THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ ****** |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ******** |
Số: 87-TTg |
Hà Nội, ngày 28 tháng 01 năm 1978 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG TỔ CHỨC QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG MÁY BƠM DẦU
Hiện nay ta có khoảng ba vạn máy bơm dầu, trong đó riêng các tỉnh ở miền Bắc có hai vạn cái; đây là phương tiện tưới, tiêu có hiệu quả cao và cơ động. Nhưng lâu nay việc tổ chức quản lý và sử dụng chưa tốt, 50 đến 60% số máy nói trên bị hư hỏng không hoạt động được; số máy còn lại cũng không phát huy hết tác dụng vì thiếu phụ tùng thay thế, thiếu nhiên liệu hoặc do việc phân phối sử dụng không hợp lý v.v…
Để khắc phục những thiếu sót nói trên, đưa việc tổ chức quảnl ý đi vào nề nếp, phát huy năng lực của máy bơm, phục vụ tưới, tiêu một cách hợp l, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị cho đồng chí Bộ trưởng Bộ Thủy lợi, thủ trưởng một số ngành có liên quan ở trung ương, các đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố thực hiện một số điểm sau đây:
1. Bộ Thủy lợi chịu trách nhiệm quản lý toàn bộ máy bơm dầu phục vụ nông nghiệp, kể cả trong khu vực Nhà nước và khu vực tập thể, cụ thể là:
a) Lập kế hoạch hàng năm và cho từng thời vụ sản xuất nông nghiệp về nhu cầu máy bơm, phụ tùng thay thế và nhiên liệu dùng cho máy bơm. Căn cứ vào chỉ tiêu kế hoạch được duyệt, Bộ Thủy lợi có trách nhiệm phân phối cho các địa phương phù hợp với yêu cầu cụ thể từng nơi, từng lúc, phục vụ tốt nhất cho sản xuất nông nghiệp lúc bình thường cũng như khi có thiên tai đột xuất.
b) Ban hành các chỉ tiêu và thông số kỹ thuật của các loại máy bơm. Phối hợp với Bộ Cơ khí và luyện kim nghiên cứu việc cải tiến các loại máy bơm nhằm đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất ngày càng cao.
c) Phổ biến quy trình vận hành máy bơm dầu; đào tạo bồi dưỡng và hướng dẫn công nhân vận hành, sửa chữa máy bơm.
d) Hàng năm ký hợp đồng với Bộ Cơ khí và luyện kim và Bộ Nông nghiệp về việc sửa chữa máy bơm, ký hợp đồng với Bộ Cơ khí và luyện kim, Tổng cục Hóa chất và Bộ Ngoại thương về việc sản xuất, nhập khẩu phụ tùng cho máy bơm dầu.
e) Nghiên cứu đề xuất các chính sách đầu tư và chế độ quản lý, sử dụng máy bơm dầu, Bộ Thủy lợi cần triển khai ngay các công việc nói trên trong 6 tháng đầu năm nay.
2. Bộ Nông nghiệp có trách nhiệm:
a) Trong 6 tháng đầu năm 1978 chuyển giao toàn bộ máy bơm dầu, các tài liệu kỹ thuật có liên quan và cán bộ quản lý (nếu có) sang cho Bộ Thủy lợi.
b) Phối hợp với Bộ Thủy lợi chỉ đạo các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất, tổ đoàn kết sản xuất nông nghiệp trong việc quản lý và sử dụng tốt máy bơm dầu của mình theo sự hướng dẫn của ngành thủy lợi.
c) Huy động các động cơ có thể kéo đầu máy bơm nước làm nhiệm vụ tưới, tiêu khi cần thiết nhằm phát huy hết năng lực của máy vào phục vụ sản xuất.
d) Giao nhiệm vụ cho các cơ sở cơ khí nông nghiệp ký hợp đồng sửa chữa máy bơm của ngành thủy lợi ở các địa phương.
Trước mắt Bộ Nông nghiệp phải chỉ đạo các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất, tổ đoàn kết sản xuất, các đội máy kéo phối hợp với ngành thủy lợi trong việc kiểm kê, đánh giá, phân loại của máy bơm dầu và các động cơ có thể kéo đầu máy bơm để có phương án sử dụng và sửa chữa nhằm phục phục hồi các máy bom dầu hiện có phát huy tác dụng phục vụ sản xuất.
3. Ủy ban Kế hoạch Nhà nước căn cứ vào kế hoạch của Bộ Thủy lợi, kết hợp kế hoạch ngành và kế hoạch địa phương, cân đối khả năng sản xuất trong nước và nhập khẩu các loại máy bơm, phụ tùng thay thế đồng bộ, tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất và sửa chữa đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao và phải thực hiện ngay trong kế hoạch 6 tháng cuối năm 1978.
4. Bộ Cơ khí và luyện kim giao trách nhiệm cho các xí nghiệp cơ khí đẩy mạnh việc gia công, chế tạo và giao đồng bộ theo đơn đặt hàng các loại máy bơm dầu của Bộ Thủy lợi được ghi thành chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước. Cùng Bộ Thủy lợi lập kế hoạch và thực hiện việc sản xuất phụ tùng thay thế và sửa chữa các loại máy bơm sản xuất trong nước và nước ngoài; ký hợp đồng trang bị cho Bộ Thủy lợi tự sản xuất một số phụ tùng thay thế cần thiết cho máy bơm. Những việc trên phải bắt đầu làm cho kế hoạch 6 tháng cuối năm 1978.
Trong năm 1978 Bộ Cơ khí và luyện kim cần phối hợp cùng Bộ Thủy lợi nghiên cứu chế tạo một số loại máy bơm có đầu nước cao và hiệu suất lớn phù hợp với những địa hình phức tạp.
5. Tổng cục Hóa chất có nhiệm vụ sản xuất các mặt hàng hóa chất và cao su cần thiết đi theo máy bơm, đảm bảo nhu cầu lắp ráp đồng bộ máy bơm mới và nhu cầu phụ tùng thay thế cho các máy bơm đang sử dụng. Đặc biệt chú ý ống bơm và dây cua-roa thay thế. Bộ Thủy lợi theo dõi phối hợp với Tổng cục Hoa chất để việc thực hiện kế hoạch phù hợp với yêu cầu thời vụ sản xuất.
6. Bộ Vật tư phải đảm bảo việc cung ứng đủ, kịp thời, thuận tiện, đồng bộ các loại vật tư, thiết bị, phụ tùng thay thế, nhiên liệu và các loại dầu cần thiết cho máy bơm dầu theo kế hoạch. Bộ Thủy lợi phối hợp theo dõi và đôn đốc.
7. Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Vật giá Nhà nước…phải phối hợp chặt chẽ với Bộ Thủy lợi giải quyết tốt các vấn đề có liên quan đến việc trang bị, quản lý và sử dụng máy bơm dầu. Bộ Thủy lợi chủ động đặt yêu cầu và cùng các ngành thực hiện trong 6 tháng đầu năm 1978.
8. Ủy ban nhân dân các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương cần nhận thức đúng tác dụng quan trọng và lâu dài của máy bơm dầu trong sản xuất nông nghiệp để làm chủ lực lượng bơm dầu trong địa phương mình, có sự chỉ đạo ngành thủy lợi và các ngành có liên quan trong tỉnh phối hợp chặt chẽ, cùng nhau giải quyết tốt các yêu cầu về tổ chức, tiền vốn, về cung ứng vật tư, thiết bị, phụ tùng, nhiên liệu cho các máy bơm dầu ở địa phương, tạo điều kiện cho ngành thủy lợi đảm nhận việc quản lý, sử dụng và sửa chữa máy bơm dầu được tốt, đặc biệt chú trọng tận dụng khả năng cơ khí địa phương sửa chữa kịp thời các máy bơm trong tỉnh. Ủy ban nhân dân tỉnh quy định cụ thể trách nhiệm cho ngành thủy lợi và các ngành có liên quan, giao nhiệm vụ có định rõ thời hạn hoàn thành và có kiểm tra đôn đốc.
Trên đây nêu lên một số vấn đề chủ yếu, mỗi ngành, mỗi địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình phối hợp chặt chẽ với Bộ Thủy lợi thực hiện tốt chỉ thị này.
Tháng 7 năm 1978 Bộ Thủy lợi chủ trì cùng các ngành có liên quan và các tỉnh kiểm điểm việc thực hiện chỉ thị này và báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15 tháng 8 năm 1978.
|
K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHÓ THỦ TƯỚNG
Phạm Hùng |