THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******
|
Số:
500-TTg
|
Hà
Nội, ngày 26 tháng 10 năm 1978
|
CHỈ THỊ
VỀ CÔNG TÁC LƯƠNG THỰC VỤ MÙA 1978
Vụ chiêm xuân 1978, ở miền Bắc,
tuy không được mùa, nhưng trước tình hình và nhiệm vụ mới, nhiều tỉnh đã động
viên nhân dân ra sức đẩy mạnh sản xuất, tiết kiệm tiêu dùng, đóng góp lương thực
gần đạt mức kế hoạch Nhà nước.
Tỉnh Hà Sơn Bình đã hoàn thành
vượt mức kế hoạch huy động sớm nhất; các tỉnh Hà Bắc, Thái Bình, Hà Nam Ninh, Hải
Hưng, Cao Lạng, Hoàng Liên Sơn cũng đã hoàn thành vượt mức kế hoạch. Tuy vậy,
có nơi đánh giá sản xuất chưa sát, chỉ đạo thiếu khẩn trương, cho nên kết quả đạt
được còn thấp.
Tình hình lương thực của cả nước
hiện nay khó khăn hơn mấy năm trước. Nhà nước huy động lương thực không đạt kế
hoạch phải nhập khẩu nhiều hơn. Vụ hè thu, vụ mùa năm 1978, mưa lụt làm mùa
màng ở nhiều tỉnh miền Bắc và Nam Bộ bị thất bát nặng. Nhưng bên cạnh những nơi
bị mất, nhiều nơi khác lại bội thu. Sản xuất màu ở nhiều vùng phát triển khá.
Triển vọng sản lượng sắn có thể gấp hai lần so với năm 1976. Nhiều nơi đang chuẩn
bị tích cực trồng màu, nhất là khoai tây vụ đông.
Trước tình hình đó, nhiệm vụ
công tác lương thực trước mắt là: “ra sức khắc phục hậu quả của lũ lụt, sớm ổn
định sinh hoạt của nhân dân. Phát động phong trào toàn dân, toàn quân ra sức đẩy
mạnh sản xuất lương thực ở mọi nơi, bằng mọi cách, tăng nhanh diện tích gieo trồng
các loại rau màu vụ đông, tăng diện tích lúa, màu và cây công nghiệp vụ chiêm
xuân năm 1979. Chỉ đạo tốt việc khẩn trương thu hoạch lúa mùa, tránh hư hao
lãng phí, đồng thời đẩy mạnh công tác huy động lương thực vụ mùa nhanh gọn ngay
trong và sau khi thu hoạch. Quản lý phân phối chặt chẽ lương thực trong khu vực
Nhà nước và hợp tác xã nông nghiệp và cứu trợ kịp thời những vùng bị lũ lụt nặng”.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các
ngành, các địa phương làm tốt những việc sau đây:
1. Về công
tác huy động lương thực: Trước tình hình lương thực cả nước đang có nhiều
khó khăn, những địa phương được mùa hay mùa màng bình thường, ít bị ảnh hưởng của
bão lụt, cần chỉ đạo các hợp tác xã hoàn thành mức kế hoạch huy động cả năm và
trả các khoản nợ Nhà nước (nếu có), đồng thời tiết kiệm tiêu dùng, dành thêm
lương thực bán ngoài kế hoạch cho Nhà nước theo giá khuyến khích.
Đối với vùng bị ngập lụt, phải nắm
vững tình hình cụ thể từng hợp tác xã về mức độ thiệt hại, khả năng thu hoạch,
điều kiện sản xuất vụ đông, động viên các hợp tác xã không bị thiệt hại hay chỉ
bị thiệt hại ít, cố gắng làm đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế nông nghiệp cả năm và bán
lương thực vụ này cho Nhà nước theo mức được giao. Những hợp tác xã bị mất trắng
hoặc bị thiệt hại nặng, được xét miễn giảm thuế nông nghiệp theo chính sách.
Trường hợp cần thiết, Nhà nước sẽ hỗ trợ cho những hợp tác xã này một phần
lương thực để có điều kiện khôi phục sản xuất, giải quyết đời sống, tỉnh và huyện
hết sức chú ý lãnh đạo bảo đảm những hàng hóa; thuốc men đến tận tay và đúng đối
tượng cần cứu trợ, không để bị mất mát, bị hư hỏng, bị ăn cắp, v.v… Bộ Lương thực
và thực phẩm và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố có trách nhiệm nắm chắc tình
hình sản xuất và đời sống nhân dân từng nơi để định ra mức huy động sát đúng.
Các huyện cần tính toán cân đối
lương thực vụ mùa này để giao mức thuế nông nghiệp và bán lương thực trong kế
hoạch cho Nhà nước với từng hợp tác xã, cố gắng phấn đấu bảo đảm mức huy động
trung ương giao cho tỉnh, và tỉnh giao cho huyện. Mức cụ thể do Bộ Lương thực
và thành phố thông báo cho từng tỉnh, thành phố, sau khi đã trình Thường vụ Hội
đồng Chính phủ quyết định.
Trong tình hình lúa bị thất bát
nặng, càng phải đặc biệt coi trọng công tác đào dỡ, chế biến, thu mua màu để
tăng thêm nguồn lương thực của Nhà nước phân phối cho những đối tượng được Nhà
nước cung cấp. Mặt khác, cần chỉ đạo tốt việc điều hòa màu trong từng huyện, từng
tỉnh, giữa những tỉnh có nhiều màu với những tỉnh bị lũ lụt, thiếu lương thực.
Ủy ban nhân dân những tỉnh có
nhiều màu (nhất là sắn) cần giao nhiệm vụ cho các cơ quan, xí nghiệp, đơn vị bộ
đội… ở địa phương cùng với ngành lương thực, nông nghiệp góp sức với nhân dân tổ
chức đào dỡ chế biến sẵn và bán cho Nhà nước, không để sắn lưu niên.
Các tỉnh miền xuôi có nhu cầu về
sắn để hỗ trợ vùng ngập lụt, cần bàn với Bộ Lương thực và thực phẩm và địa phương
có sắn để bố trí kế hoạch khoanh vùng thu mua hợp lý, và tổ chức vận chuyển
nhanh chóng, bảo đảm phẩm chất sắn tốt. Mặt khác, các địa phương được giao nhiệm
vụ mua hoặc đổi thóc nếp, thóc đặc sản cần cố gắng thực hiện kế hoạch đã định
theo sự hướng dẫn của Bộ Lương thực và thực phẩm.
Các tỉnh, huyện trọng điểm lúa cần
chỉ đạo các hợp tác xã nông nghiệp đổi thóc chăn nuôi của hợp tác xã lấy lúa
mì, vận động xã viên nông dân ăn một phần mì thay gạo, dành thóc đổi cho Nhà nước,
để có điều kiện bảo đảm cung cấp thêm một phần gạo cho bộ đội, công nhân viên ở
các thành phố và khu công nghiệp tập trung. Bộ Lương thực và thực phẩm bàn bạc
cụ thể với các tỉnh và thành phố một cách toàn diện việc trao đổi này, từ số lượng,
vận chuyển, địa điểm, thời gian giao đổi, v.v…
Ngành Lương thực cần mở mạng lưới
thu mua rộng khắp, bố trí địa điểm cần nhận thuận tiện và phối hợp chặt chẽ với
ngân hàng để giải quyết kịp thời vấn đề thanh toán cho hợp tác xã và xã viên,
nông dân, không làm ảnh hưởng đến thời gian sản xuất của đồng bào.
Các ngành vật tư và nội thương cần
làm tốt việc cung ứng hàng hóa cho các huyện để bán ra kết hợp với thu mua
lương thực. Những nơi đã ký hợp đồng hai chiều với các hợp tác xã cần bảo đảm
thực hiện cung ứng vật tư, hàng hóa theo đúng hợp đồng đã ký.
2. Về phân
phối và tiêu dùng lương thực.
a) Các địa phương cần vận động
phong trào tiết kiệm tiêu dùng lương thực, nghiêm cấm tệ nấu rượu lậu, không sử
dụng lương thực lãng phí trong các cuộc hội họp, lễ tết từ nông thôn đến thành
thị. Đồng thời, đặt mạnh vấn đề tương trợ trong nông thôn sau khi đã làm nghĩa
vụ với Nhà nước, giải quyết tốt việc điều hòa lương thực giữa các huyện, xã mùa
màng bình thường hoặc khá với vùng bị thiên tai.
b) Đối với các hợp tác xã vùng
rau thuộc vành đai thực phẩm quanh thành phố, khu công nghiệp lớn, vùng trồng
cây công nghiệp và chăn nuôi tập trung theo kế hoạch và quy hoạch, có bán sản
phẩm cho Nhà nước mà thiếu lương thực, cần thực hiện định mức lương thực cung cấp
thông qua hợp đồng hai chiều, bảo đảm cho những hợp tác xã này có mức ăn tương
đương với mức ăn bình quân của hợp tác xã sản xuất lương thực trong vùng. Việc
cung ứng lương thực cũng như các loại vật ư, hàng hóa khác phải gắn chặt với
công tác thu mua sản phẩm của hợp tác xã. Những hợp tác xã thực hiện đúng kế hoạch
sản xuất và bán sản phẩm cho Nhà nước được cung cấp lương thực theo mức đã định.
Những hợp tác xã không thực hiện đúng kế hoạch sản xuất, và bán sản phẩm cho
Nhà nước, Ủy ban nhân dân huyện phải xem xét kỹ nguyên nhân để quy định mức
cung ứng lương thực hợp lý.
3. Về tổ chức
chỉ đạo thực hiện.
Thi hành chỉ thị của Thủ tướng
Chính phủ về công tác lương thực vụ mùa năm 1978 cùng với các nghị quyết của Hội
đồng Chính phủ về việc vận động phong trào sản xuất lương thực, khắc phục hậu
quả của lũ lụt, về phát triển hoa màu, là nhiệm vụ cấp bách, khẩn trương, mà
chính quyền các cấp cần tập trung sức làm cho tốt.
Cần tăng cường công tác giáo dục
tư tưởng, chính trị trong đảng viên, cán bộ và quần chúng để mỗi người thấy rõ
khó khăn chung về lương thực của cả nước hiện nay, đồng thời nhận thức đầy đủ về
truyền thống cách mạng, tinh thần tự lực tự cường của nhân dân và khả năng sản
xuất của từng địa phương để ra sức phấn đấu góp phần phát triển sản xuất, ổn định
nhanh đời sống, chống tư tưởng vô trách nhiệm, bàng quan, tiêu cực trước khó
khăn…
Ủy ban nhân dân các địa phương
cũng như các ngành có trách nhiệm ở trung ương cần phối hợp chặt chẽ, đặc biệt
phấn đấu hoàn thành nhanh gọn nhiệm vụ huy động lương thực vụ mùa, đồng thời giải
quyết tốt đời sống nhân dân vùng ngập lụt, tạo điều kiện vươn lên giành những vụ
sản xuất lương thực bội thu trong năm 1979.
|
KT.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG
Phạm Hùng
|