ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 17/2002/CT-UB
|
TP. Hồ Chí Minh, ngày 19 tháng 8
năm 2002
|
CHỈ THỊ
VỀ RÀ SOÁT CÁC VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP
LUẬT NHẰM THỰC HIỆN HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI VIỆT NAM-HOA KỲ.
Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ có hiệu lực từ ngày
10 tháng 12 năm 2001. Việc ký kết và thực hiện Hiệp định này là một bước tiến
mới trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới của nước ta, đồng thời cũng là
một thách thức lớn đòi hỏi sự nỗ lực của các ngành, các cấp, các doanh nghiệp.
Ngày 12 tháng 3 năm 2002, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số
35/2002/QĐ-TTg ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Hiệp
định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ, trong đó giao nhiệm vụ cho Ủy ban nhân dân
các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành rà soát, điều chỉnh các văn
bản quy phạm pháp luật trong thẩm quyền ban hành cho phù hợp với yêu cầu về
thực hiện Hiệp định (Xem Hiệp định này ở Công báo số 7 và 8 năm 2002).
Thực hiện nhiệm vụ trên và căn cứ vào Nghị định số
93/2001/NĐ-CP ngày 12 tháng 12 năm 2001 của Chính phủ về phân cấp quản lý một
số lĩnh vực cho thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân thành phố chỉ thị Thủ
trưởng các sở-ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận-huyện tiến hành công tác
rà soát văn bản quy phạm pháp luật theo các nội dung sau :
I- YÊU CẦU VÀ PHẠM VI RÀ SOÁT :
1. Các sở-ngành, quận-huyện trong phạm vi nhiệm vụ và lĩnh
vực quản lý Nhà nước của mình, tiến hành rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung
các quy định hiện hành có liên quan đến việc thực hiện Hiệp định Thương mại
Việt Nam - Hoa Kỳ (sau đây gọi tắt là Hiệp định). Phạm vi rà soát, kiến nghị
bao gồm :
1.1- Văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân và Ủy
ban nhân dân ban hành chưa được bãi bỏ trong những đợt rà soát trước đây.
1.2- Đề xuất những quy định mới cần thiết trong việc quản lý
và phát triển kinh tế - xã hội đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền quy định
của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân.
1.3- Phát hiện, kiến nghị đối với các văn bản quy phạm pháp
luật của cơ quan Nhà nước cấp trên không còn phù hợp.
2. Trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ và qua thực
hiện công tác rà soát, nếu phát hiện những vấn đề không thuộc thẩm quyền của
Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân nhưng cần có sự điều chỉnh hoặc quy định
mới để phục vụ cho việc thực hiện Hiệp định thì các sở-ngành đề xuất và dự thảo
văn bản để Ủy ban nhân dân thành phố báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét,
quyết định.
Ngoài ra, trong quá trình rà soát, nếu phát hiện các văn bản
do Ủy ban nhân dân thành phố hay các sở-ngành ban hành tuy không phải là văn
bản quy phạm pháp luật nhưng chứa đựng các nội dung có thể gây trở ngại cho
việc thực hiện Hiệp định thì các sở-ngành có văn bản kiến nghị Ủy ban nhân dân
thành phố điều chỉnh, sửa đổi nếu là văn bản do Ủy ban nhân dân thành phố ban
hành hoặc tự mình điều chỉnh sửa đổi trong trường hợp là văn bản do sở-ngành
ban hành và có báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố.
II.- PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM :
1. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các ngành liên
quan rà soát, kiến nghị các quy định trong lĩnh vực đầu tư, các chính sách về
ưu đãi đầu tư nhằm thu hút đầu tư từ Hoa Kỳ.
2. Sở Thương mại chủ trì phối hợp với các ngành liên quan rà
soát, kiến nghị các quy định trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, xuất nhập
khẩu, quy định về giải quyết tranh chấp thương mại có thể phát sinh.
3. Sở Tài chánh-Vật giá chủ trì phối hợp với các ngành liên
quan rà soát, kiến nghị các quy định trong lĩnh vực thuế, phí, lệ phí và các
chính sách ưu đãi về tài chính.
4. Sở Lao động-Thương binh và xã hội chủ trì phối hợp với
các ngành liên quan rà soát, kiến nghị các quy định trong lĩnh vực lao động,
đặc biệt trong việc tuyển dụng lao động là người nước ngoài và tuyển dụng lao
động cho các tổ chức, Công ty nước ngoài.
5. Sở Khoa học-Công nghệ và Môi trường chủ trì phối hợp với
các ngành liên quan rà soát, kiến nghị các quy định về kiểm tra chất lượng hàng
hóa, bảo vệ bản quyền và sở hữu trí tuệ.
6. Sở Ngoại vụ chủ trì phối hợp với các ngành liên quan rà
soát, kiến nghị các quy định về xuất-nhập cảnh vì mục đích kinh doanh.
7. Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp chủ trì phối hợp với các
ngành liên quan rà soát, kiến nghị các quy định nhằm sắp xếp lại doanh nghiệp
và nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp.
8. Sở Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra lại các danh mục văn
bản và thẩm định tất cả các văn bản của các cơ quan nói trên soạn thảo trước
khi Ủy ban nhân dân thành phố ban hành.
9. Hội đồng phối hợp công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo
dục pháp luật của thành phố chịu trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến nội dung
Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ để cán bộ, công chức và nhân dân có sự
hiểu biết đầy đủ về tinh thần và nội dung của Hiệp định, nhận thức đúng đắn các
quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương và doanh
nghiệp trong việc thực hiện Hiệp định.
III.- TRÌNH TỰ VÀ TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN :
1. Rà soát, lập danh mục văn bản quy phạm pháp luật và báo
cáo những nội dung chưa có văn bản quy định :
1.1- Lập danh mục văn bản chung và phân loại văn bản thành 3
danh mục :
- Danh mục văn bản còn phù hợp : là những văn bản đang có
hiệu lực pháp luật và nội dung văn bản vẫn phù hợp với việc thực hiện Hiệp
định.
- Danh mục văn bản đề nghị bãi bỏ : là những văn bản mà toàn
bộ hoặc hầu hết nội dung trong văn bản không còn phù hợp với việc thực hiện
Hiệp định.
- Danh mục văn bản cần sửa đổi, bổ sung : là những văn bản
đang áp dụng nhưng có một số nội dung không còn phù hợp.
1.2- Báo cáo những nội dung chưa có quy định cần phải ban hành
mới và đề xuất về hình thức văn bản.
Thời gian thực hiện : Từ nay đến ngày 31 tháng 8 năm 2002.
2. Soạn thảo những văn bản để sửa đổi, bổ sung những văn bản
hiện hành cho phù hợp với việc thực hiện Hiệp định.
Thời gian thực hiện : Hoàn thành trong quý III/2002.
3. Soạn thảo những văn bản để quy định những nội dung mới
thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố.
Thời gian thực hiện : Hoàn thành trong quý IV/2002.
IV.- TỔ CHỨC THỰC HIỆN :
1. Căn cứ sự phân công trên, yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan
có liên quan có kế hoạch khẩn trương tổ chức thực hiện; chủ động phối hợp với
các cơ quan, ban ngành có liên quan để đảm bảo cho việc rà soát, soạn thảo văn
bản đúng tiến độ và hiệu quả; kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố những
khó khăn, vướng mắc cần giải quyết.
2. Căn cứ vào phạm vi rà soát, trình tự và tiến độ thực hiện
quy định tại Chỉ thị này, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận-huyện tổ chức triển
khai công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật do mình ban hành và kiến nghị
đối với văn bản của cấp trên.
3. Sở Tư pháp có trách nhiệm đôn đốc, nhắc nhở việc thực
hiện Chỉ thị này và tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố tiến độ thực
hiện./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH/THƯỜNG TRỰC
Nguyễn Thiện Nhân
|