Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 179/KH-UBND Loại văn bản: Kế hoạch
Nơi ban hành: Tỉnh Thanh Hóa Người ký: Lê Đức Giang
Ngày ban hành: 28/07/2021 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 179/KH-UBND

Thanh Hóa, ngày 28 tháng 7 năm 2021

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH QUẢN LÝ DỊCH HẠI TỔNG HỢP TRÊN MỘT SỐ CÂY TRỒNG CHỦ LỰC, CÓ GIÁ TRỊ KINH TẾ CAO VÀ CÓ TIỀM NĂNG XUẤT KHẨU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA, GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

Thực hiện Chỉ thị số 8141/CT-BNN-BVTV ngày 24/11/2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tiếp tục triển khai Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên các cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế cao và có tiềm năng xuất khẩu; Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp trên một số cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế cao và có tiềm năng xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021 - 2025, với các nội dung sau:

I. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH

Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây trồng được đưa vào thực hiện tại tỉnh Thanh Hóa từ năm 1994, với mục tiêu nâng cao hiệu quả kinh tế, chất lượng nông sản, xây dựng và duy trì sự cân bằng hệ sinh thái nông nghiệp, bảo vệ môi trường; thông qua 4 tiêu chí là: trồng cây khỏe, thăm đồng thường xuyên, bảo tồn thiên địch và huấn luyện nông dân thành chuyên gia.

Thực hiện Quyết định số 2027/QĐ-BNN-BVTV ngày 02/6/2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về phê duyệt Đề án đẩy mạnh ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp trên cây trồng giai đoạn 2015 - 2020, trên địa bàn tỉnh đã đào tạo được 60 giảng viên IPM cấp huyện, huấn luyện được hàng nghìn lượt nông dân trong việc nắm vững các nguyên tắc, phương pháp và áp dụng có hiệu quả Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp trong sản xuất cây trồng. Qua đó, đã góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết về kiến thức khoa học kỹ thuật của nông dân về kỹ năng thực hành, áp dụng trên đồng ruộng; kịp thời phát hiện, khống chế các loại dịch hại khi mới phát sinh, giảm đáng kể lượng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học được sử dụng hằng năm; lượng phân bón hóa học được sử dụng hợp lý, môi trường, hệ sinh thái nông nghiệp được bảo vệ bền vững; hiệu quả trong sản xuất ngày càng được nâng cao, giá trị thu nhập trên một ha trồng trọt tăng từ 75,5 triệu đồng/ha năm 2015 lên 92 triệu đồng/ha năm 2020, lợi nhuận từ 30% tăng lên trên 50% so tổng chi phí,...

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp trên địa bàn tỉnh vẫn chưa được quan tâm đúng mức, chưa thường xuyên và thiếu đồng bộ; chưa tập trung vào các đối tượng, sản phẩm có lợi thế sản xuất hàng hóa, quy mô lớn, có giá trị xuất khẩu; chưa cập nhật các kiến thức, kỹ thuật mới phù hợp với phương thức sản xuất hiện nay; tình trạng các hộ nông dân lạm dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật vẫn diễn ra làm nhiều vùng sản xuất nông nghiệp bị biến đổi, mất cân bằng sinh thái, các đối tượng thiên địch bị hủy diệt.

Những hạn chế, yếu kém nêu trên có nguyên nhân khách quan do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan, làm cho sâu bệnh phát sinh, phát triển đa dạng, mức độ gây hại lớn, trái quy luật, khó lường; mặt trái của cơ chế thị trường đã tác động đến quá trình sản xuất của người dân... Song, nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu, do nhận thức, ý thức của một bộ phận cán bộ và người dân về áp dụng các nguyên tắc quản lý dịch hại tổng hợp chưa cao, chỉ tập trung vào lợi nhuận kinh tế trước mắt mà chưa quan tâm đến sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường sinh thái bền vững; trình độ chuyên môn của cán bộ quản lý thực hiện Chương trình IPM còn yếu, nhất là đội ngũ kỹ thuật viên cơ sở; kinh phí bố trí để thực hiện chương trình còn ít so với nhu cầu, nhất là nguồn ngân sách cấp huyện, cấp xã.

II. MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH QUẢN LÝ DỊCH HẠI TỔNG HỢP GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

1. Mục tiêu

1.1. Mục tiêu chung

Quản lý có hiệu quả các loại dịch hại trong sản xuất một số cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế cao và tiềm năng xuất khẩu nhằm giảm thiểu mối nguy hại do lạm dụng hóa chất, duy trì sự cân bằng sinh thái thông qua các biện pháp quản lý hiệu quả dịch hại, bảo tồn thiên địch, áp dụng hợp lý các biện pháp canh tác, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

1.2. Mục tiêu cụ thể đến 2025

- Có 100% số xã, phường sản xuất các cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế cao và tiềm năng xuất khẩu được đào tạo về quản lý dịch hại tổng hợp.

- Có 80% số hộ nông dân sản xuất nông nghiệp hiểu biết và áp dụng Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp trên các cây trồng.

- Mở rộng diện tích được ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) vào sản xuất trên các cây trồng, cụ thể:

+ Cây lúa: có 80% diện tích được ứng dụng IPM trên tổng diện tích gieo cấy; riêng vùng sản xuất lúa tập trung đạt 95% diện tích trở lên.

+ Cây ngô: có 75% diện tích được ứng dụng IPM trên tổng diện tích gieo trồng; riêng vùng sản xuất ngô tập trung đạt 80% diện tích trở lên.

+ Cây rau màu: có 85% diện tích được ứng dụng IPM trên tổng diện tích gieo trồng; riêng vùng sản xuất tập trung đạt trên 100% diện tích.

+ Cây ăn quả: có 75% diện tích được ứng dụng IPM.

+ Cây trồng chủ lực khác: có 70% diện tích được ứng dụng IPM.

- Mỗi địa phương cấp xã phải xây dựng được ít nhất 01 mô hình ứng dụng IPM đối với những loại cây trồng chủ lực của địa phương.

2. Nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu

2.1. Xác định đối tượng cây trồng, quy mô và địa điểm sản xuất thực hiện chương trình

- Lúa chất lượng cao: diện tích canh tác ổn định khoảng 40.000, tập trung tại các huyện:Nông Cống, Triệu Sơn, Yên Định, Vĩnh Lộc, Hà Trung, Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Quảng Xương, thành phố Thanh Hóa, Đông Sơn, Thọ Xuân và Thiệu Hóa.

- Cây ăn quả: trên 3.500 ha cam và bưởi tại các huyện: Triệu Sơn, Như Thanh, Thạch Thành, Thọ Xuân, Ngọc Lặc, Thường Xuân, Như Xuân,...

- Vùng sản xuất ngô: 4.000 ha, tập trung tại các huyện Yên Định, Vĩnh Lộc, Thiệu Hóa, Thọ Xuân

- Vùng mía nguyên liệu: diện tích 16.500 ha, tập trung chủ yếu tại các huyện: Ngọc Lặc, Thọ Xuân, Triệu Sơn, Yên Định, Như Xuân, Thường Xuân, Cẩm Thủy,...

- Vùng sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP và hướng hữu cơ: diện tích trên 12.000 ha tại 23 huyện trong tỉnh bao gồm vùng ven biển (4 huyện), vùng đồng bằng (9 huyện) và vùng núi (10 huyện).

2.2. Đào tạo giảng viên chính cho các huyện có cây trồng chủ lực

- Hình thức, nội dung đào tạo: đào tạo tập trung theo từng đối tượng cây trồng cụ thể, kết hợp đào tạo cả lý thuyết và thực hành về khoa học kỹ thuật kết hợp đào tạo kỹ năng khuyến nông để làm nguồn giảng viên đào tạo nông dân cho các huyện.

- Số lượng lớp và số lượng học viên dự kiến đào tạo:

+ Đào tạo 5 lớp giảng viên chính cấp huyện trên 5 đối tượng cây trồng: lúa, mía, cây ăn quả, cây rau an toàn và một số đối tượng cây trồng chủ lực khác.

+ Số lượng học viên: mỗi lớp khoảng 30 học viên, đảm bảo tối thiểu mỗi huyện có ít nhất 1 người tham gia/1 đối tượng cây trồng.

Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì biên soạn tài liệu, xây dựng kế hoạch cụ thể và tổ chức đào tạo giảng viên chính cho các huyện; UBND các huyện chọn cử học viên tham gia.

Giảng viên: mời giảng viên của Cục Bảo vệ thực vật, giảng viên của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã được tập huấn, đào tạo giảng viên (TOT).

2.3. Tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người sản xuất và cộng đồng để thực hiện chương trình IPM

a) Mở các lớp huấn luyện cho nông dân(FFS) về IPM

- Đối tượng: Học viên là nông dân trực tiếp sản xuất, khuyến nông viên cơ sở, cộng tác viên khuyến nông thôn bản, các hộ kinh doanh buôn bán vật tư nông nghiệp, cán bộ các hợp tác xã dịch vụ, chủ trang trại.

- Số lượng lớp: lựa chọn các xã nằm trong vùng sản xuất các cây trồng chủ lực, mỗi đơn vị hành chính cấp xã mở 01 lớp trên mỗi đối tượng cây trồng. Dự kiến: cây lúa chất lượng cao 200 lớp, cây rau 100 lớp; cây mía 30 lớp, cây ngô 20 lớp, cây ăn quả 15 lớp; tổng số 365 lớp.

- Số lượng học viên/lớp tối thiểu 25 người, tối đa 40 người.

- Giảng viên: giảng viên của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật; giảng viên cấp huyện đã được đào tạo.

Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn UBND các huyện chủ trì xây dựng kế hoạch và tổ chức các lớp huấn luyện cho nông dân.

b) Tổ chức tập huấn, tuyên truyền chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về sử dụng phân bón và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả; hướng dẫn thu gom và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng

- Tổ chức tập huấn nhằm tuyên truyền, vận động cộng đồng áp dụng các biện pháp kỹ thuật, các nguyên tắc, quy trình kỹ thuật IPM; hướng dẫn kỹ thuật sử dụng vật tư, thuốc bảo vệ thực vật an toàn và hiệu quả; hướng dẫn thu gom và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng tại các vùng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

+ Hình thức tổ chức tập huấn: tập huấn cộng đồng.

+ Số lượng lớp tập huấn: dự kiến 130 lớp, cụ thể: lúa chất lượng cao 60 lớp, rau 40 lớp, mía 15 lớp, cây ngô 10 lớp, cây ăn quả 5 lớp.

- Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân tại các vùng sản xuất nông nghiệp về các biện pháp kỹ thuật trồng trọt, nguyên tắc chương trình IPM, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn và hiệu quả, các nguy cơ do hóa chất bảo vệ thực vật, bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng đối với chất lượng nông sản, sức khỏe con người và môi trường sinh thái.

- Xây dựng in ấn phát hành 10.000 tờ rơi phát cho nông dân, 1.000 sổ tay hướng dẫn kỹ thuật sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn hiệu quả, hướng dẫn kỹ thuật thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, tuyên truyền về Chương trình IPM trên cây lúa, cây rau màu, cây ăn quả và cây trồng chủ lực khác phát cho các hợp tác xã, tổ hợp tác, chủ trang trại lớn.

- Xây dựng và phát sóng tin bài, phóng sự truyền hình về Chương trình IPM, thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, quy định của pháp luật về quản lý sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, phổ biến tới mọi người dân. Mỗi đối tượng cây trồng xây dựng 2 chuyên mục/năm; tổng số 50 chuyên mục.

Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì xây dựng tờ rơi, sổ tay hướng dẫn kỹ thuật sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để cấp phát cho nông dân, phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh xây dựng tin bài, phóng sự truyền hình phát sóng trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh.

2.4. Xây dựng mô hình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM)

- Cây lúa chất lượng cao: xây dựng 22 mô hình sản xuất lúa chất lượng cao gắn với quản lý dịch hại tổng hợp (mỗi huyện xây dựng 01 mô hình).

- Cây rau, củ, quả: xây dựng 15 mô hình sản xuất rau quả chất lượng cao gắn với chế biến xuất khẩu tại các vùng sản xuất tập trung có bao tiêu sản phẩm và cây có giá trị kinh tế cao.

Giao UBND các huyện căn cứ điều kiện thực tế của địa phương, lựa chọn để xây dựng các mô hình trình diễn phù hợp, đạt kết quả cao làm cơ sở nhân ra diện rộng.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Kinh phí thực hiện Kế hoạch triển khai Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp trên một số cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế cao và có tiềm năng xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021 - 2025 được bố trí từ nguồn ngân sách tỉnh, ngân sách huyện và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác của các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện Chương trình; trong đó, nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ các hoạt động đào tạo giảng viên chính, huấn luyện, tập huấn mẫu, thông tin tuyên truyền.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch này.

- Chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật lập dự toán kinh phí chi tiết hằng năm để thực hiện Kế hoạch triển khai Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp trên một số cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế cao và có tiềm năng xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, gửi Sở Tài chính thẩm định.

- Theo dõi, kiểm tra đôn đốc việc triển khai thực hiện các nội dung của Kế hoạch, đảm bảo tiến độ và chất lượng theo yêu cầu. Phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

- Định kỳ hoặc đột xuất tổng hợp những khó khăn, vướng mắc và kết quả triển khai thực hiện Chương trình IPM, báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Chủ tịch UBND tỉnh theo quy định.

2. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan, căn cứ các nội dung của Kế hoạch và dự toán kinh phí do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập, tổ chức thẩm định và tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách tỉnh để triển khai thực hiện Kế hoạch hằng năm theo nội dung thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách tỉnh.

3. Các sở, ngành có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung của Kế hoạch này.

4. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

- Xây dựng kế hoạch cấp huyện triển khai thực hiện các nội dung: Tuyên truyền, tập huấn, xây dựng các mô hình ứng dụng IPM trên cây trồng chính, mô hình ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật; tổ chức các lớp huấn luyện IPM cho nông dân; tổ chức hội nghị đầu bờ nhân rộng trong cộng đồng,... để thực hiện nội dung kế hoạch trên địa bàn.

- Tiếp tục phát động phong trào thu gom vỏ bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng và tổ chức xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng theo đúng quy định.

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng các mô hình áp dụng IPM trên cây trồng; định kỳ báo cáo kết quả triển khai thực hiện Kế hoạch, gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp.

5. Đề nghị Ủy ban MTTQ tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội

- Tổ chức tuyên truyền, vận động Nhân dân, đoàn viên, hội viên nâng cao nhận thức của người dân về ứng dụng IPM nhằm khuyến khích sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng các sản phẩm nông sản an toàn.

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND các huyện, thị xã, thành phố tuyên truyền, phổ biến, triển khai công tác vận động, phát động các phong trào ứng dụng IPM; đồng thời, tăng cường công tác giám sát cộng đồng trong việc ứng dụng IPM vào sản xuất nông nghiệp; kịp thời phát hiện và đấu tranh với những hành vi vi phạm an toàn thực phẩm./.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Đức Giang

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Kế hoạch 179/KH-UBND ngày 28/07/2021 thực hiện Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp trên một số cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế cao và có tiềm năng xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


252

DMCA.com Protection Status
IP: 3.144.47.115
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!