ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TÂY NINH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1288/KH-UBND
|
Tây Ninh, ngày 29
tháng 4 năm 2021
|
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN ĐỀ ÁN PHÁT
TRIỂN CÔNG NGHIỆP SINH HỌC NGÀNH NÔNG NGHIỆP GIAI ĐOẠN 2021 - 2025, TẦM NHÌN
ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TÂY NINH
Thực hiện Quyết định số 429/QĐ-TTg ngày 24/3/2021
của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành
nông nghiệp đến năm 2030, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực
hiện Đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 -
2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, như sau:
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
Phát triển công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp
có giá trị gia tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường phục vụ phát triển
kinh tế nông nghiệp; nâng cao tiềm lực nghiên cứu phát triển, ứng dụng công
nghệ sinh học nông nghiệp; từng bước đưa Tây Ninh có trình độ công nghệ sinh
học nông nghiệp ngang bằng các địa phương trong cả nước.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Đến năm 2025
- Triển khai nghiên cứu, phát triển công nghệ sinh
học trong lĩnh vực nông nghiệp, tiếp cận các công nghệ tạo các chế phẩm sinh
học (sản phẩm phân bón sinh học, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y có nguồn
gốc sinh học...) trong trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy
sản, tiến tới thay thế dần các sản phẩm có nguồn gốc hóa học.
- Tiếp nhận, ứng dụng và chuyển giao công nghệ mới vào
sản xuất ở quy mô tập trung; phát triển công nghiệp sinh học trong nông nghiệp,
ưu tiên nhóm sản phẩm giống cây trồng, vật nuôi chống chịu sâu bệnh hại chính,
các điều kiện bất lợi, sinh trưởng nhanh, chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất
nông nghiệp hữu cơ, chế phẩm chẩn đoán, vắc-xin phòng trị bệnh.
- Phát triển, tăng thêm 03 doanh nghiệp công nghiệp
sinh học trong nông nghiệp.
- Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn
nhân lực chuyên ngành công nghệ sinh học trong nông nghiệp đa dạng hình thức và
chú trọng đào tạo chuyên gia trình độ cao. Nâng cao năng lực cơ sở vật chất,
trang thiết bị phục vụ cho tiếp nhận, ứng dụng và chuyển giao công nghệ quy mô
công nghiệp, tiến tới hình thành ngành công nghiệp sinh học trong nông nghiệp.
b) Đến năm 2030
- Có khả năng ứng dụng cao các công nghệ sinh học,
tạo ra sản phẩm ứng dụng vào thực tiễn.
- Hình thành và phát triển số lượng doanh nghiệp
công nghiệp sinh học trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng thêm tối
thiểu 30% so với giai đoạn 2021-2025.
- Nâng cao năng lực cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết
bị phục vụ cho tiếp nhận, ứng dụng và chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển
công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp.
- Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực đủ trình độ làm
chủ công nghệ, tiếp nhận, ứng dụng và chuyển giao công nghệ mới, công nghệ tiên
tiến ở quy mô công nghiệp đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
II. NHIỆM VỤ KẾ HOẠCH
1. Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ công
nghiệp sinh học ngành nông nghiệp
a) Về cây trồng nông, lâm nghiệp
- Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học về cải
tiến tính trạng quý trên các loại cây trồng nông, lâm nghiệp chủ lực của tỉnh,
tăng sức chống chịu sâu bệnh hại, mang lại giá trị kinh tế cao và ứng dụng rộng
rãi vào thực tiễn.
- Tiếp cận công nghệ gen thế hệ mới trong nghiên
cứu chọn tạo giống cây trồng mang tính trạng chống chịu sâu bệnh, thích ứng với
biến đổi khí hậu, có năng suất và chất lượng vượt trội phục vụ sản xuất nông
nghiệp.
b) Về chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cây và đất trồng
trọt
- Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học tạo ra
các chế phẩm sinh học thế hệ mới, kit chẩn đoán, quản lý dịch bệnh cây trồng và
kiểm soát dư lượng các chất cấm trong nông sản có nguồn gốc từ cây trồng và
giám định, chẩn đoán độ phì nhiêu, sức khỏe đất trồng trọt và nước tưới.
- Phát triển công nghệ sản xuất và ứng dụng các chế
phẩm sinh học như phản bón vi sinh, thuốc, chế phẩm sinh học trong bảo quản,
chế biến, xử lý ô nhiễm môi trường, đảm bảo an toan thực phẩm và sức khỏe con
người, vật nuôi; tạo cơ sở hình thành nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn mang
lại giá trị gia tăng cao và phát triển bền vững.
c) Về vật nuôi, thủy sản
- Ứng dụng công nghệ phát triển bộ sinh phẩm (KIT) phát
hiện nhanh, kiểm định, đánh giá chất lượng con giống vật nuôi, thủy sản, công
nghệ sinh học thế hệ mới tạo giống vật nuôi, thủy sản chủ lực tích hợp nhiều đặc
tính mới ưu việt.
- Phối hợp xây dựng cơ sở dữ liệu đối với nguồn gen
di truyền bản địa làm cơ sở cho việc bảo tồn, khai thác, phục tráng và phát
triển bảo hộ thương hiệu, chỉ dẫn địa lý đối với nhóm sản phẩm vật nuôi, thủy
sản đặc sản của địa phương.
d) Về chăm sóc, bảo vệ sức khỏe vật nuôi, thủy sản
- Ứng dụng và chuyển giao phương pháp, bộ sinh phẩm
(KIT) phát hiện nhanh, giám định tác nhân gây một số bệnh quan trọng hoặc bệnh mới
phát sinh ở vật nuôi, thủy sản, kiểm tra dư lượng các chất cấm trong thực phẩm
có nguồn gốc từ vật nuôi, thủy sản; công nghệ tạo chế phẩm nâng cao sức đề kháng,
hiệu quả sử dụng dinh dưỡng của vật nuôi, thủy sản; vắc xin thế hệ mới phòng
bệnh vật nuôi, thủy sản; thuốc thú y sinh học có hiệu quả kinh tế cao.
- Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ enzyme, protein,
vi sinh vật tạo sản phẩm nâng cao hiệu quả sử dụng dinh dưỡng vật nuôi, nâng cao
sức đề kháng đối với các yếu tố sinh học, phi sinh học.
đ) Về bảo quản sau thu hoạch
- Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ phát triển
phương pháp, bộ sinh phẩm (KIT) phục vụ kiểm định, đánh giá an toàn và chất
lượng thực phẩm từ cây trông, vật nuôi, thủy sản; giám định, chẩn đoán tác nhân
gây bệnh, giảm chất lượng nông sản, thực phẩm; công nghệ tạo chế phẩm sinh học
phục vụ sơ chế, bảo quản đáp ứng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, nâng cao giá trị
gia tăng các phụ phẩm chế biến sau thu hoạch sản phẩm nông lâm thủy sản.
- Phát triển công nghệ tạo chế phẩm sinh học phục
vụ sơ chế, bảo quản sản phẩm nông sản đáp ứng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm,
nâng cao khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp chủ lực.
2. Xây dựng, phát triển tiềm lực công nghiệp
sinh học ngành nông nghiệp
a) Xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, hiện đại hóa
máy móc, thiết bị
- Đầu tư xây dựng 01 phòng thí nghiệm kiểm định
chất lượng nông, lâm sản và thủy sản hàng hóa, đánh giá an toàn sinh học các
sản phẩm công nghệ sinh học.
- Hỗ trợ doanh nghiệp nhập khẩu công nghệ, kỹ thuật
mới phục vụ phát triển công nghệ sinh học ngành nông nghiệp.
b) Đào tạo nguồn nhân lực
- Xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch đào tạo
nguồn nhân lực khoa học đáp ứng nhu cầu về số lượng và chất lượng của việc phát
triển công nghiệp sinh học nông nghiệp.
- Chủ động và thường xuyên nâng cao chất lượng
nguồn nhân lực, cán bộ khoa học thuộc mọi trình độ về công nghệ sinh học ở
trong nước. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân ở trong nước và nước ngoài tham
gia đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho công nghệ sinh học.
- Tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ tham gia các lớp
đào tạo kỹ thuật viên về công nghệ sinh học ngành nông nghiệp, kết hợp bồi
dưỡng tập huấn chuyển giao công nghệ và tiến bộ kỹ thuật mới trong lĩnh vực
công nghệ sinh học nông nghiệp cho các doanh nghiệp.
3. Xây dựng và phát triển doanh nghiệp công
nghiệp sinh học ngành nông nghiệp
Thu hút đầu tư và hỗ trợ phát triển các doanh
nghiệp công nghệ sinh học sản xuất sản phẩm nông sản gồm:
a) Giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản chủ lực;
b) Phân hữu cơ, hữu cơ vi sinh, thuốc bảo vệ thực
vật sinh học, chế phẩm sinh học ... phục vụ sản xuất nông nghiệp an toàn, nông
nghiệp hữu cơ;
c) Chế phẩm sinh học phục vụ bảo quản chế biến sản
phẩm nông, lâm, thủy sản chủ lực phục vụ nội tiêu và xuất khẩu;
d) Vắc xin phòng bệnh cho vật nuôi, thủy sản, thuốc
thú y sinh học, KIT sử dụng cho chẩn đoán, quản lý dịch bệnh gây hại quan trọng
đối với cây trồng, vật nuôi, thủy sản chủ lực và kiểm soát dư lượng các chất cấm.
4. Triển khai cơ chế, chính sách thúc đẩy phát
triển công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp
Triển khai thực hiện cơ chế, chính sách ưu đãi,
khuyến khích nghiên cứu phát triển, làm chủ, chuyển giao và ứng dụng công nghệ
sinh học nông nghiệp vào sản xuất, đời sống; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư
phát triển công nghiệp sinh học nông nghiệp; thu hút và đa dạng hóa các nguồn
lực đầu tư cho phát triển công nghiệp sinh học nông nghiệp; ưu đãi, trọng dụng
nhân tài về công nghiệp sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp.
Thực thi có hiệu quả các chính sách ưu đãi về thuế,
đất đai, vay vốn, hỗ trợ chuyển giao, nhập khẩu công nghệ và bí quyết công nghệ
cho các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu và phát triển công nghiệp sinh học ngành
nông nghiệp.
5. Hợp tác trong nước và quốc tế trong lĩnh vực
công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp.
Thu hút đầu tư trong và ngoài nước nhằm phát triển nhanh,
mạnh và vững chắc công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Xây dựng và tổ chức thực hiện các đề tài, dự án hợp
tác nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học nông nghiệp;
chuyển giao công nghệ, dây chuyền sản xuất, máy móc thiết bị về công nghệ sinh học
nông nghiệp giữa trường, viện, trung tâm nghiên cứu và các địa phương trong nước
và quốc tế
6. Truyền thông nâng cao nhận thức về công
nghiệp sinh học nông nghiệp
Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục
để nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành và toàn xã hội về vai trò, vị trí
và tầm quan trọng của công nghiệp sinh học trong nông nghiệp.
Thường xuyên phổ biến đến mọi người dân các kiến
thức, thành tựu khoa học và công nghệ mới nhất về công nghệ sinh học, các kết
quả nổi bật của công nghiệp sinh học nông nghiệp trên các phương tiện thông tin
đại chúng.
Tổ chức các hoạt động khuyến nông, lâm, ngư và
khuyến công để giới thiệu, tập huấn, hướng dẫn cho người dân, doanh nghiệp và
các cấp, các ngành về các tiến bộ, kỹ thuật của công nghệ sinh học nông nghiệp.
III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Phát triển khoa học và công nghệ
- Hỗ trợ ứng dụng kết quả nghiên cứu công nghệ sinh
học hiện đại trong sản xuất sản phẩm nông nghiệp; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu
ứng dụng, chuyển giao công nghệ, làm chủ công nghệ sản xuất các sản phẩm công
nghệ sinh học quy mô công nghiệp trong nông nghiệp.
- Gắn kết chặt chẽ hoạt động khoa học và công nghệ
với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, khuyến khích và hỗ trợ các
hoạt động phổ biến, chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực
công nghệ sinh học vào sản xuất và đời sống.
- Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nghiên
cứu, đổi mới công nghệ, áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất nhằm nâng
cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh các sản phẩm công nghệ sinh học
nông nghiệp quy mô công nghiệp. Hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng cơ sở nghiên
cứu và ứng dụng công nghệ sinh học
2. Cơ chế, chính sách
Tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách ưu đãi
phát triển các doanh nghiệp đầu tư sản xuất và thương mại hóa sản phẩm công
nghệ sinh học nông nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là khuyến khích doanh nghiệp đầu
tư vào công nghiệp sinh học, tạo điều kiện để các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi
mới sáng tạo đầu tư trong lĩnh vực này.
Tăng cường, đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư và tạo
điều kiện thuận lợi để thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước từ nhiều thành
phần kinh tế cho phát triển công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp.
3. Phát triển nguồn nhân lực
Tạo điều kiện cho cán bộ đi đào tạo, nghiên cứu
chuyên ngành công nghệ sinh học; đào tạo chuyên gia đầu ngành về công nghệ sinh
học nông nghiệp.
Ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nguồn nhân lực
có đủ trình độ tiếp nhận, chuyển giao các công nghệ mới, công nghệ tiên tiến
vào thực tiễn sản xuất.
4. Hợp tác trong nước và quốc tế
Mở rộng quan hệ hợp tác các trường, viện, trung tâm
nghiên cứu và các địa phương trong nước, quốc tế trong lĩnh vực công nghệ sinh
học trong nông nghiệp.
Tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp chủ
động hợp tác và tiếp nhận, chuyển giao công nghệ sản xuất công nghiệp sản phẩm
công nghệ sinh học có lợi thế cạnh tranh
5. Thông tin và truyền thông
Tuyên truyền, phổ biến và quán triệt các chủ trương
của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển công nghiệp sinh học ngành nông
nghiệp để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các cấp, các ngành và nhân
dân về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công nghiệp sinh học nói chung và
công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp nói riêng đối với sự nghiệp công nghiệp
hóa, hiện đại hóa của tỉnh.
Phổ biến các kết quả nghiên cứu khoa học, chuyển
giao công nghệ, giới thiệu mô hình doanh nghiệp công nghiệp sinh học nông
nghiệp.
Tuyên truyền, khuyến khích sử dụng các sản phẩm
công nghiệp sinh học nông nghiệp sản xuất trong nước.
IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN
Nguồn kinh phí thực hiện bao gồm: ngân sách nhà
nước (chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên); các nguồn tài trợ, viện trợ,
nguồn huy động hợp pháp khác từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo
quy định của pháp luật.
Kinh phí thực hiện lồng ghép từ kinh phí các chương
trình, dự án, đề án, vốn ngân sách Nhà nước được phân bổ hàng năm.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Nông nghiệp và PTNT
Chủ trì phối hợp với các Sở, ban, ngành, Ủy ban
nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan tổ chức triển
khai, thực hiện Kế hoạch này.
Thường xuyên đôn đốc, đánh giá, tổng hợp, báo cáo UBND
tỉnh kết quả thực hiện; tham mưu UBND tỉnh đề xuất sửa đổi, bổ sung kế hoạch khi
cần thiết.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Tham mưu UBND tỉnh cân đối, bố trí kinh phí chi đầu
tư phát triển để thực hiện Kế hoạch theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân
sách nhà nước và các quy định liên quan pháp luật về đầu tư công.
Phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông trong
việc triển khai các chính sách liên quan đến phát triển công nghiệp sinh học
ngành nông nghiệp được cấp thẩm quyền ban hành.
3. Sở Tài chính
Tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí thực hiện các
nội dung chi thường xuyên thuộc phạm vi chi từ nguồn ngân sách nhà nước theo
quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
4. Sở Khoa học và Công nghệ
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
trong việc phát triển khoa học và công nghệ phục vụ công nghiệp sinh học nông nghiệp.
Tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí thực hiện các
nhiệm vụ khoa học công nghệ liên quan đến ứng dụng sinh học vào nông nghiệp từ
nguồn ngân sách sự nghiệp khoa học công nghệ theo quy định.
5. Sở Công Thương
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
triển khai cơ chế, chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp đầu tư và hoạt
động trong ngành công nghiệp sinh học nông nghiệp.
6. Sở Giáo dục và Đào tạo
Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn trong việc tổ chức đào tạo, thu hút nguồn nhân lực công nghiệp sinh học nông
nghiệp.
7. Sở Tài nguyên và Môi trường
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
triển khai thực hiện các chính sách về quản lý an toàn sinh học đối với các sinh
vật và sản phẩm công nghệ sinh học đúng theo các quy định của pháp luật.
8. Sở Thông tin và Truyền thông
Phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
cung cấp tài liệu phổ biến các kết quả nghiên cứu khoa học, chuyển giao công
nghệ, giới thiệu mô hình doanh nghiệp công nghiệp sinh học nông nghiệp cho các
cơ quan báo, đài.
Chỉ đạo hệ thống thông tin cơ sở tuyên truyền, phổ
biến và quán triệt các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát
triển công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp; tuyên truyền khuyến khích sử dụng
các sản phẩm công nghiệp sinh học nông nghiệp sản xuất trong nước và xây dựng
thương hiệu địa phương và quốc gia.
9. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
Căn cứ nội dung Kế hoạch của tỉnh, cụ thể hóa thành
Kế hoạch phát triển công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 -
2025 tầm nhìn đến năm 2030 phù hợp với điều kiện từng địa phương.
Trên đây là Kế hoạch Thực hiện Đề án phát triển
công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm
2030, đề nghị các Sở, ban, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành
phố căn cứ Kế hoạch này triển khai thực hiện./.
Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- TT: TU; HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- LĐVP, CVK;
- Lưu: VT, VP UBND tỉnh.
01KT_V NAM_KHUB
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Trần Văn Chiến
|