Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Nghị định 46/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 13/2020/NĐ-CP

Số hiệu: 46/2022/ND-CP Loại văn bản: Nghị định
Nơi ban hành: Chính phủ Người ký: Lê Văn Thành
Ngày ban hành: 13/07/2022 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 46/2022/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 13 tháng 7 năm 2022

NGHỊ ĐỊNH

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 13/2020/NĐ-CP NGÀY 21 THÁNG 01 NĂM 2020 CỦA CHÍNH PHỦ HƯỚNG DẪN CHI TIẾT LUẬT CHĂN NUÔI

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Chăn nuôi ngày 19 tháng 11 năm 2018;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 13/2020/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 13/2020/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi

1. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 3 như sau:

a) Sửa đổi khoản 5 như sau:

“5. Hệ số đơn vị vật nuôi là hằng số áp dụng để quy đổi trực tiếp số lượng vật nuôi sang đơn vị vật nuôi.”

b) Sửa đổi khoản 6 như sau:

“6. Loa phóng là thiết bị âm thanh để dẫn dụ chim yến, được đặt xung quanh lối ra, vào của chim yến”.

c) Bổ sung khoản 11, khoản 12 và khoản 13 như sau:

“11. Chất mới trong sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi là hóa chất, chế phẩm sinh học, vi sinh vật chưa có trong Danh mục hóa chất, chế phẩm sinh học, vi sinh vật được phép sử dụng trong sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi tại Việt Nam.

12. Cơ sở sản xuất sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi là cơ sở thực hiện một hoặc toàn bộ hoạt động chế biến, gia công, sản xuất sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi.

13. Sản phẩm giống gốc vật nuôi là sản phẩm giống vật nuôi được khai thác từ giống gốc.”

2. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 4 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 6 như sau:

“6. Trường hợp hồ sơ là bản bằng chữ nước ngoài thì phải có bản dịch ra tiếng Việt có xác nhận của tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục hành chính hoặc bản dịch ra tiếng Việt, được công chứng.”

b) Bổ sung khoản 8 như sau:

“8. Trường hợp thiên tai, dịch bệnh theo quy định của pháp luật: Áp dụng hình thức đánh giá trực tuyến đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, tổ chức đánh giá sự phù hợp, cơ quan đánh giá, cấp phép đáp ứng yêu cầu về nguồn lực, phương tiện kỹ thuật thực hiện (máy tính, đường truyền internet, ứng dụng phần mềm, máy ghi âm, ghi hình...); tạm hoãn tối đa 06 tháng hoạt động đánh giá giám sát định kỳ; hoặc thực hiện cấp phép tạm thời tối đa 06 tháng, kiểm tra chất lượng nhập khẩu trên cơ sở xem xét hồ sơ đầy đủ, hợp lệ mà không phải tổ chức đánh giá trực tiếp tại hiện trường. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh; tổ chức đánh giá sự phù hợp chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của thông tin, tài liệu, hình ảnh, hồ sơ cung cấp cho cơ quan cấp phép. Việc đánh giá trực tiếp sẽ được thực hiện sau khi các địa phương kiểm soát được thiên tai, dịch bệnh theo quy định của pháp luật; thực hiện thu hồi ngay giấy phép đối với trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm và xử lý theo quy định của pháp luật.”

c) Bổ sung khoản 9 như sau:

“9. Lưu trữ hồ sơ

a) Tài liệu, hồ sơ liên quan đến kiểm tra nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu; kiểm tra nhà nước về chất lượng sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi nhập khẩu được lưu trữ trong thời hạn 05 năm kể từ ngày ban hành thông báo kết quả kiểm tra;

b) Tài liệu, hồ sơ liên quan đến nhập khẩu thức ăn chăn nuôi chưa được công bố thông tin trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; nhập khẩu sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi có chứa chất mới được lưu trữ trong thời hạn 05 năm kể từ ngày cấp giấy phép nhập khẩu.”

3. Bổ sung Điều 5a sau Điều 5 như sau:

“Điều 5a. Cơ chế đặt hàng đối với hoạt động nhập khẩu, sản xuất, nuôi giữ và cung ứng sản phẩm giống gốc vật nuôi

1. Các hoạt động đặt hàng bao gồm: Nhập khẩu, sản xuất, nuôi giữ và cung ứng sản phẩm giống gốc vật nuôi.

2. Đặt hàng nhập khẩu, sản xuất, nuôi giữ và cung ứng sản phẩm giống gốc vật nuôi phải đáp ứng các điều kiện sau:

a) Các đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất giống vật nuôi; nhà sản xuất, cung ứng sản phẩm giống gốc vật nuôi có đăng ký ngành nghề kinh doanh lĩnh vực giống vật nuôi; có đủ năng lực về tài chính; yêu cầu về giống gốc vật nuôi và đáp ứng điều kiện của cơ sở sản xuất, mua bán giống vật nuôi tại Điều 22 và Điều 23 Luật Chăn nuôi;

b) Đáp ứng định mức kinh tế kỹ thuật đối với từng loại giống gốc vật nuôi do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành.

3. Sản phẩm giống gốc vật nuôi có giá tiêu thụ, mức trợ giá được cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định của pháp luật về giá và các quy định của pháp luật có liên quan.

4. Căn cứ đặt hàng, nội dung đặt hàng và các quy định khác về đặt hàng nhập khẩu, sản xuất, nuôi giữ và cung ứng sản phẩm giống gốc vật nuôi thực hiện theo quy định của pháp luật.”

4. Bổ sung khoản 3 và khoản 4 Điều 9 như sau:

“3. Cơ sở có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi khi sản xuất thức ăn chăn nuôi thương mại, thức ăn chăn nuôi theo đặt hàng cho tổ chức, cá nhân khác phải bàn giao một bản sao nhật ký sản xuất lô hàng cho tổ chức, cá nhân thuê sản xuất tại cơ sở để lưu giữ phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, truy xuất nguồn gốc.

4. Tổ chức, cá nhân thuê cơ sở có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi để sản xuất sản phẩm thức ăn chăn nuôi thương mại phải lưu hồ sơ công bố thông tin sản phẩm trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, công bố tiêu chuẩn áp dụng, công bố hợp quy, nhật ký sản xuất, kết quả thử nghiệm để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, truy xuất nguồn gốc.

Tổ chức, cá nhân thuê cơ sở có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi để sản xuất sản phẩm thức ăn chăn nuôi theo đặt hàng phải lưu nhật ký sản xuất, kết quả thử nghiệm để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, truy xuất nguồn gốc.”

5. Sửa đổi, bổ sung khoản 8 Điều 10 như sau:

“8. Các trường hợp không phải cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi bao gồm:

a) Cơ sở sản xuất (sản xuất, sơ chế, chế biến) thức ăn chăn nuôi truyền thống nhằm mục đích thương mại ở hộ gia đình, hộ kinh doanh;

b) Cơ sở sản xuất thực phẩm đáp ứng các quy định của pháp luật Việt Nam về an toàn thực phẩm có sản phẩm thực phẩm, phụ phẩm được tạo ra trong quá trình sản xuất thực phẩm có chất lượng phù hợp làm thức ăn chăn nuôi mà không qua bất kỳ bước sơ chế, chế biến nào khác của cơ sở đó.”

6. Bổ sung khoản 6 Điều 11 như sau:

“6. Việc đánh giá giám sát duy trì điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi được thực hiện như sau: Trong thời hạn 06 tháng trước thời điểm đánh giá giám sát quy định tại điểm a và điểm b khoản 5 Điều này, cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân. Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày thông báo, cơ quan đánh giá thành lập đoàn đánh giá và tổ chức đánh giá điều kiện thực tế tại cơ sở theo quy định tại điểm a khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều này. Trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc đánh giá, cơ quan có thẩm quyền ban hành Thông báo kết quả đánh giá theo Mẫu số 13.TACN Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này”.

7. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 14 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 3 như sau:

“3. Trình tự thừa nhận phương pháp thử nghiệm thức ăn chăn nuôi của phòng thử nghiệm nước xuất khẩu được quy định như sau:

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, Cục Chăn nuôi tổ chức Đoàn đánh giá để thẩm định hồ sơ; trường hợp hồ sơ thiếu thông tin và tính xác thực, Cục Chăn nuôi tổ chức Đoàn đánh giá thực tế tại phòng thử nghiệm nước xuất khẩu. Trường hợp đạt yêu cầu, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc thẩm định, đánh giá, Cục Chăn nuôi ban hành quyết định thừa nhận phương pháp thử nghiệm thức ăn chăn nuôi của phòng thử nghiệm nước xuất khẩu theo Mẫu số 14.TACN Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này; trường hợp từ chối phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Quyết định thừa nhận phương pháp thử nghiệm thức ăn chăn nuôi của phòng thử nghiệm nước xuất khẩu có hiệu lực tối đa 05 năm.”

b) Sửa đổi, bổ sung khoản 4 như sau:

“4. Thành phần Đoàn đánh giá bao gồm: Cục Chăn nuôi, các đơn vị có liên quan và các chuyên gia kỹ thuật.”

c) Bổ sung khoản 5 như sau:

“5. Tổ chức, cá nhân đăng ký thừa nhận phương pháp thử nghiệm thức ăn chăn nuôi của phòng thử nghiệm nước xuất khẩu có trách nhiệm cung cấp hồ sơ đầy đủ và chính xác phục vụ công tác thẩm định, đánh giá; phối hợp với Cục Chăn nuôi để đánh giá.”

8. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 15 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 2 như sau:

“2. Trình tự thừa nhận quy trình khảo nghiệm và công nhận thức ăn chăn nuôi của nước xuất khẩu được quy định như sau:

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, Cục Chăn nuôi tổ chức Đoàn đánh giá để thẩm định hồ sơ; trường hợp hồ sơ thiếu thông tin và tính xác thực, Cục Chăn nuôi tổ chức Đoàn đánh giá thực tế tại nước xuất khẩu. Trường hợp đạt yêu cầu, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc thẩm định, đánh giá, Cục Chăn nuôi ban hành quyết định thừa nhận quy trình khảo nghiệm và công nhận thức ăn chăn nuôi của nước xuất khẩu theo Mẫu số 15.TACN Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này; trường hợp từ chối phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.”

b) Sửa đổi, bổ sung khoản 3 như sau:

“3. Thành phần Đoàn đánh giá bao gồm: Cục Chăn nuôi, các đơn vị có liên quan và các chuyên gia kỹ thuật.”

c) Bổ sung khoản 4 như sau:

“4. Tổ chức, cá nhân đăng ký thừa nhận quy trình khảo nghiệm và công nhận thức ăn chăn nuôi của nước xuất khẩu có trách nhiệm cung cấp hồ sơ đầy đủ và chính xác phục vụ công tác thẩm định, đánh giá; phối hợp với Cục Chăn nuôi để đánh giá.”

9. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 18 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 4 như sau:

“4. Trình tự kiểm tra nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu được quy định như sau:

a) Tổ chức, cá nhân gửi 01 bộ hồ sơ quy định tại khoản 3 Điều này đến cơ quan kiểm tra quy định tại khoản 1 Điều này. Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan kiểm tra trả lời tính đầy đủ của hồ sơ;

b) Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, cơ quan kiểm tra thẩm định nội dung hồ sơ.

Trường hợp hồ sơ chưa đạt yêu cầu, cơ quan kiểm tra yêu cầu tổ chức, cá nhân bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.

Trường hợp đạt yêu cầu, cơ quan kiểm tra xác nhận vào Giấy đăng ký kiểm tra xác nhận chất lượng để tổ chức, cá nhân làm thủ tục theo quy định tại điểm c, điểm d khoản này;

c) Đối với thức ăn chăn nuôi quy định tại điểm a khoản 2 Điều này: Tổ chức, cá nhân được phép thông quan ngay sau khi hoàn tất thủ tục hải quan. Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày thông quan lô hàng, tổ chức, cá nhân nộp kết quả đánh giá sự phù hợp cho cơ quan kiểm tra. Tổ chức, cá nhân phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về kết quả tự đánh giá sự phù hợp và bảo đảm lô hàng phù hợp quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn công bố áp dụng. Trường hợp lô hàng có kết quả kiểm tra không phù hợp, tổ chức, cá nhân phải báo cáo cơ quan kiểm tra hoặc tổ chức chứng nhận hợp quy phải thông báo cho cơ quan kiểm tra để xử lý theo quy định của pháp luật;

d) Đối với thức ăn chăn nuôi quy định tại điểm b khoản 2 Điều này: Tổ chức, cá nhân hoàn tất thủ tục khai báo hải quan, lựa chọn tổ chức chứng nhận hợp quy lĩnh vực thức ăn chăn nuôi được chỉ định để đánh giá sự phù hợp của lô hàng. Trường hợp lô hàng phù hợp quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn công bố áp dụng, tổ chức chứng nhận hợp quy cấp Giấy chứng nhận hợp quy cho lô hàng để tổ chức, cá nhân nộp cho cơ quan hải quan làm thủ tục thông quan, đồng thời thông báo cho cơ quan kiểm tra.

Trường hợp lô hàng có kết quả kiểm tra không phù hợp, tổ chức chứng nhận hợp quy thông báo cho cơ quan kiểm tra để xử lý theo quy định của pháp luật.”

b) Sửa đổi, bổ sung điểm a và điểm c khoản 5 như sau:

“a) Việc miễn giảm kiểm tra nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu áp dụng đối với thức ăn chăn nuôi cùng loại (tên gọi, mã số công nhận, thành phần nguyên liệu, chất lượng, công dụng, dạng, màu) của cùng cơ sở sản xuất, cùng đơn vị nhập khẩu sau 03 lần nhập khẩu liên tiếp có kết quả đánh giá sự phù hợp được cơ quan kiểm tra có văn bản xác nhận miễn kiểm tra nhà nước về chất lượng trong thời hạn 01 năm. Trong thời gian được miễn giảm kiểm tra nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu, tổ chức, cá nhân không phải thực hiện đánh giá sự phù hợp và công bố hợp quy cho từng lô hàng nhập khẩu.

Tổ chức, cá nhân có nhu cầu miễn giảm kiểm tra nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi theo quy định tại khoản này gửi Đơn đề nghị miễn giảm kiểm tra nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu theo Mẫu số 17.TACN Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này đến cơ quan kiểm tra kèm kết quả đánh giá phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của 03 lần liên tiếp. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan kiểm tra có văn bản xác nhận sản phẩm được miễn giảm kiểm tra chất lượng;

c) Trong thời gian được miễn giảm kiểm tra nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu cơ quan kiểm tra thực hiện:

Kiểm tra đột xuất lô hàng nhập khẩu khi phát hiện hoặc có khiếu nại, tố cáo về chất lượng hàng hóa nhập khẩu hoặc theo đề nghị của cơ quan có thẩm quyền hoặc theo chỉ đạo của cơ quan quản lý cấp trên.

Ban hành văn bản thông báo dừng áp dụng chế độ miễn giảm kiểm tra nếu hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường phát hiện không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn công bố áp dụng hoặc khi có khiếu nại, tố cáo về kết quả đánh giá sự phù hợp và được xác minh đúng sự thật hoặc qua kiểm tra đột xuất lô hàng nhập khẩu có kết quả đánh giá sự phù hợp không đạt yêu cầu.”

c) Bổ sung khoản 6 như sau:

“6. Các trường hợp được miễn kiểm tra nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi khi nhập khẩu gồm:

a) Thức ăn chăn nuôi tạm nhập tái xuất, tái nhập khẩu để tái chế theo yêu cầu của đối tác nước ngoài;

b) Thức ăn chăn nuôi quá cảnh, chuyển khẩu, trung chuyển;

c) Thức ăn chăn nuôi từ nước ngoài gửi kho ngoại quan;

d) Thức ăn chăn nuôi để trưng bày tại hội chợ, triển lãm, quảng cáo;

đ) Thức ăn chăn nuôi làm mẫu phân tích tại các phòng thử nghiệm;

e) Thức ăn chăn nuôi làm mẫu để thử nghiệm phục vụ khảo nghiệm, giám định, chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, thử nghiệm liên phòng;

g) Thức ăn chăn nuôi phục vụ nghiên cứu khoa học;

h) Thức ăn chăn nuôi của người nhập cảnh trong định mức miễn thuế;

i) Thức ăn chăn nuôi nhập khẩu phục vụ yêu cầu khẩn cấp được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định trên cơ sở đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.”

10. Bổ sung Điều 18a vào sau Điều 18 như sau:

“Điều 18a. Kiểm tra nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu sau thông quan

1. Cơ quan kiểm tra: Cục Chăn nuôi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

2. Nội dung kiểm tra:

Theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 41; khoản 2, khoản 4 Điều 43 và khoản 2 Điều 49 Luật Chăn nuôi.

3. Tần suất kiểm tra

a) Kiểm tra định kỳ hằng năm với tần suất không quá 01 lần đối với 01 sản phẩm thức ăn chăn nuôi nhập khẩu có cùng nguồn gốc xuất xứ; không quá 01 lần đối với 01 đơn vị nhập khẩu. Việc lựa chọn sản phẩm và đơn vị nhập khẩu để kiểm tra hằng năm dựa theo các tiêu chí sau đây:

Đối với sản phẩm thức ăn chăn nuôi: Bản chất, công dụng, cơ sở sản xuất, nước sản xuất, số lượng nhập khẩu và giá trị nhập khẩu, kết quả kiểm tra chất lượng trong năm liền trước năm kiểm tra;

Đối với đơn vị nhập khẩu thức ăn chăn nuôi: Số lượng nhập khẩu đối với từng sản phẩm của đơn vị, mục đích nhập khẩu; kết quả chấp hành các quy định của pháp luật trong năm liền trước năm kiểm tra;

Các tiêu chí khác được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật về thức ăn chăn nuôi (nếu có);

b) Kiểm tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm của đơn vị nhập khẩu, hoặc khi có tố cáo, khiếu nại về chất lượng sản phẩm hoặc theo đề nghị của cơ quan có thẩm quyền hoặc theo chỉ đạo của cơ quan quản lý cấp trên.

4. Trình tự kiểm tra

a) Cục Chăn nuôi truy cập thông tin lô hàng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu trên Cổng thông tin một cửa quốc gia để làm căn cứ xây dựng Chương trình kiểm tra hằng năm quy định tại điểm b khoản này;

b) Chương trình kiểm tra hằng năm gồm: Tên và địa chỉ đơn vị nhập khẩu cần kiểm tra, số sản phẩm cần kiểm tra, nội dung kiểm tra, cơ quan kiểm tra, thời gian kiểm tra, thời gian báo cáo kết quả kiểm tra;

c) Trước ngày 30 tháng 10 hằng năm, Cục Chăn nuôi thông báo Chương trình kiểm tra tới Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Cơ quan kiểm tra tại khoản 1 Điều này tiến hành kiểm tra và lập Biên bản kiểm tra theo Mẫu số 16.TACN Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này; xử lý kết quả kiểm tra theo quy định của pháp luật.

5. Kinh phí kiểm tra: Từ nguồn ngân sách hành chính của trung ương và địa phương.

6. Tổ chức thực hiện: Cơ quan kiểm tra quy định tại khoản 1 Điều này tổ chức thực hiện kiểm tra nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu sau thông quan kết hợp với hoạt động kiểm tra tại cơ sở sản xuất, cơ sở mua bán, cơ sở nhập khẩu, cơ sở sử dụng thức ăn chăn nuôi.”

11. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 19 như sau:

“2. Việc thử nghiệm mẫu thức ăn chăn nuôi phục vụ quản lý nhà nước phải thực hiện trước khi lô sản phẩm được lấy mẫu thử nghiệm hết hạn sử dụng (không áp dụng đối với kiểm tra chất cấm trong thức ăn chăn nuôi).

Việc thông báo kết quả kiểm tra lần đầu cho tổ chức, cá nhân phải bảo đảm trước khi lô sản phẩm hết hạn sử dụng ít nhất 15 ngày (không áp dụng đối với trường hợp kiểm tra đột xuất theo quy định pháp luật về thanh tra, kiểm tra). Chậm nhất 02 ngày làm việc sau khi nhận được khiếu nại của tổ chức, cá nhân, cơ quan kiểm tra phải gửi mẫu để thử nghiệm lại.”

12. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 21 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 như sau:

“1. Quy mô chăn nuôi được xác định bằng số đơn vị vật nuôi tại cùng một thời điểm đối với các loại vật nuôi được quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này.”

b) Sửa đổi đoạn mở đầu khoản 2 như sau:

“2. Quy mô chăn nuôi được quy định như sau:”

c) Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 3 như sau:

“b) Chăn nuôi trang trại quy mô vừa, quy mô nhỏ phải đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 55 và khoản 2 Điều 57 của Luật Chăn nuôi.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm kiểm tra điều kiện chăn nuôi của cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô vừa, quy mô nhỏ theo các chỉ tiêu quy định tại Bảng nội dung đánh giá điều kiện chăn nuôi kèm theo Mẫu số 04.ĐKCN Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này. Tần suất kiểm tra định kỳ là 03 năm một lần; kiểm tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm hoặc khi có tố cáo, khiếu nại về chất lượng sản phẩm chăn nuôi, điều kiện chăn nuôi hoặc theo chỉ đạo của cơ quan quản lý cấp trên.

Trường hợp vi phạm, cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô vừa, quy mô nhỏ phải cam kết khắc phục, bảo đảm điều kiện chăn nuôi trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày bị phát hiện vi phạm và gửi báo cáo kết quả khắc phục đến cơ quan kiểm tra. Cơ quan kiểm tra tiến hành kiểm tra thực tế kết quả khắc phục trong trường hợp cần thiết.”

13. Bổ sung khoản 4a sau khoản 4 Điều 24 như sau:

“4a) Việc đánh giá giám sát duy trì điều kiện chăn nuôi được thực hiện như sau: Trong thời hạn 06 tháng trước thời điểm đánh giá giám sát, cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 5 Điều này thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân. Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày thông báo, cơ quan đánh giá thành lập đoàn đánh giá và tổ chức đánh giá điều kiện thực tế tại cơ sở theo quy định tại điểm b khoản 1 và khoản 3 Điều này. Trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc đánh giá, cơ quan đánh giá ban hành Thông báo kết quả đánh giá theo Mẫu số 06.ĐKCN Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.”

14. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 29 như sau:

“2. Trừ trường hợp thỏa thuận giữa Việt Nam và nước ngoài có quy định khác, cửa khẩu tiếp nhận vật nuôi sống nhập khẩu vào Việt Nam bao gồm:

a) Cảng hàng không quốc tế;

b) Cửa khẩu biên giới đất liền: Cửa khẩu quốc tế và cửa khẩu chính;

c) Cảng biển đặc biệt, cảng biển loại I, cảng biển loại II và cảng biển loại III.”

15. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 30 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 như sau:

“1. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi phải công bố tiêu chuẩn áp dụng, công bố hợp quy theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm hàng hóa.

Chỉ tiêu chất lượng sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi phải công bố trong tiêu chuẩn công bố áp dụng được quy định tại Mẫu số 01.MTCN Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.”

b) Sửa đổi, bổ sung khoản 2 như sau:

“2. Tổ chức, cá nhân truy cập vào Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tự công bố thông tin sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi trước khi đưa sản phẩm lưu thông trên thị trường.

Ngay sau khi tự công bố thông tin sản phẩm, tổ chức, cá nhân được sản xuất, kinh doanh sản phẩm và tự chịu trách nhiệm về chất lượng và an toàn của sản phẩm đã công bố.

Trong thời gian xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu sử dụng cho việc tự công bố thông tin về sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, tổ chức, cá nhân phải gửi thông tin về sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi tới Cục Chăn nuôi để tổng hợp, đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về thông tin gửi công bố và chất lượng, an toàn của sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi đã công bố.”

c) Sửa đổi, bổ sung khoản 3 như sau:

“3. Hồ sơ công bố thông tin sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi sản xuất trong nước bao gồm:

a) Thông tin về cơ sở sản xuất sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi theo Mẫu số 02.MTCN Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Tiêu chuẩn công bố áp dụng, bản công bố hợp quy của sản phẩm;

c) Phiếu kết quả thử nghiệm chất lượng sản phẩm;

d) Mẫu của nhãn sản phẩm theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa.”

d) Sửa đổi, bổ sung khoản 4 như sau:

“4. Hồ sơ công bố thông tin sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi nhập khẩu bao gồm:

a) Thông tin về cơ sở sản xuất sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi theo Mẫu số 02.MTCN Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Giấy chứng nhận lưu hành tự do (Certificate of Free Sale) hoặc văn bản có giá trị tương đương do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất xứ cấp;

c) Bản thông tin về thành phần nguyên liệu, công dụng, hướng dẫn sử dụng của sản phẩm do tổ chức, cá nhân sản xuất cung cấp;

d) Tiêu chuẩn công bố áp dụng, bản công bố hợp quy của sản phẩm;

đ) Mẫu của nhãn sản phẩm do tổ chức, cá nhân sản xuất cung cấp kèm theo nhãn phụ bằng tiếng Việt;

e) Phiếu kết quả thử nghiệm chất lượng sản phẩm.”

16. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 31 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 như sau:

“1. Sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi lần đầu được nhập khẩu, sản xuất tại Việt Nam có chứa chất mới chưa qua khảo nghiệm tại Việt Nam phải thực hiện khảo nghiệm trước khi công bố thông tin sản phẩm; trừ sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi được tạo ra từ kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ, cấp quốc gia đã được công nhận.

Trường hợp sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi lần đầu được sản xuất hoặc nhập khẩu vào Việt Nam có chứa chất mới có tên trong Danh mục nguyên liệu được phép sử dụng làm thức ăn chăn nuôi thực hiện khảo nghiệm theo quy định tại điểm a và điểm c khoản 3 Điều này.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Danh mục hóa chất, chế phẩm sinh học, vi sinh vật được phép sử dụng trong sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi tại Việt Nam căn cứ kết quả khảo nghiệm hoặc kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã được công nhận hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc kết quả rà soát, điều tra, đánh giá thực tiễn.”

b) Sửa đổi, bổ sung khoản 3 như sau:

“3. Nội dung khảo nghiệm bao gồm:

a) Đánh giá về thành phần, chất lượng của sản phẩm theo tiêu chuẩn công bố áp dụng;

b) Đánh giá tính an toàn đối với vật nuôi và môi trường trong quá trình sử dụng sản phẩm;

c) Đánh giá hiệu quả xử lý chất thải chăn nuôi của sản phẩm.”

c) Sửa đổi, bổ sung khoản 4 như sau:

“4. Công nhận kết quả khảo nghiệm

a) Sau khi kết thúc khảo nghiệm, tổ chức, cá nhân lập hồ sơ đề nghị công nhận kết quả khảo nghiệm;

b) Hồ sơ đề nghị công nhận kết quả khảo nghiệm bao gồm:

Đơn đề nghị công nhận kết quả khảo nghiệm sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi có chứa chất mới theo Mẫu số 03.MTCN Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;

Báo cáo kết quả khảo nghiệm sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi có chứa chất mới theo Mẫu số 04.MTCN Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;

c) Trình tự, thủ tục công nhận kết quả khảo nghiệm

Tổ chức, cá nhân có sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi khảo nghiệm gửi 01 bộ hồ sơ theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều này đến Cục Chăn nuôi.

Trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, Cục Chăn nuôi thành lập Hội đồng đánh giá kết quả khảo nghiệm bao gồm: Cục Chăn nuôi, các đơn vị có liên quan và các chuyên gia kỹ thuật. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hoàn thiện theo ý kiến của Hội đồng thẩm định, Cục Chăn nuôi xem xét, ban hành Quyết định công nhận sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi có chứa chất mới đã qua khảo nghiệm theo Mẫu số 05.MTCN Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này. Trường hợp không công nhận phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do;

d) Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày ban hành Quyết định công nhận kết quả khảo nghiệm, Cục Chăn nuôi thông báo công khai Quyết định công nhận kết quả khảo nghiệm trên Cổng thông tin điện tử của Cục Chăn nuôi. Tổ chức, cá nhân được phép sản xuất, kinh doanh ngay sau khi có Quyết định công nhận kết quả khảo nghiệm.”

d) Sửa đổi, bổ sung khoản 5 như sau:

“5. Cơ sở khảo nghiệm phải lưu hồ sơ kết quả khảo nghiệm tối thiểu 03 năm sau khi kết thúc khảo nghiệm, chịu trách nhiệm về kết quả khảo nghiệm và chấp hành việc thanh tra, kiểm tra về hoạt động khảo nghiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.”

17. Bổ sung khoản 8 và khoản 9 Điều 32 như sau:

“8. Cơ sở có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi khi sản xuất sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi thương mại, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi theo đặt hàng cho tổ chức, cá nhân khác phải bàn giao một bản sao nhật ký sản xuất lô hàng cho tổ chức, cá nhân thuê sản xuất tại cơ sở để lưu giữ phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, truy xuất nguồn gốc.

9. Tổ chức, cá nhân thuê cơ sở có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi để sản xuất sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi thương mại phải lưu hồ sơ công bố thông tin sản phẩm trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, công bố tiêu chuẩn áp dụng, công bố hợp quy, nhật ký sản xuất, kết quả thử nghiệm để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, truy xuất nguồn gốc.

Tổ chức, cá nhân thuê cơ sở có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi để sản xuất sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi theo đặt hàng phải lưu nhật ký sản xuất, kết quả thử nghiệm để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, truy xuất nguồn gốc.”

18. Bổ sung Điều 32a, Điều 32b, Điều 32c, Điều 32d, Điều 32đ, Điều 32e, Điều 32g và Điều 32h sau Điều 32 như sau:

a) Bổ sung Điều 32a như sau:

“Điều 32a. Cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi

1. Cơ quan thực hiện: Cục Chăn nuôi.

2. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi gồm:

a) Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi theo Mẫu số 06.MTCN Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Bản thuyết minh điều kiện cơ sở sản xuất sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi theo Mẫu số 07.MTCN Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;

c) Quy trình kiểm soát chất lượng, an toàn sinh học của cơ sở sản xuất sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi theo Mẫu số 08.MTCN Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;

d) Trường hợp cơ sở sản xuất đồng thời sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi bổ sung thành phần hồ sơ đáp ứng quy định tại điểm a, điểm b khoản này và điểm c, điểm d khoản 2 Điều 10 Nghị định này.

3. Trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi

a) Cơ sở sản xuất gửi hồ sơ theo quy định tại khoản 2 Điều này đến Cục Chăn nuôi. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ, Cục Chăn nuôi thẩm định nội dung hồ sơ. Trường hợp hồ sơ chưa đạt yêu cầu, Cục Chăn nuôi yêu cầu cơ sở sản xuất bổ sung, hoàn thiện hồ sơ;

b) Trường hợp hồ sơ đạt yêu cầu, trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cục Chăn nuôi thành lập Đoàn đánh giá điều kiện thực tế của cơ sở sản xuất, nội dung đánh giá theo quy định tại Mẫu số 09.MTCN Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này và lập biên bản đánh giá theo Mẫu số 10.MTCN Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này. Trường hợp cơ sở không đáp ứng điều kiện, trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày lập biên bản đánh giá, cơ sở thực hiện khắc phục và gửi báo cáo kết quả khắc phục bằng văn bản đến Cục Chăn nuôi để được thẩm định và đánh giá lại điều kiện thực tế (nếu cần thiết).

Trường hợp cơ sở đáp ứng điều kiện, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc đánh giá điều kiện thực tế, Cục Chăn nuôi cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi theo Mẫu số 11.MTCN Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này; trường hợp từ chối phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

4. Cơ sở sản xuất đồng thời thức ăn chăn nuôi bổ sung và sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi

a) Trường hợp sản xuất trên cùng dây chuyền, trang thiết bị: Cơ sở đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi được phép sản xuất sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi; cơ sở đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi được thừa nhận các chỉ tiêu khi đánh giá cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi;

b) Trường hợp sản xuất trên dây chuyền sản xuất khác nhau, nội dung đánh giá thực hiện theo Mẫu số 04.TACNMẫu số 09.MTCN Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này. Các chỉ tiêu trùng lặp thì chỉ phải đánh giá 01 lần và phải được ghi vào Biên bản đánh giá.

5. Hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi gồm:

a) Đơn đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất theo Mẫu số 06.MTCN Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Tài liệu chứng minh nội dung thay đổi đối với trường hợp thay đổi thông tin có liên quan đến tổ chức, cá nhân trong Giấy chứng nhận.

6. Trình tự, thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi

Cơ sở sản xuất gửi hồ sơ theo quy định tại khoản 5 Điều này đến Cục Chăn nuôi. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cục Chăn nuôi cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi theo Mẫu số 11.MTCN Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này; trường hợp từ chối phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

7. Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi được cấp lại trong trường hợp sau đây:

a) Bị mất, hư hỏng;

b) Thay đổi thông tin của tổ chức, cá nhân trong Giấy chứng nhận.

8. Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi bị thu hồi trong các trường hợp sau đây:

a) Bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung của Giấy chứng nhận;

b) Cơ sở không còn đủ điều kiện theo quy định tại Điều 32 Nghị định này và khoản 1 Điều 63 Luật Chăn nuôi nhưng không khắc phục trong thời hạn đã cam kết với cơ quan có thẩm quyền;

c) Cơ sở có hành vi vi phạm khác mà pháp luật quy định phải thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi.

9. Cơ sở sản xuất sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi không nhằm mục đích thương mại không phải cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi.

10. Trường hợp cơ sở đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi thay đổi địa điểm cơ sở sản xuất, tổ chức, cá nhân phải làm thủ tục theo quy định tại khoản 3 Điều này.

11. Tổ chức, cá nhân đề nghị đánh giá để cấp, cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, đánh giá giám sát duy trì điều kiện sản xuất sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi phải nộp phí theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.”

b) Bổ sung Điều 32b như sau:

“Điều 32b. Đánh giá điều kiện thực tế cơ sở sản xuất sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi

1. Đánh giá điều kiện thực tế cơ sở sản xuất sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi là quan sát hiện trường cơ sở; xem xét và tra cứu tài liệu, hồ sơ; các hoạt động khác có liên quan, bao gồm:

a) Đánh giá cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi;

b) Đánh giá giám sát duy trì điều kiện sản xuất sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi.

2. Cục Chăn nuôi thành lập Đoàn đánh giá điều kiện thực tế của cơ sở sản xuất sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi. Đoàn đánh giá bao gồm trưởng đoàn là lãnh đạo cấp phòng trở lên và ít nhất 01 thành viên có trình độ từ đại học trở lên chuyên ngành chăn nuôi, thú y, hóa học, công nghệ sinh học, công nghệ môi trường.

3. Tần suất đánh giá giám sát duy trì điều kiện cơ sở sản xuất sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi là 24 tháng. Trường hợp cơ sở đã được tổ chức đánh giá, cấp giấy chứng nhận hệ thống phù hợp tiêu chuẩn, thời gian kiểm tra duy trì điều kiện là 36 tháng. Trường hợp phát hiện cơ sở có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc có tố cáo, khiếu nại về chất lượng hoặc theo chỉ đạo của cơ quan quản lý cấp trên, Cục Chăn nuôi tiến hành kiểm tra, đánh giá đột xuất.

4. Việc đánh giá giám sát duy trì điều kiện sản xuất sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi được thực hiện như sau: Trong thời hạn 06 tháng trước thời điểm đánh giá giám sát, Cục Chăn nuôi thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân. Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày thông báo, Cục Chăn nuôi thành lập đoàn đánh giá và tổ chức đánh giá điều kiện thực tế tại cơ sở theo quy định tại Mẫu số 09.MTCN Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này. Trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc đánh giá, cơ quan đánh giá ban hành Thông báo kết quả đánh giá theo Mẫu số 12.MTCN Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.”

c) Bổ sung Điều 32c như sau:

“Điều 32c. Điều kiện cơ sở mua bán, nhập khẩu sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi

1. Có thiết bị, dụng cụ để bảo quản sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi theo hướng dẫn của nhà sản xuất, cung cấp.

2. Nơi bày bán, kho chứa sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi tách biệt hoặc không bị ô nhiễm bởi thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, hóa chất độc hại khác; đáp ứng yêu cầu bảo đảm chất lượng, an toàn theo quy định của pháp luật và khuyến cáo của tổ chức, cá nhân cung cấp.

3. Có biện pháp phòng, chống sinh vật gây hại.”

d) Bổ sung Điều 32d như sau:

“Điều 32d. Xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi

1. Hồ sơ, chất lượng sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi xuất khẩu theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân, nước nhập khẩu, phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam có liên quan.

2. Sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi nhập khẩu phải được kiểm tra nhà nước về chất lượng theo quy định tại khoản 1 Điều 32đ Nghị định này.

Các trường hợp không phải kiểm tra nhà nước chất lượng gồm: Hàng mẫu, hàng giới thiệu tại triển lãm, hội chợ, quà biếu; hàng hóa tạm nhập, tái xuất; hàng quá cảnh chuyển khẩu; hàng gửi kho ngoại quan; hàng doanh nghiệp Việt Nam gia công cho thương nhân nước ngoài; các sản phẩm nhập khẩu phục vụ yêu cầu khẩn cấp theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

3. Tổ chức, cá nhân được nhập khẩu sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi có hóa chất, chế phẩm sinh học, vi sinh vật thuộc Danh mục hóa chất, chế phẩm sinh học, vi sinh vật được sử dụng trong sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi tại Việt Nam.

Trường hợp nhập khẩu sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi có chứa chất mới để khảo nghiệm, nghiên cứu khoa học, trưng bày tại hội chợ, triển lãm, làm mẫu phân tích tại phòng thử nghiệm hoặc sản xuất, gia công nhằm mục đích xuất khẩu phải được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp phép.

4. Hồ sơ nhập khẩu sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi có chứa chất mới để khảo nghiệm, nghiên cứu khoa học, trưng bày tại hội chợ, triển lãm, làm mẫu phân tích tại phòng thử nghiệm hoặc sản xuất, gia công nhằm mục đích xuất khẩu bao gồm:

a) Đơn đề nghị nhập khẩu theo Mẫu số 13.MTCN Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Đề cương nghiên cứu hoặc đề cương khảo nghiệm theo Mẫu số 14.MTCN Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này đối với trường hợp nhập khẩu để nghiên cứu, khảo nghiệm.

Văn bản chứng minh về việc tổ chức, tham gia hội chợ, triển lãm đối với trường hợp nhập khẩu để giới thiệu, trưng bày tại hội chợ, triển lãm.

Văn bản thỏa thuận dịch vụ phân tích giữa một bên là phòng thử nghiệm hoặc doanh nghiệp trong nước với một bên là phòng thử nghiệm hoặc doanh nghiệp hoặc cơ quan quản lý về sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi của nước xuất khẩu, trong đó có nội dung cam kết mẫu sản phẩm nhập khẩu không dùng cho hoạt động thương mại đối với trường hợp nhập khẩu để làm mẫu phân tích tại phòng thử nghiệm.

Hợp đồng sản xuất, gia công sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi nhằm mục đích xuất khẩu phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam về nhập khẩu hàng hóa để sản xuất, gia công nhằm mục đích xuất khẩu.

5. Trình tự và thủ tục cấp Giấy phép nhập khẩu sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi có chứa chất mới như sau:

a) Tổ chức, cá nhân gửi hồ sơ theo quy định tại khoản 4 Điều này đến Cục Chăn nuôi;

b) Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, Cục Chăn nuôi cấp Giấy phép nhập khẩu sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi theo Mẫu số 15.MTCN Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này; trường hợp từ chối phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

6. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, quyết định kiểm tra hệ thống quản lý, sản xuất sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi tại nước xuất khẩu theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên trong trường hợp sau:

a) Đánh giá để thừa nhận lẫn nhau;

b) Phát hiện nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng, an toàn dịch bệnh, môi trường đối với sản phẩm nhập khẩu vào Việt Nam.”

đ) Bổ sung Điều 32đ như sau:

“Điều 32đ. Kiểm tra nhà nước về chất lượng sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi

1. Kiểm tra nhà nước về chất lượng sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi nhập khẩu

a) Cơ quan kiểm tra: Cục Chăn nuôi;

b) Nội dung kiểm tra: Kiểm tra hồ sơ nhập khẩu; kiểm tra thực tế về số lượng, khối lượng, quy cách, bao gói, ghi nhãn, hạn sử dụng, xuất xứ và các chỉ tiêu cảm quan khác của sản phẩm; lấy mẫu để thử nghiệm, đánh giá sự phù hợp về chất lượng và an toàn của sản phẩm;

c) Trình tự và thủ tục kiểm tra: Thực hiện theo quy định của pháp luật về kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu.

2. Kiểm tra nhà nước về chất lượng sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi trong sản xuất, lưu thông trên thị trường

a) Cơ quan kiểm tra: Cục Chăn nuôi kiểm tra trên phạm vi toàn quốc; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra trên địa bàn;

b) Nội dung kiểm tra

Nội dung kiểm tra chất lượng hàng hóa trong sản xuất gồm: Kiểm tra sự phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng, quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; kiểm tra kết quả đánh giá sự phù hợp, ghi nhãn, dấu hợp quy và hồ sơ trong quá trình sản xuất. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan kiểm tra có thể sử dụng chuyên gia thực hiện việc đánh giá theo các yêu cầu của quy chuẩn kỹ thuật tương ứng;

Nội dung kiểm tra chất lượng hàng hóa trong lưu thông trên thị trường gồm: Kiểm tra nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa; kiểm tra việc thể hiện tiêu chuẩn công bố áp dụng, dấu hợp quy theo quy định của pháp luật; kiểm tra điều kiện bảo quản hàng hóa theo quy định tại tiêu chuẩn công bố áp dụng hoặc công bố trên nhãn hàng hóa; kiểm tra sự phù hợp của hàng hóa với tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng, tài liệu kèm theo.

c) Tần suất kiểm tra: Kiểm tra định kỳ không quá 01 lần/năm đối với 01 sản phẩm có cùng nguồn gốc, xuất xứ của 01 đơn vị. Kiểm tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm của đơn vị sản xuất, kinh doanh hoặc khi có tố cáo, khiếu nại về chất lượng sản phẩm hoặc theo đề nghị của cơ quan có thẩm quyền hoặc theo chỉ đạo của cơ quan quản lý cấp trên.

3. Thử nghiệm sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi do phòng thử nghiệm đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ định hoặc đã đăng ký hoạt động theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp chưa có phòng thử nghiệm được chỉ định hoặc đã đăng ký hoạt động về sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi thì thực hiện tại phòng thử nghiệm được chỉ định hoặc đã đăng ký hoạt động theo quy định trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, phân bón, thức ăn thủy sản và sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản nếu có phương pháp thử phù hợp. Trường hợp các phương pháp thử chưa được chỉ định hoặc chưa được thừa nhận, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định phương pháp thử được áp dụng.”

e) Bổ sung Điều 32e như sau:

“Điều 32e. Xử lý kết quả thử nghiệm về chất lượng sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi

1. Kết quả thử nghiệm về chất lượng sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi là kết quả thử nghiệm mẫu sản phẩm của phòng thử nghiệm được chỉ định sau khi tính độ dao động kết quả thử nghiệm quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này.

2. Việc thử nghiệm mẫu sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi phục vụ quản lý nhà nước phải thực hiện trước khi lô sản phẩm được lấy mẫu thử nghiệm hết hạn sử dụng (không áp dụng đối với kiểm tra chất cấm trong chăn nuôi).

Việc thông báo kết quả kiểm tra lần đầu cho tổ chức, cá nhân phải bảo đảm trước khi lô sản phẩm hết hạn sử dụng ít nhất 15 ngày (không áp dụng đối với trường hợp kiểm tra đột xuất). Chậm nhất 02 ngày làm việc sau khi nhận được khiếu nại của tổ chức, cá nhân, cơ quan kiểm tra phải gửi mẫu để thử nghiệm.

3. Trình tự, thủ tục xử lý kết quả thử nghiệm về chất lượng sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi không đạt chất lượng:

a) Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được kết quả thử nghiệm, cơ quan kiểm tra thông báo cho tổ chức, cá nhân kết quả thử nghiệm qua dịch vụ bưu chính hoặc qua môi trường mạng;

b) Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo, tổ chức, cá nhân không có khiếu nại về kết quả thử nghiệm thì cơ quan kiểm tra xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

4. Giải quyết khiếu nại kết quả thử nghiệm về chất lượng sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi:

a) Trường hợp không đồng ý với kết quả thử nghiệm, tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại bằng văn bản gửi cơ quan kiểm tra.

Cơ quan kiểm tra sử dụng mẫu lưu hoặc lấy lại mẫu (khi cần thiết) để thử nghiệm chỉ tiêu bị khiếu nại tại phòng thử nghiệm được chỉ định khác phòng thử nghiệm lần đầu. Kết quả thử nghiệm này là căn cứ để đưa ra kết luận cuối cùng;

b) Trường hợp tổ chức, cá nhân khiếu nại về kết quả thử nghiệm do phòng thử nghiệm duy nhất được chỉ định tại Việt Nam thực hiện, cơ quan kiểm tra có thể gửi mẫu đến phòng thử nghiệm ở nước ngoài đã được tổ chức quốc tế, khu vực công nhận hoặc được Cục Chăn nuôi thừa nhận. Kết quả thử nghiệm này là căn cứ để đưa ra kết luận cuối cùng;

c) Chi phí giải quyết khiếu nại về kết quả thử nghiệm do tổ chức, cá nhân chi trả theo quy định của pháp luật.”

g) Bổ sung Điều 32g như sau:

“Điều 32g. Xử lý sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi vi phạm chất lượng

1. Sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi vi phạm chất lượng bị xử lý bằng một hoặc một số biện pháp sau đây:

a) Buộc tái xuất: Tổ chức, cá nhân có sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi vi phạm chất lượng bị áp dụng biện pháp tái xuất phải thực hiện thủ tục tái xuất theo quy định của pháp luật về hải quan, các quy định khác của pháp luật có liên quan và nộp hồ sơ tái xuất về cơ quan kiểm tra nhà nước về chất lượng sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi;

b) Buộc tiêu hủy: Tổ chức, cá nhân có sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi vi phạm chất lượng bị áp dụng biện pháp tiêu hủy phải ký hợp đồng với tổ chức, cá nhân có chức năng tiêu hủy hàng hóa vi phạm. Nội dung hợp đồng phải nêu rõ biện pháp tiêu hủy để cơ quan kiểm tra nhà nước về chất lượng sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi giám sát;

c) Buộc tái chế: Tổ chức, cá nhân có sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi vi phạm chất lượng bị áp dụng biện pháp tái chế phải thực hiện tái chế sản phẩm theo phương án phù hợp với quy định của pháp luật, bảo đảm sản phẩm sau khi tái chế có chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng công bố áp dụng và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng; báo cáo phương án và kết quả tái chế cho cơ quan kiểm tra nhà nước về chất lượng sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi để giám sát khi cần thiết;

d) Buộc chuyển mục đích sử dụng: Tổ chức, cá nhân có sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi vi phạm chất lượng bị áp dụng biện pháp chuyển đổi mục đích sử dụng phải chuyển đổi mục đích sử dụng sản phẩm theo phương án phù hợp với quy định của pháp luật; báo cáo phương án và kết quả chuyển đổi mục đích sử dụng cho cơ quan kiểm tra nhà nước về chất lượng sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi để giám sát khi cần thiết;

đ) Buộc cải chính thông tin: Tổ chức, cá nhân có sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi vi phạm chất lượng bị áp dụng biện pháp cải chính thông tin phải thực hiện cải chính thông tin sản phẩm theo kết quả kiểm tra thực tế trên nhãn hoặc tài liệu kèm theo trước khi đưa sản phẩm lưu thông trên thị trường hoặc trước khi sử dụng.

2. Giám sát việc tiêu hủy đối với sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi vi phạm chất lượng được quy định như sau:

a) Cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thực hiện giám sát tiêu hủy sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi vi phạm chất lượng đối với các vụ việc vi phạm theo thẩm quyền xử phạt và lập biên bản giám sát việc tiêu hủy theo quy định tại điểm c khoản này;

b) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện giám sát việc tiêu hủy sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi vi phạm chất lượng trên địa bàn theo thẩm quyền hoặc khi có yêu cầu của Cục Chăn nuôi;

c) Biên bản giám sát việc tiêu hủy sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi vi phạm chất lượng phải có các thông tin sau: Căn cứ pháp lý, lý do; thời gian, địa điểm; thành phần tham gia; tên, chủng loại, nguồn gốc, xuất xứ, số lượng, hiện trạng sản phẩm; biện pháp tiêu hủy và các nội dung cần thiết khác.

Biên bản giám sát tiêu hủy phải được xác nhận của đại diện các bên tham gia giám sát và tổ chức, cá nhân có sản phẩm bị tiêu hủy.

3. Tổ chức, cá nhân có sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi vi phạm chất lượng bị áp dụng các biện pháp xử lý quy định tại khoản 1 Điều này phải chịu mọi chi phí liên quan đến việc xử lý.

4. Trường hợp sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi vô chủ thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện việc xử lý, bố trí kinh phí để xử lý.”

h) Bổ sung Điều 32h như sau:

“Điều 32h. Quyền và nghĩa vụ của cơ sở sản xuất, mua bán, nhập khẩu sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi và tổ chức, cá nhân sử dụng sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi

1. Cơ sở sản xuất, mua bán, nhập khẩu sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi có quyền sau đây:

a) Được hưởng chính sách của Nhà nước có liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi;

b) Được sản xuất, mua bán, nhập khẩu sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi theo quy định của Nghị định này và quy định khác của pháp luật có liên quan;

c) Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện liên quan đến sản xuất, mua bán, nhập khẩu sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi theo quy định của pháp luật.

2. Cơ sở sản xuất sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi có nghĩa vụ sau đây:

a) Bảo đảm các điều kiện cơ sở sản xuất sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi trong quá trình hoạt động;

b) Xây dựng và thực hiện quy trình kiểm soát chất lượng, an toàn sinh học sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, bảo đảm sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng công bố áp dụng và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng, bảo đảm truy xuất nguồn gốc sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi; lưu quy trình kiểm soát chất lượng, an toàn sinh học sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi;

c) Chấp hành việc thanh tra, kiểm tra về điều kiện sản xuất và chất lượng sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi do cơ sở sản xuất;

d) Cơ sở sản xuất phải công bố tiêu chuẩn áp dụng, công bố sự phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng; thực hiện ghi nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật về ghi nhãn hàng hóa; ghi chép, lưu giữ hồ sơ trong quá trình sản xuất phục vụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm; lưu mẫu sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi trong thời hạn tối thiểu là 30 ngày kể từ ngày sản phẩm hết hạn sử dụng.

3. Cơ sở mua bán, nhập khẩu sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi có nghĩa vụ sau đây:

a) Bảo đảm các điều kiện cơ sở mua bán, nhập khẩu sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi trong quá trình hoạt động;

b) Tuân thủ quy định của pháp luật trong việc bảo đảm chất lượng, thông tin về nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi;

c) Áp dụng các biện pháp bảo quản chất lượng sản phẩm theo khuyến cáo của tổ chức, cá nhân sản xuất nhằm duy trì chất lượng sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi;

d) Chỉ được mua bán, nhập khẩu các loại sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi đã được công bố thông tin trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

đ) Ghi và lưu thông tin mua bán, nhập khẩu sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi trong quá trình mua bán, nhập khẩu để bảo đảm truy xuất nguồn gốc;

e) Niêm yết giá và chấp hành việc thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

4. Tổ chức, cá nhân sử dụng sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi có quyền sau đây:

a) Được cung cấp đầy đủ thông tin về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, hướng dẫn sử dụng các loại sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi từ tổ chức, cá nhân cung cấp;

b) Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện liên quan đến sử dụng sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi theo quy định của pháp luật;

c) Được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

5. Tổ chức, cá nhân sử dụng sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi có nghĩa vụ sau đây:

a) Tuân thủ các quy định của pháp luật và hướng dẫn của nhà cung cấp, nhà sản xuất sản phẩm liên quan đến vận chuyển, lưu giữ, bảo quản, sử dụng sản phẩm;

b) Chấp hành việc thanh tra, kiểm tra về chất lượng sản phẩm của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; phối hợp việc xử lý sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi vi phạm về chất lượng và an toàn theo quy định của pháp luật.”

19. Sửa đổi, bổ sung một số biểu mẫu, Phụ lục như sau:

a) Sửa đổi Mẫu số 06.TACN Phụ lục I, Phụ lục II, Phụ lục V Nghị định số 13/2020/NĐ-CP ; Bổ sung Mẫu số 13.TACN, Mẫu số 14.TACN, Mẫu số 15.TACN, Mẫu số 16.TACN, Mẫu số 17.TACN, Mẫu số 06.ĐKCN, Mẫu số 01.MTCN, Mẫu số 02.MTCN, Mẫu số 03.MTCN, Mẫu số 04.MTCN, Mẫu số 05.MTCN, Mẫu số 06.MTCN, Mẫu số 07.MTCN, Mẫu số 08.MTCN, Mẫu số 09.MTCN, Mẫu số 10.MTCN, Mẫu số 11.MTCN, Mẫu số 12.MTCN, Mẫu số 13.MTCN, Mẫu số 14.MTCN, Mẫu số 15.MTCN theo biểu mẫu tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

b) Sửa đổi, bổ sung điểm a, điểm b khoản 1 và bổ sung khoản 3 Mục III Mẫu số 04.TACN Phụ lục I như sau:

“a) Đối với cơ sở sản xuất thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh, thức ăn đậm đặc, thức ăn bổ sung dạng hỗn hợp:

Không được bổ sung hoặc bỏ bớt nội dung đánh giá theo quy định tại Mục I và Mục II.

Trường hợp cơ sở sản xuất không có thiết bị pha trộn các nguyên liệu vi lượng (premix) riêng trước khi trộn với các nguyên liệu thô hoặc nguyên liệu đa lượng khác để tạo thành thành phẩm (trừ trường hợp cơ sở mua premix từ cơ sở sản xuất, kinh doanh khác) quy định tại điểm a khoản 3 Mục I của Hướng dẫn này thì cơ sở phải có tài liệu chứng minh độ đồng đều của các nguyên liệu vi lượng này trong thành phẩm.

Trường hợp cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh không có thiết bị, dụng cụ để pha trộn thuốc thú y chứa kháng sinh trước khi sản xuất theo quy định tại điểm a khoản 9 Mục I của Hướng dẫn này thì cơ sở phải có tài liệu chứng minh độ đồng đều của kháng sinh này trong thành phẩm;

b) Đối với cơ sở sản xuất thức ăn truyền thống, thức ăn bổ sung: Tùy theo công nghệ sản xuất và bản chất của sản phẩm thức ăn chăn nuôi mà đoàn đánh giá có thể giảm bớt chỉ tiêu đánh giá hoặc thay đổi yêu cầu đánh giá và chuyên ngành của người phụ trách kỹ thuật nhưng phải bảo đảm cơ sở sản xuất kiểm soát được chất lượng, an toàn của sản phẩm và truy xuất nguồn gốc. Những nội dung này phải được ghi vào Biên bản đánh giá. Riêng đối với cơ sở sản xuất lên men sinh khối vi sinh vật phải đáp ứng quy định tại điểm d khoản 3 Hướng dẫn này và đồng thời phải có tài liệu chứng minh chủng vi sinh vật an toàn đối với vật nuôi.

3. Xử lý kết quả đánh giá

a) Đánh giá cấp Giấy chứng nhận

Cơ sở được đề nghị cấp Giấy chứng nhận khi 100% chỉ tiêu đánh giá đạt yêu cầu;

b) Đánh giá giám sát duy trì điều kiện

Cơ sở được duy trì Giấy chứng nhận khi 100% chỉ tiêu đánh giá đạt yêu cầu.

Cơ sở phải tạm dừng sản xuất trong thời gian chờ khắc phục khi có 02 chỉ tiêu loại A không đạt trở lên hoặc 07 chỉ tiêu không đạt trở lên.

Cơ sở bị thu hồi Giấy chứng nhận khi không khắc phục các chỉ tiêu không đạt ghi trong biên bản đánh giá trong thời gian đã cam kết.”

c) Sửa đổi số thứ tự 9 Mục II phụ lục Bảng nội dung đánh giá điều kiện chăn nuôi kèm theo Mẫu số 04.ĐKCN Phụ lục I như sau:

“Thực hiện nghĩa vụ của cơ sở chăn nuôi trang trại.”

d) Bổ sung cụm từ “Sau khi cấp, đề nghị gửi 01 bản scan Giấy chứng nhận về Cục Chăn nuôi” và cụm từ “Trường hợp cấp lại Giấy chứng nhận thì ghi rõ “Giấy chứng nhận này thay thế Giấy chứng nhận Mã số ....., ngày......”; Mã số Giấy chứng nhận cấp lại không thay đổi so với Mã số Giấy chứng nhận đã được cấp lần đầu” tại phần ghi chú Mẫu số 05.ĐKCN Phụ lục I;

đ) Sửa đổi tên Phụ lục IV như sau: “Độ dao động cho phép của kết quả thử nghiệm chất lượng thức ăn chăn nuôi; sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi phục vụ công tác quản lý nhà nước.”

e) Bổ sung số thứ tự 08 Phụ lục VIII như sau:

STT

Tên vật nuôi

Tên la tinh

Tên phân loài

8

Ruồi lính đen

Hermetia illucens

Hermetia illucens

Điều 2. Thay thế, bãi bỏ một số cụm từ, điểm, khoản, điều, Phụ lục của Nghị định số 13/2020/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi

1. Thay thế cụm từ “Bản sao, chụp tài liệu chứng minh có biện pháp bảo vệ môi trường được cơ quan có thẩm quyền xác nhận theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường” bằng cụm từ “Mô tả thông tin cơ sở đã có biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật” tại điểm c số thứ tự 4 Mẫu số 02.TACN và số thứ tự 3 Mục II Mẫu số 02.ĐKCN.

2. Thay thế cụm từ “Kế hoạch bảo vệ môi trường” bằng cụm từ “Giấy phép bảo vệ môi trường” tại Mẫu số 04.TACN, Mẫu số 03.ĐKCNMẫu số 04.ĐKCN Phụ lục I.

3. Bãi bỏ điểm c khoản 3 Điều 18, điểm c khoản 4 Điều 19, Mẫu số 01.MTCN Phụ lục IPhụ lục IX.

4. Bãi bỏ nội dung Kết luận tại phần Phụ lục Mẫu số 05.TACN Phụ lục I.

5. Bãi bỏ nội dung đánh giá “Số đơn vị vật nuôi đáp ứng yêu cầu về mật độ chăn nuôi của tỉnh/thành phố” tại số thứ tự 2 Mục I phần B Mẫu số 03.ĐKCN và số thứ tự 2 Mục I phụ lục Bảng nội dung đánh giá điều kiện chăn nuôi Mẫu số 04.ĐKCN Phụ lục I.

Điều 3. Quy định chuyển tiếp

1. Tổ chức, cá nhân nộp đầy đủ hồ sơ đăng ký giải quyết thủ tục hành chính về thức ăn chăn nuôi, nhập khẩu vật nuôi sống trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì áp dụng theo quy định của Luật Chăn nuôi, các văn bản hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi và pháp luật có liên quan tại thời điểm nộp hồ sơ. Trường hợp quy định tại Nghị định này thuận lợi hơn cho tổ chức, cá nhân thì giải quyết theo quy định tại Nghị định này.

2. Cơ sở sản xuất sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi hoạt động trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành được tiếp tục hoạt động và làm các thủ tục để được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.

3. Tổ chức, cá nhân công bố thông tin sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi có chứa chất mới trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì áp dụng quy định của Luật Chăn nuôi, các văn bản hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi và pháp luật có liên quan tại thời điểm công bố thông tin.

4. Cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi bổ sung đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành được phép sản xuất sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi trên cùng dây chuyền, trang thiết bị sản xuất thức ăn chăn nuôi bổ sung.

5. Cơ sở sản xuất đồng thời thức ăn chăn nuôi bổ sung và sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi trên cùng dây chuyền sản xuất; sản phẩm sử dụng đồng thời làm thức ăn chăn nuôi và xử lý chất thải chăn nuôi thì thực hiện theo quy định của pháp luật về thức ăn chăn nuôi.

6. Sản phẩm sử dụng đồng thời làm thức ăn chăn nuôi bổ sung và xử lý chất thải chăn nuôi đã được công bố thông tin trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định của pháp luật về thức ăn chăn nuôi và sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi được ghi chung nhãn.

7. Việc lưu trữ tài liệu, hồ sơ liên quan đến kiểm tra nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu; kiểm tra nhà nước về chất lượng sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi nhập khẩu; nhập khẩu thức ăn chăn nuôi chưa được công bố thông tin trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; nhập khẩu sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi có chứa chất mới trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành được thực hiện theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 1 Nghị định này.

8. Việc kiểm tra nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi thực hiện theo quy định tại Nghị định này. Trường hợp Nghị định này chưa quy định thì thực hiện theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa và quy định của pháp luật có liên quan.

Điều 4. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

2. Khoản 10 Điều 1 Nghị định này được thực hiện khi các quy định kiểm tra nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu trước thông quan tại Điều 18 Nghị số 13/2020/NĐ-CP được bãi bỏ.

3. Việc kiểm tra nhà nước về chất lượng sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi nhập khẩu được thực hiện kể từ ngày Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi có hiệu lực thi hành.

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT,
các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, NN (2b).

TM. CHÍNH PHỦ
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Lê Văn Thành

PHỤ LỤC

BIỂU MẪU, PHỤ LỤC TẠI NGHỊ ĐỊNH SỐ 13/2020/NĐ-CP ĐƯỢC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG
(Kèm theo Nghị định số 46/2022/NĐ-CP ngày 13 tháng 7 năm 2022 của Chính phủ)

TT

Tên biểu mẫu, phụ lục

Ghi chú

I

Biểu mẫu, phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 13/2020/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung

1

Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi

Mẫu số 06.TACN

Sửa đổi

2

Thông báo kết quả đánh giá giám sát điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi

Mẫu số 13.TACN

Sửa đổi

3

Quyết định về việc thừa nhận phương pháp thử nghiệm thức ăn chăn nuôi của phòng thử nghiệm nước xuất khẩu

Mẫu số 14.TACN

Sửa đổi

4

Quyết định về việc thừa nhận quy trình khảo nghiệm và công nhận thức ăn chăn nuôi của nước xuất khẩu

Mẫu số 15.TACN

Sửa đổi

5

Biên bản kiểm tra

Mẫu số 16.TACN

Sửa đổi

6

Đơn đề nghị miễn giảm kiểm tra nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu

Mẫu số 17.TACN

Sửa đổi

7

Thông báo về việc kết quả đánh giá giám sát điều kiện chăn nuôi đối với chăn nuôi trang trại quy mô lớn

Mẫu số 06.ĐKCN

Sửa đổi

8

Chỉ tiêu chất lượng sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi phải công bố trong tiêu chuẩn công bố áp dụng

Mẫu số 01.MTCN

Sửa đổi

9

Thông tin về cơ sở sản xuất sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi

Mẫu số 01.MTCN

Sửa đổi

10

Đơn đề nghị công nhận kết quả khảo nghiệm sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi có chứa chất mới

Mẫu số 03.MTCN

Sửa đổi

11

Báo cáo kết quả khảo nghiệm sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi có chứa chất mới

Mẫu số 04.MTCN

Sửa đổi

12

Quyết định công nhận sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi có chứa chất mới đã khảo nghiệm

Mẫu số 05.MTCN

Sửa đổi

13

Đơn đề nghị cấp/cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi (và thức ăn chăn nuôi bổ sung*)

Mẫu số 06.MTCN

Sửa đổi

14

Bản thuyết minh điều kiện cơ sở sản xuất sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi

Mẫu số 07.MTCN

Sửa đổi

15

Quy trình kiểm soát chất lượng, an toàn sinh học của cơ sở sản xuất sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi

Mẫu số 08.MTCN

Sửa đổi

16

Hướng dẫn đánh giá điều kiện sản xuất sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi

Mẫu số 09.MTCN

Sửa đổi

17

Biên bản đánh giá điều kiện cơ sở sản xuất sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi

Mẫu số 10.MTCN

Sửa đổi

18

Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi (và thức ăn chăn nuôi bổ sung*)

Mẫu số 11.MTCN

Sửa đổi

19

Thông báo kết quả đánh giá giám sát điều kiện sản xuất sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi

Mẫu số 12.MTCN

Sửa đổi

20

Đơn đề nghị nhập khẩu để trưng bày tại hội chợ, triển lãm/để nghiên cứu/khảo nghiệm

Mẫu số 13.MTCN

Sửa đổi

21

Đề cương nghiên cứu/khảo nghiệm sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi

Mẫu số 14.MTCN

Sửa đổi

22

Giấy phép nhập khẩu sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi có chứa chất mới

Mẫu số 15.MTCN

Sửa đổi

II

Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 13/2020/NĐ-CP được sửa đổi

1

Danh mục giống vật nuôi cần bảo tồn

Phụ lục II

Sửa đổi

2

Hệ số đơn vị vật nuôi và công thức chuyển đổi

Phụ lục V

Sửa đổi

Mẫu số 06.TACN

CƠ QUAN CẤP GIẤY
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: …....../GCN-

GIẤY CHỨNG NHẬN ĐỦ ĐIỀU KIỆN SẢN XUẤT THỨC ĂN CHĂN NUÔI

Mã số: A/B/C/TACN

Tên cơ sở ………………………………………… Địa chỉ trụ sở: …………………………………….

Số điện thoại: …………………………………………….. Số fax: …………………………………….

Địa chỉ sản xuất: ………………………………………………………………………………………….

Số điện thoại: …………………………………………….. Số fax: ……………………………………..

Giấy đăng ký kinh doanh/Giấy phép đầu tư/Quyết định thành lập: ………………. đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi đối với:

- Loại sản phẩm: Ghi tên loại thức ăn chăn nuôi (thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh, thức ăn đậm đặc, thức ăn truyền thống, thức ăn bổ sung dạng hỗn hợp, thức ăn bổ sung dạng nguyên liệu đơn).

- Sản xuất thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh*.

..... ngày ... tháng ... năm .....
THỦ TRƯỞNG
(Ký tên, đóng dấu)

Ghi chú:

1. Sau khi cấp, đề nghị gửi 01 bản scan Giấy chứng nhận về Cục Chăn nuôi/Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nơi có địa chỉ cơ sở sản xuất.

2. Quy định Mã số Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi như sau:

- A: Là mã số đơn vị hành chính của địa phương (nơi có cơ sở sản xuất) theo Quyết định số 124/2004/QĐ-TTg ngày 08 tháng 7 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành bảng danh mục và mã số các đơn vị hành chính Việt Nam.

- B: là số thứ tự cơ sở được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, bắt đầu từ số 001.

- C: là năm cấp Giấy chứng nhận.

- TACN: Viết tắt của “thức ăn chăn nuôi”. Trường hợp Giấy Chứng nhận do Cục Chăn nuôi cấp thì bổ sung thêm ký hiệu “/CN” vào sau ký hiệu TACN.

- Trường hợp cấp lại Giấy chứng nhận thì ghi rõ “Giấy chứng nhận này thay thế Giấy chứng nhận Mã số......., ngày......”; Mã số Giấy chứng nhận cấp lại không thay đổi so với Mã số Giấy chứng nhận đã được cấp lần đầu.

*: Trường hợp cơ sở không sản xuất thức ăn chăn nuôi có chứa kháng sinh thì không ghi nội dung này trong Giấy chứng nhận.

Mẫu số 13.TACN

CƠ QUAN CẤP GIẤY
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: …....../

……..…, ngày …. tháng …. năm ….

THÔNG BÁO

Về việc kết quả đánh giá giám sát điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi

Kính gửi: ........................................(1)

Căn cứ Luật Chăn nuôi ngày 19 tháng 11 năm 2018;

Căn cứ Nghị định số 13/2020/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi; Nghị định số ..../202.../NĐ-CP ngày ........ của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 13/2020/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi;

Căn cứ kết quả đánh giá giám sát tại Biên bản đánh giá điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi số .......... ngày ............ và báo cáo khắc phục của ............ (1) (nếu có);

...................... (2) thông báo kết quả đánh giá giám sát điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi đối với ................ (1) có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi với mã số .......... như sau:

- Công ty được tiếp tục sản xuất vì đã duy trì điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi theo quy định (đối với trường hợp kết quả đánh giá giám sát đạt).

- Công ty phải tạm dừng sản xuất (nếu tạm dừng một phần thì ghi rõ phần tạm dừng) từ ngày ......... đến ngày .......... để chờ khắc phục (đối với trường hợp phải khắc phục).

- Công ty sẽ bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi (đối với trường hợp không khắc phục các chỉ tiêu không đạt ghi trong biên bản đánh giá trong thời gian đã cam kết).


Nơi nhận:
- Như trên;
- Cục Chăn nuôi/Sở NN và PTNT;
- Lưu: VT, ...

THỦ TRƯỞNG
(Ký tên, đóng dấu)

(1): Tên cơ sở được đánh giá giám sát.

(2): Tên cơ quan cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Mẫu số 14.TACN

BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
CỤC CHĂN NUÔI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ........./.....

Hà Nội, ngày .... tháng .... năm.....

QUYẾT ĐỊNH

Về việc thừa nhận phương pháp thử nghiệm thức ăn chăn nuôi của phòng thử nghiệm nước xuất khẩu

CỤC TRƯỞNG CỤC CHĂN NUÔI

Căn cứ Luật Chăn nuôi ngày 19 tháng 11 năm 2018;

Căn cứ Nghị định số 13/2020/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi và Nghị định số ..../202.../NĐ-CP ngày ........ của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 13/2020/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi;

Căn cứ hồ sơ đăng ký thừa nhận phương pháp thử nghiệm thức ăn chăn nuôi của phòng thử nghiệm nước xuất khẩu của ....;

Xét đề nghị của ……………………………….

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Thừa nhận phương pháp thử nghiệm thức ăn chăn nuôi của phòng thử nghiệm nước xuất khẩu như sau:

- Tên đơn vị đăng ký …………………………. Địa chỉ ……………………………………………….

- Tên Phòng thử nghiệm nước xuất khẩu …………..…….. Địa chỉ ………………………..………

- Danh sách các phép thử được thừa nhận như sau:

STT

Tên chỉ tiêu

Đối tượng phép thử

Giới hạn định lượng hoặc phạm vi đo

Ký hiệu phương pháp thử

1

2

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký đến ngày ...........

Điều 3. Phòng thử nghiệm nêu tại Điều 1 được thực hiện các phương pháp thử được thừa nhận để phục vụ quản lý nhà nước về thức ăn chăn nuôi nhập khẩu; có trách nhiệm duy trì năng lực hoạt động theo quy định tại Nghị định này và tiêu chuẩn quốc tế ISO/IEC 17025; chịu trách nhiệm về kết quả thử nghiệm và chịu sự kiểm tra, giám sát bởi Cục Chăn nuôi.

Điều 4. Đơn vị đăng ký tại Điều 1 và cơ quan, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.


Nơi nhận:
- Như Điều 1;
- Lãnh đạo Bộ NN và PTNT (để b/c);
- Lưu: VT, ...

THỦ TRƯỞNG
(Ký tên, đóng dấu)

Mẫu số 15.TACN

BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
CỤC CHĂN NUÔI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ........./.........

Hà Nội, ngày .... tháng .... năm.....

QUYẾT ĐỊNH

Về việc thừa nhận thừa nhận quy trình khảo nghiệm và công nhận thức ăn chăn nuôi của nước xuất khẩu

CỤC TRƯỞNG CỤC CHĂN NUÔI

Căn cứ Luật Chăn nuôi ngày 19 tháng 11 năm 2018;

Căn cứ Nghị định số 13/2020/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi và Nghị định số ..../202…/NĐ-CP ngày ..... của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 13/2020/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi;

Căn cứ hồ sơ đăng ký thừa nhận quy trình khảo nghiệm và công nhận thức ăn chăn nuôi của nước xuất khẩu của ....;

Xét đề nghị của …………………………….

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Thừa nhận quy trình khảo nghiệm và công nhận thức ăn chăn nuôi của nước xuất khẩu như sau:

- Tên đơn vị đăng ký thừa nhận…………………………. Địa chỉ ……………………………..…….

- Tên quy trình khảo nghiệm sản phẩm thức ăn chăn nuôi: ………………………………..………

- Thông tin sản phẩm thức ăn chăn nuôi được công nhận

STT

Tên thức ăn chăn nuôi

Bản chất, công dụng

Tiêu chuẩn chất lượng

Dạng, màu

Hãng, nước sản xuất

1

2

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.

Điều 3. Sản phẩm thức ăn chăn nuôi được công nhận tại Điều 1 được phép sử dụng làm thức ăn chăn nuôi; trước khi lưu thông trên thị trường sản phẩm phải đáp ứng các quy định nêu tại Điều 32 Luật Chăn nuôi.

Điều 4. Đơn vị đăng ký tại Điều 1 và cơ quan, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Nơi nhận:
- Như Điều 1;
- Lãnh đạo Bộ NN và PTNT (để b/c);
- Lưu: VT, ...

THỦ TRƯỞNG
(Ký tên, đóng dấu)

Mẫu số 16.TACN

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-----------------

......., ngày .... tháng.... năm 20....

BIÊN BẢN KIỂM TRA

Số ...........

Căn cứ Quyết định kiểm tra số ............... ngày ........... của cơ quan kiểm tra

Ngày kiểm tra: …………………………………………………………………………………………

I. Cơ quan kiểm tra

Tên cơ quan kiểm tra: ................................................ Địa chỉ: ...............................................

Thành phần cơ quan kiểm tra

1. .........................................................................................................................................

2. .........................................................................................................................................

3. Họ và tên người lấy mẫu: ..................................................................................................

II. Cơ sở được kiểm tra

Tên cơ sở được kiểm tra: ......................................................................................................

Địa chỉ đăng ký kinh doanh: ...................................................................................................

Họ và tên chủ cơ sở được kiểm tra: ......................................................................................

III. Địa điểm kiểm tra:

Địa điểm lấy mẫu: .................................................................................................................

IV. Nội dung kiểm tra

- Việc thực hiện công bố tiêu chuẩn áp dụng/công bố hợp quy

- Việc thực hiện ghi nhãn sản phẩm: .......................................................................................

- Về điều kiện các cơ sở nhập khẩu, công bố các thông tin sản phẩm thức ăn chăn nuôi trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn .....................................................................................

V. Danh sách sản phẩm được kiểm tra và lấy mẫu thử nghiệm

STT

Tên sản phẩm

Ngày sản xuất

Ngày hết hạn

Tên nhà sản xuất, hãng nước sản xuất

Quy cách bao, gói

Số lượng bao, gói

Khối lượng lô hàng (kg)

Tình trạng cảm quan (dạng, màu sắc, mùi)

Mã số hồ sơ trên Cổng Một cửa quốc gia

1

Mô tả tình trạng mẫu

Mẫu được chia làm ba phần, mỗi phần ........, được kèm theo Phiếu mẫu và được niêm phong có sự chứng kiến của đại diện cơ sở được kiểm tra. Một phần gửi đến Phòng thử nghiệm, một phần được lưu tại Cơ quan kiểm tra và một phần lưu tại cơ sở được kiểm tra.

Hai bên lưu mẫu và bảo quản mẫu trong điều kiện theo hướng dẫn của nhà sản xuất trong thời gian 90 ngày kể từ ngày có kết quả phân tích của cơ quan kiểm tra.

Biên bản được lập thành 03 bản có giá trị như nhau, mỗi bên giữ 01 bản và 01 bản được gửi về Cơ quan kiểm tra.

ĐẠI DIỆN CƠ QUAN KIỂM TRA
(Ký, ghi rõ họ tên)

CHỦ CƠ SỞ ĐƯỢC KIỂM TRA
(Ký tên, đóng dấu)

PHIẾU LẤY MẪU

Tên sản phẩm: ......................................................................................................................

Mã số lô hàng (nếu có): .........................................................................................................

Ngày sản xuất: ............................ Hạn sử dụng

Tên đơn vị nhập khẩu: ...........................................................................................................

Địa chỉ đơn vị nhập khẩu: ......................................................................................................

Biên bản kiểm tra số: ..................................... ngày .../..../202... của ......................................

Mã số hồ sơ trên Cổng một cửa quốc gia: BNNPTNT ............ ngày ..../ ..../202…….

Địa điểm lấy mẫu: .................................................................................................................

Thời gian lấy mẫu: .................................................................................................................

NGƯỜI LẤY MẪU
(Ký, ghi rõ họ tên)

ĐẠI DIỆN CƠ SỞ ĐƯỢC KIỂM TRA
(Ký, ghi rõ họ tên)

Mẫu số 17.TACN

(TÊN TỔ CHỨC, CÁ NHÂN):
....................
----------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ..................

..........., ngày .... tháng .... năm.....

ĐƠN ĐỀ NGHỊ MIỄN GIẢM KIỂM TRA NHÀ NƯỚC VỀ CHẤT LƯỢNG THỨC ĂN CHĂN NUÔI NHẬP KHẨU

Kính gửi: ............................................................... (1)

Tên tổ chức, cá nhân: ............................................................................................................

Địa chỉ: .................................................................................................................................

Điện thoại: ................................................... Fax: ..................... ; Email:

Đề nghị miễn/giảm kiểm tra có thời hạn chất lượng sản phẩm thức ăn chăn nuôi nhập khẩu sau đây:

STT

Tên thức ăn chăn nuôi

Mã số công nhận

Thành phần nguyên liệu

Chất lượng

Công dụng

Dạng, màu

Hàng, nước sản xuất

1

2

...

Tài liệu gửi kèm là kết quả chứng nhận hợp quy/kết quả tự đánh giá sự phù hợp của 3 lô hàng nhập khẩu liên tiếp sau đây:

STT

Tên thức ăn chăn nuôi

Mã số công nhận

Giấy đăng ký kiểm tra xác nhận chất lượng số

Giấy chứng nhận hợp quy số (hoặc kết quả tự đánh giá)

Thông báo kết quả kiểm tra đạt (đối với TACN quy định tại điểm b khoản 2 Điều 18)

I

A

Lần 1

Lần 2

Lần 3

II

B

...

Chúng tôi cam kết thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật hiện hành có liên quan về nhập khẩu thức ăn chăn nuôi.

ĐẠI DIỆN TỔ CHỨC, CÁ NHÂN
(Ký tên, đóng dấu)

_______________

(1) Tên cơ quan có thẩm quyền.

Mẫu số 06.ĐKCN

CƠ QUAN CẤP GIẤY
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ........./ .........

..........., ngày .... tháng .... năm.....

THÔNG BÁO

Về việc kết quả đánh giá giám sát điều kiện chăn nuôi đối với chăn nuôi trang trại quy mô lớn

Kính gửi: (1)

Căn cứ Nghị định số 13/2020/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi; Nghị định số ..../202.../NĐ-CP ngày ..... của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 13/2020/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi;

Căn cứ kết quả đánh giá giám sát tại Biên bản đánh giá điều kiện chăn nuôi ngày …………. và báo cáo khắc phục của ……………………. (1) (nếu có);

………………… (2) thông báo kết quả đánh giá giám sát điều kiện chăn nuôi đối với chăn nuôi trang trại quy mô lớn của ……………………….(1), có Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi với mã số ....... như sau:

- Cơ sở đã duy trì điều kiện chăn nuôi và được tiếp tục hoạt động chăn nuôi theo quy định (đối với trường hợp kết quả đánh giá giám sát đạt).

- Cơ sở bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi (đối với trường hợp không khắc phục các chỉ tiêu không đạt ghi trong biên bản đánh giá trong thời gian đã cam kết)./.

Nơi nhận:
- Như trên;
- Cục Chăn nuôi/Sở Nông nghiệp và PTNT;
- UBND cấp huyện;
- Lưu: VT, ...

THỦ TRƯỞNG
(Ký tên, đóng dấu)

(1): Tên cơ sở được đánh giá giám sát.

(2): Tên cơ quan cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi.

Mẫu số 01.MTCN

CHỈ TIÊU CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM XỬ LÝ CHẤT THẢI CHĂN NUÔI PHẢI CÔNG BỐ TRONG TIÊU CHUẨN CÔNG BỐ ÁP DỤNG

STT

Chỉ tiêu công bố trong tiêu chuẩn công bố áp dụng

Chỉ tiêu công bố trên nhãn sản phẩm

Đơn vị tính

Hình thức công bố

I

Chế phẩm sinh học

1

Các chỉ tiêu cảm quan: dạng, màu

-

Mô tả

2

Độ ẩm

Độ ẩm

%

Không lớn hơn (đối với sản phẩm dạng khô)

3

Tên vi sinh vật; tên và công thức hoạt chất sinh học có lợi

Thành phần: Tên vi sinh vật; tên và công thức hoạt chất có lợi

- Vi sinh vật: CFU/kg, CFU/l, CFU/g, CFU/ml;

- Hoạt chất có lợi: g/kg, mg/kg, µg/kg, IU/kg, g/L, mg/l, µg/l, IU/l

Tối thiểu hoặc bằng hoặc trong khoảng

4

Các thành phần khác: Chất bảo quản, chất ổn định, chất mang, chất tạo màu

Các thành phần khác: tên thành phần, hoạt chất

Không phải công bố hàm lượng

II

Hóa chất và sản phẩm khác

1

Các chỉ tiêu cảm quan: dạng, màu

-

Mô tả

2

Độ ẩm

%

Không lớn hơn (đối với sản phẩm dạng khô)

3

Tên, công thức hóa học và hàm lượng hoạt chất có đặc tính, công dụng chính

Tên, công thức hóa học và hàm lượng hoạt chất có đặc tính, công dụng chính

Theo đặc tính của thành phần, phương pháp thử

Tối thiểu hoặc tối đa hoặc trong khoảng

4

Các thành phần khác: Chất bảo quản, chất ổn định, chất mang, chất tạo màu

Các thành phần khác: Tên thành phần, hoạt chất

Không phải công bố hàm lượng

Mẫu số 02.MTCN

(TÊN CƠ SỞ CÔNG BỐ
THÔNG TIN)

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ...............

..........., ngày .... tháng .... năm.....

THÔNG TIN VỀ CƠ SỞ SẢN XUẤT SẢN PHẨM XỬ LÝ CHẤT THẢI CHĂN NUÔI

1. Thông tin về cơ sở công bố thông tin

Tên cơ sở: …………………………………………………………………………………………………

Địa chỉ: ……………………………………………………………………………………………………..

Điện thoại: ……………..…………..; Fax: …………..……….; Email: …………………………………

Người đại diện: …………………………………………………………………………………………….

2. Thông tin về cơ sở sản xuất

Tên cơ sở sản xuất:

Địa chỉ: ……………………………………………………………………………………………………..

Điện thoại: ……………..…………..; Fax: …………..……….; Email: …………………………………

Người đại diện: …………………………………………………………………………………………….

3. Thông tin về sản phẩm công bố

STT

Tên sản phẩm

Số tiêu chuẩn công bố áp dụng

Thành phần và chỉ tiêu kỹ thuật của sản phẩm

Công dụng

Nguồn gốc

1

2

3

Các hồ sơ kèm theo gồm: ...................................................................................................

Chúng tôi cam kết và chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin nêu trên.

CHỦ CƠ SỞ CÔNG BỐ THÔNG TIN
(Ký tên, đóng dấu)

Mẫu số 03.MTCN

TÊN TỔ CHỨC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ...............

..........., ngày .... tháng .... năm.....

ĐƠN ĐỀ NGHỊ CÔNG NHẬN KẾT QUẢ KHẢO NGHIỆM SẢN PHẨM XỬ LÝ CHẤT THẢI CHĂN NUÔI CÓ CHỨA CHẤT MỚI

Kính gửi: Cục Chăn nuôi.

Tên tổ chức, cá nhân: …………………………………………………………………………………….

Địa chỉ: ………………………………………………………………………………………………………

Điện thoại: ………………………….; Fax: ……………………….; Email: ……………………………..

Người đại diện: ……………………………………………………………………………………………..

Thông tin sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi có chứa chất mới đề nghị được công nhận:

STT

Tên sản phẩm

Thành phần và chỉ tiêu kỹ thuật của sản phẩm

Công dụng

Nguồn gốc sản phẩm (sản xuất trong nước/nhập khẩu)

1

2

Tóm tắt quá trình khảo nghiệm/nghiên cứu: …………………………………………………………….

Đề nghị Cục Chăn nuôi làm các thủ tục công nhận sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi có chứa chất mới nêu trên.

TỔ CHỨC/CÁ NHÂN
(Ký tên, đóng dấu)

Mẫu số 04.MTCN

TÊN CƠ SỞ KHẢO NGHIỆM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ……

..........., ngày .... tháng .... năm.....

BÁO CÁO

Kết quả khảo nghiệm sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi có chứa chất mới

Báo cáo kết quả khảo nghiệm sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi của cơ sở khảo nghiệm gồm các nội dung sau:

1. Tên cơ sở khảo nghiệm: ……………………………………………………………………………….

2. Tên tổ chức, cá nhân yêu cầu khảo nghiệm: ………………………………………………………..

3. Tên sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi khảo nghiệm kèm theo hồ sơ về thành phần, hiệu quả, cách bảo quản, sử dụng, nhãn mác, bao bì:

4. Tình trạng sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi trước khi khảo nghiệm:

5. Nội dung khảo nghiệm: …………………………………………………………………………………

6. Địa điểm, thời gian, quy mô và phương pháp khảo nghiệm: ………………………………………

7. Kết quả khảo nghiệm: …………………………………………………………………………………..

8. Kết luận và kiến nghị: …………………………………………………………………………………..

Nơi nhận:
- .....;
- Lưu:...

CHỦ CƠ SỞ
(Ký tên, đóng dấu)

Mẫu số 05.MTCN

BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
CỤC CHĂN NUÔI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ..../QĐ-CN-....

Hà Nội, ngày .... tháng .... năm.....

QUYẾT ĐỊNH

Về việc công nhận sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi có chứa chất mới đã khảo nghiệm

CỤC TRƯỞNG CỤC CHĂN NUÔI

Căn cứ Luật Chăn nuôi ngày 19 tháng 11 năm 2018;

Căn cứ Quyết định số ………………… của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Chăn nuôi;

Căn cứ ……………………………………………………………………………………………………….;

Xét đề nghị của ……………………………………

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Công nhận sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi có chứa chất mới có tên tại danh sách kèm theo là sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi đã khảo nghiệm và được phép sử dụng trong chăn nuôi.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Cục, …………………, ……………., tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Lưu: VT, ......

THỦ TRƯỞNG
(Ký tên, đóng dấu)

Mẫu số 06.MTCN

TÊN CƠ SỞ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

ĐƠN ĐỀ NGHỊ CẤP/CẤP LẠI GIẤY CHỨNG NHẬN ĐỦ ĐIỀU KIỆN SẢN XUẤT SẢN PHẨM XỬ LÝ CHẤT THẢI CHĂN NUÔI (VÀ THỨC ĂN CHĂN NUÔI BỔ SUNG*)

Kính gửi: Cục Chăn nuôi.

1. Tên cơ sở: ……………………………………………………………………………………………….

- Địa chỉ: …………………………………………………………………………………………………….

- Số điện thoại: ………………….. Số Fax: …………………E-mail: …………………………………..

2. Đề nghị cấp/cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất:

STT

Loại sản phẩm

Đăng ký sản phẩm (Đánh dấu x)

Công suất thiết kế (tấn/năm)

1.

Sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi

1.1.

Hóa chất

1.2.

Chế phẩm sinh học, vi sinh vật, enzym

1.3.

Loại khác

2.

Thức ăn chăn nuôi bổ sung*

2.1.

Dạng đơn

2.2.

Dạng hỗn hợp

3. Đăng ký cấp Giấy chứng nhận □

Đăng ký cấp lại □

Lý do đăng ký cấp lại: ......................................................................................................

4. Sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi bổ sung*

- Sản xuất trên cùng dây chuyền □

- Sản xuất trên dây chuyền khác nhau □

5. Hồ sơ và tài liệu kèm theo giấy này (nếu có), gồm:

..........................................................................................................................................

Chúng tôi cam kết thực hiện các quy định về điều kiện sản xuất sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi (và thức ăn chăn nuôi bổ sung*).

......., ngày ... tháng ... năm.......
CHỦ CƠ SỞ
(Ký tên, đóng dấu)

Ghi chú:

*: Trường hợp cơ sở sản xuất đồng thời sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi bổ sung.

Mẫu số 07.MTCN

TÊN CƠ SỞ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

BẢN THUYẾT MINH ĐIỀU KIỆN CƠ SỞ SẢN XUẤT SẢN PHẨM XỬ LÝ CHẤT THẢI CHĂN NUÔI

(Kèm theo đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi (và thức ăn chăn nuôi bổ sung*) ngày ....tháng .... năm .....)

1. Tên cơ sở: ………………………………………………………………………………………………..

- Địa chỉ sản xuất: …………………………………………………………………………………………..

- Số điện thoại: ……………….. Số fax: …….…….……….. E-mail: ……………………………………

2. Sản phẩm dự kiến sản xuất: ……………………………………………………………………………

3. Giấy chứng nhận hệ thống phù hợp tiêu chuẩn (kèm theo bản sao có xác nhận của cơ sở)

- Thực hành sản xuất tốt (GMP)

Có □

Không □

- Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP)

Có □

Không □

- Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm (ISO 22000)

Có □

Không □

- Hệ thống quản lý chất lượng (ISO 9001)

Có □

Không □

- Hệ thống khác: .........................................

Có □

Không □

4. Thuyết minh chi tiết điều kiện sản xuất sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi (và thức ăn chăn nuôi bổ sung*)

a) Địa điểm sản xuất: …………………………………………………………………………………….

b) Nhà xưởng, trang thiết bị: …………………………………………………………………………….

c) Mô tả thông tin cơ sở đã có biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường: ……………………………………………………………………………………………

d) Tài liệu gửi kèm theo thuyết minh (nếu có) gồm: ………………………………………………….

..........., ngày ... tháng ... năm ......
CHỦ CƠ SỞ
(Ký tên, đóng dấu)

Ghi chú:

*: Trường hợp cơ sở sản xuất đồng thời sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi bổ sung.

Mẫu số 08.MTCN

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------------

QUY TRÌNH

Kiểm soát chất lượng, an toàn sinh học của cơ sở sản xuất sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi

(Kèm theo đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi ngày ... tháng ... năm ...)

Quy trình kiểm soát chất lượng, an toàn sinh học của cơ sở sản xuất sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi bao gồm các nội dung như sau:

1. Kiểm soát chất lượng nước phục vụ sản xuất

- Yêu cầu kỹ thuật chất lượng nước phục vụ sản xuất;

- Kế hoạch đánh giá chất lượng nước, biện pháp khắc phục nếu không đạt;

- Bộ phận hoặc người chịu trách nhiệm.

2. Kiểm soát nguyên liệu

- Yêu cầu kỹ thuật về từng loại nguyên liệu trước khi nhập kho, trước khi sản xuất; cách sắp xếp, nhận diện từng lô nguyên liệu đảm bảo có thể truy xuất, dễ dàng cho việc nhập trước xuất trước, nhập sau xuất sau;

- Kế hoạch kiểm tra, đánh giá chất lượng nguyên liệu; chỉ tiêu kiểm tra, đánh giá;

- Biện pháp bảo quản nguyên liệu, kế hoạch giám sát chất lượng trong quá trình bảo quản, biện pháp xử lý nếu không đạt chất lượng và an toàn;

- Bộ phận hoặc người chịu trách nhiệm.

3. Kiểm soát bao bì

- Yêu cầu kỹ thuật đối với bao bì;

- Biện pháp kiểm soát chất lượng bao bì;

- Bộ phận hoặc người chịu trách nhiệm.

4. Kiểm soát thành phẩm

- Yêu cầu kỹ thuật đối với từng loại thành phẩm;

- Cách thức sắp xếp theo từng lô hàng để dễ dàng cho việc truy xuất;

- Kế hoạch kiểm tra xác nhận chất lượng thành phẩm;

- Biện pháp lưu trữ bảo quản trong kho tránh tác động môi trường ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm; biện pháp xử lý nếu không đạt chất lượng;

- Bộ phận hoặc người chịu trách nhiệm.

5. Kiểm soát quá trình sản xuất

- Yêu cầu đầu vào cho hoạt động sản xuất (nhân lực, máy móc thiết bị, nguyên liệu, phương pháp sản xuất);

- Quy định hồ sơ ghi chép từng công đoạn sản xuất về thời gian, số lượng, loại sản phẩm sản xuất;

- Quy định bộ phận hoặc người chịu trách nhiệm.

6. Kiểm soát tái chế

- Quy định các trường hợp phải tái chế;

- Cách sắp xếp sản phẩm, bán thành phẩm tái chế;

- Phương pháp tái chế;

- Mục đích tái chế, nhật ký tái chế, thử nghiệm sau tái chế;

- Quy định xử lý nếu kết quả tái chế không phù hợp;

- Quy định bộ phận hoặc người chịu trách nhiệm.

7. Lưu mẫu thành phẩm

- Quy định về khối lượng mẫu lưu, thời gian lưu mẫu;

- Quy định ghi thông tin để nhận biết và truy xuất nguồn gốc sản phẩm;

- Quy định thời gian lưu mẫu và biện pháp xử lý mẫu sau khi hết thời hạn lưu mẫu;

- Quy định bộ phận hoặc người chịu trách nhiệm.

8. Kiểm định, hiệu chuẩn, hiệu chỉnh thiết bị

- Kế hoạch hiệu chuẩn, hiệu chỉnh định kỳ;

- Các loại dụng cụ, thiết bị phải hiệu chuẩn; kiểm định;

- Quy định nhận diện trạng thái cho các thiết bị đo lường (Tem nhãn hiệu chuẩn, thiết bị hỏng);

- Quy định bộ phận hoặc người chịu trách nhiệm.

9. Kiểm soát động vật gây hại

- Xây dựng phương pháp kiểm soát, tần suất kiểm soát động vật gây hại;

- Quy định ghi chép nhật ký kiểm soát;

- Quy định bộ phận hoặc người chịu trách nhiệm.

10. Vệ sinh nhà xưởng

- Quy định các phương pháp vệ sinh, tần suất, hóa chất vệ sinh (nếu có) cho từng khu vực, bề mặt tiếp xúc sản phẩm;

- Quy định bộ phận hoặc người chịu trách nhiệm.

11. Thu gom và xử lý chất thải

- Quy định khu vực thu gom, tần suất di chuyển rác ra khỏi khu vực sản xuất, kho về khu tập kết. Trường hợp thuê cơ sở xử lý chất thải, đưa ra yêu cầu về hồ sơ năng lực cơ sở xử lý chất thải theo yêu cầu của pháp luật;

- Quy định bộ phận hoặc người chịu trách nhiệm.

12. Kiểm soát người ngoài ra, vào và khách thăm quan cơ sở sản xuất.

- Quy định ghi thông tin người ngoài ra, vào và khách thăm cơ sở sản xuất;

- Quy định hướng dẫn khách khi thăm quan khu vực sản xuất bảo đảm an toàn lao động và không ảnh hưởng đến quá trình sản xuất;

- Quy định bộ phận hoặc người chịu trách nhiệm.

Mẫu số 09.MTCN

HƯỚNG DẪN ĐÁNH GIÁ ĐIỀU KIỆN SẢN XUẤT SẢN PHẨM XỬ LÝ CHẤT THẢI CHĂN NUÔI

A. NGUYÊN TẮC ĐÁNH GIÁ

1. Ghi biểu mẫu đánh giá

- Ghi đầy đủ thông tin theo quy định trong biểu mẫu.

- Thẩm tra và ghi thông tin chính xác.

- Nếu sửa chữa trên nội dung đã ghi trong Biên bản, phải có chữ ký xác nhận của Trưởng đoàn kiểm tra.

2. Nguyên tắc đánh giá

- Không được bổ sung hoặc bỏ bớt nội dung.

- Kết quả đánh giá của chỉ tiêu là “Đạt” hoặc “Không đạt”.

- Dùng ký hiệu X hoặc √ đánh dấu vào các vị trí mức đánh giá đã được xác định đối với mỗi chỉ tiêu.

- Phải diễn giải chi tiết chỉ tiêu đạt và không đạt; mỗi chỉ tiêu không đạt phải ghi cụ thể lỗi và xác định thời hạn cơ sở phải khắc phục lỗi đó.

3. Chỉ tiêu áp dụng

- Chỉ tiêu từ Mục 1 đến Mục 8 áp dụng đối với cơ sở sản xuất sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi đăng ký đánh giá cấp Giấy chứng nhận.

- Chỉ tiêu từ Mục 1 đến Mục 13 áp dụng đối với đánh giá giám sát duy trì điều kiện cơ sở sản xuất sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi.

- Đối với đánh giá cấp Giấy chứng nhận, đánh giá chỉ tiêu “Xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng, an toàn sinh học” là đánh giá nội dung xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng, an toàn sinh học của sản phẩm dự kiến sản xuất.

- Đối với đánh giá giám sát duy trì điều kiện sản xuất, đánh giá chỉ tiêu “Áp dụng hệ thống kiểm soát chất lượng, an toàn sinh học trong quá trình sản xuất” là đánh giá việc áp dụng hệ thống kiểm soát chất lượng, an toàn sinh học của sản phẩm trong quá trình sản xuất.

B. HƯỚNG DẪN ĐÁNH GIÁ TỪNG CHỈ TIÊU

I. ĐÁNH GIÁ LẦN ĐẦU HOẶC CÓ THAY ĐỔI ĐIỀU KIỆN SẢN XUẤT

1. Địa điểm sản xuất nằm trong khu vực không bị ô nhiễm bởi chất thải nguy hại, hóa chất độc hại

Yêu cầu: Địa điểm sản xuất phải xây dựng trên địa điểm tránh bị ô nhiễm bởi chất thải nguy hại, hóa chất độc hại từ môi trường xung quanh như: nguồn chất thải từ bệnh viện, bãi rác, ngập nước... Trong trường hợp) không thể thay thế vị trí thì phải thiết lập biện pháp kiểm soát như vách ngăn, hệ thống thông gió, phòng kín có thông gió.

Phương pháp đánh giá: Quan sát hiện trường để đánh giá các yếu tố môi trường ảnh hưởng đến an toàn và chất lượng sản phẩm. Đối chiếu các kết quả thử nghiệm liên quan, hồ sơ về địa điểm để đánh giá mức độ ô nhiễm khi cần thiết.

2. Nhà xưởng, trang thiết bị

a) Có nhà xưởng kết cấu vững chắc, bảo đảm yêu cầu về kiểm soát chất lượng, an toàn sinh học

Yêu cầu: Nhà xưởng có kết cấu vững chắc, đủ không gian làm việc, bố trí hướng di chuyển hợp lý cho nguyên liệu, sản phẩm, nhân viên. Nền nhà không thấm nước, không bong tróc, không có những kẽ nứt, dễ dàng vệ sinh.

Phương pháp đánh giá: Quan sát hiện trạng nhà xưởng.

Ghi chú: Về việc xây dựng vững chắc là trần nhà, máng thoát nước không bị dột.

b) Khu chứa nguyên liệu, vật liệu, thành phẩm bảo đảm không nhiễm chéo lẫn nhau; có kho hoặc dụng cụ chuyên dụng để bảo quản những sản phẩm có tính đặc thù theo khuyến cáo của nhà sản xuất

Yêu cầu: Các khu chứa nguyên liệu cấu thành sản phẩm, bao bì, linh phụ kiện cho thiết bị, hóa chất hỗ trợ sản xuất (chất tẩy rửa, dầu mỡ bôi trơn, xăng dầu, hóa chất là hơi, ...) phải ngăn cách vật lý để tránh việc nhiễm chéo các dị vật, hóa chất vào nguyên liệu ảnh hưởng đến chất lượng và an toàn cho sản phẩm. Đối với khu lưu trữ nguyên liệu bay hơi thì cần thiết kế thông thoáng và có thông gió. Đối với mỗi loại nguyên vật liệu cần đảm bảo điều kiện bảo quản đúng kỹ thuật theo yêu cầu bảo quản của nhà sản xuất, cung cấp, không ảnh hưởng đến chất lượng trong quá trình lưu trữ (Ví dụ: Nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng,...).

Phương pháp đánh giá: Quan sát hiện trường về việc bố trí, phân bố các khu vực, kho chứa. Xem xét hồ sơ kỹ thuật của nguyên liệu, sản phẩm (tiêu chuẩn công bố áp dụng, nhãn hàng hóa, tài liệu đính kèm,...) để xác định sự phù hợp.

Ghi chú: Ngăn cách vật lý là bao hàm việc sử dụng tường, vách ngăn hoặc là sự ngăn cách không gian đủ để ngăn ngừa nguy cơ nhiễm chéo.

3. Dây chuyền sản xuất, trang thiết bị tiếp xúc với nguyên liệu, thành phẩm được làm bằng vật liệu dễ vệ sinh

Yêu cầu: Bề mặt trang thiết bị tiếp xúc với nguyên liệu, thành phẩm được làm từ vật liệu phù hợp, chống thấm, không gỉ sét, không bị ăn mòn, không có khả năng thôi nhiễm kim loại nặng (Ví dụ: Pb, As, Hg, Cd) vào sản phẩm. Có thể vệ sinh sạch sẽ.

Phương pháp đánh giá: Quan sát hiện trường, xem xét tài liệu kỹ thuật liên quan đến bề mặt thiết bị, dụng cụ. Xem xét hồ sơ kiểm tra, vệ sinh.

4. Trang thiết bị thu gom và xử lý chất thải không gây ô nhiễm môi trường khu vực sản xuất

Yêu cầu: Trang bị các loại thùng rác phù hợp để phân loại rác (rác thải sinh hoạt, tái chế và nguy hại), thùng chứa rác thải nguy hại cần có nắp đậy kín sau khi sử dụng. Nơi chứa rác thải tách biệt với khu vực sản xuất. Nơi chứa rác thải nguy hại phải được để riêng, kín và có khóa.

Phương pháp đánh giá: Quan sát hiện trường.

5. Trường hợp cơ sở sản xuất sinh khối vi sinh vật để sản xuất chế phẩm sinh học vi sinh vật phải có thiết bị tạo môi trường, lưu giữ và nuôi cấy vi sinh vật.

Yêu cầu: Phải có thiết bị tạo môi trường, lưu giữ và nuôi cấy vi sinh vật phục vụ sản xuất như: Cân kỹ thuật, máy lắc, nồi hấp tiệt trùng, tủ ấm, tủ sấy, máy lắc nhu động, lò vi sóng, tủ cấy vi sinh vật, tủ lạnh, nồi lên men hoặc thiết bị lên men.

Phương pháp đánh giá: Quan sát thực tế và xem xét các thông tin kỹ thuật, tình trạng của thiết bị để đánh giá sự phù hợp.

6. Có phòng thử nghiệm hoặc có hợp đồng với phòng thử nghiệm đủ năng lực để kiểm tra chất lượng trong quá trình sản xuất.

Yêu cầu:

- Có phòng thử nghiệm (phòng chất lượng) để kiểm soát chất lượng công đoạn sản xuất, cho từng lô nguyên liệu, thành phẩm; người thực hiện phải có năng lực, chuyên môn phù hợp về kiểm tra chất lượng; phải có các tiêu chuẩn chất lượng rõ ràng. Các kết quả kiểm tra chất lượng công đoạn phải được ghi chép lưu trữ cho từng lô hàng.

- Phương pháp đánh giá: Quan sát hiện trường phòng thử nghiệm, giấy tờ chứng nhận, hồ sơ hiệu chuẩn thiết bị ...., hồ sơ năng lực của nhân viên (bằng cấp, chứng chỉ đào tạo).

7. Xây dựng và áp dụng hệ thống kiểm soát chất lượng, an toàn sinh học

a) Kiểm soát chất lượng nước phục vụ sản xuất

Yêu cầu: Nước phục vụ sản xuất phải đạt chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng hoặc phải đạt yêu cầu chất lượng và vi sinh tương ứng với sản phẩm sản xuất. Các chỉ tiêu kỹ thuật cần kiểm soát phải được cụ thể bằng văn bản và được người có thẩm quyền phê duyệt.

Phương pháp đánh giá: Xem xét hồ sơ kiểm định nước định kỳ theo yêu cầu kỹ thuật.

Ghi chú: Người có thẩm quyền là chủ cơ sở hoặc người được chủ cơ sở phân công và chịu trách nhiệm phê duyệt.

b) Kiểm soát nguyên liệu

Yêu cầu:

Thực hiện kiểm tra và xác nhận sự phù hợp về xuất xứ, chất lượng như: Hạn sử dụng, giấy tờ xuất xứ, chất lượng (CO, CA), cảm quan về chất lượng hoặc kiểm tra các chỉ tiêu độ ẩm hoặc tạp chất). Các chỉ tiêu kỹ thuật cần kiểm soát phải được cụ thể bằng văn bản và được người có thẩm quyền phê duyệt.

- Nguyên liệu không phù hợp với thông số kỹ thuật phải được kiểm soát tránh sử dụng sai mục đích.

- Nguyên liệu phải sắp xếp cách ly với mặt đất, tường; có nhận diện từng lô đảm bảo có thể truy xuất, dễ dàng cho việc nhập trước xuất trước, nhập sau xuất sau.

Phương pháp đánh giá: Xem xét hồ sơ kiểm tra nhập, xuất nguyên liệu. Quan sát hiện trường sắp xếp, nhận diện nguyên liệu.

c) Kiểm soát bao bì

Yêu cầu: Chất liệu bao bì phù hợp với đặc tính kỹ thuật của sản phẩm, sắp xếp theo từng lô, loại bao bì và nhận diện rõ ràng. Bao bì không thôi nhiễm kim loại nặng hoặc các chất độc hại vào sản phẩm. Các yêu cầu cần kiểm soát phải được cụ thể bằng văn bản và được người có thẩm quyền phê duyệt.

Phương pháp đánh giá: Xem xét hồ sơ kiểm tra nhập bao bì, quan sát hiện trường lưu trữ bao bì.

d) Kiểm soát thành phẩm

Yêu cầu:

- Thành phẩm được kiểm tra xác nhận chất lượng theo thông số kỹ thuật trước khi thông qua, có hồ sơ kiểm tra, được ghi chép và phê duyệt của người có thẩm quyền.

- Thành phẩm được lưu trữ bảo quản trong kho tránh tác động môi trường ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, sắp xếp ngăn cách với sàn, sắp xếp theo từng lô hàng để dễ dàng cho việc truy xuất.

- Thành phẩm phải được kiểm tra trước khi xuất (Hạn sử dụng, cảm quan tình trạng bên ngoài như bục rách, biến dạng, bẩn,...).

- Thành phẩm sắp xếp cách ly với mặt đất, tường; có nhận diện từng lô đảm bảo có thể truy xuất, dễ dàng cho việc nhập trước xuất trước, nhập sau xuất sau.

- Các yêu cầu cần kiểm soát phải được cụ thể bằng văn bản và được người có thẩm quyền phê duyệt.

Phương pháp đánh giá: Kiểm tra hồ sơ cho các lô thành phẩm đã xuất đi và dữ liệu hàng hóa tồn kho.

đ) Kiểm soát quá trình sản xuất

Yêu cầu:

- Các yêu cầu đầu vào cho hoạt động sản xuất phải đảm bảo bao gồm con người có năng lực, máy móc thiết bị luôn trong trạng thái phù hợp, phương pháp sản xuất hợp lý, nguyên liệu đầu vào đạt yêu cầu.

- Phải có sẵn các tiêu chuẩn kỹ thuật cần đạt được của sản phẩm cụ thể bằng văn bản. Các chỉ tiêu về an toàn theo quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

- Sẵn có thiết bị đo lường.

- Phải có hồ sơ ghi chép từng công đoạn sản xuất về thời gian, số lượng, loại sản phẩm sản xuất, bao gồm cả việc nhập nguyên liệu cho sản xuất.

- Các yêu cầu cần kiểm soát phải được cụ thể bằng văn bản và được người có thẩm quyền phê duyệt.

Phương pháp đánh giá: Quan sát hiện trường, kiểm tra hồ sơ lô, hồ sơ công bố tiêu chuẩn áp dụng.

e) Kiểm soát tái chế

Yêu cầu: Các sản phẩm, bán thành phẩm tái chế phải được để khu riêng, vẫn còn hạn sử dụng, phải duy trì được sự an toàn, chất lượng, khả năng truy xuất. Phải có quy định tỷ lệ tái chế và có hồ sơ ghi nhận tỷ lệ hàng tái chế trong hồ sơ sản xuất cho lô sản phẩm. Các yêu cầu cần kiểm soát phải được cụ thể bằng văn bản và được người có thẩm quyền phê duyệt.

Phương pháp đánh giá: Xem xét các hồ sơ ghi nhận liên quan đến hàng lỗi, cách thức xử lý hàng lỗi trong việc đem tái chế cho từng lô hàng. Quan sát hiện trường khu vực quy định để hàng tái chế.

g) Lưu mẫu thành phẩm

Yêu cầu: Mỗi lô hàng cần lưu một lượng mẫu đủ để phân tích theo tiêu chuẩn kỹ thuật công bố áp dụng và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng và được đóng gói tình trạng giống với sản phẩm lưu hành trên thị trường. Dán tem nhãn ghi rõ tên sản phẩm, lô (hoặc ngày sản xuất), hạn sử dụng. Các sản phẩm lưu cần nhận diện rõ ràng, dễ tìm dễ kiểm tra. Các yêu cầu cần kiểm soát phải được cụ thể bằng văn bản và được người có thẩm quyền phê duyệt.

Phương pháp đánh giá: Quan sát khu sắp xếp lưu mẫu, tem nhãn nhận diện. Xem xét hồ sơ ghi chép về ngày lưu mẫu, thời gian hủy mẫu, đánh giá tình trạng trong suốt thời gian lưu.

h) Kiểm định, hiệu chuẩn, hiệu chỉnh thiết bị

Yêu cầu: Lập kế hoạch hiệu chuẩn, hiệu chỉnh định kỳ, nhận diện trạng thái cho các thiết bị đo lường (Tem nhãn hiệu chuẩn, thiết bị hỏng). Các yêu cầu cần kiểm soát phải được cụ thể bằng văn bản và được người có thẩm quyền phê duyệt.

Phương pháp đánh giá: Quan sát tem nhãn hiệu chuẩn được gắn lên thiết bị hoặc hồ sơ hiệu chuẩn đi kèm với thiết bị. Nếu thiết bị đo lường tự hiệu chuẩn nội bộ thì kiểm tra bộ chuẩn có được kiểm định hay không.

i) Kiểm soát động vật gây hại

Yêu cầu: Nhà xưởng được lắp mành, lưới, bẫy chuột, đèn diệt côn trùng để đảm bảo không xuất hiện côn trùng, động vật gây hại trong nhà xưởng. Các yêu cầu cần kiểm soát phải được cụ thể bằng văn bản và được người có thẩm quyền phê duyệt.

Phương pháp đánh giá: Quan sát hiện trường về sự hiện diện có hay không côn trùng, động vật gây hại trong nhà xưởng, kho (có thể quan sát gián tiếp qua việc xuất hiện phân gián, phân chuột...) kết hợp với kiểm tra hồ sơ ghi chép.

k) Vệ sinh nhà xưởng

Yêu cầu: Quy định các phương pháp vệ sinh, tần suất, hóa chất vệ sinh (nếu có) cho từng khu vực, bề mặt tiếp xúc sản phẩm. Các yêu cầu cần kiểm soát phải được cụ thể bằng văn bản và được người có thẩm quyền phê duyệt

Phương pháp đánh giá: Quan sát hiện trường về tình trạng vệ sinh, xem xét tài liệu quy định vệ sinh (tần suất, phương pháp). Xem xét hồ sơ kiểm tra vệ sinh định kỳ.

l) Thu gom và xử lý chất thải

Yêu cầu: Có quy định khu vực thu gom rác; quy định tần suất di chuyển rác ra khỏi khu vực sản xuất, kho (tối thiểu theo ngày) về khu tập kết. Thuê cơ sở xử lý chất thải có năng lực theo yêu cầu của pháp luật. Các yêu cầu cần kiểm soát phải được cụ thể bằng văn bản và được người có thẩm quyền phê duyệt.

Phương pháp đánh giá: Quan sát hiện trường về bố trí chỗ để rác, phân loại rác, xác nhận thực tế về tần suất di chuyển rác khỏi nhà xưởng. Xem xét các hồ sơ về xử lý rác thải như hợp đồng với nhà xử lý rác, hồ sơ năng lực nhà xử lý rác, biên bản giao nhận rác,...

m) Kiểm soát người ngoài ra, vào và khách thăm quan cơ sở sản xuất

Yêu cầu: Có sổ sách ghi chép thông tin người ngoài ra, vào và khách thăm quan cơ sở sản xuất, có quy định hướng dẫn khách khi tham quan khu vực sản xuất bảo đảm an toàn lao động và không ảnh hưởng đến quá trình sản xuất.

Phương pháp đánh giá: Quan sát hiện trường kết hợp với kiểm tra hồ sơ.

8. Có người phụ trách kỹ thuật có trình độ từ đại học trở lên về một trong các chuyên ngành chăn nuôi, thú y, hóa học, công nghệ sinh học, công nghệ môi trường

Yêu cầu: Có bằng đại học được đào tạo chăn nuôi, thú y, hóa học, công nghệ sinh học, công nghệ môi trường. Có hợp đồng lao động với người phụ trách kỹ thuật.

Phương pháp đánh giá: Xem xét hợp đồng lao động, hồ sơ bằng cấp liên quan, phỏng vấn về sự am hiểu hoạt động kiểm soát cho sản phẩm.

II. ĐÁNH GIÁ GIÁM SÁT DUY TRÌ ĐIỀU KIỆN, NGOÀI CÁC CHỈ TIÊU TẠI PHẦN I, PHẢI ĐÁNH GIÁ CÁC CHỈ TIÊU SAU

9. Áp dụng hệ thống kiểm soát chất lượng, an toàn sinh học trong quá trình sản xuất theo các nội dung tại Mục 7; ghi chép, lưu giữ hồ sơ trong quá trình sản xuất phục vụ truy xuất nguồn gốc

Yêu cầu: Các quy trình, quy định nêu tại Mục 7 phải được áp dụng và ghi chép lưu giữ đầy đủ trong quá trình sản xuất phục vụ truy xuất nguồn gốc.

Phương pháp đánh giá: Thực hiện theo hướng dẫn tương ứng tại Mục 7.

10. Thực hiện công bố tiêu chuẩn áp dụng; công bố hợp quy theo quy định

Yêu cầu: Có đầy đủ hồ sơ công bố tiêu chuẩn áp dụng, công bố hợp quy cho từng sản phẩm.

Phương pháp đánh giá: Kiểm tra các sản phẩm đã sản xuất, lưu thông; kiểm tra hồ sơ công bố tiêu chuẩn áp dụng, công bố hợp quy cho từng loại sản phẩm; đánh giá sự phù hợp của hồ sơ lưu trữ, cập nhật và sản phẩm thực tế.

11. Thực hiện ghi nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật về ghi nhãn hàng hóa

Yêu cầu: Thông tin ghi trên nhãn sản phẩm phải đúng quy định hiện hành về nhãn hàng hóa.

Phương pháp đánh giá: Kiểm tra nhãn sản phẩm đã sản xuất, lưu thông; đối chiếu quy định về nhãn hàng hóa và tiêu chuẩn công bố áp dụng để đánh giá sự phù hợp của việc ghi nhãn.

12. Công bố thông tin sản phẩm trên Cổng thông tin của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Yêu cầu: Các sản phẩm trước khi lưu thông trên thị trường phải được công bố thông tin trên Cổng thông tin của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định.

Phương pháp đánh giá: Kiểm tra thông tin sản phẩm đã công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đối chiếu các hồ sơ công bố và sản phẩm thực tế đang sản xuất, lưu thông để đánh giá.

13. Chấp hành việc thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật

Yêu cầu: Cơ sở được thanh tra, kiểm tra phải phối hợp và chấp hành đúng quy định.

Phương pháp đánh giá: Đánh giá thông qua việc chấp hành các quy định của pháp luật và phối hợp với cơ quan nhà nước trong thanh tra, kiểm tra.

C. XỬ LÝ KẾT QUẢ ĐÁNH GIÁ

1. Đánh giá cấp Giấy chứng nhận

Cơ sở được đề nghị cấp Giấy chứng nhận khi 100% chỉ tiêu đánh giá đạt yêu cầu.

2. Đánh giá giám sát duy trì điều kiện

- Cơ sở được duy trì Giấy chứng nhận khi 100% chỉ tiêu đánh giá đạt yêu cầu.

- Cơ sở phải tạm dừng sản xuất trong thời gian chờ khắc phục khi có 07 chỉ tiêu không đạt trở lên.

- Cơ sở bị thu hồi Giấy chứng nhận khi không khắc phục trong thời gian đã cam kết.

Mẫu số 10.MTCN

BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
CỤC CHĂN NUÔI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

BIÊN BẢN

Đánh giá điều kiện sản xuất sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi

Số: ........./BB-ĐKSX

1. Căn cứ đánh giá, ngày đánh giá: …………………………………………………………………….

2. Tên cơ sở được đánh giá: …………………………………………………………………….………

- Địa chỉ: ……………………………………………………………………………………………………

- Số điện thoại: ……………………………..Số Fax: …………….. Email: ……………………………

- Tên và số giấy đăng ký kinh doanh/giấy phép đầu tư/Quyết định thành lập: ...

Tên cơ quan cấp: ……………………………….…… Ngày cấp: ………………………………………

- Giấy chứng nhận hệ thống phù hợp tiêu chuẩn: …………………………………………………….

3. Địa điểm đánh giá:

- Địa chỉ: ……………………………………………………………………………………………………

- Điện thoại: …………………………. Số Fax: …………………. Email: ……………………………..

4. Thành phần Đoàn đánh giá:

- Ông/bà: …………………………………………………. Chức vụ: …………………………….

- Ông/bà: …………………………………………………. Chức vụ: …………………………….

5. Người đại diện của cơ sở:

- Ông/bà: …………………………………………………. Chức vụ: …………………………….

- Ông/bà: …………………………………………………. Chức vụ: …………………………….

6. Sản phẩm sản xuất:

…………………………………………………………………………………………………………..

7. Nội dung đánh giá

STT

Chỉ tiêu đánh giá

Kết quả đánh giá

Diễn giải kết quả đánh giá; hành động khắc phục lỗi

Đạt

Không đạt

I

ĐÁNH GIÁ LẦN ĐẦU HOẶC CÓ THAY ĐỔI ĐIỀU KIỆN SẢN XUẤT

1.

Địa điểm sản xuất nằm trong khu vực không bị ô nhiễm bởi chất thải nguy hại, hóa chất độc hại

2.

Nhà xưởng, trang thiết bị

a

Có nhà xưởng kết cấu vững chắc, đảm bảo yêu cầu về kiểm soát an toàn chất lượng

b

Khu chứa nguyên liệu, vật liệu, thành phẩm bảo đảm không nhiễm chéo lẫn nhau; có kho hoặc dụng cụ chuyên dụng để bảo quản những sản phẩm có tính đặc thù theo khuyến cáo của nhà sản xuất

3

Dây chuyền sản xuất, trang thiết bị tiếp xúc với nguyên liệu, thành phẩm được làm bằng vật liệu dễ vệ sinh

4

Thiết bị thu gom và xử lý chất thải không gây ô nhiễm môi trường khu vực sản xuất

5

Trường hợp cơ sở sản xuất sinh khối vi sinh vật để sản xuất chế phẩm sinh học vi sinh vật phải có thiết bị tạo môi trường, lưu giữ và nuôi cấy vi sinh vật

6

Có phòng thử nghiệm hoặc có hợp đồng với phòng thử nghiệm đủ năng lực để kiểm tra chất lượng trong quá trình sản xuất

7

Có hệ thống kiểm soát chất lượng, an toàn sinh học

a

Kiểm soát chất lượng nước phục vụ sản xuất

b

Kiểm soát nguyên liệu

c

Kiểm soát bao bì

d

Kiểm soát thành phẩm

đ

Kiểm soát quá trình sản xuất

e

Kiểm soát tái chế

g

Lưu mẫu thành phẩm

h

Kiểm định, hiệu chuẩn, hiệu chỉnh thiết bị

i

Kiểm soát động vật gây hại

k

Vệ sinh nhà xưởng

l

Thu gom và xử lý chất thải

m

Kiểm soát người ra, vào và khách thăm quan cơ sở sản xuất

8

Có người phụ trách kỹ thuật có trình độ từ đại học trở lên về một trong các chuyên ngành chăn nuôi, thú y, hóa học, công nghệ sinh học, công nghệ môi trường

II

ĐÁNH GIÁ DUY TRÌ ĐIỀU KIỆN, NGOÀI CÁC CHỈ TIÊU TẠI MỤC I, PHẢI ĐÁNH GIÁ CÁC CHỈ TIÊU SAU

9

Áp dụng hệ thống kiểm soát chất lượng, an toàn sinh học theo các nội dung tại Mục 7; ghi chép, lưu giữ hồ sơ trong quá trình sản xuất phục vụ truy xuất nguồn gốc

10

Thực hiện công bố tiêu chuẩn áp dụng; công bố hợp quy theo quy định

11

Thực hiện ghi nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật về ghi nhãn hàng hóa.

12

Công bố thông tin sản phẩm trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

13

Chấp hành việc thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật

Số chỉ tiêu đánh giá thực tế

Số chỉ tiêu đạt/không đạt

8. Lấy mẫu (nếu có):

a) Thông tin về mẫu lấy (loại mẫu, số lượng mẫu; tình trạng bao gói, bảo quản mẫu...) …………

……………………………………………………………………………………………………………….

b) Chỉ định chỉ tiêu phân tích (Biên bản lấy mẫu kèm theo):

……………………………………………………………………………………………………………….

9. Ý kiến của Đoàn đánh giá:

……………………………………………………………………………………………………………….

10. Ý kiến của cơ sở:

……………………………………………………………………………………………………………….

Biên bản đã được đọc lại cho các bên cùng nghe và thống nhất ký tên. Biên bản được lập thành 02 bản, mỗi bên giữ 01 bản có giá trị pháp lý ngang nhau.

CHỦ CƠ SỞ
(Ký tên, đóng dấu)

TRƯỞNG ĐOÀN ĐÁNH GIÁ
(Ký, ghi rõ họ tên)

Mẫu số 11.MTCN

BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
CỤC CHĂN NUÔI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

GIẤY CHỨNG NHẬN ĐỦ ĐIỀU KIỆN SẢN XUẤT SẢN PHẨM XỬ LÝ CHẤT THẢI CHĂN NUÔI (VÀ THỨC ĂN CHĂN NUÔI BỔ SUNG*)

Số : A/B/C/MTCN

Tên cơ sở ……………………………. Địa chỉ trụ sở: …………………………………………………..

Số điện thoại: ………………………………………………. Số fax: …………………………………….

Địa chỉ sản xuất: ……………………………………………………………………………………………

Số điện thoại: ………………………………………………. Số fax: …………………………………….

Giấy đăng ký kinh doanh/Giấy phép đầu tư/Quyết định thành lập: …………………………………..

Được chứng nhận đủ điều kiện sản xuất:

1. Sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi (ghi loại sản phẩm cụ thể).

2. Thức ăn chăn nuôi bổ sung*.

......., ngày.... tháng.... năm....
THỦ TRƯỞNG
(Ký tên, đóng dấu)

Ghi chú:

1. Sau khi cấp, đề nghị gửi 01 bản scan Giấy chứng nhận về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nơi có địa chỉ cơ sở sản xuất.

2. Quy định số Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi như sau:

- A: Là mã số đơn vị hành chính của địa phương (nơi có cơ sở sản xuất) theo Quyết định số 124/2004/QĐ-TTg ngày 08 tháng 7 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành bảng danh mục và mã số các đơn vị hành chính Việt Nam.

- B: là số thứ tự cơ sở được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, bắt đầu từ số 001.

- C: là năm cấp Giấy chứng nhận.

- Trường hợp cấp lại Giấy chứng nhận thì bổ sung cụm từ “Giấy chứng nhận này thay thế Giấy chứng nhận Mã số ........, ngày.........”; Mã số Giấy chứng nhận cấp lại không thay đổi so với Mã số Giấy chứng nhận đã được cấp lần đầu.

*: Trường hợp cơ sở sản xuất đồng thời sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi bổ sung.

Mẫu số 12.MTCN

CỤC CHĂN NUÔI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ...../.......

......., ngày .... tháng .... năm......

THÔNG BÁO

Về việc kết quả đánh giá giám sát điều kiện sản xuất sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi

Kính gửi: ……………………………………..(1)

Căn cứ Luật Chăn nuôi ngày 19 tháng 11 năm 2018;

Căn cứ Nghị định số 13/2020/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi; Nghị định số ..../202.../NĐ-CP ngày ..... của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 13/2020/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi;

Căn cứ kết quả đánh giá giám sát tại Biên bản đánh giá điều kiện sản xuất sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi số .......... ngày ............ và báo cáo khắc phục của ............ (1) (nếu có);

Cục Chăn nuôi thông báo kết quả đánh giá điều kiện sản xuất sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi đối với ........................ (1) có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi với mã số ....... như sau:

- Công ty được tiếp tục sản xuất vì đã duy trì điều kiện sản xuất sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi theo quy định (đối với trường hợp đánh giá giám sát đạt).

- Công ty phải tạm dừng sản xuất (nếu tạm dừng một phần thì ghi rõ phần tạm dừng) từ ngày ......... đến ngày .......... để chờ khắc phục (đối với trường hợp phải khắc phục).

- Công ty sẽ bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi (đối với trường hợp không khắc phục trong thời gian đã cam kết).

Nơi nhận:
- Như trên;
- Sở NN và PTNT....;
- Lưu: VT,...

THỦ TRƯỞNG
(Ký tên, đóng dấu)

(1): Tên cơ sở được đánh giá giám sát.

Mẫu số 13.MTCN

TÊN TỔ CHỨC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

ĐƠN ĐỀ NGHỊ NHẬP KHẨU SẢN PHẨM XỬ LÝ CHẤT THẢI CHĂN NUÔI CÓ CHỨA CHẤT MỚI

Kính gửi: Cục Chăn nuôi.

Tên tổ chức, cá nhân: ……………………………………………………………………………………..

Địa chỉ: ………………………………………………………………………………………………………

Số điện thoại: ……………………… Số fax: …………………… Email: ……………………………….

1. Đề nghị nhập khẩu sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi sau đây:

STT

Tên sản phẩm

Khối lượng

Bản chất, công dụng

Dạng, màu

Quy cách bao gói

Hãng, nước sản xuất

1

2

3

....

2. Mục đích nhập khẩu: …………………………………………………………………………………..

3. Thời gian nhập khẩu: …………………………………………………………………………………..

4. Cửa khẩu nhập khẩu: …………………………………………………………………………………..

5. Thời gian, địa điểm trưng bày tại hội chợ, triển lãm (hoặc nghiên cứu/khảo nghiệm/phân tích tại phòng thử nghiệm): …………………………………………………………………………………

6. Phương án xử lý mẫu sau hội chợ, triển lãm (hoặc nghiên cứu/khảo nghiệm/phân tích tại phòng thử nghiệm): ………………………………………………………………………………………

Chúng tôi cam kết thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật hiện hành có liên quan về sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi.

............., ngày .... tháng .... năm …..
TỔ CHỨC, CÁ NHÂN
(Ký tên, đóng dấu)

Mẫu số 14.MTCN

TÊN CƠ SỞ THỰC HIỆN
NGHIÊN CỨU/KHẢO NGHIỆM

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

ĐỀ CƯƠNG NGHIÊN CỨU/KHẢO NGHIỆM

Sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi

I. THÔNG TIN CHUNG

1. Tên tổ chức, cá nhân đăng ký nghiên cứu/khảo nghiệm: ………………………………………..

Địa chỉ: …………………………………………………………………………………………………….

Số điện thoại: ……………………… Số fax: …………………. Email: ………………………………

2. Tên cơ sở thực hiện nghiên cứu/khảo nghiệm:

Địa chỉ: …………………………………………………………………………………………………….

Số điện thoại: ……………………… Số fax: …………………. Email: ………………………………

3. Thông tin về sản phẩm đăng ký nghiên cứu/khảo nghiệm

a) Tên sản phẩm, thành phần, công dụng, hạn sử dụng, cảnh báo (nếu có):...

b) Nhà sản xuất: ………………………………………………………………………………………….

c) Các tài liệu khác liên quan đến sản phẩm: ………………………………………………………..

4. Cơ sở khoa học và hiện trạng ứng dụng sản phẩm trong nước và trên thế giới (Mô tả thông tin khoa học của sản phẩm, thành phần của sản phẩm và hiện trạng, hiệu quả sử dụng trong nước và trên thế giới)

II. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU/KHẢO NGHIỆM

1. Nội dung

a) Đánh giá về thành phần, chất lượng của sản phẩm theo tiêu chuẩn công bố áp dụng;

b) Đánh giá tính an toàn đối với vật nuôi và môi trường trong quá trình sử dụng sản phẩm;

c) Đánh giá hiệu quả xử lý chất thải chăn nuôi của sản phẩm.

2. Phương pháp nghiên cứu và cách bố trí thí nghiệm

a) Phương pháp nghiên cứu;

b) Bố trí thí nghiệm.

3. Biện pháp bảo vệ môi trường trong quá trình khảo nghiệm

4. Kế hoạch triển khai

5. Dự kiến kết quả đạt được


CHỦ CƠ SỞ THỰC HIỆN
NGHIÊN CỨU/KHẢO NGHIỆM
(Ký tên, đóng dấu)

............, ngày .... tháng .... năm ......
TỔ CHỨC, CÁ NHÂN ĐĂNG KÝ
NGHIÊN CỨU/KHẢO NGHIỆM
(Ký tên, đóng dấu)

Mẫu số 15.MTCN

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ
PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
CỤC CHĂN NUÔI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: ........./CN-....

V/v: Cho phép nhập khẩu sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi có chứa chất mới

Hà Nội, ngày ... tháng ... năm......

Kính gửi: ……………………………………………

Cục Chăn nuôi đã nhận được Văn bản số ........... ngày ................ của tổ chức, cá nhân đề nghị nhập khẩu sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi có chứa chất mới để làm mẫu giới thiệu hội chợ, triển lãm/nghiên cứu/khảo nghiệm/làm mẫu phân tích tại phòng thử nghiệm/để sản xuất, gia công nhằm mục đích xuất khẩu. Sau khi thẩm định hồ sơ, Cục Chăn nuôi có ý kiến như sau:

1. Cục Chăn nuôi đồng ý cho phép ……………………….. (Tên tổ chức/cá nhân, địa chỉ) nhập khẩu sản phẩm …….., số lượng .......... để ............... (ghi rõ mục đích nhập khẩu), cụ thể:

STT

Tên sản phẩm

Khối lượng/ thể tích

Bản chất, công dụng

Dạng, màu

Quy cách bao gói

Hãng, nước sản xuất

1

2

2. Thời gian nhập khẩu: …………………………………………………………………………………..

3. Cửa khẩu nhập khẩu: …………………………………………………………………………………..

4. Các sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi nêu trên chỉ được dùng làm mẫu giới thiệu hội chợ, triển lãm/nghiên cứu/khảo nghiệm/làm mẫu phân tích tại phòng thử nghiệm/để sản xuất, gia công nhằm mục đích xuất khẩu không được sử dụng vào bất kỳ mục đích nào khác.

5. Mẫu sản phẩm sau khi trưng bày và giới thiệu sản phẩm tại hội chợ, triển lãm/nghiên cứu/làm mẫu phân tích tại phòng thử nghiệm phải được xử lý theo quy định của pháp luật.

Nơi nhận:
- Như trên;
- Cơ quan Hải quan nơi đăng ký;
- Lưu: VT,...

THỦ TRƯỞNG
(Ký tên, đóng dấu)

Phụ lục II

DANH MỤC GIỐNG VẬT NUÔI CẦN BẢO TỒN

STT

Tên giống vật nuôi

I

Giống lợn

1

Lợn ỉ

2

Lợn Chư Prông

3

Lợn Lang Hồng

4

Lợn Vân Pa

II

Giống gà

1

Gà Tây Kỳ Sơn

2

Gà lông chân

3

Gà lùn Cao Sơn

4

Gà Mã Đà

5

Gà Bang Trới

6

Gà Hồ

III

Giống vịt

1

Vịt Mường Khiêng

2

Vịt Bầu Quỳ

3

Vịt Bầu Bến

4

Vịt Bầu Nghĩa Đô

IV

Giống ngan

1

Ngan dé

2

Ngan Xám

V

Giống ngỗng

Ngỗng cỏ

VI

Giống ngựa

Ngựa Mường Luống

VII

Giống thỏ

Thỏ nội

VIII

Ong

1

Ong khoái

2

Ong ruồi đỏ

3

Ong đá

4

Ong nội (Apis cerana cerana)

Phụ lục V

HỆ SỐ ĐƠN VỊ VẬT NUÔI VÀ CÔNG THỨC CHUYỂN ĐỔI

1. Hệ số đơn vị vật nuôi:

STT

Loại vật nuôi

Khối lượng hơi trung bình (kg)

Hệ số đơn vị vật nuôi

I

Lợn

1

Lợn dưới 28 ngày tuổi

8

0,016

2

Lợn thịt:

2.1

Lợn nội

80

0,16

2.2

Lợn ngoại

100

0,2

3

Lợn nái:

3.1

Lợn nội

200

0,4

3.2

Lợn ngoại

250

0,5

4

Lợn đực:

300

0,6

II

Gia cầm

1

Gà:

1.1

Gà nội

1,5

0,003

1.2

Gà công nghiệp:

1.2.1

Gà hướng thịt

2,5

0,005

1.2.2

Gà hướng trứng

1,8

0,0036

2

Vịt:

2.1

Vịt hướng thịt:

2.1.1

Vịt nội

1,8

0,0036

2.1.2

Vịt ngoại

2,5

0,005

2.2

Vịt hướng trứng:

1,5

0,003

3

Ngan

2,8

0,0056

4

Ngỗng

4

0,008

5

Chim cút

0,15

0,0003

6

Bồ câu

0,6

0,0012

7

Đà điểu

80

0,16

III

1

Bê dưới 6 tháng tuổi

100

0,2

2

Bò thịt:

2.1

Bò nội

170

0,34

2.2

Bò ngoại, bò lai

350

0,7

3

Bò sữa

500

1

IV

Trâu

1

Nghé dưới 6 tháng tuổi

120

0,24

2

Trâu

350

0,7

V

Gia súc khác

1

Ngựa

200

0,4

2

25

0,05

3

Cừu

30

0,06

4

Thỏ

2,5

0,005

VI

Động vật khác

1

Hươu sao

50

0,1

2

Chó nuôi để kinh doanh

2.1

Chó có khối lượng đến 5 kg

2,75

0,0055

2.2

Chó có khối lượng từ 5 kg đến dưới 20 kg

12,5

0,025

2.3

Chó có khối lượng từ 20 kg đến dưới 50 kg

35

0,07

3

Chó có khối lượng từ 50 kg trở lên

60

0,12

4

Vịt trời

1,5

0,003

5

Dông

0,36

0,00072

6

Rồng đất

0,5

0,001

2. Công thức tính:

a) Hệ số đơn vị vật nuôi = Khối lượng hơi trung bình của vật nuôi/500.

b) Công thức tính đơn vị vật nuôi thông qua hệ số đơn vị vật nuôi:

ĐVN = HSVN x Số con

Trong đó:

- ĐVN: Đơn vị vật nuôi;

- HSVN: Hệ số đơn vị vật nuôi.

THE GOVERNMENT OF VIETNAM
-------

THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom - Happiness
---------------

No. 46/2022/ND-CP

Hanoi, July 13, 2022

 

DECREE

AMENDMENTS TO SOME ARTICLES OF THE GOVERNMENT’S DECREE NO. 13/2020/ND-CP DATED JANUARY 21, 2020 ON ELABORATION OF THE LAW ON ANIMAL HUSBANDRY

Pursuant to the Law on Government Organization dated June 19, 2015; Law dated November 22, 2019 on Amendments to some Articles of the Law on Government Organization and Law on Local Government Organization;

Pursuant to the Law on Animal Husbandry dated November 19, 2018;

At the request of the Minister of Agriculture and Rural Development;

The Government hereby promulgates a Decree on amendments to some articles of the Government’s Decree No. 13/2020/ND-CP dated January 21, 2020 on elaboration of the Law on Animal Husbandry.

Article 1. Amendments to some articles of the Government’s Decree No. 13/2020/ND-CP dated January 21, 2020 on elaboration of the Law on Animal Husbandry

1. Several clauses of Article 3 are amended as follows:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



“5. “livestock unit coefficient” means a constant applied to directly convert the number of animals to livestock units.”

b) Clause 6 is amended as follows:

“6. “loudspeakers” mean a device for luring swiftlets, which is positioned at or near their entrances”.

c) Clauses 11, 12 and 13 are added as follows:

“11. “new substances in livestock waste treatment products” include chemicals, biological preparations and microorganisms not yet included in the List of chemicals, biological preparations and microorganisms permitted for use in livestock waste treatment products in Vietnam.

12. “producer of livestock waste treatment products” means an establishment which goes through one or more stages of livestock waste product treatment, preparation and processing.

13. “original breed-based livestock product” means a livestock breed product obtained from an original breed.”

2. Several clauses of Article 4 are amended as follows:

a) Clause 6 is amended as follows:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Clause 8 is added as follows:

“8. In the event of a natural disaster or diseases prescribed by regulations of law: carry out online assessment of manufacturing and trading establishments, conformity assessment bodies, assessment and licensing authorities in accordance with requirements for resources and technical means (computers, internet connection, software, voice recorders, video recorders, etc.); suspend the periodic monitoring and evaluation activities for up to 06 months; or grant a temporary license for up to 06 months, inspect the quality of imports on the basis of considering the adequacy and validity of documents without having to conduct a direct on-site assessment. Entities involved in production and business; conformity assessment bodies shall take legal responsibility for the accuracy of the information, documents, images and applications provided to the licensing authority. A direct assessment shall be carried out after localities have kept the natural disaster or disease under control as prescribed by law; immediately revoke the license if the entity commits a violation and impose penalties as prescribed by law.”

c) Clause 9 is added as follows:

“9. Document retention

a) Documents relating to state inspection of quality of imported feeds; state inspection of quality of imported livestock waste treatment products shall be retained for 05 years from the date of notifying the inspection result;

b) Documents relating to import of imported feed not announced on the web portal of the Ministry of Agriculture and Rural Development; import of livestock waste treatment products containing new substances shall be retained for 05 years from the date of issue of the import license.”

3. Article 5a is added after Article 5 as follows:

 “Article 5a. Order placement mechanism for import, production, stocking and supply of original breed-based livestock products

1. Order placement comprises import, production, stocking and supply of original breed-based livestock products.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) State-owned public service providers shall exercise the functions and tasks of researching and producing livestock breeds; producers and suppliers of original breed-based livestock products have obtained registration for livestock breeds; are financially capable; have satisfied requirements for original livestock breeds and production and trading conditions specified in Articles 22 and 23 of the Law on Animal Husbandry;

b) Technical and economic norms applicable to each type of original livestock breed shall be promulgated by the Ministry of Agriculture and Rural Development.

3. Selling prices of and subsidies on original livestock products shall be decided by a competent authority under regulations of law on prices and relevant regulations of law.

4. Bases for placing orders, orders’ details and other regulations on ordering import, production, stocking and supply of original breed-based livestock products shall be subject to regulations of law.”

4. Clauses 3 and 4 are added to Article 9 as follows:

“3. A holder of the certificate of eligibility for feed production shall, upon producing commercial feeds or feeds on orders placed by other organizations/individuals, transfer a copy of the batch production logbook to the hiring entities for retention to serve the inspection and traceability.

4. Any entity hiring the holder of the certificate of eligibility for feed production to produce commercial feeds shall archive documents concerning declaration of product information on the web portal of the Ministry of Agriculture and Rural Development, and declare their standard applied, conformity, production logbook and testing results so as to serve the inspection and traceability.

Any entity hiring the holder of the certificate of eligibility for feed production to produce feeds on orders shall archive their production logbook and testing results so as to serve the inspection and traceability.”

5. Clause 8 of Article 10 is amended as follows:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Manufacturing (production, preparation and processing) establishments producing traditional feeds for commercial purposes at households and household businesses;

b) Food producers that satisfy regulations of Vietnam’s law on food safety and have their products and by-products created during the manufacturing process and quality appropriate to be used as feeds without undergoing any stage of preparation or processing.” 

6. Clause 6 is added to Article 11 as follows:

“6. The inspection of satisfaction of conditions for feed production shall be carried out as follows: Within 06 months before the date of inspection specified in points a and b clause 5 of this Article, the authority issuing the certificate of eligibility for feed production shall notify the entity in writing. Within 20 days from the date of notification, the inspecting authority shall establish an inspectorate and carry out a site inspection at the establishment as prescribed in point a clause 1, clauses 2, 3 and 4 of this Article. Within 05 working days from the end of the inspection, the competent authority shall issue a notification of inspection result using the Form No. 13.TACN in the Appendix I to this Decree”.

7. Several clauses of Article 14 are amended as follows:

a) Clause 3 is amended as follows:

“3. Procedures for accreditation of a feed testing method of an exporting country’s laboratory are as follows:

Within 30 days from the receipt of a sufficient application, the Department of Livestock Production shall organize an inspectorate to appraise it; if the application is insufficient and inaccurate, the Department of Livestock Production shall carry out a site inspection at the exporting country’s laboratory. If the application is satisfactory, within 05 working days from the end of the appraisal and inspection, the Department of Livestock Production shall issue a decision to accredit feed testing method of the exporting country’s laboratory using the Form No. 14.TACN in the Appendix I to this Decree; in case of refusal, a written notice and explanation shall be sent. The decision to accredit feed testing method of the exporting country’s laboratory shall be valid for up to 05 years.”

b) Clause 4 is amended as follows:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Clause 5 is added as follows:

“5. Any entity applying for accreditation of feed testing method of exporting country’s laboratory shall provide sufficient and accurate documents with a view to serving the appraisal and inspection; cooperate with the Department of Livestock Production in the inspection.”

8. Several clauses of Article 15 are amended as follows:

a) Clause 2 is amended as follows:

“2. Procedures for accreditation of the exporting country’s testing procedure and feed are as follows:

Within 30 days from the receipt of a sufficient application, the Department of Livestock Production shall organize an inspectorate to appraise it; if the application is insufficient and inaccurate, the Department of Livestock Production shall carry out a site inspection in the exporting country. If the application is satisfactory, within 05 working days from the end of the appraisal and inspection, the Department of Livestock Production shall issue a decision to accredit exporting country’s testing procedure and feed using the Form No. 15.TACN in the Appendix I to this Decree; in case of refusal, a written notice and explanation shall be sent.”

b) Clause 3 is amended as follows:

“3. An inspectorate is composed of Department of Livestock Production, relevant units and technical experts.”

c) Clause 4 is added as follows:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



9. Several clauses of Article 18 are amended as follows:

a) Clause 4 is amended as follows:

“4. Procedures for state inspection of quality of imported feeds are as follows:

a) The entity shall submit an application specified in clause 3 of this Article to the inspecting authority mentioned in clause 1 of this Article. Within 01 working day from the receipt of the application, the inspecting authority shall respond to its adequacy:

b) Within 03 working days from the receipt of the application, the inspecting authority shall appraise it.

If the application is unsatisfactory, the inspecting authority shall request the entity to complete it.

If the application is satisfactory, the inspecting authority shall provide a certification in the application form for quality inspection so as for the entity to complete the procedures specified in points c and d of this clause.

c) For the animal feed specified in point a clause 2 of this Article, the entity is granted customs clearance immediately after completing the customs procedures.  Within 15 working days from the date on which the shipment is granted customs clearance, the entity shall submit the conformity assessment result to the inspecting authority. The entity shall take total responsibility for their conformity assessment result and ensure that the shipment conforms to the technical regulation or standard applied. In case of non-conformity, the entity shall notify the inspecting authority or the conformity certification body shall notify the inspecting authority for remedial actions under regulations of law;

d) For the animal feed specified in point b clause 2 of this Article, the entity shall complete the customs declaration procedures and select a designated conformity certification body to assess conformity of the shipment. If the shipment conforms to the technical regulation or standard applied, the conformity certification body shall issue the certificate of conformity to the shipment so as for the entity to submit it to the customs authority for customs clearance and at the same time notify the inspecting authority.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Points a and c of clause 5 are amended as follows:

“a) The relief or exemption from state inspection of quality of imported feeds shall apply to feeds of the same type (their name, accreditation code, ingredients, quality, uses, forms and color) produced by the same producer, and imported by the same importer after 03 consecutive import shipments with conformity assessment results certified in writing by the inspecting authority to qualify for such exemption from state inspection within 01 year; During the period of relief or exemption from state inspection of quality of imported feeds, the entity is not required to assess and declare conformity of each shipment.

Any organization or individual that wishes to apply for relief or exemption from state inspection of quality of imported feeds as prescribed in this clause shall submit an application form using the Form No. 17.TACN in the Appendix I to this Decree to the inspecting authority together with the result of assessment of conformity with the national technical regulation carried out 03 consecutive times. Within 03 working days from the receipt of a valid application, the inspecting authority shall issue a document certifying the exemption from quality inspection;

c) During the period of relief or exemption from state inspection of quality of imported feeds, the inspecting authority shall:

Carry out a surprise inspection of a shipment upon discovery of any issue or receipt of any complaint or denunciation relating to quality of the imports or at the request of a competent authority or under the direction of a superior authority.

Issue a notification of suspension of relief or exemption from inspection if the imports circulated on the market are found unconformable with the national technical regulation or standard applied or there is a complaint or denunciation about the conformity assessment result which has been substantiated with persuasive evidence or the surprise inspection indicates that the result of assessment of conformity of the shipment is unsatisfactory.

c) Clause 6 is added as follows:

“6. Cases of exemption from state inspection of quality of feeds upon import:

a) Feeds temporarily imported or re-imported for recycling at the request of foreign partners;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Feeds sent from abroad to bonded warehouses;

d) Feeds for display at fairs or exhibitions or for advertising;

dd) Feeds used as samples for analysis in laboratories;

e) Feeds used as samples for testing in service of testing, assessment and certification of conformity with national technical regulations or for interlaboratory testing;

g) Feeds serving scientific research;

h) Inbound person’s feeds that are within the duty-free allowance;

i) Feeds imported to serve emergency needs as decided by the Government or Prime Minister in consideration of proposals of the Ministry of Agriculture and Rural Development.”

10. Article 18a is added after Article 18 as follows:

 “Article 18a. Post-customs clearance state inspection of quality of imported feeds

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Inspection contents:

According to the regulations set out in clause 2, clause 3 Article 41; clause 2, clause 4 Article 43 and clause 2 Article 49 of the Law on Animal Husbandry.

3. Frequency of inspection

a) Each imported feed product and each importer shall undergo no more than one inspection per year. The following criteria shall be applied to select products and importers undergo the annual inspection:

For a feed product: its nature, uses, manufacturing establishment, manufacturing country, quantity imported, import value, result of quality inspection given in the year preceding the year of inspection;

For a feed importer: quantity of each of its product imported, purposes of import; result of compliance with regulations of law in the year preceding the year of inspection;

Other criteria specified in legislative documents on feeds (if any);

b) Carry out a surprise inspection upon suspecting the importer of committing a violation or receipt of a complaint or denunciation about the product quality or at the request of a competent authority or under the direction of a superior authority.

4. Inspection procedures

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) The annual inspection program includes name and address of the importer to be inspected, number of products to be inspected, inspection contents, inspecting authority, date of inspection and deadline for submission of the inspection result report.

c) Before October 30 every year, the Department of Livestock Production shall notify the inspection program to the Department of Agriculture and Rural Development. The inspecting authority specified in clause 1 of this Article shall carry out an inspection and prepare in inspection record using the Form No. 16.TACN in the Appendix I to this Decree; process the inspection result as prescribed by law.

5. Funding for inspection: The funding for inspection shall be covered by the central and local administrative budget.

6. Implementation: The inspecting authority specified in clause 1 of this Article shall organize post-customs clearance state inspection of quality of imported feeds in association with inspection of the producer, trader, importer or user of feeds.”

11. Clause 2 of Article 19 is amended as follows:

“2. The feed sample testing serving state management shall be conducted before the expiry date of a batch of products whose samples are collected (not applicable to inspection of substances prohibited from use in feeds).

The notification of initial inspection result shall be sent to an entity at least 15 days before the expiry date of the product batch (not applicable to the surprise inspection in accordance with regulations of law on inspection). Within 02 working days after receiving a complaint from the entity, the inspecting authority shall send samples for re-testing.”

12. Several clauses of Article 21 are amended as follows:

a) Clause 1 is amended as follows:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Introductory paragraph of Clause 2 is amended as follows:

“2. Livestock production scale shall be determined as follows:”

c) Point b of clause 3 is amended as follows:

“b) Medium- and small-scale farming shall be subject to the conditions specified in clause 1 Article 55 and clause 2 Article 57 of the Law on Animal Husbandry.

Every Department of Agriculture and Rural Development and district-level People’s Committee shall inspect the satisfaction of conditions for livestock production by the medium- and small-scale farms according to the criteria specified in the inspection checklist in the Form No. 04.ĐKCN in the Appendix I to this Decree. A periodic inspection shall be carried out every 03 years; a surprise inspection shall be carried out upon suspecting a violation or receiving a complaint or denunciation about animal product quality or livestock production conditions at the request of a competent authority or under the direction of a superior authority.

In case a violation is committed, medium- and small-scale farms shall undertake to rectify it and satisfy conditions for livestock production within 06 months from the date on which the violation is found, and send a rectification report to the inspecting authority. The inspecting authority shall carry out a site inspection where necessary.”

13. Article 4a is added after clause 4 Article 24 as follows:

“4a) The inspection of satisfaction of conditions for livestock production shall be carried out as follows: Within 06 months before the date of inspection, the competent authority specified in clause 5 of this Article shall notify the entity in writing. Within 20 days from the date of notification, the inspecting authority shall establish an inspectorate and carry out a site inspection at the establishment as prescribed in point b clause 1 and clause 3 of this Article. Within 05 working days from the end of the inspection, the inspecting authority shall issue a notification of inspection result using the Form No. 06.ĐKCN in the Appendix I to this Decree.”

14. Clause 2 of Article 29 is amended as follows:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) International airports;

b) Land border checkpoints: international border checkpoints and major checkpoints;

c) Special seaports, class I, class II and class III seaports.”

15. Several clauses of Article 30 are amended as follows:

a) Clause 1 is amended as follows:

“1. Entities producing and selling livestock waste treatment products must declare their applied standards and conformity in accordance with regulations of law on quality of products and goods.

Livestock waste treatment product specifications to be included in the applied standards are provided in the Form No. 01.MTCN in the Appendix I to this Decree.”

b) Clause 2 is amended as follows:

“2. Entities shall access the web portal of the Ministry of Agriculture and Rural Development to declare information about their livestock waste treatment products themselves before putting them on the market.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



During the period of establishing and completing the database used for self-declaration of information about livestock waste treatment products, entities shall send information about their livestock waste treatment products to the Department of Livestock Production for consolidation and publication on the web portal of the Ministry of Agriculture and Rural Development. “1. Entities shall take responsibility for information declared, quality and safety of the livestock waste treatment products declared.”

c) Clause 3 is amended as follows:

“3. The documents concerning declaration of information about a domestically produced livestock waste treatment product include:

a) Information about the producer of livestock waste treatment products (according to the Form No. 02.MTCN in the Appendix I to this Decree);

b) The standard applied and declaration of conformity of the product;

c) A product quality test report;

d) A sample label in accordance with regulations of law on goods label.”

d) Clause 4 is amended as follows:

“4. The documents concerning declaration of information about an imported livestock waste treatment product include:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Certificate of Free Sale or equivalent document issued by a competent authority of the country of origin;

c) Information about the ingredients, uses, instructions for use, which is provided by the producer;

d) The standard applied or declaration of product conformity;

dd) A product label provided by the producer; enclosed with a secondary label written in Vietnamese language;

e) A test report.”

16. Several clauses of Article 31 are amended as follows:

a) Clause 1 is amended as follows:

“1. If a livestock waste treatment product produced or imported into Vietnam for the first time contains a new substance that has not undergone testing in Vietnam, it shall be tested before the declaration; except for the product that is sourced from the result of a ministerial- or national-level science and technology task that has been recognized.

If a livestock waste treatment product produced or imported into Vietnam for the first time contains a new substance on the List of ingredients permitted for use as feeds, the testing shall be carried out as prescribed in points a and c clause 3 of this Article.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Clause 3 is amended as follows:

“3. Contents of the testing:

a) Assessment of ingredients and quality of products according to the standards applied;

b) Assessment of safety of humans and animals, environmental safety during the use of products;

c) Assessment of product effectiveness.”

c) Clause 4 is amended as follows:

“4. Recognize testing result

a) After the end of the testing, the entity shall prepare an application for recognition of testing result;

b) An application for recognition of testing result consists of:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



A report on result of testing of livestock waste treatment product containing a new substance, which is made using the Form No. 04.MTCN in the Appendix I to this Decree;

c) Sequence and procedures for recognition of testing result

The entity which has a tested livestock waste treatment product shall submit an application specified in point b clause 4 of this Article to the Department of Livestock Production.

Within 20 working days from the receipt of a sufficient and valid application, the Department of Livestock Production shall establish a testing result assessment council which is composed of the Department of Livestock Production, relevant units and technical experts. Within 05 working days from the receipt of the application completed following opinions of the assessment council, the Department of Livestock Production shall consider issuing a decision on recognition of successfully tested livestock waste treatment product containing new substance according to the Form No. 05.MTCN in the Appendix I to this Decree. In case of rejection of the application, a written notice and explanation shall be sent.

d) Within 03 working days from the date on which the decision on recognition of testing result is issued, the Department of Livestock Production shall publish the decision on its web portal. The entity is permitted to produce and sell the product immediately after the decision on recognition of testing result is obtained.”

d) Clause 5 is amended as follows:

“5. The testing facility shall retain documents relating to testing results for at least 03 years after the end of the testing, bear responsibility for testing results and be subject to inspection of testing activities by competent authorities.”

17. Clauses 8 and 9 are added to Article 32 as follows:

“8. The holder of the certificate of eligibility for production of livestock waste treatment product shall, upon producing commercial livestock waste treatment products or livestock waste treatment products on orders placed by other organizations and individuals, transfer a copy of the batch production logbook to the hiring entities for retention to serve the inspection and traceability.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Any entity hiring the holder of the certificate of eligibility for production of livestock waste treatment product to produce livestock waste treatment products on orders shall archive their production logbook and testing results so as to serve the inspection and traceability.”

18. Article 32a, Article 32b, Article 32c, Article 32d, Article 32dd, Article 32a, Article 32g and Article 32h is added after Article 32 as follows:

a) Article 32a is amended as follows:

 “Article 32a. Issuance, re-issuance and revocation of certificate of eligibility for production of livestock waste treatment product

1. Authority in charge: Department of Livestock Production.

2. An application for issuance of certificate of eligibility for production of livestock waste treatment products includes:

a) An application form for issuance of certificate of eligibility for production of livestock waste treatment product, which is made using the Form No. 06.MTCN in the Appendix I to this Decree;

b) A description of condition of producer of livestock waste treatment products, which is made using the Form 07.MTCN in the Appendix I to this Decree;

c) Procedures for control of quality and bio-safety of the producer of livestock waste treatment products, which are established using the Form No. 08.MTCN in the Appendix I to this Decree;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Sequence and procedures for issuance of certificate of eligibility for production of livestock waste treatment product:

a) The producer shall submit an application specified in clause 2 of this Article to the Department of Livestock Production. Within 10 working days from the receipt of a sufficient application, the Department of Livestock Production shall appraise it. If the application is unsatisfactory, the Department of Livestock Production shall request the producer to complete it;

b) If the application is satisfactory, within 20 working days from the receipt of a valid application, the Department of Livestock Production shall establish an inspectorate to carry out a site inspection at the manufacturing establishment with the inspection contents specified in the Form No. 09.MTCN in the Appendix I to this Decree and make an inspection record using the Form No. 10.MTCN in the Appendix I to this Decree. In case of failure to satisfy the conditions, within 06 months from the date of making the inspection record, the establishment shall take corrective actions and submit a rectification report to the Department of Livestock Production for re-inspection (where necessary).

If the establishment satisfies the conditions, within 05 working days from the end of the site inspection, the Department of Livestock Production shall issue a certificate of eligibility for production of livestock waste treatment product according to the Form No. 11.MTCN in the Appendix I to this Decree; in case of rejection, a written notice and explanation shall be sent.

4. Producer of both supplement feeds and livestock waste treatment products

a) If they are produced on the same line and using the same equipment: the producer issued with the certificate of eligibility for feed production is permitted to produce livestock waste treatment products; the producer issued with the certificate of eligibility for production of livestock waste treatment products is permitted to produce feeds;

b) If they are produced on different lines, the inspection shall be carried out with the contents specified in the Form No. 04.TACN and Form No. 09.MTCN in the Appendix I to this Decree. Repeated criteria may be skipped and the inspection thereof shall be documented in the inspection record.

5. An application for re-issuance of certificate of eligibility for production of livestock waste treatment product includes:

a) An application form for re-issuance of certificate of eligibility for production of livestock waste treatment product, which is made using the Form No. 06.MTCN in the Appendix I to this Decree;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



6. Sequence and procedures for re-issuance of certificate of eligibility for production of livestock waste treatment product

The producer shall submit an application specified in clause 5 of this Article to the Department of Livestock Production. Within 05 working days from the receipt of a valid application, the Department of Livestock Production shall re-issue the certificate of eligibility for production of livestock waste treatment product according to the Form No. 11.MTCN in the Appendix I to this Decree; in case of rejection, a written notice and explanation shall be sent.

7. A certificate of eligibility for production of livestock waste treatment product shall be re-issued in the following cases:

a) It is lost or damaged;

b) Information relating to the organization or individual on the certificate is changed.

8. A certificate of eligibility for production of livestock waste treatment product shall be revoked in the following cases:

a) It is erased or falsified;

b) The producer no longer satisfies the requirements laid down in Article 32 of this Decree and clause 1 Article 63 of the Law on Animal Husbandry but fails to take corrective actions by the deadline promised to the competent authority;

c) The producer commits other violations to an extent that the law requires the revocation.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



10. If the producer issued with the certificate of eligibility for production of livestock waste treatment product wishes to change its manufacturing location, the entity shall follow the procedures specified in clause 3 of this Article.

11. Every entity applying for inspection for issuance or re-issuance of the certificate of eligibility for production of livestock waste treatment product or inspection of satisfaction of conditions for production of livestock waste treatment products shall pay fees in accordance with regulations of law on fees and charges.”

b) Article 32b is added as follows:

 “Article 32b. Site inspection of satisfaction of conditions by producer of livestock waste treatment products

1. Site inspection of satisfaction of conditions by a producer of livestock waste treatment products means the act of carrying out a observation of the producer; considering and searching for records and documents; and carrying out other relevant activities, including:

a) Inspection for issuance of certificate of eligibility for production of livestock waste treatment product;

b) Inspection of satisfaction of conditions by the producer of livestock waste treatment products.

2. The Department of Livestock Production shall establish an inspectorate to carry out a site inspection of satisfaction conditions by the producer of livestock waste treatment products. The inspectorate is composed of a chief who must be holding the position of a department manager or higher and at least 01 member who obtain at least a bachelor’s degree in husbandry, veterinary medicine, chemistry, biotechnology or environmental technology.

3. An inspection of satisfaction of conditions by the producer of livestock waste treatment products shall be carry out every 24 months. If the producer has been inspected and issued with a certificated of conformity with standard, the inspection shall be carried out every 36 months. Upon suspecting the producer of violating the law or receiving a complaint or denunciation about quality or under the direction of the superior authority, the Department of Livestock Production shall carry out an inspection or surprise inspection.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Article 32c is added as follows:

 “Article 32c. Conditions for trading and import of livestock waste treatment products

1. Equipment and tools shall be in place to store livestock waste treatment products as instructed by the manufacturer and supplier.

2. Places for sale and warehouses of livestock waste treatment products shall be separated or protected from contamination by pesticides, fertilizers and other toxic chemicals; meet the quality and safety requirements as prescribed by law and follow the supplier’s recommendations.

3. There shall be harmful organism control measures.”

d) Article 32d is added as follows:

 “Article 32d. Export and import of livestock waste treatment products

1. Documents about and quality of imported livestock waste treatment products shall comply with the regulations imposed by importers and importing countries and relevant Vietnam’s laws.

2. Imported livestock waste treatment products must undergo state inspection of their quality as prescribed in clause 1 Article 32dd of this Decree.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Entities are entitled to import livestock waste treatment products containing chemicals, biological preparations and microorganisms on the List of chemicals, biological preparations and microorganisms permitted for use in livestock waste treatment products in Vietnam.

In case of importing livestock waste treatment products containing new substances for testing, scientific research or display at fairs or exhibitions, use as samples for analysis in laboratories or production or processing of exported products, it is required to obtain permission from the Ministry of Agriculture and Rural Development.

4. An application form for import of a livestock waste treatment product containing new substances for testing, scientific research or display at fairs or exhibitions, use as samples for analysis in laboratories or production or processing of exported products includes:

a) An application form for import, which is made using the Form No. 13.MTCN in the Appendix I to this Decree;

b) A research or testing proposal, which is made using the Form No. 14.MTCN in the Appendix I to this Decree in case of import for research or testing.

Documentary evidence for organization of and participation in the fair or exhibition in case of import for introduction or display at the fair or exhibition.

A written agreement on the analysis service between a testing laboratory or a domestic enterprise on the one side, and a testing laboratory or enterprise or entity vested with regulatory authority over livestock waste treatment products of an exporting country on the other side, under which both parties agree that samples of imported products are used for non-commercial purposes in the case of import as samples for analysis in laboratories.

A contract for manufacturing and processing of livestock waste treatment products for export purposes as conformable to Vietnam’s laws on import of goods to be used for manufacturing and processing of exported products.

5. Procedures for issuance of license for import of livestock waste treatment product containing new substances as follows:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Within 15 working days from the receipt of a sufficient and valid application, the Department of Livestock Production shall issue the license for import of livestock waste treatment product according to the Form No. 15.MTCN in the Appendix I to this Decree; in case of rejection, a written notice and explanation shall be sent.

6. The Minister of Agriculture and Rural Development shall consider deciding to inspect the system for management and production of livestock waste treatment products in the exporting country in accordance with Vietnam’s law and treaties to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory in the following cases:

a) Carry out assessment for mutual recognition;

b) Discover risks affecting quality, disease control and environmental safety of the products imported into Vietnam.”

dd) Article 32dd is added as follows:

 “Article 32dd. State inspection of quality of livestock waste treatment products

1. State inspection of quality of a livestock waste treatment product

a) Inspecting authority: Department of Livestock Production;

b) Inspection contents: inspection of application for import; physical inspection of quantity, weight, specifications, packaging, labeling, expiry date, origin and other organoleptic indicators of the product; collection of samples for testing and assessment of conformity in terms of the product’s quality and safety;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. State inspection of quality of a livestock waste treatment product during its production and circulation on the market

a) Inspecting authority: Department of Livestock Production which will conduct inspection nationwide; Department of Agriculture and Rural Development which will conduct inspection within its province;

b) Inspection contents

Contents of inspection of quality of the product during its production: inspection of conformity with the standard applied, respective national technical regulation and regulations of the Ministry of Agriculture and Rural Development; inspection of result of conformity assessment, labeling, conformity mark and production records. Where necessary, the inspecting authority may employ experts to carry out inspection in accordance with the requirements laid down in the respective technical regulation;

Contents of inspection of quality of the product during its circulation on the market: inspection of its label in accordance with regulations of law on goods labels; inspection of the display of the standard applied and conformity mark in accordance with regulations of law; inspection of the satisfaction of conditions for goods preservation specified in the standard applied or its label; inspection of conformity of the product with the standard applied, respective national technical regulation and enclosed documents.

c) Inspection frequency: 01 product of the same origin of 01 manufacturing/trading establishment shall undergo no more than 01 inspection per year. A surprise inspection shall be carried out upon suspecting the manufacturing/trading establishment committing a violation or receipt of a complaint or denunciation about the product quality or at the request of a competent authority or under the direction of a superior authority.

3. Testing of a livestock waste treatment product shall be conducted by a laboratory which is designated by the Ministry of Agriculture and Rural Development or a legally recognized laboratory. If a designated laboratory or legally recognized laboratory providing livestock waste treatment product testing services is not available, the testing shall be carried out at the designated laboratory or legally recognized laboratory providing testing services in the areas of feeds, veterinary drugs, fertilizers, aquaculture feeds and environmental treating products in aquaculture in cases where there are appropriate testing methods. If the testing methods are yet to be designated or recognized, the Ministry of Agriculture and Rural Development shall make a decision on the test methods to be applied.”

e) Article 32e is added as follows:

 “Article 32e. Processing results of testing of livestock waste treatment product quality

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. The livestock waste treatment product sample testing serving state management shall be conducted before the expiry date of a batch of products whose samples are collected (not applicable to inspection of substances prohibited from use in livestock production).

The notification of initial inspection result shall be sent to an entity at least 15 days before the expiry date of the product batch (not applicable to the surprise inspection). Within 02 working days after receiving a complaint from the entity, the inspecting authority shall send samples for testing.

3. In case the testing result is unsatisfactory:

a) Within 03 working days from the date on which the testing result is received, the inspecting authority shall send a test report to the entity by post or online;

b) Within 07 working days from the date on which the test report is received, if the entity does not complain about the testing result, the inspecting authority shall impose penalties as prescribed by law.

4. Settlement of complaints about the testing result:

a) The entity that does not agree with the testing result is entitled to file a complaint with the inspecting authority.

The inspecting authority shall use the stored sample or collect a new sample (where necessary) to test the criteria against which the complaint is filed at another designated testing laboratory. The result of this testing shall serve as the basis for drawing a final conclusion;

b) If an entity files a complaint about the result of the testing carried out by the only testing laboratory designated in Vietnam, the inspecting authority may send samples to a foreign testing laboratory that has been accredited by an international or regional body or Department of Livestock Production. The result of this testing shall serve as the basis for drawing a final conclusion;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



g) Article 32g is added as follows:

 “Article 32e. Handling of livestock waste treatment products violating regulations on quality

1. One or more sanctions below shall be imposed on stock waste treatment products that violate regulations on quality (hereinafter referred to as “violating livestock waste treatment products”):

a) Mandatory re-export: If an entity that has a violating livestock waste treatment product is liable for re-export, such entity shall follow re-export procedures in accordance with regulations of the law on customs and other relevant regulations of law, and submit the re-export documentation to the authority responsible for state inspection of livestock waste treatment product quality (hereinafter referred to as “the inspecting authority”);

b) Mandatory destruction: If an entity that has a violating livestock waste treatment product is liable for destruction, such entity shall sign a contract with an entity licensed to destroy violating goods. The contract shall clearly specify the destruction method in order for the inspecting authority to carry out the supervision;

c) Mandatory recycling: If an entity that has a violating livestock waste treatment product is liable for recycling, such entity shall recycle the livestock waste treatment product using an appropriate method in accordance with regulations of law, ensuring that the quality of the recycled livestock waste treatment product must be conformable with the applied quality standard and respective national technical regulation; notify the inspecting authority of the recycling plan and result for supervision purpose;

d) Mandatory repurposing: If an entity that has a violating livestock waste treatment product is liable for livestock waste treatment product repurposing, such entity shall repurpose the livestock waste treatment product using an appropriate method in accordance with regulations of law; notify the inspecting authority of the repurposing plan and result for supervision purpose;

dd) Mandatory correction of information: If an entity that has a livestock waste treatment product is liable for information correction, such entity shall specify the corrected information about the product in the label or enclosed documents before its circulation on the market or use.

2. Supervision of violating livestock waste treatment product destruction shall be carried out as follows:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Every Department of Agriculture and Rural Development shall supervise the violating livestock waste treatment product destruction in its province within its power or at the request of the Department of Livestock Production;

c) A supervision record shall contain the following information: legal bases and reasons for destruction; date and place of destruction; participants; names, types, origin, number and status of the products; destruction methods and other necessary information.

The supervision record shall be certified by representatives of parties involved in the supervision and entities whose products are destroyed.

3. If an entity that has violating livestock waste treatment products is subject to the sanctions specified in clause 1 of this Article, such entity shall incur all relevant costs.

4. If the livestock waste treatment product owner fails to be identified, the provincial People's Committee shall handle the violating waste treatment products and cover the costs incurred.”

h) Article 32h is added as follows:

 “Article 32h. Rights and obligations of producers, traders, importers and users of livestock waste treatment products

1. Producers, traders and importers of livestock waste treatment products have the right to:

a) receive State’s incentives in relation to livestock waste treatment product production and trading;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) make complaints or denunciations or file lawsuits relating to production, trading and import of livestock waste treatment products as prescribed by law.

2. Producers of livestock waste treatment products have the obligation to:

a) Satisfy the conditions applicable to producer of livestock waste treatment products during their operation;

b) set up and follow a process for control of quality and biosafety of livestock waste treatment products, ensuring that the livestock waste treatment products conform to the applied quality standards declared and equivalent national technical regulations and ensuring traceability of livestock waste treatment products; archive the process for control of quality and biosafety of livestock waste treatment products;

c) be subject to the inspection of their satisfaction of conditions for production and quality of their livestock waste treatment products by competent authorities; take legal responsibility for quality of their livestock waste treatment products;

d) declare the standards applied, conformity with respective national technical regulations; label their products in accordance with regulations of law on goods labelling; archive production records in service of product traceability; store samples of livestock waste treatment products for at least 30 days from their expiry dates.

3. Traders and importers of livestock waste treatment products have the obligation to:

a) satisfy the conditions applicable to traders and importers of livestock waste treatment products during their operation;

b) comply with regulations of law on assurance of quality and provision of information about origin of livestock waste treatment products;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) only trade and import livestock waste treatment products declared on the web portal of the Ministry of Agriculture and Rural Development;

dd) record and store information about trading and import of livestock waste treatment products during their trading and import to ensure traceability;

e) quote prices and facilitate inspection by competent authorities.

4. Users of livestock waste treatment products have the right to:

a) Obtain information about quality, origin and instructions for use of livestock waste treatment products from suppliers;

b) Make complaints or denunciations or file lawsuits relating to the use of livestock waste treatment products as prescribed by law;

c) Receive compensation for damage as prescribed by law.

5. Users of livestock waste treatment products have the obligation to:

a) adhere to regulations of law and suppliers and producers' instructions on transport, storage, preservation and use of products;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



19. Several forms and Appendices are amended as follows:

a) The Form No. 06.TACN in the Appendix I, Appendix II and Appendix V to the Decree No. 13/2020/ND-CP are amended in the Appendix to this Decree; The Form No. 13.TACN, Form No. 14.TACN, Form No. 15.TACN, Form No. 16.TACN, Form No. 17.TACN, Form No. 06.ĐKCN, Form No. 01.MTCN, Form No. 02.MTCN, Form No. 03.MTCN, Form No. 04.MTCN, Form No. 05.MTCN, Form No. 06.MTCN, Form No. 07.MTCN, Form No. 08.MTCN, Form No. 09.MTCN, Form No. 10.MTCN, Form No. 11.MTCN, Form No. 12.MTCN, Form No. 13.MTCN, Form No. 14.MTCN and Form No. 15.MTCN in the Appendix to this Decree are added.

b) Points a and b of clause 5 are amended and clause 3 is added to Section III Form No. 04.TACN in the Appendix I as follows:

“a) For a producer of complete feeds, concentrated feeds or premixed feed additives:

The addition or cutting of inspection contents shall comply with the regulations laid down in Sections I and II.

If the producer does not have equipment for mixing micronutrients (premixes) before mixing them with raw materials or macronutrients to form finished products (unless the producer buys premixes from other production/trading establishments) specified in point a clause 3 Section I of this Guidance, the establishment must have a document proving the uniformity of these micronutrients in the finished products.

If the producer of feeds containing antibiotics does not have equipment or tool to mix veterinary drugs containing antibiotics before production as prescribed in point a clause 9 Section I of this Guidance, the establishment have a document proving the uniformity of these antibiotics in the finished products;

b) For a producer of traditional feeds or supplement feeds: Depending on the production technology and nature of feed products, the inspectorate may remove several inspection criteria or change the requirements for inspection and major of technical personnel but shall ensure that the producer is able to control the quality and safety of the products and facilitate traceability. These contents must be documented in the inspection record. For a biomass fermentation establishment, it is required to satisfy the regulations laid down in point d clause 3 of this Guidance and have a document proving that microorganisms are safe for domestic animals.

3. Process inspection results

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



The establishment will be issued with the certificate if 100% of inspection criteria are satisfactory;

b) Inspection of satisfaction of conditions

The establishment’s certificate remains effective if 100% of inspection criteria are satisfactory.

The establishment shall suspend its production pending remedial actions if at least 02 class A criteria are unsatisfactory or at least 07 criteria are satisfactory.

The establishment will have its certificate revoked if it fails to take remedial actions against the unsatisfactory criteria specified in the inspection record by the promised deadline.”

c) II.9 of the inspection checklist enclosed with the Form No. 04.ĐKCN in the Appendix I is amended as follows:

“Fulfill livestock farms’ the obligations.”

d) The phrases “Sau khi cấp, đề nghị gửi 01 bản scan Giấy chứng nhận về Cục Chăn nuôi” (“After the issuance, send 01 scanned copy of the certificate to the Department of Livestock Production”) and “Trường hợp cấp lại Giấy chứng nhận thì ghi rõ “Giấy chứng nhận này thay thế Giấy chứng nhận Mã số ....., ngày......”; Mã số Giấy chứng nhận cấp lại không thay đổi so với Mã số Giấy chứng nhận đã được cấp lần đầu” (“In case of re-issuance of the certificate, please specify that “This certificate supersedes the certificate No. ..... dated ......”; the number of the issued certificate is identical to that of the initial certificate”) are added to the “note” section of the Form No. 05.ĐKCN in the Appendix I;

dd) Title of the Appendix IV is changed to “Độ dao động cho phép của kết quả thử nghiệm chất lượng thức ăn chăn nuôi; sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi phục vụ công tác quản lý nhà nước.” (“Permissible tolerance of feed quality testing results; livestock waste treatment products serving state management”)

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



No.

Name of animal

Latin name

Subpieces name

8

Ruồi lính đen (“Black soldier fly”)

Hermetia illucens

Hermetia illucens

Article 2. Replacement and repeal of some phrases, points, clauses, Articles and Appendices of the Government’s Decree No. 13/2020/ND-CP dated January 01, 2020 on elaboration of the Law on Animal Husbandry

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. The phrase “Kế hoạch bảo vệ môi trường” (“Environmental protection plan”) in the Form No. 04.TACN, Form No. 03.ĐKCN and Form No. 04.ĐKCN in the Appendix I is replaced with the phrase “Giấy phép bảo vệ môi trường” (“Environmental protection license”).

3. Point c clause 3 of Article 18, point c clause 4 of Article 19 and Form No. 01.MTCN in the Appendix I and Appendix IX are repealed.

4. The conclusion is removed from the Appendix to the Form No. 05.TACN in the Appendix I.

5. The entry “Số đơn vị vật nuôi đáp ứng yêu cầu về mật độ chăn nuôi của tỉnh/thành phố” (“Number of livestock units satisfying the livestock density requirement applicable to province/city”) is removed from I.2 Part B of the Form No. 03.ĐKCN and I.2 in the inspection checklist of the Form No. 04.ĐKCN in the Appendix I.

Article 3. Transitional clauses

1. Sufficient applications regarding feeds and import of live animals that have been submitted before the effective date of this Decree shall be processed in accordance with regulations of the Law on Animal Husbandry, documents elaborating the Law on Animal Husbandry and relevant laws in force at the time of submission. The regulations set forth in this Decree which are more favorable for entities shall prevail.

2. Producers of livestock waste treatment products operating before the effective date of this Decree are entitled to continue their operation and required to follow procedures to obtain the certificate of eligibility for production of livestock waste treatment products within 12 months from the effective date of this Decree.

3. The entities declaring information about livestock waste treatment products containing new substances before the effective date of this Decree shall comply with the regulations of the Law on Animal Husbandry, documents elaborating the Law on Animal Husbandry and relevant laws in force at the time of declaration.

4. The supplement feeds producers issued with the certificate of eligibility for feed production before the effective date of this Decree are permitted to produce livestock waste treatment products using the same supplement feed production line and equipment.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



6. Products used both as supplement feeds and for livestock waste treatment which have been declared on the web portal of the Ministry of Agriculture and Rural Development in accordance with regulations of law on feeds and livestock waste treatment products shall bear the same label.

7. The retention of documents relating to state inspection of quality of imported feeds; state inspection of quality of imported livestock waste treatment products; import of feeds not declared on the web portal of the Ministry of Agriculture and Rural Development; import of livestock waste treatment products containing new substances before the effective date of this Decree shall comply with the regulations enshrined in point c clause 2 Article 1 of this Decree.

8. The state inspection of quality of feeds and livestock waste treatment products shall be conducted as prescribed in this Decree. If this Decree does not contain any regulations thereon, regulations of law on quality of products and goods and other relevant regulations of law shall apply.

Article 4. Effect

1. This Decree comes into force from the day on which it is signed.

2. Clause 10 Article 1 of this Decree shall not be implemented until the regulations on pre-customs clearance state inspection of quality of imported feeds specified in Article 18 of the Decree No. 13/2020/ND-CP are repealed.

3. The state inspection of quality of imported livestock waste treatment products shall be conducted from the effective date of the National technical regulation on livestock waste treatment products.

 

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



ON BEHALF OF THE GOVERNMENT
PP. THE PRIME MINISTER
THE DEPUTY PRIME MINISTER




Le Van Thanh

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Decree No. 46/2022/ND-CP dated July 13, 2022 on amendments to some articles of Decree No. 13/2020/ND-CP on elaboration of the Law on animal husbandry

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


3.978

DMCA.com Protection Status
IP: 18.116.27.225
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!