chỉnh quy hoạch giết mổ tập trung trên địa bàn tỉnh;

- Tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện quy hoạch, đề án nhất là sự kết hợp giữa quy hoạch vùng trong và ngoài tỉnh với quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh; tăng cường tính công khai, minh bạch đối với các loại quy hoạch của ngành nông nghiệp.

3. Giải pháp cơ chế chính sách thu hút nguồn lực phát triển nông nghiệp

Trên cơ sở các văn bản pháp lý của Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương, Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các Sở, Ban ngành, Ủy ban nhân dân các địa phương rà soát, xây dựng cơ chế chính sách cho từng lĩnh vực cụ thể; đề xuất sửa đổi, bổ sung hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo động lực cho quá trình tái cơ cấu được triển khai đúng hướng, hiệu quả. Ưu tiên nghiên cứu xây dựng chính sách khuyến khích phát triển sản xuất tập trung vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh, thí điểm chính sách hỗ trợ vùng nghèo;

Bổ sung chính sách khuyến khích đầu tư để thu hút nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước (bao gồm ODA và FDI), phát triển các hình thức đầu tư có sự tham gia giữa nhà nước và tư nhân (PPP, PPC,...) trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Rà soát, ban hành cơ chế chính sách thu hút đầu tư đối với Khu nông nghiệp công nghệ cao, khu sản xuất nông nghiệp tập trung trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

4. Giải pháp đầu tư, huy động nguồn lực đầu tư phát triển

- Tranh thủ các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách để thực hiện đầu tư: Các trung tâm sản xuất giống tập trung; vùng sản xuất tập trung, vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, hệ thống đê hồ đập, đê biển, cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, công tác thông tin tuyên truyền; công tác ứng dụng khoa học, kỹ thuật trong xây dựng và nhân rộng mô hình nông nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng - khai thác thủy sản; chính sách phát triển đội tàu khai thác thủy sản xa bờ;

- Tạo điều kiện thuận lợi và huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các dự án thuộc lĩnh vực sản xuất giống; nuôi trồng, khai thác, khu nông nghiệp công nghệ cao; vùng chăn nuôi tập trung; nhà máy chế biến. Tạo điều kiện để các doanh nghiệp và người dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi; chuyển từ ngân sách Nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho người sản xuất sang hỗ trợ lãi suất tín dụng, hỗ trợ đầu tư hạ tầng dùng chung cho vùng sản xuất, hỗ trợ mua bảo hiểm trong sản xuất, kinh doanh Nông nghiệp.

- Tranh thủ có hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ, tài trợ của quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, nhất là trong lĩnh vực bảo vệ nguồn lợi, trồng rừng ngập mặn và xây dựng khu bảo tồn biển, hệ thống hồ chứa....

5. Giải pháp đào tạo, thu hút nguồn nhân lực và ứng dụng khoa học công nghệ

- Hoàn thành đầu tư và đưa vào hoạt động các khu nông nghiệp công nghệ cao tại Đông Triều, Trung tâm sản xuất giống thủy sản Đầm Hà, Trung tâm sản xuất giống nhuyễn thể Vân Đồn.

- Tập trung ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, quản lý, điều hành ngành Nông nghiệp; ứng dụng khoa học công nghệ trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, sản xuất giống, ưu tiên loài có giá trị kinh tế cao; chế biến theo quy trình sản xuất mới gắn với hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến.

- Thực hiện công tác điều tra khảo sát lực lượng lao động trong lĩnh vực Nông nghiệp (trình độ lao động qua đào tạo, qua đào tạo nghề, nhu cầu đào tạo lại), xây dựng kế hoạch đào tạo hàng năm, giai đoạn phù hợp với quy hoạch nguồn nhân lực đến năm 2020.

- Thực hiện đào tạo nguồn nhân lực từ cấp độ cán bộ quản lý đến đội ngũ cán bộ kỹ thuật, công nhân để có trình độ phù hợp và khả năng đáp ứng yêu cầu. Tăng cường hoạt động khuyến nông, khuyến ngư. Thu hút nhân lực có trình độ cao, các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực về công tác tại địa phương; khuyến khích học tập nâng cao trình độ.

6. Cải cách thể chế

- Về Triển khai thực hiện Đề án 25: Sở Nông nghiệp và PTNT thực hiện có hiệu quả Đề án Nâng cao năng lực, sức chiến đấu; đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và tinh giản bộ máy, biên chế đã được phê duyệt Quyết định số 1924-QĐ/TU ngày 20/3/2015 của Tỉnh ủy Quảng Ninh, chủ động phối hợp với các địa phương, đơn vị trong rà soát, chức năng, nhiệm vụ của các phòng, ban, đơn vị thuộc Sở để tăng cường phối hợp, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao; thực hiện tự chủ tự chịu trách nhiệm về tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp và cổ phần các đơn vị theo lộ trình được phê duyệt.

- Về tái cấu trúc doanh nghiệp (công ty lâm nghiệp, công ty thủy lợi):

+ Thực hiện việc sắp xếp lại các công ty lâm nghiệp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 1500/TTg-ĐMDN ngày 24/8/2015, Thông báo số 511-TB/TU ngày 17/3/2017 của Tỉnh ủy Quảng Ninh và chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Văn bản số 1853/UBND-TM1 ngày 22/3/2017 nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động các công ty lâm nghiệp, sử dụng có hiệu quả tài nguyên rừng và đất rừng.

+ Đổi mới nâng cao hiệu quả của các Công ty khai thác công trình thủy lợi, triển khai thực hiện xây dựng đề án nâng cao hiệu quả quản lý công trình thủy lợi, xây dựng điều chỉnh định mức kinh tế - kỹ thuật quản lý, vận hành khai thác công trình thủy lợi, tiếp tục thực hiện cơ chế đặt hàng đối với 3 công ty Thủy lợi.

+ Nghiên cứu, thực hiện cơ chế phù hợp cho công tác quản lý, khai thác có hiệu quả các Công trình cấp nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn trên địa bàn tỉnh.

+ Phát triển các hình thức đầu tư có sự tham gia giữa nhà nước và tư nhân trong lĩnh vực nông nghiệp (PPP, PPC) các hình thức liên kết giữa nông dân với các thành phần kinh tế khác;

+ Đổi mới hệ thống nghiên cứu khoa học, đào tạo, cơ chế hoạt động của các đơn vị công lập, xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm;

+ Tăng cường lực lượng cho cơ quan kiểm tra, kiểm nghiệm chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm đối vật tư, sản phẩm nông, lâm, thủy sản đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng;

+ Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đi đối với việc củng cố và nâng cao năng lực của hệ thống thanh tra chuyên ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

7. Giải pháp hợp tác quốc tế và phát triển thị trường

Tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế, tiếp nhận công nghệ tiên tiến trong phát triển Nông nghiệp. Đẩy mạnh hợp tác với các tỉnh, các Viện nghiên cứu, các trường đại học trong và ngoài nước.

8. Nhu cầu nguồn lực thực hiện

8.1. Nguồn lực: Tái cơ cấu đầu tư ngành Nông nghiệp, theo hướng điều chỉnh phương thức và nguồn vốn đầu tư để thu hút hiệu quả nguồn lực đầu tư xã hội, phát triển các hình thức đầu tư có sự tham gia giữa nhà nước và tư nhân, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi và huy động các nguồn lực khác theo kế hoạch.

8.2. Cơ chế thực hiện theo các nguồn vốn

8.2.1. Nguồn vốn ngân sách.

Cơ chế thực hiện hỗ trợ từ nguồn Ngân sách nhà nước được thực hiện theo quy định Luật đầu tư công, các quy định pháp luật liên quan và các cơ chế chính sách hiện hành theo từng giai đoạn. Cụ thể nguyên tắc hỗ trợ thực hiện kế hoạch như sau:

a. Nguồn vốn đầu tư:

Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Tỉnh và ngân sách Trung ương hỗ trợ để thực hiện chi: Đầu tư hạ tầng (đường giao thông, hệ thống điện, hệ thống cấp thoát nước đầu mối...) vùng sản xuất giống tập trung, vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, các dự án nông nghiệp trong điểm, các công trình đầu mối do các sở, ban, ngành của Tỉnh làm chủ đầu tư phải đảm bảo đúng quy định, phù hợp với tình hình thực tế; xây dựng hệ thống hồ đập, khu chăn nuôi tập trung, xây dựng hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung; xây dựng cảng cá, khu neo đậu tráng trú bão cho tàu cá; các nội dung khác theo cơ chế chính sách cụ thể của trung ương.

Nguồn vốn đầu tư ngân sách cấp huyện để thực hiện chi: Đầu tư hạ tầng (đường giao thông, hệ thống điện, hệ thống cấp thoát nước đầu mối....) vùng sản xuất tập trung, vùng sản xuất giống tập trung do huyện làm chủ đầu tư phải đảm bảo đúng quy định, phù hợp với tình hình thực tế.

b. Nguồn vốn sự nghiệp.

Nguồn vốn sự nghiệp ngân sách tỉnh (sự nghiệp kinh tế, kinh phí quy hoạch, sự nghiệp khoa học, kinh phí đào tạo nghề nông thôn...) và ngân sách Trung ương hỗ trợ để thực hiện chi: Công tác quy hoạch, lập đề án phát triển toàn Tỉnh; các mô hình chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học, các dự án (xúc tiến thương mại, giám sát chất lượng sản phẩm...) do Tỉnh thực hiện; các chính sách hiện hành của nhà nước về hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp...

Nguồn vốn sự nghiệp ngân sách cấp huyện (sự nghiệp kinh tế, kinh phí quy hoạch...) để thực hiện chi: Công tác quy hoạch, lập đề án phát triển ngành thuộc phạm vi cấp huyện; các mô hình chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học, các dự án (xúc tiến thương mại, giám sát chất lượng sản phẩm....) do huyện thực hiện; công tác tuyên truyền chế độ, chính sách về phát triển ngành.

8.2.2. Nguồn vốn khác (doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân).

Đầu tư trực tiếp vào các hạng mục dự án sản xuất giống, dự án nuôi trồng, dự án trồng rừng, dự án sản xuất Nông nghiệp công nghệ cao, đóng mới, nâng cấp tầu cá....

8.3. Nhu cầu vốn và cơ cấu nguồn vốn

Nhu cầu vốn được xác định trên cơ sở thực tiễn từng giai đoạn, trên cơ sở các nhiệm vụ ưu tiên kèm theo Kế hoạch. Hàng năm Sở Nông nghiệp và PTNT và các đơn vị có liên quan chủ động tham mưu báo cáo UBND tỉnh thực hiện theo các dự án, chương trình cụ thể.

E. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch. Định kỳ 6 tháng, hàng năm tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch về Ủy ban nhân dân tỉnh, đề xuất điều chỉnh Kế hoạch cho phù hợp với điều kiện thực tế.

- Hướng dẫn, hỗ trợ UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc xây dựng và các chương trình, đề án, dự án đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đảm bảo phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp trong đề án tái cơ cấu ngành.

- Kiểm tra đôn đốc việc thực hiện đảm bảo kế hoạch đề ra. Phối hợp với UBND cấp huyện tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

- Tổng hợp kết quả thực hiện báo cáo UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị liên quan theo quy định.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính

- Trên cơ sở nguồn vốn ngân sách địa phương, ngân sách hỗ trợ của Trung ương và các nguồn hỗ trợ khác, cân đối, bố trí, lồng ghép các nguồn vốn thực hiện kế hoạch này đảm bảo thực hiện các mục tiêu đề ra.

- Tổ chức thẩm định các dự án, nhiệm vụ đầu tư đã được phê duyệt trong kế hoạch này theo quy định hiện hành.

-Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí đầu tư cho Kế hoạch này.

3. Các Sở, ban ngành khác liên quan

Căn cứ các nội dung của Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tỉnh Quảng Ninh đã được phê duyệt tổ chức triển khai thực hiện.

4. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

Xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện; Thực hiện tốt công tác chuẩn bị đầu tư, vận động nhân dân giải phóng mặt bằng, đóng góp sức người, vật chất thực hiện đầu tư các công trình trên địa bàn; Cân đối nguồn Ngân sách địa phương đối ứng thực hiện các dự án có yêu cầu đối ứng.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các đơn vị nghiêm túc thực hiện, trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc các sở, địa phương báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Nông nghiệp và PTNT) để xem xét, quyết định./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ NN&PTNT (báo cáo);
- TT Tỉnh ủy, HĐND tỉnh (báo cáo);
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và PTNT, Tài nguyên và MT Khoa học và CN;
- Ban Xây dựng NTM, Ban Dân tộc tỉnh;
- Liên minh HTX, Hội Nông dân tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- V0, V5, NLN1,2,3, TM3, VX3;
- TT Thông tin VP UBND tỉnh;
- Lưu VT, NLN3 (15b, CV92).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đặng Huy Hậu

 

PHỤ LỤC 01

KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN CÂY LÚA CẢ NĂM TỈNH QUẢNG NINH GIAI ĐOẠN 2017 – 2020
(Kèm theo Kế hoạch số: 2462/KH-UBND ngày 13/4/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

ĐVT: DT: ha; SL: tấn

STT

Huyện, thị xã, thành phố

Năm 2017

Năm 2018

Năm 2019

Năm 2020

Diện tích

Sản lượng

Diện tích

Sản lượng

Diện tích

Sản lượng

Diện tích

Sản lượng

 

Tổng cộng

41.815

211.185

42.801

219.129

64.761

226.236

43.840

232.090

1

Thành phố Hạ Long

660

3.105

640

2.994

620

2.883

615

2.770

2

Thành phố Uông Bí

2.430

12.900

2.400

12.780

23.800

12.700

2.350

12.700

3

Thành phố Cẩm Phả

480

2.000

550

2.400

620

2.800

700

3.150

4

Thành phố Móng Cái

3.230

13.200

4.100

15.800

4.500

18.000

4.947

22.260

5

Thị xã Đông Triều

9.116

52.925

9.128

53.800

9.140

54.300

9.155

54.930

6

Thị xã Quảng Yên

9.500

55.000

9.300

55.600

9.100

56.100

8.800

52.800

7

Huyện Hoành Bồ

2.420

9.970

2.520

10.750

2.620

11.530

2.735

12.310

8

Huyện Vân Đồn

750

2.587

700

2.650

660

2.700

612

2.760

9

Huyện Cô Tô

166

637

168

655

170

673

172

690

10

Huyện Ba Chẽ

958

4.400

957

4.500

956

4.600

954

4.770

11

Huyện Tiên Yên

3.050

14.030

3.028

14.250

3.000

14.550

2.960

14.800

12

Huyện Bình Liêu

2.105

9.100

2.110

9.500

2.115

9.800

2.117

10.160

13

Huyện Đầm Hà

3.250

13.571

3.200

13.650

3.160

13.800

3.098

13.940

14

Huyện Hải Hà

3.700

17.760

4.000

19.800

4.300

21.800

4.625

24.050

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

PHỤ LỤC 02

KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN CÂY RAU TỈNH QUẢNG NINH GIAI ĐOẠN 2017 – 2020
(Kèm theo Kế hoạch số: 2462/KH-UBND ngày 13/4/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

ĐVT: DT: ha; SL: tấn

STT

Huyện, thị xã, thành phố

Năm 2017

Năm 2018

Năm 2019

Năm 2020

Diện tích

Sản lượng

Diện tích

Sản lượng

Diện tích

Sản lượng

Diện tích

Sản lượng

 

Tổng cộng

9.763

153.024

10.053

167.557

10.331

192.100

10.630

196.650

1

Thành phố Hạ Long

159

11.310

273

10.624

386

9.938

500

9.250

2

Thành phố Uông Bí

415

6.000

425

6.700

438

7.400

450

8.100

3

Thành phố Cẩm Phả

130

5.020

195

6.480

262

7.940

330

9.400

4

Thành phố Móng Cái

690

8.300

760

10.783

830

23.266

900

15.750

5

Thị xã Đông Triều

1.210

23.390

1.305

26.340

1.400

29.290

1.500

32.250

6

Thị xã Quảng Yên

3.500

53.726

3.270

52.618

3.030

51.510

2.800

50.400

7

Huyện Hoành Bồ

780

12.150

755

12.300

725

12.450

700

12.600

8

Huyện Vân Đồn

175

2.100

250

3.730

325

5.365

400

7.000

9

Huyện Cô Tô

28

313

35

475

42

638

50

800

10

Huyện Ba Chẽ

186

2.513

224

3.325

262

4.135

300

4.950

11

Huyện Tiên Yên

410

5.820

440

6.796

470

7.772

500

8.750

12

Huyện Bình Liêu

610

6.710

673

9.006

736

11.306

800

13.600

13

Huyện Đầm Hà

720

8.172

648

8.280

575

8.390

500

8.500

14

Huyện Hải Hà

750

7.500

800

10.100

850

12.700

900

15.300

 

PHỤ LỤC 03

KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN ĐÀN TRÂU TỈNH QUẢNG NINH GIAI ĐOẠN 2017 – 2020
(Kèm theo Kế hoạch số: 2462/KH-UBND ngày 13/4/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

Đơn vị tính: Con

TT

Địa phương

Năm 2017

Năm 2018

Năm 2019

Năm 2020

Tổng số

Trong đó: Chăn nuôi trang trại, gia trại

 

Tổng cộng

47.796

48.590

49.590

50.000

25.000

1

Thành phố Hạ Long

116

50

10

 

 

2

Thành phố Uông Bí

2.267

2.000

1.800

1.500

600

3

Thành phố Cẩm Phả

2.000

1.800

1.600

1.200

540

4

Thành phố Móng Cái

5.860

5.960

6.100

6.200

3.100

5

Thị xã Đông Triều

3.420

3.300

3.200

3.000

1.500

6

Thị xã Quảng Yên

1.200

1.300

1.400

1.500

675

7

Huyện Hoành Bồ

6.700

6.500

6.300

6.000

3.000

8

Huyện Vân Đồn

2.000

2.500

3.000

3.500

1.575

9

Huyện Cô Tô

137

150

180

200

80

10

Huyện Ba Chẽ

2.500

2.650

2.800

3.000

1.350

11

Huyện Tiên Yên

4.138

4.230

4.320

4.400

2.200

12

Huyện Bình Liêu

6.138

6.600

7.100

7.500

4.500

13

Huyện Đầm Hà

3.900

3.930

3.960

4.000

1.600

14

Huyện Hải Hà

7.420

7.620

7.820

8.000

4.280

 

PHỤ LỤC 04

KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN ĐÀN BÒ TỈNH QUẢNG NINH GIAI ĐOẠN 2017 – 2020
(Kèm theo Kế hoạch số: 2462/KH-UBND ngày 13/4/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

Đơn vị tính: Con

TT

Địa phương

Năm 2017

Năm 2018

Năm 2019

Năm 2020

Tổng số

Trong đó: Chăn nuôi trang trại, gia trại

 

Tổng cộng

25.374

39.690

55.175

70.000

49.000

1

Thành phố Hạ Long

575

620

665

700

560

2

Thành phố Uông Bí

2.163

2.400

2.800

3.000

2.400

3

Thành phố Cẩm Phả

1.174

1.620

2.060

2.500

1.750

4

Thành phố Móng Cái

2.850

9.000

16.000

23.000

15.730

5

Thị xã Đông Triều

2.460

2.800

3.200

3.500

2.450

6

Thị xã Quảng Yên

5.000

5.300

5.600

6.000

4.200

7

Huyện Hoành Bồ

2.300

2.600

3.000

3.300

2.310

8

Huyện Vân Đồn

700

1.600

2.600

3.500

2.450

9

Huyện Cô Tô

579

700

800

900

630

10

Huyện Ba Chẽ

1.300

2.100

2.800

3.500

2.450

11

Huyện Tiên Yên

732

1.600

2.600

3.600

2.520

12

Huyện Bình Liêu

2.211

4.600

6.800

9.000

6.300

13

Huyện Đầm Hà

1.700

2.100

2.600

3.000

2.100

14

Huyện Hải Hà

1.630

2.650

3.650

4.500

3.150

 

PHỤ LỤC 05

KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN ĐÀN LỢN TỈNH QUẢNG NINH GIAI ĐOẠN 2017 – 2020
(Kèm theo Kế hoạch số: 2462/KH-UBND ngày 13/4/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

Đơn vị tính: Con

TT

Địa phương

Năm 2017

Năm 2018

Năm 2019

Năm 2020

Tổng số

Trong đó: Chăn nuôi trang trại, gia trại

 

Tổng cộng

434.695

607.500

940.930

1.200.000

960.000

1

Thành phố Hạ Long

14.322

14.350

14.380

14.400

11.520

2

Thành phố Uông Bí

14.871

19.800

25.000

31.200

24.960

3

Thành phố Cẩm Phả

37.961

42.000

46.000

50.400

40.320

4

Thành phố Móng Cái

35.650

43.650

51.650

60.000

48.000

5

Thị xã Đông Triều

91.000

84.000

77.000

69.600

55.680

6

Thị xã Quảng Yên

58.000

68.000

78.000

88.800

71.040

7

Huyện Hoành Bồ

20.000

25.000

30.000

35.000

28.000

8

Huyện Vân Đồn

11.200

16.000

21.000

25.200

20.160

9

Huyện Cô Tô

2.251

3.800

5.500

7.000

5.600

10

Huyện Ba Chẽ

12.000

14.500

17.000

19.200

15.360

11

Huyện Tiên Yên

19.440

31.400

43.400

55.200

44.160

12

Huyện Bình Liêu

8.000

15.000

22.000

30.000

24.000

13

Huyện Đầm Hà

48.000

110.000

250.000

357.000

285.600

14

Huyện Hải Hà

62.000

120.000

260.000

357.000

285.600

 

 

 

 

 

 

 

 

PHỤ LỤC 06

KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN ĐÀN GIA CẦM TỈNH QUẢNG NINH GIAI ĐOẠN 2017 – 2020
(Kèm theo Kế hoạch số: 2462/KH-UBND ngày 13/4/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

Đơn vị tính: 1000 Con

TT

Địa phương

Năm 2017

Năm 2018

Năm 2019

Năm 2020

Tổng số

Trong đó: Chăn nuôi trang trại, gia

 

Tổng cộng

3.515,0

4.990,3

6.496,6

8.000

6.800

1

Thành phố Hạ Long

61,0

75,0

88,0

100

85

2

Thành phố Uông Bí

217,0

380,0

550,0

710

605

3

Thành phố Cẩm Phả

150,0

200,0

250,0

300

255

4

Thành phố Móng Cái

210,0

270,0

350,0

400

340

5

Thị xã Đông Triều

760,0

1.160,0

1.560,0

2.000

1.700

6

Thị xã Quảng Yên

750,0

1.100,0

1.450,0

1.800

1.530

7

Huyện Hoành Bồ

270,0

412,0

558,0

700

595

8

Huyện Vân Đồn

90,0

111,0

130,0

150

125

9

Huyện Cô Tô

29,0

29,3

29,6

30

25

10

Huyện Ba Chẽ

66,0

111,0

156,0

200

170

11

Huyện Tiên Yên

276,0

370,0

465,0

560

475

12

Huyện Bình Liêu

86,0

106,0

128,0

150

130

13

Huyện Đầm Hà

280,0

320,0

360,0

400

340

14

Huyện Hải Hà

270,0

346,0

422,0

500

425

 

PHỤ LỤC 07

KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN RỪNG SẢN XUẤT KINH DOANH GỖ LỚN TỈNH QUẢNG NINH GIAI ĐOẠN 2017 – 2020
(Kèm theo Kế hoạch số: 2462/KH-UBND ngày 13/4/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

ĐVT: ha

TT

Huyện, thành phố thị xã

Tổng số

Trong đó

Thực hiện theo năm

Năm 2017

Năm 2018

Năm 2019

Năm 2020

Trồng mới

Trồng lại sau khai thác

Chuyển hóa

Tổng cộng

Trồng mới

Trồng lại sau khai thác

Chuyển hóa

Tổng cộng

Trồng mới

Trồng lại sau khai thác

Chuyển hóa

Tổng cộng

Trồng mới

Trồng lại sau khai thác

Chuyển hóa

Tổng cộng

Trồng mới

Trồng lại sau khai thác

Chuyển hóa

 

Tổng cộng

16.457

2.470

8.767

5.220

3.512

621

1.607

1.284

3.538

786

1.870

882

5.776

765

2.957

2.054

3.631

298

2.333

1.000

1

Thành phố Uông Bí

1.977

300

1.677

-

200

 

200

 

360

60

300

 

750

150

600

 

667

90

577

 

2

Thành phố Cẩm Phả

1.800

-

1.475

325

300

 

300

 

300

 

300

 

565

 

500

65

635

 

375

260

3

Thành phố Móng Cái

247,65

124

-

123,7

172,7

49

 

123,7

60

60

 

 

15

15

 

 

-

-

 

 

4

Thị xã Đông Triều

712

110

300

302

320

60

100

160

150

50

100

 

242

 

100

142

-

 

 

 

5

Huyện Hoành Bồ

1.250

235

1.015

-

250

100

150

 

435

135

300

 

257

 

257

 

308

 

308

 

6

Huyện Vân Đồn

2.000

300

1.700

-

237

80

157

 

400

100

300

 

820

120

700

 

543

 

543

 

7

Huyện Ba Chẽ

3.380

200

1.120

2.060

700

50

150

500

690

50

240

400

1.200

50

450

700

790

50

280

460

8

Huyện Tiên Yên

400

400

-

-

82

82

 

 

100

100

 

 

150

150

 

 

68

68

 

 

9

Huyện Bình Liêu

1.500

450

50

1.000

450

100

50

300

300

100

 

200

560

160

 

400

190

90

 

100

10

Huyện Đầm Hà

2.248

238

930

1.080

500

100

300

100

448

68

180

200

870

70

200

600

430

 

250

180

11

Huyện Hải Hà

942

113

500

329

300

 

200

100

295

63

150

82

347

50

150

147

-

 

 

 

 

PHỤ LỤC 08

KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN THỦY SẢN QUẢNG NINH GIAI ĐOẠN 2017 – 2020

TT

Địa phương

Nuôi trồng

Khai thác

Diện tích (ha)

Sản lượng (tấn)

Sản lượng (tấn)

2017

2018

2019

2020

2017

2018

2019

2020

2017

2018

2019

2020

 

Tổng toàn tỉnh

20.645

20.666

20.720

20.722

52.000

58.000

64.000

69.900

59.000

61.000

63.000

65.000

1

Thành phố Hạ Long

887

767

647

530

490

900

1.380

1.820

1.750

2.000

2.250

2.500

2

Thành phố Uông Bí

1.141

1.041

946

850

1.015

1.418

1.898

2.330

705

900

1.060

1.200

3

Thành phố Cẩm Phả

300

330

360

400

800

1.150

1.500

1.870

3.250

3.260

3.280

3.300

4

Thành phố Móng Cái

1.773

1.813

1.858

1.900

6.930

8.250

9.800

10.910

6.565

6.230

6.100

6.000

5

Thị xã Đông Triều

1.500

1.500

1.500

1.500

6.300

6.650

6.960

7.350

900

860

820

800

6

Thị xã Quảng Yên

7.000

6.400

5.800

5.100

10.173

11.000

12.000

13.350

15.253

14.700

14.000

13.600

7

Huyện Hoành Bồ

500

350

200

70

1.030

750

490

220

400

350

300

200

8

Huyện Vân Đồn

2.960

3.040

3.120

3.200

9.320

9.500

9.800

10.000

12.000

12.200

12.300

12.500

9

Huyện Cô Tô

110

170

240

305

150

230

310

390

5.020

5.400

5.650

6.000

10

Huyện Ba Chẽ

46

58

72

82

26

58

90

120

 

 

 

 

11

Huyện Tiên Yên

1.695

1.965

2.235

2.510

4.860

6.000

6.500

7.050

2.672

2.600

2.500

2.400

12

Huyện Bình Liêu

18

17

17

17

46

44

42

40

 

 

 

 

13

Huyện Hải Hà

1.625

1.795

1.975

2.158

5.130

6.070

7.000

7.930

8.285

9.800

11.740

13.000

14

Huyện Đầm Hà

1.090

1.420

1.750

2.100

5.730

5.980

6.230

6.520

2.200

2.700

3.000

3.500

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

PHỤ LỤC 09

DANH MỤC CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP
(Kèm theo Kế hoạch số: 2462/KH-UBND ngày 13/4/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

TT

Tên dự án

Địa điểm

Dự kiến Quy mô

Mục tiêu

Thời gian thực hiện

Đơn vị đề xuất chủ trương đầu tư

Đơn vị phối hợp

I

Lĩnh vực trồng trọt

 

 

 

 

 

 

1

Dự án đầu tư xây dựng cánh đồng lớn, tập trung phát triển các giống lúa chất lượng cao, nếp cái hoa vàng

Đông Triều, Quảng Yên, Hải Hà

3.500 ha

Hình thành sản xuất lúa tập trung

2017-2018

Sở Nông nghiệp & PTNT; UBND các địa phương

Các đơn vị, doanh nghiệp có liên quan

2

Dự án đầu tư sản xuất tập trung các cây trồng có lợi thế cạnh tranh của tỉnh: Rau an toàn, quả an toàn (mô hình trồng vải VietGAP), thâm canh chè VietGAP, thâm canh dong riềng

Tại Đông Triều, Hải Hà, Quảng Yên, Bình Liêu, Hạ Long, Cẩm Phả

khoảng 5.000 ha mỗi loại

Hình thành vùng sản xuất tập trung theo quy hoạch

2017-2018

Sở NN&PTNT và UBND các địa phương

Các đơn vị, doanh nghiệp có liên quan

3

Dự án đầu tư xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Quảng Ninh

Tại Đông Triều

350 ha

Hình thành các khu Nông nghiệp CNC

2019-2020

Sở NN&PTNT và UBND các địa phương

Các đơn vị, doanh nghiệp có liên quan

4

Dự án đầu tư vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Quảng Ninh

Đông Triều, Quảng Yên, Hải Hà, Hoành Bồ, Ba Chẽ, Đầm Hà, Móng Cái

 

 

2018-2020

Sở NN&PTNT và UBND các địa phương

Các đơn vị, doanh nghiệp có liên quan

II

Lĩnh vực chăn nuôi

 

 

 

 

 

 

1

Dự án sản xuất giống gia súc, gia cầm có chất lượng cao

Toàn tỉnh

Đảm bảo cung ứng được 50 - 80% con giống chất lượng cao

Nâng cao khả năng tự cung ứng giống vật nuôi chất lượng cao trên địa bàn tỉnh

2017-2018

Sở NN&PTNT và UBND các địa phương

Các đơn vị, doanh nghiệp có liên quan

2

Dự án phát triển hệ thống sản xuất thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm tại Quảng Yên, Đông Triều, Đầm Hà với công suất 100.000 tấn/nhà máy/năm

Quảng Yên, Đông Triều, Đầm Hà

Chủ động được tối thiểu 60% nguồn thức ăn để phục vụ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh

Từng bước chủ động thức ăn chăn nuôi cho các vùng chăn nuôi tập trung

2017-2018

Sở NN&PTNT và UBND các địa phương

Các đơn vị, doanh nghiệp có liên quan

3

Dự án cải tạo, lai tạo đàn trâu bò ở các huyện vùng cao

Bình liêu, Hải Hà, Đầm Hà, Ba chẽ, Hoành Bồ

Tỷ lệ đàn bò lai đạt trên 70%; mỗi năm sản xuất 4.000 bò giống; Nhập khoảng 10.000 liều tỉnh ngoại

Nâng cao chất lượng đàn trâu, bò trên địa bàn tỉnh

2019-2020

Sở NN&PTNT và UBND các địa phương

Các đơn vị, doanh nghiệp có liên quan

4

Dự án phát triển trồng cỏ và chế biến thức ăn thô xanh cho trâu bò

Bình liêu, Hải Hà, Đầm Hà, Ba chẽ, Hoành Bồ, Móng cái

5.000 ha trồng cỏ; 4.000 ha trồng ngô phục vụ chăn nuôi

Chủ động được nguồn thức ăn cho vùng sản xuất tập trung

2019-2020

Sở NN&PTNT và UBND các địa phương

Các đơn vị, doanh nghiệp có liên quan

5

Dự án đổi mới hệ thống chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học

Toàn tỉnh

Toàn tỉnh

Phát triển sản xuất vùng chăn nuôi an toàn sinh học

2019-2020

Sở NN&PTNT và UBND các địa phương

Các đơn vị, doanh nghiệp có liên quan

6

Đề án phát triển nâng cao năng lực cán bộ kỹ thuật và quản lý các cấp trong chăn nuôi - thú y

Toàn tỉnh

Toàn bộ cán bộ Thú y từ tỉnh đến cơ sở được trang bị đầy đủ dụng cụ phục vụ chuyên môn và được đào tạo

Nâng cao năng lực cho cán bộ Kỹ thuật thú y trên địa bàn tỉnh, thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh

2019-2020

Sở NN&PTNT và UBND các địa phương

Các đơn vị, doanh nghiệp có liên quan

7

Dự án xây dựng mng lưới thú y phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm

Toàn tỉnh

Xây dựng mạng lưới thú y từ cơ sở, đến tỉnh được kiện toàn

Thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh

2019-2020

Sở NN&PTNT và UBND các địa phương

Các đơn vị, doanh nghiệp có liên quan

8

Dự án phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung, an toàn vệ sinh thực phẩm tại các vùng sản xuất hàng hóa tập trung

 

 

 

2017-2020

Sở NN&PTNT và UBND các địa phương

Các đơn vị, doanh nghiệp có liên quan

9

Dự án chăn nuôi gia súc, gia cầm chủ lực của tỉnh (Lợn Móng Cái, Gà Tiên Yên...)

 

 

 

2017-2020

Sở NN&PTNT và UBND các địa phương

Các đơn vị, doanh nghiệp có liên quan

10

Dự án xử lý chất thải chăn nuôi trên địa bàn tỉnh

 

 

 

2017-2020

Sở NN&PTNT và UBND các địa phương

Các đơn vị, doanh nghiệp có liên quan

11

Dự án đầu tư khu giết mổ gia súc gia cầm tập trung tại các địa phương

 

 

 

2016-2020

Sở NN&PTNT và UBND các địa phương

Các đơn vị, doanh nghiệp có liên quan

 

PHỤ LỤC 10

DANH MỤC CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN LĨNH VỰC LÂM NGHIỆP
(Kèm theo Kế hoạch số: 2462/KH-UBND ngày 13/4/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

TT

Tên dự án

Địa điểm

Dự kiến Quy mô

Mục tiêu

Thời gian thực hiện

Đơn vị đề xuất chủ trương đầu tư

Đơn vị phối hợp

1

Dự án đầu tư bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ, đặc dụng trên địa bàn tỉnh

Trên địa bàn toàn tỉnh

136.500 ha

Nâng độ che phủ rừng toàn tỉnh lên 55%

2016-2020

Sở Nông nghiệp và PTNT

Các đơn vị trực thuộc Sở NN&PTNT, các Công ty Lâm nghiệp, hộ gia đình doanh nghiệp

2

Dự án đầu tư phát triển rừng sản xuất trên địa bàn tỉnh

Trên địa bàn toàn tnh

15.000 ha

Nâng cao giá trị gia tăng gỗ từ rừng trồng và phát triển rừng trồng kinh doanh gỗ lớn

2017-2020

Sở Nông nghiệp và PTNT

Các đơn vị trực thuộc Sở NN&PTNT, các Công ty Lâm nghiệp, hộ gia đình doanh nghiệp

3

Dự án đầu tư xây dựng rừng Quốc gia Yên tử, VQG Bái Tử Long

Uông bí, Vân Đồn

 

Bảo vệ và phát triển rừng Quốc gia Yên tử, Bái tử long

2016-2020

Sở Nông nghiệp và PTNT

Các đơn vị trực thuộc Sở NN&PTNT, các Công ty Lâm nghiệp, hộ gia đình doanh nghiệp

4

Dự án quản lý rng bền vững (phục vụ cấp chứng chỉ rừng)

Trên địa bàn toàn tỉnh

15000 ha

Nâng cao giá trị gia tăng gỗ từ rừng trồng

2017-2020

Sở Nông nghiệp và PTNT

Các đơn vị trực thuộc Sở NN&PTNT, các Công ty Lâm nghiệp, hộ gia đình doanh nghiệp

5

Dự án đầu tư nâng cao năng lực chế biến gỗ và lâm sản

Hoành Bồ, Cẩm Phả

100.000 m2/năm

Nâng cao giá trị gia tăng gỗ từ rừng trồng

2019-2020

Sở Nông nghiệp và PTNT

Các Sở KHĐT, Tài chính, TNMT, KHTC, các Công ty Lâm nghiệp, hộ gia đình doanh nghiệp

6

Dự án bảo tồn và phát triển lâm sản ngoài gỗ

Hoành Bồ, Uông bí, Vân Đồn, Ba chẽ, Bình Liêu

5.000 ha

Nâng cao giá trị các sản phẩm từ rừng

2019 -2020

Sở Nông nghiệp và PTNT

Các Sở KHĐT, Tài chính, TNMT, KHTC, các Công ty Lâm nghiệp, hộ gia đình doanh nghiệp

7

Dự án phục hồi và giám sát cải tạo các khu vực mỏ than (3 mỏ Hà Tu, Suối Lại, Núi Béo)

Hạ long, Cẩm Phả

20.000 ha

Nâng độ che phủ rừng toàn tỉnh lên 55%; cải tạo môi trường khu vực

2019-2020

Sở Nông nghiệp và PTNT

Các đơn vị trực liên quan, Tập đoàn than, các Sở TNMT, TC, UBND các địa phương, hgia đình doanh nghiệp

8

Dự án Phát triển vùng cây dược liệu gắn với công nghiệp chế biến

Ba chẽ, Hoành Bồ

5.000 ha

Nâng cao giá trị các sản phẩm từ rừng; phát triển sản phẩm theo chuỗi

2019-2020

Sở Nông nghiệp và PTNT

UBND các địa phương, hộ gia đình doanh nghiệp

9

Dự án đầu tư bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ, đặc dụng trên địa bàn tỉnh

Hoành Bồ, Tiên Yên

 

 

2017-2018

Sở Nông nghiệp và PTNT

UBND các địa phương, hộ gia đình doanh nghiệp

10

Dự án đầu tư xây dựng rừng Quốc gia Yên Tử, VQG Bái Tử Long

 

 

 

2019-2020

Sở Nông nghiệp và PTNT

UBND các địa phương, hộ gia đình doanh nghiệp

11

Dự án đầu tư phát triển giống cây lâm nghiệp

 

 

 

2017-2020

Sở Nông nghiệp và PTNT

UBND các địa phương, hộ gia đình doanh nghiệp

 

12

Dự án quản lý rừng cải tạo, phục hồi môi trường và giám sát cải tạo các khu vực mỏ than

 

 

 

2019-2020

Sở Nông nghiệp và PTNT

UBND các địa phương, hộ gia đình doanh nghiệp

 

13

Dự án tăng cường năng lực bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng và thực thi pháp luật trong lâm nghiệp

 

 

 

2016-2020

Sở Nông nghiệp và PTNT

UBND các địa phương, hộ gia đình doanh nghiệp

 

 

PHỤ LỤC 11

DANH MỤC CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN LĨNH VỰC THỦY LỢI
(Kèm theo Kế hoạch số: 2462/KH-UBND ngày 13/4/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

TT

Tên dự án

Địa điểm

Dự kiến Quy mô

Mục tiêu

Thời gian thực hiện

Đơn vị đề xuất chủ trương đầu tư

Đơn vị phối hợp

1

Hồ chứa nước Tài chi

Huyện Hải Hà

 

Cấp nước cho khu công nghiệp Texhong Hải Hà; cấp nước tưới cho đất canh tác nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản

2017-2018

Sở Nông nghiệp và PTNT

UBND các địa phương

2

Nâng cấp bảo đảm an toàn các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh

Toàn tỉnh

 

Bảo đảm an toàn cho các hồ chứa và vùng hạ du; cung cấp nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và dịch vụ

2016-2020

Sở Nông nghiệp và PTNT

UBND các địa phương

3

Nâng cấp các tuyến đê biển: Quảng Thành, Lò Vôi, Tiến Tới, Quảng Thắng (H. Hải Hà); Tân Bình (H. Đầm Hà); Quan Lạn (H. Vân Đồn), Thôn 1 - Hải Đông, Thôn 2 - Hi Tiến, Bình Ngọc (TP. Móng Cái); Hà Nam, Yên Giang, Cái Rậm - Đất Đỏ (TX.Quảng Yên); Điền Công (TP. Uông Bí); Quỳnh Trung - Minh Khai (TP. Hạ Long)...

Toàn tỉnh

 

Đảm bảo ngăn nước thủy triều, chống gió bão; bảo vệ cho các khu dân cư, đất sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và các công trình hạ tầng

2016-2020

Sở Nông nghiệp và PTNT

UBND các địa phương

4

Nâng cấp các tuyến đê sông trên địa bàn tỉnh

Toàn tỉnh

 

Đảm bảo ngăn lũ, bảo vệ các khu dân cư, đất sản xuất nông nghiệp và các công trình hạ tầng

2017-2020

Sở Nông nghiệp và PTNT

UBND các địa phương

5

Dự án đầu tư xây mới các hồ chứa: Hồ Tài Chi (huyện Hải Hà để cấp nước sinh hoạt và cho khu công nghiệp Texhong), hồi Khe Xoan, hồ Đầm Ván (Móng Cái); Hồ Bình Sơn (Tiên Yên), hồ Tâm Bình (Huyện Đầm Hà), hồ Khe Ngàn (xã Vô Ngại, huyện Bình Liêu)

 

 

 

2017-2018

Sở Nông nghiệp và PTNT

UBND các địa phương

6

Dự án đầu tư nâng cấp các hồ chứa: Hồ Bài Sơn, Khe Đình (Hải Hà); hồ Cái Khánh, Đá Lạn, hồ thôn Trung (Tiên Yên); Hồ Khe Thự, Khe Giá (Quảng Yên); hồ Khe Chùa, Ruộc Cùng (Hoành Bồ); hồ Khe Chè, Khe Thau (Đông Triều)

 

 

 

2016-2020

Sở Nông nghiệp và PTNT

UBND các địa phương

7

Các dự án kè bảo vệ bờ sông, suối, cồn bãi biên giới, đất liền trên địa bàn tỉnh

 

 

 

2016-2020

Sở Nông nghiệp và PTNT

UBND các địa phương

8

Các dự án xây mới, nâng cấp hệ thống trạm bơm, kênh mương, cống lấy nước trên địa bàn tỉnh

 

 

 

2016-2020

Sở Nông nghiệp và PTNT

UBND các địa phương

9

Dự án đầu tư công trình cấp nước nông thôn tập trung

 

 

 

2016-2020

Sở Nông nghiệp và PTNT

UBND các địa phương

 

 

 

 

 

 

 

 

 

PHỤ LỤC 12

DANH MỤC CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN LĨNH VỰC THỦY SẢN
(Kèm theo Kế hoạch số: 2462/KH-UBND ngày 13/4/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

TT

Tên dự án

Địa điểm

Dự kiến Quy mô

Mục tiêu

Thời gian thực hiện

Đơn vị đề xuất chủ trương đầu tư

Đơn vị phối hợp

1

Dự án Di dời các nhà máy chế biến thủy sản đến các địa điểm đã được quy hoạch.

Quảng Yên, Vân Đồn, Hạ Long

4 nhà máy chế biến thủy sản

Di dời 4 nhà máy hiện tại vào các vùng qui hoạch và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị

2016-2018

Sở NN&PTNT

UBND các địa phương Quảng Yên, Vân Đồn, Hạ Long

2

Dự án ứng dụng các công nghệ mới trong chế biến, đóng gói, bảo quản sản phẩm thủy sản

Các huyện ven biển

15 công nghệ được chuyển giao

Hỗ trợ mua sắm, lắp đặt các dây chuyền thiết bị chế biến (sấy khô, đông lạnh,...); xây dựng các kho lạnh bảo quản sản phẩm

2016-2018

Doanh nghiệp

Sở NN&PTNT, UBND các địa phương

3

Dự án giám sát và an toàn thực phẩm các sản phẩm thủy sản và phát triển chuỗi cung cấp thực phẩm thủy sản an toàn

Toàn Tỉnh

Các sản phẩm thủy sản chủ lực

Hình thành các chuỗi cung cấp sản phẩm thủy sản an toàn từ khâu sản xuất đến, chế biến và tiêu thụ sản phẩm đối với các sản phẩm chủ lực của tỉnh

2017-2018

Sở NN&PTNT

UBND các địa phương, doanh nghiệp, người dân

4

Dự án xây dựng mới các chợ thủy sản đầu mối thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh

Cô Tô, Hạ Long, Vân Đồn, Móng Cái, Hải Hà

Hình thành 5 chợ đầu mối

Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các chợ đầu mối về thủy sản.

2017-2020

Sở NN&PTNT, UBND các huyện

UBND các địa phương, DN

5

Dự án Đầu tư xây dựng mới và nâng cấp hạ tầng các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung tại các địa phương

Đầm Hà; Quảng Yên, Vân Đồn, Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái, Tiên Yên

Huyện Đầm Hà: 650 ha; các địa phương còn lại tư 50-100 ha/địa phương.

Đầu tư hạ tầng như (đê, cống, điện, giao thông, cấp và thoát nước) hình thành các vùng nuôi tập trung đồng bộ và hiện đại

2016-2020

UBND huyện, Sở NN&PTNT

Các DN

6

Dự án phát triển nghề nuôi tôm theo tiêu chuẩn VIETGAP

Móng Cái, Hải Hà, Đầm Hà, Tiên Yên, Quảng Yên.

50 ha/huyện

Áp dụng VIETGAP trong nuôi tôm, nhằm tạo ra các vùng nuôi đảm bảo ATTP nâng cao chất lượng sản phẩm để xuất khẩu

2016-2018

Sở NN&PTNT

UBND các đp Móng Cái, Hải Hà, Đầm Hà, Tiên Yên, Quảng Yên, người........

7

Hoàn thiện các dự án khu neo đậu tránh trú bão tại các địa phương đang dở dang

Cô Tô, Móng Cái, Hải Hà, Tiên Yên, Quảng Yên

450-500 chiếc/200-600cv

Tiếp tục đầu tư hoàn thiện các khu neo đậu tránh trú bão đang dở dang để đưa vào khai thác sử dụng

2016-2020

UBND các huyện

Các Doanh nghiệp

8

Xây dựng và hoàn thiện các dự án khu neo đậu tránh trú bão, bến cá tại các địa phương theo quy hoạch

Cô Tô, Móng Cái, Hải Hà, Tiên Yên, Quảng Yên

450-500 chiếc/200-600cv

Tiếp tục đầu tư hoàn thiện các khu neo đậu tránh trú bão đang dở dang để đưa vào khai thác sử dụng

2016-2020

UBND các địa phương

Các Doanh nghiệp

9

Chương trình bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Ninh đến 2020 định hướng đến 2030. (gồm 12 dự án thành phần trước mắt năm 2016 ưu tiên các dự án sau):

Toàn Tỉnh

 

Phát triển và bảo vệ nguồn lợi thủy sản bền vững

2015-2020

UBND các huyện

Các DN, người dân

10

Khoanh vùng bảo vệ các bãi sinh sản, bãi giống thủy sản và phục hồi, tái tạo, bảo vệ và phát triển các loài thủy sản quý hiếm đang bị cn kiệt có nguy cơ tuyệt chủng

Vân Đồn, Quảng Yên, Đầm Hà, Tiên Yên, Móng Cái

 

Duy trì bảo vệ các loài thủy sản quý hiếm cầu gai, bào ngư, sá sùng,...

2016 - 2020

Sở NN&PTNT

UBND cấp huyện

11

Chương trình bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Ninh đến 2020 định hướng đến 2030

Toàn Tỉnh

 

Phát triển và bảo vệ nguồn lợi thủy sản bền vững

2015 - 2020

UBND các huyện

Các DN, người dân

12

Quy hoạch và đầu tư xây dựng khu bảo tồn biển Đảo Trần - Cô Tô.

Huyện Cô Tô

 

Duy trì bảo vệ các loài thủy sản quý hiếm

2016 - 2020

Sở NN&PTNT

UBND huyện Cô Tô

13

Xây dựng thí điểm các mô hình đồng quản lý khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ dựa vào cộng đồng

Vân Đôn, Quảng Yên, Móng Cái

 

Xây dựng mô hình thí điểm quản lý khác thác dựa vào cộng đồng

2015 - 2020

Sở NN&PTNT

UBND cấp huyện

14

Dự án Xây dựng Hạ tầng vùng sản xuất giống nhuyễn thể tại Vân Đồn.

 

 

Đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, thu hút doanh nghiệp đầu tư trại sản xuất giống nhuyễn thể

2016 - 2020

Sở NN&PTNT

UBND cấp huyện

15

Hỗ trợ trang thiết bị an toàn cho tàu cá trong tỉnh và tăng cường năng lực hoạt động kiểm ngư.

 

 

 

2016 - 2020

Sở NN&PTNT

UBND cấp huyện

16

Dự án đầu tư bảo tàng Hải Dương học ở Hạ Long; Xây dựng thủy cung tại huyện Cô Tô.

 

 

 

2016 - 2020

Sở NN&PTNT

UBND cấp huyện

17

Dự án đầu tư cơ sở chế biến các sản phẩm giá trị gia tăng, các sản phẩm thực phẩm đảm bảo an toàn, thực phẩm chức năng từ nguồn nguyên liệu nuôi trồng, khai thác thủy sản.

 

 

 

2016 - 2020

Sở NN&PTNT

UBND cấp huyện

18

Dự án đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành thủy sản, hỗ trợ hoạt động kiểm ngư

 

 

 

2016 - 2020

Sở NN&PTNT

UBND cấp huyện

19

Dự án quan trắc môi trường và phòng trừ dịch bệnh thủy sản.

 

 

 

2016 - 2020

Sở NN&PTNT

UBND cấp huyện

20

Nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, kỹ thuật tiên tiến trong khai thác hải sản để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm khai thác.

 

 

 

2016 - 2020

Sở NN&PTNT

UBND cấp huyện

 

 

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Kế hoạch 2462/KH-UBND ngày 13/04/2017 thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2017-2020

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


2.947

DMCA.com Protection Status
IP: 18.119.105.155
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!