ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẢI DƯƠNG
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 07/CT-UBND
|
Hải Dương, ngày 21 tháng 02 năm 2019
|
CHỈ THỊ
VỀ
VIỆC TẬP TRUNG TRIỂN KHAI NGĂN CHẶN BỆNH DỊCH TẢ LỢN CHÂU PHI XÂM NHIỄM VÀO ĐỊA
BÀN TỈNH HẢI DƯƠNG
Theo thông tin của Tổ chức Thú y thế
giới (OIE), đến nay đã có 20 Quốc gia và vùng lãnh thổ xuất hiện bệnh Dịch tả
lợn Châu phi. Tại Trung Quốc dịch bệnh xảy ra với 105 ổ dịch tại 25 tỉnh, thành
phố; tổng số lợn buộc phải tiêu hủy là gần 01 triệu con. Đối với tình hình dịch bệnh tại Việt Nam, ngày
19/02/2019 Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức thông báo về bệnh Dịch tả
lợn Châu phi đã xuất hiện tại 02 tỉnh là Hưng Yên (xã Trung Nghĩa, thành phố
Hưng Yên, xã Yên Hòa, huyện Yên Mỹ) và Thái Bình (xã Đông Đô, huyện Hưng Hà)
nguy cơ dịch bệnh lây lan vào địa bàn tỉnh Hải Dương trong thời gian tới là rất cao.
Thực hiện Chỉ thị
số 04/CT-TTg ngày 20/02/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai đồng bộ
các giải pháp cấp bách khống chế bệnh Dịch tả lợn Châu phi. Để chủ động phòng,
chống ngăn chặn sự xâm nhiễm và lây lan của virút Dịch tả lợn Châu phi vào địa
bàn tỉnh Hải Dương, giảm thiểu thiệt hại cho ngành chăn nuôi, đảm bảo an sinh
xã hội. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Ủy ban nhân dân các huyện, thành
phố, thị xã; các Sở, ban ngành có liên quan tập trung chỉ đạo và tổ chức thực
hiện đồng bộ các giải pháp để ngăn chặn xâm nhiễm và lây lan bệnh Dịch tả lợn
vào địa bàn và khống chế kịp thời khi có ổ dịch phát sinh theo đúng quy định của
Luật Thú y, các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về việc ngăn chặn bệnh
Dịch tả lợn Châu phi; trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ chủ yếu sau đây:
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các
huyện, thành phố, thị xã:
- Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm
soát, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán,
giết mổ lợn, sản phẩm từ lợn nhập lậu, không rõ nguồn gốc, kể cả các sản phẩm
từ lợn đã qua chế biến chín (thịt muối, hun khói, xúc xích,...) trên địa bàn
quản lý;
- Chỉ đạo cơ quan chuyên môn tổ chức
kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh trên đàn lợn, giám sát phát hiện sớm lợn
ốm, chết bất thường không rõ nguyên nhân hoặc có biểu hiện triệu chứng nghi ngờ
mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm (Dịch tả lợn cổ điển, Tai xanh,....); tiến hành
kiểm tra xác minh, điều tra yếu tố gây bệnh. Đối với trường hợp lợn nghi ngờ mắc
bệnh Dịch tả lợn Châu phi thì tiến hành lấy mẫu xét nghiệm xác
định nguyên nhân bệnh và báo cáo về cơ quan chuyên ngành thú y cấp tỉnh để kịp
thời xử lý;
- Khẩn trương xây dựng phương án ứng
phó bệnh Dịch tả lợn Châu phi trên địa bàn cấp huyện theo Kế hoạch số
1767/SNN-KH-TY ngày 23/10/2018 của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hải Dương làm cơ
sở triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh có hiệu quả;
- Thành lập đoàn công tác kiểm tra,
đôn đốc việc thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu phi;
các phương án xử lý khi có dịch bệnh xảy ra trên địa bàn quản lý;
- Duy trì, củng cố hệ thống thú y cơ
sở theo đúng quy định của Luật Thú y; đảm bảo tiêu chuẩn đối với chức danh Thú
y xã, phường, thị trấn theo Hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT (Thông tư số
29/2016/TT-BNNPTNT);
- Tăng cường công tác tuyên truyền về
tác hại của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, bệnh Dịch tả lợn Châu phi, các dấu
hiệu nhận biết, chẩn đoán phân biệt; các biện pháp phòng bệnh chủ động; vận
động người chăn nuôi thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, tăng tần suất vệ
sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại và khu vực xung quanh bằng các hóa chất có
tính sát khuẩn mạnh nhằm tiêu diệt mầm bệnh; tuyên truyền cho người dân không
mua bán lợn và các sản phẩm từ lợn không có nguồn gốc rõ ràng, chưa qua kiểm
dịch thú y.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn:
- Thường xuyên cập nhật, nắm bắt
thông tin, diễn biến tình hình dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi; tổ chức thực
hiện tốt các giải pháp phòng bệnh chủ động theo Hướng dẫn kỹ thuật của Trung
ương nhằm ngăn chặn xâm nhiễm bệnh Dịch tả lợn Châu Phi vào địa bàn tỉnh ta;
- Chỉ đạo Chi cục
Thú y tỉnh phân công lãnh đạo và cán bộ kỹ thuật bám sát địa phương, tăng cường
theo dõi, giám sát đàn lợn trên địa bàn tỉnh; nếu phát hiện lợn bệnh với các
triệu chứng, bệnh tích điển hình của bệnh Dịch tả lợn Châu
Phi hoặc nghi là lợn và các sản phẩm từ lợn nhập lậu trái phép thì cần lấy mẫu
gửi đến Phòng thí nghiệm được Cục Thú y chỉ định để chẩn đoán, xét nghiệm xác
định tác nhân gây bệnh để xử lý ổ dịch trong phạm vi
hẹp không để lây lan, giảm thiểu thiệt hại cho người dân;
- Tổ chức tuyên truyền đến cộng đồng
dân cư để người dân không tham gia các hoạt động buôn bán, vận chuyển lợn, sản
phẩm của lợn nhập lậu vào trong nước tiêu thụ; không mua bán lợn và các sản
phẩm từ lợn (kể cả thịt lợn đã qua chế biến chín) không có nguồn gốc rõ ràng,
chưa qua kiểm dịch thú y để hạn chế phát sinh và lây lan dịch bệnh.
3. Sở Tài chính:
Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp
và PTNT báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định cấp bổ sung kinh phí
để mua sắm hóa chất, vật tư phục vụ công tác phòng, chống dịch Dịch tả lợn Châu
phi; Thẩm định dự toán và bố trí nguồn kinh phí cho công tác phòng, chống dịch
bệnh nhằm chủ động ứng phó khi có ca bệnh, các ổ dịch bệnh Dịch tả lợn Châu phi trên địa bàn tỉnh.
4. Công an tỉnh:
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT;
UBND các huyện, thành phố, thị xã và các đơn vị có liên quan tổ chức kiểm tra,
kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán lợn
và sản phẩm từ lợn nhập lậu, không rõ nguồn gốc lưu thông,
vận chuyển ra, vào địa bàn; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định
của pháp luật.
5. Các Sở, Ban ngành có liên quan
theo chức năng nhiệm vụ được giao chủ động chỉ đạo cơ quan trực thuộc phối hợp
với Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND các huyện, thành phố, thị xã để triển khai các
biện pháp quyết liệt để ngăn chặn sự lây nhiễm bệnh Dịch tả lợn Châu phi vào
địa bàn tỉnh.
6. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam tỉnh, Hội Nông dân tỉnh và các tổ chức đoàn thể chính
trị xã hội khác chủ động tham gia cùng chính quyền địa phương các cấp, các Sở
ngành liên quan trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật nói chung và
bệnh Dịch tả lợn Châu phi nói riêng có hiệu quả.
7. Đài PTTH tỉnh; Báo Hải Dương:
Tăng cường thời lượng để đưa tin, khuyến cáo, tuyên truyền nâng cao nhận thức về việc phòng, chống
bệnh Dịch tả lợn Châu Phi; tác hại của việc buôn bán lợn và các sản phẩm của
lợn không có nguồn gốc rõ ràng, chưa qua kiểm soát của cơ quan thú y đến người
chăn nuôi; khuyến cáo người dân không sử dụng sản phẩm của lợn nhập lậu, không
rõ nguồn gốc,...
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch
UBND các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các Sở, ban ngành liên quan
nghiêm túc thực hiện Chỉ thị này./.
Nơi nhận:
- Như
trên;
- Bộ NN và PTNT; Cục Thú y;
- Lãnh đạo UBND tỉnh;
- Các Sở: NN&PTNT, Tài chính, Công Thương;
- Công an tỉnh;
- Các Sở, Ban ngành có liên quan;
- Đài PTTH tỉnh, Báo Hải Dương;
- Chi cục thú y;
- Lưu: VT, Ô. Chính (25b).
|
CHỦ TỊCH
Nguyễn Dương Thái
|