HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số: 98-HĐBT
|
Hà Nội, ngày 30
tháng 5 năm 1982
|
CHỈ THỊ
VỀ NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP THỰC PHẨM TRONG
KẾ HOẠCH 1981 - 1985
Để quán triệt nghị quyết của Đại
hội Đảng lần thứ 5, đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp thực phẩm trong kế
hoạch 5 năm trước mắt và những năm sau, Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng yêu cầu
các Bộ và các địa phương thực hiện các công tác quan trọng sau đây:
1. Về phương hướng
và nhiệm vụ phát triển sản xuất, cần tập trung sức phát triển mạnh các ngành sản
xuất và chế biến chè, thuốc là, mía đường, dầu thực vật và quả xuất khẩu.
a) Ngành chè: Chú ý thâm canh
tăng năng suất trên các diện tích chè hiện có, đồng thời mở rộng diện tích trước
hết ở những khu vực đã có và sẽ xây dựng nhà máy để bảo đảm đủ nguyên liệu nhằm
phát huy đến mức cao công suất các nhà máy chè. Khuyến khích và giúp đỡ các địa
phương phát triển trồng và chế biến chè bằng phương pháp thủ công nửa cơ giới
và cơ giới để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Ngoài các vùng tập trung chuyên
canh, ở tất cả các địa phương khác cần khuyến khích nhân dân trồng chè để tự giải
quyết nhu cậu tiêu dùng của nhân dân, đạt mức bình quân 0,4 - 0,5kg/người/năm.
Từ nay đến năm 1985 phấn đấu đạt
diện tích trồng chè trong cả nước 70000 héc ta (khu vực quốc doanh 30000 héc
ta) tập trung vào các tỉnh (1) Hoàng Liên Sơn, Vĩnh Phú, Hà Tuyên, Bắc Thái,
Sơn La, Hà Sơn Bình, Gia Lai - Kon Tum, Lâm Đồng, Nghệ Tĩnh, Thanh Hoá, và các
tỉnh khác; trong đó có 50000 héc ta chè kinh doanh có năng suất bình quân 3,5 tấp
búp tươi/héc ta để đạt được sản lượng chè xuất khẩu từ 18000 đến 20000 tấn.
Tập trung vốn, vật tư và lực lượng
thi công để xây dựng xong 5 nhà máy (tổng công suất 167,5 tấn búp tươi/ngày)
trong số 7 nhà máy do Liên Xô cung cấp thiết bị toàn bộ. Bộ Công nghiệp thực phẩm
có trách nhiệm giúp các địa phương có vùng chè tập trung xây dựng những cơ sở
chế biến chè công suất từ 10 đến 15 tấn búp tươi/ngày bằng thiết bị chế tạo
trong nước là chính.
b) Ngành thuốc lá: Cần lập quy
hoạch xây dựng các vùng tập trung chuyên canh thuốc lá, tận dụng điều kiện khí
hậu, đất đai, lao động và tranh thủ sự hợp tác với nước ngoài để nâng cao sản
lượng và chất lượng thuốc lá và đưa nhanh diện tích trồng thuốc lá trong cả nước
lên bảo đảm nhu cầu tiêu dùng và đẩy mạnh xuất khẩu.
Để bảo đảm đến năm 1985 đạt kế
hoạch xuất khẩu khoảng một nghìn triệu bao 5000 tấn thuốc lá và đáp ứng nhu cầu
tiêu dùng trong nước, cần phấn đấu đưa diện tích trồng thuốc lá trong cả nước
lên 70.000 hécta đạt năng suất bình quân 1 tấn thuốc lá khô/ha; trong đó hợp
tác bước đầu với Bun - Ga - ri trồng và sơ chế thuốc lá trên diện tích 14.000 -
15.000 hécta tại các tỉnh (1) Hà Nam Ninh, Hà nội , Phú Khánh và Đồng Nai.
Tích cực chuẩn bị để mở rộng hợp
tác với các nước xã hội chủ nghĩa anh em (Liên Xô, Bun-ga-ri) và với một nước
ta bản để tranh thủ về kỹ thuật, giống, vật tư và thiết bị nhằm thực hiện được
mục tiêu nói trên.
Cần tổ chức sản xuất, thu mua,
chế biến và hướng dẫn tiêu dùng hợp lý thuốc lá trong nhân dân theo quyết định
số 313 - CP ngày 1-10-1980 của Hội đồng Chính phủ.
c) Ngành mía đường: Phát triển mạnh
trồng mía, hình thành các vùng chuyên canh lớn để cung ứng đủ mía cho các nhà
máy đường hiện có và đang xây dựng. Mở rộng trồng mía ở các huyện, xã, xây dựng
nhiều cơ sở chế biến đường bằng phương pháp thủ công và nửa cơ giới. Đẩy mạnh
thâm canh đồng thời phát triển nhanh diện tích trồng mía trong cả nước để đến năm
1985 đạt diện tích từ 150 000 hécta đến 180 000 hécta với năng suất bình quân
50tấn/ha, chế biến được từ 35 đến 40 vạn tấn đường mật các loại đưa mức bình
quân đầu người đạt từ 6 đến 8 kg/người/năm và dành cho một phần đường để xuất
khẩu.
Bộ Công nghiệp thực phẩm cần tập
trung chỉ đạo các khâu thâm canh, cải tạo, xây dựng các vùng mía tập trung
chuyên canh để bảo đảm đủ nguyên liệu cho các nhà máy đường hiện có: tỉnh Vĩnh
Phú cho nhà máy đường Việt Trì; tỉnh Hà Sơn Bình cho nhà máy đường Vạn Điểm; tỉnh
Hà Nam Ninh cho nhà máy đường Vạn Điểm và Vĩnh Trụ; tỉnh Nghệ Tĩnh cho nhà máy
đường Sông Lam; tỉnh Nghĩa Bình cho nhà máy đường Quảng Ngãi; tỉnh Thuận Hải
cho nhà máy đường Phan Rang; tỉnh Long An cho nhà máy đường Hiệp Hoà; tỉnh Sông
Bé cho nhà máy đường Bình Dương; tỉnh Thanh Hoá cho nhà máy đường Lam Sơn và tỉnh
Đồng Nai cho nhà máy đường La Ngà.
Ngoài diện tích trồng mía đang
được đẩy mạnh ở các tỉnh miền Nam, mỗi huyện ở miền Bắc dành khoảng từ 150 đến
200 hécta trồng mía và xây dựng cơ sở chế biến từ 15 đến 30 tấn mía/ngày; các tỉnh
có điều kiện dành từ 1200 đến 1500 hécta trồng mía và xây dựng cơ sở chế biến từ
300 đến 500 tấn mía/ngày.
d) Ngành dầu thực vật: Đẩy mạnh
phát triển ba cây có dầu ngắn ngày là lạc, đỗ tương và thầu dầu, đồng thời phát
triển hai cây có dầu dài ngày là cây dừa và cọ dầu. Phải tận thu các loại quả,
hạt có dầu khác như trẩu, sở, bông, cao su... để sản xuất ra các loại dầu dùng
cho công nghiệp hoặc tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Đến năm 1985, đưa diện tích trồng
cây có dầu trong cả nước lên 1500000 hécta lạc, 300000 hécta đỗ tương tập trung
ở các tỉnh đồng bằng sống Cửu Long và sông Hồng; 10000 hécta thầu dầu ở các tỉnh
miền trung (chủ yếu là Thuận Hải) và Tây Nguyên, 80000 hécta dừa tập trung ở
các tỉnh Nghĩa Bình, Phú Khánh, Bến Tre, Cửu Long và Kiên Giang, phát triển
2000 hécta cọ dầu ở các tỉnh Nghệ Tĩnh Bình Trị Thiên và Đồng Nai. Chế biến khoảng
30000 tần dầu thực vật trong đó dành cho xuất khẩu 10000 tấn.
Cần tranh thủ viện trợ quốc tế để
xây dựng trung tâm nghiên cứu dừa và tạo giống dừa mới có khả nưng cho quả sớm
với năng suất và hàm lượng dầu cao. Chú ý tuyển chọn các loại giống dừa, lạc tốt
ở trong nước để phát triển nhanh trong thời kỳ 1982 - 1985.
Cần giúp các địa phương xây dựng
các cơ sở ép dầu thô; chế biến xơ dừa... tập trung dầu thô cho các xí nghiệp
trung ương tinh luyện để xuất khẩu và sử dụng hợp lý nguồn dầu thực vật.
đ) Ngành chế biến quả xuất khẩu:
Lập quy hoạch vững chắc các vùng nguyên liệu, trước hết là ở những khu vực đã
có hoặc đang xây dựng xí nghiệp chế biến. Thực hiện đầu tư chiều sâu để thâm
canh tăng năng suất trên các diện tích hiện có và mở rộng diện tích gần các xí
nghiệp chế biến bến cảng, bảo đảm cơ sở nguyên liệu cho các xí nghiệp chế biến
và tạo điều kiện thuận lợi để chế biến các sản phẩm đông lạnh và xuất khẩu quả
tươi.
Chuẩn bị tốt các điều kiện cần
thiết để hợp tác với Liên Xô, Bun-ga-ri phát triển đồng bộ sản xuất và chế biến
dứa trên diện tích từ 20000 đến 25000 héc ta ở các tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng,
Nghĩa Bình và Kiên Giang.
Đến năm 1985 đưa diện tích trồng
dứa lên 24000 hécta trong đó có 14500 hécta dứa làm nguyên liệu cho các nhà máy
chế biến hiện có hoặc đang xây dựng tại các tỉnh Hà Sơn Bình, Hà Bắc, Lạng Sơn,
Hà Tuyên, Vĩnh Phú, Hà Nam Ninh, Thanh Hoá, Nghệ Tĩnh, Đồng Nai, thành phố Hồ
Chí Minh, Hậu Giang, Long An và Kiên Giang.
Tổ chức chăm sóc bón tốt diện
tích dứa, chuối, cam hiện có để xuất khẩu tươi 2 vạn tấn dứa, 2 vạn tấn chuối,
1 vạn tấn cam chanh, sản phẩm chế biến xuất khẩu 4,5 vạn tấn (trong đó đồ hộp 3
vạn tấn, đông lạnh 1,5 vạn tấn).
Chú ý khôi phục và phát triển
các cây ăn quả đặc sản nhiệt đới như vải, nhãn, xoài... để tăng sản phẩm xuất
khẩu.
Sử dụng tổng hợp nguyên liệu hoa
quả để sản xuất ra nhiều sản phẩm có giá trị phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước
như si-rô quả, rượu quả lên men...
2. Bộ Nông nghiệp
có trách nhiệm chuyển giao các nông trường chuyên canh cây chè, dứa, cam, canh,
thuốc lá, và toàn bộ cơ sở vật chất kỹ thuật, cán bộ của các trạm, trại nghiên
cứu chè Phú Hộ; thuốc lá Ba Vì' trại cam Xuân Mai (Hà Sơn Bình); trạm nghiên cứu
cây nhiệt đới Tây Hiếu (Nghệ Tĩnh) sang Bộ Công nghiệp thực phẩm quản lý.
Đối với các nông trường chuyên
canh chè có chăn nuôi trâu, bò sữa, Bộ Công nghiệp thực phẩm có trách nhiệm xây
dựng cơ sở chế biến sữa tại chỗ.
Đối với các nông trường chuyên
ngành chè, cây ăn quả, thuốc lá, do địa phương quản lý đang làm nhiệm vụ chính
là cung ứng nguyên liệu cho các xí nghiệp chế biến, Bộ Công nghiệp thực phẩm cần
bàn với địa phương để hợp nhất vào các xí nghiệp chế biến và tổ chức thành xí
nghiệp công nông liên hợp đó trung ương hoặc địa phương quản lý, tuỳ theo quy
mô và điều kiện sản xuất kỹ thuật. Đối với các nông trường chưa có điều kiện hợp
nhất thì thực hiện liên doanh giữa Liên hiệp các xí nghiệp trung ương với nông
trường của địa phương để phát triển sản xuất một cách hợp lý.
3. Kiên quyết
khắc phục chế độ quản lý hành chính quan liêu bao cấp, thực hiện chế độ kinh
doanh hạch toán. Các tổ chức kinh doanh thuộc Bộ Công nghiệp thực phẩm được tự
cân đối nguyên liệu, vật tư kỹ thuật, vay vốn ngân hàng ... để bảo đảm sản xuất
kinh doanh đạt hiệu quả kinh tế cao, bảo đảm được chỉ tiêu xuất khẩu, giao sản
phẩm cho các nước mà ta đã ký hợp đồng xuất, nhập khẩu, tích luỹ nhiều cho Nhà
nước, góp phần cải thiện đời sống cho cán bộ, công nhân viên xí nghiệp và nhân
dân địa phương.
Bộ Công nghiệp thực phẩm được
phép điều hoà quỹ phát triển sản xuất và vốn khẩu hao tài sản cố định giữa các
tổ chức sản xuất kinh doanh trực thuộc Bộ nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất
trong toàn ngành.
Các xí nghiệp, xí nghiệp liên hợp,
liên hiệp các xí nghiệp có nhiệm vụ thu mua nguyên liệu nông sản được Nhà nước
giao quỹ hàng hoá đối lưu và vật tư kỹ thuật (phân bón, thuốc trừ sâu, lương thực
...) để trực tiếp cung ứng cho người trồng cây.
4. Để nâng cao
trách nhiệm và quyền chủ động của ngành công nghiệp thực phẩm trong việc đẩy mạnh
sản xuất, Chính phủ đã có quyết định cho Bộ Công nghiệp thực phẩm được thành lập
một tổng công ty xuất, nhập khẩu của Bộ. Hàng năm, ủy ban Kế hoạch Nhà nước cần
tính toán để Bộ Công nghiệp thực phẩm sử dụng một phần kim ngạch thu được do xuất
khẩu để tự cân đối nhập vật tư kỹ thuật sản xuất bảo đảm cung ứng cho toàn
ngành. Bộ Công nghiệp thực phẩm bàn bạc với các địa phương để vận dụng thực hiện
nghị định số 40 - CP ngày 7-2-1980 và số 200 - CP ngày 26-5-1981 nhằm khuyến
khích địa phương phát triển công nghiệp thực phẩm để xuất khẩu.
5. Để tạo điều
kiện tiếp thu nhanh chóng tiến bộ khoa học kỹ thuật thế giới và tranh thủ viện
trợ của nước ngoài, nhằm nâng cao sản lượng và chất lượng phẩm, đặc biệt là chất
lượng hàng xuất khẩu, cho phép các tổ chức kinh doanh của Bộ Công nghiệp thực
phẩm được trực tiếp quan hệ hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp thực phẩm với
các tổ chức kinh doanh của các nước thành viên trong Hội đồng tương trợ kinh tế,
với một số nước tư bản và tổ chức quốc tế khác theo quy định về chế độ quản lý
quan hệ đối ngoại của Nhà nước. Các hoạt động hợp tác quốc tế phải đạt được hiệu
quả kinh tế , phải nhằm tranh thủ được các điều kiện thuận lợi để sử dụng đến mức
cao nhất lao động và đất đai, phát triển công nghiệp chế biến thực phẩm xuất khẩu.
6. Bộ Công nghiệp
thực phẩm có trách nhiệm nghiên cứu và đề nghị lên Hội đồng bộ trưởng ban hành
những chính sách cụ thể nhằm khuyến khích phát triển ản xuất các cây công nghiệp
thực phẩm như giá cả thu mua nông sản, chế độ cung ứng vật tư kỹ thuật và một số
nhu yếu phẩm khác, tỷ lệ phân phối thu quốc doanh về công nghiệp thực phẩm cho
địa phương có nguyên liệu. Trong trường hợp Nhà nước không cung ứng đủ lương thực
theo kế hoạch đã được duyệt, cho phép Bộ Công nghiệp thực phẩm thực hiện chính
sách bù giá chênh lệch lương thực cho người chồng cây công nghiệp ở vùng thiếu
lương thực hoặc dùng hàng hoá đối lưu với nhân dân địa phương để khuyến khích
nhân dân trồng cây công nghiệp.
Đối với thuốc lá cung ứng lại
cho địa phương 2 (hai) bao trên 1 kilôgam thuốc lá khô giao nộp theo kế hoạch
và 20 (hai mươi) bao trên 1 kilôgam thuốc lá khô vượt (hoặc ngoài kế hoạch) với
giá bán buôn công nghiệp trừ 50% giá trị thu quốc doanh của mỗi bao thuốc lá.
Đối với đường mía sẽ phân phối lại
sản phẩm đường chế biến từ khối lượng mía nông nghiệp 10% mà địa phương giao
cho xí nghiệp sản xuất theo giá bán buốn xí nghiệp trừ giá nguyên liệu chính.
7. Tổ chức quản
lý, Bộ Công nghiệp thực phẩm cần tổ chức các đơn vị tổ chức kinh doanh theo các
hình thức liên hiệp sản xuất thích hợp theo vùng hoặc khu vực, phù hợp với
trình độ quản lý và tính chất sản xuất của từng sản phẩm.
Bộ Công nghiệp thực phẩm cần tập
hợp và đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật và quản lý kinh tế có trình độ
năng lực quản lý từ khâu phát triển sản xuất nguyên liệu, chế biến công nghiệp
đến tiêu thụ sản phẩm.
Trong điều kiện hiện nay, có thể
áp dụng hình thức hợp tác, liên doanh, phân công phối hợp các địa phương trên cả
ba thành phần kinh tế (quốc doanh, tập thể và cá thể) để phát triển nhanh cơ sở
nguyên liệu của ngành công nghiệp thực phẩm, tạo ra nhiều sản phẩm cho xuất khẩu
và tiêu dùng trong nước.
Đối với những vùng tập chung
chuyên canh cây công nghiệp mía, chè, thuốc lá, cây ăn quả, cây có dầu, nhất
thiết phải quản lý thống nhất tập chung nguồn nguyên liệu nông sản để cung ứng
cho các xí nghiệp lớn do trung ương quản lý, Bộ Công nghiệp thực phẩm nghiên cứu
trình Hội đồng bộ trưởng ban hành các chính sách thoả đáng để khuyến khích thực
hiện việc quản lý tập chung thống nhất này.
Căn cứ Chỉ thị này, Bộ Công nghiệp
thực phẩm cần hoàn chỉnh các đề án kinh tế kỹ thuật phát triển các ngành sản xuất
chè, thuốc lá, mía đường, dầu thực vật, quả xuất khẩu, bàn bạc thống nhất với
các địa phương, các ngành trung ương có liên quan nhằm khuyến khích phát triển
sản xuất cả 3 thành phần quốc doanh, tập thể và cá thể, chú trọng trước hết vào
khu vực kinh tế quốc doanh và tập thể. Bộ Công nghiệp thực phẩm có trách nhiệm
bàn bạc với Bộ Nông nghiệp, Bộ Ngoại thương, các ngành trung ương và Ủy ban nhân
dân các tỉnh, thành phố có liên quan để khẩn trương thực hiện Chỉ thị này.