BỘ
NÔNG NGHIỆP
******
|
VIỆT
NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
20-NN-CT
|
Hà
Nội, ngày 31 tháng 10 năm 1962
|
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC CHẤN CHỈNH VÀ XÂY DỰNG TRẠM TRUYỀN GIỐNG GIA SÚC BẰNG
THỤ TINH NHÂN TẠO
Kính gửi:
|
- Ủy ban hành chính các khu, tỉnh,
thành
- Các Sở, Ty Nông lâm, Nông nghiệp
|
I. NHIỆM VỤ, PHƯƠNG HƯỚNG TRUYỀN GIỐNG
BẰNG THỤ TINH NHÂN TẠO CHO GIA SÚC
Từ 1957 đến 1959, chúng ta đã bắt
đầu tổ chức trạm truyền giống trực tiếp trâu, bò, lợn, ngựa, nhưng kết quả chưa
được bao nhiêu. Đến 1960, một số trạm đã trở thành trại thí nghiệm tổng hợp của
tỉnh, số rất ít còn lại chuyển sang trạm truyền giống bằng thụ tinh nhân tạo
như: Trùng-khánh (Cao bằng), Thuận thành (Bắc ninh). Từ cuối 1961-1962, vấn đề
thụ tinh nhân tạo gia súc được chú trọng hơn; một số trạm cũ được phục hồi;
công tác truyền giống bằng thụ tinh nhân tạo có tiến bộ, nhất là truyền giống lợn.
Tuy nhiên, do nhiệm vụ, phương hướng trạm truyền giống gia súc chưa rõ ràng, kế
hoạch tổ chức và phương pháp hoạt động của trạm có nhiều thiếu sót; kỹ thuật
chuyên môn còn lúng túng, nên tác dụng của việc truyền giống bị hạn chế, kết quả
truyền giống bằng thụ tinh nhân tạo cho gia súc còn rất ít so với yêu cầu.
Căn cứ vào ưu khuyết điểm và
kinh nghiệm của công tác truyền giống trong những năm vừa qua, để đáp ứng được
yêu cầu của việc phát triển chăn nuôi trong thời gian tới, nhiệm vụ, phương hướng
truyền giống bằng thụ tinh nhân tạo là: từ nay đến năm 1965, xây dựng màng lưới
trạm truyền giống bằng thụ tinh nhân tạo cho trâu bò, lợn nhằm góp phần giải
quyết thiếu đực giống, đẩy mạnh sinh sản và nâng cao chất lượng gia súc. Phấn đấu
đến năm 1965, truyền giống bằng thụ tinh nhân tạo được 9-10% tổng số trâu bò
cái và 13-15% tổng số lợn nái. Ở những vùng có giống gia súc tốt, vùng chăn
nuôi sinh sản lợn, hầu hết gia súc cái cần được thụ tinh nhân tạo, hoặc có đủ đực
giống để phối tinh, đảm bảo mức sinh sản cao nhất.
Về phương châm: dùng đực tốt hiện
có trong nước để truyền giống là chính. Nơi có thức ăn dồi dào và đã cải tiến
được việc chăn vỗ, nếu quần chúng yêu cầu, có thể dùng đực thuần chủng nước
ngoài để lai kinh tế.
II. CHỦ TRƯƠNG VÀ BIỆN PHÁP TIẾN HÀNH
1. Về mặt tổ chức
Để thực hiện nhiệm vụ trên đến
năm 1965, toàn miền Bắc xây dựng 32 trạm thụ tinh nhân tạo (trong đó có 12 trạm
tổng hợp, 5 trạm trâu bò và 15 trạm lợn), đồng thời sẽ lập khoảng 172 phân trạm
và tổ chức màng lưới thụ công viên (người làm công tác thụ tinh nhân tạo), đảm
bảo truyền giống khắp các vùng có chăn nuôi sinh sản lớn, và những vùng thiếu đực
giống nhất trong từng địa phương (xem phụ bản).
Mỗi tỉnh Trung du và đồng bằng cần
lập một trạm trung tâm thụ tinh nhân tạo theo hướng tổng hợp (trâu, bò, lợn);
riêng những tỉnh lớn như: Thanh hóa, Nghệ an …có thể lập hai trạm trung tâm tổng
hợp, hoặc trạm trâu bò riêng, trạm lợn riêng, nếu vùng sinh sản về lợn cách xa
vùng sinh sản về trâu, bò.
Đối với những tỉnh miền núi,
giao thông liên lạc khó khăn, thì chủ yếu là vận động các hợp tác xã chọn, nuôi
đủ đực giống tốt. Nơi cần thiết và có điều kiện (điện, nước…) có thể lập trạm
thụ tinh nhân tạo với quy mô nhỏ, nhằm truyền giống tốt cho một số vùng chăn
nuôi sinh sản trong phạm vi hẹp; đồng thời lấy thực tế đó tuyên truyền vận động
các nơi khác cải tiến kỹ thuật chăn nuôi. Chú trọng lập những trạm truyền giống
trực tiếp cho ngựa trên các tuyến đường giao thông.
Trong việc xây dựng cơ sở thụ
tinh nhân tạo cần chú ý mấy điểm sau đây:
- Tận dụng những phương tiện sẵn
có và có cơ sở cũ; trang bị thêm hoặc mở rộng quy mô, xây dựng thành một trạm
có khả năng tiến lên hiện đại. Nhưng nếu trạm cũ ở chỗ không có điện, nước thiếu,
thiếu đất để mở rộng quy mô, quá xa vùng chăn nuôi sinh sản của tỉnh…thì kiên
quyết chọn địa điểm khác có điều kiện thuận lợi hơn để xây dựng trạm mới.
- Phạm vi phát tinh của phân trạm
nói chung là theo đơn vị hành chính (huyện, xã). Nhưng đặc biệt lúc đầu cũng có
thể tùy theo điều kiện giao thông, liên lạc và tình hình phân bổ đàn gia súc mà
phân phối tỉnh giữa các vùng chăn nuôi sinh sản gần nhau nhưng đơn vị hành
chính khác nhau.
Các trại thí nghiệm nông nghiệp
tổng hợp, trại trường, nông trường cũng là những phân trạm thụ tinh nhân tạo,
có nhiệm vụ phát tinh cho những xã chung quanh trại trường và nông trường theo
quy định của tỉnh.
- Trong các trại thí nghiệm nông
nghiệp tổng hợp tinh, bộ phận chăn nuôi cần kết hợp với công tác nghiên cứu,
thí nghiệm mà chăn nuôi một số lợn nái sinh sản để cung cấp đực giống tốt cho
trạm thụ tinh nhân tạo, thường xuyên thay thế số đực giống già, mắc bệnh kém
năng lực.
Nếu địa phương không có trại tổng
hợp, trạm thụ tinh nhân tạo lợn phải tổ chức một bộ phận chăn nuôi lợn sinh sản
để tự cung cấp số đực giống cần thiết cho nhu cầu của truyền giống.
2. Các bước công tác
a) Bước một (Từ nay đến
cuối 1962):
- Các tỉnh tiến hành điều tra cơ
bản, hoặc khảo sát về giống gia súc (chủ yếu trâu, bò, lợn) qua đó xác định nhiệm
vụ phương hướng truyền giống cụ thể đối với từng vùng trong địa phương;
- Điều tra chọn địa điểm tập
trung trung tâm thụ tinh nhân tạo, xác định những vùng chăn nuôi sinh sản để tập
trung công tác truyền giống, đồng thời xác định địa điểm tổ chức phân trạm;
- Chuẩn bị đực giống, dụng cụ,
hóa chất cần thiết cho công tác thụ tinh nhân tạo;
- Dự trù kinh phí, kiến thiết cơ
bản về trạm trung tâm thụ tinh nhân tạo của tỉnh, cần phải được duyệt ngay
trong cuối năm 1962, để đến đầu 1963 có thể bắt tay xây dựng.
- Đào tạo thụ công viên và bồi
dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ giống về kỹ thuật thụ tinh nhân tạo: lấy tinh, pha
chế tinh, bảo tồn và kiểm tra tinh dịch v.v…
b) Bước hai (năm 1963):
- Trong sáu tháng đầu năm, ở những
tỉnh có điều kiện lập trạm thì tiến hành chấn chỉnh, mở rộng cơ sở cũ, hoặc
hoàn thành xây dựng trạm mới và bắt đầu phát tinh cho những vùng chăn nuôi sinh
sản;
- Tiếp tục giải quyết dụng cụ,
thiết bị cho trạm;
- Nghiên cứu phương pháp pha chế,
bảo tồn tinh dịch được lâu; thích hợp với những trạm ở cách xa thị trấn, không
có điện và nước đá.
c) Bước ba (từ
1964-1965):
- Nói chung các tỉnh tiếp tục củng
cố, mở rộng quy mô trạm, phát triển màng lưới, đảm bảo dẫn tinh rộng khắp các
vùng chăn nuôi sinh sản về lợn và trâu bò;
III. CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN
Để thực hiện việc truyền giống
gia súc bằng thụ tinh nhân tạo, Bộ lưu ý các cấp, các ngành những điểm sau đây:
- Vụ Chăn nuôi và Học viện Nông
lâm nghiên cứu hướng dẫn các tỉnh về công tác điều tra cơ bản, về thiết kế xây
dựng trạm, về kỹ thuật thụ tinh nhân tạo; giúp tỉnh xác định nhiệm vụ phương hướng
biện pháp truyền giống đối với từng vùng;
- Các Sở, Ty Nông lâm, Nông nghiệp,
căn cứ tình hình cụ thể của địa phương, giúp Ủy ban xác định các vùng chăn nuôi
sinh sản (chủ yếu trâu, bò, lợn) xây dựng mức truyền giống bằng thụ tinh nhân tạo
đối với mỗi loại gia súc trong kế hoạch 5 năm và từng năm: trước mắt lập trạm
thụ tinh nhân tạo trung tâm của tỉnh, đảm bảo mọi điều kiện của trạm trung tâm
và phân trạm;
Ở nơi nào lập trạm truyền giống
bằng thụ tinh nhân tạo, các Sở, Ty Nông lâm, Nông nghiệp cần phối hợp với các
ngành giáo dục, tuyên truyền và các đoàn thể phụ nữ, thanh niên, để phổ biến rộng
rãi ý nghĩa, tác dụng của thụ tinh nhân tạo đối với gia súc, nhằm động viên
đông đảo quần chúng tham gia; giải quyết tư tưởng, quan niệm không đúng với thụ
công viên;
- Ủy ban hành chính cần lãnh đạo
chặt chẽ công tác này; nhất là bố trí cán bộ có năng lực phụ trách trạm và giáo
dục cải tạo, sử dụng những chủ lợn hạch; đồng thời nghiên cứu quy định chế độ
thù lao thích đáng để khuyến khích vật chất đối với những phân trạm trưởng và
thụ công viên cho sát với tình hình cụ thể của từng địa phương.
Phương hướng truyền giống gia
súc và kế hoạch lập trạm trung tâm thụ tinh nhân tạo của các tỉnh, khu cần gửi
về Bộ duyệt trong năm 1962, để sang đầu năm 1963 có thể bắt tay vào việc xây dựng.
|
BỘ
TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP
Nghiêm Xuân Yêm
|